Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Một tư liệu về Bách Việt






Bình luận của ASIA FINEST.COM 

1- "Hồi cụ Phan Bội Châu mới sang Tàu, một nhân sĩ Trung Quốc là Dương Giác Đôn, đưa cụ đến yết kiến một viên đại thần của triều đình Mãn Thanh, là Trang Uẩn Khoan. Vị đại thần, tiếp rất tử tế, và biếu Cụ một món tiền trợ cấp. Sau khi cụ ra về, Trang Uẩn Khoan bảo Dương Giác Đôn: “Người An Nam có bản tính nô lệ (nô lệ căn tính), dù có vài chí sĩ như ông này (chỉ cụ Phan) cũng chẳng làm nên trò trống gì.”
Năm 1912, Tôn Văn viếng thăm Nhật Bản, và được chính khách Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) khoản đãi. Sau bữa tiệc, Khuyển Dưỡng Nghị bất thần hỏi Tôn văn: “Tôi được biết Tiên sinh có dịp qua Hà Nội, xin Tiên sinh cho biết tôn ý về dân tộc An Nam ?”
Bị hỏi một cách đột ngột, Tôn Văn chỉ kịp nhớ lại câu của Trang Uẩn Khoan, hối hả đáp: “
Người An Nam vốn nô lệ căn tính. Ngày xưa, họ bị người Hán chúng tôi đô hộ, ngày nay họ lại bị người Pháp cai trị. Dân tộc ấy quả không có tương lai.”
Được dịp, Khuyển Dưỡng Nghị liền nói: “Về điểm này tôi xin phép không đồng ý với Tiên sinh. Ngày nay họ thua Pháp vì không có khí giới tối tân, nhưng cứ xét lịch sử, thì trong số Bách Việt (sic), chỉ có họ là thoát khỏi, không bị Hán hóa. Tôi tin rằng một dân tộc biết tự bảo vệ một cách bền bỉ, như vậy thì thế nào sớm muộn cũng sẽ lầy lại được quyền tự chủ.”
Tôn Văn đỏ mặt, vì hiểu ý Khuyển Dưỡng Nghị muốn châm chọc, cho rằng Tôn Văn là người Quảng Đông, tổ tiên là người A Khách (Hakka), một sắc tộc trong Bách Việt, nhưng kém xa dân tộc Việt Nam, vì đã bị Hán hóa hoàn toàn. Sau bữa tiệc, Khuyển Dưỡng Nghị gọi giây nói mời mấy học sinh người Việt do ông bảo trợ đến để kể cho họ câu chuyện, tỏ ý hớn hở đã thắng Tôn Văn trong cuộc đối thoại.
Trong số mấy người được Khuyển Dưỡng Nghị mời đến có Cụ Sở Cưồng Lê Dư, hồi ấy theo Cụ Phan sang Nhật du học. Chính Cụ Sở Cuồng đã kể câu chuyện ấy cho chúng tôi nghe. Hồi ấy chúng tôi còn ít tuổi, nên hết sức bất mãn, cho rằng người Tàu láo xược, bị Việt Nam đánh bại mấy lần, chẳng còn manh giáp, mà còn nói hỗn. [1]
Tư liệu trên forum w
ww.asiafinest.com không lấy gì làm chăc chắn, tuy hai cụ Lê Dư và Hoàng Văn Chí đều là những bậc sĩ phu. Chính khách nhiều khi nhỡ lời là chuyện thường gặp.
2- Giáo sư Vương Hàn Lĩnh (Viện KHXH Trung Quốc) sang Việt Nam dự Hội thảo quốc tế về biến Đông lần 2 tại thành phố Hồ Chí Minh (11-12 tháng 12 năm 2010) đã phát biểu trước báo chí "
kể từ năm 1885 về trước Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc" và đe dọa "...anh sẽ gặp rắc rối trong tương lai...Tôi nhắc lại nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu, các anh sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực thậm chí chiến tranh" [2], sau phát biểu này hai nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam là các ông Dương Danh Dy, Trần Kinh Nghị đều có bài viết mà đoạn trích sau đây là của Trần Kinh Nghị:
3- "ta có thể nhận thấy trong suốt quá trình "Nam tiến" và "Đông tiến" của Hán tộc, các tộc người Bách Việt như Ngô Việt, Âu Việt, Dương Việt, Đông Việt, Nam Việt, Man Việt, Di Việt v.v.... đều không thoát khỏi bị thôn tính và đồng hóa...., để cuối cùng đều biến thành "người Hoa" hiện đại. Nhưng riêng Lạc Việt vẫn tồn tại, có thời kỳ bao gồm cả vùng đất Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Bộ ngày nay.
Theo dòng lịch sử, ta còn thấy một thực tế là đã từng có rất nhiều người gốc Bách Việt tham gia vào bộ máy đô hộ của phong kiến Trung Hoa trong các thời kỳ khác nhau nhưng đã chọn Lạc Việt (sau là Chân Lạp, Giao Chỉ...) làm "hậu cứ" để chống lại Vương triều trung ương (như Hồ Quý Ly, Lý Bôn, Lý Bí chẳng hạn); rất nhiều người trong số họ thực sự đã tái hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.Cũng đã từng diễn ra những đợt rời bỏ quê hương của người Hoa gốc Bách Việt thuộc nhiều thế hệ trước đến định cư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Sử cận đại Trung Quốc cũng cho thấy, 
cho mãi đến những năm 1940 danh từ "dân tộc Việt" mới bị Tôn Trung Sơn chủ trương xóa bỏ trong bản đồ dân số Trung Quốc. Cho đến này nay để ý thấy ít nhiều vẫn còn những tình cảm kỳ thị giữa các cộng đồng gốc gác Bách Việt tại Trung Quốc với người 'từ phương Bắc'."[3]
Như vậy, các ý trong 1,2,3 là nhất quán, không đáng ngờ.
Ghi chú:
[1] 
http://www.asiafinest.com/forum/lofiversion/index.php/t135203.html
[2] Lịch sử đâu phải uốn cong, uốn thẳng là được !, Dương Danh Dy, Tuần Việt Nam, 15-11-2010
[3] Lịch sử cần sự thật, Trần Kinh Nghị, Tuần Việt Nam,28-12-2010.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4



Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4
Tướng Nguyễn Đức Huy.
Theo tướng Nguyễn Đức Huy, đội quân ô hợp Trung Quốc năm 1979 không chỉ cướp bóc, sát hại dã man đồng bào ta mà còn gây ra những tàn phá kinh hoàng, khó tưởng tượng.
Đội quân ô hợp chuyên cướp bóc, phá hoại
Sinh năm 1931, ở tuổi 88 nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, nguyên Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Vị tướng già nói bản thân đi qua cả 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc: chống Pháp, chống Mỹ, sau đó chiến đấu ở Campuchia nhưng cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, chống quân Trung Quốc in sâu trong tâm trí ông nhất.
Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 1.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.
"Đừng bao giờ quên ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc đưa quân xâm lược Việt Nam và 10 năm chiến đấu gian khổ, anh dũng, kiên cường của quân, dân ta sau đó, nhất là ở Vị Xuyên", ông nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần trong cuộc trò chuyện.
Theo lời kể của tướng Nguyễn Đức Huy, sáng 17/2/1979, khi đang học ở Học viện Quốc phòng, ông bất ngờ nhận được tin báo, Trung Quốc đã huy động 600.000 quân tấn công vào 6 tỉnh biên giới nước ta.
Tiếp đó, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Trung tướng Lê Trọng Tấn đến Học viện Quốc phòng, nói chuyện với các học viên về diễn biến cuộc tấn công này, trong đó nhấn mạnh các đơn vị đang đứng chân ở biên giới bằng mọi giá phải chặn được đối phương, không cho địch tiến sâu vào lãnh thổ nước ta.
Đồng thời, các quân đoàn chủ lực của chúng ta đang nhanh chóng từ Campuchia trở về bảo vệ biên giới phía Bắc.
Tướng Huy nhớ lại, sau khi các đơn vị chủ lực thần tốc rút quân về và triển khai lên phía Bắc vào cuối tháng 2/1979, lớp học của ông cũng chuẩn bị balô trở về Sở chỉ huy chiến đấu chống quân xâm lược. Cá nhân ông được điều làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, Quân đoàn 2.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, tập kết xong lực lượng, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 do tướng Huy chỉ huy, hành quân lên tỉnh Cao Bằng để đánh địch vào những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/1979.
"Sư đoàn 325 lúc đó có chừng 2.000 quân nhưng trong hơn chục ngày chiến đấu từ đầu tháng 3 đến khi Trung Quốc rút quân hết, đơn vị chúng tôi chiến đấu căng thẳng, quyết liệt.
Trên đường địch rút chạy, chúng tôi đã tiêu diệt khá nhiều, bắt sống hơn 20 quân Trung Quôc thuộc quân đoàn 5 Tứ Xuyên ở khu ngã ba Dân Chủ - huyện Hòa An và huyện Thông Nông (Cao Bằng), bàn giao cho phía sau", tướng Huy nhớ lại.
Theo tướng Huy, khi Trung Quốc sử dụng 600.000 quân, huy động nhiều hỏa lực, xe tăng để tấn công lực lượng của ta ngăn chặn chủ yếu chỉ là dân quân, bộ đội địa phương nên địch mới có thể tiến nhanh vào sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
Có những điểm ở Cao Bằng, chỉ trong một ngày, quân Trung Quốc đã tiến đến 30-40 km. Tuy nhiên, cùng với bộ đội địa phương, lực lượng biên phòng, dân quân tự vệ đã anh dũng chiến đấu chặn bước tiến của đối phương, gây cho chúng những tổn thất nặng nề.
Là vị chỉ huy trực tiếp giao tranh với quân Trung Quốc, ông nhận xét, đây là một đội quân ô hợp, không được tôi luyện qua chiến đấu mà chỉ mục tiêu "lấy đông áp đảo".
Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 3.
Ông cho hay, thực tế, quân Trung Quốc chỉ tham chiến trên chiến trường vào những năm từ 1953 trở về trước còn về sau đội quân này không trực tiếp chiến đấu như quân đội Việt Nam thời điểm đó. Do đó, năng lực, kỹ, chiến thuật, chiến đấu, chỉ huy của họ kém hơn quân đội ta rất nhiều.
Ông dẫn chứng, khi đi kiểm tra lại các tuyến đường Trung Quốc rút quân năm 1979 nhận thấy, nếu giả dụ chúng ta chỉ có 1 trung đoàn, tiểu đoàn đủ quân chặn ở điểm cao Trà Lĩnh (Cao Bằng) có thể hàng nghìn, vạn quân Trung Quốc bị tiêu diệt, không thể qua được.
"Cụ thể, trực tiếp tôi đi xem những vị trí quân Trung Quốc dừng lại có thể thấy, họ đào cách nhau chừng 2 – 3m một hầm cá nhân, rất nông, nhỏ. Do đó, chỉ cần quân ta đánh chặn quyết liệt trên các điểm cao là có thể tiêu diệt rất đông quân Trung Quốc.
Bên cạnh đó, vũ khí trang bị của binh lính Trung Quốc cũng không có gì mới, lạc hậu chỉ có súng AK, K50…", tướng Huy kể.
Nguyên Phó Tư lệnh quân khu 2 cho biết thêm, tính từ ngày Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới nước ta cho đến ngày rút quân chỉ hơn nửa tháng. Nhưng trong nửa tháng đó, đội quân ô hợp này không chỉ cướp bóc, sát hại dã man đồng bào ta mà còn gây ra những sự tàn phá kinh hoàng, khó tưởng tượng.
Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 4.
Mô phỏng hình vẽ "Sơ đồ cuộc tiến công xâm lược của quân Trung Quốc (ngày 17-2)", đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân số 6348, ra ngày 18-2-1979. Đồ họa: Mạnh Quân.
"Như ở Cao Bằng, sau khi đánh đuổi địch xong, tôi trực tiếp đi kiểm tra thị xã Cao Bằng thấy gần như toàn bộ thị xã đã bị phá hủy, chỉ có duy nhất một ngôi nhà cấp 4 còn nguyên vẹn.
Chúng tôi đã tới để tìm hiểu tại sao lại như thế? Khi bước vào ngôi nhà, chúng tôi mới hiểu lý do thấy trên tường có một bức ảnh Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông được chủ nhà cắt từ mấy họa báo gài lên bức vách. Có lẽ, vì điều này mà ngôi nhà không bị phá hủy (?).
Dọc lên thị xã Trà Lĩnh lúc đó, toàn bộ đường sá, cầu cống, cột điện thoại cũng bị quân Trung Quốc áp bộc phá vào phá hết", tướng Huy kể.
Sau khi rời Cao Bằng, qua thị xã Lào Cai, tướng Huy cũng thấy một cảnh tan hoang. Toàn bộ nơi đây bị quân thù tàn phá tan tành, tất cả các công trình - từ trụ sở các cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân, cầu cống, cột điện đều bị phá hủy…Cả thị xã chỉ còn lại một nhà thờ coi là nguyên vẹn nhưng thực chất đã bị phá gần hết.
"Ngay mỏ Apatit Lào Cai mới được Liên Xô (cũ) hỗ trợ về máy móc cũng bị quân Trung Quốc phá, cướp trang thiết bị đưa về nước. Với thị xã Lạng Sơn cũng tương tự như vậy. Có thể nói cả 3 thị xã Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn lúc đó đã bị quân Trung Quốc phá sạch, san bằng không còn gì cả", tướng Huy hồi tưởng.
Ông cũng chỉ rõ thực tế lúc đó, trong số hàng chục vạn quân đưa sang xâm lược Việt Nam, ngoài một số ít quân chủ lực còn có hàng vạn dân binh đi theo và do đói, nghèo nên qua địa bàn nào, gặp được thứ gì của dân ta là họ cướp sạch từ gạo, nồi niêu, xoong, chảo…
Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 5.
"Với những gì tôi được trực tiếp chứng kiến ở Cao Bằng và các địa phương khác có thể thấy, quân Trung Quốc thời điểm đó đã thực hiện chính sách 3 sạch là "cướp sạch, phá sạch, giết sạch" ở những nơi đi qua.
Những hình ảnh ở Tổng Chúp (Cao Bằng) khi hàng chục người dân vô tội bị quân Trung Quốc sát hại hay ở pháo đài Lạng Sơn, khi tràn vào được, quân Trung Quốc dùng rơm, rạ hun chết hàng trăm người dân ta là sự tàn bạo không thể tưởng tượng", tướng Huy nhắc lại.
"Chúng ta không truy kích quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 vì muốn hòa bình"
Tướng Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh, trong cuộc chiến tháng 2/1979 phải nhìn nhận rõ rằng, chưa có đơn vị chủ lực nào của ta phải chạm trán với quân Trung Quốc.
Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 6.
Tướng Huy thắp hương cho các đồng đội hy sinh ở Hà Giang. Ảnh do ông cung cấp.
Đồng thời, nhiều người đặt vấn đề khi lực lượng chủ lực của chúng ta đã sẵn sàng nhưng quân Trung Quốc lại rút lui, vậy tại sao không tổ chức truy kích?
Theo tướng Huy, quân ta có đủ điều kiện về độ thiện chiến, kinh nghiệm tác chiến, trang bị... nhằm truy kích khi địch rút để gây tổn thất cho chúng.
Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 7.
"Chúng ta không làm vậy bởi đây là động thái tiếp nối truyền thống cha ông ta.
Nhân dân Việt Nam chiến đấu là để quân xâm lược phải rút khỏi bờ cõi lãnh thổ nước ta. Chúng ta không truy kích khi quân xâm lược rút chạy vì chúng ta muốn hòa bình, chúng ta không muốn gây chiến", tướng Huy nêu rõ.
Ông nhấn mạnh thêm, đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc và Việt Nam đã chiến thắng khi buộc quân địch phải rút quân, giữ vững toàn vẹn chủ quyền, biên giới lãnh thổ.
"Chúng ta không kích động hằn thù dân tộc và luôn vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhưng cũng không được quên những lần nhân dân, quân đội Việt Nam buộc phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cuộc chiến tranh chống quân bành trướng xâm lược năm 1979 hay trận hải chiến Gạc Ma 1988... là những bài học xương máu cần nhắc nhớ trong mỗi người con đất Việt này", tướng Huy chia sẻ.
Theo Trithuctre

