- Nhà thơ Hoàng Cát – Ảnh NĐT
NTT: Nhà thơ, chiến sĩ thương binh Hoàng Cát, người từng bị treo bút oan bởi truyện ngắn Cây táo ông Lành.
Hoàng Cát nổi tiếng bởi truyện ngắn “Cây táo ông Lành” đăng trên báo Văn Nghệ năm 1973. Nổi tiếng vì “bị đánh”. Một cái truyện hiền lành viết về tình cảm tốt đẹp ông Lành dành cho trẻ con, đã bị giới “phê bình quan phương” suy diễn nâng thành quan điểm chống lại CNXH. Thời đó người ta còn bảo nhân vật ông Lành là ám chỉ Tố Hữu, vì Tố Hữu thường gọi là anh Lành và đầu nhà có trồng cây táo -“Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt”, “Xuân về táo rụng nhớ đàn em”… Nhưng sau này Hoàng Cát kể chuyện gặp Tố Hữu thì Tố Hữu nói tớ có biết gì đâu.
***
Những vết thương đau đớn về thể xác và trĩu nặng về tinh thần không làm nguội đi hồn thơ Hoàng Cát. Với anh, làm thơ là “cái nết đánh chết không chừa”, thơ là cứu rỗi.
Ban đầu Hoàng Cát định chia tập thơ thành hai phần để in riêng là thơ về tình yêu và thơ viết về nỗi đời. Thơ nỗi đời anh định đặt tên là Kiếp nhân sinh, nhưng rồi hai phần đó gộp lại dưới một cái tên chung là Thanh thản. Không chỉ là chuyện đổi tên một tập thơ, mà chính là một thức nhận của tư duy. Hoàng Cát chừng như đã nhận ra rằng chẳng còn gì là quan trọng nữa, sống hay chết, được hay mất, cũng không còn băn khoăn nhiều. Điều tuyệt vời nhất là những phút giây hiện tại, Hoàng Cát có một gia đình ấm cúng, có bạn bè thân thiết, có người để trao gửi tình yêu và có thơ. Từ kiếp nhân sinh mà đến được chỗ thanh thản, Hoàng Cát đã đi một chặng đường nhọc nhằn hơn rất nhiều người khác. Nguyễn Huy Thiệp từng viết: “Cuộc đời trôi đi đơn giản, day đi dứt lại làm gì?”. Với cuộc đời Hoàng Cát, khó mà nói đến hai chữ đơn giản. Và những tập thơ tê tái buồn trước đây của Hoàng Cát quả thật day đi đã lắm, dứt lại đã nhiều. Chỉ đến lần này, Hoàng Cát mới thực sự quyết định: cái gì đã qua để nó đi qua, chỉ cần biết bây giờ mình đang sống.
Nhiều người sẽ nghĩ rằng những khúc hoan ca hay khải hoàn như thế chẳng khác nào tấm bia cắm sẵn lên nấm mồ nhà thơ, đánh dấu chấm hết cho một đời chữ nghĩa. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo khi làm bìa cho tập thơ đã chọn tấm ảnh Hoàng Cát đang chọc tay lên trán. Anh nói: “Mỗi người nghệ sỹ phải chọc tay lên trán suy nghĩ, chịu đựng rất nhiều đau khổ thì đời sống mới mong có được một chút thanh thản nào đấy. Hoàng Cát chính là như vậy”. Hoàng Cát cũng tự thừa nhận: sự thanh thản nơi anh phải là và đã là sự thanh thản của thi nhân, của một người cả nghĩ chứ không phải cái thanh thản của người sinh ra trong nhung lụa.
Thế có nghĩa là Hoàng Cát trong tập thơ Thanh thản này vẫn còn buồn, vẫn nhiều ngậm ngùi, day dứt, xót xa, vẫn nhiều câu thơ đọc ứa nước mắt, nhưng tất cả những điều ấy trong tập thơ này, đều có thể gọi chung là một nỗi buồn sáng!
