Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

GS Phạm Minh Hoàng: ‘Tôi bị nhà nước Việt Nam tước quốc tịch


Đỗ Dzũng/Người Việt
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Giáo Sư Phạm Minh Hoàng, một nhà hoạt đông đang sống ở quận 10, Sài Gòn, và từng bị tù 17 tháng, vừa bị nhà nước Việt Nam tước quốc tịch.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, ông Hoàng nói: “Hôm 1 Tháng Sáu, tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn đã mời tôi lên để gặp họ. Thế rồi ông tổng lãnh sự nói: ‘Hôm nay, tôi thông báo cho anh một tin cực kỳ xấu. Việt Nam tước quốc tịch của anh. Họ muốn đuổi anh ra khỏi nước.’”

Giáo Sư Phạm Minh Hoàng giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn năm 2006. (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
Giáo Sư Phạm Minh Hoàng giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn năm 2006. (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
 Ông Hoàng cho biết ông có song tịch Pháp Việt.
Ông nói thêm: “Tôi rất bàng hoàng. Tôi trở về quê hương để phục vụ, vì ai cũng tha thiết phục vụ quê hương mình. Tôi đã sống ở Việt Nam gần 20 năm, từng bị ở tù vì những suy nghĩ của mình. Thế mà bây giờ họ không muốn cho tôi ở đây.”
“Tôi có nói chuyện với gia đình, mọi người đều choáng váng, vì biết đương nhiên là tôi sẽ bị trục xuất. Tôi còn một người anh là thương binh 100%, phải chăm sóc ngày đêm, tắm rửa. Hồi nãy, khi anh gọi điện thoại, tôi phải xin anh chờ 10 phút là để chăm sóc cho anh ấy. Vợ tôi phải chăm sóc mẹ già của cô ấy. Con chúng tôi mới 3 tuổi. Nếu về Pháp, thì chỉ có tôi và con. Gia đình ly tán,” ông Hoàng nói tiếp.
Ông chia sẻ thêm: “Công an biết rõ hoàn cảnh và sinh hoạt của gia đình tôi. Tôi cảm thấy tàn nhẫn quá. Tôi rất bối rối.”
Khi được hỏi những ngày tới ra sao, ông cho biết: “Tôi đã liên lạc luật sư nhờ họ can thiệp. Luật Sư Lê Công Định và Luật Sư Hà Huy Sơn cũng muốn hỗ trợ. Tuy nhiên, cho tới nay, cá nhân tôi chưa nhận được quyết định chính thức, thành ra, luật sư không thể làm gì được.”
Ông Hoàng cho biết, chỉ có chủ tịch nước mới có quyền ký quyết định tước quốc tịch của ông, và ông có hỏi người khác, thì họ cho biết, “một khi đã ký rồi thì không thay đổi được.”
Trong thời gian qua, ông Hoàng cho biết, ông thường xuyên bị sách nhiễu.
“Họ từng thông báo với tôi rằng tình trạng của tôi giống như cá nằm trên thớt vì tôi là đảng viên đảng Việt Tân,” ông Hoàng kể.
Ông giải thích: “Về mặt pháp lý, tôi không vi phạm gì cả. Trong nước có nhiều người không phải là Việt Tân, ví dụ như blogger Đoan Trang, hay anh Nguyễn Ngọc Già, có phải là Việt Tân đâu, mà vẫn bị đàn áp. Anh biết đó, ở Việt Nam này, mình làm bất cứ gì, nếu không thích, họ suy diễn đủ thứ để kiếm chuyện với mình.”
“Họ không đánh đập tôi, nhưng họ cô lập tôi, nhẹ nhàng nhất, nhưng lại vô nhân đạo nhất, vì nó hủy hoại gia đình tôi,” vị giáo sư chia sẻ tiếp.
Dù chưa biết bao giờ chính thức bị trục xuất, nhưng nếu bị, ông Hoàng vẫn ước ao được trở lại Việt Nam một ngày nào đó.
“Tôi hy vọng mình sẽ trở lại khi đất nước được tự do, dân chủ, và tôn trọng nhân quyền. Tôi biết, ở hải ngoại, có nhiều người muốn về, nhưng vì đấu tranh, họ không được cho về. Tôi biết, họ còn đau khổ hơn. Sẽ có ngày mọi người được về khi đất nước không còn tình trạng đàn áp những người đấu tranh,” ông Hoàng nói thêm.
Theo blogger Lê Nguyễn Hương Trà, Thạc Sĩ Phạm Minh Hoàng sinh ngày 8 Tháng Tám, 1955 tại Vũng Tàu, mang hai quốc tịch Pháp và Việt. Sau nhiều năm du học ngành cơ ứng dụng tại Đại Học Pierre & Marie Curie (Paris 6) và sinh sống tại Pháp, năm 2000, ông trở về Việt Nam thỉnh giảng tại Đại Học Bách Khoa ở Sài Gòn.
Với bút danh Phan Kiến Quốc, ông có nhiều bài trên blog và các trang nước ngoài phản đối vụ Trung Quốc khai thác Bauxite Tây Nguyên, cũng như kêu gọi các vấn đề dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.
Tháng Tám, 2010, ông bị cơ quan điều tra công an Sài Gòn bắt giam và cáo buộc là thành viên Việt Tân. Ông bị tòa xét xử tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự và bị tuyên án 3 năm tù giam.
Nhiều tổ chức quốc tế, các chính phủ Hoa Kỳ, Pháp, và Liên Âu lúc đó đã kêu gọi trả tự do cho ông.
Rồi ông kháng án và được giảm còn 17 tháng, vì có yếu tố song tịch, theo blogger này cho biết.
Vẫn theo blogger này, đầu năm 2012, ông Hoàng ra tù và sống với vợ và con gái ở quận 10, Sài Gòn, cho đến nay.
Sau khi ra tù, ông thường xuyên bị gây khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt.
Năm ngoái, ông bị công an Sài Gòn tạm giữ hành chánh, khi đang giảng dạy cho một số bạn trẻ tại một quán cà phê ở quận 3, với chủ đề lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam qua các thời kỳ, và bị cho là một hoạt động dưới hình thức đào tạo kỹ năng mềm.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngày này năm xưa:

04/06/1961: Kennedy và Khrushchev thỏa thuận về tính trung lập của Lào

Họp tại Vienna, Tổng thống John F. Kennedy và Thủ tướng Nikita Khrushchev của Liên Xô, đã thỏa thuận ủng hộ một nước Lào trung lập và độc lập.
Lào là nơi đang diễn ra cuộc nổi dậy của du kích Pathet Lào Cộng sản. Tháng 7 năm 1959, Bộ Chính trị Bắc Việt đã thành lập Đoàn 959 để cung cấp vũ khí và vật liệu cho Pathet Lào. Vào thời gian của năm 1960, Pathet Lào đang đe dọa sự sống còn của chính phủ Hoàng gia Lào. Ngày 19 tháng 1 năm 1961, khi Tổng thống Eisenhower sắp rời nhiệm sở, ông nói với Kennedy rằng Lào “là chìa khóa cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á.” Kennedy đã xem xét can thiệp bằng quân đội vào Lào, nhưng rồi quyết định chống lại việc này.
Tổng thống John F. Kennedy đang thảo luận về Lào trong một cuộc họp báo ngày 23 tháng 3 năm 1961.
Tổng thống John F. Kennedy đang thảo luận về Lào trong một cuộc họp báo ngày 23 tháng 3 năm 1961.
Dù vậy, người Tổng thống Hoa Kỳ không muốn đánh mất Lào cho cộng sản. Kennedy đã được chuẩn bị để chấp nhận tính trung lập của Lào như là một giải pháp. Cuối cùng một hội nghị 14 quốc gia sẽ được triệu tập tại Geneva và một hiệp định đã được ký vào tháng 7 năm 1962, tuyên bố tính trung lập của Lào. Điều này đã đảm bảo cho tình hình ở Lào trong thời gian đó nhưng cả người cộng sản lẫn Hoa Kỳ đều sớm phớt lờ tính trung lập đã tuyên bố của vùng đất này.
Phan Ba dịch
Nguồn: http://www.history.com/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐIỀU 19.3 DỰ THẢO BLHS 2015 PHÁ VỠ CÁC NGUYÊN TẮC CỐT LÕI CỦA LUẬT PHÁP


Luân Lê 1. Trước hết, nó đã vi phạm nghiêm trọng vào nguyên tắc đầu tiên mà trong Tố tụng hình sự luôn đề cao hàng đầu, đó là “Nguyên tắc suy đoán vô tội”. Điều 31.1 Hiến pháp 2013 đã quy định: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Nguyên tắc này lại tiếp tục được nêu tại Điều 13 BLTTHS 2015.
Quy định trên phù hợp với Điều 14.2 “Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ năm 1966”, mà Việt Nam gia nhập làm thành viên của Công ước này năm 1982.

Theo quy định đó thì, một người được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật và việc kết tội đó được chứng minh (thông qua một loạt các chứng cứ) bằng một trình tự hợp pháp. Và do đó, anh ta sẽ được hưởng đầy đủ và tối thiểu sự bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của một con người theo quy định của pháp luật cho đến khi bị kết tội hoàn toàn.

Luật sư - vốn chỉ là một người tham gia tố tụng thông thường - một chế định để vừa giám sát, phản biện, vừa thực hiện gỡ tội trong quá trình tố tụng. Vậy thì, tố giác thân chủ mình trong mối tương quan quan hệ pháp lý “thân chủ - người bào chữa”, là tước bỏ đi cơ hội được bảo vệ và quyền được hưởng quyền suy đoán vô tội cho những người đang bị cáo buộc trong mọi hoàn cảnh.

2️⃣
Thứ hai, nó phá vỡ nguyên tắc về “Nghĩa vụ chứng minh và chứng cứ”.

Trong một chu trình kết tội, thì việc chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cuối cùng là đến Tòa án xét xử để tuyên án về thân phận pháp lý một con người.

Đây là nguyên tắc quy định tại Điều 15 BLTTHS 2015: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Điều 98.2 BLTTHS 2015 quy định: Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Những quy định này cũng phù hợp với các quy định về “quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu” tại Điều 14.3.g của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ năm 1966.

Về vấn đề chứng cứ trong vụ án hình sự, được định nghĩa và xác định bởi Điều 86 và Điều 87 BLTTHS 2015. Chỉ được coi là chứng cứ khi có đủ ba thuộc tính: tính khách quan (có thật), tính liên quan (tính chứng minh) và tính hợp pháp (đảm bảo pháp lý) - và chúng được thu thập từ nhiều nguồn chứng cứ khác nhau, qua một quá trình tố tụng để đánh giá thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể đi đến kết luận về vụ án. Đó là một chu trình và các hoạt động tố tụng nghiêm ngặt, khắt khe bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ trong mọi trường hợp.

Bởi vậy, luật sư không thể và cũng không có nghĩa vụ để chứng minh tội phạm cùng các cơ quan tiến hành tố tụng. Họ là chế định gỡ tội dành cho người bị cáo buộc.

3️⃣
Thứ ba, nó xâm hại và có xu hướng tước bỏ “Quyền được bào chữa, quyền được bảo vệ bởi luật pháp của công dân” – một quyền Hiến định cơ bản của con người.

Điều 31.4 Hiến pháp 2013 đã quy định một sự đảm bảo về quyền được bảo vệ: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Điều 60 BLTTHS 2015 đã quy định, bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa.

Nguyên tắc này lại tiếp tục được ấn định tại Điều 16 BLTTHS 2015 về “đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”.

Đảm bảo quyền bào chữa của những người bị cáo buộc nhằm mục đích gì?

Đó là đảm bảo việc người bị cáo buộc sẽ được hưởng sự bảo vệ tối thiểu mà pháp luật dành cho anh ta khi đứng trước các lực lượng hùng hậu, có quyền lực và hiểu biết pháp luật đang cáo buộc anh ta về mặt pháp lý. Vậy thì, chế định luật sư nhằm đảm bảo cho mỗi công dân đều có quyền được hưởng như nhau về phương diện được luật pháp bảo vệ, nhằm tránh sự cáo buộc có tính định kiến, sự lạm quyền hoặc những hành vi xâm phạm vào “trình tự hợp pháp” mà luật tố tụng đã quy định bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân theo. Nó buộc một trình tự tố tụng phải diễn ra hợp pháp và từ đó dẫn đến việc tránh oan sai.

Vậy khi luật sư tham gia bào chữa là để bảo vệ quyền hợp pháp của người bị cáo buộc, rõ ràng luật sư phải trung thành với quyền được bảo vệ đó của người bị cáo buộc. Nghĩa vụ trung thành với quyền lợi của khách hàng phù hợp với Điều 15 Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, 1990” của LHQ.

Chúng ta lại đối chiếu thêm với các điều khoản sau:
(i) Điều 74 BLTTHS 2015 đã quy định đối với các tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia thì luật sư được tham gia từ khi kết thúc điều tra vụ án.
Với căn cứ nêu trên, thì rõ ràng rằng việc luật sư bào chữa cho những cá nhân bị cáo buộc các tội liên quan đến xâm hại an ninh quốc gia là đã bị hạn chế. Và điều đó về mặt luật pháp và quyền được đảm bảo về quyền bào chữa đối với người bị cáo buộc vốn đã bị xâm phạm và tước bỏ.

(ii) Điều 76 BLTTHS 2015 quy định phải có luật sư bào chữa nếu rơi vào trường hợp khung hình phạt cao nhất từ 20 năm tù trở lên (là tội đặc biệt nghiêm trọng) hoặc người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hay thể chất.
Chiểu theo quy định này thì Điều 19.3 Dự thảo BLHS 2015 lại một lần nữa xâm phạm không chỉ vào quyền được bảo đảm về quyền bào chữa mà còn tước bỏ quyền được bảo vệ và xét xử công bằng đối với người chưa thành niên, người bị nhược điểm về tâm thần hay thể chất.

Mặt khác, các tội đặc biệt nghiêm trọng là các tội có khung hình phạt từ 15 năm tù giam trở lên. Như vậy là hầu hết các tội danh trong Dự thảo BLHS 2015 sẽ chịu sự điều chỉnh của điều khoản này.

Nhận thấy rằng, không chỉ các tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, mà sẽ bao gồm cả những tội danh có mức hình phạt từ 15 năm tù giam trở lên, thì các luật sư sẽ buộc phải lựa chọn: hoặc trở thành kẻ tố giác chính thân chủ của mình – và sẽ đối mặt với tội vu khống nếu việc tố giác này sau đó được chứng minh là không có thật, kể cả đối với các tội đã, đang và có thể sẽ xảy ra; hoặc sẽ phải vào tù vì bị cáo buộc “không tố giác tội phạm” từ phía cơ quan tiến hành tố tụng. Luật sư có thể bị gài bẫy để đưa vào vòng tù tội bởi một (nhóm) người có quyền lực nhưng bất minh. Luật sư và cả những người bị cáo buộc sẽ trở thành nạn nhân của điều luật kinh hoàng và phản khoa học pháp lý, đi ngược lại văn minh của nhân loại đã đạt được từ hàng trăm năm trước.

Tiếp nữa, nguyên tắc về đảm bảo quyền bào chữa này hoàn toàn phù hợp với Điều 14 Công ước Quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của LHQ - quy định về quyền được xét xử công bằng, trong đó đảm bảo quyền được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Nó cũng tương đồng với các quy định trong “Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, 1990” từ Điều 16 đến 22.

Và thử hỏi tại sao, chỉ có người bào chữa (tức trong lĩnh vực hình sự) thì luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ, vậy còn những hoạt động pháp luật khác của luật sư mà luật sư phát hiện tội phạm của khách hàng thì lại không nằm trong quy định này? Một sai sót nghiêm trọng về kỹ thuật lập pháp và nhận thức pháp luật.

4️⃣
Thứ tư, nó vi phạm vào và phá vỡ nguyên tắc “bí mật của luật sư” - một nguyên tắc được bảo vệ gần như tuyệt đối trong hệ thống luật pháp hầu hết các quốc gia.

Điều 9.1.c Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) đã quy định: Nghiêm cấm luật sư tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

Điều 25 Luật Luật sư cũng lại một lần nữa quy định về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin đối với luật sư.

Về nghĩa vụ của người bào chữa, Điều 73.2.g của BLTTHS 2015 lại ấn định, luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin.

Quy định này phù hợp với quy định tại Điều 22 trong “Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, 1990” của LHQ: Các chính phủ cần công nhận và tôn trọng rằng, tất cả các trao đổi và tư vấn giữa luật sư và khách hàng trong mối quan hệ nghề nghiệp của họ đều được giữ bí mật.

Như vậy, luật sư phải có nghĩa vụ trung thành với quyền lợi của thân chủ và không được phép sử dụng các thông tin có được do hành nghề để chống lại quyền lợi của chính thân chủ mình.

5️⃣
Cuối cùng, nó phá vỡ nền tảng đạo đức quốc gia – vì luật pháp là đạo đức tối thiểu.

Không những chỉ tước bỏ đi các quy định mang tính nguyên tắc tối cao về luật pháp mà nó còn làm đảo lộn giá trị đạo đức của chính luật sư đối với trọng trách được luật pháp giao cho là “bảo vệ luật pháp và công lý”. Những Quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp đã có một Bộ quy tắc dành riêng cho luật sư (năm 2011).

Chúng ta có thể tham khảo thêm các Quy tắc ứng xử đạo đức, nghề nghiệp luật sư của Hoa Kỳ, Châu Âu, Canada để hiểu rõ “quyền giữ bí mật của luật sư” được đảm bảo như thế nào. Và chỉ rất ít các trường hợp mà kèm theo đó là với các điều kiện hết sức nghiêm ngặt, luật sư mới được quyền tiết lộ thông tin đối với sự việc mình biết được cho các cơ quan công quyền – nhưng là trên sự cân nhắc, lựa chọn, sau khi trao đổi và thuyết phục, cảnh báo đối với khách hàng mà không có tác dụng đối với các hành vi có thể sẽ xảy ra.

Nếu luật sư phải tố giác thân chủ/khách hàng của mình thì không còn một ai trong xã hội sẽ đặt niềm tin vào luật sư, không còn ai tin rằng mình sẽ được bảo vệ bằng luật pháp. Và họ sẽ coi luật sư là những người cần phải cảnh giác, có thể là một cái bẫy, họ sẽ không dám chia sẻ hay cảm thấy được an toàn. Trong khi, mối quan hệ pháp lý của thân chủ và luật sư chỉ được khởi phát khi các bên đã ký kết với nhau một hợp đồng bảo vệ. Nên mọi thông tin được thân chủ chia sẻ chỉ sau khi đã có mối quan hệ với luật sư (mà trong hợp đồng luôn có điều kiện bảo mật và các cam kết không gây bất lợi cho họ), là nhằm mục đích rằng họ tin tưởng chắc chắn mình sẽ được bảo vệ, chứ không phải để bị tố cáo một lần nữa (bị phản bội) khi đã giao niềm tin vào luật sư. Đạo đức sẽ bị hủy hoại và nền tảng công lý đã bị phá hủy ngay từ chính quy định tại Điều 19.3 này rõ ràng đến mức không cần phải bàn cãi thêm nữa.

Bởi lẽ, nếu ở đâu muốn phủ nhận vai trò của luật sư hoặc bỏ trống quyền được bảo vệ của con người thì ở đó sẽ chỉ còn lại toàn là tội ác. Và hơn thế, nếu con người không được đảm bảo bằng luật pháp, thì mọi sự an ninh đều trở nên vô nghĩa.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

NGƯỜI ANH HỌ



Truyện ngắn HG
Câu chuyện anh họ tôi gọi từ Úc về làm tôi làm tôi xúc động và buồn. Tôi mất ngủ mấy đêm vì câu chuyện này.Một câu chuyện bắt đầu từ nguồn gốc sâu xa đến lịch sử đất nước, vận mệnh của dòng họ và gia đình tôi.
Để viết đầy đủ về nó cần chuẩn bị thật công phu, đầy đủ tư liệu cũ, mới, đa chiều, dung lượng cỡ tiểu thuyết mới chứa đựng được phần nào. Yếu tố thời gian dành cho nó, công việc này, rất quan trọng mà tôi rất hạn chế vào lúc này.
Còn đủ thứ công việc dở dang chưa hoàn thành. Chưa nói đến cuộc mưu sinh, kiếm sống hàng ngày. Trong cuộc sống của một thế giới điên rồ, bất an và phức tạp như giờ, để làm được nó không dễ gì.
Nhưng bỏ qua không viết, lại thấy áy náy.
Thôi thì ghi lại vắn tắt vài dòng, khi nào rảnh sẽ giở ra, làm lại.
Sau mấy chuyện thăm hỏi, vấn an người nọ người kia trong họ mạc, ông ấy nói qua qua về cảnh ngộ hiện tại của mình. Cũng không có gì khác hơn câu chuyện mấy tháng trước. Ông ấy từ Mem bờn bay qua Sài Gòn, tính chuyện bán căn nhà ở quận Bình Thạnh, hiện đang giao cho người em vợ trông coi. Đã tìm được người mua, thành giá song rồi lại không bán được. Lý do là bà vợ cũ của ông hiện cũng đang ở Úc, đã ly thân với ông từ sau khi định cư sang đấy mấy năm, không nhất trí cách phân chia tài sản. Bà ấy đòi bảy trên ba phần..
Ông ấy than: “Nguyên do không phải là đồng tiền nén bạc..” “Vậy là duyên do gì?”
Ông ấy bảo: “Có nói chú cũng không thể hiểu hết được đâu. Người Việt sang bên này vợ chồng mang theo thì mười người, chin người ly thân, anh cũng không ngoại lệ. Mâu thuẫn sâu xa vẫn là “quốc - cộng”.
Hơn bốn mươi năm rồi. Người ta đang kêu gọi hòa hợp dân tộc, chả lẽ khối mâu thuẫn ấy vẫn còn trầm kha đến vậy sao?
Anh họ tôi cười chua chát qua điện thoại viễn liên: “Thế mới buồn, mới không đáng nói. Anh bên này chỉ hơn con chó biết nói, nghĩ đến tình người, nghĩ đến quê hương bản quán chỉ muốn rơi nước mắt..Đến sâu nặng như tình nghĩa vợ chồng mà còn như này, thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì? Chú không ở đây, chú không biết. Tự do cá nhân đành rồi, nhưng quan hệ gia đình là cái gì đó lỏng lẻo, chán không chịu nổi. Con cái đối với bố mẹ cũng không như ở bên nhà. Mỗi tháng chúng được chính phủ cấp cho bốn trăm đô, bố mẹ không nuôi nó cũng không cần.”. Ông kể thêm ở Úc quyền con người được chính phủ quan tâm ngay từ khi người đó mới ra đời. Bà mẹ sinh con ra đã được cấp không bảy ngàn đô. Thất nghiệp, hết tuổi lao động như anh mỗi tháng cũng được cấp an sinh xã hội một nghìn..Nếu so với bên nhà chắc hẳn em nghĩ vậy là đầy đủ lắm rồi. Nhưng con người ta đâu chỉ cần có những nhu cầu vật chất như vậy là đủ?
Tôi động viên ông ấy rằng thời băng hoại này ở đâu chẳng thế. Ở bên nhà cũng không mấy gia đình êm ấm, hạnh phúc. Cha bỏ con tớ bở thầy, vợ chồng chia lìa nhau cũng không ít. Anh cứ xợt lên Gu Gồ hai chữ “ly dị” là biết tỷ lệ vợ chồng bỏ nhau so với trước ngày như nào. Dù sao, người ta vẫn phải sống, vẫn phải tìm cách để lạc quan, để sống qua ngày.
Vợ ông, chị dâu tôi có gặp vài lần. Lần đầu tiên là ở Sài Gòn khi ấy anh làm biên tập cho một tờ báo ngành, có phòng đại diện ở phía nam. Bạn bè qua lại cỡ như PBT, LTN, NVC.. gặp nhau với anh như cơm bữa. Nghe nói anh còn có chân trong một công ty đang làm ăn ở Nga ( thời LX chưa đổ ). Công ty này chưa hẳn công khai, nhưng mua bán phụ tùng máy bay cho chính phủ, còn có thêm cả một nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Nga thời bấy giờ. Chị vợ anh là con một viên tướng chế độ cũ đang trong trại cải tạo. Chị người hiền thục nết na, có học. Nhờ các quan hệ của anh, yếu tố lý lịch không quá nặng nề, chị vẫn là giảng viên một trường đại học của thành phố.
Mãi tới khi ông bố mãn hạn tù, gia đình bên vợ anh mới được bảo lãnh đinh cư sang Úc. Cũng là lúc ông bố anh, một chủ tịch huyện ven đô Hà Nội qua đời. Bà mẹ anh cũng mất sau đó mấy năm.
Anh họ tôi đồng ý với vợ sang đoàn tụ với gia đình bên vợ. Ra nước ngoài định cư dễ dàng, thuận lợi, nhẹ nhàng, êm ái như thế, người làng tôi ai cũng bảo anh tốt số, gặp được phép màu. Người ta nói anh sướng tự bé, dù chỉ là con nuôi ( vì bác tôi sinh con trai mấy lần đều chết tự lúc còn nhỏ bởi các căn bệnh hiểm ác, khó hiểu mãi đến sau này ).
Mỗi lần vợ chồng anh từ miền nam ra người trong họ tôi đón tiếp long trọng, hân hoan chả khác gì người ta đón lãnh đạo cấp cao, nguyên thủ quốc gia về làng.
Anh mang cả va li tiền với cả đám người nhà rồng rắn đón từ cửa sân bay, xe một đoàn chỉ thiếu không có xe cảnh sát dẫn đường hú còi và dân chúng vẫy cờ hoa hai bên đường.
Người trong họ, ai cũng có quà, không ít thì nhiều. Người dăm ba triệu chả lấy gì lạ vào buổi thóc cao, gạo kém ở quê tôi ngày đó.
Mồ mả tổ tiên cũng được tu tạo xây dựng lại, to lớn khang trang mới mẻ vào bậc nhất nghĩa trang làng lúc bấy giờ.
Bất cứ họ nhà có công việc gì, vợ chồng anh dù ở xa cả ngàn cây số cũng không lần nào vắng mặt.
Hai vợ chồng anh đóng góp gần nửa số tiền xây nhà thờ họ.
Chị vợ tuy là người Sài Gòn nhưng về làng nhập cuộc rất nhanh, đối xử với trên với dưới tận tịnh, chu đáo. Chỉ nghe giọng nói của chị là ai cũng cảm mến rồi. Gia đình chị người gốc năm tư nên giọng bắc pha nam của chị vừa chuẩn vừa dịu dàng khó tả. Cả nhà ai cũng khen chị đáng và có khi còn hơn cả dâu họ Dõan bởi sự hiền thục, khéo léo.
Các vị bô lão quanh vùng ai cũng tấm tắc khen. Ai cũng bảo nhà tôi có phúc.
Người ta nói: “Họ Doãn nuôi con nuôi năm đời nay, quý như con đẻ nên giờ phúc lộc mới được như thế”..
Tôi thì khi đó đang vật vờ ở phương nam. Lúc ở Sài Gòn, khi ra Huế, có lúc tôi còn có ý định ra cả nước ngoài.. Chả phải bất mãn hay thù địch gì với ai. Chỉ là ước muốn thỏa chí tang bồng, nay đây mai đó, đi cho biết thiên hạ thực ra là cái gì? Tìm tòi hiểu biết, tò mò, muốn thoát ra khỏi lũy tre ngốt ngát, ngột ngạt của làng quê.
Những lần vợ chồng anh họ về quê tôi đều vắng mặt. Sau này gặp nhau ông ấy thường lấy làm tiếc cho tôi và tiếc cả cho anh. Giả dụ như khi đó anh em gần gũi nhau chưa chắc gì anh họ tôi bị người ta lừa trắng tay, mất gần hết tài sản, suýt nữa ngồi tù. Tôi chả tài cán gì, nhưng bao năm lưu lạc trường đời, ít nhiều có chút bản lĩnh. Tôi sẽ “đoc” ra ngay những chiêu trò bỉ ổi, đen tối của một số kẻ nhân danh những điều tốt đẹp, cao thượng, tử tế mà thực chất chỉ là trò lừa phỉnh gian dối, đỡ cho anh kiếp nạn không đáng xảy ra.
Phần mình có thể ông ấy giúp cho phương tiện sinh sống của tôi đỡ phần cơ cực. Với ông ấy chả thành vấn đề, kể cả việc sắm cho tôi căn hộ giữa Sài Gòn cũng là chuyện nhỏ. Mà thôi, nói thì nói vậy. Con người nếu phải tiếc thì sẽ tiếc hối nhiều thứ lắm. Nhà cửa xe pháo đã là cái gì?
Người có tâm hồn thi phú, mộng làm văn chương dễ mắc nạn tai nghiệt ngã khi dính vào chuyện tiền bạc, làm ăn cắc cớ, mưu mẹo hiểm ác. Cái công ty quái quỷ tôi dẫn bên trên có nhẽ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cảnh ngộ anh họ tôi bây giờ.
Lang thang, thui thủi một thân một mình nơi đất khách, quê người. Cho dù không chết đói, không khổ vì chuyện thiếu cơm ăn áo mặc, chỉ hơn “con chó biết nói” cũng không phải là nói quá, nói ngoa!
( Còn nữa.. )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

2 BIỆT THỰ CỦA 2 ANH EM SINH ĐÔI


Hà nam : 2 BIỆT THỰ CỦA 2 ANH EM SINH ĐÔI
Đó là 2 căn biệt thự của hai anh em trai nhà ông Nguyễn Đức Vượng (Bí thư huyện Duy Tiên) nằm cạnh nhau
Ông Nguyễn Đức Vượng sinh năm 1965, hiện là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Duy Tiên khóa XIX - nhiệm kỳ 2016 - 2021. Căn biệt thự nhà ông Vượng nằm phía trong căn biệt thự của em trai ông là Nguyễn Minh Hoàn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội, có trụ sở ở Cụm công nghiệp Cầu Giát, Duy Tiên, Hà Nam.
Hai căn biệt thự này được thiết kế theo lối kiến trúc của Pháp, mái đỏ, cửa gỗ, kết hợp với các đường nét và hệ thống chi tiết cầu kỳ. Điểm nhấn là hệ thống cột tròn và vuông. Người dân sống gần đây cho biết, căn biệt thự xây trong vòng 2 năm mới xong, những cây trồng quanh biệt thự giá cũng cả trăm triệu, bên trong căn biệt thự không khác gì "cung điện".
Căn biệt thự nhà ông Nguyễn Minh Hoàn được xây dựng với kinh phí nhiều tỷ đồng, còn căn biệt thự nhà ông Bí thư Nguyễn Đức Vượng nhỏ hơn một chút, có diện tích gần 500 m vuông.
Theo Pháp luật plus

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tan tành xác pháo - thư giãn cuối tuần:



             Ông đến, ngạc nhiên, nhìn thằng “đệ”. Nét mặt thằng này não nề,  cảnh nhà buồn hơn đưa đám. Ông hỏi:
            – Có việc gì mà em gọi anh đến đường đột, gấp gáp như vậy? – Ông nhìn quanh – Mà sao nhà trông  trống  trơn thế này! Vợ con đâu?
          Thằng “đệ” nói với ông, giọng khẩn cầu:
            – Em nghĩ, chỉ có anh mới giúp được thôi! Chuyện gay go to.
            – Chuyện gì?
            –  Vợ  phát hiện em có bồ.
        Ông ngạc nhiên:
–         Thế em có bồ thật à !
        Thằng “đệ” mếu máo:
            – Em cố dấu, dấu tưởng rất kỹ…đến như anh  còn không biết, thế mà vợ vẫn phát hiện ra…Bây giờ thế này – Thằng “đệ” thì thầm –   Anh là người nghiêm chỉnh, vợ của em rất tin anh, thường lấy hình ảnh của anh làm gương cho em.  Vậy em muốn nhờ anh đến gặp vợ của em…
          – Để làm gì ?
          – Anh phân tích cho vợ của em thấy, chuyện em có bồ, chẳng qua…cũng chỉ là một phút “nóng nực” cần một cơn gió mát…Rồi giả như trong nhà có “máy điều hòa” thì làm gì có chuyện em đi ra ngoài “hóng mát”…
         Ông nghe thằng “đệ” nói thế, bực mình:
         – Anh  với em là lãnh đạo, quan trên trông xuống, người dân trông vào. Làm việc gì, cũng phải cân nhắc, trông trước, trông sau. Em hư quá! Anh đã khuyên bao lần rồi, hết sức cẩn thận trong việc này. Yêu gì! Lũ ấy nó nhìn em là nhìn vào túi tiền, nhìn vào chỗ “đào mỏ”… không những thế, chuyện lộ ra, còn mặt mũi nào mà dạy dỗ với thiên hạ…
        Thằng “đệ” xoa tay ,xoắn xít:
      – Em hiểu rồi… thấm rồi… nhưng may,  chuyện này mới chỉ có  vợ em  biết,  cũng biết giữ uy tín cho em. Bây giờ em nhờ anh đến, với uy tín của nhà lãnh đạo “ lớn” phân tích thiệt hơn và cũng nói cho vợ em biết rằng, em sẽ chấm dứt. Em tin, anh nói vợ em sẽ nghe. Chứ không ! Bây giờ không khí gia đình em như sắp “có bão”, căng thẳng quá…
        Qua chuyện này, phải cho thằng “đệ “một bài học, ông rao giảng:
     – Em phải biết, làm lãnh đạo, nếu không biết giữ gìn,  chuyện nhỏ đã hỏng, thì chuyện lớn không thể nào làm tốt được. Nếu em không gương mẫu trong gia đình thì làm sao em gương mẫu ở ngoài xã hôi. Vợ con không phục em, thì hy vọng gì xã hội trọng vọng em. Em phải học anh, giữ gia đình yên ấm, mới “trị quốc” được!
      – Em học anh thế nào được! Anh chỉ thiếu nước dân chưa hô “ muôn năm ” thôi! Nên thế, vợ em mới phục anh, anh nói chắc chắn vợ em nghe ra… – Ánh mắt thằng “đệ” nhìn ông cầu cứu – Anh đến, nói với vợ em, giúp em một tý…Em đội ơn anh!
     – Thế bây giờ vợ em ở đâu?
     – Thằng thư ký vừa về báo với em. Vợ em đang ngồi ở quán cà phê… đường… anh đến làm như vô tình, rồi ngồi lại nói chuyện…
     – Anh đến sẽ nói giúp em, chưa biết kết quả như thế nào, nhưng anh nhắc lại, đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, anh giúp em chuyện này. Mình là lãnh đạo, lại là đảng viên tuyệt đối không hư hỏng, nhất là chuyện trai, gái! Em hiểu chưa?
    – Dạ ! em nhớ – Thằng “đệ” tiễn ông ra cổng – Em vô cùng cảm ơn anh!
       …Cho xe đến quán cà phê…đường….  khẽ khàng đi vào, ông  nhìn quanh…
       Bỗng ! ông giật mình, vội nấp sau cánh cửa rồi đi ngược lại. Ông vội ra xe như ma đuổi…
       Vợ thằng “đệ” đang ngồi nói chuyện với con “ bồ” của ông!
——————–
Theo Blog Trần Kỳ Trung

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người bị oan, sai phải làm đơn yêu cầu thì mới được xin lỗi


Anh Minh 

VNExp - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến không đồng tình với quy định người bị oan, sai phải có đơn yêu cầu thì mới được cơ quan, tổ chức nhà nước xin lỗi.

Thảo luận tại hội trường sáng 31/5 về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng quy định người bị oan phải có đơn yêu cầu thì cơ quan, tổ chức nhà nước mới xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ là "chưa hợp lý". 

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cải chính công khai là quan hệ dân sự, thuộc về quyền nhân thân, nên chỉ khi người bị oan có yêu cầu Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, ở đây cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải quan hệ dân sự. 

“Tôi đề nghị trong mọi trường hợp khi có văn bản xác định bị oan thì cơ quan Nhà nước phải chủ động tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho công dân”, bà Thủy nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng không nên quy định người bị oan, sai phải có đơn mới được xin lỗi. 

Theo ông, không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình, đặc biệt là người có trình độ văn hoá thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vì vậy trách nhiệm phổ biến pháp luật là của Nhà nước.

“Chúng ta đang xây dựng một nhà nước văn minh, phục vụ. Bất kỳ ai phạm lỗi với một cá nhân nào đó thì cần phải xin lỗi trước, không để người dân xin mình mới phục vụ. Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động, thay vì bắt buộc người dân đi đòi hỏi”, ông Nhưỡng nói.

Quy định trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, trong đó quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Các nội dung của dự thảo Luật đảm bảo quyền công dân nhưng cũng đảm bảo sự vận hành bình thường của cơ quan Nhà nước, không làm “chùn tay” khi thực thi nhiệm vụ.

Ông nói, công chức làm sai thì trước hết Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng cùng với đó có trách nhiệm hoàn trả của người trực tiếp gây ra. Luật thiết kế hoàn trả với các trường hợp khác nhau, căn cứ mức độ lỗi của người thi hành công vụ để tính và đã được thể hiện tương đối cụ thể. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, một điểm mới của dự thảo Luật là quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường. Theo ông, việc bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường là cần thiết để góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt cho người bị thiệt hại. Quy định như vậy cũng không trái với Luật Ngân sách nhà nước.

Cụ thể, dự luật quy định chỉ tạm ứng với những thiệt hại về tinh thần và những thiệt hại có thể xác định được ngay mà không cần xác minh, đồng thời chỉnh lý quy định về mức tạm ứng không quá 50% thành không dưới 50% giá trị các thiệt hại.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định để xác định mức bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với một số chi phí liên quan.


Phần nhận xét hiển thị trên trang