Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Hài tết :"CHÔN NHỜI " FULL - Chính Thức - Đạo diễn: Phạm Đông Hồng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài của bạn "Hưng Yên Quê mẹ":

MẸ CHA BỌN QUAN THAM

Dân chợ đồn là hiện có một đĩa hài tết Giáp Ngọ rất hay,họ kể rằng:
Nội dung là NGUYÊN MẪU CÓ THẬT NGOÀI ĐỜI ở một đất nước nằm trên địa cầu này.
Một kẻ là tay kế toán quèn,do có những thủ đoạn lưu manh bỉ ổi nên mang vợ hiến cho quan trên để được làm quan. 
Khi ngoi đến chức thượng thư bộ Đi lại,hắn đặt ra mọi loại "phí-(thuế)" trên đời: Thuế trâu bò,thuế chó lợn,thuế người đi bộ...
Cậy cục mãi,HN mới mượn được cái đĩa có tên "CHÔN NHỜI" về xem cùng các cụ hàng xóm.
Một cụ già-công nhân xây dựng thủy điện Hòa Bình xưa,xem xong vuốt râu:
-Lớp trẻ thật tài,sao chúng biết chuyện cũ mà chửi xéo?

****
May thay,trên YOUTUBE đã đăng!

Có thể nhiều cô bác anh chị đã xem,có thể chưa,nếu chưa xem,H.N tha về đây,xin dành một trăm mười lăm phút để xem nhé.




Cười để sống lâu bà con cô bác ạ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Thông điệp mùa xuân

mùa xuân thật là ngu ngốc
cớ sao lởn vởn xứ này
xứ sở
câm nín
chán ngắt và
buồn nôn kinh khủng
 
phí hoài
gót chân tháng giêng
gót chân mộng du
lạnh buốt mơ màng
giẫm đạp lên
tiếng thở dài ngàn năm hà nội
giẫm đạp lên
tấm biển hiệu nhâng nháo
không còn khả năng xấu hổ
giẫm đạp lên
đôi mắt người lính già năm cũ
bị phản bội
 
còn hơn
một nghi lễ
mi (zê) bẻ chùm lá non
vẫy chào
niềm vui không thể bị giết chết
đang ló dạng đâu đây
tiếng cười không còn gì để mất
niềm tin đang leo ngược dốc
vượt qua những tháng ngày
bị đánh tráo
 
có lẽ
mùa xuân không hề ngu ngốc
lang thang phiêu dạt xứ này
gót chân tháng giêng
gót chân mộng du
lạnh buốt
mơ màng
chầm chậm mang theo thông điệp
trận cuồng phong hoa hồng
rực rỡ
dữ dội.
sắp tràn về
nhấn chìm tất cả
 

 
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2013: “Khắc tinh của giải thưởng” và bài “Tự làm khó mình”



