Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Thôi, xong!

Bắt được Vũ 'nhôm' theo lệnh truy nã


THÂN HOÀNG - LÊ NAM
TTO - Ngày 4-1, thông tin từ Bộ Công an cho biết cơ quan an ninh điều tra của Bộ đã tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Thông tin trên cũng đã được Bộ Công an công bố trên trang web của bộ.

Chiều 4-1, chuyến bay mang số hiệu VN662 xuất phát từ Singapore chở Phan Văn Anh Vũ đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Trả lời Tuổi Trẻ Online qua email lúc 16 giờ 57 phút giờ Singapore, Bộ Nội vụ Singapore xác nhận đã trục xuất Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam.

Như đã thông tin, Phan Văn Anh Vũ bị Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) bắt ngày 28-12-2017 do vi phạm đạo luật di trú của Singapore và bị trục xuất sau đó. 

Theo thông tin từ luật sư người Singapore Reme Choo Zheng Xi, ông Vũ (với hộ chiếu mang tên Phan Van Anh Vu) bị bắt lúc 11h ngày 28-12 khi đang làm thủ tục xuất cảnh từ Singapore qua Malaysia tại cửa khẩu tiếp giáp với bang Johor của Malaysia. 

Hộ chiếu của ông Vũ lúc này đã bị phía Việt Nam hủy nên không còn hợp pháp khi ông Vũ tìm cách sang Malaysia.

Trước đó, chiều 21-12, Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố bị can ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") về hành vi "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" theo điều 263 Bộ luật hình sự. Cùng với lệnh khởi tố bị can, lực lượng công an đã khám xét nhà của Vũ "nhôm" tại Đà Nẵng.

Sau đó, cơ quan công an đã phát lệnh truy nã và triển khai lực lượng truy bắt ông Vũ.

Nội dung email của Bộ Nội vụ Singapore trả lời Tuổi Trẻ

Ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt vào ngày 28-12-2017 với cáo buộc vi phạm Đạo luật nhập cư Singapore.

Ông Phan Văn Anh Vũ nhập cảnh vào Singapore với hộ chiếu Việt Nam nhưng không đúng tên thật của mình. Trong khi ông ấy cũng mang theo trong người một hộ chiếu Việt Nam với tên thật của mình.

Ông Phan Văn Anh Vũ lúc đó còn mang theo một hộ chiếu thứ ba.

So sánh với lần nhập cảnh gần nhất vào Singapore cũng như những lần nhập cảnh vào Singapore trước đây, Phan Văn Anh Vũ đã khai gian dối với Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA). ICA cũng đã hoàn tất các điều tra riêng của mình.

Phan Văn Anh Vũ cũng đã bị cảnh cáo nghiêm khắc thay cho việc khởi tố. ICA đã hủy quyền du lịch và trục xuất ông Phan Văn Anh Vũ ra khỏi Singapore theo quy định của Đạo luật nhập cư Singapore.

Ông Phan Văn Anh Vũ là đối tượng truy nã với thông báo "Đỏ" của Interpol với lệnh truy nã của chính phủ Việt Nam.

ICA đã yêu cầu Phan Văn Anh Vũ quay về Việt Nam, nơi đầu tiên ông rời khỏi trước khi nhập cảnh vào Singapore cũng là nơi cấp hộ chiếu mang tên ông.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Có nơi đâu trên quả đất này người ta cưa bom kiếm sống!




LÊ THANH PHONG


























LĐO - Một kho phế liệu, trong đó có cả tấn đạn, nằm ngay trong khu dân cư, vậy mà chính quyền địa phương không biết. Chỉ sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng, cướp đi mạng sống của hai cháu bé, khi đó chính quyền mới biết.

Và còn nữa, những người bị thương, đang chống chọi với tử thần trong bệnh viện.

Vậy thì các ông Bí thư, Chủ tịch huyện Yên Phong, của xã Văn Môn và tỉnh Bắc Ninh làm gì? Một đống chất nổ gồm vạn đầu đạn đâu phải cây kim sợi chỉ, đâu phải tép heroin mà khó phát hiện.

Nhiều người chỉ thấy lợi là làm, mở cơ sở thu mua phế liệu, bom đạn mua tất. Họ cho rằng những thứ đã gỉ sét là đồ bỏ, họ không quan tâm trong đó chứa chất nổ. Người đi tìm phế liệu để bán lại cho người thu mua phế liệu cũng vậy, thấy cục sắt nào cũng như nhau, cho dù đầu đạn cũng cứ nhặt, thậm chí cưa bom để lấy phế liệu. Những thứ tiềm ẩn cháy nổ đó được mua đi bán lại, trôi nổi trên thị trường, không có cơ quan nào kiểm soát, và cái giá là những vụ cháy nổ khủng khiếp mà vụ xảy ra vừa qua ở làng Quan Độ chỉ là một ví dụ, sẽ còn nữa nếu như tiếp tục buông lỏng quản lý.

Nói buông lỏng quản lý là nói chung chung, xin chỉ ra cụ thể là chính quyền xã Văn Môn và chính quyền huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh phải chịu trách nhiệm trong vụ nổ này. 7 tấn đầu đạn cất trong kho từ tháng 12.2016 nhưng chính quyền không biết, hoặc có thể biết nhưng không “nói”. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công an xã, quá nhiều con mắt, chẳng lẽ “mù”?

