Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Họ đang cố lừa gạt không biết ngượng


Tác giả: theo FB nhà báo Trần Đăng Tuấn
.Thưa ông Thứ trưởng Bộ Y tế, tôi không tin ông và những người nào đó cùng ông ở Bộ y tế lại có thể không biết những điều sơ đẳng trên về dược học. Các vị nói lấy được như vậy chẳng qua là các vị biết dân đen chúng tôi tất nhiên mù tịt vì mọi khái niệm “tương đương” giữa thuốc gốc và thuốc tương tự, các quy chuẩn để chấp nhận thuốc tương tự. Mà chúng tôi mù tịt thật, có điều chính những kẻ mù tịt về dược và y này đã bằng tiền thuế mình đóng nuôi bộ máy giám sát và quản lý là các vị, với niềm tin là được bảo vệ bởi sự giỏi giang của các vị. Hoá ra chúng tôi vừa mù tịt, vừa ngây thơ.
.KD: Xin hãy đọc bài này của nhà báo Trần Đăng Tuấn- như một sự phản biện về ý kiến “thuốc chữa ung thư không phải thuốc giả” của ông TT Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến
Sau Bộ Công thương, là Bộ GTVT. Sau bộ GTVT, nên đến lượt Bộ Y tế- để bóc gỡ các nhóm lợi ích ẩn danh tinh vi, phát tác tàn phá XH. 
————–  