Tập thơ vẫn còn nhiều bài nhắc lại thuở tủi cực trong cuộc đời Hoàng Cát. Có mấy câu thơ đơn sơ thế này: Hăm ba tết: đập tan tành quán cóc/Kẹo bánh hất tung, tôi ôm mặt khóc òa!…mà như xát muối. Những năm tháng ấy anh đã làm tới 17 nghề để kiếm sống: làm nem chạo, nấu kẹo vừng, cuốn thuốc lá, bỏ mối thuốc lào, nuôi gà, nuôi lợn,…và bán chè chén vỉa hè là một nghề trong số đó. Vì thế mà có những câu thơ trên. Những ngày giáp tết lạnh thấu xương, Hoàng Cát yếu ớt với cái chân trái giả và một mảnh đạn vẫn nằm trong hộp sọ, với cuộc sống tưởng chừng không bao giờ có ngày mai, đã cuồng nộ đã đập tan cái quán nước vỉa hè của mình, để rồi lại ôm mặt khóc bất lực, tuyệt vọng. Mệt mỏi đến mức anh đã từng nghĩ Chỉ muốn nằm cho cỏ mọc trên lưng(Buồn hoang). Câu thơ này gợi nhớ đến mấy dòng ca từ của Trịnh Công Sơn: Mệt quá thân ta này/nằm xuống với đất muôn đời. Một nhà thơ, một nhạc sỹ cùng có những câu chữ lạnh người, bởi họ đều nhìn ra cái tội tình xiết bao của thân phận mình và thân phận con người.
Thơ Hoàng Cát không chuốt gọt chữ nghĩa. Thậm chí nhiều câu, nhiều từ lóng ngóng vụng về. Nhưng sự hồn nhiên, lòng chân thật thì không giấu vào đâu được, cứ đầy ứa ra từng câu từng chữ. Đọc Hoàng Cát, biết anh vui thật buồn thật, cười thật khóc thật nên cảm động vô cùng. Đó là điều đáng quý, đáng trọng nhất ở anh. Ai đã gặp Hoàng Cát trong những buổi gặp mặt bạn bè, càng hiểu anh là người không thể dối trá: bao giờ cũng là một Hoàng Cát mặt đỏ bừng, nước mắt chứa chan, ôm hết bạn thơ này đến bạn văn khác rồi kêu lên: Các bạn ơi, tôi yêu các bạn lắm!
Nhà thơ Xuân Diệu vốn coi Hoàng Cát là người em thân thiết, đã dặn dò: dù cho sáng tác thơ ca, viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay viết tiểu luận gì gì đi nữa thì yếu tố đầu tiên để làm nên một tác giả và làm tác giả ấy có giá trị là phải chân thành, phải cháy hết. Suốt đời Hoàng Cát đã làm điều ấy. Toàn bộ những tập thơ trước và tập thơ Thanh thản bây giờ đều toát lên tinh thần ấy.
Điều khiến người ta ngậm ngùi nhất trong tập thơ Thanh thản là một Hoàng Cát tóc trắng: hình ảnh ấy trở đi trở lại qua các bài thơ: mây trắng, “tóc trắng mây rồi”, “tóc anh trắng rồi”, “tóc trắng xóa trên đầu”, “trên đầu rợp trắng mây trôi”… Ngậm ngùi lắm chứ, khi mà người ta đang đi đến giới hạn cuối cùng của đời mình. Anh thảng thốt: “Bất ngờ tóc trắng rụng đầy tay”!