Phần nhận xét hiển thị trên trang

40 năm sau cuộc chiến, VN đang trở thành gì của Trung Quốc?


Việt Nam là thuộc địa Trung Quốc? Không phải. Là chư hầu? Không đúng. Là quốc gia vệ tinh? Cũng sai. Vậy Việt Nam đang là gì với Trung Quốc? Khó có thể định nghĩa chính xác tính chất mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc kể từ sau khi hai nước bang giao bình thường sau cuộc chiến biên giới 1979. Có điều ai cũng thấy Việt Nam đang bị nhuộm đỏ trước hiểm họa “ngoại xâm mềm” bằng con đường kinh tế, từ Trung Quốc.
Liệt sĩ Văn Ngọc Xuân
Liệt sĩ Văn Ngọc Xuân
Từng ngày từng giờ, cơn sóng thủy triều đỏ Trung Quốc lan rộng và phủ kín Việt Nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (chính xác là 54/63 tỉnh-thành). Theo Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nếu như trong 9 năm kể từ khi bình thường hóa (tháng 11-1991 đến tháng 12-1999), Trung Quốc có 76 dự án với tổng số vốn đầu tư là 120 triệu USD, thì 10 năm sau, đã có 657 dự án với tổng số vốn hơn 2,6 tỷ USD. Riêng về FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp), từ cuối năm 1991 đến nay, FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam liên tục tăng và tăng mạnh 10 năm trở lại đây, từ 572,5 triệu USD năm 2007 lên 2,17 tỷ USD năm 2017, trở thành nước thứ tư trong số các quốc gia có vốn FDI đăng ký tại Việt Nam (tạp chí Tài Chính 1-1-2019).
Trung Quốc hiện diện khắp nơi, đến mức gần như ngành nghề nào cũng có mặt, từ kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp ở Hải Phòng; kinh doanh bất động sản ở Tiền Giang; sản xuất giày ở Đồng Nai; luyện-cán thép ở Thái Bình; sản xuất tinh bột wolfram ở Quảng Ninh; linh kiện điện tử ở Đà Nẵng; ván ép ở Long An; đến gia công in phun, đồ họa, sản phẩm quảng cáo, dịch vụ quảng cáo ở Sài Gòn; và đặc biệt công nghiệp điện than (trong 27 quốc gia có dự án nhiệt điện than nhận đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ hai sau Bangladesh về công suất được cam kết đầu tư với 13.380MW, xếp thứ tư về tổng giá trị với 3,6 tỷ USD, tính đến tháng 7-2018) – dù rằng công nghiệp này gây ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng.
Trung Quốc còn thâm nhập dữ dội vào thị trường bất động sản. Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… chỗ nào cũng có mặt giới đầu tư bất động sản Trung Quốc, đặc biệt các dự án chung cư thuộc khu “đất vàng”. Tháng 4-2017, tập đoàn China Fortune Land Development mua lại cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus của VinaCapital với giá 65,3 triệu USD (Đại Phước Lotus là dự án khu dân cư có tổng diện tích 198,5 triệu hecta thuộc tỉnh Đồng Nai, giáp Sài Gòn). Tờ The Leader (19-9-2017) cho biết, tập đoàn Hong Kong Land cũng mua 64% cổ phần dự án nhà ở nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM; trong khi đó, Alpha King Real Estate Development JSC mua dự án khu phức hợp Saigon One Tower…
Trong 9 tháng đầu năm 2018, người Trung Quốc vọt lên đầu bảng tỷ lệ người nước ngoài mua nhà ở Sài Gòn. Không chỉ mua nhà, đất đai và khu nghỉ mát, Trung Quốc còn mua doanh nghiệp. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giới đầu tư Trung Quốc đã thực hiện 1.029 lượt góp vốn mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn hơn 800 triệu USD, chỉ trong năm 2018. Cùng với làn sóng đầu tư là làn sóng du lịch. Mỗi tuần có 500 chuyến bay chở du khách Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện có đến 10 hãng hàng không khai thác 30 đường bay từ 20 địa điểm Trung Quốc đến Việt Nam…
Đầu tư và du lịch giúp kinh tế tăng trưởng mà sao phải lo? Bởi vì, không như giới đầu tư các nước khác, sự có mặt Trung Quốc kéo theo nhiều điều không bình thường. Tháng 8-2018, Ủy ban tỉnh Khánh Hòa đã phải gửi văn bản khẩn, “đề nghị các bộ, ngành trung ương, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua công nghệ thanh toán điện tử”, nhằm chặn đứng sự thất thu thuế từ du khách Trung Quốc.
Dự án tuyến đường sắt cao tốc Cát Linh­Hà Đông là một ví dụ khác. Dự án có tổng đầu tư 552 triệu USD (thời giá năm 2008) trong đó vốn ODA Trung Quốc là 419 triệu USD. Dự kiến công trình hoàn thành trong thời gian từ tháng 8-2008 đến tháng 11-2013 nhưng ì ạch mãi đến cuối năm 2015 mới xong (đến nay, đầu năm 2019, vẫn còn trong giai đoạn chạy thử nghiệm). Cái giá của sự chậm tiến độ là 339 triệu USD cộng thêm! Không chỉ vậy, tổng thầu Trung Quốc còn nợ các nhà thầu phụ Việt Nam đến 554 tỷ đồng. Tương tự, trong dự án Nhà máy gang thép Lào Cai với tổng đầu tư khoảng 340 triệu USD (Việt Nam góp 55%), một nhà thầu Trung Quốc cũng quịt tiền. Sau khi ký hợp đồng mua vật liệu và thuê công nhân Việt Nam san ủi mặt bằng, nhà thầu phụ này lặng lẽ biến mất! Dù vậy, Trung Quốc vẫn có ưu thế giành thầu và chiếm nhiều dự án trọng điểm chẳng hạn các nhà máy nhiệt điện. Có quá bất thường không?
Điều không bình thường là có rất nhiều công nhân Trung Quốc được thoải mái vào Việt Nam mà không cần hộ chiếu-visa. Con chuột cũng khó có thể lọt vào cửa khẩu huống chi hàng chục ngàn người! Cách đây 10 năm, năm 2009, tờ VietnamNet từng thực hiện phóng sự về những ngôi làng Trung Quốc mọc tại Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường bày tỏ “bất bình” trước sự “ngang nhiên” tuyên xưng chủ quyền của Trung Quốc đối với biển đảo Việt Nam nhưng về sự ngang nhiên xuất hiện của hàng chục ngàn người Trung Quốc ngay trên đất Việt Nam thì gần như không ai lên tiếng hoặc hành động gì, đến mức sự bất thường này được phép đương nhiên tồn tại. Cuối năm 2015, tại Đà Nẵng, hai cửa hàng do người Trung Quốc làm chủ thậm chí đã ngang ngược “tuyên xưng chủ quyền” bằng cách không bán hàng cho người Việt. Người Việt đang mất chủ quyền ngay trên chính mảnh đất quê hương mình? Điều bất thường nhất trong những điều không bình thường là một số khu công nghiệp Trung Quốc đã được bảo vệ như thể chúng nằm trên đất Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, chẳng người Việt Nam nào “không phận sự” được phép vào “cấm thành” Formosa!
Điều rất không bình thường, so với quan hệ kinh tế với các nước khác, là cách thức quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hãy đọc một đoạn trong bài viết “Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam trong 10 năm qua” của tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa (người hồi tháng 6-2018 đã được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc):
“Cùng với tăng cường xây dựng niềm tin chính trị, lãnh đạo hai nước luôn chú trọng đến xây dựng mối quan hệ kinh tế hiệu quả, thiết thực và đang được cụ thể hóa bằng những kế hoạch phát triển gắn kết hai nền kinh tế như “Hai hành lang, một vành đai”, “một trục hai cánh”, “hợp tác Vịnh Bắc bộ mở rộng”; hướng đến cân bằng trong cán cân thương mại; tăng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam…”. Cách viết này, của một “chuyên gia” thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho thấy một điều: quan hệ kinh tế Việt Nam với Trung Quốc còn được “hòa tan” vào quan hệ chính trị, liên quan đến vấn đề thể chế và chính sách đối ngoại “đặc biệt”. Nó giúp phần nào giải thích được những bất thường nói ở trên.
Cần nhắc lại, cách đây chỉ vài tháng, vào tháng 9-2018, khi tiếp Triệu Lạc Tế – Ủy viên Bộ Chính trị-Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng quan hệ Việt-Trung “đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử”! Trước đó, tháng 1-2017, trong chuyến công du Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, Nguyễn Phú Trọng cùng Tập Cận Bình cũng đã ra thông cáo chung, xác định hai quốc gia “đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung”; khẳng định quan điểm hai bên là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” trên tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Bắc Kinh có là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” của Việt Nam? Chắc chắn là không. Hà Nội đang trở thành gì đối với Trung Quốc? Dựa vào các phát biểu và tuyên bố chung chỉ có thể định tính được phần nào mối quan hệ hai nước, nhưng dựa vào những con số cụ thể thì có thể thấy rõ, Việt Nam đang lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc. 40 năm sau khi thâm nhập biên giới Việt Nam bằng quân sự, Trung Quốc đang đổ bộ kín mít đất nước Việt Nam bằng những đoàn quân kinh tế hùng hậu. 40 năm sau khi Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, Việt Nam vẫn rất khó khăn tấn công sâu vào lãnh thổ nước này bằng con đường kinh thương. Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc. Con số mới nhất (11 tháng đầu năm 2018) là 21,6 tỷ USD (xuất sang Trung Quốc 38,1 tỷ USD trong khi nhập lại 59,7 tỷ USD).
Năm 1979, Hà Nội đã có thể dạy lại Bắc Kinh bài học mà Trung Quốc muốn dạy cho Việt Nam, nhưng sau 40 năm, Hà Nội dường như chẳng học được thêm gì cả, ngoài việc trở thành “đồng chí tốt” của kẻ thù. Sau 40 năm, Việt Nam chẳng là gì so với sức mạnh kinh tế lẫn quân sự mà Trung Quốc đang sở hữu. Biển Đông đang bị gặm nhấm lần mòn. Chủ quyền biên cương đang bị đe dọa. Cả “chủ quyền” kinh tế cũng bị thao túng. Thật chẳng tự hào gì khi Việt Nam đang là con nợ của Bắc Kinh. Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (3-9-2018), tác giả Vũ Quang Việt cho biết, ước tính nợ Việt Nam đối với Trung Quốc, tính đến năm 2018, (có thể) là hơn 6 tỷ USD. Bắc Kinh đang nắm Hà Nội trong lòng bàn tay? Riêng với cái nhìn của người dân Việt Nam, có vẻ như Hà Nội chẳng nắm được gì của Bắc Kinh cả! Với thực trạng này, ước vọng thoát Trung của người dân Việt xem ra là rất xa vời. Điều này có đáng để nghĩ và lo lắng cho số phận quốc gia?
Mạnh Kim