Thủ tướng và Phó Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ vừa qua kiên quyết chỉ đạo thanh tra nghiêm ngặt làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược trong vụ cho nhập lô H-Capita chữa ung thư. Nhưng ngay sau đó, như Thời sự VTV1 vừa đưa tin hôm nay, vị Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến vẫn khẳng định lô thuốc đó KHÔNG PHẢI là thuốc giả.
Lập luận rằng lô thuốc VN Pharma nhập có chứa 97% hoạt chất capecitabine, và như vậy nó là thuốc có đúng thành phần hoá dược chữa ung thư. Như vậy lỗi là làm giả mạo giấy tờ, nhưng thuốc không phải là giả. Hàm ý là nó vẫn chữa được bệnh, tuy là mạo danh.
Lập luận dựa trên thành phần thuốc, nói gì thì nói, sẽ làm không ít người tin vào điều: Do hám lợi nên người ta mạo danh thuốc chính hãng, nhưng không định đưa vào tay những bệnh nhân đang giành giật từng ngày sống từ tử thần thuốc giả, mà vẫn là thuốc có tác dụng giống thế. 
Tôi cũng như phần tuyệt đại đa số người bình thường, không có chuyên môn về dược học, rất dễ bị thuyết phục bởi lập luận này.
Nhưng xin kể câu chuyện xảy ra với riêng tôi.
Cách đây nửa năm, tôi bị viêm răng lợi. Trước đây tôi thường mua uống Rodogyl, một loại thuốc mà chỉ uống vài viên đã thấy đỡ hẳn đau và sau hai ngày là hoàn toàn khỏi. Lần đó bác sỹ không kê Rodogyl, nói rằng hiện Rodogyl (của Pháp) không nhập nữa do đã sản xuất nội địa được, và thuốc được kê là thuốc nội, là thuốc tương tự, chỉ khác tên.
Tôi đã uống thuốc đó ba tuần và không thể dứt khỏi đau răng lợi. Kể cả khi đã tự tiện uống đến gấp đôi liều chỉ định. Cho đến khi một người bạn làm dược khi biết đã cười nói với tôi: Anh sẽ không thể khỏi nếu uống thuốc như thế.
Bằng nguồn nào đó, người bạn mua được cho tôi hộp Rodogyl của Pháp, và tôi chưa sử dụng hết 1/2 hộp thuốc (vẫn còn hộp dở giữ lại) thì đã hoàn toàn khỏi đau răng.
Khi đọc kỹ vỏ hai loại thuốc, tôi thấy thành phần giống hệt nhau, đều bao gồm hai thành phần Spiramycin và Metronidazole, liều lượng uống cũng giống nhau. Tôi thắc mắc làm sao giống nhau về thành phần thuốc mà khác nhau về tác dụng đến thế.
Tôi đã nhận được bài giảng sơ lược về chuyện này như sau:
Khi thời hạn độc quyền của thuốc gốc hết, người ta có thể sản xuất thuốc tương tự với các nguyên liệu giống thế. Nhưng thuốc tương tự này nếu muốn giống thuốc gốc phải qua 4 cấp độ khác nhau:
– Cấp độ sơ giản nhất là TƯƠNG ĐƯƠNG HOÁ HỌC, tức là thành phần nguyên liệu cơ bản giống với thuốc gốc. Như là trường hợp hai loại thuốc chữa đau răng kia có thành phần hoá học tương đương nhau. Hoặc nếu đúng thuốc H-Capita kia nếu thật sự chiếm 97% capecitabine cũng chỉ là tương đương hoá học với thuốc gốc.
– Cấp độ thứ hai là TƯƠNG ĐƯƠNG BÀO CHẾ, tức là về nguyên liệu và tá dược được bào chế quy trình giống nhau. 
– Cấp độ thứ ba là TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC. Có nghĩa là khi vào cơ thể người, thuốc được bào chế đúng nên độ rã, độ hấp thụ tương đương với thuốc gốc. Nói ví dụ đơn giản: Dù thành phần hoá chất giống nhau nhưng chế viên thuốc trong các điều kiện sản xuất không giống nhau, tức không có cùng GMP (Good Manufacturing Practice ), cho nên loại thì tan và thẩm thấu vào cơ thể và phát huy tác dụng; Loại khác lại vẫn chưa rã hết và rồi thải ra theo đường khác nên cơ thể không nhận được hỗ trợ của thuốc. Hoặc có loại thuốc chữa đường ruột được bào chế tính toán sao cho giữ nguyên dạng khi trên đường đi, xuống đúng ruột mới rã, thì sẽ có tác dụng cao hơn loại rã ngay ở dạ dày. Để xác định tương đương sinh học, người ta phải thử nghiệm dùng thuốc trên người tình nguyện thuốc gốc và thuốc tương tự, sau đó đo nồng độ thuốc lưu trong máu hoặc các xét nghiệm khác.
– Cấp độ thứ tư, cao nhất, là TƯƠNG ĐƯƠNG ĐIỀU TRỊ. Có nghĩa là thuốc được sản xuất, thuốc gốc được xoá nhãn để không phân biệt được và điều trị cho các bệnh nhân (điều trị mù), kết quả thu được giống nhau. Phải có Hội đồng gồm các chuyên gia thẩm định qua thực tế điều trị thử nghiệm để xác định độ tương đương này.
Điều đó giải thích tại sao hai loại thuốc có thành phần hoá chất giống hệt nhau nhưng không được mạo tên nhau, không được lấy nhãn của nhau. Bởi thực tế nó có thể quá khác nhau về công dụng. Nếu mạo tên nhãn của nhau, thì nó là thuốc giả. Và điều đó được quy định qua Luật (Xem mục 24 điều 2 Luật Dược 2005 và mục 33 điều 2 Luật Dược 2016).
Và điều đó cũng giải thích tại sao có thể đến hàng năm, thậm chí vài năm một nhãn hiệu thuốc được đề nghị nhập khẩu vào Việt Nam mới được chấp nhận. Bỏ qua yếu tố quan liêu câu giờ thì có lý do: Để xác định chính xác công dụng của nó người ta phải qua quá trình thẩm định phức tạp. Dĩ nhiên, các trường hợp khẩn cấp hoặc thuốc gốc thì có thể khác. Lô H-Capita của VN Pharma, như báo chí viết, được cấp phép sau hai tháng – một tốc độ trong mơ. 
Và điều đó cũng giải thích tại sao lô thuốc H- Capita này có giá rẻ bất ngờ (nếu không tính chuyện để có tiền trả cho hoa hồng bác sỹ, người ta nâng thuốc lên gấp ba lần, như báo chí viết).
Thưa ông Thứ trưởng Bộ Y tế, tôi không tin ông và những người nào đó cùng ông ở Bộ y tế lại có thể không biết những điều sơ đẳng trên về dược học. Các vị nói lấy được như vậy chẳng qua là các vị biết dân đen chúng tôi tất nhiên mù tịt vì mọi khái niệm “tương đương” giữa thuốc gốc và thuốc tương tự, các quy chuẩn để chấp nhận thuốc tương tự. Mà chúng tôi mù tịt thật, có điều chính những kẻ mù tịt về dược và y này đã bằng tiền thuế mình đóng nuôi bộ máy giám sát và quản lý là các vị, với niềm tin là được bảo vệ bởi sự giỏi giang của các vị. Hoá ra chúng tôi vừa mù tịt, vừa ngây thơ.
Nếu các vị quả thật là bị VN Pharma lừa, sao các vị phải ngồi xổm cả lên luật , lẫn kiến thức dược học mà các vị hẳn đầy trong đầu, để bảo vệ kỳ được VN Pharma bằng cái lập luận “không phải là thuốc giả”?
Tôi đã uống thuốc có thành phần tương đương và ba tuần không dứt khỏi các cơn đau răng. Chẳng chết người gì. Còn ung thư? Ung thư đâu phải là đau răng, thưa các vị?
Đừng làm ra vẻ vô tư lương thiện nữa. Hãy nhìn thẳng vào mắt những bệnh nhân ung thư. Lừa dối thế đủ rồi, thưa các vị.
Thêm: 1- Đọc một số cmt, tôi thấy cần nói thêm để tránh hiểu lầm về thuốc tương tự. Thuốc tương tự không có nghĩa là không tốt, nếu nó được qua kiểm nghiệm nghiêm túc, và không phải nhất thiết cứ thuốc gốc là mới tốt. Nhưng trường hợp H-Capita thì là thuốc vờ nhãn, xuất xứ, hồ sơ giả mạo, không hề có hồ sơ thật để chứng minh tính tương đương với thuốc gốc, thì nó là giả, và không thể lấy lý do thành phần thuốc mà bào chữa được.
2- Trước thời điểm VN Pharma nhập lô hàng này nhà nước đã có những văn bản pháp luật quy định về hàng giả. Ví dụ như theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 08/2013/NĐ-CP ngày 10-1-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thì hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa gồm những loại sau: a) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác; b) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. Cũng theo Nghị định này nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh sẽ xử lý nặng gấp đôi. Trường hợp làm hàng giả thu lợi lớn bị xử lý hình sự.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt kiều Mỹ đang muốn về Việt Nam vì 4 lý do


Nhiều người đang ôm giấc mộng sang Mỹ để lập nghiệp còn trong khi đó có vô vàn người đang tích cực để về VN lập nghiệp. Đúng là “trong chán ngoài thèm” mà. Tại sao sống ở VN nhiều điều tốt thế mà chúng ta cứ mộng mơ nhỉ. Hãy đọc bài này và tỉnh ngộ đi các bạn trẻ à:

Hình minh họa
Lý do khiến nhiều Việt Kiều Mỹ không muốn phát triển sự nghiệp trên đất Mỹ: Có rất nhiều lý do, có thể bạn cho là “trong chán ngoài thèm” hoặc có thể là “tuổi trẻ bồng bột”. Nhưng không, họ suy nghĩ cực kỳ chín chắn đấy.

