Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

TRUNG QUỐC VÀ CÁC VẤN ĐỀ TRÊN BIỂN TRONG NĂM 2012

TRUNG QUỐC VÀ CÁC VẤN ĐỀ TRÊN BIỂN TRONG NĂM 2012

BienDong.Net: Một năm đầy ắp các sự kiện liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông sắp qua đi, nhưng những hành động hiếu chiến của Trung Quốc tại những vùng biển này đã để lại trong cộng đồng quốc tế mối quan ngại sâu sắc về sự ảnh hưởng của nó đến môi trường hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Trong gần 25 năm kể từ khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988 thì năm 2012 là năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp và căng thẳng nhất do Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.
Số vụ việc Trung Quốc gây hấn trong vùng biển của các nước ven Biển Đông tăng nhiều hơn so với những năm trước, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Xin liệt kê một loạt các hoạt động nghiêm trọng xảy ra ở Biển Đông như: từ tháng 4/2012, Trung Quốc gây ra tranh chấp căng thẳng kéo dài với Philippin ở khu vực bãi cạn Scarborough, đến nay mặc dù tàu của Philippin đã rút hết khỏi khu vực này, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì các tàu chấp pháp để khống chế khu vực bãi cạn Scarborough; ngày 21/6/2012, Trung Quốc công bố Quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và tiếp đó ra sức triển khai các hoạt động củng cố cơ quan lập pháp, hành chính, quân sự và cơ sở hạ tầng ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này, rồi xuất bản bản đồ “Tam Sa”; ngày 26/6/2012, Trung Quốc công bố mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách bờ Biển Việt Nam 60 hải lý; tháng 8/2012, Trung Quốc lần đầu tiên cho tàu cản phá các hoạt động dầu khí của Malaysia, trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia (theo tạp chí National Interest ngày 17/12/2012, Trung Quốc đã 2 lần cắt cáp của tàu địa chấn của Malaysia trong tháng 8/2012); ngày 30/11/2012, Trung Quốc dùng lực lượng tàu cá cắt cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam khi đang hoạt động chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 hải lý; Trung Quốc cho nhiều tàu chiến, tàu khu trục, tảu hải giám, tàu ngư chính tuần tiễu ở Biển Đông, cho máy bay trinh thám hoạt động trên Biển Đông, nhất là trên vùng trời quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một số lượng lớn lên đến hàng trăm chiếc tàu cá Trung Quốc có tổ chức dưới sự yểm trợ của các tàu Hải giám, tàu Ngư chính cỡ lớn hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông, có lúc chỉ cách bờ biển của Việt Nam 30 hải lý; các lực lượng chấp pháp, kể cả tàu chiến của Trung Quốc liêp tiếp trấn áp, lục soát, bắt giữ, thậm chí bắn vào các tàu cá của ngư dân Việt Nam…. Đáng chú ý là Trung Quốc đã dùng “tiểu xảo” chưa có tiền lệ trên quốc tế, cho in tấm bản đồ “đường lưỡi bò” vào quyển hộ chiếu của công dân Trung Quốc hòng đạt được sự thừa nhận của quốc tế đối với yêu sách phi lý này, nhưng âm mưu này đã bị cả cộng đồng quốc tế lên án và cho rằng đây là “hành động quá kém cỏi” của Trung Quốc. Đặc biệt, ngày 27/11/2012, Trung Quốc đã cho ban hành “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”, cho phép các lực lượng chức năng của Trung Quốc kiểm tra, kiểm soát các tàu nước ngoài trong vùng biển của tỉnh Hải Nam, bao gồm cả vùng biển “Tam Sa” chiếm đến 80% diện tích của Biển Đông.
alt
 Mô hình phát triển do Trung Quốc đề ra trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: Baidu.

Đối với biển Hoa Đông, từ tháng 9/2012 Trung Quốc gây tình hình căng thẳng cao độ với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku; số lượng đông tàu cá Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku; nhiều lần tàu chiến Trung Quốc đối đầu với lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku; lần đầu tiên Trung Quốc cho máy bay ra hoạt động ở bầu trời của quần đảo Senkaku, buộc Nhật Bản phải điều máy bay ra để bảo vệ quần đảo Senkaku; đưa tàu ngư chính lớn nhất ra vùng biển Senkaku. Trong nội địa Trung Quốc cổ súy cho các hoạt động biểu tình chống Nhật Bản ở các tỉnh và thành phố lớn; đập phá các cửa hàng của Nhật Bản, uy hiếp công dân Nhật Bản ở Trung Quốc; kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản…. Các hành động của Trung Quốc làm cho tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Bên cạnh những hoạt động ngày càng leo thang trên thực địa ở Biển Đông và biển Hoa Đông, trong năm 2012, Trung Quốc còn đẩy mạnh chia rẽ, mua chuộc các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã khống chế, sử dụng Campuchia như một con bài để phá hoại sự đoàn kết trong ASEAN, ngăn cản việc đưa vấn đề Biển Đông vào các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN diễn ra tại Campuchia trong năm 2012. Trung Quốc chính là nguyên nhân làm cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM 45) lần đầu tiên không ra được Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị. Trung Quốc gây sức ép với Lào để không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự và Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEM 9 ở Viên Chăn, thủ đô Lào. Trong khi tìm mọi cách gây sức ép để gạt bỏ vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực và quốc tế thì Trung Quốc lại chủ động làm rùm beng vấn đề tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku tại các diễn dàn khu vực và quốc tế, kể cả ở Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Báo chí và truyền thông Trung Quốc một mặt lớn tiếng hô vang các khẩu hiệu “Trung Quốc thi hành chính sách phát triển hòa bình”, “Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng”; mặt khác vu cáo, đổ lỗi cho các nước láng giềng gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông, lớn tiếng đe dọa Việt Nam, Philippin hay Nhật Bản “đừng đùa với lửa” hay “sẽ dạy cho một bài học”….
Qua cách hành xử của Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông trong năm 2012, Trung Quốc đang lộ nguyên hình của một kẻ côn đồ đang thi hành chính sách bá quyền. Họ đang hành động bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế đúng như các quan chức của Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định “Trung Quốc sẽ hành động theo những gì Trung Quốc cho là đúng”. Cái mà Bắc Kinh cho là đúng ở đây là họ có quyền chèn ép các nước, có quyền thống trị và khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông và các nước láng giềng phải chịu “khuất phục” trước Trung Quốc. Đây chính là lối suy nghĩ của một kẻ cường quyền, Đại Hán.
Những hành động gây hấn, hiếu chiến ngày một leo thang và những lời dọa nạt của Bắc Kinh đã làm cho cả thế giới bất bình và lo ngại về “nguy cơ Trung Quốc” ngày càng tăng. Liệu những người cầm quyền ở Bắc Kinh có biết rằng những hành động gây hấn, ép buộc, dọa nạt của họ đang đẩy các nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc mình. Một số nhà phân tích trên thế giới cho rằng, Trung Quốc đang “tự mua dây buộc mình” và tự cô lập mình với thế giới trong việc hiện thực hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông.
Trong năm 2012, Mỹ tỏ rõ thái độ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trên vấn đề Biển Đông; Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần bày tỏ sự lo ngại trước những hành động quá khích của Trung Quốc, thậm chí lên tiếng phê phán trực diện việc thành lập “Tam Sa” và lập cơ quan chỉ huy quân sự của Trung Quốc ở “Tam Sa”; Ấn Độ tỏ ý sẵn sàng điều lực lượng của Ấn Độ đên Biển Đông nếu lợi ích của Ấn Độ bị đe dọa; các nước Châu Âu tỏ rõ sự lo ngại trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông đã chủ động yêu cầu đưa nội dung vấn đề Biển Đông vào chương trình thảo luận và văn kiện của Hội nghị cấp cao ASEM 9 ở Lào.
Trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong năm 2012, giới học giả và các nhà nghiên cứu đã lên tiếng mạnh mẽ phê phán Trung Quốc trong các cuộc hội thảo về Biển Đông diễn ra khắp nơi trên thế giới như Pháp, Mỹ, Indonesia, Singapore, Philippin, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.... các học giả và nhà nghiên cứu đã vạch trần tính phi pháp của yêu sách “đường lưỡi bò” và cho rằng với cách hành xử thô bạo ở Biển Đông và biển Hoa Đông Trung Quốc không còn xứng đáng với một nước lớn là Ủy viên Thường trực Hội Đồng bảo an Liên hợp quốc.
Một năm sóng to gió lớn ở Biển Đông với hàng loạt hành động ngang ngược của Trung Quốc sắp qua đi. Nhìn lại những gì đã diễn ra trong năm 2012, khó có thể mong đợi sóng sẽ yên, biển sẽ lặng ở Biển Đông trong năm mới 2013. Song một điều mà cả cộng đồng quốc tế đã nhận thấy là bộ mặt của kẻ hiếu chiến đang mưu toan sử dụng sức mạnh để thay đổi cục diện đang tồn tại lâu nay ở Biển Đông nói riêng và ở khu vực nói chung của Bắc Kinh.
Bước vào năm 2013 với đầy rẫy những khó khăn thách thức, nhất là phải đối mặt với một chính sách biển ngày càng cứng rắn của những người lãnh đạo mới ở Bắc Kinh sau Đại hội XVIII, các nước ASEAN và nhất là các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tăng cường sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cả cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; đồng thời cần tích cực thúc đẩy giải quyết đa phương các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.     
                                       Việt Chi

NHÂN DUYÊN KHÓ ĐỊNH ( Truyện ngắn của HG)




