Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Inrasara: Mười năm Tien Ve



Tiền Vệ — thức thời, dứt khoát và bền bỉ
Bước vào thế kỉ mới, khi văn chương mạng tiếng Việt cấp tập xuất hiện, dù tạp chí Việt vẫn còn sức công phá, Ban Biên tập của tạp chí luôn được chờ đợi này chuyển hệ ngay từ giấy sang mạng. Tienve.org ra đời. Nhưng không nhập nhằng như vài tạp chí khác, giấy chính mạng phụ hay ngược lại, Tiền Vệ đã rất dứt khoát: mạng. Và, không như vài mạng khác — bởi nhiều nguyên do khác nhau — nửa đường đứt gánh, Tiền Vệ sống khoẻ & mạnh suốt 10 năm thăng trầm cuộc thế, cuộc chữ và cuộc người.

Tiền Vệ — cuốn hút đại bộ phận con người tiền vệ
Là nơi để “mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để làm ra cái mới”, Tiền Vệ lôi cuốn nhiều thế hệ văn học tiền vệ đến với nó. Trong nước lẫn hải ngoại. Bất kể khác biệt về chính kiến. Họ đến, đi và ở lại. Đa phần là ở lại. Ở lại, hay đi rồi trở lại. Non 2.000 tác giả dự phần trong đó tác giả có lượng bài đóng góp trên con số 100 không phải là ít. Rồi khoảng 97.000 lượt người truy cập mỗi ngày, không chỉ là con số. Dù vẫn có số người ghé qua Tiền Vệ như là cách đánh bóng tên tuổi, rồi ra đi mãi mãi. Nhưng rồi, ai còn quan tâm đến cái mới, họ sẽ trở lại với Tiền Vệ. Với tư cách người viết, người nghiên cứu, người đọc.Tiền Vệ còn gợi tò mò cho cả người ghét cái mới, và nhất là nó gây thù oán cho những kẻ chống cái mới. Thế nào, họ cũng phải mở trang Tiền Vệ để xét nét, mỗi ngày. Nghĩa là, Tiền Vệ vẫn cứ có sức cuốn hút khó cưỡng.

Tiền Vệ — cuộc thử nghiệm nghệ thuật không ngưng nghỉ
Kiên trì trong ý hướng và chiến lược “nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để làm ra cái mới”, Tiền Vệ chấp nhận mọi thử nghiệm. Có thể khẳng định rằng, nhiều cuộc thử nghiệm mươi năm qua diễn ra trên/ xuất phát từ Tiền Vệ. Từ văn học đến hội hoạ, từ sân khấu đến nghệ thuật tạo hình. Sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật hay trao đổi học thuật. Từ thế hệ mới cho đến tác giả cũ chuyển sang thử nghiệm “làm mới”, họ chọn Tiền Vệđể có mặt. Từ Tiền Vệ và trước Tiền Vệ, nhiều cây bút chính lưu buộc phải có những thay đổi [dù là ở hình thức] trong lối viết; họ cảm nghe mặc cảm tự ti bị ràng buộc, trước không khí tự do sáng tạo của Tiền Vệ. Họ sẽ còn phải hoang mang, chắc chắn thế!

Tiền Vệ — hậu hiện đại
Phi tâm hoá, từ đó giải lãnh thổ hoá [và nhiều giải... khác], Tiền Vệ gắn liền với hậu hiện đại. Hậu hiện đại từ tạp chí Việt cho đến Tiền Vệ. Theo thời gian và chuyển động của thời cuộc, hậu hiện đại có vài thay đổi nhất định — về thái độ đón nhận, về chín muồi tri thức, về thủ pháp... — nhưng tinh thần và thái độ hậu hiện đại luôn song hành với Tiền Vệ và đại đa số tác giả xuất hiện trên Tiền Vệ. Bài nghiên cứu học thuật về hậu hiện đại đầy khả tín, tiểu luận hậu hiện đại xuất sắc, lí lẽ biện minh sắc bén cho hậu hiện đại, và nhất là các tác giả hậu hiện đại tiêu biểu... đều có thể tìm thấy ở Tiền Vệ.

Tiền Vệ — không khoan nhượng
Sống cùng và thở hơi thở nóng bỏng của thời sự văn học, Tiền Vệ tham gia vào nhiều cuộc chiến. Và đã lâm trận là không nhân nhượng. Chiến với không ít quan chức Hội Nhà văn Việt Nam vừa nhí nhố vừa khệnh khạng (chuyên đề “Đại hội Nhà văn Việt Nam”), chiến với sự độc đoán về văn học hay áp chế tác giả văn học, chiến với sự hiểu lập lờ về hậu hiện đại, chiến với nạn đạo văn, chiến để khám phá “thảm hoạ dịch thuật” đang lộng hành thế giới chữ nghĩa trong nước. Xuất hiện từ năm 2008, mục “Đối thoại” đã đóng vai trò tiền tiêu ở các cuộc chiến đó. Quyết liệt và không khoan nhượng đúng chất Tiền Vệ, cho nên không ít ý kiến cho rằng Tiền Vệ chỉ giỏi đánh đấm, chống phá chứ không tạo nổi tên tuổi nhà văn. Nhầm to! Thế hệ trước “làm lại cuộc đời” đầy mới mẻ như: Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, Lê Văn Tài...; người trong nước xuất hiện đĩnh đạc và sáng giá hơn như: Phan Đan, Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng...; rồi những khuôn mặt mới độc đáo với Hoàng Long, Lê Minh Phong... hay hiện tượng Lê Vĩnh Tài, Lưu Mêlan xuất hiện lồng lộng. Tất cả không là tác giả, thì còn kêu là gì!?

Tiền Vệ — thở hơi thở thời cuộc đất nước
Dẫu không là trang mạng chuyên về vấn đề chính trị xã hội, Tiền Vệ chưa một lần rời bỏ thời cuộc Việt Nam. Ở đây, hậu hiện đại còn hiện thực hơn chủ nghĩa hiện thực. Mươi năm qua, đâu là sự kiện tác động lớn và toàn diện nhất đến tâm thức người Việt Nam khắp thế giới? — Không gì khác, chính Sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa. Kì đầu năm 2007, khi nhà văn trong nước hoàn toàn im lặng, Tiền Vệ đã mở ngay chuyên đề“Viết cho Hoàng Sa - Trường Sa” thu hút cả trăm tác giả hậu hiện đại [và không là hậu hiện đại] vào cuộc. Sang kì hai, năm 2011, khác hẳn nhà văn chính thống — khi được phép — chỉ làm thơ viết văn “chống” Trung Quốc, Tiền Vệ ngược lại, qua mục “Đối thoại”, và bằng chiêu thức mới, đăng các bài viết ngắn phơi bày hiện thực lồ lộ giữa đường phố Sài Gòn và Hà Nội mỗi cuối tuần.

Tiền Vệ — thúc đẩy ý thức tự do và dân chủ
Qua đó, Tiền Vệ trực tiếp đánh thức ý thức trách nhiệm công dân của nghệ sĩ sáng tạo. Để rồi, từ các sáng tác của nghệ sĩ, thúc đẩy ý thức tự do và dân chủ của cộng đồng. Không phải không lí do, khi đại đa số tác giả ngoài lề, ngoài luồng hay bị chối từ ở trong nước, các tác giả không muốn tác phẩm mình phải chịu bị kiểm duyệt — nếu không chọn hình thức in photocopy — đều chọn Tiền Vệ để kí thác tác phẩm. Cả các tác giả “chính lưu” có sáng tác khó đăng, khó in trong nước, cũng tìm đến địa chỉ Tiền Vệ. Có thể khẳng định, 10 năm tồn tại, Tiền Vệ đã góp phần quan trọng làm thay đổi khuôn mặt văn học tiếng Việt đương đại, để hướng về một nền văn học tự do, và triển khai tối đa tinh thần tự do theo đúng nghĩa cao cả và nguyên ủy nhất của từ này.

Tiền Vệ — kho chứa tư liệu, nhưng không là tư liệu khô cứng mà, mãi mãi mang tinh thần tiền vệ
Vô hình trung, Tiền Vệ trở thành kho tư liệu ở bề khác của nền văn học Việt Nam đương đại, cũng là kho tư liệu về dòng văn học phản kháng lại sự áp chế của tư tưởng toàn trị đương thời. Thế nhưng đó không phải là kho tư liệu chết, mà Tiền Vệ luôn biết “làm mới” mình. Bằng phương thức mới, khuôn mặt mới, khám phá các thủ pháp sáng tác mới. Tại sao? — Đơn giản, Tiền Vệ xuất hiện và tồn tại tạo niềm tin cho kẻ sáng tạo, nhất là những người mới vào cuộc. Họ tự do viết, tự do thể hiện tư tưởng mình, mà không còn hồi hộp trông về cổng số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Nhà nghiên cứu văn học muốn nhìn toàn cảnh văn học đương đại Việt Nam không chỉ giới hạn ở phía chính thống, mà là — và nhất là — cần có cái nhìn khác về phía phi chính thống, ở đó Tiền Vệ có vị trí đặc biệt quan trọng.

Tiền Vệ & tôi
Lên đường với Tiền Vệ ngay buổi ban đầu, tôi đã cùng Tiền Vệ đi suốt hành trình 10 năm. Thơ, phê bình không thể đăng bất kì báo nào trong nước, tôi đăng ở Tiền Vệ (tập thơ Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], tập tiểu luận phê bình: Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại). Tiểu luận bị thiến, bị cắt trong nước, tôi gửi toàn văn cho Tiền Vệ. Tranh luận học thuật không đất sống, tôi kí thác cho Tiền Vệ. Tôi nhập cuộc vào thời sự nóng của đất nước cùng Tiền Vệ (bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” ở chuyên đề “Viết cho Hoàng Sa - Trường Sa”); không ít lần tôi thuyết về Tiền Vệ trên các diễn đàn. Có thể nói nửa sau cuộc văn chương chưa lấy gì làm dài của tôi gắn chặt với Tiền Vệ. Không thể không nói tiếng “cảm ơn Tiền Vệ”!

Tiền Vệ — mãi sống!
Xin mượn lời Hoàng Ngọc-Tuấn trả lời phỏng vấn ABC Radio Australia, ngày 1-12-2012 làm lời tạm kết bài kiểm kê này: “Tiền Vệ của là một phần của cuộc sống, cho nên nó luôn phải thay đổi. Thay đổi quan trọng nhất là nó không chỉ kêu gọi sự đổi mới, mà cần phải làm cho sự đổi mới, vốn ban đầu có thể gây “shock”, trở nên bình thường, sau đó lại tiếp tục tìm kiếm những cái mới khác”.
Do đó, Tiền Vệ mãi sống, sống bằng tinh thần tiền vệ!

Inrasara
Sài Gòn, cuối năm 2012


Như chưa hề có gì xảy ra
Đoàn thể thao Việt Nam vừa giật thêm huy chương
Vừa giật thêm vài ưỡn ngực ngạo nghễ
Thế giới như đặt dưới chân huy chương vàng môn billard Đông Nam Á
Cờ xí với khẩu hiệu
Như thể chưa hề có chuyện gì đang xảy ra
Chúng ta có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Không thể chối cãi
 
Tuần lễ văn hoá Cà phê Sài Gòn cứ đông nghịt
Chơi tới bến đi em, chẳng có có gì xảy ra, ở nơi ấy
Dzô dzô                                DZÔ
Ta đã làm cú rút ngoạn mục vượt mặt Indo với Mã
Hồ Xuân Hương đẹp và Đà Lạt thơ
Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam diễn ra đúng ngày giờ
Dzô dzô                                DZÔ
Chiều qua tuyển Việt Nam thua nát nhưng sáng nay
Toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành đội mũ
Bảo hiểm hộp sọ nhát gan chứa đầy toan tính ươn hèn mong kéo dài kiếp sống khiếp hãi
 
Như chưa hề có chuyện gì sắp xảy ra
Hà Nội se lạnh và Phan Rang khô rát
Đại hội vừa hạ quyết tâm phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt hơn
Như chưa bao giờ tình hữu nghị Việt–Trung tốt đẹp hơn
Hoàng Sa & Trường Sa
Nam Quan Hà Giang Tam Sa
Đạn nổ nhịp ba       hảo… hảo… hảo…               chưa chết
Một nhà thơ tuyên dứt khoát phải có thơ ta giữa 100 bài thơ hay nhất
Thế kỉ và một nhà văn khác
Dự án cho Nobel văn chương nước Việt
7.560 hecta đất nông nghiệp được thu hồi cho dự án sân golf
Hàng vạn hộ nông dân Long An bổ sung số liệu cho dự án xoá đói giảm nghèo chục năm tới
 
Nam Quan Hà Giang Tam Sa
Như chưa hề có chuyện gì đã xảy ra
Tiền phong Thanh niên Tuổi trẻ
VTV1 VTV2 VTV3
Đạn nổ nhịp ba                  vắng ngắt
Ngàn chữ kí vạn chữ kí triệu chữ kí vừa tung lên trời mù mịt
Hảo hảo hảo
Mầy đã nghe lời ai xúi giục                   tao bảo
Đuổi thẳng cổ chúng ra khỏi trường
Camera dây thép gai và máy ảnh kĩ thuật số
Họa sĩ trịnh cung vừa ném cây cọ ra ngoài cửa sổ
nhà văn nhà báo nhà thơ và cả nhà chưa là nhà xuống đường hô khẩu hiệu tranh hậu siêu thực vẽ lưng áo thận văn nhiên bỏ thơ làm cư dân mạng tuấn idol anh chịu chơi bão blog mịt mù quốc bùi minh thư tuyệt mệnh chai nước lavie tiếp viện ném nữa đi em lynh bacardi tự quyền nữ nhi không thường tình chống nạnh như huy số dzách xắn tay áo hoàng hưng yêu nước không bị áp đặt hương hồ hồng thu lan cứ chĩa máy vào tụi tao đi ôi quý ngài trí thức hay không trí thức và ôi quý siêu sao thơ văn 8X tung bụi mù văn đàn an nam lủi đâu hết trọi rồi hay đang cà phê đắng rung đùi tọa sơn quan hổ đấu
Người đi xe giữa đường tò mò nhìn đám biểu tình
Như có điều gì đó vừa xảy ra đang xảy ra sắp xảy ra
Lễ tang nhà thơ lớn Phạm Tiến Duật vừa qua và Đời sống tinh thần người Sài Gòn sắp tới
Càphê Văn học của Hội đồng Anh và Ba kịch bản có thể xảy ra
Ngày 16
Ngày mai
Ngày mai
Que sera sera
Ai biết chuyện gì xảy ra, ở nơi ấy.
 
15/12/2007
 
(Trích từ tập Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] — chưa in)
 

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Thơ từ năm cũ của tôi.

ĐỌC LẠI “Mùa lá rụng trong vườn”

Mặt nạ rơi sau lưng
trước mặt
Em nghoảnh nhìn không thấy bão giông
Bão tan lâu rồi
mải mê ký ức
Em đâu hay
Bão nổi trong lòng?

Chúng ta đi qua những vườn hoa ám muội
Câu dối gian rơi vãi trên đường?
Hóa ra chỉ là lời mật ngọt
Chiết ra từ những cây khô sao cám dỗ say cuồng?

Hoa thẳm đấy
Thực ra cỏ rả..
Mọc trên đường đi
che khuất lối vào
Tòa lâu đài lỡ xây trên cát?
Ta nhận ra mình
Sau mỗi giấc mơ đau

Có cách nào cầm vết thương âm ỉ?
Bước trên lối mòn
mặt nạ rụng rơi
Mùa lá rụng,
mặt nạ nhiều hơn lá
Làm sao đến thiên đàng

Hỡi những linh hồn thích bay?

THƠ ĐOÀN THỊ TẢO

XẨM CHỢ



Này chị em ơi!!!
Ra chợ từ buổi sớm mai
Có ba đồng vốn giở vai với giời
Một đồng mua cái nổi trôi
Đồng mua duyên hẩm với người ngày xưa
Ốm đau mua lão là vừa
Hết ba đồng vốn chợ trưa mất rồi

Bôn ba tần tảo ngược xuôi
Thác ghềnh chèo chống một đời bán mua





TỨ TUYỆT TÌNH

I
Người đem buồn nhớ đổ đi
Còn tôi níu lại phòng khi giở giời
Sập sùi mưa  gió bời bời
Nỗi buồn còn đó đem chơi một mình.

II
Một mình ra ngẩn vào ngơ
Lặng nghe tiếng lá gọi mưa bồn chồn
Hạt mưa như lỡ độ đường
Yêu say đắm đó chán chường lại đi

III
Thơ yêu tôi tặng một người
Của thời vụng dại chỉ người ấy thôi
Một người với một mình tôi
Cũng làm nên cả một trời nhớ thương




 NGÔI SAO RƠI

Tôi đi về nơi ngôi sao rơi
Miền hoang vu gió
Một tinh cầu bé nhỏ
Bơ vơ rơi đâu

Tôi đi tìm nơi ngôi sao rơi
Hỏi từng ngọn cỏ
Có thấy một vì sao bé nhỏ
Bây giờ nơi đâu

Có ai tiếc thương một điều vô nghĩa
Giữa hằng hà thiên thể
Ngôi sao buồn bỏ đi nơi đâu
Cho tôi đi tìm
Một tinh cầu khờ dại đến xót đau





NGỌN ĐÈN VÀ ĐÊM ĐEN
        “Thà rằng chả biết cho xong”

Ngọn đèn dầu le lói
Rọi qua song cửa tre
Lập lòe đơn độc

Đêm đen đêm đặc
Nỉ non con dế khóc
Tủi duyên chú ếch kêu một mình

Người đa tình
Buồn sầu vô cớ
Đi không nỡ, ở chẳng trông ai
Thở dài thương
Thương cho ngọn đèn đầu phố   
Mở mắt trông thấy mặt đường lồ lộ
Đêm không đen
nhờ nhờ!....

Triết học

Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về gia đình và lịch sử văn minh (phần II)

Giáo sư Toshiko Nakamura,
Trường Đại Học Hokkai-Gakuen, Nhật Bản
Tqvn2004 chuyển ngữ

2. Tư tưởng Fukuzawa về văn minh

Lịch sử của nền văn minh

Mặc dù Fukuzawa viết rất nhiều bài viết trong cuộc đời mình, nhưng cuốn sách quan trọng nhất trong đó chính là 'Văn minh luận chi khái lược' (An Outline of a Theory of Civilization). Năm 1874, ông quyết định dừng việc dịch sách phương Tây và tập trung nghiên cứu lý thuyết về văn minh. Ông đọc các cuốn sách của học giả phương Tây như Guizot, Buckle và J. S. Mill và viết một vài dàn bài và bản nháp. Ông thảo luận với bạn hữu và sinh viên về chúng trước khi xuất bản cuốn sách năm 1875. Như thế, chúng ta có thể thấy ông đã bỏ nhiều nỗ lực vào cuốn sách này.
Trong cuốn Khái lược này, ông viết về lịch sử của nền văn minh, nói về các bước mà xã hội loài người đã trải qua để phát triển. Ông chia lịch sử ra làm 3 giai đoạn: 'man rợ', 'bán văn minh' và 'văn minh'. Mỗi xã hội đều phải đi theo con đường này cho tới khi họ đạt tới giai đoạn cuối của văn minh. Chắc chắn là ông đã lĩnh hội tư tưởng này từ các cuốn sách phương Tây mà ông đã được đọc.
Những yếu tố nào thúc đẩy tiến trình phát triển văn minh diễn ra? 
Thế Fukuzawa nghĩ những yếu tố nào thúc đẩy tiến trình phát triển văn minh diễn ra? Ông nghĩ rằng có hai yếu tố: Thứ nhất là sự tiến bộ của 'tri thức' (intellectual ability hay 'chi') và 'đạo đức' (virtue hay 'toku') của con người, tới mức mà anh ta có được vật chất đầy đủ trong cuộc sống và cóphẩm cách (dignity) như một con người. Thứ hai là sự tiến bộ trong các 'mối quan hệ xã hội loài người (human social relations hay 'jinnkan-kousai’). Hai yếu tố này phối hợp với nhau thúc đẩy xã hội tiến về trạng thái cuối cùng của văn minh. Tại sao lại như thế được? Ông giải thích như sau:
Trong giai đoạn 'man rợ', con người không có đủ 'tri thức' để hiểu các định luật của thiên nhiên. Và họ không biết cách đối phó với môi trường và kiểm soát nó. Khi họ gặp phải một tai ương tự nhiên hay một điều tốt nào đó, họ có xu hướng cho rằng nguyên nhân phía sau là do Thần (kami) Thiện hoặc Ác tạo ra. Cũng như thế với mối quan hệ xã hội của họ. Trong giai đoạn văn minh này, chắc chắn sẽ xảy ra sự cai trị mang tính đàn áp / đè nén trong xã hội. Nhưng vì con người không đủ 'tri thức' để hiểu lý do và nguồn gốc của sự cai trị mang tính đàn áp đó, do đó họ sẽ sợ hãi sự đàn áp và đè nén, coi chúng giống như những tai ương tự nhiên. Họ không có đủ 'tri thức' để hiểu và phản đối sự đè nén. Mọi thứ được quyết định bởi luật lệ do người cai trị đặt ra. Và người cai trị đặt ra luôn cả các giá trị đạo đức của xã hội. Mọi người buộc phải tuân theo các giá trị đạo đức mang tính ý thức hệ được đặt ra bởi người cai trị.
Nhưng vì con người không đủ 'tri thức' để hiểu lý do và nguồn gốc của sự cai trị mang tính đàn áp đó, do đó họ sẽ sợ hãi sự đàn áp và đè nén, coi chúng giống như những tai ương tự nhiên. Họ không có đủ 'tri thức' để hiểu và phản đối sự đè nén. Mọi thứ được quyết định bởi luật lệ do người cai trị đặt ra. Và người cai trị đặt ra luôn cả các giá trị đạo đức của xã hội. Mọi người buộc phải tuân theo các giá trị đạo đức mang tính ý thức hệ được đặt ra bởi người cai trị. 
Tiến trình văn minh khởi động khi 'tri thức' của con người bắt đầu phát triển trước tiên. Lúc đó, con người sẽ 'nghi ngờ' tất cả mọi thứ xung quanh anh ta. Anh ta muốn biết lý do, hay nguyên nhân, gây ra các tai ương thiên nhiên, và tìm cách tránh chúng. Và như thế anh ta bắt đầu kiểm soát được tự nhiên với 'tri thức' của mình.
Tiếp theo là gì? Anh ta sẽ bắt đầu nghi ngờ và suy nghĩ về tình hình của chính bản thân mình. Anh ta nghi ngờ những lời giảng dạy của ý thức hệ Khổng Giáo, và vào các câu chuyện về lòng trung thành của Samurai - những thứ đã từng định hướng cho anh ta phải hành xử ra sao. Anh ta bắt đầu suy nghĩ bằng trí óc riêng của mình, rằng mình cần phải trở thành con người ra sao. Và như thế, anh ta 'đã dành được tự do suy nghĩ [hay tự do tinh thần], vậy tại sao không tìm cách dành tự do thân thể'? Nói cách khác, anh ta đã kiểm soát được bản thân mình, và trở nên độc lập. Anh ta TỰ quyết định rằng mình muốn trở thành loại người gì, và mình cần phải làm gì, và làm như thế nào. Các giá trị đạo đức giờ đây được quyết định bởi chính cá nhân, từ trong suy nghĩ của anh ta, chứ không phải bởi mệnh lệnh của người cai trị bên ngoài anh ta. Fukuzawa nghĩ rằng nếu con người dành được quyền tự quyết, và có các giá trị đạo đức riêng của mình, thì con người đó được gọi là 'hiểu đức' (virtuous). Fukuzawa gọi hệ thống giá trị đạo đức do con người tự quyết định đó là 'đạo đức tư' (private virtue), bởi nó liên quan tới chính cá nhân con người đó. Ông nghĩ rằng việc phát triển 'đạo đức tư' là điều quan trọng, bởi khi con người độc lập, anh ta không được dựa vào bất cứ ai, ngoài chính bản thân anh ta, đặc biệt trong việc quyết định xem anh ta nên là con người như thế nào.

Con người giờ đây không còn bị ràng buộc bởi các giá trị đạo đức cổ hủ nữa. Anh thể làm những việc, mà nếu xét theo các giá trị đạo đức cũ do kẻ cai trị đặt ra, thì bị coi là sai lầm. Ví dụ như phản đối những sai trái của kẻ cầm quyền, điều mà trước đây bị coi là bất Trung.
Các giá trị đạo đức giờ đây được quyết định bởi chính cá nhân, từ trong suy nghĩ của anh ta, chứ không phải bởi mệnh lệnh của người cai trị bên ngoài anh ta. 
Khi con người đã độc lập và dành quyền tự quyết, thì anh ta bắt đầu nghĩ về mối quan hệ xã hội của mình. Bây giờ anh ta đã có thể dùng 'tri thức' của mình và biết mình muốn trở thành con người thế nào. Do vậy, anh ta suy nghĩ và quyết định bằng lập luận riêng của mình, rằng anh ta phải làm gì, và ứng xử như thế nào với những người khác. Anh biết cái gì là sai và cái gì là đúng khi đối xử với người khác [vì sao anh ta biết chắc cái gì đúng, cái gì sai? Là vì anh bây giờ đã có 'tri thức']. Và như thế, anh ta trở nên 'hiểu đức' (virtuous) trong quan hệ xã hội. Fukuzawa gọi loại đạo đức này là 'đạo đức công' (public virtue). Nếu con người trở nên 'hiền đức' và hành xử theo 'tri thức', thì mối quan hệ xã hội xung quanh anh ta sẽ phát triển. Đó là yếu tố thứ hai của sự phát triển của nền văn minh.
Khi con người ngày càng có 'tri thức' và trở nên đủ năng lực quyết định các giá trị đạo đức của riêng mình - không phải qua ý thức hệ áp đặt bên ngoài, mà từ suy luận bên trong, thì anh ta sẽ càng hành xử 'hiểu đức' với người bên ngoài. Tiến trình này sẽ làm các mối quan hệ xã hội xung quanh con người tiến bộ.
Fukuzawa tưởng tượng rằng các mối quan hệ xã hội của con người có thể được vẽ như những vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn đầu tiên của quan hệ xã hội là gia đình, và nó phải được cải thiện trước hết. Kế tiếp là vòng trong chỉ mối quan hệ trong một quốc gia. Con người trải qua tiến trình này từng bước một, và văn minh phát triển cho tới khi nó đặt tới trạng thái cao nhất của nền văn minh, khi mà ai ai cũng thông thái như Newton và hiểu đức như Khổng Tử. Cả thế giới sẽ sống trong hòa bình và cùng tồn tại như một gia đình. Sẽ không còn có tranh chấp và cướp giật, và con người không còn cần phải khóa cửa và viết ra những văn bản hợp đồng để làm bằng chứng với nhau. Fukuzawa gọi đó là 'thế giới hòa bình của văn minh' (the peaceful world of civilization - 'bunmei-no-taihei’). Nhưng ông biết thế giới đó chỉ có thể thành hiện thực vài ngằn năm nữa trong tương lai.

Khung tư tưởng Khổng Tử về văn minh và xã hội

Như tôi đã đề cập trước đây, Fukuzawa đọc rất nhiều sách phương Tây và học lý thuyết về lịch sử của nền văn minh từ đó. Chúng ta có thể thấy sự ảnh hưởng của các cuốn sách này trong lập luận của ông về tiến trình lịch sử của nền văn minh. Chúng ta cũng biết rằng ông đã nỗ lực rất nhiều để hiện đại hóa Nhật Bản. Và thế là chúng ta có xu hướng cho rằng Fukuzawa cố gắng bắt chước văn minh phương Tây mà bỏ qua các tư tưởng cũ. Nhưng, nếu chúng ta đọc lập luận của ông một cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy ông không chỉ hấp thụ tư tưởng của các học giả phương Tây, mà còn cố gắng điều chỉnh nó theo khung tư tưởng riêng của mình về con người và xã hội. Ông học sách Hán cổ khi ông còn trẻ và đặc biệt thích thú với các cuốn sách cổ về lịch sử. Ông đọc chúng nhiều lần và nắm rất vững chúng. Mặc dù ông tấn công ý thức hệ Khổng Giáo của hệ thống phong kiến Tokugawa trong các bài viết của mình, nhưng đó chỉ là [tấn công vào] chức năng ý thức hệ của Khổng giáo. Khung tư tưởng cơ bản của ông vẫn là Khổng Giáo. Ông hiểu lý thuyết của phương Tây về lịch sử phát triển văn minh thông qua khung tư tưởng Khổng Giáo, và cho rằng chúng tương thích và phù hợp với nhau.
Mục tiêu của Fukuzawa không phải là trở thành 'tốt' và 'đạo đức' theo tư tưởng Khổng Giáo, mà là trở thành một con người 'độc lập và tự trọng' 
Điều này có thể được nhận thấy dễ dàng khi chúng ta quan sát tư tưởng của Fukuzawa về 'con người'. Chúng ta thấy rằng Fukuzawa khẳng định rằng con người phải có tinh thần độc lập và tự quyết để phát triển nền văn minh. Điều này có nghĩa là con người phải phát triển được 'tri thức' và 'đạo đức' của mình và trở thành độc lập. Chúng ta có thể tìm thấy tư tưởng tương tự về con người và xã hội trong các sách vở phương Tây. Tuy nhiên, ông đã luôn gọi con người là 'linh ư vạn vật' (tinh khôn hơn vạn vật - 'banbutsu-no-rei'), vốn là ý tưởng của Khổng Giáo về con người. Trong triết lý Khổng giáo Hiện Đại, con người có bản chất chân thật (tính bản thiện?), và nó sẽ bộc lộ ra khi con người luyện tập để trở thành một người "hiểu đức". Fukuzawa cũng nghĩ rằng con người mang 'trái tim nhân hậu' trong lòng, và nó sẽ chỉ nổi lên bề mặt thông qua con đường duy nhất là nỗ lực phát triển 'trí tuệ' và 'đạo đức' của con người. (Đây là nền tảng tư tưởng của cuốn sách nổi tiếng mang tên "Khuyến học" của ông).
Mục tiêu của Fukuzawa không phải là trở thành 'tốt' và 'đạo đức' theo tư tưởng Khổng Giáo, mà là trở thành một con người 'độc lập và tự trọng' (dokuritsu-jison). Tư tưởng này dường như trùng khít với tư tưởng con người độc lập của phương Tây. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy một đoạn tương tự nằm trong sách vở Khổng Giáo trong thời Tokugawa. Vì thế, có lẽ đó không phải là ý tưởng do Fukuzawa nghĩ ra, mà có lẽ ông thừa hưởng từ những tư tưởng tương tự của các học giả Khổng Giáo thời Tokugawa. Fukuzawa trông đợi những người thuộc tầng lớp samurai trở thành hàng ngũ tiên phong dẫn dắt quá trình văn minh hóa ở Nhật Bản, và ông tin rằng họ có khả năng đảm nhận trọng trách này.

"Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" là nét tương đồng giữa tư tưởng Fukuzawa và Khổng Tử
Fukuzawa cũng viết rằng nếu con người trở nên có 'tri thức' và 'hiểu đức', nghĩa là 'linh ư vạn vật', thì các mối quan hệ xung quanh anh ta sẽ được cải thiện. Ông nghĩ rằng quá trình cải thiện sẽ đi từ vòng tròn bên trong ra vòng tròn bên ngoài bao quanh mỗi cá nhân. Và như thế, từ gia đình tới quốc gia, và cuối cùng là ra toàn thế giới. Ông viết rất nhiều lần rằng chỉ 'sau khi con người trở nên độc lập, gia đình anh ta sẽ trở nên độc lập, và sau đó quốc gia của anh ta sẽ trở nên độc lập, và cả thế giới sẽ trở nên độc lập'. Đoạn văn nổi tiếng này của Fukuzawa tới từ các sách vở Tân Khổng Giáo (Neo-Confucian).
sau khi con người trở nên độc lập, gia đình anh ta sẽ trở nên độc lập, và sau đó quốc gia của anh ta sẽ trở nên độc lập, và cả thế giới sẽ trở nên độc lập 
Chủ đề chính của triết lý Khổng Giáo là làm sao để trở thành người có đạo đức và cai trị đất nước bằng đạo đức. Con đường để thực hiện điều này trong Tân Khổng Giáo như sau: Đầu tiên, con người phải hiểu biết đạo lý (ri) của trời đất (kakubusu-chichi). Sau đó anh ta phải nỗ lực theo đạo lý từ trái tim mình và theo đó mà hành động (seii-seishin). Bằng cách làm như thế, anh ta sẽ tu thân thành công và trở thành con người có đạo đức (shushin). Quá trình chuyển biến con người thành ra có đạo đức là đặc biệt quan trọng trong triết lý Tân Khổng Giáo. Và sau đó anh ta mới tề gia (seika), và trị quốc (chikoku) và cuối cùng là đem đến hòa bình cho cả thế giới (heitenka).
Chúng ta có thể hiểu cách giải thích của Fukuzawa tốt hơn nếu chúng ta sử dụng khung tư tưởng này. Trong hệ tư tưởng Tân Không Giáo, đạo lý của trời đất mà con người cần biết có nghĩa là lý thuyết 'âm dương', lý thuyết cổ điển của Trung Quốc về đạo lý trời đất. Nhưng Fukuzawa đã thay đổi 'đạo lý trời đất' này bằng 'đạo lý khoa học hiện đại'. Ý tưởng của ông về "tri thức" có nghĩa là con người biết suy nghĩ một cách duy lý; và ông khẳng định rằng con người phải duy lý để hiểu biết và chế ngự thiên nhiên. Và rồi trong khái niệm Khổng Giáo, con người phải cố gắng hành động dựa trên lý thuyết 'âm dương'. Fukuzawa thay đổi lý thuyết này thành con người phải cố gắng hành động theo trí óc riêng của mình và trở thành 'hiểu đạo'. Như thế anh ta sẽ độc lập và tự kiểm soát được mình (tu thân) (isshin-dokuritsu). Sau đó, mối quan hệ xã hội của anh ta sẽ phát triển và gia đình cùng tổ quốc của anh ta sẽ lần lượt độc lập (ikka-dokuritsu, ikkoku-dokuritsu). Như thế, ý tưởng của Fukuzawa về lịch sử văn minh có cấu trúc giống như tư tưởng Tân Khổng Giáo về con người và thế giới. Có lẽ Fukuzawa đã đọc và hiểu các cuốn sách phương Tây về lịch sử văn minh qua khung tư tưởng Tân Khổng Giáo để cảm nhận về thế giới, và sau đó hiện đại hóa khung tư tưởng này để bao hàm cả tri thức về khoa học tự nhiên hiện đại.
Fukuzawa lập luận rằng khi lịch sử văn minh phát triển đến mức nào đó, nó sẽ đạt tới mức cảnh giới cao nhất của nền văn minh, nghĩa là 'một thế giới hòa bình và văn minh'. Ý tưởng rằng lịch sử có một điểm tận chắc chắn vay mượn từ sách vở phương Tây. nhưng khi ta đọc giải thích của ông về 'thế giới hòa bình', chúng ta có thể thấy nó giống như mô tả về 'thế giới đại đồng' (daido-no-yo)’ trong các sách vở cổ điển Trung Hoa. Trong tư tưởng Khổng Giáo, thế giới lý tưởng này là điểm bắt đầu của lịch sử. Nhưng Fukuzawa đã đặt nó ở cuối chặng đường lịch sử, theo như quan điểm của phương Tây, nhưng duy trì mô tả 'cổ điển' về thế giới lý tưởng này.
(

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

CÔNG BÁO (trên blog Yahoo plust )

KÍNH CÁO
02:52 29 thg 12 2012Công khai0 Lượt xem0

Thường Dân núi Tản


Thường Dân núi Tản(Cảm ơn em Núi tập hợp những người bạn chung.)
Đến 10g sáng nay, Blog Hồng Giang 180' đã có trên 10.000 người 

vào thăm. HG chân thành cảm ơn nhiệt tình của quý bạn. Vì điều kiện 

eo hẹp về thời gian, kể từ nay  HG sẽ không đăng tiếp bài trang này 

nữa (Yahoo Plust blog ). Đây là một quyết định ngoài ý muốn. HG lấy 

làm tiếc vì việc này, xin được phân ưu cùng quý bạn. Tuy nhiên Hồng 

Giang 180' sẽ tiếp tục duy trì bên blogspot. Bạn chỉ cần theo địa chỉ 

sau: Hồng Giang 180'- blogspot  hoặc anlacminh@gmail.com.

Thân chào quý bạn. Chúc các anh chị dồi dào sức khỏe đón một năm 

mới an khang thịnh vượng, cuộc sống tràn tình thương và hạnh phúc
Kính cáo!

Võ Thị Hảo : Huyền ảo.. và tội ác


Bìa quyển "Ngồi hong váy ướt" của Võ Thị Hảo.
Bìa quyển "Ngồi hong váy ướt" của Võ Thị Hảo.
Dưới tựa đề khá xếch-xy Ngồi hong váy ướt là một tập 17 truyện ngắn, với những bức tranh siêu thực hoang vu, ngập mùi tử khí, viết từ ngòi bút của một người đàn ông đã chết "chấm bút lông vào mạch máu đang chảy ở khuỷu tay mình viết lên những trang giấy trắng", về cái thế giới mà ông ta đã sống. 
Sau hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản. 
Võ Thị Hảo sinh năm 1956 tại Diễn Châu, Nghệ An, nổi tiếng trên văn đàn với các tập truyện ngắn Biển cứu rỗi, 1992, Chuông vọng cuối chiều, 1994, Người sót lại của rừng cười, truyện dàiGiàn thiêu, 2003, vv...
 
Trong tác phẩm mới nhất, Võ Thị Hảo nhìn hội chứng chiến tranh, độc tài và tội ác như tác dụng nhân quả thể hiện qua những truyện ngắn huyền ảo. Cảm giác bị tấn công mãnh liệt bởi những mạnh vụn trái phá và những chân rết ung thư tội ác tàn phá nội tạng người đọc.
 
Người ta đã và sẽ còn bỏ nhiều thời giờ, ngân quỹ để nghiên cứu, viết sách, làm phim, phân tâm những lính Mỹ bị điên sau khi tham dự chiến tranh Việt Nam. Nhưng chưa ai nghĩ đến việc phân tâm lính Việt, người Việt, bởi dân tộc ta thuộc dạng "hơn người", hùng tính hơn người, chịu đựng hơn người, cần gì đến thứ khoa học phô trương, tốn tiền, phù phiếm, vô bổ.
 
Võ Thị Hảo chẳng phân tâm ai cả mà dùng phép phù thủy, cho chiến tranh, độc tài, hủ lậu và tham nhũng vào chung một rọ, xóc cho ngầu, phơi cho bốc hơi, toả khói, biến các chứng liệu hoá thân thành cây cỏ, đất trời, rắn rít, con ong, con nhện, đám mây, ngọn gió... Toàn bộ thiên nhiên trong không gian Võ Thị Hảo, sau nửa thế kỷ chiến tranh và độc tài, trở thành hậu thân của một thế giới, trước kia đã từng có người, đã từng là người. Những giá trị "vĩnh cửu" như tình yêu, tình người, nhân tính... đều đã bốc khói, bay đi, chỉ còn trơ lại đống sắt vỡ vụn của trái phá, sắc nhọn, đâm chém, vô luân và tàn ác.
 
Dưới tựa đề khá xếch-xy Ngồi hong váy ướt là một tập 17 truyện ngắn, với những bức tranh siêu thực hoang vu, ngập mùi tử khí, viết từ ngòi bút của một người đàn ông đã chết "chấm bút lông vào mạch máu đang chảy ở khuỷu tay mình viết lên những trang giấy trắng", về cái thế giới mà ông ta đã sống.
 
Trang đầu tiên là Bùa, một truyện xẩy ra ở Thành Cổ Sơn Tây, là miền đất tổ lâu đời nhất. Sơn Tây, chính là nước Văn Lang, kinh đô Hùng Vương, Trưng Vương, Phùng Hưng và Ngô Quyền. Người ta nghi người chết đã lầm Sơn Tây với Quảng Trị, hoặc Sơn Tây bị biến thành Quảng Trị. Hoặc đoán chừng người Sơn Tây bị lệnh "câm" trở thành người Quảng Trị. Hoặc Sơn Tây sau khi "cháy chợ", bọn yêu quái bỗng "lớn phỗng lên", nhân dân Sơn Tây vỡ nợ, phá sản, trốn vào ma túy hoặc tự tử, biến thành nhân dân Quảng Trị, một thành cổ đang "thiu thiu ngủ" với những "oan hồn nửa thức nửa ngủ trên những đám mây trĩu sương tù đọng. Nước không chẩy và mây không bay". Một quán phở đêm, quy tụ đủ mọi hạng người đến gặm xương đáy nồi, thứ"xương bốc mả". Hàng phở bốc mả là trạm cuối của sông mê. Tại đây, người ta kể những chuyện rùng rợn, trong một thế giới người ma lẫn lộn. Một xã hội ăn xương bốc mả, ăn táo lê Trung Quốc ướp thuốc không thối, có người chết của quý chĩa thẳng lên trời, có con ma thiếu máu, chân quắp vào cột cây số 12, có người bán máu lấy tiền tiếp máu cho ma...
 
Bùa chỉ là khúc dạo đầu để đi vào những mạch sống, mà Mỵ Châu thả bước xuống trần mở vào lịch sử ngàn năm của những mạch sống khốc liệt ấy:
 
Pho tượng đá cụt đầu trong am Mỵ Châu một đêm chợt tỉnh sau bao nhiêu thế kỷ. Chiếc thân đi tìm lại đầu mình. Mỵ Châu nhớ lại những giây phút chót của cuộc đời, nhớ những mảnh lông ngỗng trắng tinh nàng rứt từ chiếc áo Trọng Thuỷ tặng, để dẫn đường cho chồng tìm mình trong cơn nguy biến, nhớ tiếng quân Triệu reo hò, nhớ tiếng vó ngựa Trọng Thuỷ "dựng ngược trên đầu hai cha con", nhớ tiếng thét rách gió của chàng, nhớ nhát kiếm cha già loáng trên gáy, đầu nàng rơi xuống, máu hoà với nước biển mặn chát. Đầu Mỵ Châu lưu lạc không ngừng, không bao giờ lắp lại được với thân. Mỵ Nương đi xuyên nhiều thế kỷ, lầm lũi, không đầu, lần từng trang sử, dừng chân trên am thờ nàng, nay đã trùng tu, nàng đã được xây nhà mới. Người ta dúi vào tay nàng cơ man của đút, lót tiền giả để mua tiền thật, mua sự bất tử. Cái giếng Trọng Thủy trầm mình, nay đã trùng tu thành lỗ huyệt láng xi măng cho tiện vét tiền du khách ném xuống. Thân nàng được phủ những chuỗi hạt nhựa, phủ lụa là gấm vóc "bóng lộn và hăng hắc độc" dệt từ quê hương Trọng Thủy. Mỵ Châu choáng váng, tìm chốn nương thân nhưng vô ích. Nàng không còn chỗ trên quê hương mình. Trong đền An Dương Vương đã trùng tu quê kệch, một đám mặt mũi đẹp đẽ béo tốt đang yến tiệc, "miệng ngo ngoe những cái đầu rắn". Mỵ Nương thấy mạch sống thế kỷ XXI tàn tệ hơn thế kỷ của nàng, trên đất nước Văn Lang.
 
Hội ngộ là những bức tranh siêu thực chồng nhau theo một trật tự hắc ám: Một người đàn bà chồn đu đưa thân thể trong khu rừng độc, "nàng chun mũi nghiêng sang hướng bắc. Hướng bắc đến từ ngọn gió mang mùi của những đám cháy và của xương người. Nàng nghiêng hông về đằng nam. Hướng nam lờ lợ mùi bột ngọt và gươm đao." Một người đàn ông chỉ còn bả vai, không cổ, không tay, "một cánh tay đã chia cho phương nam, một cánh tay đã chia cho phương bắc. Chúng bị đạn tiện đứt lìa, trong hai lần khác nhau, một ở rừng, một ở biển". Một con ong lạc tổ loạng choạng trong đêm... Trên cánh và tấm lưng eo thắt, nồng nặc mùi ong Chúa, mùi ngục tù và tử khí. Con ong lạc đàn quờ quạng đâm sầm vào đầu vú người đàn ông không cổ không tay. Một con ong Chúa đang nằm thoi thóp, bỗng trở mình, nhận ra mùi phản trắc, nó hoàn toàn lai tỉnh, gửi "mật" lệnh "ngòn ngọt từ tử cung" -thứ mật ong Chúa dùng để mê hoặc và cầm tù đồng loại- huy động toàn bộ đàn ong thám tử đi truy lùng, xé xác con ong lạc tổ, bay trật đường rầy...
 
Hội ngộ giữ trọn vẹn sự bí mật của một văn bản thuần túy huyền ảo, là một bản thi họa giao duyên giữa đầu Ngô và mình Sở, tạo ra một thứ phi lý bức tử của một thế giới mà cõi sống phi nhân là phiên bản, là hậu thân của chiến tranh và đàn áp.
 
Người chăn bò thần thánh, là thứ hiện thực huyền ảo trắng trợn, vẽ hẳn một bức tranh khôi hài, hãi hùng: Tổ chức nhân đạo quốc tế gửi tặng đàn bò sữa cho một vùng mà nhà nghiên cứu của tổ chức này đã mục kích tận mắt cảnh cả trăm người cầm dao quắn xông vào tranh nhau xẻo thịt một con trâu chết, loáng cái hết nhẵn. Lễ "khánh thành bò" được tổ chức vô cùng trọng thể, vú bò được thắt nơ, cổ bò được đeo các khẩu hiệu kinh điển: "cần kiệm liêm chính", "cán bộ là đầy tớ của nhân dân", v.v... Mọi việc được phân công rành rẽ, đàn bò trở thành bò tập thể dưới sự quản lý của nông trường.
 
Rủi thay, ông chủ tịch nông trường lại có đứa con cậu trời. Một hôm ông đi họp vắng, nó và lũ bạn thèm rượu thịt bèn lấy dao xẻo phắt miếng vai con bò ngoại, xơi tái. Người cha về la rầy, thằng con Khổng Minh rỉ tai hiến kế... xẻo thịt bò mà vô can. Mỗi miếng thịt xẻo được thay thế bằng một chiếc bong bóng thổi phồng dán vào thân bò. Kết cục đàn bò ngoại trở thành trong suốt như bong bóng, một đàn bò thuần xương, không thịt. Thịt bò mừa mứa, ăn, bán không hết, đem đấm mõm cấp trên. Các nông trường viên chăn bò sợ bị đuổi không dám ho he. Các đoàn kiểm tra đã được nếm mùi bò ngoại đều chứng nhận những cỗ xương bò di động là bò đích thực. Thậm chí cả bọn rận, bọ chét, ve, mòng... cũng thoả mãn, chúng thả cửa no nê xơi tiệc sẵn trên thân bò lở lói, máu tràn vào miệng như lũ không cần vòi hút. Khi đã quán triệt nguồn lợi bò, ông chủ tịch nông trường bèn nhường chức lại cho người khác, xin cất nhắc lên chức to hơn, lần này có thể là nông trường chăn voi ngoại.
 
Bỗng đâu nhà nước nhận được một đơn kiện, bọn đầu đơn không ai xa lạ mà lại là bọn rận, bọ chét, ve, mòng, dĩn... thấy quyền lợi của chúng ngày càng có nguy cơ tận diệt, viết đơn tố cáo như vầy: "Đau xót vì tình trạng thịt rơi máu chảy của đàn bò, của tài sản tập thể bị xâm hại... Đàn bò hiện nay con nào cũng chỉ sót lại một mẩu thịt ở mông, còn tất cả da thịt và gân của chúng đều bị các chủ bò lần lượt xẻo đi và thay thế bằng những quả bóng trong suốt. Xin cấp trên trừng trị để làm gương..." Bọn ve mòng hý hửng đợi phép nước nghiêm minh, nào ngờ kết quả ngược lại: Trên đem toà án di động về "xét xử các tội phạm Ve, Mòng, Rận, Dĩn, bởi tiền sử chúng đen tối, hiện tại chúng mờ ám và tương lai của chúng không cải tạo được". Toà tuyên án tử hình cả bọn, hả hê coi như "đã triệt được nguyên nhân của mọi nguyên nhân". Nào ngờ vẫn chưa hết, một tin sét đánh, ban kiểm tra đoàn bò quốc tế phôn về, đích thân đến tham quan. Thế là hoảng loạn, các phòng, các ban, các chủ bò xôn xao bàn cãi, quy trách nhiệm. Cuối cùng họ nhất trí ra chỉ thị :"Bởi các nông trường viên chăn bò vô trách nhiệm, trình độ khoa học kém cỏi, nên đã để cho đàn bò mất hết thịt, nay phải xẻo thịt mình đền vào". Bọn chăn bò thấp cổ bé miệng không dám kêu ca, đành xẻo thịt mình đắp vào những chỗ trống. Đàn bò có da thịt trở lại. Một thế hệ Người chăn bò thần thánh mới lại xuất hiện, lần này họ không xẻo thịt bò nguyên chất, mà xẻo đàn bò đã được đắp thịt người.
 
Người đọc giật mình, quái đản, không hiểu từ đâu ra lối huyền ảo này ?
 
Truyện Huyền ảo, huyền hoặc hay hoang đường, tiếng Pháp fantastique, tiếng Việt có  nghiã: truyện ma quái, truyện hoang đường, truyện không có thật. Liêu trai chí dị là một loại huyền ảo kinh điển phương Đông, hoàn toàn khác với lối huyền ảo phương Tây hoặc châu Mỹ la tinh. Huyền ảo gắn bó sâu sắc với tôn giáo, triết lý và môi trường sống khác nhau của mỗi dân tộc.
 
Dòng huyền ảo lâu đời nhất có lẽ là huyền ảo Châu Mỹ la tinh, gắn bó với thánh kinh Maya, trong đó, con người được thần ngô nặn lên từ bắp ngô. Ngô đối với người Maya như gạo đối với người Việt. Những truyện cổ tích của người Maya xưa xây dựng trên một vũ trụ mà thiên nhiên là chủ thể. Mây, núi, sông nước, cỏ, cây... điều hoà sự quân bình thế giới và sinh ra con người. Trái ngược với các hình thức cổ tích Đông Tây: con người là chủ thể của muôn loài, thần thánh cũng là người.
 
Từ sự kiện thiên nhiên cây cỏ, muông thú đều có tiếng nói, đều có thể họa nên những hình thái nên thơ và dưỡng nuôi sự sống, người Maya đã tạo nên một khái niệm huyền ảo tự nhiên như ta ăn và thở. Sau này, các tác giả nổi tiếng Châu Mỹ la tinh đều dựa vào nguồn gốc văn hoá Maya của họ để tự tạo cho mình những hình thức huyền ảo cá biệt.
 
Ở Asturias, nhà văn Guatemala, là một thứ huyền ảo thuần khiết Maya, khái niệm "người ngô" (l'homme de maïs) vừa hiền lành, vừa bao quát thực tế: nếu không có ngũ cốc, làm sao con người sống sót, làm sao còn người. Asturias tranh đấu cho quê hương ông, chống lại chế độ thực dân, chống lại các thể chế độc tài, chống lại quyền lực của tư bản Mỹ áp đảo sự sống còn của nông dân trên nền đất Châu Mỹ la tinh.
 
Ở Marquez, nhà văn Colombia, là sự huyền ảo khốc liệt của những người dân da đỏ hận thù những kẻ chinh phục (conquistadors) đã cưỡng hiếp tổ tiên mình để sinh ra mình. Một mối căm thù tổ tiên, căm thù tác giả đẻ ra mình. Những quái thai, những bạo tàn, những tha hoá, loạn luân, những điềm, những mộng, những đầu người mình thú... trong truyện của Marquez, phản ảnh niềm uất ức truyền kiếp, khôn nguôi của những con người là sản phẩm, không phải của tình yêu mà của cuộc hãm hiếp tập thể một giống nòi, một dân tộc.
 
Về huyền ảo, Jean Paul Sartre phân tích: "Mô tả sự kỳ dị phi thường chưa phải là điều kiện cần và đủ để đạt tới huyền ảo. Một biến cố lạ kỳ, xẩy ra trong một xã hội có trật tự, có pháp lý, sẽ bị rơi vào vòng trật tự chung: Nếu bạn cho một con ngựa đột nhiên nói, thì tôi bảo nó bị ma làm trong chốc lát. Nhưng nếu bạn cho nó diễn thuyết dông dài suốt dọc hành trình qua rừng cây im lìm, trên nền đất bất động, tôi chấp nhận cho nó cái quyền nói, nhưng tôi không coi nó là ngựa nữa mà cho nó là người trá hình ngựa. Ngược lại, nếu bạn muốn làm cho tôi tin rằng con ngựa này là huyền ảo, thì bạn phải làm sao cho những hàng cây, đất đai và đồng ruộng cũng là huyền ảo nữa, mà bạn không cần nói ra".
 
Sartre viết tiếp: "Huyền ảo là một thế giới toàn diện mà sự vật biểu hiện một tư tưởng quyến rũ đòi đoạn, vừa bất thường vừa lôi cuốn, gặm nhấm trong cơ thể nhưng không thể diễn tả thành lời".
 
Và ông đưa ra một định nghiã huyền ảo: "Huyền ảo trình bầy hình ảnh lật ngược của sự hội tụ linh hồn và thể xác. Linh hồn chiếm chỗ của thể xác và thể xác chiếm chỗ của linh hồn. Để nhận diện hình ảnh này, chúng ta không thể dùng những ý tưởng sáng tỏ khúc triết, mà phải dùng những ý tưởng rắm rối, "huyền ảo", nói cách khác, chúng ta phải đi vào chỗ mờ ảo, với đầu óc trưởng thành, có văn hoá, với cá tính nhiệm mầu của một kẻ mơ mộng, của con người nguyên thuỷ, con người trẻ thơ." (Sartre, Aminadab, Situations I, Folio essais, trg 115).
 
Lối huyền ảo trong truyện ngắn của Võ Thị Hảo, phát sinh từ sự tùng xẻo, một "nghệ thuật" hành quyết mang đặc tính đông phương, có trong sử sách Tầu, Việt. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo mang chất nồi da xáo thịt, đặc tính Việt Nam. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo mang tính áp đảo phụ quyền, cha truyền con nối trong gia đình, trong dòng họ, trong xã hội, trong chính quyền, từ Khổng Mạnh truyền qua không trung gian, không đứt đoạn. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo giao thoa độc tài và tham nhũng trong nền kinh tế  tạo nên những quái thai người ăn thịt người kiểu Lỗ Tấn. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo có cái dã man trong xã hội Mạc Ngôn.
 
Những nhà văn phụ nữ miền Bắc như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, có đặc tính khốc liệt mà những nhà văn nữ trong Nam không có. So cái khốc liệt trong văn chương Võ Thị Hảo thì cái sắc sảo trong văn chương Túy Hồng hiền như bụt. Tại sao? Bởi miền Nam đàn bà chưa phải đi lính, chưa nhìn thấy cái khốc liệt của chiến tranh. Bởi Dương Thu Hương, Võ Thị Hảo... sinh ra và lớn lên trong một môi trường không nhân nhượng. Dương Thu Hương đã chứng kiến cảnh đấu tố, đã đi đánh nhau. Võ Thị Hảo sinh sau, nhưng đã thu thập vốn liếng bạo lực của những người đã nhận nhưng phải gói ghém, giấu diếm trong lòng: những người mẹ, người chị, xung phong đi lính, đi hộ lý, trở về điên dại trong Rừng cười. Như nam châm, Hảo thu hút những khối u mà người xấu số để lại hôm qua, và hôm nay con em họ vẫn còn tiếp tục cúi đầu nhận độc tố của một gia đình, một xã hội, một thể chế, gọi là mới, nhưng tất cả đều cũ, đều cổ, đều mục nát, như đầu óc, như sự phục tòng của họ.
 
Là nhà văn dấn thân trong chiều dầy của hai chữ dấn thân, là phụ nữ tranh đấu, Võ biết nếu con người không thay đổi suy nghĩ, không biết suy nghĩ, thì đất nước không thể đứng dậy. Điều kiện tiên quyết làm thay đổi xã hội, thay đổi chính trị là người phụ nữ phải thay đổi trước. Sự bất phục tòng của họ sẽ là nền tảng của tất cả mọi thay đổi.
 
Chất huyền ảo trong truyện của Võ Thị Hảo, là sự huyền ảo của những bức tranh siêu thực trong đó con người đã bị cắt chân tay, mỗi tứ chi ném đi một nơi, nam bỏ ra bắc, bắc bỏ vào nam, chúng gọi nhau, đầu tìm cổ, cổ tìm vai, trong một định mệnh điên cuồng của xã hội âm ty trần thế. Cái thác loạn ấy sống lại trong những thông tin hàng ngày, trong những vụ án mạng như cơm bữa, trong những hàng tin xe cán chó: con giết cha, chồng giết vợ, dẫy đầy trên mặt báo. Võ Thị Hảo lượm lặt những tin tức chó cán, viết ra, đặt nó trong cái huyền hoặc hàng ngày của cuộc sống. Ngòi bút của chị lột trần mặt trái bi kịch, tìm đến chiều sâu lịch sử của bi kịch, từ đấy Hảo chỉ đích danh tội ác, chỉ cái thủ phạm nấp đằng sau tội ác, chỉ cái cha đẻ của tội ác để vạch ra sự ngu muội của con người. Mục đích của Võ Thị Hảo là vén màn phát giác sự ngu muội của con người. Con người mụ mị chấp nhận độc tài, con người gật đầu tất cả để được yên thân, con người bị đàn áp tư tưởng, cúi mọp chịu phận. Võ Thị Hảo muốn giải phẫu, móc cái mê, cái sợ, ra khỏi trái tim con người.
 
Một mình một ngựa, vén màn đối lập bằng cách xây dựng thành lũy huyền ảo trên những con người đã bị xé xác, hồn phanh trăm mảnh, để chống lại thành trì kiên cố xây bằng vi khuẩn tham nhũng, lừa đảo, trộm cắp, điêu ngoa của những con ong Chúa mê hoặc đồng loại bằng thứ mật ngọt giết người. Hiện thực huyền ảo của Võ Thị Hảo là cuộc trực chiến giữa hai thành trì. Võ một mình một trận chiến. Một mình một nghiã địa.
 
T. K.