1. Cuộc sống không hoàn hảo như chúng ta tưởng

Mấy hôm nay em thấy báo chí đưa tin bên Houston đang có bão Harvey lớn lắm, nước dâng cao, cá sấu, rắn lên bờ mà đường dây 911 lại quá tải vì có quá nhiều người cần giúp đỡ. Theo em được biết thành phố Houston là nơi cư ngụ của rất nhiều người Việt Nam.

Cơn bão mạnh nhất Mỹ phải hứng chịu đã gây ra “ngập lụt thảm họa” ở thành phố Houston, Texas làm ít nhất 5 người thiệt mạng, 14 người bị thương, và khoảng 240.000 người phải sống trong tình trạng không có điện. Người Việt Nam mình sinh sống ở bang Texas, đặc biệt là thành phố Houston đang phải gồng mình chống chọi. Có nơi nước ngập qua nóc ôtô, lốc xoáy vòi rồng đi qua khiến nhiều nhà bị thiệt hại về tài sản, rồi sét đánh cháy nhà, nhưng ra ngoài đường lại nguy hiểm, vì rắn và cá sấu có thể ở đâu đó trong nước, …và tình trạng lũ lụt nghiêm trọng do siêu bão đã làm tăng nguy cơ dịch bệnh ở nước này.

=> Rút ra được kinh nghiệm: Ai bảo xứ thiên đường, xứ gì cũng có những điểm yếu của nó thôi. Điển hình là địa bàn cư trú nhiều bà con người Việt mình đang bị nạn đấy. Thiết nghĩ họ đang rất đau buồn, giá như được ở Việt Nam lúc này. Người ta thường có câu “Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Dù cho là người Mỹ rất nhiệt tình, sẽ giúp đỡ người hoạn nạn khá tốt, nhưng làm sao bằng người Việt mình giúp nhau, bà con dòng họ giúp vẫn nhiều hơn.

2. Cuộc sống vất vả khiến nhiều người Việt muốn về lại VN

Nếu bạn có đọc 1 bài viết trên webtretho trước đó thì bạn sẽ thấy điều này:

Cách sống của Việt kiều ở Mỹ với lương hơn 50 triệu/tháng để mua nhà sắm xe và an cư

Chỉ kể thêm là:

– Phải làm việc nhiều giờ, nên không còn thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và con cái. Đi làm về đến nhà đã đau nhừ toàn thân, ăn cũng không muốn ăn chứ đừng nói là làm cơm tối cho gia đình và tất nhiên là cũng chẳng còn mặn mà tới chuyện c.h.ă.n g.ố.i nữa vì phải giữ sức để mai đi cày. Tất nhiên, không ai ép buộc mình phải làm việc nhiều giờ cả, nhưng vì cuộc sống và bạn muốn có tất cả mọi thứ.

– Một gia đình, ba là kế toán và mẹ có hàng quán nhỏ nhưng rất đông khách. Không giàu sang nhưng cũng thuộc khá giả, không phải bận lòng với đồng tiền. Và họ qua đây, mở tiệm nail, nghe giàu thật, nhưng có ai biết đằng sau đó là mồ hôi nước mắt. Mọi công đoạn đều phải tự họ mày mò làm: trang trí lại nội thất, quảng bá cho thương hiệu, v.v… Có những khi làm không đủ, vài tháng số tiền đi vào lại ít hơn số tiền đi ra.

– Một gia đình, gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu với biệt thự ở ngoại thành. Sang đến Mỹ, ba mẹ phải đi chất hàng lên toa xe lửa với mức lương khoảng 1.200 đến 1.500 USD một tháng. Họ cố ngậm đắng nuốt cay cho hai đứa con gái ăn học thành tài trước lời dè bỉu từ họ hàng.

=> Rút ra: Thật ra thì có những điều tốt đẹp khi sang bên này lắm, nhưng không biết sống cho phù hợp với nền VH bên ấy thì bị sốc cho cả gia đình. Bài viết đó khá là phiến diện, chỉ nêu lên những góc khó khăn để mọi người hiểu biết về xã hội Mỹ, đặc biệt là về khía cạnh luật sở hữu và thừa kế tài sản, nhưng tôi muốn các bạn đọc để hiểu thêm.Vùng đất được cho là đẹp nhất để sống và làm việc vẫn có chấm đen trong mắt vài người đấy, biết đâu bạn cũng là người thấy chấm đen đó y chang vậy.

3. Thật ra VN là miền đất hứa của nhiều người

Tờ Nikkei của Nhật Bản mới đây có bài viết về xu hướng những người Mỹ gốc Việt trẻ tìm đường về Việt Nam – nơi được họ xem là một miền đất hứa mới – để tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp.Ví dụ như trường hợp của Esther Nguyễn, mẹ cô ấy còn ngạc nhiên với quyết định của cô ấy: “Chúng ta đã làm mọi cách để gia đình đến được Mỹ mà bây giờ con lại đòi quay trở lại?”.