1. Khắc tinh của giải thưởng
 Trịnh Bảo Chân:
Một bài viết trên báo lề phải Sức khỏe& Đời sống, nhưng rất đáng đọc. Rất đáng trách hằng trăm tờ báo gọi là Văn nghệ, từ Trung ương đến các tỉnh thành, kinh phí bao cấp do nhân dân đóng thuế nuôi, lại cứ tụng ca phe cánh, đú đởn bè phái, không dám động chạm Hội Nhà văn vì các quan văn nghệ đầu đường xó chợ sợ quan văn nghệ Trung ương không kết nạp…Tưởng rằng các cụm từ “lợi ích nhóm”"tư duy nhiệm kỳ” trong nghị quyết của đảng chỉ xảy ra ở lĩnh vực kinh tế xã hội, ai dè nó đầy rẫy trong văn chương mậu dịch.
12Ảnh: Hai nhà phê bình Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Hoàng Đức, khắc tinh của bọn người chạy giải.
Bởi vậy, cư dân mạng rất thích đọc Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hoàng Đức, Đỗ Hoàng, Nguyên Hải, Trần Mỹ Giống, Hồ Thanh Ngân, Vũ Đình Ninh, Thạch Minh, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, Đào Hiếu, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Hữu Vinh…trên các trang mạng. Giờ xin mời quý vị đọc chút báo trên báo”lề phải có lương tâm”với đồng tiền thuế nhân dân:
20/01/2014 13:00
2. Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2013:  Tự làm khó mình?
Hà Ngân
Giải thưởng thường niên năm nay người ta thấy phần lớn là những gương mặt hoặc đã quá “nhàu” hoặc lạ hoắc như thể không còn gì để xếp đầy “mâm cỗ tất niên”, nên đành vậy. Bởi lẽ, như luật bất thành văn, cứ đến mùa thứ 5, mùa của giới văn nhân, bao giờ mà chẳng có giải, giống như các cụ nhà ta thường bảo “cỗ nào chẳng có thịt gà”, năm hết Tết đến, không có giải, mất vui. Vì thế, không ít người cho rằng Hội Nhà văn đang tự làm khó mình xem ra cũng có lý.
“Méo mó, có hơn không?”
Giải thưởng năm nay được trao cho các tác phẩm: tập truyện ngắnBãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí; tập tiểu luận và bút ký về nghề văn Phút giây huyền diệu của Ma Văn Kháng; tập thơ Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân; tiểu thuyết Nông dân của nhà văn Ba Lan Wladyslaw St. Reymont do dịch giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ.
4Có thể nói, Ma Văn Kháng là một nhà văn gạo cội của làng văn chương Việt, người dường như đã quá “no” các giải thưởng, trao thêm một giải thường niên nữa liệu có làm cho tiếng tăm của ông tăng thêm chút nào hay chỉ làm khổ ông thôi. Dư luận cho rằng lý do duy nhất để trao giải cho tác phẩm của ông chỉ mang tính chất hiếu hỉ theo kiểu “kính lão đắc thọ”. Vì trong giới lý luận phê bình, dạng các tác phẩm như hồi ký, bút ký cá nhân, tự truyện… chỉ được xem là “cận văn chương” chứ chưa phải là văn chương đích thực nên không thể bàn về chất lượng nghệ thuật.
Không biết đây là chuyện mừng hay lo, vui hay buồn khi một thành viên Hội đồng chấm giải cho hay, đến phút 89 mà vẫn không tìm ra bất cứ tác phẩm nào khả dĩ đại diện cho mảng văn xuôi mùa này, cuối cùng, tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí vừa đặt lên bàn xem xét và bỏ phiếu, ngay lập tức đạt số phiếu tuyệt đối (9/9). Một đại diện Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) trao đổi với báo giới về tập truyện ngắn này đã cho hay: “Đây là một phát hiện lớn của giải thưởng hội năm nay…”. Nhưng cũng từ sự “phát hiện” này có người lo ngại, giải thưởng văn chương năm nay có xu hướng đề cao loại văn chương “huỵch toẹt”, “bốp chát”, “bặm trợn” cũng như những tác phẩm thuộc loại “làng nhàng” khác. Có người còn nghĩ quá đi, tương lai có thể loại văn chương viết về những tên buôn lậu ma túy, các má mì gái mại dâm, những tên cướp giật đường phố, bắt cóc trẻ em, buôn bán phụ nữ qua biên giới… bất luận là có hay không có văn chương đều có thể đoạt giải. Dường như trong những năm gần đây, không ít người cố tình đề cao một cách thái quá loại văn chương này, đẩy nó lên thành mặt “hàng độc”, “quí hiếm”, cần phải tôn vinh, cổ vũ (!?)
Những lớp sóng ngôn từ là tập thơ đuối nhất so với mặt bằng thơ những năm gần đây cũng như so với các tác phẩm đoạt giải năm nay. Nhiều bài viết như nói, chẳng phải thơ, cũng không ra văn xuôi, nó chỉ khác là những câu nói bình thường, nhưng tác giả rất “chịu khó” xuống dòng.
Tiểu thuyết Nông dân – một tác phẩm đã từng đoạt giải Nobel văn học năm 1924, được Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ cũng nhận được giải văn học dịch năm nay. Chất lượng nghệ thuật của tác phẩm gốc đã được cả Hội đồng văn học Giải Nobel quốc tế kiểm định từ cách đây gần thế kỷ, khỏi phải bàn. Có người bảo, với đà này, thời gian tới, cứ “đè” những tác phẩm đoạt giải Nobel của thế giới ra mà dịch, chắc chắn sẽ đoạt giải. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp dịch cho rằng tác phẩm còn khá nhiều lỗi khi chuyển ngữ, nhất là khả năng Việt hóa một số thuật ngữ có yếu tố Hán – Việt là không chuẩn.
Đi tìm nguyên nhân “vì sao nên nỗi”
Tất cả những người được giải năm nay đều thuộc lớp tuổi U 60, trẻ nhất là Nguyễn Trí (sinh năm 1958), tiếp đến là Nguyễn Văn Thái (sinh năm 1945), rồi đến Mã Giang Lân (sinh năm 1941) và cuối cùng là Ma Văn Kháng (sinh năm 1936). Như vậy, có thể nói, không có gương mặt nào trẻ về tuổi đời được giải năm nay.
Tuy nhiên, năm nay, cả bốn tác phẩm đoạt giải đều nằm trong tầm “soi” của dư luận. Nhiều người cho rằng các tác phẩm nói trên đều “có vấn đề” về mặt chất lượng nghệ thuật.
Theo lẽ thường tình, bản thân tác giả và những tác phẩm được trao giải những năm trước đây cũng như sẽ trao giải năm nay không có lỗi gì, vì chẳng mấy ai cầm bút viết văn, làm thơ cốt vì giải. Chuyện xét giải là việc của Hội đồng chấm chứ tác giả làm sao quyết định được? Thế nhưng cũng không thiếu chuyện ì xèo rằng người này, người nọ bằng uy tín tuổi tác, nghề nghiệp, quan hệ thân sơ với nhiều thủ thuật khá tinh vi đã tác động nhất định đến các thành viên Hội đồng, làm cho cán cân công lý nhiều khi chao đảo, thậm chí chệch hướng.
5
Ảnh: Những tác phẩm nội dung dở chạy giải giỏi: Trường ca chân đất văng cứt vào thơ, Giờ thứ 25 đạo văn, Màu tự do của đất hay Màu tự do quê một cục…
Theo chúng tôi, nguyên nhân sâu xa nhất xảy ra tình trạng trên là sự thiếu công khai minh bạch các tiêu chí cũng như quá trình xét giải. Từ nhiều năm nay, những tác phẩm được giải, công chúng chưa hề biết mặt mũi nó ra làm sao, đến khi tác phẩm được giải họ mới mắt tròn mắt dẹt, chẳng hiểu cơ sự ra làm sao. Có người còn mạnh mồm nói trắng ra rằng những tác phẩm được giải là không đáng đọc. Dư luận cho rằng trong việc xét giải lúc này, lúc khác đã bị lợi ích nhóm và các yếu tố tiêu cực chi phối. Dù đấy chỉ là ý kiến của một vài cá nhân nào đó, nhưng cũng đủ để tạo nên một màn sương đục làm hoen ố ít nhiều giải thưởng văn chương, một trong những giải thuộc loại cao quý.
Thiết nghĩ, một hội nghề nghiệp có uy tín và đã ra đời cách đây gần 60 năm (1957) như Hội NVVN cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một bộ tiêu chí nào làm cơ sở khoa học cho sự định giá tác phẩm văn chương. Nếu có bộ tiêu chí thực sự khoa học để đánh giá tác phẩm cũng như công khai quá trình xét chọn tác phẩm, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu đến mức tối đa sự ỉ eo, đàm tiếu của dư luận về những áp lực từ lợi ích nhóm, từ những việc tiêu cực (nếu có), từ quan hệ thân sơ, những lá phiếu cảm tính và nhất là sự tắc trách trong khâu đọc và thẩm định tác phẩm.
Hà Ngân (Theo báo Sức khỏe & Đời sống)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chúng ta quá ích kỷ trước cái ác


Là người quan tâm nhiều đến những chuyện nhiễu nhương của xã hội, trong đó có những bản án và tâm lý người phạm tội, nhà thơ – nhà báo Lê Thiếu Nhơn trăn trở về sự tác động của cộng đồng đối với các phạm nhân: 
Nhà thơ – nhà báo LÊ THIẾU NHƠN
Là người quan tâm nhiều đến những chuyện nhiễu nhương của xã hội, trong đó có những bản án và tâm lý người phạm tội, nhà thơ – nhà báo Lê Thiếu Nhơn trăn trở về sự tác động của cộng đồng đối với các phạm nhân:

“Tôi đã từng gặp nhiều phạm nhân sau song sắt. Tôi thấy bản án mà họ đang gánh chịu cũng có trách nhiệm của cộng đồng. Chúng ta thiếu sự giám sát hợp lý đối với những người có chức vụ, chúng ta thiếu sự quan tâm cần thiết đối với những người gặp khúc quanh túng bấn, và chúng ta càng thiếu sự chia sẻ với những người ít học! Tóm lại, chúng ta đang dần dần trở thành nạn nhân của lối sống ích kỷ và dửng dưng!”

@ Là nhà thơ có những câu thơ đau đáu như “Danh vọng màu gì lương tri màu gì?” hay “Người tốt bóng mờ bóng nhỏ vừa mịt mù vừa vô tận trong mưa”, đồng thời cũng là một nhà báo xông xáo, vậy hẳn những câu chuyện vụ án cũng nằm trong mối quan tâm hoặc đi vào trang viết của anh?

Lê Thiếu Nhơn: Đúng vậy! Tính chất công việc và thao thức riêng tư luôn khiến tôi xao xác khi nghe hoặc khi đọc những câu chuyện vụ án. Tuy nhiên, tôi không tìm đến các chi tiết trộm – cướp – giết – hiếp để thỏa mãn tính tò mò, mà để lý giải băn khoăn thường trực “nhân chi sơ tính bổn ác” hay “nhân chi sơ tính bổn thiện”? Và đáng tiếc thay, trong bối cảnh hiện nay, thắc mắc ấy không dễ trả lời rành mạch!
   
“Sự thật” trong câu thơ của anh “Sự thật đe dọa dạ dày / Sự thật tổn thương nhân cách” có liên quan thế nào đến vòng xoáy tình – tiền – tù- tội?

Lê Thiếu Nhơn: Chính xác hơn là nó liên quan đến nguyên nhân sâu xa: mặt nạ giả dối!Khi xung quanh rất nhiều người đeo mặt nạ để sống, nói tốt đẹp để làm xấu xa, nhân danh điều cao cả để thực hiện điều hèn hạ, thì sự thật trở thành một nỗi sợ hãi ám ảnh từng ngày đối với những ai muốn sống lương thiện! Thực đáng ái ngại, nếu con người phải đến với sự thật theo những lối đi lòng vòng và những lời thầm thì nhỏ to, như một kẻ ngoại tình!

Ở vị trí Trưởng ban thư ký tòa soạn báo Kiến thức Gia đình, anh cho xử lý những tin, bài thuộc loại “cướp – giết- hiếp” theo quan điểm nào?

Lê Thiếu Nhơn: Các loại bài ấy cũng có một bộ phận bạn đọc hứng thú, tôi không thể không đồng ý đăng tải. Thế nhưng, tôi luôn có yêu cầu: thay vì mô tả hành vi phạm tội, hãy cố gắng viết về số phận và tâm lý của người gây án như một hồi chuông cảnh báo cho xã hội! Tôi thượng tôn pháp luật bằng cách theo đuổi ý niệm: tòa án chưa ra phán quyết thì không được xem ai là tội phạm, và mọi quyền lợi của nghi điểm đều thuộc về bị cáo!

@ Anh nghĩ đâu là căn nguyên của thực tế tình hình tội phạm ngày càng tăng và gây án ngày càng lạnh lùng, như vụ chặt tay cướp xe SH mà tòa xử mấy ngày qua là gì?

Lê Thiếu Nhơn: Quan sát những biến cố an ninh trật tự, tôi luôn tự hỏi: sao không thấy trường mầm non tiêu chuẩn quốc tế có chuyện bảo mẫu hành hạ các cháu thiếu nhi, sao không thấy nữ sinh trường chuyên, lớp chọn có chuyện đánh nhau và lột đồ quay clip? Đời sống vật chất và trình độ hiểu biết luôn dẫn dắt mọi hành vi của con người. Ở nước ta, ngành xã hội học còn quá non trẻ, nên không có những điều tra và nghiên cứu thấu đáo nhằm giúp cộng đồng tìm ra giải pháp tốt nhất ngăn ngừa cái ác. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý một thuật ngữ xã hội học vô cùng quan trọng là “sự chuyển dời áp bức”!
  
@ Anh nghĩ gì về tội phạm ở các đô thị lớn? Theo anh thì sự bất ổn của đô thị nằm ở đâu và cần quản lý đô thị như thế nào để giảm thiểu được tội phạm?

Lê Thiếu Nhơn: Khoảng cách giàu nghèo đang tạo ra nhiều hố ngăn tàn nhẫn, dễ khiến tâm lý phạm tội bị kích hoạt. Chúng ta cần sòng phẳng nhìn nhận, cái tình trạng kẻ ăn không hết người lần không ra trong bối cảnh tranh tối tranh sáng đã hình thành thái độ bất mãn và bất chấp. Muốn duy trì sự ổn định chỉ có một phương pháp duy nhất là khôi phục niềm tin cho mọi người vào công lý và chân lý, rằng: sáng tạo sẽ được vinh danh còn gian lận sẽ bị vạch mặt, cần cù sẽ được đền đáp và tham nhũng sẽ bị trừng trị!
  
@ Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh có nói ý: Sự vô sỉ và bịp bợm cũng là những khâu của quá trình lưu manh hóa để tiến tới trở thành tội phạm. Lãnh vực hoạt động văn hóa có nhiều tội phạm và lưu manh hơn nhiều người tưởng. Cũng là người làm văn hóa, anh có đồng tình với ý kiến này?

Lê Thiếu Nhơn: Không sai, thượng bất chính hạ tất loạn! Sự theo đuổi danh lợi khốc liệt đang phá vỡ chuẩn mực đạo đức của xã hội. Một khi có kẻ vươn lên làm người giàu bằng ngón nghề “trường vốn trốn thuế” và một khi có kẻ vươn lên làm người sang bằng tiêu chí “mua học hàm bán học vị” thì mọi giá trị tốt đẹp sẽ lung lay! Tôi xin nhấn mạnh thêm, một dân tộc khi bị hao hụt tài sản không đáng lo bằng một dân tộc bị chao đảo văn hóa!
 
Điều gì giúp anh giữ được cho mình thiên lương của một người cầm bút để “ngồi suốt đêm trước trang giấy vẫn vẹn nguyên trắng”? Áo cơm có phải là nguyên nhân khiến anh “sao cứ thấy bàn tay chụp giựt đè lên bàn tay cặm cụi”? Có điều đáng xấu hổ, theo chủ quan của anh, mà anh đã phạm phải?

Lê Thiếu Nhơn: Mỗi ngày tôi đều tập sống chung với nhiễu nhương như chính những câu thơ tôi viết: “Tập kiềm chế ngoa ngôn, tập tránh xa trịnh trọng. Tập làm người kiêu hãnh với đắng cay. Tập làm người sốt ruột ngày mai”. Tôi là người cả nghĩ, cho dù có vàng kho bạc đống thì chưa chắc tôi đã nguôi day dứt với thời cuộc! Điều khiến tôi xấu hổ nhất là “lực bất tòng tâm”, không có cách cổ vũ hữu hiệu dành cho những người tử tế đang cặm cụi vun đắp cho sự phát triển chung!

@ Xin cảm ơn anh!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tri thức châu Á

Mời các bạn đọc bài này cho biết một cái nhìn phương Tây về tri thức châu Á. TT sáng nay cũng có đăng một bản dịch(do người khác dịch), ngắn hơn bản dưới đây 


Trông người lại gẫm đến ta.

----


Châu Á – vùng đất mới của tri thức

Venkatraman Ramakrishnan, Yoichiro Namamuba, Roger Y.Tsien… Trong nhiều năm gần đây, những cái tên châu Á đang dần thay thế Albert Einstein hay Pierre-Gilles de Gennes trên bảng danh sách các nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel khoa học. Họ cũng là minh chứng cho sự lớn mạnh không ngừng của nền khoa học châu Á.

Năm ngoái, trong số 6 người đoạt giải Nobel vật lý và hóa học, có một người Anh gốc Ấn Độ và một người Mỹ gốc Trung Quốc. Năm 2008, có 3 người Nhật và 2 người quốc tịch Mỹ gốc Á cùng chia nhau những giải thưởng này.

Trong một chương của cuốn “10 ngày làm rung chuyển thế giới” (NXB Grasset, 2009) mang tên “Ngày những người châu Á giành tất cả các giải Nobel”, Alain Minc đã dự báo thời điểm mọi giải thưởng Nobel sẽ thuộc về người châu Á: đó là tháng mười năm 2021. Tất cả những người giành được giải sẽ là người Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ hay Singapore… Và đến khi ấy, các trường đại học phương Tây, vốn vẫn quen giành được giải thưởng danh giá này, đều bàng hoàng. Ông viết: “Bỗng nhiên, hồi chuông báo động vang lên liên hồi tại tất cả các viện hàn lâm phương Tây. Cú sốc này thật khủng khiếp ngay tại Harvard, Berkeley, Oxford, Heidelberg và cả tại Đại học sư phạm (Paris)!”

Phương Tây hết đặc quyền tri thức

Cho dù dự đoán này khó có thể thành hiện thực nhưng nó cũng cho thấy sự thay đổi đang diễn ra. Tri thức không còn là đặc quyền của riêng ai và khiến các nước phương Tây phải sững sờ khi phải đối mặt với một châu Á ngày càng lớn mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Lâu nay các quốc gia phương Tây thuong không đánh giá cao trí thông minh và tính sáng tạo của người châu Á.

“Người Nhật hay mỉm cười một cách ngớ ngẩn và chụp hình mọi thứ chuyển động”; “người Trung Quốc chỉ giỏi bắt chước và làm nhái máy móc điện tử”; “người Ấn Độ chỉ biết gia công phần mềm”… Đằng sau những điều này, phương Tây đã không thể nhìn ra ý chí của một số nước châu Á cũng như tầm quan trọng của ngân sách những nước này đầu tư vào giáo dục bậc cao (đại học) và nghiên cứu khoa học.

Tại những trường đại học hàng đầu nước Mỹ, người ta lo lắng nhận thấy rằng các sinh viên gốc châu Á không chỉ chiếm sĩ số lớn trong các ngành học khoa học mà còn nằm trong số những sinh viên giỏi nhất. Kết quả là trong một số lĩnh vực, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia hay Singapore đang dần bắt kịp châu Âu, Mỹ, và đặt chân vào các ngành nghiên cứu mũi nhọn.

Là quốc gia mở đường, Nhật Bản đã vạch ra đường đi cho châu Á khi ngay từ cuối thế kỷ 19 (thời Minh Trị Thiên hoàng), nước này đã xây dựng cơ sở vật chất để phát triển khoa học và công nghệ. Và họ đã thành công như chúng ta đã thấy. Đất nước mặt trời mọc, quốc gia châu Á đầu tiên lọt vào câu lạc bộ các nước phát triển, hiện rất mạnh trong một số lĩnh vực.

Trung Quốc cũng dần tiến lên sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc vào cuối những năm 1970. Chỉ trong vòng 30 năm, Trung Quốc đã trở lại các nước tốp đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học.

Hội chợ triển lãm toàn cầu tại Thượng Hải là minh chứng cho thấy Trung Quốc đang hướng tới trong lĩnh vực khoa học, kinh tế và công nghiệp. Để xóa đi hình ảnh về một quốc gia đang phát triển vốn chỉ được coi là phân xưởng của thế giới, Thượng Hải đang cố gắng chứng minh cho thấy nơi đây đang trở thành một “Thung lũng Silicon” với 300 trường đại học, 17 viện hàn lâm khoa học, 35 “vườn ươm” khởi nghiệp kinh doanh.

Theo Thời báo Tài chính (Anh), tờ báo đã xuất bản một tài liệu nói về sự vươn lên của châu Á trong lĩnh vực khoa học hồi đầu năm, cứ theo đà hiện nay, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, và đương nghiên sẽ xếp trên cả Nhật, Đức, Anh và Pháp. Những dự đoán này dựa trên nhiều yếu tố, trước tiên là số bài báo khoa học của người Trung Quốc trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và nước ngoài: từ 20.000 bài vào năm 1998 tăng lên 83.000 bài trong năm 2006 và gần 120.000 bài vào năm 2008, xếp sau Mỹ (345.000 bài).

Hiện nay, số nhà nghiên cứu của Trung Quốc nhiều bằng số nhà nghiên cứu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Nếu cách đây 10 năm Trung Quốc chỉ có 5 triệu sinh viên thì con số này hiện nay đã là 29 triệu. Hơn một nửa số sinh viên học tập tại 2.263 cơ sở đào tạo đại học của nước này. Mỗi năm cũng có gần 10 triệu học sinh thi đậu Gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học cực kỳ khắc nghiệt. Những người may mắn nhất sẽ được học tại các trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa (Bắc Kinh), Jiao Tong, East China Normal University, Tongji (Thượng Hải) hoặc cả Đại học khoa học và công nghệ Hồng Kông.

Tuyển lựa rất khắt khe, giáo dục bậc đại học tại Trung Quốc đang đi theo mô hình kim tự tháp giống các Trường lớn tại Pháp (*). Đề án 211 của chính phủ Trung Quốc ra đời năm 1995 đã tập hợp khoảng 100 cơ sở đại học tốt nhất nhằm có thể xây dựng các trường này trở thành những đại học hàng đầu thế giới. Những trường này có khoảng 500 phòng nghiên cứu mà các trường đại học danh giá nhất Mỹ hay châu Âu cũng phải thèm muốn. Các phòng nghiên cứu này đào tạo ra các nhân tài và sử dụng đến 70% nguồn tài trợ của chính phủ dành cho nghiên cứu.


Trung Quốc, Ấn Độ đang nổi lên


Mục đích của chính phủ Trung Quốc rất rõ ràng: đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của họ trong một số ngành chủ chốt như công nghệ nano, công nghệ sinh học hay công nghiệp không gian. Theo truyền thống, các ngành Trung Quốc có thế mạnh là khoa học vật lý (khoa học vật liệu, hóa học, vật lý), toán học, kỹ thuật hay công nghệ thông tin. Để đẩy mạnh các ngành này phát triển hơn nữa, chính phủ Trung Quốc dành cho nghiên cứu một khoản chiếm đến 1%-1,5% GDP. Đặc biệt, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học đã tăng 18% mỗi năm trong giai đoạn 1995 – 2006, đứng thứ 3 thế giới sau Nhật và Mỹ.

Trong cuộc đua này, Trung Quốc dựa vào lực lượng lớn mạnh các nhà khoa học Trung Quốc trên toàn thế giới. Đây là chiến lược của Đặng Tiểu Bình, người đã quyết định tạo điều kiện cho các sinh viên đi học ở nước ngoài. Kể từ năm 1978, khoảng 1,2 triệu thanh niên Trung Quốc đã được đi học tại các đại học Mỹ và châu Âu. Một số người ở lại nước ngoài sau khi học xong, nhưng rất nhiều người có trình độ cũng đã quay về Trung Quốc (44.000 người vào năm 2007).

Chính phủ đã “trải thảm đỏ” đón họ trở về, tạo điều kiện cho họ được làm việc trong môi trường tốt nhất để đổi lấy kiến thức, năng lực và mạng lưới của họ, đặc biệt là tại Mỹ. Các nhà nghiên cứu này không chỉ dẫn dắt các phòng thí nghiệm, nơi đào tạo ra các nhà khoa học đoạt giải Nobel tương lai, mà còn đứng đầu các tập đoàn đa quốc gia. Các tập đoàn này sau khi đã di chuyển các nhà máy đến Trung Quốc cũng đang dời hoạt động nghiên cứu và phát triển đến Trung Quốc.

Là láng giềng và đồng thời là đối thủ của Trung Quốc, Ấn Độ cũng là điểm đến ưu tiên của các tập đoàn đa quốc gia. Ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia muốn chuyển các hoạt động nghiên cứu và phát triển đến Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ (bảo hiểm, lập hóa đơn từ xa…). Cũng giống như Trung Quốc, Ấn Độ có nhiều sinh viên và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học – công nghệ có khả năng gửi các máy thăm dò lên mặt trăng (envoyer des sondes sur la Lune) và có thế mạnh về toán học.

Tuy nhiên, chỉ với 25.000 bài báo khoa học được xuất bản trong năm 2009, Ấn Độ vẫn phải xếp sau Trung Quốc. Theo Thomson Reuters (hãng thông tấn có làm thống kê các ấn bản khoa học xuất bản khắp thế giới), Ấn Độ xếp thứ 12 thế giới về các ấn bản khoa học, sau Hàn Quốc và Đài Loan. Các nhà xã hội học giải thích rằng người Ấn Độ chưa mặn mà lắm với nghiên cứu khoa học, do thiếu sự khuyến khích về mặt tinh thần và cả ý thức hệ. Điều này khác với Đông Á, nơi các giá trị Nho giáo (tạo điều kiện cho giáo dục, lao động, thành tích cá nhân, sự hi sinh…) luôn được coi trọng.

Các nhà khoa học Ấn Độ lại cho rằng nguyên nhân là đầu tư dành cho nghiên cứu và phát triển chưa được chú trọng (chỉ 0,8% GDP) và thiếu cơ sở hạ tầng có chất lượng. Mới đây, cố vấn các vấn đề khoa học của Thủ tướng Ấn Độ đã gây sốc khi tuyên bố, 75% trong số 600.000 cử nhân tốt nghiệp các trường kỹ sư hằng năm không thể làm việc được do trình độ không đáp ứng yêu cầu! Chính phủ Ấn Độ rất có ý thức về tình trạng này và cố gắng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học bằng cách nâng cao trình độ giáo dục và quốc tế của các cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ đã thông báo thành lập 14 trường đại học đẳng cấp quốc tế. Nhưng khác với Trung Quốc, tại Ấn Độ các trường đại học nước ngoài không được phép hoạt động và phải 10 năm nữa những cải cách nói trên mới cho kết quả.

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, các quốc gia mạnh về khoa học khác tại châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, dù ngày càng lớn mạnh về khoa học, vẫn khó có ngày mà mọi giải thưởng Nobel đều thuộc về các người châu Á. Chất lượng của các nghiên cứu tại châu Á vẫn chưa đạt yêu cầu. Bằng chứng là những ấn bản khoa học của châu Á vẫn không xuất hiện nhiều trong các trích dẫn khoa học quốc tế, điều giúp đánh giá giá trị cũng như tầm ảnh hưởng của các ấn bản.

Tuy nhiên, sự lớn mạnh của châu Á trong lĩnh vực khoa học là điều không thể nghi ngờ. Trong khi chờ đợi các nhà khoa học đoạt giải Nobel cống hiến công sức và trí tuệ của mình cho đất nước vào một ngày nào đó, theo Alain Minc, “một vùng đất của tri thức đang hình thành từ Seoul đến Thượng Hải, Bắc Kinh, Delhi, Tokyo cho đến Bangalore, Đài Bắc và Singapore”.

Nền kinh tế tri thức có thể sẽ đóng vai trò quan trọng đối với châu Á cũng giống như Cộng đồng than, thép (tiền thân của EU) đối với châu Âu trong những năm 1950. Nó sẽ kết nối toàn châu Á thành một khối thống nhất, vượt ra ngoài phạm vi của văn hóa Nho giáo, điều mà Tôn Trung Sơn hay Nehru hằng mơ ước.

--
Theo tạp chí Pháp “La Revue”)
--
(*) Trường Lớn (Grandes Ecoles) của Pháp là trường phải thi tuyển, rất khó vào. Đây là nét đặc thù của hệ thống giáo dục bậc cao nước này. Các đại học Pháp thì không tuyển sinh theo kiểu thi tuyển, đậu tú tài là có quyền ghi danh vào học.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Binh tình tết!

Quất thế, đào cổ thụ ủ rũ 'đứng đường' đón khách
(VTC News) - Chỉ còn gần 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng người trồng đào quất đang lâm vào tình trạng ế khách, nhất là với những cây có giá "khủng".
Trong những ngày này, tại các vườn lâu năm ở Hà Nội như Nhật Tân, Tứ Liên, đào quất đã lên dáng, trổ hoa sẵn sàng chờ khách tới mua. Tuy nhiên sau một năm kinh tế khó khăn, thói quen vung tiền cho các loại cây chơi Tết đã bị hạn chế hơn rất nhiều.


Mặc gì lượng khách đến những khu vườn này vẫn khá đông nhưng đa phần trong số đó là khảo giá hoặc thuê thay vì bỏ tiền ra mua những loại cây cảnh này. Tình trạng ế khách không chỉ xảy ra với những cây giá rẻ, mà ngay cả quất thế, đào cổ thụ trên chục triệu đồng cũng đang lầm vào cảnh bi đát.

Thượng vàng hạ cám đều ... ế

Tham khảo tại các vườn đào, quất ở Tứ Liên (Hà Nội), về mặt bằng chung giá không có nhiều thay đổi so với năm trước, tuy nhiên lượng khách tới mua và thuê lại ít hơn hẳn so với cùng thời điểm Tết năm ngoái. 

Thị trường đào năm nay khá đa dạng về chủng loại, kiểu dáng cũng như mức giá. Đào cành các loại như đào phai, bích đào... có giá từ 50.000 - 300.000 đồng, đào rừng mang xuống từ Mộc Châu, Lạng Sơn có giá cao hơn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi cành, nếu cành to và nhiều hoa giá có thể lên tới 2 - 3 triệu đồng.

Cảnh tượng ủ rũ dễ nhận thấy của những người bán đào trên đường Nhật Tân (Hà Nội) (Ảnh: Nguyễn Lê)Không chỉ phục vụ cho lớp khách hàng bình dân, giới trồng đào còn có sẵn những cây giá "khủng" từ 10 triệu đổ lên dành cho người lắm tiền hoặc cơ quan, tổ chức mua về chơi Tết. Những cây loại này thường có tuổi đời từ 2 - 4 năm, có thế rõ ràng, giá mua đứt có thể lên tới 40 - 50 triệu, còn nếu thuê sẽ phải chi trả 70% giá trị.
Ông Hùng, chủ một vườn đào ở Tứ Liên cho biết, nếu như mọi năm, vào tuần sát Tết đào sẽ được bán rất mạnh thì năm nay tình hình lại khá căng. Hàng ngày, vườn của ông đón khá nhiều lượt khách tới xem nhưng chủ yếu chỉ là khảo giá, nếu có mua cũng chỉ chọn những cây giá thấp từ 1 - 3 triệu đồng.

Với loại đào cổ thụ, giá trên 10 triệu năm nay người thuê đã ít chứ đừng nói gì là mua, ông Hùng than thở.

Theo ông Hùng, cả vườn có 200 gốc đến giờ khách mới đặt thuê được gần một nửa, nếu không có ai hủy thì đến Tết hòa vốn là may, chủ vườn bi quan về tình hình trước mắt.

Tương tự như đào vườn, đào rừng cũng đang trong tình trạng xem nhiều hơn mua. Dạo qua tuyến phố Lạc Long Quân (Hà Nội), mặc dù loại đào này được bày bán khá nhiều và mức giá không hề tăng hơn so với năm trước nhưng cảnh chủ hàng ngồi ngáp ngắn, ngáp dài vẫn rất phổ biến.

Chị Hòa, một chủ hàng tại đây cho biết, năm nay do kinh tế khó khăn nên chỉ dám nhập về 30 cành đào Lạng Sơn. Giá cả mặc dù đã khá bình dân từ 1 - 10 triệu đồng nhưng mới chỉ bán được 10 cành. Càng gần Tết giá đào sẽ càng hạ xuống, kiểu này lỗ vốn là chắc, người chủ này ngao ngán.

Quất cùng cảnh ê chề

Cùng chung cảnh ngộ "ế" như đào, nhưng tình hình của quất còn có bi thảm hơn. Do năm nay thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều khiến nhiều cây bị hỏng rễ, bung quả, trong khi đó giá lại không thể tăng hơn so với năm trước, không những thế sức mua lại èo uột đang khiến người trồng hết sức khó khăn.

Ông Đoàn, một chủ vườn có 300 cây ở Tứ Liên (Hà Nội) cho biết, riêng số cây bị hỏng từ đầu năm tới đây đã chiếm tới gần 1/4. Tuy nhiên do đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng quất nên thiệt hại mới được giảm thiểu, không như những hộ mới làm được 1 - 2 năm do mưa nhiều nên đã hỏng cả vườn, ông Đoàn kể.

Quất thế giá cao bán rất chậm trong những ngày này (Ảnh: Nguyễn Lê)

Mặc dù quất mất mùa do chết nhiều nhưng giá lại không hề được đẩy cao hơn so với năm trước. Những cây cao khoảng 1m có giá từ 300.000 - 500.000 đồng; những cây đã tạo thế, chia tầng và có độ tuổi trên 1 năm nằm trong khoảng từ 700.000 - 3 triệu đồng; còn với loại lâu năm, dáng đẹp, có thế rõ ràng rơi vào khoảng từ 5 - 10 triệu đồng, thậm chí có cây còn lên tới gần 20 triệu đồng.

Năm nay, quất rẻ mà còn bán rất chậm thì quất đắt, quất thế làm sao mà tiêu thụ được, ông Đoàn nói về tình hình kinh doanh. Chưa cần biết có lãi được đồng nào không chỉ cần không lỗ là vui rồi nhưng xem ra khó khăn lắm, chia sẻ của ông Đoàn cũng đang là lo lắng chung của người trồng quất.

Được biết, mặc dù vườn của ông Đoàn có khá nhiều quất thế giá cao nhưng từ đầu tháng tới giờ tính cả bán và thuê cũng chỉ xấp xỉ được 10 cây. Tình hình của các khu vườn khác tại Tứ Liên (Hà Nội) cũng không khá khẩm hơn được bao nhiêu.

Anh Nam, một người đến xem quất tại đây cho biết, chủ yếu anh đến xem để khảo giá, đến 28 - 30 âm kiểu gì giá chả hạ hơn nữa, lúc đó mua cũng được. 

Chia sẻ của anh Nam cũng là suy nghĩ của đa phần người mua đào, quất tại thời điểm này, càng tới sát Tết, giá sẽ càng hạ, lúc đó khách hàng sẽ được sở hữu cây cảnh vừa ý cũng như phù hợp với túi tiền. Tuy nhiên tâm lý chung này sẽ khiến người trồng đào, quất đối diện với một cái Tết ảm đạm nhất trong những năm trở lại đây.

Phần nhận xét hiển thị trên trang