Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

MỘNG


                                 


 Có thằng bạn khuyên hắn :" Nên bỏ , đừng blốc, bơ leo gì nữa, mất thì giờ lắm, tập trung thời gian vào viết lấy một vài cái nên hồn. Đừng có quá quá tin vào mấy cái khen chê trên mạng, ảo cả không có gì là thật, nó không phải văn chương, vừa mất thời gian lại tốn tiền" Lúc ấy hắn nghe, cảm động lắm! Lời nói chân thành và thiết thực làm sao!
 Nhưng rồi hắn không bỏ được.
Hình như hắn nghiện mất rồi, hắn vẫn viết, có ngày hai ba bài, phần nhiều là những bài vớ vẩn như bạn hắn nói.
Không biết do bài hắn viết " Chưa tới" hay điều hắn đề cập đến không mấy người quan tâm, mà khách đọc rất ít, có ngày chẳng có ma nào bình cho hắn lấy một câu.
Hôm nào viết được bài thơ tình, số người đọc có cả trăm, những bài đả động chuyện khác chỉ dăm ba người. Hình như thời buổi bây giờ, no cơm ấm cật, thiên hạ dửng mỡ vì thừa hoóc môn sinh sản nên chuyện yêu đương chăn gối là mối quan tâm hàng đầu. Chả cứ bọn trẻ, già khú đế lão lai cũng mê mẩn tình yêu. Yêu là lẽ sống, là niềm hy vọng, mục tiêu và đích phải đến của cuộc đời!
Có ông lão ngoài bảy mươi còn cưới vợ, làm đám cưới linh đình. Hỏi ra mới biết cụ là quan chức về hưu, lại có ông con làm cảnh sát trưởng, cỗ cưới làm gần hai trăm mâm ( Cốt nhận phong bao là chính, vì con cụ có chức có quyền lại rất quái )! Mà mốt người già say yêu lại đang thịnh hành. Chỉ có các cụ mới có tiền tích luỹ cả đời, mới đủ tình phí chi phóng tay. Hầu hết các anh trẻ bây giờ còn lo học hành, lo công việc vào thời điểm suy giảm kinh tế rất dễ thất nghiệp này, còn hơi sức đâu lo chuyện tình ái? Các cô nàng kêu ca, thất vọng, oán thán trên mạng quá đông là phải thôi . Có lẽ đó là lý do để thơ tình được nhiều người chuộng!  
Hắn cũng không ngoài đám chúng sinh hớn hở đó. Thậm chí trước kia hắn còn là kẻ si tình, đa tình đến lũ lẫn, dám đổi cả mạng sống của mình cho người mình yêu. Chỉ sau cuộc hôn nhân khốn nạn hắn mới suy nghĩ lại. Hắn mới thấm thía " Tham sân si " là có ý nghĩa như thế nào.. Đấy là lý do vì sao mà hắn ít viết thơ tình. Lại nữa còn nhiều điều cần phải để tâm đến, không chỉ tình tang, ướt váy ướt quần, yêu đương là tất cả .
Nhưng mà viết cái gì? Chủ nghĩa hiện thực chưa phải đã cáo chung như bác nhà văn họ Nguyễn kêu gào, nhưng xem ra người đọc không mấy mặn mà, hiện sinh thì bị cho là tự nhiên chủ nghĩa, dễ dãi, tầm thường. Hiện thực huyền ảo còn khá mới mẻ ở xứ này . Một thời kỳ văn học bị đóng băng trong các khuôn khổ và ướp xác quá lâu tạo nên mỹ cảm đọc khô cứng.
Một số chạy theo lối viết hoang đường, chuyện ma quái, kỳ bí theo kiểu kiếm hiệp “Chết rồi lại sống”. Chuyện tôn giáo “con thuyền Nô ê”, chuyện “mật tu xứ Tây Tạng” mịt mờ. lấy chữ nghĩa lòe thiên hạ. Thời buổi CNTT phát triển, chả cần phải đi thực tế trải nghiệm tới đâu, cứ ngồi nhà gõ vào Google là thám hiểm chẳng sót chỗ nào, nói xoen xoét, cứ y như thật! Không cần mất công mất của, mất thời giờ mà vẫn như người trong cuộc. Có một tí tưởng tượng, tưởng bở thêm thắt vào lại càng hay. Chưa thời nào người ta dễ lòe người và bị người lòe dễ như thế kỷ 21 này!
Viết theo lối truyền thống, đọc theo lối truyền thống, cứ phải theo một cái mốt của ai đó có bề thế phán rằng .. Mà thực ra tính chân thực được bao nhiêu phần trăm, hay cũng đều hư cấu cả? Đấy là nói cho có phần văn vẻ, chứ nôm na thì gọi là láo khoét cả !
Sáng tác văn học bây giờ tính chân thực, vui buồn của cuộc đời chia sẻ với đồng loại được bao nhiêu? Có lẽ không cần nói mọi người cũng đã rõ.
Một dạo, tháng nào hắn cũng có dăm ba bài, không đăng báo cũng in tạp chí. Nhưng gần đây hắn nản, không muốn viết nữa. Cái lý do làm cho hắn nản là cách thẩm định, đánh giá của người biên tập. Hình như người ta làm những công việc này vì những mục đích ngoài văn học. Cùng một truyện ngắn, kẻ này chê hết lời, người khác lại bảo hay, định đưa vào giải thưởng!
Đấy là văn xuôi. Thơ có dạo hắn định bỏ hẳn không ngó ngàng đến. Người đời coi bọn làm thơ như kẻ dở người, hâm hâm chập chập, nhập vào đám ấy nào vinh hạnh gì?
Giống đời làm thơ phải hơi điên điên lên thì thơ mới hay.Tâm trạng ấy đối phó với cuộc sống thực hàng ngày chả khác nào say rượu đi trên dây thép! Tỉnh táo quá, ranh ma quá như thằng bạn hắn, thơ viết như văn cúng ruồi, tế chúng sinh thì ai đọc?
Nói tóm lại đang có tình trạng loạn chuẩn, mà văn chương đã loạn thì không biết đâu mà nói!
Đó là vài lý do mà lời góp ý của bạn hắn không thành hiện thực.
 Khốn nạn cho hắn là có thói quen phải đọc hoặc viết một cái gì, không có không chịu được. Giống như sản phụ sợ thai chết lưu trong bụng. Vậy là hắn cứ viết blog mặc dù bạn hắn có vẻ không bằng lòng, có thể còn tuyệt giao không chơi với hắn nữa.
Kệ, hắn cứ làm những gì hắn thích!!
Nhưng giờ hắn cũng bắt đầu chán, lúc nào hắn bỏ hắn cũng chưa biết chừng. Còn lúc này  hắn viết như chưa viết gì cả.
Ở gần nhà hắn có mụ nạ dòng, xưa là ca sĩ phòng trà, giờ về hưu ( Gọi cho sang, chứ thực ra là thất nghiệp ). Mụ về mở phòng karaôkê , khách vắng lắm . Đêm nào mụ cũng hát ống ống một mình. Mụ hát vì không ngủ được, vì nhớ thời phấn son của mình . Xung quanh bực lắm, hắn cũng bực vì ồn ĩ cả đêm, không viết cũng không  ngủ được. Những muốn tặng cho mụ cục đá vào nhà để mụ thôi cái loa rè đi ..Nhưng lại nghĩ mụ hát cũng vì nghiện, cũng như mình, nếu thằng bỏ mẹ nào nó không ưa những gì mình viết tương đá vào nhà mình thì sao?
Thôi cứ để mụ tự do ca hát, cũng như mình viết vớ, viết vẩn!
Tự do luôn là ước vọng của loài người, sao lại ngăn cản mụ ?

Nhưng rồi thấy bạn nói cũng có lý. Trí lực con người cũng là tài sản, có khi còn quý hơn vàng, không nên phung phí. Tào lao thiên cuốc liệu rồi mang lại cái gì? Cuộc đời đã quá dư thừa ảo mộng liệu có nên thêm giấc mộng xuân này?
Giấc mộng gặp hồng nhan tri kỷ, bạn tâm giao, hay gì gì.. nữa liệu có xảy ra trong đời?
Hay chỉ mình huyễn hoặc, tự ru mình theo kiểu AQ?
Tốt nhất là hãy tư duy tỉnh táo và nhớ là đừng ..MỘNG!





Một ngày sau cơn mê..


1291965944_3244.jpg

Đang buồn, chẳng định đi đâu. Lại nhớ hôm ở Hà nội nghe đọc thơ Đồng đức Bốn, mà kinh:
"Buồn buồn chẳng biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu qua cầu Chương Dương.."
Nhà thơ viết những câu thơ này chỉ ít lâu sau là mất. Như vệt sao băng rơi vội ở cuối chân trời.
Nghiệp viết, tự nhiên nổi đình nổi đám là chuyện thật đáng sợ. Lâu rồi như Vũ Ttrọng Phụng, Nam Cao .. Gần đây : Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Lãng Thanh .. Toàn những tài năng mới mẻ đi qua thế giới khi tuổi còn quá trẻ. Để lại tiếc thương cho không biết bao bạn bè, người đọc trong đó có mình.
Có lẽ, như các cụ bảo chết trẻ, khoẻ ma, linh hồn họ còn vấn vít, đuà bỡn cõi đời khá là lâu . .
Hắn chẳng có tài năng và mong ước như thế. Hắn chỉ là tên viết quèn, lẫn lộn trong đám vô danh, chỉ có ít  người biết. Nhưng cũng tự thấy mừng, mình không đột ngột sáng bừng lên để rồi ngỏm vội như những tài năng nọ !
 Thôi thì cứ cố gắng thử, trời chả phụ công ai, miễn là đừng có vội vàng bỏ cuộc. Nay một chút, mai một chút, dần  dần sẽ sáng lên từ từ . . Tự an ủi mình chậm mà chắc.
Nhưng không phải lúc nào cũng viết được. Có lúc chữ nghĩa sắc nhọn như mảnh chai vỡ cứa vào tâm vào não, buốt nhói mà không sắp xếp được thành câu, viết ra thành lời. Lại có lúc nó khô khốc như mớ rơm mớ cỏ chẳng đáng nuôi bò. Sợ nhất nó nhạt nhẽo vô duyên vì cũ kỹ, vì giả dối.. Hắn nhớ đến cái giọng cười mỉa mai của ông bạn già mà muốn khóc :
" Văn chương chữ nghĩa bề bề
Bị lờ  ám ảnh là mê mẩn đời "!
Nhiều lúc muốn bỏ mà không bỏ được. Y như con nghiện, vật vã hàng tuần vì không viết được cái gì ra hồn.
Việc gì muốn cố, có thể cố được, chứ viết lách biết cố làm sao?
Hôm qua sếp bảo:
- Tết nhất đến nơi rồi, năm mới là năm có nhiều sự kiện trọng đại.. ( Hắn nghĩ ngay trong bụng : Năm nào mà không trọng đại ?  Một đời người mấy mươi năm, chả có năm nào đáng bỏ đi cả, cho dù năm đó toàn chuyện không vui, thậm chí đau lòng.. Làm cái thằng người học đòi viết lách hắn biết lắm chứ, cái gì cũng cần, không lúc này thì lúc khác. Có năm tháng nào đáng bỏ đi đâu? )
Sếp tiếp:
- Ông về viết cho tôi cái ký, nếu viết được tuỳ bút thì tốt nhất. Truyện ngắn, thơ thì có đầy ra đấy rồi. Số tết này bí nhất là không có cái ký cho báo nhà .. Ông là chúa lười, chả chịu viết mấy thể loại này. Lần này cố gắng lên, không cần dài, có nội dung hay, có phát hiện mới là được rồi. Thêm vài bức ảnh càng hay ..
Hắn thưa:
- Nhà em đã gưỉ mấy bài ở chỗ anh rồi ạ?
Sếp nhăn mặt :
- Không được, không được! Ông viết thế quá bằng giết tôi. Báo tết mà mấy cái tít ông đặt tên như thế quá bằng chơi xỏ nhau. Ông định để người ta chan tương đổ mẻ lên đầu tôi à? Nói thật nhá,  mấy lần in bài của ông tôi đều lo thấp thỏm như gái mới về nhà chồng. Qua vài ba ngày không có chuyện gì, đêm mới chợp mắt được đấy. Lúc nào cũng nơm nớp lo một cú điện thoại ..
Hắn nghĩ bài vở mình viết với ý thức trách nhiệm, có gì sai về nội dung đâu? Này nhé : Không kích động bạo lực, kích dục, khiêu dâm, không tiết lộ bí mật, không chống bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Chỉ cảnh báo cái ác, phản biện cái sai, cái xấu ..vv nói chung là lành mạnh , đúng với tiêu chí là" chân, thiện mỹ". Vậy thì không được, hỏng ở chỗ nào?
 Hắn hoang mang quá, nhưng lại không dám tranh luận với sếp.
Kinh nghiệm ấy hắn rút ra được sau nhiều năm làm việc với sếp rồi. Cãi lại sếp bao giờ mình chẳng thua? Ông có trăm ngàn lý luận để chiến thắng mình. Đằng sau ông ấy cả một thành trì tư tưởng chống lưng. Ông ấy thắng một cách lẫy lừng, quang minh, chính đại nữa ấy cơ chứ!
Hắn chỉ dám hỏi lại :
- Nhưng nội dung mấy bài nhà em viết có gì không phải ạ ?
Sếp cười :
- Nội dung không có gì sai. Nói hay, chưa phải hay qúa, nhưng đọc được. Chết nỗi mấy cái tít không ổn . Ai lại "…” với "…” như thế bao giờ . Người ta không gõ vào đầu tôi ấy à?
Hắn không nói gì nữa, chờ nghe ông nói nốt câu rồi đi. Không khí lúc ấy trong phòng như lắng lại. Hôm ấm trời, vậy mà trong phòng như đóng băng .
Sếp rót cho hắn ly trà nóng, mùi rất thơm rồi như để tâm sự, sếp xuống giọng :
- Ông còn nhớ vụ mấy bài thơ tết năm ngoái của tay K, tay H không? Có mấy câu mà tôi xoay mãi mới đỡ được .
Quả tình thơ phú mừng xuân năm ngoái hắn quên tiệt, không nhớ bài nào, kể cả thơ của mình. Thơ in báo chẳng mấy khi hay, làm sao nhớ được lâu như vậy?
Nhưng sếp nhớ vanh vách, đọc dẫn chứng luôn:
- Hãi nhất là cái câu: " Gió đồng vẫn thổi dọc sông
                                      Người đi , đi mãi .. Sao không thấy về .."
Tôi cứ bị người ta vặn hỏi mãi:" Người không về, thì người đi đâu?" . Các ông không phải chịu trách nhiệm, các ông đâu biết cái khổ của thằng cầm bút ký duyệt  bài đâu ..
Đang buồn vì bài của mình bị sếp chê mà hắn suýt chết sặc vì cười, ly nước trà  đang cầm trên tay sánh cả ra ngoài, đổ ướt mặt bàn.
Sếp nghiêm mặt :
- Có gì mà cười, sự tình là thế đấy, các bố đừng tưởng ngon. Người ta đâu có thì giờ đọc kỹ hết nội dung, chỉ lướt cái tít thôi chứ. Nội cái tít như của ông, tôi đã chết bỏ mẹ rồi!
Hắn định nói:" Vậy nhờ anh thay hộ cho cái tít”  nhưng lại thôi. Nếu quả thực ông ấy muốn giúp, ông ấy thiếu gì cách, thêm hoặc bớt là việc và cũng là nghề của ông ấy, được người ta cho phép và khuyến khích để gác đền cơ mà ?
Vấn đề là bài của hắn chưa cần với tiêu chí đặc biệt của số báo này. Cũng có khi còn vì những lý do quỷ quái nào đấy, ai mà biết được?
Hắn luôn giữ chủ trương của mình. Ấy là bài gửi không bao giờ hỏi lý do tại sao không được in?
Người có chút tự trọng đều làm như vậy. Hỏi nữa sẽ bị đốp vào mặt: " Viết như cứt như thế cũng in được sao?"   thì còn mặt mũi nào?
Nói gì thì nói, sếp hắn xưa nay là người chính trực, làm việc không vụ lợi, vơ vào cho riêng mình bao giờ. Ông không như người khác, phụ trách các tờ báo khác, toàn in bài vở của anh em, gia đình, thân thích của mình. Thậm chí có ông còn chủ trương " Nhuận bút ngược”   khi tác giả cần in bài để thành danh. Ôi là giờ đây, cái gì cũng có thể xảy ra , như người ta nói .
Chợt nghĩ đến mà buồn hết cả chân tay!
Hắn lặng lẽ xin phép ra ngoài. Tết này coi như mình yên trí không phải ký tên vào sổ lĩnh tiền nhuận bút, tha hồ nhàn nhã để nghĩ đông, nghĩ tây, đỡ rách việc!
**
Hắn còn nhớ như in, đêm hôm trước ngoài vườn có tiếng cú kêu trên ngọn cây nhãn. Cây này thuộc giống nhãn lồng, mọi năm rất sai quả lại quả to và ngọt.
Riêng một cây đến vụ cũng thu được vài ba tạ. Không hiểu sao từ độ năm ngoái đến giờ cây cứ dần khô đi, gần đây thì chết hẳn. Có thể do trời hạn luôn mấy năm liền cây mất dần sức sống. Cũng có thể do ô nhiễm công nghiệp trong vùng mỗi ngày một nặng vì nhãn là giống cây nhạy cảm với xung quanh .. Nhiều lý do lắm, nhưng vì nhãn không còn là cây có giá trị kinh tế cao như ngày nào,  nên hắn chẳng bận tâm tìm hiểu lý do vì sao cây chết? Có khi trồng bưởi, trồng cam sành lại hay hơn ..
Giống cú hay tìm cây khô để đậu, như quạ tìm xác chết động vật, chuyện này hắn biết nên lúc đó không để ý lắm.
Nhưng đêm hôm đó hắn gặp cơn ác mộng, lâu lắm hắn không gặp như  thế lần nào.
Trong giấc mơ không phải gặp:" Mặt trời thức dậy..”   Như thơ Lưu Quang Vũ viết trong một bài thơ cho đến giờ còn rất ít người biết, chỉ bạn bè chuyền tay nhau. Mà là đường hầm tối đen, không có lối ra. Hắn đi mãi, đi mãi.. Đến gần kiệt sức, thấy phía cuối le lói ánh đèn. Hắn mừng khấp khởi. Hại thay đó là lối thoát được đan dày bằng dây kẽm gai.. Hắn tủi thân muốn khóc! Nhưng thằng đàn ông luôn kiêu hãnh trong hắn nhắc hắn không được ngã lòng!
Hắn tự an ủi thế nào cũng có một lối ra ở chỗ nào đấy.. Chẳng qua trong đêm tối mình không nhận ra mà thôi..
Đằng nào cũng mắc kẹt ở đây rồi, cứ tạm nghỉ một chút, lấy lại sức.. mai sẽ hay.. Hắn bồng bềnh trong cơn mộng mị. Chợt hắn nhận ra, trên nền hầm chật chội đang nằm, có một mũi sắt nhọn như từ dưới lòng đất, do một kẻ nào đó tai quái thuốn lên. Hắn tránh bên này, mũi thuốn sang bên này. Hắn né bên kia mũi nhọn cũng chuyển sang bên kia, như vừa doạ lại vừa đùa hắn vậy.. Thật là kinh hãi!
Hắn choàng tỉnh dậy, nhận ra chỉ là một giấc mơ ..
Trạng thái tinh thần ấy ám ảnh hắn đến tận ngày hôm sau, qua cả đêm mất ngủ ..
Cho đến cuộc gặp vừa rồi .
Hắn không tin lắm ở những giấc mơ. Nhưng sau cuộc trao đổi, chả hiểu sao, hắn lại nghĩ ngày hôm nay là ngày chẳng ra gì.
Thôi về ngủ một giấc cho lại sức, vớ vẩn kéo dài tình trạng nà , dễ bị tâm thần như không..
Vừa lúc đó có tín hiệu di động, gì thế nhỉ, ai gọi cho mình? Hắn dừng lại ..

Thì ra, một người bạn gọi cho hắn. Anh chàng này hắn phải mang ơn về một việc mà giờ chưa tiện nói. Bạn hắn còn bảo :
-Anh ra ngay đi, có mấy anh em thôi đang chờ anh ở đây!
Hắn hỏi :
- Có chuyện gì à?
Bạn hắn cười :
- Truyện vui, anh em gặp nhau thôi mà.. Quán bờ hồ chỗ .. Nhé !
Hắn lẩm bẩm ( Dạo này không hiểu sao hắn hay lẩm bẩm như “ tiền tâm thần” vậy )
" Chuyện vui, hoá ra ngày hôm nay có chuyện vui sao?”
Hắn phóng xe ra chỗ hẹn.
Không phải ngày nghỉ , đường vắng tanh vắng ngắt. Nhìn ra ngoài mặt hồ có cảm giác cái giá lạnh từ đáy hồ đang tràn lên mặt phố. Hàng cây ban đỏ lúc lắc đung đưa chùm quả khô thâm xịt, nom thật xấu xí. Những quán giải khát ven hồ cũng vắng teo, đám cây cảnh trước nhà hàng trông xanh xao gầy guộc . Mùa này chả thấy loài hoa nào quanh đây. Có chút gì buồn buồn tê tê, tái tái của ngày năm cùng, tháng hết. Đúng là " Người buồn ..” Như cụ Nguyễn ngày xưa từng viết .
Nhưng mà chẳng sao , hắn đâu có ra đây để ngắm cảnh?
Nằm khuất vào phía trong một quãng sau lùm cây phượng có hàng thịt chó, bạn hắn đang chờ. Chẳng biết mấy ông quản lý đô thị nghĩ sao lại để cả một dãy nhà hàng ăn uống, nhất là các quán thịt chó ở một nơi trung tâm thành phố đang xây dựng cơ sở văn hoá như thế này?
 Hắn chỉ chợt nghĩ thế thôi, chứ việc chả bận gì đến hắn. Với lại nôm na, mách qué ở một góc cạnh nào đó, lâu ngày đã thành quen, thành biểu hiện trong đời sống hàng ngày .
Bận tâm đến làm gì?
Hắn bước vào quán, phía bên trong vắng ngắt, chưa biết các bạn đang ngồi chỗ nào?
Chợt nghe có tiếng loảng xoảng kim khí, hắn định thần nhìn lại.
 Ám ảnh từ giấc mơ đêm qua thoáng hiện lên mũi thuốn thép sắc nhọn, làm hắn chợt rùng mình. Lẽ nào giấc mơ  ấy lại là điềm báo trước? Theo bản năng, hắn tự nhiên lùi lại ..
Té ra không phải.. Trong chỗ khuất gần cửa có một quý bà đang hầu rượu một quý ông. Dưới đất, một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú, lông mày đậm, lỗ mũi to, miệng rộng, môi dày, đang ngồi trước một bó dao đủ loại còn mới, xanh ánh thép!   
Quý ông tóc xuăn, dáng người cao lớn, sống mũi thẳng, nom vẻ hảo hán, ra điều sành điệu, tay chơi. Bên ngoài, quý ông  khoác cái áo da rung rúc, phong trần, vẻ mặt vừa như thản nhiên, bất cần, vừa tinh quái. Quý bà khó đoán hơn, chẳng hiểu là tiểu thương hay là trí thức? Mặt tròn, đầy đặn khuôn trăng nhưng cặp lông mày rất mờ che phủ qua loa trên cặp mắt sắc như dao. Thôi cứ xếp vào loại tiểu thị dân là ổn nhất, hắn nghĩ và sắp xếp trong bụng thế !
 Từ lâu công việc tạo cho hắn cái thói quen quan sát, nghĩ ngợi linh tinh, ngay cả những chuyện chẳng liên quan quái gì đến mình.
 Nhưng họ đang có chuyện gì nhỉ, hắn chưa thấy cảnh ngộ này bao giờ? Ai lại uống rượu bên một đống dao nhọn hoắt như thế kia chứ?
Hắn bỏ qua ý nghĩ tìm hiểu sự việc vừa rồi, đi sâu vào trong. Thì ra mấy ông bạn thích ngồi phản hơn ngồi bàn, nên ngồi khuất mãi trong đây. Toàn nhân sĩ non trẻ của thành phố cả, hai nhà thơ trẻ, một cây đại thụ về văn xuôi. Các vị chọn quán này vì thịt chó ngon, rẻ lại nhiều chất đạm rất cần để bồi bổ sức khoẻ cho công việc khổ ải là sáng tác văn chương!
Thôi thì gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hắn không ngờ ngày hôm nay lại là ngày có ý nghĩa như thế. Gặp nhau chỉ cười cười, cái cười đầy ý vị, chả cần nói năng gì nhiều vì toàn quen biết nhau lâu rồi. Không nói còn có khi biết cả những điều trong đầu của nhau đang nghĩ gì?
 Nghề nghiệp nó thế, hay ít dở nhiều. Sự đời cứ kín kín, hở hở có khi còn thú vị, chứ huỵch toẹt, biết tuốt cả rồi lại mất hứng .
May mà món kịp bưng lên, rượu vào câu chuyện có phần rôm lên một chút ..
Đúng lúc đó nghe tiếng loảng xoảng, thảy đều quay lại. Chỗ hắn vừa đi qua chàng thanh niên  ban nãy vừa tung mấy con dao trước mặt quý ông và quý bà kia. Mặt chàng đằng đằng sát khí.. Hình như chàng đang uy hiếp hai người về một chuyện gì đó. Nghe ra câu chuyện là do quý bà kia vừa giới thiệu cho chàng trai bán dao cho nhà hàng thịt chó. Không rõ trao đổi thế nào, hàng thịt chó không mua, chàng ta đang nổi cơn thịnh nộ ..
Hắn đoán thế nào quý bà kia cũng lựa lời xin lỗi vì làm lỡ việc, mất thì giờ của anh chàng nọ ..
Không ngờ quý bà vùng lên, phụ nữ VN thế kỷ 21 có khác!
 Một bước bà ta nhảy qua dãy bàn, vồ lấy một con dao nhọn hoắt, mặt đen lại, nom dữ dội:
- À thằng ranh, mày muốn gì nào? Mày tưởng doạ được bà chắc, mày biết bà là ai không ?
Trong khi đó quý ông cao to kia cũng thong thả nhặt lấy một con, nhìn kỹ một lượt lưỡi dao như chuẩn bị chặt một khúc thép.
Chàng trai nhìn nhìn hai người như để đo đạc lại, nét mặt đang đỏ tía lên chuyển dần sang màu xanh xám, miệng lắp bắp:
- Dạ cháu xin cô chú, cháu không biết, cháu xin lỗi, chỉ là cháu vô ý đánh rơi chứ không có ý gì ..
Quý bà vẫn nhảy lên chồm chồm, tay cầm dao nhưng không chém, chân đá túi bụi vào chòm của quý của chàng trai. Tay này nhanh, tránh được, quý bà mất đà ngã lăn một vòng, nhưng chồm nhanh dậy được. Mụ vớ ngay chiếc ghế phang thẳng vào đầu gã trai kia, may mà ghế nhựa, không thì anh chàng có cơ vỡ đầu.
Tiệc rượu  đang vui, mất hứng. Ăn uống làm sao được trước nguy cơ máu có thể chảy, đầu có thể rơi ngay trước mắt mình? Nhà thơ rỉ tai hắn " Mụ này bán thịt lợn ở chợ đầu cầu” Ra thế, nếu là trí thức làm sao có thể hung hãn như vậy?
Cuộc cãi lộn giằng co cả tiếng đồng hồ. Cuối cùng mụ hàng thịt ôm cả bó dao thảy xuống hồ.
Trước khi đi mụ còn nói: " Danh dự của tao là lớn,  tao đang ngồi với bạn tao chứ không phải chồng tao, dám làm mất mặt tao à ? May cho mày không chống cự, nếu không tao gọi con trai tao ra, nó chẳng ném luôn mày xuống hồ. Bay khôn ở đất nhà bay, tưởng dân Cao Bằng là to hả, biến mẹ mày đi, đừng có trêu tức bà” Nói xong mụ lại ỏn ẻn chui vào nách quý ông kia:
- Thôi, ta đi anh !
Quý ông xem chừng có vẻ ngượng vì sự thái quá của bạn gái mình lúc vừa rồi, nhìn chúng tôi có vẻ sượng sùng. Ông ta không nói gì, chỉ khẽ gật đầu như để xin lỗi.
 Mọi việc chẳng liên quan gì đến hắn và mấy ông bạn, nhưng bữa rượu tự nhiên mất ngon.
Cây đại thụ bảo hắn :
- Cậu thế nào cũng viết được một truyện hay!
Hắn chỉ cười không nói gì. Những chuyện như thế này ngày nào không gặp? Có khi còn dữ dội điên khùng hơn. Không ở chỗ này thì cũng chỗ khác. Hình như trong mỗi con người đều bức xúc một điều gì đấy, khẽ chạm vào là nổ tung ra. Cả thế giới như đang bị đầu độc bởi không khí tranh đoạt, lừa dối, đầy dẫy âm mưu và thủ đoạn. Chỗ nào cũng nóng. Nóng lên từng ngày..
Việc nhỏ này đâu đã là cái gì? Đâu phải đề tài, đề dại gì hở bác? Chuyện như vậy viết ai người ta đăng? Và có đăng phỏng có ý nghĩa gì?
 Chỉ những kẻ vô lại mới say sưa chuyện cướp, hiếp, giết, chuyện hở hang, hàng họ, chuyện vụ án câu khách.. Nhà em nói thật là đầu óc chưa được ổn sau cơn mê đêm vừa rồi.
Kính bác đừng xui dại!