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THIÊN ĐƯỜNG HAY ĐỊA NGỤC?


16 THÁNG HAI, 2019 - Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Cách đây hơn 10 năm, sau khi nhà tư vấn Belt Collin Hawaii Ltd., xây dựng phương án “Cầu nối trời và đất” cho tỉnh Vĩnh Phúc – tức là những con đường được mở dẫn lên Tam Đảo 2 (vùng lõi Tam Đảo) – kèm theo ba phương án biến Tam Đảo 2 thành “Thiên đường”, dư luận xã hội đã có nhiều tiếng nói phản kháng dữ dội. Sự việc tạm chìm đi một thời gian, để giờ đây lại xuất hiện một dự án xây dựng quy mô lớn đang được khởi công ngay giữa vùng lõi của vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nguy cơ hàng ngàn cây rừng cổ thụ nguyên sinh bị chặt hạ, đất đá bị đào bới, nguồn nước tự nhiên bị cạn kiệt, thảm họa lũ bùn, lũ đá rình rập phá hoại nhiều di tích văn hóa lịch sử quý giá và cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống dưới chân núi, “lá phổi” của miền Bắc sẽ bị xâm hại nặng nề… Nhiều tiếng nói phản kháng lại xuất hiện, tiêu biểu như: “Sun Group lại muốn biến Tam Đảo thành đặc khu như đã làm với Bà Nà?” Bauxite.net). Bài viết này nhằm tiếp lửa cho những tiếng nói phản kháng việc hủy hoại thiên nhiên và môi trường sinh thái khủng khiếp đang diễn ra nhằm biến vùng lõi Tam Đảo thành địa ngục.
Vượt qua một đoạn sập núi
Có lần đi trong Thiền viện Tây Thiên, ngẩng nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tôi thoáng mơ ước được lên tới đỉnh Tam Đảo. Không ngờ, chỉ mấy tháng sau đó, tôi lại là nhà báo đầu tiên có cơ hội đặt chân đến nơi xa nhất, cao nhất và hoang lạnh nhất của núi rừng Tam Đảo… Sáng sớm ngày 2/3/2007, một đoàn công tác 14 người – gồm ba nhà báo, người dẫn đường, cùng cán bộ tỉnh, kiểm lâm, và lực lượng quân sự được cử đi theo để giúp đỡ, bảo vệ (và giám sát) các nhà báo tác nghiệp – đã xuất phát từ một khách sạn của khu Tam Đảo I….

Những ánh đèn pin chọc sương mù dày đặc. Tiếng chậm rãi gọi bộ đàm báo cáo. Tiếng bước chân nặng trịch của đoàn người trĩu vai súng đạn, tăng võng, nồi niêu, gạo muối, máy quay, v.v. Đoạn đường đất 3km từ Tam Đảo I vào cửa rừng bị sụt lở nham nhở, và tới một chỗ, con đường biến mất, đất đá chình ình! Chúng tôi đã phải bám vào một cành cây để đu sang hòn đá tảng nằm chơi vơi trên vực thẳm, rồi thận trọng leo xuống. Hú vía!

