Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

BẮC KINH RỐI TRÍ, KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC NGÀY HỌP TOÀN THỂ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG



Quang cảnh Hội nghị toàn thể thứ 1 của Ủy ban trung ương ĐCSTQ khóa 19, 
tháng 10/2017 (Ảnh: Xinhua).
Trần Đình Thu



Hội nghị Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung quốc khép lại vào hôm 31/10 mà không thông báo bất cứ kế hoạch gì về việc tổ chức Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Đảng cộng sản Trung quốc như thông lệ ngoài tuyên bố tình hình bi đát của kinh tế Trung quốc khiến các nhà phân tích đánh giá là họ đang “rối trí”. 


Trung quốc tổ chức đại hội đảng vào năm ngoái, theo thông lệ sau năm đầu tiên cầm quyền của ban lãnh đạo mới, thì một hội nghị toàn thể sẽ được tổ chức rầm rộ vào gần cuối năm để “báo công” và định hướng hoạt động cho thời gian kế tiếp. Thông lệ này đã hình thành từ mấy mươi năm nay, thông thường sẽ được tuyên truyền rầm rộ từ giữa năm, nhưng năm nay đột ngột thay đổi. Một số người mong chờ cuộc họp toàn thể này sẽ đưa ra những quyết sách cho việc thoát khỏi hậu quả của chiến tranh thương mại, nhưng khi hội nghị Bộ chính trị kết thúc, chẳng ai nhắc đến hội nghị toàn thể nữa.

Trey McArver, đồng sáng lập hãng nghiên cứu cố vấn Trivium China tại Bắc Kinh, nói: "Khi họ không xác định thời gian (tổ chức hội nghị trung ương) trong kỳ họp Bộ chính trị, tôi đã bất ngờ. Nhưng tôi còn sốc hơn khi hầu như không một ai đề cập gì đến hội nghị toàn thể".

Giáo sư Chen Daoyin, thuộc Đại học chính pháp Thượng Hải, nói: "Hồi tháng 3, ban lãnh đạo của ông Tập vẫn đầy tự tin về tương lai phát triển của Trung Quốc,... ". Ông nói tiếp: "Nhưng đến nay, người dân phổ thông ở Trung Quốc bắt đầu mất dần hy vọng vào sự phát triển của nền kinh tế."

Ông Chen Daoyin nhận định có thể ông Tập chờ đợi kết quả cuộc gặp với ông Trump ở G 20. Nhưng theo nhà sử học Trung Quốc Zhang Lifan, ngay cả khi đảng Cộng hòa bị thất bại trong bầu cử giữa kỳ thì cũng khó có khả năng Washington xuống thang trong sức ép với Bắc Kinh. Ông Zhang nói. "Việc dồn ép Trung Quốc đã là nhận thức chung của hai đảng Mỹ rồi."

Ông Zhang cho rằng Đảng cộng sản Trung quốc chưa đạt nhận thức chung về lộ trình tương lai của đất nước Trung quốc. Ông nói: "Chúng ta sẽ tiếp tục cải cách và mở cửa, hay theo đuổi chiến lược tự lực cánh sinh? Dường như vẫn chưa có đồng thuận cao trong đảng".

Theo tôi, có lẽ có sự không đồng thuận này nhưng sẽ còn có một ý nghĩ khác đang nhen nhóm trong đầu một số lãnh đạo đảng Trung quốc dù chưa rõ ràng: Trung quốc sẽ hướng tới việc giải tán Đảng cộng sản trước sức ép của Mỹ và thế giới. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

bình yên quá tôi ơi

bình yên quá tôi ơi
 
chợt biết. đó chỉ là tiềm thức
phát lệnh cho thói tật hệ thần kinh
chạy xuống hai chân
đùi phải rung lên không lệ thuộc ý thức
khi nhìn thì nó ngưng nghỉ. rồi chạy sang đùi trái
chẳng sao. bình yên quá tôi ơi!
 
sự lập trình căn số ma trận
bướng bỉnh như lũ thuồng luồng chạy rần trong mạch máu
tự do. đốn mạt hàng triệu con vi trùng ký sinh vào vi mạch điều hành mặc định ẩm ương bốc mùi trí trá
lo sợ gì. chửi thầm nỗi ám ảnh kinh niên
đm. đến khi nào cơn tai biến tự nhiên như một hồng ân
 
sáng nay gió chướng chui vào lỗ tai
chợt nhớ những người đàn bà (nhân tình cũ)
có thể. họ như những con sâu kèn cuộn mình trong lá mở trừng mắt hôn mê
sợi khói thuốc hờ hững vòng quanh ngón tay
nhìn thật kỹ không có vẻ gì khốn nạn
dường như đâu đây đang diễn ra cuộc thảm sát những linh hồn
không thể hiểu tại sao tôi còn đờ mặt ở cõi người này
hay đang hiện hình chỉ là một bóng ma điên
 
7h15’ café tptn 12/2017
 
với mùa đông nhưng không phải là thơ
 
1.
 
hảo vọng luôn dành cho một thằng người
hít thở mùi nụ cười răn đe thú tính
người đàn bà nhặt gió chướng hanh khô
teo tóp những hạt giống được thụ tinh trong ống nghiệm
chắt chiu lắm nhưng chẳng biết để làm gì
tôi tự cắt cái bìu yêu quý của mình treo trên thập ác đóng đinh
tụng khúc tình độ kinh
đau điếng bảy con quỷ ẩn náu trong tim
người đàn bà trèo lên đỉnh khói sương hai mắt đứng tròng
với tay theo khi tôi vừa rơi theo đường thẳng đứng
 
2.
 
tôi đã nhìn thấy mình
nằm ngửa trên cánh đồng cỏ ma hoang hoải gió
bầy chim mờ xám trên bầu trời
với đội hình đầu mũi tên bay về phương nam
chúng thả những mật ngữ rơi xuống mắt tôi lạnh buốt
người đàn bà mang cặp kính trắng
mái tóc đen tuyền có thể đã dùng thuốc nhuộm
kéo tay và đỡ tôi đứng dậy dìu đi
tôi chợt nhớ, ngoái cổ lại nhìn cái vỏ chai rỗng không nắp đậy
 
3.
 
lầm lũi đi trong chiều buông
người đàn bà trên vai quang gánh
những ngọn nắng quái đang trổ mầm bóng tối
mùa đông oặn mình trong chiếc thúng
một lũ bướm đỏ thẫm màu máu thoát thai
có vài con đập cánh trên vạt tóc màu sương muối
một con bướm bà chúa cõng thần hồn tôi bò trên mặt đất
tự lúc nào ngôn ngữ đã trần truồng ói ra bầy rắn độc
má ơi, con vẫn còn thở mà!
 
chonthanhbp. 11/2017
 
một cách nhìn riêng kiệt sức
 
khoảng cách kỳ vọng rất gần
con mắt quá khứ nhìn trừng tứa máu
giọt đỏ lăn vòng trên khuôn mặt chữ nô dịch
bầy đàn văn chương trí trá rú cười hoan lạc
 
lưu vong mặt trời đờ đẫn
như một loài sâu mù tương lai mơ hoa
ngậm giọt thời gian chờ ngày hoá bướm
tế sống con vật hy sinh biện thuyết phục sinh
cô độc bầy quân bại chiến nhìn xuyên thủng lịch sử bi hài
 
bứt gai nhọn khỏi háng bằng mõm
soi gương trá hình thánh nữ vỗ về âm phận
táo bạo mang mặt nạ thú miễn nhiễm siêu vi thế kỷ
ngợm người tôi ngu ngơ dục tính ái tình công thức u mê
nhám nhúa chiếc lưỡi ngầy ngật bản năng treo cổ
 
kỷ nguyên quá khứ và hiện tại
dân ngu chổng khu đen khóc cười thoải mái
súc sinh khắp cùng vô cảm nhàn nhã ăn bẩn
bão bùng đến đi chơi trò đánh đố
tự do tôi ngồi thiền há miệng nuốt gió để tồn sinh
 
bugiamap 13h25. 11/2017
 
cường điệu với ý tưởng
 
tôi đã thật thà với tôi chưa
hay đang mưu toan siết cổ một hàm ý ái tình
tại sao phải chẻ sợi tóc làm tư để tìm màu hanh phúc
ngửa mặt nhìn bầu trời
như một quả chuông u minh đang ngậm nắng
trong tôi sự chiếm hữu riêng mình
để làm hành trang đi theo gió về phía mặt trời
 
những ngày đi xa
rồi cũng phải quay về
cởi bỏ chiếc mặt nạ mộng du phỉnh phờ con chữ
cái bóng ám thị vui mừng
nó vịn vào hồn thơ điên tôi hay ngược lại
chợt muốn hôn vào cánh cửa khép trước khi bàn tay khẽ chạm
chỉ sợ mùi hương ngày cũ vụt bay lặng lẽ vào mưa
 
biengioiln.15h26’ 11/2017
 
 
----------------

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VƯƠNG QUỐC ĐIÊU TÀN

Bản dịch của Hoàng Long

Truyện ngắn “Vương quốc điêu tàn” rất thú vị của Murakami Haruki sau đây được chúng tôi dịch từ nguyên tác “駄目になった王国” trong tập truyện “Một ngày tốt lành để đi xem kangaroo” (カンガルー日和) do nhà xuất bản Kodansha ấn hành năm 2013. Sự tàn phai của một điều đẹp đẽ luôn khiến ta xót xa. Bao nhiêu người trong chúng ta mãi không ý thức mình đã bệ rạc như thế nào so với thời tuổi trẻ rồi cứ sống qua ngày như thể một cái xác chết biết đi? Câu nói “Vài người chết ở tuổi 25 nhưng đến 75 mới được chôn cất” (Some people die at 25 and aren't buried until 75) của Benjamin Franklin đáng để cho chúng ta suy ngẫm sau khi đọc xong câu truyện này.
________



Phía sau vương quốc điêu tàn có một dòng suối nhỏ trong lành. Đó là một dòng suối nhỏ đẹp đẽ đầy cá tôm. Chúng ăn rong rêu mà sống. Lũ cá nghĩ rằng vương quốc có điêu tàn chăng nữa thì cũng có liên quan gì đến mình đâu. Quả đúng là như thế. Đối với lũ cá thì cho dù là vương quốc hay nhà nước cộng hòa, cũng chẳng có gì liên quan. Chúng có đi bầu cử hay nộp thuế gì đâu.
Vì thế mà lũ cá đều nghĩ rằng “chẳng có chút liên quan gì đến bọn ta cả.”
Tôi rửa chân nơi dòng suối nhỏ. Nước rất lạnh, chân vừa ngâm chút xíu đã đỏ tấy lên ngay. Từ đây có thể nhìn thấy được bức tường thành và đỉnh tháp cao vút của vương quốc điêu tàn. Trên đỉnh tháp còn có lá cờ hai màu đang bay phần phật trong gió ngàn. Tất cả những người đi ngang qua đây đều nhìn thấy lá cờ đó và họ đều bảo nhau.
“Nhìn kìa, lá cờ của vương quốc điêu tàn đấy.”

*

Anh Q là bạn của tôi, hay đúng hơn là đã từng là bạn. Bởi vì mười năm rồi tôi và Q chưa từng một lần liên lạc với nhau như bạn bè gì cả. Vì thế dù đang nói chuyện bây giờ nhưng tôi nghĩ dùng thì quá khứ thì sẽ chính xác hơn. Dù gì đi nữa, chúng tôi cũng từng là bạn.
Mỗi lần muốn tả về anh Q cho ai đó tôi đều cảm thấy yếu đuối tuyệt vọng vô cùng. Tôi không phải là người giỏi ăn khéo nói, nhưng cho dù cân nhắc suy xét kỹ lưỡng thì tôi vẫn thấy nói về những người như anh Q là một việc vô cùng đặc biệt và khó khăn. Và cứ mỗi lần muốn cất lời thì tôi lại cứ cảm thấy tuyệt vọng vô cùng sâu sắc.
Thôi cứ nói một cách đơn giản vậy.
Anh Q cùng tuổi với tôi và đẹp trai hơn tôi năm trăm bảy mươi lần. Tính cách anh hòa nhã, không bao giờ bắt nạt người ta. Cũng không kiêu ngạo tự mãn. Ai đó buồn chuyện gì mà đến làm phiền, anh cũng không bao giờ tức giận. Anh chỉ nói “Đành chịu vậy nhỉ. Trong trường hợp của bạn mình cũng vậy thôi mà.” Nhưng tôi chưa từng nghe thấy chuyện anh làm phiền người khác bao giờ cả. Hơn nữa, anh cũng được nuôi dạy trong gia cảnh rất tốt. Cha anh kinh doanh một bệnh viện ở đâu đó vùng Shikoku. Mặc dù anh có kha khá tiền tiêu vặt nhưng chưa bao giờ anh phung phí xa xỉ. Lúc nào cũng ngăn nắp gọn gàng. Trang phục cũng được chọn lựa cẩn thận.
Hơn thế anh Q lại là dân thể thao. Thời cấp ba, anh đã có mặt trong đội tuyển tennis tham gia đại hội thể thao trường trung học toàn quốc. Sở thích của anh là bơi lội, một tuần phải đi bơi hai lần. Về chính trị, anh là người theo chủ nghĩa tự do ôn hòa. Thành tích học tập cũng tốt tuy không đặc biệt xuất sắc. Hầu như không học hành để thi cử gì, nhưng anh chưa từng rớt hạng, vì trong giờ học anh luôn lắng nghe bài giảng một cách cẩn thận chăm chú.
Anh cũng đánh piano khá hay. Anh có rất nhiều dĩa nhạc của Bill Evans và Mozart. Anh thích tiểu thuyết Pháp với các tác giả Balzac và Maupassant. Đôi khi anh cũng đọc Oe Kenzaburo nữa. Và còn đưa ra những lời bình luận rất xác đáng.
Dĩ nhiên là anh rất đào hoa, không đào hoa mới lạ. Tuy nhiên không phải là được chăng hay chớ mà có chọn lọc kỹ càng. Cô người yêu thuộc hàng thượng đẳng đang học năm hai ở một trường nào đó, mỗi tuần hai người đều dành ra ngày chủ nhật để hẹn hò nhau.
Nói chung là thế đấy.
Đó là anh Q mà tôi biết thời đại học. Mặc dù tôi có cảm giác mình quên nói gì đó nhưng dù sao cũng chẳng quan trọng lắm. Nếu nói tóm lại một câu thì anh Q là loại người hoàn hảo không tỳ vết.
Vào thời đó, anh Q sống trong căn hộ sát bên tôi. Trong lúc qua lại mượn nhau khi thì chút muối khi thì ít nước sốt mà dần dần chúng tôi trở nên thân thiết. Rồi từ đó thỉnh thoảng qua phòng nhau nghe nhạc hay uống bia. Tôi và anh Q cùng hai người bạn gái của chúng tôi đã từng lái xe đi Kamakura chơi nữa. Nói chung mối quan hệ bạn bè hai chúng tôi rất thân thiết nồng ấm. Vào mùa hè năm tư đại học, tôi rời căn hộ và từ đó bặt tin nhau.
Tôi đã gặp lại anh Q sau đó khoảng mười năm. Khi đó tôi đang ngồi đọc sách chỗ hồ bơi khách sạn gần Akasaka. Anh Q ngồi duỗi chân nơi chiếc ghế dựa cạnh tôi. Ngồi sát bên anh Q là một em gái chân dài mặc bộ bikini thời trang. Nàng là người tình của anh Q.
Tôi nhận ra anh Q ngay lập tức. Anh vẫn đẹp trai như xưa nhưng còn thêm vào đó nét uy nghiêm của người đàn ông trên ba mươi tuổi mà trước đây chưa có. Những cô gái trẻ đi ngang qua đều liếc mắt nhìn anh.
Anh Q không nhận ra tôi. Gương mặt tôi có vẻ tầm thường, đã thế lại còn đeo kính râm. Tôi do dự một chút nhưng cuối cùng quyết định không cất tiếng chào hỏi. Bởi vì tôi nhận thấy anh Q đang nói chuyện với cô gái, tôi sợ mình làm phiền đến hai người nên thôi. Nhưng quan trọng nhất là giữa tôi và anh Q chẳng có chủ đề gì chung để nói cả. Không cần phải mất thời gian để nhắc lại chuyện tôi đã cho cậu mượn hũ muối, cậu đã cho tôi mượn chai nước sốt làm gì. Vì thế tôi tiếp tục im lặng đọc sách.
Vì hồ bơi rất yên tĩnh nên dù không muốn nghe, câu chuyện của hai người cũng lọt vào tai tôi. Câu chuyện rất phức tạp. Tôi dừng đọc sách và lắng tai nghe.
“Ghét anh quá, đây không phải là chuyện đùa đâu mà,” em chân dài nói.
“Thiệt tình, đã nói là anh hiểu rõ điều em nói mà,” anh Q trả lời. “Nhưng anh muốn em hiểu rõ điều anh nói. Anh cũng chẳng thích thú gì chuyện này. Cũng chẳng phải do anh quyết định nữa. Đó là quyết định của cấp trên. Có nghĩa là quyết định đó được cấp trên truyền đạt xuống cho anh. Vì vậy đừng nhìn anh bằng ánh mắt đó nữa.”
“Vậy giờ anh tính sao đây?” cô gái nói.
Anh Q thở dài.
Bây giờ để tôi tóm tắt lại câu chuyện dài dòng của hai người bọn họ, dĩ nhiên là thêm vào kha khá sự tưởng tượng suy nghĩ của tôi nhưng đại khái là vậy. Anh Q hiện giờ đang làm giám đốc gì đó ở một đài truyền hình, còn cô gái kia là một diễn viên hay ca sĩ có chút tên tuổi. Rồi thì nàng ta có rắc rối hay vướng scandal gì đó hay có lẽ đơn giản là lượng người hâm mộ giảm sút nên bị loại khỏi chương trình. Anh Q là người chịu trách nhiệm trực tiếp phải đưa ra tuyên bố kia. Vì tôi không rành giới nghệ sĩ lắm nên cũng không rõ tình tiết cụ thể nhưng nói đại khái như vậy chắc cũng không sai.
Theo những điều tôi nghe được thì anh Q thực sự hoàn thành trách nhiệm công việc của mình một cách thành thực.
“Chúng ta không thể thiếu nhà tài trợ được đâu,” anh Q nói. “Em kiếm cơm trong giới này ít ra cũng phải hiểu điều đó chứ?”
“Vậy là anh nói anh không có trách nhiệm với tiếng nói trong công việc ư?”
“Không phải là không có nhưng rất hạn chế.”
Rồi hai người cứ tiếp tục nói câu chuyện không đi đến đâu cả. Nàng có vẻ muốn biết anh Q đã nỗ lực như thế nào để bảo vệ mình. Anh Q nói anh đã làm hết sức. Nhưng chẳng có chứng cứ gì. Nàng ta không tin. Tôi cũng cảm thấy chẳng tin mấy. Anh Q càng thành thực ra sức giải thích thì không khí của sự không thành thực lại càng phảng phất dâng lên như đám sương mù. Tuy nhiên đó không phải là trách nhiệm của anh Q. Cũng chẳng là trách nhiệm của ai cả. Vì lẽ đó mà câu chuyện của hai người không đi đến đâu.
Cho đến lúc đó, người con gái trông có vẻ rất quan tâm đến anh Q. Chắc hẳn cho đến trước sự việc này hai người rất tâm đầu ý hợp đây. Có lẽ chính vì vậy mà nàng ta lại càng giận dỗi. Cuối cùng nàng ta bỏ cuộc.
“Em hiểu rồi,” nàng nói. “Vậy là đủ rồi, anh đi mua Coca đi.”
Anh Q nghe vậy thì dứng dậy với vẻ nhẹ nhõm đi về phía quầy bán hàng. Người con gái đeo kính râm vào rồi nhìn đăm đăm về phía trước. Tôi đọc đi đọc lại dòng chữ trong quyển sách của mình.
Cuối cùng anh Q trở lại. Hai tay mang hai ly Coca lớn. Anh đưa một ly cho cô gái rồi ngồi xuống chiếc ghế dựa. “Em đừng nghĩ nghiêm trọng quá làm gì,” anh Q nói. “Chẳng bao lâu nữa, chắc chắn…”
Lúc đó người con gái ném thẳng cái ly giấy đựng Coca vào mặt anh Q. Chiếc ly trúng ngay giữa mặt. Hai phần ba nước Coca trong ly giấy lớn hắt trúng anh Q, một phần ba còn lại văng trúng vào tôi. Sau đó cô gái chẳng nói chẳng rằng, đứng dậy, khẽ kéo phần vải bikini phía mông xuống một chút rồi ngúng nguẩy bước đi. Không thèm ngoái đầu nhìn lại. Tôi và anh Q sững sờ mất mười lăm giây. Những người xung quanh nhìn chúng tôi với vẻ ngạc nhiên vô cùng.
Người đầu tiên lấy lại tinh thần là anh Q. Anh hướng về phía tôi xin lỗi rồi đưa cho tôi chiếc khăn tắm. Tôi từ chối lời đề nghị đi tắm của anh Q. Vẻ mặt của anh Q thoáng bối rối. Anh rụt tay cầm chiếc khăn tắm lại rồi lau người mình.
“Cho tôi đền quyển sách vậy,” anh nói. Quyển sách cũng ướt đẫm. Đó là quyển sách bìa mềm rẻ tiền và chẳng thú vị gì. “Chỉ cần ai đó tưới Coca lên và cảm phiền đọc hết cho cũng may rồi.” Tôi nói vậy và anh Q mỉm cười. Gương mặt cười hòa nhã thân thiện như ngày xưa.
Ngay sau đó anh Q bỏ về. Khi về còn xin lỗi tôi thêm lần nữa. Tuy thế, đến phút cuối cùng anh Q vẫn không nhớ ra tôi là ai.

*

Cái nhan đề “Vương quốc điêu tàn” là do tôi ngẫu nhiên đọc được trong tờ báo chiều hôm đó nói về một vương quốc điêu tàn ở Châu Phi. “Một vương triều rực rỡ đã suy tàn.” Bài báo viết như vậy. “Điều đó còn thê thảm hơn nhiều so với khi một nước cộng hòa nhỏ bé vô danh tàn lụi.”


_______________

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc đang gặm nhấm châu Âu ra sao?


Theo Nghiên cứu Quốc Tế
Biên dịch: Việt Xuân
Lời người dịch: Một nhóm tác giả Phần Lan vừa công bố chùm bài điều tra gồm 4 phần về quá trình “thôn tính” châu Âu của Trung Quốc trên trang mạng của YLE (cơ quan phát thanh truyền hình quốc gia Phần Lan). Cụ thể, loạt phóng sự chỉ ra những phương thức mà Trung Quốc đã và đang tiến hành ở châu Âu nhằm thâu tóm kinh tế châu lục này. Chuỗi bài gồm các phầnTrung Quốc thâu tóm châu Âu với từng mảnh nhỏ, Đồng tiền Trung Quốc đã đánh hơi sự thành công, Trung Quốc trên những mảnh đất hoang tàn của Hy Lạp,  Cảnh quan quốc gia hay phông nền của người Trung Quốc? Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu chuỗi phóng sự này tới độc giả Nghiên cứu Quốc tế.
Bài 1: Trung Quốc thâu tóm châu Âu với từng mảnh nhỏ[1]
Khách du lịch yêu thích rượu đi lại nhộn nhịp trên đường phố cổ kính của thị trấn nhỏ Saint-Émilion. Cô gái trẻ Trung Quốc gần như đánh rơi que kem xuống đất khi có người hỏi cô nghe tên diễn viên Triệu Vi không?
“Dĩ nhiên rồi, ở Trung Quốc ai mà chẳng biết đến cô ấy! Trang trại nho của cô ấy có thật ở gần đây không?” Một người phụ nữ họ Vương hỏi.
Triệu Vi là một ngôi sao điện ảnh, người mẫu và ca sĩ nhạc pop 42 tuổi – người được trả thù lao cao nhất ở Trung Quốc.
Ngoài điện ảnh và âm nhạc, Triệu Vi còn có niềm đam mê thứ ba là rượu Pháp. Năm 2011 cô thực hiện được niềm mơ ước của mình và mua một trang trại rộng 7 hecta ở vùng rượu nổi tiếng Saint-Émilion miền tây nam nước Pháp.
“Khi nhìn thấy trang trại này cô Triệu nhận ra ngay đây chính là trang trại trồng nho mà cô ao ước. Trước đó chúng tôi đã đi xem hàng trăm trang trại nho”, Sue Zhang – người đại diện ở Pháp của Triệu Vi cho biết.
Cô Zhang đón khách đến thăm lâu đài cổ hơn 400 năm tuổi. Trên cổng lâu đài có treo cờ Pháp, Trung Quốc và EU. Chủ nhân tòa lâu đài không có mặt vì đang bận việc ở châu Á, nhưng hàng ngày vẫn theo dõi tình hình diễn ra ở lâu đài. Sếp của tôi luôn bảo: “Rượu là một nghệ thuật. Cô ấy đã nếm đủ các loại rượu trên khắp thế giới, nhưng cô thích nhất là rượu ở Saint-Émilion. Đích mà cô hướng tới là sản xuất được một loại rượu tốt nhất không đếm xỉa đến kinh phí”, cô Zhang kể. Vì vậy, lâu đài Château Monlot nằm trong vùng đất được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới đã được sửa chữa lại từ hầm rượu cho đến mái. Một trong những chuyên gia giỏi nhất về loại nho Merlot đã được thuê tới làm việc ở đây.
Trang trại nho của Triệu Vy
Những mùa rượu đầu tiên vừa được đem ra thị trường và các tiệm ăn nổi tiếng của Pháp đã đặt hàng. Rượu này cũng nhận được nhiều lời ngợi khen cả từ người Pháp. Đây là điều đặc biệt đối với trang trại có chủ sở hữu là người Trung Quốc, bởi vì thông thường rượu của người Trung Quốc sản xuất tại Pháp được chuyển về Trung Quốc cho những bàn tiệc của những người trung lưu đang ngày một nhiều thêm ở nước này. Hiện nay 1/10 dân số Trung Quốc, tức là khoảng hơn 100 triệu người, uống rượu hàng ngày.
Cho đến nay người Trung Quốc đã mua tất cả 140 trang trại nho ở vùng Bordeaux này. Chúng ta chưa có thể nói con số này là lớn vì nó chỉ chiếm 3% diện tích đất trồng nho ở đây. Những nơi khác trên đất Pháp việc mua đất của người Trung Quốc không hiếm. Thế nhưng người Trung Quốc không chỉ muốn sở hữu những chùm nho ngon ngọt trên đất Pháp mà hiện tượng mới hơn và gây tranh cãi nhiều hơn là mục đích mua đất của người Trung Quốc trong những năm gần đây.
Tại Pháp, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua hàng ngàn hecta đất canh tác. Gần đây nhất là cuối năm ngoái, một thương gia Trung Quốc đã mua gần 900 hecta đất trồng trọt ở vùng Allien, miền trung nước Pháp. Ông ta trả 10 triệu euro cho thương vụ đó. Vị thương gia này là đại diện cho công ty đa ngành Reward Group. Thông tin này đã khiến người dân địa phương bức xúc. Không ai hiểu được vì sao người Trung Quốc lại muốn mua đất ở vùng quê yên bình của họ, ngay cả vị thị trưởng.
“Không biết họ định làm gì ở đây? Những người chủ mới này có định trồng trọt hay không và nếu có thì đến mức độ nào? Hay họ định thay đổi gen?”, thị trưởng Daniel Marchand đã bày tỏ sự bức xúc khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 2.
Công ty khổng lồ Trung Quốc này trước đây cũng đã mua nhiều đất ở miền trung nước Pháp. Cho tới nay, họ đã là chủ nhân của tất cả khoảng 3.000 hecta đất canh tác ở Pháp, tức khoảng 1/5 diện tích của Helsinki. Vấn đề không phải là việc sở hữu đất quá lớn. Nhưng Reward Group không phải là công ty duy nhất muốn sở hữu đất canh tác ở Pháp. Tờ báo kinh tế Challengescho biết một công ty lớn khác của Trung Quốc hình như cũng đang xúc tiến những thương vụ mua đất tương tự ở Pháp.
Theo tin từ báo này, một công ty đang được giấu tên có lẽ đã thuê một văn phòng luật tại Paris đứng ra thương thảo về việc mua những cánh đồng trồng yến mạch ở vùng Beauce, phía nam Paris.
Người dân ở những nơi khác cũng thấy khó hiểu: tại sao người Trung Quốc lại mua đất canh tác đắt đỏ cách xứ sở họ hàng ngàn cây số? Chẳng lẽ ngoài vang Bordeaux họ còn muốn đem cả bánh mỳ Pháp về Trung Quốc?
Tỉ phú Hu Keqin đang có những dự định rất lớn. Ông ta muốn dân tộc vốn chỉ quen với gạo và mì làm bạn với bánh mì Pháp vỏ giòn. Tỉ phú này chính là người lãnh đạo và giữ cổ phần của tập đoàn Reward Group đã mua hàng ngàn hecta đất nói đến ở trên. Trong vòng 5 năm tới ông ta sẽ khai trương đến 1.500 xưởng bánh mỳ trên khắp Trung Quốc, nơi người ta sẽ bán bánh mỳ được làm từ ngũ cốc Pháp.
“Chúng tôi muốn bánh mỳ Pháp chiếm lĩnh Trung Quốc. Sức mua sẽ khổng lồ. Tôi tin rằng thế hệ sinh ra từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới sẽ thích bánh mỳ của chúng tôi”. Ông Hu Keqin chia sẻ khi trả lời phỏng vấn hãng AFP.
Ở Trung Quốc, Pháp là thương hiệu được tin cậy. Reward Group đã quảng cáo ở Trung Quốc rằng họ bán các sản phẩm được làm ra từ ngũ cốc của Pháp. Họ hy vọng quảng cáo này có sức hấp dẫn người Trung Quốc vốn rất sợ hãi lương thực, thực phẩm giả nội địa. Tập đoàn này tin tưởng việc xuất khẩu ngũ cốc từ Pháp về Trung Quốc là rất triển vọng về kinh tế vì ngoài thương hiệu ra nó còn đảm bảo khâu an toàn. Reward Group đã hợp tác với một công ty ở Pháp nhằm tiếp thu quá trình sản xuất và công nghệ của Pháp về an toàn thực phẩm.
Đối với Hu Keqin, những thương vụ mua đất này là việc kinh doanh, nhưng với Trung Quốc nó là chiến lược. Thông qua các thương vụ này Trung Quốc muốn bảo đảm lương thực cho công dân của họ trong tương lai.
Hiện nay Trung Quốc có 1,4 tỉ dân, tức 20% dân số thế giới. Nhưng quốc gia này chỉ sở hữu 10% đất canh tác của thế giới. Tương lai tỉ lệ này sẽ giảm đi vì dân số tăng lên trong khi đất canh tác sẽ bị đô thị hóa.
Trung Quốc đang tính rằng nên mua đất canh tác ngay từ bây giờ, vì theo họ trong tương lai việc mua đất sẽ khó khăn hơn. Dân số trên trái đất tăng lên không ngừng cùng với hiện tượng sa mạc hóa do trái đất nóng dần lên và môi trường bị hủy hoại.
Pháp không phải là quốc gia duy nhất mà Trung Quốc mua đất. Họ còn mua ở nhiều nơi khác như Ukraine, Bulgaria. Ngoài châu Âu, người Trung Quốc còn mua hoặc thuê đất canh tác, nhất là ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Ở Australia, những thương vụ Trung Quốc mua đất đã gây nên nhiều lo ngại, vì vậy năm 2015 nước này đã thắt chặt quy định mua đất đối với người nước ngoài.
Ngoài đất canh tác, Trung Quốc còn quan tâm đến những vị trí mang tính chiến lược của châu Âu. Nhiều mạng lưới điện, sân bay, hải cảng đã được mua hay cố mua bằng tiền của Trung Quốc. Vụ mua bán nổi tiếng nhất có lẽ là việc mua hải cảng Pireus của Hy Lạp, quốc gia chìm trong khủng khoảng kinh tế. Ngoài ra Tập đoàn vận tải biển Cosco của nhà nước Trung Quốc còn sở hữu hải cảng Zeebrugge của Bỉ, có đa số cổ phần trong các cảng Valencia và Bilbao của Tây Ban Nha.
Tiền Trung Quốc được đầu tư vào các mạng lưới điện ở Bồ Đào Nha và Italia. Người Trung Quốc cũng có đa số cổ phần ở sân bay Hahn (Frankfurt).
Đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng châu Âu.
Ở Pháp, Trung Quốc đầu tư vào các chuỗi khách sạn và thời trang, các câu lạc bộ bóng đá và vào các hải cảng và sân bay. Công ty China Merchants Holdings đã sở hữu 49,9% sân bay Toulouse và 49% ở cảng hàng hóa Terminal Link (Marseille). Người Trung Quốc cũng mua đất ở gần sân bay Châteauroux, miền trung nước Pháp.
Phần của người Trung Quốc trong vốn đầu tư của nước ngoài vào Pháp hiện chỉ chiếm 2%, song giờ đây nó đang tăng từng ngày. Reward Group đã từng mua đất ở miền trung nước Pháp là một công ty tư nhân. Nhưng khi mua đất canh tác nó đã thực hiện chiến lược mang tính quốc gia của Trung Quốc.
Giới truyền thông Pháp đã cố gắng săn lùng thông tin về công ty này và mục đích của họ khi thực hiện việc mua đất. Kênh truyền hình France 2 đã phỏng vấn doanh nhân Christophe Dequidt, người đã từng gặp tỉ phú Hu Keqin ở Trung Quốc trước đây. Dequidt cho biết khi đó Hu có nói mình đang làm việc vì lợi ích quốc gia.
“Hu Keqin kể rằng ông được lệnh rời vị trí là một vị tướng trong quân đội sang lãnh đạo một công ty công nghiệp và nhiệm vụ của ông là chiếm lĩnh thế giới.” Dequit nói trong cuộc phỏng vấn.
Không chỉ người Trung Quốc, mà người các nước như khác Anh và Hà Lan cũng mua khá nhiều đất canh tác của Pháp. Nhưng theo suy nghĩ của người Pháp, người Trung Quốc đáng sợ hơn người nước khác. Các tổ chức công đoàn của những người trồng trọt coi việc làm của doanh nhân Hu Keqin là việc cướp đất dưới vỏ bọc mua đất. Trên nguyên tắc, chính phủ Pháp có khả năng ngăn chặn việc bán đất canh tác cho người nước ngoài. Công ty Safe – một công ty phi lợi nhuận do các nhà trồng trọt và nhà nước cùng sở hữu, phụ trách việc cân đối việc mua đất trồng trọt có quyền mua trước tất cả các khu đất canh tác. Người ta sử dụng quyền này vào việc mua từng phần đất mà không mua toàn thể.
Nhưng lỗ hổng này đã bị các nhà đầu tư Trung Quốc lợi dụng: ví dụ Tập đoàn Reward của ông Hu Keqin đã mua 900 hecta đất ở vùng Allier bằng cách mua các phần nhỏ ở những vị trí khác nhau và chỉ mua 98%.
Tổng thống Emmanuel Macron đã nhận thấy cần phải lên tiếng mạnh mẽ trong vấn đề mua bán đất này. Ông đã đưa ra chính sách nghiêm ngặt hơn đối với những người tiền nhiệm trong việc mua đất của người Trung Quốc.
“Chúng ta không thể cho quốc gia khác mua hàng trăm, hàng ngàn hecta đất, nhất là khi chúng ta không biết rõ mục đích sử dụng đất này của họ.” Ông Macron đã nói như vậy với những người làm nông trẻ của Pháp vào tháng 2/2018 vừa qua.
Emmanuel Macron hứa sẽ thắt chặt quy định liên quan đến việc mua bán đất. Theo Tổng thống điều đó là cần thiết, bởi vì sự đầu tư này có tính chiến lược, liên quan đến chủ quyền của nước Pháp. Bức tranh đe dọa thực phẩm trong nước đã gây ra những phản ứng mạnh ở nước Pháp. Ngoài ra, gần đây nước Pháp cũng đã thức tỉnh để bảo vệ những vị trí mang tính chiến lược của mình.
Tháng 2/2018 vừa qua, chính phủ Macron đã ngăn ngừa một công ty Trung Quốc mua đa số cổ phần của sân bay Toulouse, bởi vì sân bay này có tầm quan trọng chiến lược đối với nước Pháp, nhất là đối với ngành công nghiệp sản xuất máy bay Airbus.
Là một nước lớn trong EU, Pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ nền kinh tế của nước mình. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 1/2018, ông Macron lên tiếng về sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc đang chuẩn bị và thúc đẩy. Mục tiêu của dự án này là tạo ra những con đường thương mại mới và kết nối Trung Quốc với các nước láng giềng, Trung cận Đông, châu Phi và châu Âu. Nhưng phương Tây nghi ngờ rằng ý tưởng này là nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Chúng ta xây dựng đường sá để kết nối chứ không thể chỉ nhằm một hướng,” ông Marcon nói. Phát biểu này được hiểu nó ám chỉ rằng thương mại giữa EU và Trung Quốc quá chênh lệch. Theo ông Marcon, những kế hoạch này của Trung Quốc đòi hỏi các nước châu Âu có sự đồng thuận mạnh hơn.
“Trong quan hệ với Trung Quốc, châu Âu đã bị chia rẽ quá lớn. Trung Quốc sẽ không coi trọng những phần đất mà ai đó để hở”, ông Marcon nói.
Pháp và Đức có cách nhìn khác với các nước nhỏ khác của EU trong việc phản ứng như thế nào với đầu tư từ Trung Quốc. Không chỉ các nước Đông, Trung Âu mà các nước Bắc Âu, trong đó có Phần Lan cho rằng không nên cân nhắc việc đầu tư này trên phạm vi toàn EU.
Dư âm về người Trung Quốc ở Pháp, ngay cả vùng rượu nho Bordeaux, mấy năm trước đây đã rất xấu. Khi đó người ta nghĩ rằng người Trung Quốc gom các trang trại nho ở Pháp vì tiền và vị thế của chúng chứ không để ý đến truyền thống cũng như chất lượng của nho và rượu nơi đây. Những suy nghĩ này có cơ sở vì người Trung Quốc đã bỏ mặc nhiều trang trại mà họ mua khi thiếu hiểu biết hoặc không quan tâm lâu dài tới việc sản xuất.
Theo cách nhìn của người Pháp, điều này không chỉ gây bức xúc mà còn rất nguy hiểm. Những trang trại nho ở Bordeaux là một phần di sản văn hóa của Pháp và thật đáng xấu hổ khi những trang trại này lọt vào tay những trọc phú không tên tuổi.
Ngay từ khi đó người Pháp đã cân nhắc tới việc có nên thắt chặt quy định về việc mua bán đất hay không để hạn chế sự hiện diện của người nước ngoài trên các mảnh đất canh tác của họ.
Tuy nhiên, bây giờ cách nhìn này đã thay đổi. Địa vị của những người mua đất Trung Quốc đã được cải thiện. Đó là ý kiến của nhà văn Laurence Lemaire, một chuyên gia về rượu và là người rất am hiểu về Trung Quốc.
Theo Lemaire, ngày nay những người mua trang trại nho ở Pháp là những người giàu có, yêu thích rượu kiểu như diễn viên Triệu Vi, còn nếu không là những trọc phú mua rồi để lại cho người Pháp quản lý. “Tiếng tăm của những người sản xuất rượu Trung Quốc đã được cải thiện. Những người chủ mới đã coi trọng việc sản xuất và tiền của họ là sự giải cứu với nhiều trang trại”, Leimaire nói.
Những năm gần đây, các trang trại nho ở Pháp không phải là những đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận nhất.
Rượu Bordeaux được sản xuất theo phương pháp truyền thống và nho của vùng này rất nhạy cảm đối với thay đổi của thời tiết. Những đêm sương giá của mùa xuân năm trước cũng như những trận mưa đá của mùa xuân năm nay đã hủy hoại hết những cánh đồng nho. Sản lượng nho thu được ở Bordeaux thấp kỉ lục.
Vậy nên các trang trại nho được rao bán rất nhiều và không phải trang trại nào cũng có người mua từ Pháp hay châu Âu. Đối với những người Pháp đang vật lộn với khó khăn trong chính sách thuế thừa kế và chi phí cao khác thì đồng tiền của Trung Quốc được chào đón.
Cách đây vài tháng rất nhiều doanh nhân và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã được mời đến dự khai trương trang trại rượu vừa được khôi phục lại của Triệu Vi ở Château Monlot, trong đó có cả ca sĩ Sting cũng đến biểu diễn. Dân địa phương cũng được tham dự. Những người chủ sở hữu mới của các trang trại kể rằng có mấy người Pháp đến nắm tay họ và cảm ơn họ đã giải cứu trang trại.
Cho tới lúc này Triệu Vi được biết đến nhiều nhất trên thế giới là vai diễn trong bộ phim đắt nhất của châu Á do Ngô Vũ Sâm đạo diễn, có tên Đại chiến Xích Bích.
Nhưng hiện giờ Triệu Vi lại nổi tiếng ở Pháp trong giới say mê rượu vang.
—————-
[1] Nguyên bản tiếng Phần Lan: “Kiina ostaa Eurooppaa pala kerrallaan” của Annastiina Heikkilä, Stina Tuominen, Eemeli Martti và Maria Tolsa.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

RA MẮT TEM KỶ NIỆM 100 NĂM SINH NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG (1918-1982):



 
Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 05/11/1918 tại Vụ Bản, Nam Định. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, phải theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm thợ nghèo.

Năm 1937, khi 20 tuổi, Nguyên Hồng viết và xuất bản tác phẩm đầu tiên “Bỉ Vỏ”, tiểu thuyết ra đời đã gây tiếng vang trên văn đàn và đã được giải thưởng của “Tự lực Văn đoàn”.

Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… Ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957. Với cương vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng từ năm 1964-1982, ông đã có rất nhiều đóng góp trong các hoạt động phát triển nền móng văn học nghệ thuật đất Cảng.

Với hơn 40 năm bền bỉ lao động nghệ thuật, lao động sáng tạo, say sưa và đầy ý thức trách nhiệm, ông đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với gần 40 tác phẩm văn học, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Sóng gầm; Những ngày thơ ấu; Núi rừng Yên Thế… Tác phẩm của Nguyên Hồng chiếm một vị trí quan trọng, có bản sắc riêng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông là nhà văn của những người cùng khổ, nhà văn của tầng lớp dưới, nhà văn của những người đói nghèo. Tư tưởng chủ nghĩa nhân đạo bao trùm trong hầu hết tác phẩm của Ông.

Ông là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh văn học nghệ thuật đợt một vào năm 1996.

Nguyên Hồng mất vào ngày 02/5/1982 tại tỉnh Bắc Giang.

Các tác phẩm tiêu biểu:

- Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938)
- Bảy Hựu (truyện ngắn, 1941);
- Những ngày thơ ấu (hồi ký, đăng báo lần đầu năm 1938, xuất bản năm 1940);
- Qua những màn tối (truyện, 1942);
- Cuộc sống (tiểu thuyết, 1942),
- Quán nải (tiểu thuyết, 1943);
- Đàn chim non (tiểu thuyết, 1943);
- Hơi thở tàn (tiểu thuyết, 1943);
- Hai dòng sữa (truyện ngắn, 1943);
- Vực thẳm (truyện vừa, 1944);
- Miếng bánh (truyện ngắn, 1945);
- Ngọn lửa (truyện vừa, 1945);
- Địa ngục và lò lửa (truyện ngắn, 1946- 1961);
- Đất nước yêu dấu (ký, 1949);
- Đêm giải phóng (truyện vừa, 1951);
- Giữ thóc (truyện vừa, 1955);
- Giọt máu (truyện ngắn, 1956);
- Trời xanh (thơ, 1960)
- Sóng gầm (tiểu thuyết, 196l);
- Cửa biển (bộ tiểu thuyết 4 tập: 1961, 1967, 1973, 1976)
- Sức sống của ngòi bút (tạp văn, 1963);
- Cơn bão đã đến (tiểu thuyết, 1963);
- Bước đường viết văn của tôi (hồi ký, 197l);
- Cháu gái người mãi võ họ Hoa (truyện thiếu nhi, 1972),
- Thời kỳ đen tối (tiểu thuyết, 1973);
- Một tuổi thơ văn (hồi ký, 1973);
- Sông núi quê hương (thơ, 1973);
- Khi đứa con ra đời (tiểu thuyết, 1976);
- Những nhân vật ấy đã sống với tôi (hồi ký, 1978);
- Thù nhà nợ nước (tập I, trong bộ tiểu thuyết
- Núi rừng Yên Thế, 1981);
- Núi rừng Yên Thế (tiểu thuyết, tập II, 1993);
- Tuyển tập Nguyên Hồng (3 tập Tập I: 1983, Tập II: 1984, Tập III: 1985).


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dưới giàn hoa


Truyện ngắn của Ái Nữ
        Trước cửa nhà ông trưởng phòng đào tạo có một giàn hoa giấy. Dưới giàn hoa giấy có một con chó. Con chó được xích vào một cái cột.
       Mọi người đều sợ con chó vì nó thuộc giống chó "béc" có bộ dạng hung dữ. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Con chó rất buồn vì không ai hiểu nó, kể cả ông chủ của nó nữa.
       Nhà ông trưởng phòng đào tạo ít khi có khách vì ông suốt ngày bận rộn với công việc của nhà trường. Cán bộ và sinh viên khi có việc đều đến tìm ông ở phòng đào tạo. Ông tiếp họ ở đấy. Khi về nhà là lúc ông cần được nghỉ ngơi nên ai cũng ý tứ không muốn làm phiền ông.
       Tuy vậy, thỉnh thoảng ông trưởng phòng đào tạo vẫn bị quấy rầy bởi những việc quan trọng gấp rút. Cuộc đời là thế, dẫu không muốn người ta vẫn cứ phải làm phiền nhau. Con chó thấy có người đến nhà thì vui lắm, khách lại là các anh chị sinh viên tươi trẻ thì nó càng thích. Nó muốn quấn lấy chân khách nhưng ông chủ kéo xích ghìm nó lại, động tác này làm cho khách sợ nó hơn. Vậy là nó đành bất lực.
        Cả ông chủ cũng không mấy khi quan tâm đến con chó của mình. Ông chỉ biết cho nó ăn, dắt nó đi vệ sinh, vỗ vỗ nó vài cái. Ông đâu hiểu tâm tư của nó.
       Cho nên nó cam phận quẩn quanh bên cái cột dưới giàn hoa giấy. Gắn bó với xích sắt, nó am hiểu các loại xích chó và nó biết càng ngày người ta làm xích càng dở hơn. Ngay như cái xích đang đeo cổ nó đây, dẫu trí khôn của nó không được như người cũng đủ giúp nó thoát ra dễ dàng. Nhiều lần nó toan tháo xích đi chơi nhưng lại thôi. Nó không muốn ông chủ phải lo lắng. Vả lại nó không biết người ta sẽ đối xử với nó ra sao khi thấy nó chạy ra đường.
       Những vòng sắt nối nhau cẩu thả không giữ được con chó, nhưng một sợi xích vô hình đã buộc nó ở trước cửa nhà ông trưởng phòng đào tạo.
       Một ngày nọ, con chó thấy một cô sinh viên đến nhà mình, trên tay cô cầm một tờ giấy - có lẽ là một lá đơn. Ông trưởng phòng đào tạo không có nhà. Con chó mừng rỡ nhảy xổ ra đón cô gái, suýt đứt tung cả xích. Cô sinh viên mặt tái xanh tái xám vì tưởng nó có ác ý. Cô giật lùi hai bước rồi...chạy. Con chó nhận ra sai lầm của mình, buồn nản quay về chân cột.
       Con người hay nói đến sự tự do mà họ gọi là "tự do trong khuôn khổ". Nó có tự do không? Nó không được tự do đi lại, không được tự do biểu lộ tình cảm. Nó chỉ được tự do suy nghĩ mà thôi. Nó sinh ra trên đời này để làm gì? Tại sao nó bị xích ở đây? Vì sao không ai thương nó?
       Chán chường, con chó nằm xoài ra ngẫm nghĩ. Nó mải nghĩ đến nỗi một cánh hoa giấy rơi lên mũi nó, nó cũng không buồn động đậy.
                                                                           Tháng 7 - 1999

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mỹ - Hàn nối lại tập trận sau khi Triều Tiên dọa tiếp tục phát triển hạt nhân


Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị tiến hành một cuộc tập trận quy mô nhỏ vào ngày 5-11, chỉ ít ngày sau khi Triều Tiên đe dọa tiếp tục chương trình hạt nhân nếu áp lực quốc tế không được giảm nhẹ.
 >> Triều Tiên dọa tiếp tục phát triển hạt nhân nếu Mỹ không bỏ trừng phạt
 >> Mỹ - Hàn tiếp tục dừng tập trận quân sự vì Triều Tiên


Mỹ - Hàn Quốc thực hiện một cuộc tập trận quy mô nhỏ từ ngày 5-11
Mỹ - Hàn Quốc thực hiện một cuộc tập trận quy mô nhỏ từ ngày 5-11
Chương trình trao đổi lính thủy đánh bộ Hàn Quốc là một trong trong những cuộc tập trận được trì hoãn vô thời hạn vào tháng 6 khi Tổng thống Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore.
Người đại diện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận cuộc tập trận này sẽ bắt đầu được thực hiện tại thành phố miền nam Pohang từ 5-11. Hơn 500 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ tham gia hoạt động diễn tập này.
Cách đây ít ngày, Hàn Quốc cho biết, nước này và Mỹ sẽ quyết định về các cuộc tập trận của năm 2019 trong tháng 12 tới. Vigilant Ice là một trong những cuộc tập trận quy mô lớn được trì hoãn trong tháng 11 nhằm tạo điều kiện cho đối thoại với Bình Nhưỡng.
Trước đó, vào hôm 2-11, Triều Tiên đã cảnh báo sẽ tái phát triển chương trình hạt nhân nếu Mỹ không giảm nhẹ các lệnh trừng phạt từ bỏ chiến dịch “áp lực tối đa”.
“Sự cải thiện quan hệ và lệnh trừng phạt là không thể đi cùng nhau. Mỹ nghĩ rằng sự trừng phạt và áp lực sẽ dẫn tới phi hạt nhân. Chúng tôi không thể ngừng phát cười với ý tưởng đó”, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố từ bộ ngoại giao nước này.
Triều Tiên đã không thử nghiệm bất kì loại tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân nào trong gần một năm qua, đồng thời đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân chính.
Giới chức Mỹ vẫn nghi ngờ cam kết của lãnh đạo Triều Tiên trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và khẳng định sẽ không hỗ trợ giảm nhẹ trừng phạt cho đến khi quá trình phi hạt nhân hóa được xác nhận.
Trong khi đó Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại đẩy mạnh những nỗ lực nhằm hòa nhập với Triều Tiên trong những tháng vừa qua, điều khiến Mỹ phải quan ngại sẽ làm suy yếu áp lực với Triều Tiên về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Theo Đặng Vũ

Phần nhận xét hiển thị trên trang