Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

Thông cáo báo chí về vụ việc liên quan tới Luật sư Trần Vũ Hải


 Hình ảnh: Luật sư Trần Vũ Hải tại phòng làm việc lúc 14h45 ngày 02/7/2019.

Tuan Ngo


Sáng nay, ngày 02/7/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Khánh Hoà (PC03) đã tiến hành khám xét nhà riêng và nơi làm việc của luật sư Trần Vũ Hải về hành vi trốn thuế: Phía cơ quan điều tra cho rằng vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải đã ký vào những giấy tờ mua bán nhà đất tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Theo cơ quan này, việc ký vào các giấy tờ này đã đã giúp người bán trốn thuế với số tiền là 276 triệu đồng. Phía gia đình luật sư Trần Vũ Hải đã giải trình với cơ quan điều tra nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người được coi là trốn thuế đã yêu cầu nộp thuế nhưng chưa được chấp nhận. Tuy nhiên, cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hoà vẫn ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải về hành vi được coi là giúp sức trốn thuế cho người bán.

Trước khi diễn ra việc khám xét, luật sư Trần Vũ Hải đã yêu cầu có sự chứng kiến của luật sư và chỉ thu giữ những tài liệu, đồ vật liên quan trực tiếp tới vụ án nhưng tất cả các yêu cầu chính đáng này đều không được chấp nhận. Cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hoà với sự hỗ trợ của một số sỹ quan Bộ Công an và một số người khác không mặc quân phục đã thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật không liên quan tới vụ án, trong đó có một số hồ sơ bào chữa những vụ án quan trọng tại Việt Nam. Đặc biệt có hồ sơ vụ án Trương Duy Nhất mà luật sư Trần Vũ Hải đã yêu cầu cấp thủ tục bào chữa nhưng hơn 3 tháng nay vẫn chưa được chấp nhận, mặc dù ông luật sư Hải đã liên tục khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền.

Gần đây, luật sư Trần Vũ Hải đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan điều tra cần tôn trọng quyền bào chữa của các bị can, quyền bào chữa của luật sư trong quá trình điều tra, không gây cản trở cho hoạt động hành nghề của họ. Ông Trần Vũ Hải hy vọng, trong vụ án liên quan tới ông mà nhiều luật sư sẽ tình nguyện bào chữa cho gia đình ông, cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hoà sẽ tôn trọng các quyền này của gia đình ông và của các luật sư, thực hiện theo đúng các quy định xuất Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Sau khi có kết quả giải quyết vụ án, gia đình ông Trần Vũ Hải sẽ thông tin cho báo chí được biết. 
Luật sư Ngô Anh Tuấn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Mỹ chất vấn Cam Bốt về nghi vấn cho Trung Quốc lập căn cứ hải quân


Căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt ở đông nam Sihanoukville.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đòi hỏi Cam Bốt giải thích về việc bất thình lình từ chối trợ giúp của Mỹ để sửa chữa một căn cứ hải quân, gây nghi ngờ là Phnom Penh muốn dành cảng này cho quân đội Trung Quốc. Reuters hôm nay 01/07/2019 loan báo như trên, trích dẫn một lá thư gởi cho bộ trưởng Quốc phòng Cam Bốt .

Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam và Đông Nam Á Joseph Felter trong lá thư gởi cho tướng Tea Banh đã yêu cầu cho biết thêm thông tin về quyết định bất ngờ hôm 6/6 của Phnom Penh, không muốn nhận trợ giúp để cải tạo một trung tâm huấn luyện và bến tàu của căn cứ hải quân Ream. Hành động này củng cố tin đồn lâu nay là Cam Bốt có những kế hoạch thay đổi lớn hơn, có thể dành cho quân đội Trung Quốc trú đóng.

Trợ lý quân sự đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, ông Michael Stelzig, xác nhận lá thư được gởi cho bộ trưởng Tea Banh hôm 24/6. Chhum Socheat, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Cam Bốt, nói rằng họ không từ chối viện trợ Mỹ, nhưng muốn dành số tiền này làm việc khác, tuy nhiên ông không cho biết thêm chi tiết. Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh không trả lời Reuters về khả năng quân Trung Quốc đóng tại căn cứ Ream.

Sự kiện này cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng của Washington về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh ra sức bành trướng tại Biển Đông. Phnom Penh nhiều lần đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng trong đó có Việt Nam.

Bắc Kinh đang sở hữu căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, vùng Sừng Châu Phi, và nhiều lần bác bỏ thông tin sẽ mở thêm căn cứ ở các nước khác. Căn cứ hải quân Ream lớn nhất Cam Bốt nằm ở đông nam thành phố cảng Sihanoukville, nơi có rất nhiều nhiều casino dành cho người Hoa và là đặc khu kinh tế do Trung Quốc đầu tư. 

Thủ tướng Hun Sen năm ngoái nói rằng không bao giờ cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, sau khi có tin là Trung Quốc đang vận động đặt căn cứ hải quân tại tỉnh Koh Kong, đông bắc Sihanoukville. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã gởi thư cho ông Hun Sen bày tỏ quan ngại về sự có mặt của quân đội ngoại quốc tại Cam Bốt, điều mà Hiến pháp nước này cấm đoán.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vợ chồng Trương Duy Nhất, Nguyễn Bá Thanh và Vũ “nhôm”! (Phần 4)