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

NHÀ VĂN NÓI:


"Trảm", Ai "trảm"? - Võ Thị Hảo
(12/09/2012 08:25 PM) (Xem: 214)
  "Trảm", Ai trảm?

1291965944_3244.jpg
Đường tới biển - Tranh: Võ Thị Hảo

Để “trảm” một nhà văn họăc một nhà báo, chỉ cần giết chết các tác phẩm và bài viết của người đó ngay ở khâu không cấp phép xuất bản. Nếu không có giấy phép mà xuất bản, đương nhiên sẽ bị phạt tiền, tịch thu tác phẩm, thậm chí tù tội và phải chịu nhiều hệ lụy về sau.
… Muốn yên thân, muốn vinh thân phì gia, hãy vờ vịt, hãy tiếp tay và ca tụng cái ác và cái dối trá. Hãy học nghề ăn không nói có, bợ đỡ và nịnh hót. Kìa  xem có bao nhiêu là người đang làm như thế mà không biết thế nào là nhục nhã. Ngươi là đàn bà, tốt nhất hãy dùng “vốn tự có”,  làm cho vài quan lớn xiêu lòng và cùng họ tận hưởng phú quý. Cả đời ngươi sẽ ngồi trên đống vàng. Nào ngươi hãy quên người nghèo, quên bất công, tham nhũng, quên nước mắt, quên những vết thương lịch sử đớn đau làm bao nhiêu triệu người chết không nhắm mắt… Quên đi quên đi. (VTH)