Esther được sinh ra ở bang Michigan và lớn lên ở Vùng Vịnh. Cha mẹ của cô đã đến Mỹ vào năm 1975. Tại Mỹ, họ mở một cây xăng và một khu chợ mini. Như vậy đã gọi là sống thành công và ổn định nhưng cô ấy vẫn muốn quay trở lại Việt Nam để mở một tiệm buôn bán ở quê hương cũ. Cô đã trở về thật và thành công trở thành Giám đốc điều hành một công ty phân phối và quản lý nội dung âm nhạc có trụ sở tại TP.HCM. Cô chia sẻ: “Tôi đến từ Thung lũng Silicon, nơi mọi thứ dịch chuyển rất nhanh. Việt Nam thì không như vậy. Mọi thứ mất nhiều thời gian hơn, thậm chí là rất nhiều thời gian. Và mức độ kinh nghiệm cũng rất khác”.

=>Bài học rút ra: Đất Việt hay đất Mỹ đều ngập tràn cơ hội để chúng ta phát triển. Tùy quan điểm của mỗi người và chí hướng cũng như con đường mà chúng ta lựa chọn. Nếu là ba mẹ cô thì họ nhìn ra Mỹ là vùng đất thánh địa để họ sinh sống phóng khoáng và tạo điều kiện cho con cái học hành. Còn đối với người thích được cơ hội khởi nghiệp thì chọn về những nơi đang phát triển như VN.

Mỹ tốt thật nhưng không phải ai cũng hợp với nó. Phải biết mình đang ở đâu, giỏi gì, thiếu sót gì và lựa chọn cơ hội cho phù hợp. Đừng mơ rằng thiên đường chỉ có ở Mỹ. bạn có biết rằng, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất Rich Dad, Poor Dad (Cha giàu, Cha nghèo) -ông Robert Kiyosaki cũng từng đề cập ông từng đến VN để làm việc mà. Sao có hàng trăm nơi mà không đi hết lại lựa chọn VN? Vì ông nhận ra VN có cái để ông học hỏi và phát triển.

4. VN là nơi đáng sống

Theo kết quả công bố của InterNations Expat Insider – một khảo sát được thực hiện trên 14.000 người tại 191 nước từ khắp nơi trên thế giới về chất lượng sống, tình trạng tài chính cá nhân và cân bằng giữa công việc với cuộc sống thì Đài Loan được xem là nơi đáng sống nhất và Việt Nam là nơi xếp thứ 11.

Người ta nói, ở Mỹ là có tương lai, là có tiền, cứ như “everything is money”, nhưng đâu ai biết rằng ở xứ này “money is everything”. Đúng là lương hằng năm của người Việt có thể xấp xỉ từ 20.000 đến 40.000 USD tùy theo hộ gia đình có bao nhiêu người. Những người qua càng lâu, sẽ có mức lương càng cao; lương trung bình của mỗi người Việt mới qua là dưới 20.000 USD một năm trong suốt gần ba năm đầu tiên, còn sau đó có khả quan hơn hay không là tùy 30% cố gắng và 70% vận may. Và xét cho cùng, ở mức lương nào thì cũng vật lộn với cuộc sống cay nghiệt ở xứ người là khôn xuể.

=> Bài học: Việt Nam không tệ đâu cả nhà ạ, không cao không thấp mà nó luôn cho ta cảm giác cân bằng đấy, cái mà các nước phát triển hok có đâu.Ở Việt Nam, ngoài tiền điện, nước, chợ và mức sống như thế nào thì tùy từng người, xài sang thì hết nhanh, tiết kiệm thì có dư do mỗi người tự lựa chọn. Ở xứ Mỹ này thì khác, cứ mỗi th.á.n.g là những hóa đơn (bills) cứ tràn ngập trong hộp mail. Nào tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền bảo hiểm xe, tiền xe trả góp,…không phải mình muốn sống không chi tiêu là không được.

Nhật cũng vậy á, Chính phủ muốn dân làm và xài nên còn tính lãi âm cho những người gửi Ngân hàng kìa.

Thanh Tâm
(Web Trẻ thơ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc phiêu lưu của người Mông trong phố


Hai người Mông đến Hà Nội từ cùng một đỉnh núi. Họ rẽ theo những con đường khác nhau.

