Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Đọc sách "The Refugees" của Nguyễn Thanh Việt


Cuốn sách "The Refugees" (Những người tị nạn) mới được xuất bản vào tháng Ba năm nay (2017) (1). Tác giả là Nguyễn Thanh Việt (2), một ngôi sao sáng chói trên văn đàn thế giới và mới được trao giải thưởng văn học Pulitzer vào năm ngoái. Đây là một tác phẩm hay và độc đáo, một articulation tuyệt vời về tình cảnh của người tị nạn mà không phải ai cũng làm được như tác giả. Nhân ngày 30/4 và nhân những ồn ào chung quanh chính sách tị nạn của chính phủ mới ở Mĩ, tôi thiết nghĩ vài dòng điểm sách cũng là một cách chia sẻ cùng các bạn trong ngày lịch sử này.




Có thể tóm lược Những người tị nạn (NNTN) bằng chỉ một chữ: ám ảnh. NNTN là một tập truyện gồm 8 truyện ngắn viết về thân phận của những người tị nạn Việt Nam trên đất Mĩ, và tất cả họ đều bị ám ảnh về quá khứ. Quá khứ chiến tranh. Quá khứ tù đày trong các trại cải tạo. Quá khứ tị nạn và vượt biển. Quá khứ trong những ngày đầu đến Mĩ. Ám ảnh là những gì xảy ra với chúng ta và những gì chúng ta đi tìm. Theo tác giả, tất cả chúng ta đều mang trong người, ít ra là trong tâm tưởng, một quá khứ. Cái quá khứ đó giúp chúng ta hiểu hơn về hiện tại và giúp định hình cái hiện tại. Những chấn thương tinh thần là những trải nghiệm cơ bản nhất của con người, và ít ai trong chúng ta, nhất là người tị nạn, mà không bị chấn thương. Tập truyện bắt đầu bằng một câu chuyện ma [thật], và kết thúc cũng bằng một truyện ma trong suy nghĩ. Toàn bộ văn cảnh là những câu chuyện ngắn mô tả những ám ảnh về những nhân vật trôi dạt cùng những mối liên hệ gãy vỡ, được chạm trổ bằng những câu chữ được chọn lọc cẩn thận làm cho người đọc rất khó quên sau khi gấp cuốn sách lại.

Cái ý tưởng chính định hình những sáng tác của tác giả có lẽ là kí ức chiến tranh. Trong một tác phẩm khác (3), Nguyễn Thanh Việt có đưa ra một nhận xét chí lí rằng tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức ("all wars are fought twice. The first time on the battlefields, the second time in memory"). Nói đến kí ức là nói đến tưởng nhớ, tưởng niệm. Như nhà văn Jorge Luis Borges có lần viết rằng tưởng nhớ là một "động từ ma quỉ" (remembering is a ghostly verb). Kí ức có thể là những gì ám ảnh người gìn giữ kí ức. Bàng bạt trong tác phẩm NNTN, từ câu truyện ngắn mở đầu đến truyện ngắn cuối cùng, chính là sự ám ảnh.

Sách bắt đầu bằng câu chuyện "The Black Eyed Women" ("Những người phụ nữ mắt đen") rất độc đáo và nói theo tiếng Anh là rất "tài tình". Tuy không dễ đọc, nhưng đọc vài lần sẽ thấy cực kì hay về cách tác giả dàn bối cảnh câu chuyện và ý nghĩa của nó. Đây là một truyện ngắn mà tác giả đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức (hơn 17 năm) và đã qua hơn 50 lần chỉnh sửa. Nói như vậy để thấy việc chọn truyện ngắn này mở đầu tác phẩm là một màn trình diễn rất công phu. "Những người phụ nữ mắt đen" kể lại câu chuyện về một người phụ nữ vượt biên đến Mĩ, chị hành nghề "tác giả ma" (ghost writer), có nghĩa là chuyên viết truyện cho người khác in nhưng chị không đứng tên tác giả, nhưng chị là người đối diện với bóng ma. Một cách chơi chữ đầy ý nghĩa!

Chị sống với bà mẹ 63 tuổi mắt đen huyền một cách -- nói theo chị là -- "lịch sự". Bà mẹ lúc nào cũng ám ảnh về quá khứ ở bên nhà. Bà thường hay nói với chị là nếu người cộng sản không vào Sài Gòn thì giờ này Việt Nam đã trở thành giàu có như Hàn Quốc rồi, chị đã có gia đình và có con, và bà đã là người nghỉ hưu, chứ đâu phải hành nghề làm đẹp móng tay như hiện nay. Vào đầu câu chuyện, bà kể rằng ở bên nhà (Việt Nam) có một kí giả viết báo cho rằng chính quyền tra tấn tù nhân, và thế là chính quyền trả thù bằng cách dùng những đòn tra tấn đó cho người kí giả. Bà mẹ cho rằng đó là cái giá phải trả khi để tên trên một sự vật (có lẽ kể cả việc đứng tên tác giả một bài báo). Và, có lẽ chính vì thế mà chị hành nghề "tác giả ma". Bà mẹ tin rằng có ma, còn chị tác giả ma thì không tin chuyện có ma. Nhưng một đêm chị gặp ma. Đó là người anh của chị hiện về trong bộ quần áo ướt sũng. Người anh đã cùng chị vượt biên trên một con tàu vô danh 25 năm về trước (lúc đó chị mới 13 tuổi), và người anh đã từng che chở chị để không bị hải tặc hành hạ. Trong một cuộc đấu tranh chống lại bọn hải tặc, người anh của chị đã bị bọn hải tặc giết chết và xác bị ném xuống biển. Anh đã phải bơi lội suốt 25 năm từ Biển Đông sang California để thăm chị và mẹ. Giây phút trùng phùng giữa chị và người anh trai không làm người đọc cảm động hay rùng mình sợ hãi, vì tác giả lồng vào những mẫu đối thoại mang tính triết lí.

"Con ma" về không có một ý định gì cả, không trả thù ai, cũng chẳng làm hại ai, chỉ đơn giản ghé thăm chị và mẹ. Chuyến ghé thăm của bóng ma của người anh trai làm cho chị có cảm hứng bỏ nghề làm tác giả ma, và quay về làm chủ những câu chuyện chị sáng tác ra. Và, ngay từ cái lúc chị quay về chính mình thì cũng là lúc chị đã chết mà chị không biết. Chị hỏi "tại sao anh phải chết và em còn sống", thì ma trả lời "Em cũng đã chết rồi. Em chỉ không biết mình chết đó thôi." Người kể chuyện trong "Những người phụ nữ mắt đen" cho rằng chúng ta không thuộc về nơi chốn này, nơi mà sở hữu vật chất được xem là tất cả; chúng ta không có tài sản gì cả ngoài những câu chuyện. Mà, ngay cả những câu chuyện thì cũng chỉ là "những sự vật chúng ta phịa ra, không hơn không kém. Chúng ta tìm chúng trong cái thế giới hiện hữu bên cạnh chúng ta, rồi chúng ta bỏ chúng tại nơi mới tìm ra như những con ma bỏ lại quần áo." Cái trọng lượng quần áo đó cũng chính là trọng lượng của chứng cứ.

Chủ đề bóng ma được triển khai trong truyện ngắn thứ hai có tựa đề "The Other Man" (Một người đàn ông khác). Truyện kể về một người tị nạn tên Liem (chắc là " Liêm ") rời Việt Nam trong những ngày miền Nam hấp hối vào năm 1975. Liêm người gốc Long Xuyên lên Sài Gòn làm nghề chạy bàn. Khi đến Mĩ, Liêm phải chờ một gia đình bảo lãnh để có thể hội nhập vào xã hội Mĩ. Người bảo lãnh là Parrish Coyne, người hành nghề kế toán ở San Francisco. Coyne là người đồng tính luyến ái, sống chung với một thanh niên tên là Marcus. Thoạt đầu, Liêm không nhận ra đồng tính luyến ái, nhưng khi Coyne vắng nhà trong những chuyến công tác xa, Marcus mò đến ngủ chung giường với Liêm. Liêm khám phá ra mình là một người đồng tính luyến ái, và gia đình của Liêm ở Việt Nam dĩ nhiên là rất sốc về sự thật này. Sau này, khi nghĩ lại Liem thấy mình là một con ma, con ma về tính dục của mình.

Truyện ngắn thứ ba "The Transplant" cũng là một truyện ngắn đặc sắc. Câu chuyện về một nhân vật nghiện rượu và bài bạc người Mĩ gốc Mễ Tây Cơ tên Arthur Arellano và một thanh niên tị nạn gốc Việt tên Luis. Arthur Arellano bị bệnh gan và chờ chết nếu không được thay lá gan. Còn Luis là một người buôn bán hàng hiệu dỏm mà anh ta cho là tốt hơn hàng thật! Khi Arellano được thay tim, Luis nói với ông rằng lá gan trong cơ thể của ông chính là do Luis tặng cho. Nhưng Luis nói dối, vì lá gan mới là của người Việt tên là Men Vu bị chết trong một tai nạn xe hơi. Hàm ý của câu chuyện là hàng dỏm mà Luis buôn bán cũng đáng nghi ngờ như cái căn cước tính của anh; anh cũng là một con ma.

Đời sống của người tị nạn cao tuổi cũng được tác giả nhắc đến qua truyện ngắn "I'd Love You to Want Me". Truyện viết về một nhân vật tên Khanh, cựu giáo sư ở Việt Nam nay mắc bệnh Alzheimer, và chắc chắn sẽ chết. Ông và bà vợ từng có một căn nhà trên đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn (nay là Điện Biên Phủ), căn nhà bị một cán bộ ngoài Bắc vào chiếm. Hai ông bà có về lại Việt Nam để nhìn căn nhà đang bị xuống cấp do "chủ nhân" mới không chăm sóc, và điều đó làm cho ông bà rất giận. Ông Khanh hoàn toàn mất trí nhớ. Ông không nhớ tên vợ con, không nhớ đến sách vở mà ông từng đam mê. Ông gọi vợ là "Yến", trong khi tên thật của bà là Sa; thoạt đầu làm bà nghi ngờ Yến là tên người vợ bé hay người tình cũ của ông, nhưng sau này thì bà hiểu đó chỉ là một sự tưởng tượng của người mất trí nhớ. Người con trai đang trưởng thành ở Mĩ trở nên "cứng đầu", không nghe lời cha mẹ. Người con trai tên Vinh (tên tiếng Anh là "Kevin") trong độ tuổi trung học đang yêu một cô gái Mĩ, và thường hay trốn nhà để đi chơi cùng bạn gái, và dĩ nhiên hai vợ chồng ông Khanh không hài lòng. Vinh nhất định đòi mẹ phải nghỉ việc ở thư viện để chăm sóc ông Khanh, nhưng bà không chịu. Trong một lần nói chuyện qua điện thoại, người con trai bực mình nói như quát rằng "Con đang yêu, mẹ có biết không? Mẹ đâu biết yêu là gì, phải không?" Người vợ ông là kết quả của một cuộc hôn nhân do cha mẹ hai bên dàn xếp từ lúc còn ở Việt Nam. Toàn bộ câu chuyện là một sự xung đột giữa cái truyền thống và cái mới. Hai ông bà Khanh sống trong kí ức và kỉ niệm thời vượt biên, còn cậu con trai thì không muốn nhớ đến chuyện buồn vượt biên.

Một truyện ngắn cũng nằm trong chủ đề "khoảng cách thế hệ" là truyện "Someone Else Besides You". Trong truyện này, tác giả viết về cái khoảng cách về thế hệ giữa cha và con. Người con 33 tuổi, lớn lên ở Mĩ, đã li dị vợ. Nhưng đối với người cha, người con 33 tuổi chưa phải là đàn ông, bởi vì anh ta chưa có con và li dị. Ông là một người theo truyền thống gia trưởng, một cựu sĩ quan nhảy dù, và ông còn khỏe mạnh, diễu hành trong những dịp lễ lạc kỉ niệm ngày Quân lực VNCH ở Little Sài Gòn.

Hầu hết những nhân vật trong tác phẩm NNTN là người tị nạn hay con cháu của họ, chỉ có nhân vật Mĩ da đen tên James Carver trong "The Americans" ("Những người Mĩ") thì không phải dân tị nạn. Carver là một cựu phi công chiến đấu cơ B52 trong thời chiến, ông thả bom xuống Việt Nam, nhưng chưa bao giờ đặt chân xuống vùng đất mà ông nghĩ là điềm xui xẻo. Ông có vợ là người Nhật tên là Michiko. Sau cuộc chiến, con gái của ông (tên Claire) sang Việt Nam dạy tiếng Anh và quen một người bạn trai gốc Việt tên là Khoi Legaspi (có cha nuôi người Mĩ trắng), lúc đó là một nghiên cứu sinh về robotics thuộc Học viện công nghệ Massachusetts (MIT). Michiko muốn sang Việt Nam thăn con gái, nhưng ông Carver thì còn ngần ngừ. Nhưng cuối cùng thì họ cũng đi Việt Nam, có dịp viếng cung thành Huế, và thậm chí sang Kampuchea. Sau chuyến đi "trải nghiệm" đó, Carver tuyên bố rằng ông bây giờ có một linh hồn Việt.

Một trong những truyện mang nhiều dấu ấn cá nhân nhất có lẽ là "War Years" ("Những năm chiến tranh"). Sở dĩ tôi nói truyện này mang tính cá nhân, vì cha mẹ của tác giả lúc mới sang Mĩ định cư có mở một tiệm chạp phô, bàn hàng hóa Á châu cho đồng hương ở San Jose (Bắc California), và tiệm đã từng bị một tên cướp "viếng thăm". Có lẽ chính cuộc cướp đó là nguồn cảm hứng cho tác giả viết truyện ngắn "Những năm chiến tranh", mà trong đó người kể chuyện xưng "tôi" kể về một tiệm chạp phô do cha mẹ người kể chuyện bị tống tiền. Lần thứ nhất là một tên cướp có súng xông vào tiệm ăn cướp trước sự chứng kiến của người kể chuyện, được thuật lại một cách sinh động. Vụ thứ hai là một sự tống tiền nhân danh ủng hộ kháng chiến giành lại quê hương từ tay người cộng sản. Chúng ta nhớ rằng thời thập niên 1980, ở hải ngoại có các nhóm "kháng chiến" với mục tiêu là khôi phục VNCH, và khi viết truyện này tác giả tỏ ra là một người mẩn cảm với thời cuộc. Người tống tiền là một người phụ nữ tên Hoa, người chuyên đi "quyên tiền" các chủ tiệm người Việt nhân danh kháng chiến. Bà Hoa có một gia đình li tán. Chồng bà là một biệt kích nhảy dù ra ngoài Bắc những có lẽ bị giết chết nên bà chẳng có tin tức gì. Con trai của bà đi lính và trở thành một sĩ quan trong quân lực VNCH, và hi sinh. Nhưng hình con trai bà trên bia mộ bị "những người thắng trận" móc mắt. (Cái chi tiết hình trên bia mộ bị móc mắt có lẽ là thật và đã được viết trong cuốn "Nothing Ever Dies - Vietnam and the Memory of War" (3). Việc làm tống tiền của bà Hoa thật ra là một nỗ lực đền bù cho sự mất mát của bà trong thời chiến.

Truyện ngắn sau cùng và cũng là chuyện đau lòng nhất là "Fatherland" (Tổ quốc). Câu chuyện xoay quanh một nhân vật "tay chơi" sống sót sau những năm tháng chiến tranh ác liệt trước 1975, và tù đày trong các trại cải tạo sau 1975. Bà vợ trước của ông đã bỏ đi Mĩ và đem theo một nhóm con, ông ở lại Việt Nam và thành hôn với một người phụ nữ khác và có thêm một nhóm con với cùng tên những người con ở Mĩ. Ngày nay, ở Việt Nam ông hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Ông chuyên dẫn du khách Mĩ ghé thăm những địa đạo nổi tiếng ở Củ Chi trong thời chiến. Một trong những con gái của ông là Phuong (có lẽ là "Phượng"), người có nhận xét tinh tế về kí ức của du khách: "Vài ngày, hoặc một tuần, hoặc hai tuần, những du khách sẽ rời Việt Nam, những kí ức sâu sắc nhất của họ có lẽ là trải nghiệm được chui bò trong những địa đạo, và kỉ niệm nhạt nhòa với người hướng dẫn viên. Tất cả chúng ta đều như nhau: nhỏ thó, dễ mến, và dễ quên." Một nhận xét mang màu sắc tủi hổ và giận dỗi.

Nhiều nhân vật trong NNTN bắt đầu viết lại những câu chuyện đời khi họ đến Mĩ và đối diện với những thể văn kể chuyện của người Mĩ. Một ví dụ tiêu biểu là câu chuyện Vivien trong truyện "Tổ quốc". Vivien là người chị cùng cha khác mẹ của Phượng, lớn hơn Phượng 7 tuổi; Vivien cùng mẹ sang Mĩ sống sau 1975. Trong những thư gửi về nhà, Vivien nói rằng cô là một bác sĩ nhi khoa và có một cuộc sống thoải mái về vật chất. Do đó, Phượng rất muốn sống cuộc sống như chị mình mô tả trong thư. Sau này, Vivien có dịp về Việt Nam thăn ba và các em, cô dẫn cả nhà đi ăn uống những nhà hàng sang trọng và mua nhiều quà đắt tiền cho Phượng. Nhưng trong một dịp tình cờ, Phượng biết rằng Vivien không phải là bác sĩ nhi khoa, mà là một cô thư kí bị đuổi việc vì lẹo tẹo với ông chủ. Thế là giấc mơ đi Mĩ của Phượng bị chết yểu. Phượng mới nhận ra rằng nếu cô muốn sống như Vivien thì cô phải hi sinh cái căn cước tính của mình, và sẽ trở thành một con ma trong cô. Và, đây có lẽ là phần kết luận quan trọng nhất của tập truyện NNTN: bạn không phải sống cuộc sống của một con ma. Ngày tiễn đưa Vivien về Mĩ ở phi trường, hai chị em chụp hình chung, nhưng khi về đến nhà, Phượng đốt tấm hình đó và tro khói bay lên không gian Sài Gòn. Tập truyện kết thúc ở đó.

Người tị nạn (refugee) khác với người di cư (immigrant). Người tị nạn là người tuyệt vọng, vô quốc tịch, không có tài sản, và họ bị "bứng" khỏi quê hương qua một biến động lịch sử. Người di cư có quốc tịch, họ có tài sản, và họ ra đi một cách tự nguyện. Người tị nạn do đó thường mang trong mình những chấn thương tinh thần. Người tị nạn lúc nào cũng bị ám ảnh bởi căn cước tính của mình. Tất cả những nhân vật trong tập truyện đều có chấn thương tinh thần, và có vấn đề. Nhưng tác giả tỏ ra là một người hiền lành vì anh đối xử với những con người thất bại và hư hỏng bằng một thái độ nhẹ nhành, tử tế và độ lượng.

Người tị nạn sống giữa hai thế giới. Một bên là quê hương, nơi chôn nhao cắt rốn; một bên là quê hương tạm dung. Người tị nạn, như đề cập trong phần đầu, thường bị chấn thương tinh thần. Họ bị giằng xé tâm tư, một bên là kí ức của quê hương đầy biến động và đau khổ, một bên là đất nước tạm dung giàu có nhưng chưa chắc là thoải mái. Do đó, người tị nạn đã xa rời quê hương, nhưng trong tâm tưởng họ chưa bao giờ rời quê hương. Họ ở đây, nơi tạm dung, mà không phải ở đây. Họ thành đạt về kinh tế, họ có thể có địa vị trong xã hội nơi tạm dung, nhưng cái tâm của họ thì vẫn còn chông chênh. Họ cũng như là những con ma, thể xác đã chết đi nhưng họ vẫn còn lẫn quẫn đâu đây.
Nguyễn Việt Thanh là người đã mô tả được hay đã diễn giải được cái tâm lí chông chênh đó trong người tị nạn. Bằng một văn phong điêu luyện bậc thầy, với những quan sát tinh tế, cùng những phân tích tâm lí sâu sắc, Nguyễn Thanh Việt dẫn dắt người đọc đến những kí ức sâu thẳm trong lòng người tị nạn. Những câu chuyện trong tập truyện NNTN tuy viết về những người tị nạn Việt, nhưng những thông điệp và thân phận chông chênh mà tác giả viết có thể áp dụng cho bất cứ sắc dân nào. Có lẽ chính vì thế mà tác giả đề ngay từ trang đầu dòng chữ "For all refugees, everywhere" (Cho tất cả những người tị nạn, ở mọi nơi).

Một nhà văn có tài không chỉ để lại những câu văn đẹp, mà còn là những câu nói mang tính wisdom. Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn đã để lại cho người đọc nhiều câu nói đáng được trích dẫn như là những wisdom - tri thức. Một tri thức tôi tâm đắc nhất là câu [dịch sang tiếng Việt] "tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức". Những tri thức và nhận xét trong NNTN cũng có thể xem là những định luật nhân văn của nhân loại.

------

(1) Tác phẩm "The Refugees" của Nguyễn Thanh Việt, First Grove Atlantic xuất bản 2/2017, 209 trang.

(2) Trong phần Cảm tạ, Nguyễn Thanh Việt tri ân một số người thân trong gia đình và qua đó chúng ta biết thêm chút ít về tác giả. Ba Má anh là người Bắc tị nạn ở miền Nam vào năm 1954, và tị nạn lần nữa vào năm 1975 (anh viết "refugees in 1954 and again in 1975"). Trong cuốn "Nothing Ever Dies -- Vietnam and the Memory of War", chúng ta có thể đoán rằng ba mẹ tác giả là người công giáo nguyên quán Ninh Bình (hay Nam Định), Bắc Việt Nam. Có thể nói rằng gia đình anh là một gia đình tị nạn thành đạt trên đất Mĩ, dù tác giả không hề và không muốn nói về điều này. Ba Má anh làm chủ một tiệm chạp phô ở San Jose vào thập niên 1980s. Anh trai là Nguyễn Thanh Tùng, tốt nghiệp cử nhân triết học từ ĐH Harvard, y khoa từ ĐH Stanford, và đang là giáo sư y khoa của ĐH California, San Francisco. Tác giả xem người anh là một tấm gương, người đã đặt cái chuẩn cao trong cái học. Tác giả đã có gia đình, vợ mà tác giả gọi là "partner" là Lan Duong, và hai người có một con trai. Tác giả tự nói về mình là người sinh ra ở Việt Nam nhưng được nhào nặn ở Mĩ (born in Vietnam, made in the United States). Anh thấy mình như là một kẻ gián điệp. Ở trong nhà của ba má, anh là kẻ gián điệp vì anh là một đứa Mĩ con; ở ngoài xã hội, anh cũng là một gián điệp vì anh là người gốc Việt đang quan sát người Mĩ.

(3) Tác phẩm " Nothing Ever Dies - Vietnam and the Memory of War" của Nguyễn Thanh Việt, Harvard University Press xuất bản 2016, 374 trang.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tổng bí thư ký quyết định lập 8 đoàn kiểm tra, giám sát tham nhũng


04/05/2017 - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa ký ban hành kế hoạch số 64-KH/BCĐTW và quyết định số 65-QĐ/BCĐTW thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đối với 20 Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Theo kế hoạch, việc kiểm tra, giám sát nhằm nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; góp phần “nhận diện” và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian tới.

Tổng bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu việc kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát, báo cáo Ban chỉ đạo trước ngày 30/10 tới.


Đề nghị xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng

UB Kiểm tra TƯ đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền.

Vì sao ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật?

UB Kiểm tra TƯ kết luận những vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh La Thăng là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật: Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ lên tiếng

Về thông tin đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương nói “rất hoan nghênh kết luận của UB Kiểm tra TƯ”.

Hy vọng người dám nghĩ, dám làm thì cũng dám nhận sai phạm

Nguyên Phó chủ nhiệm thường trực UB Kiểm tra TƯ hy vọng ông Đinh La Thăng - một người dám nghĩ dám làm - cũng dám nhận sai phạm.

M.Thư

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/tong-bi-thu-ky-quyet-dinh-lap-8-doan-kiem-tra-giam-sat-tham-nhung-370963.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

SẾP GỚM THẬT


Vương Đình Trung






Từ ngày vợ chết, sếp về quê ở, nơi có đủ vườn rau ao cá, sân vườn thênh thang. Sếp về hưu lâu rồi, nhưng người ta vẫn cứ gọi sếp là sếp , âu đó cũng là cái danh giá của sếp giữ lại được.
Mấy đứa con sếp cũng giống như thiên hạ , chúng phân công nhau mỗi đứa phục vụ sếp một tháng, bằng cách là cử người về quê ở cùng với sếp. Nhưng cách ấy lích kích quá, chúng bàn nhau thuê cho sếp một Ô sin để phục vụ sếp. Sếp bảo việc ấy cứ để sếp tự lo. Thực ra sếp đã có kế hoạch cả rồi. Cô thư ký thuở xưa của sếp cũng mới ly dị chồng. Sếp và cô ấy vẫn thường xuyên giao lưu với nhau. Nay là cơ hội quá tốt để hai người về với nhau.
Cô thư ký của sếp tuổi cũng chưa tới năm mươi, vẫn còn mặn mòi lắm. Khi nghe sếp ngỏ lời thì dành hẳn một tuần để suy nghĩ và đồng ý. Lũ con của sếp mừng lắm. Chúng bảo: Đúng là con chăm cha không bằng bà chăn ông, à quên , bà chăm ông. Chúng mau mắn gọi bà là dì luôn.
Cô thư ký đòi sếp phải đi đăng ký kết hôn đàng hoàng, nhưng sếp bảo: Đăng ký chỉ là thủ tục, anh với em tình nghĩa sâu nặng đã bao lâu, giờ có gì có thể chia cắt được nữa mà phải lo ràng buộc.
Nhưng cô thư ký dứt khoát đòi phải đăng ký kết hôn.
Cuối cùng thì sếp cũng đồng ý.
Cô thư ký của sếp về với sếp không thuần túy là tình yêu của cô với sếp, mà còn vì cô rất yêu phong cảnh đồng quê, nhất là cái cơ ngơi nhà ngói cây mít, một khu biệt thự kiểu làng quê của sếp nữa.
Sếp được hưởng thụ những ngày cuối đời thật mãn nguyện với nhịp điệu rất sôi động. Hàng ngày sếp được ăn những món sơn hào hải vị, sếp thường xuyên được dùng các loại biệt dược để kích hoạt bản lĩnh đàn ông của sếp không ngừng nghỉ.
Tất cả diễn ra rất nhanh, vì chỉ chưa đầy một năm cô thư ký về nâng khăn sửa túi cho sếp thì sếp đã quy tiên.
Cô thư ký thông báo tin sếp quy tiên cho các con của sếp bằng giọng hơi lộ vẻ vui vui của kẻ vừa làm xong một nhiệm vụ. Lũ con sếp nghe tin cha chết thì cũng không tỏ ra đột ngột gì. Chúng biết cha chúng sinh hoạt như thế mà được những gần một năm là quá siêu rồi.
Chưa hết "tuần năm mươi ngày" của sếp, cô thư ký đã rao bán khu" biệt thự " vườn của sếp. Vì cô nghĩ chương trình của mình đã hoàn thành một cách nhanh chóng và mĩ mãn. Nhưng cô đã nhầm, lũ con sếp giờ không gọi cô là dì nữa, chúng ân cần cảm ơn cô vì đã chăm sóc bố chúng, cho bố chúng hưởng thụ cuộc sống những ngày cuối đời thật tuyệt vời. Chúng thông báo cho cô ngày giờ dọn ra khỏi nhà để chúng từ nay có thể tự hương khói thờ sếp được rồi.
Cô thư ký nói rằng cô là vợ hợp pháp của sếp, cô phải có quyền thừa kế tài sản của chồng cô chứ.
Lũ con sếp noí rằng bố chúng chả đứng tên bất cứ một thứ tài sản nào sất, từ ngày còn đương chức, bố chúng kê khai tài sản chỉ có một căn hộ được nhà nước cấp, lúc về hưu đã trả lại cơ quan rồi. Sở hữu của bố chúng chỉ có mỗi sổ hưu mà thôi.
Cô thư ký lủi thủi ra đi , thầm trách mình không chịu nhớ rằng hồi sếp làm bản kê khai tài sản, chính cô cũng giúp sếp làm tờ tường trình tài sản. Thế là một kế hoạch không thành.Cô thành đầy tớ không công cho nhà sếp.
Sếp gớm thật!
Vương Đình Trung

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biển động

ĐÀO HIẾU 


13
Mấy hôm nay biển lùa vào những con sóng lớn
Biển không muốn ai lại gần
Và cũng không muốn ôm ai vào lòng
Biển đau khổ hay giận dữ
Mà sóng đục ngầu mà lời dã thú?
*
Em không như biển em dịu dàng và lặng lẽ
Nhưng em cũng không muốn anh lại gần
Vì anh sẽ mang theo những cơn sóng
Vì anh sẽ mang theo biển cả mênh mông
Vì anh sẽ ôm em đắm say nồng nàn
Như biển ấm áp buổi sáng
*
Em không muốn anh lại gần
Vì sợ bị chết ngộp trong mối tình dữ dội
Vì sợ bị cuốn đi vào cõi mênh mông
Lìa xa bờ bến
Lìa xa ngôi nhà có vườn cây
Lìa xa những quán cà phê bên đường buổi sáng em thường ngồi
Lìa xa bè bạn
*
Em vẫn sống đời em
Chừng mực dịu dàng và bình lặng
Anh vẫn sống đời anh
Phóng đãng âm thầm và tuyệt vọng
*
Trưa nắng không có ai, anh bơi ra biển
Bơi trên đỉnh những ngọn sóng mặn chát và bất ngờ
Biến thành bọt nước
Biển vùi dập anh mà anh vẫn bơi
Khuất mất dưới những ngọn sóng
Sóng che lấp núi non, những tàn cây và những ngôi nhà trong phố
Anh bơi vô danh và âm thầm
Như con cá nhỏ một mình giữa trùng khơi
Ôm theo nỗi nhớ
*
Nước đục không nhìn thấy những ngón tay
Vậy mà anh nhìn thấy dáng người em
Bước lên cầu thang mỗi sáng
Bây giờ chỉ có anh một mình với sóng
Biển đau khổ hay giận dữ
Mà không muốn ai lại gần?
Nhưng anh nhớ em một mình bơi ra biển
*
Bãi cát vắng tanh và đầy gió lộng
Ngoài khơi vắng tanh và đầy bóng em
Không có lời nào át được tiếng biển đâu
Biển đau khổ và đầy nhung nhớ
*
Biển gọi giữa trưa, anh nghe mà sợ
Nên giọt nước mắt nhỏ nhoi của anh
Bị cuốn đi mất tăm
Giữa muôn trùng sóng nước.
 Vũng Tàu 17/06/1985

 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHỮNG ĐỨA TRẺ CỦA NGÀY 30/4/1975



HO KY HOA.Ngày 30/4/1975 tôi có 3 đứa con: năm tuổi, bốn tuổi và một tuổi. Bây giờ chúng đã là những viên chức, có chỗ đứng tốt trong xã hội. Chúng có học vấn, có cuộc sống ổn định. Chúng sống bình lặng, khiêm nhường và lương thiện như mọi công dân Việt Nam khác.
Nhưng không phải ai cũng sống bình thường như vậy.
Bởi vì cũng có những đứa trẻ của ngày 30/4/75 đang sống khá đặc biệt. Đó là những người hiện nay thuộc lứa tuổi trên dưới 50 (tức là ở thời điểm 30/4/75 các vị ấy chỉ vừa mới cất tiếng khóc chào đời cho đến 12, 13 tuổi), chẳng những không hề tham gia cách mạng mà thậm chí không biết cách mạng là gì, chiến tranh là gì, nhưng hiện nay họ là những ông bà quan lớn cách mạng, giàu có và đầy quyền lực.
Họ coi chính quyền này là của riêng họ, làm như thể chính họ đẻ ra cái chính quyền này, họ là bố mẹ của dân, là ông chủ của dân.
Trong hàng ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch phường, xã… không ít những người thuộc thế hệ ấy (có những vị bộ trưởng chỉ mới 48 tuổi, có vị chỉ 45 tuổi, bí thư tỉnh Hà Giang 45 tuổi, phó chủ tịch Đà Nẵng 35 tuổi (con trai một ủy viên BCT), còn ở cấp quận, huyện, phường, xã… thì người trẻ vô số).
Nói theo kiểu dân gian: họ là những người “tân gia ba” tức là mới tham gia cách mạng sau ngày ba mươi tháng Tư, nhưng họ vẫn hùng hồn tuyên bố: “Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành lấy chính quyền này thì không thể nào chúng ta có thể để chính quyền lọt vào tay kẻ khác”.
Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà – tiếc thay – họ chỉ là kẻ thừa hưởng chứ không hề tự tay mình giành lấy, đừng nói tới chuyện “đổ xương máu”.
Họ có thể biện bạch rằng: tuy chúng tôi không đổ xương máu nhưng đó chính là xương máu của cha anh chúng tôi.
Thật vậy sao?
Vậy mà người ta cứ nghĩ rằng đó là xương máu những người thân của đám dân đen đang chui rúc trong xóm lao động kia, là con, là chồng, là cha của những người nông dân đang đổ mồ hôi và nước mắt trên những luống cày tại những làng quê nghèo khó.
Tôi không có ý chê bai những người mới tham gia vào guồng máy chính quyền hiện nay sau ngày 30/4/75, bởi vì điều đó thật vô lý. Tôi cũng không có ý coi thường những cán bộ trẻ, bởi vì họ đang đầy sức sống và năng lực, nhưng quả thật là hiện nay đang có những nhà lãnh đạo trẻ, cứ tiếp tục cái điệp khúc: “chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác”… đã trở nên quá nhàm chán.
Tôi nghĩ, thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà họ không hề tham dự, họ nên hành động, nên suy nghĩ độc lập, biết đột phá, biết tìm con đường mới, biết mở cánh cửa tự do dân chủ, tránh vết xe đổ của lớp đàn anh vừa đi qua thì phúc cho dân tộc này biết chừng nào.
*
Những người từng đổ xương máu cho chính quyền này là hàng triệu chiến sĩ đã chết ngoài mặt trận, chết nơi ngục tù. Những người ấy giờ chỉ còn là cát bụi, không tài sản, không địa vị, không quyền lực và hiện nay thân nhân của họ đang sống rất nghèo khổ.
Họ là những người duy nhất có quyền được tuyên bố rằng mình đã đổ xương máu cho chính quyền này, nhưng không bao giờ những mộ bia quạnh hiu nơi nghĩa trang liệt sĩ, những nấm đất vô danh nơi rừng sâu núi thẳm kia có thể thốt nên lời!
Số còn lại thì đã già, đã về hưu, chỉ còn một số ít vẫn đang nắm quyền nhưng rồi chẳng bao lâu họ cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt mà không biết rằng mình sẽ để lại cho đời sau những tiếng thơm hay những lời nguyền rủa.
Đổ xương máu hay không đổ xương máu thì cũng chỉ còn lại một nước Việt buồn.
Đ.H
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Để vượt qua nỗi lo phụ thuộc thị trường Trung Quốc


Trung Chánh

Việc Trung Quốc ngưng nhập heo hơi đang khiến nhiều người nuôi heo điêu đứng. Ảnh: THÀNH HOA

 “Thương nhân Trung Quốc đã len lỏi vào làng, xã chúng ta mua khoai lang, mua chuối... Chúng ta có người nào qua Trung Quốc làm được việc đó không? Nếu không thì làm sao chúng ta biết được chính sách bên đó như thế nào để mà ứng phó, cảnh báo?”
(TBKTSG) - Trong thương mại với Trung Quốc, nỗi lo quốc gia này “đóng cửa” nhập khẩu lúa gạo, rau quả, sản phẩm chăn nuôi hay “cắt đứt” nguồn cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày... lúc nào cũng hiện hữu đối với Việt Nam. Vậy, làm sao để vượt qua nỗi lo này?


Nỗi lo... phụ thuộc
Tại hội thảo “Ảnh hưởng kinh tế thế giới đối với ngành thủy sản Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tháng 3-2017, chuyên gia kinh tế Bùi Văn, Phó hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, cho rằng xuất khẩu của Việt Nam không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Thị trường xuất khẩu của chúng ta (Việt Nam) rất tốt xét về phương diện đa dạng hóa, tức chúng ta phân chia rất đồng đều”, ông Văn khẳng định và cho biết hiếm có một nước nào có một thị trường xuất khẩu phân phối đa dạng, đồng đều như Việt Nam.
Thực tế, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan về 10 thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 cho thấy Mỹ giữ vị trí thứ nhất với thị phần chiếm 21,8%; Trung Quốc chiếm 12,4%; Nhật Bản 8,3%; Hàn Quốc 6,5%; Hồng Kông 3,4%; Hà Lan 3,4%; Đức 3,4%; UAE 2,8%; Anh 2,8%; Thái Lan 2,1%.
Thế nhưng, vì sao Việt Nam lại thường xuyên lo sợ những nóng - lạnh từ thị trường Trung Quốc?
Bởi tuy về tổng thể xuất khẩu không lệ thuộc, nhưng đi vào nhóm ngành nông nghiệp thì lại lệ thuộc rất lớn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,88 triệu tấn, trong đó, xuất sang Trung Quốc chiếm đến 35,9%. Trong quí 1-2017, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta khi chiếm đến trên 35% giá trị xuất khẩu của toàn ngành (1,28 triệu tấn).
Với ngành rau quả, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước trong năm 2016 đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,74 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 70%.
“Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về nông- thủy sản của Việt Nam, EU thứ hai và sau đó là Mỹ”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết tại Diễn đàn kinh tế thường niên 2017 được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 12-4-2017.
Hiện nước ta có khoảng 70% lao động đang sống ở khu vực nông thôn và thu nhập của họ lệ thuộc rất lớn vào sản phẩm lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi. Chính vì vậy, mọi biến động về thương mại (dù nhỏ) sang thị trường Trung Quốc, lập tức tác động trực tiếp đến đời sống của đại đa số người dân ở đây, mà thực tế điều này đã diễn ra với lúa gạo, cây ăn trái và sản phẩm chăn nuôi.
Trong khi đó, đối với nhập khẩu, có đến 28,7% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có thời kỳ lên hơn 30%. “Điều này nghĩa là một phần ba nhập khẩu của nước ta phụ thuộc vào Trung Quốc và đây là một điều vô cùng cấm kỵ đối với thương mại quốc tế. Nếu chúng ta phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu, thì rất không an toàn”, ông Bùi Văn nhận định.
“Thông tin của chúng ta về Trung Quốc quá kém, dù buôn bán cứ ầm ầm, nhưng nghiên cứu thì không có, rồi đổ lỗi người ta chơi xấu là không ổn”.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ
Theo ông Văn, điều đáng nói trong bức tranh nhập khẩu là chúng ta phụ thuộc lớn nhất vào thị trường Trung Quốc về phụ liệu may mặc, da giày. Trong khi đó, ở trong nước lại có hơn hai triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực này. Do đó, những thay đổi ở thị trường này, lập tức có thể đẩy ngành dệt may, da giày trong nước rơi vào khó khăn, tức hơn hai triệu lao động đó có nguy cơ mất việc.

Làm sao để vượt qua?
Nhìn riêng vào ngành nông nghiệp, rõ ràng việc tiêu thụ đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, ông Trần Thanh Hải lại tỏ ra khá lạc quan với thị trường này. “Không lý do gì một thị trường với 1,3 tỉ dân, có nhu cầu rất lớn, mà chúng ta nói không phải là thị trường tiềm năng, đặc biệt là họ lại nằm ngay bên cạnh chúng ta”, ông Hải nói.
Theo ông, đặc điểm của thị trường Trung Quốc là nhu cầu rất đa dạng. “Bản thân nó (Trung Quốc) như một lục địa rồi, tức là phía Nam Trung Quốc khác miền Trung; khu vực Quảng Đông, Triết Giang khác với thành phố Tứ Xuyên... Với nhu cầu như vậy, nó sẽ đem lại khả năng cho chúng ta cung cấp sản phẩm rất đa dạng”, ông Hải phân tích.
Vấn đề còn lại là phải biết cách vượt qua những nỗi lo... phụ thuộc vào thị trường này.
Trao đổi với TBKTSG, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho biết Việt Nam hiện có một bộ phận dân cư, các chuyên gia đang sinh sống ở nước ngoài, những người am hiểu rất rõ về chính sách của quốc gia nơi họ đang sống, nhưng rất tiếc ta không có được sự “cộng tác” cần thiết. Trong khi đó, ở trong nước lại không hiểu hết được những gì đang diễn ra ở bên ngoài.
“Thương nhân Trung Quốc đã len lỏi vào làng, xã chúng ta mua khoai lang, mua chuối... Chúng ta có người nào qua Trung Quốc làm được việc đó không? Nếu không thì làm sao chúng ta biết được chính sách bên đó như thế nào để mà ứng phó, cảnh báo?”, ông Dũng đặt vấn đề.
Theo ông Dũng, giới hoạch định chính sách, giới kỹ thuật trong nước luôn đi sau nhiều bước. “Muốn làm thì làm không được, cứ xoay xoay, trở trở vì dùng cái quan niệm thị trường của chúng ta, tư duy của mình để hiểu về người ta nên loay hoay mãi không ra”, ông Dũng nói.
Kế đến nữa, theo ông Dũng, là  phải đi tới chứ không thể đi lui. “Không lẽ không sản xuất nông nghiệp, không bán qua Trung Quốc? Phải đi tới, xuất hiện khó khăn thì đương đầu, đương đầu rồi học hỏi, học hỏi rồi làm tiếp, chứ không thể ngưng được, ngưng là chết”, ông nói.
Mỹ là thị trường Việt Nam đang xuất siêu 32 tỉ đô la Mỹ với những mặt hàng như nông - thủy sản, quần áo, giày dép. Ông cho rằng: “Nếu Mỹ chặn lại, đánh thuế cao hơn, thì tai họa sẽ còn lớn hơn rất nhiều”.
Với nông nghiệp, theo ông Dũng, nếu cải thiện được chất lượng sản phẩm và đưa sâu vào đời sống tiêu dùng của người Trung Quốc, thì lúc đó sẽ làm chủ được, có nghĩa không có sản phẩm của Việt Nam thì không có nguồn khác để bổ sung. “Lúc đó, ta có xuất sang Trung Quốc 70% tôm, 80% cá, 90% gạo, chúng ta cũng không sợ vì không có gạo của Việt Nam, không có cá, không có tôm của Việt Nam, thì người Trung Quốc cảm thấy không yên tâm. Đây là vấn đề thuộc về chiến lược, sách lược”, ông Dũng nói.
“Phụ thuộc không có nghĩa là chúng ta bị người ta mua nhiều rồi chúng ta bị phụ thuộc, mà người ta mua nhiều nhưng người ta mua anh vì không mua người khác được do chất lượng anh cung cấp không thay thế được (chứ không phải không có sản phẩm thay thế)”, ông Dũng giải thích.
Ông Dũng cho rằng muốn sản phẩm đạt chất lượng không thể chỉ hô hào mà phải thiết lập chương trình hành động hẳn hoi, có kế hoạch hỗ trợ nông dân ở chương trình nào, kỹ thuật gì, bộ máy khuyến nông ra sao, chi phí để hỗ trợ từ đâu... “Thông tin của chúng ta về Trung Quốc quá kém, dù buôn bán cứ ầm ầm, nhưng nghiên cứu thì không có, rồi đổ lỗi người ta chơi xấu là không ổn”, ông Dũng tái khẳng định.

 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

San bằng con người


VƯƠNG TRÍ NHÀN (nhà văn)

Trên đường Sài Gòn, một lần, tôi được nghe một người lái xe ôm kể rằng ông ta vừa về hưu, so với tuổi là hơi sớm. Có hai điểm làm cho ông chán:

Giám đốc là người quá dốt, không hiểu công việc. Trong xưởng, người chăm với người lười cũng như nhau, cuối năm ai cũng tiên tiến hết.

Tôi đoán chính ra ông là một người thợ giỏi. 

Tiếp tục câu chuyện về nỗi đau của con người thời nay, tôi nghĩ rằng cái đau của ông thợ nói trên là ở chỗ phải sống trong một xưởng máy mà chăm lười như nhau, vàng thau lẫn lộn.

Nhiều cuốn sách tôi mua là tập hợp hỗ lốn những bài báo hay lẫn với những bài dở, mỗi bài một kiểu, đến mức có lần mua về tôi phải xé hết những bài nhảm nhí thì mới yên tâm đọc tiếp các bài giá trị trong tập sách.

Trong nghề văn chương, các tuyển tập thường sắp xếp một cách vô cảm, nghĩa là theo abc tên tác giả. Và nếu nhìn vào chất lượng thì người ta thấy nhiều bài chỉ được chọn là do vai vế tác giả của nó thế nọ, thế kia chứ không phải do chất lượng.

Từ hồi đi học, tôi đã cảm thấy, người học giỏi thì hay bị làm phiền.

Các lớp tiểu học bây giờ có lối đưa cả những học sinh cá biệt vào, cá biệt theo nghĩa học kém, vì thế làm hỏng tiến bộ chung của cả lớp.

Một khía cạnh khác của việc san bằng con người đang được kéo dài là thù ghét những phần tử ưu tú.
Xã hội chỉ có thể đi lên nếu những người ưu tú có vị trí xứng đáng làm mũi nhọn kéo cả cộng đồng đi theo. Nhưng ở Việt Nam nhiều khi có tình trạng ngược lại.

Cái tội của cải cách ruộng đất không phải chỉ là khuyến khích người ta tố điêu, làm bậy. Mà cái chính là khích động sự căm ghét những người giàu có, cho rằng những người giàu có là những người hư hỏng, gian ác, đáng bị tuyệt diệt. 

Thật ra thì trừ một số cá biệt, những người giàu có này, chính là những người biết tính toán công việc và giỏi sử dụng nhân công dưới quyền.

Còn chiến tranh thì lại làm công việc san bằng con người giống như một cái máy gạt khổng lồ. Sẵn lòng tự trọng, những người ưu tú thường xuất hiện ở hàng đầu và đã chết. Tới ngày chiến thắng, chỉ còn lại những người kế theo tiếp nhận chiến công của đám ưu tú vừa bị hy sinh, tận hưởng vinh quang và lợi lộc.

Thứ mất mát thường bị người ta lờ đi này, thật ra không gì bù đắp nổi. 

Sau những cuộc chiến tranh kéo dài quá sức chịu đựng của con người, các xã hội hậu chiến thường lụn bại một thời gian, một phần lý do là vậy. Nơi ngắn nơi dài tùy mức độ của cuộc chiến.

Vương Trí Nhàn

Phần nhận xét hiển thị trên trang