Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

BỨC TRANH LỊCH SỬ TUYỆT VỜI

Một bài học về lịch sử thế giới. Đây có thể nói là một bức tranh độc đáo, vì người tạo ra nó đã tốn khá nhiều thời gian để lập trình. Qua sự sắp xếp các nhân vật nổi tiếng từ Cổ chí Kim, tác giả đã nối những người đã sống cách đây từ vài chục năm tới vài trăm năm lại với nhau; do đó bức tranh như một bức hình chụp. Nếu muốn thưởng thức trọn vẹn phải mất nhiều thời giờ, có khi cả ngày. 
Bấm vào tranh để phóng to 
Bức tranh có kích thước rất rộng và phải rê chuột từ phải sang trái mới thấy hết được. Muốn biết tên nhân vật nào chỉ cần chỉ mũi tên vào thì tên nhân vật đó sẽ hiện ra, và tiếp tục double click (nhấp chuột 2 lần) vào nhân vật đó thì sẽ hiện ra toàn bộ thân thế và sự nghiệp của nhân vật đó.

Khi hiện ra thân thế sự nghiệp của nhân vật bằng tiếng Anh. Lúc hiện bảng tiếng Anh thì xin mời nhìn sang phía bên trái, mục languages và chọn ngôn ngữ của mình thì sẽ tự động chuyển. Chúc mọi người thành công.
Nếu khó xem thì xin mời click vào đường link dưới đây để thưởng thức :

httpvh://cliptank.com/PeopleofInfluencePainting.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Chết cười ai cũng "Mã đáo", nhưng đáo đến đâu?

Câu chúc Tết nào hay nhất cho năm Ngựa?

(DÂN TRÍ) - ĐÃ THẤY TRONG CÁI LẠNH GIÁ BUỐT MÙI HƯƠNG NẾP THƠM, ĐÃ THẤY LÁ DONG XỐN XANG BÀY BÁN... TẾT CẬN KỀ VÀ NĂM MỚI SẮP SANG. CHÚC TẾT ĐƯỢC XEM LÀ MỘT TRONG NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐẸP NHẤT CỦA NGƯỜI VIỆT. ĐÓN NĂM GIÁP NGỌ, LỜI CHÚC NÀO SẼ LÀ HAY NHẤT?

Theo dân gian, với năm Ngựa, câu chúc "Mã đáo thành công" sẽ là câu chúc Tết hay nhất. Câu chúc “Mã đáo thành công” phù hợp với cả người làm kinh doanh, lẫn người chinh phục con đường quan lộ. Như vậy, Tết năm nay, bên cạnh lời chúc sức khỏe, bạn có thể gửi đến bạn bè, người thân, gia đình, câu chúc "Mã đáo thành công" cho một năm mới 2014 đầy hứa hẹn.


Dưới đây là những câu chuyện thú vị xung quanh câu chúc "Mã đáo thành công".


Lý giải câu chúc “Mã đáo thành công”

Lời chúc xuân hay nhất cho năm ngựa
“Mã đáo thành công” dịch nôm có nghĩa là “ngựa về ắt sẽ thành công” hay “có ngựa ắt sẽ thành công”. Ý nghĩa của câu chúc trên gắn liền với những lý giải như sau:
Xưa kia, ngựa là phương tiện đi lại thuận lợi nhất vì ngựa chạy nhanh, sức bền, thông minh, trung thành. Cuộc sống con người khi xưa rất gần gũi với loài ngựa. Ngựa cùng con người đồng cam cộng khổ trong cuộc sống hàng ngày, trong lao động, đi lại buôn bán và cả khi ra trận. 
Mỗi lần đi làm ăn xa, ngựa cùng con người có khi đi cả năm cả tháng. Khi ra chiến trận, thường “đi mười về một”. Vì vậy, “mã đáo” - “có ngựa quay về” - chính là một hình ảnh ẩn dụ cho sự thành công bởi còn người là còn tất cả.

Lời chúc xuân hay nhất cho năm ngựa
Ngoài ra còn có một cách lý giải khác: Thời xưa, người Trung Quốc ở phương Bắc sinh sống trên các bình nguyên, đồng cỏ thường gia tăng số lượng gia súc trong đàn bằng cách thuần dưỡng ngựa hoang. 
Đến mùa xuân, người ta thường thả ngựa nuôi trong nhà vào các cánh rừng để những con ngựa này dụ ngựa hoang trở về trang trại khi mùa đông khắc nghiệt kéo đến.
Một khi thả ngựa nuôi trong nhà ra thì có hai khả năng xảy đến: hoặc là ngựa của mình vĩnh viễn đi mất (có thể do bị thú dữ ăn thịt, có thể bị người ta bắt mất cũng có thể do nhập đàn với ngựa hoang và bỏ đi luôn...) hoặc là ngựa sẽ quay trở về và còn dẫn theo những con ngựa hoang khác.

Lời chúc xuân hay nhất cho năm ngựa
Vì vậy, hình ảnh ngựa quay về được coi là tượng trưng cho thắng lợi. Ít nhất, nếu ngựa về một mình, vậy là người chủ đã không mất nó, lúc này là “hòa vốn”. Nếu ngựa nhà còn dắt thêm ngựa hoang về cùng là đã bắt đầu “có lãi”. 
Câu chúc “Mã đáo thành công” phù hợp với cả người làm kinh doanh, lẫn người chinh phục con đường quan lộ. Câu chúc này thường được dùng vào dịp năm mới, trong năm ngựa, lời chúc “mã đáo thành công” càng trở nên phù hợp và ý nghĩa.
Lý giải tranh phong thủy “Mã đáo thành công”

Lời chúc xuân hay nhất cho năm ngựa
Các bức tranh về ngựa vốn được xếp vào hàng những món đồ phong thủy. Nhiều người thường chọn hình tượng ngựa để trang trí trong nhà hay tại nơi làm việc bởi theo quan niệm truyền thống, ngựa là con vật trung thành, kiên nhẫn, bền bỉ, nhanh nhẹn và thường mang lại may mắn, tài lộc.
Một trong những món đồ phong thủy thường thấy về loài ngựa là bức tranh ngựa phi nước đại tượng trưng cho sự phát đạt về tiền tài hay thăng tiến về danh vọng. Ngựa phi nước đại còn hàm ý về sự đi xa, rất thích hợp với những người hay đi công tác, thường xuyên bôn ba đây đó. 

Lời chúc xuân hay nhất cho năm ngựa
Nổi tiếng trong dòng tranh ngựa là bức “Mã đáo thành công” thường có tám con ngựa bởi tám - “bát” (八) - khá gần âm với từ “phát”, tức là phát đạt. Tranh phong thủy “Mã đáo thành công” được sử dụng rộng rãi trong đời sống bởi nó phù hợp với nhiều đối tượng, từ người làm ăn buôn bán, theo đuổi tiền tài cho tới người đang trên đường quan lộ, tìm kiếm danh vọng.
Ở tranh “Mã đáo thành công”, ngựa biểu trưng cho tốc độ. Thời cổ, khi chưa có động cơ tân tiến thì ngựa là loài vật chuyên chở có tốc độ cao hàng đầu. Câu nói “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra, xe bốn ngựa cũng không đuổi kịp) đã cho thấy tốc độ ưu việt của ngựa hoặc xe ngựa chỉ thua tốc độ lan truyền của lời nói. 

Lời chúc xuân hay nhất cho năm ngựa
Tranh vẽ tám ngựa còn được cho là bắt nguồn từ điển tích “Bát tuấn đồ” kể về tám con ngựa của Mục Vương bên Trung Quốc, là vị vua thứ năm của nhà Chu. 
“Bát tuấn” (tám con ngựa) có tên Xích Ký, Đạo Ly, Bạch Mã, Du Luân, Sơn Tử, Cừ Hoàng, Hoa Lư và Duyên Nhĩ. Tương truyền, cỗ xe tám ngựa của Mục Vương đã chở nhà vua rong ruổi khắp đất nước để xem xét dân tình thế thái.
Chu Mục Vương được hậu thế tôn vinh là minh quân bởi ông đã có công giúp cho nhà Chu hưng thịnh trở lại. Hình ảnh tám ngựa có lẽ trở nên nổi tiếng cũng một phần nhờ điển tích lịch sử ấy. 
Dòng tranh về ngựa thường có hai loại:

Ngựa phi ra biển
Ngựa phi ra biển: Ngựa tượng trưng cho hành hỏa trong ngũ hành, biển là nước nước tượng trưng cho hành thủy. Hỏa - thủy tương khắc. Ý nghĩa của bức tranh này là mong có một ý chí vươn lên phi thường.

Ngựa phi trên đồng cỏ
Ngựa phi trên đồng cỏ: Đây là bức tranh hợp với phong thủy. Ngựa mệnh hỏa, đồng cỏ gồm cả hai yếu tố mộc (cây cỏ) và thổ (đất đai). Bức tranh ngựa phi trên đồng cỏ là một vòng tròn tương sinh Mộc - Hỏa - Thổ. Treo bức tranh này, gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi.
Bích Ngọc

Tổng hợp


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mưa rơi ở đâu?

“... the sound of the rain needs no translation.”
(Alan Watts quotes Zen roshi Morimoto in his autobiography titled In My Own Way)

Lâu nay, tôi thường đọc, thường nghe câu “mưa rơi không cần phiên dịch” và được nhiều người cho rằng nó là một câu thơ trác tuyệt của nhà thơ Trần Dần.
Lên google, tôi gõ tìm từ khóa mưa rơi không cần phiên dịch trần dần thì được kết quả: About 1,380,000 results (0.28 seconds).
Nguyên văn câu này nằm trong bài thơ dưới đây:
Thơ mini.
 
.nước mất …Ăng k’or còn?
 
.mưa rơi không cần phiên dịch
 
.người?
      người là
             một động vật tượng trưng?
 
.phi tượng trưng - bất thành phu phụ?
 
.từ chữ thơ đi vào cuộc lữ?
 
.duy
   một
     trần dần
con mắt - chạy vào trong?
 
.tôi đau ở…
mỗi người một vụ án?
mỗi người
            chôn
            sống - một chân mây?
 
.tôi đau ở
            tôi thờ văn tự xứ này lên”
 
.tất cả diễn ra trong khói một tia nhìn?
 
.tất cả diễn ra trong lá vắng một tia nhìn?
 
.tôi tắt nốt
            những mặt trời rù
trên
   rù rù
       những đám đông đen?
 
.được ván cờ thua trong buổi chiều quốc hận?
 
.mất ngủ hàng đèn
trong một thủ đô đen?
 
.không mua các động vật dễ dàng hay đi đường dễ.
 
.ngày đêm chạy đèn cù trên một địa đồ đen.
 
.bộ hành cà nhắc? buổi chiều im phăng phắc?
 
.không lời - những đám mây trôi.
 
.có một vùng thơ tên gọi không lời.
 
.bước lặng
tôi về cõi lặng?
một trời -
tôi vẫn lạc quan đen?
 
.mỗi thay đổi chân trời
một thay đổi nhân sinh?
 
.ai?
ai khuấy động những hải dương buồn?
những chân trời biển đắng?
ai khuấy những chiêm bao hoàng tuyền
những giấc kê đen?
 
.ai? ai nấu điện cho những đô thành thoi thóp điện?
cho thế giới buồn phiền…ai nấu giấc kê đen?
 
.không biết sáng sao làm bằng những sao nào?
 
.tôi hỏi cả ngày
những câu hỏi chân mây?
.người thơ
không rắc nước hoa
lên những bông hoa mình trồng
 
.tôi không phải một du khách hành giả - chỗ nào tôi cũng tự nhủ « thế thôi mà? có thế thôi mà? » 
 
.sáng bảnh-bành-banh
mày vẫn ngủ-ngù-ngu.
 
.ai?
ai biết những mặn chát - chân mây
trên bốn biển lệ rì rầm
 
.tôi chỉ sống vì tôi chưa vội chết? tôi chết từ từ phận sống gán cho tôi.
 
.bất tử làm gì? nếu phải mãi mãi sống đìu hiu?
 
.ngắc ngứ chiêm bao
li tán cả vùng sao
trăng mới tự bên Lào
ai thắp xứ chiêm bao?
 
.khi cây khóc hết lá…
nụ cười rêu ngủ đá
khói sau mưa?
 
.mỗi nhà thơ mang một địa ngục? không ai người chung sống nổi với nhà thơ?
 
.không khóc không cười tôi vẫn chỉ lạc quan đen
 
.gió lùa
      trong
          lá vắng
               - nhân sinh?
 
.tôi khóc
    những người bay không - tới nổi chân trời
càng khóc
    những người
          đã - tới chốt
                     ở chân mây?
 
.Nô el? đêm thêm đêm
bao giờ đêm vẫn làm đêm
ngồi buồn tôi nhớ
những người bỏ quên.
 
.viết? giết một cái gì? đầu tiên là là quan niệm viết? rồi luôn đó, một vài cái khác - trong ngoài mình? nếu không viết làm gì?
 
.bốn cẳng chạy tới tận chân trời? không bõ? không bõ? vớt về một canh cánh chiêm bao
 
.tôi vác
       cái đầu ma xó
                 qua những ngã tư…
                 mộng du mưa
                          hai mắt tù mù

Bài thơ trên đã được đăng ở link này của website Tiền Vệ, và cũng đã được trích dẫn và bình luận ở vô số những nơi khác. Chẳng hạn ở những link dưới đây mà tôi tạm lấy làm ví dụ:
“Tôi cho rằng Trần Dần sử dụng thơ như một chất liệu để xây lên đó một ngôn ngữ Việt có tính nghệ thuật cực kỳ hiện đại chứa ẩn nhiều tầng tâm thức. Cho đến nay, ngôn ngữ chạy trên thơ và thơ-văn-xuôi của Trần Dần hoàn toàn khác với tất cả những nhà thơ khác, kể cả những nhà thơ là bạn của ông.
Ngôn ngữ nghệ thuật của Trần Dần giống như một IP Core Network.
Chạy trên nó là những bài thơ có tác dụng như access platform, để người đọc qua đó truy cập được vào các tầng ngôn ngữ.
MƯA RƠI KHÔNG CẦN PHIÊN DỊCH
(Trần Dần)”
Hay:
Phùng Quán tâm sự:
“Các tác phẩm của anh Trần Dần hầu như tôi đều đọc. Có cái tôi hiểu và có cái tôi không hiểu. Nhưng khi tôi hỏi, anh Trần Dần chỉ nói: ‘Mưa rơi không cần phiên dịch’. Ðề nghị anh Trần Dần nói rõ hơn điều này.”
Hay:
Nhà thơ Trần Dần không chủ trương áp đặt nghĩa cho chữ, ông chỉ làm mới những con chữ để tự thân nó phát sáng lên cái nghĩa mới của nó. Đây chính là một sự cách tân theo bề sâu khác với sự cách tân theo bề nổi của con chữ. Trong di cảo thơ đồ sộ của ông, rất nhiều bài thơ mang trong mình một lẽ sống Trần Dần, một nội quan cảm xúc Trần Dần, một triết lý nhân văn kiểu Trần Dần mà đoạn thơ dưới đây là một cửa -sổ –mới:“Nước mất …Ăng k’or còn?/mưa rơi không cần phiên dịch/người?/ người là một động vật tượng trưng?/phi tượng trưng - bất thành phu phụ?/từ chữ thơ đi vào cuộc lữ? duy một/ trần dần/ con mắt - chạy vào trong?/ tôi đau ở…/ mỗi người một vụ án?/ mỗi người chôn sống - một chân mây? / tôi đau ở/ tôi thờ văn tự xứ này lên”/ tất cả diễn ra trong khói một tia nhìn?/ tất cả diễn ra trong lá vắng một tia nhìn”.

*

Sáng nay, tình cờ một người em của tôi, Anthony Ton, post một status trên tường facebook của cậu ấy:
The sound of the rain needs no translation. - Alan Watts
(tạm dịch: “tiếng mưa không cần phiên dịch”)
A, ngộ quá! Tôi lại vào google
và được About 58,900 results (0.20 seconds).
I had a discussion with a great master in Japan, and we were talking about the various people who are working to translate the Zen books into English, and he said, ‘That’s a waste of time. If you really understand Zen, you can use any book. You could use the Bible. You could use Alice in Wonderland. You could use the dictionary, because the sound of the rain needs no translation.
- Alan Watts
Alan Watts quotes Zen roshi Morimoto in his autobiography titled In My Own Way .  Watts (1915-1973) was a British-born philosopher, writer and speaker, best known as an interpreter and popularizer of Eastern Philosophy for Western audiences.  He moved to the United States in 1938 and began Zen training in New York. Pursuing a career, he attended Seabury-Western Theological Seminary, where he received a master’s degree in theology. Watts became an Episcopal priest then left the ministry in 1950 and moved to California, where he joined the faculty of the American Academy of Asian Studies.  Watts gained a large following in the San Francisco Bay Area while working as a volunteer programmer at KPFA, a Pacifica Radio station in Berkeley. Watts wrote more than 25 books and articles on subjects important to Eastern and Western religion, introducing the then-burgeoning youth culture to The Way of Zen (1957), one of the first bestselling books on Buddhism.  (Source: Wiki)
Có thể nghe ông ở youtube, link này:
Ngộ, vì nó gần giống câu thơ “mưa rơi không cần phiên dịch” của Trần Dần mà tôi dẫn ở trên. Hai câu hầu như không khác nhau mấy ở nội dung.

*

Ngộ ư? Vậy là sao?
Hai bộ óc thơ mộng ngẫu nhiên va phải nhau trên hành trình của họ chăng?
Hay còn bí mật gì khác?
Bây giờ tôi lẩn thẩn tự hỏi, “Mưa rơi ở đâu vậy ta?”

Thận Nhiên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vòng vo và dài..Vì không nói thẳng - Không nhẽ đó là cách của nhà thơ?

THỜI GIAN CỦA MỘT TIẾNG
THỞ PHÀO
Inrasara
* Bất an ở Thái An – Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận II.
[Nhật kí “Cham trong lò hạt nhân”(*)]
Hãy yêu, hãy yêu như ta chưa từng
những đứa con đi hoang bỏ xa làng mạc
mang bụi đất quê hương về miền xứ khác
Và hãy yêu hơn con người chân chất
sống một đời ôm mang đất – phù du
Inrasara, Trường ca Quê hương, 1996.
Thời 1.
Sáng ngày 26-4-1986 giờ địa phương, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ. Sau đó là hàng loạt các vụ nổ khác, dẫn đến hiện tượng tan chảy lõi lò phản ứng. Và rồi là các thống kê về những thiệt hại cùng cảnh báo về hiểm họa lâu dài…
Qua đài BBC, VOA, một ít người Cham có nghe sự cố này. Nhưng họ bàng quan. Như thể chuyện xảy ra ở thế giới nào đó, không can hệ gì đến mình. Chúng tôi háo hức chờ đợi cái chân trái ma thuật của Maradona ở kì World Cup sắp tới, hơn là sinh mệnh bộ phận nhân loại nào đó đang chịu thảm họa hạt nhân, thứ thảm họa nghe nói – không màu không mùi không vị, và còn xa diệu vợi.
Ngày 25-11-2009, vnexpress.net đưa tin:
“Theo nghị quyết được 77% đại biểu thông qua, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.”
Bà con Cham vẫn lơ mơ, nghĩ đó là chuyện làng nước, hơi đâu mình quan tâm cho nhọc lòng. Lòng dân thế này, ý nghị quyết thế kia. Lòng dân vốn rộng lượng bao dung, thì có chiều ý nghị quyết tí, chả sao cả.
Ngày 11-3-2011: Động đất và sóng thần kéo theo hàng loạt sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, dẫn đến thảm họa kép, tại Nhật Bản. Gần, không thể gần hơn.
Chiều tối, ông doanh nhân Nhật quê vùng phụ cận nhà máy ĐHN kia đang phát quà cho phụ nữ Cham palei Cakleng tôi, nghe tin, ngưng phát biểu, nhướng mày lên, rồi tiếp tục. Ngay sáng hôm sau, ông lên xe quày trở lại Sài Gòn.  
Bà con, anh chị em Cham nhìn nhau. Rồi liên tục, khi chứng kiến trên tivi, đàn đàn xe hơi trôi, nhà trôi, làng mạc và thành phố trôi cuốn cả vạn sinh phận người trôi, mỗi ngày, Cham mới ngơ ngác hỏi nhau: làm sao đây? Làm thế nào đây?
Tôi mới giật mình nhớ lại hơn hai năm trước.
Tháng 11-2009, giỗ mẹ. Tối, tôi đón xe đò về quê. Đến nhà thì trời vừa sáng. Em gái nói, có anh tiến sĩ từ Hà Nội bay vào Phan Rang từ hôm qua, đang chờ. Chờ tôi. Xế chiều, em gái trải chiếu xe cho hơn hai mươi anh em bằng hữu tôi từ các làng đến giỗ mẹ, ngồi. Ngồi nghe vị tiến sĩ thuyết về dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Để xin được lắng nghe ý kiến sơ khởi của trí thức Cham. Anh thuyết về thế hệ lò hạt nhân tiên tiến nhất, về ưu tiên cho an sinh, nhất là lợi ích điện hạt nhân mang đến cho cộng đồng. Thôi thì đủ cả.
Đây không là hội nghị hay cuộc họp chi chi, mà là nhà tôi. Các bạn, các bác hỏi bất cứ gì thấy thích… – Tôi nói.
Thế xin hỏi Cham tui có phải bị di dời đi đâu không?
Bà con nghe nói nó hay xì, cứ nơm nớp lo sợ, cậu nó có gì làm bảo đảm không?
Tiến sĩ nói an toàn, tôi thấy chả an tâm tí nào cả!
Sao không xây ở nơi nào khác mà cứ nhè đất Cham mà làm?
Tôi chẳng biết nhiều nên xin miễn ý kiến, đời người có số má cả, có lẽ phải vào sống nhờ Đồng Nai với con gái thôi.
Nếu có sự cố rò rỉ, cả khu vực này nhiễm xạ hết, hỏi người Cham làm Katê ở đâu?
Nếu Cham chúng tôi quyết không đồng ý, các anh tính làm gì nào?
Vâng, tiến sĩ nói có lợi thì đúng lắm, nhưng tiến sĩ nói với trên xem lại có thể xin dời lò hạt nhân qua đâu cho bà con Cham yên tâm không?…
Thôi thì đủ giọng đủ kiểu hỏi. Kiểu chi kiểu, mọi câu hỏi đều đổ dồn về một mối: làm gì bây giờ? Bà con Cham dù lòng chả lấy gì làm tin, cũng ngóng về vị đại biểu mà mình từng cất lá phiếu bầu…
Ngày 29-3-2011, vneconomy.vn đưa tin:
“Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương phản ánh, hiện nay nhiều cử tri đang rất lo lắng, tâm tư về tình hình tiến độ của dự án nhà máy điện hạt nhân.
“Nhưng mà thực lòng, tôi chưa nắm bắt được thông tin cụ thể để mà giải thích cho nhân dân”, bà Hương nói. Bởi vậy, vị đại biểu là người Ninh Thuận này mong muốn qua truyền hình trực tiếp, chủ tọa phiên họp tạo điều kiện cho cử tri nghe một cách chính thống về lời phát biểu của Chính phủ về công trình nhà máy điện hạt nhân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới. “Tôi thiết nghĩ, nếu thực sự tốt thì ta cứ công khai, để tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân. Có sự thống nhất quyết tâm cao thì chúng ta sẽ có sức mạnh vững chắc, và sẽ làm thành công”.
Hứng lên, “mong muốn” là vậy, nhưng rồi sau đó và cả bây giờ hay trước nữa, không thấy bà đại biểu đi vào các palei Cham, phát biểu đâu đó cụ thể hơn lại càng không. Đại biểu Cham đã xa lạ càng xa lạ hơn với cộng đồng Cham nhỏ bé.

Thời 2.
Ngày 9-3-2012, chuẩn bị cho kỉ niệm một năm thảm họa hạt nhân Fukushima, tôi thử đo lòng người, bằng trích đăng những lời cảnh báo của các chuyên gia và trí thức trong và ngoài nước về hiểm họa hạt nhân trên trang nhà Inrasara.com. Nhà văn Nguyên Ngọc, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, giáo sư Phạm Duy Hiển – nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt…
Hiện chưa làm gì hết, năm 2014 mới bắt đầu xây, mới chỉ thỏa thuận trên nguyên tắc thôi, chứ đã ký kết mua bán xong gì đâu mà không cho rút lui. Bây giờ vẫn còn thì giờ để rút lui và tôi xin cam đoan là Chính phủ thế nào cũng rút lui. Không thể nào đi tiếp được, bởi vì đi tiếp thì nó sẽ là Fukushima đấy” (Nguyễn Khắc Nhẫn).
Tối 10-3-2012, BBC phát bài trả lời phỏng vấn: “Bất an về điện hạt nhân lan rộng”. Bài post lên Inrasara.com, 12-3-2012 đã tạo phản ứng dây chuyền. Cư dân mạng Cham hốt hoảng dự cảm một thứ thảm họa xa lạ sắp xảy đến với mình, thế là lao vào còm. Đến người phụ trách trang mạng không kịp điều tiết, không kịp trả lời thư, không kịp giải thích tại sao một số ‘phản hồi’ bị cắt… Tình thế đẩy tôi vào triệt buộc phải lí giải.
Ngày 15-3-2012, “Inrasara đối thoại với độc giả xung quanh dự án Nhà máy Điện Hạt nhân ở Ninh Thuận” đăng Inrasara.com và mạng Tienve.org (Úc) cùng ngày.
Qua “phản hồi”, tôi hiểu các bạn trẻ Cham đang mất phương hướng. Các câu hỏi dồn đến tới tấp. “Đối thoại” làm thao tác cần thiết để hệ thống lại các câu lại thành 6 đề mục, khởi động choCuộc thảo luận về dự án ĐHN kì 1, với tiêu đề “Người Cham nghĩ gì về ĐHN?”.
“Người Cham Ninh Thuận cư trú ở mảnh đất này trên 2.000 năm, với một nửa dân số trên toàn đất nước Việt Nam, hơn nữa đây còn là nơi hội tụ hơn trăm điểm tôn giáo – tín ngưỡng đang được thờ phụng. Khi có họa hạt nhân, 30km bán kính bao gồm cả 3 cụm tháp thiêng sẽ thuộc vùng cấm. Không ai dám lai vãng, tháp sẽ thành tháp hoang, và KutGhur cũng sẽ thành hoang!… Điều cần nhấn mạnh là cộng đồng Cham, mỗi sáng thức dậy nhìn thấy Nhà máy ĐHN đang chạy, lo lắng cho tương lai bấp bênh – hỏi làm sao họ có thể an cư lạc nghiệp”.
Thời 3.
Ngày 18-3-2012, Trà Vigia viết “Cham trong lò hạt nhân” đăngInrasara.com, một phản ứng “cực chẳng đã” của nhà văn nông dân này. Cay đắng, trào lộng và bất lực. Tùy bút của Trà lên trang nhất AnhBaSam đã tạo hiệu ứng đặc biệt. Nó lôi kéo bạn trẻ Cham vào cuộc. Palei Krong với bài “Ba tiếng kêu cứu của 3 con thú bị thương”, ngay sau đó là Chay Dalim: “Suy nghĩ về ý nghĩa của từ trí thức & vai trò trí thức”, rồi Paka Jatrang đặt vấn đề “Trí thức Cham và sự phản biện xã hội”, Inrasara.com, 22-3-2012.
Bà con lần nữa gắng gượng ngóng tiếng nói từ Đại biểu Quốc hội của mình – vắng ngắt! Chán giận, thất vọng đẩy “phản hồi” cuộc thảo luận sa đà, khiến tôi cấp kì nêu “Vài lưu ý chân tình của Inrasara”.
Ngày 30-3-2012, Boxit.vn đăng khảo luận của Inrasara “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ, kiêu hãnh và bất an” như một cách đặt nền tảng cho các cuộc trao đổi, thảo luận. Sau một “Sơ kết phản ứng của đồng bào Cham về Dự án Nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận”, tôi thử ướm:
“… việc trưng cầu dân ý cần được nêu ra trước nhất. Nhưng làm sao kết quả của trưng cầu dân ý khả tín nhất? Thứ nhất, cơ quan hữu quan cần cung cấp đầy đủ thông tin về dự án tới đồng bào; thứ hai, cho bà con hiểu rõ về ý thức dân chủ, về quyền tự quyết của một công dân trách nhiệm; cuối cùng là tạo không khí cởi mở để người Cham và dân Ninh Thuận có thể thể hiện chính kiến của mình mà không vướng một trở ngại nào bất kì.”
Thiện ý ngay tức thời được đón nhận hứng khởi, bên cạnh là một cảnh giác bất an. Trưa 30-3-2012, tôi nhận email của một “Độc giả thơ Inrasara” gửi. Thư: – Cảm phục Inrasara vì dám nói thẳng quan điểm của mình về ĐHN Ninh Thuận. – Diễn đàn bị vài người lợi dụng để phát ngôn tùy tiện, nói xấu những người có trách nhiệm. – và… Inrasara cần cân nhắc khi tiếp tục bàn về vấn đề này, vì nó đã được Quốc hội thông qua.
Tôi đã có thư trả lời cho “độc giả” yêu thơ Inrasara ấy. Thư dài [dòng] nhưng câu kết thì ngắn: “Bạn tin tôi đi, Inrasara có đủ khả năng và bản lĩnh để điều tiết website của mình”.
Ngày 19-4-2012, thi sĩ trẻ Đồng Chuông Tử viết “Điện hạt nhân và giấc mơ Phù Đổng” đăng trên BBC báo động theo cách khác nữa.
Ngày 14-5-2012, Kháng thư về ĐHN của ba nhà trí thức: Nguyễn Thế Hùng – Nguyễn Xuân Diện – Nguyễn Hùng lên mạng Boxit.vn, là cái phao đầu tiên ném ra giữa trùng khơi bão tố. Người Cham sau vài hoảng loạn hay chần chừ, đã nhập cuộc bình tĩnh hơn.
Quần chúng Cham chìm ngập trong mưu sinh qua ngày, sinh viên thì bồng bột nóng vội là thế, còn trí thức Cham? Họ đi đâu hết rồi?
Ngày 28-5-2012, trả lời bạn đọc xung quanh dự án ĐHN, với tiêu đề “Trí thức Chăm và Điện Hạt nhân” đăng Inrasara.com, tôi nhắm đến đối tượng này, để khởi xướng cho Cuộc thảo luận về dự án ĐHN kì 2.
Trà Vigia viết tùy bút “Tôi kí tên” đăng Inrasara.com, ngày 16-6-2012, lí giải nguyên do xa và gần anh đặt bút kí vào Kháng thư, dù bản thân là kẻ có “văn hóa sợ”.
Tiếp đến, ngày 5-6-2012, độc giả Lưu Văn có bài so sánh thú vị đầy đau đớn: “Con dân Ninh Thuận & 2 con số” đăng trênInrasara.com:
“Do trang website Inrasara.com có thông báo ngưng thảo luận về ĐHN kì hai từ mấy ngày trước, cho nên tôi không bàn trực tiếp về ĐHN, mà bàn về ý nghĩa 2 con số. 20 ngày chẳn tính từ ngày 14-5 đến cuối ngày 4-6-2012, từ khi bức Kháng thư về ĐHN kêu gọi chữ ký được gửi đi các nơi. Trong số 621 người ký vào Kháng thư, cộng đồng cư dân tỉnh Ninh Thuận và bà con Chăm có được 68 chữ ký/ 69.000 người; trong khi người Kinh Ninh Thuận chỉ vỏn vẹn 6 chữ kí/ 574.000 người”.
Đọc con số đối sánh, mà hẫng. Trong lúc những sinh phận vô danh Cham ý thức được sinh phận mình, ý thức thể hiện qua hơn trăm còm sĩ tham gia thảo luận, sau đó là 68 chữ kí bày tỏ chính kiến, thì hầu như không có trí thức khoa bảng hay cán bộ “cao cấp” Cham nào nhúc nhích. Và trong khi bà con Cham cảm nghe bất an lan rộng thì hầu như người dân tộc anh em của họ – đồng bào Kinh Ninh Thuận như không hay không biết chuyện gì đang xảy ra, sắp xảy ra.
Người Cham có sợ không? – Chắc chắn là có. Vậy tại sao họ dám kí? Người Kinh có sợ không? – Cũng có. Nhưng tại sao?… Người Việt nói: “Đất lành thì ở, đất lở thì đi”. Người Cham không hẳn đã vậy. Dù mảnh đất kia có lở tới đâu, họ vẫn ở lại. Vì họ biết, đó là miền đất cuối cùng ông bà họ để lại.
Giữa tháng 6-2012, đại diện cơ quan an ninh mời tôi cà phê (rất văn minh lịch thiệp, chứ không thô nhám như thái độ mời cà phê liên quan đến HS-TS), nhắc khéo tôi nên kết thúc thảo luận. Tôi nói, không phiền trên đâu, tôi đã đóng cửa “phản hồi” cả tuần nay rồi. Ba điểm chính: Một nửa con dân Cham ở Việt Nam sống đất Ninh Thuận, là vùng bị ảnh hưởng – Ông bà họ có mặt ở đó từ trên 2.000 năm – Cùng hơn trăm điểm tôn giáo tín ngưỡng đang được thờ phụng. Tôi cần thiết cho người đồng tộc mình biết điều đó, cho nhà hoạch định chính sách Việt Nam hiểu điều đó, và cho cả thế giới nhận ra điều thật đó. Qua hai cuộc thảo luận, tôi đã biết bà con tôi cảm nhận thế nào, biết giới có học Cham phản ứng [và không phản ứng] ra sao rồi. Cuối cùng qua ‘so sánh’ hai con số, tôi cũng đã biết người Kinh ở Ninh Thuận thân mến của tôi nghĩ thế nào rồi. Tôi không còn có gì để biết nữa. Sống, và … chờ.  
Cuối tháng 6-2012, Tienve.org đăng bài nhà thơ Liêu Thái phỏng vấn tôi với tiêu đề: “Một cách khiêm tốn để níu người Chăm ở lại với đất”. Đó là Nhà trưng bày Văn hóa Cham Inrahani tôi dựng lên ở quê nhà, với hi vọng mong manh mình sẽ trở lại sống nơi đó, trở về với bà con Cham còn trụ lại đó. Ngày mai.
Thời 4.
Khía cạnh khác, tháng 4-2012, trong 14 ngày liên tục, tôi viết xong Tcherfunith tại trại Sáng tác Tuy Hòa do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Báo Thể thao & Văn hóa, ngày 4-6-2012 đưa tin:
“Inrasara vừa hoàn thành tiểu thuyết ‘hạt nhân’”: “Với cái tên rất khó nhớ, tiểu thuyết Tcherfunith của Inrasara là một chữ viết tắt kết từ Tchernobyl + Fukushima + Ninh Thuận. Là nhà nghiên cứu, nhà thơ bỏ nhiều tâm huyết với văn hóa – văn minh Chăm, tiểu thuyết này được khởi viết từ khi dự án nhà máy điện hạt nhân rục rịch ở tỉnh Ninh Thuận”.
Ngày 11-6-2012, báo Sài Gòn Tiếp thị (Hiền Hòa thực hiện) đăng bài trả lời phỏng vấn:
“Nhà thơ Inrasara bị điện hạt nhân làm ‘chấn động’” với lời giới thiệu: “Sau khi thông tin về tiểu thuyết “hạt nhân” vừa hoàn thành có tên Tcherfunith của Inrasara được công bố thì trên mạng đã có rất nhiều đường dẫn với nhiều bàn luận khác nhau. Để độc giả rõ hơn về tác phẩm được thai nghén một cách “gai góc” này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ – nhà nghiên cứu Inrasara”.
Mùa Thu năm 2012, báo chí thế giới liên tiếp phanh phui những tiêu cực của hai tập đoàn nguyên tử Rosatom và TEPCO. Như thể một tiếng chuông cảnh báo mới về hiểm họa hạt nhân. Thi sĩ nông dân Chay Mala có bài thơ phúng điếu: “Lời ru buồn cho điện hột nhưn” (Thơ viết nhân nghe tin một Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Rosatom bị tạm giam vì tham nhũng) đăng Inrasara.com, 24-11-2012.
Người dưng không vẫy mà về
Chưa trông đã nức, mới nghe đã tình
Ừ, thì như thể tiền duyên
Bà trời đã định thì mình ru nhau

Ngủ đi em giấc mộng đầu
Dăm dòng lục bát làm câu đãi đằng
Cho qua cái phận con tằm
Ngủ trăm năm ngủ ngàn năm, miệt mài

Ngủ đi em giấc mộng dài
Ngủ cho hết kiếp con người mới thôi
Ru nhau ta quyết ngủ vùi
Quàng tay nhau ngủ cho bùi cõi mơ

Ngủ đi em giấc mộng hờ
Rô-xa-tôm với Tép-cô tan hàng
Ru em sẵn tiếng thùy dương
Đôi bờ cát bãi Vĩnh Trường vi vu

Tình ta chưa thắm đã… dù
Thôi thì mượn mấy vần thơ bye bye.
Thời 5.
Nhân loại mau quên. Vài tháng qua, thế giới đổ dồn con mắt về Syria, về Biển Đông, Ucraina… mà quên mất Fukushima. Mới năm rưỡi, chứ lâu lắc gì đâu, vậy mà chúng ta như thể sắp lưu kho thảm họa này vào quá khứ.
Ngày 5-10-2013, Mặc Lâm – biên tập viên RFA phỏng vấn tôi xung quanh tác phẩm không được phép xuất bản in này” “Tcherfunith – một tác phẩm xã hội mang tính hiện thực”. Ở đây tôi tái khẳng định, dẫu thế nào, cộng đồng Cham vẫn cảm nghe nỗi bất an, lo sợ.
Ngày 23-8-2013, khi Vietnamplus.vn đưa tin:
“Ông Báo Văn Trò, người có uy tín trong đồng bào Chăm ở huyện Thuận Nam cho biết: Qua thực tế xem Lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt hoạt động, được chứng thực cuộc sống của người dân sinh sống gần nhà máy, tôi cũng như mọi người trong đoàn thấy rất an tâm, không phải lo nghĩ về sự nguy hiểm, về bức xạ, phóng xạ gây ảnh hưởng sức khỏe người dân trong tỉnh nói chung và người dân vùng dự án nói riêng.
Rõ ràng, cuộc sống của người dân sinh sống gần nhà máy không đảo lộn, vẫn diễn ra bình thường. Những vườn rau, vườn hoa vẫn phát triển xanh tốt, tươi đẹp. Với thực tế đó, khi về địa phương, chúng tôi sẽ kể lại những gì đã nghe và thấy rõ trước mắt để cho bà con cùng hiểu và an tâm.”
[Bác Báo Văn Trò ơi! Có ai mớm cho bác không, hay bác tự nghĩ ra mà nói. Phát ra những lời trên, bác có hiểu chút ít gì về hạt nhân chưa? Nói, bác có nhìn sâu vào bụng mình không? Nói, bác còn dám nhìn vào mắt bà con quanh bác mỗi ngày không? Rồi bác sẽ nhìn vào mắt con, cháu bác ra sao? Bác thuộc bậc anh, chú của tôi; tôi chỉ xin mạo muội can bác, làm ơn Ăn theo đường ngay, nói theo lẽ phúc Bbang tui tapak hwak tuy haniim - như ông bà ta từng dạy thế, cho con cháu nhờ. Thug siam!].
Như cách khởi động cho phong trào tuyên truyền “an toàn ĐHN” vào quần chúng, thì Đồng Chuông Tử phản ứng ngay tức khắc bằng yêu cầu “Quốc hội cần ‘quyết lại’ điện hạt nhân” (BBC, ngày 13-9-2013).
Thời 6.
Cuối cùng, khi ngày 14-1-2014 Boxit.vn.net đăng một clip video Youtube, ở đó ông Ngô Khắc Cần – hội trưởng Hội Người Cao Tuổi tại địa phương dự án – sau chuyến đi Nhật tham quan nhà máy ĐHN, đã bộc bạch:
“Trước đây người ta nói nhà máy điện hạt nhân thì người dân cũng thấy lo sợ. Hồi đó đến giờ có biết “hạt nhân” là gì! Nhưng sau khi các ông bên trên về giải thích thế này thế khác thì dân cũng an tâm. Bởi vì nói “hạt nhân” chớ có nói về “nguyên tử” đâu mà sợ chết!”
Ngay sau đó, trớ trêu thay, ngày 16-1-2014, báo Tuổi trẻ đưa tin nóng: “Hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử tới năm 2020”:
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công. Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm”.
Tin lành bay đến, bà con Chăm… thở phào. Như thể họ vừa trút xuống khỏi đầu cái thúng sỏi đầy vun, suốt năm năm qua. Thở phào, vì rằng họ hi vọng nỗi “hoãn” kia sẽ kéo dài bảy năm, mười năm và hơn thế nữa [như chuyên gia điện hạt nhân Phạm Duy Hiển ước thế]… cho tới khi các nhà bác học tìm ra một loại năng lượng sạch thay thế năng lượng hạt nhân (như ý kiến của Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn), rằng nếu chưa, thì “không đạt không làm”; và rằng Po Yang Cham sẽ không nỡ bỏ mặc cho con dân mình bị xua đuổi lần nữa, lần cuối cùng trong định mệnh bi đát của họ.
Sài Gòn, 22-1-2014.
_______________
(*) “Chăm trong lò hạt nhân” là tên bài viết của Trà Vigia.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

thơ nguyễn lương ngọc, những cách tân khởi đầu



NguyenLuongNgoc1958-2001

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc sinh năm 1958 tại Sơn Tây (Hà Tây cũ), giã biệt thế gian năm 2001. Thời khắc ông bước sang đời sống khác, là lúc đang căng tràn sức sáng tạo, để lại bao dự định ngổn ngang cho những cuộc khởi hành kế tiếp. Bạn đọc khi ấy đang chờ đợi thơ Nguyễn Lương Ngọc hiển lộ thêm, độc sáng hơn, có người còn dự đoán ông sẽ “bẻ ghi” sau 3 tập thơ đã xuất bản: “Từ nước” (Nxb. Hội Nhà văn VN, 1991), “Ngày sinh lại” (Nxb. Thanh niên, 1991) và “Lời trong lời” (Nxb. Văn học, 1994). Nhưng hành trình thơ ấy đã dừng lại khi nhà thơ mới vào tuổi 43.
Ông cùng quê, xuất hiện cùng thời với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Dương Kiều Minh. Họ thuộc trong số những tác giả quan trọng, sớm tìm ra con đường của mình trong hành trình đổi mới, cách tân thơ, từ sau thời điểm năm 1975. Bài viết này của tôi nhằm đánh giá và tưởng nhớ một tài năng, sáng tạo với tinh thần tiền phong (avant-garde), đã ra đi trong đa chiều những tranh cãi, bàn luận của người đọc về giá trị đích thực cũng như còn mơ hồ của đổi mới, cách tân thi pháp.
*
Thơ Nguyễn Lương Ngọc thể hiện bút pháp tài hoa, mang định mệnh lớn ngay từ những bài thơ đầu tiên được ông công bố trong tập “Từ nước”. Ngắm mặt sông mà tỏ lòng sông/ Vuốt tóc lòng tay gặp vầng trán/ Ấm, mát, một phần mùa đông (Mùa đông). Cũng như một số nhà thơ khởi nghiệp vào đầu thời kỳ Đổi mới (1986), thơ Nguyễn Lương Ngọc xuất hiện trong từ trường của thơ hậu chiến tranh. Theo tôi, đây là giai đoạn chững lại, gần như đông cứng của đời sống thi ca lúc đó. Những tác giả mới xuất hiện chưa đủ nội lực để chinh phục người đọc, và, những nhà thơ thành danh còn lúng túng khi vừa đi qua cuộc chiến. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc khi mới xuất hiện cũng là “một phần mùa đông” năm ấy. Thơ ông tựa mầm lá tơ non, run rẩy trong gió lạnh: Tung tăng có em gái nhỏ/ Ô xanh bóng mỏng theo sau (Em gái trên đường). Câu hát mảnh tơ giữa miền quánh gió (Tương quan).
Thơ ông giai đoạn này như vết nứt trên bề mặt của tảng băng báo hiệu mùa xuân. Câu thơ sau đây thể hiện áp lực chuyển vần bên trong con người thơ giàu nội lực và ý chí bứt phá: Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu (Hội họa lập thể).
Trong tập thơ đầu tay, bạn đọc thấy được nỗ lực và sức bền của một mầm cây vừa bật lên trong mùa đông khắc nghiệt, và, cũng thấy được cả sự rướn sức, lấy đà và hụt hơi trong một số câu thơ, bài thơ. Bài thơ “Vẽ chim” là một ví dụ cho thấy tác giả đã cố tình triết lý một hiện tượng vốn rất tự nhiên và hồn nhiên trong đời sống “Hai chú cháu thi nhau chấm những dấu ngày càng bé tí. Không hiểu sao, sau hôm đó, chẳng bao giờ bé còn nhờ tôi vẽ.”
*
Tập thơ “Ngày sinh lại” là bước vượt lên của thi pháp thơ Nguyễn Lương Ngọc, dù xuất bản cùng năm (1991) với tập thơ “Từ nước”. Đây là giai đoạn phồn sinh của một thân cây đã trưởng thành, có vóc dáng cao lớn, sum suê, và ẩn chứa nhiều mặt khuất lấp.
Nếu thiết kế không gian trong tập thơ “Từ nước” có thể ví với hình học phẳng, thì một số bài thơ trong tập thơ “Ngày sinh lại” tạo cảm giác về hình học không gian. Những thi ảnh trong đó thường đứt đoạn, cắt nhỏ, biệt lập… để ráp nối lại trong không gian trừu tượng với nhiều góc nhìn. Nhà thơ không quan sát đối tượng ở một góc cố định mà đồng thời phân chia thành nhiều mặt khác nhau, tạo những liên tưởng phức hợp, cho bạn đọc cảm giác như đang xem một bức tranh lập thể: Tôi xanh da trời/ Em tôi thì trắng/ Hai anh em tươi/ Sương dâng ngang người (Tiên cảm).
Câu thơ sau đây trong bài thơ “Đừng” đã phần nào lý giải cách kết nối không gian trong thơ Nguyễn Lương Ngọc: Trong căn phòng muốn gọn gàng/ Những đối thoại không lời. Không gian của căn phòng “muốn” gọn gàng đã gợi ý những cuộc đối thoại “vô ngôn” cho người đọc, đưa họ trở về với ký ức, những không gian tưởng tượng. Nếu trong tranh lập thể, các bề mặt của hình họa, mặt phẳng giao nhau không theo quy tắc phối cảnh, làm cho người xem khó nhận ra chiều sâu của bức tranh, thì trong thơ Nguyễn Lương Ngọc, những chuyển động của hình ảnh thường đứt quãng, đột ngột, mở ra nhiều liên tưởng bất ngờ, gợi nhiều chiều kích của cảm xúc, mở thêm những biên độ tưởng tượng phong phú và mới lạ.
Trong tập thơ “Ngày sinh lại” tác giả không đề ngày tháng sáng tác, nhưng tôi cho rằng “Đàn giang” là bài thơ mở đầu cho lối viết mới, riêng biệt của ông. Này, đàn giang trắng/ Khoảnh khắc/ Từ đất rạch lên trời/ Từ trời buông xuống đất. Ở đây, trong một không gian đã được cắt nhỏ theo “quy ước” riêng, trong đó chỉ dung chứa một loại hình ảnh, cụ thể là “đàn giang trắng”. Tôi gọi đó là cách kết nối những hình ảnh “đơn phương” (chữ “đơn phương” dùng với hàm nghĩa một chiều, chứ không phải đơn giản), khác với cách kết nối hình ảnh “phức điệu”, hay còn gọi là kết nối "lập thể tổng hợp" ở một số bài thơ tiêu biểu trong tập thơ “Lời trong lời” sau này. Câu thơ tiếp theo Các vị đến cùng chúng ta/ Các vị rời bỏ chúng ta, là cuộc đối thoại hoàn toàn khác với những đối tượng tham dự vô hình, không phải những sự vật vừa được nhà thơ đưa ra. Và, những hình ảnh “Em”, “đàn giang”, “đám mây vàng” trong khổ thơ cuối là những kết nối rời, xa nhau, chưa từng thấy trong tập thơ “Từ nước”: Em đang nói về tương lai ư/ Đàn giang bay mải miết/ Chẳng lẽ anh ngắt lời em/ Em đang nói về tương lai à/ Trên cao, đám mây vàng sững sờ.
Không gian đa chiều đã thiết lập trong thơ Nguyễn Lương Ngọc thế giới sống động và kỳ ảo, khiến người đọc như đang được xem một bộ phim 3D. Trong đó, một thế giới được thi sỹ hóa thân, “hóa kiếp”, đã đem lại cho bạn đọc cảm giác sống động, rờn rợn: Em dựng dậy trong tôi một người trinh nữ/ Lâu nay nằm ủ rũ…/ Sám hối cùng rễ cỏ/ Chờ một ngày tái sinh (Trinh nữ). Sinh ra từ nước/ Em dịu dàng mỉm cười/ ánh sáng từ đâu, ai biết (Từ nước).
Ông đã ra đi từ cách hành ngôn quen thuộc trong thơ truyền thống, như cách ẩn dụ, ví von của ngôi thứ ba trong vai trò người quan sát trong tập thơ “Từ nước”, như:
Hạt phấn vàng nhẹ như không có (Tương quan).
Mưa cuồng nộ ngoài kia chỉ còn như điệp khúc (Hy vọng).
Người lớn như suối sông, lũ trẻ thì như nước (Đường và trẻ).
Đến cách nói mặc nhiên, ngẫu nhiên trong ngôi thứ nhất, nhân vật đang trực tiếp cảm nhận, hành động:
Nhà thơ cúi đầu/ Môi dầy lụi lửa/ Bỏ đi/ Những bó cơ tan rữa (Nhà thơ).
Em mỉm cười từ đâuđá Bay-on chao chátĐăm đắm nhìn từ đâuSương Tây Hồ ngột ngạt (Lời hát).
Từ “tôi như, tôi là…” đến “chính tôi…” là cách chuyển đổi chủ thể quan trọng của thơ cách tân sau 1975, mà thơ Nguyễn Lương Ngọc là một dẫn chiếu. Đó là sự khác biệt căn bản so với thế hệ thơ trước đó về cách xác định cái tôi chủ thể ở ngôi thứ nhất và cách thiết lập không gian thơ. Xin dẫn chứng cách quan sát sự vật và góc nhìn từ bên ngoài của nhà thơ Xuân Diệu:
Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu (Chiều).
Và của nhà thơ Huy Cận:
Những ngôi sao cũng lần lượt hòa tan/ Làm thành rạng đông như màu lơ thoảng nhẹ (Một ngày lên).
Mặt trời xuống biển như hòn lửa (Đoàn thuyền đánh cá).
Đến thơ Nguyễn Lương Ngọc đã khác:
Tôi đã rón rén từng bước, nín thở/ Mong giữ được một cơ thể biết bay/ Nhưng chỉ gặp chút nỗi niềm ngọn gió/ Mát mát đầu ngón tay (Tìm gặp).
Nhận thức và linh cảm được bản chất và chuyển động của vạn vật, nhà thơ đã tri nhận được tính “hợp nhất” của thế giới, vũ trụ: Cái trước ở trên đầu giờ chìm vào trong ngực/ Chỉ một/ Tất cả chúng ta chỉ một (Chỉ một).
“Ngày sinh lại” đã được nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc thi triển đúng với tinh thần tên gọi tập thơ này. Đó là sự khai sáng, tiên cảm một thế giới thơ đang hồi sinh với dáng vẻ non tơ và thơ ngây: Nhưng sợi tơ đã tan trong cổ họng chim và tiếng hót như tơ cuốn mọi người vào thế giới thanh âm/ Nhưng vầng trăng đẫm nước đã rơi xuống/ đáy sông khô và làm đầy nó bằng/ cơ thể mềm mại của mình (Cảm nhận). Thế giới ấy đã hồi sinh, sinh lại cho trần thế những vẻ đẹp hiển linh và bí ẩn: Anh tới khi nào tôi không được biết/ Bí mật chuyến bay cánh giấu đi rồi/ Còn lại màng tơ đẫm nắng/ Và dòng kiến ngược xuôi (Tìm gặp). Cả mặt đất và khoảng không trong câu thơ trên vừa chuyển động, vừa khép cánh đậu xuống. Nhà thơ đã bất ngờ đưa bạn đọc đến một bến đỗ trừu tượng, nhà ga của những chuyến bay của vạn vật. Mọi người đang chuyển động, cả những ai đọc đoạn thơ này cũng được ngỡ như vừa “khép cánh” đậu xuống sau đường bay bí ẩn của riêng mình, để rồi lại bình tĩnh sống, bình tĩnh chiêm nghiệm khi biết Bí mật chuyến bay cánh giấu đi rồi…
*
Thi pháp Nguyễn Lương Ngọc trong hai tập thơ đầu, “Từ nước” và “Ngày sinh lại” là con đường đổi mới từ kết cấu hình ảnh đơn tuyến đến đa tuyến, từ đơn phương đến phức điệu, từ hiển ngôn đến linh ẩn, vô ngôn.
Nếu lấy “Mùa đông”, bài thơ đầu tiên trong tập thơ “Từ nước” làm nơi khởi đầu góc mở, thì càng về sau, góc mở ấy càng rộng, cũng như ánh sáng của thi pháp truyền thống càng thấm sâu, nhòa đi trong không gian mới mẻ và đa cực.
Nhưng đến tập thơ “Lời trong lời”, tôi thấy có sự phân tán trong cách lập tứ, ở một số bài cho thấy, tác giả có nhiều cung bậc cảm xúc, thậm chí có lúc còn hời hợt, mờ nhạt. Một số bài trong tập thơ thứ 3 này vẫn tiếp tục nằm trong góc mở của thi pháp cách tân như, “Hòa thanh”, “Gọi hạc”, “Đồng hồ vĩnh cửu”, “Liên bút từ sen”… Những bài thơ này mang đặc trưng cách viết phức điệu, phối bè của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc.
Bài thơ “Gọi hạc” trở lại cách lập tứ gần giống bài “Đàn giang”. Những hình ảnh “đơn phương” chuyển động trong những mặt cắt “lập thể”. Nhưng ranh giới những mặt cắt ấy trong “Gọi hạc” được đặt biệt lập, tách rời nhau hơn: Con cắt trắngxếp cánhkhi gặp con khướu vàng. Có thể ví khổ thơ trên là hoàn thiện 1 trong 4 bức của bộ tranh “tứ bình”, nó được treo bên cạnh 3 bức tranh kia: Con khướu vàngkhép mỏ/ khi gặp con hạc đỏ. Và 1 bức tranh tiếp theo nữa trong bộ tranh đó: Con hạc đỏnức nởnhìncon hạc trắng. Bắt đầu khổ kết là tiếng gọi hạc của nhà thơ: Hạc trắng! Hạc trắng! Đó là tín hiệu của nhạc trưởng cho bản hòa tấu bắt đầu: những con đã sinh ra thì đã chếtnhững con chưa chết thì chưa sinh ra. Đây là hai câu thơ tài hoa, mang vẻ đẹp linh ẩn trong thơ Nguyễn Lương Ngọc. Bạn đọc như nghe được tiếng những sinh linh từ hai cõi âm dương đang chuyển động qua bức màn vô minh, nghe được những cánh hạc đập vào khoảng không rộng mở xao xác và hiu quạnh. Nghe và cảm được những âm thanh hòa quyện và cả những nốt nhạc lẻ loi, đơn độc trong đó. Nhưng chúng ta khó có thể ước lượng, đếm được bao nhiêu “con hạc” trong đàn hạc đang chuyển động kia. Cách “hòa âm” của câu thơ trên đem cho người nghe cảm giác một chút vui xen lẫn nỗi buồn, niềm hy vọng vừa được nhen lên trong sự cô lạnh, sự tự tin trong an phận, cam chịu…
Bài thơ “Đồng hồ vĩnh cửu” cho thấy, nhà thơ quan sát đời sống hiện hữu từ hệ quy chiếu khác, ngắm nhìn và thấy được ý nghĩa cùng vẻ đẹp của đời sống nơi trần thế. Đây là bài thơ văn xuôi có lối kể chậm rãi và trầm tĩnh, ngôn ngữ thơ gần với cách nói, đời thường: Trên tường, trước mặt, có cái đồng hồ ba kim cứ giật giật chạy. Nhưng bạn đọc bất ngờ khi nhà thơ nhìn chiếc đồng hồ một cách chăm chú, không rời mắt, và “liền nhấc xuống”. Tác giả đã cho xuất hiện “một cửa sổ tròn”, đưa bạn đọc vào một thế giới khác lạ vừa được tạo ra: Mấy ngôi sao đang tắm, bầy đom đóm, một đứa trẻ giữa bể đang kêu cứu… Đến đây, Nguyễn Lương Ngọc đã tự do chuyển dịch mọi hình ảnh trong khoảng không riêng biệt của ông, cho chúng bay lượn trong mộng tưởng, trong cơn mộng mị thi sỹ: cửa đã mở cho thấy cửa. Ta không đóng lại nữa. Mọi thi ảnh trong bài thơ như được chuyển động trên ranh giới giữa thực và ảo, thông tuệ và lú lẫn…, dẫn bạn đọc đến những tình huống kỳ lạ, bất ngờ, nhưng chấp nhận được: Mèo dạy tôi cách rơi, và đứng lên, một bông sen nở. Hình ảnh bông hoa sen bật dậy trong câu thơ, mà trước đấy không có gì báo hiệu hay liên quan, phát ra quầng sáng thanh khiết từ bản thể thi sỹ. Câu thơ gợi liên tưởng tới một cá thể đơn độc, quay cuồng trong gió bụi của đời sống trần tục, bỗng có lúc vụt đứng lên như bông sen nở. Bông hoa sen tiếp tục được hiện ra trong đoạn 3 của bài thơ giữa tiết điệu phối bè tự nhiên và rất đỗi khiêm nhường. Đây là một trong những đoạn thơ văn xuôi hay nhất của Nguyễn Lương Ngọc. Ông tiết giảm tối đa tính từ, giới từ, đồng thời gia tăng những động từ, trạng từ trong câu thơ, làm những hình ảnh xuất hiện nhanh, thoáng chốc, lại nhường chỗ cho những hình ảnh kế tiếp: Hoa sen nở không lựa chọn. Giữa đầm, hoa nở. Ven bờ, hoa nở, hái về nhà cắm vào lọ, hoa nở, và mang bày giữa người thích mặc cả, hoa vẫn nở. Là hoa thì nở, dẫu biết nở là chết. Ông cũng nhắc tới “cuộc chết”, một “váng vất” thường trực trong thơ Nguyễn Lương Ngọc. Kế tiếp, ta bắt gặp một câu thơ lạ, hay đến thảng thốt: Tôi thỉnh một tiếng chuông, kêu một tiếng chuông. “Tiếng chuông” báo hiệu thời khắc của sự đốn ngộ, nhập định, được giải thoát đã đến. Xin mượn lời của Thượng tọa Thích Thông Phương: “Đây là phá tan cái thấy còn kẹt trên thứ lớp, vượt qua giáo nghĩa phân biệt, ngộ thẳng tự tâm”. Sau “Tiếng chuông” huyền diệu ấy, hình ảnh “sư nữ” như được chính nhà thơ hóa thân, hiện ra trên phông nền nửa sáng nửa tối, ngập ngừng giữa không gian thanh tĩnh và nuối tiếc những khát vọng thế tục: Bên chùa, sư nữ thở dài, người tỉnh dậy tụng kinh, lần tràng hạt, nghĩ thế nào lại thôi. Nàng nằm, đầu nhớ tóc lênh láng quanh gối. Tóc là gì? Câu hỏi Tóc là gì đã biến nhà thơ thành người thứ ba, kẻ khác… ngơ ngẩn nhìn lại cuộc trở về nguồn an lạc giải thoát, cuộc hoán chuyển từ chốn trần gian vừa xẩy ra.
Nguyễn Lương Ngọc thường liên tưởng, nhắc tới hoa sen, loài hoa mang vẻ đẹp cao sang và thanh khiết. Hoa sen còn biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thánh thiện, biểu trưng cho trí tuệ siêu việt, thể hiện niềm khao khát giác ngộ của con người. Trong thơ Nguyễn Lương Ngọc, hoa sen thường xuất hiện trong tinh thần cứu rỗi, thanh tẩy những tục lụy dơ bẩn trong đời sống thế tục: Một gương sen trong vòng tay của nhụy vàng…/Những nhụy sen dặn dò ta, giọng đượm hy vọng (Liên bút từ sen). Nhớ câu thơ của vua Tự Đức, chợt có “dư âm sen” vọng về trong thơ Nguyễn Lương Ngọc: Thi nhân một nòi huyễn ảnh/ Dư âm sen trắng nở người (Dư âm).
Bên cạnh một số bài thơ trong tập thơ “Lời trong lời” quy tụ tài năng, điểm hội tụ của lộ trình cách tân thi pháp của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, ta gặp khá nhiều bài thơ còn nông cạn ý tưởng, hời hợt, mờ nhạt cảm xúc. Có cả những bài như ông cố tình buông lỏng dây cương cho ngựa quay về đường cũ, có thể điểm tên như: “Nhịp nhàng”, “Vào hạ”, “Một vòng Hà Nội”, “Quanh quẩn”, “Dịu dàng ở nguồn suối”, “Tiếng yêu”, “Trong tinh mơ Cam Ranh”, “Thao thức cùng Phan Thiết”, “Sóng lăn tăn bình minh”… Đọc những bài thơ này, tôi liên tưởng nhà thơ giống như một phi công, khi lấy được độ cao cho máy bay thì ông đã cài tự động hệ thống điều khiển. Có lúc ngỡ ông như còn lơ là ngồi uống cafe, rồi nghĩ lan man mà ít chú ý tới đường bay có gặp nguy hiểm hay không…
*
Khi xếp những tập thơ của Nguyễn Lương Ngọc cạnh nhau, “Từ nước” – “Ngày sinh lại” – “Lời trong lời”, tôi nhận ra những cột mốc của một hành trình, một lý tưởng thi ca xuyên suốt: sáng tạo chính là sự lột xác, hoài thai, sự tái sinh…
Phần 4 “Trong sổ tay của vợ” trong tuyển tập “Nguyễn Lương Ngọc, Thơ và Người” (Nxb. Hội Nhà văn, 2006, do nhà văn Tạ Duy Anh sưu tầm và tuyển chọn) là những vĩ thanh của 3 tập thơ trên.
Lần theo lộ trình thơ Nguyễn Lương Ngọc, ta bắt gặp trong thơ ông nhiều lần nhắc đến cái chết, như là điểm nút của những vòng tuần hoàn, như cửa sông của những đợt thủy triều lên xuống. Cái chết với ông không phải nỗi sợ hãi, chỉ là điểm dừng trong quy luật vận động bất tận của vạn vật, để từ đó bắt đầu “sinh lại” trong những chu trình khác: Ai đi cùng tôi, được cứu vớt/ Ai đi cùng ta, được chết/ Em yêu, hãy hôn (Cứu vớt). Ông quan sát “điểm nút” ấy với thái độ bình thản pha chút lạnh lùng: Ai bắt anh chăm chút cái chết ngày mai/ từ gói kẹo cho con hôm nay (Viết cho mình). Đôi khi ông phân thân thành “kẻ khác” nhìn lại đời sống trần gian với thái độ tiếc nuối da diết, mang ý nghĩa nhân văn cao cả: Hôn lên đôi môi hồng của thần chết/ và nghe nàng dấm dứt khóc/ ta chẳng đến được nhau/ trên môi anh còn giọt nước mắt của trẻ (Viết cho mình). Hoặc như kẻ mộng du giữa đôi bờ ảo và thực, sinh sôi và hủy diệt…: Em người trong tranh/ không sống không chết/ hình như giống anh/ cơn cơn váng vất (Giao cảm). Ông cảm được “cuộc chết” là chu trình tất yếu của cuộc sống; nó đến với thái độ thanh thản và thậm chí rất yên bình trong Lời hát của ông: Cuộc sống lạnh lẽo sao/ Cuộc chết ấm áp sao.
Và đây là bài thơ 2 câu thăng hoa, xuất thần viết về cuộc hóa thân kỳ vĩ của một nhà thơ danh tiếng: mai ngày về với Cửu Long/ chảy hoài rồi nước cũng trong như người (Thu Bồn).
Bài thơ “Ở lại”, một trong chùm bài in ở Phần 4 “Trong sổ tay của vợ” trong tuyển tập “Nguyễn Lương Ngọc, Thơ và Người”, đã phát những tia sáng mãnh liệt cuối cùng trước lúc nhà thơ giã biệt thế gian. Nỗi khát khao được sống, được hiến dâng tài năng và phẩm hạnh nơi dương thế trong ông lúc này vô cùng cháy bỏng, khắc khoải khôn cùng: Muốn ở lại cùng mặt trời/ Mỗi con người/ Phải tỏa sáng. Nhưng bóng tối của đời sống phía bên kia đã dìm ông quá sâu; hơi lạnh của nó đã tràn vào khoảng cách những câu thơ của ông. Đoạn thơ sau đây cho thấy bàn tay của ông như đã buông ra khỏi người thân, hơi thở ông không còn lan xa sưởi ấm vạn hữu, và, ông đã cách chúng ta một khoảng cách khá xa: Muốn ở lại cùng em/ Bài thơ của anh/ phải cách nhau/ một cơn gió/ lạnh.
*
Thơ Nguyễn Lương Ngọc đã xuất hiện trong đời sống văn học chúng ta tựa “Những mầm hy vọng lên nhiều” trong bài thơ “Mùa đông” của ông trong thập niên 90 của thế kỷ vừa qua. “Những mầm hy vọng” ấy đã lên xanh một vùng thi ca đương đại. Bạn đọc giờ đây bình tĩnh chiêm ngưỡng thế giới thơ riêng biệt và độc đáo của ông, thấy được ông là “con chim lấy cát làm trời xanh”, là “sự sống hát lời lửa nước”. Đọc bài thơ “Áo xanh”, tôi liên tưởng thơ Nguyễn Lương Ngọc lúc mới xuất hiện tựa “một trứng tròn thở lẻ” giữa “đảo xa kia, đèn biển tắt rồi”. Nhưng “trứng tròn” ấy đã sản sinh đàn đàn chim én cùng vạn vật làm nên những mùa xuân sau này. Thời gian đã đi qua và đủ để lắng lại những giá trị đích thực. Thơ Nguyễn Lương Ngọc mãi còn đó một dấu mốc quan trọng trong lộ trình cách tân thơ Việt hiện nay và cả sau này. 
 
Hải Phòng, 2/1/2014


Phần nhận xét hiển thị trên trang