Bắt đầu từ nửa cuối năm 2016, “Yên Bái” trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Google. So sánh tương quan giữa “Yên Bái” với hai từ khóa tiêu biểu, gồm “thịt lợn” - một trong những chủ đề thời sự nóng nhất nửa đầu 2017 và “Hội An” - địa danh du lịch nổi tiếng lâu đời, khẳng định sự mới nổi của tỉnh miền núi này, cả với tư cách một địa danh và chủ đề thời sự.
Cho tới trước tháng 8/2016, Yên Bái có rất ít lý do để xuất hiện trên báo chí. Đó là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, với chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc hàng thấp nhất.
Nhưng ngay cả khi đã trở thành một “xu hướng tìm kiếm”, Yên Bái vẫn chỉ hiện lên qua những câu chuyện, những cái tên mang màu sắc chính trị. Ở đâu đó, sự tương phản giữa các chân dung chính trị và đời sống người dân của một tỉnh nghèo được nhắc tới. Nhưng bản thân chân dung của những người dân - đặc biệt là những người dưới cùng thang thu nhập - vốn làm nên đặc trưng kinh tế xã hội của Yên Bái, chưa xuất hiện.
Thời điểm này có thể là cơ hội để nói về những con người đó. Hay rộng hơn, là cơ hội để nhắc một lần nữa về cuộc sống đồng bào “vùng sâu, vùng xa” - theo cách Trung ương gọi các vùng đất này.
Hai chàng trai người Mông ra đi từ xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải - huyện nghèo nhất của tỉnh Yên Bái. Xuất phát từ cùng một nơi, cả hai xuống Hà Nội theo những con đường khác nhau với những mục tiêu khác nhau. Họ gặp ở đó những cơ hội và thách thức, những người tốt và xấu. Một người đối mặt với vấn đề kinh tế; còn người kia đối mặt với cuộc khủng hoảng về định danh.
Hôm ấy, Lý A Chống ra khỏi nhà vào sáng sớm.
Cậu ngoái lại nhìn căn nhà gỗ chênh vênh bên sườn núi, rồi đi bộ men theo đường mòn xuống đường lớn bắt xe. Trong nhà, vợ Chống và con trai còn đang ôm nhau ngủ. Chống xuống Hà Nội làm thuê trả nợ.
Chống mang theo 100.000 đồng trong túi và bộ quần áo đựng trong cái bao tải. Cậu người Mông xuống bến Mỹ Đình (Hà Nội), còn thiếu nhà xe 90.000 đồng, phải nhờ người bạn trả giúp.
Người bạn cùng bản giới thiệu cho Chống làm công nhân buộc thép. Thu nhập là 3 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền đó đúng bằng số nợ hai năm chưa trả được mà Chống vay của bố vợ và người trong bản Chế Cu Nha để dựng căn nhà nhỏ khi vợ chồng ra ở riêng. Chống nợ bố vợ một con lợn, nợ người cùng bản một triệu đồng.
Ở công trường ấy, Chống làm việc cùng tám đồng hương đều là bạn bè cùng tuổi. Công việc đầu tiên chỉ kéo dài một tháng: chủ thầu quỵt tiền công của Chống. Cậu lại lần mò quay trở về Chế Cu Nha.
Nhưng người đàn ông của gia đình vẫn muốn tìm cách trả nợ. Chỉ vài ngày sau, chàng trai Mông lại tìm đường xuống Hà Nội.
Chống lại xuống bến xe Mỹ Đình, trên người không một đồng xu, vẫn chỉ có đúng một bộ quần áo và đôi dép nhựa. Khi ấy đang là đợt rét nhất của mùa Đông Hà Nội. Cậu gọi điện cho người duy nhất cậu quen tại mảnh đất này - “anh Cường” - người chụp ảnh từng đến thăm nhà Chống, cũng là người thực hiện loạt ảnh chân dung những người Mông trong bài viết này.
“Em đang đứng cạnh một cái xe màu vàng” - Chống đứng giữa dòng người tuôn chảy ở bến xe Mỹ Đình, miêu tả qua điện thoại cho anh Cường đến đón. 

***

Bằng một nỗ lực nào đó, anh Cường tìm được “cái xe màu vàng” và đón được Chống. Cậu được đưa đi mua quần áo, một đôi ủng chống rét, và được giới thiệu làm công nhân trong một công ty sản xuất bê tông trộn. Nhiệm vụ của cậu là vệ sinh công trường, lau rửa nền đất và những chiếc xe bồn trộn bê tông. Lương tháng bốn triệu hai, cậu được cho sống trong chiếc container ở góc công trường.
“Tiền đấy lúc nào em cũng cầm bên người. Sợ mất chứ. Đi làm thì thi thoảng sờ vào túi xem còn không”.
Chống đi từ Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Việc “91% dân số là dân tộc Mông” được chính quyền Mù Cang Chải liệt vào danh sách các nhân tố tạo ra “khó khăn” cho việc phát triển kinh tế xã hội của huyện. Hơn 75% số hộ thuộc diện nghèo, theo chuẩn nghèo đa chiều của chính phủ.
Không có con số thống kê chính thức về những cuộc ra đi như của Chống, Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSee), trong một báo cáo năm 2015, khẳng định: “Lối sống và tiêu dùng của nhiều gia đình ở bản làng đã hòa nhập sâu vào nền kinh tế thị trường”. Đó là mua hàng hóa cần cho cuộc sống đơn giản, tiếp cận, hưởng thụ các mặt hàng trước đây được coi là xa xỉ, như vợ chồng Lý A Chống, từ chỗ trả nợ đã có nhu cầu sắm xe máy, xây nhà to hơn.
Đó có thể là một nhu cầu đơn giản với nhiều cộng đồng khác. Nhưng với những đồng bào sống trên núi cao, nền kinh tế chính là nông nghiệp và quỹ đất canh tác ngày càng thu hẹp, tăng trưởng là một thách thức: đầu tư cho tăng trưởng của những con người này, từ vốn tài chính (tiền) cho đến vốn con người (giáo dục) đều không có. Vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Họ thậm chí đối mặt với suy thoái kinh tế, khi dân số tăng và quỹ đất không tăng. Chống là một trường hợp tiêu biểu cho sự suy thoái này: cậu cần một căn nhà khi cưới vợ, cần ruộng để cấy, nhưng nguồn lực cũ không đủ khi gia đình mở rộng. Mảnh đất mà cậu dựng nhà trên sườn núi phải mua của người khác với giá 4 triệu đồng.
Vay nợ trở thành một vấn đề lớn không chỉ của Chống hay của người Mông ở Mù Cang Chải. Một khảo sát năm 2014 chỉ ra rằng có gần 80% số hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Thái Nguyên và Sơn La (vùng được chọn khảo sát) đang vay nợ. Phần lớn số này là để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà. Tỷ lệ nợ xấu, tức là chỉ có thể trả được một phần hoặc mất khả năng chi trả, là 28,4%.
Nguồn: iSee
Chống đã quyết định ra đi, khi mà không có chút vốn nào, từ kiến thức về Hà Nội cho đến tiền bạc. Xuống núi, là con đường duy nhất cậu nghĩ ra.
Chống làm việc ở trạm trộn bê tông một thời gian thì ốm nhẹ. Vợ Chống gửi con, lặn lội xuống Hà Nội thăm chồng.
Trước khi xuống thăm chồng, vợ Chống xin thuốc của người Mông, đi ba trăm cây số xuống thủ đô, cho chồng uống khỏi ốm.
Họ mượn được một chiếc xe đạp để chở nhau đi chơi. Chống chỉ biết một địa điểm ở Hà Nội này: tòa nhà cao nhất Hà Nội. Đó là tòa nhà Keangnam gần bến xe Mỹ Đình, “thắng cảnh” đầu tiên cậu nhìn thấy khi bước chân xuống thủ đô.
Hôm ấy, Chống xin nghỉ làm sớm, chở vợ lên xem “tòa nhà cao nhất Hà Nội”, lượn quanh một vòng, cho vợ xem mấy chỗ người ta trồng hoa đẹp đẹp ở mấy nhà hàng to quanh khu đó,  rồi quay về.
Hôm ấy, Tủa Khang cũng xuống núi vào sáng sớm.
Trời còn mờ sương, mây mù vẫn phủ kín. Cậu cũng đi đúng con đường Chống đã đi, nhà họ chỉ cách nhau vài mét trên sườn đồi. Từ Chế Cu Nha, chỉ có một con đường mòn xuống đường lớn để bắt xe khách.
Hôm ấy là tháng Tám, ngô còn đang xanh, lúa mới cấy. Chế Cu Nha “chỉ có xanh và xanh”, trong trí nhớ của Tủa.
Khung cảnh Chế Cu Nha nhìn từ nhà Lý A Chống
Tủa đi một con đường khác Chống. Họ là bạn học của nhau, ngày bé vẫn đánh nhau và thời thanh niên vẫn cùng ngồi uống rượu. Nhưng Tủa Khang học giỏi. Chống ở nhà lấy vợ đẻ con, còn Tủa xuống xuôi, để học lên đại học. Tủa là tân sinh viên Đại học Bách Khoa.
Con đường của Tủa đối mặt với những thách thức khác Chống. Cậu mang cảm giác bị kỳ thị suốt những năm tháng đi học. Chàng trai người Mông nói tiếng Việt mang theo âm sắc tiếng Mông. “Cứ đứng dậy nói là chúng nó cười; nhiều khi mình nói đúng chúng nó vẫn cười, em chẳng hiểu tại sao” - Tủa cười và nhớ về thời đi học phổ thông.
Tủa mang theo hơn 2 triệu đồng vay ngân hàng xuống nhập học ở Đại học Bách Khoa. Xong thủ tục, cậu chỉ còn 400 nghìn đồng, và phải gần hai tháng nữa, mới đến lúc gia đình gửi tiền. Tủa ăn mì suốt hai tháng.
“Sao mày ăn mì nhiều thế?” - người buôn mì gói hỏi. “Em thích ăn mì” - Tủa trả lời. Rồi người đàn ông ấy giúp Tủa vốn để bán mì gói cho các bạn trong ký túc xá. Người ấy tốt, Tủa vẫn nhớ: anh đưa cả xe máy cho Tủa đi giao mì. Ngoài giờ học, chàng trai người Mông trở thành tay buôn mì. Cậu buôn bán thuận lợi - có những ngày bán vài thùng mì. Giai đoạn ấy, Tủa có tiền. 
Nhưng không chỉ có Tủa bán mì gói cho sinh viên. Một buổi tối, Tủa bị chặn xe, bị đánh trên đường về. Cậu bỏ nghề từ đấy.
Ngày bé, Tủa từng dựng lều cạnh trường để đi học. Cha mẹ không có nhà, Tủa được gửi ở nhà cô giáo. Nhưng người Mông nhỏ tuổi đã biết tự ái: cậu bé không thích cảm giác ăn nhờ ở đậu và hay nhịn đói. Cuối cùng, cậu dựng một căn lều ở cạnh trường.
Nghị lực ấy giúp Tủa trụ được qua ba cấp học để bước vào đại học. Nhưng cậu bé ấy chỉ đủ sức chiến thắng cái nghèo và cái đói. Cậu không thắng nổi cảm giác lạc lõng.
Tủa nhìn lại bản làng và cộng đồng người Mông bằng một con mắt khác - của một người đã đi xa. Và cậu nhận ra rằng văn hóa truyền thống của người Mông, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ sự va đập của các nền văn hóa. Người xuôi bắt đầu xâm nhập vào không gian văn hóa của người Mông. Còn những người Mông, như Chống hay là chính Tủa, bắt đầu hành trình lưu lạc để mưu sinh khi mảnh rừng cũ không còn nuôi nổi người. 
