Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Đoàn Thị Hương bị giải tới phòng thí nghiệm


VOA - Tòa án xét xử Đoàn Thị Hương và một công dân Indonesia trong vụ ám sát người anh em cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un hôm 9/10 đã tạm chuyển tới một phòng thí nghiệm được bảo đảm an ninh tuyệt đối để xem quần áo dính chất độc thần kinh mà hai bị cáo mặc ngày xảy ra vụ tấn công.

Theo AP, tại Malaysia, các thẩm phán thường đi thị sát hiện trường vụ án. Tòa đi tới động thái trên sau khi một chuyên gia hóa chất của chính phủ, ông Raja Subramaniam, nói tại tòa tuần trước rằng chất độc thần kinh VX mà ông phát hiện trên quần áo của Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah có thể vẫn còn tác dụng.

Tuyên bố của ông là bằng chứng đầu tiên chống lại công dân Việt Nam và Indonesia. Hai cô này bị cáo buộc sử dụng chất độc bị Liên Hiệp Quốc cấm đề ám sát ông Kim Jong Nam tại một phi trường ở Kuala Lumpur hôm 13/2.

Bà Selvi Sandrasegaram, một trong các luật sư của cô Aisyah, nói rằng ông Raja đã dành hơn một giờ đồng hồ để trình bày bằng chứng nhiễm VX tại một phòng nhỏ bên trong phòng thí nghiệm của chính phủ.

Tuần trước, ông Raja khai chứng tại tòa rằng chất độc VX đã được tìm thấy trên mặt, mắt và quần áo cũng như trong máu và nước tiểu của ông Kim Jong Nam. Khi ấy, bằng chứng được mang tới tòa trong các túi kín. Và tại phòng thí nghiệm, bằng chứng trên sẽ được bỏ ra ngoài để xem.

Theo AP, phiên tòa ban đầu dự kiến sẽ tiếp tục sau khi nghỉ trưa tại tòa nhà nơi đặt tòa án, nhưng thẩm phán đã hoãn xử tiếp vì ông Raja kêu mệt.

Phiên xử sẽ tiếp tục vào ngày mai, 10/10. Các công tố viên từng tuyên bố sẽ cho chiếu các video từ máy quay an ninh trong tuần này, cho thấy hai phụ nữ thực hiện vụ tấn công và biết mình đang làm gì.

Ngay trong ngày xử đầu tiên, Đoàn Thị Hương và bị cáo người Indonesia không nhận tội và nói rằng mình bị lừa.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cử tri yêu cầu công khai 137 lô biệt thự ở Sơn Trà là của ai


Khánh Hồng 
Dân Trí - Cử tri Lê Đình Thi (phường Xuân Hà) yêu cầu công khai 137 lô biệt thự trên bán đảo Sơn Trà là của ai để dân biết, dân giám sát. "Nói 137 lô đất biết của ai. Chỉ có những vị lãnh đạo trước đây và bây giờ chứ người dân có ai?", cử tri Thi lập luận.

Chiều 5/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc với các cử tri quận Thanh Khê nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Trọng Khải (phường Thanh Khê Tây) – cho biết, sau khi có kết luận của UB Kiểm tra Trung ương về các vấn đề của Đà Nẵng, ông rất đau lòng, đặc biệt là chuyện đất đai, những lô đất vàng không qua đấu giá.

Cử tri Lê Đình Thi (phường Xuân Hà) – chia sẻ, bản thân ông rất đồng tình, hoan nghênh và ủng hộ việc Tổng Bí thư đã rất quyết liệt trong chống tham nhũng, đem lại niềm tin cho đất nước, cho nhân dân.

Cử tri Thi cũng yêu cầu công khai 137 lô biệt thự trên Sơn Trà đứng tên của ai cho dân biết.

“Nói 137 lô đất biết của ai. Chỉ có những vị lãnh đạo trước đây và bây giờ chứ người dân có ai? Đề nghị các đồng chí làm rõ vấn đề này để dân biết, dân giám sát”, cử tri Thi nói.

Đối với 9 dự án và 31 nhà công sản của Đà Nẵng đang bị Bộ Công an điều tra, cử tri Thi cho rằng việc bán các dự án và nhà công sản không qua đấu giá là vi phạm pháp luật.

“Luật đấu thầu là tổ chức công khai minh bạch để tiến hành đấu thầu, đem lại quyền lợi, ngân sách cho thành phố. Bây giờ toàn bộ số tiền chênh lệch đó vào túi lợi ích nhóm, các mafia, đại gia, từ đó lũng đoạn hết đời này qua đời khác. Đến bây giờ đại gia vẫn tiếp tục lũng đoạn, nếu không kịp thanh tra thì tiếp tục lũng đoạn nữa. Vì vậy, cần thanh tra và tiêu diệt dứt điểm vấn đề lũng đoạn của các đại gia trên địa bàn thành phố”, cử tri Thi bức xúc.

Cử tri Thi cũng kiến nghị, sau khi UB Kiểm tra Trung ương công bố vi phạm của lãnh đạo Đà Nẵng thì cần sớm thay lãnh đạo. “Cần đưa ngay lên người có đức, có tài để lãnh đạo thành phố”, cử tri Thi ý kiến.

Cử tri Nguyễn Quang Nga (phường Tân Chính) – cho biết, những năm qua, chống tham nhũng có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo cử tri Nga, những cái đi lên thì được tính bằng mi-li-mét, còn những cái tụt xuống thì tính bằng cây số. Bây giờ, rờ vào lĩnh vực nào, ngành nào, tỉnh/thành nào cũng có lợi ích nhóm, tham nhũng. Việc giải quyết các vụ án tham nhũng quá chậm, thu hồi tài sản quá kém.

Cử tri Nga cũng cho biết, một việc rất không bình thường, đó là những vụ việc nổi cộm như tham nhũng, vi phạm nhưng không có tiếng nói của đại biểu Quốc hội. Trong các bài phỏng vấn của các báo đài chỉ có ý kiến của những người nghỉ hưu, chứ không có người đương chức.

“Những ông đương chức không đủ khả năng trả lời của phỏng vấn hay các ông né tránh. Cái này Quốc hội phải xem, làm sao đó để Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất”, cử tri Nga nói.

Cử tri Nga cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ dự toán và ngân sách nhà nước 2018 và kiên quyết cắt giảm những việc như cán bộ đi tham quan, xây dựng trụ sở, tượng đài.

Cử tri Nguyễn Trung Sơn (phường Tam Thuận) đề nghị Quốc hội cần có cơ chế giám sát thu nhập của cán bộ.

“Thu nhập ông bao nhiêu mà nhà nọ, nhà kia. Con cái ông sống giàu sang thì ông lấy tiền từ đâu ra. Nếu chúng ta có cơ chế kiểm soát thu nhập chặt chẽ, ông không giải trình được tài sản đó thì Nhà nước tịch thu”, cử tri Sơn nói.

Trả lời ý kiến của các cử tri, ông Nguyễn Thanh Quang – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng – khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng của Nhà nước đang rất cao. Theo ông Quang, việc này không có vùng cấm, nhưng cũng không phải dễ. Ông Quang mong các cử tri tiếp tục quan tâm, giám sát, góp ý cho Nhà nước về vấn đề này.

Về việc kỷ luật Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Bí thư Nguyễn Xuân Anh, ông Quang – cho biết, Ban Bí thư đang xử lý theo quy trình. Sau khi kết luận, các bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố sẽ báo cáo với bà con ai sai, sai đến đâu.

“Đối với các 9 dự án và 31 nhà công sản, các dự án trên bán đảo Sơn Trà đang được thanh tra, kiểm tra, thậm chí đang được điều tra. Chúng ta còn tiếp tục theo dõi nhiều vấn đề liên quan, xin các vị chờ kết luận cuối cùng”, ông Quang nói.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Họ chưa từng xứng đáng là đại biểu Quốc hội của dân



Mạnh Quân
(Dân trí) - Với vụ bà Châu Thị Thu Nga, cựu đại biểu Quốc hội bị truy tố và vẫn đang được Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử, tính đến nay, đã có ít nhất 3 đại biểu Quốc hội bị đình chỉ chức vụ, truy tố.

Phiên tòa xét xử cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm về tội "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" vẫn chưa kết thúc. Nhưng với những lời khai, sự thừa nhận trước tòa của bà Nga đã cho thấy, bà này không chỉ cố ý lừa dân mà đã tìm mọi cách để có cái danh "ĐBQH" để tiếp tục lừa dân.

Như thông tin nêu trong cáo trạng, bà Châu Thị Thu Nga đã lừa người dân góp vốn vào dự án chung cư B5 Cầu Diễn Hà Nội (do Công ty Housing Group do bà này làm Chủ tịch làm chủ đầu tư), chiếm đoạt số tiền lên tới 348 tỷ đồng và không có khả năng hoàn trả.

Khá nhiều người dân đã đóng tiền vào dự án trên để mua nhà đều cho biết, họ tin tưởng bà Nga là ĐBQH thì chắc không bao giờ lại đi lừa dân. Bởi ngay cả trong danh sách người mua nhà, cũng có không ít người có chức vụ, vai vế.

Nhưng với điều bà Châu Thị Thu Nga khai là đã dùng số tiền tương đương 1,5 triệu USD để "chạy" vào làm ĐBQH thì nếu điều này là đúng, nếu cơ quan điều tra khẳng định được thì cũng rất logic. Bà Nga không phải phấn đấu làm ĐBQH vì dân mà bà ta đã cố gắng đạt được điều đó chỉ để lừa đảo, làm hại người dân để làm giàu cho cá nhân mình. Và đương nhiên, nếu đúng thế, bà Nga chưa từng đáng được coi là ĐBQH thực sự của dân.

Đáng tiếc là ngay trong phiên tòa xử bà Nga cuối tuần trước, khi bà Nga xin khai cách thức để "chạy" làm ĐBQH thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà ta không khai để cơ quan điều tra làm rõ việc đó, ở một vụ án khác.

Mặc dù có nhiều luật sư cho rằng, điều này không hợp lý, nhưng có thể chủ tọa phiên tòa cũng có căn cứ, lý lẽ của mình và người dân cũng mong rằng, cơ quan điều tra, tòa án sẽ xác minh việc đó đầy đủ.

Dù thế nào đi nữa, chắc chắn, bà Nga- người đã mang danh đại biểu Quốc hội sẽ phải chịu hình phạt khắc nghiệt của luật pháp với tội danh "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" ngay trong tuần này.

Trước bà Nga, đã từng có ít nhất 2 đại biểu Quốc hội đã từng vướng vào vòng lao lý, cũng liên quan đến các vụ án về kinh tế.

Trước đây, nguyên ĐBQH đoàn TPHCM, ông Lê Minh Hoàng cũng đã bị truy tố, xử án tù về tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất và buôn bán hàng giả xảy ra tại Công ty Điện lực TP.HCM và Công ty Linkton Vina.

Một cựu ĐBQH khác nữa là ông Mạc Kim Tôn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình khóa Quốc hội XI, đã bị bãi miễn tư cách ĐBQH vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi thành công vụ.

Gần hơn nữa là ông Trịnh Xuân Thanh- người đã bị khởi tố, tạm giam để điều tra, cũng đã qua vòng bầu cử nhưng không được công nhân tư cách Đại biểu Quốc hội do bị phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng kể từ thời kỳ còn làm lãnh đạo PVC cho đến khi được đưa về làm tại Bộ Công Thương và luân chuyển về UBND tỉnh Hậu Giang.

Tất cả những người này, với những sai phạm như vậy, không xứng đáng làm ĐBQH dù chỉ là một ngày. Nhưng cách nào khiến họ vượt qua được tất cả quá trình bầu cử để đủ điểm trở thành người đại diện cho cử tri?

Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những người vậy, dù có thể đúng quy trình nhưng không đủ tiêu chuẩn.

Nhưng làm sao "không đủ tiêu chuẩn" mà vẫn được đưa vào quy trình xem xét, bầu cử, rồi trúng cử để rồi làm những điều hại dân, hại nước, có người còn lợi dụng quy trình đó, để kiếm cái mác ĐBQH để che dấu, lừa dân thì đó là cả vấn đề lớn. Thiết nghĩ, qua các vụ việc này, các cơ quan: Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng Quốc hội... càng phải xem xét, rà soát lạị, đảm bảo có một quy trình chặt chẽ hơn nữa để những người "không đủ tiêu chuẩn" đó vượt qua.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao cử tri Đà Nẵng lại gọi Vũ “nhôm” là “Mafia”?


Tại thời gian Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Cẩm Lệ chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Một cử tri đã đặt ra câu hỏi: ““Vũ “Nhôm” là ai mà người ta đặt ra biệt danh mafia của Đà Nẵng? Tại sao để Vũ “Nhôm” tác động nhiều đến Đà Nẵng như thế? Vũ “Nhôm” không chỉ thao túng kinh tế mà còn thao túng cả chính quyền Đà Nẵng? Nếu đúng như vậy thì xử lý như thế nào?”.
Phan Văn Anh Vũ, thường được gọi với cái tên Vũ Nhôm
Vũ “nhôm” và những điều khuất tất ở Đà Nẵng
Có lẽ câu hỏi “Vũ Nhôm là ai?”, mà cử tri Đà Nẵng đặt ra trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng vẫn còn bị bỏ ngỏ. Có lẽ người dân Đà Nẵng thừa hiểu Vũ “nhôm” là ai, là người như thế nào, thâu tóm một phần quyền lực chính trị ra làm sao… Nhưng để làm rõ hơn vấn đề này, hãy cùng làm rõ vì sao nhân vật này có tầm ảnh hưởng lớn đến như vậy.
Phan Văn Anh Vũ, thường được gọi với cái tên Vũ Nhôm, là một người rất kín tiếng trước truyền thông nên gần như mọi thông tin về Vũ đều ít người biết, thậm chí người dân Đà Nẵng cũng chỉ biết cái tên Vũ “nhôm” chứ không hề biết tên khai sinh của con người này.
Vũ là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79, có trụ sở tại TP HCM và là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam có trụ sở tại Đà Nẵng. Mọi người chỉ biết đến Vũ “nhôm” trong khoảng thời gian từ đầu năm 2017 trở lại đây. Có thể sự việc này bắt nguồn từ việc doanh nghiệp tặng xe “bất thường” cho TP Đà Nẵng, khiến Thủ tướng phải vào cuộc và có văn bản giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra làm rõ.
Rồi cho đến hàng loạt sự việc “rùm beng” xảy ra tại Đà Nẵng như Biệt thự ở bán đảo Sơn Trà, ai tiếp tay cho doanh nghiệp xé rừng?, sai phạm của chủ tịch UBND Đà Nẵng – Huỳnh Đức Thơ và Bí thư thành ủy Đà Nẵng – Nguyễn Xuân Anh… thì cái tên Vũ “nhôm” mới dần được hé lộ phía sau bộ máy quản lý nhà nước Đà Nẵng.
Cái tên Vũ “nhôm” có tầm ảnh hưởng như thế nào vào hệ thống quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị của TP Đà Nẵng như thế nào, thì hãy cùng xem những dự án đất “vàng” của thành phố mà Vũ nắm giữ. Bộ Công an đã đề nghị chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hợp tác cung cấp tài liệu để điều tra 9 dự án và 31 nhà, đất công ở Đà Nẵng.
Vũ cùng một số người thân trong gia đình mình nắm giữ gần rất nhiều vị trí bất động sản mà “nhiều doanh nghiệp mơ ước”. Từ công viên Vân Đồn; trường mầm non ABC; một phần khu đô thị quốc tế Đa Phước; một số biệt thự, nhà cao tầng tại khu du lịch ven biển đường Trường Sa;… đến 31 nhà, đất công của thành phố, mà trong số đó có căn nhà số 45, 47 đường Nguyễn Thái Học của Bí thư thành ủy Đà Nẵng.
Điểm chung ở hầu hết các dự án, khu đất, nhà công mà cơ quan điều tra đều có tên của các doanh nghiệp Công ty cổ phần Bắc Nam 79, Công ty cổ phần 79, Công ty I.V.C, Công ty Minh Hưng Phát… Mà các công ty này lại phần lớn liên quan đến cái tên Phan Văn Anh Vũ – tức Vũ “nhôm”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Vũ lại có thể thao túng được các dự án đất và nhà đó mà không phải là doanh nghiệp khác? Một điểm chung nữa là tại sao các dự án này đa phần không thông qua hình thức đấu giá, mà lại được chuyển sang doanh nghiệp một cách rất đơn giản khiến có thể dẫn đến tình trạng thất thoát tài sản như vậy?
Việc thất thoát đó diễn ra như thế nào hãy thử kiểm chứng ở việc công ty TNHH Daewon Cantavil ký thỏa thuận đầu tư, giao quyền sử dụng cho Công ty Cổ phần 79 khu đất 29ha thuộc dự án Sân golf Đa Phước nằm trong Khu đô thị Vầng Trăng Khuyết Đà Nẵng với giá thấp hơn giá thành phố quy định. Từ đó đã gây ra việc làm lợi cho Công ty Cổ phần 79 hơn 579 tỷ đồng.
Vũ “nhôm” có phải là Mafia thật sự?
Đà Nẵng từ khi nào chuyển thời từ thành phố đáng sống lại bị chuyển thành “thành phố đáng điều tra” đến như vậy? Từ khi nào mà Vũ lại có thể “một tay che cả bầu trời”, ngang nhiên làm mọi việc mà không cần lo sợ các sai phạm? Nếu Vũ là một Mafia thật sự thì phía sau Vũ ít nhất phải còn một thế lực nào khác lớn hơn, cứng rắn hơn mới có thể “chống lưng” và “tạo dây an toàn” cho Vũ “làm mưa làm gió” hiên ngang cả một vùng đến như vậy.
Đà Nẵng là một thành phố trung ương, đầu tàu kinh tế của khu vực miền Trung và cả nước. Từ lâu, Đà Nẵng đã được coi là mảnh đất “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, nên thành phố này rất phát triển và được coi là “một trong những thành phố đáng sống trên thế giới”.
Nhiều năm liền, Đà Nẵng đã được vinh danh ở vị trí cao nhất trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các chỉ số này được dựa trên các tiêu chí: “Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức;Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý”. Nhưng thực sự, nếu xét dựa trên một số yếu tố trên thì gần như chúng ta đã biết cách Vũ thâu tóm thị trường “ngầm” như thế nào.
Hoạt động thâu tóm thị trường đất và nhà của Vũ “nhôm” cũng giống như hoạt động của thế lực Mafia, các “bố già” của Nga những năm của thập niên 1990. Những kẻ lũng đoạn kinh tế quốc gia, nắm khả năng thọc sâu vào hệ thống tài chính – kinh tế đất nước với sự giúp đỡ của các nhóm lợi ích.
Bài học của nước Nga ngày hôm qua, khi hôm nay chúng ta soi rọi vào Đà Nẵng lại chẳng thấy phần nào cũ, càng không cũ với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, nơi bắt đầu đã lộ diện một số các nhóm lợi ích, thế lực ngầm như hiện nay.
Những thế lực Mafia đứng sau hệ thống chính trị của Liên Xô khi đó là một phần của nguyên nhân dẫn đến sự tan ra của Liên Xô và các nước Đông Âu. Tổng thống Mikhail Gorbachev, lần đầu tiên nói đến chính sách perestroika (tái cấu trúc) và glasnost (công khai) vào năm 1985, đây là cơ hội mần nảy của một nhóm tài phiệt, mà phương Tây vẫn gọi là “Mafia đỏ”. Ý chỉ nói sự lũng đoạn của nhóm lợi ích Oligarch – ý chỉ một nhóm “đầu sỏ” đứng sau điều hành chính trị.
Sáu cái tên Mikhail Khodorkovsky, Berezovsky, Vladimir Gusinsky, Smolensky, Luzhkov và Chubais đã trở thành trùm tài phiệt – Mafia của Liên Xô, nhờ vào việc làm giàu trong bóng tối đầy mờ ám và gian trá phía sau hệ thống chính trị nước này.
Sự xuất hiện của các Mafia này dẫn đến bối cảnh giá trị hàng hóa được bán với giá vô cùng rẻ mạt, đặc biệt là các công ty nhà nước. Chẳng hạn như, hãng xe Zil nổi tiếng của nước này có 100.000 công nhân – mà được chuyển nhượng với giá vỏn vẹn 16 triệu USD. Thị trường chuyển nhượng của Mỹ khi đó có giá 100.000 USD/công nhân, trong khi lúc đó các trùm Mafia nước này tác động vào làm giá hạ thấp tới 100-500 USD/đầu người.
Bằng những minh chứng ở trên, thì việc cử tri Đà Nẵng ví Vũ “nhôm” như một ông trùm Mafia của thành phố cũng không có gì là sai. Bởi tính đến số dự án đất và nhà mà Vũ nắm giữ và có liên quan thì gần như đều chiếm các vị trí đất vàng, đất công của thành phố. Vũ “nhôm” cùng gia đình mình nắm quyền ở gần như hầu hết các lĩnh vực trường học, quán Bar, nhà ở, biệt thự, công viên, nhà công…
Một ví dụ điển hình đó là việc ông Nguyễn Xuân Anh – nguyên Bí thư Đảng ủy Đà Nẵng với những sai phạm vừa qua. Các sai phạm của ông Xuân Anh gần như đều liên quan một phần của “thế lực ngầm” đứng sau đã tiêu khiển.
Từ một người đã khẳng định câu chắc nịch: “ngoài căn nhà số 43 đường Nguyễn Thái Học, tôi không có một m2 đất nào khác. Nếu ai phát hiện tôi có lô đất nào tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí từ bỏ chức vụ hiện tại”. Nhưng thực tế thì ngoài căn nhà số 43, ông Xuân Anh còn được “hưởng thụ” 2 căn nhà “tuy 2 là 1”.
Bên cạnh đó, điểm nổi bật trong sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh nữa đó là 1 chiếc Toyota Avalon, đời 2016 trị giá hơn 1 tỷ đồng để chuyên đưa đón ông Nguyễn Xuân Anh đi làm và cho rằng chiếc xe này chở người Bí thư của một thành phố trực thuộc Trung ương lại gắn biển số giả.
Nguyễn Xuân Anh – một cái tên từ Bí thư trẻ nhất đến kỷ luật thôi chức ủy viên Trung ương Đảng. Tất nhiên, Nguyễn Xuân Anh không thể một tay lũng đoạn cả thành phố được. Nếu có thì đó là ai?
Ai đưa Vũ “nhôm” trở thành cái tên đáng sợ ở thành phố đáng sống? Từ thành phố đáng sống mà Đà Nẵng đã trở thành tâm điểm “tối tăm” của dư luận là từ đâu? Có hay không những Mafia và có hay không mối liên kết của những tên tài phiệt với chính quyền các cấp và chính trị của thành phố?
Có lẽ câu trả lời chính xác nhất, thuyết phục nhất dư luận cần đợi kết luận của cơ quan điều tra trong thời gian tới.
nguồn : Quochoi.org

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội mất và được




Trong lịch sử có không ít trang  bi đát
        Các nhà lịch sử Thủ đô thời nay thường chỉ ghi những ngày đẹp trời. Nhưng đọc một bộ sử giá trị bậc nhất trong kho tàng thư tịch của nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư, – theo tôi  nó đáng được coi là  cuốn sách số một của văn hóa Việt nam --, chúng ta đã có thể biết tới nhiều thời điểm buồn của Thăng Long.

       Thuở quân Nguyên xâm lược, từ năm 1285 đến năm 1288, ba lần giặc chiếm kinh thành, vua quan và dân chúng ba lần rút ra các vùng ngoại vi rồi ba lần trở lại.
         Cuối thời Trần, quân Chiêm Thành từ phía nam đánh lên đốt phá.
         Suốt chiều dài lịch sử, có thể đọc ra mức độ mọi biến động trong lòng Hà Nội qua sự bám trụ của bộ máy quyền lực nơi triều đình.
         Hồ Quý Ly khi chuẩn bị chiếm ngôi, lập ra hẳn Tây Kinh (để đối lập với Đông Kinh tức Đông Đô ) và cho rời xa giá về đó.
         Sau này, khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi, Thanh Hóa lại là căn cứ tạm thời của các thế lực phù Lê, và chiến công trở lại Đông Đô được nhắc lại kèm với những cái tên như Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm để rồi mở đầu cho cả trăm năm nội chiến.
       Nhân đây xin ghi lại một nhận xét tổng quát mà các nhà nghiên cứu thường nói với nhau , nhưng lại không dám viết ra . Cái mạch chính làm nên lịch sử Việt Nam chủ yếu không phải là lịch sử chống ngoại xâm mà là lịch sử những cuộc nội chiến liên miên đến mức có những lúc người ta đã tưởng đất nước này không sao thống nhất nổi. 
        Số phận Hà Nội là một chứng minh cho kết luận đó
        Buồn nhất là suốt cả thế kỷ XIX, nhà Nguyễn dời đô về Phú Xuân, biến Hà Nội thành nơi cố quận. Đó cũng là thời mà trên đất Hà thành, mọi tầng lớp lưu manh bao gồm cả dân có cả một chút học hành như Ba Giai Tú Xuất mặc sức tung hoành.
      Chỉ đến thế kỷ XX — do những tác động của người Pháp mà ngày nay lịch sử chính thống cứ cố tình lảng tránh và miêu tả một cách lệch lạc -- mới thấy hình thành dần Hà Nội như hôm nay chúng ta hay nghĩ và tự hào.
        + Hà Nội là nơi tụ họp tinh hoa bốn phương như người viết Chiếu dời đô năm 1010 ao ước.
       + Hà Nội đảm nhận vai trò của một đầu mối, để trên con đường hiện đại hóa, người Việt tự làm mới mình theo những chuẩn mực thế giới. 
       Không phải chỉ là vai trò của trái tim đất nước như nhiều người vẫn nghĩ. Mà cùng với thời gian, từ ấy, Hà Nội còn vai trò của một bộ óc.
      Đằng sau cái được ngày hôm nay đã có không ít cái mất. Cái mất chốc lát và cái được lâu dài. Có vẻ như Hà Nội sở dĩ trở thành Hà Nội vì không gì có thể thay thế.
 
  Một niềm tự hào rất khó khăn
      Một khía cạnh khác của chuyện Hà Nội được mất  tôi muốn nói hôm nay liên quan tới quan niệm về người Hà Nội thời đương đại.
       Bây giờ kể lại chắc nhiều bạn trẻ không tin, nhưng quả thật là trong ký ức của lớp dân đã sinh sống ở Thủ đô hai ba đời, có một giai đoạn nay nghĩ lại phải gọi là hơi… buồn cười, cố nhiên là cười ra nước mắt.
      Đó là những năm 50-60 của thế kỷ trước.
      Từ những bài học trên ghế nhà trường và trong dư luận xã hội, điều mà lớp trẻ mới lớn lên những năm đó như chúng tôi tiếp nhận được là một cái gì hơi khó nói, phảng phất có ý phủ nhận.
      Trong khi toàn dân kháng chiến, thì những năm 1946-1954, Hà Nội trong vòng tay chiếm đóng của người Pháp.   
       Dưới con mắt của lớp người từ Việt Bắc mới về, những năm ấy Hà Nội đã đóng quá lâu cái vai trò của một thành phố tiêu thụ, với bao nếp sống kẻ chợ hư hỏng. Thấp thoáng trong lòng mỗi người dân Hà Nội cũ có một chút như là xấu hổ lại như là có lỗi.
        "Hà Nội phải trở thành một thành phố của sản xuất". Đằng sau cái khẩu hiệu ấy là một mệnh lệnh, Hà Nội phải trở nên nham nhở nhếch nhác như mọi nơi khác.
        Những người Hà Nội cũ không có quyền và do đó không dám sống theo cái nếp thanh lịch mà xã hội hiện đại thời Pháp thuộc đã rèn rũa cho họ.
        Đóng vai trò chủ đạo của đời sống Thủ đô những năm ấy là lớp người mới nhập cư, những công dân Hà Nội thế hệ thứ nhất. Cùng với họ, một thứ khí hậu nông thôn bao trùm trong sinh hoạt ăn uống đi lại và trở thành một thứ chuẩn mực ngày hôm nay vẫn còn để lại di lụy.
     Thời ấy, khái niệm người Hà Nội nếu không bị phá vỡ thì cũng bị nhôm nhoam tầm thường hóa đi nhiều.
     Đấy là một cái mất rõ rệt, mặc dù nhiều khi người ta cũng không biết mất gì nữa: những mày nét khía cạnh của người Hà Nội lâu nay thực ra mới chỉ được cảm thấy chứ đâu đã được tổng kết .

Mơ về một Hà Nội sang trọng hiện đại
     Nhưng rồi cái được lại tới. Cùng với thời gian, chính lớp người mới nhập cư những năm ấy lại thấy nhớ tới Hà Nội hôm qua hơn cả.
     Sau khi đã đi tới đủ mọi miền đất nước, nhất là được tiếp xúc với Sài gòn mà sự phát triển là ở trình độ cao hơn hẳn, người ta bắt đầu thấy phải trả về cho Hà Nội cái tinh thần của một thành phố hiện đại -- tức cũng là cái Hà Nội được gạn lọc, Hà Nội của tinh hoa, trí thức, Hà Nội quý phái sang trọng, rút ra từ kinh nghiệm sống của bao lớp người nhập cư các thế kỷ trước.
     Một ý niệm mới về người Hà Nội lý tưởng bắt đầu hiện lên mờ ảo như một ước mơ, nhưng lại không thể xa rời tâm trí. Nó có mặt trong mỗi nghĩ suy của người ta về tương lai sẽ đến.
   
      Tôi thầm ước ao có lúc nào đó rồi người ta phải viết về những thăng trầm của Hà Nội như vậy -- thăng trầm như số phận của cái đẹp trong lịch sử.
   
     Giai đoạn những năm 50-60 của thế kỷ trước cũng là thời thịnh trị của nghệ thuật chèo ở Việt Nam. Hồi đó có một diễn viên rất chín trong nghề là bà cả Tam.Theo như sự phân tích của các nhà nghiên cứu chèo như Hà Văn Cầu, Trần Bảng thì trong diễn xuất của bà Cả có một cái gì lung linh huyền ảo.
     Có lần bà từng phát biểu một nguyên tắc làm nghề mà cũng là một nguyên tắc chi phối cách nhìn đời :
       ” Trong cái được có cái mất, trong cái vui có cái buồn, trong cái vô vọng có cái hy vọng.”
     
      Nói theo chữ của triết học, đó là một khái quát đầy chất biện chứng.
      Câu nói thường trở lại trong tâm trí tôi mỗi lần nghĩ về Hà Nội.
       Sự sang trọng của Thủ đô mà tôi nói ở trên đang được tìm lại, gây dựng lại.
       Ít ra người ta cũng thấy nó là cần thiết, phải được mơ tới nghĩ tới.
   
        Còn Hà Nội có chiêu tuyết được không, đó lại là một chuyện khác. Nhỡ chúng ta đã bị làm hỏng tới mức không bao giờ có thể tạo ra một hình ảnh tốt đẹp tương đương với chính mình trong qúa khứ thì sao?
VTN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quá trình hình thành 5 “siêu ban” với gần 1.000 cán bộ sống lay lắt



Quang Phong



























Dân Trí - Quá trình sắp xếp 26 Ban Quản lý dự án thành 5 “siêu ban”, TP Hà Nội đã giảm được 73 phòng, 177 lãnh đạo. Tuy nhiên, 5 “siêu ban” này vẫn cồng kềnh với lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn đầu việc được giao.

Qua khảo sát về tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2017, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở 26 Ban Quản lý dự án thuộc UBND TP, các sở, ngành của TP Hà Nội đã thành lập 5 Ban Quản lý dự án (BQLDA) thuộc UBND TP Hà Nội. Cụ thể, 5 BQLDA mới gồm: BQLDA Dân dụng và công nghiệp, BQLDA Giao thông, BQLDA NN&PTNT, BQLDA Văn hóa - xã hội, BQLDA Cấp nước - thoát nước và môi trường.

Quá trình quá trình sắp xếp, TP Hà Nội cũng đồng thời ban hành các quyết định kiện toàn các chức danh lãnh đạo, phê duyệt tổ chức bộ máy của các BQLDA và kiện toàn lại cơ cấu tổ chức, quy trình giải quyết công việc để không làm ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động của các ban.

Theo Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, kết quả của việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đối với 5 BQLDA giảm từ 73/108 phòng với tỷ lệ 67,6%, 177/308 lãnh đạo trưởng phó đơn vị, trưởng phó phòng với tỷ lệ 57,5%; giảm được 7/23 trụ sở làm việc với tỷ lệ 30,4%.

Tổng số 5 BQLDA của TP Hà Nội có tổng số 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng. Trong đó, BQLDA Giao thông có 407 người, gồm 1 công chức, 294 viên chức, 112 lao động hợp đồng; BQLDA Văn hóa – xã hội có 161 người, gồm 1 công chức, 113 viên chức, 47 lao động hợp đồng; BQLDA Dân dụng và công nghiệp có 172 người, gồm 1 công chức, 149 viên chức, 22 lao động hợp đồng; BQLDA NN&PTNT có 101 người, gồm 1 công chức, 149 viên chức, 39 lao động hợp đồng; BQLDA Cấp nước - thoát nước và môi trường có 143 người, gồm 1 công chức, 89 viên chức, 53 lao động hợp đồng.

Bà Hồ Vân Nga – Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội cho biết, sau gần 8 tháng kể từ ngày thành lập (đầu năm 2017) các BQLDA cơ bản sắp xếp xong khâu tổ chức nhân sự. Tuy nhiên, các BQLDA còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội chỉ rõ một số BQLDA chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017. Để duy trì hoạt động và trả lương nhân viên, một số BQLDA còn phải ứng trước ngân sách. Trong đó, BQLDA NN&PTNT được thành phố hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách thành phố 6,2 tỷ đồng; BQLDA Giao thông chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý 3/2017.

Nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn gây ra cho các “siêu ban” kể trên được Ban Kinh tế ngân sách chỉ rõ là do các BQLDA có số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai. Ngoài ra, thành phố chưa kịp hướng dẫn, quy định về phân công, phân cấp, ủy quyền trong quyết định phê duyệt dự toán chi phí quản lý của BQLDA.

Trong quá trình sắp xếp bộ máy hành chính trên địa bàn TP Hà Nội, Ban Pháp chế HĐND TP còn đưa ra đánh giá tiến độ xây dựng đề án vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp, trong đó có 5 BQLDA mới được thành lập còn chậm so với yêu cầu.

Từ những bất cập trên, Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội kiến nghị các BQLDA tiếp tục rà soát kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của đơn vị, xây dựng bộ máy đảm bảo gọn nhẹ, chuyên nghiệp để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Từ đó, các BQLDA đảm bảo nguồn thu để tự chủ kinh phí đáp ứng chi trả lương cho cán bộ, người lao động.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

THƯ NGỎ GỬI NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA



Báo Văn Nghệ - 17 Trần Quốc Toản.

Thư ngỏ gửi nhà thơ Trần Đăng Khoa

Hà Nội ngày 10/10/2017

Thưa anh,

Đầu tiên phải nói là khi viết lá thư này, tôi đã vô cùng thất vọng về những chuyện không hay xảy ra trong thời gian hơn 1 năm vừa qua đã ảnh hưởng đến quan hệ giữa tôi với anh. Trước kia, dù không phải là bạn bè thân thiết, nhưng anh luôn là người tôi yêu mến, kính trọng. Khi anh về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, tôi cũng thực sự hy vọng như rất nhiều người khác, rằng anh sẽ đem về một không khí làm việc mới tươi trẻ, hào hứng và đầm ấm. Thế nhưng không ngờ văn chương là một chuyện, còn công việc lại là chuyện khác. Chỉ một cách hành xử rất nhỏ so với vị thế và trách nhiệm của mình ở nơi này, anh đã không còn được như những gì tôi vẫn nghĩ về anh. 


Sự thất vọng ấy, lẽ ra tôi sẽ vẫn im lặng và chờ đợi, xem anh và Ban Chấp hành HNV sẽ xử sự thế nào, như xem một góc tối tăm khác của cuộc đời. Thế nhưng vì mới đây trong một ý kiến anh trả lời anh Nguyễn Trọng Tạo trên fb liên quan đến việc của tôi, tôi thấy cần phải nói ra điều này.

Anh nói “Không thể kết tội An in bài báo về chuyện xe cộ này. Nó cứ lằng nhằng ở những chuyện khác...”. Vâng. Cho đến giờ phút này khi mọi việc đã rõ ràng thì ai cũng đều có thể nói thế. Thế nhưng suốt nửa năm qua, cho đến tận ngày hôm nay, cách xử lý của HNV và Chi bộ báo Văn nghệ đối với tôi thế nào, mấy hôm nay mọi người đều đã biết. Đó là riêng chuyện bài báo. Còn nếu nói như anh, rằng “Nó cứ lằng nhằng ở những chuyện khác...”, thì phải thẳng thắn với nhau thế này: Trong suốt hơn một năm qua, đã hai lần anh, với cương vị là Bí thư Đảng ủy, đã không thèm trả lời những Kiến nghị chính thức bằng văn bản của tôi, với tư cách là một Đảng viên đang sinh hoạt trong một chi bộ thuộc Đảng bộ mà anh là Bí thư, theo đúng quy định của Điều lệ Đảng.

Lần thứ Nhất cách đây 1 năm về trước, hẳn anh còn nhớ. Xuất phát từ việc một số cán bộ đảng viên trong chi bộ báo Văn nghệ, trong đó có cả Bí thư chi bộ và Phó Tổng biên tập, đã làm ĐƠN ĐỀ NGHỊ, gửi lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ thái độ và tuyên bố nghỉ việc để phản đối Tổng Biên tập. Trước tình hình đó, với tư cách là một Chi ủy viên của chi bộ, tôi đã có văn bản đề nghị gửi anh cùng tập thể Đảng ủy cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, đề nghị bố trí một cuộc làm việc với Chi ủy, chi bộ báo Văn nghệ để tìm cách tháo gỡ vấn đề. Thế nhưng các anh chưa hề có buổi gặp gỡ hay làm việc chính thức nào với cá nhân người có đơn cũng như với tập thể chi ủy, chi bộ của báo mà đã vội vã ra Công văn để thông báo kết luận về đề nghị của tôi, với nhiều ý kiến hết sức áp đặt so với nội dung trong đơn đề nghị cũng như diễn biến thực tế của tình hình cơ quan báo Văn nghệ, nên tôi buộc phải có Kiến nghị gửi lại cho anh và cơ quan Đảng ủy, nhưng cho đến tận hôm nay, nghĩa là sau hơn 1 năm, các anh vẫn chưa trả lời… 

Dựa vào những kết luận này của Đảng ủy, tôi trở thành đối tượng “đấu tố” của một số đảng viên từng ký tên trong ĐƠN ĐỀ NGHỊ phản đối Tổng biên tập trước đó. Những người này thường xuyên biểu quyết yêu cầu chi bộ phải kỷ luật tôi về những lý do không hề có căn cứ.


Đến cuộc họp tháng 3/2017, liên quan đến bài báo về chiếc xe của Thành ủy Đà Nẵng, dựa vào tinh thần công văn chỉ đạo (cv số 11) của Thường trực HNV, bằng những quy chụp vô lý và vô nguyên tắc, sau đó lại được những cá nhân nói trên đưa vào nghị quyết của chi bộ, một lần nữa tôi buộc phải có Báo cáo và kiến nghị gửi anh và lãnh đạo các cơ quan Đảng, Chính quyền của Hội Nhà văn, để bảo vệ quyền lợi và danh dự của mình. Song cũng như lần trước, các anh lại tiếp tục im lặng không xử lý, cũng không trả lời. Ấy là lần thứ Hai.

Cách xử sự như vậy dẫn đến tháng 8 năm 2017, tôi đã phải nhận Quyết định thi hành kỷ luật Đảng của Bí thư chi bộ. Vậy là tôi trở thành người bị kỷ luật và đứng trước nguy cơ có thể bị khai trừ khỏi Đảng (theo nội dung quyết định)… mà không có cơ hội được tự đấu tranh cho mình.

Người ký quyết định kỷ luật tôi cũng là người đầu tiên ký tên vào ĐƠN ĐỀ NGHỊ tuyên bố nghỉ việc nhằm phản đối Tổng Biên tập một năm về trước.

6 người biểu quyết kỷ luật tôi trong chi bộ cũng là những người tham gia việc này, nhưng cho đến nay chưa một lần bị nhắc nhở trong bất kỳ cuộc họp nào của chính quyền hay của Đảng.

Hai lá đơn kiến nghị của tôi gửi cho anh và lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam cho đến nay, dài thì đã hơn 1 năm, ngắn thì đã hơn 6 tháng mà vẫn không được trả lời. Ngay đến cả yêu cầu của Đảng ủy Khối gửi xuống từ cuối tháng 8 vừa rồi, yêu cầu Đảng ủy HNV giải quyết sự việc này theo thẩm quyền và trách nhiệm của Hội, các anh cũng không có một động thái gì. Sự im lặng vô cảm và vô trách nhiệm của anh và Đảng ủy Hội Nhà văn đã khiến tôi, nếu thực sự mắc khuyết điểm, thì cũng không nhận ra khuyết điểm của mình, cho đến tận lúc này.

Và cũng sự im lặng vô cảm và vô trách nhiệm ấy sẽ khiến cho những Đảng viên khác trong chi bộ trở thành người mắc khuyết điểm khi họ đã cố tình hoặc vô tình ra những quyết định, nghị quyết trái với nguyên tắc sinh hoạt Đảng mà không được cảnh báo, trong trường hợp tôi không có sai phạm.

Vậy nên không thất vọng sao được.

Anh nói anh chỉ là người giúp việc. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?

Và càng thất vọng hơn nữa khi mà Hội ta mang danh là một tổ chức Chính trị, xã hội, nghề nghiệp, vậy mà cái vai trò Chính trị lại chẳng thấy đâu ngay trong một công tác cơ bản nhất là công tác Đảng ở cơ quan Hội.

Hơn 1 năm nay, tôi đã tin cậy, kiên trì và nghiêm túc khi gửi tất cả những trăn trở, bức xúc và những kiến nghị của mình lên anh, lên Đảng ủy và Ban Chấp hành Hội, và cũng chỉ mong mọi chuyện được xử lý tốt đẹp ở đây. Thế nhưng cho đến giờ phút này, trước sự im lặng đến thành đồng loã của các anh, trước những vô lý và bất công mà tôi đã và vẫn đang tiếp tục phải gánh chịu, tôi thấy cần phải lên tiếng và tiếp tục chuyển tất cả những ý kiến này lên cấp trên để xem xét giải quyết. Đây cũng là danh dự và quyền lợi chính đáng mà tôi phải bảo vệ. Làm thế hình như cũng có gì đó không phải với các anh, nhưng còn sự công bằng cho tôi, còn lẽ phải thì sao?...

Vài lời với anh trong một ngày thật nhiều băn khoăn…

Kính thư
Lương Ngọc An

Phần nhận xét hiển thị trên trang