Nhân danh những người khóc



vothihao2-237x300.jpg



Vì ta vốn là Người

Tôi không thích kể lể. Câu chuyện sau đây tôi đã nuốt vào lòng chỉ vì nó liên quan trực tiếp đến mình. Nhưng vì ngày Nhân quyền thế giới đã thôi thúc tôi thêm một lần khẳng định rằng mình và nhân dân VN vốn và đang là con người, lại nhân dịp tôi buộc lòng phải đăng tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ lên mạng internet vì trong nước Việt Nam chằng cho phép tôi xuất bản tác phẩm này, nên đành kể ra.
Cuối năm 2006 tôi hoàn thành tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ (từ tháng 3/2005, tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam đã giới thiệu 3 chương trong cuốn tiểu thuyết này). Tôi đưa bản thảo (chừng 400 trang in) đến một nhà xuất bản chuyên về văn chương  ở Hà Nội. Phụ trách và biên tập viên đều là người trong giới văn chương cả. Nhiều người trong số họ hào hứng đón nhận bản thảo, hứa sẽ đọc nhanh, sách có thể sớm ra mắt vì… “ báo chí và dư luận rất quan tâm sau khi đọc ba chương của Dạ tiệc quỷ… Bạn đọc đang chờ đợi tiểu thuyết này …”.
Lại “nhạy cảm” – hãy “nạo thai”
Thời gian bản thảo lưu ở NXB này khoảng hơn nửa năm. Tôi không sốt ruột, bởi biết rằng như thực tế đã xẩy ra, bản thảo của mình có thể nhiều người để ý tới, nhiều cấp muốn “kiểm duyệt”. Trong khi đó, nhiều công ty xuất bản tư nhân và nhiều nhà xuất bản cũng muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh tiểu thuyết này, vấn đề chỉ là đợi Giấy phép xuất bản từ phía nhà nước mà thôi… Biên tập viên rất tích cực. Nhưng rồi buổi làm việc cuối cùng cũng đến. Biên tập viên trả lời bất mãn: Dạ tiệc quỷ rất hay nhưng không được cấp giấy phép vì lý do “nhậy cảm”! Chị biết đấy. Ở VN ta không có sự giải thích nào khác cho những tác phẩm tôn trọng sự thật và được gọi là “động chạm” như của chị.
Tôi chẳng biết nói gì. Ừ, ở Việt Nam mấy chục năm nay, người viết như chúng tôi làm gì có quyền công bố tác phẩm của mình. Phải đợi rất nhiều cấp xét duyệt.
Và các cấp xét duyệt ấy, sinh ra rất nhiều khi không để làm việc bảo vệ và phát triển văn hóa, văn học theo quy định của pháp luật như chức năng mỹ miều của nó đã được đăng ký với công chúng.
Hệ thống đó, ai cũng biết, sinh ra chủ yếu là để kiểm duyệt, để “khai tử”, để “bóp chết các tác phẩm “nhậy cảm” từ trong trứng”. Nếu họ không bóp chết các tác phẩm đó từ trong trứng- nghĩa là ở khâu kiểm duyệt, thì chính họ sẽ bị “xử trảm”: bị kỷ luật, cách chức, cắt mất niêu cơm và đi vất vưởng tìm việc ngoài đời…
Để “trảm” một nhà văn họăc một nhà báo, chỉ cần giết chết các tác phẩm và bài viết của người đó ngay ở khâu không cấp phép xuất bản. Nếu không có giấy phép mà xuất bản, đương nhiên sẽ bị phạt tiền, tịch thu tác phẩm, thậm chí tù tội và phải chịu nhiều hệ lụy về sau.
Những tác phẩm thiếu chất lượng, nhảm nhí, hại đến thẩm mỹ của công chúng, làm thô tục và tầm thường hóa nền văn học thì cứ cấp phép thoải mái, nhưng những tác phẩm được gọi là “nhậy cảm”- nghĩa là không đi theo lề phải, không “phải đạo” theo quan niệm của nhiều người có quyền lực, thì phải tuyệt đối “trảm” ngay từ đầu!
Tôi thở dài. Vâng, tôi còn lạ gì hệ thống này. Ngay từ sau khi giành được chính quyền, nhân dân VN, trong đó có tôi, đã được hưởng quyền bị “xử trảm” tác phẩm từ trong trứng. Vụ án Nhân văn giai phẩm và đày đọa văn nghệ sĩ còn tày liếp đó…
Muốn yên thân, muốn vinh thân phì gia, hãy vờ vịt, hãy tiếp tay và ca tụng cái ác và cái dối trá. Hãy học nghề ăn không nói có, bợ đỡ và nịnh hót. Kìa  xem có bao nhiêu là người đang làm như thế mà không biết thế nào là nhục nhã. Ngươi là đàn bà, tốt nhất hãy dùng “vốn tự có”,  làm cho vài quan lớn xiêu lòng và cùng họ tận hưởng phú quý. Cả đời ngươi sẽ ngồi trên đống vàng. Nào ngươi hãy quên người nghèo, quên bất công, tham nhũng, quên nước mắt, quên những vết thương lịch sử đớn đau làm bao nhiêu triệu người chết không nhắm mắt…Quên đi quên đi.
Thà ngươi cúi xuống, chăm chắm nhìn vào cái bộ phận sinh dục đàn bà của ngươi mà mô tả trần trụi theo kiều học sinh lớp 4, thì sách của ngươi sẽ lập tức được cấp phép và thậm chí còn được tổ chức những đợt tuyên truyền quy mô và rầm rộ.
Cả một chủ trương ngầm để giải thiêng, dung tục hóa văn chương, để nhà văn thực sự có tài và có lương tâm thì mất chỗ công bố tác phẩm và văn học tự đánh mất chức năng đánh thức lương tri và chức năng khai sáng…
Phải thừa nhận rằng đó là một chuỗi cử chỉ tinh vi, kéo dài đã hơn nửa thế kỷ, và đã rất thành công. Diến biến và những tai tiếng trong các Đại hội nhà văn, Đại hội các ngành văn nghệ khác là một thí dụ mà  ngoài những lời bình luận của người trong cuộc và công chúng thì chẳng cần phải nói gì thêm.
Những câu trả lời ‘vì lý do nhậy cảm” cũng được lặp đi lặp lại ở những nhà xuất bản mà tôi đưa tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ  đến  đến xin cấp phép xuất bản. Rồi tôi lại đưa tập truyện ngắn “Ngồi hong váy ướt” đi xin cấp phép xuất bản tiếp, dù tiên liệu trước rằng rồi lại bị từ chối thôi.
Chính xác. Ngồi hong váy ướt cũng thế, cũng bị từ chối cấp phép. Vâng, tôi đã từng biết và đã được biết nay càng thêm biết.
Ngày lại ngày, nhiều người làm báo ngậm ngùi cắt xẻo, “trảm quyết” từ trong trứng những đứa con tinh thần được họ hoặc người viết hoài thai với bao đớn đau về sự thật. Những cuộc “nạo thai” phi lý  như vậy diễn ra ngày ngày giờ giờ phút phút trên đất nước này. Và thế là khiến cho cả nước thành một biển người câm lặng. Khiến cho khoảng bảy trăm tờ báo và tạp chí, chưa kể các tập san nội bộ và các nhà xuất bản lớn nhỏ, nói ngược xuôi gì rồi cũng phải về cùng một giọng. Cái giọng đó được chỉ định bởi một “Tổng biên tập” nhẩy lò cò bằng một chân phải, còn chân kia cất vào ngăn kéo để tính lập trường và tính công đã bảo vệ nền chuyên chính vô sản bằng cách giết chết các tác phẩm “nhạy cảm’ từ trong trứng, mặc dù trong thâm tâm họ biết rằng làm thế là vi phạm pháp luật và đã làm cho nền chuyên chính vô sản trở nên èo uột do đã hoàn toàn chối bỏ kháng sinh!
Tôi không nản chí. Là một người viết, tôi hiểu rõ mức độ chất lượng và giá trị của tác phẩm mình viết. Tôi hiểu quá rõ chế độ “một tổng biên tập” và mức độ quyền tự do ngôn luận được thực thi thế nào ở VN.
Trước đây, trong tiểu thuyết “Giàn thiêu” và nhiều tác phẩm khác, tôi đã phải gửi gắm những tư tưởng của mình vào các câu chuyện lấy bối cảnh và những nhân vật từ quá khứ cách đây có thể cả tới ngàn năm để “lọt” qua hệ thống kiểm duyệt. Thời chính quyền hô hào “cởi trói’ cho văn nghệ sĩ,  xuất hiện những Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài với  bà đỡ mát tay tri kỷ là nhà văn Nguyên Ngọc với báo Văn nghệ cho phép đăng những cuộc tranh luận văn học nghiêm túc dài kỳ, được công chúng ủng hộ rầm rộ vì nói đúng nguyện vọng của họ đã qua lâu quá rồi.
Ngay sau đó, nhà cầm quyền đã hối hả thít dây trói lại và tiếp tục một đêm dài chủ nghĩa “phải đạo” và chủ nghĩa dung tục dối trá được vô tình cổ vũ… Tôi đã tiên liệu.
Tôi không ngạc nhiên. Tôi vẫn đều đặn ngồi trước trang giấy trắng mỗi ngày, và còn thu xếp, từ chối một số quyền lợi, gạt bỏ một số công việc, để viết nhiều hơn. Tôi viết cho chính tôi, cho bạn đọc yêu quý của tôi. Những người mà lâu lâu họ gọi điện không thấy tôi cầm máy thì liền lo lắng “có thể tôi đã bị bắt”.
Tôi viết cho cả những người chẳng biết chữ, cho những người sắp chết đuối họăc đã chết vì tai nạn giao thông. Tôi viết cho cả những người chỉ lăm le hại tôi, thậm chí sẽ ném đá tôi. Tôi viết vì muốn dọn sẵn một khoảng trời sáng sủa hơn cho người VN trong đó có tôi.
Để chúng ta được hưởng quyền làm người thực sự, trong đó không ai được cấm đoán tự do ngôn luận. Trong đó mọi chính phủ, mọi nhà cầm quyền được sinh ra, được dân  trả lương là để bảo vệ các quyền của con người, chứ không phải để tước đoạt, bắt bớ giết chóc khi có ai đó nói trái ý mình họăc chỉ là để ban phát.
* Rồi “trảm quyết” văn chương
Và tôi làm một việc đương nhiên: đưa bản thảo Dạ tiệc quỷ và Ngồi hong váy ướt đến đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch VN. Ngoài việc để bảo hộ tác quyền chính đáng của mình- mà trong quá khứ tôi đã từng bị người khác ăn cắp trắng trợn (Truyện ngắn “Máu của lá”…), tôi còn thể hiện việc công khai chịu trách nhiệm trước pháp luật về mỗi dòng tôi đã viết ra trên giấy trắng, cho dù chúng vẫn bị nhốt trong bóng tối với dụng tâm “bóp chết từ trong trứng” vì không được phép xuất bản.
Đầu tiên, cán bộ Cục Bản quyền tác giả đã đón tiếp tôi nhiệt tình. Họ còn tỏ ý hoan nghênh một nhà văn như tôi đã luôn biết tìm đến nơi bảo vệ quyền tác giả chính đáng của mình.
Một tháng sau, đúng ngay trước dịp Tết Độc lập (2/9/2010) của người dân thuộc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, tôi khấp khởi đến Cục. Lần này các nhân viên không trả lời, chỉ cho tôi đến gặp trưởng phòng. Thọat nhìn bốn bản thảo (phải nộp mỗi tác phẩm 2 bản coppy) của mình trong những ngón tay lập cập của người trưởng phòng và sự bối rối, không thể nhìn thẳng vào mắt người đối thoại của anh khi giải thích, tôi mới linh cảm rằng có chuyện gì đó bất ngờ.
Quả vậy, ngoài sức tưởng tượng của tôi, Trưởng phòng trả lời: chị thông cảm, hiện nay chúng tôi không thể đăng ký quyền tác giả cho các tác phẩm này”.
Tôi bị sốc. Hỏi vì sao, có văn bản nào quy định không, thì anh khổ sở trả lời: “bất thành văn chị ạ. Chị biết đấy, vì lý do “nhạy cảm”… Chị thông cảm cho chúng tôi…”.
Cục bản quyền tác giả là một cơ quan tồn tại bằng tiền thuế của nhân dân, làm công việc xác nhận, bảo hộ quyền đương nhiên, quyền tối thiểu là quyền sở hữu tác phẩm của tác giả. Tôi mang tác phẩm đến đăng ký, là tôi công khai, đàng hoàng chịu trách nhiệm về mỗi chữ mỗi dòng trong tác phẩm của mình dù đã công bố hay chưa công bố. Luật pháp VN cũng quy định như vậy.
Cục bảo hộ quyền tác giả không phải là nơi có quyền và trách nhiệm xem xét nội dung, chất lượng nghệ thuật của bản thảo để  quyết định cho công bố hay không công bố. Cục chỉ cần xác nhận hay không xác nhận: Quả trứng này là của con gà này đẻ, không phải của con gà kia, thế thôi.
Ai đã  tước đọat của tôi quyền đương nhiên sở hữu tác phẩm mình viết ra?
Nếu tước đọat của tôi quyền đó, phải chăng, Cục và bàn tay vô hình bí mật nào đó muốn khuyến khích cho những kẻ trộm cắp bỉ ổi cướp đọat quyền sở hữu tác phẩm của tôi?
Ngoài việc đồng hành cùng nỗi đau của con người, tôi đã làm gì để họ đối xử như vậy?
Ngoài tôi ra, có bao nhiêu tác giả bị tước đọat quyền xuất bản và quyền sở hữu tác phẩm như thế trên đất VN ở thế kỷ 21 này – ở năm thứ 795 sau khi người Anh công bố Hiến chương Magna Carta trong đó  có có những điều khoản về  Đạo luật nhằm bảo vệ quyền Con người; ở năm thứ 62 sau Tuyên ngôn  quốc tế về nhân quyền, và cũng đã ở năm thứ 33 sau khi VN ký cam kết tuân thủ Công ước Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, trong đó đương nhiên có quyền tự do ngôn luận!
Bao nhiêu tác phẩm có lương tri và đồng hành cùng sự thật, tôn trọng những quy định của pháp luật VN nhưng đã bị những bàn tay không lộ diện “xử trảm” từ trong trứng?!
Lúc đó tôi thực sự muốn nổi điên, muốn to tiếng với anh trưởng phòng của Cục BHQTG. Nhưng rồi, tôi im lặng. Tôi nhìn vẻ mặt bối rối không biết nói thế nào cho phải của anh và thấy ái ngại. Ái ngại và sợ hãi. Sợ một lần nữa phải nghe câu trả lời quen thuộc: “lý do nhậy cảm…”.
Hôm đó là ngày 30/8/2010. Hà Nội và cả nước VN đang đỏ rực cờ hoa và khẩu hiệu đón Tết Độc lập lần thứ 65 và đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
“Xử trảm” một lúc hai tác phẩm – đó là món quà đặc biệt dành cho tôi nhân kỷ niệm 65 năm VN được gọi là “giành được độc lập tự do” đấy chăng?!
Tôi mệt mỏi trên con dốc nhỏ từ Cục bản quyền tác giả lên đường Hoàng Hoa Thám tấp nập xe cộ.
Đỉnh dốc trước mặt nổi rõ một băng vải đỏ dài rộng căng cao, hàng chữ nhựa màu vàng sáng lóa: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”!
* Bây giờ thì nhân danh những người khóc
Tôi có thể đưa bản thảo tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ và Ngồi hong váy ướt  lên mạng Internet hoặc gửi in ở nước ngoài từ lâu.
Nhưng tôi muốn chờ đợi để bạn đọc của tôi ở trong nước được chia sẻ nó trước.
Đến nay thì đã vô vọng. Bốn năm chờ đợi, tôi nghĩ đã quá đủ. Tôi cần chia sẻ nó với bạn đọc. Ngay bây giờ.
Vì những vấn đề của cuộc sống và thời đại hiện tại đang được phản ánh mãnh liệt, da diết trong đó. Và tôi phải đẩy chúng ra đời, bởi tôi lại đang viết cuốn tiểu thuyết khác: “Rừng đoạn đầu” – về một giai đọan đầy tàn bạo và đau thương, luôn vì thủ cựu, tham lam và dốt nát mà làm lỡ thời cơ cả trăm năm của đất nước Việt Nam. Tôi phải viết chúng ra. Ôi tôi mắc nợ quá nhiều những ám ảnh đau thương và các oan hồn. Tại sao họ cứ tìm tôi để kể và để khóc? Trong khi cũng như ai, tôi muốn được yên thân.
Nhân danh những người khóc, nhân danh tự do và quyền con người cho tôi và cho người dân Việt Nam, hôm nay, ngày Nhân quyền thế giới – cái ngày tuyệt vời nhất mà con người có thể nghĩ ra, tôi chia sẻ cùng bạn đọc tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ trên mạng Internet qua DCV online, mong cho người VN dù ở bất cứ đâu cũng đều có thể đọc.
Tôi kể cùng bạn đọc câu chuyện trên.
Để góp phần thúc đẩy cho một ngày, người VN được thực sự làm con người đang sống với đầy đủ quyền tự do ngôn luận. Không ai có quyền ban phát hay tước đoạt quyền đó của chúng ta./.

Võ Thị Hảo

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Nhân việc Yahoo vn đình bản và đôi lời cuối năm!



Chưa đến lúc để nhìn nhận và kết luận những gì đã xảy ra trên blog của yahoo 360 và Yahooplus, mặc dù đã gần hết một năm .
Đó là một công việc khó, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian vì đây là một mạng xã hội với nhiều tiêu chí rộng, phong phú và hết sức phức tạp.
Tôi không có tham vọng ấy do nhiều điều kiện, nhất là eo hẹp về thời gian, còn phải lo những công việc khác cấp thiết hơn.
Bài viết này chỉ muốn nêu một vài khía cạnh, rất mong được mọi người trao đổi và cho  ý kiến.
Năm con Rồng là năm khá vất vả cho hành tinh chúng ta, trước hết là năm suy giảm kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và dịch bệnh hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Động đất sóng thần xảy ra ghê sợ, tiếp đến tin đồn về ngày tận thế..Những giá trị tư tưởng, nhân văn và tâm trạng chung  có thể nói vào giai đoạn bế tắc. Nhiều diễn biến chính trị khá bất ngờ, với tư duy thường trực, chúng ta khó lòng hiểu nổi. Những dự báo về  thay đổi khí hậu toàn cầu khiến cho nhiều người lo ngại , trái đất đang lệch trọng tâm, đi dần đến hình thái thay đổi cực. Nhất là người ta chưa biết chắc chắn đến khi nào nền kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại ? Ngày tận thế liệu có xảy ra hay không?
Chưa kể đến diễn biến phức tạp trên biển đông . Thái độ của tay hàng xóm mỗi ngày lộ rõ bộ mặt ngang ngược và trắng trợn, đe dọa sự tồn vong của đất nước.
Việt Nam chúng ta lại là một trong số năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề của sự biến đổi khí hậu ! Nếu mực nước biển dâng cao lên một mét, đồng bằng sông Cửu Long, châu thổ sông Hồng mất bao nhiêu diện tích chắc mọi người đã nghe nói. Sài Gòn, Hải Phòng và một số thành phố ven biển sẽ có những khu dân cư chìm ngập nước, không thể ở. Nạn thất nghiệp và đói kém đang là mối đe dọa rất gần. Trong khi bối cảnh xã hội nhiều phức tạp..
Những chuyện kể trên mới nghe có vẻ chả liên quan gì đến Blog cả! Có bạn sẽ nói đó là những chuyện "trời ơi", có liên quan gì đến việc chúng ta viết và đọc của nhau?
Nhưng thử suy nghĩ nghiêm túc một chút chúng ta sẽ thấy rằng, chúng ta đang ở trên một toa nào đó của con tàu đang chạy, đầu tàu đang kéo (hay đẩy) chúng ta về một hướng nào đó, mà mọi người lúc này chưa để ý đến , hoặc là chưa nhận ra?
Suy giảm kinh tế đi đôi với việc đời sống khó khăn, giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Để hạn chế  rủi ro nhà đầu tư thắt chặt hầu bao và tất yếu là nhiều người mất việc làm, người ta không thể nhịn đói để ngồi gõ bàn phím được!
Những tiêu cực xã hội làm nhiều người buồn phiền, nói và viết mãi như chèo hát hay mà chẳng có chuyển biến gì khiến họ thất vọng!
Ồ ạt mấy trận bão dữ dội vào miền trung, tàn phá Tây Nguyên  ảnh hưởng đời sống hàng chục triệu người, trong đó có không ít bạn bè chúng ta. Tôi có người bạn lâu nay không gặp, gọi điện hỏi thăm anh nói máy vi tính của anh bị lũ cuốn trôi, chưa mua được cái mới!
Có một số bạn không hiểu vì sao buộc phải bỏ cuộc?
Chưa kể đến chúng ta chưa có một sự đồng cảm trong cộng đồng trước những sự biến đột ngột và hết sức phi lý!
Vậy thì những biến cố nêu trên không phải là chẳng ảnh hưởng gì đến cộng động blog hay sao?
Bệnh trầm cảm không phải chỉ đến  bằng sự sa sút của văn hoá đọc, nó đã và đang đến cả với văn hoá nghe, nhìn..
Chưa có cuộc thống kê nào tổng kết là giảm bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi cam đoan với các bạn rằng nó cũng đang suy giảm nghiêm trọng!
Chẳng lẽ nhu cầu tìm tòi, trao đổi, giao lưu  ngày nay không còn là khát vọng mà một thời chúng ta hằng mong mỏi?
 Chẳng lẽ chúng ta không cần nghe và nói gì nữa?
Chúng ta đã có quá nhiều những thứ vô dụng trong đầu, không muốn nạp thêm vào đó điều gì ?
Số người đọc sách, báo giảm nhiều mặc cho số đầu sách vẫn tăng hàng năm, ngoài những tin tức giật gân, những câu chuyện vụ án.. người ta cũng chỉ đến với báo chí một cách thờ ơ.. Tôi có người bạn, kinh tế khá giả, theo lối thời thượng, anh đặt mua rất nhiều loại báo và tạp chí. Nhưng hầu như tất cả các số báo và tạp chí ấy vẫn còn mới nguyên vì ít khi có ngươì sờ tới chúng!
M ới đ ây  trên mang xã hội có nhiều sinh hoạt sôi nổi. Nhiều người viết với những bài viết hay đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều người bạn kết giao qua phương tiện này. Trong nam, ngoài bắc đã có những cuộc " Gặp nhau ngoài đời "  rất cảm động.
Nhưng giờ đây bệnh trầm cảm cũng không buông tha, nơi mà chúng ta tưởng như tự do tư tưởng, trao đổi thông tin cởi mở nhất một cách không vụ lợi, vô tư và chân thành.
Đã có nhiều bạn bỏ cuộc chơi với nhiều lý do. Sẽ có nhiều người bảo rằng cuộc chơi nào cũng có vui, buồn, có người say mê và người bỏ cuộc!
Tôi đồng ý với các bạn điều đó, nhưng tôi chỉ xin lưu ý với các bạn là nó đang diễn ra một cách không bình thường. Người ta bỏ nó với tâm trạng day dứt, tiếc nuối và cả một phần thất vọng !
Hình như nhu cầu giãi bày tâm sự của chúng ta có vấn đề! Có một sự hoang mang, chán nản, thậm chí thất vọng trong lòng chúng ta!
 Nói ra điều này, có thể tôi đã chủ quan, nhưng sự thật của những diễn biến gần đây khiến tôi không nói ra điều này sẽ cảm thấy áy náy không yên.
Bệnh trầm cảm đã bắt đầu mon men đến và đang gậm nhấm dần tâm hồn chúng ta .
 Ngoài những tác động  như tôi đã nêu ở phần trên về những thay đổi tác động đến thế giới chung chúng ta đang sống, còn nhiều tác nhân nữa gây trầm cảm như: Lối sống tiêu dùng, đề cao vật chất, bản chất của thời kỳ: " Tiền tư bản",  sự hạn hẹp, gò bó truyền  thông tin mà Yahoo VN bị ràng buộc với sự cam kết nào đó , khiến cho nhiệt tình của nhiều bạn giảm sút?
Căn bệnh này liệu có thuốc chữa không?
Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Tôi biết nó nhạy cảm và nhiều bạn e ngại, nhưng mong các bạn hãy thử dũng cảm một lần để chúng ta cùng trao đổi .
Cứ hình dung hàng ngày chỉ biết làm việc, ăn rồi ngủ, chúng ta thành Robốt lúc nào không hay, Thật đáng sợ!!
Dù sao thì năm Rồng cũng dần kết thúc , cổ nhân có câu : " Đất có tuần , Dân có vận " , tình trạng ù lì , trầm cảm cũng không thể kéo dài mãi mãi .
Sẽ đến lúc phải có một thay đổi !
Tôi tin là như vậy !!
Yahoo vn đã tuyên bố đóng cửa trang mạng xã hội tại Việt Nam. Nhiều bạn trong chúng ta đang muốn chạy theo nó sang Hồng Kong, tôi nghĩ là không nên. Ai cũng biết Hồng Kong đã trở về Trung Quốc. Dù muốn dù không không thể nằm ngoài cai quản nhà nước của họ. Ai bảo đảm rằng ngày nào đó intenet HK không bị gây khó?
Những bạn chưa mắc căn bệnh trầm cảm sẽ lại có lúc buồn rầu khi trang ở HK đóng cửa.
Chúng ta đang cần một sự hứng khởi, một môi trường thoáng đáng cho tự do tư tưởng và sáng tạo. Lựa chọn nào là quyền của mỗi người. Đây chỉ là ý kiến chủ quan của riêng tôi, mong được cùng trao đổi!
Trân trọng!




Clip “Tin không …tùy bạn”




Không việc gì phải buồn



Hồng Giang

Hôm qua 08:22  -  Công khai

Ghen với vua


GHEN VỚI VUA

Sa xẩm tối, lom lom mặt người. Lão đến. Tôi không thích lắm vì lý lịch lão chẳng ra gì. Chỉ chào hỏi qua loa. Tôi muốn lão biến càng nhanh càng tốt. Không ngờ, lão làm tôi sững sờ. Lão bảo: “Lâu nay chú xem phim thấy thế nào?” Tôi bảo tôi bận, phim ít xem. Tôi không muốn dây dưa với lão đề tài này. Lão ngồi. Kéo một hơi thuốc lào rõ dài. Thủng thẳng:
- Tam Quốc, Thủy Hử còn được, mấy cái  phim khác nản quá chú ạ.!
Lão làm tôi chú ý. Nản là nản thế nào?
Lão bảo:
- Không phải không phải Thiên đàng xã hội, “tư bản man rợ”. Không phải cái gì hết.. Chính là “phong kiến cực đoan”. Cha truyền con nối chả là phong kiến thì là gì? Con tôi, con chú đừng có mơ..
Một lão chuyên nghề làm mướn, lúc rảnh đi bốc mả, làm đủ các công việc mà nhiều người ngại làm, giờ nói năng như một triết gia:
- Phim nào cũng hoàng thượng là nhất, kể cả hoàng thượng thối. Lưu manh, bất tài, hèn hạ.. Bất luận thế nào cung nữ, nội thị phủ cũng phải trung thành. Người ta nói nhiều nền văn minh phương đông không phải là cái này sao? Cái gọi là “trung quân”, vua bảo chết, vui vẻ chết?  Xem phim tự nhiên tôi thấy ghen với vua quá chú ạ!
Tôi bảo : Thế thì bác cố lên để làm vua!
Lão cười:
- Thì anh vẫn làm vua, vua bếp mà. Đến giờ cắm cơm mà quên, có nước nhảy xuống sông lánh nạn, bà xã đâu có vừa!
Tôi bật cười, nghĩ thế thì nhà bác làm vua thế chó nào được, trừ phi bác có quyền thừa kế ngai vàng?
Lão về. Tôi ân hận vì đã từng coi thường lão. Những điều lão nghĩ, lão nói, chưa hẳn là đúng, nhưng hơn hẳn mình rất nhiều.
Đúng là thiên hạ nhân, thiên hạ tài, biết đâu thiên hạ? Biết đâu những người như lão nghĩ gì? 


Jealous KING

Sa dark clouds, lom lom face. Him to. I do not like as much because of what he had to resume. Only cursory greeting. I want him to go as fast as possible. No doubt, he made me shocked. He said: "For a long time pay to see that movie?" I say I am busy, less watch movies. I do not want delays aging subject. He sat. Drag a steam pipe tobacco long clear. Clean straight:
- Three Kingdoms, Water margin, a few other movies, discouraged too much sir.!
He made me pay attention. Frustrated is discouraged?
He said:
- Not not social Heaven,  "savage capitalism." Not anything .. Is "feudalism extreme". Hereditary feudal ball is it? You are, you do not have to peck ..
An old profession hired, spare loading grave, do all the work that many people concerned, now speaking as a philosopher:
- Sex is always Majesty, including rotten Majesty. Save vulnerable, incompetent, despicable .. No matter how hard women, the government is also to be loyal. It has been said many oriental civilization is not this? The so-called "troops", the king said die, fun? Natural movies I see the jealous king too much, sir!
I said: So your trying to do the king!
He laughed:
- Then he became king, king kitchen. To now plug rice that forget, have jumped into the river refuge, my wife did not last!
I laugh, think, doctors ruled that any dog, unless the physician has the right to inherit the throne?
Him on. I regret ever despise him. What he thought, he said, is not necessarily true, but better than a lot.
Yes, galaxies, galaxy, maybe the galaxy? Who knows what people like him think? 


Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Quyền được cương


Tưởng “phòng khám nam khoa” là nơi trị bệnh cho người... nước Nam!

Trong số những người đến dự cuộc giao lưu trực tuyến
“Phòng khám nam khoa” sáng qua của bác sĩ Nguyễn Thành Như tại toà soạn báo SGTT, có không ít chị em phụ nữ. Tâm sự chung của họ gửi gắm trong câu hỏi sau:
– Bác sĩ ơi! Chồng em nói dạo này thời cuộc làm ảnh “mất hứng” nên phòng the chúng em ngày càng lạnh lẽo, bác sĩ cứu với!
Bác sĩ Như tủm tỉm:
– Nỗi khổ của các chị là nỗi khổ của một “bộ phận không nhỏ”. Trong khi chờ thời cuộc thay đổi, có cách can thiệp như sau...
Vừa giải thích xong ca này thì một phụ nữ khác giơ tay:
– Bác sĩ à, trường hợp chồng em thì ngược lại: ảnh cương suốt ngày, em chịu hết xiết!
Tiếng ồ kinh ngạc lẫn ganh tỵ của đám đông cắt ngang câu hỏi, phải mươi giây sau chị kia mới tiếp tục được:
– Dạo này chồng em cứ nghe chuyện “nhạy cảm” là bức xúc, căng thẳng, nhiều lúc em sợ ảnh nổ bất tử. Vậy mà em khuyên can: “Anh ơi, sức anh có bao lăm, bớt cương đi” thì ảnh càng bức xúc: “Bộ yếu thì không có quyền cương à?” Bác sĩ thấy bệnh chồng em lạ chưa? Nên hồi nãy đi qua đây thấy cái hình hoạ sĩ Còm vẽ bác sĩ tròng dây kéo cho nòng đại bác chúc xuống ở ngoài cửa phòng giao lưu, em mừng quá: đây đúng là nơi chữa bệnh chồng mình!
Bác sĩ ngẩn người:
– Chắc chị có điều chi nhầm lẫn, vì đây là buổi giao lưu về bệnh dành cho nam giới.
Chị kia tẽn tò:
– “Nam khoa” là khoa trị bệnh nam giới? Thế mà em tưởng...
– Tưởng làm sao?
– Tưởng “phòng khám nam khoa” là nơi trị bệnh cho người... nước Nam!
Người già chuyện