“Tiếng Mông chỉ có hai đại từ nhân xưng là Cú và Kọ, là tao và mày, giống như I and You của tiếng Anh” - Tủa nói về một ví dụ cho xung đột văn hóa. Rất nhiều người Mông giữ thói quen nói “tao” và “mày” khi tiếp xúc với người xuôi; khi đi làm thuê. Không có “anh/em, chú/cháu”, và tất nhiên, họ không nhận được sự cảm thông mà người ta sẽ dành cho một người Mỹ.
Tủa lập AHD - Action For Hmong Development, cùng với Súa và Dung. Súa là người Mông từ Điện Biên. Dung là người Mông từ Lào Cai. Đều là những người trẻ, đều là những người Mông đã trải nghiệm sự lạc lõng trong định kiến. Ba cô cậu bắt đầu tổ chức những buổi tọa đàm về văn hóa người Mông. Họ muốn xóa đi định kiến của dân thành thị về người Mông.
Từ trái qua: Khang Tủa - Hạng Súa - Lồ Dung
Người Mông được học cao Tủa Khang lại nhìn thấy một bài toán khác so với Lý A Chống. Bài toán của sự định danh.
Tủa bắt đầu xin tài trợ tổ chức các buổi trò chuyện về người Mông ở Hà Nội. Ở đó, nhóm của Tủa nói về cái tên Mông - về việc “Mông” hay “Hơ Mông” mới là chính xác. Họ nói về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa Mông; về tục kéo vợ, về việc tại sao người Mông vùng Tây Bắc lại ăn Tết vào tháng 11 âm lịch, chứ không phải vào Tết Nguyên đán của người xuôi - điều mà chính quyền đang ra sức vận động. Họ bàn luận về hành vi ban phát kẹo cho trẻ em người Mông của những vị khách du lịch từ xuôi. Họ giãi bày nhiều điều, với hy vọng nhóm nhỏ những người đến nghe sẽ thay đổi nhận thức về văn hóa Mông.
Tại sao Tủa muốn làm tất cả những việc này? Cậu trả lời bằng cách đưa ra một nghiên cứu của iSee về cách mà truyền thông phản ánh hình ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số. 
Khảo sát hơn 500 bài viết ở nhiều kênh về đồng bào dân tộc thiểu số, có tới hơn 70% các bài viết sử dụng tính từ tiêu cực để mô tả đồng bào. Trong số này, nhiều nhất là các từ tả sự "nghèo đói" với hơn 65%, sau đó là "lạc hậu, mê tín dị đoan" với hơn 23%...
Và như một phản xạ vô thức, rất nhiều bài viết so sánh "với người Kinh" như một chuẩn mực về lối sống văn minh.
Nguồn: iSee
Tủa, Súa và Dung không chấp nhận được những hình ảnh ấy. 
Tủa giờ không cảm thấy việc lấy một tấm bằng Hóa học ở Bách Khoa có giá trị với đời mình. Cậu biết rằng, nếu tiếp tục theo học, đồng nghĩa với hạn chế cơ hội học hành của những đứa em. Tủa bỏ học Bách Khoa để chuyên tâm cho sứ mệnh mới: chống lại những định kiến và tìm cách bảo vệ văn hóa của người Mông trong những luồng xung đột.
Khi nào hết tiền ăn, Tủa sẽ đi làm thợ xây dăm bữa.
Tủa kể về những chuyến xe về quê đêm cuối tuần cuối cùng trong tháng. “Người ta xếp chồng lên nhau như xe chở lợn” - cậu tả. Đó là ngày mà những người làm thuê được lĩnh lương, và họ tranh thủ về quê thăm nhà.
Người quê Tủa và Chống bây giờ đi làm thuê xa hết. Người ta sẽ về Chế Cu Nha đi gặt khi mùa lúa chín vàng. Nhưng tháng 10 qua đi, là đàn ông biến mất, làng chỉ còn người già, trẻ em và phụ nữ.
“Trong nhà người Mông, đứa trẻ con ăn cơm mà quỳ gối thì ngay lập tức bị nói: sau này lớn lên, mày cũng chỉ là kẻ làm thuê cho người khác” - Tủa kể về cách người Mông quê mình dạy con, để chỉ ra rằng người Mông không thích đi làm thuê. Người giàu nghĩa là đủ ăn trên những mảnh ruộng bậc thang của mình.
Trong câu chuyện của Tủa, những người dân tộc thiểu số di cư hiện lên đầy yếu đuối. Tủa đồng ý, rằng họ rất giống những người Việt Nam rời  quê hương mình đi xuất khẩu lao động tại một quốc gia xa lạ ở Trung Đông hay Đông Á. Họ đối mặt với đầy nguy cơ: bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa, họ dễ bị lừa, dễ bị bóc lột, thậm chí gặp nguy hiểm về thân thể.
Tủa chỉ muốn bản làng giữ được nếp xưa, đủ ấm đủ no với mảnh ruộng, lợn gà, đùm bọc nhau trong không gian văn hóa riêng của mình.
Lý A Chống đã tích cóp được một khoản tiền để mua xe máy, và trở về Chế Cu Nha.
Nhưng Chống đã thấy mệt với ruộng bậc thang. Cậu muốn trở lại Hà Nội đi làm, với cái lý xách vữa, bê xi măng nặng hơn, người bẩn hơn, Hà Nội nóng hơn, nhưng nhiều tiền hơn, chỉ đi làm, ăn, về tắm giặt rồi ngủ, không phải nghĩ đến con gà, bón phân cho cây lúa.
Những phiên chợ người dưới thị trấn giúp ông bố trẻ kiếm được nhiều nhất 150.000 đồng/ngày bằng việc phụ hồ. Bộ quần áo công nhân in tên công ty xây dựng đằng sau lưng, cái tên “Lý A Chống” trước ngực như bảo chứng cho “tay nghề”. Số tiền công cho vợ con thêm bữa cơm có thịt. Thằng Của đi học đã có nhà nước nuôi. 
Hơn một năm nay, trong nhà Chống không sắm thêm được thứ gì. “Em muốn dựng cái nhà to hơn, cho vợ con ngủ trên cái giường rộng, anh em đến chơi có chỗ ngồi, nhưng chỗ làm cũ đã có người thay thế. Ở bản này, con trai đi làm đường sắt trên cao dưới Hà Nội, làm mỏ ở Quảng Ninh, còn con gái đi lấy chồng hết rồi”.
Chiều tàn, khách đến, bà Bầu - mẹ Chống - giơ cả hai tay ra bắt, rồi cười nói vài câu tiếng Mông. Bà mời khách vào nhà, rót nước vào hai cái bát, để trên ghế nhỏ vẫn ngồi ăn cơm mời khách uống. Vợ chồng Chống thì thầm gì đó, rồi biến mất, lúc sau mang về cân thịt với lời mời “ở lại ăn cơm, ngủ với vợ chồng em một đêm”.
Dưới ánh đèn compact 20W lập lòe, sáu người chụm đầu bên mâm cơm có hai bát thịt, một rang với muối, một luộc kèm bát nước.
Hỏi sao không đi buôn váy, buôn táo mèo nữa, Chống nói những thứ ấy không có quanh năm. Làm nương thì phải lo phân bón, cây giống. Ông bố 24 tuổi ngồi nhẩm tính, nhà có hai mảnh nương, mảnh lớn trồng lúa, tháng năm đổ nước, tháng sáu cấy, tháng bảy bón phân, cuối tháng chín gặt, thu mười bao. Mảnh nhỏ trồng ngô, tháng tư trỉa hạt, tháng tám thu bắp, được bốn bao.
Làm dưới Hà Nội một tháng, bằng bà Bầu đi hơn 80 phiên chợ bán su su - phương cách tăng thu nhập duy nhất của những người phụ nữ trong gia đình Chống lúc này.

