Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

MƯA THÁNG MƯỜI MỘT

Nguyễn Danh Lam
TRUYỆN NGẮN

Thằng bạn đối diện giường nằm của tôi trong ký túc xá, có thói quen đi chùa vào mỗi chiều chủ nhật. Sự thực hắn chẳng lễ bái gì cả, chỉ chọn những chùa vắng, cắp theo cuốn sách, vào đó ngồi trầm tư cho đến giờ ăn tối thì về. Một ý thích lạ lùng, đôi khi tôi cũng thấy hay hay. Nhưng tính cách của hắn, thực sự mà nói, tôi không sao ngửi nổi!
Lần ấy, khi mới đặt chân vào phòng, số sinh viên cũ vỏn vẹn vài tên, còn lại là đám “tân binh” chúng tôi, ồn ào, náo nức, hẳn nhiên không thiếu một chút lạ lẫm, ngu ngơ. Ngay chiều ấy thì xảy ra chuyện. Hắn đi tắm về, thấy cái rương bị mở banh ra. Toàn bộ số tiền cha mẹ cho mang theo đóng học phí đầu năm và chi dụng sinh hoạt đã biến mất. Phòng chỉ có một tên, sinh viên cũ, mặt mũi lừ đừ, khó ưa. Thấy sự việc, gã ngồi nhìn đám đàn em chúng tôi, miệng nhếch một nụ cười khinh khỉnh. Tôi lao lên giường tầng, chộp cổ lôi gã xuống đất:
- Phòng chỉ có mình mày, tiền bạn tao ai lấy?
Gã hơi sững người, cả đám ùa vào vây lấy gã. Tôi kê nắm đấm ngang mũi thằng “đàn anh”:
- Mày mở rương mày ra tao coi?!
Thằng đàn “đàn anh” mặt mày xanh ngắt, lũ “tân bình” ùa quanh. Gần chục nắm đấm chờ chực táng xuống đỉnh mũi kẻ bị nghi vấn. Biết sự việc không thể trì hoãn, gã lập cập leo lên giường. Chiếc rương được mở ra. Mớ tiền nằm cuộn tròn trong một cái quần ka ki nhàu nát. Đúng lúc ấy thì có tiếng òa khóc, là của hắn, thằng bạn đối diện giường tôi:
- Không, không phải tiền tao, không phải tiền tao! Chúng mày thả anh ấy ra...
Gần chục nắm đấm hạ xuống. Hẫng. Ai về giường đó. Thằng “đàn anh” ráng ở thêm mấy bữa thì vác rương hòm ra ngoài thuê phòng trọ.
Về sau chúng tôi biết sự thực, mớ tiền ấy là của hắn, thằng bạn tôi. Trước đó hắn đã đếm đi đếm lại hàng trăm lượt, nhớ mùi đến từng tờ bạc. Nhưng nếu bảo thực cho chúng tôi biết vào lúc đó, thằng “đàn anh” kia sẽ nhừ tử, thế là hắn nghiến răng chịu đựng. Tôi ghét hắn từ đấy.
Chiều nay tôi tựa tường hút thuốc lá vặt. Tàn bay trắng xung quanh. Hắn dòm tôi:
- Phòng chỉ còn tao với mày...
- Ừ...
- Đi chùa với tao không?
- Cái gì?!
- Không, chỉ là vào đấy ngồi cho mát thôi. Trong ấy nhiều cây lắm. Nếu buồn ngủ mày có thể nằm ngủ cũng được!
- OK.
Tôi xỏ áo quần. Mấy lần tính cởi ra lại, nhưng nhìn quang cảnh xung quanh ngán quá, thì đi vậy. Ở lại phòng tôi sẽ biết làm gì với cả buổi chiều?
Chùa vắng ngắt. Lá rơi lác đác. Có tiếng mõ gõ đều. Lâu lâu lại nghe một cái boong. Hắn lựa thảm cỏ dưới một gốc sứ bảo tôi:
- Ngồi đây đi. Ăn bánh ngọt nhé. Tao đem cả nước nữa...
Tôi thở dài:
- Có rượu thì hay!
Hắn trợn mắt:
- Đừng giỡn bồ- Rồi hắn bày bánh ngọt, nước... ra thảm cỏ.
Tôi nhúp một cái bánh:
- Mày thường ra đây làm gì?
- Tao ngồi... tĩnh tại.
- Ngồi thiền hả?
- Không hẳn. Chỉ là khép mắt lại, cho đến khi đầu rỗng tuếch ra.
- Thế là thiền chứ còn gì nữa.
- Mày biết thiền à?
- Chỉ nghe nói vậy. Tao mà thiền cái con khỉ mốc!
Hắn ngồi thật. Hai mắt nhắm nghiền. Tôi chán, lại móc thuốc ra hút. Trời nóng. Mồ hôi chảy dài xuống cổ tôi. Tôi hỏi:
- Mày nóng không?
- Mát lắm!
Tôi búng mẩu thuốc. Đi loanh quanh. Thấy mấy bóng áo nâu. Ngại. Lại trở về ngồi trên thảm cỏ. Một đàn kiến bò dài dưới chân tôi. Tôi nhìn đàn kiến. Con nào con ấy nhẫn nại, vô tư lự, ngoan ngoãn với công việc đã được tạo hóa lập trình. Đi, cụng đầu nhau, nghiêng ngó, rồi tiếp tục lon xon trên những cẳng chân nhỏ xíu. Có lẽ với chúng, tôi có quyền năng ngang với thượng đế. Gí tay một cái là vài chục sinh mệnh nát nhừ. Bỗng có tiếng xe máy ồn lên trước cổng chùa. Mấy cái bóng thấp thoáng. Tôi nhổm dậy.
- Anh ra đây làm người ta kiếm muốn chết!
Tôi mừng rơn:
- Sao bảo chiều nay em thi cơ mà?
- Thi xong rồi.
- Sao lẹ vậy?
- Làm cho có. Chán. Đi thôi!
Tất nhiên kéo theo em vẫn là nhóm bạn tôi. Lũ chúng nó cùng thi vào chiều nay, bỏ tôi ngồi một mình chỏng chơ trong ký túc xá.
Em trao tay lái cho tôi, ngồi sau ghì chặt ngang eo. Tôi nghe bầu ngực căng cứng quen thuộc ập vào lưng mình.
- Đi đâu?
- Ra bờ sông.
- Em đã mua rượu chưa?
- Chúng nó mua rồi.
- Đủ không?
- Mười chai sáu đứa. Hết tính tiếp.
Tôi gật:
- Vậy chắc đủ. À, mà còn thuốc lá? Gói của anh gần hết rồi đấy.
- Yên tâm đi ông nội.
Tôi kéo ga. Cả lũ băng theo. Thằng chạy kế đột nhiên gào lên sằng sặc. Nó tên T. Anh đầu trong một gia đình chỉ có hai anh em trai. Thằng em đã thay nó làm anh. Nó- ba mẹ coi như đồ hư hỏng. Chỉ suốt ngày làm thơ, sưu tầm đĩa rock. Mê Pink Floyd. Khi nghe David Gilmour “phiêu” guitar, nó hóp má rít một điếu thuốc vấn bằng giấy báo. Mùi thuốc khét như người ta đốt giẻ rách.
Chiều buông chậm. Gió ập vào mát tận sống lưng. Khu đất đang quy hoạch giáp mé sông. Nhìn xa thấy thành phố và những bóng xe- bò trên cầu, nhỏ xíu như một bày kiến.
Em nằm kềnh trên đùi tôi. Ba cặp, ba kiểu, ập vào nhau. Hôn hít, bẹo má, cười ré lên... Rượu, cũng là whisky, tép dẹp, nhưng sản xuất trong nước, mùi cồn nồng nặc. Được cái rẻ tiền, lại nặng đô. Mỗi đứa một chai đủ tống thức ăn ra khỏi lỗ mũi. Hai chai thì vừa lả.
Em đột nhiên bật dậy:
- À, cái tranh anh vẽ xong chưa?
- Giao rồi.
- Chúng nó trả tiền chưa?
- Chưa thấy nói gì...
- F...!- Em văng tục, bằng tiếng Anh. Kề cái chai vào miệng tôi, mấy ngón tay em trắng xanh, thơm dìu dịu. Tôi cắn nhẹ vào ngón út. Em la lên:
- Khùng, chưa tới lúc đâu!
Cả bọn cười ha hả.
Đã thấy mấy ngôi sao trên đỉnh trời lồng lộng. T lên dây đàn. Pựt, đứt luôn dây một:
- Xui rồi!- Tiếng một đứa trong bọn.
- Kệ mẹ nó! Cùng lắm lát nữa một cặp ủi đầu xe tải... Là lá la...
- Giờ hát nhạc “sến” mới hay- Tiếng một đứa khác.
- “Sến” để đêm, lê về hông chợ mà nghe mới thấm. Mấy đêm mưa, tao thường ngồi đó, uống một mình. Nghe “sến”, thấm không chịu nổi!
T khơi mào một câu: Darling, darling, stand by me! Cả bọn gào toang lồng ngực. Một cặp ngồi ôm nhau trên yên xe gần đó, tuột xuống, đạp máy, bỏ đi.
- Biến! Biến hết!- Thằng K gào.
Gã thanh niên đột nhiên thắng xe, ngoảnh đầu lại. Sự việc có thể dẫn đến căng thẳng. Thằng K bật dậy:
- Mày dòm gì chớ hả?
Cả lũ ái ngại kéo thằng K ngồi xuống. Cặp kia bỏ đi.
Rượu gần hết vòng chai đầu. Em ghì lấy tôi, người cả hai nóng ran. Dưới ánh sao mờ, mắt em ướt kì lạ. Vầng trán cao, trắng lênh đênh. Môi hé, ướt, loang loang mùi rượu. Tôi ập xuống mặt em. Nuốt gọn cặp môi. Em ườn lên.
- Chưa đến lúc nghe!- Tiếng một đứa nhắc nhở.
Em ngồi dậy kéo lại áo.
- Làm nốt chai đi.
Vòng chai đầu tiên dốc ngược.
Bỗng có một tiếng roác của nhựa vỡ. Cốp của một chiếc xe trong nhóm vừa lãnh trọn một tảng đá to chừng nắm tay. Một nhóm người hằm hằm tiến lại. Trên tay mỗi kẻ một cây gậy. Tôi chỉ kịp ghì lấy em:
- Chạy! Chạy tụi bay!
Rượu đổ tung tóe. Những tảng đá bay bình bịch xung quanh. Tôi chìa lưng đỡ. Một tảng lao trúng bả vai, nhưng phút ấy tôi không còn biết đau là gì nữa. Cuộc chạy trốn đầy bất ngờ và nhục nhã. Tôi chỉ kịp thấy thằng K mặt lòe máu. Cặp T cũng rũ rượi. Những gương mặt méo xệch vì đau đớn. Bóng người, bước chân, hỗn loạn, lảo đảo. Cả bọn cúi rạp, vừa tránh đá, vừa đạp máy xe. May cho chúng tôi, nhóm người kia tấn công mở màn từ xa bằng đá. Một đống đá xây dựng đổ sẵn gần đấy. Nếu chúng “giáp lá cà” với những thanh gậy kia trên tay, không biết điều gì sẽ xảy ra.
Em ngồi sau lưng tôi, gào lên:
- Anh chảy máu rồi nè! Vô nhà thương mau!
Tôi ráng cắn răng:
- Không đến nỗi thế đâu. Anh chịu được. Coi tụi nó sao rồi?
Cả ba thằng con trai đầy mình máu me, thương tích. Hai cô gái còn lại cũng nghe đau nhức đâu đó, nhưng không biết vị trí cụ thể. Chỉ có em tương đối lành lặn. Lời đề nghị vào nhà thương bị cả đám bác bỏ. Chỉ còn địa điểm duy nhất là nhà thằng T. Nó mướn riêng một căn nhà làm chỗ trọ. Không thể ở được với ông bà già- Nó bảo vậy hôm chính thức dọn “ra riêng”. Từ đó, căn nhà thành địa điểm tá túc của bất cứ kẻ nào nhậu say, đêm không thể leo tường vào ký túc xá. Cả lũ bàn nhau kéo về đấy.
Thằng K, rũ rượi. Nó cảm thấy mình có lỗi vì chuyện vừa xảy ra. Chính gã thanh niên đã chở bồ về, kéo thêm đồng bọn quay lại, tập kích chúng tôi.
- Tao về ký túc!
- Giờ này sao vô?
- Leo tường. Tao xin lỗi tụi bay.
Không ai muốn níu nó nữa. Một chiếc xe tách đàn. Còn lại bốn đứa chơ vơ đứng giữa một ngã tư. Chẳng biết nơi ấy là đâu.
Đêm ấy em cởi giặt chiếc áo thấm máu của tôi. Một vết thương làm toạc da đầu. Em làm mọi việc lặng lẽ, rửa vết thương, thoa cồn lên chỗ rỉ máu. Xong đâu đó, em nằm áp tai lên lồng ngực còm cõi của tôi:
- Mình còn sống như vậy đến bao giờ nữa?
- Có thể khi ra trường mọi việc sẽ khác...
- Bao giờ ra? Em không nghĩ là mình qua được năm nay.
- Thì năm sau làm lại.
- Để kết cục là gì?
Tôi nghe vết thương nhức buốt. Đầu ong ong. Hình như sắc trời đã rạng. Cặp thằng T nằm kế bên, cuộn tròn nhau như hai cái xác bị ném chung một huyệt.
Ngồi dậy mồi một điếu thuốc, tôi chuyền nó qua môi em. Vài phút sau căn phòng đầy khói. Em cắn răng. Tôi không bao giờ tin là em có thể khóc. Phút ấy cũng vậy.

