Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

CHUYỆN NỌ XỌ CHUYỆN KIA





Năm xưa lưu lạc hải hồ, mình có quen mấy ông trên vùng cao. Một ông người Mèo, một ông Mán và một ông người Thổ. ( Cứ gọi nôm thế cho nó dân dã, thân mật, chả phải văn hoa, kiểu cách H’Mông, Dao thớt gì cả ). Tôn trọng, yêu mến nhau là ở trong lòng, phải đâu cách gọi tên thế này ra thế khác?
Ngày ấy mình khó trăm bề. Có ông anh kết nghĩa cho cái máy ảnh cũ Hiệu Ca non, ca già gì ấy, lâu ngày không còn nhớ nhãn mác, ống kính, độ zum của nó nữa. ÔNg ấy bảo: “Tao cho mày cái cần câu cơm. Lên vùng cao mà kiếm ăn. Ở đấy đồng bào người dân tộc. Người ta thật thà, tốt bụng và quý người. Vừa kiếm sống vừa tích lũy vốn sống sau này vừa phù hợp với chân số của mày”. Mình nghĩ ông này kinh, hiểu quá sâu về mình. Ông ấy không định kiến a dua theo dư luận lại còn có ý muốn giúp. Ông nhớ cả câu trong lá số của mình. Rằng là “Ở quê ăn ở chẳng yên, sau này lên núi, lên non mới thành”. Và cũng là “mối tình đầu CNXH”, con người ta sống với nhau. Đời sống còn nhiều khó khăn nhưng tình cảm trong sáng, không vụ lợi hoặc “Ông mất chân giò bà thò chai rượu”, có đi có lại như bây giờ!
 Đang sống ở Hà thành bụi bặm, ngột ngạt, những người là người, lênh bênh như trứng treo trong giỏ. Công việc nay có mai không, ba cọc ba đồng buộc vào cỗ máy nhà nước dăm ba tháng, lại văng ra ngoài. Nay được ra chỗ rộng rãi, thoáng đãng, môi trường tử tế ai mà không ham? Tâm trạng mình như anh tù vừa được tha, sướng khôngtảđược!
 Mình sắm sửa lên đường ngay. Chỉ định đi một vài năm, rồi “Châu về hợp phố”. Ai dè dính với núi với rừng gỡ không ra, mãi cho đến bây giờ!
Bạn trên núi cao một thời coi mình như người trong nhà. Bốn, năm cái “cùng” chứ không chỉ “ba cùng” như mấy ông cán bộ hồi cải cách, hay mấy ông “nằm vùng” ngàynay.
Ấy là mình nghe kể lại và tìm tòi qua sách vở, chứ hồi “cải cách”, mình đã biết “cải cách”làcáiquáigìđâu?
Còn cái anh “Nằm vùng” hiện tại, quá lắm chỉ một, hai “cùng” thôi. Anh nào bám dân chỉ cùng ở, cùng ăn đã là tốt rồi. Làm gì còn ai cùng làm, “Ba cùng” nữa?
Mình khác. Chẳng những cùng ăn, cùng ở, cùng làm..Còn cùng suy nghĩ và cùng vui, cùng buồn, sướng khổ với các ông ấy. Người ta đối với mình thế nào, mình quý báu lại người ta như thế.
Lâu nay thêm tí danh hão, mình bận công việc như lông lươn, chả lúc nào rảnh.
Lâu lâu mới lên thăm các ông ấy được một lần. Các lần thăm viếng ấy thường không gặp may. Rất ít khi gặp các ông ấy có mặt ở nhà. Hôm thì có ông đi “Cầu làng”, hôm ông đi làm “Ma khô”, hôm vợ chồng cơm nắm lên nương, ở lại đó đến tối mới về. Mình đi tranh thủ, làm sao đợi được đến ngày hôm sau?
Sự thực là thế, nhưng công nhận mình vẫn thiếu quyết tâm, thiếu nhiệt tình. Con người ta muốn tốt với nhau, muốn gặp gỡ ân tình có trở ngại nào ngăn cản được? Chẳng qua mình tự dối lòng, tự an ủi mình thôi. Cái chính vẫn là ngại đi bộ, đường xa. Cái thời mũ lá, măng rừng leo núi, vượt đèo hàng chục cây số “như xưa” mất rồi. Con người ta hơi sướng một tí là quên, sợ ngay cái khổ, dễ hư thân. Mình còn thế huống chi những anh miệng rộng, bụng to, quan liêu, quan cách? Chả trách chủ trương cứ như ở trên giời.   Muốn giúp người vùng cao mà giúp không phải lối.
Định dịp cuối năm, nhân thể “đi thực tế tối tác” có thời gian sẽ ở lại vài ngày. Nướng bắp non, uống rượu hoẵng, chuyện tào phào với các bạn “tồng”.
Chưa kịp đi các ông ấy có việc về tỉnh, ghé nhà chơi. Nào mật ong, mộc nhĩ, gà, gạo lỉnh kỉnh như kiểu đi thăm người ốm.
Lại mừng và nhậu..

**
Bốn thằng mình, tuy là bốn “tông” người khác nhau ngồi theo thế “Tứ trụ trào đình” đang “mở hội tâm hồn” đãi nhau, chứ không phải như bác Chế “đãi núi sông”đâu. Sông núi thì tâm hồn đãi làm sao được? Mà chỉ tâm hồn thôi cũng chưa chắc đã đủ. Sông núi cần thứ khác, cụ thể hơn, mãnh liệt hơn, can đảm, sáng suốt hơn. Tâm hồn suông thì nước mẹ gì?
Rượu rót ra chén, lời thật thà tử tế rót vào lỗ tai. Thằng người Mèo bảo: “Tao xem vườn nhà cái mày rậm quá. Để hôm này tao vác con máy xuống hộ cho một buổi. Để thế này định nuôi chồn à?” Mình bảo không phải, không phải. Chẳng qua bận quá, chưa mượn được người. Với lại làm rừng cần phải giữ “thực bì”. Phát sạch cỏ, độ ẩm giảm đi đâu có tốt? Nó cau mặt: “Đúng là cái mày học cày đường nhựa rồi. Phải phát quang đi cây mới lên được chứ?” Mình thế á, thế á? Hôm nào xuống giúp tao đi. Nó chả cần nghĩ lâu, đầu gật như gà mổ thóc! Thằng người Mán bảo: “ Cái gói tao đưa cho mày lúc nãy, đem ngâm rượu ngay đi. Dưng phải để lâu lâu mới uống. Uông luôn không nên đâu!”. Còn anh Thổ chả nói gì, gắp thức ăn cho cả ba: “Ăn tí đi đã. Uống không thế này khác gì rượu nhắm với thịt mình. Chuyện đâu chốc nữa nói. Ừ thì ăn. Uống..
 Đang vui có người thập thò trước cửa. Con chó Mèo lông xồm chồm ra, người đó kêu ré lên. Mình vội chạy ra:
- Ai đấy? Có việc gì à?
- Tôi đây, có việc mới đến tìm ông. Không có đến làm gì?
Không đợi mình mời người đó gù gù kiểu “bố bản” cứ thể xông vào. Mình điên thật sự. Thằng nào chứ thằng này mình không muốn nó vào nhà tí nào. Ngày thường mặt nó tôi tối, môi mỏng xám ngoét. Không hiểu sao hôm nay mặt nó đỏ tía lên. Cái trán hói cao như kiểu trán lãnh tụ bóng nhãy mồ hôi. Hai tay nó khuỳnh khuỳnh vòng trước đưa đi đưa lại, như thể chuẩn bị vào “trung bình tấn”, nom rất gây sự. Nó va mình mấy lần, mình đã cho nó nếm mùi đời, cạch mình đã lâu lâu. Hôm nay dáng vẻ khiêu khích thế này, chắc là có chuyện. Mình đoán thế dù chưa biết có chuyện gì? Mình đâu có vướng mắc hay làm hại gì nó? Thằng “kiêu binh” này muốn gi?
Nếu nhà không có khách mình sẽ từ tốn nói với nó là mình đang bận, hay có việc ngay bây giờ phải đi. Không phải mình hốt hãi, ngại gì thằng đó, chỉ là không muốn nói chuyện với hạng người này. Nhưng lúc này không lẽ đuổi nó đi? Mấy ông bạn kia sẽ nghĩ thế nào về mình? Dù sao nó cũng là người cùng một dãy nhà với mình. Có một vị láng giềng như thế, chả đáng lấy làm xấu hổ lắm sao?
Đành phải để hắn ngồi xuống ghế. Các ông bạn chân thành của mình vội lấy thêm cái chén, rót rượu cho nó. Mình than thầm, thể nào rồi cũng có chuyện..
Y như rằng! Hắn nhắc lại câu chuyện mấy hôm trước gặp mình ở nhà lão bí thư. Lão ấy cứ hỏi chuyện này, chuyện khác, chỗ nọ xọ chỗ kia. Lạ nhỉ, người cương vị như lão sao kiến văn eo hẹp thế không biết? Cái gì cũng hỏi? Vui mồm mình kể chuyện mấy ngày rong ruổi trên cao nguyên Đà Lạt. Gặp bà con người Lâm Hà.. Toàn những chuyện chả liên quan gì đến hắn. Không biết hắn nhắc lại hôm đó là sao nhỉ?

**
Đáng lẽ thằng bỏ mẹ này phải cảm ơn mình mới phải. Hồi giải tán hợp tác xã nó mất chân thư ký đội. Từ nay làm thật ăn thật, không thể thăn thiến được của ai.
Dân làng đỡ hơn trước một chút, nhưng nhà nó lại đi xuống.
Nó vẫn hãnh diện với mọi người: Từng là lính lái xe tăng, tàu bò, từng là ‘Dũng sĩ” nọ kia. Nhà nó có tủ gương, giường mô đét, là những của quý lúc bấy giờ. Lại năm gian nhà ngói, vườn rộng hàng mẫu. Cả xã chưa ai biết đi xe máy thì nó đã mua Pốt xoa. Mua để cho oai chứ đâu đã có đường mà đi được? ( Riêng thuê chiếc thuyền chở từ Vật Trì về đã bằng tiền nhà người ta ăn tiêu cả năm. Thế mới kinh! )
Đang ở trên trời như thế, tự nhiên rơi xuống đất. Nó chán, lao vào rượu chè, bài bạc là những thứ mà trước đây nó ghét, nó khinh bỉ.
Của nả trong nhà cứ dần dà đội nón ra đi. Cuối cùng vợ nó ra đi nốt. Riêng về chuyện này không phải lỗi ở thị vợ nó. Dù có nghèo khổ đến đâu, con gái làng này cũng không bao giờ bỏ chồng, bỏ con để sướng một mình.
Thị ra đi vì chuyện khác..
Thằng em trai nó đang ở trên “chốt”. Tình hình biên giới mỗi ngày một căng, tay ấy ít khi về.
Đứa em dâu lại rờ rỡ như hoa hải đường. Nó thèm và đã bước qua hàng rào luân lí!
Mình không rõ chuyện ấy có thực hay không?
Nhưng dân làng bảo là nó có chuyện với đứa em dâu.
Con này sinh ra một thằng bé có đuôi dài độ nửa mét, mắt mũi dính lại với nhau và có đến mấy cái tai!
 Nhà nó họp lại, không dám nuôi, nửa đêm bắt phải đem chôn dấu dân làng ở gốc cây mít.
Nửa tháng sau ông bố đẻ nó vào một đêm tối trời, treo cổ tự vẫn chính cây mít ấy. Khi cả nhà phát hiện ra, người ông đã cứng, lạnh tím tự bao giờ rồi!
Sau chuyện đó, nó dở điên dở khùng, nhưng lúc không rượu lại nói năng rất văn hoa. Người xa mới gặp ai cũng nghĩ nó là người hiểu biết lịch sự..
Chính khi ấy mình về. Nó chủ động đến chơi, nghe nó nói chuyện mình có chút cảm tình. Ở cái chốn rừng xanh núi đỏ xa cách thế giới này, có một thằng như thế ai lại không muốn? Mình đâu biết quá khứ hay dở thế nào đâu?
Thằng bỏ mẹ kể những ngày oai hùng của nó. Mình nghe mà thèm. Nó bảo : “ Thực ra bài hát năm anh em trên một chuyến xe tăng là người ta hát cho có vần. Đúng ra xe tăng ta thời bấy giờ chỉ có bốn người. Vừa lái chính lại phụ, xạ thủ, thợ máy. Dưng mà chả sao, thơ nhạc cũng phải mô đi phê đi một tí chứ. Có sao hát vậy thì làm sao mà nghe cho được”. Mình phục. Thằng này tài. Biết cả chuyện éo le, bếp núc của văn học nghệ thuật, không phải người thường!
Mình có cô bạn người dưới Phòng trước cùng học một khoa với mình. Chồng nàng lái tàu Vích Ko lớ sớ thế nào lâm vào cảnh lao lí. Nàng bán nhà lên Hà Nội ngồi chè chén ngoài ga Hàng Cỏ, kiếm sống qua ngày. Lại thêm một thằng con trai mới ba bốn tuổi. Mình tình cờ gặp nàng trong một chuyến vi hành. Người cũ, bạn xưa, oan khiên hiện tại khiến mình động lòng. Nàng theo mình lên nhà chơi, nhận bà mẹ mình là mẹ nuôi. Thực ra mẹ mình đâu có nuôi nàng được ngày nào?
Sau này mình cứ ân hận mãi, nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, bạn mình đã không khổ. Hoặc giả mình không gặp chuyện ngang tai trái mắt bỏ nhà đi chừng ấy năm, thì đã không có chuyện. Hắn lấy được nàng, nghe nói được mấy tháng đầu hạnh phúc lắm. Mình về thăm nhà, vợ chồng hắn đưa con lên chơi mang cả rượu cả gà.. Mình nghĩ vậy là mình đã làm được điều nhân nghĩa, phúc đức. Một thằng mất gần hết tính người gặp được người bơ vơ chân trời góc bể, đấu níu nhau, làm lại cuộc đời. Qúa tốt rồi còn gì để nói?
***
Ngồi vào bàn nhậu rồi, nó không cần ý tứ. Bạn trên non cao của mình rót chén nào ra, nó không để “long đen” chén ấy. Liên tay gắp cho người, lại gắp cho mình.( Muốn ăn thì gắp cho người cũng chẳng sao). Mình nghĩ thằng này lâu ngay háo chất. Sống một thân một mình, bữa thất bữa thường, Người có gia đình hẳn hoi lúc khó khăn này còn sất bất sang bang, huống chi đơn người, phù phiếm vật vờ như nó? Không thông cảm chiếu cố đến hoàn cảnh của nó thì mình đâu còn là con người. Chỉ mong cho nó “đến vạch”, đứng lên ra về. Mấy ông bạn trên núi lại càng thật thà chăm sóc..
Ai ngờ cuối bữa, nó nhắc chuyện hôm gặp nhà bí vừa rồi.
Hôm ấy nó cắt ở đâu mấy cành bưởi bảo là giống quý đến nhà bí chơi lần cuối!
Hỏi sao là lần cuối?
Nó bảo: “ Chả thiết ở cái làng này nữa. Sống buồn thế đủ rồi, tôi đến gặp ngài để ngày mai đi..”
Bí đâm hoảng. “ Thằng này có họ xa với mình. Nó định đi đâu? Hay là..? Nhà nó có cái zen tự vẫn. Ngoài ông bố nó còn đứa con trai bảo ma làm, thực ra uống thuốc ngủ chui vào bụi chết. Lại thằng cháu gọi nó là chú ruột. Hay là thằng này định “Theo chân” bố nó?” Vội vàng an ủi, động viên.
Mình cũng góp lời, thôi đi làm gì? Ở đâu cũng đường đất nhà trời. Ở đâu cũng phải làm phải ăn. Chả có chỗ nào ngồi mát mà ăn bát vàng đâu bác ạ!
Nó long mắt gừ mình:
- Mày thì biết sao được nỗi khổ của tao? Hồi ấy mày có nhà đâu? Con cái Quy ( Chính là cô bạn học của mình ) tao quý nó như vàng. Nó nỡ bỏ tao đi mang theo cả giọt máu của tao nữa. Chúng mày tưởng tao đi chết à? Đừng có nhầm. Tao đi tìm vợ con chứ dại gì mà tự vẫn?
Bí mừng ra mặt. Thế là đỡ đi một “vấn đề” phức tạp. Còn mình lại lo.
Ngày mình qua Lâm Đồng, thế nào lại gặp Quy. Đúng là oan gia lối nhỏ! Mình chỉ mong Quy đừng trách giận gì mình:
Nàng bảo chả qua là tại nàng chưa tìm hiểu sâu sát, lấy phải ác ma. Nó đánh nàng lên bờ xuống ruộng. Bắt phải đưa thằng cu con nàng về quê ngoại. Mà quê ngoại nàng đâu còn ai? Không có cách nào thuyết phục cảm hóa nổi con người này. Cuối cùng nàng lại một lần nữa cất bước lên đường. May mà vào đến trong này gặp được người tốt, mới có ngày hôm nay. Nàng gặp mình cốt để hỏi thăm hiện tại chồng cũ là nó đang sống như thế nào? Mình kể qua loa cho nàng nghe. Nàng lặng người đi một lúc. Nàng dặn mình đừng nói gì với hắn về chuyện này. Cho mình số điện thoại để khi nào nàng cưới con mời mình vào dự đám.

Mình đã giữ lời hứa với nàng không nói gì. Không hiểu sao nó lại biết có cuộc gặp gỡ đó?
Mình nghĩ mãi. Có lẽ hôm đó khỏi nó về một lúc, chả biết cám cảnh về nỗi niềm của nó hay mấy chén rượu ngâm bìm bịp nhà bí mà mình hở chuyện. Quên cả việc nó với bí là chỗ họ hàng. Có lẽ thông tin từ lỗ này dò rỉ ra chăng?
****
Mồm ăn miệng nói, nó liên thuyên về cái thời ra ngõ gặp anh hùng. Bản thân nó cũng là một “anh hùng chính danh”. Bạn vùng cao của mình cứ trố mắt ra mà nghe. Sao cái thằng xấu xấu bẩn bẩn này lắm tài thế nhở? Cái gì cũng biết, cái gì cũng hay. Trên đời này chả có cái khó nào mà nó chưa từng trải qua!
Bạn mình phục và nể nó quá!
Bạn người Mèo còn hẹn nó: “Hôm nào lên cái tao chơi”!
Người vùng cao vắng vẻ thích nghe chuyện và quý người một cách đơn sơ như vậy. Bạn Dao còn xin nó số điện thoại. Thằng bỏ mẹ cười ngượng ngịu: “ Mình quên không mang”.
Thực ra nó nào có dùng? Gọi đi đâu và nghe ai gọi mà dùng điện thoại?
Nó phét thế thây kệ nó. Mình chỉ mong cho nó đứng lên, kết thúc cuộc gặp bất đắc dĩ này.
Đột nhiên nó quay sang mình:
- Tớ có việc phải về. Nhưng trước khi về cậu cho tớ số của..
- Làm gì có số nào? Ông với bà ấy vợ chồng với nhau bao nhiêu năm còn chả có nữa là tôi?
- Này đừng dấu nhau, lão bí nó bảo cậu biết số của mẹ con cái Quy, cậu giấu tớ làm gì?
- Ông này hay! Tôi dấu làm gì? Nếu ông bí biết thì hỏi ông ta ấy, sao lại hỏi tôi?
- Hay là mày có chuyện gì với nó mà mày dấu?
Tôi nóng hết cả mặt mày, định lôi luôn nó ra cửa, nhưng nghĩ nhà đang có khách, không nên. Bạn Thổ trên làng Lan đã nóng mắt, lại không bình tĩnh như mình, nói ngay:
- Có, người ta mới cho mày được, không có lấy đâu cho, sao lại nói thế?
Nó nhếch mép cười khẩy:
- Mày biết léo gì chuyện này mà tham gia? Thích gây với tao hả? Có biết bố mày là ai không?
Bạn thổ giận tím mặt, từ từ đứng lên. Có lẽ bạn ấy tức nó về câu văng tục vừa rồi..Nó ra tay trước, vơ vội cái bát vèo một cái ngang qua mặt mình. Không trúng ai. Cái bát chỉ làm vỡ cái khung ảnh “Gia đình văn hóa”  treo trên tường.
Cuộc đấu không hẹn của hai bên diễn ra ngay trên sân nhà. Hai kẻ không quen biết lăn xả vào nhau. Mọi người chạy đến nhưng không ai làm cách nào ngăn cản được. Đúng là thằng dở có vài miếng của thời “lực lượng đặc biệt”. Anh bạn Thổ cũng không phải tay vừa. Bài “Miêu quyền” giờ được lúc trổ tài, tấn thủ mau lẹ..
Mọi chuyện xảy ra bất ngờ quá, mình lúng túng chưa biết làm sao. Có lẽ tại cái thứ men rượu của bọn người “nước lạ” bán sang đây? Con người ta bỗng chốc trở nên rồ dại, mất bình tĩnh do thần kinh căng thẳng đột ngột. Người bình thường còn có thể chịu đựng được. Nhưng với với kẻ điên sẵn, rồ sẵn, lại có dòng máu mang “zen tự vẫn” như thằng này, không bị điên hẳn, mới lạ!
Hai đấu thủ kẻ thì xưng má, kẻ trều môi vẫn quyết một lòng sống chết lăn lộn vào nhau. Vớ được cái gì liệng về đối phương cái đấy. Vừa may có một người vác đâu cành dòng tre gai lùa vào giữa..
Đây là kinh nghiệm khi có hai con trâu cà đánh nhau, thật là hiệu nghiệm! Áo của cả hai “võ sư - võ sĩ” quấn chặt vào mớ gai đó, nhùng nhằng gỡ mãi không ra, cuộc tỉ thí mới tạm dừng. Cũng là lúc người nhà nó nghe tin chạy đến.
Không hiểu sao hôm nay bọn chúng mát tính. Không té nước theo mưa, kéo bè kéo cánh gây thêm sự như ở nơi khác, còn xin lỗi mình, đưa tên bỏ mẹ về nhà!
Bữa rượu thành ra hỏng. Bạn mình trên núi giận dữ bỏ ra về. Bao lâu mới gặp chỉ một chuyện không đâu vào đâu, chuyện nọ xọ chuyện kia mà nên nỗi!
Mình buồn, chả biết các anh í có hiểu cho tấm lòng của mình nữa hay không?

==================

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

CHUYỆN NHỎ NHƯ CON THỎ




Cái tháng con cẩu này toàn những chuyện bực, đau hết cửa mình. Hết nằm sõng xoài  ở ĐL ngâm thơ, chờ cơm, gặp các vị tai to mặt lớn, các “nhân” quan trọng, vô bổ lại về những cuộc rượu bất đắc dĩ. Anh nghĩ trên đời này không có cái khổ nào giống cái khổ phải rượu với những tên lạ hoắc. Mình không biết nó là ai. Nó cũng chẳng biết mình là thằng nào. Rượu tưng tưng, không trêu ghẹo thằng nào vẫn có thằng cố tình đùa dai. Lại đùa những cái đối với những thằng đầu đất bằng thìn thịn chả có nghĩa mả mẹ gì, nhưng với mình lại đau! Nhưng vì sự sống còn của văn học nước nhà vẫn phải ráng phấn đấu, “Phối kết hợp” với những đứa chẳng ra gì, ( Cái từ “Phối kết hợp” không biết thằng bỏ mẹ nào nghĩ ra đầu tiên, thế mà hay. Cứ lằng nhằng như chó dính nhâu í nhở). Đặng góp phần nhỏ bé trong cơn nguy khốn của văn chương đang tới kì xuống dốc. Định giữ kín trong lòng, không thốt ra bất cứ lúc nào, với bất cứ “thằng con” nào. Gọi là sống để dạ, chết mang đi. Nhưng cái tâm hồn ống bơ lăn lóc quá nhiều, cố, không chịu nổi đành phải thốt ra. Thôi thì cũng là cách xả bớt xì troét một tí cho nó nhẹ đường tiêu hóa, mát mẻ phần trong, phần ngoài..
Chuyện dư thế này:
Gần nửa tháng trời trôi qua. Anh và các “đồng chí” ấy ngày ngày gò lưng trên cánh đồng đời, trồng cây chữ nghĩa. Hàng thì thẳng, hàng thì cong, dù cong hay thằng cũng có chút hạt gọi là tinh hoa!
 Nhà đầu tư chưa ai có í kiến gì. Bọn anh cứ một mực thổi nhau lên mây. Thằng nào cũng sắp trở thành “Hạt giống tài năng” của thế kỉ hai mươi mốt. Thằng nào cũng có “đột phá sáng tạo”, hứa hẹn mùa vàng bội thu, mang về ích nước lợi mình không biết bao nhiêu mà kể?
Đang lúc sướng râm ran như thế, có một thằng nhảy dù vào giữa cả bọn. Thằng này vác hẳn một can hai mươi “Ngíu Quản Bạ”. Là nó nói thế, chứ ai biết nó sắm sẵn ở đâu? (Được cái không đến nỗi nào, chừng bốn mươi độ trở lên, cũng thơm, cũng cay, ra vẻ..).
Gì chứ rượu ở đây không thành vấn đề, đâu có thiếu? Vài số “văn nhân, thi sĩ” còn có cả rượu tắc kè, rượu ngâm bàn tay gấu, cao hổ, sừng tê giác mài vào. Chứ “Ngô Quản Bạ” chưa là cái đinh gì!
 Số này trước khi cầm bút từng cầm dao, cầm súng, cầm roi điện, cầm con dấu.. giữ ối chức vị, đến anh nằm mơ không dám nghĩ tới. Toàn con cháu ông thiên lôi, không cũng họ hàng xa với Ngọc Hoàng. Kém thì hậu duệ bà Nữ Oa, ông Tài Ngào cả. Chỉ có anh là thấp bé, nhẹ cân, chả chức tước mẹ gì.Vì thế mà anh buồn, một nỗi buồn khôn nguôi, không muốn ngồi nghe “chúng đồng chí” kia xưng danh, khoe mẽ chức này chức nọ. Để cân bằng trạng thái tinh thần chung anh mới lếu láo rằng: “ Tớ có ông anh làm cái cục to nhất nhì nước này. Cục gì thì giờ phút này chưa thể bật mí được.. Mãi chả sao. Gần đây đi chơi với nhau, ông í bảo: “Chú nín đi cho anh nhờ. Thời buổi này người ta ghét quan như ghét cứt chó, mày cứ nêu anh ra làm gì? Cứ bảo anh là “anh hưu” cho nó lành. Hưu rồi còn ác được với ai? Hưu chỉ có thèm bạn, tốt với mọi người. Bởi vậy ai cũng thân thiện với anh hưu, chú rõ chửa”. Dạ đại ca, em nhớ. Chả bõ hồi năm ngoái năm xưa giới thiệu đại ca chưa đầy đủ, về đại ca riếc em là : “ Đồ con lợn. Có ăn có học mà ngu, nói không gãy góc. Giới thiệu như thế thà chú mày đừng nói có khi còn hơn. Nói thiếu bọn nó không nắm bắt hết được “Bản sắc” của mình, chúng coi thường!” Mình vừa tức lại vừa buồn cười. Chả biết cái “Bản sắc” của Vĩ ấy là cái mẹ gì, chắc ông ấy nhầm với bản lĩnh hay sao đó. Tự dưng đang đổ “Rê” cao, giáng một phát xuống “la” trầm thế này mới chết chứ?..”
Nghe xong cả bọn cười ồ lên như chuyện chả liên quan đến mình. Nhìn kĩ mới thấy có mấy cái thớt hơi xưng xưng lên ở một vài vị. Mấy hôm sau các vị ấy có ý tránh, mình cũng thấy ân hận, xót xa trong lòng. Phàm đã làm người ai chả muốn có chút hãnh diện tự hào? Địa vị chức tước không là hãnh diện thì là gì? Bỗng không mà có được sao? Nhà em làm các pác mất sướng, thôi về rút kinh nghiệm như ông trên vẫn bảo vậy, các pác thông cảm cho!
Trở lại cái thằng “can hai mươi”. Cái thằng có dăm chục bài thơ, may gặp thời được chiếu cố cứ ngỡ mình là tài năng lớn. Cái hồi gặp ở Sơn La mình đã khốn khổ vì thằng này. Nó bảo “mày chơi với tài năng lớn phải vất vả thôi”! Nửa đêm chừng 2 giờ sáng đốc mình dậy. Đang mùa mưa dầm gió bấc gió rét căm căm, rủ đi uống rượu. Đi hết hàng này đến hàng khác nó vẫn chưa vừa ý. Chả có hàng nào còn trứng gà ri tươi. Mà nó thì có khoái khẩu món này. Cái thằng cả năm tắm gió một hai lần, bẩn không chịu được mà cũng thật đòi hỏi ái oăm!  Chiều được nó mình bị viêm họng mấy ngày. May chưa bị sưng phổi, cũng còn phúc.
Quả là kinh nghiệm đường đời được bổ sung một tí: Chơi với tài năng nhớn, đó quả là cách chơi quá sức với người bình thường. Lần này gặp lại, anh hoảng. Thú thực muốn tránh. Nó bảo: “ mày coi thường anh à?” “Em đâu dám” “ Tao nhìn cái mẹt của mày tao biết mà”. Nó nói còn chưa sõi, thế mà cứ xưng xưng chì chiết mình. Mình định bụng phen này cho nó bài học..

Nghĩ lại, con người ta mỗi người một tính. Mình chấp lách thế còn nhân văn nhăn vẻ gì nữa? Ừ thì là cho qua! Nhưng cái tính cách của thằng can hai mươi này mỗi lúc một quá. Định nhịn nó dưng mà khó quá.
Ngay cái tối hôm nó đến, đã đòi hỏi anh một chuyện. Nó hỏi: “Mày đến đây lần nào chưa?”Mình thú thật “Cũng vài”! Nó cười chả giống ai. Bảo mếu hay cười, hay cười đểu cũng được: “Thế thì quen mẹ nó chỗ này rồi còn gì? Anh đang bận cơ cấu lại cái bản tham luận hôm rày đọc với mấy bài thơ viết dở.. Chú mày xuống chỗ quán đầu bờ hồ ấy, chỗ có cây me dại ấy hiểu chửa? Cầm giúp cho anh cái ống điếu lên đây. Tối nay anh đãi chú món đặc biệt, làm tí cho “nó mát cái đi lái” đồng ý không?” Mình giả vờ như không nghe thấy. Thế là nó khùng lên: “ A thằng này coi thường anh thật rồi, “không dùng bạo lực cách mạng với mày không xong”. Nó hất cái mặt lên, chân xuống tấn, tay xàng. Cái món này, anh quả thật không có ngại. Nhưng sợ đùa quá, mù ra mưa, vui quá hóa thật các em khác các em ấy cười!
 Ai đời văn nhân, văn nhiếc, chữ nghĩa cả thúng ai lại đi nói chuyện bằng cơ bắp, bằng cùi tay với nhau? Với lại thằng can hai mươi lít đang say. Chấp thằng say như vay không chả, dại làm gì?
Cái quán cũng không xa là mấy, với lại chả gì cũng là tình đồng nghiệp với nhau, hộ nó để nó hoàn thành “trước tác” ủng hộ vào đợt “tối tác” này.
Sở dĩ anh gọi “Tối tác” không phải diễu nhại, chỉ là nâng tầm quan trọng “tối cao”, tối cần thiết của sự kiện và vấn đề mà thôi!
. Thời củi quế gạo châu này, người ta chi cho bọn anh nới tay như này, đâu phải chuyện đùa? Văn hóa nền tảng đang có nguy cơ rạn nứt, vỡ ra từng miếng như bây giờ, không có người trám ngay vào, cấp cứu kịp thời có mà khốn.
Kinh nghiệm rồi.
Quốc gia nào, dân tộc nào có nền văn hóa rực rỡ, tầm cao, chắc chắn dân tộc ấy, quốc gia ấy thịnh vượng, kinh tế phát triển, an ninh được giữ vững. Các anh Zim babue hay Hahi ti, Xiri lúc nào cũng như trứng treo đầu đũa là cái minh chứng hùng hồn nhất. Chả có ma toi nào xâm lấn, diễn biến này nọ cũng loạn từ bên trong loạn ra. Đảo chính, đảo phụ cứ là luôn xoành xoạch. Không cách mạng cách miếc cũng khó ở yên được. làm như không đánh nhau, không lật đổ khó sống làm người!
 Nước người ta văn hóa cao, ( Cái này lại không liên quan mẹ gì đến số ngàn năm đấy đấy nhé, anh nói luôn cho rõ nghĩa), cấm có cái anh nào dám chòng ghẹo. Cái thằng Ixaraen dân có mấy triệu người thế mà có lúc còn dám đóng vai ngáo ộp dọa cả thế giới Ả Rập. Vì  nền móng văn hóa, khoa học kỹ thuật của nó không thể xem thường được. Chưa nói đến Mỹ, Nga hay anh Tàu Khựa mới nổi gần đây.
Bồi bổ tâm hồn dân tộc, nâng cao dân trí là việc cực kỳ cần thiết, rất chi cấp bách vào lúc này!.
Vì những lẽ đó anh mới kêu là “tối tác”, phải không các bạn thibilua của anh?
Nghĩ thế, anh thôi tranh luận, đi kiếm cái lọ ho về cho nhà thơ nhớn.
 Biết đâu sau khi thả khói về trời, thằng can hai mươi nổi hứng sáng tạo, chả cho ra đời một áng để đời, đóng góp cho nền văn nghệ đang bị cầm chừng, khởi sắc lên?
Bổn phận của con dân nước nhà tự do, độc lập là phải thế. Luôn biết đoàn kết lại chăm sóc cho nhau thành đại khối. Có thế nó mới xác quyết được vị thế của mỗi người.
Đừng vì cái ghét ghen bé nhỏ mà bỏ qua cơ hội nhớn, đánh mất thời cơ vàng. Anh đi kiếm điếu cho nó do cái lý ấy chứ không phải cái khoản nó hứa kia đâu. Thằng đó làm léo gì có xiền mà đãi ai?  Rượu ngất ngây con gà tây cả ngày thế kia có đến tiền núi cũng không giữ được. Luôn viêm màng túi, chỉ có dăm ba hào để làm giống quăn qeo đáy bị, cấm có hơn! Không cần kiểm tra, anh quá biết việc này.
Nói dại, nếu không biết, thích đánh đu cho sang với nó thế nào cũng bị dính quả cắm quán. Ăn xong rồi, chơi xong rồi, nó sẽ bảo: “ Quên mẹ nó mất, tao không mang xiền. Mày giả đi chốc về anh đưa”, hay “ Cứ ngồi đây, tao về lấy tài khoản đã, tao ra ngay”!
Đến rằm tây đen cũng chẳng thấy thằng đó đâu!
 Các bạn thibilua chỉ còn cách alo về phòng nhờ người khác trợ giúp. Hầm hập về tìm nó. Bạn biết sao không? Nóng vã mồ hôi, nó trùm chăn kín đầu, ú ớ Việt gian: “tao say quá, thông cảm, thông cảm, tao..ư.. không khéo đứt mày ạ!” Tình cảnh ấy cũng hòa cả làng thôi, biết nói gì nữa? Chả nhẽ đánh nó à?  Mà cái thằng đấy cả chã cũng chỉ hơn ba chục kí. Đụng vào nó không khác gì đụng vào con bệnh, đụng vào tổ ong bổ lỗ. Đụng vào bức tường sắp đổ, đụng vào cái cạm đang giương lên chờ con mồi, đụng vào cái chỗ chán mớ đời.. Tốt nhất là thôi, đừng đụng vào..
Chả gì nó cũng là tài sản nhớn của dân tộc mà, đừng có dại..!
Trước lúc đi, nó bảo cứ lấy đi, điếu là điếu của nó bỏ quên ở đó. Không sao đâu, chả phải hỏi bố con thằng nào sất.
Tự nhiên tự lành anh trở thành đứa sai vặt, điếu đóm cho một tên vớ vẩn, thế có điên không?

