Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

XỬ LÝ NGHIÊM!


Thái Bá Tân
“Xử lý nghiêm! - Hà Tĩnh
Vừa tuyên bố hôm qua, -
Với những kẻ “quá khích”,
“Quấy rối” ở Lộc Hà!”
Hơi quen quen câu ấy,
Vì nghe quá nhiều lần.
Giờ thêm một lần nữa
Chính quyền “xử lý” dân.

Nói thế là hách dịch
Và hỗn láo phần nào.
Mình, thân phận đầy tớ,
“Xử lý” là làm sao?

Mà rồi bọn “quá khích”
Là cả một cộng đồng.
Liệu chính quyền Hà Tĩnh
Có “xử nghiêm” được không?
Image result for hà tĩnh biểu tình 4 4 chiếm UBND

Một, Hiến pháp minh định
Người dân được biểu tình
Để bày tỏ ý kiến
Và bức xúc của mình.

Nếu mọi chuyện tốt đẹp,
Có dân nào rỗi hơi
Chiếm trụ sở của huyện,
Mà những mấy nghìn người?

“Quấy rối” và “quá khích”?
Các ông nói thật hay.
Bị chặn hết đường sống,
Như thế là còn may.

Hay các ông không lẽ
Chờ họ đến gặp mình,
Rồi hô đảng vạn tuế
Và chính quyền quang vinh?

Image result for hà tĩnh biểu tình 4 4 chiếm UBND

Hai, bác Trọng đã nói:
“Mình có như thế nào,
Người ta mới thế chứ!”
Hà Tĩnh quên rồi sao?

Trước khi đòi “xử lý”
Người dân ở Lộc Hà,
Các ông phải xử lý
Thằng thép Formosa.

Vì mọi điều tồi tệ
Đều do từ thằng này.
Biển chết và cá chết.
Ô nhiễm đến hôm nay.

Rồi người dân mất đất.
Rồi oan trái đền bù.
Không ít người vì hắn
Bị bắt hoặc ngồi tù.

Xử nghiêm là phải hắn,
Chứ không phải dân oan.
Cứ công bằng mà nói,
Phải xử nghiêm cả quan.

Vì các quan Hà Tĩnh
Đã tai tiếng quá nhiều.
Giờ cộng thêm cái tội
Hách dịch và quan liêu.

Ba, những kẻ “xúi giục”
Mà các ông lu loa
Là những người lãnh đạo
Của dân oan Lộc Hà.

Lãnh đạo là tốt chứ,
Hơn thế lại rất cần.
Xưa đảng cũng lãnh đạo
Tức “xúi giục” người dân

Vùng lên làm cách mạng
“Phản đế” và “diệt phong”.
Nhờ sự “xúi giục” ấy
Nay mới có các ông.

Mà rồi xin được hỏi:
Ai xúi thằng an ninh
Trà trộn vào dân chúng
Khiến mọi người bất bình

Đánh một trận nhừ tử?
Ừ, thương thì cũng thương.
Nhưng bị đánh như thế
Cũng là chuyện bình thường.

Nhắc lại, bác Trọng nói:
“Mình có như thế nào
Người ta mới thế chứ!”
Các ông quên rồi sao?


T.B.T.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Định lý Bất toàn của Gödel: Khám phá Toán học số 1 trong thế kỷ 20

Perry Marshall“Định lý Bất toàn của Gödel: Khám phá Toán học số 1 trong thế kỷ 20” là một bài giảng của Perry Marshall. 


Dưới đây là bản lược dịch của Phạm Việt Hưng.



Abstract: Gottfried Leibniz once said: “Without mathematics we cannot penetrate deeply into philosophy. Without philosophy we cannot penetrate deeply into mathematics. Without both we cannot penetrate deeply into anything.”. Quoting Leibniz, Perry Marshall leads us to the world of Maths and Philosophy, where we can see more clearly the truth. That is the aim of his lecture: “Gödel’s Incompleteness Theorem: The #1 Mathematical Discovery of the 20th Century”.

Lời dẫn của người dịch:


Gottfried Leibniz có lần nói: “Không có toán học chúng ta không thể đi sâu vào triết học. Không có triết học chúng ta không thể đi sâu vào toán học. Không có cả hai chúng ta không thể đi sâu vào bất cứ thứ gì”. Dẫn lời Leibniz, Perry Marshall đưa chúng ta vào thế giới của Toán học và Triết học, ở đó chúng ta có thể thấy rõ hơn chân lý, biết đâu là sự thật. Đó là mục đích bài giảng của ông: “Định lý Bất toàn của Gödel: Khám phá Toán học số 1 của thế kỷ 20”….



ĐỊNH LÝ BẤT TOÀN CỦA GÖDEL: KHÁM PHÁ TOÁN HỌC SỐ I CỦA THẾ KỶ XX
Bài giảng của Perry Marshall
Gottfried Leibniz:

“Không có toán học chúng ta không thể đi sâu vào triết học. Không có triết học chúng ta không thể đi sâu vào toán học. Không có cả hai chúng ta không thể đi sâu vào bất cứ thứ gì”.


Galileo Galilei:
“Toán học là ngôn ngữ Chúa viết trong vũ trụ”


Năm 1931, Kurt Gödel giáng cho các nhà toán học trong thời của ông một đòn nặng nề.

Năm 1931, nhà toán học trẻ Kurt Gödel có một khám phá mang tính bước ngoặt, gây ra những chấn động lớn như những gì Albert Einstein đã làm.


Khám phá của Gödel không chỉ áp dụng cho toán học, mà thực ra áp dụng cho tất cả các ngành của khoa học, logic và hiểu biết của con người nói chung. Nó thực sự làm rung chuyển trái đất.

Nhưng trớ trêu thay, không mấy ai biết về nó. Vậy hãy cho phép tôi nói với các bạn câu chuyện về định lý này.

Các nhà toán học vốn thích chứng minh mọi thứ. Vì thế họ nóng lòng và băn khoăn trong suốt nhiều thế kỷ vì có một số định đề toán học họ nghĩ là đúng nhưng không thể CHỨNG MINH.
Chẳng hạn nếu bạn đã từng học Hình học ở trường trung học, hẳn là bạn đã làm những bài tập chứng minh các tính chất của tam giác dựa trên một số định lý cơ bản.


Môn hình học đó được xây dựng trên 5 tiên đề của Euclid. Mọi người đều thấy những tiên đề đó là đúng, nhưng sau 2500 năm vẫn không có ai tìm ra cách chứng minh chúng.


Vâng, dường như hoàn toàn hợp lý khi cho rằng một đường thẳng có thể kéo dài vô tận về hai phía, nhưng không ai có thể CHỨNG TỎ điều đó. Chúng ta chỉ có thể bầy tỏ rằng đó là một tập hợp 5 tiên đề hợp lý, và thực tế là cần thiết.


Những thiên tài toán học cao chót vót đã thất vọng trong hơn 2000 năm bởi vì họ không thể chứng minh tất cả các định lý của họ. Có rất nhiều điều “rõ ràng” là đúng nhưng không ai có thể tìm ra cách chứng minh.

Tuy nhiên, vào những năm đầu của thập niên 1900, một niềm lạc quan to lớn bắt đầu phát triển trong giới toán học. Các nhà toán học xuất sắc nhất thế giới lúc đó (như Bertrand Russell, David Hilbert và Ludwig Wittgenstein) tin rằng họ đang nhanh chóng tiến gần tới một phương pháp tổng hợp cuối cùng.


(Họ tin rằng) một sự thống nhất “Lý thuyết về mọi thứ” rốt cuộc sẽ thít chặt các đầu mối lỏng lẻo. Toán học sẽ kiện toàn, đạn bắn không thủng, không có kẽ hở cho không khí lọt vào, và toán học sẽ đắc thắng.



(Nhưng) năm 1931, nhà toán học trẻ người Áo, Kurt Gödel, đã công bố một công trình CHỨNG MINH một lần và mãi mãi rằng một Lý thuyết Duy nhất về Mọi thứ thực ra là không thể có (impossible, bất khả).


Khám phá của Gödel được gọi là “Định lý Bất toàn”.


Nếu bạn dành cho tôi vài phút, thì tôi sẽ giải thích với bạn định lý đó nói gì, Gödel đã khám phá ra định lý đó như thế nào, và định lý đó có ý nghĩa gì – tôi nói bằng một ngôn ngữ mộc mạc, đơn giản đến nỗi ai cũng hiểu.


Định lý Bất toàn của Gödel nói rằng:


“Bất cứ điều gì mà bạn có thể vẽ một vòng tròn bao quanh nó sẽ không thể tự giải thích về bản thân nó mà không tham chiếu đến một cái gì đó ở bên ngoài vòng tròn – một cái gì đó mà bạn phải thừa nhận là đúng nhưng không thể chứng minh.”



GODE1MXin nhắc lại điều nói trên bằng ngôn ngữ chính thức của khoa học:


Định lý Gödel nói rằng: “Bất kỳ lý thuyết nào được tạo ra một cách hiệu quả đủ khả năng biểu diễn số học sơ cấp đều không thể vừa nhất quán vừa đầy đủ. Đặc biệt, đối với bất kỳ lý thuyết hình thức nào nhất quán, được tạo ra một cách hiệu quả cho phép chứng minh một số chân lý số học căn bản, sẽ có một mệnh đề số học đúng nhưng không thể chứng minh trong lý thuyết ấy.”


Luận đề Church-Turing nói rằng một hệ vật lý có thể biểu diễn số học sơ cấp y như con người, và rằng số học của Máy Turing (computer) không thể chứng minh được bên trong hệ thống đó và do đó computer cũng bất toàn.

Bất kỳ hệ vật lý nào có thể đo lường đều có khả năng biểu diễn số học sơ cấp (Nói cách khác, trẻ em có thể làm toán bằng cách đếm ngón tay, nước chảy vào thùng sẽ tạo nên một lượng nước đếm được, và các hệ vật lý luôn luôn đưa ra câu trả lời rõ ràng).

Do đó vũ trụ (thế giới vật lý) có khả năng biểu diễn được bằng số học sơ cấp và giống như bản thân toán học và computer, vũ trụ ấy là bất toàn.

Lý luận trên có thể tóm tắt bằng tam đoạn luận sau đây:
1. Mọi hệ thống đủ phức tạp có thể tính toán được đều bất toàn.
2. Vũ trụ là một hệ đủ phức tạp có thể tính toán được.
3. Do đó vũ trụ là bất toàn.

Bạn có thể vẽ một vòng tròn xung quanh tất cả các khái niệm trong cuốn sách hình học trung học của bạn. Nhưng tất cả chúng được xây dựng trên 5 tiên đề của Euclid, những tiên đề này rõ ràng là đúng nhưng không thể chứng minh. 5 tiên đề đó nằm ngoài cuốn sách, tức là bên ngoài vòng tròn bạn vừa vẽ.

Bạn cũng có thể vẽ một vòng tròn xung quanh một chiếc xe đạp nhưng sự tồn tại của chiếc xe đạp đó dựa vào một nhà máy ở bên ngoài vòng tròn đó. Chiếc xe đạp không thể tự giải thích sự tồn tại của bản thân nó.

Gödel chứng minh rằng LUÔN LUÔN có nhiều cái đúng hơn là cái bạn có thể chứng minh. Trong bất kỳ hệ thống logic hay hệ thống số nào mà các nhà toán học đã từng xây dựng được đều luôn luôn tồn tại ít nhất một vài giả định không thể chứng minh.

Định lý bất toàn của Gödel không chỉ áp dụng cho toán học, mà cho mọi đối tượng tuân thủ các định luật của logic. Bất toàn đúng trong toán học; nó cũng đúng trong khoa học hay ngôn ngữ hoặc triết học.

Và: Nếu vũ trụ mang tính chất toán học và logic thì tính bất toàn cũng áp dụng cho vũ trụ.


Gödel sáng tạo ra chứng minh của mình bằng cách khởi đầu với “Nghịch lý Kẻ nói dối” (The Liar’s Paradox) – đó là mệnh đề:


“Tôi đang nói dối.” (I am lying)


Mệnh đề “Tôi đang nói dối” là một mệnh đề tự mâu thuẫn, bởi nếu mệnh đề ấy phản ánh đúng sự thật, rằng tôi là một kẻ nói dối, thì suy ra mệnh đề vừa nói không đáng tin cậy, tức là mệnh đề ấy mâu thuẫn với chính nó; nếu mệnh đề ấy sai, lập luận tương tự cũng đi đến mâu thuẫn .

Tương tự như vậy, bằng một trong những biến đổi khéo léo nhất trong lịch sử toán học, Gödel đã chuyển Nghịch lý Kẻ Nói Dối thành một công thức toán học. Ông đã chứng minh rằng bất kỳ một mệnh đề nào cũng đòi hỏi một quan sát viên bên ngoài.

Không có mệnh đề nào (một sự trình bày nào) có thể một mình nó tự chứng minh nó đúng.

Định lý bất toàn của Gödel là một đòn nặng nề giáng vào “chủ nghĩa thực chứng” trong thời đại đó. Gödel chứng minh định lý của ông một cách rõ ràng trắng đen đến nỗi không ai có thể tranh cãi với logic của ông.

Tuy nhiên một số đồng nghiệp toán học của ông đến lúc ra đi về bên kia thế giới vẫn phủ nhận ông, tin rằng bằng cách này hay cách khác, trước sau Gödel chắc chắn phải sai.

Nhưng ông không sai. Định lý của ông thực sự đúng. Có nhiều cái đúng hơn là cái bạn có thể chứng minh.

Một “lý thuyết về mọi thứ” – dù trong toán học hay vật lý, triết học – sẽ không bao giờ tìm thấy. Đơn giản vì nó không thể tồn tại (impossible, bất khả).

OK, vậy điều này thực ra có ý nghĩa gì? Tại sao vấn đề này lại là vô cùng quan trọng, thay vì chỉ là một chuyện phiếm để mua vui?


Đây là ý nghĩa của định lý:


● Đức tin và Lý lẽ không phải là kẻ thù của nhau. Thực ra điều ngược lại mới đúng! Cái này nhất thiết cần cái kia để tồn tại. Mọi lý lẽ rốt cuộc đều quay trở lại niềm tin vào một cái gì đó mà bạn không thể chứng minh.

● Mọi hệ thống đóng kín đều phụ thuộc vào một cái gì đó ở bên ngoài hệ thống.
● Bạn luôn luôn có thể vẽ một vòng tròn lớn hơn nhưng sẽ luôn luôn tồn tại một cái gì đó bên ngoài vòng tròn.
● Lý lẽ hướng từ một vòng tròn lớn hơn vào một vòng tròn nhỏ hơn là “lý lẽ suy diễn” (deductive reasoning). Thí dụ:
1. Mọi người đều sẽ chết.
2. Socrates là một con người.
3. Vậy Socrates sẽ chết.
● Lý lẽ hướng từ một vòng tròn nhỏ hơn ra một vòng tròn lớn hơn là “lý lẽ quy nạp”. Thí dụ:
1. Khi tôi thả đồ vật ra, chúng sẽ rơi.
2. Do đó tồn tại một định luật về hấp dẫn chi phối mọi vật thể rơi.

Chú ý rằng khi bạn chuyển từ vòng tròn nhỏ hơn ra vòng tròn lớn hơn, bạn phải thừa nhận rằng bạn không thể chứng minh 100%.

Chẳng hạn bạn không thể CHỨNG MINH lực hấp dẫn luôn luôn tồn tại vào mọi lúc. Bạn chỉ có thể nhận thấy lực hấp dẫn tồn tại vào mỗi lúcc bạn quan sát. Bạn không thể CHỨNG MINH vũ trụ là hợp lý (rational, tuân thủ những quy luật nhất định). Bạn chỉ có thể nhận thấy các công thức toán học, như E = mc2 chẳng hạn, dường như mô tả một cách hoàn hảo cái mà vũ trụ tiến hành.

Gần như mọi định luật khoa học đều dựa trên lý lẽ quy nạp. Những định luật này đều dựa trên một giả định cho rằng vũ trụ là logic và dựa trên những định luật cố định có thể khám phá ra.

Bạn không thể CHỨNG MINH giả định đó ( Bạn không thể chứng minh mặt trời sẽ mọc vào buổi sớm mai). Thực ra bạn phải chấp nhận điều đó bằng niềm tin. Khoa học được xây dựng trên những giả định triết học mà bạn không thể chứng minh bằng khoa học. Thật vậy, phương pháp khoa học không thể chứng minh, nó chỉ có thể gợi ý, phỏng đoán (Khoa học xuất phát từ tư tưởng nguyên thủy rằng Chúa tạo ra một vũ trụ có trật tự tuân thủ các định luật cố định có thể khám phá được).


Bây giờ hãy xem xét điều gì sẽ xẩy ra khi chúng ta vẽ vòng tròn lớn nhất có thể có – vòng tròn bao quanh toàn thể vũ trụ (nếu có đa vũ trụ thì vẽ môt vòng tròn chứa tất cả những vũ trụ đó):


● Phải có một cái gì đó bên ngoài vòng tròn đó. Một cái gì đó mà chúng ta phải thừa nhận là không thể chứng minh được.

● Vũ trụ mà chúng ta biết là hữu hạn – hữu hạn vật chất, hữu hạn năng lượng, không gian hữu hạn và thời gian là 13.7 tỷ năm tuổi.
● Vũ trụ ấy mang tính chất toán học. Bất kỳ hệ vật lý nào có thể đo đạc đều có thể biểu diễn bởi số học (Bạn không cần biết toán học để làm phép cộng – bạn có thể sử dụng bàn tính gẩy tay để tìm câu trả lời vào mọi lúc).
● Vũ trụ (tất cả mọi vật chất, năng lượng, không gian, thời gian) không thể tự giải thích cho nó.
● Bất kể cái gì ở bên ngoài vòng tròn lớn nhất đều là vô hạn. Theo định nghĩa, không thể vẽ một vòng tròn bao quanh nó .
● Nếu chúng ta vẽ một vòng tròn bao quanh mọi vật chất, năng lượng, không gian và thời gian và áp dụng định lý Gödel, chúng ta sẽ thấy cái gì ở ngoài vòng tròn đó sẽ không phải là vật chất, không phải năng lượng, không phải không gian và cũng không phải thời gian. Đó là thế giới phi vật chất.
● Bất kể cái gì ở bên ngoài vòng tròn lớn nhất đều không phải là một hệ thống – nghĩa là không phải một tập hợp bao gồm các thành phần. Nói cách khác, nếu chúng ta có thể vẽ một vòng tròn bao quanh vật chất, năng lượng, không-thời-gian thì cái nằm ngoài vòng tròn ấy là không thể phân chia được.
● Bất kể cái gì ở bên ngoài vòng tròn lớn nhất đều là nguyên nhân không có nguyên nhân, bởi vì bạn luôn luôn có thể vẽ một vòng tròn bao quanh một kết quả.


Chúng ta có thể áp dụng lý lẽ quy nạp tương tự cho nguồn gốc của thông tin: 


● Trong lịch sử vũ trụ, chúng ta cũng đã biết sự xuất hiện của thông tin, vào khoảng 3.5 tỷ năm trước. Nó xuất phát từ mã của Hệ Di truyền (Genetic code), một thứ phi vật chất mang tính biểu tượng .

● Thông tin phải xuất phát từ bên ngoài, bởi vì thông tin được biết không phải là một đặc trưng vốn thuộc về vật chất, năng lượng và không gian hoặc thời gian.
● Mọi mã mà chúng ta biết nguồn gốc đều được thiết kế bởi những thực thể có ý thức.
● Do đó bất kể cái gì ở bên ngoài vòng tròn lớn nhất cũng phải là một thực thể có ý thức.

Nói cách khác, khi chúng ta bổ sung thông tin vào trong phương trình, chúng ta có thể kết luận rằng cái ở bên ngoài vòng tròn lớn nhất không chỉ vô hạn và phi vật chất, mà còn có ý thức.

Chẳng phải thú vị hay sao khi những vấn đề này nghe có vẻ đáng ngờ vực như những gì mà các nhà thần học đã mô tả Chúa trong hàng ngàn năm nay?

Vì thế sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy 80-90% dân chúng trên thế giới tin vào Thượng đế theo một cách nào đó. Thật vậy, đó là trực giác đối với phần lớn các dân tộc. Nhưng định lý Gödel chỉ ra rằng đó cũng là logic tối cao. Thực ra đó là lập trường duy nhất mà người ta có thể nắm lấy và đứng trên đó trong vương quốc của lý lẽ và logic.

Người nào tự phụ tuyên bố “Bạn là người của đức tin, còn tôi là người của khoa học” thì người ấy không hiểu gốc rễ của khoa học hoặc bản chất của tri thức!

Một khía cạnh thú vị khác…

Nếu bạn có dịp thăm một trang mạng vô thần lớn nhất thế giới có tên là Infidels, bạn sẽ thấy trên trang chủ lời tuyên bố sau đây:

“Chủ nghĩa duy tự nhiên (naturalism) là giả thuyết cho rằng thế giới tự nhiên là một hệ đóng, ngụ ý rằng không có cái gì không phải là thành phần của thế giới tự nhiên mà lại ảnh hưởng lên nó”.

kurt godel Nếu bạn biết định lý Gödel, bạn sẽ thấy rằng mọi hệ logic phải phụ thuộc vào một cái gì đó ở bên ngoài hệ thống. Vậy theo định lý bất toàn của Gödel, tuyên bố của trang mạng Infidels không thể chính xác. Nếu vũ trụ là logic, nó phải có một nguyên nhân bên ngoài.
Do đó chủ nghĩa vô thần vi phạm các định luật của lý lẽ và logic.

Định lý Bất toàn của Gödel chứng minh một cách dứt khoát rằng khoa học không bao giờ có thể lấp kín những lỗ hổng của chính nó. Chúng ta không có lựa chọn nào khác là nhìn ra bên ngoài khoa học để tìm câu trả lời.

Tính Bất toàn của vũ trụ không phải là chứng minh cho việc Chúa tồn tại. Nhưng… đó LÀ chứng minh cho nhận định rằng để kiến tạo nên một mô hình vũ trụ hợp lý thì niềm tin vào Chúa không chỉ logic 100%… mà đó là điều cần thiết.

5 tiên đề của Euclid không thể chứng minh một cách hình thức và Chúa cũng không thể chứng minh một cách hình thức . Nhưng… giống như bạn không thể xây dựng một hệ thống hình học chặt chẽ mà không có 5 tiên đề của Euclid, bạn cũng không thể xây dựng một lý thuyết mô tả vũ trụ chặt chẽ mà không có Nguyên nhân Ban đầu và một Cội Nguồn của trật tự.

Do đó đức tin và khoa học không phải là kẻ thù của nhau, mà liên minh với nhau. Điều đó đã đúng trong hàng trăm năm, nhưng đến năm 1931 thì nhà toán học trẻ gầy ốm Kurt Gödel đã chứng minh điều đó.

Không có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại đức tin vào Chúa lại trở nên có lý hơn, logic hơn, hoặc hoàn hảo hơn bằng khi nó được hỗ trợ bởi khoa học và toán học.


Perry Marshall

Bình luận của Phạm Lưu Vũ: Điều này đạo Phật nói đến từ lâu. Cầu "pháp" là "bất khả đắc". Không vật gì tồn tại mà không dựa vào những cái không phải nó. Đây là "sở duyên duyên", 1 trong 4 duyên bắt buộc phải có thì mới "duyên khởi" ra bất cứ thứ gì. Toàn bộ chứng minh trên chỉ là 1 cách trình bày lại "Trung quán luận" (phẩm "Quán nhân duyên") của Long Thọ Bồ Tát dưới ngôn ngữ toán học.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dẹp, dẹp, dẹp


Nói tóm lại, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không (mà mở rộng ra là nhà nước) cứ làm nhiệm vụ chăm lo dân cho tốt, để dân hài lòng, chứ đừng bấn bíu vào mấy thứ giá vé, đừng sợ giá rẻ quá thì hãng nọ hãng kia sẽ bị lỗ. 

Mẹ kiếp, lỗ hay không là chuyện của nó. Dù công ty nhà nước hay tư nhân, nó đã chấp nhận kinh tế thị trường, tham gia kinh doanh thì phải tự lo cho sự sống còn của mình. Đứa nào tham đứa ấy sẽ chết, người ta tẩy chay không thèm đi. Nó có bán vé thấp mấy chăng nữa thì cũng đã tính đủ thu bù chi, chả dại đến mức chuyến nào cũng lỗ mà vẫn cố bay. Hãng tàu bay "Tăng Tốc" của ông nhạc sĩ bị chết yểu là bằng chứng. Còn nếu đứa nào âm mưu cố tình hạ giá để tiến tới độc quyền nâng giá (kiểu Pháp diệt Bạch Thái Bưởi xưa kia), lúc ấy hãy giở chuyên chính với nó.

Làm quản lý nhà nước thì cần biết rằng nhu cầu đi lại là không thể dẹp. Khi hành khách cần đi thì giá vé cao hay thấp vẫn phải đi. Đáng nhẽ phải hỗ trợ những hãng bán vé giá thấp, rẻ để dân chúng được cơ hội "biết ơn đảng và chính phủ", đằng này chỉ nhăm nhăm bảo vệ thằng nhà giàu, thằng say tiền móc túi dân là sao.

Cũng đừng lôi bọn đường sắt vào đây. Hơn nửa thế kỷ nay, nó ì ạch không bằng đường sắt thời Pháp thì cho nó chết luôn. Chạy chậm, dịch vụ quá kém, vé cao ngất trời, ai thèm đi, lại cứ bắt dân chịu mãi.
Quản lý nhà nước mà quản lý như thế à? Bỏ ngay cái thói bao cấp đó đi cho tôi nhờ. Suốt mấy chục năm nó hành dân chúng sống dở chết dở mà chưa đủ hay sao.

Nguyễn Thông đã ký 
(nhưng không thèm chuyển thủ tướng. Đời thuở nhà ai, thứ gì cũng đá vào chân thủ tướng. Thủ tướng là ông thần vạn năng chắc).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bắt tạm giam bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh vì vu khống


HÀ ĐỒNG
TTO - Theo điều tra bước đầu, do chưa được đáp ứng được nguyện vọng cá nhân, ông Đinh Trọng Tấn đã có hành vi vu khống, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 3-3, nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai tháng đối với ông Đinh Trọng Tấn - 37 tuổi, bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương để điều tra hành vi vu khống.

Theo điều tra ban đầu của Công an tỉnh, thời gian qua, do chưa được đáp ứng được nguyện vọng cá nhân, nên ông Đinh Trọng Tấn (huyện ủy viên, bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh nhiệm kỳ 2015-2020, chủ tịch HĐND xã Quảng Lĩnh nhiệm kỳ 2016-2021) đã có hành vi vu khống, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo huyện Quảng Xương.

Sau khi củng cố hồ sơ, tài liệu, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã có đủ chứng cứ kết luận hành vi của Đinh Trọng Tấn là vi phạm pháp luật nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam hai tháng đối với bị can Tấn.


Chiều 3-3, ông Nguyễn Văn Chính - bí thư Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Quảng Xương cho biết ban thường vụ huyện ủy đã có quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, chức vụ huyện ủy viên, bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh với bị can Tấn.

Thường trực HĐND huyện Quảng Xương cũng đã có quyết định đình chỉ tư cách đại biểu HĐND huyện, xã đối với ông Tấn để phục vụ công tác điều tra của Công an tỉnh Thanh Hóa.  

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng coi thường hạt cát!

>> Áp giá sàn, dân nghèo hết mơ đi máy bay

>> Đuối lý khi "so bì" với Uber, Grab, taxi truyền thống cảm ơn Bộ Tài chính
>> Vụ “trộm cát” ở biển Cửa Đại: Hơn 4.300m3 cát đã bán ra dự án Đa Phước (Đà Nẵng)!
>> Hình như không ai nhớ 100 năm ngày sinh của Hữu Loan hay sao?


FB Kim Ngân Võ














Như thế là tội ác !

Có một bức hình chụp nữ du khách nằm phơi nắng trên bãi biển Cửa Đại, Hội An, cách chỗ cô nằm không xa là những bao cát chắn sóng phía ngoài đó là một dải cát mới bồi. Ảnh báo chí thôi mà xúc động khi xem.

Bởi trước đây khi chứng kiến cảnh người Hội An vật lộn với sóng để giữ biển Cửa đại, những bao cát, cọc tre đóng xuống bao nhiêu bị sóng cuốn trôi bấy nhiêu. Sóng cứ tiến vào hung dữ ngoạm từng mảng lớn ! Thật khó mà tin có ngày bờ biển lại hồi sinh.

Cát nhiều vô cùng, người ta hay nói "nhiều như cát" " vô thiên lủng" nhưng thực ra cát cũng hữu hạn. Cát không sinh sôi. Hạt cát vô cùng nhỏ bé nhưng nó được hình thành từ hàng ngàn vạn năm, qua bao biến thiên vẫn thế, không mất đi chỉ xê dịch theo quy luật tự nhiên, theo dòng chảy thiên nhiên. Sự dịch chuyển, thay đổi của cát thể hiện sự thay đổi thái độ của con người đối với tự nhiên. Con người biết tôn trọng tự nhiên cát êm đềm làm bờ chắn sóng. Con người xúc phạm tự nhiên, con người ăn vào cát, con người ăn vào da thịt mình...Cát bị tổn thương, đau đớn rã rời... cuốn mình ra biển như muốn trốn đi.

Những hạt cát li ti khi khô thì rơi ra từng hạt, khi ướt thì gắn kết với nhau. Đặc biệt cát là một khối không bao giờ rời rạc. Cát là một dải, một thân thể nối liền. Nếu lấy cát, múc cát, làm tổn thương khối cát ở chỗ này sẽ làm thay đổi toàn bộ khối cát ở chỗ kia và tạo sự dịch chuyển thay đổi biến dạng địa hình. 


Không gì đắt như cát và không gì rẻ như cát. Người ta thường xúc cát về xây nhà. Giá cát rẻ nhất trong các vật liệu xây dựng. Cát đắt, người ta thuê xúc cát, không bỏ đồng vốn nào chở đi bán thu về hàng tỉ tỉ đồng chia nhau mặc kệ bờ biển tan hoang.

Nhưng thực ra cát là vô giá !

Những hạt cát, những dải cát ven biển, ven sông, quanh các hòn đảo của nước ta thấm đẫm mồ hôi, xương máu của ông cha giữ từng hạt cát !

Cát không chỉ là tài nguyên, cát chính là lãnh thổ. Mỗi khối cát, mỗi dải cát chính mỗi tấc đất của giang sơn này mà bao thế hệ hy sinh giữ lấy! Người ta lấy cát đi bán chính là xẻo thịt giang sơn này để làm giàu và huỷ hoại non sông gấm vóc này!

Hạt cát nhỏ nhoi thôi nhưng nó có thể tạo nên núi, tạo nên sông và biển. Đừng coi thường hạt cát!

Phải dừng lại hành động khai thác cát, mua bán cát, trộm cắp cát! 

Như thế là tội ác!

Hãy xử hành động đó như một tội ác với giang sơn!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhiếp ảnh gia Hiroji Kubota


Một nhân chứng vào những ngày “Sài Gòn Sụp Đổ”: Nhiếp ảnh gia Hiroji Kubota
Trong số rất ít phóng viên ảnh quốc tế có mặt tại Sài Gòn vào những ngày cuối cùng, người ta phải kể đến ông Hiroji Kubota, một nhiếp ảnh gia lão thành người Nhật, sinh năm 1939.
Sự nghiệp nhiếp ảnh của Kubota rất phong phú với các chuyến đi đến Hoa Kỳ, Anh quốc, Pháp, Ý, Áo và đặc biệt hơn cả là những nước Á châu, trong đó có Afghanistan, Triều Tiên, Nam Hàn, Cambodia, Myanmar, Hong Kong, Macau, Indonesia, Philipines, Việt Nam.
Năm 1975 ông đã có mặt tại Sài Gòn để ghi lại những hình ảnh đau thương khi cuộc chiến kết thúc. Hai mươi năm sau, ông đã trở lại Việt Nam vào những năm 1995, 1996, 1997 để tiếp tục cống hiến cho người xem những bức ảnh thật đặc biệt về đất nước và con người Việt Nam.
Mời các bạn xem lại hình ảnh miền Nam vào những ngày kết thúc cuộc chiến qua ống kính của Hiroji Kubota.
***

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hãy nhớ: “Ở hiền gặp lành”

Chuyện thần thoại kiểu Mỹ

Billy Ray Harris, 55 tuổi, là một người lang thang không nhà cửa. Ông ăn xin tại đầu đường Kansas, thuộc tiểu bang Missouri miền Trung nước Mỹ. Có một cô gái tên Sarah Darling đi ngang qua, cho vào trong ly của ông một ít tiền lẻ, nhưng cô không biết là chiếc nhẫn trên tay cũng vô tình rơi vào ly.


Đến lúc Billy thấy chiếc nhẫn, ông tính đem bán vì có tiệm ra giá 4.000 đô-la. Đối với một người lang thang, đó là cả một gia tài. Tuy nhiên, Billy lại do dự… Sau mấy ngày suy nghĩ, ông quyết định sẽ đem nhẫn trả lại cho người đã mất. Hằng ngày, ông kiên nhẫn ngồi đợi người chủ của nó.

Cuối cùng, Sarah cũng nhận lại chiếc nhẫn, cô vô cùng cảm kích, bởi đó là chiếc nhẫn đính hôn của cô. Để tỏ lòng biết ơn, Sarah và người chồng tương lai quyết định sẽ kể lại câu chuyện chiếc nhẫn trên mạng với mục đích quyên tiền cho Billy, giúp ông có một cuộc sống bình thường như mọi người. 


Hai người hy vọng họ có thể quyên được vài ngàn đô-la. Thật không ngờ, nhiều người sau khi nghe câu chuyện đó rất xúc động vì lòng trung thực của người vô gia cư. Ba tháng sau Sarah đã quyên được gần 190 ngàn đô-la. Billy dùng số tiền đó mua nhà, mua xe… nhưng vận may vẫn đến tiếp theo đó.


Sau khi câu chuyện của Billy được truyền thông đưa tin, người chị đã thất lạc 16 năm thấy ảnh ông trên tivi và cuối cùng đã tìm được ông. Phần Billy cứ nghĩ rằng người chị này đã qua đời.

Billy không chỉ có tiền và tìm lại được người thân mà còn có người bạn tốt là Sarah và gia đình cô. Sau khi Sarah kết hôn, cô nói sẽ kể cho con về sự gắn bó của Billy với gia đình cô. Hơn nữa, câu chuyện “thần thoại” này sẽ giúp các con cô hiểu được điều gì là đúng, điều gì là sai.


Bây giờ, khi mọi người nhìn thấy Billy, họ không quyên góp mà nắm tay chúc mừng ông. Billy nói, khi nhớ lại chuỗi ngày khó khăn, ông vô cùng cảm ơn đời đã đem đến cho ông một cơ hội, cho ông quay lại cuộc sống của một người bình thường. Ông tự hứa với mình sẽ sống thật tốt để những ân nhân của ông không phụ lòng.

Quả là một câu chuyện “thần thoại” kiểu Mỹ, thử thách về lòng tham của con người trước những cám dỗ của cuộc đời.

Tôi nghĩ, “không tham lam những gì không phải của mình” là một bài học đơn giản nhưng chắc gì trong chúng ta thực hiện được điều đó?

Hãy nhớ: “Ở hiền gặp lành”. 



*****

Phần nhận xét hiển thị trên trang