Tiếp theo phần 1 — phần 2 và phần 3
Năm 2001, Trương Duy Nhất đã là Trưởng đại diện báo Đại Đoàn kết, Ủy ban Mặt trận đóng tại 25 Phan Bội Châu, Đà Nẵng. Nhưng văn phòng làm việc chính, vẫn trong khuôn viên UBMT Tổ Quốc TP, số 70 Bạch Đằng.
Cùng năm này, trụ sở Ủy ban Mặt trận sữa chữa, kinh phí gần 700 triệu, Vũ “nhôm” thầu thi công. Tại đây, Nhất và Vũ gặp nhau, kết nghĩa anh em. Cả hai cùng đầu quân dưới “trướng” Nguyễn Bá Thanh.
Rồi công ty I.V.C ra đời như đã nói ở phần 1. Ai cũng biết phần vốn tại I.V.C do Vũ đứng tên, chính là phần của Nguyễn Bá Thanh. Hầu hết công sản Vũ thâu tóm giai đoạn trước năm 2014 là “kinh tài” cho Bá Thanh, Vũ “nhôm” cũng chỉ là đầu sai mà thôi. Nhưng từ trước đến nay, không có bất kỳ văn bản điều tra nào, hay báo chí đề cập đến; điều đó cho, thấy Bá Thanh cao tay đến cỡ nào.
Công ty I.V.C sau này tăng vốn từ 10 tỷ lên đến 50 tỷ, do Vũ “nhôm” làm chủ tịch HĐTV theo Thông báo thay đổi nội dung ĐKKD số 24/TB-CT ngày 26/9/2009. Sau đó, nâng vốn lên lần nữa thành 60 tỷ.
Cuối năm 2011, blog “Một góc nhìn khác” của Trương Duy Nhất tấn công các đối thủ chính trị và ca ngợi Bá Thanh quá lộ liễu. Thêm nữa, “phe nhóm chính trị ” còn làm ngòi bút Trương Duy Nhất “chọc ngoáy” các lãnh đạo cấp cao.
Thấy bất lợi, nguy hiểm cho mình và cả việc “kinh tài” của Vũ “nhôm”, Bá Thanh chỉ đạo Nhất rút ra khỏi cổ phần I.V.C. Ngày 3/01/2012, Trương Duy Nhất đã lập Hợp đồng để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn 500 triệu của mình cho Lê Văn Sáu (tên CMND khác của Vũ “nhôm”). Cho nên, đến tận bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng Trương Duy Nhất nắm rất nhiều bí mật. Đúng, đó là bí mật về chuyện “làm ăn” của Bá Thanh, Vũ “nhôm” cùng các sĩ quan tình báo cao cấp của Bộ Công an.
Năm 2012, Vũ “nhôm” đã lên lon “trung tá tình báo”, đệ tử ruột của cả Trần Đại Quang và Nguyễn Bá Thanh. Vì vậy, Vũ cậy thế và ngang tàng.
Vũ “nhôm” và Phạm Quý Ngọ và Trần Đại Quang. Photo Courtesy
Năm 2012, Thanh tra Chính phủ vào làm việc với UBND Đà Nẵng, có mời Vũ “nhôm” đến họp về vấn đề liên quan đến dự án lấn biển Đa Phước. Vũ “nhôm” đến với vẻ lầm lỳ, và nói tại cuộc họp: “Dự án này tôi đứng tên cho anh Bá. Các anh cần gì cứ găp anh Bá mà hỏi“, rồi đùng đùng bỏ ra về.
Ngày Bá Thanh còn sống, đã “chấm” địa điểm cho công ty I.V.C xây Dự án nhà hàng, bến du thuyền (Memory 2) ngay sát chân cầu Rồng, trước mặt đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8). Sau khi Nguyễn Bá Thanh qua đời, bí thư kế nhiệm là Trần Thọ chỉ đạo thu hồi giấy phép, không cho xây Memory 2. Vũ “nhôm” đã đến nhà riêng ông Thọ để “ăn thua đủ”, lật bàn và doạ đánh đương kim Bí thư Thành uỷ.
Ông Trần Thọ nghỉ hưu, Nguyễn Xuân Anh lên thay, “bật đèn xanh” cho Memory 2 triển khai. Được Thường trực thành uỷ phê duyệt, ngày 23/12/2015, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định số 9517/QĐ-UBND và QĐ số 6199/QĐ-UBND ngày 13/9/2016 cho Công ty TNHH I.V.C thuê đất xây dựng nhà hàng và bến du thuyền có diện tích 4.082 m2, trong đó diện tích đất là 2.147m2, diện tích lấp sông Hàn là 1.935m2. Thời hạn sử dụng đất 50 năm và hình thức thuê đất là trả tiền thuê hàng năm. Giá cho thuê là 23.500 đồng/ 1 m2/ năm, tương đương với một ổ bánh mì.
Một số người vẫn còn nhớ, đầu năm 2016 tại Văn phòng Thành uỷ Đà Nẵng, Ban Thường vụ tổ chức họp để duyệt dự án Memory trên sông Hàn của Công ty I.V.C, Vũ “nhôm” được mời dự. Trước khi vào họp, Vũ “nổ” dằn mặt:
– “Vừa rồi em ra Hà Nội, có gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở sân bay. Thủ tướng nói với em, anh ủng hộ Vũ “nhôm”, Vũ cố gắng làm tốt lên nhé.”
Thế là, kết quả ai cũng biết, Ban thường vụ Thành uỷ duyệt, Vũ xây Memory 2.
Memory 1 và Memory 2 của Vũ “nhôm”
Về phần Trương Duy Nhất, quá tự tin vào thế lực của phe mình, Nhất tấn công Ba Dũng quá đà và Nhất đã trả giá. Vũ “nhôm”, thậm chí Trần Đại Quang cũng không cứu nổi Nhất. Nhất bị bắt khẩn cấp ngày 26/5/2013, lãnh án 2 năm tù giam.
Từ ngày Trương Duy Nhất đi tù đến ngày ra tù là 26/5/2015, Vũ là người thăm nom Nhất nhiều nhất. Nhất ra tù, Vũ cấp tiền bạc cho Nhất đi nước ngoài vi vu. Chiếc Toyota Carmy của Nhất đi lại hàng ngày là do Vũ trang bị.
Cty IVC lúc Nhất tham gia cổ phần, đươc duyệt mua nhiều nhà công sản: Số 45 Nguyễn Thái Học, nhiều công sản trên tuyến đắt địa Bạch Đằng – sông Hàn; nhà số 34 Hoàng văn Thụ, gần 4 héc ta đất trên đường Trường Sa. Riêng lô đất ký hiệu F11 ở An Cư 3 của vợ chồng Nhất, mà Cao Thị Xuân Phượng viết “đơn xin mua đất” gửi Nguyễn Bá Thanh duyệt, đã được nêu ở phần 1 trong loạt bài này, hiện nay có giá khoảng 30 tỷ đồng.
Trương Duy Nhất bên xe Camry và Vũ “nhôm”
Nguyễn Xuân Anh bị loại bỏ; Vũ “nhôm” bị khởi tố, bắt giam; Trương Duy Nhất vẫn bình chân như vại.
Ngày 10/01/2019, Nhất thấy động, biết mình sẽ bị sờ gáy vụ công sản 82 Trần Quốc Toản, nên xin xuất cảnh đi Nhật, nhưng đã bị cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ngăn chặn. Nhất ra Vinh, lên cửa khẩu Cầu Treo – Namphao (biên giới Việt – Lào) tìm cách trốn khỏi Việt Nam bằng đường bộ, nhưng không lọt.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, ngày 14/01/2019, một số người đưa Nhất sang Attapeu, Lào theo lối Cửa khẩu Bờ Y (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Từ đây, Nhất vượt sông trốn sang Thái Lan. Nhất nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan ngày 19/1/2019. Sau đó, Nhất có đến trụ sở của RFA tại tỉnh Udon Thani.
Ngày 25/1, Trương Duy Nhất đến Văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người tỵ nạn tại Bangkok, ghi danh xin tỵ nạn chính trị. Ngày 26/1, khi đến khu mua sắm có tên Future Park ở quận Rangsit, thủ đô Bangkok, Nhất bị cảnh sát Thái Lan mặc thường phục bắt giữ. Địa điểm mà Nhất bị giữ trước khi giao cho 3 sỹ quan an ninh Việt Nam vào khoảng 20 giờ cùng ngày là iBerry Café. Trương Duy Nhất bị an ninh Việt Nam đưa lên một chiếc xe mang biển số Thái Lan và chạy ra ngoài biên giới xứ Chùa Vàng.
Địa điểm cảnh sát Thái lan bắt Trương Duy Nhất
(Còn nữa)
@ Tieng Dan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vợ chồng Trương Duy Nhất, Nguyễn Bá Thanh và Vũ “nhôm”! (Phần 3)

Quế Hương

27-6-2019
Tiếp theo phần 1 và phần 2
Trở lại hành trình từ một kẻ chưa tốt nghiệp PTTH, không nghiệp vụ, không qua đào tạo chuyên môn… biến thành “thượng tá tình báo” của Vũ “nhôm”. Chúng tôi xin tóm tắt như sau:
Vũ “nhôm” xuất thân trong gia đình có 9 anh chị em (5 trai, 4 gái): Thư, Đào, Minh, Bình, Nhựt, Phúc, Đức, Vũ, Hưng. Trong nhà, có mấy anh em trai làm nghề mua bán xe máy cũ. Họ mua cả xe Honda nhập từ Campuchia về, lẫn xe máy ăn trộm bán, sau đó đục lại số máy số khung, rồi làm giả giấy tờ đem đăng ký. Vì vậy, họ quen biết nhiều công an.
Giai đoạn Vũ học nghề làm nhôm kính, quả cầu nhôm…, rồi thi công các công trình cho công an Đà Nẵng và nhà một số quan chức thành phố, Vũ “nhôm” càng có mối quan hệ với nhiều công an hơn.
Rồi Vũ lấy vợ, tên là Nguyễn Thị Thu Hiền (Sinh ngày 3/4/1978, CMND số: 201410933, do Công an TP. Đà Nẵng cấp ngày 23/5/1996). Hiền là con gái ông Nguyễn Quang Lô, thời ấy ông Lô đang làm Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng. Đại diện nhà trai đứng ra cưới vợ cho Vũ là ông Nguyễn Đăng Lâm trong vai trò “bố nuôi”.
Ông Nguyễn Đăng Lâm, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (tiền thân của Đà Nẵng ngày nay) là người có bức “tâm thư” dài 5 trang với tiêu đề: “Đề nghị xem xét những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng – Huỳnh Đức Thơ”, gởi đến Trung ương vào tháng 3/2017, khi Vũ “nhôm” bắt đầu bị điều tra.
Ông Nguyễn Đăng Lâm, bố nuôi Vũ “nhôm”. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân
Lọt vào mắt xanh Nguyễn Bá Thanh, Vũ “nhôm” trở thành “đệ tử” số 1 và là tay “kinh tài” số 1 cho Nguyễn Bá Thanh. Từ đây, Vũ tiếp cận được Lê Ngọc Nam, lúc này là Trưởng phòng Tình báo CA Đà Nẵng. Khi ông Nam lên chức Phó Giám đốc Sở Công an Đà Nẵng, ông tuyển Vũ làm CTV cho Phòng Tình báo. Nhiều cán bộ cho biết, họ thấy Vũ “nhôm” sánh vai đi cùng Trần Việt Tân từ năm 2005 trên đường phố Đà Nẵng.
Năm 2000, Nguyễn Bá Thanh vướng vào “Vụ án cầu sông Hàn” với cáo buộc tham nhũng. Nguy cơ mất chức Chủ tịch Đà Nẵng khá rõ ràng. Trong một cuộc họp của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Tối cao, Ban Nội chính Trung ương… hồi tháng 8/2000, đã kết luận:
Văn bản cuộc họp và Báo cáo của Cơ quan điều tra. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân
Qua các tài liệu của đoàn công tác liên ngành thấy có đủ cơ sở để khẳng định đồng chí Nguyễn Bá Thanh có liên quan đến vụ án. Ngoài việc đưa và nhận hối lộ cần làm rõ thêm, cũng cần làm rõ việc đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã không tuân thủ các quy định về xây dựng trong việc không tổ chức đấu thầu xây dựng công trình đường Bắc-Nam và việc đồng ý với chủ trương trích 8% vốn xây dựng công trình cầu Sông Hàn sử dụng trái mục đích. Do đó, căn cứ thông báo số 112/TB-TW ngày 10-3-1998 của Bộ Chính trị đề nghị Thường vụ Bộ Chính trị xem xét đình chỉ công tác đối với đồng chí Nguyễn Bá Thanh để tạo điều kiện giải quyết vụ án triệt để, khách quan theo quy định của pháp luật.
Nếu Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng vẫn tiến hành theo dự kiến vào ngày 11-2-2001 và Thường vụ Bộ Chính trị thấy cần phải xem xét thêm việc đình chỉ công tác đối với đồng chí Nguyễn Bá Thanh thì đề nghị cho phép thông báo với Thành ủy Đà Nẵng kết quả điều tra vụ án, nội dung báo cáo của tổ công tác liên ngành về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của đồng chí Nguyễn Bá Thanh trước khi tiến hành Đại hội“. (Hết trích).
Thế nhưng, tại Đại hội đảng TP Đà Nẵng khoá XVIII (2000-2005), được tổ chức từ ngày 12-14/2/2001, với 300 đại biểu tham dự, bầu ra Ban Chấp hành 47 người, Ban Thường vụ 11 người và Đoàn đại biểu đi dự Đại hội 9 của đảng tại Hà Nội gồm 13 người. Trong cả 3 danh sách đều không có tên ông Trần Văn Thanh, đương kim Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Sở Công an, vì ông Thanh là người quyết tâm bắt Nguyễn Bá Thanh.
Người trúng uỷ viên BCH, BTV lại là cấp phó của ông Thanh, ông Lê Ngọc Nam, đại tá Phó Giám đốc Sở Công an. Sau đó, ông Trần Văn Thanh được điều ra Bộ Công an, ông Nam lên thay ông, làm Giám đốc Sở Công an Đà Nẵng.
Lê Ngọc Nam làm Giám đốc Sở Công an Đà Nẵng đến tháng 6/2006 thì chuyển lên Bộ Công an. Chức vụ cuối cùng của Lê Ngọc Nam là Trung tướng, Tổng cục phó, Tổng cục XDLL Bộ Công an.
Kế nhiệm ông Nam, đại tá Lê Xuân Sang (đã qua đời) giới thiệu Vũ với Trần Việt Tân. Trong lời khai của Vũ tại phiên toà phúc thẩm hôm 21/6/2019, Vũ cũng xác nhận điều này.
Ngày 1-10-2009, Vũ được tuyển dụng vào ngành công an với biên chế là nhân viên tình báo. Cấp bậc cuối cùng trong ngành Vũ có là “thượng tá” và chức vụ phó trưởng phòng B61, thuộc Tổng cục V, Bộ Công an.
Trong quá trình hoạt động, Phan Văn Anh Vũ còn được sử dụng hai CMND cho cùng một tên Phan Văn Anh Vũ (SN 2/11/1975, CMND số 201243660, cấp ngày 11/8/2009 và CMND số 201293660 cấp ngày 31/1/2000, do Công an TP. Đà Nẵng cấp). Ngoài ra, Vũ còn được cấp hai CMND với tên giả:
1. Lê Văn Sáu (Sinh ngày 5/1/1975, CMND số 201700179, do Công an TP. Đà Nẵng cấp ngày 11/8/2009).
2. Trần Đại Vũ (Sinh ngày 19/5/1975, CMND số 201700779, do Công an TP. Đà Nẵng cấp. Chưa rõ ngày cấp).
Theo hồ sơ vụ án, sau khi phát hiện những sai phạm của Phan Văn Anh Vũ, ngày 20/9/2017, Bộ Công an đã có quyết định kỷ luật giáng cấp bậc từ hàm thượng tá xuống trung tá, đồng thời cách chức phó trưởng phòng Biệt phái và cho xuất ngũ ra khỏi lực lượng công an. Sau đó, Vũ bị khởi tố, nhưng anh ta đã bỏ trốn sang Singapore, rồi bị bắt và dẫn độ về Việt Nam. Mãi đến ngày 25/5/2018, Vũ mới bị khai trừ khỏi Đảng.
Trong thời gian công tác trong ngành công an, với danh nghĩa thành lập công ty bình phong cho cơ quan là Cty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 tại Đà Nẵng hồi năm 2009 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 tại TP HCM, năm 2015.
Hai công ty của Vũ “nhôm”
Các công ty này, Bộ Công an không góp cổ phần mà do Vũ điều hành hoàn toàn. Nhờ mác là công ty bình phong của Bộ Công an, đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm các khu đất vàng ở Đà Nẵng và Sài Gòn.
(Còn nữa)
© Copyright Tiếng Dân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vợ chồng Trương Duy Nhất, Nguyễn Bá Thanh và Vũ “nhôm”! (Phần 2)

Quế Hương

14-6-2019
Tiếp theo phần 1
Về phía Bá Thanh, ông ta tạo thế độc tôn sau khi thắng được “phe nhóm năm 2000” (chữ của Bá Thanh dùng), với kết quả Bá tái đắc cử chủ tịch Đà Nẵng nhiệm kỳ thứ hai và Giám đốc CA Đà Nẵng Trần Văn Thanh phải ra đi.
Người thay ông Trần Văn Thanh là đại tá Lê Ngọc Nam, một bạn học cùng lớp của Bá tại trường Học sinh miền Nam số 1, Đông Triều, Quảng Ninh, niên khoá 1970-1973.
Không còn đối thủ chính trị, Bá chỉ lo “sắp” lại đội hình của mình, từ đây Bá trở thành “lãnh chúa miền Trung” với đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.
Về Phan Văn Anh Vũ, dù chỉ học đến lớp 10, là một thợ nhôm, nhưng Vũ có tài hùng biện, ăn nói lưu loát, nhất là cực kỳ ranh mãnh.
Từng tham gia buôn bán xe gian và bị khởi tố năm 1997, nhưng Vũ ngoại giao tốt, quen biết nhiều sĩ quan công an, bố vợ là giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, nên Vũ chẳng hề hấn gì. Xã hội “đỏ” lẫn xã hội “đen” Vũ đều chơi được hết. Vì vậy, nhiều lần tiếp cận Bá Thanh, Vũ lọt vào “mắt xanh” của Bá.
Làm kinh tài cho Bá, Vũ được Bá giao trọn quyền thâu tóm công sản, đất vàng trên địa bàn Đà Nẵng. Vũ được chia phần nhà số 11 Phạm Hồng Thái và 32 Lê Hồng Phong.
Để hợp thức hoá và thuận lợi trong việc chiếm nhà công sản, Vũ lập Cty Cổ phần xây dựng 79, vào tháng 10/2002, tại địa chỉ 32 Lê Hồng Phong, phường Phước Ninh, quận Hải Châu. Giấy phép Kinh doanh và Mã số thuế có cùng một số: 0400434770.
Dựa thế Bá Thanh, lúc này đã là Bí thư thành uỷ, chỉ tịch HĐND Thành phố, Trương Duy Nhất và Vũ Nhôm bắt đầu “đánh quả”. Phi vụ đầu tiên là công sản 82 Trần Quốc Toản.
Ngày 17/9/2003, Trương Duy Nhất (lúc này là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Đại Đoàn Kết khu vực Trung Trung bộ) có Công văn số 53/CV-TTB, xin mua nhà theo diện công sản Nhà nước.
Ngày 9/12/2003, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định số 7792/QĐ-UB thu hồi nhà, đất tại 82 Trần Quốc Toản.
Ngày 13/7/2004, UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 3351/UB-VP, bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại 82 Trần Quốc Toản cho Văn phòng Báo Đại Đoàn Kết theo giá công sản; tổng giá trị 674.483.400 đồng.
Trương Duy Nhất “phù phép” cùng lãnh đạo BBT báo Đại Đoàn Kết, để Công ty Xây dựng 79 của Vũ Nhôm nộp tiền và được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận (GCN).
Ngày 13/3/2006, Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ của Vũ Nhôm, nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền trên đất tại số 82 Trần Quốc Toản từ Công ty Xây dựng 79 (Vũ làm Chủ tịch HĐQT) và được Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố đăng ký GCN số AB 002002.
Và thế là, từ chủ nhân của căn nhà, Văn phòng báo Đại Đoàn Kết phải đi thuê lại một phòng của căn nhà 82 Trần Quốc Toản của vợ chồng Vũ Nhôm.
Được sự tin cậy, từ một cây bút có chút tên tuổi, Trương Duy Nhất đã lấn sân buôn bán bất động sản. Bộ ba Trương Duy Nhất (sinh năm 1964, CMND số 201358941), Vũ Nhôm (sinh năm 1975, CMND số 201293660) và người anh em của Vũ là Phan Minh Cương (sinh năm 1971, CMND số 201189748) đã hùn nhau thành lập Cty TNHH I.V.C vào tháng 8/2006 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong đó Nhất bỏ ra 500 triệu, Vũ 7,5 tỷ và Cương 2 tỷ.
(Còn nữa)
______
Một số ảnh chụp hồ sơ Công ty TNHH I.V.C của tác giả Quế Hương gửi tới:


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vợ chồng Trương Duy Nhất, Nguyễn Bá Thanh và Vũ “nhôm”! (Phần 1)

Quế Hương

12-6-2019
Cao Thị Xuân Phượng sinh ngày 10/11/1968 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Phượng tốt nghiệp ngành  Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế.
Sau khi tốt nghiệp vào tháng 7/1990, Phượng về công tác tại Báo Công an Quảng nam- Đà nẵng với vai trò biên tập viên. Lúc này, Trương Duy Nhất đã là một phóng viên Chính trị – xã hội dày dạn. Phượng và Nhất quen nhau tại đây và kết hôn sau đó.
Đến tháng 8/1994, sau nhiều lần Trương Duy Nhất bị cơ quan phê bình, kiểm điểm và bị buộc phải rời báo Công An QNĐN, Trương Duy Nhất nghỉ báo CA QNĐN và Phượng cũng xin nghỉ theo chồng.
Nhất đầu quân cho báo Đại Đoàn Kết (cơ quan của MTTQ Trung ương). Còn Phượng thì xin đi dạy học lần lượt ở THCS, rồi THPT. Năm 2004, Phượng chuyển công tác về khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho đến nay. Năm 2011, Phượng lấy được bằng Tiến sĩ ngành Văn học Việt Nam tại Viện Văn Học, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Những gì Trương Duy Nhất làm, Trương Duy Nhất viết, Phượng nắm rõ và tham gia tận tuỵ với chồng.
Năm 1997, Nguyễn Bá Thanh bắt đầu làm chủ tịch UBND TP, thì Trương Duy Nhất cùng Vũ “nhôm” và một số nhà báo cũng về phụng sự anh Bá một cách trung thành. Nhờ vậy mà cái tên Bá Thanh đã trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết: Nào là “dám nghĩ dám làm”, là “ngôi sao đang lên” trên chính trường VN…
Ảnh trên (trái) Trương Duy Nhất, (phải) Vũ “nhôm”. Ảnh dưới: Nguyễn Bá Thanh
Hơn 15 năm “hô mưa gọi gió” ở Đà Nẵng, Bá Thanh đã biến đất đai, công sản của thành phố này trở thành tài sản “hương hoả” của cha ông mình để lại. Vì thế, Bá Thanh tự cho mình cái quyền ban phát tùy ý, vô tội vạ. Cấp trên ư? Tuỳ theo vai trò và vị trí quyền lực, sẽ được Bá Thanh xếp cho các lô biệt thự ven biển, các trục đường lớn… mà giá thành hiện nay lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ.
Danh sách được duyệt đất có đầy đủ các thành phần: chính trị gia, tướng lĩnh đương chức, bạn bè-đồng liêu của Bá Thanh, lẫn những quan chức đàn anh và các trí thức tên tuổi “vua biết mặt, chúa biết tên”. Điều này lý giải vì sao các đơn kiện tụng, tố cáo Bá Thanh gởi về Trung ương đều rơi vào quên lãng.
Còn tại thành phố, Bá Thanh biếu không cho CLB Thái Phiên (CLB hưu trí cán bộ cao cấp) hàng chục tỷ đồng mỗi năm để… sinh hoạt (!)
Các đàn anh của Bá Thanh thấy vậy, cũng lập ra cái gọi là “Hôi cựu cán bộ lãnh đạo TP Đà Nẵng”. Và tất nhiên, Bá Thanh duyệt cho Sở Tài chính chi “ủng hộ hội” lên đến hàng tỷ đồng.
Có lần mẹ Bá Thanh nhập viện cấp cứu vì tim mạch. Bà được chăm sóc và khoẻ mạnh. Thế là mỗi bác sĩ tham gia ca cấp cứu hôm đó được duyệt cho mua… một lô đất giá rẻ! Có bác sĩ trong khoa Hồi sức Cấp cứu đã phải “ôm đầu” tiếc nuối, vì ngày đó đang bận đi công tác.
Trong bối cảnh đó, các nhà báo đứng chân trên địa bàn Đà Nẵng đều không bỏ lỡ cơ hội xin đất. Có rất nhiều vụ được ban “ân huệ” và những tên bồi bút đã tôn vinh, ru ngủ dư luận và không ngại phong “thánh” cho Bá Thanh.
Từ những năm 2000, Vũ “nhôm” và Trương Duy Nhất đã trở thành “đệ ruột” của Bá Thanh. Vũ “nhôm” làm kinh tài cho Bá, còn Trương Duy Nhất là “tuỳ viên báo chí” và là quân sư cho Bá.
Núp bóng chồng, Cao Thị Xuân Phượng đương nhiên có “Đơn xin mua đất” và được Bá Thanh duyệt cấp đất bằng chiêu thức “Chuyển” (Kính chuyển), “Gửi” (Kính gửi). Ở Đà Nẵng, khi cơ quan ban ngành nhận đơn có bút phê “chuyển” của Bá Thanh, được xem như đó đã là mệnh lệnh phải thi hành.
Ảnh: Đơn xin mua đất của Cao Thị Xuân Phượng và bút phê của Bá Thanh. Nguồn: Tiếng Dân
Trương Duy Nhất thì có cổ phần khi thành lập Cty I.V.C, kinh doanh bất động sản với Vũ “nhôm”. Còn Phượng thì xin khéo đất đai giả rẻ rồi bán lại kiếm lời. Họ không giàu mới là lạ.
(Còn nữa)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

G-20 Osaka Summit và bàn cờ Mỹ-Trung


Nguyễn Quang Dy 

- G-20 được chính thức thành lập từ năm 1999, chiếm 85% nền kinh tế thế giới. G-20 gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) là Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada, sau đó thêm Nga (G-8). Sau này, có thêm 12 nước khác tham gia G-20 là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Argentina, Brasil, Mexico, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và EU. Vì vậy, cũng có người nói G-20 là kết tinh của hai nhóm G-7 và G-77.
Từ năm 2008, G-20 đồng thuận mở rộng hợp tác về tài chính-tiền tệ và họp theo cơ chế summit. G-20 không có Ban thư ký mà ghế chủ tịch luân phiên hàng năm giữa các thành viên được chọn từ nhóm các nước khu vực khác nhau. Ghế chủ tịch là một phần của nhóm quản trị gồm 3 thành viên luân phiên (gọi là Troika). Chủ tịch đương nhiệm năm 2019 là Nhật (nước chủ nhà) lập ra ban thư ký lâm thời trong nhiệm kỳ của mình để phối hợp công việc và tổ chức các cuộc họp của G-20. Vai trò của Troika nhằm đảm bảo hoạt động liên tục của G-20. 

Đúng 11 giờ ngày 28/6/2019, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã khai mạc G-20 Osaka summit 2019, với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới. Khách mời gồm 8 quốc gia (trong đó có Việt Nam), và lãnh đạo của Liên Hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi dự G-20 Thủ tướng Việt Nam nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Abe. Sau G-20, ông Trump đến thăm Hàn Quốc và gặp ông Kim Jong-un tại khu phi quân sự. 

G-20 Osaka Summit và Mỹ-Trung


Trong diễn văn khai mạc G-20 Osaka, Thủ tướng Abe nhấn mạnh 3 vấn đề quan trọng hiện nay là mậu dịch tự do và công bằng (free and fair trade), kinh tế kỹ thuật số (digital economy), và xử lý các vấn đề môi trường một cách sáng tạo. Nhưng đối đầu Mỹ-Trung và khủng hoảng Iran như đám mây đen đang ám ảnh thế giới, nên 3 vấn đề mà ông Abe đặt ra có thể bị lu mờ trước các cuộc gặp tay đôi bên lề G-20 Osaka (như cuộc gặp Trump-Tập). 

Hội nghị G-20 Summit tại Osaka 2019 dự kiến kết thúc vào chiều 29/6, thông qua tuyên bố chung, sau đó Thủ tướng Abe với tư cách chủ tọa sẽ chủ trì họp báo để thông báo kết quả. Nhưng cũng giống G-20 Summit tại Buenos Aires 2018, cuộc gặp Trump-Tập (29/6/2019) là sự kiện quan trọng nhất thu hút sự chú ý của dư luận, với thỏa thuận “nối lại đàm phán” (back on track). Theo học giả Cheng Li (Brookings), ông Trump và Tập đều chịu sức ép nên cả hai đều cần có tiến bộ và thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại.

Trong khi ông Trump muốn nhân dịp này ép Trung Quốc tiếp tục đàm phán thương mại như là một “thắng lợi” của Mỹ, thì ông Tập cũng muốn nhân dịp này thuyết phục Mỹ tiếp tục bán linh kiện điện tử (chips) cho Huawei, như một thắng lợi của Trung Quốc. Nói cách khác, tuy đây là trò chơi “vừa đánh vừa đàm”, hai bên đều cần thỏa thuận dù tạm thời, nên chắc không ai ngây thơ (naïve) tin rằng xung đột lợi ích chiến lược Mỹ-Trung đã chấm dứt.

Lập trường hai bên còn rất khác nhau và không có lý do để hai bên thay đổi lập trường vào lúc này. Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc “thành tâm” (sincere) nhưng đàm phán phải “công bằng” (equality) và “tôn trọng lẫn nhau” (mutual respect). Trung Quốc thỏa thuận nhập thêm nhiều hàng Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, và Mỹ thỏa thuận không tăng thêm thuế nhập khẩu (350 tỷ USD) như Trump dọa. Nhưng hai bên không có ngay một văn bản thỏa thuận để ký tại G-20, nên thỏa thuận đàm phán tiếp chỉ là kế hoãn binh (truce) khoảng 2-3 tháng để xoa dịu căng thẳng (cooling-off period). Trong cuộc đàm phán kéo dài 80 phút (29/6) có các cố vấn chủ chốt của Trump như Robert Lighthizer (đại diện thương mại), Mike Pompeo (ngoại trưởng), Steven Mnuchin (bộ trưởng tài chính), Peter Navarro (cố vấn thương mại).

Nhưng Trump có một nhân nhượng đáng kể là cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán linh kiện điện tử (chips) cho tập đoàn Huawei. Nhân nhượng này đã đảo ngược lệnh cấm vận của Bộ Thương mại Mỹ (tháng trước) đối với Huawei vì “những hoạt động đe dọa đến an ninh quốc gia”. Nếu cấm vận có hiệu lực, Huawei có thể mất khoảng 30 tỷ USD doanh thu trong năm nay, và xô đẩy Mỹ-Trung vào một cuộc chiến tranh lạnh mới về công nghệ. 

Theo Ely Ratner (CNAS/CFR), “đây là hưu chiến tạm thời… Nó không giải quyết được các vấn đề cơ bản là trung tâm của cuộc tranh chấp”. Nhiều nghị sỹ của hai đảng đã lên tiếng phản đối quyết định của Trump cho các công ty Mỹ tiếp tục bán chips cho Huawei. TNS Marco Rubio nói: “Nếu Tổng thống Trump đồng ý đảo ngược lệnh trừng phạt Huawei, thì ông ấy mắc sai lầm tai hại” (catastrophic mistake)... Điều này sẽ phương hại đến uy tín của Chính quyền vì đã cảnh báo về mối đe dọa của Huawei…Nay không ai còn tin họ nữa”.

Quyết định của Trump về Huawei lập tức dẫn đến phản ứng chính trị tại Washington. Theo TNS Charles Schumer (Senate Minority Leader), “Huawei là một trong vài đòn bẩy để Mỹ ép Trung Quốc phải thay đổi hành vi thương mại. Nếu Tổng thống Trump lùi bước (backs off) thì sẽ phương hại lớn đến khả năng làm thay đổi hành vi thương mại của Trung Quốc”. (Trump allows US firms to sell technology to Huawei after G-20 talks with Xi, David Lynch, Damian Paletta, David Nakamura, Simon Denyer, Washington Post, June 29, 2019). 

Tại cuộc họp báo (ngày 29/6), khi Trump được hỏi là ông nhận được gì từ Trung Quốc để đánh đổi lại nhân nhượng về Huawei, Trump nói Trung Quốc đồng ý mua thêm nhiều nông sản Mỹ, nhưng không đưa ra con số cụ thể hay cam kết nào của Trung Quốc. Trước đây Trump đã nhiều lần nói như vậy trong khi các trại chủ Mỹ vẫn phàn nàn. Việc Trump thường thay đổi như vậy làm nhiều người Mỹ đặt câu hỏi vậy mục tiêu tối hậu của Mỹ là gì. Theo Aaron Friedberg (Princeton University), “đã có sự điều chỉnh lớn để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng nơi bất ổn nhất chính là Tổng thống, vì Trump thay đổi thất thường (run hot and cold). Câu hỏi đặt ra là Trump quan tâm đến đâu về các vấn đề không phải thương mại”. 

Đàm phán thương mại tác động lớn đến kinh tế của cả hai nước và có hệ quả chính trị đối với Trump, nên ông đã chuẩn chi 20 tỷ USD cho các trại chủ nhằm ngăn chặn họ phản ứng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tình hình xuất khẩu thực phẩm của Mỹ đã giảm 7% từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu 2019 đã giảm 20.8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 12.8% tương ứng. Riêng xuất khẩu thịt gà giảm 10% và xuất khẩu đậu tương giảm 32% (từ 15 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD). Nên nhớ đậu tương là sản phẩm chủ yếu của mấy tiểu bang đã ủng hộ Trump (như Iowa, Illinois, Ohio, Nebraska). Chắc Trump lo nếu không ép được Trung Quốc mua đậu tương thì ông sẽ mất nhiều phiếu trong bầu cử sắp tới. 

Việc hưu chiến không đánh thuế tiếp để tiếp tục đàm phán là một tiến triển tích cực cho thị trường (trong ngắn hạn), nhưng hưu chiến không có nghĩa là cuộc chiến kết thúc. Thuế nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ USD vẫn còn nguyên, và hai bên phải đàm phán để thỏa thuận. Nói cách khác, đây chỉ là hưu chiến tạm thời giữa hai siêu cường kinh tế, chứ không phải là giải pháp lâu dài cho cuộc chiến đang làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Trump đã nói với báo chí lúc kết thúc hội nghị G-20 tại Osaka rằng không đánh thuế thêm (new taiffs) nhưng vẫn giữ nguyên thuế cũ (existing duties): “Tôi hứa ít nhất lúc này, chúng ta không bỏ thuế đánh vào hàng Trung Quốc, nhưng chúng ta không đánh thuế thêm (350 tỷ USD). Việc hoãn binh này là kết quả đàm phán 80 phút ngày 29/6, nhằm vạch ra lộ trình đàm phán tiếp. Nó gần giống thỏa thuận Trump-Tập tại G-20 Buenos Aires Summit 2018. 

Cũng như Trump, Tập Cận Bình cần hưu chiến để hoãn binh, vì kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Tăng trưởng kinh tế chỉ còn khoảng 6%, chứng khoán sụp đổ và dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc khi dân chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rời Trung Quốc và chuyển sang các nước lân cận (như Ấn độ, Việt Nam, Malaysia). Nạn thất nghiệp và lạm phát là hai vấn đề đau đầu đang gây áp lực chính trị đáng kể cho ông Tập, trong khi vòng vây đang xiết chặt về công nghệ đánh vào Huawei và hàng trăm công ty khác, có thể làm tê liệt sức sản xuất và phát triển công nghệ của Trung Quốc. 

G-20 Osaka Summit và Việt nam


Báo WSJ trích dẫn số liệu Hải quan Việt Nam cho thấy hàng nhập từ Trung Quốc và xuất sang Mỹ tăng mạnh (trong 5 tháng đầu 2019), chứng tỏ có sự trung chuyển (transshipment) để tránh thuế. Cụ thể, máy tính và hàng điện tử của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng 71,6% (lên 1,8 tỉ USD), gấp 5 lần so với tốc độ xuất khẩu trên toàn thế giới, trong khi hàng nhập từ Trung Quốc (cùng danh mục) tăng 80,8% (lên 5,1 tỉ USD), gấp 4 lần tốc độ nhập khẩu trên toàn thế giới. Trong khi đó, máy móc và thiết bị từ Việt Nam xuất sang Mỹ tăng 54,4% (lên 1,7 tỉ USD) so với mức tăng 6,7% trên toàn cầu, và hàng nhập từ Trung Quốc trong cùng thời gian tăng 29,2% (lên 5,7 tỉ USD), gấp 2 lần tốc độ đã được báo cáo. (American Tariffs on China Are Being Blunted by Trade Cheats, Chuin-Wei Yap, Wall Street Journal, June 26, 2019).

Gần đây, Hải quan và Biên phòng Mỹ đã xác định được việc trung chuyển bất hợp pháp nhiều hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ qua một số nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines. Không lâu sau khi báo WSJ đưa tin trên, ông Trump đã công kích Việt Nam bằng những lời lẽ gay gắt trong cuộc phỏng vấn trực tiếp trên kênh Fox Business Network (26/6/2019): “Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn Trung Quốc…Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người” (It's almost the single worst abuser of everybody).

Tuy Việt Nam không phải là nước duy nhất bị ông Trump công kích, nhưng tuyên bố này không phải là ngẫu nhiên. Ông Trump có thể dọa, nhưng không loại trừ khả năng Mỹ có thể đánh thuế cao lên hàng Việt Nam (như trước đây Mỹ đã từng đánh thuế cao lên thép và nhôm). Nhiều người thắc mắc tại sao lâu nay ông Trump có vẻ ưu ái Việt Nam nhưng nay lại lên án mạnh như vậy? Có nhiều khả năng ông Trump vừa được báo cáo đầy đủ hơn về thực trạng hàng hóa Trung Quốc được tuồn quá nhiều qua Việt Nam để gắn mác “Made in Vietnam” trước khi được trung chuyển sang Mỹ, nhằm tránh thuế quan cao hơn của Mỹ gần đây.

Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ (24/6/2019), Công ty Điện tử Asanzo đã bị phát giác nhập khẩu các bộ phận và linh kiện hàng hóa từ Trung Quốc, và bóc tem xuất xứ để thay nhãn “Made In Vietnam” (nhằm tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ). Trước khi đi Nhật dự họp G-20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu điều tra xác minh vụ việc và báo cáo kết quả (trước 30/7/2019). Ngày 27/6/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng lên tiếng “Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lí nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác… Tổng cục Hải quan Việt Nam đang có những bước đi cụ thể để ngăn chặn hành vi này”.

Tuy các phản ứng trên của Việt Nam là cần thiết, nhưng dư luận cho rằng quá ít và quá muộn (too little too late), vì tình trạng gian lận thương mại nói trên đã xẩy ra từ lâu, được cảnh báo nhiều lần, và Asanzo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Sẽ là sai lầm tai hại nếu người Việt chủ quan nghĩ rằng Mỹ đang cần Việt Nam (là đối tác khu vực) nên sẽ châm chước bỏ qua cho các hành vi gian lận thương mại nói trên. Ông Trump không chỉ công kích Việt Nam mà còn công kích các đồng minh lớn như Đức và Nhật (trước họp G-20). 

Việt Nam nên coi cảnh báo này của Trump là nghiêm trọng vì bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung còn kéo dài, để tránh bị mắc kẹt vào cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết (vừa đánh vừa đàm). Việt Nam nên tuyên bố ngay kế hoạch nhập khẩu thêm hàng hoá Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, và có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc hàng Trung Quốc tuồn qua Việt Nam để trung chuyển sang Mỹ. Nếu để các công ty gian lận thương mại trục lợi trước mắt, sẽ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia lâu dài, vì họ chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”.

Trước chuyến thăm Mỹ sắp tới của lãnh đạo nhà nước, Việt Nam cần điều tra và phạt nặng những sai phạm của Asanzo (và các công ty khác) để nâng cao uy tín với Mỹ về thương mại, đồng thời tăng cường hợp tác với Mỹ để nâng cao việckiểm soát và tôn trọng sở hữu trí tuệ. Việt Nam cần xem lại chính sách đầu tư FDI chọn lọc hơn, và khuyến khích sinh viên du học Mỹ vì hiện nay nhiều sinh viên Trung Quốc đang bị Mỹ cấm. Về lâu về dài, để tránh xung đột thương mại với Mỹ, Việt Nam cần đổi mới thể chế để có một nền kinh tế thị trường thật sự, và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển một cách lành mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí (BBC, 27/6/2019), Việt Nam nên mua thêm hàng hóa Mỹ để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, và cần soạn ngay một sách trắng về xuất khẩu trong 5 năm qua (A White Book on Vietnam’s exports to the US in the last 5 years) để giải thích về thực trạng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (như iphone Samsung) vì giá trị thực sự của Việt Nam chỉ có 5-10% (thấp hơn nhiều so với con số thống kê chính thức).

Việt Nam cần làm ngay hai việc đó, trước chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Nhà nước, vì người Mỹ không biết rõ chuyện này (kể cả các chuyên gia và chính khách). Ông Trump nói Việt Nam mua nhiều than của West Virginia khiến “ông vui”, cũng như mua nhiều máy bay Boeing và lập đường bay thẳng sang Mỹ. Việt Nam nên mua xe hơi Mỹ, thiết bị y tế, và nông sản Mỹ như đậu tương, thịt gà, thịt bò và thịt lợn, để gây thiện cảm với Mỹ.

Lời cuối
Theo Robert Kaplan, Trung Quốc không muốn Mỹ rút khỏi Trung Đông. Nếu Mỹ sa lầy ở Trung Đông, Trung Quốc sẽ dễ kiểm soát Biển Đông và cạnh tranh với Mỹ tại Indo-Pacific. Trung Quốc sẽ rất hài lòng nếu Mỹ đánh Iran và sa lầy tại đó, nên chắc Washington sẽ không dại như vậy. EU cũng không muốn cuộc khủng hoảng Iran sẽ bùng nổ. Mỹ chẳng được gì nếu mất thời gian và nguồn lực can thiệp vào Syria. Ấn Độ và Đài Loan quan trọng hơn nhiều so với Syria và Afghanistan. Nếu Trung Quốc thống trị được Đài Loan, họ sẽ thống trị Biển Đông. Vì vậy, Mỹ nên triển khai trên nhiều mặt trận khác như thế giới mạng, quan hệ kinh tế, hải quân, và ngoại giao, mà không cần đến chiến tranh. Quan hệ Mỹ-Trung quá rộng lớn và phụ thuộc lẫn nhau, nên đừng sa vào xung đột quân sự tại một khu vực. (America Must Prepare for the Coming Chinese Empire, Robert Kaplan, National Interest, June 17, 2019).

Nhìn toàn cục, Việt Nam tuy thuận lợi trong quá trình nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Mỹ (nhân chuyến thăm cấp cao sắp tới), nhưng vẫn còn rủi ro. Điều quan trọng nhất là phải chấn hưng đất nước bằng cải cách thể chế và kiểm soát quyền lực. Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh tăng cường hợp tác tuần tra FOPOP với tầm nhìn Indo-Pacific, Việt Nam cần tiếp tục ủng hộ tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông. Về lâu dài, điều đó là thiết yếu để bảo vệ chủ quyền và không gian sinh tồn của mình tại khu vực này, nhằm khai thác dầu khí và hải sản trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (theo nghị quyết 36-NQ/TW). 


Tham khảo


1. America Must Prepare for the Coming Chinese Empire, Robert Kaplan, National Interest, June 17, 2019

2. Xi Jinping’s Trade Conundrum: Why the Chinese Leader Isn’t About to Back Down, Christopher Johnson, Foreign Affairs, June 20, 2019

3. American Tariffs on China Are Being Blunted by Trade Cheats, Chuin-Wei Yap, Wall Street Joural, June 26, 2019

4. Trump says trade talks “back on track” after meeting Xi, Kevin Liptak, CNN, June 28, 2019

5. Trump allows US firms to sell technology to Huawei after G-20 talks with Xi, David Lynch, Damian Paletta, David Nakamura, Simon Denyer, Washington Post, June 29, 2019 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-6-19
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_G20BanCoMyTrung.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang