Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Hoa hậu Phương Nga: Một vụ án toàn những thông tin dối trá



HH – Xin phép bàn thêm với tác giả và các bạn đọc:
1. Đồng ý với nhận xét của tác giả đây là một vụ án toàn những thông tin dối trá và cả bị hại lẫn bị cáo đều là những kẻ lừa đảo thành thần.
2. Nhưng không đồng ý với quan điểm của tác giả rằng “tất cả (bị cáo và bị hại) đều đánh lừa cơ quan điều tra”. Thì cũng chính tác giả chẳng đặt vấn đề ở phần cuối bài viết dưới cái tiêu đề phụ CƠ QUAN ĐIỀU TRA CŨNG THAM GIA… LẬP HỒ SƠ GIẢ? là gì? Nếu có chuyện “lập hồ sơ giả” này thì “cơ quan điều tra” đâu có bị ai lừa mà chính họ cũng chủ động tham gia vào cuộc lừa đảo này đấy chứ!
3) Tất nhiên, để kết luận có chuyện cơ quan điều tra cũng tham gia lừa đảo hay không thì cần phải có một cuộc điều tra khác nữa một cách toàn diện. Và để xứng đáng hơn với danh hiệu “mẫu mực” như một số người ca ngợi thì với những chứng cứ và lời khai khá rõ ràng của các bên bị cáo và bị hại, lẽ ra Hội đồng xét xử nên thực hiện thẩm quyền chính đáng của mình là khởi tố ngay tại tòa vụ án lừa đảo này để điều tra. Những gì xảy ra tại phiên tòa khiến cho dư luận ngày càng tin rằng chuyện cơ quan điều tra tham gia vào “phi vụ” này là có thật. Điều đó cũng giải thích vì sao một bộ phận dư luận lúc đầu cũng chỉ thờ ơ quan sát, chẳng muốn bênh ai vì coi Mỹ – Nga cũng chỉ là phường “mèo mả – gà đồng” như nhau, thì sau này họ chuyển sang ủng hộ một kẻ thân cô thế cô hơn là Nga một cách rõ rệt. Họ vỗ tay vì thấy kẻ lừa đảo được tiếp tay kia thua cuộc. Họ hả hê vì suy đoán rằng một dự án lừa đảo để ăn theo đã bị đổ bể. Và thời điểm họ bắt đầu có cảm tình với Phương Nga là khi cô hiên ngang và dõng dạc tuyên bố ngay giữa tòa rằng cô không tin cơ quan điều tra và cả viện kiểm sát.
4) Vì thế cũng đừng vội đánh giá rằng một bộ phận dư luận lên tiếng ủng hộ, thậm chí tung hô Phương Nga đều là những kẻ có suy nghĩ tầm thường, là bị ảnh hưởng bởi “hiệu ứng đám đông”, là dễ dãi…

Gần như 100% các lời khai đều là khai dối; 100% chứng cứ cung cấp cho cơ qquan điều tra đều là ngụy tạo. Một vụ án mà người ta đã nhạo báng công lý, xem công lý như chỗ để giỡn chơi, xem cơ qquan thi hành pháp luật như trẻ con để lừa phỉnh, đùa bỡn.
Chưa có một vụ án nào có thể nói là lạ lùng như vụ án hoa hậu Phương Nga. Một vụ án có nhiều điểm ly kỳ, khác lạ so với tất cả những vụ án xưa nay. Phiên tòa xét xử với những diễn biến đầy kịch tính, nút này chưa gỡ xong đã đến nút thắt khác, căng như dây đàn. Sự căng thẳng này xảy ra bởi đối kháng, đấu trí giữa sự thực và cái giả dối, ngụy tạo của hai bên. Rất may, chính nhờ điều hành tốt của HĐXX mà các bên đều được nói, được trình bày, và nhờ đó tất cả những gì dối trá đã được lật mặt.
TẤT CẢ ĐỀU ĐÁNH LỪA CƠ QUAN ĐIỀU TRA!
Có lẽ, việc liệt kê lại toàn những gì bên nguyên, bên bị, nhân chứng đã khai gian khai dối, cung cấp chứng cứ ngụy tạo cho cơ qquan điều tra, sẽ thành thừa, bởi những ngày qua người quan tâm đến vụ án đã được nghe nhắc đi nhắc lại các chi tiết đến thuộc làu làu. Ở đây chỉ điểm danh một số điểm trọng tâm để người đọc hình dung lại, và có cái nhìn khái quát về một vụ án mà trong đó cơ qquan điều tra và cơ qquan xét xử toàn dựa trên những nội dung bịa đặt.
Khởi nguồn là nhân vật chính, bên nguyên, ông Cao Toàn Mỹ. Ban đầu ông Mỹ tố cáo đến cơ quan điều tra là Trương Hồ Phương Nga lừa đảo, đã vay tiền của ông để mở spa nhưng không trả. Sau đó chính ông lại chuyển sang tố cáo hoa hậu Phương Nga lừa đảo. Ngay trong nội dung đầu tiên, đã có yếu tố không trung thực, bởi sự thực chỉ có một chứ không thể có hai.
Có thể nói, nhân vật mâu thuẫn nhất, lại chính là nhân vật chính tạo ra vụ án, là ông Cao Toàn Mỹ. Ông tố cáo Phương Nga, nhưng từ lời khai của ông đến các chứng cứ cung cấp đều chứa đựng đầy rẫy mâu thuẫn. Ban đầu ông nói ông với Phương Nga chỉ có quan hệ làm ăn bình thường khi ông nhờ Phương Nga làm chương trình cho ông, chứ không thân thiết. Nhưng sau đó ông nói ông với Nga rất thân thiết, đến mức cho mượn 200-300 triệu chẳng cần viết giấy tờ gì. Ban đầu ông nói 17 chuyến bay chỉ là tình cờ đi cùng lúc, nhưng sau đó nói “một vài lần đi công việc, một vài lần tình cờ và một vài lần thì ông đi công tác nên Nga đi theo để mua sắm”. Và, trong khi Nga khai đi và ở chung phòng khách sạn thì ông Mỹ khai ở riêng.
Lạ nhất là người này tố cáo người khác lừa tiền của mình, nhưng về chứng cứ và lời khai thì đa số… không nhớ. Ông không nhớ gì cả, về thời điểm viết giấy, chuyển tiền, các lần trao đổi với Nga về việc làm ăn mua bán, kể cả việc ông đưa tiền hàng tỷ cho người không thân thiết với mình đi mua nhà “giá rẻ” cho mình mà không biết căn nhà đó ở đâu, nhà như thế nào. Kể cả căn nhà ông đã đến xem nhưng rồi cũng không nhớ cụ thể chi tiết ra sao.
Người tố cáo đã đầy mâu thuẫn, còn người bị tố cáo cũng không ít những lời khai gian dối tại cơ quan điều tra. Cũng “na ná” ông Cao Toàn Mỹ, Phương Nga đã làm đơn tố cáo ông Mỹ vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nhưng sau đó rút đơn. Điều này không thể hiểu là dối trá với cơ quan chức năng, nhưng ít ra cũng cho thấy người này cũng đã trước sau mâu thuẫn với chính quyết định của mình. Khi Phương Nga nói biết ông Mỹ đã có gia đình, khi nói không biết. Tuy nhiên hơn thế, hoa hậu cũng khai sai sự thực với cơ quan điều tra. Chính Phương Nga khẳng định những lời khai của mình trước khi ra phiên xét xử lần 1 là không đúng. Và tại phiên tòa vừa rồi, chính bị cáo này chứ không ai khác, đã nỗ lực chứng minh là mình đã khai gian tại cơ quan điều tra.
Và cũng vì Phương Nga đã khai như vậy, và có thể có sự tổ chức thông cung, nên Nguyễn Đức Thùy Dung, bạn của Phương Nga và cũng bị khởi tố, cũng có những lời khai trước sau bất nhất. Trong những ngày xét xử trước, Nguyễn Đức Thùy Dung đã có sự thay đổi lời khai về mục đích đưa số tiền của ông Mỹ cho Phương Nga. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, cả Nga và Dung đều khai đó là tiền hợp đồng tình cảm của Cao Toàn Mỹ trả cho bị cáo Nga. Tuy nhiên, trong lần xét xử này, bị cáo Dung lại cho rằng đó là tiền của Cao Toàn Mỹ cho Nga để Nga làm ăn và thực chất 2 người có quan hệ tình cảm với nhau. Việc Mỹ cho Nga tiền là để Nga mở spa và tập trung chăm sóc cho Mỹ. Hoặc kể cả số tiền 2,5 tỷ đồng, trước đó Thùy Dung khai với cơ quan điều tra là do ông Mỹ chuyển khoản, nhưng tại phiên tòa này Dung khai là tiền riêng của mình do lao động mà có.
Nhân chứng Lữ Minh Nghĩa, một nhân vật có thể nói là rất quan trọng, ở phiên xét xử thứ nhất cũng khai dối với cơ quan điều tra, là không biết gì về mối quan hệ Phương Nga – Cao Toàn Mỹ. Trong khi đó, lần xét xử này, vụ việc được làm sáng tỏ ra lại nhờ ở những chứng cứ quan trọng do Lữ Minh Nghĩa cung cấp. Hoặc ông Nguyễn Văn Yên, một nhân chứng, cũng là người giúp Nga tạo lập những giấy tờ giả liên qquan đến căn nhà ở đường Nguyễn Trãi.
Một vụ án, có thể nói, tất cả những nội dung cung cấp cho cơ quan điều tra đều là lời khai gian dối, chứng cứ ngụy tạo, giả mạo. Bởi bị cáo khai dối đã đành, mà nhân chứng cũng gian dối nốt. Theo dõi toàn bộ câu chuyện, người ta có cảm giác, tạo ra mọi sự giả tạo này, lại do một người, bà Nguyễn Mai Phương.
NHÂN VẬT NGUYỄN MAI PHƯƠNG
Dành riêng cho người có tên Nguyễn Mai Phương một đề mục, thiết nghĩ cũng không quá đáng, bởi xung quanh nhân vật này là một màn mây bí ẩn bao trùm, có thể nói là mấu chốt của toàn bộ vụ án. Với bà Nguyễn Mai Phương, người ta gọi bà là “người đàn bà bí ẩn” có lẽ cũng không sai mấy. Qua lời khai của Phương Nga, Thùy Dung, ông Nguyễn Văn Yên, Lữ Minh Nghĩa, ta có thể hình dung đây là người đã chi phối mọi hoạt động từ trước đến sau, tất cả mọi hành vi của người khác.
Theo các lời khai, bà Mai Phương là người hướng dẫn Phương Nga, Thùy Dung, Lữ Minh Nghĩa không khai ra quan hệ tình cảm giữa Phương Nga với Cao Toàn Mỹ, để từ đây vẽ ra một kế hoạch mua bán nhà giả tạo, hướng dẫn cho Phương Nga viết các loại giấy tờ mua bán nhà, và chính bà cùng tham gia thực hiện như đi nhờ ông Nguyễn Văn Yên ký giấy. Bà là người gần như tham gia vào tất cả các vụ việc, quan hệ với tất cả các bên, kể cả với cán bộ trại giam, tổ chức cho việc thông cung.
Thế nhưng, tất cả những gì người đàn bà này nói trên báo chí đều ngược lại với những gì những người trong cuộc nói về bà. Đương nhiên, nếu thấy bất lợi cho mình thì phản đối cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, những gì bà Phương nói, trước sau lại mâu thuẫn khá nhiều. Trên một số tờ báo mà chính bà đã chủ động tìm đến để trần tình, bà cho rằng bà cũng quen biết với Phương Nga như một người bình thường, cũng có qua lại chút đỉnh và đi ăn với nhau chứ không thân. Nhưng ở chỗ khác, bà cho rằng Phương Nga nhờ bà làm chứng cho Nga.
Không ai đi nhờ một người không thân thiết, chưa đạt độ tin cậy đi làm chứng cho những việc mình đang cố tình gian dối với pháp luật!
Tương tự như vậy, bà Nguyễn Mai Phương lại mâu thuẫn khi nói rằng, bà cũng không thân thiết lắm với bà Hồ Mai Phương là mẹ của hoa hậu Phương Nga, nhưng lại có chuyện “chúng tôi nhiều chuyện đàn bà với nhau”. Nhưng hơn thế, cho rằng không thân thiết lắm nhưng lại khẳng định mẹ của hoa hậu tha thiết nhờ bà chạy án! Bà Nguyễn Mai Phương cho rằng, mẹ của Phương Nga gọi điện thoại nhờ bà, ghi âm các cuộc nói chuyện với người khác rồi gửi cho bà, chụp hình bức thư nilon mà Thùy Dung gửi cho Lữ Minh Nghĩa rồi gửi cho bà. Bà không giúp chạy án mà sao cái gì mẹ của Phương Nga cũng chuyển hết cho bà vậy?
Chỉ nghe thôi, người không có kiến thức pháp luật, người không trải đời, cũng nhận thấy đây là những lời nói dối đầy mâu thuẫn.
Bà Mai Phương khai không hề quen biết ông Cao Toàn Mỹ, cũng chỉ loáng cái gặp Lữ Minh Nghĩa “chưa tới 1 phút”. Nhưng Lữ Minh Nghĩa khai rằng, ông Cao Toàn Mỹ yêu cầu Nghĩa viết làm 2 bản tường trình theo nội dung ông Mỹ hướng dẫn; một bản Lữ Minh Nghĩa đã mang đến nộp cho cơ quan điều tra, còn bản duy nhất ông Cao Toàn Mỹ giữ. Tuy nhiên, không hiểu sao một bản đã được bà Nguyễn Mai Phương cất giữ và giao lại cho bà Hồ Mai Phương! Tiếc rằng tòa đã không chất vấn bà Nguyễn Mai Phương, từ đâu bà này có bản tường trình của Nghĩa. Nếu làm rõ chi tiết này cũng đã có thể làm rõ được các mối quan hệ của bà Mai Phương: Bà này không thể nói xa lạ với ông Cao Toàn Mỹ hoặc Lữ Minh Nghĩa. Mà nếu chỉ ra được điều này thì vụ việc sẽ được sáng rõ hơn rất nhanh.
Điểm đáng chú ý, khá lạ ở chỗ, trong vụ án này, người mẹ của hoa hậu Phương Nga, xét cho cùng không liên quan nhiều, nhưng ở phiên xử trước được HĐXX đưa vào diện người có nghĩa vụ liên quan; trong khi đó, bà Nguyễn Mai Phương, được các lời khai có mối quan hệ chằng chịt và tham gia vào hầu hết tất cả các khâu của vụ việc, trong đó có cả việc tổ chức thông cung, trước sau lại chỉ được xác định là nhân chứng. Sự mờ ám còn ở chỗ, người này cho rằng mình không liên quan gì đến vụ án và những người trong vụ án, nhưng khi đến tòa làm nhân chứng đã đòi ngồi cách ly ở phòng kín. Nếu không có gì mờ ám, thì việc gì phải né tránh, giấu mặt đến như vậy. Cộng đồng gọi là “nhân vật bí ẩn” quả không sai. Đây có thể là 2 chi tiết khiến HĐXX bị mất điểm lớn nhất trong đánh giá của cộng đồng theo dõi vụ án (trong khi hoạt động xét xử lần này cũng đã làm được nhiều việc khá tốt, như là sự điều hành khách quan, chủ tọa kiệm lời, tạo điều cho các bên được trình bày, tranh luận (dù chưa tới phần tranh luận), lắng nghe đầy đủ, chấn chính kịp thời để dẫn dắt mọi người đi đúng trọng tâm, tôn trọng bị cáo…).
CƠ QUAN ĐIỀU TRA CŨNG THAM GIA… LẬP HỒ SƠ GIẢ?
Điều bất ngờ của vụ án, là có những dấu hiệu cho thấy chính cán bộ điều tra, cán bộ trại giam, đã tham gia vào câu chuyện ngụy tạo chứng cứ, làm sai lệch nội dung vụ án.
Trên các trang mạng xã hội đã chia sẻ tràn ngập 2 bản khai của Trương Hồ Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ. Bản khai của ông Mỹ có trước bản khai của Phương Nga 20 ngày, nhưng có chỗ nguyên đoạn giống nhau, giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Thậm chí, đại từ nhân xưng Phương Nga còn bị xưng danh thành ông Mỹ. Những chỗ giống nhau đó như photocopy, mà có người đã gọi là bản khai “song sinh”.
Cũng nên nhớ rằng, tất cả những gì Phương Nga khai tại cơ quan điều tra, bị cáo này cũng cho rằng khai theo hướng dẫn của bà Nguyễn Mai Phương. Và những lời khai của Phương Nga lại khá khớp với các chứng cứ khác.
Chi tiết trên đây cùng với một chi tiết khác, khi Lữ Minh Nghĩa cung cấp 5 bức thư viết trên bì nilon do Thùy Dung từ trong trại giam gửi ra, và khai rằng sự trao đổi này nhờ cán bộ trại giam tên Nghĩa tiếp tay và vận chuyển, khiến tình thế vụ án gần như đảo ngược. Lữ Minh Nghĩa khai để trao đổi qua lại với Thùy Dung được, là nhờ ở sự sắp xếp của bà Nguyễn Mai Phương.
Tất cả những chi tiết trên đây cho thấy khả năng có một sự xâm phạm tư pháp. Theo Phương Nga, ở cơ quan điều tra, bị cáo đã bị điều tra viên dọa dẫm, mớm cung. Riêng bị cáo Dung khai được điều tra viên hướng dẫn khi ghi lời khai, vì vậy các bản cung giống nhau đến từng chi tiết!
* * *
Trước một mớ toàn những lời khai gian, chứng cứ giả, nếu HĐXX không cao tay, dễ bị trở thành con rối, và dễ sa vào xét xử oan sai. Không khéo, nếu sau này phạm nhân từ trong tù hoặc ra tù chứng minh mình bị xử oan, thì HĐXX, người xét xử phải lãnh đạn bồi thường!
Việc pháp luật bị đem đùa bỡn, nếu không có sự trừng phạt nghiêm khắc, thì về sau này người ta sẽ nhờn luật. Bị cáo khai gian, nhân chứng khai dối rồi sau đó… khai lại, mà không bị xử lý gì, thì e rằng không ai sợ pháp luật nữa, sẽ sẵn sàng gian dối để đánh lừa cơ quan điều tra. Trong bộ luật Luật hình sự đã có điều 307 quy định về vấn đề này, nhưng có lẽ lâu nay chưa ai bị xử lý, nên đến giờ cơ quan điều tra, tố tụng vẫn phải đau đầu với lời khai gian, chứng cứ giả.


Hahien's Blog


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lịch sử nhân loại dưới tán cây bồ đề



Mike Shanahan






















BBC - Hơn 2.000 năm trước, một nhánh từ thân cây đặc biệt quan trọng đã được chiết ra theo lệnh của quốc vương Ấn Độ Ashoka Đại đế. Nó nằm ngay dưới tán cây nơi được cho là Đức Phật Thích Ca Mầu Ni đã đắc đạo.

Ashoka ban tặng dấu ấn vương quyền lên cành cây rồi trồng nó trong một bình làm bằng vàng ròng, rồi đưa cành cây lên núi và rồi đưa xuôi Sông Hằng xuống Vịnh Bengal.

Tại đó, nàng công chúa con ngài đã rước nó lên tàu ra khơi, đem tới Sri Lanka cung tiến cho nhà vua nước này. Vua Ashoka yêu mến cái cây tới mức ngài đã nhỏ lệ khi nhìn cảnh nó được đưa đi.

Câu chuyện này, được trích từ sử thi The Mahavamsa của Sri Lanka, nói tới cây bồ đề, mà các khoa học gia gọi là Ficus religiosa. Đúng như tên gọi của nó, cây bồ đề nối về với quá khứ hàng ngàn năm, trước cả thời vua Ashoka.

Thế nhưng bồ đề không phải là loại cây duy nhất. Nó chỉ là một trong số hơn 750 loại khác nhau trong chi họ sung. Không loài cây nào có sức mạnh hơn chi họ sung trong việc tác động tới trí tưởng tượng của con người.

Loài cây này xuất hiện trong mọi loại tôn giáo lớn, có ảnh hưởng tới các vị vua, các nữ hoàng, các nhà khoa học, và binh lính. Chúng đóng vai trò trong sự tiến hóa của loài người và trong thuở bình minh của văn minh nhân loại.

Những cái cây này không chỉ chứng kiến lịch sử mà chúng còn định hình lịch sử; nếu được nhìn nhận một cách đúng đắn thì có lẽ chúng thậm chí sẽ còn làm cho tương lai chúng ta trở nên phong phú hơn.

Hầu hết các loài cây có hoa đều nở bung cho thế giới chiêm ngưỡng, nhưng các loại cây thuộc chi họ sung lại giấu hoa bên trong những trái quả rỗng ruột. Và trong khi hầu hết các loài cây chôn vùi gốc rễ xuống đất, thì cây vả sống bám (strangler fig) lại khoe chúng trên phía trên.

Vả sống bám là loài cây thú vị, mọc lên từ những hạt cây do chim, thú thải ra, mắc lại trên các cây khác. Nhờ việc nảy nở từ tầng trên của những tán rừng rậm thay vì ở mặt đất tối tăm, hạt cây sống bám có đủ ánh sáng cần thiết để phát triển mạnh mẽ.

Trong quá trình phát triển, chúng mọc rễ dài từ trên không xuống dưới, và đám rễ ngày càng trở nên dày dặn, to cứng thêm, bao trùm và biến cây chủ thành một 'con mồi' sống. Chúng thậm chí còn có thể bóp nghẹt, làm chết những cây chủ to lớn, và phát triển mạnh mẽ, trở thành những khối cột cao lớn.

Có hai quốc gia đã dùng hình ảnh cây vả sống bám để trang trí trên phù hiệu.

Tại Indonesia, cây này biểu tượng cho sự thống nhất đến từ sự đa dạng, những cái rễ chằng chịt thể hiện cho vô số những hòn đảo tạo thành nước này.

Còn ở Barbados, nó được lấy cảm hứng từ cảnh nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Pedro a Campos được chào đón khi chiếc thuyền của ông cập đảo hồi 1536. Ông đã nhìn thấy nhiều cây vả sống bám mọc dọc bờ biển của đảo, loại cây có tên khoa học Ficus citrifolia. Từng chùm rễ khổng lồ màu nâu đỏ mạnh mẽ rủ từ những cành cây xuống trông giống như những lọn râu tóc được bện xoắn. A Campos đã đặt tên cho đảo là Los Barbados - "đảo râu dài".

Hơn 300 năm sau, nhà sinh vật học người Anh Alfred Russel Wallace đi khám phá các hòn đảo ở phía bên kia của Trái Đất. Ông nói các cây vả sống bám mà ông từng nhìn thấy trong hành trình odyssey kéo dài tám năm của mình trên khắp Quần đảo Malay là "những cái cây vô cùng độc đáo ở trong rừng". Việc chúng vượt qua được những trở ngại để tồn tại đã tạo cảm hứng để ông phát triển học thuyết tiến hóa nhờ sự lựa chọn tự nhiên, là thuyết hoàn toàn độc lập so với thuyết tiến hóa của Charles Darwin.

Nhưng vả sống bám đã bắt rễ được vào tâm trí con người từ rất lâu trước khi các nhà thám hiểm châu Âu bắt đầu hành trình trên biển.

Ta hãy nhìn vào cây bồ đề của Ashoka Đại đế. Những người theo Phật giáo, Ấn giáo và Gia-nai giáo (một loại tôn giáo phát xuất từ Ấn Độ) đã thờ phụng loại cây này trong suốt hơn hai ngàn năm qua.

Cây bồ đề cũng xuất hiện trong khúc chiến ca của giới Bà-la-môn hồi 3.500 năm trước.

Và trước đó nữa 1.500 năm, cây bồ đề xuất hiện trong các truyền thuyết, trong nghệ thuật của nền văn minh lưu vực sông Ấn (Indus Valley Civilisation).


Tại các nơi khác ở châu Á - mà có thể nói là trên toàn các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, các nền văn hóa đã tiếp nhận cây đa, cây đề như những biểu tượng quyền lực và là nơi để người ta tới làm lễ cầu nguyện.

Những cây này được xuất hiện trong các câu chuyện kể, trong văn hóa dân gian, và trong cả các nghi lễ về sinh sản.

Được tôn kính nhất là cây bồ đề Ấn Độ (Ficus benghalensis), loại cây có thể lớn tới mức từ xa nhìn lại thì trông nó giống như một khu rừng nhỏ.

Cây bồ đề Ấn Độ có thể phát triển rất to bởi rễ của chúng thả xuống từ các cành có thể hợp lại với nhau thành các cột trụ to, chắc như các cây sồi, đỡ cho các cành khổng lồ của cây, cho phép các cành cây mọc ra dài hơn, rồi lại tiếp tục thả xuống nhiều rễ thêm nữa.

Có một cây bồ đề ở Uttar Pradesh được cho là bất tử. Một cây khác tại Gujarat được cho là đã lớn lên từ một nhánh con chỉ bé bằng cái bàn chải đánh răng. Một cái cây khác, cây thứ ba, được cho là đã mọc lên khi một thiếu phụ lao mình vào dàn hỏa thiêu xác người chồng quá cố để quyên sinh theo. Cây này, mọc tại Andhra Pradesh, lớn tới mức đủ chỗ trú cho 20 ngàn người.

Những người châu Âu đầu tiên được hưởng bóng mát của cây bồ đề là Alexander Đại đế và đội quân chinh chiến của ông, vốn đặt chân tới Ấn Độ vào năm 326 trước Công nguyên.

Những câu chuyện kể của họ về cây này nhanh chóng đến tai nhà triết học Hy Lạp cổ đại, Theophrastus, người đã đặt nền móng cho ngành thực vật học hiện đại.

Ông đã nghiên cứu loại cây vả cho quả ăn được, vả tây, có tên khoa học là Ficus carica. Theophrastus nhận thấy có những con bọ tí xíu chui ra chui vào quả vả. Điều này trở thành một trong những khám phá thú vị nhất của ngành sinh vật học.

Hơn 2.000 năm trôi qua cho tới khi các khoa học gia phát hiện ra rằng mỗi giống vả lại có một loại côn trùng thụ phấn riêng cho mình, và một số giống vả thậm chí còn có hai loài côn trùng 'đặc chủng' như thế. Tương tự, mỗi loại bọ vả chỉ có thể đẻ trứng vào hoa của những loài vả nhất định mà thôi.

Mối quan hệ này đã bắt đầu từ hơn 80 triệu năm trước, và nó đã định hình thế giới kể từ đó tới nay. Các giống thuộc chi họ sung Ficus phải đảm bảo ra quả trong cả năm để đảm bảo sự sinh tồn cho các giống bọ thụ phấn cho nó. Đây là điều tuyệt vời cho các loài động vật ăn trái cây vốn rất khó tìm được thức ăn trong phần lớn thời gian trong năm. Thực sự, các trái sung, vả giúp nuôi, duy trì sự tồn tại của nhiều loài động vật trong đời sống tự nhiên hơn bất kỳ loài trái cây nào khác.

Có hơn 1.200 giống loài động vật khác nhau ăn quả vả, trong đó có một phần mười toàn bộ các loài chim trên thế giới, gần như toàn bộ các loài dơi ăn hoa quả đã được con người biết đến, và hàng chục loài linh trưởng. Đổi lại, các loài động vật này cũng giúp phát tán hạt cây đi các nơi. Bởi vậy, các nhà sinh thái học đã gọi quả vả là "những nguồn tài nguyên chủ yếu". Và cũng giống như hòn đá trụ của một cây cầu, nếu như cây vả biến mất thì mọi thứ khác cũng bị phá hủy theo.

Cây vả không chỉ giúp nuôi dưỡng động vật. Việc quả vả chín quanh năm có lẽ cũng giúp cho sự tồn tại bền vững của tổ tiên loài người trong giai đoạn sơ khai.

Những quả vả chứa nhiều năng lượng có thể đã giúp cho tổ tiên chúng ta phát triển não bộ to hơn. Có giả thuyết cho rằng bàn tay chúng ta tiến hóa để trở thành công cụ hữu hiệu nhằm đánh giá xem quả vả đã mềm chưa, tức là đã đủ ngọt, đủ dinh dưỡng, năng lượng để ăn hay chưa. Các loại quả vả nằm trong số những cây quả đầu tiên mà con người thuần hóa từ hàng ngàn năm trước.

Người Ai Cập cổ đại đã thuần hóa được một loài sung có tên gọi Ficus sycomorus (sung dại khô), là loài cây mà côn trùng thụ phấn cho nó hoặc đã tuyệt chủng, hoặc chưa từng có mặt tại vùng đất đó. Lẽ ra thì loài sung này sẽ không thể cho ra được nổi một quả sung chín. Thế nhưng những người nông dân đã tìm được cách 'đánh lừa' cây bằng cách dùng lưỡi dao vạch lên thân cây.

Trước đó rất lâu, quả sung đã là một nguồn thu chính của nông nghiệp Ai Cập. Các nhà nông thậm chí còn luyện cho khỉ biết trèo cây hái quả nữa.

Cây sung ở Ai Cập vừa là thực phẩm, vừa nuôi dưỡng những niềm tin tôn giáo. Các vị vua Ai Cập, Pharaoh, đem các quả sung khô vào hầm mộ của mình nhằm giúp linh hồn vua trên hành trình đi sang cõi bên kia thế giới. Các vị vua tin rằng nữ thần Hathor sẽ hiện lên từ một cây sung thần bí để đón họ vào thiên đường.

Từ phía bắc sang phía đông, loài họ hàng ngọt ngào hơn của sung dại khô Ai Cập là vả tây (F. carica) đã trở thành một loại thực phẩm quan trọng của một số nền văn minh cổ đại khác.

Vua Urukagina của nền văn minh lưu vực sông Ấn đã viết về loại quả này từ gần 5.000 năm trước. Vua Nebuchadnezzar II cho trồng chúng trong các khu vườn treo Babylon. Vua Solomon của Israel ca ngợi chúng trong một bài hát. Người Hy Lạp cổ đại và người La Mã nói quả vả là thứ hoa trái đến từ thiên đường.

Sức hấp dẫn của loài quả này có lẽ có thể được giải thích bằng một điểm quan trọng khác. Ngoài việc ngon ngọt, chúng còn có nhiều chất xơ, vitamin và các loại khoáng chất.

Những lợi ích dinh dưỡng này đã được biết đến từ lâu. "Quả vả rất bổ dưỡng," nhà triết học La Mã hồi thế kỷ thứ nhất Pliny Già (Pliny the Elder) viết, "và là thứ thực phẩm ngon nhất mà những người bị ốm bệnh lâu ngày có thể ăn."

Một ví dụ nổi tiếng về sức mạnh trị bệnh của cây vả được nêu trong Kinh Thánh. Hezekiah, Vua vùng Judah, đã 'lâm bệnh đến chết' nhưng đã khỏe trở lại sau khi những kẻ tôi tớ đắp quả vả nghiền nhuyễn lên da ngài.

Khả năng trị bệnh của cây vả không chỉ nằm ở các quả cây. Các loại thuốc được phát triển qua hàng ngàn năm đã sử dụng cả vỏ cây, lá cây, rễ cây và cả nhựa cây nữa.

Việc dùng cây vả để chữa bệnh thậm chí còn có từ trước khi loài người hình thành. Tổ tiên còn sống gần gũi nhất với chúng ta là tinh tinh có vẻ như cũng biết cách dùng các loại cây này để chữa trị bệnh, cho thấy tổ tiên chung của loài người và tinh tinh cũng biết làm vậy.

Các nhà nghiên cứu làm việc tại Uganda thỉnh thoảng quan sát được các con tinh tinh ăn những thứ thức ăn khác thường, chẳng hạn như vỏ cây hoặc lá cây vả dại. Những con tinh tinh này có lẽ đang tự chữa bệnh, các nhà nghiên cứu kết luânh. Các xét nghiệm cho thấy thành phần lá và vỏ cây vả có tác dụng chống khuẩn, các loài ký sinh trùng, và các khối u.

Cây vả, cây sung không chỉ giúp cho các nền văn minh, các nền văn hóa của con người phát triển. Chúng còn chứng kiến cảnh lụi tàn nữa, và thậm chí còn giúp chôn vùi, che giấu những kết cục suy tàn đó.

Chẳng hạn như các thành phố vĩ đại của nền văn minh lưu vực sông Ấn từng phát triển rực rỡ trong thời gian từ năm 3300 đến 1500 trước Công nguyên, nhưng chúng đã biến mất khỏi lịch sử loài người cho tới tận năm 1827, khi một kẻ đào tẩu bỏ chạy khỏi Công ty Đông Ấn có tên là Charles Masson phát hiện ra.

Những cây sống bám khổng lồ hiện lên sừng sững át hết các loại cây khác. Những đống đổ nát nhô lên như những gò đống bí hiểm. Người dân địa phương nói với Masson rằng đó là những vết tích còn lại của một xã hội bị thần linh trừng phạt vì "những ham muốn và những tội lỗi của nhà vua". Thực ra, chính là một trận hạn hán kéo dài đã khiến nền văn minh lưu vực sông Ấn tàn lụi.

Các cây vả sống bám cũng thay thế chỗ của con người ở những nơi bị nạn khô hạn xóa sổ, như các kim tự tháp của người Maya ở Tikal thuộc Guatemala, hay các ngôi đền Khmer ở Angkor Wat của Campuchia.

Trong các trường hợp kể trên, các cây vả đã giúp rừng xanh trở lại, bao phủ lên các khối kiến trúc bị bỏ hoang. Các hạt cây nảy lên từ các vết nứt trong tường đá. Rễ cây công phá các vết vữa và bao cuốn, bóp nghẹt những bức tường. Cây vả thu hút vạn vật tới sinh sống, và rồi những sinh vật đó lại đem hạt cây đi phát tán xa hơn. Cứ thể, rừng xanh dần lấn hết các khối công trình do con người dựng lên.

Sức mạnh này cũng đã được chứng kiến tại các núi lửa như Krakatoa, nơi trận núi lửa phun trào hồi 1883 đã hủy diệt toàn bộ sự sống trên đảo. Các cây vả tái chiếm những nơi vốn chỉ còn mỗi lớp nham thạch, khởi đầu cho sự hình thành của những khu rừng mới.

Ở khắp các khu vực nhiệt đới, các khoa học gia nay đang dựng lại hiệu ứng này với việc trồng các cây vả để tăng tốc tái phát triển rừng ở các nơi cây cối đã bị đốn mất gần hết do nạn chặt phá bừa bãi.

Và điều này đồng nghĩa với việc cây vả có thể đem lại hy vọng cho tương lai trong bối cảnh có tình trạng biến đổi khí hậu.

Cây vả cũng có thể giúp chúng ta thích nghi được với những điều kiện khắc nghiệt.

Ở vùng đông bắc Ấn Độ, người dân nắn rễ cây vượt sông, tạo thành những cây cầu sống dày dặn, vững chắc, giúp việc qua lại được dễ dàng trong những mùa mưa lũ.

Tại Ethiopia, cây vả giúp nhà nông thích nghi với nạn khô hạn bằng việc cung cấp bóng râm vô cùng cần thiết cho hoa màu, và thức ăn khô cho dê. Đây là những tác dụng có thể có ích cho cả những vùng khác nữa.

Nhìn chung, cây vả có thể giúp chúng ta hạn chế bớt tình trạng thay đổi khí hậu, bảo vệ tính đa dạng sinh thái, và cải thiện đời sống nếu như chúng ta tiếp tục trồng và bảo vệ chúng, điều mà nhân loại đã làm từ cả ngàn năm qua.

Trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, việc chặt hạ các cây thuộc chi họ sung, như cây đa, cây đề, là điều cấm kỵ.

Câu chuyện lịch sử dài lâu của loài cây đặc biệt này nhắc nhở cho chúng ta rằng chúng ta chỉ mới xuất hiện trên Trái Đất này thôi, so với quá trình 80 triệu năm tồn tại của chúng. Tương lai của chúng ta sẽ an toàn hơn nếu như chúng ta đưa những loài cây đặc biệt này vào kế hoạch đồng hành với chúng ta tới tương lai.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

VÌ SAO THỦ TƯỚNG ĐỨC KHÔNG TIẾP ÔNG NGUYỄN XUÂN PHÚC?


Thủ tướng Đức Merkel từ chối tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc với ngôn ngữ ngoại giao là “bận”. Ảnh: Thời Báo/ internet

Vì sao Thủ tướng Đức không tiếp 
ông Nguyễn Xuân Phúc ?

1-7-2017
Những ngày đầu tháng 7 này, tại thủ đô Berlin của Đức không khí dường như ngột ngạt hơn bởi tiếng còi xe cảnh sát hú chạy khắp thành phố, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp được tổ chức ở Hamburg.


Trên hai mươi nước từ khắp thế giới rầm rộ đổ người vào các trung tâm hội nghị. Bộ phận lễ tân của Chính phủ Đức hoạt động hết công suất, lại thêm đợt mưa lụt đang diễn ra ở miền Bắc nước Đức làm công tác điều hành trở nên rắc rối hơn. Lực lượng cứu hỏa Berlin đã phải quyết định đưa thành phố vào “tình trạng đặc biệt” bởi các thiệt hại do thiên nhiên đang gây ra ở đây.

Nhiều đoàn công tác, tiền trạm của Chính phủ Việt Nam cũng đã có mặt để chuẩn bị cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và kết hợp thăm nước Đức từ ngày 5.7 tới, những ly rượu đắt tiền bắt đầu leng keng trong khu chợ Đồng Xuân của người Việt ở Berlin.

Sau khi sang Trung Quốc vào cuối năm 2016, gần đây nhất vào cuối tháng 5.2017 ông Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến đi Mỹ, gặp gỡ vị Tổng thống Trump và nêu mong muốn nhận được thêm viện trợ, đầu tư của nước cựu thù này vào Việt Nam, với bản chất của một người kinh doanh, hẳn ông Trump đã đặt điều kiện trao đổi không dễ chịu gì, điều mà ông Phúc sẽ cần có thời gian để bàn thảo và thuyết phục các “đồng chí” của mình thực hiện được phần nào những cam kết đó.

Việc bắt giữ và giam cầm những người bất đồng quan điểm với đảng là chuyện thường ngày ở Việt Nam, nhưng dường như có bàn tay đen tối nào đó trong bộ máy lãnh đạo đang cố tình phá hoại nỗ lực “Kiến tạo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi ngay trước chuyến đi Đức ít ngày dự Hội nghị thượng đỉnh G20, họ đã cho tước quốc tịch của giáo sư Nguyễn Minh Hoàng và xét xử vội vã Bloger Mẹ Nấm – chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để tuyên một cái án thật nặng là 10 năm tù giam cho người mẹ đang nuôi 2 con nhỏ.

Bản án đã đi ngược lại chính những mong mỏi của lãnh tụ Hồ Chí Minh dành cho người dân nước này là có Độc Lập- Tự Do – Hạnh Phúc.

Vụ việc đã gây sững sờ cho dư luận trong và ngoài nước. Chính phủ Việt Nam đã bị nhiều nước thuộc khối G20 ra thông cáo báo chí và phản đối chính thức qua các kênh ngoại giao cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bản thân những cán bộ đảng viên trong nước, nhiều người đã công khai thể hiện bất bình của mình về động thái vội vàng này, khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập hơn với thế giới.

Bộ Ngoại giao Đức đã lập tức ra thông cáo báo chí, dẫn lời bà Bärbel Kofler, Đặc phái viên về nhân quyền của Chính phủ Đức “phản đối Việt Nam bắt và tuyên án nặng một người phụ nữ chỉ vì họ biểu đạt ý kiến của mình về hiện tình đất nước trên trang Blog cá nhân. Điều này đi ngược với các nguyên tắc nhân quyền và vi phạm các cam kết mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế”.

Có lẽ động thái này là một trong những nguyên nhân làm Thủ tướng Đức Merkel phải do dự và quyết định từ chối tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc với ngôn ngữ ngoại giao là “bận”.

Việc gặp ông Phúc được đẩy sang Tổng thống Frank-Walter Steimeier chỉ để tiếp xã giao, ở đây ông Phúc sẽ nhận được các câu hỏi khó trả lời, khi chính Tổng thống Đức vào tháng 4 vừa qua, đã trực tiếp trao giải Nhân quyền 2017 của Hiệp hội Thẩm phán Đức cho luật sư Nguyễn Văn Đài khi ông này đang… ngồi trong nhà tù ở Việt Nam.

Trung Khoa – Thoibao.de 
---------------

1. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao giải nhân quyền cho Luật sư Nguyễn Văn Đài ngày 5.4.2017.

2. Thông cáo báo chí ngày 30.6.2017 của Bộ Ngoại giao Đức phản đối Chính phủ Việt Nam ra phán quyết 10 năm tù cho Blog Mẹ Nấm – chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

3. Tổng thống Đức Frank-Walter Steimeier sẽ tiếp xã giao ông Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân Trần Nguyệt Thu tại Berlin lúc 17:00 ngày 6.7.2017.


Cập nhật 18:30 ngày  02.07.2017: 

Đến thời điểm này lịch tiếp khách của Thủ tướng Đức Angela Merke không có tên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Xem lịch tiếp khách của Thủ tướng Đức tại đây: https://www.bundeskanzlerin.de/Webs/BKin/DE/AngelaMerkel/Terminkalender


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hướng dẫn viên người Hoa nói cố đô Huế thuộc TQ


Vietnamnet
Một hướng dẫn viên trẻ đang thuyết minh trên xe thì bị người TQ giật mic, bảo “Biển Đông là biển Nam TQ”. Một người Hoa khác giới thiệu “cố đô Huế giống kiến trúc TQ vì trước đây khu vực này là của Trung Hoa”.
.
Trong buổi đối thoại hôm nay với lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, hàng chục hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung bức xúc cho biết phải chạm mặt hàng ngày với các HDV Trung Quốc hoạt động ngang nhiên ở Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành.
.
Thủ đoạn chủ yếu của họ là sử dụng các sitting guide (hướng dẫn viên tại chỗ – PV) làm bình phong qua mắt cơ quan chức năng. Đây là các HDV người Việt, được thuê đi cùng đoàn nhưng không được nói gì. Khi gặp thanh tra thì những người này sẽ lo thủ tục.
khách du lịch Trung quốc, du khách trung quốc, đà nẵng, du lịch đà nẵng
HDV người Trung Quốc hoạt động chui đang là nỗi ‘ám ảnh’ của ngành du lịch Đà Nẵng. Ảnh: HDV tiếng Trung cung cấp
.
Các HDV chuyên nghiệp cho biết, 2-3 năm qua nhiều công ty lữ hành ở Đà Nẵng đều nuôi HDV người Trung Quốc trong nhà. Đơn cử như công ty Q.Đ nuôi ít nhất 20 HDV người TQ ăn ngủ tại đơn vị mình, liên tục dẫn đoàn đi khắp nơi, trong đó có cả Phố cổ Hội An.
.
“Buổi tối nào ở sân bay chúng tôi cũng chạm mặt HDV người TQ. Điều nguy hiểm là họ không chỉ sang đây cướp việc của chúng ta, mà còn mạo danh là người Việt để đón đoàn TQ. Khi trên xe hay đến các địa điểm, danh thắng, họ xuyên tạc hoặc bịa đặt”, một HDV lâu năm cho biết.
.
Một HDV trẻ tuổi cho hay đã phải bỏ việc làm HDV do bị ép làm sitting guide cho đoàn TQ.
.
“Họ rất lộng hành, từ Đà Nẵng đến Hội An hay cố đô Huế. Họ thường xuyên tạc về lịch sử, văn hóa. Bạn em là HDV dẫn khách đến Đại nội Huế thì nghe một người TQ dẫn đoàn bên cạnh bảo Đại nội có kiến trúc giống TQ bởi trước đây nơi này thuộc Trung Quốc.
.
Một bạn khác của em là HDV nữ đang thuyết minh trên xe thì bị HDV Trung Quốc cướp mic, xuyên tạc Biển Đông là biển Nam Trung Quốc”, HDV này phát biểu trước sự có mặt của PGĐ Sở Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường.
.
Một nữ HDV có 16 năm kinh nghiệm cho biết, cách đây 5 ngày ra sân bay đón khách từ Ma Cao có 5 đoàn thì chỉ mỗi chị là HDV người Việt. “Đoàn em chỉ 15 người, các đoàn khác do người TQ dẫn hơn 30 người. Hôm sau em dẫn khách vào Hội An có 4 đoàn thì 3 đoàn còn lại là HDV người Hoa. Họ đi cùng với các sitting guide”, chị cho biết.
.
Sitting guide bán rẻ lòng tự tôn dân tộc
.
 
Các HDV tiếng Trung chuyên nghiệp đều bức xúc trước thực trạng nhiều người Việt chấp nhận làm sitting guide, tiếp tay cho người TQ hoạt động du lịch chui.
.
Mỗi sitting guide được thuê với giá khoảng 300 tệ/ngày. ‘Nếu những người tâm huyết như chúng tôi không lên tiếng thì chỉ vài ba năm nữa, tất cả thị trường khách TQ đều rơi vào tay HDV người TQ. Khi đó thì ngay cả sitting guide họ cũng chẳng cần nữa.
.
Tôi muốn nói rằng ngoài cơm áo gạo tiền, HDV còn phải có lòng tự tôn dân tộc và đạo đức nghề. Chúng tôi rất bức xúc vì các sitting guide tiếp tay cho người TQ”, một nữ HDV cho biết.
khách du lịch Trung quốc, du khách trung quốc, đà nẵng, du lịch đà nẵng
Các HDV tiếng Trung cho biết, ngày ngày đều chạm mặt người Trung Quốc làm HDV chui ở ngay sân bay Đà Nẵng. Ảnh: HDV tiếng Trung cung cấp
.
Anh H.M.H, một HDV tự do cho rằng sitting guide gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng chỉ là phần ngọn. Cơ quan chức năng cần phải xử lý dứt điểm phần gốc, đó là các công ty lữ hành Trung Quốc hoạt động chui, có sự chống lưng của người Việt.
“Hàng loạt công ty lữ hành chui như Q.Đ, T.L… tồn tại bao nhiêu năm sờ sờ ra đó sao cơ quan chức năng không biết để xử lý. Tôi đảm bảo 100% các công ty này đều trốn thuế, Đà Nẵng không có 1 xu ngân sách từ họ. Tôi đề nghị các sở ngành phải phối hợp và quyết liệt xử lý tận gốc rễ”, anh H. đề xuất.
.
PGĐ Sở Trần Chí Cường cho rằng sẽ có hình phạt thật nặng các trường hợp vi phạm, căn cứ vào nhiều quy định khác chứ không chỉ riêng nghị định 158.
.
“Hoạt động du lịch tại Đà Nẵng nói riêng cũng như các hoạt động kinh doanh khác phải đúng pháp luật. Chúng tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những người làm đúng pháp luật, trái lại sẽ bị xử lý nghiêm.
.
Bí thư Thành ủy cũng đã nói Đà Nẵng sẽ là mảnh đất đáng sống của những người tử tế và không có đất sống cho những người vi phạm pháp luật”, ông Cường nhấn mạnh.
.
Theo đó, Sở sẽ buộc các hãng lữ hành ký cam kết. Với các HDV, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng, thậm chí tước thẻ.
.
Đà Nẵng xin thí điểm lập Cảnh sát du lịch
.
Hôm qua, trong buổi làm việc với Ban Kinh tế TƯ, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị được thí điểm lập Cảnh sát du lịch.
.
Theo đó, nhiệm vụ của lực lượng này sẽ là giải quyết triệt để việc buôn bán hàng rong, quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
.
Mỗi năm Đà Nẵng này đón 4-5 triệu du khách, đông gấp 4 lần dân số.
Lượng khách TQ trong vài năm qua tăng rất mạnh. Năm 2015, có hơn 300 ngàn khách TQ đến Đà Nẵng, chiếm 24,01% lượng khách quốc tế.
Cao Thái

Phần nhận xét hiển thị trên trang