Đó là góc chết. Không hiểu sao nàng lại ngồi đó một mình, xoay mặt vào trong, một chân gếch lên chiếc ghế bỏ không bên cạnh?
Hình như nàng không muốn ai nhìn thấy mình, hoặc nàng không muốn nhìn thấy ai? Đôi lông mày thanh tú, cặp mắt đen, đuôi mắt dài thỉnh thoảng nhíu nhẹ, không ra vẻ vui hay buồn.
Nàng thoa nhẹ chút son môi. Da mặt để mộc gần như không đánh phấn. Mái tóc dày cắt ngắn theo mốt hiện đại của tuổi teen thời bây giờ. Khó có thể đoán tuổi của nàng, cũng như khó đoán nàng đang nghĩ, hay không nghĩ gì?
Đám ăn “mải” khánh thành “nhà miếu” của ông chuẩn tướng, nàng có liên quan gì mà tới đây?
Có một vài người nàng quen, nàng chào hỏi, họ cũng chào lấy lệ rồi quay ra chỗ khác. Không một ai tới ngồi cùng bàn với nàng, mặc dù nàng cũng người làng này, đâu có xa lạ gì nhau? Tôi đọc trong cái nhìn của những người đó có chút gì ganh tị, khinh khi và cả một chút coi thường. Như nàng là kẻ xa lạ, dơ dáy, không bình thường..
Người ta ganh tị là phải, vì nàng ăn mặc không giống ai. Ở tuổi đấy mà vẫn quần bò, áo phông, tóc để thế kia, lại phảng phất mùi nước hoa.. Bề ngoài ấy xa lạ với những người ở xứ đồng rừng thường đi chân đất. Họ chỉ giày dép mỗi khi đi dự tiệc hoặc có hội hè.
Họ ganh tị cũng là phải. Tuổi nàng, đàn bà mấy người được như nàng? Hai bàn tay trắng muốt, ngón thon dài, móng tay sơn vẽ cầu kì. Gót chân hồng hồng như chân thiếu nữ. Người ta thì quần áo dù còn mới vẫn luôn bị  nhăn nhúm, gấp để đã lâu, mới lấy trong giương ra, mặc một buổi, về cất lại vào giương. Công việc đồng áng khiến người ta mất dần thói quen chải chuốt, ngắm vuốt khi còn trẻ. Chân tay chai sần, có người nẻ tếch nẻ toác. Có bà chỗ nẻ quá sâu phải dùng chỉ khâu lại.Chỗ nứt rơm rớm chút máu khô mầu quyết trầu. Chả mấy ai được eo thon như nàng! Sinh đẻ sớm, lại làm ăn vất vả không chịu kiêng khem, bà nào, cô nào vòng hai cũng to hơn vòng một. Tóc tai cũng không còn được chú ý mấy. Chỉ chải qua loa cốt sao cho gọn gàng, kẹp bằng cái cặp tóc bằng đồng hay bằng sát cũ. Có người buộc bằng sợi vải sơ sài lắm, đâu có ai diêm dúa được như nàng?
 Còn phấn son ư? Thật xa lạ với người quê, tỉnh lẻ.
Nàng hệt như con công đứng giữa bầy gà. Như bông hồng nổi bật trên đám hoa sói, hoa ngâu.
Người lạ chắc hẳn tưởng nàng ở thành phố về. Không là cô sinh viên sắp ra trường cũng con nhà quyền quý, có địa vị ngoài xã hội.
Riêng tôi, tôi biết chắc nàng là ai? Nhưng cái biết đó giờ cũng thành lạc hậu, vì nó cũ, quá lâu rồi. Phải có đến năm bảy năm nàng vắng bóng ở đất này. Làm sao biết con người thật của nàng hiện tại?
 Con người ta nhiều đột biến, may mắn cũng như tai ương lắm. Một tháng, một năm đã khác, huống chi năm, bảy năm trời?
Đã đến đây, mọi người đều bình đẳng như nhau. Mọi người có quyền gì mà ganh ghét, tị nạnh hoặc khinh khi đối với nàng? Duyên ai phận nấy, “ai hay ấm bản thân mình”, tỏ vẻ ra đây để làm gì?
 Ý nghĩ ấy khiến tôi có chút tò mò, không muốn cho một vị khách như nàng thất ý. Bất luận nàng là người ra sao? Như thế nào?
Hơn nữa đó cũng là trách nhiệm của tôi. Chuẩn tướng có nhờ tôi đón và tiếp khách giúp ông ta. Tôi không có quyền để bất cứ một ai đó mếch lòng..
Có mấy bà mấy cô mới đến, tôi xếp ngay họ vào ngồi với nàng cho có bạn. Hình như họ có chút chần chừ, gượng ngồi một lúc rồi lại sang bàn khác. Thấy vậy tôi ngồi xuống kéo thêm một tay mới đến ngồi bạn với nàng.
Tay này hiện là chủ của hai cái tàu vàng đang nạo sồn sột lòng sông trước cửa nhà tôi. Y có vẻ e ngại tôi nên khi tôi nói y vui vẻ ngồi xuống ngay. Tay ấy e ngại tôi là phải. Chả gì tôi cũng là mồm ăn, mồm nói, có tí “Quyền lực thứ tư” ở cái đất này.
Không ngờ mới, cũ  hai người từ lâu quen nhau. Chuyện rôm rả, thân thiết lắm. Tôi lấy làm lạ, nhưng không tiện hỏi. Lộc Viên, chủ tàu vàng hình như đoán được ý nghĩ ấy, da mặt thiết bì của y dãn ra đồng thời với cặp mắt xếch, đôi lông mày rậm:
- Bọn tớ quen nhau từ hồi còn học phổ thông. Lâu lắm mới gặp..
Rồi y quay sang nàng:
- Tình hình chồng con và làm ăn của em hiện nay ra sao rồi?
Nàng cười rất tự nhiên:
- Nguyễn y vân anh ạ! Còn anh thế nào kiếm được có khá không?
- Bọn anh vẫn thế. Em bảo làm cát sỏi như bọn anh lấy đâu ra khá? Đủ ăn đủ tiêu là được rồi. Nào xăng dầu, xe pháo, công nhân.. Trừ mọi khoản cũng chẳng còn là bao. Chủ yếu tạo công việc cho mấy đứa em, đứa cháu làm là được rồi.
- Anh cứ nói.. Em hỏi thế thôi chứ đâu có ý định vay mượn đâu mà anh kín thế.
Nghe hai người nói chuyện với nhau, tôi biết cả hai không phải “lâu lắm mới gặp” như họ vừa nói khi nãy. Càng không phải là chuyện “cát sỏi cái mả mẹ gì” như Lộc Viên vừa trình bày.
Làm cát sỏi phải có bến có bãi, có đường, có nơi xuất hàng đi. Đằng này tàu đào giữa sông, sỏi cát đào lên lại đổ thành đống giữa dòng, đâu có bán, có chuyển đi đâu, vì làm gì có đường vận chuyển? Mặc dù chủ tàu nào cũng có “Giấy phép kinh doanh khai thác cát sỏi xây dựng”. Tuy là phạm vào tài nguyên, nhưng cũng chưa đụng đến của trong kho hay tiền trong két ngân hàng nhà nước.
So với những con bạch tuộc khổng lồ ngốn hàng ngàn, hàng tỉ đồng chẳng là cái gì. Cái thằng nhà báo quèn như tôi tạm an ủi mình với cái lí lẽ tạm bợ đó. Mà thực ra là sợ vu vơ một thế lực vô hình nào đấy. Đụng vào những việc như thế, chả khác nào mó dái ngựa? Không bản thân mình thì anh em gia đình mình không khó chuyện này, cũng khó chuyện kia. Chẳng gây được chuyện gì, biết đâu giữa đường bị cái xe lạ tông vào hay bị ném đá vào nhà lúc nửa đêm? Mọi chuyện đều có thể! Tốt nhất là không dây. Với lại ít ra hắn cũng còn biết tôn trọng, e dè đối với mình. Hôm mình cảm cúm qua loa hắn đến cho cả nửa lạng cao ngựa bạch bảo: “ Tớ cũng chẳng có gì, chỗ bạn bè với nhau, cái này nấu cháo bồi dưỡng cho nó khỏe, dạo này thấy cậu xanh lắm”. Mà thực ra mình đâu có bạn bè với hắn khi nào? Chỉ là chỗ quen biết, ở gần nhà nhau!
Chuyện của hắn với nàng không thuận lỗ nhĩ lắm, nhưng là chuyện của họ với nhau, mình bận tâm làm gì?
Tôi định đứng dậy đi ra chỗ khác để họ tự nhiên. Nàng kéo tôi lại:
- Anh thong thả đã, em có chuyện này muốn hỏi anh một tý?
- Chuyện gì? Để lúc khác được không? Tôi đang bận đón khách. Chả nhẽ người ta nhờ mình lại cứ ngồi đóng cọc một chỗ, e không tiện.
Nàng cười cười, cái cười của người đẹp, tuy vô cảm vô tư như tôi cũng thấy xao xuyến trong lòng:
- Úi giời.. Người ta cứ nói thế, chứ tướng tá thiếu gì người đón khách? Chẳng qua ông ấy nói thế cho đẹp lòng, đẹp đội hình đấy thôi, anh cứ ngồi đây!
Lúc này tôi thực sự lúng túng. Tôi không có ác cảm hay khi rẻ nàng như một vài người tôi vừa thấy, nhưng vẫn thấy ngài ngại thế nào ấy. Đây là chỗ đông người, chỗ công chúng, tôi đã biết gì về nàng đâu mà ngồi đây đằm thắm, chuyện trò với nàng? Chưa nói đến con mắt nhìn vào của thiên hạ xung quanh, ngay như ông anh họ tôi, chủ nhân thực sự của đám tiệc này có thể sẽ không bằng lòng. Ông ấy sẽ bảo: “ Tưởng chú thế nào, hóa ra thấy gái cứ như mèo thấy mỡ. Chả đàng hoàng tý nào, tao sượng hết cả mặt”. Thế thì còn ra làm sao? Tôi đành nói cho xong việc:
- Đằng nào thì em vẫn còn ở đây. Thông cảm đến cuối buổi gặp lại, muốn  hỏi gì hẵng hỏi nhé!
Tôi nói như vậy và đứng dậy đi ngay. Tôi tưởng, sau buổi tiệc này nàng sẽ quên lời xã giao ấy, hóa ra không phải.
**
Buổi khánh thành miếu rồi cũng xong. Khác với tiệc tùng, đám xứ trong vùng. Bao nhiêu phong bao, phong bì của khách đến mừng gia chủ đều cúng hết lên nhà chùa. Một ngôi chùa vừa mới xây bên kia sông, trông xuống bến đò. Cái nghĩa cử ấy làm nhiều người nể trọng. Thông thường nhà chùa đến tham gia làm lễ người ta chỉ sửa một cái lễ nhỏ, một cái phong bao nhiều thì đến năm trăm ngàn là cùng.. Chưa từng có ai tất tay cúng tiến cả thế này!
 Nhưng vẫn có người xì xào: “ Người có quyền có chức chẳng qua phóng tài hóa thu nhân tâm, thu phúc lộc lâu dài”! Miệng dân sóng bể, chả biết đâu là cùng.
Chuẩn tướng sắp xếp cho đoàn cô đồng, thầy cúng, thầy phong thủy ra xe về Cốc Lếu Lào Cai. Từ đây lên đến đấy đường còn xa hơn đường xuôi Hà Nội. Nghe nói đây là các bậc thầy cao tay, trừ tà bắt quyết rất giỏi. Lại giỏi cả việc “định tính linh”, bốc bát nhang thờ. Chỉ riêng tiền trả công thầy, mua vàng mã, thuê xe đưa đi đón về đã hết gần trăm triệu.
Phải chi lớn như vậy là có lí do rất riêng của gia chủ. Vợ đồng chí ấy đi xem về nói “Dòng họ Nguyễn nhất định phải lập miếu thờ. Ngôi mộ cụ thân sinh ngày trước do vô ý chôn nhầm vào mộ địa của một “quan ngài” thác đã lâu. Nấm mộ ngài không còn dấu tích nên mới xảy ra cơ sự này. Ngày đấy đồng chí ấy vắng nhà, mai táng cụ đồng chí có biết đâu? Lẽ nào phải chịu trách nhiệm?
Âm dương gì, công bằng mà nói “Ai làm người đấy chịu”. Lúc đầu đồng chí anh họ tôi không tán thành!
 Thầy nói nếu không làm gấp, trong nhà tất sẽ có nạn to. Đứa cháu gái ông anh cả làm bên an ninh đi công tác mãi không sao. Hôm vừa rồi đi thăm quan lại bị lật xe giữa ban ngày, đưa đến bệnh viện không kịp, nó mất vào quãng thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời.
Thanh tra giao thông xác định “tai nạn do lái xe ngủ gật trong lúc cầm vô lăng”. Chỗ ấy đường rộng, không có xe chạy ngược chiều, trời nắng ráo, bị như thế thật không ai ngờ?
 Nhưng cõi âm nói “không phải bỗng dưng”. Lại tiếp đến ông anh trai trưởng đi đám về tự nhiên cảm nhập, cấm khẩu. Chữa chạy hàng tháng trời.. giờ nói năng ú ớ, ăn đâu nằm đấy. Thày còn bảo nếu không sớm dựng miếu thờ ngài, có khi cả chuẩn tướng chưa chắc đã toàn!
Đồng chí ấy không tin, một mực không đồng ý. Bên trên trông xuống, ở dưới trông vào làm thế sao tiện?
Thêm bà chị dâu khóc khóc, mếu mếu hùa theo bà vợ, nói đi nói về, cuối cùng đồng chí ấy miễn cưỡng phải nghe theo! Cũng là cách giữ hòa khí, êm thuận trong nhà. Người ta càng có danh có giá, càng phải giữ gìn cẩn thận. Tránh nhất là chuyện lục đục, ầm ĩ trong gia đình.
 Miếu lại lập ở nhà ông anh trai, dù mình có đầu tư tiền của thì “bàn dân” vẫn cứ cho là vợ chồng ông ấy đứng ra làm. Vả lại ai hỏi chuyện này mà phải lo? Cũng là “tự do tín ngưỡng các nơi khác rầm rộ từ lâu rồi”..
Quả là sức mạnh tâm linh có sự huyền diệu, thu nạp bí ẩn. Từ chỗ miễn cưỡng chiều theo, đến chỗ săng sái tin cậy, là một sự thay đổi bất ngờ.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ông anh họ chắp tay khấn vái với vẻ rất thành thực, trung tín, nom lóng ngóng, ngọng ngịu và buồn cười. Ông cầu cho cuối năm nay điều phỏng đoán của ông về việc thăng chức trở thành hiện thực. Dù thời bây giờ phong tướng không còn là chuyện hiếm hoi và các ông tướng cũng khá đông đảo rồi. ( Ngay cái làng bé tẹo này cho đến nay cũng đã có đến hai ông tướng. Một ông qua đời năm ngoái, đám rước linh đình, và ông anh họ tôi đây. Lịch sử của làng chắc thế nào cũng phải có tên của cả hai vị dù còn sống hay đã chết!)
Đám vui, nhưng thật lòng là khá mệt. Làm cái anh MC mời khách, qua mỗi mâm chỉ lưng lưng chén, từng ấy mâm chưa đổ là còn may. Đến lúc ngồi vào mâm, ăn quấy ăn quá một tí rồi lại đứng lên tiễn khách. Tôi chỉ muốn mau chóng xong xuôi công việc, ngả lưng một chút để lấy lại thăng bằng. Từ đấy đến giờ mình cứ như người phiêu du ở vương quốc lưu li. Chân như muốn chạm đất nhà trời. Nói như cụ Nam Cao là chả biết đứng lên, đi lại bằng cái gì? Có lẽ nhờ thói quen của cái nghề tiền chả được bao nhiêu, nhưng rượu lại được hơi nhiều, thành quen mẹ nó rồi!
Chuẩn tướng bảo:
- Thôi chú về nghỉ đi, công việc còn bao nhiêu các cháu lo. Việc ấy không phải việc của chú. Độ năm giờ chú nhớ đến đừng để phải gọi hay đi đón đấy nhá!
- Vâ..ầng, em về.ề..
- Liệu có đủ bình tĩnh cầm lái được không?
- Bác yên tâm đi, nam nhi sống ở đời, chạy xe là chuyện nhỏ..
Tôi loạng quạng dắt xe ra ngõ. Ngồi lên yên rồi đề mãi mà xe không nổ? Chắc là bình yếu, đạp khởi động vậy. Tôi co một bên giò.. Đạp thế quái nào toạc một ống quần mà xe vẫn trơ như cục sắt. Đạp cái nữa, cả người cả xe chúi sang bên rãnh ta luy.. Phải chỗ hờm, quả này ăn chắc lăn xuống ruộng!
Bỗng có bóng người quần bò, áo thun quen quen chạy lại đỡ tôi và dựng cái xe dậy:
- Anh để em. Chắc anh không đi được đâu. Để em đưa anh về cho an toàn..
- Cô cứ mặc tôi
Tôi lại cố gắng đạp mấy cái nữa. Nàng rúc rích cười. Tôi đã hơi cáu.
- Xe anh khóa xăng thế kia làm sao nổ được? Thôi để em xem..
Nàng bảo tôi ngồi lên. Lúc đó không hiểu sao tôi không nói lại câu nào nữa. Tôi như một đứa bé ngoan ngoãn cho nàng mang đi.
Rượu là cái gì nguy hiểm, đôi khi đánh mất phẩm giá con người. Ấy là sau này tôi nghĩ thế. Chứ thực ra lúc đó đâu còn biết mô tê,răng rứa, con mẹ gì?
Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang ở trong một gian phòng. Trên cái bàn kê gần cửa sổ giống như bàn làm việc của tôi có một bình hoa. Còn cái giường tôi nằm rất lạ, không phải của mình. Mà tôi đâu có cắm hoa bao giờ đâu nhỉ?
Vậy chỗ này là đâu?

