Cách đây gần 20 năm, chúng tôi đã có những tháng năm trai trẻ thật đẹp đẽ, rong ruổi trên vùng Tây Nguyên và Đà Lạt. Khi tìm hiểu các địa danh Dalat, Dak Nong, Dak Min, Dak Song… ký âm bằng Pháp ngữ, chúng tôi đã lờ mờ nhận ra sự gần gũi của chúng với Lạc Việt.
Sau này tiếp xúc với “Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố Lạc”, của Nguyễn Kim Thản, Vương Lộc, tạp chí KHXH, 1974; chúng tôi đã tin Lạc 駱 trong Lạc Việt mang nghĩa là Nước như kết luận của tài liệu. Âm Nước cổ đã được người Hán ký âm bằng Hán tự thành Lạc 駱. Nhân loại nói chung, có hai khuynh hướng gọi địa bàn sinh sống của một cộng đồng dân cư là Nước hoặc Đất, trước khi những khái niệm tiền quốc gia ra đời.
Trực giác nói với chúng tôi như thế, nhưng cuối cùng, mãi đến hôm nay các chi tiết và công cụ ngữ âm học mới được tập hợp đầy đủ để chứng minh điều này.
Một lễ hội giỗ tổ Lạc Việt Vương tại Quảng Tây, châu thổ Tây giang, năm 2016.
Tiền ngữ
Toán học là một hình thức ngôn ngữ đặc biệt, và khi người ta viết số Một xuống bất cứ chất liệu nào cũng chính là lúc chữ Nhất ra đời. Do đó trong ngôn ngữ luôn có logic toán học. Hãy xét qua các công thức xây dựng từ vựng mang nghĩa quốc gia ở Hán ngữ:
Khu 區 (vùng đất) +Qua 戈 (vũ khí) -> Vực 或 (chỉ quốc gia) + Vi 囗 (tường thành) -> Quốc 國 (quốc gia).
Vi 囗 (tường thành) + Tiết卩 (hình nhân quỳ gối) -> Ấp邑 (chỉ khu vực quần cư) + Phong 丰 (bộ Thổ 土, nghĩa là tươi tốt, rậm rạp, to lớn) -> Bang 邦 (đại quốc, nước lớn).
Như vậy tiền ngữ của Bang và Quốc đều là cương thổ được trừu tượng hóa dần lên trở thành quốc gia. Đó chính là nguồn dẫn để chúng tôi kết luận chữ Việt bộ Ấp trên thanh gươm Câu Tiễn cũng chỉ cương thổ, hay chính xác hơn là bắt nguồn từ tiền ngữ cương thổ. Âu và Việt thời Tây Hán gần như đồng âm. Chữ Việt ngày nay người Phúc Châu vẫn đọc là Âu. Từ đó suy ra Âu cũng nghĩa là cương thổ. Nó khớp hoàn toàn với tự nghĩa Kim Âu trong tiếng Hán. Cũng cần phải nhắc thêm âm Âu với tiền ngữ đất rất nhiều lần đã đứng trong tên gọi các tiểu quốc vùng cửa sông Dương Tử: 漚深 Âu Thâm, 越漚 Việt Âu, 甌鄧 Âu Đặng (Dật Chu Thư, tên các quốc gia đầu nhà Thương).
Nếu người Hoa Bắc gọi tổ quốc là Sơn Hà (đất nước), người Hoa Nam lại đảo ngược thành Giang Sơn (nước đất). Trong 5 tỉ chữ Hán từ các sách vở Trung Quốc đã số hóa tại Chinese Text Project, từ nhà Hán trở về trước, Sơn Hà 山河 được dùng 47 lần, Giang Sơn 江山 chỉ xuất hiện 8 lần. Từ nhà Ngụy trở về sau Sơn Hà được dùng 386, Giang Sơn vẫn thấp hơn và ở mức 357 lần. Thống kê này ghi nhận ảnh hưởng ngôn ngữ phía nam lên phía bắc, suốt quá trình nam tiến của người Trung Quốc.
Từ đó chúng tôi kết luận tiền ngữ chỉ ý niệm sơ khởi của quốc gia ở phương nam sẽ phải tồn tại hình thức Nước, vùng Nước. Theo nhu liệu ngữ hệ Austronesian, các ngôn ngữ có âm nước như sau: Tiền Mon Khmer [*ɗaak], Mon [daik], Lào [nâm], Thái [nam], người Basay gốc Austronesian ở mỏm bắc đảo Đài Loan [lanum]. Một số tộc người gốc Austronesian trên Tây Nguyên Việt Nam vẫn dùng Đạ, Dak nghĩa là nước, vùng nước, sông suối nhưng hàm ý xứ sở.
Bám vào những dòng sông
Đi đến không gian Lạc Việt, chúng tôi phải bám vào Trường giang và Hồng hà, bởi Hán sử đã nhắc đến người Lạc Việt phía bắc tận Kinh Châu, ở giữa là Quảng Tây và cuối cùng tại châu thổ sông Hồng.
Chữ Hán 江 giang chỉ sông Trường giang, từ thời Chu đến Minh đọc là [krōŋ]. Đó chính là âm Mon Khmer của từ Sông trong tiếng Việt. Khi người Mon Khmer còn làm chủ con sông Trường Giang, họ gọi các nhánh nhỏ đổ vào sông mẹ bằng một âm gì đó mà người Hán ký âm thành Đà 沱. Âm Tây Hán trở về trước của Đà 沱 là [l(h)āj], Đông Hán là [l(h)ǟ] và Đường âm là [d(h)ā]. Đây là định nghĩa của Đà 沱 trong sách vở Trung Quốc: ở miền nam sông lớn gọi là Giang, sông nhánh gọi là Đà. Tuy nhiên chúng tôi nhìn rộng hơn, Đà沱 có lẽ chỉ sông nhỏ, sông nhánh, suối lớn. Dalat (dòng suối của người Lat) và phụ lưu Đà giang của Hồng hà chứng minh điều đó.
So sánh các âm qua các thời kỳ của chữ Hán Đà 沱 với âm chỉ Nước tiền Mon Khmer [*ɗaak] ở trên, chúng tôi thấy nó gần như đồng nhất với nhau. Nói cách khác Hán âm đã tuân thủ âm bản địa của Đà 沱 và chúng là một tại Đường âm.
Và từ chỉ quốc gia dùng tiền ngữ nước, trừu tượng hóa nước để thành quốc gia đầu tiên mà chúng tôi đã tìm thấy chính là Đô 都. Vì nhu liệu của S. Starostin không có liệt kê lịch sử ngữ âm của Đô. Chúng tôi phải đi đường vòng: Tự điển ghi nhận Đô đọc là Đương Cô Thiết (當孤切), nghĩa là nói lái thành Đô Cương và giữ Đô lại. Từ đây chúng tôi tra lịch sử ngữ âm của Cô 孤 và lấy nguyên âm của nó. Từ thời Chu đến Đông Hán sẽ là nguyên âm A, nghĩa là Đô lúc ấy đọc là Đa. Đời Đường tương ứng nguyên âm Ô, lúc này nó là Đô. Hoán chuyển A thành Ô chúng tôi thấy được lập lại ít nhất là ở chữ Phụ 父: Hán âm của nó là [bá] và Đường âm là [bwó].
Bộ Ấp trong chữ Đô 都 ghi nhận nghĩa của từ Đô là quốc gia. Chu Lễ viết: Cự quốc ngũ bách lý vi đô – Nước rộng năm trăm dặm gọi là Đô. Đa/Đô 都 không có trong giáp cốt văn, rõ ràng đây là ngôn ngữ Dương Tử đã được người Hoa Hạ ký âm và sử dụng muộn nhất là từ thời Chu.
Lạc Việt
Lạc Việt chỉ bắt đầu xuất hiện vào thời Tây Hán. Chúng ta có 3 chữ Lạc tạo nên Lạc Việt: 雒越 , 駱越 , 貉越. Đây chắc chắn là Hán tự ký âm phương ngữ Lạc Việt. Ba bộ chỉ ý nội dung mang tính miệt thị: 隹 chuy, một giống chim. 馬 mã, là ngựa. 豸trĩ, một loài sâu. Người ta dùng một chữ duy nhất chỉ âm là 各 các. Từ thời Chu đến Minh, âm Các đều đọc là [kāk]. Chúng tôi không khớp nối được với Đà 沱. Tuy nhiên khi dùng một chữ đồng âm với các chữ Lạc trên, bộ thủy, tên một con sông ở Hoa Bắc thì sự tương đồng lại hiện ra: Lạc 洛 Đông Hán trở về trước đọc là [rhāk], trở về sau đọc là [lhāk] hoàn toàn khớp với âm Đà 沱 Đông Hán là [l(h)ǟ].
Như vậy Lạc trong Lạc Việt là lần ký âm thứ hai chữ Đà 沱 chỉ nước, sông nhánh hay vùng nước đã được trừu tượng hóa thành xứ sở của một bộ lạc. Lần thứ nhất là chữ Đa/Đô 都, dùng cho nước nhỏ. Với Lạc Việt, chữ Lạc dùng chủ yếu cho các bộ lạc còn chậm phát triển. Những ngữ ý miệt thị rất đáng trách bị lạm dụng, chắc chắn đã được viết ra bởi một viên thư lại Hán triều thiếu tư cách, phẩm giá và tri thức.
Khi Việt không còn là tên riêng của nước Việt ở cửa sông Dương Tử, từ bộ Ấp chỉ quốc gia, nó chuyển qua bộ Tẩu và biến thành từ phiếm chỉ các nhóm bộ lạc hoặc tiểu quốc giang nam. Người Hán đã căn cứ trên tiền ngữ chỉ ý niệm quốc gia của họ để đặt tên cho phân nhánh Thái có gốc tích từ Điền Trì ở Vân Nam xuôi xuống Trường giang, Tây giang và Hồng hà, chủ nhân văn hóa trống đồng. Lạc Việt ra đời từ đó.
Kết luận
Chúng ta không thể tìm một sự tương đồng tuyệt đối khi dùng ngôn ngữ này ký âm một ngôn ngữ khác, đặc biệt là với chữ Hán đơn âm tiết, một âm thường là cách đọc của rất nhiều chữ mà nó vay mượn. Chẳng hạn từ Europe được người Hán ký âm là Âu Châu 歐洲 (ōu zhōu), chỉ hao hao giống âm gốc mà thôi. Do đó tỉ lệ tương đồng các Hán tự ký âm đã liệt kê trên đây là rất cao, độ thuyết phục có thể chấp nhận được.
Các biện giải ở đây dựa vào nghiên cứu lịch sử ngữ âm Hán của S. Starostin, chúng tôi tin rằng chúng sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, cũng như chưa chắc chuẩn xác tuyệt đối. Kết luận của bài viết này nên được tham khảo và tiếp tục đi sâu hơn.
@12.2017 T.T.Du
Phần nhận xét hiển thị trên trang