Cửa rừng đã hiện ra. Người địa phương gọi đó là ngã ba Rùng Rình…Từ đây, lộ trình của cả đoàn chỉ có thể đếm từng bước chân qua một lối mòn mờ nhoà, trơn tuột, vắt qua những sườn đá cheo leo, và có lúc mất hút. Đây đó, thấp thoáng những viên đá lát trải ngót thế kỷ vốn dành riêng cho người tuần rừng. Nhiều chỗ phải chui qua, hoặc trèo lên một thân cây lớn ngã gục giữa đường. Những thanh gỗ mục bắc qua hẻm… Người dẫn đường vừa cầm dao phạt dây leo, vừa xác định lại phương hướng. Chưa được một phần tư đường, ai nấy mồ hôi trộn nước mưa nhoè nhoẹt. Nhà báo Bùi Viên người Hải Phòng (vốn là nhà quay phim điện ảnh đã về hưu) mấy lần chuội chân suýt ngã xuống dốc. Ông ngồi mệt nhoài, tay ôm ngực. Cả đoàn hội ý, rồi cử một anh lính đưa ông quay ra.

Vậy là, giờ chỉ còn tôi và nhà báo trẻ Trọng Khả (báo Phú Thọ) – hai “gã nghều” tác nghiệp… Chúng tôi ở ba cơ quan truyền thông khác nhau, cùng tình nguyện nhận một nhiệm vụ của Diễn đàn Nhà báo Môi trường (VFEJ): cung cấp những tư liệu thực tế để góp phần phản biện công trình: “Xác định cơ sở khoa học để đánh giá tác động môi trường phục vụ dự án xây dựng khu du lịch sinh thái bền vững Tam Đảo 2” của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại Học Quốc gia Hà Nội) và Ban QLDATĐ 2 được làm theo “hợp đồng có định hướng” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc – mà trên cơ sở đó, tỉnh sẽ triển khai các bước tiếp theo nhằm thu hút 380 triệu USD cho một dự án xây dựng khu vui chơi giải trí cao cấp – gồm khách sạn, sòng bạc, sân golf, chuồng ngựa… ngay trong vùng lõi của một Vườn Quốc gia nổi tiếng! Chúng tôi đã được thông báo kỹ lưỡng trước khi khởi hành: rừng Tam Đảo không còn gì đáng để bảo tồn, không còn cây lớn nào mà chỉ toàn rừng cây lúp xúp, dứa ma và tre trúc, các loài thú quý hiếm không còn! Thấy tôi chăm chú ghi hình những thân cây lớn bị chặt đốn ngổn ngang còn in vết rìu, anh kiểm lâm đi theo vội giải thích: đó là do chúng tự hoại, tự đổ, vì trên cao gió to, lại không có ai bảo vệ…

Đường hẹp và trơn nhẫy, dốc đứng, may mà có những bụi cây rễ cây để bám, nếu không, sau mấy lần trượt chân tôi đã quăng mình lẫn đồ nghề xuống chân núi hoặc đáy vực! Chưa được nửa chặng đường, đế giày của tôi đã bật tung. Nguy quá, tôi đành “phanh thây” vỏ chân máy quay để buộc quanh giày đi tạm.

Cả đoàn nghỉ ăn trưa bên một đoạn thác hoang vu. Từ đây nhìn xuống là rừng thăm thẳm ôm đất Phật Tây Thiên và một vùng trung du chìm trong mây lẫn sương mù trắng đục…

Anh cán bộ tỉnh bước tới cạnh tôi, say sưa kể lại chuyện: năm trước, một kỹ sư lâm nghiệp người Úc, vì mải say mê khám phá sự phong phú của tài nguyên rừng và hệ sinh thái rừng Tam Đảo mà ông ta đã bị lạc bốn ngày trong rừng, suýt chết !… Những điều viết trong công trình khoa học nói trên không dám phủ nhận sự phong phú của hệ sinh thái rừng Tam Đảo, nhưng đã nhấn mạnh rằng, chúng đã bị hủy diệt gần hết, giờ chỉ còn là rừng tái sinh, cây dại, và đất thì đã hoang hóa, cằn cỗi, chỉ có thể dùng làm vào việc khác “có ích” hơn! Cái Tâm và cái Tầm tri thức của những nhà khoa học Việt Nam trong công trình được gọi là “khoa học” đó sao mà thảm hại so với ông kỹ sư lâm nghiệp người Úc kia!

Tới suối Bòn Bọt, có hai lán hoang. Đích thị là lán lâm tặc!… Ống kính máy quay của tôi may mắn “bắt” được những vạt rừng già nguyên sinh còn sót lại, những thân cổ thụ hai ba người ôm không xuể! Những “di chứng” của rừng như thế hiện đang nằm trong kế hoạch chặt phá với danh nghĩa là “phát triển khu du lịch sinh thái để gây dựng, phục hồi rừng”!? Tôi đã được nghe kể về ý tưởng “nối Mặt đất với Thiên đường” của Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, và được Nhà tư vấn Belt Collin Hawaii Ltd., được cụ thể hóa bằng phương án có tên gọi là “Cầu nối trời và đất” – tức là những con đường được mở dẫn lên Tam Đảo 2 – kèm theo ba phương án biến vùng lõi Tam Đảo 2 thành “Thiên đường”…

4 giờ 30 phút chiều, đoàn mới lên tới đỉnh Tam Đảo II – đó là một khu đất bằng phẳng, từng là bãi đáp máy bay trực thăng đưa lãnh đạo tỉnh và các nhà khoa học tới Tam Đảo…

Cả đoàn hạ trại. Nhóm thì nổi lửa nấu cơm, nhóm thì dựng lán căng lều bạt… Hai nhà báo tận dụng ánh sáng trời. Mục đích lớn nhất của chúng tôi trong chuyến đi này là phải ghi bằng được hình ảnh về Rừng Lùn – như một bằng chứng hùng hồn về sự đa dạng sinh học của Tam Đảo! Chúng nằm ở vùng đất ướt vắt trên sống của dãy Tam Đảo, là một loại rừng đặc thù của vùng mưa ẩm Á nhiệt đới sống ở trên cao mưa nhiều gió lớn, tồn tại một cách phi thường theo kiểu rừng kín, xanh tốt quanh năm, và đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Nhưng cán bộ tỉnh đi theo quả quyết: rừng Lùn không còn nữa, và các nhà báo lần đầu tiên đã được đi tới nơi xa nhất của Tam Đảo 2!

Đúng là xa nhất, nhưng cũng xa hẳn rừng Lùn – theo “định hướng”!

Sập tối. Cả đoàn run rẩy vây quanh đống lửa lớn… Sau bữa cơm bày trên mảnh ni lông, vừa ăn vừa hớp nước mưa, chúng tôi chui vào những lều bạt, lán nứa dựng tạm.

Qua một ngày ròng leo núi vượt rừng nguy hiểm, đầy bất trắc, ngay cả những anh lính trẻ cũng lăn ra ngủ như chết. Còn tôi, toàn thân đau nhức, không sao ngủ được, lại thêm nỗi thao thức giữa rừng hoang lạnh trước tương lai thê thảm nhỡn tiền của Tam Đảo… Tôi nhìn ra màn đêm, chợt hình dung ra cảnh những đống đất đá khổng lồ, những dòng lũ bùn lũ rác trôi từ đỉnh Tam Đảo này xuống chôn vùi, phá huỷ bao thôn xóm và 79 di tích đền chùa dưới chân Tam Đảo – một khi “Thiên đường” được tạo nên bằng mọi giá!… Ba Vì, Tam Đảo là những ngọn núi linh thiêng của người Việt tự cổ xưa. Và trước khi dời Hoa Lư ra Thăng Long, vua Lý Công Uẩn viết Chiếu dời Đô, có câu: Tiện hình thế nhìn sông tựa núi (sơn xuyên hướng bội chi nghi…). Thăng Long- Hà Nội nhìn ra sông Cái (Nhị Hà) và tựa vào hai dãy núi linh thiêng của người Việt cổ là Ba Vì – Tam Đảo. Vua Lý Công Uẩn hẳn đã nhận thấy Kinh đô mới nhìn ra sông Cái và dựa vào hai dãy núi này… 


Mệt quá, tôi thiếp đi trong một cơn ác mộng hãi hùng chưa từng thấy trong đời: Những dòng lũ bùn, lũ đá, lũ rác cuốn trôi ào ạt, đè ập xuống, làm đứt phựt tiếng hát ngây ngô của con gái tôi: Cọ xoè ô che nắng/ Thơm mát đường… Dốc Rùng Rình chợt chao đảo, suối Bòn Bọt bỗng thở dài não nuột và cất tiếng khóc ai oán hơn cả tiếng khóc đại tang… Những dòng lũ rác lũ bùn làm màu mây trắng thần thoại Tây Thiên thành xám xịt; tượng Phật, tượng La Hán chảy máu mắt ròng ròng trước cảnh chùa tan hoang, ngập bùn, núi thiêng nham nhở, trọc lốc… Thú lớn thú nhỏ chạy tan tác khi những vòng quay sòng bạc xoay tít toé máu ra khắp hướng… Những vó ngựa đua dẫm nát cánh bướm rừng… Những sân golf mười tám lỗ, ba sáu lỗ như những lỗ đen trên thiên hà đang há toác miệng nuốt chửng mọi thứ… Khách sạn, nhà hàng chăng đầy da thú hiếm như triển lãm, vây quanh là những khuôn mặt tự mãn no nê đỏ phừng phừng mở miệng lè ra rắn rết, rồi ném ra ngoài thành những con khủng long tiền sử đột biến gien có khả năng đớp, ngoạm tất cả! Một vị tiên ông khoác hoàng bào xuất hiện, thét vào mặt tôi: Này, đây là nơi mà cơ nghiệp muôn đời đế vương xưa tựa vào, và đang là chỗ dựa cho muôn đời con cháu, các ngươi hiểu chưa? Rồi một nhà khoa học nước ngoài thẫn thờ ôm mặt khóc, mọc đôi cánh thiên thần và lặng lẽ bay đi…

Quá nửa đêm, tôi bật choàng tỉnh dậy, sờ tay lên người, cả một tảng máu đã khô cứng lẫn máu tươi đang ri rỉ bởi một con vắt chui vào nách tự lúc nào! Nhưng điều này còn dễ chịu hơn gấp trăm lần so với những cơn ác mộng vừa qua… Sương mỗi lúc một nặng hạt rơi trên nóc lán bạt. Tôi lại quay nhìn sang mấy anh lính trẻ đang ngủ vùi mê mệt sau những chặng dốc cao, vực thẳm hun hút, lối mòn chênh vênh trơn tuột trong gió lạnh, mưa phùn. Có thể, các anh cũng đang trải qua những giấc mơ hãi hùng như tôi? Và chúng sẽ không còn là giấc mơ nữa, khi dự án “nối mặt đất với thiên đường” trở thành hiện thực, mở lối dẫn vào Chín tầng Địa ngục của thi hào Ý Dante *!

Lượt trở về cũng gian nan nguy hiểm không kém… Tôi lại tiếp tục quay được thêm những thân cổ thụ bị chặt và đổ gục thương tâm, những lán lâm tặc, những bụi dứa ma xơ xác, những con vắt nghển cổ ngạo mạn… Tôi chưa kịp tìm thấy Rừng Lùn cùng những con thú được ghi trong sách Đỏ… Nhưng, ngót hai mươi phút hình ảnh có máu, mồ hôi, nước mắt, và cả tính mạng của chúng tôi “đánh cược” ở đó cũng cho thấy sự phong phú đa dạng của hệ sinh thái rừng Tam Đảo, những chứng cứ hiển nhiên của rừng nguyên sinh – chúng chưa hề bị biến mất như trong các báo cáo “khoa học” – dù phải trải qua biết bao sự khai thác tận diệt, sự ngang nhiên phá rừng của những kẻ vô lương tâm và dốt nát. Và điều đó đã giúp rất nhiều cho “Khoá đào tạo các nhà báo quan tâm đến môi trường ba miền” do VFEJ (Diễn đàn Nhà báo Môi trường) tổ chức (với sự tài trợ của Mạng lưới Báo chí Trái đất – EJN), theo chủ đề: Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. 

Lớp tập huấn này được tổ chức ngay sau cuộc hành trình dã ngoại của chúng tôi một tuần tại Tam Đảo I, các nhà báo trẻ toàn quốc đã được xem những hình ảnh sống động, chân thực chưa từng có về Tam Đảo II; cũng từ đây, nhiều tiếng nói gay gắt bộc trực của các nhà báo trẻ đã gây sốc cho công luận về cái ý định xẻ thịt vùng lõi Vườn Quốc Gia Tam Đảo, phá đi lá phổi miền Bắc! Và, rất tự nhiên, như một phản ứng dây chuyền, cuối tháng 9-2007, tại Hà Nội, một cuộc Hội thảo quy mô đã diễn ra: “Các vấn đề môi trường liên quan đến dự án Tam Đảo 2”. Cho đến tận hôm nay, những vấn đề được nêu lên từ Hội thảo đó vẫn còn nguyên tính thời sự làm nóng bỏng lương tri xã hội.

Chuyến đi đặc biệt ấy đã không đưa tôi đến “Thiên đường” nhưng đã giúp tôi cùng nhiều nhà báo trẻ – ít nhất là như thế – bước đầu hiểu thế nào là Địa ngục, nếu cái “Thiên đường” kia vì một lý do nào đó lại trở thành hiện thực…
__________________

* Trong tác phẩm Thần khúc (Divina Commedia) của nhà thơ Ý vĩ đại Dante Alighieri (1265-1321).



Chú thích ảnh (chụp lại từ tư liệu quay)



1. Một trong những cổ thụ trên đỉnh Tam Đảo do lâm tặc chặt



2. Đoàn hành trình ở bên suối Bòn Bọt



3. Vượt qua một đoạn sập núi



4. Vắt rừng Tam Đảo



5. Sinh hoạt của đoàn trong rừng

http://vanviet.info/van/thin-duong-hay-dia-nguc/ đêm đỉnh Tam Đảo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Donald Trump và Kim Jong-un sẽ làm nên lịch sử?


baomai.blogspot.com
Donald Trump và Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Singapore vào tháng Sáu năm 2018

Việt Nam lẽ ra phải là nơi được chọn để tổ chức Thượng đỉnh Trump - Kim ngay từ lần đầu, một nhà nghiên cứu từ Hà Nội nói từ Hà Nội.

So với Singapore trong việc đứng ra tổ chức sự kiện, Việt Nam có sự khác biệt nhất định, đặc biệt trong khía cạnh liên quan kinh phí đăng cai, vẫn theo ý kiến này.

Trong khi đó, theo ý kiến một nhà nghiên cứu khác từ Hoa Kỳ, lý do Việt Nam được chọn là vì có thể làm cho ông Kim Jong-un, lãnh đạo Bắc Hàn, được 'thoải mái hơn' khi dự Thượng đỉnh.

Hôm 14/2/2019, trả lời câu hỏi của Bàn tròn thứ Năm về việc Việt Nam nằm ở đâu khi tổ chức sự kiện quan trọng dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/2/2019 và so sánh với cuộc lần đầu ở Singapore vào 12/6/2018 thì sao, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Iseas (Singapore), nói:

"Tôi thấy lẽ ra Việt Nam là nơi đăng cai cuộc họp đầu tiên. Nhưng lúc đó Singapore thuận lợi hơn. Phía Mỹ và Bắc Triều Tiên họ đồng ý để cho Singapore đăng cai lần đầu.