***
Đồng chí anh họ tôi quả là hiểu đời, có con mắt nhìn xa trông rộng. Chẳng những giỏi  binh “Binh thư yếu lược” mà còn thấu rõ mọi lẽ tình đời, hiểu sâu sắc thân phận con người.. Điều ông ấy e ngại cho tôi, rất không may nó đã xảy ra!
Khi tôi hoàn hồn thức giấc, chẳng cần phải suy nghĩ gì lâu, biết ngay mình đang ở chỗ nào?
Tại sao mình lại ở đó từ đấy đến giờ?
Mặt trời đã lên được hơn con sào phía đầu rặng tre. Ánh nắng vàng rộp của ngày tháng mười, tươi mới đang tràn ngập trên cánh đồng, dọc con đường làng, một góc của dòng sông qua cửa sổ của căn phòng này của nàng nom thấy.
Có thể nói là một buổi sáng đẹp trời. Than ôi lòng tôi lúc này đâu có được đẹp như thế? Nó đang trĩu nặng như đeo đá vào người để nhấn chìm từ từ tâm hồn xuống dòng sông mùa này chắc là đang lạnh giá kia!
 Tôi đã ở trong phòng của nàng gần hai mươi tiếng đồng hồ mà hoàn toàn không có chủ ý gì. Không ai bắt buộc tôi cả, nhưng không phải tôi muốn, hay tôi tự nguyện!
Tôi thường không ưa những kẻ đạo mạo, sĩ diện rởm theo lối “liếm đĩa dính mật trước mặt học trò”. Nhưng thực tâm những nơi như thế này tôi thực sự không muốn bước chân vào. Không hẳn tôi sợ căn bệnh thế kỉ những người như nàng thường mang sẵn trong người. Cũng không hẳn sợ tai tiếng hay con mắt người đời dè bỉu..
Một nỗi sợ khác, rất mơ hồ chỉ nhận được qua linh cảm, chứ không bằng trực giác.
Tại sao nàng không đưa tôi về nơi tôi ở? Từ đây tới đó chỉ non nửa giờ xe chạy chứ có bao nhiêu? Nàng giữ tôi lại trong phòng này làm gì?
Tôi đã làm gì nàng và nàng đã làm gì tôi trong lúc tôi say gần như bất tỉnh nhân sự? Liệu đây có phải là một âm mưu?
Tôi vội vàng mặc quần áo ngay ngắn lên người, đề phòng mọi bất chắc có thể xảy ra, len lén như kẻ vụng trộm.
Bạn đọc, xin bạn hãy thông cảm cho tình trạng của tôi lúc bấy giờ. Ngay bây giờ đây khi kể lại câu chuyện này, tôi vẫn còn tim đập, chân run. Hạng người như tôi vẫn thường hèn như thế đấy. “Nói giời nói bể”, nhưng “hễ nghe một tiếng súng kíp đã tái xanh mặt mày”. Thiên hạ đồ đoán, có điều là rất đúng. Cái mà tôi lo không phải không có cơ sở. Không thiếu những con mồi trong tình cảnh này phải trả một giá đắt cho sự ngu ngốc và bất cẩn của mình..
Vẫn không có động tĩnh gì. Không có kẻ nào cầm súng cầm dao dọa giết hay vào đây khống chế tôi, buộc tôi phải ký vào sổ nợ một ngân khoản mà tôi không hề vay, hay nợ.
Cũng không có nhà chức trách nào tới lập biên bản, “tìm mẩu khăn ướt hay một thứ gì đó tương tự” làm tang vật. Sau đó tôi sẽ bị điệu đến một nơi để chấm dứt sự nghiệp còn đang dang dở của mình..
Bốn bề im ắng, tôi nghe thấy cả tiếng đập của quả tim vừa đang lo lắng của mình. Chẳng qua, thần hồn nát thần tính, mình tự dọa mình chứ nào có cái quái gì đâu?
 Hình như ngoài vườn còn có tiếng chim kêu lích tích. Không hiểu sao lúc này tai tôi thính, đầu óc minh mẫn đến thế?
 Tôi chú ý nhìn khắp gian phòng của nàng, đề phòng một kẽ hở nào đó có thể dùng ghi âm, ghi hình những gì diễn ra trên tấm đệm kia. Hoàn toàn không có gì cả!
( Sau này nhớ lại, tôi tự thấy sự vô lý và lố bịch của mình. Đúng là kẻ ngu xuẩn thường hay phức tạp hóa những gì thực ra quá đơn giản ).
Cái xe Way Tàu của tôi vẫn dựng sát chân tường, nó vẫn y như vậy, không hề mất một cái gương hay một mẩy yên nào cả!
Nhưng nàng đi đâu mà lúc này không có mặt ở đây?
Tôi không phải chờ đợi lâu. Nàng đã về tay mang một chiếc cặp lồng nho nhỏ vừa gỡ ra từ ghi đông xe đạp của nàng. Chúng tôi nhìn nhau. Cảm giác thật là khó nói. Bực tức, hằn học? Ngượng ngịu, đồng tình? Đều không phải!
Nàng tự nhiên như không có việc gì xảy ra:
- Anh rửa mặt rồi ăn chút cháo đi cho nó nóng. Cháo lòng em vừa ra quán mua về đấy. Hàng nhà bà Mùi Cắm sạch mà ngon!
Tôi không biết nói sao. Tự hỏi không biết mình trở thành Chí phèo ngồi ngắm cháo hành tự khi nào? Chỉ có điều nàng không là Thị nở. Nàng đẹp hơn và “có vấn đề” hơn Thị Nở rất nhiều.
Cuối cùng tôi cũng mở được miệng:
- Sao cô không cho tôi về nhà, mà lại đưa tôi đến đây?
- Em sợ đến nhà anh, chị ấy nghĩ sai về em. Bây giờ anh đã tỉnh rượu rồi, anh tự về thì hay hơn.
- Hỏi thật nhé, đêm qua tôi say rượu có làm điều gì không phải với cô không?
Nàng rúc rích cười ( Cứ như hay lắm, buồn cười lắm ấy):
- Sao anh hỏi thế. Không có chuyện anh làm gì, hay em làm gì đêm qua đâu.anh đừng nghĩ như thế. Em tuy là đứa không ra gì nhưng không hẳn như mọi người nghĩ. Ít ra còn chút tự trọng, chút liêm sỉ chứ. Hơn nữa em biết anh là người thế nào chứ? Không thể cư xử như lúc khác được..
Tôi vẫn chưa hiểu “lúc khác” của nàng là lúc nào. Thì nàng nói tiếp:
- Thực ra em quý anh vì anh là hình tượng thủa còn con gái của em. Không cần trai đẹp, trai giàu, cần người thông cảm và hiểu biết, tin cậy được mà thôi.
Giời đất! Tôi thì “Hình tượng”, “Thần tượng” cái nỗi gì? Cô ả này không chừng giăng câu mình đây. Tôi giật mình, không cả rửa mặt, ăn uống dắt xe ra cửa.
Nàng giữ tay tôi lại:
- Em biết em không nên nói ra câu này. Em không có tư cách gì để nói với anh câu đó. Nhưng từ khi đọc trong tập thơ của anh có hai câu em rất thích: “ Làm điếm mà xây lâu đài, còn hơn tham nhũng tiêu xài của dân”. Tự thấy an ủi mình được phần nào. Trước đây em tự ti và rất mặc cảm.
Đúng là cuộc đời luôn có những bất ngờ. Đó là tập thơ đầu tay của tôi in đã lâu. Tôi không nghĩ có những người như nàng cầm đến và đọc nó. Hai câu trên chả qua là bí tứ, bí vần viết cho nó Liên mà thôi chứ tôi đâu có ngụ ý gì?
Bất ngờ nàng khóc. Tôi chưa thấy ai khóc thê thảm như nàng. Không tru tréo, không nỉ non, chỉ lặng lẽ khóc. Không hiểu sao lúc đấy tôi lại nói:
- Cô nín đi, ai làm gì cô mà khóc? Người ta dễ hiểu nhầm..
Bất chợt nàng lại cười, cái cười mếu máo:
- Em thành thực xin lỗi anh và cảm ơn anh đã cho em được “một đêm gần một người đàn ông tử tế”. Tuy chúng ta không có duyên gì, em chỉ ngồi nhìn anh ngủ, gối đầu tay cho anh..Chỉ thế thôi em mãn nguyện rồi.. Đời em ra thế này là vì gặp người đàn ông đầu tiên không ra gì, lấy hắn làm chồng..
Nàng kể. Mặc kệ tôi có nghe hay không. Rất nhiều chuyện..
Tôi thì tôi nghĩ, người như nàng ai mà không nói thế?
Nghe thằng nghiện và tin lời ả ca ve có mà mất trí!
Tôi vội phóng xe ra khỏi nơi nàng ở như bay khỏi nơi đang có báo động dịch bệnh nguy hiểm..

Nửa năm sau, tôi có việc ngang qua chỗ đó. Không ai biết nàng đã bỏ đi đâu?
Tôi hỏi dò hàng xóm xung quanh, mới biết chuyện hôm nào nàng nói với tôi là có thật. Nàng từng bị lợi dụng, bị bỏ rơi nơi đất khách quê người, và cả gặp những tên khốn nạn…Cả những việc xấu xa người ta đồn đại cũng một phần là có thật..
Ai nghĩ thế nào về nàng thì nghĩ, với riêng tôi, tôi tin một ngày nào đó nàng sẽ làm lại cuộc đời.
Ý nghĩ mai mối nàng cho một người bạn đứt gánh giữa đường của tôi không thực hiện được, vì đâu còn gặp lại nàng? Nhiều điều tốt đẹp cứ ngỡ trong tầm tay, lại như tìm kim đáy bể.
Bây giờ nàng ở đâu?
Nhân duyên khó định, không ai có thể sắp xếp được cho ai, nhưng có điều chắc chắn người tử tế sẽ gặp điều tử tế!
Có thể đồng chí anh họ của của tôi sẽ không tin câu chuyện này là thực. Và nếu có, ông ấy chắc cũng không đồng ý với tôi, có thể bảo tôi là đứa dở hơi, có vấn đề.
Nhưng mà chuyện này, tôi có điên đâu mà đem kể với ông ấy?

*****

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

TƯ LIỆU VĂN HỌC

Nhà văn Trung Quốc giàu như thế nào ?


Danh sách tác giả giàu nhất Trung Quốc ra đời lần đầu năm 2006, đến năm 2012 là lần thứ bảy ban thực hiện tổ chức thống kê, bình chọn. Sau 6 năm thực hiện, danh sách này đã trở thành hoạt động văn học được quan tâm nhất, có sức ảnh hưởng lớn nhất nhưng cũng nhiều ồn ào nhất ở đại lục. Nhiều người nghi ngờ tính chính xác của danh sách. Nhà văn Trương Nhất Nhất đả kích: “Lấy thu nhập để xếp hạng nhà văn chẳng khác gì lấy chất lượng văn học phân loại doanh nhân, đó là việc làm ngu xuẩn và buồn cười. Không những vậy, việc làm này còn khiến xã hội có cái nhìn sai lầm về những người sáng tác văn học”. Trong khi đó, Dương Hồng Anh, nhà văn giàu nhất Trung Quốc năm 2010, băn khoăn: “Kết quả này từ đâu ra? Chẳng có căn cứ gì cả. Tôi chỉ công nhận kết quả của Tổng cục Thuế”.


NHÀ VĂN TRUNG QUỐC GIÀU NHƯ THẾ NÀO?

Năm 2012, diễn viên đại lục Trần Khôn xuất bản tập tùy bútBỗng dưng đặt chân đến Tây Tạng. Với số tiền tác quyền thu được là 1,1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,6 tỷ đồng), Trần Khôn có tên trong danh sách tác giả giàu nhất Trung Quốc năm nay. Anh đứng thứ 30.
Sau khi danh sách công bố, rất nhiều người hâm mộ chúc mừng tài tử Họa bì và nói: “Trần Khôn là diễn viên viết sách giỏi nhất, là tác giả đóng phim giỏi nhất”. Bỗng dưng đặt chân đến Tây Tạng là tùy bút đầu tiên của Trần Khôn. Trong tác phẩm, tác giả dùng câu chữ đơn giản, chân thành, diễn tả những cảm xúc, trải nghiệm của anh trong cuộc sống.
Nhà văn thiếu nhi Trịnh Uyên Khiết đứng đầu danh sách với số tiền tác quyền thu về là 26 triệu tệ (hơn 87 tỷ đồng). Uyên Khiết được mệnh danh là "Ông hoàng cổ tích" ở Trung Quốc, với những câu chuyện thần tiên dễ thương mà giàu tính giáo dục dành cho thiếu nhi. Năm 2011, nhà văn này đứng thứ ba danh sách.
Giải Nobel Văn học góp phần đưa Mạc Ngôn trở lại danh sách tác giả giàu nhất Trung Quốc, sau lần đầu tiên vào năm 2006. Ở lần đó, Mạc Ngôn khiêm tốn đứng vị trí thứ 20. Sau 6 năm, ông vượt qua nhiều tên tuổi khác, giành vị trí thứ hai với số tiền tác quyền là 21,5 triệu nhân dân tệ (gần 72 tỷ đồng).
Quách Kính Minh - người viết văn kiếm tiền giỏi nhất năm 2011 - để tuột vị trí quán quân. Anh chỉ xếp thứ tư trong danh sách. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà báo Ngô Hoài Nghiêu, Quách Kính Minh đang nắm giữ rất nhiều vai trò, mất danh hiệu số một, nhưng trong các lĩnh vực khác, anh thu được doanh thu rất lớn. Năm 2012, nhà văn trẻ quyết định thử sức  với vai trò đạo diễn. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của anh, Tiểu thời đại, đã bấm máy từ đầu tháng 11.
Vu Đan, giáo sư 47 tuổi ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh, người nổi tiếng với các tác phẩm Luận ngữ tâm đắcTrang Tử tâm đắc… thu về 10 triệu nhân dân tệ tiền tác quyền năm 2012. Bà đứng ở vị trí thứ sáu. Xếp sau Vu Đan là nhà văn thế hệ 8X đình đám Hàn Hàn
Danh sách tác giả giàu nhất Trung Quốc ra đời lần đầu năm 2006, đến năm 2012 là lần thứ bảy ban thực hiện tổ chức thống kê, bình chọn. Sau 6 năm thực hiện, danh sách này đã trở thành hoạt động văn học được quan tâm nhất, có sức ảnh hưởng lớn nhất nhưng cũng nhiều ồn ào nhất ở đại lục. Nhiều người nghi ngờ tính chính xác của danh sách. Nhà văn Trương Nhất Nhất đả kích: “Lấy thu nhập để xếp hạng nhà văn chẳng khác gì lấy chất lượng văn học phân loại doanh nhân, đó là việc làm ngu xuẩn và buồn cười. Không những vậy, việc làm này còn khiến xã hội có cái nhìn sai lầm về những người sáng tác văn học”. Trong khi đó, Dương Hồng Anh, nhà văn giàu nhất Trung Quốc năm 2010, băn khoăn: “Kết quả này từ đâu ra? Chẳng có căn cứ gì cả. Tôi chỉ công nhận kết quả của Tổng cục Thuế”.
Dù vậy, việc thực hiện danh sách Tác giả giàu nhất trung Quốc cũng có những ý nghĩa nhất định. Nhân Dân Nhật Báo nhận xét, một trong những tác dụng to lớn mà hoạt động này đem lại là khiến truyền thông, độc giả quan tâm hơn đến văn học, quan tâm hơn đến đời sống nhà văn và những tác phẩm của họ, thúc đẩy văn hóa đọc ở Trung Quốc. Người sáng lập thực hiện danh sách này là Ngô Hoài Nghiêu, nhà báo sinh năm 1984.

Tản mạn đôi dòng...




Tn mn đôi dòng

Đăng bởi nguyentrongtao 
Nguyễn Chính

Có lần tôi được nghe ông K, một người rất mê đọc sách nói thế này  : “Từ hơn ngàn năm trước, Khổng Tử đã dạy học trò của mình rằng, đã là trí giả thì không thể bị u mê, càng không thể vì mấy đấu gạo mà viết cho kẻ bất nhân …”. Tôi bảo : “  Chỉ vì được mấy đấu gạo mà viết cho bọn thất đức, thì là bồi bút rồi còn gì”. Ông K bảo ” Đúng vậy ! nhưng lũ bồi bút lại được sinh ra từ cái sự văn nô”. Tôi hỏi lại ” Văn nô là sao ?”.  Ông K bảo ” Là sao, thì chú phải tìm hiểu. Chỉ biết cái sự ấy nó làm hỏng cả một nền văn học. Nó biến không ít kẻ cầm bút thành thứ mạt hạng. Nó …”. Tôi vội xua tay ” Thôi, thôi  xin bác, xin bác, em sẽ tìm hiểu, sẽ tìm hiểu…”. Ông K liền nhìn tôi như kẻ xa lạ, nhìn từ đầu xuống chân, lại từ chân lên đầu, rồi chỉ  vào tôi mà rằng : ” Nhìn chú kìa, mới nghe thế mà  đã, trên thì mặt xanh như đít nhái, dưới thì vãi cả ra  thế kia rồi, thì cầm bút thế đéo nào được”.
Hơn 20 năm đã qua, ông K  bây giờ đã thành người  thiên cổ. Còn tôi cũng dần  ngộ ra rằng, thì ra cái sự “nô” ấy nó kinh khủng lắm. Cả một dân tộc, một đất nước đã từng là nô lệ. Bị nhốt chung trong  cái cũi khổng lồ ấy nào  là những  nông nô, công nô, binh nô, trí nô và vân vân nô… Bằng núi xương, sông máu, lật đổ được cái kiếp  nô lệ ấy rồi, thì không ai lại ngu muội chui đầu vào cãi cũi ấy nữa, trừ phi là bị phỉnh, bị lừa.
Còn cái sự văn “nô” ? Thấy tôi cứ lúng túng dây nhợ như gà mắc tóc mãi, một đồng nghiệp đã “đóng” vào tai tôi những lời như búa bổ : ” Nô, tức là cúc cung tận tụy, phụng sự cho bề trên, cho ông chủ. Như kiếp chó ấy. Bề trên bảo sủa to thì sủa to, bảo sủa nhỏ thì sủa nhỏ, bảo cắn thì cắn, thế thôi”. Nghe đồng nghiệp nói vậy thì biết vậy, nghĩ mình phận ếch ngồi đáy giếng, đọc chưa được bao nhiêu, viết cũng chẳng được bao nhiêu, lại toàn thứ vô bổ, chỉ đáng vứt sọt rác, nên nghe lời ông K, tôi phải tự lần mò tìm hiểu …
Khi cụ Đồ Chiểu vung bút  với những câu âm vang như sấm ” Dù đui mà giữ đạo nhà …”, rồi ” Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” và khi cụ Tản Đà đầy khí phách  “Xuống ngọn bút mưa sa, bão táp, vạch câu thơ quỷ thảm, thần kinh. Lũ mọt dân trừng trị bằng câu văn, người hiền sỹ  tinh biểu bằng ngòi bút…” v.v…,  thì cái sự “nô” ấy đã phải bạt xa rồi. Chưa hết, khi ở phương trời Âu đang ồn ào lý luận Mac-xít đưa quần chúng bần hàn lên tận mây xanh, bằng việc tấn phong họ là ” những người chân chính sáng tạo ra lịch sử”, thì cụ Tản Đà  đã không ngần ngại chỉ thẳng ra cái sự thật  bi thảm và “giáng” một búa nẩy lửa vào cái đầu còn tăm tối và  cả tin của đồng bào mình, rằng ” Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn, Cho nên quân nó dễ làm quan”.  Thiển nghĩ, với thiên chức góp phần hướng thiện con người, tôn vinh cái đẹp, thì người cầm bút phải tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, vạch mặt giả dối, mị dân, bịp bợm. Mọi sự tô hồng, bôi đen, bóp méo sự thật nhằm phục vụ lợi ích  của thiểu số kẻ cầm quyền, đều là kẻ thù của văn chương.  Sự chân thực là phẩm giá của ngòi bút nên rất cao quý và  thiêng liêng. Khi Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa CS dưới thời Stalin  mặc dù có cả một  bộ máy KGB khổng lồ, nhưng một học giả người Nga vẫn lớn tiếng khẳng định ” Sự thật cao hơn tất cả, cao hơn nước Nga và cao hơn cả Lê-nin “. Được biết, lý luận văn học Xô-viết  còn đẻ ra cái gọi là “hiện thực xã hội chũ nghĩa”, từng được các học giả Đông, Tây mổ xẻ xem nó là cái giống gì ? Đã “hiện thực” lại còn hiện thực nọ, hiện thực kia nữa. Cái ấm sứt  vòi, nhìn từ mọi phía cũng không thể nào là cái bình pha lê được. Đúng là rặt một thứ “ný nuận nồn”, như cách nói  ngọng của một bà bán mắm tôm nơi chợ quê. Cũng vậy, ở ta lâu nay  còn có câu ” nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, một khái niệm không  thể tìm thấy trong bất cứ học thuyết Đông, Tây, kim cổ nào. Ngay cả cụ tổ của CNCS  là  Kar.Max có tái thế  chắc chắn cũng phải chào thua, không thể nào định nghĩa nổi.  Nên nhà thơ Trần Mạnh Hảo mới có câu  thơ thật mỉa mai ” khái niệm đưa ra không biết lối thu về”, là vì vậy.
Liên quan đến cái sự văn “nô”, có một vấn đề từng được nêu ra từ mấy chục năm qua, nhưng bị cho là “nhạy cảm” nên chỉ được “nhá xèng” lên tý rồi tịt luôn như pháo tịt ngòi. Đó là quan hệ giữa văn học và chính trị. Còn nhớ khoảng cuối 1990, một người bạn gặp tôi, hỏi : ” Này ! có một nhà thơ vừa đưa ra nhận xét là, văn học nghệ thuật cao hơn chính trị và xa hơn chính trị. Ông thấy sao ?”.  Tôi liền khẳng định ngay : “Đúng ! đúng là như thế”. Không ngờ anh ta lồng lên ” Đúng, đúng cái con khỉ. Ông lúc nào cũng  nằm mơ. Xa hơn, cao hơn cái nỗi gì. Chính trị là bố , là ông cố nội của văn học, thì có…”. Rồi anh dẫn ra nào Tần Thủy Hoàng; Hítler ; Mao v.v… Tôi liền hỏi lại : ” Vậy mấy bạo chúa ấy sống được 100 tuổi không ? Chết ngóm sau mấy chục năm cường quyền chứ gì ? Còn các tác phẩm văn học, nghệ thuật  đích thực, thứ thiệt, thì sống muôn đời”. Và, để anh ta tâm phục, khẩu phục tôi đã lý giải nôm na thế này : Chính trị là phạm trù lịch sử, có nay không có mai. Lịch sử phát triển xã hội loài người hết chế độ này, thì đến chế độ khác. Triều đại nào thối nát, phản dân hại nước ắt sẽ sụp đổ và bị triều đại khác thay thế. Còn văn học nghệ thuật thuộc phạm trù vĩnh viễn. Các tác phẩm đích thực sẽ  “bước” từ thời đại này  qua thời đại khác, trở thành tài sản vô giá của nhân loại và bất tử. Các tác phẩm cổ điển,  trung đại, cận đại v.v… là những minh chứng hùng hồn. Văn học nghệ thuật chân chính  phản ánh chân thực ước mơ và  khát vọng của nhân dân mình. Văn học, nghệ thuật  chân chính (không phải thứ văn nô, bồi bút) luôn chỉ ra cho chính trị biết phải làm gì, làm thế nào để an dân, để được lòng dân. Bởi chính trị muốn tồn tại, thì phải được lòng dân. Nên văn học nghệ thuật cao hơn chính trị là ở cái lẽ ấy, vân vân và vân vân …
Cái sự văn “nô” còn liên quan đến bản lĩnh, khi phách người cầm bút. Phùng Quán , một nhà thơ “Nhân văn giai phẩm” rất đáng kính từng có tuyên ngôn rằng ” Dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu…”.  Ông Trường Chinh (Sóng Hồng), nếu tôi nhớ không nhầm cũng  từng có câu : ” Lấy  cán bút làm đòn xoay chế độ. Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Theo tôi, Những câu thơ này của Phùng Quán và Trường Chinh có giá trị thời đại rất cao, vì nói lên được bản lĩnh và tâm huyết người cầm bút. Không biết, Hội Nhà Văn VN có cho dịch ra nhiều thứ tiếng để gửi đến các  văn nghệ sỹ đang phải sống trong những chế độ độc tài, phản dân chủ  tại Hội nghị giới thiệu văn học VN ra nước ngoài vừa qua, hay in ra hàng ngàn bản cho bóng bay gửi lên kính cáo với trời đất, sông núi nước mình trong Ngày “Đại lễ thơ VN” hoành tráng rằm tháng Giêng Canh Dần vừa rồi ? Nhân đây xin nhắc lại một chuyện nhỏ. Trong một hội thảo ở Nha Trang về phát triển nông nghiệp của một tỉnh miền Trung hồi cuối thập niên 1980. Giờ giải lao, cánh nhà báo tụ tập ở hành lang, to nhỏ bàn chuyện trên giời, dưới đất, chuyện dân dã, chuyện triều đình … Anh Bốn T, tuy là một cán bộ chủ chốt của tỉnh PY, nhưng  tỏ ra rất bình dân với cánh phóng viên, cũng đến góp chuyện. Chuyện trò một hồi, bỗng anh trầm ngâm giây lát rồi phán một câu xanh rờn : ” Đúng là cánh nhà văn, báo chí, văn nghệ sỹ chúng mày, thời nào cũng chống chính quyền …”. Lập tức một đồng nghiệp trong chúng tôi trả lời ngay : ” Anh Bốn nhầm rồi ! Không phải chống chính quyền mà là chống cường quyền. Thời nào những người cầm bút cũng chống lại cường quyền …”. Tất cả chúng tôi  cùng cười vang tán thưởng.