Công an tỉnh Bắc Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Văn Tiến về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, ông Tiến phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà mình đã gây ra. Và phải làm cho rõ, ông Tiến mua đầu đạn từ đâu, ai bán, và ông có chi cho ai trong chính quyền địa phương để hoạt động buôn bán đầu đạn?

Có nơi đâu trên quả đất này, con người ta phải đi buôn bán đầu đạn, đi cưa bom kiếm sống? Hậu quả là bao nhiêu người chết, người có liên quan phải chịu tù tội. Còn nhiều làng phế liệu đang sống trong mối đe dọa của vụ nổ tương tự.

Cho nên, ngăn chặn hậu quả là trách nhiệm của chính quyền. Nếu như quản lý các nguồn nguyên vật liệu cháy nổ tốt, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ các loại vật liệu nguy hiểm này thì sẽ không có vụ nổ xảy ra.

Và sẽ không có những đứa bé bị chết oan.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tổ Quốc tôi bị gặm nhấm tự bao giờ?




Đặng Ngọc Tùng
Lời dẫn của GS Nguyễn Đăng Hưng:  Ông Đặng Ngọc Tùng nguyên là Chủ Tịch khóa X của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam. Thời tại chức ông đã có nghĩa cử yêu nước cho xây tượng đài các liệt sỹ Trương Sa tại Cam Ranh và lên kế hoạch xây dựng tượng đài các nghĩa sỹ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn. Tôi đã từng tham gia buổi lễ hoành tráng đặt viên đá đầu tiên do Tổng Liên Đoàn Lao Động đề xướng với sự hỗ trợ của Văn Phòng báo Lao Động tại khu vực Miền Trung-Tây Nguyên... Công trình này nay bị đắp chiếu với bao nỗi luyến tiếc của người tâm huyết! NĐH
Tổ tiên Việt Nam chúng ta là những người đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1816 Vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Các chúa Nguyễn đã phái các đội “hùng binh “ (da số là người dân đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi) ra khai thác tài nguyên và thực hiện quyền chủ quyền chuẩn Việt Nam trên 2 quần đảo này. Thời Pháp thuộc thực dân Pháp đã xâm chiếm Việt Nam và chiếm đóng luôn 2 quần đảo này, họ đã xây dựng đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa, và đưa người Việt Nam ra làm nhiệm vụ tại đài khí tượng đó.

Năm 1951 tại hội nghị San Fransico về hiệp ước hoà bình với Nhật Bản, Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng. Gợi giao Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 Nước tham dự hội nghị (văn kiện này đã được lưu trữ vào tài liệu lưu trữ của Liên hiệp Quốc).
 
Thực hiện hiệp định Gnever về Việt Nam, năm 1954 Pháp rút khỏi Việt Nam và trao lại quyền kiểm soát 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Quốc gia Việt Nam.
 
Lợi dụng khi đó đất nước Việt Nam bị chia cắt làm 2: Từ vĩ tuyến 17 trở ra là “Việt Nam dân chủ Cộng hoà”, từ vĩ tuyến 17 trở vào ( bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là “Việt Nam cộng hoà”, nên năm 1956 Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng nhóm đảo An Vĩnh phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Và quân đội Việt Nam chiếm giữ nhóm đảo phía Tây và đảo chính Hoàng Sa, và các đảo nổi của quần đảo Trường Sa. Nhưng đến năm 1970 lại để Phi-líp-pin chiếm đảo Thị tứ, song tử đông,và Loại Ta.
 
Ngày 19/01/1974 quân đội Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, 75 binh sy Viet Nam đã tử trận, 47 binh sỹ niệm bắt làm tù binh và sau đó được trao trả tại Hồng Kông. Phía quân đội Trung Quốc bị chết là 18, và bị thương là 67. Như vậy là chúng ta bị Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa từ 20/01/1974.
 
Không dừng lại ở đó, lợi dụng Việt Nam đang gặp khó khăn về vấn đề Campuchia, năm 1988 Trung quốc đưa quân xuống phía Nam đánh chiếm các đá thuộc quần đảo Trường Sa: ngày 31/01/1988: chiếm đóng đá Chữ thập, ngày 18/02/1988 :chiếm đá Châu Viên, ngày 26/02/1988:chiếm đá Gaven, ngày 28/02/1988:chiếm đá Tư Nghĩa, ngày 23/031988:chiếm đá Xubi(tất cả các đá này đều chìm khi thuỷ triều lên và nổi khi thủy triều xuống). Và ngày 14/03/1988 Trung Quốc đánh chiếm đảo Gacma:64 binh sy của chúng ta đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo.
 
Năm 1995 Trung Quốc tiếp tục đánh chiếm đá Vành Khăn, và năm 2012 đánh chiếm bãi cạn Scarborough. Ngày 24/07/2012: Trung Quốc tuyên bố thành lập TP Tam Sa, trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm. 
 
Ngày 1/05/2014: Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 và 6 tàu chiến, 40 tàu cảnh sát biển,30 tàu kéo, 40 tàu sắt ngụy trang đánh cá vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam tạo nên sự căng thẳng và chú ý của thế giới, thì cũng chính năm 2014 họ thực hiện đại công trình san lấp trên biển đông: họ san lấp hơn 1.359ha trên các bãi đá họ lấn chiếm, xây dựng thêm 3 sân bay lớn (đường băng dài trên 3.000m) để máy bay chiến đấu lên xưởng dễ dàng và nhiều cơ sở quân sự khác trên các đảo nhân tạo : Chữ Thập, Xubi,Vanh Khăn....
 
