Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Tạo ra những chiếc máy 30 phút may xong 1 cái áo, công ty Nhật Bản tham vọng làm vỏ ô tô bằng… vải


Tạo ra những chiếc máy 30 phút may xong 1 cái áo, công ty Nhật Bản tham vọng làm vỏ ô tô bằng... vải
Shima Seiki là một trong những công ty hàng đầu chuyên cung cấp những loại máy may công nghệ cao cho nhiều thương hiệu nổi tiếng, từ Prada và Giorgio Armani đến Uniqlo.
Tạo ra 1 cỗ máy có thể dệt những chiếc áo len cao cấp mang thương hiệu Prada chỉ là bước khởi đầu.
Giờ đây, Mitsuhiro Shima – người vừa tiếp quản công ty chuyên sản xuất máy may từ cha mình cách đây 3 tháng – đang đặt mục tiêu có thể sản xuất mọi bộ phận của 1 chiếc xe ô tô.
Vị tân Chủ tịch 56 tuổi của Shima Seiki Manufacturing đang đàm phán với các nhà sản xuất ô tô để sử dụng công nghệ của Shima Seiki phát triển những linh kiện ô tô phi kim loại siêu nhẹ. Ông kỳ vọng hợp đồng sẽ được ký trong năm tài khóa sắp tới.
Đó là “cuộc cách mạng” mới nhất mà công ty được thành lập cách đây hơn 50 năm đang hướng tới.Năm 1962, Masahiro Shima – một con người đam mê khoa học và đã chế tạo ra rất nhiều thứ từ khi chưa đầy 20 tuổi – đã sáng lập nên công ty chế tạo máy móc Shima Seiki với sản phẩm ban đầu là những chiếc máy chuyên may găng tay bảo hộ lao động.
Đến nay đã trải qua hơn nửa thế kỷ, Shima Seiki là một trong những công ty hàng đầu chuyên cung cấp những loại máy may công nghệ cao cho nhiều thương hiệu nổi tiếng, từ Prada và Giorgio Armani đến Uniqlo.
Tạo ra những chiếc máy 30 phút may xong 1 cái áo, công ty Nhật Bản tham vọng làm vỏ ô tô bằng... vải - Ảnh 1.
Trong khi Nhật Bản vốn nổi tiếng với những “gã khổng lồ” điện tử như Sony và Toshiba, bên cạnh đó là vô vàn những công ty nhỏ hơn và cũng ít người biết đến nhưng đều đang dẫn đầu nhiều thị trường ngách. Trong một số trường hợp, những công ty như vậy thường bị giới phân tích và các nhà đầu tư nước ngoài bỏ qua.
Tuy nhiên Shima Seiki lại khác, với BlackRock, bang California và quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy nằm trong danh sách các cổ đông của hãng. Kể từ tháng 2/2016 đến nay, cổ phiếu của công ty đã tăng hơn gấp 3 nhờ ký được hợp đồng liên kết sản xuất máy may công nghệ cao cho Fast Retailing – tập đoàn sản xuất quần áo lớn nhất châu Á.
Tạo ra những chiếc máy 30 phút may xong 1 cái áo, công ty Nhật Bản tham vọng làm vỏ ô tô bằng... vải - Ảnh 2.
Cổ phiếu của Shima Seiki đã tăng mạnh. Nguồn: Bloomberg.
Shima Seiki có trụ sở ở Wakayama, thành phố nhỏ bé nằm gần Osaka vốn là một trong những vùng ít dân và có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất cả nước, nổi tiếng với những vườn mận và quýt sum suê cùng với nghề truyền thống là săn cá voi. Ở đây ai ai cũng biết đến Shima Seiki và nhà phát minh đã sáng lập nên công ty này.
Từ năm 16 tuổi, ông Masahiro đã tạo ra 1 chiếc máy may đáp ứng được nhu cầu về găng tay bảo hộ lao động đang bùng nổ ở địa phương. Ngày nay, công ty của ông nổi tiếng nhất với loại máy may cho phép tạo ra những chiếc áo và quần liền mạch không cần đường may (seamless), rút ngắn thời gian may từ vài giờ hoặc vài ngày xuống chỉ còn vài phút.
Mỗi chiếc máy may như vậy có giá khoảng 18 triệu yên (tương đương 160.000 USD), có thể làm ra nhiều sản phẩm liền mảnh đa dạng từ những chiếc váy xếp ly đến áo len cổ trễ hay thậm chí cả những đôi giày chạy. Từ đầu đến cuối chỉ mất 30 phút.
Tạo ra những chiếc máy 30 phút may xong 1 cái áo, công ty Nhật Bản tham vọng làm vỏ ô tô bằng... vải - Ảnh 3.
Ông chủ của Fast Retailing và cũng là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản – Tadashi Yanai – cho rằng công nghệ này đang lan tỏa trong ngành may mặc. Theo ông, đẩy nhanh tốc độ sản xuất chính là chìa khóa cho sự thành công của Fast Retailing vì công ty có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao theo cách hiệu quả nhất từ trước đến nay.
Hiện công nghiệp dệt may là thị trường được quan tâm nhất của Shima Seiki, nhưng Mitsuhiro Shima cho biết công ty đang có kế hoạch sử dụng công nghệ tiên tiến của mình để tạo ra những linh kiện siêu nhẹ cho các nhà sản xuất ô tô, ví dụ như vỏ xe làm bằng 1 mảnh vải dệt đặc biệt rồi phủ nhựa.
Giới phân tích dự đoán lợi nhuận của Shima Seiki sẽ tăng hơn 50%, lên 11,4 tỷ yên trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019, so với mức 7,3 tỷ yên của 2 năm trước.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hành xử đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước, ai phải chịu trách nhiệm?


>> Bệnh tật của Cao Ngân bị Vietnam’s Next Top Model 2017 biến thành mồi thơm... 
>> Tiết lộ sốc: Nữ cầu thủ mang bầu vẫn liều mình thi đấu SEA Games 29
>> Tướng Lê Quý Vương: 'Trong các vụ án đều có chuyện cầm tiền đi chia chỗ nọ, chỗ kia'


VŨ PHƯƠNG
(GDVN) - Sai phạm tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã rõ, nhưng cá nhân, tổ chức liên quan đi ngược lại lợi ích của nhân dân vẫn chưa bị xử lý là điều bất thường.

Những ngày gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã phát đi thông tin nhiều trạm BOT giảm giá vé, nhưng tuyệt nhiên không đề cập gì tới việc xử lý tận gốc các sai phạm ở từng dự án BOT, đó là xét tới trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan.

Giảm phí là điều đương nhiên phải thực hiện (nói chính xác là phải hạ xuống đúng với mức đầu tư thực tế), nhưng với cách làm nửa vời của Bộ Giao thông vận tải như hiện nay thì dư luận lại phải đặt ra câu hỏi: Giảm phí có phải là cách để các chủ đầu tư BOT đánh lừa dư luận, né trách nhiệm?

Chủ trương thực hiện hình thức hợp tác BOT là rất đúng đắn nhằm huy động được nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, từng bước phục vụ cho lợi ích người dân.

Tuy nhiên, để phát huy được chủ trương đúng đắn ấy thì điều quan trọng là phải hài hòa lợi ích giữa người sử dụng (nhân dân) với doanh nghiệp thì lại người ta lại lợi dụng khai tăng giá trị đầu tư, bỏ chi phí ít nhưng thu phí cao. Cách làm việc, hành xử như vậy là đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, của nhân dân thì phải xử lý thật nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điển hình là dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, kết luận thanh tra đã chỉ rõ nhà đầu tư mới đầu tư 30%, nhưng lại thu phí như làm đường mới một cách trắng trợn.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông nhìn nhận: “Bộ Giao thông vận tải chỉ đồng ý cho chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ giảm giá vé là chưa đủ, bởi vì theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ thì mới đầu tư 30% mà thu tiền như đường làm mới. Tại sao vô lý như vậy mà lại tồn tại nhiều năm qua?

Bây giờ giảm phí 25% nhưng  giữ nguyên thời gian khai thác 17 năm là quá dài, không chấp nhận được, do đó cần có một cuộc thanh tra toàn diện để có căn cứ khoa học giảm giá vé sâu hơn nữa, tránh thiệt hại thêm cho người dân, doanh nghiệp.

Theo tính toán của tôi thì chủ đầu tư của dự án này phải giảm tới 50% giá vé mới đảm bảo lợi ích của các bên, nhất là đảm bảo lợi ích của người dân”.

Để giải quyết tận gốc vấn đề BOT, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy chỉ ra: “Cần thiết phải công khai minh bạch các dự án BOT ngay từ đầu để người dân cùng giám sát.

Còn với các dự án BOT đã triển khai và đi vào hoạt động mà bị phản ánh là có vấn đề bất thường thì cũng phải thanh tra và công khai chi tiết từng dự án đầu tư như thế nào, chi phí cụ thể ra sao, tính toán mức thu thế nào và thời gian khai thác bao lâu?

Điều này hoàn toàn có thể giữa chủ đầu tư và Bộ Giao thông vận tải tính toán để công khai. Ví dụ như dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chi phí hết bao nhiêu tiền, cộng với lãi xuất, mỗi ngày bình quân thu bao nhiêu, dự báo những năm sau thu được bao nhiêu và tất cả cộng vào 17 năm thì ra số tiền bao nhiêu sẽ rõ.

Làm được điều đó thì hoàn toàn khách quan và minh bạch, người dân đâu phải dùng tiền lẻ, tụ tập đông người phải đối tại các trạm BOT”.

Điều dư luận quan tâm hiện nay đó là cá nhân, tổ chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước hàng loạt các dự án BOT sai phạm nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn cho rằng: “Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sai phạm tại hàng loạt các dự án BOT rồi và đã phải điều chỉnh giảm số năm thu phí, nhưng câu hỏi đặt ra là những người ký quyết định, những người giám sát thực hiện các dự án BOT đó sao chưa được xử lý?

Không thể chỉ có giảm phí nhằm mục đích xoa dịu dư luận là xong mà phải xử lý đến nơi đến chốn và phải công khai để người dân, dư luận biết. Cần thiết phải xin lỗi nhân dân thì cũng phải làm chứ không thể im được.

Đối với những dự án sai phạm với số tiền lớn lên đến tiền tỷ cần thiết phải xử lý thật nghiêm, pháp luật đã quy định từ mấy trăm triệu đồng đã phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, sai phạm tại các dự án BOT vừa rồi số tiền lên đến tiền tỷ thì cơ quan điều tra phải làm rõ, nếu sại phạm đến mức phải xử lý trách nhiệm hình thì phải làm để đảm thượng tôn pháp luật.

Sai phạm nghiệm trọng như vậy không thể bỏ qua một cách dễ dàng như vậy, nhân dân, dư luận sẽ đặt câu hỏi nghi ngờ lợi ích nhóm, tiêu cực.

Trong câu chuyện BOT cần làm rõ những cá nhân nào khai khống chi phí lên, gian lận thu phí, làm những việc khuất tất để người dân phải khổ. Việc này phải làm rõ ràng, xử lý nghiêm để người dân có lòng tin vào cơ quan chức năng.

Có nhiều mức xử lý, trong đó có thể là công khai, nêu tên khiển trách, mức tiếp theo có thể kỷ luật giáng chức, đuổi ra khỏi ngành, còn nặng nhất có thể truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cũng lưu ý: “Các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí công nghệ cao không dừng.

Dư luận hết sức bất bình và khó hiểu trước việc chuyển đổi công nghệ. Chỉ việc mua về để lắp vào mà Bộ Giao thông vận tải lại khó khăn như vậy?

Áp dụng công nghệ tiên tiến thu phí tự động sẽ chính xác hơn, chống thất thoát, đảm bảo minh bạch, chống thất thoát, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.

Đồng tiền người dân nộp phí vào tài khoản và hoàn toàn minh bạch, khi đó những doanah nghiệp làm ăn đàng hoàng sẽ có cơ hội thể đầu tư, còn doanh nghiệp yếu kém chuyên sử dụng chiêu trò đi đêm sẽ phải tháo chạy.

Cần thiết phải dùng công nghệ mới để thu phí càng sớm càng tốt, triển khai một cách dứt điểm. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa thu phí tự động không có tiêu cực. Bởi khi triển khai phải có cơ quan kiểm tra, giám sát theo định kỳ. Còn nếu cứ nghe chủ đầu tư báo cáo thì họ có thể điều chỉnh, can thiệt vào thiết bị được ngay”.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa (Khoa Kinh tế - Vận tải, Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng: “Dù tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã giảm phí 25% nhưng phải có đánh giá khoa học trên dữ liệu chi phí đầu tư thì mới thấy họ giảm phí như vậy là có hợp lý không? Ít nhất tại thời điểm này nhiều ý kiến đã chỉ ra là mức giảm 25% phí vẫn quá ít, không hợp lý, vì Thanh tra Chính phủ đã cho biết tuyến đường này mới đầu tư 30% mà lại thu tiền như đường làm mới.

Việc các dự án BOT tiến hành giảm phí ít nhiều thì đối với người tiêu dùng là tín hiệu tốt, nhưng xét bản chất đây chỉ là cách chủ đầu tư đối phó với dư luận trong thời điểm bức xúc ngày càng gia tăng.

Điều quan trọng là bây giờ những cơ quan có thẩm quyền phải chỉ đạo quyết liệt để minh bạch chi phí đầu tư ở các dự án BOT, đấy mới là điều mà nhân dân chờ đợi”.

Cũng theo Phó giáo sư Từ Sỹ Sùa, sự vào cuộc của cơ quan chức năng phải làm sao để các dự án BOT hiện tại và sau này phải công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm, tiêu cực, méo mó có như thế người dân mới không nghi ngờ.

BOT phải trở về đúng nghĩa của nó là chủ trương rất đúng đắn góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Chứ không thể như những dự án BOT vừa qua có gì đó khuất tất, méo mó khiến cho lợi ích của các bên vênh nhau, trong đó lợi ích của người dân không được đảm bảo nên gây ra bức xúc”.

“Sai phạm tại các dự án BOT đã rõ việc quy trách nhiệm người đứng đầu là cần thiết. Trong việc này Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm trước nhân dân để các dự án BOT xảy ra sai phạm. Không thể để đồng tiền của người dân bị móc túi một cách dễ dàng và trắng trợn như thời gian qua được”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nói.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Báo Mỹ: Tổng thống Trump ra lệnh sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên


Minh Phương/Theo Newsmax 























Dân Trí - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội nước này sẵn sàng bắn rơi và phá hủy bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên bay về phía lục địa Mỹ, Hawaii hay Guam, trang tin Newsmax cho biết ngày 8/9.

Newsmax dẫn nguồn thạo tin nhóm cố vấn an ninh của Tổng thống Trump cho biết, chỉ thị được đưa ra cho giới chức Lầu Năm Góc trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo và gần đây nhất là thử bom nhiệt hạch. Hồi đầu tháng trước, Triều Tiên thậm chí dọa bắn 4 tên lửa đạn đạo vào gần đảo Guam của Mỹ.

“Đe dọa này đã khiến Tổng thống không thể làm ngơ”, một nguồn thạo tin cho biết với Newsmax.

Cũng theo nguồn tin này, Tổng thống Trump đang cân nhắc ra chỉ thị sẵn sàng bắn rơi bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên bay về phía các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong tuần này, giới chức tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã di chuyển một tên lửa nghi là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở vùng biển phía tây. Giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử ICBM nữa qua Nhật Bản tới phía bắc Thái Bình Dương.

Trong các lần phóng thử ICBM trước của Triều Tiên, quân đội Mỹ nói rằng họ đã phát hiện vụ thử ngay từ khâu chuẩn bị, song quyết định không bắn hạ với lý do xác định tên lửa không gây bất cứ mối đe dọa nào.

Chính quyền của Tổng thống Trump lên án các vụ thử này của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo để ngỏ mọi khả năng đối phó với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, đến Mỹ tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên.

Mặc dù vậy, với vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản và thử bom nhiệt hạch, Triều Tiên “dường như sắp chạm đến giới hạn đỏ” buộc Mỹ phải hành động, Newsmax dẫn lời một quan chức cho biết.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hoàng Thùy Linh ra tự truyện: 'Tôi nợ Vàng Anh một lời xin lỗi'


Mi Ly

Zing - Cuốn sách mang tên "Vàng Anh và Phượng Hoàng" đã hoàn tất khâu bản thảo và sẽ ra mắt vào tháng 11, kể về 10 năm sự nghiệp của Hoàng Thùy Linh sau biến cố lộ clip nóng năm 2007.

Sự kiện giới thiệu cuốn sách Vàng Anh và Phượng Hoàng và chiến dịch cùng tên để kỷ niệm 10 năm sự nghiệp Hoàng Thùy Linh diễn ra sáng 3/10 tại một khách sạn ở đường Đồng Khởi, TP.HCM.

"10 năm qua diễn vai Vàng Anh rồi, giờ là lúc tạm biệt"

Theo công ty Wepro, chiến dịch Vàng Anh và Phượng Hoàng là một chuỗi 10 dự án của Hoàng Thùy Linh sẽ bắt đầu từ cuối năm 2017 và trải dài trong cả năm 2018. Dự án đầu tiên được tiết lộ là cuốn tự truyện Vàng Anh và Phượng Hoàng do nhà báo Trần Minh chấp bút. 9 dự án còn lại đang được giữ bí mật.

Sáng 3/10, nữ ca sĩ xuất hiện tại cuộc họp báo cùng ông bầu Quang Huy và nhà báo Trần Minh, người đã làm việc với cô trong hơn 4 tháng để hoàn tất cuốn sách.

Hoàng Thùy Linh chủ động nhắc đến scandal lộ clip nóng 16 phút hồi tháng 10/2007 - sự kiện được cô gọi là "biến cố thay đổi cuộc đời tôi" và cũng là nguồn cảm hứng lớn cho cuốn sách.

Trước báo giới, nữ ca sĩ chia sẻ: "Khi nhắc đến cái tên Vàng Anh, tôi chợt nhận ra 10 năm rồi, cái cô Hoàng Thùy Linh này mải mê lấy lại danh dự, tự trọng cho chính bản thân mình, cho cái tên Hoàng Thùy Linh mà quên đi cái tên Vàng Anh. Cô ta quên rằng cái tên Vàng Anh là một thời thanh xuân vô cùng rực rỡ với bản thân mình và với nhiều người trẻ ở thời điểm đó".

"Tôi nợ cái tên Vàng Anh một lời xin lỗi chân thành. Sau 10 năm, tôi đã đủ dũng khí để đối diện. Hôm nay, Hoàng Thùy Linh của hiện tại chính thức đối diện với Hoàng Thùy Linh cách đây 10 năm".


"Cái ngày bộ phim Nhật ký Vàng Anh ngừng chiếu là từ 10 năm trước. Nhưng vai diễn đó, 10 năm qua tôi vẫn diễn. Tôi không cho phép bộ phim đó kết thúc với kết cục như vậy. Nếu như cuộc đời chúng ta những năm đầu đời rất hồng, đẹp như hình ảnh nhân vật Vàng Anh thì đó đâu phải là đời. Sau đó, tôi vẫn phải sống tiếp. Ngày hôm nay là một ngày chắc chắn phải diễn ra".

"Tôi cần một lần đối mặt với nhân vật Vàng Anh để xin lỗi và trả lại cho cô ấy một tuổi thanh xuân rực rỡ. Với những gì tôi đã có, tôi đủ tự tin để gặp lại cô ấy ngày hôm nay và nói lời tạm biệt, vì từ đây trở đi tôi sẽ là một Hoàng Thùy Linh chiến đấu hết mình. Sẽ không còn một rào cản nào trong tâm trí tôi nữa".

Quang Huy từng băn khoăn vì Hoàng Thùy Linh... đẹp gái

Trong cuộc họp báo, Hoàng Thùy Linh nhận được sự dẫn dắt và hậu thuẫn từ nhà sản xuất Quang Huy, người đã đồng hành với cô lâu nay trong sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh. Quang Huy đóng vai trò MC sự kiện nhưng cũng thể hiện sức ảnh hưởng lớn đối với chiến dịch Vàng Anh và Phượng Hoàng.

Ông chủ của Wepro chính là người lên ý tưởng, kết nối nữ ca sĩ với nhà báo Trần Minh để thực hiện cuộc tự truyện chấp bút về cuộc đời nữ ca sĩ. Quang Huy bắt đầu làm việc với Hoàng Thùy Linh từ năm 2013, trong một show ca nhạc. Đến năm 2015, anh mời cô đóng vai chính trong phim Thần tượng do anh đạo diễn.

Quang Huy cho biết: "Tôi là bầu sô nên trước những rủi ro mà Linh có thể mang lại thì tôi cũng thấy... ớn. Tôi cũng tự hỏi không biết làm việc với cô này sẽ ra sao. Các vấn đề về hình ảnh của Linh thì tôi biết trước rồi, không sợ, nhưng tôi không rõ tính cách cô ấy như thế nào, nhất là khi cô ấy lại là... gái đẹp. Không biết có đỏng đảnh hay không. Nhưng khi làm việc, cô ấy đã khiến tôi ngạc nhiên vì sự nghiêm túc trong công việc".

"Sự nghiêm túc đó không tự nhiên mà có, dù ở trên sân khấu lớn, điều đó là bắt buộc. Nhưng tôi hiểu rằng sự nghiêm túc của Linh là do kỹ thuật và được rèn luyện trong một thời gian dài" - nhà sản xuất âm nhạc nhận định.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con đường hoàn nguyên của loài người


HOÀNG HẢI VÂN
(Đọc “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” của Masanobu Fukuoka)
Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.

Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.

Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.

Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.

Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.

Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.

Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.

Bạn sẽ hiểu vì sao trong những khu rừng tự nhiên cây cối vẫn phát triển xanh tốt cùng với thú hoang và côn trùng mà không cần ai chăm sóc, không cần đến thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật, trong khi chúng ta trồng trọt chăn nuôi lại phải cày xới đất đai và dùng không biết bao nhiêu là thứ thuốc men hóa chất. Muôn loài dựa vào nhau để sống, chúng nuôi dưỡng nhau, chế ước nhau và loại bỏ những gì cần loại bỏ để duy trì sự sống vĩnh hằng trên trái đất.

Con người dù tự cho mình là thứ gì đi chăng nữa thì trước hết cũng là một sinh vật, nếu tách rời khỏi sự tuần hoàn của thiên nhiên thì sẽ không tồn tại. Chúng ta vốn là như thế nhưng chúng ta không muốn nghĩ thế. Chúng ta nghĩ chúng ta đứng trên muôn loài, chúng ta phải chiếm hữu, chúng ta phải cải tạo, chúng ta phải bắt muôn loài phục vụ cho nhu cầu của chúng ta. Chúng ta được dạy dỗ để làm việc đó.

Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhận ra những tri thức mà lâu nay chúng ta được trang bị không phải để sống thuận với thiên nhiên mà để chống lại thiên nhiên. Những tri thức đó khiến cho đầu óc chúng ta bị mê chấp, chúng ta không nghĩ rằng tạo hóa chỉ cho phép mỗi loài được nhận phần dành cho chúng để duy trì một sự sống cân bằng, nếu lạm dụng lập tức sẽ bị trả giá. Bệnh tật chính là lời cảnh báo đầu tiên.

Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường hoàn nguyên của con người. Đó là sự buông bỏ tất cả những gì chống lại thiên nhiên và trái với thiên nhiên để quay về với thiên nhiên, để con người trở lại là một thành tố của thiên nhiên.

Sự hoàn nguyên bắt đầu từ việc ăn ở. Bạn sẽ nhận ra bệnh tật là sự phản ứng của cơ thể trước sự ăn ở trái với tự nhiên của con người. Chân lý giản đơn để thoát khỏi bệnh tật là chỉ thụ hưởng những gì mà tự nhiên ban tặng. Sự trải nghiệm của ông Fukuoka cho bạn thấy cái để phòng ngừa bệnh tật nằm ngay trong chính thức ăn, thuốc men và thức ăn là hai mặt của một sản vật. Rau quả trồng bằng kỹ thuật canh tác hiện đại có thể ăn được nhưng không có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, dù là rau quả “sạch”. Còn rau quả mọc tự nhiên hoặc trồng trong một môi trường tiệm cận với tự nhiên thì vừa là thức ăn vừa là những vị thuốc.

Các nhà nông học coi cách làm nông nghiệp của ông Fukuoka là phương pháp canh tác tự nhiên. Cứ tạm cho là như vậy, dù bản chất của nó không phải là một phương pháp. Phương pháp của ông là không có phương pháp nào cả, là buông bỏ, là vô vi, là tiến tới không làm gì hết. Nhưng để buông bỏ, để không làm gì hết là điều không hề dễ. Đó là sự phá chấp mà Đức Phật đã phải dùng đến Kinh Kim Cang, hàm ý là phải dùng đến một thứ rắn chắc như kim cương mới có thể tiêu diệt được sự chấp mê trong đầu óc con người.

Các nhà Phật học coi phương pháp canh tác của ông Fukuoka là Thiền trong nông nghiệp, là sự ứng dụng Phật pháp trong nông nghiệp. Cũng cứ tạm coi như vậy, dù những ghi chép của ông Fukuoka không dính mắc với một “pháp” nào và bản thân Thiền vốn không dính mắc, dù là dính mắc với thiền, với chính sự yên tịnh.

Cho nên tốt nhất là đọc xong cuốn sách này, bạn hãy quên nó đi, khi ấy một đám mây mù như được vén lên và bạn sẽ nhìn thiên nhiên khác trước, bản thân mình cũng khác trước. Bạn sẽ thú vị thốt lên “À, thì ra là như vậy”. Nhưng nếu như bạn vẫn còn dính mắc với cuốn sách, dù là tin theo hay có ý định phản biện, đám mây mù kia sẽ lại phủ xuống.

Cuốn sách của ông Fukuoka được viết bằng tiếng Nhật. Bản dịch tiếng Việt này được dịch từ bản dịch tiếng Anh. Do dịch từ một bản dịch trung gian nên sự sơ sót là khó tránh khỏi, nhưng chúng tôi nghĩ nhóm dịch thuật đã hết sức cố gắng và đã chuyển tải một cách căn bản nội dung và cả những ẩn ngữ mà tác giả muốn gửi gắm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Do vậy, một lời xin lỗi là chưa đủ!

Thân phận thường dân và nỗi sợ “bị bắt”


>> Nhồi nhét cao ốc vào trung tâm, hạ tầng nào chịu nổi?
>> Cơn lốc “thời trang nhanh” tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam


Hoàng Linh
(Dân Việt) Cho dù chính quyền phường Tam Bình, Thủ Đức, TP.HCM đã đưa ra lời xin lỗi hai cô gái bị bắt vào Trung tâm Bảo trợ xã hội nhưng dường như vấn đề vẫn chưa được giải quyết xong.

Đó là câu hỏi về sự an toàn của người dân, quyền nhân thân, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại…có thể bị xâm hại cách nghiêm trọng theo kiểu “bỗng dưng bị bắt” chỉ vì vài cán bộ “nóng vội” như cách giải thích như không hề có chuyện gì của cán bộ phường Tam Bình.

Vắn tắt sự việc: khoảng 15h ngày 18.9, Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) từ quận 2, TP.HCM xuống quán của người quen tại khu phố 5, phường Tam Bình (quận Thủ Đức) uống cà phê.

Đến 16h, lực lượng công an phường Tam Bình đi tuần tra kiểm tra hành chính các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Khi kiểm tra quán cà phê nơi Nhung và Kiều ngồi, hai cô gái không xuất trình được chứng minh thư hay bất cứ giấy tờ nào chứng minh nhân thân nên bị mời về trụ sở Công an phường Tam Bình làm việc.

Chủ quán nơi Nhung và Kiều uống cà phê đã tới Công an phường Tam Bình xin bảo lãnh cho cả hai. 

Tuy nhiên, Công an phường Tam Bình không đồng ý, đồng thời đã lập hồ sơ đưa Nhung và Kiều vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội ở 463 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.

Mãi tới ngày 27.9, Nhung và Kiều mới được về với gia đình.

Điều đáng lưu ý là không có quy định nào nếu không có CMND trong thời điểm kiểm tra thì đưa người vào trạm trung chuyển.

Trạm trung chuyển tên chính thức là trung tâm hỗ trợ xã hội nơi tạm giữ những người lang thang vô gia cư, không xác định được nơi cư trú, người ăn xin lang thang…

Đó không phải là nơi dành cho người bình thường, hồ sơ rất chặt chẽ, là nơi thật sự khủng khiếp với bất cứ ai và không dành riêng cho 2 cô gái trẻ.

Người thi hành công vụ không thể nghi ngờ bất kỳ ai để ra một quyết định tác động đến quyền công dân, quyền nhân thân của họ.

Nhưng cho dù xử lý thế nào thì việc cũng đã xảy ra rồi và với nạn nhân của họ là 2 cô gái bị bắt thì hậu quả chưa dừng lại. 

Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết từ ngày 27.9 được ra khỏi Trung tâm Hỗ trợ xã hội thì em rất lo lắng, mệt mỏi.

"Nhiều bạn bè có gọi điện hỏi thăm, động viên em, trong đó rất nhiều người cũng bất ngờ về vụ việc em không có CMND bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.

Tuy nhiên, em buồn bã nhất là mấy ngày nay có nhiều trang Facebook, nhiều người không hiểu vụ việc lên mạng xã hội đăng tải hình ảnh của hai chúng em rồi nói hai con này chắc làm gái, không ra gì... nên Công an họ mới bắt rồi đưa lên Trung tâm Hỗ trợ xã hội chứ bình thường ai dám làm vậy.

Em xin khẳng định là em và Kiều làm ở quán cà phê khu vực quận Phú Nhuận. Chủ quán cà phê đó mấy hôm nay cũng có hỏi thăm em ổn định chưa rồi đi làm trở lại. Tuy nhiên do lo sợ, mệt mỏi, nhiều người trong quán nghĩ này kia nên em chưa dám đi làm.

Tụi em đi làm kiếm tiền để sống bình thường chứ không có làm gì bậy bạ gái gú như người ta đồn đại hết. Chiều nay chính quyền đã nhận sai, xin lỗi gia đình và hai đứa em. Xin mọi người hãy thôi suy nghĩ xấu về em và Kiều, đừng làm tổn thương chúng em nữa!"

Chúng ta không hình dung được những gì mà hai cô gái vô tội phải chịu đứng trong tuần lễ nghiệt ngã đó và hai cô cũng không muốn nhắc lại.

Sợ lắm, đó là tâm lý của hai cô gái này và những ai đọc các bản tin có liên quan mấy hôm nay. Cứ thử đặt vấn đề con em chúng ta ra phố và không trở về vì “bỗng dưng bị bắt” và chúng ta phải làm khá nhiều thủ tục mới lãnh con em mình ra được từ một nơi không dành cho người bình thường. Rồi phải giải quyết, trị liệu dư chấn tâm lý kéo theo nữa.

Sự bảo hộ của Nhà nước pháp quyền đối với công dân bị phá vỡ bởi những cán bộ kém hiểu biết hoặc có động cơ khác ở cấp cơ sở mới là điều đáng sợ và đáng báo động ở đây. 

Nó cảnh báo rằng tất cả chúng ta đều không an toàn, chúng ta có thể “bỗng dưng bị bắt” chỉ vì quên đem theo CMND hoặc cũng có thể là vì một lý do trời ơi nào đó.

Do vậy, một lời xin lỗi là chưa đủ!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Bước ra từ bóng tối

 


Trong suốt quá trình phát triển, loài người đã đi những bước dài trên con đường tiến hoá của mình. Đó là quá trình thay đổi nhận thức để cải tạo môi trường tự nhiên và thế giới. Giữa đêm trường của sự dã man và hoang dã, loài người đã thay đổi tư duy nhận thức của mình, một bước tiến vĩ đại để xây dựng xã hội văn minh thay vì sự tối tăm và mông muội. Bằng cách đó mà từ bóng tối mịt mùng vô định, loài người đã bước ra ánh sáng của sự văn minh và tiến bộ.
Khi đã có được ý thức về đời sống cộng đồng, con người sống tập trung thành những bầy người nguyên thuỷ. Và chế độ cộng sản nguyên thủy cũng là hình thái kinh tế – xã hội đầu tiên của lịch sử nhân loại. Xã hội đó không có giai cấp, nhà nước và pháp luật. Xã hội nguyên thuỷ có cơ sở kinh tế là chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn thấp kém, công cụ lao động thô sơ, con người thì chưa có nhận thức đúng đắn về môi trường thiên nhiên cũng như bản thân mình. Con người trong xã hội nguyên thuỷ chưa có khả năng trong việc cải tạo thiên nhiên mà bất lực và phải sống dựa vào môi trường tự nhiên. Họ sống dựa vào nhau để cùng lao động và chống lại những hiểm nguy của môi trường tự nhiên quanh mình. Họ cùng hưởng thụ những thành quả lao động của mình trên nguyên tắc mình quân. Mọi người đều bình đẳng trong lao động và hưởng thụ, không có ai có tài sản riêng vì thế mà không có sự phân biệt giàu nghèo và không có giai cấp. Tế bào xã hội đầu tiên của loài người là thị tộc, đó là kết quả của một quá trình tiến hoá lâu dài, nó chỉ xuất hiện khi xã hội nguyên thuỷ đã phát triển đến một trình độ nhất định. Sự xuất hiện của tổ chức thị tộc là một bước tiến trong lịch sử phát triển của nhân loại, nó đã đặt nền móng cho việc hình thành hình thái kinh tế – xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người: Cộng sản nguyên thuỷ.
Tổ chức thị tộc có cơ sở kinh tế là chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Mọi người đều tự do, bình đẳng, không có đặc quyền đặc lợi dành cho riêng một cá nhân nào. Thị tộc tồn tại dựa trên sự phân công lao động đơn giản giữa đàn ông và đàn bà, giữa người già và người trẻ để thực hiện những công việc khác nhau, những hoạt động này chưa mang tính xã hội rộng lớn. Thị tộc tổ chức theo huyết thống. Ban đầu do những điều kiện về kinh tế, xã hội và hôn nhân mà thị tộc được tổ chức theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ đóng vai trò chủ đạo. Dần dà, sự phát triển về kinh tế xã hội đã tác động và làm thay đổi quan niệm cũng như quan hệ hôn nhân, vị trí của người phụ nữ đã đóng vai trò thứ yếu và nhường lại vai trò chủ đạo cho đàn ông, vì thế chế độ mẫu hệ đã chuyển thành chế độ phụ hệ.
Xã hội cộng sản nguyên thuỷ đã tồn tại quyền lực và hệ thống quản lý đơn giản các công việc của thị tộc nhưng cũng mới chỉ mang tính xã hội chứ chưa mang tính giai cấp. Quyền lực chưa tách khỏi xã hội mà hoà nhập và gắn liền với xã hội, nó phục vụ lợi ích cho cả cộng đồng. Hội đồng thị tộc xuất hiện để tổ chức và quản lý thị tộc. Đó là tổ chức quyền lực cao nhất của thị tộc mà thành viên của nó bao gồm những người lớn tuổi. Hội đồng quyết định tất cả những vấn đề quan trọng như tổ chức lao động, tiến hành chiến tranh, tổ chức các nghi lễ tôn giáo, giải quyết những tranh chấp nội bộ…; quyết định của hội đồng là ý chí chung của thành viên và trở thành bắt buộc đối với mọi người trong thị tộc. Đứng đầu hội đồng thị tộc là những tù trưởng hay thủ lĩnh quân sự…để thực hiện quyền lực và quản lý những công việc chung. Thị tộc là tổ chức cơ sở của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, là một cộng đồng xã hội độc lập. Dần dà, các thị tộc mở rộng quan hệ với nhau đã dẫn đến sự xuất hiện của Bào tộc và Bộ lạc. Các Thị tộc hợp lại với nhau để trở thành Bào tộc, với việc tổ chức quyền lực dựa trên cơ sở tổ chức quyền lực của Thị tộc nhưng với quy mô lớn và mức độ tập trung quyền lực cao hơn. Các Bào tộc liên kết lại với nhau thành Bộ lạc, tuy nhiên quyền lực trong các bộ lạc vẫn chỉ mang tính xã hội, chưa mang tính giai cấp.
Sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất đã tạo tiền đề làm thay đổi phương thức sản xuất cộng sản nguyên thuỷ, đòi hỏi sự phân công lao động tự nhiên phải được thay thế bằng sự phân công lao động xã hội. Sự phân công lao động đó giúp cho năng suất lao động và số lượng sản phẩm tăng lên, vì thế mà xã hội cộng sản nguyên thuỷ đã có sản phẩm dư thừa và tích luỹ. Đó là mầm mống sinh ra chế độ tư hữu, đã có khái niệm và sự tồn tại của các thành viên giàu và nghèo trong xã hội. Việc tồn tại các tầng lớp người khác nhau trong xã hội là tiền đề cho sự xuất hiện của một xã hội có giai cấp. Và khi tồn tại xã hội có giai cấp thì nhà nước xuất hiện. Đó là một bước tiến dài trong quá trình phát triển và tiến hoá của lịch sử nhân loại. Từ những bầy người nguyên thuỷ sống hoang dả con người đã phát triển thành một xã hội có tổ chức, từ bóng tối của sự mông muội loài người đã bước ra ánh sáng của sự phát triển và tiến bộ.
Sự hình thành nhà nước và pháp luật
Khi chế độ thị tộc tan rã và hình thành nên những giai cấp khác nhau trong xã hội thì nhà nước xuất hiện. Đó là quá trình khách quan, là sản phẩm của một xã hội đã phát triển đến một trình độ và giai đoạn nhất định. Nhà nước là một lực lượng nảy sinh từ xã hội, với nhiệm vụ điều hoà các mối quan hệ và xung đột xã hội, giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng của trật tự.
Những hình thức nhà nước điển hình đầu tiên của lịch sử nhân loại đã xuất hiện và được biết đến như:
-       Nhà nước A-ten: là hình thức thuần tuý và cổ điển nhất. Nhà nước A-ten được nảy sinh chủ yếu và trực tiếp từ sự đối lập giai cấp và phát triển ngay trong nội bộ xã hội Thị tộc.
-       Nhà nước Rô-ma: Đó là kết quả của một cuộc cách mạng với thắng lợi của giới bình dân chống lại giới quý tộc thị tộc Rô-ma.
-       Nhà nước của người Giéc-manh: Được hình thành từ việc tộc người Giéc-manh chinh phục đất đai rộng lớn của các tộc người khác…
So với tổ thức thị tộc thì nhà nước có hai đặc trưng riêng biệt cơ bản là sự phân chia dân cư theo lảnh thổ và thiết lập quyền lực cộng đồng. Tổ chức thị tộc được hình thành và duy trì trên cơ sở của quan hệ huyết thống. Sự hình thành chế độ tư hữu và sự phân chia giai cấp trong xã hội đã làm cho những quan hệ huyết thống trở nên suy yếu và dần biến mất đi. Sự chuyển dịch dân cư không ngừng làm cho các thị tộc không thể giữ vững được hình thức khép kín nữa. Quá trình này làm cho sự giao thoa giữa các thị tộc, bộ lạc diễn ra mạnh mẽ, và tổ chức thị tộc chuyển hóa từng bước thành tổ chức hành chính – lảnh thổ. Các công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo nơi cư trú mà không kể họ thuộc thị tộc hay bộ lạc nào. Đó là đặc điểm tổ chức công dân theo lảnh thổ của nhà nước. Đặc điểm thứ hai của nhà nước là sự thiết lập một quyền lực công cộng không còn hoà nhập với cư dân nữa. Quyền lực đó chỉ thuộc về giai cấp thống trị và phục vụ cho giai cấp thống trị. Để thực hiện quyền lực đó thì cần tổ chức một bộ máy nhà nước thông qua một lớp người đặc biệt và bộ máy cưỡng chế gồm quân đội, cảnh sát, toà án…và những công cụ vật chất khác.
Giai cấp thống trị đã dùng quyền lực nhà nước để đặt ra các loại thuế, bắt buộc công dân phải đóng góp để nuôi dưỡng một bộ máy mà về thực chất chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị. Nhà nước vì thế, mà ngày càng trở nên xa lạ đối với xã hội. Nguyên tắc nhà nước tồn tại dựa trên sự tự nguyện của công dân không còn đứng vững nữa, vì vậy mà giai cấp thống trị phải sử dụng biện pháp cưỡng chế nhà nước và do đó pháp luật cũng ra đời. Có thể nói, cùng với sự ra đời của nhà nước thì pháp luật cũng xuất hiện. Nguồn gốc của pháp luật là các tập quán pháp và văn bản do nhà nước ban hành. Pháp luật là một hệ thống các quy phạm do nhà nước ban hành nhằm thể hiện ý chí của giai cấp thống trị. Là công cụ sắc bén để thực hiện quyền lực nhà nước, duy trì địa vị và lợi ích của giai cấp thống trị. Pháp luật đồng thời cũng là tổng thể các quy phạm để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong xã hội con người. Nhà nước và pháp luật là sự sáng tạo vĩ đại của con người trên bước đường tiến hoá và phát triển của mình. Từ nay xã hội được phát triển một cách có quy củ và trật tự, con người được bảo vệ thông qua một tổ chức chung mà mình đã lập nên, đó là nhà nước.
Các hình thái kinh tế – xã hội
Lịch sử xã hội loài người đã trải qua những hình thái kinh tế, xã hội sau:
-       Công xã nguyên thuỷ;
-       Chiếm hữu nô lệ;
-       Phong kiến;
-       Tự do – dân chủ.
Hình thái công xã nguyên thuỷ chúng ta đã đề cập ở trên, dưới đây là sơ lược về nội dung các hình thái kinh tế – xã hội khác:
Chế độ chiếm hữu nô lệ
Là kết quả của cuộc cách mạng xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người, thực hiện bước chuyển từ chế độ cộng sản nguyên thuỷ lên chế độ nô lệ. Đặc trưng của nó là đã thay thế chế độ công hữu về tư liệu sản xuất bằng chế độ tư hữu chủ nô, thay thế xã hội không có giai cấp bằng xã hội có giai cấp đối kháng; thay thế chế độ tự quản thị tộc – bộ lạc bằng trật tự có nhà nước của giai cấp chủ nô. Chế độ chiếm hữu nô lệ hình thành hai giai cấp đối kháng chính yếu là chủ nô và nô lệ. Giai cấp chủ nô nắm trong tay toàn bộ tư liệu sản xuất, bóc lột sức lao động của nô lệ hết sức dã man và coi họ như những công cụ biết nói. Chính những người nô lệ đã lao động và làm ra mọi của cải vật chất cho xã hội, tạo nên sự thịnh vượng và giàu có cho tầng lớp chủ nô cũng như những kẻ cai trị. Những thành quách, đền đài rực rỡ được xây dựng bằng việc cưỡng bức và bóc lột sức lao động của những người nô lệ. Nhà nước chủ nô sử dụng bộ máy của mình trấn áp giai cấp nô lệ và duy trì quyền lực của mình, đây cũng là kiểu nhà nước đầu tiên trong lịch sử loài người: Nhà nước chủ nô.
Chế độ Phong kiến
Đây là cuộc cách mạng thứ hai và là hình thái kinh tế – xã hội thứ ba của nhân loại. Chế độ nô lệ được thay thế bằng chế độ phong kiến với giai cấp thống trị mới là quý tộc - địa chủ, và giai cấp bị trị là nông nô. Phương pháp bóc lột sức lao động trực tiếp của nô lệ trước đây được thay thế bằng hình thức bóc lột địa tô; người nông dân được giao đất đai và canh tác trên những mảnh ruộng của mình, đến kỳ họ nộp tô thuế cho địa chủ. So với chế độ chiếm nô thì hình thức lao động trong thời kỳ phong kiến đã phát triển và tiến bộ hơn rất nhiều, tuy bị bóc lột nhưng người nông dân có thể giữ lại sản phẩm dư thừa do sức lao động mình làm ra. Có thể nói chế độ phong kiến là kết quả của một cuộc cách mạng trong quan hệ tổ chức, quản lý nhà nước ở trình độ thấp. Đồng thời nó cũng tiến thêm một bước hướng tới sự bình đẳng của con người trong xã hội. So với chế độ chiếm hữu nô lệ trước đó thì chế độ phong kiến là một bước tiến đáng kể về tổ chức xã hội (nhiều giai cấp và tầng lớp mới đã xuất hiện), sự công bằng và những giá trị tốt đẹp khác cho con người.
Chế độ tự do - dân chủ
Là thành quả vĩ đại nhất mà loài người có được trong suốt quá trình phát triển lịch sử cách mạng xã hội của mình. Đó thực sự là một cuộc cách mạng giải phóng thân thể, giải phóng tư tưởng của con người. Một xã hội của tự do nhân bản và mở ra những hy vọng to lớn cho tương lai loài người. Mở đầu là cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại giai cấp quý tộc - địa chủ do những mâu thuẫn về phương thức lao động cũng như việc sử dụng tư liệu sản xuất. Công cụ và phương thức lao động được cải tiến đã thúc đẩy cuộc cách mạng tư sản nhằm phù hợp hơn với trình độ sản xuất mới. Giai cấp tư sản đã nổi dậy đấu tranh chống giai cấp phong kiến thống trị cả về phương diện chính trị, kinh tế và tư tưởng và đỉnh cao của nó là cuộc cách mạng xã hội. Trong chế độ tự do – dân chủ những nhận thức về tư tưởng con người được nở rộ. Các quyền cá nhân được xác lập và thừa nhận như là một sự hiển nhiên gắn liền với con người. Sở hữu cá nhân được coi như là một quyền “thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.
Nhà nước tư sản là một thể chế dân chủ, đã xác lập nên: Nghị viện, quyền tự do dân chủ, phổ thông đầu phiếu …; những thể chế này đã thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân chủ cũng như nền văn minh nhân loại.
Tự do, tiến bộ và văn minh
Một cuộc hành trình dài với nhiều biến thiên của lịch sử nhân loại để có thể tiến tới xã hội văn minh ngày nay. Một bước tiến của mấy ngàn năm, từ bóng tối của đêm trường Trung cổ loài người đã bước ra ánh sáng của sự văn minh tiến bộ. Có thể nói đó là một bước tiến vĩ đại, một bước tiến khổng lồ!
 Giờ đây, chúng ta đang sống trong những năm đầu của thập kỷ thứ 2, thế kỷ 21. Con người đang được sống trong các chế độ xã hội tự do – dân chủ. Lực lượng sản xuất của nhân loại đã được phát triển ở một trình độ cao vượt bực. Trình độ nhận thức và tri thức của con người đã trở nên phổ cập bởi cách mạng thông tin và khoa học kỹ thuật. Điều đó giúp cho nhận thức của con người về một xã hội tự do, dân chủ là rõ ràng hơn bao giờ hết. Mối liên kết của con người vì vậy mà trở nên đơn giản hơn ở phạm vi toàn cầu. Tuy vậy, tại một số quốc gia độc tài trên thế giới, các chính phủ độc tài vẫn cố gắng lừa dối và kìm kẹp người dân để họ không thể tiếp cận được với các tư tưởng và thông tin tiến bộ. Họ bưng bít thông tin, cấm đoán người dân thực hiện các quyền tự do căn bản của mình bằng hình thức độc tài toàn trị. Những chế độ độc tài này đã vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do căn bản của con người. Họ ngăn cản bước tiến của lịch sử nhằm phục vụ cho sự cai trị độc tài và những lợi ích xấu xa. Lịch sử sẽ xoá bỏ và phán xét các chế độ độc tài, vì một chân lý rõ ràng rằng: - Không ai có thể cản được bước tiến của lịch sử, ngăn cản được bước tiến của loài người tới sự văn minh và tiến bộ! Tự do, dân chủ là đích đến của mọi quốc gia, dân tộc. Chỉ trong một xã hội tự do - dân chủ thì mọi quyền lợi của cá nhân mới được tôn trọng và thừa nhận trên thực tế. Vì thế những giá trị cao quý và tốt đẹp của con người mới được thiết lập.

Phần nhận xét hiển thị trên trang