Lẽ thường người cầm bút (nhà thơ, nhà văn v.v…) không thể làm điều ác, điều thất đức và càng không thể dùng ngòi bút để bảo vệ cái ác. Những nhà văn, nhà thơ nào còn coi CNCS là lý tưởng của đời mình , chắc càng  không thể quên lời giáo huấn của cụ Kar.Max, rằng  ” Chỉ có loài súc vật mới quay lưng lại với số phận người khác …”. Đến nay, ai cũng biết, “cải cách ruộng đất” từng được coi là ” cuộc cách mạng long trời lở đất”, là một đại họa đối với nông dân và nông thôn nước ta hồi giữa thập niên 1950. Vì thế, tôi không thể tin câu thơ đầy máu lạnh sau đây lại phát ra từ con tim của  Xuân Diệu – một nhà thơ tình :
“Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ chúng nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đầy chết thôi”
Các nhà lý luận đã chia nền văn học nước ta theo từng giai đoạn, hoặc theo dòng này, dòng kia.  Với riêng tôi, “Dòng hiện thực” (trước 1945) với những tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố; Nguyễn Công Hoan;  Vũ Trọng Phụng ; Nam Cao v.v…là sáng giá nhất. Tác  phẩm của các ông, chứng tích bằng văn học của một thời khốn nạn sẽ còn mãi với thời gian và  những vấn đề đặt ra trong tác phẩm của các ông, cho đến nay hình như vẫn còn đó :
“Đã rằng Bá Kiến hết rồi
Mà sao anh Chí ba đời còn đây ?” (*)
Rõ ràng, trong đêm đen của “Tắt đèn”, trong hũ nút của “Bước đường cùng”, trong nhốn nháo, tha hóa, giả dối, đĩ điếm, lừa phỉnh, bịp bợp, mị dân, đạo đức giả … của “Số đỏ”, thời kỳ văn học này vẫn sản sinh được cho hậu thế những tên tuổi gắn liền với NHÂN CÁCH LỚN CỦA NGƯỜI CẦM BÚT.
Từng có người nói rất đúng rằng, nhà văn, nhà thơ  là do “Tổ chức Trời” phân công. Thực ra là trời  bắt “tội”, trời hành xác họ. Còn họ thì tự nguyện cho cái sự bắt tội và hành xác đó. Thế thì  thì khuynh hướng sáng tác, quyền sáng tác phải thuộc về chủ thể sáng tạo là họ.  Vậy tại sao cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, Nguyễn Minh Châu phải viết “lời ai điếu” cho một thời kỳ văn học? Có lẽ theo ông đó là thời “tụng ca,minh họa”. Nếu đúng vậy, thì  thành tựu của thời kỳ này giá trị thế nào, hoành tráng đến đâu, có lợi cho ai, gây hại cho cái gì, đã được thời gian sàng lọc, trả lời rồi. Mọi người đều biết cả.  Thiển nghĩ, dù Nguyễn Minh Châu không viết lời “ai điếu” thì những sản phẩm tụng ca, minh họa rẻ tiền một thời kiểu như … kiểu như … cũng sẽ lần lượt chết ngóm. Có những tên tuổi từng là trụ cột của nền văn học, nghệ thuật một thời  như  ông nhà văn  Nguyễn Khải, đến cuối đời mới giật mình “Đi tìm cái tôi đã mất”, như ông nhạc sỹ Tô Hải mới cay đắng nhận ra mình là “một thằng hèn” (cho dù là trường hợp “thằng hèn” của ông Tô Hải đang và sẽ được lớp hậu sinh kính trọng), thì  cũng  là quá muộn. Lấy ngay ví dụ về tác phẩm “Tầm nhìn xa” minh họa, tụng ca cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của Nguyễn Khải. Không biết ông nhà văn này có “tầm nhìn” xa cỡ nào, được mấy tấc, mấy thước, mà ngay hồi ấy trong dân gian đã có vè chửi cái mô hình  hợp tác xã nông nghiệp “thằng còng làm, thằng ngay ăn” này rồi. Thôi thì “gặp thời thế, thế thời phải thế”, vì niêu cơm, vì mấy đấu gạo mà phải tụng ca, minh họa, còn cho là tạm  thông cảm được. Nhưng đến cái sự  văn “nô” hướng thượng, sun xoe, tới mức có cả một câu cửa miệng của người đời  ” thằng đéo lào mà lịnh thế ?”, thì không biết  còn có nền văn học thời hiện đại nào của nhân loại trên hành tinh này, nảy nòi ra được những văn sỹ như thế ? Vâng ! trăm năm bia đá cũng phải mòn . Nhưng những câu thơ “lịnh” mà tôi dẫn ra dưới đây của ông Tố Hữu, thì không biết đến kiếp nào “bia miệng”  thế gian mới hết nói lời xấu hổ ? Quả thật, bất cứ người Việt Nam nào có lòng tự trọng với  nguồn cội con Rồng cháu Tiên của mình, đều cảm thấy bị xúc phạm, khi  phải lướt mắt thôi ( đọc lên là nhục lắm, xấu hổ lắm).
Lúc Stalin chưa chết và rất có thể ông ta vừa ký chưa ráo mực những sắc lệnh khủng khiếp, khiến hàng chục ngàn người vô tội bị khủng bố, bị sát hại, hoặc bị đưa đi lưu đày ở Xibêri ( trong đó có cả những  văn nghệ sỹ nổi tiếng, sau này được nhận giải Nô ben). Chính Tổng thống Nga Putin cũng phải thừa nhận, rằng ” Những người bị thảm sát, khủng bố là những con người ưu tú nhất, có trí tuệ nhất và là những người can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó”.  Vậy mà, không biết xuất phát từ tình cảm gì Tố Hữu, một nhà thơ của cách mạng lại có mấy câu thơ  hướng thượng, nghe vong bản đến buồn nôn  là : ” yêu biết mấy nghe con tập nói, tiếng đầu đời con gọi Stalin”. Còn khi Stalin chết, không biết có họ hàng hang hốc gì với ông ta không mà Tố Hữu, một người Việt Nam (chắc chắn là chưa hề được gặp Stalin) đã có thơ khóc với theo quan tài cách cả  hàng ngàn cây số đường chim bay, bằng những lời đại bất hiếu với người ruột thịt trực hệ của mình, thế này: ” Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương ông thương mười”. Ôi! Lời thơ khóc mới thê lương, thảm thiết làm sao, nếu  át được tiếng phèng la, tiếng nhạc chói tai, nhức óc của đội  kèn đồng đưa đám, để Stalin nghe thấy, chắc “ngài” cũng thấy nhột, phải lập tức bật nắp quan tài ngồi dậy, mà rằng ” thằng đéo nào ở  đâu mà lịnh thế !”.
Khoảng thời gian 1985 – 1990, bắt đầu xuất hiện và sau đó người ta nói nhiều đến hai từ “cởi trói”. Nào là, cởi trói cho nền kinh tế; cởi trói cho nông dân, cởi trói cho … v.v. Và, văn nghệ  đã mừng húm vì cũng được “ban” cho hai từ “cở trói” này. Câu hỏi đặt ra là, ai đã “trói” văn nghệ ? “Trói” bằng cái gì ? Trả lời ư ! Ai cũng trả lời được, nhưng  không ai trả lời. Lại cũng không ai muốn/dám trả lời cái mà mình có thể trả lời. Bi kịch thế đấy. Nhưng cũng có người phán tỉnh queo,  rằng “có ai trói các anh đâu ! Tự các anh trói mình, rồi còn “trói” lẫn nhau đấy chứ ?”. Thế là thành bi, hài kịch. Than ôi! Có lẽ, chung quy  cũng tại bởi cái tư duy văn “nô” của cái sự văn “nô”.
Tôi đã mang tất cả  những “tản mạn” nói trên trao đổi với một bạn viết. Sau giây phút trầm ngâm, ông bảo ” Ừ ! kể cũng phải. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, cái mình nghĩ trong đầu thì cường quyền, thời thế đéo nào “trói” được…. Chẳng qua là mình cứ tự huyễn hoặc mình, tự lừa mình, rồi lại mang cái sự lừa ấy để lừa nhân dân mình. Thế là giả dối, là khốn nạn, là lưu manh đấy ! “. Nghe ông nói, tôi giật mình nhớ đến bài thơ “Bi kịch hót” của anh Bùi Minh Quốc :
Tưởng bay ngàn dặm thơ
Hóa vòng vo nhảy nhót
Giữa cái  lồng rất to
Tự đan bằng tiếng hót.
Bài thơ chỉ có mấy dòng mà cứa vào ta  bao nỗi xót sa, cười ra nước mắt, thương cho con chim  không tự biết rằng, nó đang  “hót” theo, nhảy nhót theo, nhại theo lời ca và cái vũ điệu lăng nhăng, bát nháo, vô cảm của một thằng hề./.
(*) Thơ – Nguyễn Chính

http://hoingovanchuong.wordpress.com/2010/04/21/t%E


Nguyễn Chính, viết để dưỡng tâm, để được chia sẻ …

Giang Nam

Ở mảng văn học, Nguyễn Chính đã có “Giọt nắng” (tập thơ –NXB Hội Nhà Văn-  2005) ; “Hoa cỏ dại” (tập truyện ký - NXB Văn học – 2006); “Đôi mắt rồng” (tập truyện ngắn- truyện trào phúng và đoản bút - NXB Văn học – 2008 ). Trong thế giới ảo intenet, các truyện ngắn của anh như :  Lão Biền làng Ốc; Pho sách gia truyền ; Lão Dậu tò he … đã chiếm được nhiều cảm tình của bạn đọc trên các trang báo mạng. Nguyễn Chính có lối viết cô đọng, chắc khỏe, giàu hình ảnh liên tưởng, ảnh hưởng rất rõ của ngôn ngữ báo chí, đồng thời cũng thể hiện bản tính bộc trực của con người anh. Có thể nói, với Nguyễn Chính, văn, thơ, báo, nhạc  chính là người. Còn nhớ vào năm 1988, khi giới thiệu thơ Nguyễn Chính trên Tạp chí Cánh én, tôi đã có đôi dòng như sau : “ Từ một kỹ sư nông nghiệp, làm báo, anh trở thành người làm thơ. Anh đến với thơ trước hết như một nhu cầu giãi bày, tâm sự, đấu tranh cho chân lý, cho niềm tin của mình ( Sự thật cao hơn tất cả; Truyện cổ tích có từ bao giờ v.v… ). Có lẽ chính vì vậy mà thơ anh mang dáng dấp riêng : mạnh mẽ, sôi nổi, bùng nổ… đồng thời cũng còn dấu vết của sự vội vã, thiếu sâu lắng. Trong sự chuyển mình của văn học hiện nay, Nguyễn Chính  đã góp vào một tiếng nói trẻ trung, tự tin đáng quý… …

Từng có thời gian tham gia công tác văn nghệ thuộc Bộ đội Trường Sơn, Nguyễn Chính coi sáng tác ca khúc như một không gian yên tĩnh, sau những giờ phút lao động nghề nghiệp căng thẳng. Với bút danh Nguyễn Văn Chính, hầu hết gần một trăm ca khúc của anh đều đậm đà âm hưởng dân ca, cùng phần ca từ giàu hình ảnh, triết lý sâu sắc, thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, con người … Nhiều người nhận xét, có lẽ vì cũng có làm thơ, nên khi phổ thơ, anh đã  “lấy” ra được nhạc tính của bài thơ đó. Vì thế, các nhà thơ sau khi nghe bài thơ của mình được “hát” lên, đã  rất thú vị khi cảm  nhận được sự đồng điệu giữa thơ và nhạc. Có thể kể ra các ca khúc : Bên dòng Đakbla ; Ru anh (thơ Trương Vĩnh Tuấn); Đẹp buồn và trong suốt như sương ( Thơ Lê Khánh Mai); Giữa Sài Gòn tìm bạn ( thơ Giang Nam); Tình ca hát một mình ; Ru mình (thơ Trần Chấn Uy); Lời thề bến xưa ; Hoa muống biển (thơ Kim Tuấn) Làng Bậm ơi! (thơ Nguyễn Văn Minh); Năm người đàn bà và tôi (thơ Bùi Đức Tú) ; Thương về quê mẹ đồng chiêm (thơ Xuân Tuynh); Nợ (thơ Trần Thị Nương); Ú tim, trốn tìm (thơ Phạm Dạ Thủy); Ngày không có thật (thơ Lê Nga)v.v… Tuy nhiên cho đến nay, mặc dù đã lấy bản quyền, nhưng  ngoài Bài ca Hoàng Sa – Trường Sa đã được dàn dựng thành hợp xướng, các ca khúc khác của Nguyễn Văn Chính chưa phổ biến được, vì lý do anh cho biết là “không có tiền” (?).

Hiện nay, ngoài công việc khá bận rộn làm phóng viên thường trú của báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn Việt Nam) tại các tỉnh nam Trung Bộ, Nguyễn Chính đã hoàn tất bản thảo tập thơ thứ hai “ Khoảng trời em” và hai tập ca khúc “Dấu xưa” ; “Quê mình lắt lẻo cầu tre”. Anh cũng đang chậm chạp hoàn thành tập truyện ký “Gió từ miền vô cảm” và tiểu thuyết “Bão thế kỷ và làng Tề bé nhỏ”. Mới nghe đã thấy ngay “gió” và “bão” rồi. Thôi thì cứ cầu mong cho anh được chân cứng đá mềm./.

QUẺ BÓI ĐẦU NĂM 2013 (Bài của CHI NGUYEN KIM )

Gởi đến bạn món quà này với cả tấm lòng và một lời chúc bạn sẽ hạnh phúc tràn đầy. Những điều hạnh phúc nhất luôn đến với bạn.


  
 Tắt nhạc của quẻ bói
Xin các bạn bấm chuột vào máy hát dĩa bên góc phải   
   
Photobucket


Tháng một : Bạn thuộc típ người cứng đầu và có một trái tim sắt đá. Cho nên bạn là con người của tham vọng và luôn nghiêm túc trong mọi việc. Bạn thích được chỉ bảo người khác cũng như là được người khác chỉ bảo. Tuy nhiên bạn hay suy xét những sai sót hay điểm yếu của người khác vì vậy bạn rất thích chỉ trích. Trong công việc, bạn làm việc chăm chỉ và hiệu quả. Bạn thật sự là người biết cách làm người khác vui lòng nhưng bạn lại là một người trầm tính, ít nói trừ khi bạn thực sự cảm thấy vui vẻ hoặc tức giận. Bạn cũng khá là bảo thủ nữa. Bạn luôn biết cách chăm sóc bản thân, bạn ít khi bị bệnh gì nặng nhưng lại hay cảm vặt. Bạn thuộc týp người lãng mạn đó nhưng bạn lại không biết cách biểu lộ tình yêu cho lắm. Bạn yêu thích trẻ con. Bạn đề cao lòng trung thành. Bạn là con người rất biết giao tiếp nhưng lại hay ghen. Còn đối với chuyện tiền bạc thì bạn là một con người rất cẩn trọng.  

 
Tháng hai : Bạn có nhiều ý niệm trừu tượng và bạn rất sắc sảo, tuy vậy bạn vẫn thích những điều thực tế. Bạn là con người thông minh và nhanh trí, có điều tính cách của bạn lại hay thay đổi. Bạn gợi cảm, quyến rũ, tính tình ôn hòa, trầm tính, hay mắc cỡ và rất khiêm nhường. Bạn rất chân thật và trung thành. Bạn cũng rất cả quyết nữa, một khi bạn đã quyết việc gì thì bạn sẽ làm đến cùng. Bạn cũng rất yêu thích sự tự do, cho nên khi mà bạn bị cấm đoán thì bạn sẵn sàng trở thành một kẻ nổi loạn. Bạn cũng thích công kích người khác nữa nhưng bạn lại quá nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Bạn hay giận dữ nhưng lại không bao giờ biểu lộ ra ngoài. Bạn không thích những thứ không cần thiết. Bạn rất muốn kết giao bạn bè nhưng lại không để cho người khác biết là bạn muốn điều đó. Bạn ưa thách thức và rất tham vọng nên trong bạn luôn đầy ắp ước mơ và hy vọng. Bạn thích giải trí và hoạt động. Tâm hồn bạn lãng mạn nhưng chẳng bao giờ bạn bộc lộ. Bạn rất mê tín nên đôi khi điều đó làm cho bạn trở nên rất buồn cười. Bạn là một người biết tiết kiệm. Lời khuyên cho bạn là, bạn nên học cách bộc lộ cảm xúc của mình.  

 
Tháng ba : Bạn có một tính cách thu hút người khác và bạn cũng rất quyến rũ. Bạn là con người của yêu thương nhưng bạn hay mắc cỡ và bảo thủ. Bạn bí ẩn, bản tính tự nhiên của bạn là chân thành tử tế và giàu lòng trắc ẩn. Bạn thích hạnh phúc và bình yên. Đối với mọi người, bạn rất nhạy cảm. Bạn cũng thích phục vụ người khác nhưng bạn hay giận dữ. Tuy nhiên bạn là một người đáng tin cậy. Bạn đánh giá cao lòng tốt và sự biết ơn. Bạn hay quan sát và đánh giá mọi người. Tuy là người tốt nhưng một khi đã gây thù chuốc oán với bạn thì bạn ôm giữ một lòng báo thù khá mạnh mẽ. Ngoài ra bạn là con người mơ mộng, nhiều ảo tưởng, thích du lịch và thích được chú ý, thích trang trí nhà cửa, thích những thứ đặc biệt. Trong tình yêu, bạn hay vội vàng trong việc chọn lựa người yêu. Bạn là người hay u uất.  

 
Tháng tư Bạn năng động và hoạt bát. Bạn thường quyết định mọi việc nhanh chóng nhưng sau đó lại hay hối tiếc vì cái mình đã quyết định. Bạn chỉ yêu và quyến rũ trong mắt người bạn yêu mà thôi. Bạn có một thần kinh thép và bạn rất thích được chú ý. Bạn rất biết cách cư xử, bạn thân thiện cũng như bạn rất biết cách an ủi hay giúp người khác giải quyết rắc rối. Bạn là người có tính phiêu lưu vì bạn dũng cảm và hầu như chẳng sợ gì cả. Bạn quan tâm đến mọi người, bạn khéo léo và rất tử tế tuy nhiên bạn hơi nặng về cảm xúc và hay giận dữ cũng như là khá hấp tấp. Bù lại bạn có một trí nhớ tốt, bạn thích di chuyển. Bạn cũng hay khích lệ người khác cũng như là bản thân bạn. Về sức khỏe thì bạn ko được khỏe mạnh lắm, hay đau đầu và ngực. Lưu ý là, bạn cũng có nét quyến rũ nhưng mà chỉ có những ai yêu bạn mới thấy được điều đó mà thôi.  

 
Tháng năm : Bạn là một người cứng đầu và có trái tim sắt đá. Bạn có một ý chí vô cùng mạnh mẽ cũng như bạn có ý chí cầu tiến. Bạn có những suy nghĩ rất sắc bén và suy nghĩ có hệ thống. Nhưng bạn là một người hay nổi nóng. Bạn cuốn hút người khác và cũng thích người khác chú ý đến bạn. Tuy vậy bạn có một tâm hồn sâu sắc. Bạn xinh đẹp không chỉ vẻ bề ngoài mà còn cả tâm hồn nữa. Bạn luôn giữ vững lập trường của mình trong mọi tình huống. Khi bạn gặp chuyện khó khăn thì mọi người ko cần tốn nhiều công sức cũng dễ dàng an ủi bạn vì cơ bản bạn là một con người dễ hiểu. Bạn hay mơ mộng nhưng bạn rất sáng suốt. Về sức khỏe thì bạn hay bị đau ở tai và cổ, nhưng thể chất bạn tốt. Bạn có một trí tưởng tượng phong phú nên bạn có xu hướng thích văn học và hội họa. Bạn cũng rất thích du lịch và bạn ghét phải ở nhà. Cho nên dường như bạn chẳng bao giờ chịu nghỉ ngơi. Bạn sẽ không có nhiều con. Nói ngắn lại bạn là một con người chăm chỉ, cao thượng và rất tiết kiệm.  

 
Tháng sáu : Bạn hay suy nghĩ xa xôi, bạn dễ bị ảnh hưởng bởi lòng tốt của người khác. Bạn lịch sự và nói năng từ tốn và nhạy cảm. Bạn có tinh thần năng động nhưng lại hay ngập ngừng ko quyết đoán, hay có xu hướng trì hoãn. Bạn rất kén chọn và luôn muốn thứ tốt nhất. Bạn cũng là người nóng nảy nhưng bạn lại vui tính hài hước và thân thiện. Bạn thích những thứ hài hước. Bạn cũng là người giỏi tranh luận và hay nói. Tuy nhiên bạn là một người hay mơ mộng viễn vông, Bạn thích được giao du kết bạn và bạnc ũng ko dấu diếm điều ấy. Về sức khỏe thì bạn hay bị cảm lạnh. Bạn dễ tổn thương nhưng một khi bị như vậy bạn phải mất nhiều thời gian để chữa lành vết thương lòng. Điểm không tốt ở bạn là bạn hay chóng chán, làm nhặng xị mọi thứ. Bạn cũng ít khi bộc lộ cảm xúc của mình. Bạn thích điều hành người khác và là một con người bướng bỉnh.  

 
Tháng bảy : Bạn luôn đem không khí vui vẻ cho những người chung quanh. Nhưng Bạn là người khó đoán và khó hiểu hay im lặng trừ khi bạn cảm thấy hứng thú hoặc căng thẳng. Bạn có lòng tự tôn rất lớn và bạn được nhiều gười biết tiếng, bạn dễ an ủi. Bạn là người chân thật. Bạn biết quan tâm đến cảm xúc của mọi người. Bạn luôn cư xử tế nhị và thân thiện nên bạn rất dễ gần. Cảm xúc hay thay đổi và khó đoán. Bạn cũng là một người sống nội tâm và dễ bị tổn thương, nhưng cần nhiều thời gian để hồi phục. Nhưng bạn hóm hỉnh và vui tính. Bạn thường không mang hận thù dù ai đó có làm điều gì sai trái với bạn nhưng bạn tha thứ không có nghĩa là bạn đã quên. Vì bạn có tinh thần vị tha cao cả. Nhưng bạn rất cảnh giác và bạn cũng rất sắc sảo. Bạn không đánh giá người khác vội vã mà bạn luôn quan sát trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Bạn đối xử công bằng với mọi người. Bạn luôn trung thành với bạn bè cũ và cả quá khứ của mình. Bạn có thể chờ đợi bạn bè mình mà ko phàn nàn nhưng bạn ko thích kết bạn mới. Bạn ko hung hăn trừ khi ai đó chọc giận bạn. Bạn thích ở một mình và thích sự yên tĩnh, cũng ko thích đi đâu. Bạn còn thích được chiều chuộng. Trong công việc hay học hành thì bạn là một người chăn chỉ và học một thứ gì mới chưa bao giờ là khó khăn cho bạn. Còn sức khỏe của bạn thì bạn hay gặp rắc rối với cái bao tử của mình.  

 
Tháng tám Bạn là người thích đùa. Bạn khéo cư xử và biết quan tâm người khác nên bạn cũng thu hút người khác. Bạn dũng cảm và ko hề sợ hãi bất cứ thứ gì, một con người phi thường. Bạn cứng rắn và có khí chất lãnh đạo. Bạn cũng là người biết cách an ủi người khác. Bạn có lòng tự tôn cao. Bạn thèm khát những lời tán thưởng. Người khác tốt nhất là đừng chọc giận bạn vì khi đó bạn rất đáng sợ, bạn cũng hay ghen. Bạn thích quan sát mọi thứ. Bạn cẩn thận và vô cùng thận trọng nhưng hay quyết định vội vàng. Bạn có khả năng suy nghĩ rất nhanh. Bạn có tư tưởng độc lập. bạn thích là người lãnh đạo. bạn là người có nhiều mơ ước. Bạn rất có năng khiếu về nghệ thuật, âm nhạc. Bạn là một người nhạy cảm. Bạn thuộc týp người lãng mạn. Về sức khỏe, thì sức khỏe bạn ko tốt lắm hay bệnh. Bạn nên học cách thư giãn.  

 
Tháng chín Bạn tế nhị và biết cách thỏa hiệp. Bạn cẩn thận và có đầu óc tổ chức. Thích chỉ ra khiếm khuyết của người khác cũng như là chỉ trích mọi người nhưng bạn nên kiềm chế khi chỉ trích người khác. Bạn ít nói nhưng là người biết cách nói chuyện. Bạn diềm tĩnh và là một người tốt vì bạn tốt bụng và giàu lòng vị tha. Bạn trung thành nhưng không phải lúc nào bạn cũng là người chân thật. Bạn cũng thích quan tâm tiểu tiết. bạn thích tìm hiểu mọi thứ. Bạn hay quan tâm đến từng chi tiết nhỏ. Bạn dể nảy sinh tham vọng trong mọi việc. Nhưng bạn là con người dễ hiểu , khá là vui tính. Bạn thích du lịch và hoat động . Tuy nhiên bạn có xu hướng giấu đi mọi cảm xúc trong bạn và bạn là người rất kén chọn đặc biệt là trong chuyện tình cảm.  

 
Tháng mười : Bạn thích tán gẫu. Bạn chỉ yêu những người yêu bạn. Bạn thích là trung âm của sự chú ý. Bạn có bề ngoài thu hút và tính cách của bạn cũng thế. Bạn thích nói dối nhưng bạn không che dấu điều đó. Bạn hay giận dữ. Nhưng với bạn, bạn bè là điều rất quan trọng. Bạn thích giao du kết bạn. Tuy bạn dễ bị tổn thương nhưng bạn không cần nhiều thời gian để chữa lành mọi thứ. Bạn là người hay mơ mộng và thích chọn lựa nhiều thứ. Bạn hầu như chẳng quan tâm đến người khác nghĩ gì. Bạn khá nồng nhiệt nhưng bạn là một người dứt khoát và sáng suốt. Bạn thích du lịch, nghệ thuật và văn học. Bạn hay động lòng và cũng hay ghen. Bạn luôn thích ở ngoài hơn là ở nhà. Bạn là một con người công bằng. Điểm yếu của bạn là hay bị ảnh hưởng bởi người khác và hay mất tự tin.  

 
Tháng mười một : Bạn là con người của những ý tưởng. Nhưng là một người khó đoán. Bạn lúc nào cũng có suy nghĩ hướng về phía trước. Bạn độc đáo và thông minh. Bạn có nhiều ý tưởng phức tạp nhưng suy nghĩ của bạn rất sắc sảo. Bạn rất sang suốt trong mọi việc. Bạn có thể trở thành 1 bác sĩ giỏi. Tính tình bạn rất năng động nhưng bạn là con người của bí ẩn. Nhưng bạn lại rất tò mò và bạn cũng giỏi đào bới bí mật của người khác lắm. Đầu óc bạn lúc nào cũng tràn đầy những ý tưởng. Bạn rất dũng cảm và tử tế, cũng như bạn rất cương quyết và kiên nhẫn, và cả chăm chỉ nữa. Có lẽ vì thế mà bạn không bao giờ chịu bỏ cuộc dù trong hoàn cảnh nào. Bạn luôn tin rằng “có chí thì nên”. Bạn ít khi tức giận trừ khi ai đó cố tình chọc giận bạn mà thôi. Bạn cũng là con người bướng bỉnh và sắc đá. Bạn thích ở một mình, và bạn luôn có những suy nghĩ khác người. Khó ai mà xoay chuyển được bạn 1 khi bạn đã quyết định. Bạn có một tính tình sắc sảo và nhiều hoài bão. Nhưng bạn đặc biệt lại ko thích những lời khen ngợi. Nhưng bạn lại có cảm súc và tinh yêu rất sâu nặng. Nhưng hầu như các mối quan hệ của bạn lại không vững chắc. Bạn tóm lại là một người có nhiều khả năng và đáng tin cậy vì bạn rất chân thật và luôn giữ bí mật của người khác. Nhưng điểm yếu của bạn là bạn không kiềm chế được cảm xúc của mình cũng như bạn là một người khó đoán.  

 
Tháng mười hai Bạn là người trung thành và tử tế. Bạn cũng rất quyến rũ. Nhưng bạn thiếu kiên nhẫn và hay vội vàng. Bạn cũng có tham vọng nhưng lại hay bị ảnh hưởng bởi số đông. Bạn là người bạn vui vẻ. Bạn thích hòa mình vào cộng đồng. Bạn cũng thích được ngợi khen. Thích được chú ý, thích được yêu. Bạn rất chân thật và thật lòng không giả dối, bạn không đặt nặng cái tôi của bạn nhưng bạn tính tình sớm nắng chiều mưa. Bạn ghét bị quản thúc, bạn thích đùa và bạn rất có năng khiếu hài hước. Bạn là người suy nghĩ rất logic.


 
Photobucket