Nguyễn Văn Do
4-9-2017
Trong bài viết trước, tôi đã nêu rõ tại sao Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài cuộc chiến Trung-Việt. Vì thứ nhất, Hoa Kỳ nhận thức rõ đối thủ nguy hiểm nhất của họ hiện nay vẫn là Nga, Trung Quốc chỉ là mối hiểm họa ẩn tàng trong tư thế của nước đang lên với hy vọng tham bá.
Chính vì vậy, trong sách lược quốc phòng, Hoa Kỳ liệt Nga vào danh sách những mối họa phải kiềm chế, dù rằng đến nay, sau khi Liên Xô sụp đổ, kinh tế Nga vẫn không ngóc lên được và đang trên đà suy yếu, nhưng Nga vẫn là quốc gia làm chủ được nền sản xuất vũ khí hiện đại. Với Trung Quốc, nước Mỹ không muốn một Liên Xô mới hình thành, phải khử trừ trong trứng nước.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ không cần phải nhúng tay vào trực diện cuộc chiến, ngược lại nó là cái cớ để Hoa Kỳ thực thi sách lược cấm vận và làm suy yếu kinh tế Trung Quốc. Có thể nói rằng, xét một cách tổng thể, về mặt kinh tế và quân sự, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất hiện nay có khả năng đánh phủ đầu một quốc gia khác và chiếm ưu thế. Nga – Trung có thể làm như vậy nhưng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế.
Thứ hai, không nhúng tay trực tiếp vào cuộc chiến vì Hoa Kỳ có những công cụ kinh tế và những đồng minh có khả năng tác động vô cùng lớn vào nền kinh tế Trung Quốc.
Thứ ba, Hoa Kỳ thừa hiểu rõ rằng, cả hai nước Trung – Mỹ đều không một nước nào muốn là nước khai chiến. Là quốc gia có sức mạnh nhưng sức mạnh đó, ở binh chủng Hải Quân, quân đội Trung Quốc chưa thể tiến ra xa khoảng cách phòng thủ chủ động. Sức mạnh Hải Quân Trung Quốc chỉ phát huy khi có yểm trợ từ bờ và trong thời gian nhất định, nếu ở khoảng cách đủ xa và kéo dài, Trung Quốc không thể làm chủ được tình hình.
Quay trở lại chủ đề chính của bài này, có một điều tiềm ẩn khi Trung Quốc không thực lòng “kìm chế” Triều Tiên. Nhận thức được sức mạnh của Hải Quân Hoa Kỳ, và tầm hoạt động trong phạm vi hạn chế của chính mình, trong tương lai gần, Trung Quốc cần một đồng minh thực thụ xem Mỹ là thù địch tại châu Á hòng cân đối sức mạnh, cũng như bổ khuyết cho điểm yếu Hải Quân Trung Quốc. Trung Quốc cần đuổi Mỹ ra khỏi châu Á hoặc ít nhất có hỗ trợ đồng minh đủ sức nặng để khiến Mỹ e ngại mà bớt can thiệp vào châu Á. Trong 50 năm tới, Trung Quốc chỉ cần châu Á, chưa cần vươn xa qua “lục địa già”, nơi mà ngay cả trước đó một Liên Xô lực lưỡng còn không thể làm gì được.
Mặt khác, Trung Quốc không sợ một nước Triều Tiên hạt nhân thoát khỏi quĩ đạo của trung Quốc. Có 3 lý do: thứ nhất, việc Triều Tiên làm chủ công nghệ bom hạt nhân càng đẩy Triều Tiên xa rời quĩ đạo cũa Tây Phương và các nước thù địch. Có bom hạt nhân, Triều Tiên càng bị cô lập nhưng càng tự tin hơn vào sự tồn tại của mình. Thứ hai, Trung Quốc ngẫu nhiên trở thành đối tác kinh tế lớn nhất tại Triều Tiên và càng làm cho Triều Tiên phụ thuộc hơn vào mối quan hệ song phương này. Thứ ba, Trung Quốc bảo đảm cho chế độ cha truyền con nối này tại Triều Tiên, giúp duy trì mối quan hệ thân Trung Quốc không bao giờ bị phá bỏ.
Nên có thể thấy hành động đong đưa giữa Mỹ và Triều Tiên không phải không có lý do. Hoa Kỳ hiểu rõ rằng, đấu với một kẻ tay không thì chỉ cần dùng gậy, nhưng đấu với một tay có dao thì phải dùng đến súng, còn dấu với kẻ đang mang bom hạt nhân thì không gì bằng giải pháp nhanh gọn nhằm tránh phản đòn không ý muốn.
Quan điểm của tôi là, Hoa Kỳ buộc phải hành động nhanh gọn với Triều Tiên. Có nhiều lý do, nhưng đơn giản và gần nhất là cho khối đồng minh thấy được sức mạnh thực thụ của Hoa Kỳ trong chiến tranh để nhận thức rằng họ cần Hoa Kỳ và hợp tác với Hoa Kỳ là đúng đắn. Hai là để ra mắt cho đối thủ là Nga, tiềm tàng là Trung Quốc, thấy được vị thế của Hoa Kỳ.
Cuộc chiến Trung – Việt là bài toán khó (chỉ là thời điểm này)! Khó cho Trung Quốc rất nhiều tuy không có sự can thiệp của Hoa Kỳ hay một quốc gia bên ngoài, nhưng hậu ảnh hưởng của nó sẽ khiến Trung Quốc trở thành kẻ thua cuộc. Nên Trung Quốc rất lo sợ việc Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo lâu nay, cố gắng dùng chiến thuật vừa đe vừa vãn, vừa đánh vừa xoa, nhằm đạt được mục đích mà không đi đến cuộc chiến.
Trung Quốc thực lòng không muốn chiến tranh, Trung Quốc có thể gây ra chiến tranh, có đủ khả năng đánh phủ đầu, nhưng sẽ không phải là nước kết thúc cuộc chiến theo ý muốn của Trung Quốc được!
Việt Nam không cần phải sợ chiến tranh (tại thời điểm này). Tuy nhỏ bé nhưng kiên cường và dưới sự ủng hộ của quốc tế đã là điều khiến Việt Nam có trận địa tốt rồi. Nhưng, lãnh đạo phải tỏ rõ lập trường, hãy thôi bạc nhược đi. Vì điều này cực quan trọng, nhằm hoặc đưa đất nước đi lên luôn, hoặc mãi trở thành con cờ trong trận địa những nước lớn. Nhân dân sẽ sống đau khổ ai oán, thân thể của mình nhưng ý chí, tư tưởng của kẻ khác.
Và nếu lá bài Triều Tiên thành hiện thực, tức Triều Tiên sở hữu sức mạnh hạt nhân, trở thành đồng minh hạt nhân của Trung Quốc tại Châu Á, thì việc chiếm đóng Việt Nam không còn khó khăn nữa.
Phần nhận xét hiển thị trên trang