***

Chống không biết gì về những thứ người ta đang nói về Yên Bái. Chống chưa từng nghe thấy từ “biệt phủ”. Tin tức cậu cập nhật gần nhất về chính quyền Yên Bái là từ ngày còn ở Hà Nội, nghe người ta nói chuyện.
Yên Bái đã nổi tiếng vì một lý do xa lạ nào đó với những người xa lạ nào đó. Trên đỉnh núi, người dân Chế Cu Nha vẫn nghĩ đến miếng thịt ăn. Một cân thịt lợn, bằng một nửa ngày công của Chống. 
Bài: Đức Hoàng - Hoàng Phương
Ảnh: Cường Đỗ Mạnh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trong sự tĩnh lặng của nước


 
trở về ngôi nhà của im lặng
một cánh cửa mở vào lòng biển cả
như viên sỏi,
tôi nhẹ nhàng chìm xuống
trong giấc ngủ mùa đông
sự dịu dàng của nước
vỗ về tôi.
 
trong sự tĩnh lặng của tâm hồn
một cánh cửa khác mở ra
và tôi thấy
những xáo động không ngừng
của vạn vật.
và tôi lại thấy
một cánh cửa khác
rồi một cánh cửa khác nữa
mở ra…
 
tôi nghĩ về nước
tôi nghĩ về sự trong suốt
và tôi biết
tôi là nước
bầu trời trong mắt tôi
những đám mây và cánh chim tự do…
và tôi thấy tôi
trong sự tĩnh lặng
của nước.
 
 
Địa đàng
 
ngôi sao cuối cùng rơi vào im lặng
bầu trời mở ra dưới làn tuyết trắng
tôi nghe thấy tiếng thì thầm vọng về từ khu rừng lạ
dậy hương và ánh sáng.
tôi nghe thấy tiếng thở từ đầu những ngón tay
trên-hàng-khuy-áo-của-nàng.
 
và mặt trời gáy vang
nơi đỉnh núi mím màu son đỏ.
 
 
Bức tường ngôi nhà thờ đổ nát
 
tiếng gió
thổi
bên kia bức tường
tôi nhìn thấy đại dương.
 
tôi thấy con đường
trên cánh đồng một bông hoa khẽ nở...
bầu trời lặng lẽ
thở
không khí của đêm
tôi thấy các vì sao
sáng như linh hồn cháy
một dòng sông cuộn bay...
 
trong-nhà-tù-xác-thân-này
bên trong bức tường
tôi nghe thấy tiếng thánh thót của một hồi chuông
rung lên
bất tận.
 
 
Trên mái nhà giấc mơ ở thiên đường
 
trên mái nhà giấc mơ ở thiên đường
bầy tượng ngữ đi tìm đôi cánh
nơi đám mây trắng ngủ.
tôi nghe thấy tiếng khóc dội về trong không gian
khai mở mùa lễ hội
trong cơn thổ huyết của nàng…
như bầy kiến lang thang
bầy tượng ngữ đi tìm giọng nói
hai mươi năm đốt lửa trên lưng mình
tha về chiếc tổ chàng thi sỹ
những giọt máu khô.
 
nàng là bài thơ
chết trên đám mây trắng ngủ.
 
2017
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang