Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Bắt được Vũ “nhôm” có thể làm sáng tỏ dấu hiệu vi phạm hình sự khác



Thế Kha - Tuấn Hợp
Dân Trí - TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, trước mắt bị can Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") sẽ bị xem xét về việc có tới 3 hộ chiếu như phía Singapore đề cập. Việc tại sao trong thời gian ngắn Vũ Nhôm có thể thâu tóm rất nhiều nhà, đất công sản ở vị trí đắc địa ở Đà Nẵng cũng sẽ được làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 5/1, TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao, cho biết, Bộ Nội vụ Singapore xác nhận đã trục xuất bị can Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam vì vi phạm đạo luật nhập cư Singapore.

Bị can Vũ đã nhập cảnh vào Singapore với hộ chiếu Việt Nam nhưng không đúng tên thật của mình, mặc dù khi đó bị can Vũ cũng mang theo trong người một hộ chiếu Việt Nam với tên thật của mình. Ngoài ra, bị can Vũ còn mang theo một hộ chiếu thứ ba.

“Singapore phát hiện bị can Phan Văn Anh Vũ mang hộ chiếu giả nên theo nguyên tắc đã trục xuất, trả về nơi xuất cảnh là Việt Nam. Bị can Vũ đang bị truy nã nên Bộ Công an tiếp nhận trường hợp này là đúng pháp luật. Như vậy có thể thấy bị can Vũ đã sử dụng 2 hộ chiếu và sẽ bị xem xét về việc này theo quy định của luật. Tới đây Bộ Công an sẽ điều tra làm rõ bị can Vũ đã sử dụng hộ chiếu như thế nào, ai là người giúp sức nếu có việc làm giả hộ chiếu ?”- ông Biểu nhận định.

TS Dương Thanh Biểu cho rằng, việc bắt được bị can Phan Văn Anh Vũ sẽ giúp Cơ quan điều tra Bộ Công an giải đáp toàn bộ những bí ẩn, thắc mắc bấy lâu của dư luận xung quanh nhân vật này và tại sao chỉ trong thời gian ngắn lại có thể thâu tóm rất nhiều nhà, đất công sản ở vị trí đắc địa như vậy tại Đà Nẵng?.

Bên cạnh đó, TS Dương Thanh Biểu phản ánh, hiện nay dư luận xã hội cũng đang bàn tán xôn xao về nhân thân của Phan Văn Anh Vũ.

“Nhiều người gọi điện cho tôi hỏi về chuyện này, nhưng thực hư ra sao thì đến nay chưa ai giải đáp. Chính vì thế, tôi cho rằng việc bắt được bị can Vũ sẽ là điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề nêu trên và sẽ có giải thích rõ với công luận”- ông Biểu nói.

Chung quan điểm, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, trước mắt cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của ông Vũ Nhôm theo tội danh “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” đã khởi tố trước đó.

Trong quá trình điều tra phát hiện thêm hành vi vi phạm pháp luật khác thì cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý theo quy định. Ngay từ thời điểm này, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, ông Phan Văn Anh Vũ có thể mời luật sư để bào chữa và hỗ trợ cho mình trong quá trình bị điều tra.

Đồng thời với đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tại sao bị can Phan Văn Anh Vũ lại có tới 3 hộ chiếu như phía Singapore đề cập. Nếu đó là giấy tờ giả thì ai giúp làm giả giấy tờ này để xuất cảnh đi Singapore trái phép? Luật sư Phất cho rằng, trong trường hợp như vậy, bị can Vũ Nhôm có thể bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) về sử dụng con dấu hoặc tài liệu, giấy tờ giả của cơ quan tổ chức.

“Có thể thấy rằng những hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự của ông Phan Văn Anh Vũ mà công chúng biết tới không phải là làm lộ bí mật nhà nước. Dư luận kỳ vọng việc khởi tố tội danh này chỉ là bước đầu để điều tra những dấu hiệu tội phạm tiếp theo”- luật sư Phất nói.

Cùng trao đổi với PV về vụ việc này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, việc cơ quan điều tra bắt giữ được Phan Văn Anh Vũ sẽ giúp nhiều bí mật được hé lộ. Quá trình điều tra nếu phát hiện ông Vũ phạm tội khác thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bổ sung.

Theo luật sư Trương Anh Tú, ông Vũ bị khởi tố về tội “cố ý làm lộ bí tài liệu mật nhà nước” và đã bỏ trốn làm quá trình điều tra bị gián đoạn.

Như các vụ án hình sự khác, khi bị bắt về Việt Nam, Vũ "nhôm" sẽ bị tạm giam ngay để phục vụ quá trình điều tra. Vụ án sẽ trải qua các tiến trình tố tụng điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ông Vũ đã bỏ trốn ra nước ngoài nên trường hợp ông này được tại ngoại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là điều không thể.

Đặc biệt, việc bắt và điều tra Vũ "nhôm" sẽ trả lời được những câu hỏi mà dư luận đã đặt ra trong thời gian qua: Vũ "nhôm" đã làm lộ những bí mật gì? Ai là người đã báo tin trước khi Vũ bị điều tra, khởi tố để bị can bỏ trốn?...

Quá trình điều tra vụ án, nếu phát hiện tội phạm khác, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an sẽ khởi tố bổ sung.

Làm rõ thắc mắc của Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng mới đây

Luật sư Phạm Văn Phất nhấn mạnh, việc bắt được Vũ "nhôm" sẽ giải đáp những thắc mắc trước đó của Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mới đây.

Cụ thể, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cả nước ngày 25/12/2017, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói: “Dư luận Đà Nẵng cho rằng các vụ việc nổi cộm của ông Vũ tại Đà Nẵng chủ yếu liên quan đến đất đai, bất động sản, nhưng quyết định khởi tố chỉ nói liên quan đến việc “làm lộ bí mật Nhà nước”. Trong một thời gian dài, đối tượng đã có đủ thời gian để xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản, đất đai, chứng cứ”. Hiện nay khối lượng nhà đất liên quan đến ông Vũ tại Đã Nẵng rất đáng kể nhưng khi các cơ quan chức năng đang điều tra thì ông Vũ đã rút vốn ra khỏi 5 công ty và nhiều công ty khác cũng như chuyển nhượng nhiều tài sản cá nhân.

Chiều 3/1/2018 vừa qua, tại buổi nói chuyện với các cán bộ lão thành cách mạng đang sinh hoạt trong CLB Thái Phiên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói: “Từ câu chuyện đất cát, rất nhiều câu hỏi đặt ra trong dư luận, báo chí là tại sao Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") lại mua được nhiều đất công như thế mà không phải người khác?. Điều đó cần xem lại quy trình, nguyên tắc quản lý của chúng ta như thế nào".

Thông báo của Bộ Công an chiều qua (4/1) cho thấy, ông Phan Văn Anh Vũ (SN 1975; trú tại số 82, Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã vi phạm pháp luật Việt Nam và bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 21/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ. Khi bỏ trốn ông Vũ đã vi phạm Luật di trú của Singapore và bị trục xuất. Ngày 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUYỄN TRỌNG TẠO: NGƯỜI BƯỚC RA TỪ CA DAO LỤC BÁT


(Chân dung nhà văn- Đỗ Trường)
Mãi đến cuối tháng bảy, dường như nước Đức mới thực sự vào hè. Nắng không gắt như ở quê nhà, nhưng đã đủ sức kéo cái nóng ngoài trời lên đến gần 30 độ. Cơn gió chiều cuốn theo hơi nước, từ những dòng sông chạy quanh thành phố, như phả trên mặt đường. Những cánh rừng xanh ngát, vươn lên như hai cánh tay ôm chặt lấy thành phố. Ngày cuối tuần, Leipzig như chìm vào trong giấc ngủ. Thi thoảng đâu đó có tiếng động cơ xe hơi, xe máy lạc lõng, rộ lên. Nếu không phải đi Mannheim, dự đám cưới con gái ông bạn từ thuở hàn vi, của những ngày đầu sang Đức, giờ này, có lẽ chúng tôi thong thả đạp xe, cùng dòng người đổ về bãi tắm ngoài trời, hay những khu nhà vườn của thành phố.
Từ Leipzig đến Mannheim khoảng chừng 500 km, nên chúng tôi đi chung một xe do Tiến Bọ cùng đội lò mổ cũ, cầm lái. Thằng này trước đây là bộ đội đặc công, đã có mấy năm đánh đấm ở biên giới phía Bắc. Nghe nó kể, nhiều lần quần nhau tay bo với giặc Tầu, nhưng chưa hề bị thương. Nó cũng được liệt vào dân anh chị về cái khoản rượu bia. Phân xưởng pha thịt, có mấy chục thằng Tây, Ta nhưng chỉ có nó và một thằng người Đức đủ sức, mỗi ca kéo hàng ngàn con lợn nặng cả tạ trên dây chuyền xuống cho vào máy cưa. Phải nói thật làm công việc giết mổ, trong nhà lạnh, nếu không có chút men rượu không thể làm nổi (dù có luật cấm). Trong một lần tơ lơ mơ như vậy, nó bị cưa thiến đứt phăng hai ngón tay. Từ đó, nó thề không bao giờ uống rượu nữa.
Đường xa, lại được ngồi ghế sau, nên chúng tôi thủ sẵn bia rượu và đồ nhậu. Lên xe, Tiến Bọ bật nhạc ầm ĩ. Mà hình như CD của nó chỉ có rặt một loại nhạc của Nguyễn Trọng Tạo(NTT). Lúc đầu, rượu mới dạo hiệp một, lại được úp mặt vào sông quê, nghe ngọt ngào quá, mấy thằng tôi sướng tởn lên. ..Rồi xe chạy được nửa đường, rượu đã ngấm, vẫn thấy Khúc Hát Sông Quê với Làng Quan Họ réo rắt, tua đi đảo lại đều đều. Thì ra, mấy bài hát này, nó thu nhiều lần trong một CD. Ông bạn ngồi cạnh, cằn nhằn, nhạc ông Tạo hay thì hay thật, nhưng nghe nhiều nhàm, đề nghị thay đĩa khác. Nó cười cười, ấn CD bên cạnh. Giời đất ạ! Lại bác Tạo. Không hiểu nó lấy đâu ra cái CD, bác Tạo hát bo (không nhạc đệm) những bài của mình. Khi bác Tạo vừa dứt, lại thấy giọng ông ổng, tồ tồ nhão nhoẹt của nó cất lên. Nghe nhạc đệm và tiếng hát của nó lạc làm hai phía, như đang chửi nhau vậy. Chịu hết nổi, chúng tôi đồng thanh: Tắt máy. Nó quắc mắt, các bố uống say thì ngủ đi, tôi không nghe nhạc bác Tạo, ngủ gật, chết cả lũ đấy.
Lúc về, tưởng thoát, nhưng không, lên xe, nó lại chương trình thơ bác Tạo. Qủa thật, tôi chưa thấy ai yêu điên cuồng Nguyễn Trọng Tạo như thằng này. Đàn bà mà cuồng kiểu này, có lẽ bác Tạo gặp rắc rối to rồi. Nó sưu tầm tất cả những bài thơ của bác Tạo, đã được đọc và ghi âm ở thư viện Audio, hay ở đâu đó vào đĩa CD, để trên xe. Cứ lên xe là nó bật nghe cho đến lúc dừng xe tắt máy, dù đường đi có bao xa và cũng không cần biết cảm giác của người ngồi bên. Nếu như trong phê bình văn chương, bác Tạo cho bác Hảo (Trần Mạnh Hảo) là người cực đoan, thì cái thằng này cực đoan vào dạng bác Hảo phải gọi là sư phụ. Ai mà đi xe của nó, chỉ cần một câu chê thơ, nhạc của Nguyễn Trọng Tạo, bảo đảm bị đuổi xuống xe ngay. Tôi thân nó đã mấy chục năm, nhưng cũng không ngoại lệ, ức quá bảo, lần sau không ké xe của nó nữa. Nhưng đi hội hè, đình đám, gặp bạn bè, có bia rượu, mấy thằng sâu rượu chúng tôi không sao cưỡng lại được, lúc về đều khật khừ cả, nên lại tranh nhau trèo lên xe của nó.
Không chỉ chúng tôi, mà còn rất nhiều người thích, yêu thơ, nhạc NTT, nhưng cả ngàn cây số, mất tám, chín giờ chạy xe, dện ròng rã, duy nhất nhạc, thơ NTT, có lẽ chỉ có nó là một.
Dài dòng một chút, kể lại câu chuyện trên, cũng để khảng định một điều nữa, dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, người thưởng ngoạn, không bao giờ ngoảnh mặt, quay lưng lại với thi ca. Nếu như lời thơ và câu hát đó gõ được vào ký ức và tâm hồn, hay lột tả những gì đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật của họ, một cách chân thật nhất. Trong tình trạng thơ ca và xã hội hiện nay, Nguyễn Trọng Tạo, là một trong số rất ít các nhà thơ đã làm được điều này.
Nguyễn Trọng Tạo là một người đa tài, trong lãnh vực nào ông cũng để lại một số tác phẩm ghim vào lòng người. Vì vậy, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có lý, khi anh cho rằng, sau Văn Cao, Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Trọng Tạo. Điều này, có lẽ Nguyễn Thụy Kha chỉ muốn nhắc đến sự tài hoa trong nhiều lãnh vực, chứ không có ý so sánh tài năng của họ. Vì tài năng khí chất trong thi ca, cũng như tính cách Nguyễn Trọng Tạo rất khác so với Nguyễn Đình Thi.
Có thể nói, nếu như Nguyễn Trọng Tạo không được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Miền Trung sắt se đầy nắng gió, có những lời ru câu hát làm mát rượi trưa hè, thì có lẽ tài năng của ông sẽ đi theo con đường khác. Những điệu Ví, lời ru ấy như dòng sữa mẹ, đã nuôi lớn tâm hồn thi ca Nguyễn Trọng Tạo. Do vậy, sau tài năng của nhà thơ hương đồng gió nội Nguyễn Bính, người mà tôi nghĩ đến phải là Nguyễn Trọng Tạo. Cái chất ca dao, lục bát từ tiền nhân đã được NTT nhân lên, và làm mới đi rất nhiều, nhưng sự mượt mà, gần gũi của trời đất, con người, đồng quê vẫn còn đó. Đồng Dao Cho Người Lớn, là một trong những bài tiêu biểu:
“…Có cha có mẹ có trẻ mồ côi
Có ông trăng rằm nào phải mâm xôi
Có cả đất trời mà không nhà ở
Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
Mà thuyền vẫn sóng mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
Có thương có nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi“.
Không được đọc NTT một cách có hệ thống, nhưng tôi cảm giác, dường ông làm thơ, viết nhạc từ những cảm hứng bất chợt, hay một ký ức xa xăm nào đó đột nhiên trở về. Thơ của NTT đa dạng, từ ngữ mộc mạc, nhiều khi không theo một trình tự nhất định, nên hay tạo ra được những hiệu quả làm bất ngờ cho người đọc. Có lẽ trong văn học sử Việt Nam, chỉ có NTT mới dám gửi gắm tâm sự, ví tình yêu của mình với những chồn cáo, nồi niêu, xoong chảo…rồi đưa thẳng nó đến với thi ca. Những câu tầm thường, cửa miệng ấy trong thơ ông, đọc lên ta thấy cay cay, ngồ ngộ:
“ Anh cây chổi tựa mòn góc bếp
Anh cái chảo mốc meo
Anh con mèo đói kêu khan
Anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối
Ngày không em
Anh làm gì với gió
Gió mềm mại dáng em
Anh làm gì với lửa
Lửa cháy môi em
Anh làm gì với cơn mưa giật liên hồi tiếng nấc…” (Ngày Không Em)
Văn hóa nói chung và thi ca nói riêng, đều có tính kế thừa, chuyển tiếp như những ngành khoa học tự nhiên khác. Yếu tố địa lý cũng quyết định một phần không nhỏ cho sự phát triển, sàng lọc tạo nên nét văn hóa đặc trưng vùng miền, hay của một quốc gia. Nếu không có sự chuyển tiếp, kế thừa này thì xã hội không khác gì một cơ thể có những tế bào bị biến dị tạo nên căn bệnh ung thư, và như người bị chối bỏ cuội nguồn, đánh mất đi phần linh hồn. Cuộc sống Nguyễn Trọng Tạo có nhiều khúc gấp, nên phải bươn trải sống ở nhiều vùng miền. Những văn hóa đặc trưng vùng miền ấy, đã thổi vào tâm hồn ông một cách tự nhiên, với những sắc thái khác nhau. Do vậy, khi nghe và đọc thi ca NTT, ta vẫn thoáng nhận ra, âm sắc của từng làn điệu, dân ca dù đã hòa trộn vào nhau. Sự hòa trộn ấy, tạo nên một cái gì đó mới lạ nhưng cũng rất gần gũi. Sự dung hòa giữa cũ và mới, đã làm mát dịu hồn thơ NTT. Linh hồn Việt, nhưng đã tạo dựng nên dáng hình rất Tây của bài thơ Mùa Thu Áo Ấm dưới đây là một thí dụ:
“Đồi núi. Thông xanh. Villa. Biệt thự
áo ấm. Dù hoa. Má đỏ. Tóc mềm
những con đường. Những con đường. Cao.Thấp
ngày bốn mùa. Đà lạt. Chập chùng. Em.
Em cười nói tự thuở nào thác đổ
Langbian. Nghiêng. Thung lũng tình yêu
Ôi! Sự sống nơi đỉnh trời chân cỏ
thoáng heo may. Nghe mình chợt sang chiều.
Tôi bạn bè cùng mùa rau xứ lạnh
cùng cải chua. Cà muối. Khô nai
cùng rượu chát
Cùng đớn đau thông rụng
Giọng buồn tôi run rẩy phát qua đài.
Những hồ, bãi tắm tự nhiên ở Đức, hình như nơi nào cũng giành một khu, cho những ai muốn tắm, phơi nắng trần truồng. Ngày mới sang, chúng tôi thấy mới nên khoái, rủ nhau ra hồ. Đến nơi chẳng thằng nào đủ dũng khí cởi quần áo, trần như nhộng giống những người xung quanh. Mặc nguyên quần áo thấy kỳ, nên chúng tôi giả vờ đến Imbiss mua bia, lai rai. Tắm chán, đói, các cô mười sáu, mười bảy, mảnh mai, thon thả đến các bà sồn sồn, tồng ngồng, lên mua đồ ăn. Chà chà…trắng, vàng, hồng, rực cả một góc trời, nhìn như một bầy thiên nga đang hạ thế. Ấy vậy, chỉ một vài lần chúng tôi chán, không còn hứng thú ra bãi tắm nữa. Sau này có mấy bác già vụ trưởng, thứ trưởng của Bộ Nông Nghiệp, sang công tác, công teo gì đó, nhờ chúng tôi đưa đi. Có bác hăng lên, mang theo cả ống nhòm, đứng núp từ bụi cây xa “mục sở thị”. Vài lần như vậy, rồi không thấy bác nào nhắc, nhờ đưa đi bãi tắm tiên nữa. Từ đó, tôi rút ra một điều, những cảnh trần trụi, kịch đường tầu như vậy đã làm giảm mất sự tò mò, khám phá lâu dài. Hơn nữa, nó không thích hợp với nếp suy nghĩ, tâm hồn, văn hóa sinh hoạt của người Việt và những nước Á Châu, chịu ảnh hưởng lâu đời của Phật giáo, nho học.
Tôi có thằng bạn thân, từ thuở khố rách áo ôm, ba, bốn đứa chung nhau một cái quần, thay nhau mặc mỗi lần đi tán gái. Học xong đại học, nó vào Sài Gòn làm việc. Đánh đấm, dẫm đạp lên nhau mấy chục năm, rồi nó cũng mò lên được chức Tổng giám đốc. Có lẽ chấm mút được, nhiều tiền đâm rửng mỡ, hôm rồi gọi điện cho tôi khoe, con nó gửi học trường quốc tế từ nhỏ, nên chỉ nói được tiếng Anh, tiếng Việt rất bập bẹ. Tôi bảo, con mày sẽ là người ngoại quốc ngay chính trên quê hương của nó. Không tiếng Việt, nó mất đi linh hồn. Mất văn hóa, sống trên quê hương mà như không còn Tổ Quốc. Những thứ đó tiền của mày không thể mua được. Nó không cãi lại, nhưng không vui. Từ đó, chúng tôi ít gọi điện cho nhau, nếu có, câu chuyện cũng vô cùng nhạt nhẽo.
Có thể khảng định, một trăm phần trăm những gia đình Tây Ta ở thành phố tôi cư ngụ, đổ vỡ, (có cặp đã sống với nhau ba, bốn chục năm) do không thể hòa đồng về văn hóa. Như vậy, văn hóa nói chung, thi ca nói riêng giữa Đông và Tây dù có hòa nhập hay cưỡng, ép hôn, nó chỉ nằm ở mức độ giao thoa, chứ tuyệt đối không bao giờ hòa tan. Cảm nhận từ những thực tế trên, tôi thấy việc cải tiến thơ ca của một số nhà thơ trong nước, dù có theo chiều hướng nào, nhưng mất đi bản sắc cội nguồn, nó chỉ là những tế bào biến dị. Những tế bào dị dạng này, trước sau sẽ tự đào thải, hoặc bị cắt bỏ mà thôi.
Tôi mang những bài thơ, chỉ có thể hiểu bằng tâm, phân thức…hoặc tâm phải rời khỏi xác, trở về cõi u u, mê mê nào đó mới hiểu được, (như một số nhà phê bình ca, viết) cho ông giáo già, du học từ năm 1964, là tiến sĩ ngôn ngữ, văn học Đức. Đọc xong, ông lắc đầu không hiểu. Theo ông đây là những bài viết với thứ ngôn ngữ tắc tị, chứ chẳng ăn nhập gì với thi ca của Phương Tây cả.
Phọt phẹt ngoại ngữ như tôi, hứng lên, đôi lúc đọc một, vài bài thơ tiếng Đức, tuy không hiểu hết cái hay, cái đẹp và những ý sâu xa, bóng bẩy, nhưng cũng hiểu được nghĩa thực của nó. Thế mà, tôi tắc tị, khi đọc thơ của những Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… Bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ, với mớ kiến thức đã tu luyện mười bốn, mười lăm năm trên ghế nhà trường ở quê nhà.
Ta hãy đọc lại bài Vô Đề của Nguyễn Trọng Tạo, lời thơ rất lạ, rất mới (tôi cho rằng không thể mới hơn) từ cách đảo từ đến nhịp của cả bài thơ. Nhưng nó vẫn giữ được sự trong sáng, mềm mại, dễ hiểu:
“…Anh đã để em ra đi vô cớ
Đến một ngày không thể hiểu vì đâu
Em hút bóng dừa xanh vào khép gió
Không bao giờ quay lại mối tình đầu.
Anh chót để ngôi sao bay khỏi cát
Biếc xanh em, mãi chớp sáng vòm trời
Điều có thể đã hóa thành không thể
Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi”
Bài Thiên Thần, thoáng đọc lên ta cả thấy rất vô lý, nhưng cái vẻ đẹp thiên thần của em đã hút hồn người thi sĩ được toát ra từ nghìn năm trước và nghìn năm sau sau ấy, đã đấy cả bài thơ đến những điều có thể. Từ ngữ mộc mạc, nhưng rất mới trong lối miêu tả ẩn dụ(lấy thời gian để miêu tả vẻ đẹp) của Nguyễn Trọng Tạo. Đọc xong, ta thấy thoang thoảng hương của những bài vịnh, hay trào phúng xưa trở về:
“Em mười chín tuổi, nghìn năm trước
Sao đến bây giờ mới hai mươi
Môi mềm ngực nõn vòng tay xiết
Anh là tượng đá cũng tan thôi.
Cứ tưởng một lần cho đỡ khát
Nào ngờ bùa ngải lú trời xanh
Nghìn năm gặp lại…Em hăm mốt
Môi ngực vòng tay vẫn thiên thần”
Song song với các cuộc thi hoa hậu, ứ hậu, chắc chắn ở trong nước cũng sắp bội thực các buổi hội thảo thơ ca, do các cơ quan văn học tổ chức. Đọc những bài tham luận lạc đề, sặc mùi tụng ca của những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Minh Tuấn…trong tọa đàm thơ Nguyễn Quang Thiều. Hay của những quan chức cao cấp trong hội thảo thơ của “nhà thơ bổ củi” Hoàng Quang Thuận, làm ta liên tưởng đến những nhân vật hài trong các vở tuồng, khen có thưởng vậy. Không cần bàn đến chất lượng của thơ, một đêm Hoàng Quang Thuận bổ ra được 121 bài, thì mấy ông thợ bổ củi, vai u thịt bắp, mồ hôi dầu, cũng phải vái chào. Cái đẹp là bùa mê, thuốc lú để nghìn năm sau hồn thi sĩ (Nguyễn Trọng Tạo) vẫn còn ngắc ngư, nghĩ đã thấy kinh. Thế mà, Hoàng Quang Thuận còn hãi hơn, dám đưa cả tâm linh, thánh thần, Phật Tổ ra để làm bùa mê thuốc lú dối mình, lừa người. Làm cho ông Tiến sĩ ngôn ngữ, văn học Đức, thở dài: Không ở đâu dễ lừa người, và bị người lừa như ở quê ta. Giời đất ạ! Văn thơ thời nay, nó rẻ như bèo, nhìn các văn sĩ, ông nào cũng ngây ngây, màng túi bị viêm kinh niên. Thế mà đường đường là ông GS-TS , Viện trưởng viện khoa học, giầu sang ngất ngưởng, lại nhảm nhí, làm công việc phản khoa học như vậy. Cứ tưởng, một mình ông GS-TS Hoàng Quang Thuận, mắc chứng bệnh tâm thần, không ngờ nhiều ông chức cao trọng vọng cũng mắc phải căn bệnh này.
Đầu những năm thập niên tám mươi, chúng ta vẫn còn đang ngất ngây, men nồng của người chiến thắng. Nhịn không được, một nhà thơ đã phải thốt lên: Chân dép lốp bước lên tầu vũ trụ. Dù lúc đó cái đói như ngọn roi quất vào con ngựa phi nước đại với giá- lương- tiền. Bài thơ, Tản Mạn Thời Tôi Sống, ra đời trong hoàn cảnh xã hội như vậy. Về nghệ thuật, cũng như bố cục, câu từ, nó không nằm trong số những bài thơ hay của Nguyễn Trọng Tạo, nhưng lại là bài thơ có sức sống lâu dài, và số phận đặc biệt, được nhiều người yêu mến. Trong lúc các văn sĩ cùng thời, đang hòa vào dòng thác ngợi ca, thần thánh hóa con người, cuộc sống, xã hội, thì NTT cả gan cầm bút chắn ngang dòng thác ấy.” Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ/ Như con chiên ngoan đạo chợt bàng hoàng/ Nhận ra chúa chỉ ghép bằng đất đá”. Tản Mạn Thời Tôi Sống, đã bóc trần bộ mặt gian dối, lừa lọc đang diễn ra trong xã hội đương thời, và kéo giấc mơ không có thật trở về với thực tại, nhưng nó đã đẩy con người và cuộc sống NTT đến tận cùng, không lối thoát:
“Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan rã
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn
Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà, muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần..”

Cái thời cả nước hừng hừng dắt tay nhau cùng lên đồng và chỉ được phép tô, trát lên mặt một mầu hồng duy nhất. Nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên sướng quá, cũng chịu hết nổi, thốt lên: “ Ôi! Tổ Quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?”. Thì Nguyễn Trọng Tạo lại vẽ lên mặt một màu tang thương, xám xịt:
“Nhưng cái thời tôi sống hẳn khác xưa
Trong bài hát thêm bom rơi và súng
Hai mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn
Khăn tang bay, người sống trắng mái đầu
Gạo cửa hàng nhiều khi không đủ bán
Con phe sục khắp ga tầu bến cảng
Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương”

Nếu như thơ văn chính luận của Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo vang lên và thẳng tưng, đầy uy lực như Quan Vũ, Trương Phi trên cầu Trường Bản, thì Nguyễn Trọng Tạo lại uyển chuyển, nhẹ nhàng có những cơn sóng ngầm công phá, như Tử Long xung trận Đương Dương. Cũng viết về biển đảo, nhưng NTT có cách viết rất khác. Trong cái dữ dội, gào thét của sóng biển, dưới nanh vuốt lăm le của quân thù, ta vẫn thấy lời thơ đằm thắm, nhẹ nhàng nhưng rất quyết liệt, can trường:
“Chẳng lẽ anh yêu biển gào dữ dội
Át cả tiếng em ở phía đất liền?
Chẳng lẽ anh yêu những đêm ngủ hầm kèo
Báo đến chậm hai ba tuần vẫn gọi là “Báo mới”
Lá thư tình đọc chung đồng đội
Lúc nghe đài là lúc gặp quê hương
Chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng
Đêm bật dậy mấy lần báo động
Nhưng em ơi! Giữa muôn trùng biển sóng
Anh đã yêu như vậy ngày ngày
Như yêu em đắm say
Yêu giấc ngủ, hằng đêm về bờ cát
Nếu lòng anh đổi khác
Giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây.
(Anh Đã Yêu Em Như Vậy)
Có thể nói NTT là nhà thơ cách tân, đổi mới nhất trong các nhà thơ mới hiện nay. Những năm tháng tuổi trẻ ông đã viết rất tự nhiên, như theo một bản năng. Tôi rất thích những bài thơ hồn nhiên viết trong thời kỳ đó của ông. Sau này, ông viết có kỹ thuật và sâu hơn và luôn đổi mới nhưng những nét hồn nhiên không còn đậm nét nữa. Có lẽ sau những năm tháng nổi trôi, ông đã trầm tĩnh hơn chăng?. Rất may, gần đây, qua bài thơ viết về em bé tật nguyền đi biểu tình, tôi lại bắt gặp những nét hồn nhiên ấy trong thơ ông:
“ Em hô Việt Nam-Hoàng Sa-Trường Sa
Anh gọi tên em Tổ Quốc, Sơn Hà…
..Đất nước già nua tâm hồn tươi trẻ
Em đi biểu tình-Anh đẩy xe lăn
Không kẻ thù nào có thể cản ngăn”

Ngày và đêm, trái đất vẫn quay, tất cả đều nằm trong vòng tròn của qui luật đó. Không có gì tồn tại vĩnh cửu. Cái cũ sẽ được thay bằng cái mới, như “ Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa”. Đó như là một triết lý sống, từ hơn ba mươi năm trước, Nguyễn Trọng Tạo đã cảnh báo trong thơ.
Leipzig- 16-8-2012
Đỗ Trường

Hiển thị thêm cảm xúc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cô gái gốc Việt và bí mật Kim tự tháp Kheops


https://baomai.blogspot.com/

Florence Trần là đạo diễn phim tài liệu "Kim tự tháp Kheops, những khám phá nhiệm mầu" vừa công chiếu tại Pháp ngày 28/11.

Bộ phim thu hút 1,4 triệu khán giả của Đài truyền hình ''France 5''.

Florence thuật lại con đường khám phá bí mật tầm cỡ nhất kể từ 1000 năm trở lại đây:

https://baomai.blogspot.com/ 
Bộ phim của cô gái gốc Việt Florence Trần được đánh giá là sự kiện 2017

"Em với Ai Cập và với những Kim Tự Tháp như con đường tuân theo một mệnh thức ma thuật. Lần đầu vào năm 2002. Dự tính cũng chỉ một vài tháng, kết cục cũng ba năm.

Thoạt đầu, nhìn thấy những Kim Tự Tháp, em choáng ngợp trước tầm cỡ khổng lồ của chúng. Và tự hỏi, niềm tin lạ thường nào thúc đẩy họ tạo nên những ngọn núi đá khổng lồ như vậy?

https://baomai.blogspot.com/
Nhóm làm phim cùng Florence Trần

Em mong muốn bước lên con tàu của thời gian để tìm hiểu họ đã sáng tạo ra chúng như thế nào. Thâm tâm, em thích thú cách người Ai Cập cổ đại nhìn nhận thế giới, nghi thức tôn giáo của họ, nỗi ám ảnh một thế giới tồn tại sau cuộc sống và cuộc tìm kiếm điên cuồng về sự bất tử.

Anh có nhớ câu phương ngôn cổ của người Ai Cập "Nếu bạn uống nước của dòng sông Nil dù chỉ một lần, thì dù có đi rất xa, đi đến phương trời nào, rồi cũng sẽ trở lại bên bờ sông Nil".

https://baomai.blogspot.com/
Kheops là Kim tự tháp lớn nhất còn lại cho đến nay, được xây dựng cách đây hơn 4500 năm.

Kheops hay còn được gọi là Khnum-Khufu là vị vua thứ hai của Vương triều thứ tư, ông được coi là chủ nhân của Đại Kim tự tháp ở Giza, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại.

Em tự hỏi, phải chăng điều này cũng tương tự với những ai đến quá gần những Kim Tự Tháp. Hình như có những lực từ tính luôn luôn hút họ trở về với nó.

Thật nguy hiểm. Cần thận trọng và tránh xa những Kim Tự Tháp. Nó chiếm đoạt quá nhiều không gian của một đời, quá nhiều thời gian của một cuộc sống".

https://baomai.blogspot.com/

Cuộc phiêu lưu '15 năm ấy, biết bao nhiêu tình', đằng sau tâm sự của 'Flo'- cách gọi thân mật, như có âm hưởng u hoài.

Vì vậy tôi không dám khẳng định, 'Flo' tiếc nuối hay chăng một phần cuộc đời trôi đi trên mảnh đất Ai Cập đầy cát bụi với mầu da cam của sa mạc, bầu trời xanh biếc điểm những ngôi sao lấp lánh về đêm thủ thỉ với những khối Kim Tự Tháp khổng lồ.

Chính từ những tâm tình của những vì sao, những vụ nổ mặt trời mầu hồng ngọc dội sóng xuống Trái đất mà các nhà khoa học quốc tế khám phá ra tiền đề trên con đường dẫn đến scan qua những khối đá khổng lồ tìm ra những bí mật ẩn còn ẩn dấu trong Tháp Kheops sau những khám phá đầu tiên từ năm 987 sau Công nguyên.

https://baomai.blogspot.com/
Bức tượng bằng ngà voi cao 3 inch vua Kufu được phát hiện năm 1903 tại Abydos hiện trưng bày tại Bảo tàng Cairo đã thôi thúc sự tò mò tìm hiểu về chủ nhân của Kim Tự Tháp.

Cũng phải đi ngược lại một bộ phim cũng khác, cũng do Florence làm về đề tài này. Đó là bộ phim 'Kheops Rélévé' (Giải mật Kheops), được trình chiếu năm 2008 trên kênh truyền hình Pháp 'France 2', 'France5' và kênh truyền hình Nhật Bản NHK.

Bộ phim 52 phút này kể về kiến trúc sư Pháp Jean Pierre Houdin và con đường 'rồ dại' của ông, nhiễm men đam mê nghiên cứu Kim Tự Tháp của người cha để rồi đóng cửa văn phòng kiến trúc, ngủ trên một chiếc giường gấp trong suốt 5 năm để giải mã công việc xây dựng Kim Tự Tháp. Cuối cùng đã giải mã đầy thuyết phục bài toán dằn vặt giới học thuật từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên kể từ giả thuyết của Herodotus (c-480 đến -425 BC).

https://baomai.blogspot.com/

Jean Pierre Houdin bắt đầu từ xuất phát điểm 'kỳ quặc'. Không trước tiên đi đến đến chạm tay vào những phiến đá của Kheops, mà những vết gắn kết giữa những khối đá nặng 60 tấn khít không để lọt bề dầy của một lưỡi dao cạo.

https://baomai.blogspot.com/

Ông dò ra con đường các vị Pharaons xây cất nên Kim Tự Tháp trước khi đến Ai cập, giải mật mã tồn tại 4500 năm qua bộ óc của mình, trong studio nhỏ tiện nghi tối thiểu ở Paris. Hệt như một câu chuyện cổ tích.

https://baomai.blogspot.com/
Nguyên tắc sử dụng những hạt lượng tử để xây dựng nên nguyên lý scan Kheops

Và cũng phải kể đến nhà khoa học gốc Việt Bùi Huy Đường (1937-2013), bằng phát kiến và tìm tòi năm 1986 đã chứng minh Kheops có những khoảng trống chiếm tới 15% dung tích. Viện sĩ hàn lâm khoa học Pháp gốc Việt đã đặt tiêu đề cho việc scan Kheops sau này.

Những cơn bão cát cuồn cuộn mầu hung đỏ thổi qua Kheops không mảy may làm rung động những sợi tóc của những quan chức Ai Cập. Những yêu cầu khảo sát thêm trong lòng Kim tự Tháp của nhà bác học gốc Việt đã bị từ chối, đóng băng sau năm 1986.

Ông ra đi trước lúc được xem bộ phim của 'Flo'.

Phải chăng những người Pháp, trong đó có cả Viện sĩ Bùi Huy Đường và Florence Trần đã tước đoạt những sự trọng vọng lẽ ra những quan chức ở Le Caire lẽ ra được hưởng? Nhưng họ đã làm gì trong suốt 1000 năm ấy?

Những thước phim của 'Flo' chiếu cảnh tiến sĩ Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng về Di chỉ và Khảo cổ', 'Bảo tàng biết đi về Ai Cập cổ đại', mà hình ảnh luôn xuất hiện trên kênh truyền hình National Georaphic, đã quăng một câu tỉnh queo trước nỗ lực của đoàn khảo sát quốc tế : ''Ôi dào, vẽ chuyện. Hơn một trăm năm nay, cả giáo sư đại học Harvard có tìm thấy gì đâu. Chém gió''.

https://baomai.blogspot.com/
Công việc xúc tiến trong sự mỉa mai, nghi ngờ của rất nhiều chuyên gia Ai Cập học. Đặc biệt tiến sĩ Dr.Azahi Hawass. Không ai tin trong lòng Kim tự Tháp còn có những bí mật tồn tại đã 1000 năm.

Và bây giờ khi ba đoàn khảo sát độc lập cùng đi đến một kết quả giống nhau, định vị được một căn hầm bí mật chưa từng được biết đến, dung tích khổng lồ như một chuyên cơ chở khách tồn tại trong Kim Tự Tháp Kheops thì họ sẽ còn phải đợi không biết đến bao lâu nữa những tờ giấy phép để tiến hành bước tiếp theo. Đó là khoan một lỗ đường kính 3cm (không to hơn đường kính một tách cà phê), để luồn camera điện tử vào khảo sát vào vị trí căn hầm. Nhắc lại, Viện sĩ Bùi Huy Đường cũng phải bỏ dở tìm tòi của ông sau năm 1986.

https://baomai.blogspot.com/
Ba đơn vị độc lập của ba nước tiến hành khảo sát riêng biệt để đảm bảo tính khách quan trong việc chụp cắt lớp. Họ đã đi đến kết luận giống nhau.

Sau giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẻ, rụt dè là một nghị lực lớn, kiên nghị đáng khâm phục của cô gái gốc Việt với tuổi đời còn trẻ.

Những tên phim nói hộ con đường sáng tạo phong phú của Florence.

Đó là bộ phim 'Hồ Nasser, nước trong trái tim sa mạc' năm 2014, trong chùm phim 'Cuộc đời bí ẩn của những hồ nước' của Đài truyền hình Arte, ZDF, Radio Canada.

https://baomai.blogspot.com/

Một phim rất quan trọng 'Id Wahda, une seule main' làm chung với Seif Khirfan dẫn chúng ta đến Monastère de St. Catherine, nơi gìn giữ bản thảo viết bằng tay có chữ ký của nhà Tiên tri Đạo hồi Mahomet. Nội dung bản thảo ghi rõ lời thề của nhà sáng lập Hồi giáo tuyên thệ tôn trọng và bảo vệ tín ngưỡng của người Thiên Chúa giáo.

Bộ phim năm 2012, cũng về chủ đề Ai Cập 'Une Arme de choix' (Vũ khí lựa chọn).

Bộ phim ''Samahni'' (theo tiếng Ai cập - Hãy để tôi được nghe tiếng nói của bạn).

Chặng đường 'Flo' đi làm phim dẫn đến cả hồ Baikal của nước Nga xa xôi, đến Tây Tạng, Bhoutan, những vùng đất heo hút.

Đó là ''Sáu tháng trong căn lều bên hồ Baikal'', 2010/2011 (Đài truyền hình Bo Travail, France 5, Voyage).

Phim ''Ngọn núi diệu kỳ, trên những nẻo đường dẫn đến Kailash'', 2010/2011 (Đài truyền hình Sombrero&Co, France 5, Voyage).

Với phim này Florence nhận giải đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Dijon 2011, dành cho thực hiện và kỹ thuật Liên hoan phim du ký Val d'Issère 2012.

Bộ phim ''Theo vết chân Tintin tại Tibet'', 2009/2010 (Gédéon Programmes, ARTE), Florence nhận giải đặc biệt của Ban Giám khảo quốc tế Diablerets Thụy sĩ.

Một phim trong chùm phim về Tây tạng của Florence là ''Vũ điệu thiên đường Bhoutan''.

https://baomai.blogspot.com/
Đội ngũ các nhà khoa học quốc tế trong chương trình "Scan Pyramids". Florence Trần, cô gái Pháp gốc Việt, là phụ nữ duy nhất.

Từ Tibet (TâyTạng) đến dòng Cửu Long?

Tôi gặp lại 'Flo' trong một buổi điểm sách tại nhà chị Loan de Fontbrun, tác giả nhiều cuốn sách về mỹ thuật và nhiếp ảnh xưa về Việt Nam, cũng như bàn bạc với chị về ấp ủ những cuốn sách sắp tới về Hà Nội và Huế. Do vô tình chuyện trò với tác giả vừa ra một tác phẩm mới về Sài Sòn, tôi đã làm cả một nhóm phải ngồi đợi cơm gần một tiếng đồng hồ. Để chuộc lỗi vô duyên, tôi mời lại bạn bè đến nhà riêng, làm những món Việt nam mà 'Flo' vẫn nói ''sống không thể thiếu', đồng thời nghe dịch giả Nghiêm Xuân Tuấn tâm sự về công việc cho ra mắt những tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, ''Thuyền trưởng và chim bói cá'', ''Chuyện kể năm hai nghìn" chuyển dịch sang tiếng Pháp. Một nhà văn Việt Nam mà theo dịch giả thì tài năng không thua kém gì giải Nobel Trung hoa Mạc Ngôn.

https://baomai.blogspot.com/

Cha Florence là người Việt, sang học kỹ sư tin học tại Pháp từ năm 1955, chưa lần nào trở lại Việt Nam. Florence cũng chỉ mới về Việt nam năm 2003. Khi kể về lần về Việt Nam hiếm hoi ấy vẫn pha những hồi ức về Ai Cập ''em cũng chỉ quanh quẩn quanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng hùng vĩ như đồng bằng sông Nil''. Cũng một ngại ngần nữa là 'Flo' không thạo tiếng Việt, mẹ chị người Pháp, nên dễ hiểu Florence nói tiếng mẹ đẻ, khi về phải va chạm với những giễu cợt, châm chọc không phải là những kỷ niệm dễ chịu.

Tôi kể cho 'Flo' những khám phá về Phú Yên, nơi còn gìn giữ cuốn sách của Alexandre de Rhodes, hay về ngôi mộ của một giáo sĩ Pháp trong nhà thờ Mằng Lăng mà ngay cô hướng dẫn viên xinh xắn Thiên Thi cũng không biết đấy là nơi gửi thân của người xưa mà dẫm chân lên phiến đá, để rồi hoảng hốt lùi lại sau lời dịch bia nghi bằng tiếng Pháp của tôi. Những clips video ghi lại ghềnh đá đĩa mà cột đá đen khổng lồ trồi lên từ những phun trào núi lửa cả triệu triệu năm trước ở Phú Yên như bó cọc khổng lồ trên sông Bạch Đằng thời chống giặc thế kỷ 13.

https://baomai.blogspot.com/
Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên

Hình như chúng tôi đã 'dại dột' gieo vào mắt 'Flo' những tia lửa của đam mê khám phá lại miền đất tổ mà người cha đã để lại phía sau và em sẽ lại mất 'không gian của một đời, thời gian của một cuộc sống'?

'Flo' nói với tôi: ''Em đi Australia về rồi gặp anh ở Việt nam nhé?''.

Mong em cũng sẽ nói bằng ngôn ngữ điện ảnh ''Ai một lần uống nước dòng Cửu Long, thì đi đâu, về đâu, cũng về lại với dòng sông''?

Ừ, Mekong bắt nguồn từ dãy Himalaya vẫn được coi là dòng Trường Giang 'mẹ của những dòng sông' lẽ nào trong sóng phù sa đỏ sậm mầu hồ đào, cuồn cuộn đổ ra biển với chín cửa Cửu Long Giang lại không ẩn dấu những bí ẩn?

'Flo', em đã đi đến Tibet, nơi khởi nguồn của Trường Giang Mekong, em sẽ về gặp nơi tận cùng của dòng sông ấy?




Phạm Cao Phong

https://baomai.blogspot.com/


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Từa tựa như Yên Bái quốc!

Trung Quốc: CỤC TRƯỞNG BẮN BÍ THƯ VÀ THỊ TRƯỞNG


Từ trái qua: ông Lý Kiến Cần, Trương Diệm và Trần Trung Thứ. 

Cục trưởng bắn bí thư và thị trưởng 

RFA
2018-01-04

Một vụ xả súng xảy ra vào sáng ngày 4 tháng giêng tại Trung tâm Triển Lãm thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Tin từ Tân Hoa Xã nói rõ người xả súng là ông Trần Trung Thứ, Cục Trưởng Tài Nguyên- Đất Đai thành phố Phàn Chi Hoa. Ông này xông vào phòng họp bắn bí thư và thị trưởng thành phố là hai ông Trương Diệm và Lý Kiến Cần khiến cả hai bị thương. 


Sau đó, ông Trần Trung Thứ được phát hiện tự tử tại tầng hai của Trung Tâm Triển Lãm thành phố Phàn Chi Hoa.

Bản tin của Tân Hoa Xã không cho biết động cơ của vụ nổ súng và tự tử như vừa nêu là gì.

Bản thân hung thủ Trần Trung Thứ, 55 tuổi, từng đảm nhiệm chức Cục Trưởng Cục Quản lý Thành phố Phàn Chi Hoa. Kể từ tháng 5 năm 2013, ông trở thành cục trưởng Cục Tài Nguyên- Đất Đai tại thành phố này.

Việc thủ đắc súng tại Trung Quốc khá khó khăn nên tình trạng bạo lực bằng súng hiếm khi xảy ra ở Hoa Lục. Trong khi đó thì nhiều vụ hung thủ sử dụng dao để gây án từng xảy ra nhiều nơi tại Trung Quốc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐẠI HÙNG TINH PHAN VĂN ANH VŨ # 1


Kết quả hình ảnh cho phan văn anh vũ

ĐẠI HÙNG TINH Phan Văn Anh Vũ.

Sinh năm Ất mão, cầm tinh con mèo tại Đà thành trong một gia đinh có tới 9 anh chị em. Vũ áp út.

Cha vốn hành nghề thầu khoán trước 1975 thời Việt Nam cộng hòa, đâm ra nhà cũng có của ăn của để. Thế sự đổi thay nên bỗng chốc gia cảnh thành máng lợn. Vũ tội tình ôm luôn cái tiếng " em trót mang thân con cái nhà nghèo ".

Cha mất sớm, chả để lại gì ngoài 9 đứa con với hình hài cao lớn khỏe mạnh và thiên tư sáng suốt. Vũ nổi trội trong số ấy và bôn tẩu vào đời rất sớm đặng giúp má. Và nuôi thân.

Khởi sự, Vũ đi làm thuê cho một hãng nhôm kính xây dựng. Sau khi tích lũy được chút quan hệ - tiền tệ và kinh nghiệm, Vũ tách ra làm riêng. Cái tên Vũ nhôm được khai sinh từ đó.

Tháo vát và tín nhiệm, trí tuệ lẫn hào hoa nên chẳng mấy chốc cơ sở của Vũ thống lãnh Đà thành và một dải miền trung nghèo khó. Tuổi trẻ tài cao nên cũng có nhiều anh hào đảo mắt.

Và như là định mệnh, vào một ngày giời không xấu cũng không xinh, Vũ gặp Thanh Bá Bá, tổng đốc Đà thành. Anh hùng gặp Cái thế, sự thể ấy thật hoan hỉ lắm thay.

Đà thành thủa đó chả có chó gì ngoài cát trắng và bánh tráng cuốn thịt heo, bèo nhèo mọi nhẽ. Thanh Bá Bá ngày ngày bú diệu Hồng Đào, đêm đêm ngân câu tuồng Quảng thì cũng nghĩ ra kế đưa Đà thành cất cánh bay lên. Âu cũng là cái cốt cách đáng trọng của bậc dân chi phụ mẫu vậy.

Kế sách ấy giản dị như cách người ta thổ ra trung tiện thôi, ấy là ĐỔI ĐẤT LẤY HẠ TẦNG. Nôm na thì là bán sạch bách đất đai nhà cửa ( là công sản quốc gia ) để lấy tiền làm cầu cống đường xá và quy hoạch lại thành quách thật phong quang.

Đà thành " dậy thì " thành công. Từ một khuôn mặt rỗ - rô cùng những vô vàn mụn cám sẹo lồi bỗng chốc nhẵn nhụi hồng hào thanh tao tươi thắm, trở thành đô hội đáng sống nhất nhì nước Nam. Uy danh Thanh Bá Bá như buồm no gió, phăm phăm đạp sóng đôi bờ Hàn giang.

Vũ, tất nhiên, với thiên tư sáng suốt, thì chả tội tình đéo gì đứng trong bóng tối mà nguyền rủa đứa bật diêm. Cơ nghiệp từ nhôm kính dịch dần sang nhà cửa đất đai và những dự án kinh tài nhuốm màu thời đại.

Có tiền, lại sẵn nết nghĩa hiệp hào hoa, danh tiếng Vũ vượt khỏi Đà thành, vang đến tận kinh kỳ. Vũ ra vào cung vua - phủ chúa hệt cái lối của đứa con ngoan xa nhà trở về với mẹ cha. Từng có một giai thoại chép rằng, một quan viên hàm tòng nhị phẩm phủ phục cả tuần giời trước sân rồng để xin vào yết kiến bề trên mà vưỡn chưa tới lượt, ấy thế mà Vũ ra xách vào chả khác gì cách người ta dắt một con chó đi dạo đào viên. Thần tình lắm.

Và tai họa bắt đầu mọc mầm từ đây...!!!

Sau cú dậy thì thành công, Đà thành nhộn nhịp quan lại và anh tài tứ chiếng đổ tiền vào mua lấy sự rực rỡ tinh tươm. Thớt bắt đầu tanh tao và gang lăn tăn mật mỡ thì việc nhuồi nhặng bu vào tranh cướp thời cũng thói thường. Vũ hiểu điều đó nên o bế miếng ăn cẩn mật theo cái cách nồi của mình nhưng lại đậy bằng vung thằng khác. Thật là:

Nồi to lại úp vung dày
Sợ gì gạo chẳng có ngày thành cơm.

Nói không ngoa, nếu Thạch Sanh còn sống thì nồi cơm của Vũ dư sức để nuôi. Tiếc là ngài chỉ là huyền thoại nên nồi cơm kia Vũ phải san sẻ dâng cúng cho bề trên để đổi lấy sự an yên bởi Vũ biết trên bờ Vũ là thổ công nhưng dưới sông cũng đầy hà bá. Và để cầu mong một chút nhàn tâm, Vũ âm thầm chẩn phát dăm bát cháo lao cho đồng bào - bá tánh.

Mùa thu Đinh Dậu, Lù Chóng nguyên niên, tiểu tinh Xuân Anh - tổng đốc Đà thành - bị bãi chức. Cơn cớ được cho là có nhận chiến mã và gia trang từ Vũ. Với bản năng của kẻ săn mồi, Vũ ngửi thấy mùi chết chóc ngang dọc một cõi Hàn giang thổi từ phía sông Hồng.

Tẩu tá tài sản, bán hết cổ phần, Vũ quăng nồi nhưng ranh mãnh ôm vung, nhanh chân bôn tẩu.

Cuối đông Đinh Dậu, Vũ bị tầm nã khắp nơi với tội danh " lật vung ăn cơm trước kẻng ", nói theo lối của bộ Hình là " làm lộ bí mật quốc gia ". Đậu má nó, đại phú hào như Vũ thì liên quan chó gì đến cái gọi là bí mật quốc gia? Hầy dà, chuyện này biên hầu dịp khác.

Sau 14 ngày bôn tẩu, Vũ lạc trôi tít tận Tân Gia Ba và bị tóm sống khi đang tìm đường sang Mã Lai Á. Than ôi:

Nước non ngàn dặm ra đi
Bởi chưng quá nhọ không thì...đã đen.

( Hết phần 1...)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao bạn luôn dễ nổi nóng, không thể nhẫn với người thân của mình?



Gia đình là một điều gì đó thật thiêng liêng rất cần được trân quý, vậy bạn đã thực sự trân trọng những mối quan hệ trong gia đình mình?
Con người sinh ra, lớn lên đều gắn bó với ngôi nhà và những người thân yêu trong gia đình mình. Gia đình là bến đỗ bình yên, là nơi che chắn sóng gió trong cuộc đời. Những người thân luôn sẵn sàng ở bên khi chúng ta mệt mỏi muốn nghỉ ngơi giữa dòng đời náo nhiệt hay gặp cảnh tai ương. Nhưng kỳ lạ là, lẽ ra cần trân trọng hơn mái ấm đó, cảm ơn những người thân yêu của mình thì không ít người lại thường vô tình hay cố ý làm tổn thương họ nhiều nhất.
Quý ông “thóc đãi gà rừng”, người dưng thì quý, người nhà thì ky
Nhà Vũ ở cạnh nhà tôi, thi thoảng tôi lại nghe thấy hai vợ chồng cậu tiếng bấc tiếng chì eo xèo trong căn nhà nhỏ. Trong giới bạn bè Vũ được coi là một người hào phóng, hết lòng vì bạn bè. Vũ cũng vô cùng tự hào với cái mác “sống thoáng” mà bạn bè dành tặng cho mình.
Hễ có tiền là Vũ “dựng lều ở trọ” ngay ở quán bia trước cổng làng. Gặp ai Vũ cũng xởi lởi mời vào làm cốc bia, hút điếu thuốc, và nhất quyết giành trả tiền. Vũ cảm thấy đó là cách thể hiện “bản lĩnh đàn ông của mình”. Những ông bạn “thân tình” của Vũ cũng thường vây quanh phỉnh nịnh Vũ. Vũ lại càng phổng mũi và hễ có tiền trong túi là Vũ lại a lô cho đám bạn của mình ra ngoài nhậu nhẹt.
Vũ có tiếng là “thảo” với bạn bè bao nhiêu, thì ở nhà lại “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” với vợ con bấy nhiêu. Nói chuyện với bạn bè thì Vũ hỉ hả ra mặt. Nhưng đặt chân về đến nhà là Vũ sầm mặt lại, cả ngày cạy răng cũng chẳng nói lấy vài lời. Vợ con Vũ sợ Vũ một phép. Ba mẹ con đang đùa ríu rít trong nhà mà nghe thấy tiếng bước chân Vũ bước vào là ai nấy đều lặng thinh, nín thở. Chỉ e chẳng may lỡ lời nói điều gì phật ý Vũ thì cả ngày hôm ấy “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Gia đình là một điều gì đó thật thiêng liêng rất cần được trân quý, vậy bạn đã thực sự trân trọng những mối quan hệ trong gia đình mình? (Ảnh minh họa: shutterstock.com)
Vợ Vũ là một cô thôn nữ thật thà, chất phác, hay lam hay làm. Nhiều lần không chịu nổi cảnh chồng khi thì ghẻ lạnh, lúc lại nổi cơn thịnh nộ mắng mỏ, oán trách, so bì vợ người vợ ta, cô đã vài lần đưa đơn ly hôn. Đứng trước lá đơn xin ly hôn Vũ thoáng sợ hãi, không có vợ ai là người ngày 2 bữa cơm canh, lo liệu việc nhà. Vũ lại thề thốt, hứa hẹn, van nài vợ mình thương hai con mà nghĩ lại. Nhưng chẳng bao lâu thì đâu lại vào đó, Vũ lại trở về với con người lười nhác, cộc cằn, lạnh lùng ngày xưa.
Nhiều khi nghĩ đến số phận mình cô tự thấy cám cảnh thương thân. Nhưng nhìn hai đứa con thơ còn nhỏ dại, cô lại nén lòng, từ bỏ ý định ly hôn, chỉ mong hai đứa trẻ có thể trưởng thành một cách bình yên dưới mái nhà này. Cô thầm nghĩ âu cũng là cái số, chắc kiếp trước mình bạc đãi người ta, nên đời này thành vợ thành chồng mà trả nợ cho Vũ.
Cô đồng nghiệp dịu dàng ở công ty lại thường cáu bẳn với mẹ
Trong mắt mọi người Trang là một cô gái khá xinh xắn và nhã nhặn. Cô bạn đồng nghiệp làm cùng với cô suốt mấy năm trời, nhưng chưa một lần thấy Trang nhíu mày khó chịu với ai. Ngay cả khi bị người khác xét nét, chê trách Trang cũng chỉ lặng thinh và tự nhận lỗi về mình.
Thế nhưng khi ở nhà Trang như một người hoàn toàn khác. Cô rất dễ nổi nóng với mẹ mình. Mỗi lần Tết đến xuân về Trang lại về quê giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị sắm Tết. Hai mẹ con chỉ có thể trò chuyện vui vẻ dăm ba câu. Vì bất đồng quan điểm, Trang thường không thể kiềm chế nổi cơn nóng giận mà cãi lại mẹ vài câu. Đôi khi tình hình căng thẳng Trang hờn dỗi, cả ngày không buồn nói năng gì với mẹ.
Còn nhớ, hồi Trang học lớp 8 không biết Trang làm gì trái ý mẹ mà bị mẹ mắng té tát ngay trước mặt mọi người. Trang tự ái, không nói năng gì với mẹ suốt mấy ngày trời. Cuối tuần anh trai đi học xa, về nhà thấy cảnh cửa nhà lạnh ngắt cũng phải rơi nước mắt. Anh nghẹn ngào nói với Trang rằng:“Anh đi học ở xa nhưng trong lòng anh luôn nhớ về những người trong gia đình mình. Anh chẳng mong gì hơn là gia đình hòa thuận êm ấm. Em là con gái, sao em lại không chịu nhịn mẹ vài câu? Để nuôi hai anh em mình mẹ cũng phải vất vả lắm rồi, nên đôi khi nóng giận không kiềm chế được mà mắng mỏ em trước mặt người khác thì em hãy thông cảm cho mẹ”.
Trang yên lặng nhìn anh không nói câu nào. Trang cũng rất thương mẹ sớm khuya vất vả, nửa đêm nửa hôm, không quản trời nắng hay mưa cũng cặm cụi làm đồng làm bãi, đi chợ bán rau dưa củ quả nuôi hai anh em ăn học. Nhưng không hiểu sao khi lòng tự tôn của Trang bị động tới, Trang lại không kịp nhớ đến những vất vả, lo toan của mẹ, mà cứ làm theo phản xạ tự nhiên là hờn dỗi. Vậy nên mặc dù hai mẹ con vô cùng yêu thương nhau nhưng tình hình vẫn không cải thiện được là bao.
Mặc dù hai mẹ con vô cùng yêu thương nhau nhưng tình hình vẫn không cải thiện được là bao. (Ảnh minh họa: youtube.com)
Mâu thuẫn với người nhà không thể giải quyết được sao?
Thông thường chúng ta không dám yêu cầu người ngoài làm gì cho mình. Bởi lẽ họ không có nghĩa vụ phải đáp ứng yêu cầu của chúng ta. Nhưng chúng ta lại thường đòi hỏi sự quan tâm, thấu hiểu từ người nhà.
Khi chán nản thất vọng, chúng ta lại sẵn sàng làm tổn thương chính mình hay người nhà để trừng phạt họ. Vậy nên khi mâu thuẫn xảy ra trong tâm chúng ta thầm nghĩ:“Người nhà chẳng bao giờ hiểu mình cả”.Chúng ta có thể nhẫn nhịn trước người ngoài nhưng lại mất khả năng kiểm soát cảm xúc trước những người thân.
Dẫu người gây ra sai lầm là mình, chúng ta vẫn khó có thể vượt qua tự ngã quá lớn của bản thân để hạ mình nói lời xin lỗi. Dường như nói lời xin lỗi là điều gì đó thật mất mặt:“Mình phải xin lỗi ư? Thôi vậy, dẫu sao thì ngày tháng còn dài, sau này mình chú ý một chút là được”.
Kỳ thực,“Vạn sự tại tâm”,chìa khóa cho mọi vấn đề vẫn là sự tu dưỡng tâm tính của mỗi cá nhân. Hãy tìm cho mình một tín ngưỡng chân chính. Bạn sẽ phát hiện ra tâm mình đang hướng thiện, biết yêu mến và trân trọng hơn hết thảy con người và vạn vật xung quanh.
Trước mặt người nhà là cái tôi chân thực của bạn
Những người hiếu thuận với mẹ cha, yêu thương, đùm bọc anh em, biết trân quý mối nhân duyên vợ chồng, con cái ắt là người biết giúp đỡ, chia sẻ, chở che và khích lệ người khác. (Ảnh minh họa: giadinh.net)
Người nhà cùng chung sống với nhau suốt thời gian dài. Vậy nên hết thảy những ưu khuyết điểm của chúng ta chẳng thể thoát khỏi ánh mắt của người thân. Nhiều người vì vậy mà thỏa sức bộc lộ bản tính của mình không buồn ước chế.
Một người thường tức giận trước mặt người nhà, nhất định sẽ khó có thể kiềm chế cơn nóng giận với người khác. Một người thờ ơ, lạnh nhạt với người nhà cũng khó lòng quan tâm, săn sóc tới người khác. Những người đối diện với sự quan tâm của người khác mà coi là điều đương nhiên thì trong cuộc sống chắc chắn họ là một kẻ vô ơn.
Ngược lại, những người hiếu thuận với mẹ cha, yêu thương, đùm bọc anh em, biết trân quý mối nhân duyên vợ chồng, con cái ắt là người biết giúp đỡ, chia sẻ, chở che và khích lệ người khác.
Người thân vĩnh viễn là bến đỗ bình yên, chẳng thể cách xa!
“Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Gia đình đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Cho dù mọi thứ có quay lưng lại với ta thì có một thứ mãi mãi không hề thay đổi vẫn lặng thầm đi bên ta, vẫn dang tay đón ta trở về. Gia đình chính là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai”. Người thân cuối cùng vẫn là những người thân thiết nhất. Dẫu là anh hùng kiệt xuất, danh tiếng lẫy lừng hay kẻ thường dân áo vải vô danh thì đến thời khắc cuối cùng họ vẫn sẽ quay trở về bên cạnh người thân.
Khi đối diện với sóng gió cuộc đời, khi mọi người đều quay lưng lại với bạn thì người cuối cùng đứng bên cạnh an ủi bạn vẫn là người thân. Người thân là một nửa cuộc đời của bạn, xin hãy trân quý!
Người thân là một nửa cuộc đời của bạn, xin hãy trân quý!. (Ảnh minh họa: 2sao.vn)
“Hữu duyên thiên ý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng!”. Kiếp này được sống chung một nhà ắt hẳn duyên này đã gieo từ kiếp trước. Người thân có thể là thiện duyện đến báo đáp ân tình xưa kia, cũng có thể là ác duyên đến đòi lại món nợ từ kiếp trước. Nếu là thiện duyên thì hãy tận hưởng niềm vui cuộc sống quây quần bên gia đình. Nếu là ác duyên thì hãy dũng cảm gánh vác và nhẫn nhịn để ân oán sớm được thiện giải và tương lai hạnh phúc hơn.
Trong mỗi người đều luôn tồn tại cả mặt tốt và mặt xấu. Muốn làm được điều này mỗi người cần tu tâm dưỡng tính, khiến ưu điểm ngày càng nhiều hơn, nhược điểm ngày càng ít hơn. Chẳng ai biết kiếp sau liệu còn có duyên sống chung một nhà hay không? Người thân đời này đến để giúp chúng ta nhận ra thiếu sót từ đó hoàn thiện mình. Cớ chi không cảm ơn họ mà trân trọng hơn mối nhân duyên này.
Hiểu Mai


Phần nhận xét hiển thị trên trang