Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Chọn Thiên đường hay Địa ngục ?


Một chàng trai Việt sau bữa cơm chiều ngồi xem TV để biết hôm nay lãnh đạo chia nhau đi thăm và chém giớ ở những tỉnh nào, tiếp đón lãnh tụ các nước nào đến thăm... Nhưng xem chán quá nên anh ta ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng dưng anh ta thấy mình đã chết và đang ngồi chờ ở văn phòng "phán xét". Khi được gọi tên, anh được người giữ sổ sách cho biết là tên anh không có trong danh sách được nhập Thiên Đàng hay xuống Địa Ngục hôm nay mà phải chờ 2 hôm sau. Thế cho anh được quyền lựa chọn bằng cách thử sống tại mỗi nơi một ngày rồi sau đó sẽ tự quyết định chỗ ở cuối cùng.
Image result for Thiên đường hay Địa ngục
Lẽ dĩ nhiên là anh chọn Thiên Đàng trước. Cả ngày hôm đó anh được gặp nhiều người rất trí thức, đạo mạo, nói chuyện văn chương và đạo đức. Thức ăn thì hầu hết là rau và hoa quả, và uống toàn nước suối trong vắt. Trò giải trí là những bài hát êm dịu, tiếng đàn nhẹ nhàng. Trò chơi "mạnh" nhất là nhảy chuyền từ cụm mây này qua cụm mây khác ...

Ngày hôm sau anh ta được cho xuống Địa Ngục để sống thử. Vừa đến nơi, anh ta được tiếp đón bằng những cô gái xinh đẹp ăn mặc theo kiểu dân đảo Hawaii, họ choàng lên cổ anh ba bốn vòng hoa thơm ngát và tặng cho anh những nụ hôn muốn phỏng cả hai bên má ... Rồi thì rượu tuôn tràn, nhạc khích động rầm rộ, mọi người ăn uống, nhảy nhót vui vẻ. Anh được Satan dắt đi giới thiệu với một số người quyền cao chức trọng. Anh chợt nhận ra Satan quả là một người lịch thiệp, khác hẳn với những gì anh đã từng nghe nói. Cuộc vui kéo dài cho đến chiều, rồi anh được đưa về một căn phòng thật lộng lẫy. Sau khi tắm rửa, anh lại được mấy cô xinh đẹp cho một màn tẩm quất (massage) chưa từng có trong đời... và anh thiếp đi trong giấc ngủ tuyệt vời ...
Sáng hôm sau, khi người giữ sổ chưa kịp dứt câu hỏi, anh đã trả lời ngay là: "Muốn xuống Địa Ngục". Người giữ sổ điền tên anh vào sổ Địa Ngục và chỉ cho anh cánh cửa để đi vào. Anh ta mừng quá, mở cánh cửa chạy ngay vào. Nhưng anh ta hoảng vía vì nhận ra mình đang rơi vào khoảng không, và rồi ngã lăn queo bên cạnh một đống rác hôi thối. Trong bóng tối mập mờ, anh ta nhìn thấy lố nhố những người gầy gò, rách rưới, bẩn thỉu đang giành nhau tìm đồ ăn thừa trong đống rác. Anh đang ngơ ngác thì một con quỷ tiến đến, buộc dây xích vào cổ, đưa cho một chiếc xẻng rồi nói: "Mới xuống thì phải làm việc ba ngày sau mới được đến đây ăn". Đang hoảng sợ thì chợt thấy quỷ Satan đi đến. Anh ta vội nói: "Tại sao lại thế này? Đây có phải là Địa Ngục không? Hôm qua đâu có như thế này! ..." Quỷ Satan cho anh ta mấy cái tát choáng váng và nói: 

"Đúng, đây là Địa Ngục. Hôm qua là ngày chúng tao tuyên truyền, vận động để dụ dỗ chúng mày. Rất vui khi thấy mày đã tự nguyện chọn xuống đây với chúng tao."


ST.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tưởng ai cũng biết, hóa ra không phải!


CỰU VÀ NGUYÊN
  Ở các nước trên thế giới mỗi khi một ông to mãn nhiệm, người ta đều gọi là "cựu", ví dụ cựu tổng thống, cựu thủ tướng, cựu bộ trưởng, và sau khi cựu rồi thì họ tìm một cuộc sống khác, nghề khác...

Việt Nam thì không thế. Khi đã mãn nhiệm rồi, đã về hưu rồi, thì cứ vẫn là "nguyên". Ví dụ nguyên TW, nguyên chủ tịch, nguyên bộ trưởng... Tại sao không cựu mà lại nguyên? Tôi nghĩ mãi, không phải là do tập quán dùng từ của người Việt, mà là có lẽ nó có nghĩa riêng đó. Nguyên có nghĩa là vẫn nguyên đặc quyền đặc lợi, vẫn nguyên các tiêu chuẩn, chính sách đã quy định, nguyên các bổng lộc dành riếng cho họ. Có lẽ vì thế cho nên ông Vũ Huy Hoàng khi đã hết chức rồi, mãn nhiệm rồi, còn gì mà cách nữa? Thật là vô lí. Ấy vậy mà có lí đấy. Ấy là cách cái chưc mang cái "nguyên' rất nhiều quyền lợi bổng lộc của ông ấy, từ nay ông ấy không còn "nguyên" nữa. Cắt chữ ấy cũng đau lắm đó, bởi dù giàu nứt đố đổ vach người ta vẫn tham. Không biết nói thế có phải hay không? Còn như vẫn "nguyên" thì nhân dân còn phải è cổ ra mà cung đốn thêm nhiều cho họ cho đến khi họ hết đời.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Nha Trang ngày về"


Cứ mỗi lần ghé Nha Trang là tôi nhớ đến ca khúc bất hủ "Nha Trang ngày về" của Phạm Duy. Nhưng mỗi lần về Nha Trang là mỗi lần trải nghiệm những cái mới không hẳn là tốt đẹp. Cái thành phố biển Nha Trang thơ mộng trong ca khúc đó, cái cảnh "mình tôi trên bãi khuya" chỉ còn là hoài niệm trong tâm tưởng mà thôi, vì Nha Trang ngày nay đã thành một Pattaya phiên bản Việt Nam.



Người Nga ở Nha Trang

Ở Nha Trang có rất nhiều du khách người Nga và người Tàu. Tôi sẽ nói cảm nhận cá nhân về người Nga trước. Tôi không biết bắt đầu từ đâu để mô tả cảm nhận cá nhân về người Nga ở Nha Trang. Nhưng cảm giác chung là thấy khó hoà nhập với những người khách này, một phần là do bất đồng ngôn ngữ, nhưng phần khác có lẽ là do phong cách của họ.

Khác với du khách Tàu thích chụp hình, du khách Nga thích tắm biển. Bãi biển nào cũng đầy người Nga, và rất dễ nhận dạng họ. Họ trắng (dĩ nhiên), nhưng rất béo phì, người nào người nấy trông như là thuộc thành phần kinh tế thấp. Không biết mấy du khách này bên Nga thuộc thành phần kinh tế nào, nhưng ở đây họ là những du khách kém thân thiện, kém văn minh, thiếu lịch sự, và có khi thô lỗ. Nghe các nhân viên phục vụ nhà hàng và quán ăn nói về du khách Nga, tôi chỉ biết lắc đầu khó tin.

Chẳng hạn như họ rất tiết kiệm nụ cười. Tôi chưa thấy du khách Nga nào cười, dù chỉ là cười bằng mắt, để chào một người du khách đồng hành trên biển. Họ nhìn mình như nhìn một du khách nào đó với ánh mắt lạnh lùng, thiếu thiện cảm. Hình như đại đa số họ không biết tiếng Anh, nên dù mình có hỏi một câu thân thiện, họ vẫn nhìn mình không trả lời mà cũng chẳng cười, giống như nhìn ... hình sự. Anh bạn đồng hành của tôi than phiền "sao họ mất lịch sự thế", còn tôi thì chặc lưỡi an ủi: họ là con cháu của Lenin mà.

Chẳng hạn như cái đặc điểm béo phì. Khác với dân tắm biển phương Tây (vd Mĩ, Pháp, Anh, Úc, Đức) vốn có thân hình thon thả, quần áo tắm màu mè, hay nói chung là "civilized", người Nga thích phô trương cái thân thể "hộ pháp" béo phì trùng trục của họ, trông rất kì cục; còn đàn bà thì người nào cũng quá cân và nặng nề, giông giống như mấy người phụ nữ Ả rập tôi thấy bên Úc, trông rất ... oải. Một anh taxi nói trước đây có thanh niên thích ngắm biển và tiện ngắm luôn các cô gái Tây Mĩ ở bãi biển Nha Trang, nhưng từ ngày có người Nga đến, các thanh niên địa phương chẳng ai muốn ngắm biển nữa!

Hay chẳng hạn như tính văn minh, lịch thiệp. Có khi sự phiền phức rất nhỏ nhưng nó giúp tôi so sánh cái văn minh của người Âu Mĩ và người Nga. Khách sạn tôi ở có nhiều khách Nga. Cứ mỗi lần tôi bước ra khỏi thang máy là mỗi lần tôi phải nói nhỏ "excuse me", vì những cái thân thể khổng lồ kia đứng ngay trước cửa thang máy chắn lối đi. Hình như họ không có thói quen nhường cho khách trong thang máy (?), nên vô tư đứng như thế. Mà, với những cái thân hình lượng mỡ nhiều hơn cơ và trang phục luộm thuộm như thế thì rất ư là phản cảm. Còn ở các nước khác, kể cả Thái Lan, người ta lịch sự nhường cho mọi người bước ra khỏi thang máy. Có lần trong một khách sạn 5 sao, tôi và anh đồng nghiệp người Úc kinh ngạc khi thấy mấy người Nga trong bộ đồ tắm đầy nước và cát, còn tay thì cầm điếu thuốc lá ngay giữa đại sảnh! Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy mấy người Nga ở đây hành xử kém văn minh như thế, vì tôi nghĩ họ hơn Tàu xa chứ.

Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần nhìn mấy người Nga này tôi lại nhớ đến cái nước gọi là "Liên Xô" và những cái hệ quả nó để lại cho VN. Nhớ hôm "tán dóc" với người phụ trách cái hồ bơi của khách sạn, khi được hỏi về du khách Tàu và Nga, anh ta ngán ngẩm than "tôi rầu với mấy ông xhcn này quá, anh ơi!" Cái căn cước của mấy du khách này vẫn còn ám ảnh người Việt Nam và làm hại kĩ nghệ du lịch VN.

Nhớ thời thập niên 1980 Nhà văn Duyên Anh có xuất bản cuốn tiểu thuyết có tựa đề là "Một người Nga ở Sài Gòn". Cuốn tiểu thuyết viết về một kĩ sư dầu khí người Nga sang VN làm "chuyên gia", anh ta gặp và yêu một cô gái Việt xuất thân từ chế độ VNCH. Cô gái khinh bỉ anh kĩ sư và chửi anh thậm tệ, vì cô xem những người Nga như là đám người kém văn minh và đi xâm lăng VN. Thế nhưng chàng kĩ sư vốn xuất thân từ một gia đình trung lưu vẫn yêu cô gái Việt. Tuy nhiên, cơ quan của anh ta phản đối, không chấp nhận cuộc tình dị chủng và nhất là một cô gái "nguỵ". Thế là anh chàng kĩ sư tự sát chết, còn nàng thì cũng "gian nan" với chính quyền.

Sáng tác "Một người Nga ở Sài Gòn" ít được độc giả trong nước biết đến, nhưng đó là một trong những sáng tác có giá trị của Duyên Anh. Trong sáng tác này, Duyên Anh mượn câu chuyện tình dị chủng để nói lên suy tư của ông về thân phận con người trong mối tương quan dằn xé của chủ nghĩa toàn trị và ý thức hệ. Ông tự hỏi "Nhưng liệu con người có được gần gũi, san sẽ và thương yêu con người mà không bị móng vuốt của chủ nghĩa cào cấu chảy máu không?"

Người Nga ở Nha Trang ngày nay sang VN trong một tư thế rất khác với người kĩ sư trong "Một người Nga ở Sài Gòn", vì họ là du khách. Trên lí thuyết, họ giúp làm giàu Việt Nam, vì tạo ra công ăn việc làm cho người địa phương. Nhưng trong thực tế thì sự có mặt của họ làm cho kĩ nghệ du lịch VN nghèo đi. Mấy năm trước khi người Nga (và nay lại thêm người Tàu) đổ bộ, Nha Trang là điểm đến số 1 của du khách phương Tây và Mĩ, nhưng ngày nay hễ chỗ nào có du khách Nga, thì chỗ đó không có du khách Tây. Du khách Tây thậm chí còn khuyên đồng hương họ là nên bỏ qua Nha Trang trong hành trình thăm VN!

Dĩ nhiên, ở VN vẫn còn có nhiều người (nhất là người miền bắc) sùng bái Nga, nên hễ ai nói gì không hay về người Nga là họ sừng sộ phản đối cứ như là họ tự thấy mình bị xúc phạm! Sự trung thành của mấy người này dành cho Nga thật là đáng nể, và nó cũng giải thích tại sao đất nước này có quá nhiều người sẵn sàng xả thân vì ngoại bang và mãi mãi lệ thuộc ngoại bang. (Thú thật, tôi ở Úc hơn 35 năm và mang quốc tịch Úc, mà nếu có ai nói dân Úc xấu xí, ngu xuẩn, tôi không hề thấy buồn lòng dù chỉ 1 giây).

Người Tàu ở Nha Trang

Nha Trang cũng có rất nhiều du khách Tàu. Du khách Tàu đi đến đâu là đem theo những thói hư tật xấu của họ đến đó. Họ ồn ào, họ mất lịch sự, họ thiếu văn minh, họ ngông nghênh, họ phô trương, họ hám ăn, v.v. Nghe các tiếp viên nhà hàng ở đây "hài tội" của du khách Tàu cứ như là nghe một câu chuyện không có hồi kết -- never ending story.

Cái thói háu ăn của du khách Tàu ghê gớm đến nỗi nhà hàng không dám mở buffet cho họ vì chỉ có lỗ! Khi chúng tôi đang ngồi ăn cơm, một đoàn Tàu vào xí xô xí xào chỉ vào chúng tôi, làm tôi giật mình chẳng biết chuyện gì xảy ra. Hoá ra, họ muốn ăn món canh chua và cá kho tộ như chúng tôi ăn. Nhưng cái hành vi chỉ trỏ như vậy thiệt là kì cục, không hiểu nổi. Một hôm, khi chúng tôi đến quán ăn, chúng tôi chọn tầng trên cho yên tĩnh, ai dè sau đó một đoàn Tàu đến làm tan vỡ cái không gian của chúng tôi. Tôi chưa gặp một người dân Nha Trang nào mà có cảm tình với du khách Tàu ở đây.

Cũng như người Nga, du khách Tàu chẳng đem lại lợi ích gì đáng kể cho người địa phương và cho Nha Trang. Họ đến đây theo đàn, và họ dùng dịch vụ du lịch của họ ngay tại Nha Trang. Họ ít khi nào mua hàng VN mà thường thì "made in China". Nếu mua, họ rất thích cà phê và đậu phọng. Thậm chí, còn có quan chức hoặc gia đình quan chức tiếp tay cho những cánh tay nối dài của kĩ nghệ du lịch Tàu.

Sự có mặt của du khách Nga và Tàu ở Nha Trang cũng có nghĩa là thành phố này không thu hút được du khách giàu có từ phương Tây. Du khách Mĩ, Pháp, Úc hầu như vắng mặt ở Nha Trang, vì họ không thích hay không cảm thấy thoải mái trước sự hiện diện của hai nhóm người này. Ngay cả Việt kiều cũng "né" những nơi có đông người Nga và Tàu.

Thành ra, tuy VN nói là có tỉ lệ tăng trưởng cao về du lịch, nhưng tôi e rằng đó chỉ là một mặt của con số, vì sự tăng trưởng đó kém chất lượng, do chỉ thu hút khách có chất lượng kém như Nga và Tàu mà thôi.

Người dân dần dần mất Nha Trang

Ở một khía cạnh nào đó, Nha Trang không còn là của người Nha Trang. Người Nha Trang cảm thấy mất bãi biển, dần dần mất đất cho các tập đoàn buôn bán đất đai. Họ cảm thấy như là người ngoài cuộc trên mảnh đất mà cha ông để lại. Rốt cục là có hai thế giới ở Nha Trang. Một bên là người địa phương và một bên là du khách quốc tế. Một bên là hào nhoáng, ăn chơi, đàn đúm của người Nga và Tàu; một bên là lao động, cặm cụi làm mướn cho cái thế giới ăn chơi kia. Hai cái thế giới này chỉ cách nhau một vài con đường!

Những khách sạn sang trọng dọc theo bờ biển chỉ dành cho du khách (hay những người từ Hà Nội), chứ đâu phải của người địa phương. Chỉ cần không đầy 3 phút đi bộ thì chúng ta sẽ thấy một thế giới khác, thế giới Việt Nam. Người địa phương làm quần quật mỗi tháng cũng chỉ có thu nhập 3-4 triệu đồng mỗi tháng, chưa đủ tiền phòng một đêm ở khách sạn sang trọng trên con đường mang tên người vô sản trần phú. Và, họ cũng chẳng có nhu cầu để ở các khách sạn đó. Bãi biển Nha Trang chỉ thấy toàn người Nga, rất hiếm người địa phương. Có thể nói người Nha Trang (và cả người Việt chúng ta) đang dần dần mất cái bãi biển đẹp này vào tay các "đại gia".

Giá cả ở con đường du lịch Nha Trang đắt đỏ kinh khủng. Một cái quần jean hiệu Levi, không biết thật hay giả, giá gần gấp hai so với giá bên Mĩ (tính bằng USD)! Ngay cả hàng nội địa như An Phước giá cũng rất cao gấp hai hoặc gấp ba lần so với một cái áo của hãng Tommy hay Polo bên Mĩ. Tôi không rõ ai là khách hàng của những loại hàng này. Có lẽ chính vì thế mà du khách cũng ngần ngại tiêu tiền ở đây.

Viết về Nha Trang thì không thể nào viết đủ khi mình chưa có trải nghiệm đầy đủ. Nhưng cái ấn tượng làm tôi thất vọng nhiều nhất là thấy cái phố biển này thành một Pattaya. Trong cái Pattaya phiên bản Việt Nam này trống vắng cái biểu tượng văn hoá hay đang dần dần đánh mất nó. Thử tưởng tượng một thành phố như Nha Trang mà không có tiệm bán báo! Ấy vậy mà đó là một thực tế ở thành phố biển này. Tôi không tìm ra một tiệm bán báo tại khu trung tâm thành phố. Nguyên cái con đường dài dọc theo bờ biển không có một tiệm sách! Quán cà phê, quán ăn, quán nhậu thì đầy; nhà sách thì zero.

Có lẽ thực tế này nói lên sự nghèo nàn về văn hoá đọc. Nhưng tình trạng này xảy ra ở các tỉnh nói chung, và Nha Trang chỉ là một ca điển hình. Một thành phố cắm đầu vào phát triển kinh tế du lịch mà thiếu văn hoá thì có khác gì một thành phố thiếu linh hồn.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Danh tướng cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai


Một bạn mấy hôm rồi gửi cho tôi cái video clip vị thiếu tướng công an nói chuyện nội bộ. Lúc đầu mình hãi, biết đâu người ta lừa, mở ra bọn vi rút ùa vào máy thì bỏ bà, sau kiểm tra kỹ lưỡng nhiều cách thấy cũng ổn, liền tò mò. Bệnh tò mò ai chả có, nhiều ông thân bại danh liệt cũng chỉ bởi tò mò. Mình thân và danh về mo nên điếc không sợ súng cứ tò mò nghe, xem nó thế nào.

Ông thiếu tướng Rồng này tôi có biết. Hồi tôi còn dạy học, ổng là sinh viên vào học tiếng Nga ở trường tôi 1 năm, sau được thầy Phương Văn Dần đưa đi Liên Xô, tốt nghiệp về nước dạy ở Trường đại học Kinh tế, sau chuyển qua làm ở tạp chí Cộng sản, lên đến chức trưởng cơ quan đại diện tạp chí này tại TP.HCM (tạp chí của đảng có khác, xây tòa cao ốc to đùng ngay góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch, lúc đầu làm cái biển hiệu rõ to, sau cho bọn ngân hàng Dầu khí thuê, thấy biển hiệu chướng quá nên sửa nhỏ lại, chả biết tiền cho thuê có làm nghĩa vụ thuế không). Đùng một cái, vị quan chức tạp chí CS được đánh sang Bộ Công an, phong hàm thiếu tướng, giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng (rồi sau đổi thành Tổng cục Chính trị), kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND. Có người bảo cộng an họ gài người khắp nơi, lúc cần thì rút về; cũng có người nói tạp chí CS với Bộ CA thì cũng rứa, làm chỗ nào chả thế.

Lại nói về cái video clip. Thực ra cũng chỉ loanh quanh những thứ gọi là nửa kín nửa hở. Lừa được mấy ông già về hưu ôm sổ hưu. Buồn cười nhất là đến thời này mà từ mồm một vị tướng công an vẫn còn phát ra thứ tư duy cũ kỹ, đúng ra phải vứt vào sọt rác từ lâu rồi. Tinh dững khoe khoang, khen ta khéo léo, tài giỏi, giữ thế thượng phong, biết chuyển bại thành thắng, biết xoay chuyển tình hình, đảo ngược bàn cờ, bắt bọn này bọn kia phải làm theo ý mình... Kiểu như Tổng bí thư sang thăm Mỹ, ta bắt nó phải tiếp đón ở Nhà Trắng chứ không được ở nơi khác, nó cũng phải tuân theo... Thật ra cũng có thể xảy ra những điều như thế, mà thực chất đó chỉ là mấy thứ trò trẻ ranh, mưu mẹo vườn, láu tôm láu cá, dằn dỗi ăn vòi. Nghe những chuyện kiểu ấy, tôi lại nhớ có một thời suốt mấy chục năm người ta ca ngợi thắng lợi ở hội nghị Paris, nào là bắt kẻ thù phải ngồi bàn tròn để tư thế ngang nhau, từ 2 bên thành 4 bên để chính thức hóa mặt trận DTGP mà nó phải chịu, nào là đi cửa trước chứ không bao giờ theo cửa sau, nào là nó nói một câu thì mình cũng quật lại một câu, nó bắt tay mình thì ngay lập tức mình rút khăn mùi xoa lau luôn... Tức là tinh những trò vặt vãnh láu cá nhưng lại được tôn lên thành thắng lợi, vinh quang, đứng trên đầu thù...

Nghe xong video càng chán, tưởng thế nào, hóa ra tướng cũng không hơn tầm chủ nhiệm hợp tác xã ngày xưa.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tạm ngưng cấp giấy phép thủy điện: ‘Mất bò mới làm chuồng’



Các dự án thủy điện làm thay đổi dòng chảy khiến sạt lở tràn lan, rồi hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng hơn trước. (Hình: Báo Kinh Tế và Dự Báo)
Thủ tướng Việt Nam vừa yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể “tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái.”

Theo báo điện tử VnEconomy, trong công điện về thủy điện được gửi đến nhiều cơ quan hữu trách hồi cuối tuần vừa qua, thủ tướng Việt Nam còn yêu cầu gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện ở khu vực Tây Nguyên vì có nhiều “tác động bất lợi đến môi trường, xã hội.”

Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ, chấm dứt thực hiện các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng.

Bộ này còn được yêu cầu cùng với Bộ Tài Nguyên-Môi Trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt – giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa.

Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn cũng được yêu cầu tham gia buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế trong năm nay, thu hồi giấy phép nếu không chấp hành.

Công điện vừa kể thể hiện một thái độ hết sức rạch ròi, cứng rắn với các dự án thủy điện, đặc biệt là những dự án thủy điện tại khu vực Tây Nguyên, nhưng tiếc rằng quá trễ!

Đầu thập niên 2000, chính quyền Việt Nam bắt đầu phóng tay, cho phép thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện, đa số là thủy điện nhỏ và đã tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh.

Chẳng hạn, tại khu vực Tây Nguyên, ngoài chuyện nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng rất cẩu thả, dẫn đến xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng như vỡ đập, nứt đập… khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại, các công trình, dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.

Năm 2013, Ủy Ban Khoa Học-Công Nghệ-Môi Trường của Quốc Hội Việt Nam tiến hành thẩm tra các công trình thủy điện và xác định, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa tuân thủ quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Khoảng 30% đập chắn nước của các công trình thủy điện nhỏ chưa được kiểm định. Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.

Ủy ban này cho biết thêm rằng, từ năm 2006 đến 2012, Việt Nam có 160 dự án thủy điện đã chuyển 19,792 héc ta rừng thành đất xây dựng công trình thủy điện. Đến nay, diện tích rừng được trồng thay thế chỉ chừng 3.7%.

Năm 2014, chính quyền Việt Nam chính thức thừa nhận, những dự án thủy điện tại Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng. Chưa kể, chuyện xả lũ vô tội vạ của các công trình thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết thêm hàng trăm người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.

Tiếng là để tăng thêm nguồn điện nhưng từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung cùng thiếu. Hạn hán đang theo xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. 

Cũng vào thời điểm đó, nhiều đại biểu Quốc Hội Việt Nam bắt đầu chỉ trích kịch liệt việc phát triển thủy điện theo phong trào, khiến Việt Nam mất thêm hàng chục ngàn héc ta rừng và khiến dân chúng sống ở khu vực hạ lưu của các công trình thủy điện thường xuyên lo âu vì những rủi ro không thể dự báo. Những đại biểu quốc hội ấy cho rằng, phải truy cứu trách nhiệm cá nhân trong chuyện cho phép thực hiện tràn lan các công trình thủy điện.

Tuy nhiên, cho đến nay, chẳng có cơ quan nào đáp ứng các đòi hỏi này.

(Người Việt)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lái xe nhà Bí thư Nguyễn Xuân Anh Lương tháng 4 triệu sở hữu 12 lô đất ven biển Đà Nẵng giá trị hàng chục tỷ đồng



Trước thông tin 12 lô đất ven biển Đà Nẵng có giá trị hàng chục tỷ đồng lại được đứng tên bởi một người có mức thu nhập thấp, từng là lái xe nhiều năm cho bố ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng không khỏi khiến dư luận đặt nghi vấn. Mới đây, Bí thư Xuân Anh còn khẳng định: “Nếu ai phát hiện tôi có một lô đất nào ngoài căn nhà đang ở, tôi sẽ từ chức Bí thư Thành ủy”.

Thu nhập 4 triệu đồng/ tháng, tài xế nhà Bí thư Đà Nẵng sở hữu 12 lô đất vàng cạnh sân bay Nước Mặn
Mới nghe qua tuyên bố của ông Bí thư Đà Nẵng, nhiều người sẽ cho rằng ông quả là một cán bộ thanh liêm, mẫn cán. Đến nỗi gia đình ông từ đời cha Nguyễn Văn Chi, nguyên là Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đầy quyền lực, đến đời con là đương kim Bí thư Đà Nẵng, một thành phố trực thuộc Trung Ương, trái tim của miền Trung lại “không có khả năng” mua lô đất nào trên đường Võ Nguyên Giáp, cạnh sân bay nước mặn, và thậm chí không có một lô đất nào ngoài căn nhà ông đang ở. Phải chăng ông Xuân Anh là điển hình của cán bộ gương mẫu, nắm đầy quyền lực sinh sát trong tay nhưng không tham vật chất? Hay bản lĩnh che giấu quá tài tình, đến nỗi chiếc xe sang ông đi, Toyota Avalon Limited có giá thị trường 2,5 tỷ, cũng là do doanh nghiệp tặng, mà theo ông khẳng định là “không có tiêu cực”, và ông chỉ có duy nhất 1 căn nhà, không có căn thứ 2?

Về vụ nhận xe công, có tiêu cực hay không, xin mời ông Xuân Anh trả lời một số câu hỏi dưới đây: Theo Bí thư, “Hiện Đà Nẵng đang sử dụng 8 chiếc xe do doanh nghiệp tặng. Ngân sách thành phố chưa bỏ ra đồng nào để mua xe cho ông cả.” Nếu không có lợi ích gấp 10, gấp 100 giá trị mấy chiếc xe mới toanh ấy, có doanh nghiệp nào tự nhiên tặng xe cho các ông không? Trong thời buổi kinh tế khó khăn và nhiều biến động, doanh nghiệp phải vật lộn để có thể trụ phải có lợi, liệu có doanh nghiệp nào hào phóng như thế mà không có lợi ích hay không? 8 chiếc xe công siêu sang đều do doanh nghiệp tặng, nghe thì có vẻ Đà Nẵng dưới sự quản lý của Bí thư Xuân Anh đang tiết kiệm vài chục tỷ cho ngân sách quốc gia. Nhưng liệu có thật là tiết kiệm không hay đây là một hình thức hối lộ tài tình được che giấu kỹ dưới chiêu bài “biếu tặng”?

Mới đây, về vụ xe sang được doanh nghiệp “biếu” cho Thành ủy, Bí thư Xuân Anh cũng khẳng định “không có tiêu cực”
Quay trở lại việc ai là chủ nhân thật sự đứng sau các cá nhân người Việt để mua đất trên đường Võ Nguyên Giáp, cạnh sân bay quân sự Nước Mặn, dư luận đặt hàng loạt câu hỏi về trường hợp “đặc biệt” là ông Lý Phước Cang – một người dân ở thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có kinh tế thuộc diện trung bình nhưng lại đứng tên 12 lô đất ven biển, giá trị ước tính 60 tỷ đồng; nghi ngờ những lô đất này thật ra thuộc sở hữu của gia đình Bí thư Xuân Anh bởi ông Cang đã từng lái xe nhiều năm cho bố ông Xuân Anh nên việc đứng tên mua giùm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Về mối quan hệ giữa ông Cang và gia đình Bí thư, ông Xuân Anh nói như sau: “Anh Cang trước đây làm việc ở Hà Nội, quê ở Hòa Châu cùng quê mẹ tôi. Anh Cang không phải lái xe, mẹ tôi cho anh tá túc ở Hà Nội”. Xin hỏi một người cùng quê mà gia đình anh sẵn sàng cho tá túc chung ở Hà Nội, thì mối quan hệ ắt hẳn là thân tình, thân thiết chứ không phải chỉ là người cùng quê mẹ như Bí thư khẳng định. Ông Xuân Anh thừa nhận có quen biết với ông Cang nhưng chuyện đất đai thì không liên quan và khẳng định xin từ chức nếu phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, một người dân có mức thu nhập trung bình lại sở hữu tới 12 lô đất ven biển trị giá 60 tỷ đồng khiến dư luận không khỏi đặt nhiều nghi vấn. Liệu có tiêu cực xảy ra hay không?

Lý giải về việc mua 12 lô đất, ông Cang từng trả lời PV rằng: “Khi đi làm ăn tôi có tích lũy được ít tiền, trong số 12 lô đất tôi mua có một phần ít tiền của tôi, còn lại là tôi đứng tên mua giúp cho một người. Còn người đó là ai thì xin phép tôi không cung cấp cho báo chí được, vì đó là chuyện làm ăn riêng tư của chúng tôi”.

Vị trí các lô đất vàng liền kề sân bay quân sự Nước Mặn
Tuy nhiên, nghe tin con trai mua lô đất 60 tỷ ven biển Đà Nẵng, mẹ ông Cang là bà Vọng lại khá bất ngờ trước thông tin trên. Bà sửng sốt cho hay, gia đình khó khăn, làm không đủ ăn, Cang còn phải xin bà tiền mua sữa cho con và thậm chí vay tiền trả góp mua xe máy. “… Nó (ông Cang) làm việc ở sân bay nhưng lương tháng khoảng 4 triệu. Vợ nó là hộ lý ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, lương khoảng 2 triệu. Tổng thu nhập vợ chồng nó chỉ đủ ăn tiêu, đi đám cưới. Tiền mua sữa cho con của hai vợ chồng còn thiếu trước hụt sau, nhiều lần phải xin tiền tôi. Thậm chí tiền học nhiều lúc vợ chồng nó cũng xin tiền tôi để đóng. Tiền ăn uống trong gia đình tôi lo tất từ tiền lương hưu hơn 5 triệu của chồng. Kinh tế vợ chồng nó như vậy lấy đâu ra tiền mà mua đất đến 12 lô?…”, theo báo Trí Thức Trẻ.

Rõ ràng, với thu nhập hai vợ chồng 6 triệu/tháng, gia đình ông Cang thậm chí còn thiếu trước hụt sau thì tiền đâu mà mua 1 lô, chứ đừng nói 12 lô liền kề sân bay Cát Mặn? Ông Cang cũng thừa nhận “đứng tên mua giúp cho một người”, vậy người đó là ai mà tin tưởng, giao cho ông Cang đứng tên 12 lô đất với giá trị khoảng 60 tỷ đồng như thế? Tại sao lại phải “nhờ”, nếu như không phải là để che giấu danh tính, che mắt dư luận?

Việc ông Cang sở hữu 12 lô đất giá trị ven biển Đà Nẵng đã gây xôn xao dư luận thời gian qua với nhiều nghi vấn. Đặc biệt những lô đất này đều sát với sân bay quân sự Nước Mặn – một vị trí then chốt để phòng thủ bờ biển Đà Nẵng. Người mà ông Cang đứng tên mua giúp là ai? Và ai là người trung gian giúp cho giao dịch mua bán này được thành công? Đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Thùy Anh  

(FB Sự Thật Việt Nam)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Trung Quốc “thâu tóm” đất ven biển Đà Nẵng


Đặng Trung Hội

Petrotimes - Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) lợi dụng những sơ hở về Luật Đầu tư 2014 và sự buông lỏng quản lý để “thâu tóm” đất đai ven biển Đà Nẵng.

Kẽ hở

Trong buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành của Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đào Quang Thu dẫn đầu mới đây, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố Đà Nẵng đã phản ảnh, Luật Đầu tư 2014 và các văn bản có liên quan còn nhiều kẽ hở.

Lợi dụng những kẽ hở đó, không ít người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc đã lợi dụng để “thâu tóm” nhiều diện tích đất ở ven biển thành phố Đà Nẵng. Tình trạng này không chỉ làm cho môi trường đầu tư ở Đà Nẵng trở nên “lộn xộn”, mà còn gây những hậu quả khôn lường.

Cách “lách luật” của những đối tượng này không có gì là mới, không có gì là quá tinh vi, nhưng lại rất dễ dàng để hợp thức hóa. Ví dụ: một người nào đó là “công dân Việt Nam”, bỏ tiền ra mua đất. Việc mua bán ấy là hợp pháp, khi làm thủ tục, không có lý do gì Sở Tài nguyên và Môi trường không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.

Khi có giấy tờ hợp lệ họ thành lập doanh nghiệp, tất nhiên là không khó khăn gì. Sau đó chính doanh nghiệp này liên doanh với một doanh nghiệp Trung Quốc, với tỷ lệ góp vốn “49-51”, có nghĩa là doanh nghiệp Trung Quốc góp vốn 49% và doanh nghiệp trong nước 51%. Theo Luật Đầu tư như vậy là hợp lệ.

Khi trở thành đất của “doanh nghiệp” rồi, việc xây dựng như thế nào là do doanh nghiệp quyết định. Không hiếm những trường hợp sau khi hoàn thành thủ tục “sang tên” từ cá nhân sang “doanh nghiệp”, người ta nhanh chóng xây dựng khách sạn, nhà hàng…

Việc “thâu tóm” đất bắt đầu từ giai đoạn này. Theo Luật Doanh nghiệp, việc chuyển đổi cổ đông là hết sức bình thường. Hầu hết số các doanh nghiệp liên doanh này không lâu sau đó, trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài!? Vậy là miếng đất đó nghiễm nhiên thuộc về họ. Và một khi họ toàn quyền sử dụng, thì họ “làm trời, làm đất” gì trong đó ai mà biết được.

“Hở” là chính chỗ này. Luật thì không quy định cho hay không cho việc góp vốn bằng… đất. Về danh nghĩa người nước ngoài sở hữu doanh nghiệp đó, chứ không sở hữu đất, nhưng bản chất của vấn đề, trong tài sản của doanh nghiệp có miếng đất đó.

Luật Đất đai hiện hành không cho người nước ngoài sở hữu đất, nhưng khổ nỗi đây là “doanh nghiệp” sở hữu đất chứ không phải cá nhân người nước ngoài A, B… nào đó. Mà cái gọi là “doanh nghiệp” 100% vốn nước ngoài sở hữu đất, thì đất ấy thuộc về người nước ngoài, chứ còn thuộc về ai nữa!?

Chỉ bằng những thủ đoạn hết sức đơn giản như vậy, không biết tại Đà Nẵng có bao nhiêu miếng đất ở những khu vực trọng yếu đã “lọt” vào tay người Trung Quốc. Dọc trục đường Võ Nguyên Giáp ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn nhan nhản nhà hàng, khách sạn mang biển hiệu bằng chữ Trung Quốc!?

Từ tham thành… “Việt gian”

Không quá lời khi nói như vậy khi một số người vì lòng tham, đã cam tâm làm “tay trong” cho người Trung Quốc, thâu tóm đất đai ở khu vực sân bay Nước Mặn, thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Cách đây không lâu, chúng tôi đã có bài viết “Người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng để làm gì”, phản ảnh thực trạng người Trung Quốc “núp bóng” người Việt Nam thâu tóm nhiều lô đất nằm kề sân bay Nước Mặn.

Theo cung cấp của lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn và tìm hiểu của chúng tôi tại thời điểm phản ảnh trong bài báo nêu trên, có tới 71 người Việt Nam đã thu gom đến 138 lô đất cho người Trung Quốc, với diện tích xấp xỉ 8.000m2. Đấy là chưa kể các tình trạng tương tự ở các quận ven biển khác như Sơn Trà, Liên Chiểu…

Sau khi có thông tin từ báo chí, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có chủ trương tạm dừng thi công một số công trình cao tầng sát Sân bay Nước Mặn bằng Văn bản số 1123/UBND-QLĐTh, do Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký ngày 17-2-2016, để điều chỉnh quy hoạch về quản lý quy hoạch kiến trúc của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Trước đó, ngày 2-2-2016, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có Văn bản số 1004/SXD-QLKT yêu cầu ngừng thi công và thu hồi Giấy phép xây dựng số 521/GPXD mà Sở này đã cấp cho Công ty TNHH TM-DL&DV VN.HO.LI.DAY ngày 15-4-2015 để xây dựng công trình tại các lô 20, 21, 22-B4.3 vệt biệt thự dọc tường rào Sân bay Nước Mặn.

Ngày 25-2, Sở này cũng có Văn bản số 1215 yêu cầu ông Trần Minh Phi, đứng tên chủ đầu tư công trình tại lô số 19-B4.3 vệt biệt thự dọc tường rào Sân bay Nước Mặn ngừng ngay việc thi công công trình này theo Giấy phép xây dựng số 1507 đã được Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp ngày 25-9-2015.

Những vấn đề xác minh làm rõ, liệu có “tay trong” thâu tóm đất đai cho người Trung Quốc hay không, cho đến nay chưa có bất cứ thông báo kết luận nào. Dù rằng lãnh đạo thành phố đã có chủ trương tạm dừng thi công các công trình nêu trên, song việc xây dựng ở đây vẫn đang tiếp tục diễn ra. Nhiều công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Có những công trình mới “động thổ” để khởi công xây dựng mới… tóm lại “công trường” xây dựng ở đây vẫn rất nhộn nhịp, như không có chuyện gì xảy ra. Người dân địa phương không hiểu quyết định “tạm dừng” của thành phố có còn hiệu lực, hay là đã thay đổi!?

Vì lợi ích cá nhân, nhiều người Việt Nam cam tâm làm tay trong cho người Trung Quốc. Từ hướng dẫn viên du lịch “bù nhìn”; đến các công ty liên kết với công ty du lịch Trung Quốc tự tung tự tác trong thời gian vừa qua, “giúp” người Trung Quốc “làm xiếc” về đất đai… đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng.

Sân bay Nước Mặn bị…“bao vây”

Không chỉ bị “bao vây”, mà còn bị “khống chế” nếu có tình huống xấu xảy ra. Nói như vậy vì tại đây có rất nhiều nhà cao tầng áp sát. Ở vị trí và độ cao lý tưởng, Sân bay Nước Mặn “nhất cử, nhất động”, đều không thể qua mắt được sự “nhòm ngó” cả ban ngày lẫn ban đêm của các công trình này.

Việc một số công trình sát hàng rào Sân bay Nước Mặn tiếp tục thi công, tiếp tục nâng độ cao sau khi có văn bản của UBND thành phố về việc tạm dừng tiếp tục diễn ra thì liệu rằng văn bản ấy có còn hiệu lực hay không?

Chẳng ai có thể thay UBND thành phố Đà Nẵng được. Song mới đây có một vài ý kiến từ Sở Xây dựng thành phố, đại ý rằng: Các công trình ấy được cấp Giấy phép xây dựng từ năm 2012, vừa rồi tạm dừng (chứ không phải dừng hẳn) là để rà soát, kiểm tra. Sau kiểm tra, họ không sai thì tiếp tục được làm chứ làm sao cấm.

Về lý, đúng là như vậy. Và không chỉ các công trình ấy, ở phía đối diện có những khách sạn cao cả “chục tầng”, nghĩa là cao hơn những công trình này nhiều còn được xây dựng, huống hồ…

Chỉ cảm thấy lạ và băn khoăn, việc xây dựng các công trình khách sạn ở gần sân bay như vậy, có độ cao quá mức cho phép, không chỉ toàn bộ sân bay mà cả các khu vực lân cận, kể cả các trận địa phòng không, thì không thể không có ý kiến cho phép từ Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng).


Liệu có sơ hở hoặc chủ quan trong quá trình cấp phép cho các công trình này không! Dư luận băn khoăn chính ở điểm này. Và nữa, các công trình này như đã trình bày ở phần đầu, phần lớn được người Trung Quốc “làm xiếc” và họ đã chính thức “làm chủ”.

Đây mới là điều nguy hiểm và nguy hại đối với Sân bay Nước Mặn nói riêng và thế trận phòng thủ ven biển ở khu vực trọng yếu này nói chung. Còn nhớ, trong các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, Đà Nẵng là điểm đổ bộ của những tên lính đầu tiên. Với sự bị “khống chế” như thế này, không hiểu khi có tình huống thì xoay trở như thế nào!?

Có thể nói, việc xây dựng nhà cao tầng “nhòm ngó” sân bay Nước Mặn và khu vực lân cận là chuyện đã rồi. Bằng mắt thường cũng đã thấy những điều nguy hại hiển hiện.

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị, cần có sự kiểm tra, đánh giá thật nghiêm túc từ phía lãnh đạo của cả chính quyền thành phố Đà Nẵng và Quân khu 5, cùng các cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng về sự việc này. Cần thiết phải rà soát lại tổng thể, để có phương án xử lý thấu đáo và hiệu quả. Mọi sự lơi là hoặc “châm chước” cho qua chuyện là chúng ta đã “nhân nhượng” trước ý đồ đen tối của người Trung Quốc.

Phải “bịt” ngay “kẽ hở”

Việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Tình trạng người nước ngoài nói chung, người Trung Quốc nói riêng đang “thâu tóm” đất ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng, có nguyên nhân từ những “kẽ hở” của luật.

Tìm đến tận căn nguyên của các khách sạn cao tầng đang “nhòm ngó” Sân bay Nước Mặn, đang “khống chế” được cả khu vực, cũng xuất phát chính từ “kẽ hở” của luật. Phải “bịt” ngay những “kẽ hở” này thì mới không có những cái sai tương tự xảy ra với những nơi khác.

Câu chuyện các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc thao túng thị trường du lịch ở Nha Trang và cả Đà Nẵng, suy cho cùng cũng do kẽ hở từ luật. Họ sở hữu đất đai, sở hữu được doanh nghiệp. Họ không ngây thơ khi làm tour giá thấp, thậm chí là chịu lỗ tiền vé máy bay. Nhưng xin thưa, họ thu lời từ sự “móc túi” chính du khách của họ bằng tour khép kín từ: ăn, ở, đi lại, mua sắm…

Đà Nẵng cũng bị mất tiền oan vì những tour kiểu này, một khi đã “khép kín” thì làm sao thu được thuế. Không chỉ vậy còn bị mang tiếng “oan’ là “chặt chém”, là hàng hóa “kém chất lượng” từ chính sự thao túng của doanh nghiệp du lịch Trung Quốc.

Trong phần kiến nghị với đoàn công tác liên ngành của Chính phủ mới đây, Sở KH&ĐT Đà Nẵng kiến nghị với đoàn, đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội bổ sung vào Luật Đầu tư hiện hành những điều cụ thể như sau: “Đối với việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp”.

Hiện nay do chưa có phần mềm liên thông giữa đăng ký kinh doanh và việc thông báo đủ điều góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam, vì vậy, công tác thống kê thu hút đầu tư theo hình thức này đang gặp rất nhiều khó khăn, không đầy đủ và thiếu chặt chẽ.

Sở KH&ĐT Đà Nẵng cũng kiến nghị với đoàn công tác và Bộ KH&ĐT: Đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng hệ thống phần mềm này hoặc xây dựng ghép với phần mềm liên thông trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo chúng tôi những phát hiện và đề nghị của Sở KH&ĐT Đà Nẵng, trước mắt là để “bịt” những “kẽ hở”. Vấn đề căn cơ là phải rà soát lại thật kỹ những bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư để trình Quốc hội thông qua, chứ không phải khi thực hiện, phát hiện có “vấn đề” là lại đề nghị một cách manh mún, chẳng ai làm như vậy cả.
***

Những điều “bất an” ở quận Ngũ Hành Sơn

Hiện nay trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; đặc biệt là khu vực kề Sân bay Nước Mặn, ra đường là “gặp người Trung Quốc”. Tại đây đã mọc lên nhiều nhà hàng, khách sạn do người Trung Quốc làm chủ. Nhìn bảng, biển họ trưng lên, rồi qua giao tiếp, nơi đây chẳng khác gì “phố” của người Trung Quốc!

Đã có tới 246 lô đất kề Sân bay Nước Mặn do người Trung Quốc “núp bóng” dưới danh nghĩa các doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam đứng tên. Có đến 77 lô “đứng tên” các “công ty” và 74 lô đất do cá nhân mua ít nhất từ 2 lô trở lên. Và 95 lô/95 người mua. Xin được nêu một số danh sách sau: các Công ty đang quản lý 77 lô, gồm: Công ty TNHH TM Du lịch & DV V.N.Holiday: 24 lô; Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi: 17; Công ty TNHH TM & DV Hoàng Gia Trung: 12 lô; Công ty TNHH TM Du lịch & DV Nguyên Thịnh Vượng: 10 lô; Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp: 7 lô; Công ty TNHH Thương mại Du lịch và DV Silverk Park: 4 lô và Công ty TNHH Du lịch TM và DV Golden Wyn: 3 lô.

Có 74 lô đất do các cá nhân mua từ 2 lô trở lên. Trong đó, mua nhiều nhất là ông Lý Phước Cang (ngụ tại Đà Nẵng) đứng tên mua 12 lô đất, ông Lê Thanh Hà (TP HCM) mua 6 lô. Thông qua nguồn tin mà chúng tôi tìm hiểu, hầu hết các công ty đang quản lý 77 lô đất kể trên, đứng đằng sau đều là do người Trung Quốc sở hữu

Ngày ông Nguyễn Điểu làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, đích thân ông đã bỏ thời gian rà soát những công ty cổ phần xin phép thành lập trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và đã phát hiện nhiều trường hợp các doanh nghiệp có người Việt Nam đứng tên chung với người Trung Quốc; tại các doanh nghiệp này hầu như cổ phần của người Trung Quốc hơn người Việt Nam gấp nhiều lần. Một cách “thôn tính” đất đai hết sức nhẹ nhàng và đúng luật!?

Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch phường Khuê Mỹ, trong buổi nói chuyện với chúng tôi đã dẫn ra nhiều câu chuyện người Trung Quốc có những dấu hiệu gây mất ổn định trên địa bàn. Vụ việc người đàn ông Trung Quốc bị bắn vào ngày 26-11-2015, tại số nhà 184/22 đường Nguyễn Duy Hiệu là một ví dụ. Người đàn ông Trung Quốc này đã có thời gian làm “du lịch chui” và đã từng bị phạt và trục xuất; giờ lại sang đây “lấy vợ chui” và bị chính người Trung Quốc sát hại.

Trong năm 2015, quận Ngũ Hành Sơn đã xử lý 11 vụ việc liên quan tới người nước ngoài vi phạm an ninh trật tự, trong đó có một số vụ liên quan đến tai nạn, lừa đảo. Nổi bật nhất là vụ nhóm người Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt 20.000USD rồi cao chạy xa bay.

Phần nhận xét hiển thị trên trang