Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Bi kịch của những người nghèo bỗng chốc có cả "bao tải" tiền


Dân trí - Được nhận cả "bao tiền" đền bù nên nhiều người dân vùng cao bỗng chốc trở thành tỷ phú. Thế nhưng, không ít người trong số đó lại lâm vào cảnh nợ nần vì quá tin tưởng những chủ nợ "tốt bụng"... ông Hoàng Như Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: người dân và chủ nợ chỉ thỏa thuận ngầm với nhau rồi cứ thế cầm tiền tiêu xài mà không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh mức lãi suất là bao nhiêu.
Anh Hồ Văn Khánh ngẩn ngơ với số nợ 400 triệu đồng

Muốn gì có đó...
Dự án hồ chứa nước Nước Trong được triển khai trên địa bàn huyện Sơn Hà và Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) với 450 hộ dân được đền bù, hỗ trợ. Kinh phí bồi thường của dự án lên đến 342 tỷ đồng, đợt chi trả mới nhất được thực hiện vào tháng 9/2017 với số tiền 58 tỷ đồng. Vì vậy, người dân được đền bù, hỗ trợ ít nhất khoảng 50 triệu đồng, nhiều người nhận được cả tỷ đồng.

Tại huyện Tây Trà có 4 xã nằm trong vùng dự án, riêng xã Trà Thọ đã có 158 hộ dân được nhận tiền bồi thường. Nhận được cả "bao tải tiền" đền bù thế nhưng nhiều người dân xã Trà Thọ lại nhanh chóng trắng tay với những chủ nợ "tốt bụng".

Bó gối trong căn nhà trống hoác, anh Hồ Văn Khánh (thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà) vẫn còn tiếc ngẩn ngơ vì chiếc xe máy mới mua vừa bị siết nợ.


Anh Hồ Văn Khánh cho biết, khi biết tin đất của gia đình nằm trong diện được đền bù, nhiều người lạ đã đến đưa tiền cho anh tiêu xài. Họ nói cứ xài thoải mái, muốn lấy bao nhiêu cũng có nên anh Khánh chẳng nhớ mình mượn bao nhiêu tiền. Chỉ đến khi được nhận tiền đền bù, anh Hồ Văn Khánh mới biết mình nợ cả vốn lẫn lãi lên đến 400 triệu đồng.

"Cứ cần là họ đưa, họ bảo cứ xài đi. Lấy tiền cũng không cần giấy tờ gì nên mình cứ lấy. Ai ngờ nhận đền bù xong thì họ đòi 400 triệu, mới xin tiền trả được 40 triệu thôi. Không đủ tiền trả nên họ siết đồ. Giờ phải bán thêm 2 ha đất rừng để trả chứ không là khó sống", anh Hồ Văn Khánh nuối tiếc.

Thê thảm hơn anh Khánh, 600 triệu đồng của ông Hồ Văn Tập (trú thôn Tre, xã Trà Thọ) nhận được từ dự án cũng đội nón ra đi khiến ông trắng tay.

"Vay bao nhiêu tiền không biết, bao nhiêu lần cũng không nhớ. Chỉ biết là nhận tiền đền bù xong thì họ nói nợ gần 600 triệu. Nhận tiền xong vừa đủ trả, hết tiền rồi", ông Tập nói nhẹ tênh.

"Ngửi" được mùi tiền đền bù, chủ nợ đã nhanh chóng lân la đến làm quen và đưa tiền cho ông Tập xài thoải mái, muốn bao nhiêu cũng có.

Vì sự tốt bụng đó, ông Khánh đã mượn tạm để xây nhà sàn, mua xe, chi tiêu "lặt vặt". Để rồi, vừa nhận được số tiền lớn đã phải sang tay cho chủ nợ.

Nhẹ nhàng lãi suất... 50%

Ngoài việc cho mượn tiền với lãi suất "nhẹ nhàng" là 50%, nhiều đối tượng còn mang cả xe, điện thoại và nhiều vật dụng đắt tiền khác đến cho người dân vùng dự án sử dụng. Để rồi sau đó, chủ nợ tha hồ đòi tiền với mức lãi suất cắt cổ khiến người dân vùng dự án lại trắng tay.

Ông Hồ Tấn Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, xác nhận: xã Trà Thọ có 158 hộ nằm trong diện được đền bù, hỗ trợ thì có đến 70% trong số đó có vay tiền với lãi suất cao.

Nghe tin người dân nghèo sắp nhận tiền đền bù, một số đối tượng cho vay nặng lãi đã lân la làm quen, gạ gẫm cho người dân mượn tiền với lãi suất lên đến 50%.


Vài tháng trước, nhiều khu tái định cư dự án hồ chứa nước Nước Trong dập dìu những chủ nợ "tốt bụng"

Người đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức còn thấp, vì vậy khi nghe lời ngon ngọt đã xiêu lòng mượn tiền tiêu xài phung phí. Điều đáng nói là chủ nợ và người dân chỉ thỏa thuận miệng mà không có bất cứ giấy tờ gì, vì vậy chính quyền đành bất lực.

“Cứ đến ngày người dân nhận tiền là chủ nợ chờ sẵn ngoài cổng UBND xã để thu nợ. Biết vậy nhưng họ cam kết miệng với nhau nên chính quyền không thể can thiệp. Người dân đã mượn tiền tiêu xài rồi nên chủ nợ họ làm căng thì đành phải trả", ông Vũ cho biết.

Về phía UBND huyện Tây Trà, ông Hoàng Như Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: người dân và chủ nợ chỉ thỏa thuận ngầm với nhau rồi cứ thế cầm tiền tiêu xài mà không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh mức lãi suất là bao nhiêu.

"Chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng Công an huyện tìm hiểu, xác minh và đề xuất hướng xử lý vụ việc", ông Lâm nói.

Sự hấp dẫn của "mùi" tiền cùng nhận thức còn quá hạn chế của người dân là điều kiện thuận lợi để những chiếc vòi của tín dụng đen hoành hành nơi rẻo cao. Và chắc chắn rằng, câu chuyện này không chỉ dừng lại ở vùng dự án xã Trà Thọ.

Quốc Triều
http://dantri.com.vn/xa-hoi/bi-kich-cua-nhung-nguoi-ngheo-bong-choc-duoc-nhan-ca-bao-tai-tien-20171123153401996.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc là gì?


Nhiều động cơ đằng sau chính sách đối ngoại chính của Tập Cận Bình. Vào giữa tháng 5/2017, Tập Cận Bình đã đón tiếp 28 vị lãnh đạo nhà nước và chính phủ tới Bắc Kinh cho một bữa tiệc mang tính “giới thiệu” nhằm chào mừng sáng kiến ​​”Vành đai và Con đường”, chính sách đối ngoại tham vọng nhất của ông. 

Được bắt đầu vào năm 2013 với tên gọi “Một vành đai, một con đường”, chính sách này liên quan đến việc Trung Quốc bảo lãnh hàng tỷ đô la để đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền quốc gia này với châu Âu. Tham vọng này là vô cùng lớn. Trung Quốc đang chi khoảng 150 tỷ đô la mỗi năm ở 68 quốc gia đã tham gia chương trình này. 


Cuộc họp thượng đỉnh (được gọi là diễn đàn) đã thu hút số lượng lớn nhất các lãnh đạo cao cấp nước ngoài tới Bắc Kinh kể từ Thế vận hội Olympic năm 2008. Tuy nhiên, chỉ có vài nhà lãnh đạo Châu Âu xuất hiện. Phần lớn họ đã phớt lờ những hàm ý trong sáng kiến này ​​của Trung Quốc. Vậy những hàm ý đó là gì và liệu phương Tây có đúng không khi làm ngơ sáng kiến này?

Sáng kiến “Vành đai và con đường” là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của Chủ tịch Tập nhằm từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Diễn đàn “Vành đai và con đường” (viết tắt là BARF) là sự kiện thứ hai được chuẩn bị kỹ lưỡng trong năm nay mà qua đó chủ tịch Tập đưa ra tuyên bố về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc. (Sự kiện đầu tiên là bài phát biểu chống chủ nghĩa bảo hộ tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos vào tháng 1 vừa qua). Năm 2014, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng sáng kiến này là chính sách ngoại giao quan trọng nhất của Chủ tịch Tập. Mục đích cơ bản của nó là biến khu vực Á-Âu (do Trung Quốc chi phối) thành một khu vực kinh tế và thương mại đối trọng với khu vực xuyên Đại Tây Dương (do Mỹ đứng đầu).

Đằng sau nó là một loạt những động cơ thứ yếu, và chính số lượng và sự đa dạng của những động cơ này đã tạo ra sự hoài nghi về sự gắn kết và tính thực tiễn của sáng kiến. Chủ tịch Tập hy vọng việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc, chủ yếu đang được sử dụng để mua các trái phiếu có lãi suất thấp của Chính phủ Mỹ. Ông cũng hi vọng tạo ra một thị trường rộng lớn cho các công ty Trung Quốc như các doanh nghiệp đường sắt cao tốc, và giúp tiêu thụ các sản phẩm dư thừa như xi măng, thép và một số kim loại khác. Ông cho rằng việc đầu tư vào những quốc gia Trung Á có thể mang lại một khu vực láng giềng ổn định cho các tỉnh phía Tây Trung Quốc vốn bất ổn là Tây Tạng và Tân Cương. Hơn nữa, việc khuyến khích các dự án quanh khu vực Biển Đông có thể giúp Trung Quốc củng cố các yêu sách chủ quyền của mình ở khu vực này. (Cấu phần “Con đường” trong sáng kiến là để chỉ các con đường trên biển).

Vấn đề là những tham vọng của Trung Quốc đang có mâu thuẫn với nhau. Liệu việc đầu tư vào những dự án không đáng tin cậy ở Trung Á có tốt hơn việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ? Và đi kèm với các động lực mâu thuẫn là các lợi ích xung đột nhau. Đang có sự mâu thuẫn đấu đá giữa các cơ quyền lực nhất của Trung Quốc liên quan tới sáng kiến, như Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban kế hoạch và các tỉnh của Trung Quốc. Tồi tệ hơn, Trung Quốc đang rất khó xác định được những dự án đầu tư có thể mang lại lợi nhuận ở nhiều nước nằm trong sáng kiến “Vành đai và con đường”. (Các doanh nhân Trung Quốc ở Trung Á đã gọi nó là sáng kiến “Một con đường, một cái bẫy”). Cuối cùng, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ tại một số dự án khi các chính phủ mới được bầu lên tại Myanmar và Sri Lanka không thừa nhận hoặc muốn đàm phán lại những dự án đã được phê chuẩn bởi các chính phủ tiền nhiệm.

Sau diễn đàn, mà trên bề mặt là một dịp để ăn mừng sáng kiến này, thực tế Chủ tịch Tập sẽ phải cố gắng kiềm chế sự phản đối dữ dội chống lại nó. Sự phản đối đó dường như giúp biện minh cho quyết định xa lánh sáng kiến này của các nhà lãnh đạo Châu Âu. Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng sáng kiến này sẽ thất bại. Chủ tịch Tập cần sáng kiến này vì ông đã dành nhiều tâm huyết cho nó. Trung Quốc cũng cần sáng kiến này vì nó giúp giải một số bài toán kinh tế hiện nay của Trung Quốc. Và châu Á cần nó vì tình trạng thiếu vốn trầm trọng cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Sáng kiến “Vành đai và con đường” có nhiều vấn đề khó giải quyết, song Chủ tịch Tập vẫn quyết tâm biến nó thành hiện thực.

Nguồn: “What is China’s belt and road initiative?”, The Economist,

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan & Lê Xuân Thuận | Biên tập: Lê Hồng Hiệp


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nga sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới


22.11.2017 Elena Nikulina

 - Trong chuyến thăm Đà Nẵng gần đây của ông Vladimir Putin, Tổng thống Nga và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã thông qua một tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo an ninh thông tin quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh thông tin của những cơ sở hạ tầng quan trọng, cuộc chiến chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vì mục đích khủng bố và nhằm thực hiện hoạt động tội phạm khác, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về cuộc chiến chống tội phạm trong lĩnh vực thông tin.

Vladimir Kolotov, nhà khoa học chính trị và giáo sư tại Đại học Tổng hợp St Petersburg nói:

"Đây là một tài liệu rất quan trọng. "Nó ảnh hưởng trực tiếp đến loại chiến tranh mới đang ngấp nghé trên ngưỡng cửa mà thế giới chúng ta đang đứng. 
Nó sẽ là chiến tranh mạng". Như nhà phân tích chính trị Andrei Bezrukov, cựu đại tá Cục Tình báo Liên bang Nga, người đã từng có 24 năm là điệp viên mật nằm vùng tại Hoa Kỳ cho biết — "chiến tranh mạng là cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng tối quan trọng của nhà nước. Ví dụ: bấm nút "tắt điện" toàn thành phố, nghĩa là ngắt hẳn mạng lưới điện trong thành phố. Trường hợp đó sẽ là một thảm hoạ. Và những gì trên thực tế mới đây WikiLeaks vừa công bố, những công cụ nào bắt đầu được sử dụng, những công cụ được phát triển ra sao, những công cụ này được thiết kế không phải để ăn cắp tiền, chúng được sử dụng với mục đích tác động ảnh hưởng đến những cơ sở hạ tầng quan trọng".

"Tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia liên quan đến việc vô hiệu hóa các hệ thống cung cấp điện, vận chuyển hàng không, trung tâm truyền thông, các nhà máy lọc dầu, các trung tâm đầu mối vận tải, tàu điện ngầm. Tức là nếu không cần sử dụng đến vũ khí thông thường để tấn công, vẫn có thể gây ra thiệt hại to lớn, và ở đây không phải là chuyện liệu nó có sẽ được sử dụng hay không, mà vấn đề là ở chỗ thời điểm nào nó sẽ được sử dụng. Và điều này đặt nền văn minh con người vào những điều kiện sống mới", — giáo sư Vladimir Kolotov tiếp tục.

Hiện nay, công việc bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của các quốc gia. Ở các nước Đông Nam Á thì vấn đề này được giải quyết chưa thỏa đáng. Đúng, ở đây, máy tính được đưa ra hàng loạt, nhưng chỉ là lắp ráp chúng chứ không sản xuất phần cứng (hardwear), cũng không phải phần mềm (softwear). Các hệ thống kỹ thuật số được quản lý bởi những nhà phát triển nó, tức là các nước phương Tây, chủ yếu là Hoa Kỳ. 

Nga đang phát triển phần cứng và phần mềm riêng. Và trong lĩnh vực an ninh mạng, nhất là về mảng quân sự, Nga đã thể hiện rõ khả năng của mình. Sản phẩm của Nga, ví dụ, đã tự chứng minh trong quá trình hoạt động để Crưm trở về thành phần của nước Nga hay như ở Syria, nơi thiết bị chiến tranh điện tử đã phá hủy công việc của các thiết bị điện tử của đối thủ và thay đổi tình thế theo hướng có lợi cho mình. Bằng cách phát triển vũ khí thông thường và bộ ba hạt nhân, Nga đang nhanh chóng hoàn thiện nền an ninh mạng. 

Cuộc chiến tranh tương lai, nếu nó sẽ nổ ra, sẽ không giống như tất cả các cuộc chiến trước đó. Nó sẽ là một cuộc chiến tranh hỗn hợp, bao gồm chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý, phá hoại đạo đức của kẻ thù và gây thiệt hại cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của đối thủ. Việt Nam cần thiết lập những đơn vị lực lượng vũ trang mạng để bảo vệ cơ sở hạ tầng CNTT của mình không chỉ đối phó với tập đoàn tội phạm quốc tế, tin tặc, những kẻ tấn công hệ thống ngân hàng, hệ thống hỗ trợ cuộc sống, hệ thống giao thông. 

Có thể có các cuộc tấn công từ các quốc gia khác. Thế lực vũ trang mạng nước khác có thể kiểm soát chương trình, tài khoản thực tế trong các mạng xã hội, trong đó thiết lập các chủ đề thảo luận nhằm lật đổ chế độ, như những gì đã diễn ra ở Libya, Ai Cập, Ukraina. Cuộc chạy đua về khoa học và kỹ thuật đã diễn ra trên quy mô lớn chưa từng thấy. Xuất hiện bộ xử lý lượng tử, trong đó tốc độ hoạt động tăng lên nhiều lần. 

Trong bối cảnh ngày càng gia tăng mâu thuẫn về địa chính trị, đang có sự cạnh tranh trong không gian và hiện tượng quân sự hóa của nó. Sự phụ thuộc vào hệ thống thông tin ngày càng tăng, và chúng ta đã đến ranh giới nguy hiểm. Do đó, vấn đề đảm bảo an ninh thông tin là rất nghiêm trọng, và Nga sẵn sàng giúp Việt Nam trong việc giải quyết nhiệm vụ quan trọng này.

https://vn.sputniknews.com/opinion/201711224358747-nga-se-giup-viet-nam-chuan-bi-cho-mot-cuoc-chien-tranh-moi/
Phần nhận xét hiển thị trên trang

CUỐN SÁCH DẪN TỚI VIỆC VIẾT LẠI LỊCH SỬ





HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CỘI NGUỒN *


Điều làm tôi ngạc nhiên trước tiên, là trong vòng hai năm, nhà văn Hà Văn Thùy cho ra hai cuốn sách cùng một đề tài. Liệu có gì mới hay chỉ là sự lặp lại mình? Tôi tự hỏi.

Nhưng rồi cuốn sách nói với tôi, đó là công trình nghiên cứu độc đáo. Thật không ngờ, người viết những trang văn trữ tình đằm thắm trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ lại là tác giả của những khảo cứu khoa học nghiêm túc.
Trước hết, như một nhà khoa học thực thụ, Hà Văn Thùy xác định phương pháp luận cho nghiên cứu của mình. Ông biện giải: trong quá khứ, các khoa khảo cổ học, cổ nhân chủng và ngôn ngữ học từng là công cụ hữu hiệu để khám phá thời tiền sử. Nhưng ở những vấn đề mấu chốt nhất như nguồn gốc loài người, quá trình hình thành các cộng đồng dân cư… các khoa học này đành bất lực. Đến thập niên cuối của thế kỷ trước, di truyền học phân tử được áp dụng vào lĩnh vực này. Khoa học đi theo hành trình khác: nếu trước đây, truy tìm vết tích con người qua những hòn đá, những mảnh xương hóa thạch thì nay, từ những giọt máu của người đang sống, khoa học đi ngược thời gian, tìm lại tổ tiên con người hàng trăm nghìn năm trước sinh ra ở đâu, theo hành trình nào tới ta hôm nay? Từ đó tác giả định ra phương pháp luận mới: dủng dữ liệu di truyền học làm kim chỉ nam và cũng là cây gậy thần gõ vào những hòn đá, những mảnh xương, những tử ngữ, những huyền thoại để buộc chúng khai ra thân phận thực của mình!(Phương pháp luận mới nghiên cứu tiền sử người Việt)
Áp dụng phương pháp luận đó giải mã truyền thuyết Hùng Vương, tác giả cho rằng, khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ đánh chiếm đất của người Bách Việt ở phía nam Hoàng Hà, Lạc Long Quân đã dẫn đoàn người Việt di tản trở lại Rào Rum, Ngàn Hống dựng nước Văn Lang. Gen Mongoloid phương Nam trong đoàn di tản hòa huyết với đồng bào tại chỗ sinh ra tổ tiên người Việt hiện đại là thế hệ Vua Hùng. Ý tưởng này phù hợp với những kết luận khảo cố học từ di chỉ Mán Bạc, Ninh Bình cùng nhiều tài liệu khác. (Truyền thuyết Hùng Vương dưới ánh sáng mới của khoa học)
Về tổ tiên người Trung Hoa, tác giả cho biết: người Hán tự nhận mình là Viêm Hoàng tử tôn nhưng thực sự ai là Viêm, ai là Hoàng, qua “nhị thập tứ sử”, họ chưa phân định được. Theo tác giả, khoảng 2600 năm TCN, khi xâm lăng Bách Việt, người Mông Cổ phương Bắc hòa huyết với người Bách Việt chủng Australoid sinh ra chủng Mongoloid phương Nam. Đó chính là người Hoa Hạ, tổ tiên người Trung Hoa hiện đại. Và kết luận: tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể có trên đất Trung Hoa từ 2600 năm TCN về trước là sản phẩm của Việt tộc. (Khai sinh người Hán và sự hình thành nước Tàu)
Trong khi giới khoa học khẳng định cây kê là sáng tạo của chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều thì tác giả cho rằng, ngay cây kê cũng do người Việt từ Đông Nam Á đưa lên. Dựa vào con đường thiên di lên phía Bắc của người Việt cổ, dựa vào truyền thuyết Ngôi sao bầu trời bú sữa con heo của thổ dân Đài Loan và đồng bào Bana ở Tây Nguyên, tác giả đưa ra ý tưởng “động trời” trên. Trong câu chuyện này có chi tiết: sau nạn lụt lớn, con người được cây kê cuối cùng còn sót lại cứu sống. Đại hống thủy xảy ra 7500 năm trước. Như vậy chí ít thì cây kê đã nuôi sống người Đông Nam Á 500 năm, trước khi chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều ra đời.
Vào thập niên 70 thế kỷ XX, những phát kiến của triết gia Kim Định về Văn Hóa của tộc Việt trở thành niềm đam mê của học sinh, sinh viên miền Nam. Nhưng rồi do những ý tưởng quá táo bạo của ông không được chứng minh bằng chứng từ khoa học, bị một số nhà khoa bảng chống đối, đã bị chìm đi. Nay, trong sách của mình, Hà Văn Thùy đã Xác lập cơ sở khoa học cho học thuyết Kim Định bằng những chứng cứ không thể phủ nhận.
Viết lại lịch sử hình thành kinh Dịch là bài viết sâu sắc, công phu và thuyết phục. Từ sự tham khảo nhiều nguồn tài liệu về cuốn kinh vĩ đại này, kết hợp với những tri thức mới về văn hóa Việt, tác giả khẳng định: kinh Dịch là sáng tạo của cộng đồng Việt từ sông Hồng, sông Mã tới Hoàng Hà, Trường Giang. Trong khi khẳng định nguồn cội Việt, tác giả cũng công bằng cảm ơn người anh em Hán tộc đã phát triển kinh Dịch tới trình độ hiện nay. Tuy nhiên, tác giả cũng nêu ý tưởng đáng suy nghĩ: Bản kinh hiện có mắc những hạn chế là không dựa trên Bát quái chuẩn đồng thời dựa trên vị trí địa lý của người Trung Hoa nên không hoàn toàn phù hợp cho người Việt. Vì vậy, người Việt cần làm ra bản Dịch mới phù hơp với mình. Tác giả đưa ra đề xuất đáng lưu ý: do kinh Dịch là sáng tạo của tổ tiên, có ý nghĩa văn hóa nhân sinh, vũ trụ lớn như vậy, nên cần cho học sinh tiếp xúc với Dịch ngay từ bậc phổ thông…
Bên cạnh phần nghiên cứu, tác giả dành nửa cuốn sách đối thoại với học giả trong và ngoài nước.
Dựa trên những phát hiện khảo cổ, cổ nhân học đầu thế kỷ trước và cổ thư Trung Hoa, học giả người Pháp L. Aurousseau cho rằng, vào khoảng năm 330 TCN, nước Sở diệt nước Việt, người Việt của Câu Tiễn chạy xuống Việt Nam, trở thành tổ tiên của người Việt hiện nay. Viết“Lời cáo chung cho thuyết Aurousseau về nguồn gốc người Việt” tác giả Hà Văn Thùy đưa ra những chứng cứ xác đáng chứng mình rằng 2000 năm trước khi Câu Tiễn ra đời, người Việt đã có mã di truyền như hôm nay! Cố nhiên, Sở Hùng Cừ và Câu Tiễn chỉ là con cháu 2000 năm sau của Vua Hùng!
Một vấn đề đang gây tranh cãi của lịch sử nước ta là vai trò của Triệu Đà. Từ nhiều nguồn tư liệu, tác giả nhiệt thành ủng hộ quan điểm cho rằng Triệu Vũ đế là ông vua đầu tiên sáng lập nước Việt Nam.
Khi cuốn tiểu thuyết Tôtem Sói gây sóng gió trên văn đàn, tác giả nhanh nhạy phản bác ảo tưởng phát xít của tác giả này và khẳng định: “Để cứu thế gian trong tình trạng chuông treo chỉ mành hôm nay, không có cách nào khác là trở về với văn hóa phương Đông cội nguồn. Có nghĩa là phải đưa thế giới trở lại sự cân bằng giữa Âm và Dương trên nền tảng Đất Mẹ, của quẻ Khôn nhu thuận, cưu mang, nuôi nấng.”
Đọc trong sách ta còn gặp những phát hiện bất ngờ: thành Cổ Loa không hề có hình xoăn ốc; hòn đá có hình người cụt đầu đang thờ ở am Mỵ Châu cần được vứt bỏ vì nó không đúng với sự kiện lịch sử và xuyên tạc văn hóa Việt…
Năm 2007 với cuốn “Tìm Lại Cội Nguồn Văn Hóa Việt”, tác giả đưa ra những ý tưởng rất mới mẻ về cội nguồn sinh học và văn hóa của Việt tộc. HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CỘI NGUỒN , cuốn sách thứ hai , là sự khẳng định mạnh mẽ những đề xuất trước đó và nâng cao độ tin cậy khoa học. Cuốn sách này có sinh mệnh riêng, buộc người ta phải nói tới nó. Và từ đây nhiều cuốn sử phải được viết lại.

* Nhà xuất bản Văn Học, tháng 8 năm 2008.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LẠM BÀN VỀ CÔNG DANH



Dương Quốc Việt
Theo Sigmund Schlomo Freud (1856-1939) nhà tâm lý học vĩ đại người Đức thì nhân loại mang hai thị dục căn bản nhất, là “tình dục” và “thị dục huyễn ngã”(lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng). Còn John Dewey (1859 -1952)- nhà triết học, tâm lý học, và cũng là một nhà cải cách giáo dục người Mỹ cho rằng: “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã”. Vì thế, có phải chăng khao khát công danh-sang giàu- quyền lực, luôn đi cùng với con người!?
Abraham Lincoln (1809 -1865)-tổng thống thứ 16 của Mỹ, ông còn được mệnh danh là người giải phóng vĩ đại, đã từng nói: “Ai cũng muốn được người ta khen mình”. Khốn thay được khen, hay được thừa nhận đâu có dễ! Chẳng thế mà người Việt có câu: “Được tiếng khen ho hen chẳng còn”. Thế mới thấy cái danh thơm thật nghiệt ngã biết bao!? Nhưng dường như: “Được tiếng khen ho hen chẳng còn” còn để lại nhiều thông điệp sâu xa, chẳng hạn như cần phải biết lượng sức mà lập danh, kẻo được danh rồi, thì thân tàn ma dại, hoặc nếu đã dám vì cái danh, thì cũng phải dám chịu, chấp nhận những khổ công hay những mất mát nào đó...      
Chính nhờ có thị dục huyễn ngã cực mạnh và có giáo dục, nên một người    sinh trưởng trong một gia đình nghèo-học vấn dở dang-để chỉ làm một thư ký quèn trong một tiệm tạp hóa, đã mua những cuốn sách rách nát  nghiền ngẫm-tự học, để trở thành một vĩ nhân Lincoln. Nhưng có bao nhiêu người được như Lincoln? Thật không khó để nhận ra, trong lịch sử nhân loại biết bao người có cái tài, cái chí và cái đức miệt mài như Lincoln, nhưng không thành được Lincoln, bởi còn vận may, còn thời thế, và nhiều điều kiện khác nữa...
Thị dục huyễn ngã không chỉ sản sinh ra những thiên tài chân chính, cùng với tài đức-những khổ công của họcống hiến cho đời, mà còn sản sinh ra những “quái kiệt”, gây khổ đau nhân loại. Thị dục huyễn ngã cũng không chỉ tạo nên chủ nhân của những tấm bằng, những tấm huy chương đúng giá trị, mà cũng còn cả những chủ nhân không tương xứng. Rồi biết bao vị vua và các vị thủ trưởng tin dùng những kẻ xu nịnh-tâng bốc, dẫn đến tan nát cơ đồ, cũng chỉ vì thị dục này mà ra cả. Cũng do thị dục huyễn ngã mà thời đại nào cũng có những vị quan thanh liêm, nhưng cũng không thiếu những kẻ quan tham tài hèn-đức mỏng.
Trong lao động sáng tạo, có mấy tác phẩm được để đời, cũng như có được mấy ai thành danh. Nhưng không sao, thế giới của những đam mê, khát vọng lao động sáng tạo, vẫn không vì thế mà nản lòng, ngưng nghỉ. Bởi dẫu không thành danh, thì người ta vẫn làm nên những giá trị nào đó cho chính cuộc đời mình, tức là “thành nhân” vậy! Và sẽ ra sao trong “chốn công danh”, nếu  ở  đó xuất hiện những  kẻ “ngồi nhầm chỗ”?
Đành rằng thị dục huyễn ngã là bản chất của nhân loại, nhưng có mấy người hời hợt-lười nhác-dựa dẫm-thụ hưởng, lại dám liều lĩnh chen chân vào chốn đòi hỏi gắt gao lòng đam mê, tài năng và lao động sáng tạo, để hòng kiếm chác danh lợi!? Cũng như chốn linh thiêng nơi cửa Phật, đâu phải là chốn cho những kẻ còn nhiều ham hố bận lòng. Nhân loại nói chung luôn suy nghĩ như thế, văn hóa và đạo lý của người Việt hàng nghìn năm nay cũng thế. Nhưng tiếc thay, ngày nay ngay cả những nơi, những vị trí tưởng như rất kén người, ấy thế mà vẫn không ít kẻ lọt lưới.
Từ lịch sử cho thấy, thị dục huyễn ngã hướng những mục tiêu cá nhân cao cả hay thấp hèn, trước hết bởi thước đo của những giá trị xã hội. Thị dục huyễn ngã cũng có thể được nuôi dưỡng và tác động-phát huy tích cực, cũng có thẻ bị kìm nén, hoặc thậm chí đâu đó còn có khi không muốn thừa nhận, hay bị tác động méo mó. Thị dục huyễn ngã, hạt giống sản sinh ra những cá nhân tốt hay xấu, dường như phụ thuộc vào văn hóa-giáo dục-tín ngưỡng và hoàn cảnh xã hội mà cá nhân ấy được thụ hưởng.
Thị dục huyễn ngã là đặc trưng của loài người, mà loài vật không có dục vọng này. Nhờ thị dục huyễn ngã, mà nhân loại ngày càng văn minh, một cá nhân có xuất phát điểm khiêm tốn, có thể nỗ lực vươn lên trở thành người có uy tín cao trong xã hội. Tất nhiên mặt trái của nó, sinh ra những kẻ tàn ác-bất chính, thậm chí như nó cũng đã từng sản sinh ra những kẻ mang trọng tội chống nhân loại, hay những kẻ kéo lùi lịch sử./. 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tham vọng quyền lực - mối hiểm họa

VHNA

  •   DƯƠNG QUỐC VIỆT

Tham vọng quyền lực. Nguồn InternetTham vọng quyền lực. Nguồn Internet
Trong bài giảng nhậm chức - ngày 19 tháng 3 năm 2013 của Giáo Hoàng Franciscuscó đoạn: “Đau đớn thay, trong mọi thời đại của lịch sử đều có cácvua Herodes” lập mưu lập kế để tạo ra chết chóc, hủy hoại, và bóp méo bộ mặt của con người”. Có lẽ phát biểu này còn như một thông điệp muốn nhắn gửi rằng: dưới mọi hình thức, sự  xuất hiện mưu mô hãm hại, hay xâm lược kẻ khác..., luôn song hành với lịch sử loài người.
Xin sơ lược về vị vua mà Giáo Hoàng Franciscus nhắc đến. Herodes(73 TCN- 4 SCN) được đế chế La Mã cắt đặt cai trị tỉnh Iudaea(nay là vùng đất tranh chấp giữa Israel và Palestine) từ năm 37 TCN đến năm 4 TCN. Theo sách Phúc Âm, khi Chúa Jesus mới sinh, tin đồn về nhiều đặc điểm khác lạ của một kỳ nhân vang xa, và đã đến tai vị vua này. Nhưng do không biết đích xác kỳ nhân mới xuất hiện là ai, Herodes đã hạ lệnh cho giết tất cả các bé trai mới sinh không quá 2 tuổi ở vùng Bethlehem-nơi có đứa trẻ lạ mới sinh, bởi ông lo sợ một ngày kia đứa bé này sẽ trở thành mối đe dọa cho ngai vàng của ông.
Hiểm họa thật khôn lường! Chiến tranh, hay thiên tai mà loài người phải  gánh chịu đã là một nhẽ. Nhưng còn kinh hoàng hơn thế, ấy là những cuộc cướp bóc, thảm sát đẫm máu giữa thời bình, những công cuộc điên đảo, người với người bất ngờ trở mặt-“đất bằng bỗng nổi cơn sóng gió”.     
Đời sống của những người nông dân ở các vùng nông thôn vốnbình yên-cùng nhauăn ở đời đời kiếp kiếp“tắt lửa tối đèn” có nhau.Tuy có phân biệt kẻ giàu người nghèo,nhưng trật tự đó đã được thừa nhận như một lẽ của tạo hóa. Chưa kể thực tế địa vị giàu-nghèo không ấn định cho ai và nó hoàn toàn có thể thay đổi theo cung cách làm ăn, hay thời vận của mỗi cá nhân. Người ta nương nhờ vào nhau mà sống, để cùng chống thiên tai, địch họa. Thế rồi còn gì khủng khiếp hơn, cái ngày 4/5/1946, Trung Quốc phát động “Cải cách ruộng đất”, và đã cưỡng chế tàn bạo, tùy tiện,làm đảo lộn tất cả. Phong trào này, đã đưa cả xã hội vào cuộc chém giết kinh hoàng, hệ giá trị đạo lý trong xã hội truyền thống bị đảo lộn-tan vỡ,nền tảng đạo đức xã hội theo đó mà hoàn toàn bị suy sụp.Mao Trạch Đông (1893-1976) lệnh cho tổ công tác “Cải cách ruộng đất”: “Đặt chân đến đâu, việc đầu tiên là phải tạo ra cảnh tượng thật khủng bố”, và  trong một tài liệu xuất bản năm 1948, ông ta dự định:“một phần mười tá điền, địa chủ cần phải bị loại bỏ”(ước tính khoảng 50 triệu người).
Những kẻ muốn độc tôn vị trí thống trị nhân gian, sẽ có nhiều lý lẽ để biện hộ cho âm mưu của họ. Nhưng cái cảnh con gái chỉ vào mặt bố đẻ: “Tên địa chủ kia, mày có biết bà là ai không?”,  diễn ra trong Cải cách ruộng đất, có lẽ mãi mãi là nỗi hổ thẹn của loài người.
Người Trung Quốc đã chứng kiến sự phá hoại man rợ của Cải cách ruộng đất, của Đại nhảy vọt (1958-1961), và những màn trình diễn bạo lực của hàng triệu thanh thiếu niên-thời Cách mạng văn hóa (1966-1976) với cái tên gọi dành cho họ: “Tiểu tướng Hồng Vệ Binh”. Người ta dùng một lực lượng trẻ con mới lớn, tâng bốc họ thành những “ông trời con”, để họ tha hồ hành hạ-đánh đập-bắt bớ những “cây đa cây đề”-giường cột quốc gia, hay những tinh hoa, những danh nhân... thì quả là “đắc địa”, và “hiệu quả” đến vô cùng. Mà chắc cũng chỉ có con trẻ-thần kinh được kích hoạt, mới dám làm những việc như thế. Đó quả thật là điều chưa từng có, khiến người đời chỉ có thể gọi là “kiểu Trung Hoa”. Và tất nhiên tổng đạo diễn cho vở biệt kịch này hẳn phải là một vị gấp nhiều lần “vua Herodes”.
Nhằm giữ được quyền lực lâu dài, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất, khiến Mao Trạch  Đông  gây ra những cuộc thảm sát đẫm máu ở Trung Quốc, và ông đã đạt được vị trí độc tôn tại xứ sở này cho đến lúc chết. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế và khoa học dưới thời ông trị vì còn rất yếu, bởi thế mà “giấc mộng Trung Hoa” vẫn còn chưa có cơ phát lộ!?      
Lịch sử cho thấy, khi khát vọng quyền lực ở mức đỉnh điểm, trong hoàn cảnh cho phép, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến  những cuộc chiến tranh xâm lược. Trong cuộc viễn chinh tới Ai Cập (1798-1801), trước một trận chiến ác liệt, Napoleon Bonaparte (1769-1821) đã sang sảng với cây gậy chỉ lên Kim tự tháp:”Từ Kim tự tháp này 40 thế kỷ đang trông chờ chúng ta”. Hay trong cuộc chiến ở Ý (1796-1797), như để kích thích sinh khí của binh sĩ, Napoleon đã nhìn vào họ mà rằng:”Sau này trở về nhà, những người hàng xóm sẽ chỉ vào các ngươi mà nói rằng:chính hắn đã từng chiến đấu ở Ý”. Những lời lẽ này, làm người ta cảm thấy Napoleon như đang dẫn một đạo quân “thay trời hành đạo”, làm cái xứ mệnh sắp đặt lại thứ bậc của thế gian. Dường như  ông tự trao cho mình cái bổn phận phải hạ bệ cả những tượng đài lịch sử mà nhân loại hằng tôn thờ, như hai nền văn minh Ai Cập và La Mã. Vì thế có lẽ chiến tranh còn là câu chuyện riêng của chủ nghĩa anh hùng cá nhân.
Lùi lại thời điểm khoảng năm 500 TCN, lịch sử đã ghi nhận một vương triều hùng mạnh ở Tây Á-đế quốc Ba Tư. Mặc dù họ đã chiếm đóng một diện tích rộng lớn tới khoảng 2 triệu km vuông tại châu Á, Ai Cập… thế nhưng  hoàng đế Darius I(550-486 TCN)-người tự phong mình là “vua của các vị vua” vẫn tiến hành xâm lăng chinh phục, mở rộng lãnh thổ của mình. Ông đã lần lượt chiếm Ấn Độ, Thracia (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), đè bẹp cuộc nổi dậy ở Babylon… Và chỉ đến khi người Ba Tư bị thất bại hoàn toàn khi đụng độ với nền văn minh Hy Lạp, thông qua trận chiến Marathon vào mùa thu năm 490 TCN, thì Darius I  mới chịu dừng lại.
Mới chỉ cóp nhặt một phần rất nhỏ của lịch sử, cũng đủ để thấy cái tham vọng quyền lực tiềm ẩn những hiểm họa lớn đến cỡ nào!? Dù là Herodes hay Mao Trạch Đông, và  Darius I  hay Napoleon, tuy sắc thái man rợ  hay văn minh, tầm vóc hay ý nghĩa khác nhau, nhưng họ đều thể hiện là những người mang tham vọng quyền lực không giới hạn.    
Ngày nay, ngoài những cường quốc văn minh cao quen thuộc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật..., trong vài thập niên gần đây, Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc về kinh tế và quân sự-mang tư tưởng đại Hán với tham vọng thống trị thế giới. Tuy nền văn minh Trung Hoa vốn là nền văn minh lâu đời nhất thế giới, nhưng ở xứ sở này, tư tưởng của con người sau thời Chiến Quốc (thế kỷ thứ 5 TCN-221 TCN), dường như bị trói buộc. Kết cục tuy là một quốc gia đông dân nhất hành tinh-có lịch sử lâu đời, nhưng họ đóng góp cho nhân loại không nhiều phát minh sáng chế!? Vốn đã từng có “quốc dân tính” như  AQ-nhân vật trong “AQ chính truyện” của văn hào Lỗ Tấn (1881-1936), lại bị trải qua nhiều cuộc trấn áp tư tưởng tàn khốc, trong thời đại mới, nên thật khó nói về hệ thống văn hóa-tư tưởng ở Trung Quốc ngày nay.
Trong phim “Anh Hùng Xạ Điêu”có kể về nhân vật Chu Bá Thông còn gọi là Lão Ngoan Đồng- một nhân vật cổ quái-vừa trẻ lại vừa già, đã sáng chế ra một môn võ quái đản, mà chỉ có ai thật ngốc như anh chàng Quách Tỉnh mới học được. Nhiều người cho rằng nhân vật Lão Ngoan Đồng với một tay vẽ hình tròn-một tay vẽ hình vuông, là biểu tượng của văn hóa-tư tưởng Trung Hoa, mà nhà văn Kim Dung (sinh năm 1924) muốn gửi gắm. Và nếu quả như vậy, thì liệu họ có đủ tư cách làm kẻ dẫn dắt thế giới hay không?   
Dẫu vậy họ không thể không là mối lo của nhân loại, nhất là với những quốc gia láng giềng của họ. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, những kẻ văn minh-văn hóa thấp, chỉ cốt “lấy thịt đè người”, tuy không có khả năng kiến tạo và xây dựng lên những giá trị tốt đẹp cho nhân loại, nhưng có thể chúng lại có khả năng phá hoại khủng khiếp, gieo rắc đói nghèo, và làm đảo lộn mọi giá trị!?
Trước những thế lực mang dục vọng thống trị thế giới, với đủ kiểu xâm lược, có lẽ vì không có cách nào khác, để bảo vệ được mình, các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển, ngày càng phải hội nhập sâu rộng, phát triển, nâng cao văn minh - văn hóa. Và cuối cùng xin được dẫn lại lời phát biểu cách đây 29 năm của M. Gorbachev: "Sự xóa bỏ ý thức hệ trong quan hệ giữa các quốc gia đã trở nên nhu cầu của thời đại mới. Chúng ta không từ bỏ lòng tin, triết lý hay truyền thống của họ. Nhưng chúng ta sẽ không tự cô lập và nhốt mình lại trong những giá trị sống của chín mình. Làm như vậy sẽ khiến cạn kiệt về mặt tinh thần, vì nó sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ một nguồn phát triển mạnh mẽ, đó là chia sẻ tất cả những thứ độc đáo được sáng tạo một cách độc lập từ mỗi quốc gia (Diễn văn của M. Gorbachev tại Liên hợp quốc- 7-12-1988 trước Đại Hội Đồng LHQ).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

DỰ ÁN CÁT LINH – HÀ ĐÔNG: TRUNG QUỐC ĐÃ CHƠI XẤU NHƯ THẾ NÀO ?




Ngày 20/5, dự án đường sắt trên không Hà Đông – Cát Linh chính thức được mở cho người dân Hà Nội tham quan. Sau hơn sáu năm khởi công, lần đầu người dân Việt Nam được tận mắt được chứng kiến chiếc tàu metro. Tuy nhiên, đây có phải là một “thành quả” như báo chí vẫn đang ra sức tâng bốc hay chỉ là một cú lừa lớn của Trung Quốc với Việt Nam?

Dự án đường sắt Hà Đông – Cát Linh để lại nhiều hậu quả nặng nề, đầu tiên có thể thấy rõ nhất ngân sách quốc gia và nhân dân phải cõng một khoản tiền oan. Dự án được phê chuẩn và đi vào thi công vào cuối năm 2011 với những ưu đãi đầy “hứa hẹn”. Đầu tiên, tổng đầu tư 552,66 triệu với chiều dài 13.1 km. Con số này bề ngoài nhìn có vẻ hợp lý và thậm chí khá mềm so với các dự án đường sắt khác trên thế giới. Tại Pháp, chính phủ bỏ ra 39 tỷ để xây dựng hệ thống đường sắt mới dài gần 200 km. Nếu tính ra đơn vị trên 1 km và trừ các khoản chi phí lặt vặt thì mức giá trên của nhà thầu Trung Quốc có vẻ rất phải chăng. Thêm vào đó, chính phủ Trung Cộng hứa hẹn cho chính phủ Việt Nam mượn 169 triệu vốn vay ưu đãi thông qua hình thức ODA. Như vậy bên Việt nam có được gói thầu rẻ và chỉ phải bỏ ra khoảng 80% vốn trước mắt. Tuy nhiên, khi kí thỏa thuận xong cũng chính là lúc Việt Nam rơi vào cái bẫy kinh tế của Trung Quốc giăng ra.



Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông “uốn lượn” đẹp mắt

Hợp đồng không rõ ràng

Qui tắc tối thiểu trong kinh tế là hợp đồng kinh tế phải rõ ràng. Tuy nhiên bên tổng thầu Trung Quốc đã cố tình chia nhỏ hợp đồng, để khi quá trình thi công bắt đầu mà các hợp đồng quan trọng nhất vẫn chưa được kí hết. Hậu quả là khi mọi chuyện đâu vào đấy rồi bên thầu Trung Quốc trở mặt dừng thi công để đòi thêm phía Việt Nam 315,18 triệu (Con số này bằng hơn nửa số vốn ban đầu). Sau khi “thỏa thuận lại” so với thầu Trung Quốc số vốn bỏ tăng gần gấp đôi và hoàn toàn do bên Việt Nam chịu.

Phụ thuộc liên tiếp vào Trung Quốc

Trung Quốc cố tình làm kích thước của thanh ray đường sắt to hơn bình thường để phù hợp với các loại tàu Trung Quốc sản xuất. Như vậy, Việt Nam rõ ràng sẽ phải chấp nhận mua loại tàu sản xuất từ phía Trung Quốc. Còn giá cả bao nhiêu thì Trung Quốc hoàn toàn có lợi thế trong việc quyết định

Nguy cơ đổ vỡ kinh tế từ những khoản vay “ngoài dự tính”

Các dự án kinh tế như vậy đã làm Việt Nam trở thành con nợ lớn của Trung Quốc. Nguyên tắc khi đi vay nợ là quốc gia đó phải có đủ điều kiện chi trả. Vay một số tiền quá lớn ngoài sức chịu đựng của những khoản thu của ngân sách nhà nước thì dĩ nhiên chính phủ buộc phải tăng thuế. Rõ ràng trong dự án đường sắt Cát Linh số vay thêm là “ngoài dự tính” và gấp 3 lần số vay ban đầu. Chỉ riêng dự án đường sắt Hà Đông-Cát Linh, Việt Nam nợ Trung Quốc gần nửa tỷ USD. Vậy ta đã có kế hoạch chi trả cho số tiền nợ “ngoài dự tính” đó chưa hay tất cả sẽ quy về đồng tiền thuế của của dân? Cộng thêm số lãi hàng năm, ngân sách quốc gia và nhân dân sẽ phải cõng một khoản thuế lớn để trả giá cho sự thiếu tính toán của các bộ ngành khi quyết định vay nợ Trung Quốc. Trong lịch sử kinh tế thế giới đã có rất nhiều quốc gia vỡ nợ vì chi-vay không có kế hoạch. Nếu tiếp diễn tình trạng này thì nguy cơ khủng hoảng tài chính của Việt Nam là rất cao, hoặc Việt Nam chấp nhận vỡ nợ, hoặc chấp nhận phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc.

Dự án lộn xộn, thiếu quy hoạch

Nhìn từ trên không có thể thấy rõ dự án Hà Đông – Cát Linh đi theo một hướng uốn éo lởm chởm, không hơn một công trình rẻ tiền là bao. Theo phản ánh nhiều người tham quan, công trình có nhiều khe kích thước lớn, hành khách có thể dễ dàng gặp tai nạn. Các khu vực được bố trí không hợp lý dẫn tới việc di chuyển vô cùng mệt mỏi. Một vấn đề lớn đặt ra nữa là không hề có khu vực để xe đạp, xe máy dành cho hành khách trong thiết kế. Bây giờ muốn xây thêm chỗ gửi xe “chưa được dự tính trước” thì ban quản lý sẽ sử dụng phần đất nào đây? Nhất là một thành phố đất chật người đông như Hà Nội như hiện nay, chắc chắn dự án Hà Đông-Cát Linh sẽ góp phần làm cho mức độ hỗn độn của đô thị trở nên nghiêm trọng thêm.



Phần khe nối giữa tàu và nhà ga khoảng cách khá rộng, chân trẻ em dễ dàng lọt qua, có thể gây nguy hiểm nếu không có người lớn giám sát (Ảnh Vietnamnet)

Cuối cùng, dự án của Trung Quốc xây liệu có an toàn, người dân Việt Nam có dám đi không? Hơn nữa, một công trình giao thông chỉ được sử dụng khi nó đi vào hoàn thiện. Ví dụ để đến công sở, người dân phải lái xe máy đến ga tàu, rồi lại phải mất tiền gửi xe máy và thêm một khoảng thời gian đi bộ để đến chỗ làm việc. Vậy, so với phương tiện truyền thống cái nào lợi hơn? Quy mô của dự án chỉ kéo dài 13km, rõ ràng chẳng đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân thủ đô, chưa kể những bất tiện và độ rủi ro khi tham gia phương tiện này. Nếu phát triển thêm dự án liệu Việt Nam có tiếp tục chịu sự dắt mũi của Trung Quốc không? Và tiền đâu ra tiếp để phát triển thêm tuyến đường?

Cảnh khủng khiếp dưới gầm công trường đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện, cứ như họ đang giấu giếm điều gì đó…

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông phá sản chạy thử vào tháng 10, còn phía dưới các nhà ga đang là rác thải, bơm kim tiêm la liệt.

Tại công trường thi công, đoạn qua đường Trần Phú, phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) xuất hiện hàng loạt kim tiêm vứt la liệt, khiến nhiều người lo lắng.

Bà Tú sống gần khu vực này chia sẻ, thấy hiện tượng này xuất hiện từ lâu, nhất là ở khu vực cầu thang xây lên. Ngoài ra, nước tù đọng, rác dồn ứ lâu ngày gây ô nhiễm.

“Cứ dựng một đống bê tông lên rồi để đó, không sớm thì muộn chỗ này dễ thành bãi rác to” – bà Tú lo lắng.



Kim tiêm đã qua sử dụng vứt la liệt tại khu vực nhà ga ở đường Trần Phú

Một người dân ở đây cho biết: Thỉnh thoảng tôi lại thấy có vài người vào đây chích rồi vứt kim tiêm la liệt, thời gian vào ra không cố định, ban ngày cũng có”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Bạch Hồng Hiếu, Phó chủ tịch UBND phường Mộ Lao, quận Hà Đông xác nhận tình trạng này. Ông khẳng định sẽ có phương án vào cuộc xử lý dứt điểm.



Phó chủ tịch phường Mộ Lao Bạch Hồng Hiếu thị sát khu vực kim tiêm vứt la liệt

Ông Hiếu thông tin: Phường thường xuyên phối hợp với công an phường rà soát, xử lý vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Tuy nhiên, khu vực xảy ra hiện tượng trên giáp ranh với quận Thanh Xuân, có vị trí khuất và là nơi đang thi công công trường nên các đối tượng lợi dụng để làm tụ điểm.

Một cán bộ công an phường Mộ Lao cho biết, tình trạng trên mới xuất hiện, công an phường đã cử cán bộ xuống xác minh và xử lý.

Tại một số điểm thi công nhà chờ đường sắt trên cao xuất hiện tình trạng người dân lợi dụng công trình xây dở để xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.



Nhà ga trên đường Nguyễn Trãi, gần chợ Phùng Khoang thi công dang dở, hiện đang vây kín bạt lưới



Cầu thang dẫn lên nhà chờ được gắn cọc thép, vây lưới tạm trên đường Nguyễn Trãi



Rác thải chất đống tại khu vực thi công nhà ga gần hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa)



Công trường ngổn ngang gạch vữa trên đường Hoàng Cầu hướng ra đường Láng



Cũng tại nhà ga đang xây dở này, rác thải, củi khô, thùng xốp nổi lềnh bềnh trên vũng nước đen ngòm



Cầu thang dẫn lên nhà chờ đường sắt trên cao đang xây dở, nước tù đọng bốc mùi hôi thối. Ảnh chụp tại nhà ga giao nhau giữa đường Ô Chợ Dừa và Hoàng Cầu (quận Đống Đa)



Một số hộ dân sống cạnh công trường đường sắt trên cao đoạn qua đường Nguyễn Trãi bày tỏ bức xúc khi việc xây dựng chậm tiến độ, nhiều rác xả ra gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe



Kim tiêm vứt chỏng chơ khu vực đường Trần Phú, Hà Đông



Gạch vữa chất đống





Cầu thang dẫn lên nhà ga trên đường Hoàng Cầu mới trơ khung thép



Đại diện BQL dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết: Do vướng mắc về nguồn vốn bổ sung nên việc thi công dự án diễn ra cầm chừng



Nhà ga trên đường Láng (quận Đống Đa) ngổn ngang vật liệu xây dựng



Bộ GTVT đang chỉ đạo phía Tổng thầu TQ đề nghị bổ sung nguồn vốn lưu động cho dự án, tuy nhiên tổng thầu báo cáo phần vốn này chỉ ưu tiên dành cho tạm ứng mua sắm thiết bị dự án (Ảnh chụp nhà chờ trên đường Nguyễn Trãi, đoạn gần Nguyễn Xiển)



Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, mốc thời gian trước đây đưa ra dự kiến chạy thử vào tháng 10 khó đạt được vì nhiều hạng mục dở dang do thiếu vốn



Bộ GTVT cho biết, sẽ đề nghị Đại sứ quán TQ làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn cục 6 Đường sắt TQ yêu cầu thực hiện tiến độ cam kết



Phần nhận xét hiển thị trên trang