Và mới đây nhất ngày 14/12/2017 Trung Quốc công bố kế hoạch phóng 10 vệ tinh giám sát biển đông, theo kế hoạch này từ năm 2019 hệ thống vệ tinh này theo dõi híam sát mọi bãi đá, tàu bè ở biển đông 24/24 giờ. Trung Quốc từng bước, từng bước chiếm dần và quân sự hoá biển đông.
 
Ôi!!!Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta ơi: mỗi ngày bị gặm nhấm như thế đó, và liệu có đến lúc nào đó Ngu dan Việt Nam của chúng ta phải đánh bắt cá trộm trên chính ngư trường truyền thống Hoàng Sa Trường Sa của Tổ tiên để lại? Hởi ai mà o đau lòng ?
 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÂU CHUYỆN NGỤ NGÔN VỀ MÃNH HỔ VÀ CHÓ ĐIÊN



Một con hổ dũng mãnh đã làm gì khi gặp một con chó điên? Cách mà nó chọn trong câu chuyện dưới đây thực sự đã gợi mở cho chúng ta rất nhiều.
Một con hổ nhìn thấy một con chó điên, nó vội vã tránh ra thật xa. Hổ con nói với bố: "Bố ơi, bố dám đấu với sư tử, dám tranh hùng với báo săn, vậy mà lại phải tránh một con chó điên, thật mất mặt quá!"Hổ bố hỏi: “Theo con, đánh bại một con chó điên có vinh quang không?”
Hổ con lắc đầu.
“Để con chó điên cắn phải một nhát, có đen đủi không?”
Hổ con gật gật đầu.
“Đã như vậy, chúng ta việc gì phải động chạm đến một con chó điên? – Không phải người nào cũng có thể coi làm đối thủ của con, không nên tranh biện với những người không có tố chất, cứ mỉm cười một cái rồi tránh thật xa, đừng để họ cắn được con.
Điều này nhất định con phải nhìn cho thấu đáo, bởi lẽ trong thực tế cuộc sống này, vẫn có rất nhiều người đang đấu với chó điên mà không ý thức được vấn đề.”
Xưa nay các bậc thức giả vẫn thường giữ thái độ im lặng trước những trò thị phi của các loài cóc nhái, ễnh ương.. Và của những kẻ luôn chiếm kỷ lục về sự vô học... Hóa ra, trong cuộc đời này, đâu phải cứ im lặng nghĩa là phục tùng hay khiếp sợ… mà im lặng lại chính là tột cùng của sự khinh bỉ mà thôi…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giấc mơ Trung cổ của Putin


Dina Khapaeva
Phạm Nguyên Trường dịch

Trong khi nhiều nước trên thế giới tìm cách sửa chữa những bất công về xã hội và chính trị mà quá khứ để lại thì nước Nga hướng về những bạo chúa, xây dựng tượng tượng đài vinh danh những nhà cai trị độc tài tàn bạo nhất. Đằng sau hiện tượng này là xu hướng bảo thủ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tìm cách đưa nền chính trị Nga trở về thời Trung Cổ.


Trong khi phần lớn các nước trên thế giới đang dỡ bỏ các tượng đài vinh danh những kẻ áp bức, thì người Nga lại đi theo hướng ngược lại: Dựng tượng cho các lãnh chúa thời trung cổ, những người nổi tiếng vì chế độ độc tài, tàn bạo của họ. Tìm hiểu quá trình hồi sinh này có thể cho ta thấy xu hướng chính trị của nước Nga.
Ivan Khủng Khiếp (1530-1584)

Tháng 10 năm 2016, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Văn hoá Nga, Vladimir Medinsky, tượng đài đầu tiên tưởng niệm Ivan Khủng Khiếp (Ivan IV Vasilyevich [tiếng Nga: Иван IV Васильевич; 1530 – 1584) là Đại công tước Moskva từ năm 1533 tới năm 1547. Ông là nhà cầm quyền đầu tiên của nước Nga chính thức xưng Sa hoàng (năm 1547). Trong thời gian cầm quyền kéo dài của mình ông đã chinh phục các hãn quốc Tartar và Xibia cũng như chuyển nước Nga trở thành một quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo. Trong lịch sử Nga, vị Nga hoàng này đơn giản được gọi là Ivan Grozny (tiếng Nga: Иван Грозный), và được dịch sang tiếng Việt thành Ivan Bạo Chúa, Ivan Lôi Đế, Ivan Khủng Khiếp hay Ivan Hung Đế vì những hành động tàn bạo của ông này – ND] được cắt băng khánh thành tại thành phố Oriol. Một tháng sau, Vladimir Zhirinovsky, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga, theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, kêu gọi đổi tên Đại lộ Lenin ở Moskva thành Đường cao tốc mang tên Ivan Khủng Khiếp. Tháng 7 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố một cách sai lầm rằng “rất có thể, Ivan Khủng Khiếp chưa từng giết bất cứ người nào, kể cả con trai ông ta”.

Hầu hết các nhà sử học đều đồng ý rằng Ivan xứng đáng với tên tuổi của ông ta; ông ta không chỉ giết con trai mình và những người họ hàng khác, mà còn ra lệnh thực hiện chính sách gọi là oprichnina, tức là chiến dịch thanh trừng trên khắp cả nước kéo dài từ năm 1565 đến năm 1572. Ông cũng là người đưa nước Nga tới thất bại trong cuộc Chiến tranh Livonian (1558–1583), và sai lầm của ông đã góp phần gây ra Thời kỳ Rắc rối (1601-1603) và suy giảm dân số nghiêm trọng (trong gia đoạn này dân số nước Nga giảm một phần ba vì đói kém – ND).

Trong thời hiện đại, Joseph Stalin là người khởi xướng tệ sung bái Ivan Khủng Khiếp. Nhưng, từ giữa những năm 2000, Đảng Âu-Á (Eurasia Party) của nước Nga - một phong trào chính trị do Alexander Dugin – một nhân vật huyền bí ủng hộ chủ nghĩa phát xít - đã chuyển sang lập trường coi Ivan là hóa thân tốt nhất của truyền thống Nga “đích thực”: Chế độ quân chủ độc đoán.

Tư tưởng Eurasianism (chủ nghĩa Âu-Á) của Dugin ủng hộ “thời trung cổ mới”, với một ít dấu tích còn lại của nền dân chủ Nga được thay thế bằng nhà nước độc tài tuyệt đối. Tương lai lý tưởng của Dugin là trật tự xã hội thời trung cổ, đế chế được phục hồi, và nhà thờ Chính thống sẽ nắm quyền kiểm soát lĩnh vực văn hoá và giáo dục.

Nếu trong những năm 1990, Eurasianism còn là hiện tượng ngoài lề, thì trong mấy năm gần đây đã được nhiều người ủng hộ, nhờ việc tham gia thành lập tổ chức gọi là câu lạc bộ Izborsky, liên kết với phái cực tả ở nước Nga. Putin đã nhiều lần nói tới Eurasianism như là thành phần quan trọng của hệ tư tưởng Nga; ông ta thậm chí còn gọi đấy là nguyên tắc nền tảng của “Liên minh kinh tế Âu-Á”, một khu vực thương mại đang phát triển của các nước thuộc Liên Xô cũ.
Eurasianism đã tạo cho các nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan cơ sở để liên kết lại với nhau. Nó cũng đã lập ra các biểu tượng của chủ nghĩa toàn trị, như Ivan Khủng Khiếp và Stalin, và những đám đông ủng hộ mới.

Eurasianism nằm là tư tưởng chủ đạo của Đảng Âu-Á, coi khủng bố chính trị là công cụ quản lý hiệu quả nhất và kêu gọi tiến hành chiến dịch “oprichnina mới” - cuộc cách mạng bảo thủ bài phương Tây. Theo Mikhail Yuriev, một thành viên hội đồng chính trị của Đảng Âu-Á và là tác giả của cuốn tiểu thuyết không tưởng The Third Empire, những người theo phái oprichnina phải là tầng lớp chính trị duy nhất và họ phải cai trị bằng sự sợ hãi.

Ivan Khủng Khiếp không phải là di sản duy nhất thuộc thời trung cổ được hồi sinh ở nước Nga. Từ vựng văn hoá cũng đang quay trở lại. Ví dụ, từ kholop có nghĩa là “nô lệ” đang quay trở lại với ngôn ngữ bản địa, đây là sự kế thừa về mặt ngôn ngữ, song hành với sự gia tăng đáng báo động của chế độ nô lệ hiện đại ở Nga. Dữ liệu từ Chỉ số Nô lệ Toàn cầu cho thấy hơn một triệu người Nga hiện đang là nô lệ trong các ngành xây dựng, quân sự, nông nghiệp, và mại dâm. Hơn nữa, những “chủ nô” còn vui vẻ tự coi mình là những ông chủ thời hiện đại.

Ngay cả các quan chức Nga cũng ủng hộ chế độ nô lệ hiện đại. Valery Zorkin, đứng đầu Toà Bảo hiến, viết trong tờ Rossiyskaya Gazeta, một tờ báo của chính phủ, rằng chế độ nô lệ từ lâu đã là “chất keo kết dính xã hội” Nga. Và một thuật ngữ thời trung cổ khác - lydi gosudarevy, có nghĩa là “người đầy tớ của bệ hạ” - các quan chức cao cấp đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ này.

Nỗi nhớ tiếc chế độ nô lệ đi kèm với ước muốn trở lại với chế độ chuyên chế. Những trí thức nổi tiếng của Nga – trong đó có nhà làm phim Nikita Mikhalkov, nhà báo Maksim Sokolov, và Vsevolod Chaplin, một giáo sĩ Chính thống Nga - kêu gọi tổ chức lễ đăng quang cho Putin, và thỉnh nguyện thư ủng hộ sự kiện này đang nhận chữ kí trực tuyến. Đáng nói là, các cuộc biểu tình phản đối chế độ của Putin trong năm 2012 đã được người ta giải thích là không phải nhằm chống lại chính Putin, mà là chống lại trật tự xã hội mà Eurasianism mong muốn.

Sự ủng hộ ngầm của Putin đối với tầm nhìn của Đảng Âu-Á về nước Nga tân-trung cổ làm người ta nhớ lại chủ nghĩa Stalin trong quá khứ. Theo Dugin, “Stalin đã tạo ra Đế Quốc Xô Viết”, và, tương tự như Ivan Khủng Khiếp, ông ta là hiện thân của “tinh thần của xã hội Xô Viết và nhân dân Liên Xô”. Không có gì ngạc nhiên khi các tượng đài Stalin cũng đang tiếp tục mọc lên trong các thành phố Nga .

Chủ nghĩa tân-trung cổ bắt nguồn từ hoài niệm về trật tự xã hội dựa trên sự bất bình đẳng, đẳng cấp và gia tộc, được duy bằng chính sách khủng bố. Việc đề cao những nhà cai trị độc tài trong quá khứ thể hiện thái độ gắn bó với các giá trị của thời tiền hiện đại, bài dân chủ và bất công. Đối với những người đang ủng hộ Ivan Khủng Khiếp, quá khứ là màn dạo đầu.

Dina Khapaeva là Giáo sư tiếng Nga tại Georgia Institute of Technology’s School of Modern Languages. Tác phẩm mới nhất của bà có tựa đề The Celebration of Death in Contemporary Culture (tạm dịch: Tán dương chết chóc trong nền văn hoá đương đại).


Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/russia-resurrecting-ivan-the-terrible-eurasianism-by-dina-khapaeva-2017-12

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc đầu thú kỳ lạ và đẫm nước mắt




Nước mắt rơi và tiếng khóc vang lên ở bến đò Đak Ngo.

Xin giới thiệu một bài báo năm 2016, và lời bình ngày 03/01/2018 của hai nhà báo liên quan, trước và sau khi bản án đã tuyên.

Trương Châu Hữu Danh (02.01.18) : Vụ án này, LS Nguyễn Kiều Hưng, anh Mai Quốc Ấn và tôi đi đưa Hiến ra đầu thú. Anh Hưng đã lái xe xuyên đêm để đến rừng vào rạng sáng. Chúng tôi đã động viên họ, nói rằng pháp luật luôn công bằng. Vụ này, nếu Hiến bị tuyên nặng thì chúng tôi sẽ ám ảnh mãi...

Mai Quốc Ấn (03.01.18) : Tòa tuyên Đặng Văn Hiến án tử hình. Nhưng tòa chưa tuyên được những tội trạng mà Nghiêm Xuân Thiên Sửu và đồng bọn đã gây ra ở Tuy Đức, Đắk Nông một cách đầy đủ. Tòa cũng chưa tuyên được sự tắc trách của chính quyền địa phương (ở đây tôi dùng từ tắc trách là nhẹ). 


Tôi sẽ không viết gì về vụ án trong hôm nay vì thực sự tôi đang mệt mỏi vô cùng. Nhưng nếu không viết tiếp, có lẽ tôi nên bỏ nghề viết. Ngày mai tôi sẽ cố viết toàn cảnh vụ việc này để các bạn hiểu hơn về vụ án chấn động này.

Rất nhiều cái tên chưa được nêu ra trước pháp luật thì không có nghĩa họ sẽ thoát Nhân - Quả của Luật Trời!

Chỉ mong phiên tòa phúc thẩm; Hiến còn cơ hội sống.


Trương Châu Hữu Danh (03.01.18) : Vụ án này, trước khi Hiến đầu thú, tôi đã có mấy ngày đến nhà các nạn nhân của Hiến. Tất cả nạn nhân đều khổ, rất nghèo khổ, và không biết chữ. Nhiều người là đồng bào chưa đủ tuổi lao động. Vì miếng cơm, họ bị ông chủ đưa vào rừng với gậy gộc và dao búa để tấn công những người nghèo khác, để làm giàu cho những ông chủ tán tận lương tâm. Thấp thoáng phía sau những ông chủ này là những cán bộ vô trách nhiệm, thoải mái cho dân ta tàn sát dân mình.


Hiến giết 3 mạng người trong bước đường cùng, bởi trước khi gia đình Hiến bị tấn công, máu dân làng đã nhuộm đỏ từng gốc cây, ngọn cỏ. Có người bị chém bay một phần sọ trong sự dửng dưng của đám cổ cồn.


Những nạn nhân của Hiến và chính Hiến, là nạn nhân của sự tham tàn vô độ của những kẻ ăn trắng mặc trơn, sống trên máu và mồ hôi của người yếu thế. 


Hôm nay Hiến bị tuyên tử hình. 


Nếu Hiến bỏ trốn, có thể Hiến đã thoát sang biên giới, và vụ án không thể sáng tỏ. 


Cũng có thể trên đường trốn chạy, sẽ có súng nổ máu đổ...Cũng có thể ai đó đi rừng sẽ phát hiện một bộ xương trắng nằm cạnh khẩu súng ở một bờ suối nào đó.
...
Nhưng Hiến đã nhờ anh Hưng và Ấn, Hứa Phương, đưa ra đầu thú.


Nếu thời gian có quay trở lại, tôi / tôi nghĩ là chúng tôi - vẫn phải đưa Hiến ra đầu thú. Không thể khác được. 


(ANTG 15/11/2016) Bị can Đặng Văn Hiến và bị can Ninh Viết Bình trong vụ án nổ súng tại Đak Nông làm 3 người chết vào ngày 23-10-2016 đã ra đầu thú. Đó là một cuộc đầu thú rất kỳ lạ và đầy nước mắt.
  
Ban đầu dân rất nghi ngờ nhà báo. Sau khi tiếp xúc và tạo được lòng tin, họ bắt đầu kể....

Máu đổ nơi đất đỏ

Người dân xã Đak Ngo, xã Quảng Tín, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông và xã Đak Nhau, xã Đường 10, huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước đa phần đều biết nhau. Lý do là khi lập tỉnh mới, tên Đak Nông nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Đak Lak vào năm 2004 về mặt hành chính còn thực tế dân cư đã đến đây từ trước đó. Trước khi nổ súng, Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình cũng được bà con ở các xã này biết đến.

Ngày 25-10, hai ngày sau vụ nổ súng, tôi vào Đak Ngo một mình. Từ TP.HCM đến hiện trường vụ án phải đi 180km. Trong đó có khoảng 20km đường băng qua rẫy điều, qua sông Bé chảy xiết, vượt những con dốc đứng và sương mù. Riêng muỗi ở đây thì nhiều vô kể. 

Dù giữa trưa nhưng vào bóng râm thì tôi vẫn gửi lại vài giọt máu cho bọn chúng mỗi ngày. Nhờ có một người dân địa phương dẫn đường và giới thiệu rằng "anh này không phải người của công ty Long Sơn" nên dân ở đây bớt sự cảnh giác.

Họ kể cho tôi nghe rất nhiều. Và khi tôi hỏi đến các cái tên liên quan đến vụ án, người dân im lặng. Tôi thuyết phục họ rằng nếu đầu thú thì sẽ hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Một người dân nói bâng quơ: "Đầu thú ở huyện Tuy Đức với tỉnh Đak Nông thì chả ai dám đâu...". 

Tôi biết "cơ hội" đã đến nên nói ngay: "Nếu bà con tin tôi, tôi sẽ báo cáo cơ quan để liên hệ Bộ Công an cho các đối tượng đầu thú. Tôi cũng sẽ liên hệ với luật sư vì người nghèo để hỗ trợ pháp lý  cho họ." Những người dân nhìn tôi rồi nhìn nhau. Tôi để lại số điện thoại và nói: "Nếu bà con liên hệ được với các đối tượng thì hãy nhắn lời của tôi. Tôi hứa sẽ giúp họ hết sức".

Tôi đến nhà Đặng Văn Hiến. Ngôi nhà tồi tàn nằm chơ vơ giữa rẫy. Hai con chó nằm im vì đói. Bà Nguyễn Thị Khải (56 tuổi, dân địa phương) cho biết Hiến là một người "hiền như đất", chỉ biết làm và làm để nuôi vợ và hai con. Hiến không hút thuốc và cũng chẳng uống rượu bao giờ. Ngôi nhà có rất nhiều vết đá ném, một tấm vách gỗ trên gác nằm dưới đất vì Hiến đạp văng ra và nổ súng. 

Bà Khải nói nhiều tờ báo viết sai vì khoảng 5 giờ sáng công ty đã bắt đầu san ủi, trời mưa rất to và Hiến bị 34 người bao vây căn nhà chứ không phải 28 người.

Tôi rời Đak Ngo trên chiếc thuyền sắt nhỏ có gắn dây ròng rọc do người kéo. Chủ thuyền tên Dũng cũng là một người dân từng bị đánh, bị bắn. Vết sẹo trên thân anh, nơi chân anh khiến tôi không dám nhìn lâu. Trước đó, vợ anh kể về chiếc cầu qua sông bị "người của công ty đốt", về trận đòn khiến chị văng cả đứa con 4 tháng tuổi xuống đất...

Kế hoạch đón bị can

Khoảng 11 giờ trưa ngày 26 - 10, một người phụ nữ (xin giấu tên) gọi cho tôi. Chị nói về Đặng Văn Hiến, chị cứ nhắc đi nhắc lại câu "con giun xéo mãi cũng oằn" khi nói về lý do nổ súng của Hiến. Tôi trấn an chị và hứa sẽ gọi lại cho chị sau khi báo cáo cơ quan và liên hệ Bộ Công an. Khi ấy tôi đang trên xe khách về Tp.HCM.

Sau khi báo cáo xong, tôi gọi điện cho Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an. Tướng Tiến nói nếu đối tượng ra đầu thú là rất tốt và có 2 phương án: "Nếu đối tượng đã rời địa phương thì đến Bộ Công an khu vực phía Nam đầu thú. Nếu đối tượng vẫn còn tại địa phương thì C45 sẽ cử trinh sát lên đón".

Chiều tối cùng ngày, tôi làm việc với Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó phòng trinh sát C45 và trình bày những điều mình biết. Tuy nhiên, khi anh Huấn đề nghị tôi cung cấp số điện thoại của người phụ nữ đã gọi điện báo tin thì tôi từ chối: "Dạ thưa anh, báo chí tụi em có một nguyên tắc là bảo vệ nguồn tin. Em sẽ hỏi ý kiến của họ rồi báo lại anh". Anh Huấn có vẻ bực trước sự "bướng" của tôi. Bất ngờ điện thoại đổ chuông. Nguồn tin gọi.

Tôi nghe điện thoại và cho biết mình đang ở Bộ Công an và báo cho chị ấy biết kế hoạch đón Hiến ra đầu thú. Tôi cũng nói với chị tôi đã thuyết phục luật sư Nguyễn Kiều Hưng của Hãng luật Giải Phóng sẽ hỗ trợ cho Hiến về pháp lý. 

Hai lần tôi đề nghị chuyển máy cho chị gặp Thượng tá Huấn nhưng chị từ chối vì "chỉ muốn nhờ nhà báo chuyển lời thôi". Tôi nói, "Công an có nghiệp vụ của họ và việc chị nói chuyện với anh Huấn cũng là giúp Hiến đấy". Anh Huấn nói chuyện với nguồn tin của tôi nhẹ nhàng và cho chị ấy cả 2 số điện thoại của anh.

Đêm đó nguồn tin của tôi báo cho anh Huấn vào giữa khuya rằng Đặng Văn Hiến quyết định ra đầu thú.

Trong đêm, tôi và đồng nghiệp Hữu Danh cùng luật sư Kiều Hưng xuất phát trước, lúc 20h30 và đến ngã tư Bom Bo lúc 0h30. Một đồng nghiệp khác tên Hứa Phương xuất phát cùng Thượng tá Huấn lúc 3h sáng. Đêm đó tôi không ngủ vì ho đến gập cả người vì trận mưa rừng quái ác hôm trước. Dân địa phương gọi là "ngã nước" (một dạng trúng phong hàn). Nhiều người đã ra đi vĩnh viễn vì ô yên chướng khí khi khẩn hoang ở nơi có tiếng súng nổ...

Đầu thú trong nước mắt

Tôi cùng hai đồng nghiệp Hữu Danh, Hứa Phương và các trinh sát hẹn gặp lúc 5h sáng ngày 28-10-2016. Ăn sáng qua loa xong chúng tôi chạy đến điểm hẹn với nguồn tin. Tại đây, những chiếc xe máy được quấn xích để chở chúng tôi đến nơi đón Hiến.

Vượt qua những con dốc đứng và trời mờ sương, chúng tôi đến bến thuyền kéo bằng dây ròng rọc. Qua đò xong thì người dân đã chờ sẵn. Chúng tôi đi bộ chừng 2km vào rẫy điều. 

Chỉ cho các trinh sát những thân điều bị chặt, bị đốt, người dân khẳng định: "Đây là hậu quả của công ty Long Sơn gây ra!". Chúng tôi lại đi tiếp đến một khu đất khác cỏ cây um tùm và có một ngôi nhà hoang. Hiến tự bước ra khi chúng tôi đến. Không có cảnh trấn áp, không có cảnh còng tay. 

Một số trinh sát đứng lại, chỉ có hai cảnh sát bước đến nói: "Hiến cứ bình tĩnh ngồi nghỉ đã!". Một trinh sát hỏi Hiến có muốn hút thuốc cho bình tĩnh không thì Hiến từ chối vì "em không biết hút đâu!". Nhiều người dân hôm đó cũng nói Hiến không hút thuốc, uống rượu.

Và Hiến bật khóc ngon lành khi được cán bộ vỗ vai hỏi: "Hiến có đói không?". Hiến không đói mà chỉ muốn nói. Nói trong nước mắt.

Hiến vừa nói vừa khóc và bà con đi cùng để dẫn đường cũng khóc. Câu chuyện của Hiến cũng là nỗi lòng của họ. Bị lấy đất, không đền bù hoặc đền bù không thỏa đáng, cây cối đến kỳ thu hoạch bị ủi ngã, nhà cửa bị đập phá, bản thân và gia đình bị đánh đập. Rạng sáng đó Hiến muốn xông ra cứu vợ nhưng "người ta" không cho. Hiến quyết định liều mạng...

Hai cán bộ trinh sát ngồi cạnh Hiến cũng mắt đỏ hoe. Tôi tin họ tìm thấy "điều gì đó" trong câu chuyện của Hiến.

Hiến được đề nghị bịt mặt bằng khẩu trang và lên đường. Trên đường đi, qua những con dốc đứng mà xe máy chở ba không thể chạy nổi, Hiến cùng người áp giải mình phụ đẩy xe lên dốc. Nhìn họ, tôi nghĩ đến những nông dân giúp nhau đẩy xe trên đường vào rẫy mà tôi gặp vài ngày trước khi đến hiện trường...

Đến nơi có người họ hàng ôm con chờ Hiến, tiếng khóc dậy lên xung quanh tôi. Khi Hiến ôm hôn con, đứa trẻ chỉ hơn 2 tuổi và hỏi: "Sao con không nói gì với bố? Sao con không nói gì với bố vậy?". Những người phụ nữ đen nhẻm vì lao động khóc nức nở, những người đàn ông tay chân to bè mắt đỏ hoe. Và tôi thấy một chiến sĩ trinh sát quay mặt lau nhanh giọt nước mắt...

Khi mẹ nuôi của Hiến ôm con trai ở bến đò xã Đak Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông. Hiến nói: "Đáng lẽ hôm nay là ngày chở vợ con về nhà các cụ chơi. Vậy mà...". Tiếng khóc lại vang lên. Đầy ám ảnh!

Ra đến xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước thì người dân nơi này lại ra ôm Hiến. Dân cả hai nơi hứa sẽ lo cho vợ và hai con của Hiến.

Cũng trong ngày Hiến đầu thú, đã thấy nhiều cái ôm, nhiều bàn tay nắm lấy tay Hiến. Có nhiều người nghe Hiến đầu thú đã lội rừng cả chục km để tiễn Hiến. Tôi hỏi: Hiến có muốn nói lời gì trước khi đi đến cơ quan điều tra không? Hiến nói bằng giọng dân tộc lơ lớ: "Không biết nói gì đâu. Chỉ mong vợ nuôi hai con nên người tử tế. Mong bà con giúp đỡ vợ".

Khi Hiến hôn con trước khi các trinh sát C45 lái xe đưa đi, nước mắt tôi tự nhiên lại chảy ra...

MAI QUỐC ẤN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái chết của những người khốn cùng!




Ba bị cáo nắm lấy tay nhau trước khi tòa tuyên án.

Chiều nay, 3-1, đầu năm dương lịch 2018, Tòa án Nhân dân  tỉnh Đắc Nông đã tuyên tử hình đối với bị cáo Hiến, người đã nổ súng vào đoàn cưỡng chế bất hợp pháp của công ty Long Sơn, khi đoàn người này tổ chức phá rẫy điều có hàng chục năm tuổi của nhà Hiến.

Sau khi nổ súng làm chết người, Hiến đã đã bỏ trốn, nhưng sau đó, Hiến liên hệ với nhà báo và luật sư để đề nghị được đưa ra đầu thú với Bộ Công an, vì Hiến không tin vào công an địa phương. 

Hôm nay, tòa tuyên án Hiến mức tử hình.

Tôi muốn nói đến những cái chết, trong vụ án này.

Đó là cái chết của những nạn nhân, là công nhân của công ty Long Sơn. Trong đó, có những em chưa đủ 18 tuổi, được công ty thuê làm công nhân, được công ty trang bị gậy, khiên, mũ…để tấn công vào những người dân đã sinh sống yên ổn trên mảnh đất mà họ khai hoang. 

Tôi khẳng định rằng đất đó do người dân khai hoang trước khi được giao cho công ty Long Sơn, bởi, những cây điều trên đất ấy, có độ tuổi nhiều hơn thời gian mà công ty Long Sơn được giao đất. 

Cậy mình có quyết định giao đất, công ty cho nhân công, dùng công cụ hỗ trợ, và cả lợi dụng những người dân ít hiểu biết pháp luật, thậm chí, còn chưa đủ tuổi vị thành niên tham gia cưỡng chế, cướp rẫy của người dân. Đẩy họ vào cảnh khốn cùng.

Và những nạn nhân trong vụ án này, cũng là những người khốn cùng, vì miếng cơm manh áo mà phải đi làm thuê, nghe lời ông chủ, bất chấp sai đúng, tấn công người khác để mục đích cuối cùng là cướp được rẫy cho ông chủ. Cái chết của các em thật oan ức!

Trước khi xả súng vào đoàn công nhân của công ty Long Sơn, Hiến đã nổ súng chỉ thiên cảnh cáo, nhưng đoàn người vẫn xông lên với máy móc rầm rộ tiến vào phá rẫy. Bức xúc, Hiến xả súng.

Hậu quả, 3 người chết.

Hôm nay, tòa tuyên Hiến tử hình, nghĩa là sẽ chết.

Nhưng diễn biến phiên tòa cho thấy, Hiến, cũng giống như nhiều người dân di cư từ Bắc, hoặc miền Trung vào khu vực Tây Nguyên cũng đã bị đẩy vào cảnh khốn cùng. Nếu không ngăn lại sự trắng trợn của công ty Long Sơn thì Hiến và gia đình mình, cũng như nhiều người dân khác, không biết sẽ đi đâu, về đâu, khi cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời, cả gia đình Hiến đã dành cho miếng rẫy ấy.

Không ai muốn chết cả. Cả ba nạn nhân trong vụ án, lẫn Hiến.

Họ, ở khía cạnh nào đó, đều là nạn nhân của sự cưỡng bức tập thể của doanh nghiệp, nạn nhân của những kẻ cướp rẫy không coi pháp luật và quyền tài sản của người khác ra gì. Họ là những người khốn cùng.

Ba nạn nhân kia là những người khốn cùng, làm việc sai trái dưới sự chỉ đạo của Long Sơn.
Hiến, trở thành kẻ khốn cùng bị tuyên án chết bởi pháp luật.

Vậy, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã xem xét đến bối cảnh phạm tội của Hiến chưa? Nguyên nhân nào dẫn đến thảm cảnh ấy chưa? Đã xét đến quyền tài sản, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe và sự bất khả xâm phạm đến tư gia của mình chưa? Tôi nghĩ là chưa!

Tại sao tòa lại không thấu đáo đến thế? Khi nghe tuyên án, tôi nghe giọng chủ tọa là người Bắc, ông, hẳn cũng là dân ngụ cư, mới vào Đắc Nông để sống, vẫn còn giữ được nguyên chất giọng, cũng như Hiến và nhiều người dân khác.

Thực ra, vụ án này, có thể xử Hiến ở tội khác cũng được, tội giết người trong trạng thái bị kích động mạnh cũng được. Hoặc mức án thấp hơn mức tử hình nhiều, vì Hiến có đến 3 tình tiết giảm nhẹ, và người bị hại, là người có lỗi.

Vậy sao HĐXX vẫn phải tuyên một bản án? Họ có thấy những điều tôi nêu không? Có chứ. Nhưng sao vẫn tuyên? Tôi hiểu rằng, bản án ấy tuyên để “dằn mặt” những người dân hiền lành nhiều hơn là căn cứ pháp lý?

Trong bối cảnh chống tham nhũng khắp nơi như hiện nay, thì người cầm cân nảy mực, sợ nhất là thiếu sự công minh! Bởi, nay không công minh cho người khác, thì mốt, sẽ không công minh cho chính họ! Thế thôi!

Tôi hy vọng và trông chờ vào phiên phúc thẩm của tòa cấp cao tại TP.HCM!

FB HOÀNG ĐIỆP 03.01.2017



Phần nhận xét hiển thị trên trang