Anh đi theo chín mươi chín bậc tình yêu, quanh co ngoắt ngéo, qua những bụi trúc um tùm theo đường ra bờ hồ. Qua cả những gốc cây kỉ niệm của vô số danh nhân, nghệ sĩ trồng từ đời nảo đời nao. Có cây đã đâm hoa kết trái, nhưng cũng có cây đứng thù lù ra đấy mấy chục năm rồi, hoa không có, quả cũng không. Buồn buồn, nghĩ thầm :“thì ra người làm sao, chiêm bao làm vậy”. Cái cây đúng ra nó không tội tình gì. Lỗi ở người trồng cây quá cao vọng. Chỉ đáng mặt ăn xổi, ở thì lại cứ nghĩ thiên thu mãi mãi. Anh thì chẳng dỗi hơi. Thực lòng mình đâu có tài cán gì mà trồng với chả trọt? Những thằng hèn như anh  có đến hạm đội bảy của Hoa Kỳ chở cũng không hết chứ quý báu gì? Rặt thứ ăn theo, nói leo các cụ Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công hoan..Các cụ gì gì ri, râu xồm, không râu từ bốn phương trời. Đâu có cái gì của mình? Bảo viết cái này, dạ em viết cái này. Bảo viết cái kia, có ngay cái kia. Bảo vẽ thì vẽ, thổi kèn, thổi hơi thì thổi.. Có người cầm càng, định hướng mẹ nó rồi. Tài cán gì mà huyênh mới chả hoang..
Mới nghĩ đến đấy đã tới mép bờ hồ. Sắp sửa tối rồi sao vẫn thấy người ngồi câu muộn thế không biết? Có phải giờ này như dân gian bảo : “ Cá đầu hôm, tôm gần sáng không”? Anh nghĩ không phải thế. Cứ nhìn mặt biết liền. Hình như người ta câu thứ khác chứ không phải câu cá?
Chỗ gần gốc cây me dại, Ku kia nói, có hai em đang ngồi câu với nhau. Nhác trông có vẻ thắm thiết lắm. Mình ngờ chúng đồng tính, đồng tình. Nhưng không phải. các nhà Việt Nam học khi nghiên cứu về cách ăn mặc ( hay nói văn hoa một tí, gọi là thời trang ) sau này thể nào cũng phàn nàn các em về nội, ngoại y. Anh thề trên hành tinh này chả có dân tộc nào ăn mặc như mấy em í, trừ vài ba bộ lạc người rừng ở Úc châu, hay Phi châu nào đấy.( Cái này anh có đọc trên Sài gòn tiếp thị, tên địa lý quên mẹ nó rồi ). Trơ trẽn dư anh mà còn không dám nhìn. Các Pác đức cao, vọng trọng  nhà trên chắc chắn phải bỏ chạy. Đã mini duýp rồi lại áo hai dây, giày cao cổ viền đăng ten, ngồi xổm trên gốc cây me dại, không cần che dấu báu vật của đời!
Cá mà có mắt như người nó đớp một phát, coi như xong! Mắt cá chỉ nhìn được dưới nước chứ đâu có nhìn được trên bờ? Cũng như con người chỉ nhìn thấy trên cạn chứ đâu nhìn thấy dưới nước? Nên các thibilua chớ có lo thay cho các em kẻo buồn cười.
Một em nhéo:
- Anh gì đấy ơi! Anh cũng đi câu đấy à? ( Y như giọng quan họ liền em ấy nhở!)
Anh rằng:
- Đa tạ. Anh đây chỉ đi kiếm cái điếu cho thày anh. Anh đâu có biết câu?
- Đằng đấy không biết đây chỉ cho..
- ..
Lúc đó, thực không dám giấu, anh có hơi băn khoăn một tí. Hay là mình đi “câu” cho nó biết mùi đời? Dưng anh trấn tĩnh, lập lại lập trường, quan điểm theo thói quen được ngay, lẩn sang chuyện khác:
- Em nào biết chỗ cái điếu làm ơn chỉ dùm anh một tị.. Anh đây cảm ơn lắm lắm..
Các em cười rũ ra “ Cái nhà anh lày. Đây là đâu mà tìm ống điếu? Điếu khác thì có, điếu cày, điếu ục thì không!” Cười đấy. Rồi mấy em coi như không có anh, hoặc anh chỉ là cái gốc cây vô tích sự.
Thôi.
Không thèm nhìn.
Mặt lạnh còn hơn cả tiền, lạnh hơn cả cục đá để lâu trong tủ lạnh.
Hóa ra anh bị lừa, làm gì có cái điếu nào ở đây đâu  mà tìm?
Thì ra Ku kia đểu, hóm muốn đá mánh, đánh đòn gió mình đây.
Xấu hổ không biết để đâu cho hết. Chín mươi chín bậc tình yêu bấy giờ như chỉ còn có chín bậc, anh chạy vội về phòng.
Thật không cái ngu nào giống cái ngu nào. Dòm bản mặt anh, nhà thơ nhớn cứ ôm bụng cười như nắc nẻ. Cười trào cả nước mắt, nước mũi:
- Mày đúng là thằng nhà quê. Người ta nói thế này, mày phải hiểu ra thế khác chứ. Thế mà cũng muốn học cách làm người, làm “thằng người viết” mới chết chứ. Em ạ, muốn trang viết có sức nặng của trải nghiệm cuộc đời, đôi lúc cũng phải biết đi câu, biết tát ao, biết đánh dậm, biết đơm đó, thả lờ nữa chứ? Anh bảo mày ra đấy để mày biết đường đi, lối lại, chứ ai dám sai mày đi lấy điếu?  Anh có ngu chăng nữa cũng không dám sai phái mày như thế. Dù có là nhà văn bé, mày cũng không chịu. Có khi lại cho anh cái bạt tai..ở gần anh bao nhiêu lâu rồi mày không thấy cái khẩu ba dô ka này lúc nào anh chả sát bên mình?
Ku ấy lôi ở gầm bàn ra cái điếu.
Lạy hồn, sao không nói rõ ràng, cứ cái này nói qua cái khác. Anh giận tím hết cả mặt. Mãi đến đêm mới trở lại pình pường.
Nghĩ lại cái nữa. Chẳng nên trách gì lão í làm gì. Có khi lão í đang “bí từ” hay “bí tứ”, đùa một tí để cho tinh hoa của lão í phóng kịp ra, tràn lên trang viết.
Người ta xét về mục đích, tiểu xảo, thủ đoạn có thể cho qua. Đành thông cảm với “tài năng” nhớn ấy vậy!



Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

TÔI KHÔNG CÓ KẺ THÙ

TÔI KHÔNG CÓ KẺ THÙ
 Lưu Hiểu Ba ( Nô en Hòa bình )

Dưới đây là trích lược lời phát biểu của ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền Trung Hoa, đồng tác giả của Hiến chương 08, phổ biến tại phiên toà ngày 23/12/2009. Tháng Hai năm nay, toà kháng cáo giữ y án tù 11 năm.
Bài phát biểu ngắn này đã phản ảnh khí phách một người dân chủ tại một xứ độc tài toàn trị. Trao tặng Lưu Hiểu Ba giải Nobel Hoà Bình 2010, Uỷ Ban Nobel Hoà Bình đã thay mặt công luận thế giới, ghi nhận tầm cỡ của một khí phách, vì ông Lưu là một biểu tượng lớn của phong trào dân chủ và nhân quyền tại Trung Hoa, nói riêng, và tại các quốc gia khác còn đang chịu đựng sự đàn áp con người, nói chung.
Tháng Sáu 1989 là bước ngoặt lớn của cả cuộc đời 50 năm của tôi. Trước kia, tôi từng là một sinh viên trong lứa đầu tiên được tuyển sinh vào trường đại học vừa mở cửa lại sau Cách Mạng Văn Hoá; đường học của tôi diễn tiến êm ả từ cấp cử nhân lên cao học rồi Tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ làm giảng viên trường Đại Học Bắc Kinh.
Liu Xiaobo-1989.jpg
Lưu Hiểu Ba (năm 1989)
Trên bục giảng, tôi là một thầy giáo được nhiều sinh viên biết đến. Tôi cũng là một trí thức của công chúng: những năm 1980, tôi viết nhiều bài báo và sách có tiếng vang. Tôi thường đi lại nhiều nơi diễn thuyết, được mời đi thỉnh giảng tại Châu Âu và Hoa Kỳ. Tôi đòi hỏi ở mình đức chân thực, tinh thần trách nhiệm, và lòng tự trọng cả trong đời sống lẫn trong bài viết.
Sau đó, khi tôi từ Hoa Kỳ trở về, tôi tham gia phong trào sinh viên 1989, bị tù vì “tuyên truyền phản cách mạng và kích động bạo loạn”, bị tước mất vị thế tôi trân trọng; tôi bị cấm không được viết lách hay diễn thuyết tại Trung Quốc. Chỉ vì mỗi một chuyện là phát biểu quan điểm khác biệt về chính trị và tham gia các phong trào dân chủ và hoà bình, mà một thầy giáo phải xa bục giảng, người cầm bút bị cấm xuất bản, và người trí thức thì mất cơ hội nói với công chúng. Điều này đáng buồn cho cá nhân tôi đã đành, mà còn cho cả đất nước Trung Hoa sau ba thập niên đổi mới và mở cửa.
Xem nào, những trải nghiệm nặng nề nhất của tôi từ sau biến cố 4 Tháng Sáu 1989 đều dính dáng với toà án; hai dịp mà tôi có điều kiện nói với công chúng đều là tại toà án sơ thẩm Bắc Kinh, một lần vào Tháng Giêng 1991 và lần này. Tuy rằng tội danh vào mỗi dịp đều khác nhau, về thực chất cả hai đều là tội danh liên quan đến quyền tự do ngôn luận.
Đã hai mươi năm qua, những linh hồn trong trắng của biến cố 4 Tháng Sáu vẫn chưa được yên nghỉ, và tôi, một kẻ đã đi trên con đường bất đồng chính kiến vì nhiệt tâm với 4 Tháng Sáu, sau khi rời nhà tù Tần Thành năm 1991, đã bị cấm ăn nói tại chính quê hương mình, và chỉ được phép phổ biến quan điểm của mình qua truyền thông hải ngoại, vì thế bị theo dõi suốt nhiều năm qua; bị quản chế (Tháng Năm 1996 – Tháng Mười 1999), và bây giờ bị đẩy vào thế đứng kẻ thù của chế độ.
Tuy nhiên tôi muốn nói với chế độ đã tước đoạt quyền tự do của tôi, rằng tôi vẫn thuỷ chung với niềm tin của mình mà tôi từng bày tỏ hai mươi năm trước, khi tôi phát biểu tại kì tuyệt thực –Tôi không có kẻ thù, không có lòng căm thù. Không một nhân viên an ninh theo dõi, bắt giữ và thẩm vấn tôi, công tố viên kết tội tôi, hay vị chánh án đã xử án tôi, không ai là kẻ thù tôi cả. Mặc dù tôi không thể chấp nhận sự theo dõi, bắt bớ, kết tội, tuyên án của các vị, tôi vẫn tôn trọng nghiệp vụ và nhân cách của các vị. Kể cả sự buộc tội lần này: Tôi biết các vị tôn trọng tôi và giữ sự chân tình trong lúc thẩm vấn tôi hôm 3 Tháng Mười Hai.
Bởi vì lòng thù hận chỉ làm hoen rỉ sự khôn ngoan và ý thức của ta; não trạng thù hận có thể làm hỏng hồn tính một quốc gia, gây ra bao nhiêu là bạo động oan khiên cho vạn sinh linh, phá hỏng lòng khoan hoà và tình người của một xã hội, và ngăn chặn bước tiến của một quốc gia trên hành trình về tự do dân chủ. Do vậy tôi mong rằng mình sẽ có thể vượt lên khỏi những thăng trầm của số phận một cá nhân nhỏ bé để mà hiểu được sự phát triển của quốc gia và những đổi thay của xã hội, vượt qua thái độ thù hận mà chế độ dành cho tôi bằng thái độ chín hđính nhất, và lấy tình thương để gỡ bỏ sự thù hận.
Tôi vững tin rằng tiến bộ chính trị tại Trung Hoa sẽ không bao giờ ngừng lại, và tôi hoàn toàn lạc quan chờ đợi ngày tự do đến với Trung Hoa trong một tương lai không xa, bởi sẽ không có thế lực nào có thể cản trở khát vọng tự do của con người. Sẽ có ngày Trung Hoa trở thành một quốc gia pháp trị, ở đó quyền con người là tối thượng. Tôi cũng chờ đợi bước tiến ấy thể hiện cụ thể qua phiên toà này, và chờ đợi một phán quyết công bằng của toà như một phép thử của lịch sử.
Liu Xiaobo-10.jpg
Những người biểu tình đòi tự do cho ông Lưu Hiểu Ba bên ngoài Bộ ngoại giao TQ hôm 08/10/2010
Hỏi rằng trong hai thập niên qua, điều gì là một trải nghiệm may mắn nhất đời tôi, tôi không ngần ngại mà nói rằng đấy là tình yêu tràn đầy của Lưu Hà, người vợ thân yêu. Em không thể có mặt tại phiên toà hôm nay, nhưng anh vẫn muốn bày tỏ với người yêu dấu của anh một điều, rằng anh vẫn vững tin vào tình yêu bền chặt của chúng ta. Đã bao năm nay, trong hoàn cảnh đời sống mất tự do, tình yêu chúng ta đã chỉ có lắm chua xót vì ngoại cảnh đưa đẩy, nhưng nó vẫn bay bổng khỏi những rào chắn. Anh bị giam cầm trong một nhà tù nhỏ, còn em thì vẫn đang vò võ đợi anh trong nhà tù lớn.
Tình yêu em là ánh sáng đã giúp anh vượt qua những bức tường và thanh sắt, vẫn dịu dàng trên từng li tấc da thịt anh, sưởi ấm từng tế bào cơ thể anh, giúp anh giữ lòng mình được thanh thản, cao thượng và trong sáng, vì vậy mỗi phút giây trong nhà tù vẫn tràn đầy ý nghĩa. Bù lại, tình yêu anh dành cho em toàn là sự thống hối, có khi làm nặng trĩu từng bước chân đi. Anh là một viên đá tảng nặng nề nơi chốn hoang vu, hứng chịu những nghiệt ngã của bão tố, và trở thành lạnh băng trước nhân gian. Nhưng tình yêu anh vẫn bền,sắc, và có thể vượt qua bao cản ngại. Cho dù ai có nghiền nát anh, anh vẫn nguyện ôm ấp em bằng tro than của mình.
Có tình yêu em, người yêu dấu ơi, anh sẽ nhìn thẳng vào phiên toà hôm nay với lòng thanh thản, không tiếc hận về những chọn lựa của mình, và vẫn lạc quan tin tưởng vào một ngày mai. Anh chờ đợi đất nước chúng ta sẽ trở thành xứ sở tự do, ở đó tiếng nói của mọi công dân được đối xử ngang nhau; ở đó mọi khác biệt về giá trị, quan điểm, niềm tin, chính kiến... đều được quyền tương tranh và cộng tồn bên nhau trong hoà bình; ở đó quan điểm của đa số và thiểu số đều được bảo đảm, nhất là những chính kiến khác biệt với quan điểm quan phương chính thống sẽ được tôn trọng và bảo vệ; ở đó tất cả mọi quan điểm chính trị đều được công khai cho nhân dân lựa chọn; ở đó mọi công dân sẽ được quyền biểu đạt chính kiến mà không phải sợ hãi, không bị trấn áp vì cất tiếng nói bất đồng.
Tôi mong mỏi rằng bản thân mình sẽ là nạn nhân cuối cùng của chuỗi dài truy đuổi bất tận những kẻ bất đồng tại Trung Hoa, và rằng sau tôi sẽ không ai còn phải chịu cảnh tù đày vì bày tỏ quan điểm của mình.
Quyền tự do phát biểu là cơ sở của nhân quyền, là nguyên uỷ của nhân tính và là mẹ của sự thật. Cấm đoán tự do ngôn luận là giày xéo lên quyền con người, bóp nghẹt nhân tính, và trấn áp sự thật.
Tôi không thấy mình có tội gì khi sử dụng quyền tự do phát biểu hiến định, để làm tròn trách vị công dân của mình. Dẫu có bị kết tội vì đã làm thế, tôi cũng chẳng than phiền điều gì cả.
Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba)
Xuyến Như chuyển ngữ

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Vu vơ mà nói ( Nhàn đàm )





Con người ta trong một đời ngắn ngủi của mình thường hay huyễn hoặc, ngộ nhận nhiều giá trị và hay có những xử sự sai lầm. Ấy thế mà luôn tự "Bênh vực mình", cho là mình thế nọ, thế kia, người khác không hiểu và đối xử với mình chưa được công bằng. Tệ hơn, tự đề cao mình quá mức. Đành rằng tự tin là đức tính tốt, nhưng thái quá, lại chẳng ra gì. Gã đã từng ngồi với mấy anh thợ chuyên môn đào huyệt chôn người, mấy anh coi xe ngoài bãi, thậm chí cả mấy ả tiếp viên ( Gọi thế cho nó sang, chứ thực ra là ca ve chính hiệu), mấy ngài tiến sĩ rởm, giáo sư hão ( Bằng cấp đi mua, chạy chọt cách này cách khác, chả vinh dự gì !), mấy mụ công chức có tý quyền nhờ đôi chân dài và vốn tự có, mặt lúc nào cũng vênh vác nhơn nhơn, chỉ chờ dịp để thể hiện quyền lực và uy danh của mình. Lại nữa các bậc quan tham lại nhũng ( Hình như thời nào cũng có, mặt trái của mọi thể chế, cho dù thể chế đó có ưu việt đến đâu! ).
 Tóm lại là đủ hạng người, giàu nghèo đủ cỡ, đủ các giai tầng trong xã hội, kể cả hắn cũng không ngoại lệ, đều có ý nghĩ giống nhau. Kẻ nói ra miệng, người giữ kín trong lòng. Ai cũng nghĩ mình hơn người khác, mình còn thiệt thòi, mở miệng ra " Riêng tôi thế này, riêng tôi thế khác"..
Thực ra con người ta nào có ghê gớm gì?
 Nói về sức mạnh thân xác không hơn hổ báo, sư tử. Khoẻ không bằng voi.. Chỉ hơn nhau ở đầu óc và cái tâm của chính mình. Vào cái thời nhiều giá trị bị" nhầm", bị lẫn lộn thế này, biết ai hơn ai kém?
Có những vị do thế thời đưa đẩy, vì lẽ nào đó người đời tung hô mà hào quang sáng chói, danh vọng ngất trời.. Thực ra tư chất,phẩm hạnh chắc gì đã hơn kẻ bình thường. Có kẻ chó ngáp phải ruồi, ngất ngưởng nơi cao, nhìn người bằng nửa con mắt. Có kẻ ông cha để lại, sẵn đường cha truyền con nối, có chút của, chút tiền nhìn bạn bè, thiên hạ như thịt cá. Không ăn được vỗ đít quay lưng, bần tiện và trắng trợn ra mặt! Cũng có người tự dưng gặp may, vớ được hũ bạc hũ vàng từ đời tám hoánh nào, của ai không biết, cá vào ao ta ta hưởng. Điều đó không đáng trách. Anh may mắn kệ anh. Chỉ có điều lúc có của ăn của để, sang trọng rồi đừng quên thủa bần hàn, quên bạn cũ, coi thiên hạ tất cả dưới chân mình, mở miệng là muốn dạy bảo thế nọ , thế kia, người này người khác!
Còn vô vàn những chuyện không thể kể hết trên đời..!
Gã đã từng gặp các bà mẹ vùng quê, nghèo đói khốn khổ, mà vẫn cưu mang kẻ khác, nhường cơm sẻ áo, thậm chí hy sinh của cải vật chất, kể cả tính mạng cho người mà không đòi hỏi chút hàm ơn. Kể cả những kẻ đó qua sông rồi, vẫy tay lên sóng, qua cầu rút ván, vẫn không nỡ chê trách một lời?
Nếu cần nêu bia đá, tượng vàng, hẳn là các bà mẹ này xứng đáng cho người sau lưu truyền thiên cổ hơn là bao huyền thoại hão huyền!
Vậy thì cái danh cái giá thực sự ở đâu?
Hôm qua gã có đọc một bài nhàn đàm của một người bạn, nói đúng hơn một người quen ở mức sơ giao, vì đã là gọi bạn phải là chỗ thâm giao, có quá trình tâm giao đến độ. Người này gã chỉ gặp thời gian ngắn. Không hiểu sao anh ta lại để lại cho gã nhiều ấn tượng. Có lẽ cái vẻ khinh bạc bề ngoài, sự tự mâu thuẫn về cách sống và cách nói. Cảm giác của gã không hẳn ưa, cũng không hẳn ghét, nó vừa tò mò vừa khó chịu, lại thấy mến mến ở vài khía cạnh. Tự nhiên gã có cảm giác con người này chỉ nên thoang thoảng hoa nhài, gần lâu chưa chắc đã chịu đựng nổi. Những cá tính mạnh rất khó dung hoà, khó gần nhau được lâu dài.. Nhưng đây không phải là câu chuyện về quan hệ của gã với chàng ta. Mà là câu chuyện về những điều anh ta đang quan tâm có dính líu đến mối quan tâm của gã.

Công bằng mà nói bạn gã là một tên đáng kể bởi lòng thành thực nếu không muốn nói là cuồng tin.
 Hắn sống khổ mà vẫn một lòng một dạ với một nhiệt huyết kinh người. Suốt ngày hắn lần mò chỗ này, chỗ kia tìm kiếm đề tài, kiếm tư liệu, dò la, phát hiện, những mong viết được những câu chuyện lay động lòng người!
Chỉ mỗi tội hắn "Tự biên tập"  nặng nề quá, âu cũng là cái sắc thái vùng miền chật hẹp, thiếu sự kích thích của trào lưu hiện đại.
Thời buổi mà người ta coi văn chương chữ nghĩa chỉ là cách và cuộc chơi, hắn vẫn muốn làm viên cuội cần cù quả là rất đáng cảm động! Mấy người làm được như hắn? Trong khi người ta ráo riết kiếm tìm tiền bạc và quyền lực, hắn vẫn đêm ngày vò đầu bứt tai" Viết sao cho hay, cho có giá trị?” Thật là đáng nể !
 Sức khoẻ và học hành như hắn kiếm đâu chẳng được chỗ làm? Nếu chịu khó uốn mình một tý, có khi còn được cất nhắc cũng nên. Đằng này hắn chọn cách sống tự do, làm bất kể việc gì miễn là sống được, để có điều kiện đi đây đi đó, biết được nhiều việc, nhiều người.. Tất nhiên là sống lương thiện,
 ( Điều bắt buộc đối với bất kỳ ai khi muốn cầm bút để làm thơ hay viết văn, cho dù hay dở chưa nói tới ). Chính vì thế nên hắn cô đơn, hắn buồn. Gần đây hắn vừa bị người ta" Đạo" một bài thơ, một bài thơ nhàng nhàng thôi, chả có mấy ý nghĩa vì nó vẫn chỉ loanh quanh trong cái phạm trù có từ thời "Đề cương văn hoá" quá nửa thế kỷ nay!
Điều này thì gã khác hẳn hắn. Chuyện "Đạo văn” bây giờ theo gã chẳng có gì ghê gớm. Viết được bài thơ có kẻ muốn "Đạo” gã còn lấy làm mừng ! Hẳn phải là bài thơ hay, hoặc ít ra dễ đọc ! Vậy thì buồn làm gì cho mất công ? Nhiều vị danh tiếng như cồn còn "Đạo”, huống chi một ông lão gần đất xa trời, muốn để lại cho con cháu chút danh thơm ở chốn sơn cùng thuỷ tận, chẳng nên trách lỡi làm gì. Đã đành cử chỉ ấy quả là không tốt đẹp, nhưng hờn giận đến mức như hắn thực chẳng nên. Đó là lòng tham không nỡ căm giận.  Vì rằng đó là lòng tham vô tư, không cầu lợi, chỉ chút đỉnh cầu danh lúc sắp giã từ thế giới này. Cái nguyện vọng, cái ưu ái với chữ nghĩa văn chương của ông lão có thể thông cảm được. Nào ông ta được cái gì? Ngoài cái việc bỏ tiền túi của mình ra in cả tập thơ ( Trong đó có bài của hắn) ? Thời nay còn mấy người vì văn học nghệ thuật để hy sinh như thế, hay phần đông" mượn đầu heo nấu cháo”? Mượn văn chương để mưu cầu lợi ích ngoài văn chương chữ nghĩa? Còn thơ của của hắn có đi đâu mà mất, chỉ là
"Tu hú sẵn tổ” thôi. Bài thơ của hắn có thêm dịp để thêm một số người biết đến. Đã từng có một Bạc Văn Ùi với bài thơ "Tắm tiên” bao nhiêu năm tháng mơ hồ về tác giả của nó là ai? Nhiều người cứ tưởng đó là một tác giả người miền núi, một anh Thái, anh Mường nào đó ở Tây Bắc, hoá ra lại của anh người Kinh chính hiệu quê quán ở nơi người ta vẫn đùa ác là "Ăn rau má, phá đường tàu” ! Cái kim trong bọc thế nào cũng có ngày lòi ra, việc chi phải quá lo lắng cho hao tâm tổn sức? Thơ của mình, nếu mà hay, thể nào chả có ngày "Châu về hợp phố”!
Gã cho "đạo" thoải mái, chỉ có thơ hay mới có người thích rinh về làm thơ của mình. Vậy chẳng nên tiếc rẻ. Càng có nhiều kẻ đạo thơ mình càng chứng tỏ thơ mình đã chín, đã đến độ. Việc ấy chẳng đáng mừng lắm sao? Chả hơn là thứ thơ vần vèo, éo uốn, nhạt phềnh phệch, vất bụi trúc cả ngày không ai muốn đọc. Hoặc có đọc, có khen tặng một cách xã giao, anh khen tôi, tôi khen lại, kiểu có đi có lại, chán mớ đời. Khen kiểu ấy chẳng biết hay dở, tốt xấu đúng nghĩa nó ra làm sao. Khen để mà khen, chê để mà chê vô tội vạ, không biết đằng nào mà lần ! Khen kiểu ấy, có khác nào " Yêu nhau cũng thể như mười hại nhau”?. Là việc của thằng điếc thẩm nhạc, thằng dốt thẩm văn, thằng mù xem tranh!
Rồi lại đến mối ưu tư của các "Tổ chức hội”.. Bạn gã tỏ ra quá lo lắng cho cái hội con con của mình. Hội nhớn còn chả đi đến đâu huống chi hội nhỏ. Chẳng qua nó chỉ có tính chất đoàn thể, để người ta dễ "Chỉ đạo” chứ có mấy giá trị "Học thuật”?  Xưa nay sáng tạo vốn là công việc mang nặng tính
"Cá thể”. Nó không như các công việc khác, đông người làm được nhiều, làm được tốt hơn. Một công việc "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Một tác phẩm hay có thể đánh đổ trăm vạn sáng tác dở hơi dở hám. Một bài thơ có thể ăn đứt ngàn vạn bài. Giá trị thực của nó không thuộc số nhiều. Nó thuộc về giá trị nghệ thuật mới mẻ, tinh thần nhân bản và giá trị nhân văn. Từ thời xa xưa nào có hội đoàn gì mà vẫn có " Truyện Kiều”, "Chinh phụ ngâm”, Thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du? Ngay đến hội " tao đàn” của Lê Thánh Tông khởi xướng cũng chỉ là một nhóm người vui thơ ca, đàn xướng với nhau, chưa thành tổ chức, có ban có bệ gì. Thế mà Thơ văn ngày ấy vẫn hay, vẫn còn đến bây giờ.. Bởi nó là những rung động tâm hồn, những nghĩ suy có thật từ trong tim trong óc chứ không hời hợt ngoài cửa miệng. Có tâm đắc người ta mới viết với tinh thần trách nhiệm với con người, với lịch sử, hoàn toàn không vì gì khác!
Nói vậy, không phải gã coi thường tổ chức. Bản thân gã cũng là hội viên một vài hội, gã đâu dám coi thường?
Có hội cũng tốt. Đó là ngôi nhà chung cho những người cùng nghề gặp gỡ trao đổi, giao lưu đặng học hỏi mà làm tốt hơn công việc của mình. Nếu giữ được mục đích tôn chỉ của nó thì không cần bàn, ai cũng biết có lợi rất nhiều. Khổ nỗi, gần đây nhiều vấn đề quá. Những người cùng nghề thiếu tôn trọng nhau, người trên chưa thực sự coi trọng lợi ích chung, chỉ vun vén cho mình, cho nhóm mình. Kẻ dưới thì vùng vằng nói xuôi nói ngược, chả khác gì cái chợ. Nghĩ mà buồn thay. Gã cũng buồn. Nhưng buồn như anh bạn này thì thực là " Gái goá lo việc triều đình”. Hơi đâu mà buồn cho nó mệt! Đã đành công việc sáng tạo "Trên dưới” chỉ là ước lệ. Biết ai trên ai dưới? Nhưng đã là tổ chức phải có đầu có đuôi, không thể lộn xộn.
Gã có nghe một lão nhà văn nói thế này, chả biết nói đùa hay nói thật :" Tao mà là ông Hữu Thỉnh, thằng nào thích vào tao cho vào tất. Chỉ có điều hội phí đóng thật nặng vì hội đang nghèo. Càng đông càng vui. Càng có tiền để nuôi những tác phẩm có giá trị. Nhiều anh lắm tiền thích chơi sang, hẹp hòi với họ làm gì? Cứ mời vào, họp hành đưa lên ghế danh dự, ngồi chiếu trên. Miễn là các bác ủng hộ hội nhiệt tình”.   Gã nghĩ như thế cũng không được, chả hoá ra cái hội lại tầm thường như chợ phiên trọng nhất là đông người  sao ? Còn gì là thanh cao, tao nhã, còn gì là sang trọng?
Nhưng phần nào nó có mặt tốt, nhất là trong tình trạng xã hội gần đây rất thờ ơ với văn hoá đọc. Ngày trước đi đâu mang cái nhãn nhà văn là được xung quanh ngưỡng mộ lắm. Thời nay đừng có dại! Mấy ông lãnh đạo không ưa đã đành rồi, bọn này nói năng khó nghe và bất lợi lắm. Ngay đến người thường cũng chẳng thích nào. "Một lũ hâm hâm, dở dở, phần nhiều trong túi chỉ có nắm tiền lẻ, chả ích lợi gì. Nói thì một tấc đến giời, nhưng mới nghe tiếng súng kíp đã vãi ra quần, rơi cả dép”. Ấy là gã nghe một tên chả biết nó có phải là hạng phàm phu tục tử hay không nói thế. Vì sao tên này nói vậy, gã nghĩ chưa ra?
Gần đây trên mạng còn có một blog than thở rằng: Anh ta "Vốn kính trọng các nhà văn vì rất thích viết và đọc sách. Anh ta mong mỏi có ngày trở thành hội viên của cái hội cao quý ấy. Nhưng nay thì thôi rồi. Chẳng tiền đâu tốn cho việc mua sách nữa, vì rất ít sách đáng đọc. Văn đàn như sới vật, cãi nhau không thua hàng tôm hàng cá, mình còn vào đấy làm gì ?”
 Gã có lời bình cho bài của anh ta. Rằng thì, là, mà, tình hình, đâu có đến nỗi như thế ? Chẳng qua một số người ganh ghét, nói nhăng nói cuội. Người tốt, nhà văn tốt cũng còn rất nhiều, sao lại nhìn nhận phiến diện, ác ý như vậy ?” Chẳng biết blog này có chịu để vào tai lời nói chân thành của gã không? Nhưng từ bấy đến nay chủ nhân blog này liền cho gã vào"Sổ đen”.
Từ đó gã bị cấm cửa, muốn qua chơi cũng không được, mặc dù xưa nay đôi bên rất thường qua lại, hỏi han nhau..
 Trở về với anh bạn sơ giao và mối quan tâm của bạn. Gã biết là hắn thành tâm, thành ý..
***
Gã đã viết xong Entry này, định bụng sẽ nghỉ một thời gian vì cứ làm "Văn chùa"  thế này mãi thì lấy gì để sống? Chưa kịp đăng thì xảy ra sự cố. Nhà đèn cắt điện, chỉ mươi phút thôi..Nhưng chỉ thế thôi cũng đủ cho công của gã thành công cốc, phải viết lại từ đầu. Cảm xúc là thứ rất khó tìm lại được vì nó vốn vô ảnh vô hình. Chẳng lẽ bỏ dở, thôi không viết nữa? Viết không cảm xúc gã không quen. Hắn bực mình, thấy ghét cho trận cuồng phong đêm qua (14, hôm nay đã rằm). Gió bão như bị nhốt lâu từ đời kiếp nào, đêm qua bỗng dưng xổng chuồng. Cả vũ trụ trong cơn náo loạn, sấm chớp lằng nhằng. Cây đổ, mưa xối xả. Đường dây điện chưa bị đứt, nhưng bị rối đâu đó, nhà đèn cẩn thận, đi sửa lại. Vô cớ, làm công gã thành công Dã Tràng! Đã tháng một rồi, vẫn chưa qua mùa mưa bão, một điều lạ rất ít xảy ra. Biến đổi khí hậu không còn là cái gì xa vời, đã can thiệp vào cuộc sống hàng ngày, vào ngay những con chữ gã vừa viết xong!
Gã nghiệm ra rằng, mỗi khi dính dáng đến những điều hệ trọng, "Nhạy cảm” là y như rằng xảy ra sự cố. Như thể có một thế lực gớm giếc vô hình nào đấy ngăn cản. Không bị vi rút, thì máy bị đơ, con chuột không chạy. Như có kẻ luôn canh chừng, để ý và gây khó cho gã. Thôi thì mặc kệ, cố nhớ lại viết tiếp cho bài trọn vẹn. Ghét nhất là sự dở dang, không đi tới đâu!
Gã nhớ hình như mình đã viết về khát vọng "Đỉnh cao” trong văn giới thì phải. Đoạn ấy hắn viết nhiều mâu thuẫn quá, bây giờ nhớ lại, không chính xác mấy, nhưng gã thấy nản. Chợt nhớ ông Kác Mác có nói" Mâu thuẫn là động lực phát triển”, ở cuốn thứ bao nhiêu trong bộ "Tư bản” của ông ý, gã không nhớ, nhưng chắc chắn là ông ý có nói như vậy! Vậy thì không sao, không chặt chẽ, lôgích, đầy mâu thuẫn cũng cứ viết. Viết cho thằng bạn sơ giao nơi đèo mây quán gió, hang cùng, thuỷ tận chẳng biết nó có để tâm mà đọc hay không? Nếu nó không gợi ra chuyện này qua bài tản văn của nó, chưa chắc gã đã bỏ công suy nghĩ nhiều đến thế. Với gã vấn đề đó người ta bàn luận lâu rồi, đã nguội hết cả tình hình mà chả đâu vào đâu thì bàn thêm nữa làm gì?
Có thể bạn gã vì quá đắm đuối với văn nghệ văn gừng mà vẫn còn cay cú, còn bức xúc, làm gã bị lây. Chữ nghĩa có lúc như bệnh dịch, rất dễ lây sang người khác. Bằng chứng là hồi nhỏ, gã mê đọc sách rồi thích viết lúc nào không hay!
Vậy thì lại bàn về "Tác phẩm đỉnh cao cho xứng tầm thời đại" ! Nói thì nói thế, chứ thực tâm trong lòng gã băn khoăn lắm. Không dễ gì làm được đâu, bạn thân mến ạ!
Muốn xây một toà tháp, một toà lâu đài, việc trước tiên người ta phải làm là chuẩn bị vật liệu. Sau nữa phải có một thiết kế có đầu có cuối, hoàn chỉnh và không được sơ xuất. Rồi mới tính đến cách làm, liệu sức mình mà thi công, thi thố. Chưa kể đến cái không gian, cái mặt bằng đã hội đủ điều kiện để xây dựng nó hay không ?
Người ta không thể xây dựng nó với một bản thiết kế nửa vời, đầu Ngô, mình Sở, với mớ vật liệu kém chất lượng trong cái khoảng "Sàn" và "Trần" tạm bợ được.
Chắc hẳn bạn gã đủ biết những cái đó trong lao động con chữ là những cái gì rồi, khỏi bàn cho thêm nát chuyện, rối rắm.
Đời sống vật chất ngày nay, sau những e ngại, rụt dè, đã dám" Mở cửa" phải nói cho công bằng là khá hơn trước đây rất nhiều. Nỗi lo cơm áo không còn ám cả vào giấc ngủ như xưa. Ngay đến công nghệ viết, rồi in ấn đã cách xa một trời một vực. Các nhà xuất bản không còn phải nhận các tập bản thảo nhem nhuốc như mớ giấy lộn, vì là giấy "Tiết kiệm", chữ viết phải vừa đọc vừa đoán mới trúng ý tác giả. Còn nhà văn thì ông nào ông ấy cũng tinh vi, vi tính đàng hoàng. Chỉ cần một ngày, một đêm là có thể đi hết đầu nước, cuối nước, nắm hết tình hình. Lẽ ra thuận lợi như vậy, tác phẩm phải hay, có tác phẩm đỉnh cao lâu rồi mới phải ?
Sao chỉ rặt những mớ làng nhàng, bản thân người viết chưa thấy tự tin, nói gì đến người đọc ?
Vậy thì có nghịch lý nào ở đây ? Thuận mà không lợi ?
***
Có thể do phát triển nóng, tự nhiên mất đi cái cảm giác thăng bằng vốn có. Bệnh béo phì và ô nhiễm môi trường đang làm cho nhiều người e ngại. Tiện nghi vật chất thì dồi dào mà tâm hồn con người trống rỗng, vô cảm. Công nghệ giống như con dao hai lưỡi, làm tổn hại đến đời sống tinh thần.
 Có một thống kê cho thấy, chiều cao bình quân của người Việt năm mươi năm qua tăng chừng 10cm, màu da sáng hơn 20%, và cân nặng tăng chừng 7,5 Kg ! Số người mù chữ hầu như không còn nữa và dân số tăng hơn 200% ! Đấy là tăng trưởng "Phần cứng" cơ học !
 Còn" phần mềm"  thì chưa ai thống kê, chưa biết đạo đức, lối sống, lòng yêu thương lẫn nhau tăng bao nhiêu ? Nhưng chắc chắn là nó sẽ theo chiều ngược lại. Chưa bao giờ tinh thần xã hội lại tha hoá như ngày nay. Không thể thống kê hết chuyện lừa thầy phản bạn, ngược đãi người thân, vô cảm, vô tình, dửng dưng một cách độc ác, những chuyện kỳ quái diễn ra hàng ngày. Chỉ cần theo dõi trên báo chí ( Tất nhiên số vụ việc còn rất hạn chế ) cũng đủ để biết đời sống chúng ta đang ở quỹ đạo nào? Những vụ án khủng khiếp xưa nay chưa từng xảy ra, con giết cha, vợ sát hại chồng, rồi tham nhũng, bất công kể ra không xiết ? VV..
Vậy trong bối cảnh ấy, người viết phải viết như thế nào ? Nếu anh cứ trung thành với đời sống thật để lên án, phản biện rất dễ bị nghi ngờ là có ác ý, muốn "Bôi đen", hoặc tệ hơn là đầu độc bầu không khí xã hội. Rất dễ bị sa đà vào những rắc rối không cần thiết.
Ngược lại, tìm những hình tượng trong sáng, tươi đẹp, đề cao đạo đức như mấy chục năm vừa qua vẫn làm, lại sợ tuột theo con đường cũ, không còn mấy người hưởng ứng. Nó vừa gượng gạo, không thật thì lấy đâu ra cảm xúc?
Người viết chỉ còn một trong hai lựa chọn : Một là để sống bằng ngòi bút cứ kiên trì "ăn theo" báo chí. Đừng có ý kiến ý cò làm gì. Tránh xa nhữngvùng cấm kỵ nhạy cảm.
Hai là tìm phương kiếm sống và cứ viết để đấy, dẫu có phải "Ủ lá chuối" cũng được. Viết thật lòng mình, giá trị tác phẩm đến đâu còn do tài năng, sức học, sức viết, sức cảm nhận của mỗi người !
Muốn nói gì thì nói, bản thân người viết không thể thoát ra ngoài bầu khí quyển văn hoá chung của cộng đồng. Anh càng nhạy cảm anh càng đớn đau, không đủ bản lĩnh rất dễ tuyệt vọng. Nếu anh thờ ơ, lạc quan tếu, hoặc làm bộ lạc quan, cái giá phải trả càng lớn. Có khác nào có bệnh trong người lại cố tình che dấu, không chịu cắt bỏ phần u nhọt đang kỳ nung mủ ?
Dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên ý kiến và khát vọng của mình đó là bổn phận của những người cầm bút chân chính.
Chưa đến lúc bàn "đỉnh cao hay chưa đỉnh cao". Hãy viết cho tử tế đã, rồi đến chừng mực nào đó đỉnh cao rồi tự nó sẽ đến. Không thể đi tắt, đón đầu hay kỳ vọng ở điều gì khác. Con đường của tư tưởng, của văn nghệ nói chung là con đường tiệm tiến, có khi có bước lùi, nhưng đừng sốt ruột, nên kiên nhẫn và tỉnh táo!
Người thợ muốn xây ngôi nhà cho đàng hoàng, phải chú ý từng viên gạch, mạch vữa, từng cấu kiện bê tông. Không thể cứ hè nhau, muốn xây là xây. Có khi có tiền chưa chắc đã làm được nếu làm không đúng cách!
Còn nhiều điều gã muốn bàn với bạn, nhưng hình như hắn không thích thì phải. Hôm nào trong mục "Khách mới vào" gã cũng thấy hắn có mặt, nhưng im lặng không ý kiến gì. Không biết hắn đồng tình hay phản đối ?Hay hắn cho chuyện chẳng có gì đáng nói, không đáng để tâm ? Chỉ thấy hắn liên tục đưa lên đăng những bài gã thấy thất vọng quá! Lúc này là lúc nào mà mà viết lách như vậy ?
Giá như hắn không có nguyện vọng, coi viết như một nghề thiêng liêng thì chẳng nói làm gì. Hắn cứ viết như bao người khác, để giải toả, để giao lưu chẳng chết ai cả! Lại rất có ích cho mỗi người, thêm bè thêm bạn, học hỏi lẫn nhau, cổ vũ động viên nhau trong cuộc sống. Thật là hữu ích !
Nhưng hắn thì khác. Hình như người bạn này có tính kiêu ngầm, hoặc sống quá lâu trong môi trường có nhiều giả tạo nên giả vờ phớt lờ đấy chăng ?
Gã thấy tốt nhất là thôi không nói nữa. Không có người nghe, nói làm gì ?