Những người đọc thơ cùng thế hệ anh, những người đã bước sang phía dốc bên kia của cuộc đời đều cảm thấy được sức ép ghê gớm của thời gian: “Loanh quanh đã xế chiều rồi/Trời ơi, một cái kiếp người cũng nhanh!”. Ngay cả kiếp người trâm luân của Hoàng Cát cũng vậy, phút chốc đã hóa thành một vầng mây trắng xóa trên đầu. Và cứ mỗi năm trôi qua, Hoàng Cát lại ngậm ngùi: Lại thêm một quãng đời đã ở lại phía sau ta/Đẩy ta nhanh hơn đến Miền vĩnh cửu…
Nhưng có lẽ cũng chẳng cần lo lắng quá cho Hoàng Cát, khi anh đã ở cái tuổi biết mình, biết người, biết đời. Tinh thần hiện sinh trong tập thơ này thật mạnh mẽ. Hoàng Cát đau khổ của ngày hôm qua đã thuộc về quá khứ. Hoàng Cát bây giờ chi chút từng giây phút sống. Anh tận hưởng niềm hạnh phúc trong tình cảm gia đình, anh viết những bài thơ về vợ, về con, về cháu chứa chan tình cảm: Trở về nhà, Ba làm sinh nhật cho con, Na Na tròn hai tuổi, Mỗi bình minh…Anh cũng cảm động và hạnh phúc nghẹn ngào trước tình cảm bạn bè: Thơ từ tim trào ra chưa ráo mực/ Bạn đã hân hoan đón đọc say sưa. Thế là xuất hiện một Hoàng Cát rất chơi, rất nghênh ngang, thoải mái như chưa từng thấy:
Vẫn bít rít quần “gin”, phông cộc
Mặc kệ trên đầu rợp trắng mây trôi
(Còn ngày nào)
Và Hoàng Cát…yêu! Tình yêu là một chủ đề lớn trong tập thơ Thanh thản này. Đọc những câu thơ viết cho người trong trái tim anh, nhận ra Hoàng Cát cứ yêu như mới yêu lần đầu hoặc là đang yêu lần cuối vậy. Anh tuyên bố: “Tôi sẽ chết nếu không sống trong một tình yêu nào đó, dù là tình yêu đơn phương” – rồi anh thêm – “mà hầu như là đơn phương cả”… Hoàng Cát có một blog cá nhân trên trang vnweblogs, nơi tụ họp của nhiều nhà văn, nhà thơ và những người yêu văn chương. Rồi một ngày, anh đem lòng si mê một blogger nữ tên là Phương Phương chân thành, tha thiết. Hoàng Cát hồn nhiên kể về mối tình đơn phương tuối xế bóng này một cách nồng nhiệt như thể mới 20. Rất nhiều bài thơ tình của anh mang hình bóng nàng:
Hoàng hôn rồi – anh vẫn ném thia lia
Những tia nắng cuối đời cho số phận
Thì em hỡi! Việc gì anh lẩn tránh
“Anh yêu em” – Anh quyết nói to lên!
(Người trên blog)
Hoàng Cát yêu cùng “ồn ào” cuồng nhiệt chả kém ai:
Anh yêu em! – dù Trời Đất thế nào
Dù tuổi trẻ đời anh không còn nữa
Anh yêu em! – với nồng nàn sức lửa,
Với khát khao ào ạt biển bờ
Anh yêu em!- với tất cả hồn thơ,
Với tất cả đắm say anh vốn có
Mai anh chết vào đất rồi chăng nữa
Thì còn đây: Thơ anh tặng em đây.
(Anh yêu em!)
Và đây là hai câu thơ tình tuyệt hay của Hoàng Cát, chỉ người yêu ở cái tuổi này và yêu tha thiết lắm mới viết được thế:
Tóc anh trắng trên đầu nức nở
Tim vẫn hồng nhịp đập thương yêu
(Buông neo)
Tóc trắng nức nở là một hình ảnh đẹp, gợi nhiều và lay động sâu xa. Chừng như sức nặng của tất cả tháng năm, tất cả trầm luân kiếp nhân sinh đều kết lại trên vầng tóc ấy, và cái nức nở chính là sự xót thương cõi đời. Nhưng bất chấp tất cả, trái tim yêu vẫn đập rộn ràng, và vì thế mà cuộc đời trở nên đẹp và đáng sống.
Độc giả tặng hoa cho nhà thơ Hoàng Cát
Hoàng Cát trong tập thơ lần này nhắc nhiều đến cái chết. Theo anh sự sống nói chung và cuộc sống hẹp nói riêng không có một tí giá trị nào nếu không có cái chết. Hoàng Cát tự nhủ: trong một khoảng hạn hẹp, sống thế nào đó để chết thanh thản. Cái chết đã trở thành một ám ảnh, một triết lý trong thơ anh. Hoàng Cát nói về cái chết thấm thía lắm, bởi ít ai đối mặt với cái chết nhiều như anh. Trong chiến tranh cái chết kề sát bên đã đành, 15 năm nghi án cũng là chết theo một cách nào đó, và khi được viết trở lại, cuộc sống thoải mái hơn thì căn bệnh nhồi máu cơ tim lại mọc lên trong người anh, chực cướp anh đi bất cứ lúc nào… Mỗi buổi sáng thức dậy, Hoàng Cát vẫn tự hỏi mình: sao đêm qua mình nằm ngủ mà không chết. Hoàng Cát ngạc nhiên tuyên bố: Tôi chưa chết, đấy mới là chuyện lạ.
Nhưng Hoàng Cát không sợ hãi, bi lụy khi nói đến cái chết. Với anh, cái chết có ý nghĩa sâu sắc lắm, nó cho anh biết giá trị của sự sống để sống cho ra sống, chẳng phí hoài. Và cái chết cũng là chốn đi về, khi Hoàng Cát đã chọn cho mình một sự buông neo thanh thản, mà theo anh, là một cái chết đẹp:
Mỗi ngày sống – với tôi, giờ đây đều rất tuyệt.
Trong cô đơn, tôi nghe Mozart
Beethoven, Chopin, Subert, và Bach
Tôi tan chảy vào âm thanh tuyệt đích
Âm nhạc và Thi ca
Đó là Hạnh phúc lớn lao có thật.
Tắm đẫm nhạc – xác thỏa lòng nhắm mắt
Hòa tâm huyết vào thơ – hồn thanh thản buông neo.
(Chào)
Hoàng Cát bây giờ:
Giờ đây tôi thật vui
Thật phước hạnh – ơn Chúa Lành ban phát,
Tôi thanh thoát như là không – có – thật,
Như là tôi đã ngự ở Thiên – đàng
Như là tôi đang tọa cõi Niết – bàn
Tôi sung sướng như là không – tôi nữa
Tôi đang Sống, đang Yêu. Và nhung nhớ
Một phương trời thực – mộng hòa tan
Đời Thi nhân – còn Diễm phúc nào hơn?
(Tôi đang sống)
Hoàng Cát có bài thơ Nói với chiếc lá vàng, Thanh thản, Nói với con dế, Lời dịu ngọt, Qủa khế trái mùa…đều tự nhủ mình, hướng mình đến sự thanh thản, đến tình yêu, tình thương, sự dâng hiến hết mình. Phải chăng anh đã đạt đến một mức nào đó của cái tâm vô sở cầu. Nhưng tập thơ này của anh cũng khiến người ta có cảm xúc suy nghĩ lẫn lộn, phần mừng vui vì Hoàng Cát đang hạnh phúc; phần buồn thương vì có vẻ như Hoàng Cát đã sắp xếp song mọi sự, chỉ chờ một cuộc gọi là ra đi… Mà rồi ai chẳng có một cuộc ra đi như thế, chỉ có điều liệu có được tâm hồn thơ thới đến dường kia.
Hoàng Cát có một bài thơ rất đáng yêu tên là Tui rành sèm nghe tiếng Nghệ. Bài thơ dùng rất nhiều từ địa phương, có nét hóm hỉnh hòa lẫn trong tình yêu quê nhà sâu sắc. Bài thơ như một niềm tự hào của Hoàng Cát là một nhà thơ xứ Nghệ – vùng đất có truyền thống văn chương lâu bền mà nhà thơ thừa hưởng với lòng trân trọng:
Năm mươi năm sống trửa lòng Hà Nội
Nỏ khi mô tui quên được quê nhà
Nhớ mần răng mà hấn nhớ diết da
Sèm được nghe “ri tê” cho sướng rọt!
…
Tiếng Nghệ choa ơi! Răng mi hay rứa thế!
Nhờ có mi hình – mà choa góa Thi nhân
Choa buồn, choa vui, choa nhởi, choa mần…
Nhưng nỏ khi mô choa quên tình – tiếng Nghệ!
Nếu có một sức mạnh nào trong cơ thể yếu ớt của Hoàng Cát: ắt hẳn đó tình yêu người và tình yêu thơ. Với một người thơ như Hoàng Cát, anh sẽ làm thơ cho đến khi nào không thể cầm bút được nữa. Chẳng thế mà sau khi tập thơ Thanh thản này ra mắt người yêu thơ, trên blog của Hoàng Cát đã lại có những bài thơ mới.
Xem Truyện ngắn Cây táo ông Lành