*
Mấy hôm sau thì nghe tin thằng K đã bị nhà trường đuổi học. Hôm ấy nó leo tường vào ký túc xá. Bảo vệ bắt được. Nó tấn công, khiến ông bảo vệ phải chui vào cố thủ trong chòi gác. Lên đến phòng, nó lôi chiếu và vạt giường ra hành lang đốt. Rồi cứ thế ngồi nhìn ngọn lửa, nó khóc. Không ai dám lại gần.
Thằng K mang rương hòm, quần áo đến trọ cùng thằng T. Hôm ấy tôi được trả tiền bức tranh. Thay mặt cả nhóm, thêm mấy đứa nữa, tôi “làm lễ” cho thằng K về phòng thằng T ở. Học đến ba giờ chiều, từng đứa theo cửa sau rút khỏi giảng đường. Tôi là đứa duy nhất học trên một lớp. Đã qua giai đoạn một. Nghĩa là có thể tự do nghỉ học bất cứ lúc nào. Và nghỉ học nghiễm nhiên là tự do hơn. Người ta luôn chọn tự do.
Chiều ngả. Cả lũ kéo nhau lên sân thượng. Nền xi măng còn hập nóng. Em ngồi cạnh tôi, má ửng lên vì sức nóng ấy. Trời mang em cho tôi. Cô gái làm choáng váng đám sinh viên năm hai là chúng tôi khi đó. Khai giảng, em vào trường bằng xe gắn máy đời mới. Hai vai để trần. Chân dài bất tận.
Học được vài tháng. Tôi lãnh một giải thưởng sáng tác sinh viên, do hãng nước ngoài tổ chức. Buổi triển lãm báo cáo, em lại, làm quen. Đêm ấy tiệc tàn, tiệc từ tiền vừa lãnh giải, tôi ôm em và ọe vào cặp đùi trắng ngần ấy toàn bộ số bia cùng thức ăn bị chuốc hồi chiều. Em đè tôi ra cạo gió. Cái muỗng đầy ghét trộn cùng mồ hôi, em quẳng lại bên giường, trở thành chứng tích cho ngày đầu tiên em là của tôi- chí ít là cho đến phút này. Tôi nghe loáng thoáng đâu đó bảo, cặp chúng tôi trai tài- gái sắc.
- Đừng buồn mày!- Tôi vịn vai thằng K.
Nó cười ha hả:
- Buồn là cái con chuồn chuồn, khi... ăn nó đậu, khi... lên giường nó bay!
- Vậy mày bắt đầu như thế nào từ ngày mai?
- Chẳng thế nào cả. Mày đem cái ngày mai của mày đặt trước mặt tao coi. Ừ ề ề ề...
Thằng T ôm đàn:
- Mười hai thằng trên hòm người chết. Í a ì a be rượu rum say bét say be. Biết bài này đâu ra không? Trong “Đảo giấu vàng” của Stevenson. Tao đọc từ nhỏ, chẳng nhớ nhiều. Duy có câu hát này, không hiểu sao bữa nay còn thuộc!
- Nào vô, mừng bài hát hai chục năm còn thuộc!
Đồ uống chính là bia. Thêm số rượu thằng T luôn trữ sẵn trong phòng. Uống trộn. Cả lũ mau chóng mềm ra.
- Làm gì với những ngày tới tụi bay?- Một ý kiến có thể coi như lời đề nghị.
- Mình thi hết tất cả các môn chưa nhỉ?
- Rồi. Sao nghe trống rỗng quá!
- Giá có tiền vù đi đâu một chuyến.
Em ngước mắt nhìn tôi:
- Lâu lắm rồi em chưa ra biển.
Tôi hơi cúi đầu. Em lùa tay vào đám tóc trên trán tôi, đẩy ngược nó lên:
- Nhưng chẳng sao đâu...
- Sao là sao em?
- Biển ấy. Nói thì nói vậy...
Em biết, những đồng tiền cuối cùng của tôi đã ném hết vào chiếu nhậu này. Luôn luôn là như vậy. Nhưng em vui lòng cuốn theo nó. Chủ động cuốn theo nó. Trời sinh em nhan sắc mà cá tính làm chi? Cá tính luôn làm người ta khổ. Nhất là với phụ nữ.
Thằng K vịn vách đứng lên:
- Tụi bay chờ tao!
- Thêm bia hả! Hay đấy!
Thằng T móc túi:
- Mày làm gì còn đồng nào. Lấy đây nè!
- Đừng khinh tao chớ.
Thằng K đi. Nó đi rất lâu. Cả lũ ngồi ngáp dài bên đống ngổn ngang. Có đứa bàn chuyện đi kiếm. Đã quá mười một giờ khuya. Nó lại say. Tâm trạng đang lúc thiếu ổn định. Nhưng biết tìm nó ở đâu giữa thành phố rộng lớn này? Rõ ràng không phải nó đã đi mua bia, để có thể ghé tìm nơi mấy quán nhậu gần đó.
Đang lúc ấy thì thằng K về. Nó đã tỉnh hẳn:
- Đi tụi bay! Lên đường!
- Đi đâu chớ hả?
- Ra biển. Có điều tình hình này một xe phải tống ba.
- Đủ xe mà.
Thằng K lắc đầu:
- Xe tao cho đi rồi!
Cô bạn gái thằng K hơi nhỏm dậy:
- Trời đất!
- Trời nằm đây nè- Thằng K chỉ ngực- Rồi anh sẽ mua lại!
Cả đám bốc mình bật dậy:
- Lên đường! Lên đường!
Duy nhất bạn gái thằng K không hưởng ứng. Cô quơ cái giỏ, rung vai bước ra thềm nhà. Thằng K chặn cả đám lại:
- Không tiễn khách!
Em trừng mắt:
- Ông đừng làm vậy!
Thằng K ngửa cổ, giang tay:
- Em cứ việc về, cô cứ việc đi! Tôi tay trắng! Ta trắng tay! Ta tay trắng ta giữ làm gì em?
Bóng cô gái lao vụt vào màn đêm. Không ai ngăn kịp.

*
Tôi không nhớ là chúng tôi đã ra đến biển như thế nào. Tất cả trôi qua loang loáng. Nhận phòng xong thì trời mờ sáng. Ba phòng. Nhưng tất cả nhập chung vào một. Chia cặp, ghì nhau ngủ cho đến tận trưa hôm sau.
Em dậy trước. Tôi biết em ngồi cạnh, nhìn vào gương mặt say ngủ của tôi. Kì thực tôi đã thức, chỉ khép mắt, nằm nghe cái lênh đênh, êm đềm, dịu nhẹ. Bất ngờ tôi chồm dậy, áp cả cái miệng hôi gắt vào miệng em. Vít tay quanh eo, tôi đè nghiến em sang bên cạnh. Cả lũ đã dậy ngồi gần đó vỗ tay ầm ầm. Đứa thức gào đứa ngủ:
- Dậy coi phim, dậy coi phim tụi bay.
Em cười ngặt. Mấy sợi tóc vương bết quanh gò má. Bầu ngực đội lên qua khe áo hở. Tôi đặt nhẹ một cái hôn vào đấy rồi ngồi dậy:
- Thôi đi kiếm cái gì ăn. Còn ra biển tắm.
Biển ngay trước cửa phòng. Đêm qua sóng đã vỗ đầy giấc ngủ. Rửa mặt xong, cả lũ ra hiên đứng. Đã thấy bóng thằng K ngồi một mình trên tảng đá nơi bờ sóng. Tôi hiểu nó buồn. Ai mà không buồn trong hoàn cảnh ấy. Nhưng với nó, hay với cả bọn chúng tôi, nỗi buồn chỉ là một con sóng trỗi lên trên mặt u uất trải dài. Đôi khi buồn được còn là sung sướng. Kinh khủng hơn nỗi buồn là sự trống rỗng. Chán chường vô căn cứ. Không vùi vào rượu được. Không gào thét lên được. Không điên loạn được...
- Hú ê ê. Đi kiếm cái gì ăn sáng.
Thằng K quay mặt lại. Một bên trán vẫn sưng lên sau đêm hoảng loạn hôm nào. Nó đột nhiên cười. Cái cười khi gương mặt chẳng còn biết chọn một sắc thái biểu cảm nào khác ngoài cười.
Bữa sáng, khi đã quá trưa, làm chúng tôi hồi lại một chút sức lực. Chiều cả lũ đi lòng vòng. Thằng T rủ vào xem chơi một làng cá nằm gần bãi du lịch.
Bước chân qua cổng làng đã là một thế giới khác. Hình ảnh, mùi, âm thanh đều quá ư xa lạ. Triều đang dềnh. Nước cuốn sâu vào một con lạch nhỏ. Mùi bùn biển thốc lên khăn khẳn. Một người đàn ông đang quăng chài trong con lạch. Tấm lưng gồ ghề như một tảng khô cá đuối. Bất chợt người đàn ông chững lại. Khi ông ta nhấc chân lên, nguyên một cây đinh thuyền đã xuyên từ lòng bàn chân, thò lên đến tận mu.
Em ôm mặt ối lên một tiếng. Người đàn ông cười. Hình như chửi một câu gì đó. Ông ta rút cây đinh, ném vèo lên bờ cát, nơi có một thằng nhỏ đang đứng. Thằng nhỏ lượm cây đinh. Nó đã có một món đồ chơi mới. Người đàn ông thả chân xuống nước, tiếp tục công việc.
Em kéo tay tôi:
- Về anh! Khủng khiếp quá!
- Có gì đâu. Em không thấy ông ta vẫn bình thản như không à?
- Em có cảm giác ông ấy không phải là... người nữa!
- Mà chắc chắn cũng chẳng phải là thánh.
Cả đám lục tục kéo về. Cây đinh thuyền đã xuyên vào tâm trí chúng tôi. Nhưng với người đàn ông, nó là một cái gai nhỏ. Và với con ông ta, thế đấy, đó là một món đồ chơi.
Em không xuống biển, ngồi trên bờ cát, nhìn chúng tôi giỡn sóng. Hình như em chưa gỡ được cây đinh ra khỏi đầu mình. Nó đã gợi lên một điều gì đó trong vô thức em chăng? Yêu em chừng ấy tháng ngày, tôi chưa bao giờ có ý định bước sâu hơn vào tâm trí em. Hợp ý thích, chơi chung, nhậu say khướt, làm tình... chúng tôi chỉ là của nhau đến thế. Muốn một điều gì đó khác đi, tôi e rằng sẽ làm tuột mất những gì đang có. Chỉ có thực tại, khoảnh khắc này là bắt buộc phải mang một ý nghĩa nào đó. Hôm qua, ngày mai, chẳng là gì cả.
Tôi lên bờ. Thân hình lướt thướt. Ngồi ốp sau lưng, tôi ôm em. Để mặc dòng nước thấm qua lần áo em đang mặc. Hai ánh mắt nhìn ra biển. Một dải mờ xám. Chiều ấy không có nắng. Tôi hơi lạnh. Em mân mê cùi chỏ tôi. Nó nhọn hoắt. Tôi cao mét sáu bảy, nghĩa là thấp hơn em gần một tấc, thời điểm ấy chỉ còn nặng xấp xỉ bốn mươi kí lô. Một cơn sóng đánh vào có thể cuốn theo cả những chiếc xương sườn của tôi ra biển.
Đêm ấy có đồ nhậu là cua và mực nướng. Chẳng biết thằng K đã cầm hay bán đứt chiếc xe, nhưng nó bảo, cứ vô tư vụ tiền bạc, hãy biết lúc này cái đã. Bia đựng trong can. Cả đám khệ nệ khiêng ra bờ cát. Biển ì ầm một âm bất tận. Nếu chỉ có lúc này, và chỉ lúc này thôi, cuộc sống sao mà đáng sống. Chí ít là tôi đã từng có lúc yêu đời.
Nhậu vài vòng, thằng K gợi ý đốt một đống lửa. Hình như thằng này mê lửa. Cái đêm cuối cùng ở ký túc, nó đã chẳng đem cả giường nằm ra làm mồi lửa đó thôi.
- Ý kiến hay nhất trong ngày!- Cả bọn đồng thanh ré.
Chúng tôi đi dọc bờ cát, tìm những cành củi bị sóng ném dạt vào bờ. Thanh ướt kèm lẫn thanh khô, cũng đủ một đống lớn.
Ngọn lửa vừa được dựng lên, soi tỏ mấy gương mặt phừng phừng thì có ánh đèn pin lia lại:
- Tắt ngay! Dập lửa đi ngay!
- Chuyện gì nữa đây?- Thằng K điên tiết.
Một ông già mặc đồ bảo vệ, tay cầm đèn pin, tay cầm cây gậy chạy lại:
- Mấy đứa bay làm gì vậy hả?
- Ông không thấy sao? Tụi tui nhậu, đốt lửa ngó chơi!
Ông già cầm ngang cây gậy trên tay, không hề nao núng:
- Mấy cô cậu rảnh quá ra đây mà quậy. Có biết ghe thuyền ngoài kia, tưởng đốt lửa báo bão, sẽ kéo hết vào bờ không? Mấy cô cậu ăn rồi rửng mỡ. Còn người ta khổ.
Tôi đứng dậy xin lỗi ông già. Đống lửa bị dập tắt. Khi ông già đi rồi, cả lũ ngồi im, chẳng ai khơi lại tiếng nào. Cuộc nhậu vì thế sớm tàn. Mấy cô gái ngáp, tỏ vẻ mệt mỏi, bảo về phòng ngủ sớm.
Tôi kéo tay em ngồi lại. Biển đêm đen tuyền, huyền bí. Sóng liếm vào tận chỗ chúng tôi ngồi. Nếu là một con sóng lớn, như sóng thần chẳng hạn, hai đứa sẽ như hai hòn cuội, biến hẳn vào trùng khơi, chẳng để lại một dấu tích nào.
Tôi ngả mình em trên cát ướt. Lặng lẽ tìm đôi môi. Một con sóng ập vào. Tóc em dạt quanh vành tai. Cả hai ướt sũng. Chúng tôi cuộn tròn, lăn trên bờ sóng. Quần áo nổi dập dềnh. Cát lạo xạo trong những nụ hôn dài đến ngợp thở. Ngực em thơm mùi biển. Mặt em ướt nhòe. Em đừng bảo với tôi là em đang khóc phải không?
Biển sâu vào đêm. Vẫn gầm gừ bất tận. Hai đứa nằm song song. Không một mảnh áo quần. Những cái run rẩy đã tan theo vào sóng. Sóng vỗ man man dưới bụng chân trần. Chúng tôi đã trở thành hai sinh vật máu lạnh, có thân nhiệt thay đổi theo môi trường.
- Ngày mai chúng ta chưa về phải không em?
- Anh đừng nói nữa được không?
- Sao lại vậy?
- Anh cũng đừng hỏi nữa.
Tôi im lặng. Lăn lăn mấy ngón tay em. Bầu trời không một đốm sao. Ánh sáng từ thành phố hắt lên quầng mây nặng. Đủ để tôi thấy mắt em đầy nước, khi nghiêng mình nhìn xuống. Nhưng tôi không hỏi nữa. Đã quá nhiều câu hỏi rồi. Nhưng có bao giờ chúng tôi trả lời được bất kì câu nào trong số ấy đâu? Giá mà chúng chỉ là những câu hỏi giản đơn, cơm bao nhiêu một dĩa, xăng phải đổ mấy ngàn. Chúng tôi cứ húc đầu vào những câu hỏi mà biết chắc, chẳng bao giờ giải được. Âëy thế nhưng chúng lại là những câu hỏi hết sức vớ vẩn, vớ vẩn đến độ bất kì ai cũng phải bịt mũi, cười ngất khi bất ngờ nghe thấy.
Mờ sáng hôm sau. Em đập nhẹ lưng tôi:
- Mình phải về anh ạ.
Tôi mở mắt. Mất vài giây để xác định lại không- thời gian. Một điều gì thật đẹp đã không còn.
- Tại sao? Tại sao ta phải về cơ chứ?
- Anh lại hỏi nữa rồi...
Em vào buồng tắm. Tôi nằm nghe tiếng nước, đốt thuốc, đầu váng vất. Em bước ra, đặt nhẹ một nụ hôn lên môi tôi. Tôi nghe mắt mình ứa nước. Biết đâu, ngay cả nụ hôn này cũng sẽ là nụ hôn cuối cùng mà em dành nó cho tôi...

*
Một tuần trôi qua, em không lên lớp. Tôi điện thoại đến nhà, chỉ nghe chuông đổ những hồi dài. Đôi khi là giọng một người đàn bà bắt máy, tôi nghĩ đó là mẹ em:
- Nó đi chơi rồi.
Tôi chưa một lần đến nhà em, đó là sự thực. Hình như có lúc nào đó tôi đã đề nghị, em chỉ khẽ lắc đầu: Anh không cần phải đến. Tôi đồng tình, cho đó là một ý hay. Và cũng chỉ nghe loáng thoáng bạn bè bảo nhà em ở khu vực đó. Em nhất định không dùng điện thoại di động. Chỉ thế thôi, rất đơn giản, tưởng như cực kì vô lí mà lại chẳng có gì vô lí, em không còn trên cõi đời này nữa, đối với riêng tôi.
Mùa hè trôi qua với những cơn mưa dài vật vã. Đột nhiên thằng T thốc tháo chạy tới tìm tôi. Nó đưa một tờ báo. Em choán cả trang bìa, mắt tô quầng tím đẫm, môi trề ra nũng nịu, óng nhẫy màu son. Tôi đã từng nuốt gọn đôi môi này trong cái miệng đầy mùi bia hôi hám của mình ư?
Một chiến dịch săn tìm em được bè bạn hoạch định. Tôi lắc đầu:
- Tất cả qua rồi! Tụi mày chẳng việc gì phải cố gắng nữa!
- Nhưng hai đứa bay yêu nhau đã bao năm. Chấm dứt đơn giản vậy sao?
- Vậy chứ tụi bay muốn gì nữa? Một cái kết thật đẹp ư? Hay ngược lại, phải bi hơn nữa? Tao không muốn tất cả trở thành một câu chuyện nặng mùi “sến”! Mà thế nào là đẹp? Thế nào là bi? Thế nào là “sến”?
Rượu vẫn được mua về. Căn nhà thằng T thuê sau chừng đó tháng ngày đã bốc lên một mùi tanh tưởi. Những bữa nhậu không hề được dọn dẹp. Những bãi nôn mửa chỉ được cào vét qua loa. Chúng tôi vùi mình nằm trong mớ rác rưởi đang từng ngày chuyển hóa, cùng thể xác mỗi đứa, cùng linh hồn mỗi đứa.
Lại một chiều chủ nhật, tôi bị dựng dậy bất ngờ. Thằng T thò mặt lên giường tầng chỗ tôi nằm:
- Mày lên tao, lên gấp, có độ đặc biệt!
- Mẹ kiếp, còn cái gì đặc biệt trên cõi đời này ư?
Thằng T chở tôi sau chiếc xe, khói tỏa ra xung quanh như một cái “làng nướng”.
- Em mày vừa gọi cho tao!
Tin ấy đối với tôi chẳng còn mới nữa, nhưng vẫn đủ nhói lên trong lòng bởi một thứ bản năng khó triệt tiêu.
- Thì sao?
- Tao nói mày đừng buồn. Chuyện của mày đã đi theo một “mô típ” rất “sến”.
- Nghĩa là cô ấy bỏ tao, theo một gã nhà giàu, đầu hói, đít sệ, bụng bập bềnh, đã có vợ già cú đế và bầy con thua cả tuổi cô ấy...
Thằng T úp mở:
- Có lẽ như vậy đấy.
Em ngồi trên nền phòng. Đôi chân “dài bất tận” quặp chéo về một bên vì cái váy quá bó và ngắn. Tôi chủ động đưa tay khi bước vào:
- Chào em. Hồi này em khỏe không?
- Cảm ơn anh. Em khỏe!- Em siết tay tôi, lắc lắc vài cái.
Hình như thằng K đang nghiến răng để kềm một cú đấm vào mặt em. Tôi bấm nhẹ tay nó.
- Em không mang thiệp cưới đến mời tụi anh đấy chứ?- Nói xong câu ấy, tự nhiên tôi thấy mình có vẻ trẻ con, tuy chỉ là nói đùa, cho mọi thứ nhẹ đi.
Em phá lên cười:
- Em bồ một gã đầu hói, có con vợ ghen và dữ như chằn. Ngủ với nhau còn bị nó kéo tới uýnh ghen. Lấy gì dám làm đám cưới!
- Sao hôm nay em ghé được đây?
- Em ghé, vì... chẳng còn nhớ ai nữa cả!- Câu nói tưng tửng, nhưng lại lộ rõ sự yếu đuối của em.
- Ông ấy làm nghề gì?
- Nhiếp ảnh. Chính gã chụp hình em, đưa lên bìa báo đó!- Em nói tên gã nhiếp ảnh gia. Tôi có nghe loáng thoáng cái tên này trên báo.
Em nhấp một ngụm bia, nhìn thẳng mọi người:
- Nói thì nói vậy, bữa nay em ghé đây là để xin lỗi mọi người! Xin lỗi anh yêu một thời của em- Em nhìn tôi, đá lông nheo một cái- Nhưng em không thể nào sống thêm như những ngày qua được nữa!
Cả bọn lặng yên. Có lẽ là điếng đi với lối nói thẳng thừng, như xưa giờ của em. Em đã chọn cách chơi bài ngửa để kết thúc một vấn đề, mà với nhiều người là không thể tìm ra giải pháp kết thúc. Em nâng ly bia:
- Nào mọi người, vô với tôi nốt ly cuối cùng này. Các bạn có thể năm mươi, riêng anh hãy trăm phần trăm cùng em nhé!
Tôi cạn. Em cạn. Em vín cạnh bàn ráng đứng dậy. Cái váy quá bó khiến em nghiêng ngả, không giữ được thăng bằng.
- Cho tôi đỡ em lần chót- Tôi chìa tay, em nắm tay tôi. Vẫn những ngón trắng xanh. Giờ mười móng để dài, sơn nhiều màu vui mắt.
Em một mình ra cửa. Đôi giày cao né những vũng bùn, mưa tháng mười một. Tôi tự dưng ứa nước mắt. Không hẳn vì em. Chẳng qua tôi chợt nhớ một ca khúc của Guns and Roses, những giai điệu của một thời mê mệt: November rain. Hốt nhiên, tôi thoáng rùng mình... Bữa nhậu kéo dài cho đến khuya. Không ai nhắc về em nữa. Có lẽ vì tôi.

*
Em nằm trong quan tài. Có một ô kính nhỏ phía trên cho mọi người nhìn mặt, chào em lần cuối. Hình như đã có sự bàn cãi trong gia đình về chi tiết này, nhưng em chết quá đột ngột, nhiều thân nhân ở xa chưa về kịp, đành để vậy, cho họ thấy mặt em.
Tôi nhìn lại một phần đời xa lắc. Đôi môi ấy, đôi môi trề ra nũng nịu, óng nhẫy màu son trên trang bìa tạp chí. Đôi môi tôi đã bứt ra khỏi miệng em không biết bao lần trong những đêm dài say mề mệt. Đôi môi ấy giờ giập nát, há ra, lộ rõ những chiếc răng không còn đầy đủ. Máu dường như vẫn ứa trên từng kẽ răng còn lại...
Em rơi xuống từ cửa sổ tầng ba một khách sạn. Cảnh sát điều tra chưa thể kết luận đó là một vụ tự tử, đánh ghen, hay “sát nhân diệt khẩu”... Trừ đi số năm tử năm sinh trên mảnh giấy báo tang, năm ấy em vừa 21.
Chúng tôi chia nhau ngồi suốt ba đêm ở nhà tang lễ. Em không chết ở nhà, nên vì một phong tục nào đó, cũng không được phép mang về nhà làm đám. Mưa tháng mười một kéo dài, ba ngày không có nổi một vạt nắng loe hoe. Nghe mưa vỡ bên hành lang bệnh viện, tôi nhớ tiếng guitar giật từng cơn trên nền giàn dây vật vã, trong đoạn cuối bài hát November rain. Có một sợi dây tiên cảm nào đó giữa hôm nay và bài hát xa xưa ấy. Tôi không nhớ ca từ cụ thể vì không nghe được lời bài hát, dù rất thích giai điệu, cách hòa âm của nó, chỉ đọng lại trong ký ức đoạn video clip, cô dâu chết giữa đám cưới trong nhà thờ, một bó hoa rụng xuống, gương mặt thanh tân trong chiếc quan tài... Chỉ khác rằng, em chưa thành cô dâu, em chưa hề đám cưới, gương mặt em cũng chẳng còn lành lặn...

*
Chỉ còn năm cuối của chương trình 5 năm đại học. Tôi hay cùng thằng bạn lên chùa. Nhiều lúc đi một mình, tay kẹp theo cuốn sách. Đám bạn xưa giờ tan tác cả, sau cái chết của em. Những u uất không còn được hòa thanh, tan ra thành từng con sóng nhỏ rồi chìm khuất giữa dòng trôi vội vã.
Câu chuyện này, tôi đã muốn quên đi, hay chí ít cũng đã từng tỏ ra như vậy. Bởi nó là một kịch bản tồi, hình thức cũ kĩ, nội dung quá u sầu, tiêu cực- dưới cái nhìn của những nhà giáo dục. Cái chết của em, những người lên án thì vẫn hoài lên án, những người thấu hiểu cũng không còn đủ ẩn ức, để đứng ra gào lên những đồng cảm của mình. Nhưng trong số sách từng kẹp nách lên chùa, tôi đã gặp nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Kí ức tôi lật vỉa. Tôi có riêng một câu chuyện của mình. Mượn cách ông, tôi đặt cho nó cái tên, cũng theo tựa đề một bài hát. Và bài hát ấy cũng là kỉ niệm của riêng tôi- Mưa tháng mười một.
Sg 7.2006
N.D.L

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao chủ nghĩa duy vật xóa bỏ chủ nghĩa duy tâm?


Loàingười thành hình sau một thời gian dài phát triển lệ thuộc vào tự nhiên đã học hỏi lẫn nhau và có nhiều hiểu biết. Xã hội loài người phát triển, dân số ngày một đông đúc.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của loài người trong thời kì này chỉ là hình thái xã hội nguyên thủy với các bộ lạc, bộ tộc.
Sự phân biệt giai cấp, thành phần xã hội ngày càng trở nên rõ ràng và con người phát sinh lòng tham, dẫn đến tranh đoạt giết hại lẫn nhau.
Con người đã làm nhiều việc xấu ác khiến nội tâm bấn loạn. Một số người có hiểu biết đã từ bỏ cuộc sống bon chen, tranh đoạt vào sống ẩn dật trong hang động, hốc đá.
Sau thời gian sống ẩn dật, sự dừng lặng giúp họ nhận ra dường như có sự tồn tại thế giới người đã khuất. Từ đó họ đặt vấn đề truy tìm nguồn gốc sinh ra con người và những vấn đề chi phối đời sống con người.
Tùy theo sự hiểu biết mà mỗi người có những nhận định khác nhau.
Xã hội bên ngoài vẫn chém giết nhau, khiến con người sống trong thù hận. Thêm nhiều người từ bỏ xã hội loài người quay về đời sống ẩn dật. Họ tìm gặp những người đi trước chỉ bày cách thức tồn tại trong rừng sâu, núi vắng,... Họ còn được chỉ bày thêm về thế giới người đã khuất.
Đến khi xã hội bên ngoài thưa người vì việc chém giết, tranh đoạt. Những người còn sống sót mới tìm gặp những người sống ẩn dật về xây dựng lại xã hội loài người.
Loài người lúc bấy giờ mới nhìn nhận sự tồn tại của loài người chịu sự chi phối của thế giới vô hình. Những người quay về với xã hội loài người chủ yếu là những người chưa thật sự hiểu rõ về thế giới người đã khuất. Họ thừa nhận đó là thế giới tâm linh gồm có các Đấng quyền năng và cả linh hồn của những người chết. Thế nên con người muốn sống an ổn thì phải tôn trọng thế giới tâm linh - Các vị thần thánh.
Mãi về sau, tư dục của những người thầy cúng, thầy tế lễ khiến con người sống xa rời thực tế, mãi lo cúng bái nguyện cầu, làm cho cuộc sống loài người ngày một xấu thêm.
Một thành phần người có tư tưởng tiến bộ, họ tin rằng cái ăn, cái mặc của con người chính do tự thân lao động mà có. Họ dựa vào niềm tin đó mà có cuộc sống sung túc.
Bấy giờ, những người có đời sống nghèo khó do mải lo cầu nguyện thần linh ban cho cuộc sống ấm no, sung túc mới không tin vào thầy cúng, thầy tế lễ,… Họ quay sang nhờ những người không tin vào thần thánh chỉ bày cách có cơm no, áo ấm.
Những người có sự hiểu biết đã chỉ họ cách thức lao động đồng thời trách họ sao quá ngây thơ tin vào những kẻ ăn bám xã hội mà lâm vào cuộc sống nghèo khó. Những người dân được chỉ cách thức lao động. Họ siêng năng, cần mẫn làm việc chẳng mấy chốc ổn định cuộc sống. Thế nên họ tin rằng chẳng có Đấng quyền năng nào giúp họ có cuộc sống tốt ngoài bản thân họ.
Những người thiếu hiểu biết về thế giới vô hình vì lẽ họ không nhìn thấy được phần còn lại của thế giới vật chất đã vội vàng khẳng định thế giới tâm linh là không thật có.
Chủ nghĩa duy vật cũng dùng chính cách thức này để triệt tiêu, xóa bỏ chủ nghĩa duy tâm.
Về sau xã hội phát triển ở hình thái xã hội phong kiến là hình thái xã hội tiến bộ hơn hình thái xã hội chiếm hữu nô lệ. Lòng tham của các thành phần trong xã hội từ vua chúa, quan lại, địa chủ,… đã đưa con người vào cuộc tranh giành, chém giết khác với mức độ tàn khốc hơn. Lại có nhiều người lẩn trốn vào rừng sâu sinh sống.
Trên thực tế, niềm tin thế giới tâm linh chưa bao giờ diệt mất hẳn trong con người. Trong tận cùng mất mát, đau thương loài người đã khôi phục lại niềm tin về các Đấng quyền năng. Một số tôn giáo hình thành trong hoàn cảnh đó nhằm khuyên răn con người nên sống lương thiện, không làm điều xấu ác góp phần làm xã hội ổn định lại.
Một số tôn giáo khác hình thành do những người lãnh đạo yêu nước nhưng cô thế, lực lượng không đủ mạnh để đối đầu với quân đội chính quyền cai trị bạo ngược. Họ đã dùng thế giới tâm linh khiến nhiều người tin họ là người của các Đấng quyền năng. Việc làm của họ được Đấng quyền năng gia hộ. Kết quả một số người đã thành công trong việc dùng thế giới tâm linh giành lấy quyền thống trị.
Xã hội lại được xây dựng, phát triển. Tư dục của con người lại xua con người vào cuộc tranh giành. Kẻ được, người mất đau khổ triền miên.
Một số người nhu nhược, yếu đuối bị các tôn giáo không chân chính lường gạt, khuyến dụ nên cầu nguyện, cúng bái các thần linh nhằm thoát khỏi những khổ đau trong cuộc sống. Những cuộc tranh đoạt ngoài xã hội không ngừng dứt. Số người quay về cuộc sống cầu nguyện không ngừng tăng lên.
Lượng vật chất đảm bảo cho xã hội lại bị thiếu hụt do số lượng người lao động thì ít. Số lượng người sống bám xã hội thời nhiều.
Một số nhà tư tưởng cấp tiến nhìn thấy nguy cơ tan rã xã hội loài người đã lên tiếng kêu gọi mọi người quay về lao động sản xuất. Đừng tin lời các giáo chủ tôn giáo, các nhà truyền đạo bởi vì theo nhìn nhận của họ - Đó chỉ là những kẻ ăn bám xã hội.
Vì bởi thế giới tâm linh là thế giới vô hình chúng sẽ tác động con người chủ yếu ở phần tinh thần. Thế nên việc chối bỏ đã khiến cho lòng người rối loạn gián tiếp làm bất ổn xã hội.
Và con người cứ phạm phải những sai lầm xưa cũ. Khi chủ nghĩa duy vật gần như chiếm lĩnh ý thức con người thì lại chính là lúc con người có những hụt hẫng, những rối loạn nội tâm và họ tin rằng thế giới tâm linh thực sự có tồn tại.
Chủ nghĩa duy vật, khoa học gần như không thể chối bỏ thế giới tâm linh và lòng họ cũng đang nhiều động loạn.
Nhiều tôn giáo cơ hội, gian trá ra đời, nhân loại rồi sẽ đi về đâu?
Ở góc nhìn hạn hẹp, không khách quan và thiếu hiểu biết, nhân loại sẽ dùng chủ nghĩa duy vật xóa bỏ chủ nghĩa duy tâm. Sau đó lại dùng chủ nghĩa duy tâm xóa bỏ chủ nghĩa duy vật. Quá trình này cứ diễn ra trùng lấp trong suốt quá trình phát triển của loài người.
Kết quả gần như không được gì ngoài việc khiến con người tiến đến sự diệt vong. Có lẽ nhân loại nên thừa nhận việc tồn tại thế giới tâm linh song hành với thế giới vật chất với một tinh thần khách quan, có hiểu biết.

Từ đó, có những tìm hiểu, nhìn nhận, đánh giá về bản chất của thế giới tâm linh một cách có hiểu biết, có khoa học nhằm giúp nhân loại có cái nhìn sáng rõ về thế giới vô hình, tránh cho con người không bị các tôn giáo cơ hội, phản động lợi dụng và tránh rơi vào mê tín, dị đoan.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thương cho Thị Nở - Chí Phèo ngày nay !



LÊ XUÂN QUANG
  
  (Nhân kỉ niệm 96 năm ngày sinh của nhà văn Nam Cao :29.10.1917 – 29.10.2013)
  

Trong cuốn Chân dung Nhà Văn (CDNV) của mình, Xuân Sách ‘’vẽ’’chân dung số 26 bằng 4 câu lục bát:
Anh còn Đôi Mắt ngây thơ
Sống Mòn mà vẫn đợi chờ tương lai
Thương cho Thị Nở ngày nay
Kiếm không đủ rựơu làm say Chí Phèo.
 Mới chỉ đọc mấy từ Đôi Mắt, Thị Nở, Chí Phèo - độc gỉa đã nhận ra ngay đó là chân dung của nhà văn NAM CAO. 
  
Ông còn có các tác phẩm nổi tiếng khác: Sống Mòn (tiểu thuyết). Nhật kí ở rừng. Ðặc biệt truyện Chí Phèo (truyện vừa) có cặp nhân vật Chí Phèo - Thị Nở đã đi vào đời sống thường ngày của người yêu văn học Việt!
Nam Cao tên thật Trần Hữu Tri, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917, tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam, (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân). Cha ông - Trần Hữu Huệ, mẹ là bà Trần Thị Minh theo đạo Công giáo, đều là người lao động chăm chĩ nên kinh tế gia đình có phần dư dả. Bút danh Nam Cao được ghép từ hai chữ đầu - tên Huyện và Tổng của Trần Hữu Tri. 
Từ bé, Nam Cao học ở trường làng, lên tiểu học vào trung học, gia đình gửi xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung. Vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành Chung ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi theo tập tục của làng quê thời đó, gia đình ’’bắt’’ cưới vợ (năm 18 tuổi). 
Cưới vợ xong ít lâu, ông quyết định vào Sài Gòn ’’thử sức’’: Xin vào làm thư ký cho một hiệu may. Từ đây Nam Cao bắt đầu viết. Các truyện ngắn Cảnh cuối cùngHai cái xác, NghèoĐui mùNhững cánh hoa tànMột bà hào hiệp - lần lượt in trên Tiểu thuyết thứ bẩy và báo Ích Hữu với bút danh Thúy Rư. Có thể nói, các sáng tác của Nam Cao thời kỳ đầu là loại "tìm đường"… 
Sau một thời gian trải nghiệm với cuộc đời ở Sài Gòn, ông trở về quê quyết tâm tự học, ôn thì, đậu bằng Thành chung rồi ra Hà Nội dạy học, tiếp tục viết, công bố trên báo Hà Nội tân văn các sáng tác với các bút danh Xuân Du, Nguyệt. 
Năm 1941, truyện vừa Đôi lứa xứng đôi, (bản thảo gốc là Cái lò gạch cũ), được kí bút danh Nam Cao – ra đời. Nhà xuất bản Đời Mới vừa ấn hành, lập tức người đọc và giới văn sĩ đương thời đón nhận như đón một hiện tượng văn học. (Sau này khi in lại ĐLXĐ - cái Lò Gạch, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo)
Phát xít Nhật xâm chiếm nước ta… 
Nam Cao chuyển xuống dạy học ở Thái Bình, ít lậu sau quyết định trở về làng quê Đại Hoàng sinh sống và tiếp tục viết, cho ra đời nhiều tác phẩm:Truyện người hàng xóm (đăngTrung Bắc Chủ nhật), tiểu thuyết Chết mòn, (sau đổi là Sống mòn). Tháng 4/1943, Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Cách mạng tháng 8/1945 nổ ra ông tham gia cướp chính quyền ở quê nhà, khi toàn quốc kháng chiến, ông lên đường đi kháng chiến chống Pháp…
Năm 1951 khi vào vùng địch hậu (Hà – Nam – Ninh) công tác địch vận, ông bị Pháp phục kích sát hại khi mới 34 tuổi. Tiếc thương cho con người tài hoa tràn đầy sức sống đã vội vã ra đi, bỏ lại phía sau khoảng trống văn chương của một tài năng, bầu trời Văn Chương Nước Việt - chính giữa thế kỉ 20 - đã mất đi vì Tinh Tú sáng chói!
Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Nam Cao mang tính hiện thực sâu đậm. 4 tác phẩm nổi tiếng miêu tả sinh động, chân thực về 4 tầng lớp nhân dân của xã hội Việt Nam đương đại: 
- Sống Mòn - viết về người trí thức, bị chính thể và xã hội toa rập bức bắch đến chết mòn trong suy nghĩ vụn vặt, bủn xỉn của cuộc đời nghèo đói, mạt kiếp…
- Chí Phèo – miêu tả sinh động qúa trình tha hóa của người nông dân bị bọn cường hào của chế độ phong kiến suy tàn toa rập với thực dân xâm lược nuôi dưỡng - cướp hết ruộng đất, quyền sống, khiến người nộng dân hiền lành, chất phác đi đến, tha hóa tận cùng, trở thành lưu manh rồi hành động tội ác… 
- Lão Hạc – Là tác phẩm mang đầy chất nhân văn, nội dung chứa đựng ẩn ý sâu sắc khiến người đọc cảm động... Người nông dân gìa hiền lành, lương thiện coi mảnh đất của  mình qúy hơn mạng sống. Khi cùng đường, ông đã chọn cái chết cùng ’’Cậu Vàng’’ chứ không chịu bán mảnh đất của tổ tiên để lại. Trước lúc ra đi còn cố nhờ người nhắc nhở, nói với con trai mình lời trối trăn, rằng, ông: ’’… thà chết chứ không chịu bán đi một sào’’ (1). 
Người đọc gấp sách lại suy tư trước hoàn cảnh đất nước đang mang trên mình hiểm hoạ bị ngoại bang xâm lăng… Tâm nguyện của lão Hạc đã khơi gợi cho người đọc những trăn trở… cũng chính là tâm nguyện của cả dân tộc Việt trước hiện tình đất nước.... 
- Đôi Mắt - viết về lớp Trí thức – Văn nghệ sĩ mới, ’’điều chỉnh’’ lại cách nhìn, cách nghị về người nhà quê - người nông dân Việt Nam có bề ngoài lam lũ, thất học, nghèo hèn… nhưng thực chất họ là đôi ’’quân chủ lực’’ của cuộc cách mạng ’’long trời, lở đất’’. Câu chuyện đưọc lồng trong khung cảnh – mà theo dư luận ông gặp nhà văn Vũ Bằng  lúc sắp ‚’’Dinh tê’’ về thành chọn cuộc sống yên bình, thay vì đi kháng chiến gian khổ (2). 
Các tác phẩm của Nam Cao - Đã và Sẽ tiếp tục in sâu đậm trong lòng người đọc Việt Nam ở mọi thời đại. Trong các phẩm của ông hầu như đều có nguyên mẫu ngoài đời: Bà Dì, ngay cả cô con gái đầu lòng Trần Thị Hồng cũng được người cha, người chắu viết, phản ảnh trong  những truyện ngắn rất xúc động trong: Dì Hảo, Bài học quyét nhà…
Chí Phèo thể hiện thật tài tình, diệu nghệ một câu chuyện hấp dẫn, rút tỉa từ bức tranh hiện thưc, bi thảm của dận tộc Việt trong thời điểm Chủ nghĩa phong kiến Việt Nam đang lụi tàn, chủ nghiã thực dân Pháp tràn vào đang phát triển. Chí Phèo  chỉ ra sự hình thành của một tầng lớp cặn bã của xã hội, do  bị chèn ép, dồn nén khiến con người cố sức vùng vẫy, cưỡng lại - đi từ lương thiện, cam chịu đến phản kháng rồi kết cục sau cùng là lưu manh, trở thành tội phạm. 
Hai nhân vật Chí Phèo - Thị Nở đều có nét chung: Đói nghèo, xấu xí, bất hạnh trong cuộc đời thường, nhưng họ vẫn sống hạnh phúc trong thế giới riêng của họ. Theo nhiều bài viết mới công bố: Hai nhân vật này, có nguyên mẫu là người địa phương  với Nam Cao. Nhưng dưới nhãn quan của nhà văn, họ được ngòi bút tài hoa nâng lên, trở thành dấu ấn của thời đại. Đến nỗi ngày nay - Chí Phèo và Thị Nở dường như ’’hiện diện’’ ở khắp nơi, tồn tại cho đến hôm nay và sẽ sống cho đến mai sau… 
Đôi Mắt – theo dư luận đồn đại – tác gỉa viết về chuyện của ông với nhà văn Vũ Bằng, nhân một lần đi công tác qua, ghé thăm bạn ở nơi tản cư, nghỉ lại ở nhà bạn một đêm trước khi ông Vũ Bằng ''không chịu được gian khổ của kháng chiến, dinh tê về thành với Pháp.'' (3). Người chủ nhà - nhân vật Hòang trong Đôi Mắt - (chính là Vũ Bằng) - đã tiếp đón tác giả... đọc truyện Tam Quốc Chí cho Nam Cao nghe... Đôi Mắt ra đời trong cái đêm ấy ! Độc gỉa rất thích thú khi đọc hết Đôi Mắt có câu Câu kết: ''...Hay ! hay thật !... Tiên sư anh Tào Tháo '' – Câu chửi này cứ vang vọng ở khắp nơi khi xung quanh xuất hiện những hậu duệ ”Tào tháo” ! Tắc phẩm có sự truyền cảm mạnh, đi vào cuộc sống của người đọc đến độ đây đó xung quanh ta - và chính ngay ta - thỉnh thoảng vẫn nhắc lạ lời chửi đổng của nhân vật Hoàngi: Hừ… hừ… tiên sư ‚’’thằng’’ Tào Tháo!  
Các từ ''Đôi mắt, Ngây thơ, Sống Mòn, đợi chờ tương lai.'' Trong thơ Xuân Sách cứ làm người đọc trăn trở. 
  
Chúng ta nhớ lại, trong suốt mấy chục năm, nhân dân Miền Bắc luôn phải nghe khẩu hiệu được các phương tiên thông tin đại chúng lặp đi lặp lại nhiều lần : ''Thắt lưng buộc bụng để xây dựng CNXH'' ! Hết năm này qua năm khác, chiếc giây lưng thắt ở bụng cứ thít dần dần... Mỗi năm thít một chặt hơn... Cho đến những năm đầu 1980, việc ''thắt, thít '' kia đã đến giới hạn cuối cùng. Sự thật đã phơi bầy một cách quá tàn nhẫn : Con đường XHCN mà nhân dân Việt Nam đang đi, hết năm này qua năm khác là con đường… cụt! ‚’’… đường rách tả tơi’’ (4), cứ đợi chờ... đợi chờ hoài mà chẳng thấy tương lai - giống như đợi chờ Chiếc Bắnh Vẽ của Chế Lan Viên (5). 
Khi hệ thống XHCN đông Âu xụp đổ, dân Việt thở phào, tạm thời thoát được ’’… một cung đường rách tả tơi’’ - như chân dung tự họa của Xuân Sách!
Hai câu cuối  khiến ta liên tưởng tới quá khứ... rồi so sánh với hiện tại :
 Thương cho Thị Nở ngày nay  
Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo ! 
 Thời Nam Cao viết truyện ngắn Chí Phèo, Anh ''Chí'' nghèo ''rớt mùng tơi''. Thế mà vẫn đủ sức say xỉn tối ngày... rồi làm tình với Thị Nở trong một cơn say, ỡ trên bờ sông, dưới ánh trăng, bên dưới gốc những cây chuối. Niềm hạnh phúc qua đi, Thị Nở nhìn xuống bụng mình... nghĩ tới ‘’cái lò gạch cũ’’ - nới bố ‘’cái bụng’’ cũng từng ra đời ở đây, Thị lo sợ... 
Còn ngày nay - hơn sắu mươi năm sau, Xuân Sách thương cho những ''Thị Nở thời mở cửa'', tất bật, tần tảo sớm khuya mà vẫn không kiếm đủ chút rượu cho ''Chí Phèo'' của mình... Say ! 
Chúng ta hãy nghe một đoạn đối thoại của ''Thị Nở Chị '', với ''Chí Phèo Em'' - Hai người - Chị là bà Nam Cao, em là nhà Văn Kim Lân, đàn em cùng thời với Nam Cao, còn sống tới hôm nay - được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi ghi lại trong chuyện 101 nhà văn Việt Nam : 
Một lần, Bà Nam Cao được Hãng Phim Truyện Hà Nội mời lên nhận nhuận bút tác phẩm của ông nhà được họ chuyển thể, dựng phim. Làng Vũ Ðại Ngày Ấy. Có lẽ số tiền nhuận bút qúa ít không bõ bèn khiến bà phải lặn lội lên nhận, Bà bảo Kim Lân:
... Chú thì làm gì mà chẳng bênh chúng nó! Chúng nó mua chú bằng một xuất đóng Phim, cho chú được nốc rượu tỳ tỳ, nhai thịt gà rău rắu... tôi còn lạ gì nữa !  
‘’Chí Phèo Em’’, sợ bị bà ‘’Thị Nở Chị’’ hiểu lầm, vội hốt hoảng phân trần: Oan em lắm chị ơi ! Có hương hồn anh chứng giám - Cái chai nước trắng trong vắt mà em ''nốc tì tì'', đó chính là chai nước máy (nước lã). Đĩa thịt gà, em làm bộ nhai ''rau rắu'', là do Chủ nhiệm phim, sợ tốn tiền, sai bộ phận đạo cụ mượn của lão hàng Phở về để đóng phim. Đóng xong phải đem trả, không được suy xuyển một miếng. 
Nước máy cứ việc tu tự do. 
Thịt gà chỉ được nhai gỉa vờ, rồi nuốt nước bọt chị ạ !...
- Có thật thế không ?
- Thật ! Em nói thật 100% ! Họ thuê con chó của lão hàng Phở, để đóng làm ‘’Cậu vàng’’ của lão Hạc - trả 3000.dồng/ngày, còn em đóng Lão Hạc - chủ của con chó -  tiền thuê chỉ có 2000 đồng/ ngày thôi, đau lắm chị ơi !
...
Còn đây là lời của nhà văn, nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Thường, nói với bà Nam Cao : 
 ''Cô ạ, chắu đọc truyện ngắn của chú thấy thuơng chú qúa. Chắc ngày xưa cô chú sống khổ lắm ?
Bà Nam Cao rành rọt : ''Thằng'' gíao Thứ là gíao khổ trường tư thục cấp một, lương mỗi tháng 8 đồng mà gạo thì hai đồng một tạ. Còn lương nhà thơ của mày bây giờ mua được mấy tạ ?
(Thời ký đó, cán bộ nhân viên hành chính, VNS... chỉ được phép mua mỗi tháng 13, 5 Kg gạo bán cung cấp. Còn theo thời gía thị trường tự do, lương tháng của Nguyễn Mạnh Thường, chỉ mua được khoảng 50 Kg). 
Cứ ''ngây thơ'' để ''vẫn đợi chờ tương lai''', trong khi cái tương lai đó không có - là một việc làm vô ích. Phải chăng: Lời cảnh báo của Xuân Sách, và của những người dân Việt Nam tỉnh táo, bức xúc - thật kịp thời, đã góp phần thức tỉnh được những bộ óc lãnh đạo xơ cứng, bảo thủ - thay đổi cách nghĩ, cách làm và kết qủa cuối cùng họ đã dũng cảm ‘’xé rào’’. Vì vậy: Việt Nam vượt thoát khỏi giai đoạn ''Ngàn cân treo sợi tóc'' (tại thời điểm 1986). Trước bước đường cùng của dân tộc, sợ có biến, sợ mất vị thế”độc quyến”, những người lãnh đạo nhớ lại “bài học thực nghiệm của Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú - Kim Ngọc” họ vội vã thay đổi chính sách bằng đường lối kinh tế uyển chuyển trong Nông nghiệp, đặc biệt ra nghị quyết BCHTW số 10 (khoán 10), đã tạm thời đưa cả dân tộc thoát khỏi thảm họa : 
‘’ Đói truyền đời 
Điệu múa cổ cũng chậm buồn như đói’’ (Thơ Nguyễn Duy)!
 
  
3.10..2013
  
LXQ
  

 (1). Nguyên văn đoạn câu kết của truyên ngắn Lão Hạc.
(2). Mới đây nhà văn Vũ Bằng đã được chính thể CHXHCN Việt Nam vinh danh... vì nhận lệnh về thành (Dinh tê) rồi vào Nam hoạt động tình báo cho ĐCS...
(3). Gần giống danh từ ‘’B – quay’’ nói về những người phản chiến không chịu đi bộ đội vào chiến đấu ở miền Nam - thời kháng chiến chống Mỹ...
(4) – Thơ chân dung tự hoạ của Xuân Sách:’’… Ở một cung đường rách tả tơi!’’    
(5) – Bánh vẽ : Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ…” - Thơ Chế Lan Viên
  

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Vì sao đồng qui sinh ra xung đột: Càng trở nên giống nhau, Trung Quốc và Mỹ lại càng xa nhau

Mark Leonard

Trần Ngọc Cư dịch
Nhiều người lo ngại rằng trong một tương lai không xa, thế giới sẽ bị chia ra nhiều mảng vì hố sâu ngăn cách giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nới rộng. Họ nêu lên câu hỏi, vì sao một chế độ độc tài cộng sản và một chế độ dân chủ tư bản có thể bắc một chiếc cầu để khắc phục khoảng cách giữa hai bên? Nhưng đã đến lúc ta nên từ bỏ cái tư duy cho rằng hai nước này đến từ những hành tinh khác nhau và những căng thẳng giữa chúng là sản phẩm của những dị biệt giữa hai quốc gia. Trên thực tế, cho đến tương đối gần đây, Trung Quốc và Mỹ khá hòa hợp với nhau – chính vì những lợi ích và thuộc tính của hai nước khác nhau. Ngày nay, chính những tương đồng ngày càng gia tăng, chứ không phải những dị biệt, đang đẩy hai nước cách xa nhau.
Quan hệ Mỹ-Trung hoàn toàn tương phản với quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, nước sau cùng đã thách thức quyền lực Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, khi địa chính trị trước hết là một cuộc xung đột ý thức hệ, sự tiếp xúc ngày càng gia tăng và tính đồng qui ngày càng phát triển giữa hai xã hội phân cách nhau đã nuôi dưỡng được chính sách hoà hoãn.
Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện quốc tế trong thời đương đại đã đảo ngược tiến trình tương tác đó. Ngày nay, các nước cạnh tranh nhau vì địa vị quốc tế thì nhiều, mà vì ý thức hệ thì ít. Do đó, những dị biệt giữa các đại cường thường dẫn đến sự bổ túc cho nhau và hợp tác với nhau, trong khi sự tương đồng thường là nguyên nhân xung đột. Trong khi tái quân bình nền kinh tế và rà soát lại chính sách đối ngoại của mình, Bắc Kinh và Washington ngày một đối đầu về những lợi ích chung. Và hình như Sigmund Freud đã tiên đoán được trường hợp này: Trung Quốc và Mỹ càng trở nên giống nhau, thì hai nước lại càng ít thích nhau. Freud gọi hiện tượng này là “nỗi ám ảnh về những dị biệt tiểu tiết”: đó là xu thế tập trung vào những dị biệt rất nhỏ giữa những người vốn dĩ giống nhau để biện minh cho những tình cảm xung khắc của họ. Hẳn nhiên, hai nước này không hoàn toàn giống nhau. Nhưng hố sâu chia rẽ hai nước một thế hệ trước đây đã thu hẹp lại, và khi càng giống nhau thì càng dễ trở nên xung đột.
Vào thời điểm Tổng thống Mỹ Obama lên cầm quyền năm 2009, ông hi vọng đưa Trung Quốc vào các cơ chế toàn cầu và khuyến khích nước này đồng hóa lợi ích của mình với việc duy trì hệ thống quốc tế do phương Tây lãnh đạo sau Thế chiến. Nhưng chỉ gần năm năm sau, theo một quan chức Mỹ nắm vững tư duy Tổng thống Mỹ mà tôi có dịp trao đổi vào đầu năm nay, thái độ của Obama đối với Trung Quốc được mô tả chính xác nhất là “thất vọng”. Theo quan chức này, Obama thấy rằng phía Trung Quốc đã bác bỏ nỗ lực của ông trong việc tạo dựng một dạng “G-2” không chính thức trong chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên của ông, tháng Mười Một 2009, và những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington về thay đổi khí hậu, về những vấn đề trên biển và an ninh mạng đã khiến Obama tin rằng Trung Quốc là một vấn nạn hơn là một đối tác.
Về phần mình, lãnh đạo Trung Quốc không muốn đề cao một trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo, một trật tự mà họ không đóng vai trò tạo dựng. Đó là lý do tại sao, trong thời gian trước cuộc họp với Obama tháng Sáu vừa qua tại Khu nhà nghỉ Sunnylands tại California, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy thiết lập một “loại quan hệ đại cường mới” – một cách nói được mã hóa để người Trung Quốc nhắn nhủ người Mỹ phải tôn trọng Trung Quốc như một quốc gia ngang hàng với Mỹ, phải đáp ứng những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, và phải dự kiến Trung Quốc xác định lợi ích của mình chứ không hậu thuẫn những nghị trình quốc tế do phương Tây lãnh đạo. Trong khi hai cường quốc lớn nhất toàn cầu chiều chuộng chứng thần kinh của mình, phần còn lại của thế giới đâm ra lo lắng. Trong một loạt vấn đề kinh tế và địa chính trị quan trọng, Bắc Kinh và Washington ngày càng ra sức qua mặt nhau hơn là đầu tư vào những định chế chung. Điều này sẽ có hiệu ứng sâu xa trên thế giới. Mặc dù mậu dịch toàn cầu sẽ bành trướng và các định chế toàn cầu sẽ còn tồn tại, nhưng chính trị quốc tế sẽ không bị khống chế bởi các quốc gia giàu mạnh hay các tổ chức quốc tế mà bởi những cụm quốc gia xích lại gần nhau vì có lịch sử và mức độ giàu có giống nhau, và tin tưởng rằng lợi ích quốc gia của chúng bổ túc cho nhau. Những nhóm quốc gia thực tiễn và có phần tùy nghi này sẽ tìm cách phát triển thế mạnh của chúng từ trong nhóm ra ngoài, và sự tương tác giữa chúng với nhau sẽ làm lu mờ đội hình của cái trật tự tự do đa phương và thống nhất mà Mỹ và đồng minh đã cố gắng xây dựng từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
KẾT THÚC THỰC THỂ CHIMERICA
Trong gần hai thập kỷ qua, Trung Quốc và Mỹ đã tận hưởng một quan hệ cộng sinh gần như tuyệt hảo. Tiền tiết kiệm của Trung Quốc nuôi sức tiêu thụ của Mỹ. Các công ty Trung Quốc chế tạo những sản phẩm do các công ty hậu công nghiệp Mỹ thiết kế và bảo dưỡng. Và chính sách đối ngoại hướng nội của Trung Quốc trên cơ bản không làm lung lay vai trò bá quyền của Mỹ. Nhà sử học Niall Ferguson và nhà kinh tế Moritz Schularick cho rằng hai nước đã quyện chặt vào nhau đến nỗi họ bắt đầu gọi chúng như một thực thể riêng: “Chimerica” [China + America, ND].
Nếu quả thật từng có một Chimerica thì nó tồn tại nhờ cái thực tế là: mặc dù triết lý cai trị của hai quốc gia khác nhau sâu sắc, nhưng chúng chỉ khác nhau theo cung cách cái ổ khóa và cái chìa khóa khác nhau. Trung Quốc được điều hành theo “đồng thuận Đặng Tiểu Bình”, mang tên của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lùi về phía sau vào những năm 1990, nhưng viễn kiến của ông vẫn tiếp tục dẫn đường cho nước này nhiều năm nữa. Mục đích trước tiên của Đặng là duy trì ổn định quốc nội và quốc tế bằng cách tránh xa một nghị trình đầy tham vọng trong chính sách đối ngoại và, thay vào đó, chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, tín lý cai trị của Mỹ trong thập niên 1990 dựa vào một chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa can thiệp nhằm bảo vệ một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, một trật tự đặt cơ sở trên tự do mậu dịch ở nước ngoài và tăng trưởng kinh tế trong nước nhờ sức mạnh tín dụng. Hai viễn kiến này không có gì giống nhau, nhưng chúng cũng ít khi đối đầu xung đột; thật ra, chúng thường bổ túc cho nhau. Hẳn nhiên, trong giai đoạn này, Bắc Kinh và Trung Quốc vẫn cạnh tranh với nhau. Nhưng vì hai nước xuất phát từ những mức quyền lực rất chênh lệch, cuộc đọ sức trở thành bất đối xứng đến nỗi ít gây ra cọ xát. Vả lại, hai cường quốc này thường theo đuổi những mục đích hoàn toàn khác nhau và dựa vào những phương tiện rất khác nhau. Tại châu Á, Mỹ tập trung vào việc duy trì vai trò siêu cường quân sự của mình và chống lại bất cứ sáng kiến kinh tế nào mà Mỹ không nắm quyền hoạch định – thậm chí cả khi chúng được đưa ra bởi một đồng minh như Nhật Bản là nước đã đề nghị thành lập một quỹ tiền tệ châu Á trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98, một ý tưởng bị Washington bác bỏ. Trái lại, vào thời điểm đó, Trung Quốc đã tìm cách trấn an các nước láng giềng về “cuộc trỗi dậy hòa bình” của mình bằng cách hậu thuẫn việc hội nhập đa phương trong khu vực và hứa hẹn các nước này một phần thưởng kinh tế trong cuộc trỗi dậy của Trung Quốc thông qua các hợp đồng thương mại. Ở bên ngoài châu Á, lúc bấy giờ Bắc Kinh và Washington cũng tránh giẫm đạp lên chân nhau: Mỹ dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ với các nước dân chủ tiên tiến khác và các nước giàu năng lượng tại Trung Đông, còn Trung Quốc thì dồn các nỗ lực ngoại giao của mình vào việc tìm kiếm cơ hội tại châu Phi và châu Mỹ La tinh, những vùng mà Mỹ đã rút lui.
HOÁN CHUYỂN VỊ TRÍ
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã kết thúc kỷ nguyên Chimerica. Thức tỉnh vì nhận ra sự yếu kém của mình trước các lỗi hệ thống đã đưa đến cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh và Washington cương quyết tái quân bình quan hệ kinh tế với nhau, một quan hệ mà cả hai nước đều nhận thấy đã trở nên thiếu lành mạnh. Nhưng trong khi rà soát lại chính sách đối nội và đối ngoại của mình để tìm cách thích nghi với nền kinh tế toàn cầu đột nhiên trở nên yếu kém, cả hai nước bắt đầu phản ánh lẫn nhau trong những cung cách có khả năng thúc đẩy tính cạnh tranh hơn là tính bổ túc.
Trong lãnh vực kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc lâu dài vào hàng xuất khẩu và đang cố gắng kích thích mức tiêu thụ trong nước và phát triển một nền kinh tế dịch vụ nội địa. Trong khi đó, Mỹ đang nâng đỡ khu vực chế tạo hàng hóa của mình, một phần bằng chủ trương hạ giá đồng Mỹ kim thông qua việc gia tăng nguồn tiền cho các ngân hàng [quantitative easing] và bằng việc trợ cấp khu vực chế tạo xe hơi, và khuyến khích tăng trưởng kinh tế do xuất khẩu chủ đạo thông qua một loạt hợp đồng thương mại mới với các nước giàu, gồm Nhật Bản và các quốc gia trong khối Liên Âu.
Các nỗ lực sản xuất hàng hóa giá trị cao của Trung Quốc và những toan tính tái công nghiệp hóa của Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng là hai nước sẽ cạnh tranh trực tiếp hơn, khi nước này tiến gần đến phương thức sản xuất và tiêu thụ truyền thống của nước kia. Chẳng hạn, Trung Quốc không còn muốn cung cấp các linh kiện rẻ tiền bên trong chiếc iPhone chỉ để đứng nhìn những lợi nhuận lớn nhất dồn vào tay một công ty Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc đang khuyến khích các công ty Trung Quốc nên theo gương Huawei, một công ty đặt trụ sở tại Quảng Đông đã cực kỳ thành công trong việc bán ra các điện thoại thông minh bắt chước chiếc iPhone, mà lợi nhuận của công ty này vẫn nằm trong nước. Tuy nhiên, trong quan hệ của mỗi nước với phần còn lại của thế giới, cả hai cường quốc đang trở nên giống nhau một cách rất ngoạn mục – trong một số trường hợp gần như đang hoán chuyển vai trò truyền thống của nhau. Trung Quốc đang phấn đấu để điều hành ảnh hưởng toàn cầu đang lên của mình. Giới tinh hoa trong chính sách đối ngoại của đất nước này đang lao vào một cuộc tái tư duy rộng lớn về chiến lược Trung Quốc; họ chất vấn mọi tín điều trong đường lối “ẩn mình để chờ thời cơ” của thời đại Đặng Tiểu Bình, gồm cả truyền thống tránh can thiệp vào nội bộ nước khác của Trung Quốc. Tiến trình này được thúc đẩy bởi cuộc chiến do NATO lãnh đạo năm 2011 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi, khi Trung Quốc kinh ngạc nhận ra rằng nhiều nước đang phát triển đã ủng hộ việc can thiệp của quốc tế. Sức ép đòi hỏi Trung Quốc phải có một chính sách đối ngoại ít thụ động hơn phát xuất từ các công ty Trung Quốc muốn được che chở tại những thị trường nguy hiểm ở nước ngoài; từ một đội ngũ trí thức theo chủ nghĩa toàn cầu chủ trương rằng trong một thế giới mà Trung Quốc hiện diện tại nhiều điểm nóng, Bắc Kinh phải từ bỏ sự dè dặt của mình để chấp nhận các hoạt động quốc tế; và từ những người hoạch định chính sách Trung Quốc hiếu chiến tin tưởng rằng Trung Quốc cần phải quyết đoán hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài. Thậm chí nếu những tranh luận này có thắng thế đi nữa, Trung Quốc sẽ không vội tung ra những cuộc can thiệp vì lý do nhân đạo theo kiểu Mỹ nhưng những người làm chính sách Trung Quốc sẽ bớt rụt rè hơn trong việc can thiệp vào nội bộ của nước khác. Như Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Viện trưởng Viện Bang giao Quốc tế Hiện đại tại Đại học Thanh Hoa, đã nói với tôi, “Khi Trung Quốc mạnh bằng Mỹ, chúng tôi sẽ có một đường lối đối với vấn đề chủ quyền giống hệt như Mỹ.”
Và khi đề cập đến chính trị khu vực, những trí thức diều hâu như Diêm đang bày tỏ những hoài nghi về việc Trung Quốc có nên đặt lợi ích kinh tế cao hơn những mục tiêu chính trị hay không. Sự chuyển biến tư duy này có thể giải thích quyết định của chính phủ Trung Quốc năm 2010 trong việc tạm thời ngưng xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản và quyết định của Trung Quốc hai năm sau đó trong việc giới hạn nhập khẩu trái cây từ Philippines trong thời gian hai nước xung đột về các đảo trong Biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam – N.D.]. Những động thái này diễn ra song song với việc chính quyền có vẻ dung túng những cuộc biểu tình đôi khi bạo động được tổ chức bởi các phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc nhằm chống lại các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, dù sự bất ổn đó đã khiến một số công ty này phải dời sang Việt Nam.
Trong một chuyển biến nhiều kịch tính hơn, giới hàn lâm Trung Quốc cũng đang tranh luận là liệu nước họ có nên xét lại việc chống đối các liên minh thường trực không. Năm ngoái, Diêm và các trí thức diều hâu khác công khai đề nghị rằng Trung Quốc nên phát triển các hình thức gần như liên minh với khoảng trên một chục nước, gồm các cộng hòa Trung Á, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Nga, và Sri Lanka, cấp cho họ những đảm bảo an ninh và, đối với những nước nhỏ trên danh sách này, có lẽ cả sự che chở của chiếc dù hạt nhân Trung Quốc. Những động thái này không phải là điều mà nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick nghĩ tới vào năm 2005 khi ông kêu gọi Trung Quốc nên trở thành một “thành viên có trách nhiệm” trong trật tự toàn cầu.
Tiếp sức cho tính quyết đoán quốc tế ngày một gia tăng của Trung Quốc là sự phát triển một hệ thống chính trị trong nước ngày càng tham gia bàn việc nước, trong đó nhiều trường phái khác nhau thi đua tranh luận vấn đề và cũng là nơi Internet và nhất là các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra một công luận sinh động hơn trước nhiều. Trong quá khứ, các nhà làm chính sách phương Tây thường lên án Trung Quốc đã dùng thủ đoạn để nuôi dưỡng hận thù dân tộc rồi lấy cớ là hành động của mình bị hạn chế vì sự phẫn nộ của người dân. Nhưng ngày nay, tiếng trống thúc quân của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có vẻ chân thật hơn là ngụy tạo. Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà phân tích phương Tây cho rằng Đảng Cộng sản là xấu và xã hội dân sự là tốt. Nhưng ngày nay, Đảng Cộng sản có xu thế thúc đẩy một sự tự chế ở nước ngoài, trong khi người dân Trung Quốc bình thường lại đòi hỏi Đảng phải có hành động cứng rắn hơn.
Trong khi Trung Quốc cân nhắc phải làm thế nào để nới rộng ảnh hưởng quốc tế và những cam kết của mình, thì Mỹ đang ra sức hòa giải cái tham vọng siêu cường quốc tế của mình với tâm trạng thấm mệt chiến tranh của người dân và những đe dọa về nợ nần quốc gia. Obama đã tìm cách phát triển một mô hình lãnh đạo ít tốn kém: một phiên bản kiểu Mỹ của đường lối Đặng Tiểu Bình, với sự khác biệt là trong khi Đặng cố gắng che giấu sự giàu có đang gia tăng của Trung Quốc, thì Obama lại tìm cách che giấu sự thiếu hụt nguồn lực ngày càng trầm trọng của Mỹ. Trên thực tế, đường lối này của Mỹ gồm: trừng phạt các nước thù nghịch như Iran và Bắc Triều Tiên bằng biện pháp kinh tế,  truy kích khủng bố bằng máy bay không người lái, tránh đơn phương can thiệp ở nước ngoài mà có xu thế “lãnh đạo từ đằng sau”, và thiết lập những quan hệ thực tiễn với các quốc gia hùng mạnh như Nga. Từ góc nhìn của Trung Quốc, dấu hiệu có vẻ báo nguy nhất đối với Trung Quốc là chiến lược “xoay trục” về châu Á của Mỹ có vẻ như mô phỏng theo chính sách ngoại giao đa phương và chiến lược thương mại của Bắc Kinh. Thật vậy, như một nhà chiến lược của Lầu Năm góc đã nói với tôi gần đây, “Thay vì chơi cờ tướng, chúng tôi đang chơi cờ vây”, một loại cờ bàn cổ đại của Trung Quốc. Nhưng thậm chí khi Trung Quốc và Mỹ phát triển những đường lối khác nhau để bành trướng ảnh hưởng, cả hai đều bám lấy một hình thức của chủ nghĩa biệt lệ [exceptionalism]. Cả hai đều tin rằng mình khỏi phải tuân theo một số yếu tố nhất định của luật pháp quốc tế và mình được định mệnh giao phó một vai trò khống chế khu vực tại châu Á. Tuy nhiên, cả hai nước đều khó có thể hòa hợp cái xác tín ấy với cảm giác mà mỗi bên đều có, rằng trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào nhau này mình đã bị nước kia chơi trội. Người Mỹ than phiền về mất công ăn việc làm, còn người Trung Quốc thì than phiền về việc đã mất đi những số tiền dành dụm bằng mồ hôi nước mắt. Washington than phiền rằng Bắc Kinh không chơi theo luật, còn Bắc Kinh thì phản bác rằng những luật này đều do phương Tây bày ra để kềm hãm các nước khác. Khi căng thẳng gia tăng, nhiều khía cạnh của quan hệ Mỹ-Trung mà đã có thời cả hai bên cho là cơ hội lại có vẻ đang ngày càng là những mối đe dọa.
HAI BÊN TÌM ĐƯỜNG TRÁNH NHAU
Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã tự do hóa nền kinh tế của mình, tạo ra một giai cấp trung lưu lên đến hàng trăm triệu người, và chứng kiến sự ra đời một công luận đích thực [a genuine public sphere] trong số hơn 500 triệu người dân Trung Quốc sử dụng Internet. Trung Quốc đã được đón mời vào các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và G-20 và được nhiều Tổng thống Mỹ liên tiếp đối xử bằng những tuyên bố công khai bày tỏ sự kính trọng. Nhiều nhân vật tại Washington từng hi vọng rằng những chuyển biến này sẽ đi liền với việc Trung Quốc gia tăng hậu thuẫn đối với hệ thống quốc tế do phương Tây lãnh đạo. Nhưng họ đã thất vọng vì thấy Trung Quốc không đáp ứng theo mong muốn của mình.
Thật vậy, thay vì bị những định chế toàn cầu chuyển hóa, Trung Quốc theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương rất tinh vi, làm thay đổi trật tự toàn cầu. Ở G-20, Trung Quốc đứng cùng phe với các nước chủ nợ, như Đức, một nước mà Trung Quốc đã liên minh năm 2010 khi người Đức chống lại một gói kích thích kinh tế toàn cầu do Mỹ đề xuất. Washington cũng thất vọng vì Bắc Kinh đã góp phần kết liễu Vòng đàm phán Doha về thương mại thế giới, bằng cách giữ thái độ bất động vào thời điểm các cuộc đàm phán có dấu hiệu lâm nguy. Tại LHQ, Trung Quốc đã đẩy lùi sự phát triển các qui phạm bảo vệ tự do: trong thời gian 1997-98, các quốc gia khác bỏ phiếu theo Washington về những vấn đề nhân quyền tại Đại hội đồng là 80% số lần; trái lại, vào năm đó, các nước “bỏ phiếu theo” Bắc Kinh về các vấn đề này là 40%. Vào năm 2009-2010, những con số này gần như bị đảo ngược: khoảng 40% bỏ phiếu theo Mỹ và gần 70% theo Trung Quốc trên các vấn đề nhân quyền. Sự thay đổi lập trường này một phần là do Trung Quốc giành được hậu thuẫn của các nước đang phát triển bằng cách cho vay nhẹ lãi, trực tiếp đầu tư, và hứa hẹn bảo vệ những nước này trong trường hợp Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra những nghị quyết trừng phạt họ.
Trước sự thất vọng của phương Tây, các học giả Trung Quốc, như nhà sử học vai vế Thì Ân Hoành (Shi Yinhong), tranh luận rằng phương Tây không nên quá bận tâm về việc “thúc đẩy Trung Quốc hội nhập vào trật tự tự do của phương Tây”, mà thay vào đó nên điều chỉnh cái trật tự ấy “để đáp ứng nguyện vọng của Trung Quốc”, như Thì đã nói với tôi gần đây. Sự điều chỉnh này sẽ đòi hỏi một sự tái phân phối rộng lớn ảnh hưởng chính thức trong các định chế tài chính và an ninh toàn cầu, theo đó quyền lực được phân phối cho các quốc gia thành viên sẽ không tùy thuộc vào các khái niệm được định sẵn từ trước là ai sẽ có quyền cai quản, mà tùy thuộc vào “sức mạnh đích thực mà mỗi nước có được và sự đóng góp mà mỗi nước đã thể hiện”, như Thì lý giải. Trên thực tế, Thì tranh luận, Mỹ sẽ phải chấp nhận một thế cân bằng quân sự với Trung Quốc (chí ít ở phía đông Đài Loan), việc thống nhất bằng đường lối hòa bình của Trung Quốc và Đài Loan theo điều kiện của Bắc Kinh, và một khoảng “không gian chiến lược” nhỏ hẹp nhưng quan trọng đối với Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Hơn thế nữa, hệ thống liên minh của Mỹ cần phải “giảm bớt tập trung vào quân sự và giảm bớt việc lấy Trung Quốc làm mục tiêu”.
Nhưng cho dù giới tinh hoa Trung Quốc có muốn gì đi nữa, phương Tây vẫn chưa sẵn sàng điều chỉnh trật tự thế giới hiện hữu để đáp ứng nguyện vọng của Trung Quốc. Và thay vì chấp nhận những nhượng bộ cần thiết cho một G-2 hay sự bế tắc của nguyên trạng, các cường quốc phương Tây đang tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh trong khi theo đuổi những quan hệ và những chính sách nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc uốn nắn hệ thống quốc tế theo ý mình.
Trong những năm gần đây, chẳng hạn, một nhóm quốc gia có lợi tức cao do Mỹ lãnh đạo và gồm cả Australia, Canada, Malaysia, và Singapore đã bắt đầu đàm phán để thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thương ước cố ý loại trừ Trung Quốc và nhấn mạnh những tiêu chuẩn khắt khe đối với các doanh nghiệp nhà nước, với quyền lợi công nhân, với các biện pháp bảo vệ môi trường, và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu cuối cùng Nhật Bản cũng gia nhập, các thành viên của TPP sẽ chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Thậm chí còn tham vọng hơn cả TPP là những cuộc đàm phán được khởi động gần đây về Hiệp định Đối tác Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, một kế hoạch đã được bàn bạc từ lâu nhằm tạo ra một hiệp ước tự do mậu dịch giữa EU và Mỹ, một hiệp ước sẽ cho các nước phương Tây những lợi thế đáng kể trong bất cứ một cuộc đàm phán thương mại nào sau này với Trung Quốc. Mục tiêu của những hiệp ước mới này không phải là để đẩy Trung Quốc ra khỏi nền mậu dịch quốc tế, mà để soạn ra các qui định không có sự tham gia của Trung Quốc để rồi sau này buộc Trung Quốc phải chấp nhận chúng. Phương Tây cũng đang có những nỗ lực song song trong lãnh vực an ninh. Mỹ đang cố gắng sử dụng chiến lược xoay trục hướng về châu Á để củng cố những quan hệ lâu đời với nhiều nước chung quanh Trung Quốc nhằm gây cản trở cho tham vọng bá quyền quân sự của Trung Quốc ở khu vực tây Thái Bình Dương. Trong các nỗ lực can thiệp quốc tế, phương Tây đang gia tăng “việc tìm kiếm diễn đàn” [forum shopping]: hợp tác với những tổ chức khu vực, như Liên đoàn Á rập và Liên hiệp châu Phi, và dựa vào những liên minh không chính thức, như Nhóm Bạn của Syria [Friends of Syria], bất cứ khi nào chính sách ngoại giao tại LHQ bị bế tắc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng hoạt động ráo riết không kém để qua mặt phương Tây. Trung Quốc đã thành lập các định chế an ninh của chính mình, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, và đã ký kết các thoả ước mậu dịch đơn phương và đa phương với nhiều nước khắp thế giới. Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với các đối tác BRICS và đang cố gắng thành lập một ngân hàng phát triển BRICS với tiềm năng nắm giữ một danh mục cho vay lớn gấp ba lần danh mục cho vay của Ngân hàng Thế giới. [BRICS: viết tắt của Brazil, Russia, India, China, South Africa, ND]
CHỦ NGHĨA TƯƠNG ĐỒNG ĐA PHƯƠNG
Đứng giữa các trật tự thế giới do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu là các cơ chế toàn cầu như Hội đồng Bảo an LHQ, Nhóm G-20, Quĩ Tiền tệ Quốc tế, và Ngân hàng Thế giới. Nhưng chúng thường gặp phải bế tắc do các bất đồng giữa những nước thành viên. Do đó, thay vì buộc các cường quốc mới nổi [emerging powers] phải thích nghi với các định chế phương Tây, hi vọng lớn nhất có thể có được từ những định chế này là chúng sẽ là nơi để các đại cường thảo luận những vấn đề đặc biệt bức thiết: chẳng hạn, cuộc tan chảy tài chính toàn cầu 2008 hay sự ngoan cố của Bắc Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Sự yếu kém và vô bổ của những định chế này có thể trở nên ngày một tồi tệ, vì đáng lẽ phải hợp tác để cải tổ những diễn đàn chung đã có sẵn, các cường quốc phương Tây lại cố gắng xây dựng “một thế giới phi-Trung Quốc” trong khi Trung Quốc và các nước đối tác cố gắng tạo ra cái mà một số nhà phân tích gọi là “một thế giới phi-Tây phương.” Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương có thể ảnh hưởng [tiêu cực] đối với WTO. Như chuyên gia kinh tế Bỉ André Sapir đã lý giải, nếu các nước chiếm gần một nửa GDP toàn cầu thành lập hệ thống giải quyết tranh chấp riêng, tách khỏi WTO, thì cái WTO một thời kiêu hãnh này “sẽ giống như một tổ chức khác có trụ sở tại Geneva, Tổ chức Lao động Quốc tế, một nơi có mặt tiền xinh đẹp trên hồ Léman mà hằng năm các vị bộ trưởng đến đọc những bài diễn văn hay ho nhưng chẳng bao giờ lấy những quyết định quan trọng.”
Thay vì coi những cơ chế đa phương toàn cầu là tối cần, các nước sẽ dựa nhiều hơn nữa vào các mạng lưới mới thành lập giữa các quốc gia có cùng mức độ thịnh vượng. Xin tạm gọi hiện tượng này là “chủ nghĩa tương đồng đa phương” [similateralism]. Một trong những hậu quả của hiện tượng này sẽ là một hình thái lưỡng cực mới và lạ thường, bên ngoài có vẻ giống Chiến tranh Lạnh chứ không còn giống như thế giới của hai thập niên qua. Những khác biệt này sẽ bao gồm một nước Mỹ mất dần thanh thế, một đối thủ khôn ngoan hơn (và thành công hơn) ngang hàng với Washington, và các nước phi liên kết hùng mạnh hơn trước. Nhưng những động lực của chính trị toàn cầu trên cơ bản cũng sẽ khác với những động lực chi phối thế giới trong năm thập kỷ sau Thế chiến II.
Một, khác với Chiến tranh Lạnh, bản chất của cuộc đua này chủ yếu sẽ là địa kinh tế [geoeconomic] hơn là địa chính trị [geopolitical], do hậu quả của những tốn kém ngày một gia tăng của việc duy trì sức mạnh quân sự.
Hai, sự cạnh tranh Mỹ-Trung có đặc tính là: hai cường quốc đã lệ thuộc vào nhau ở mức độ cao, vì sự xâm nhập lẫn nhau giữa hai nền kinh tế là rất sâu đậm. Tuy nhiên, các nhà làm chính sách của hai nước lại coi sự lệ thuộc lẫn nhau này là một mối nguy cần phải giảm bớt và quản lý, chứ không coi đó là một công thức để xây dựng những quan hệ nồng ấm. Mỹ cần Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu chính phủ của Mỹ, và các bang của Mỹ đang cạnh tranh ráo riết để thu hút đầu tư Trung Quốc. Nhưng Washington cũng lo lắng về sự quá lệ thuộc vào vốn Trung Quốc và lo sợ gián điệp mạng Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc cần tìm một nơi an toàn để cất giữ những lượng tiền dự trữ của mình và cần đến công nghệ Mỹ để xây dựng một xã hội tri thức. Nhưng Bắc Kinh tức giận vì cho rằng chính sách gia tăng nguồn cung tiền [quantitative easing] của Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang làm tiêu tán đống tiền của Trung Quốc và nghi ngờ rằng Washington đang hoạt động để thúc đẩy việc thay đổi thể chế tại Trung Quốc.
Ba, mặc dù nhiều nước phi liên kết cuối cùng phải chọn một chiến tuyến trong Chiến tranh Lạnh, nhưng trong những thập niên tới, những nước phi liên kết có thể khai thác sự hiện hữu của những khối quyền lực linh động hơn, không đòi hỏi nếu theo phe này phải loại bỏ phe kia. Hậu quả sẽ là một trật tự thế giới lang chạ [a promiscuous world ordwer] trong đó các nước có thể ký kết các hiệp định với cả Trung Quốc lẫn Mỹ.
Sau cùng, Bắc Kinh và Washington sẽ kình chống nhau vì địa vị toàn cầu chứ không phải vì ý thức hệ. Cho đến nay Trung Quốc vẫn còn quá yếu và ở vào thế thủ, chưa đủ sức để đưa ra một phương án thay thế cho cái trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo, nhưng tình hình này sắp thay đổi. Trung Quốc và Mỹ sẽ sử dụng cùng một thứ từ ngữ trong việc lý giải những động lực của mình như: “trật tự,” “tính chính đáng,” “tăng trưởng kinh tế,” và “trách nhiệm.” Nhưng, như người ta thường nói, hai nước này sẽ bị chia cách bởi cùng một ngôn ngữ.
MARK LEONARD là Đồng sáng lập viên kiêm Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu và là Nhà nghiên cứu Chính sách công trong chương trình Bosch tại Học viện Xuyên Đại Tây dương. Ông là tác giả của hai cuốn sách gây tiếng vang và được dịch ra gần 20 thứ tiếng là Why Europe Will Run the 21st Century (2005) và What Does China Think? (2008).

Phần nhận xét hiển thị trên trang