Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Buộc phải buông lời “diệt trừ tận gốc”


Đoạn này hay: "Nếu để giản tiện nhất thì chỉ cần học tốc ký, vẫn có đủ các ký hiệu để biểu đạt. Nhưng vì sao ta lại không thể thay chữ quốc ngữ bằng tốc ký? Là vì chữ viết không chỉ là ký tự đơn thuần. Văn tự với tư cách là một phương diện biểu hiện của ngôn ngữ luôn gắn bó với văn hóa, tâm hồn dân tộc, nó còn là tâm hồn, văn hóa của dân tộc". Có những quy tắc không phải là ngẫu nhiên, mà có dụng ý cả. Ví dụ, cách viết i, y. Sao lại viết là con đĩ? Tên người thì lại thường viết y (My, Sỹ, Vỹ…). Là vì y có đường nét dài, đẹp hơn (đó là giá trị hội họa của mỗi con chữ). Đây chính là sự tinh tế trong cách viết…
Buộc phải buông lời “diệt trừ tận gốc”
01/12/2017 Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Đại học KH-XH&NV, trong số các dư luận phản ứng đối với đề xuất, có một số ý kiến đã làm tổn thương đến cá nhân và cả người thân PGS.TS Bùi Hiền. Nhưng xét về nguyên nhân sâu xa, phải chăng đề xuất đó đã động chạm, làm tổn thương đến cái văn hóa sâu thẳm trong lòng người dân nước Việt, nên người ta buộc phải buông ra những lời để “diệt trừ tận gốc”?!

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn 
Việt ngữ học, Đại học KH-XH&NV. Ảnh: Trần Hải.
Chữ viết là văn hóa, là quốc hồn của dân tộc
Đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Theo tôi, phương án anh Hiền đề xuất thực ra không phải là cái gì cao siêu, mới mẻ. Trước đây đã có nhiều người nghĩ tới phương án này nhưng không thành. Cách anh Hiền làm là muốn giản tiện cách viết từ ngữ. Nó khá giống ngôn ngữ “chat chit” – một thứ tiếng lóng của giới trẻ.
Theo PGS.TS Bùi Hiền thì nếu thực hiện cải cách sẽ giản tiện được bộ chữ cái, khiến cho mọi người tiết kiệm được thì giờ, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập văn bản trên giấy, trên máy tính. Như vậy sự giản tiện mà ông vừa nói tới có phải là một ưu điểm không?
Anh Hiền nghĩ rất đơn giản. Có lẽ anh không suy nghĩ sâu đến bản chất của ngôn ngữ. Anh coi chữ viết chỉ là ký tự thuần túy. Và khi anh muốn giản tiện nó mà không nghĩ một vấn đề khác của khoa học là khi anh viết như vậy thì sẽ đẩy số lượng từ đồng âm lên rất lớn và làm cồng kềnh bộ nhớ rất nhiều.
Ví dụ, anh đề xuất chữ Ch, Tr đều viết là C: quả chanh, bức tranh đều viết thành can. Vậy khi dạy từ can thì trẻ em hay người nước ngoài học tiếng Việt sẽ rất khó nhớ và khó thuộc vì hai từ vốn khác nhau này lại thành ra hai từ đồng âm.
Như vậy, giản tiện về cách viết nhưng lại quá phức tạp cho bộ nhớ và gây ra phiền toái trong sử dụng.
Như vậy dường như PGS.TS Bùi Hiền chưa hiểu tính quy luật và bản chất của ngôn ngữ?
Đúng vậy. Không chỉ riêng chữ quốc ngữ mà chữ viết của dân tộc nào cũng có những bất hợp lý không thể khắc phục. Việc đưa ra đề xuất như anh Hiền là một suy nghĩ thiếu chín chắn.
Trước đây, một số nhà nghiên cứu sốt sắng đưa ra loại văn tự gọi là “Quốc tế ngữ” làm văn tự chung cho các quốc gia đã bị thất bại, vì ký tự thuần túy chỉ là thứ vô hồn. Học quốc tế ngữ người ta sẽ không thấy văn hóa riêng của nước Pháp, không thấy văn hóa riêng của nước Anh, không thấy của nước Mỹ…
Và nếu để giản tiện nhất thì chỉ cần học tốc ký, vẫn có đủ các ký hiệu để biểu đạt. Nhưng vì sao ta lại không thể thay chữ quốc ngữ bằng tốc ký? Là vì chữ viết không chỉ là ký tự đơn thuần. Văn tự với tư cách là một phương diện biểu hiện của ngôn ngữ luôn gắn bó với văn hóa, tâm hồn dân tộc, nó còn là tâm hồn, văn hóa của dân tộc.
Tính từ thời điểm chữ quốc ngữ ra đời, có biết bao tác phẩm nghệ thuật, bao đền đài, văn bia… được ghi bằng chữ quốc ngữ hiện hành. Thứ chữ ấy đã thấm đẫm ý thức tâm linh, văn hóa dân tộc.
Nổi tiếng kiểu “kẻ đốt đền”
PGS.TS Bùi Hiền. Ảnh:NĐT.
Theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Hiền, thì đề xuất chính là tâm huyết và ông mất nhiều năm để nghiên cứu. Đứng ở góc độ một nhà khoa học, điều đó cũng đáng trân trọng, thưa ông?
Tôi lại thấy thật đáng tiếc về điều này. Lẽ ra anh Hiền nên nghiên cứu một đề tài khác có ích và có kết quả thiết thực hơn. Đây là hiện tượng  không hiếm trong khoa học. Đôi khi mình lạc hậu với tình hình nhưng lại nghĩ mình là người có tinh thần cải cách.
Cũng có thể do anh Hiền xuất thân từ một nhà ngoại ngữ, chứ không phải là nhà ngôn ngữ thực thụ, cho nên tri thức về ngôn ngữ học của anh cũng có hạn. Anh tưởng đó là một phát minh. Nhưng đối với những người trong ngành như chúng tôi thì nó là quá cũ.
Nhưng theo tôi, mọi người đều có quyền nghiên cứu, đề xuất chứ? Ông có nhận xét gì về cách phản ứng của dư luận đối với PGS.TS Bùi Hiền?
Dư luận đã dùng những lời lẽ vô cùng nặng nề đối với anh Hiền, điều này theo tôi sẽ không chỉ  gây tổn thương cho anh Hiền và còn cả với người thân của anh ấy, khi họ đọc được hẳn cũng rất buồn.
Tôi không đồng tình với cách ứng xử đó. Vì việc nghiên cứu rồi đưa ra kết quả nghiên cứu, đề xuất là quyền của mỗi người. Kết luận đúng sai cần dựa trên tinh thần khoa học, căn cứ khoa học chứ không thể dựa vào xúc cảm bột phát.
PGS.TS Bùi Hiền không phải là người đầu tiên đưa ra cải cách chữ quốc ngữ. Nhưng theo ông, vì sao dư luận lại có phản ứng dữ dội như vậy với PGS.TS Bùi Hiền?
Là vì anh Hiền đã đưa ra một thứ đề xuất làm rắc rối cho cả xã hội. Theo đề xuất của anh thì bỗng dưng cả dân tộc trở thành mù chữ. Giả sử đề xuất được áp dụng thì tất cả những người biết đọc biết viết phải học lại từ đầu. Chưa kể trong gần 400 năm qua, biết bao tác phẩm nghệ thuật phải đem ra dịch lại. Sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền của, công sức của xã hội!
Đặc biệt, trong một khía cạnh khác, đề xuất của anh Hiền đã phần nào làm tổn thương đến văn hóa dân tộc, động chạm đến phần thiêng liêng sâu thẳm trong tâm linh của người dân, thậm chí cả tới người đã khuất. Vì ngôn ngữ là văn hóa, hồn đất nước. Đây là điều khiến cho nhiều người mất bình tĩnh.
Người ta sợ rằng học cái thứ chữ đó sẽ làm mất đi một truyền thống rất tốt đẹp. Anh Hiền đã khiến người ta buộc phải thốt ra những lời để “diệt trừ tận gốc” cái nguy cơ khiến người ta sợ đó.
Liệu cách ứng xử đó sẽ khiến chúng ta khó tiếp cận được những thứ đổi mới, sáng tạo hay không?
Theo tôi cần phải phân biệt giữa cái khác lạ và đổi mới. Trong suy nghĩ của anh Hiền thì anh nghĩ là đổi mới nhưng tôi cho rằng, thực ra, anh mới làm việc khác lạ thôi. Việc làm đó chẳng khác gì sự nổi tiếng của “kẻ đốt đền”, “không thành công thì cũng thành nhân” (cười).
Tiếng Việt phong phú và tinh tế
Một ví dụ về chữ viết hiện tại và chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền.
Được biết, chữ quốc ngữ đã trải qua rất nhiều lần được đề xuất, thực hiện cải cách nhưng đều thất bại. Lý do là gì, thưa ông?
Tôi cho rằng những người làm ra chữ quốc ngữ đã tính toán rất kỹ và nó được thử thách qua khoảng lịch sử khá dài – gần 400 năm, tính từ khi cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes ra đời. Có những quy tắc không phải là ngẫu nhiên, mà có dụng ý cả. Ví dụ, cách viết i, y. Sao lại viết là con đĩ? Tên người thì lại thường viết y (My, Sỹ, Vỹ…). Là vì y  có đường nét dài, đẹp hơn (đó là giá trị hội họa của mỗi con chữ). Đây chính là sự tinh tế trong cách viết…
Cách đây vài chục năm, Bộ Giáo dục đã từng tiến hành cải tiến trong việc dạy chữ quốc ngữ bằng cách viết l, m, m theo cách sổ thẳng, không có nét uốn lượn và đã thất bại. Bởi chữ quốc ngữ, ngoài giá trị biểu vật, biểu niệm… còn có tính hội họa…
Các cuộc cải cách thất bại chứng tỏ một điều: Ngôn ngữ là vấn đề của một cộng đồng, cái gì thuận tiện, hợp lý thì cộng đồng sẽ chấp nhận.
Là một nhà ngôn ngữ học, đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ, ông có nhận xét gì về tiếng Việt của chúng ta?
Tôi có đi dạy nhiều cả trong nước và ở nước ngoài. Sinh viên nước ngoài nhận xét tiếng Việt rất độc đáo. Bản thân tôi, qua quá trình trải nghiệm sử dụng tiếng Việt trong nghiên cứu cũng như sáng tác, thấy rằng, tiếng Việt rất phong phú và tinh tế. Ngôn ngữ của chúng ta có những ưu điểm mà tiếng nước ngoài không có được.
Theo tôi, cho đến nay, tiếng Việt vẫn đủ khả năng để để dịch các loại từ ngữ khác nhau từ tiếng nước ngoài. Việc vay mượn hay phiên dịch từ ngữ nước ngoài (nhất là các thuật ngữ khoa học) cũng là quy luật phổ quát của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới.
Theo ông, tiếng Việt hiện có cần cải cách gì thêm không?
Tôi cho rằng, chữ viết hiện nay, về cơ bản đã đáp ứng được các nhu cầu sử dụng, không cần cải cách gì thêm, nếu có chỉ cần bổ sung một vài ký tự để việc dịch thuật được thuận lợi hơn. Vốn từ luôn thay đổi, phát triển, còn chữ viết thì có tính bền vững. Nếu cứ chạy theo phát âm (biến đổi ngữ âm) mà thay đổi chữ viết thì sẽ tạo ra sự bất ổn. Không có dân tộc nào làm như thế cả.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mới đây, trong bài viết “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy – học phổ thông) đã đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt. Theo đó, sẽ thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt. Theo đề xuất, “Luật giáo dục” phải viết là “luật záo zụk”, “nhà nước” là “n’à nướk”, “ngôn ngữ” là “qôn qữ”.
Mai Loan (thực hiện)
http://khoahocdoisong.vn/buoc-nguoi-ta-phai-buong-loi-diet-tru-tan-goc/ 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Ăn một đời, mặc thì hai đời, chơi phải ba đời"


Tản mạn về “tinh thần quý tộc” thời nay
04/12/2017 Làm người quân tử với "tinh thần quý tộc", chính là giữ cho tâm mình luôn sáng, trong đó không thể thiếu đi lòng yêu thương với dân tộc và nhân loại, xét cho cùng cũng đâu có khó lắm đâu.
Có một bác "bạn Phây" (Facebook) của tôi viết: "Ăn một đời, mặc thì hai đời, chơi phải ba đời" (ý là để có được cái cốt cách, ăn mặc, chơi đúng điệu phải có thời gian, có truyền thống). Mà chợt nhớ cách đây ít lâu, người ta "chia sẻ" túi bụi trên mạng xã hội một bài blog dịch từ tiếng nước ngoài về cái gọi là "tinh thần quý tộc". 

Sự liên tưởng ấy xuất phát từ một câu khác mà tôi đã đọc từ rất lâu ở trong sách vở, và cũng đã gặp nó nhiều lần trong nhiều sách: "gia đình quý tộc lâu đời…".

Trong bài viết này tôi không có ý định bàn về chuyện "quý tộc" hay "bình dân", vì bản thân mình có biết thế nào là quý tộc đâu mà nói. Cơ mà thấy trong những người chia sẻ bài viết về "Tinh thần quý tộc" trên mạng xã hội, để ý một chút thấy nhiều người có vẻ rất mong ước và tin tưởng rằng mình có tinh thần, cốt cách quý tộc, mà cũng muốn "tản" vài cái "mạn".

Qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, lịch sử phương Tây và cả phương Đông, ở Việt Nam nữa… chúng ta đều hiểu có nhiều người sinh ra đã thuộc một gia tộc dòng dõi, quý tộc "lâu đời". Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là ông tổ, cụ kỵ của anh ta chào đời đã là quý tộc. 

Thông thường họ phải có công trạng với Tổ quốc, với dân tộc thì mới được nhà vua phong tước quý tộc, và từ đó tước bá, tước hầu… mới được cha truyền con nối từ đời này đến đời khác. Các đời về sau, không phải anh nào cũng lập được công trạng, mà chỉ sống trên danh tiếng của tổ tiên để lại.

Có một điều dễ thấy được, dù thế nào chăng nữa thì để xứng đáng với tước vị quý tộc được "thừa hưởng", người ta được và cũng là phải trải qua một quá trình giáo dục nghiêm cẩn nhưng cũng chẳng kém phần hà khắc. 

"Cầm, kỳ, thi, họa", rồi đàn ông thì săn bắn, thượng võ; đàn bà thì nữ công gia chánh, yểu điệu thục nữ… được mời riêng gia sư về dạy ngày dạy đêm thì không biết mười cũng phải biết lấy bốn, lấy năm, lấy sáu… Chứ như con nhà bình dân, thì còn chẳng biết được lấy một hai.

Với chế độ giáo dục nghiêm ngặt và cầu kỳ đến thế, đương nhiên người ta không thể coi nhẹ việc giáo dục đạo đức, với tinh thần cao quý, coi trọng danh dự, trách nhiệm. Chính nhờ tinh thần trách nhiệm cao đẹp với Tổ quốc và dân tộc, mà rất nhiều quý tộc lại sẵn sàng xả thân và tiếp tục lập công.

"Phá cường địch, báo hoàng ân" tinh thần sáu chữ vàng của Hoài văn hầu Trần Quốc Toản đến nay vẫn được ghi trong sử sách. Đó chính là tinh thần quý tộc chân chính. Cũng chính thời này mà dòng tộc của người nông dân đan sọt Phạm Ngũ Lão bắt đầu "gia phả quý tộc" của mình.

Tước danh quý tộc không đóng kín với bất cứ ai, miễn là anh luôn đau đáu tinh thần trách nhiệm với đất nước, ngày ngày luyện tập võ nghệ, dùi mài kinh sử từ những áng văn chương đến từng trang binh pháp và luôn sẵn sàng xả thân - "làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông".

Nhìn ra thế giới ngày nay, cha con Thái tử Charles nước Anh đều là những sỹ quan và họ phục vụ một cách nghiêm túc trong quân đội, hay nói chữ là "phụng sự Tổ quốc", mà hoàn toàn không có một đặc ân nào dành cho con nhà hoàng tộc.

Chúng ta đã hiểu để làm người quý tộc đúng nghĩa văn không được dốt, võ không được dát… nhưng cái gọi là "tinh thần quý tộc" dường như nó phải gắn với tinh thần của người quân tử. Không phải tự dưng khi dịch và chú giải "Kinh dịch", học giả Nguyễn Hiến Lê đặt tựa đề: "Kinh Dịch, Đạo của người quân tử". 

Từ cụ Nguyễn Hiến Lê lần ngược về quá khứ, qua Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn… và cả những bậc thầy minh triết phương Đông như Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử… đều đề cao tinh thần "quân tử". 

Ngẫm ra, Kinh Dịch dạy đạo làm người, nhưng cũng dạy rất nhiều đến đạo làm vua, đạo làm quan… nhưng lại dạy từ tinh thần để vua, quan cũng rất quân tử, thế mới có "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (Dân là quý, tiếp đến đất nước, vua coi nhẹ - Mạnh Tử).

Để có tinh thần quân tử, hay cả tinh thần quý tộc, người ta được dạy đặt người thứ dân lên trên bản thân mình, đến nhà vua còn dưới nữa là mấy anh quý tộc, quan lại được vua phong phẩm tước.

Việc đặt dân lên trên, hạ mình xuống là tinh thần khiêm cung; lại "thế nên," sau quẻ "Đại hữu" (Hỏa Thiên Đại Hữu) trong Kinh Dịch, là đến quẻ "Khiêm" (Địa Sơn Khiêm) trong đất có núi, đất luôn khiêm nhường mà nâng được cả núi, núi tuy to lớn nhưng vị thế lại ở dưới đất, như thế là tự biết mình mà khiêm nhường. 

Đã là "Đại Hữu" - "cái có" nó to lớn lắm, trùm thiên hạ, là ngồi ngôi cao tuyệt đỉnh rồi thì cũng phải biết khiêm nhường, thì giữ được lâu dài, bền vững.

Tôi cứ nhớ hồi nhỏ, mỗi lần đến nhà cụ D.Q. ở phố Phù Đổng Thiên Vương, Hà Nội; một ông quan của triều đình nhà Nguyễn, chỉ thấy ấn tượng những cái đầu hươu, hổ báo khô khốc treo trên tường do cụ săn được. Mãi bây giờ khi đầu đã hai thứ tóc, còn cụ thì đã khuất núi có đến mấy chục năm, mới nhớ lại để mà "ấn tượng" với đức khiêm nhường của cụ. 

Ngay cả khi gia cảnh suy vi, cụ luôn luôn giữ gia phong, từ tốn nhẹ nhàng từ cái ăn cái mặc, bước đi, tiếng nói… Với người giúp việc không bao giờ thấy cụ quát mắng, mà luôn luôn một điều gọi anh, hai điều gọi chị. 

Cụ luôn luôn nhớ đến và tự hào về gia phả nguồn gốc "không quý tộc" của mình, từ cụ tổ bao nhiêu đời là người lao động bình thường và từ cụ sau đó mấy đời thì mới làm thầy đồ… Vì sự luôn luôn nhớ đến nguồn gốc "bình thường" đó mà cụ và sau này là các con cái cụ, luôn luôn giữ được đức khiêm cung.

Nói xưa mãi thì cũng phải nói nay, thời của mạng xã hội làm quan hệ của chúng ta mở rộng hơn bao giờ hết, rất nhiều thứ bị phơi bày, cái tốt cũng có nhưng cái xấu thì nhiều hơn. Chúng ta cứ nghĩ, việc phơi bày cái xấu, cũng là điều tốt - chẳng tốt sao được khi có cái xấu ta mới nhìn vào mà biết sửa mình, hoặc tránh không dính vào điều xấu đó. 

Khía cạnh lôi cái xấu của nhau ra mà bêu riếu, chúng ta bàn nhiều rồi và sẽ không quay lại ở đây. Khổ cái, phản ánh cái chưa tốt đẹp của xã hội từ góc độ khi mà chúng ta tự cho mình là "có trách nhiệm với xã hội và thời cuộc" thì có nhiều điều phải bàn…



Những điều xấu, tiêu cực… diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, xin để ý rằng tôi viết là "điều xấu", và chúng có thể được thực hiện bởi bất cứ ai trong số chúng ta. Điều đó có nghĩa, không phải cứ ai làm điều xấu, cũng là "người xấu." Phản ánh điều xấu, nhưng không thể đánh đồng luôn người làm việc đó là người xấu. Nếu đánh đồng như thế, người được phản ánh không thể được cải tạo mà tự thay đổi như ý chúng ta muốn. 

Làm như thế, thậm chí hơn thế là bày tỏ một sự "phẫn nộ chính đáng" chúng ta đang thể hiện một sự nóng nảy và sân hận nội tâm. Đó là chưa nói đến việc hầu hết mỗi khi chúng ta làm như thế ("phẫn nộ chính đáng" mà phản ánh tiêu cực) chúng ta thường sa vào một chuyện là hạ thấp người khác một cách cùng cực, mà tự đặt mình vào địa vị phán xét, tức là tự nâng mình lên đến mức tuyệt đối trong sạch.

"Đến mặt trời còn có vết" - người đã quên đi đức khiêm cung đến mức đó, thì tự coi mình là quân tử sao được?

Đó là chuyện lớn, còn cả những chuyện nhỏ như lời ăn tiếng nói hàng ngày, đến quần áo phục sức hay những ngón nghề ăn chơi… Đất nước chúng ta trải qua mấy chục năm "quan liêu bao cấp" mà "thời trang trại lính" lên ngôi, cái hiểu biết về ăn mặc, nếp sống… nhiều cái nó cũng thay đổi, có thể nói là mai một đi chứ, có phải ai cũng để ý và được tiếp cận để mà gìn giữ được đâu. 

Chúng ta nhanh chóng chê bai, nhưng không biết rằng người quân tử khiêm cung thay vì chỉ trích hành động vứt rác nơi công cộng, còn biết tự mình đi hót chỗ rác đó đổ vào đúng nơi quy định nữa.

Đã từ lâu các bậc đại tri thức đã đúc kết, sự cao quý không phải ở chỗ hạ người khác xuống để tìm cách tự tôn, mà ở chỗ biết hạ mình xuống "đấng quân tử chí ở khiêm tốn hiểu lẽ, cho nên vui với mệnh trời mà không cạnh tranh; bên trong đầy đủ cho nên tự mình lui nhún, mà không khoe khoang, yên lặng xéo noi sự Khiêm suốt đời không đổi; mình tự hạ mình mà người ta càng tôn lên, mình tự che cho tối đi mà đức càng sáng tỏ" ("Kinh Dịch, Đạo của người quân tử.")

Phàm là càng khoe khoang ra bên ngoài, càng tỏ ra là bên trong trống rỗng, ngay cả cái gọi là "trách nhiệm xã hội" cũng phải biết phản ánh một cách từ tốn và sâu sắc, nhân văn và khiêm tốn mới mong cải tạo được xã hội; chứ nói gì đến ba cái thú chơi tầm phào, hời hợt, mấy thứ xiêm y là lượt… 

Làm người quân tử với "tinh thần quý tộc", chính là giữ cho tâm mình luôn sáng, trong đó không thể thiếu đi lòng yêu thương với dân tộc và nhân loại, xét cho cùng cũng đâu có khó lắm đâu.

Mà đã làm được vậy, thì thứ dân hay quý tộc, đâu có phải là vấn đề; mà quan trọng là sự cao quý của tâm hồn, ta đã xây dựng được rồi…

Phúc Lai
http://antgct.cand.com.vn/Nhan-dam/22CUTHANG-Tan-man-ve-tinh-than-quy-toc-thoi-nay-468220/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người mở đầu một trường phái thơ viết về chiến tranh


Sau này, khi nhìn lại chặng đường văn học của đất nước qua mấy chục năm chiến tranh, nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ có viết trên Báo Văn nghệ, đại ý rằng, trong thời kỳ chống Mỹ, có hai trường phái thơ: Trường phái Chế Lan Viên và trường phái Phạm Tiến Duật; Trường phái thứ nhất, tìm cái đẹp từ bên trong sự ngưng đọng của lý trí; Trường phái thứ hai chủ yếu tìm cái đẹp từ trong các diễn biến sôi động của cuộc sống.
Ngày 4/12/2017, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Phạm Tiến Duật. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật 2012 đã vinh danh một số nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của đất nước, trong đó có cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, người đã có 8 năm sống và viết trên đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn thời kháng chiến chống Mỹ.

Nhớ “Người ơi, người ở” và kỷ niệm với nhà thơ Phạm Tiến Duật1
Nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Một người rất cô đơn..."
Một bài thơ chưa in của nhà thơ Phạm Tiến Duật
Trước nhà tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật

Tôi muốn dùng hình ảnh “Con đại bàng” của thi ca Trường Sơn để nói về nhà thơ Phạm Tiến Duật vì vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (năm 1969), những bài thơ của ông viết trên đường mòn Hồ Chí Minh giữa những đợt bom rải thảm đã vượt bay lên trên bầu trời thi ca yêu nước, làm xúc động hàng triệu trái tim thanh niên đang ra trận và thơ của ông như cánh chim đại bàng kiêu hãnh dự báo ngày toàn thắng đang đến gần.

Sau này, khi nhìn lại chặng đường văn học của đất nước qua mấy chục năm chiến tranh, nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ có viết trên Báo Văn nghệ, đại ý rằng, trong thời kỳ chống Mỹ, có hai trường phái thơ: Trường phái Chế Lan Viên và trường phái Phạm Tiến Duật; Trường phái thứ nhất, tìm cái đẹp từ bên trong sự ngưng đọng của lý trí; Trường phái thứ hai chủ yếu tìm cái đẹp từ trong các diễn biến sôi động của cuộc sống.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật rất tâm đắc với nhận định này, ông cho rằng: “Lê Đình Kỵ đã gọi đúng về tôi. Nếu không có cuộc sống với những con người đa dạng ồn ào bao quanh với xô bồ chi tiết trôi chảy từng phút, từng giờ, thì hình như tôi không có thơ. Tài liệu của văn chương phải là cái thiện. Cái ác lấy sự sắp đặt lý trí làm trọng, còn cái thiện lấy sự uẩn xúc của tình đời làm trọng.

Có nền văn học lớn nào trên thế giới lại thiếu cái tình uẩn xúc ấy? Cứ ngẫm một hồi về thơ Đường và thơ Tống, cũng rõ. Nhưng muốn làm cái ác đã khó mà muốn làm cái thiện còn khó hơn nhiều. Muốn có cái thiện của thời này phải học kỹ lưỡng lắm. Chẳng hạn, muốn trung thực mà không hiểu biết cũng không thể trung thực được. Vậy trước mặt nhà văn luôn luôn là một biển đời”.

Phạm Tiến Duật sinh ngày 14/1/1941, quê gốc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và chữ Pháp. Mẹ ông làm ruộng, không biết chữ. Từ bé Phạm Tiến Duật đã đi học xa nhà. Ông học qua bậc phổ thông, đến hết Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội rồi gia nhập quân đội. Phạm Tiến Duật sống và viết trong chiến tranh trên đường mòn Hồ Chí Minh ở Trường Sơn (8 năm trong tổng số 14 năm quân ngũ). Sau khi được trao giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969-1970, ông về làm biên tập thơ rồi làm Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.

Có thể nói, thời điểm đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, thơ của Phạm Tiến Duật đã mở ra một cái nhìn mới rất hiện đại và rất sống động về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những bài thơ như: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Lửa đèn”, “Tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Nhớ”, “Tiếng bom ở Seng Phan”…Thơ của ông những năm tháng ấy đã có mặt trong hành trang tinh thần của những người lính ra trận để động viên, chia sẻ và cổ vũ tinh thần chiến đấu của họ, thơ ông được phổ nhạc và hát khắp các nẻo đường chiến tranh:

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Hết rau rồi, em có lấy măng không.

Còn em thương anh bên Tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù


Thơ của Phạm Tiến Duật (nhất là thơ viết về chiến tranh) có một giọng điệu riêng và khác biệt, không thể lẫn với thơ của người khác và ông đã có công mở đầu cho một trường phái thơ chiến tranh hằn in dấu ấn nhọc nhằn, lấm láp và hồn nhiên của người lính trận mạc thủa ấy.

Thời điểm chiến tranh ấy, Phạm Tiến Duật kể lại, có dịp ở Trường Sơn ra Hà Nội, ông tìm ngay đến các ông thầy lớn về văn chương để học hỏi. Ông đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên để tìm hiểu cung cách làm việc. Hỏi thẳng thì cụ Chế không nói, nhưng bằng cách này cách khác, Phạm Tiến Duật đã học được một số kỹ năng trong sáng tạo thi ca của cụ Chế và ông nhận xét: “Thì ra ngoài việc Làm bài, Chế Lan Viên còn Làm câu nữa. Nghĩa là trong ánh chớp, thấy hiện ra một vài câu thơ thì chép ngay vào sổ tay.

Cái câu có vẻ vô nghĩa “Tò vè cái tỏ vẻ” là câu nói mớ của đứa con gái nhỏ của nhà thơ Chế Lan Viên, ít lâu sau, câu ấy rơi vào một bài thơ của ông. Tôi thử học tập làm cách ấy và đôi khi cũng kiếm được một đôi dòng. Câu thơ trong bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”: “Anh lên xe trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ” là câu ghi chép trong buồng lái của một chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn.

Mãi mấy tháng sau bài thơ có câu thơ kia mới được sáng tác. Câu thơ trong trường ca “Những vùng rừng không dân của tôi” “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay” cũng là câu ghi chép trong sổ tay. Dường như Làm câu cũng là một tận dụng thời khắc sinh học chăng?”.

Đi qua những năm tháng trận mạc gian lao, bài thơ “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật luôn nhắc ta về nỗi đau chiến tranh luôn khắc khoải trong trái tim mỗi người:

Bom nổ trên trời hiện lên những vòng đen
Nhưng mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.

Cái mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu, bốc lửa ở bên trong.

Cuối năm 1973, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phạm Tiến Duật ra miền Bắc làm công tác sưu tầm tài liệu để chuẩn bị soạn thảo Văn bia Trường Sơn… Vì vậy, Phạm Tiến Duật đã tận mắt chứng kiến hậu quả tàn khốc của chiến tranh huỷ diệt do không lực Hoa Kỳ gây ra, sau đó viết bài thơ “Viết về số 0”, thường được gọi là “Vòng trắng”, đăng trên Tạp chí Thanh niên như một nén nhang viếng những người dân tử nạn vì bom B52 triệt phá phố Khâm Thiên, Hà Nội. Số báo dự kiến đăng tháng 12 năm 1973 nhưng bị lùi lại thành số tháng 1 năm 1974.

Bài thơ không ngờ là một "tai họa" giáng xuống đầu nhà thơ. Ngay sau khi bài thơ được in trên Tạp chí Thanh niên thì lập tức Tạp chí Học tập số 9 năm 1974 đã phê phán gay gắt rằng: “Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở...”.

Có lẽ vì vậy mà bài thơ này không được in trong bất kỳ tập thơ nào của Phạm Tiến Duật sau này. Cho đến trước khi anh qua đời, nhà văn Nguyễn Khắc Phục mới đưa vào “Tuyển tập Phạm Tiến Duật” bài “Viết về số 0” do nhà thơ Trần Nhương sưu tầm và giới thiệu. “Tuyển tập Phạm Tiến Duật” in xong chưa đầy 20 ngày trước khi nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời năm 2007.

Bạn bè và những người yêu mến thơ Phạm Tiến Duật thường nhắc đến một trong những bài thơ cuối cùng ông viết tại Hà Nội vào trưa 27/7/2005, tặng người bạn thân là nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Bài thơ có cái tựa đề nghe khá chấn động nhưng đầy cảm xúc “Hỏa thiêu cho một người đang sống” với những câu thơ đầy day dứt, trăn trở như không phải nhà thơ chỉ viết cho bạn mà ngỡ ông đang viết cho chính mình:

Trong bóng tối bùa mê, anh ấy tự làm ma
Tự thiêu cái bóng mình giữa thanh thiên bạch nhật

Thân xác ngỡ còn mà biến mất:
Đã cháy rồi những ngày tháng bơ vơ
Chàng thủy thủ không tàu, không biển
Túi không tiền, đầu không ý nghĩ
Ngủ lang với một sợi tóc rụng của đàn bà
Đã cháy rồi những hào quang huyễn hoặc
Những năm tháng làm vua mà không có triều đình

Đã cháy rồi những vướng bận linh tinh
Những xuẩn ngốc, tham lam cùng dối trá
Những thân thể lưu manh mặc áo trịnh trọng
Những phản bội ngọt ngào đòi được mang ơn

Đã cháy rồi những trống rỗng đầy ắp
Với rượu với bia và trăm thứ bà rằn
Không cô đơn ồn ào không chỗ nấp
Những con đường nhựa bị rải đinh 5 phân

Đã cháy cả rồi những thành công đích thực
Những ân nghĩa của dân và của lính
Thành công nào cũng chỉ là quá khứ mà thôi
Anh tự thiêu cái bóng và gia tài của mình
Tất cả đều cháy tàn cháy rụi

Từ đám tang trở về, tôi quay trở lại
Thấy một trái tim không cháy
Những trang giấy không cháy
Và những giọt nước mắt đàn bà hóa ngọc giữa tàn tro…


Cách đây mười lăm năm (năm 2002), với cái nhìn tiên tri của một nhà thơ từng trải nghiệm chiến tranh, Phạm Tiến Duật trong bài viết “Đất nước và trang văn” đã nêu vấn đề độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia như sau: “Nghĩ rằng đất nước yên hàn rồi là một ý nghĩ thiển cận. Vào đầu thế kỷ XXI này, vấn đề quốc gia và chủ quyền quốc gia lại nổi lên thành một vấn đề lớn. Lớn đến mức chưa bao giờ lớn đến thế.

Những thế kỷ trước, chỉ khi gót giày của quân xâm lăng xéo lên giang sơn thì Tổ quốc mới lâm nguy. Nay thì chưa cần đến thế. Đội quân xâm lăng chưa thấy hiện ra mà xem chừng nhiều quốc gia đã mất chủ quyền. Xâm lược từ xa là nét mới của thế kỷ XXI. Thế thì chủ đề độc lập tự chủ, chủ đề đất nước đâu có thể coi là của thời kỳ kháng chiến.

Một trong những lý do thành công của trùng điệp các thế hệ nhà văn Việt Nam là nhiệt độ của lòng yêu nước đã làm nên sự nồng nàn trên mỗi trang văn”. Giờ thì cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ở cách chúng ta cả một thế giới, nhưng những nhận định trên của ông cho ta thấy tâm thế của một nhà thơ yêu nước vẫn tỏa sáng mãi, nhất là trong những tháng năm nhiều biến động này. 


Nguyễn Việt Chiếnhttp://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nguoi-mo-dau-mot-truong-phai-tho-viet-ve-chien-tranh-468956/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao châu Phi là mục tiêu ưu tiên của sáng kiến Vành đai và con đường?


PHẠM DOÃN TÌNH

(GDVN) - Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết lập căn cứ quân sự ở châu Phi cho thấy chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc và tương lai sẵn sàng “hạ bệ” Hoa Kỳ.
Ngay từ khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra tầm nhìn về một quá trình “phục hưng Trung Hoa” để đưa nước này trở lại vị thế trung tâm của thế giới.
Để thực hiện tầm nhìn đầy tham vọng này, Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến Vành đai và con đường nhằm kết nối các nước từ châu Á đến châu Phi và châu Âu trong một thế giới toàn cầu hóa để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển.
Sáng kiến Vành đai và con đường đã thu hút sự quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Bởi Trung Quốc dự tính sẽ đầu tư khoảng 900 tỷ USD cho dự án này, trong đó mỗi năm sẽ rót khoảng 150 tỷ USD để giúp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối giữa các quốc gia trên thế giới.
Theo đó, sánh kiến này hiện đã mở rộng khoảng 65 quốc gia ở cả châu Á, châu Phi và châu Âu, chiếm 70% dân số thế giới, 3/4 nguồn năng lượng, 1/4 lượng hàng hóa và dịch vụ, và 28% GDP toàn cầu (tương đương khoảng 21.000 tỷ USD). [1]
Tuyến đường sắt nối thủ đô Nairobi và cảng biển lớn Mombasa, Kenya do Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) xây dựng (Ảnh: Reuters)
Hiện tại, khi quan sát chiến lược đầu tư của Trung Quốc dọc theo tuyến Vành đai và con đường, có thể nhận thấy, Bắc Kinh dường như đang dành ưu tiên nhiều hơn vào các quốc gia châu Phi.
Châu Phi có vị trí địa kinh tế, địa chính trị khá quan trọng, có thể đáp ứng được cho những tham vọng của Trung Quốc.
Vì vậy, việc nước này đang dành ưu tiên hơn cho châu Phi trong chiến lược của họ cũng là điều dễ hiểu.
Đẩy mạnh đầu tư cho các dự án hạ tầng và phát triển kinh tế
Hầu hết các quốc gia châu Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với trữ lượng khai thác tiềm năng lớn, nhưng lại thiếu thốn cơ sở hạ tầng nghiêm trọng, trong khi Trung Quốc lại có đầy đủ các nguồn lực và chuyên môn để khắc phục.
Mặt khác, châu Phi là thị trường đầy tiềm năng để mở ra cơ hội cho các loại hàng hóa, dịch vụ và công nghệ của Trung Quốc tràn vào.
Điều này nhận thấy rõ nhất, khi vào thời điểm tốc độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đang bị chậm lại, các mặt hàng xi măng, sắt thép rơi vào khủng hoảng thừa, thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi đã giúp Trung Quốc giải tỏa được sự dư thừa này.
Hiện tại, Trung Quốc đang quản lý một loạt các dự án ở khắp châu Phi, từ các nhà máy sản xuất ôtô đến xây dựng cầu đường, bến cảng, bệnh viện, trường học, các trụ sở...
Tại Nam Phi, nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc BAIC đang xây dựng nhà máy lắp ráp xe hơi ở thành phố biển Port Elizabeth, với giá trị đầu tư lên tới 826 triệu USD và sản lượng hàng năm dự kiến ​​là 55.000 chiếc. 
Năm ngoái, nhà sản xuất vũ khí Poly Technologies của Trung Quốc đã ký thoả thuận hợp tác với nhà sản xuất vũ khí Denel của Nam Phi để đấu thầu mua lại tàu hải quân trị giá 428 triệu USD.
Hải quân Trung Quốc tại căn cứ quân sự ở Djibouti (Ảnh: AP)
Tại Zimbabwe, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng cơ sở huấn luyện quân sự, nhà máy điện, trung tâm máy tính, trụ sở quốc hội và trợ giúp y tế...
Ở Đông Phi, Trung Quốc đang quản lý một dự án cơ sở hạ tầng mới kết nối Sudan, Ethiopia và Kenya thông qua việc xây dựng tuyến đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn dầu. 
Theo ước tính của hãng CNN, Trung Quốc đã chi khoảng 9,9 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng đường sắt nội đô ở Đông Phi kể từ năm 2000 đến nay.
Tại Tây Phi, Trung Quốc đã đầu tư 46 tỷ USD vào Nigeria để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, và dự định sẽ đầu tư thêm khoảng 40 tỷ USD nữa.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt mức cao với 198,5 tỷ USD vào năm 2016;
Trong năm 2017, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi tăng 64%, tổng thương mại của Trung Quốc với châu Phi tăng 16,8%. [2]

Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương và châu Phi qua Djibouti

Ngoài ra, Trung Quốc hiện có khoảng 1 triệu người đang sống và làm việc ở các nước châu Phi.
Thông qua các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi, có thể nhận thấy rất rõ chính sách ưu tiên của Trung Quốc đối với khu vực này.
Đó cũng chính là bước đi đầy sáng suốt của Bắc Kinh khi đem đến châu Phi cái mà họ đang rất cần - cơ sở hạ tầng.
Đổi lại, Trung Quốc có một thị trường rộng lớn và các dự án hợp tác khai thác mỏ đầy triển vọng.
Toan tính địa chính trị thông qua sự hiện diện quân sự
Hồi tháng 8, Trung Quốc đã chính thức mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti - một quốc gia nằm ở vùng Sừng Châu Phi, để làm cơ sở cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và chống cướp biển.
Đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, nhưng lại đặt ở quốc gia có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng.
Djibouti là một quốc nhỏ, với dân số chưa đến 1 triệu người, nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như không có, nhưng đổi lại nước này ở vào vị trí rất thuận lợi cho các hoạt động thương mại và cung cấp năng lượng toàn cầu;
Bởi Djibouti nằm ở vùng tiếp giáp với Biển Đen và kênh đào Suez-Aden, nơi có tới 10% lượng dầu xuất khẩu của thế giới và 20% các mặt hàng thương mại được vận chuyển qua khu vực này.
Chính từ vị trí địa chính trị quan trọng này mà Djibouti được nhiều nước khác ngoài Trung Quốc đặt căn cứ quân sự, như Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Nhật Bản.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti tuy vẫn còn khiên tốn, nhưng nó cũng đã gửi một thông điệp cho thế giới thấy rằng “dấu chân quân sự Trung Quốc đang phát triển ra bên ngoài lãnh thổ của họ”.
Ông David Shedd, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng:
“Trung Quốc muốn báo hiệu với thế giới rằng, họ có một sự hiện diện quân sự trên thế giới. Một phần của sứ mệnh đã được định nghĩa”. [3]
Trung Quốc luôn nói rằng, các cơ sở quân sự ở Djibouti “chủ yếu được dùng để hỗ trợ hậu cần, phục hồi nhân lực của các lực lượng vũ trang Trung Quốc tiến hành các nhiệm vụ như hộ tống hàng hải ở Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somali, cũng như hỗ trợ nhân đạo”;
Nhưng phía Hoa Kỳ và giới quan sát lại nghi ngờ rằng, căn cứ quân sự này nằm trong một dự án quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc và Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng nó để “hạ bệ” Hoa Kỳ và bất kỳ tổ chức nào do Hoa Kỳ lãnh đạo nếu can thiệp vào lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi.
Binh sĩ Trung Quốc đang huấn luyện tại căn cứ quân sự ở Djibouti (Ảnh: AP)
Ngoài ra, một căn cứ quân sự nằm trong vùng “chèo thuyền” của Bắc Phi và bán đảo Ả Rập cũng sẽ hứa hẹn tăng cường quan điểm chính trị của Trung Quốc đối với khu vực này.
Theo dự thảo chính sách quốc phòng mới nhất của Bắc Kinh, thì “lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ làm việc chăm chỉ hơn để tạo ra một tư thế chiến lược thuận lợi, với sự quyết tâm về việc sử dụng các lực lượng quân sự và phương tiện chiến đấu khi cần thiết”. [4]
Công thức này được cho là để ám chỉ về một “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc nằm trong sáng kiến Vành đai và con đường.
“Chuỗi ngọc trai” là một phép ẩn dụ cho một mạng lưới các bến cảng hải quân, chủ yếu dọc theo Ấn Độ Dương, để đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển, quá cảnh và giao thông từ Trung Quốc tới Sudan. 
Sáng kiến ​​Vành đai và con đường nhằm tăng cường xuất khẩu thương mại của Trung Quốc thông qua các tuyến đường bộ và đường biển, mà phần lớn dọc theo con đường tơ lụa thời cổ đại, nằm rải rác ở châu Âu và Trung Đông. 
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti sẽ rất quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của mục tiêu thứ hai [bảo vệ đường biển], vì phần lớn 1 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu hàng ngày sang châu Âu đều đi qua Vịnh Aden và kênh đào Suez. [3]
Căn cứ quân sự ở Djibouti thực sự phản ánh một khát vọng của Trung Quốc để hướng tới việc cân bằng và vượt qua Hoa Kỳ cả về sức mạnh quân sự và kinh tế trong tương lai.
Ngoài việc thiết lập căn cứ quân sự, Trung Quốc cũng tạo ra “quyền lực mềm” đối với Djibouti, khi hỗ trợ hàng chục tỷ USD cho nước này để xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo các phúc lợi xã hội và văn hóa, từ đó tạo ra thiện chí to lớn của người dân Djibouti đối với Trung Quốc.
Tất cả các dự án cả về kinh tế - xã hội và quân sự mà Trung Quốc đang thực hiện tại châu Phi sẽ nâng dần ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này.
Và khi ảnh hưởng của Bắc Kinh phát triển đến đủ độ tin cậy, thì khả năng tác động đến chính sách đối ngoại và các chiến lược an ninh của Trung Quốc ở khu vực châu Phi cũng sẽ hứa hẹn có những điều chỉnh mạnh mẽ.
Có thể nói, châu Phi là một thị trường lớn đang nổi lên, với dân số tăng nhanh, tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thập kỷ qua, có tới 6 trong số 10 quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới là các nước châu Phi.
Việc Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt thị trường châu Phi cũng như tạo ra ảnh hưởng lớn đối với khu vực này, đã cho thấy một sự nhạy bén trong chính sách phát triển của họ.
Ngoài ra, việc củng cố vị trí địa chính trị ở châu Phi, nhằm tăng cường sức mạnh của Trung Quốc đối với khu vực này vào đúng thời điểm mà Hoa Kỳ dường như đang chú tâm tái “xoay trục châu Á”, đã giúp Trung Quốc tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn để siết chặt quan hệ với các quốc gia châu Phi - một yếu tố quan trọng để thực hiện tham vọng “phục hưng Trung Hoa” của họ.
Tài liệu tham khảo:
[4] Information Office of the State Council of the People's Republic of China, "China Military Strategy", en.people.cn, 26 May 2015.
PHẠM DOÃN TÌNH

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc đời truân chuyên của anh Bảy Chà Hynos – thương hiệu kem đánh răng Việt Nam nức tiếng một thời


Cuộc đời truân chuyên của anh Bảy Chà Hynos - thương hiệu kem đánh răng Việt Nam nức tiếng một thời
Từ một doanh nghiệp sở hữu thương hiệu kem đánh răng nổi tiếng nhất nhì thị trường, hoạt động sản xuất chính của CTCP P/S bây giờ là sản xuất, mua bán bao bì. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất lại kem đánh răng thương hiệu Hynos và sản phẩm quen thuộc nhất hiện nay có lẽ là tuýp kem đánh răng 5ml tại các khách sạn.
Đặt phòng nghỉ ở một số khách sạn từ bình dân đến 5 sao, ví dụ như Vinpearl, du khách sẽ bắt gặp một hình ảnh vừa quen vừa lạ trong phòng tắm. Đó là tuýp kem đánh răng nhỏ xíu bằng kim loại, vỏ màu xanh in hình một người đàn ông da đen cười hết cỡ, khoe hàm răng trắng tinh. Kem đánh răng mang thương hiệu Hynos từng rất nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước khi thống nhất đất nước và sau đó trở thành thương hiệu của P/S. Còn bây giờ người ta nhìn thấy Hynos nhiều nhất chính là trong phòng tắm của khách sạn.
Cuộc đời truân chuyên của anh Bảy Chà
Những tấm ảnh quảng cáo với hình ảnh người đàn ông da đen (được người Sài Gòn gọi là anh Bảy Chà) là dấu ấn của cuộc cách mạng Marketing do ông Vương Đạo Nghĩa – ông chủ của Hynos khởi xướng. Sau khi mua lại Hynos từ người sáng lập (một người Mỹ gốc Do Thái), ông Nghĩa đã làm Hynos bùng nổ tại Sài Gòn với các hình thức quảng cáo mới lạ.
Nổi tiếng nhất chính là bộ phim quảng cáo do Vương Vũ và La Liệt - 2 diễn viên Hồng Kong sáng giá những năm 70 thủ vai. Thuở đó chưa có ai dám thuê diễn viên Hồng Kong đóng phim quảng cáo tại Việt Nam bởi chi phí quá đắt.
Ông Nghĩa cũng phủ khắp các cung đường ở Sài Gòn bằng các pano, áp phích quảng cáo kem đánh răng Hynos, khiến cho hình ảnh ấn tượng của anh Bảy Chà xuất hiện khắp mọi nơi. Hynos chiếm lĩnh thị trường, trở thành loại kem đánh răng có mặt trong hầu hết các gia đình trên mảnh đất này.
Sự truân chuyên của anh Bảy Chà bắt đầu từ mối duyên với công ty nước ngoài.
Năm 1975, hãng Hynos được bàn giao lại cho Nhà nước, sáp nhập với Công ty Kolperlon thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan rồi đổi thành Công ty Hóa phẩm P/S. Elida P/S - Công ty liên doanh giữa Unilever và Công ty Hóa phẩm P/S ra đời từ giữa năm 1997 để sản xuất kem đánh răng P/S với tổng vốn đầu tư 17,5 triệu USD, trong đó Công ty Hóa phẩm P/S góp 45% vốn.
Đến năm 2002, Công ty Hóa phẩm P/S chính thức chuyển nhượng phần vốn liên doanh tại Elida P/S và không được sử dụng nhãn hiệu P/S trên bất kỳ sản phẩm nào của Công ty. Câu chuyện kem đánh răng Phong Lan bán thương hiệu cho đối tác nước ngoài Unilever vẫn được nhắc đi nhắc lại như một nỗi đau của việc đánh mất thương hiệu Việt ngay tại Việt Nam.
P/S ngày nay
Từ một doanh nghiệp sở hữu thương hiệu kem đánh răng nổi tiếng nhất nhì thị trường, hoạt động sản xuất chính của CTCP P/S bây giờ là sản xuất, mua bán bao bì. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất lại kem đánh răng thương hiệu Hynos và sản phẩm quen thuộc nhất hiện nay có lẽ là tuýp kem đánh răng 5ml tại các khách sạn.
Với mức vốn điều lệ 50 tỷ đồng, P/S thể hiện là một công ty an phận với hoạt động kinh doanh ổn định của mình và cũng không vay nợ do không có nhu cầu đầu tư. Trong 2 năm 2015 và 2016, doanh thu của P/S đạt trên dưới 80 tỷ đồng và riêng 6 tháng đầu năm 2017, P/S đạt 44,2 tỷ đồng. Sự tăng trưởng về lợi nhuận được ghi nhận trong năm 2016 với 15,6 tỷ đồng – tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017, P/S đạt 8,9 tỷ đồng lợi nhuận – chỉ tương đương cùng kỳ. Hàng năm công ty vẫn chia cổ tức với tỷ lệ 15% và 20% bằng tiền mặt.
Linh Linh
Theo Trí thức trẻ
anle20 | 04/12/2017 at 4:26 am | Categories: Uncategorized | URL: h

Phần nhận xét hiển thị trên trang