Chiều qua gã trèo lên mỏm núi đá thật cao vì chỗ gã không có biển. Gã quay mặt vào rừng, gào thật to theo cách người ta hướng dẫn xả stres. Ba bề vắng vẻ, chỉ có tiếng yếu ớt của gã vọng lại từ vách núi phía xa. Hình như có mỗi con kỳ đà đang ăn mối ở đâu đó hoảng hốt, chui  vội vào khe đá !

                                              *****


Đời sống ( Bài của bạn VDL )



Tin Frankfurt, Ðức trong một cuộc nghiên cứu xem ra khá kỳ lạ do các nhà nghiên cứu người Ðức thực hiện gợi ý rằng, nếu người đàn ông cứ nhìn ngắm cặp ngực của phụ nữ thì sức khỏe của họ sẽ tốt hơn và tuổi thọ của họ sẽ kéo dài thêm nữa.

Theo nữ Bác Sĩ Karen Weatherby, chuyên khoa tuổi già và là tác giả của cuộc nghiên cứu này, thì nhìn ngắm cặp nhũ hoa của phụ nữ là một thói quen lành mạnh và bổ ích, hầu như chẳng thua kém gì với việc theo đúng một chương trình thể dục vậy. Và hành động này lại có thể kéo dài tuổi thọ của người đàn ông lên thêm 5 tuổi nữa chứ chẳng phải đùa.

Vị nữ bác sĩ nói thêm : “Chỉ cần 10 phút nhìn chăm chú vào bộ phận trời cho đẹp kia của người phụ nữ thì cũng tương đương

Một cuộc nghiên cứu 500 người đàn ông trong 5 năm trời

Các nhà nghiên cứu từ 3 bệnh viện tại Frankfurt bên Ðức đã thực hiện một cuộc thí nghiệm và phân tích thấu đáo 200 người đàn ông khỏe mạnh trong một thời gian là 5 năm. Phân nửa số đàn ông tự nguyện tham gia cuộc khảo cứu này được lệnh, ngày nào cũng phải nhìn ngắm cặp nhũ hoa của các phụ nữ, trong khi những người còn lại thì bị cấm không được làm theo như vậy.

Kết thúc cuộc nghiên cứu, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng những ông nào cứ thấy ngực phụ nữ là nhìn vào thật đều đặn thì áp lực máu của họ thấp hơn, nhịp đập con tim khoan thai hơn và ít khi bị các trở ngại về vành động mạch.

Vậy thì còn chờ gì nữa, xin mời cùng ngắm nhé....
Thu gọn bài đăng này

+7

10 bí ẩn về con người thời tiền sử

Chúng ta tiến hóa như thế nào vẫn là một câu hỏi không có lời giải đáp. Rốt cuộc, trong quá trình tiến hóa của nhân loại, trước tiên đã xuất hiện những bước nào? Vì sao chúng ta lại tiến hóa, đi theo hướng phát triển này mà không phải là một hướng khác? Vì sao chúng ta còn tồn tại? Trong quá trình tiến hóa của chúng ta, có thể đi theo những con đường khác để phát triển không? Tương lai chúng ta sẽ còn tiến hóa nữa hay không?...
Dưới đây là 10 vấn đề lớn về con người thời cổ đại vẫn chưa có được lời giải đáp chính thức từ các nhà khoa học.

10. Vì sao chúng ta lại có một bộ não lớn?

Không có gì phải nghi ngờ rằng một bộ não lớn đã làm cho con người có một ưu thế tuyệt đối trên thế giới này. Thế nhưng để duy trì cho bộ não hoạt động một cách bình thường chúng ta phải trả một cái giá đắt tới không tưởng. Bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng của cơ thể, nhưng tiêu hao năng lượng của cơ thể tới 20%. Cho đến 20 ngàn năm trước, nếu tính theo thể hình, bộ não của tổ tiên chúng ta gần như không hề to lớn hơn khỉ, vượn là bao nhiêu.
tiến hóa
Thế nhưng nguyên nhân nào đã khiến bộ não chúng ta ngày một lớn hơn? Có một khả năng đó là việc phát triển bộ não giúp tổ tiên chúng ta có thể tạo ra những công cụ tốt. Còn một nguyên nhân khác đó là, với bộ não lớn, có thể giúp con người giao lưu với nhau một cách dễ dàng hơn. Cũng có thể, hoàn cảnh biến đổi không ngừng cũng ép buộc tổ tiên chúng ta phải biến đổi không ngừng theo thế giới mà tiến hóa bộ não lớn hơn.

9. Vì sao con người sử dụng 2 chân để đi?

Trước khi tổ tiên chúng ta biết sử dụng công cụ đồ đá hay tiến hóa thành sinh vật có bộ não lớn hơn thì con người đã đứng thẳng bằng hai chân. Thế nhưng vấn đề là: Vì sao con người lại tiến hóa theo hướng đứng thắng bằng hai chân mà những họ hàng khác của chúng ta đều phải dùng tới tứ chi?
Các nhà khoa học cho rằng, là một động vật đi bằng hai chân, có thể việc vận động sẽ giảm bớt năng lượng hơn tứ chi nhiều lần. Việc giải phóng hay tay đã cho phép tổ tiên chúng ta có thể tiện lợi khi mang thức ăn. Tư thế đứng thẳng, thậm chí có thể giúp đỡ con người tiện lợi hơn trong việc giữ nhiệt, giảm bớt diện tích phải tiếp xúc của da với mặt trời.

8. Lông của con người đã biến đi đâu?

So với những họ hàng đầy lông lá khác của chúng ta thì bề ngoài cơ thể của con người có thể coi là duy nhất. Vì sao chúng ta lại phát triển theo hướng này? Có một cách lý giải đó là khi tổ tiên chúng ta vượt qua thảo nguyên châu Phi nóng bỏng để thám hiểm, thì việc rũ bỏ lớp lông ngoài là một cách tán nhiệt tốt nhất.
Một lý giải khác đó là việc giảm bớt chiếc áo lông trên người là cách giảm bớt ký sinh trùng và các bệnh tật khác truyền nhiễm. Còn một quan điểm có phần cực đoan hơn đó là khi tổ tiên chúng ta sống dưới nước thì đã phát triển thành một cơ thể không còn lông nữa, tuy nhiên so với những động vật có vú sống dưới nước thì chúng vẫn có một lớp lông dầy để che thân.

7. Vì sao những họ hàng của chúng ta đa phần đều bị tuyệt chủng

Khoảng chừng 24.000 năm trước, “người thông minh” Homo sapiens không phải là loài duy nhất tồn tại trên thế giới. “Họ hàng” gần nhất với chúng ta, những người Neanderthals vẫn chưa hoàn toàn tuyệt chủng. Ở Indonesia còn phát hiện ra người “Hobbit”, là một nhánh của loài người, cũng có thể sống tới cách đây 12.000 năm.
Tiến hóa
Vì sao họ lại bị tuyệt chủng mà nhánh của chúng ta vẫn còn tồn tại? Phải chăng do có những căn bệnh truyền nhiễm nào đó hoặc hoàn cảnh khắc nghiệt đã làm cho họ bị tuyệt chủng? Hay bởi vì những con người “tiên tiến và cao thượng” chúng ta đã tiêu diệt những con người kém phát triển đó?

6. Con người vẫn đang tiếp tục tiến hóa?

Những phát hiện gần đây cho thấy con người không chỉ vẫn tiến hóa mà đang tiến hóa rất nhanh. Từ khi kỹ thuật nông nghiệp được phổ cập, sự tiến hóa của con người đã hơn gấp trăm lần so với mức độ trung bình của lịch sử. Có một số nhà khoa học không đồng tình với quan điểm trên.
Họ cho rằng những số liệu này vẫn chưa đủ xác định liệu các gen tạo cho chúng ta khả năng thích ứng đối với hoàn cảnh có tăng lên hay không. Nếu như việc tiến hóa của con người đang tăng nhanh, liệu chúng ta có nên đặt câu hỏi vì sao? Ăn uống và bệnh tật sẽ là những áp lực bắt buộc con người phải thay đổi những hành vi và tập quán.

5. Người Hobbit là gì?

Người Hobbit – một giống người nhỏ bé được phát hiện vào năm 2003 trên đảo Flores của Indonesia. Vậy một loài đã thực sự bị tuyệt chủng có thể được gọi là quần thể người Flores hay không? Những xương người đó có phải là xương của người Homo sapiens bị biến dạng hay không?
Họ có phải là một nhánh khác của loài người đã bị tuyệt chủng hay không? Họ có thể gần giống với tinh tinh, tuy có gần gũi nhưng đã cách biệt nhau rất xa rồi. Giải quyết được câu trả lời này có thể giúp chúng ta hiểu thêm về quá trình tiến hóa cơ bản của con người.
tiến hóa

4. Vì sao người hiện đại bắt nguồn từ châu Phi

Khoảng 50.000 năm về trước con người bắt đầu phát triể rộng ra thế giới bên ngoài, vượt khỏi Châu Phi và lan ra khắp tất cả mọi nơi trên thế giới (trừ Nam cực), kể cả những đảo xa xôi giữa Thái Bình Dương. Có nhà khoa học phỏng đoán, việc di cư này có thể liên quan tới sự đột biến gien.
Sự đột biến này đã thay đổi não bộ của chúng ta, dẫn tới việc con người muốn thay đổi, hiện đại hóa, từ đó cho chúng ta khả năng sử dụng ngôn ngữ và công cụ phức tạp hợn, xây dựng xã hội và nghệ thuật của con người. Còn một quan điểm khác phổ biến hơn đó là hành vi thay đổi, hiện đại hóa đã xuất hiện từ rất sớm, trước khi con người rời khỏi Châu Phi, khi nhân khẩu ở Châu Phi đã tăng lên quá cao, con người buộc phải rời khỏi đó để tìm những vùng đất mới – và cuộc cách mạng của con người đã bắt đầu.

3. Chúng ta có tạp giao với người Neanderthals không?

Chẳng lẽ con người chúng ta chỉ có giao phối trong dòng? Trong cơ thể của chúng ta phải chăng có tồn tại những ADN của những người họ hàng? Có những nhà khoa học phỏng đoán, có thể người Neanderthals thực sự không bị tuyệt chủng mà bị con người chúng ta đồng hóa.

2. Ai là người nguyên thủy đầu tiên?

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rất nhiều động vật hai chân có thể gọi là người nguyên thủy, bao gồm tổ tiên trực hệ của con người hay những họ hàng. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra đâu là người nguyên thủy sớm nhất, để trả lời cho rất nhiều những mối quan tâm về sự tiến hóa của con người: Quá trình thích ứng đã diễn ra như thế nào để con người trở thành con người hiện nay, có những bước phát triển nào đã xảy ra?
tiến hóa

1. Người hiện đại xuất phát từ đâu?

Vấn đề gây tranh cãi nhất đối với khoa học hiện nay đó là vấn đề liên quan tới con người hiện đại đã xuất hiện từ đâu. Giả thuyết xuất phát “từ châu Phi” cho rằng con người tiến hóa bắt đầu xuất phát từ Châu Phi sau đó lan tỏa ra các nơi trên thế giới, tiêu diệt các giống người đồng loại và thay thế họ (giống như vài trăm năm gần đây người Châu Âu đã đồng hóa và tiêu diệt những người da đỏ châu Mỹ) .
Giả thuyết “đa nguyên” thì lại cho rằng con người ở nhiều địa vực khác nhau, xuất phát từ nhiều nơi và dần dần lớn lên. Ở các nơi khác nhau, tiếp cận với các vùng lân cận để giao phối và thừa hưởng những đặc điểm di truyền của nhau, dẫn tới sự sản sinh của nhân loại. Hiện nay quan điểm từ “Châu Phi” vẫn là quan điểm chủ đạo, nhưng những người giữ quan điểm “Đa nguyên” vẫn giữ vững quan điểm của mình về sự xuất hiện của người hiện đại.
Theo Vietnamnet