"Phía Mỹ và Triều Tiên tiếp xúc với Chính phủ Việt Nam, hoặc các cuộc thăm của mấy nhóm Mỹ, nhóm Bắc Triều Tiên. Thực ra họ có gợi ‎ý Việt Nam hồi cuối tháng 11/2019. Nhưng gần đây mới công bố chính thức vào ngày 8 tháng Giêng. Chuẩn bị thì đã có từ trước. Lần này Việt Nam sẽ mời cấp Nhà nước của Chủ tịch Bắc Triều Tiên - ông Kim Jong-Un đến Hà Nội ngay trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh với Donald Trump.

"Nếu xét về mặt chính trị hay các quan hệ thì Việt Nam có quan hệ với Mỹ lẫn Bắc Triều Tiên. Nhưng có một cái Mỹ nhấn mạnh: trước đây Mỹ và Việt Nam thù nhau, giờ thành đối tác ngày càng tốt. Đó là điều kiện để Việt Nam có thể đảm nhận việc này.

Thứ hai về địa lý, Việt Nam rất gần Bắc Triều Tiên. Khoảng cách hai bên thì máy bay đi mất 3 tiếng thôi. Gần hơn những chỗ khác. Gần hơn Mông Cổ, Singapore, Bangkok. Việt Nam có kinh nghiệm tổ chức các cuộc họp lớn. Nhìn chung là Việt Nam an toàn. Trước đây họ định chọn Đà Nẵng, nhưng Chủ tịch Kim thích Hà Nội hơn. Nên cuối cùng Tổng thống Trump quyết định tổ chức ở Hà Nội. Công việc chuẩn bị rất đơn giản. Không có vấn đề gì lớn. "

baomai.blogspot.com
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng Việt Nam có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế và là một nơi an toàn.

Trước câu hỏi ở cuộc Thượng đỉnh đầu tiên, Singapore đã đạt được điều gì quan trọng nhất, còn Việt Nam lần này kỳ vọng đạt được điều gì, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói:
"Việt Nam thì người ta kỳ vọng vào việc tổ chức thành công Hội nghị này. Việt Nam đương nhiên rất là mong muốn cuộc gặp lần hai này mang lại những kết quả cụ thể. Cuộc gặp hai khác cuộc gặp một ở chỗ: hai ông không đàm phán gì cả, mà thỏa thuận lại 12-14 điểm mà lần trước đã thỏa thuận.

"Bây giờ đi từng bước một xem là làm cái gì trước, làm đến mức nào. Không phải là cuộc đàm phán nữa. Đã đàm phán ở cuộc đầu và trước cuộc đầu. Và lúc này họ cũng đang bàn với nhau. Vừa rồi thì đại diện của Mỹ có đi Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên... Có nói rất rõ là gần đến mức thỏa thuận rồi nhưng thời gian gấp quá chưa đi hết được 12 điểm đó.

"Việt Nam cũng như Trung Quốc hay Nga đều hy vọng cuộc gặp này đi đến kết quả cụ thể. Cụ thể là Bắc Triều Tiên đồng ‎‎ý bằng một cách nào đó phi hạt nhân hóa theo quy chế duy nhất Liên Hợp Quốc đặt ra: phi hạt nhân hóa toàn diện. Quá trình phi hạt nhân hóa được kiểm soát và không bị đảo ngược. Bắc Triều Tiên cũng hy vọng đổi lấy cái đó, cộng đồng quốc tế đặc biệt là Hoa Kỳ đảm bảo an ninh cho họ."

'Lợi lạt' thế nào?

baomai.blogspot.com
Cuộc gặp Thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ nhất đã diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6/2018.

Trước câu hỏi của khán, thính giả gửi cho Bàn tròn đề nghị cho biết 'ai chi trả' kinh phí Thượng đỉnh Trump - Kim lần II và Việt Nam so với Singapore thì vấn đề 'lợi lạt' thế nào, ngay sau Bàn tròn thứ Năm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp ông viết:

"Chi phí của Mỹ, họ trả 100%. Chi phí từ Bắc Hàn, thì về nguyên tắc họ trả 100%. Nhưng lúc này họ nghèo, nên Việt Nam cũng giúp một phần. Các nước khác giúp nữa, Trung Quốc, Nam Hàn. Như thế là rõ là không có gì nhạy cảm.

"Việt Nam khác Singapore, Singapore quảng bá được cho du lịch, mà du lịch thì tính ra tiền được. Họ chi lần trước 20 triệu USD, không rõ cho những việc gì. Việt Nam thì chi về khách sạn, bảo vệ, đón tiếp, địa điểm họp... Chi phí không lớn, chi phí chuyến thăm cấp nhà nước của ông Kim, nếu diễn ra, Việt Nam chi gần hết."

Từ Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu bang giao quốc tế, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, nêu quan điểm từ góc nhìn chính trị quốc tế, chính trị khu vực và một số nước liên quan, cho biết ở Thượng đỉnh này các bên đang hướng tới đi gì và muốn đạt được điểm gì quan trọng nhất, ông nói với Bàn tròn thứ Năm trực tiếp từ London:

"Để trả lời câu hỏi Việt Nam ở vị thế nào, thì Việt Nam ở vị thế chủ nhà, nhà điều hợp (Facillitator) giúp cho việc điều đình gặp gỡ nhau được tốt đẹp. Có rất nhiều lý do để người ta chọn Việt Nam. Nhưng có nhiều lý do để cho ông Kim được thoải mái.

"Có hai lý‎ do chính: thứ nhất là khi họp, người ta họp ở nước trung lập. Thì Singapore thực ra cũng là trung lập nhưng không phải nước cộng sản. Việt Nam được coi là trung lập giữa hai bên và là nước cộng sản. Thành ra Việt Nam và Bắc Triều Tiên cùng thể chế. Về phương diện chính trị, ông Kim đến Việt Nam thoải mái hơn.

"Thứ hai là Việt Nam cũng tương đối gần như ông Hà Hoàng Hợp nói. Điểm quan trọng là ông Kim ghét đi xa. Đây thì gần. Thứ hai là ông ấy thích an toàn, hay đi đường xe lửa. Bây giờ bay sang là ông ấy bay hàng không Trung Quốc, tức là ông thấy thoải mái, an toàn.

"Thành ra việc họp đó rất tiện cho ông Kim, ông muốn như thế. Cho nên Mỹ có một số thương lượng để cho cuộc họp thành công.

"Còn vấn đề Singapore, thì lần trước hai bên chọn Singapore là bởi Singapore là nước Đông Nam Á tương đối gần Bắc Triều Tiên. Singapore lại là Chủ tịch của khối ASEAN. Singapore cũng có rất nhiều kỹ thuật, tổ chức rất hay, cho nên việc đó hợp tình hình. Lần này tìm chỗ khác, Việt Nam thuận lợi hơn tất cả."

Muốn làm nên lịch sử

baomai.blogspot.com
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng có nhiều lý do để Việt Nam được chọn đăng cai cuộc gặp Thượng đỉnh Trump - Kim lần II.

Khi được hỏi riêng về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump mong đợi gì ở cuộc Thượng đỉnh này, trong lúc có người nói dường như ông Trump muốn đây là cuộc hai, rồi có thể sẽ có cuộc thứ ba, cuộc thứ tư v.v... tức là bước sang nhiệm kỳ hai (nếu có) của ông Trump, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đáp:

"Cuộc họp đầu tiên là do quyết định đột khởi, theo cảm tính của ông Trump. Ông muốn có tiếng, có hình ảnh, muốn được nói đến. Và ông nghĩ là ông có khả năng điều đình, gặp ông Kim thì ông có thể đạt được nhiều kết quả, nhưng cuối cùng không đạt được kết quả. Vì thế nên cần phải có cuộc họp lần hai này.

"Ông Trump muốn có một chiến thắng ngoại giao. Từ trước đến giờ chưa có một thắng lợi ngoại giao nào có thể gọi là ghê gớm cả. Thành ra, nếu tiếp tục vấn đề Bắc Hàn, ông sẽ là người làm nên lịch sử, là điều ông muốn. Vì thế ông rất cố gắng [trong vấn đề] Bắc Hàn.
"Nhưng cuộc điều đình với Bắc Hàn không phải chuyện thường, bởi vì nguyên tắc quan trọng như người ta nói là phải giải giới hạt nhân toàn diện, kiểm soát được và không thể thay đổi được - thì đó là mục tiêu mà Mỹ theo đuổi từ trước - từ thời ông Bush, ông Obama cho đến thời ông Trump thì cũng như thế thôi.
"Vấn đề đặt ra là bây giờ làm như thế nào để đạt được chuyện đó...," nhà nghiên cứu bang giao quốc tế nêu quan điểm.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận thêm:
"Việt Nam mong họ - Bắc Triều Tiên - đồng ý về vấn về phi hạt nhân hóa, ký hiệp ước hòa bình với Nam Hàn, rồi mở của ra để mà làm ăn, mua bán, thì sẽ giàu lên.
"Nhận thức của Việt Nam là phù hợp, phi hạt nhân hóa có lợi cho tất cả. Còn ông Trump làm việc này vừa là vì Mỹ, vì bản thân ông ấy và vừa còn vì thế giới,".
baomai.blogspot.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không bàn tay nào che kín được Lịch Sử.

Sòng phẳng với lịch sử: Bạch hóa Hiệp ước Thành Đô
1. Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không biết về Hiệp ước Thành Đô, càng không được can dự việc ký kết. Phía Việt Nam cũng vậy. Hiệp ước ký kết giữa hai quốc gia thì phải công khai, sao lại dấu diếm? Điều gì cản trở Bạch hóa Hiệp ước Thành Đô? Sòng phẳng với Lịch Sử thì phải Bạch hóa Hiệp ước Thành Đô. Bạch hóa Hiệp ước Thành Đô mới sòng phẳng với Chiến tranh Vệ quốc tháng 2/1979. Không bàn tay nào che kín được Lịch Sử.
Image result for Hiệp ước Thành Đô

Hội nghị Thành Đô được nhóm họp
 ngày 3-4/9/1990 tại Trung Quốc

2. Một trong những cản trở với Lịch Sử của Hiệp ước Thành Đô là Chiến tranh Chống Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979. Chính từ sau Hiệp ước Thành Đô (4/9/1990) thì Chiến tranh Chống Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 biến khỏi Lịch Sử. Các anh hùng liệt sĩ ngã xuống trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc này không được vinh danh, không được nhắc tên, có nơi thậm chí còn xóa cả di tích khỏi bia đá.

3. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là điều nhất thiết phải làm. Nhưng tôn Trung Quốc lên vị trí cầm đầu bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa là một sai lầm tội lỗi. Bởi vì, đã không nhìn thấy xu thế tất yếu của tiến trình nhân loại nên ghìm chân lịch sử bằng nuôi dưỡng phế thải; Lại còn đặt ý thức hệ trên dân tộc – nên thấy đồng chí ý thức hệ mà không thấy kẻ thù dân tộc ngàn năm.

4. Bạch hóa Hiệp ước Thành Đô không phải để đào bới quá khứ. Mà để ứng phó với hiện tại và tương lai. Đây mới là điều tối quan trọng.

5. Không ai tránh được sai sót. Sai sót của người đi trước là bài học cho người đi sau. Sợ sai sót đến mức che dấu sai sót thì tội lớn hơn cả sai sót. Nếu người đi trước đã sai mà người đi sau che dấu là tự biến mình thành người sai.

6. Sòng phẳng với Lịch Sử thì phải Bạch hóa Hiệp ước Thành Đô. Bạch hóa Hiệp ước Thành Đô mới sòng phẳng với Chiến tranh Vệ quốc tháng 2/1979. Không bàn tay nào che kín được Lịch Sử.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VĂN TẾ ĐỒNG BÀO VÀ CHIẾN SĨ TỬ TRẬN TRONG CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC CHỐNG QUÂN BÀNH TRƯỚNG TRUNG QUỐC THÁNG 2 NĂM 79


Soạn giả: Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
Hỡi ơi!
Thấm thoắt đã bốn mươi năm
Mới đấy đã thành thiên cổ!
Trời biên giới ầm vang tiếng súng, thanh niên lớp lớp lên đường
Miền biên cương máu nhuộm đỏ sông, dân chúng nhà nhà tan tác

Nhớ linh xưa:
Chiến sĩ tòng chinh
Tuổi hoa niên đang bận sách đèn
Lòng trai tráng chứa bao mơ ước
Đáp lời non sông, hăm hở lên đường
Từ biệt quê hương, gạt niềm thương nhớ
Súng bắn chưa quen, quân sự đôi bài, đánh giặc bằng lòng căm hận
Chiến trận chưa từng, ba lô một gánh, nhắm bắn bằng nỗi hờn căm.

Nhân dân biên giới
Đang yên ổn làm ăn, đâu ngờ phút chốc loạn ly
Gặp được buổi thanh bình, ai tưởng được điều thảm khốc

Pháo giao thừa vừa nổ, hội xuân vừa mở rộn ràng
Năm mới vừa sang, hy vọng ngập tràn phơi phới

Đì đùng súng bắn, trẻ con vẫn tưởng pháo giao thừa
Loa réo vang trời, cụ già còn ngờ loa hội mở

Thương thay!
Chiến đấu ngoan cường, xông thẳng nơi mũi tên hòn đạn
Kiên trung giữ đất, sợ chi nơi súng nổ pháo rền.

Máu loang mặt đèo, mùi thuốc súng khét lẹt còn vương
Xác nghẽn gềnh sông, tiếng kêu thương ngút trời đau xé

Địch giết người không ghê tay
Địch nã pháo không ngừng nghỉ

Hãm hiếp đàn bà, lộ mặt loài dê chó. Tiếng kêu thương xé nát một góc trời
Cắt đầu trẻ nhỏ, hiện rõ lũ sài lang. Hồn oan khuất vật vờ miền biên viễn.

Ôi!
Máu xương gửi lại biên cương
Hồn phách tụ về nơi đền miếu

Tuổi thanh xuân dâng Tổ quốc ngàn năm
Hoa chiến thắng dâng Đất Mẹ vạn thưở.

Đền nợ nước nào đợi vinh danh
Chết vì dân đâu chờ tưởng vọng

Hôm nay
Tưởng niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh
Thương nhớ 60 ngàn đồng bào ra đi vĩnh viễn

Chúng tôi
Đốt nén hương thơm
Dâng vòng hoa thắm

Đơn sơ lễ bạc lòng thành
Thành kính tâm hương dâng cúng

Cúi xin chư vị anh linh sống khôn thác thiêng
Phù trợ cho Non sông đất nước thăng bình muôn thưở

Cũng xin chư vị
Trừng trị thích đáng
những kẻ cố tình vong ân bội nghĩa
những kẻ quên hết công lao và máu xương của chư vị anh linh

Lại xin chư vị anh linh, cùng chúng tôi:
Nguyền rủa đời đời bọn bành trướng Bắc Kinh
Nhắc nhở muôn năm mối thù truyền kiếp!
Hỡi ơi!
Hồn có linh thiêng
Xin về nhận hưởng!


Năm soạn: Mùa Xuân 2013.
http://xuandienhannom.blogspot.com/2016/02/van-te-ong-bao-va-chien-si-tu-tran.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang