Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Khối tài sản ‘kỳ lạ’ của người nhiều tiền nhất sàn chứng khoán Việt


15/03/2017 - Từ đầu năm 2017 đến nay, cổ phiếu ROS tăng một mạch gần 70.000 đồng, đẩy khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết tăng gần 18.000 tỷ đồng chỉ sau một quý. 
Chỉ trong quý I, ông Trịnh Văn Quyết đã gia tăng khối tài sản 
của mình thêm gần 18.000 tỷ đồng. Đồ họa: Quang Thắng.

Cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sự kiện hoán đổi vị trí người giàu nhất Việt Nam giữa 2 ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Thời điểm đó, khối tài sản của ông chủ FLC vào khoảng hơn 34.000 tỷ đồng đến từ 289,6 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần FLC Faros) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 17,9% cổ phần). Chênh lệch giữa 2 người giàu nhất Việt Nam khi đó chưa tới 2.000 tỷ đồng.

Mỗi ngày kiếm 200 tỷ đồng

Đến nay, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn ở ngưỡng gần 32.000 tỷ đồng, không thay đổi quá nhiều so với giai đoạn đầu năm.

Tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng đến từ 723,96 triệu cổ phiếu VIC mà ông nắm giữ. Đây cũng là mã cổ phiếu được các chuyên gia tài chính đánh giá có mức độ ổn định hàng đầu trên sàn HOSE.

Kể từ đầu năm 2017, biên độ dao động thị giá của VIC chỉ chưa đến 1%, ở quanh mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu, thị giá hiện tại là 44.100 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã lên tới 51.696 tỷ đồng (tương đương 2,28 tỷ đôla), tăng gần 18.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu đôla) chỉ sau một quý.

Như vậy trung bình mỗi ngày trong quý này, tài sản của người giàu nhất sàn chứng khoán Việt tăng 200 tỷ đồng. Khoảng cách giữa người giàu nhất Việt Nam hiện nay với người xếp thứ 2, là tỷ phú đôla Phạm Nhật Vương, lên tới gần 20.000 tỷ đồng.
Đường lên "kỳ lạ" của khối tài sản khổng lồ

Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu FLC đã tăng 2.470 đồng/cổ phiếu (tương đương tăng 47%). Hiện mỗi cổ phiếu này được giao dịch với giá 7.700 đồng. Nhưng mức tăng 47% của FLC cũng chỉ giúp tài sản ông Quyết tăng thêm hơn 282 tỷ đồng.

Chất xúc tác khiến tài sản của ông chủ FLC tăng vọt trong quý I chính là đà tăng "kỳ lạ" của cổ phiếu ROS.

Từ giữa tháng 12/2016 đến nay, cổ phiếu ROS luôn trong sắc xanh. Cụ thể, tính từ phiên giao dịch ngày 14/12/2016 đến nay, qua 59 phiên giao dịch chỉ ghi nhận 1 phiên cổ phiếu ROS đứng giá (phiên 9/1) và 1 phiên giảm giá 0,6% (phiên 8/3), còn lại đều tăng giá với biên độ từ 0,6-6,9%.

Cổ phiếu ROS cũng tạo ra kỷ lục trên sàn giao dịch chứng khoán, khi sở hữu đà tăng 35 phiên giao dịch liên tiếp.

Cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE từ ngày 1/9/2016, với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu này đạt đỉnh với giá 176.000 đồng/cổ phiếu, gấp 17 lần giá tham chiếu và là cổ phiếu có thị giá cao thứ 4 trên sàn HOSE.

Hiện tại, ROS đang giao dịch với giá 176.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 70% kể từ giữa tháng 12/2016.

Thị giá cổ phiếu đạt đỉnh giúp FLC Faros xếp thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, với 75.465 tỷ đồng, trên cả cổ phiếu của Vietinbank (66.649 tỷ đồng); BIDV (56.067 tỷ đồng) hay Tập đoàn Masan (49.572 tỷ đồng).

ROS cũng đóng góp vào khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tới 50.962 tỷ đồng, chiếm 98,5% tổng tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia này.

Chu kỳ tăng giá của cổ phiếu ROS từ phiên giao dịch ngày 14/12/2016 đến nay. Đồ họa: Quang Thắng.

Điều đáng chú ý của lượng giao dịch cổ phiếu ROS trong chu kỳ tăng giá “kỳ lạ” vừa qua là trong tất cả phiên đều ghi nhận khối lượng mua vào cao gấp nhiều lần lượng bán ra.

Trong khi những phiên giao dịch trước ngày 13/12/2016, ghi nhận khối lượng mua - bán trong ngày không quá chênh lệch, thì từ phiên 14/12/2016, trung bình mỗi phiên khối lượng mua vào đều lớn hơn 3-4 lần lượng bán ra.

Khối lượng mua vào ROS mỗi phiên đều trên 6 triệu cổ phiếu. Thậm chí, 10 phiên gần đây nhất, khối lượng mua vào mỗi phiên đều trên 10 triệu cổ phiếu. Tổng 10 phiên giao dịch này đã có hơn 126,22 triệu cổ phiếu ROS khớp lệnh mua, trong khi số khớp lệnh bán chỉ là 47,86 triệu đơn vị.

Hiện tại, tổng số lượng cổ phiếu ROS đang lưu hành là 430 triệu đơn vị, trong đó riêng ông Trịnh Văn Quyết đã nắm 289,55 triệu cổ phiếu. Vợ ông là bà Lê Thị Ngọc Diệp nắm giữ 20,2 triệu cổ phiếu. Tổng cộng vợ chồng ông Quyết đang nắm tới 72,04% lượng cổ phiếu lưu hành của ROS, chưa kể tới các công ty liên quan.

Dù khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết trước đó đã đạt trên 1 tỷ đôla, nhưng theo cập nhật của tạp chí Forbes đến ngày 5/1, Việt Nam vẫn chỉ có duy nhất 1 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Sự khác biệt của 2 tỷ phú đôla trên sàn chứng khoán Việt

Giữa ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đôla duy nhất của Việt Nam được Forbes ghi danh và ông Trịnh Văn Quyết, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, có nhiều khác biệt thú vị.


Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thuở lập nghiệp ở Kharkov

Trên tờ báo địa phương, cựu thị trưởng Kharkov, ông Mikhail Pilipchuk lý giải khởi nguồn thịnh vượng của vị tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng tại thành phố này.


Chi 1.900 tỷ, bà chủ Vietjet dự kiến thu về gần 3.000 tỷ đồng

Bằng việc chi 1.900 tỷ đồng để mua thêm 22,38 triệu cổ phiếu VJC thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, dự kiến, khối tài sản của bà Thảo sẽ tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.


Quang Thắng
http://news.zing.vn/khoi-tai-san-ky-la-cua-nguoi-nhieu-tien-nhat-san-chung-khoan-viet-post728543.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhật ký 18/3/2017





mua-da-lon-nhat-30-nam-o-tuyen-quang-1

mua-da-lon-nhat-30-nam-o-tuyen-quang-2
CƠN MƯA ĐÁ


Bưởi đang sai hoa
cam đang làm quả
Trời giận gì mà ném đá xuống vườn tôi?
người già nói:"Ba mươi năm lại mới thấy thế này"
thực là khủng khiếp
Những viên đá cứ như là nắm tay
nhè những vườn cây liệng xuống
mưa lớn mù trời
đứa bé đang hờn nín bặt
ông lão co ro chạy ra vườn cây..
Điện mất, non nước chìm vào bóng tối
nhòe mờ dáng cây
rừng nguyên sinh từ lâu đã chết
nên trời bây giờ phẫn nộ
trở mặt đây!
chỉ có con người khạo khờ
vô lối
ai làm sao thì làm!
chẳng ai quan tâm
chuyện thiên hạ tưởng đâu xa xôi giờ thì mới cảm..
nhưng người ơi muộn rồi!
bây giờ thì ngẩn ngơ nhìn, xơ xác vườn cây
điện mất,
bếp không đỏ lửa
không biết người ta ăn gì bữa sớm mai?
Trận mưa đá ném vào lòng nhiều người
nhưng có thể gã làm thơ đau nhất
gã biết tự lâu mà không làm chi được
không nhẽ bây giờ ngồi khóc
về sự vô tâm, câm nín của của mình?
Mái tôn thủng có thể thay, cây đổ thì chống dậy
chỉ sợ lòng người ngã rồi sao đây?
kiếp phù du khôn dại
bao giờ người mới hay?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Gặp nhau tại đám ma văn sĩ Nguyễn Quang Thân


Lần chần dây dưa bởi có mấy việc không thể đừng, mãi tới chiều tối 6.3 tôi mới vọt ra khu cư xá Thanh Đa nằm trên cù lao sông Sài Gòn bên quận Bình Thạnh để thắp nén hương tiễn biệt văn sĩ Nguyễn Quang Thân. Ngày mai bác ấy chính thức “hóa”, lên đường qua thế giới bên kia, theo khói lò hóa thân lẫn cùng mây trắng. Sẽ chả còn dịp nào gặp soái ca đất Phòng ngay tại nhà nữa.

So với hồi tôi từng đến những năm 80 thì khu Thanh Đa giờ đã sầm uất như một Singapore thu nhỏ của Sài Gòn (nói thế cho nó sướng chứ cũng còn không ít nhếch nhác). Tuy nhiên, những dãy nhà cũ vốn là khu gia binh, khu cư xá sĩ quan quân đội Sài Gòn vẫn còn, gồm những lô nhà ký hiệu chữ A, B, C… Bác Thân thì ở bên khu mới, ký hiệu đánh số 1, 2, 3… Dù được xây sau nhưng nó vẫn đậm dấu ấn kiểu xây dựng thời bao cấp, tường xi măng thô ráp sần sùi, kiến trúc xấu, cầu thang thô thiển, loại nhà chỉ cốt làm chỗ ở, chui ra chui vào chứ không phải sự hưởng thụ. Dọc lối vào tang gia, rải rác có những chú dân phòng mặc trang phục xanh có phù hiệu bắc ghế ngồi để ý người qua lại. Càng gần nhà có tang, dân phòng và “người lạ” vẩn vơ bên ngoài càng nhiều, nhưng kệ, ai hơi đâu mà quan tâm. Mình đi đám ma cơ mà, chứ có phải đi khủng bố, đặt mìn cầu Sài Gòn đâu mà ngại.

Phần xác văn sĩ Nguyễn Quang Thân được quàn ngay trong căn phòng ông từng sống lâu nay, trên lầu 2 (tức tầng 3 tính theo kiểu miền Bắc). Nhác thấy một ông già còn phong độ chậm rãi từng bậc cầu thang lên trước, tôi lần theo. Nhìn quen quen nhưng mình không dám dấn lên hỏi sợ thất lễ. Nhà văn Dạ Ngân phu nhân bác Thân đang đứng ở cửa phòng đón khách, cất tiếng “Em chào giáo sư Nguyễn Đăng Hưng”. Té ra giáo sư Hưng, một nhân vật nhiều người biết tiếng, mình cũng may mắn diện kiến đôi lần.

Đợi giáo sư Hưng thắp hương cho bác Thân xong, mình cũng làm lễ, khấn bác Thân đi thanh thản nhưng nhớ phù hộ cho đất nước, nhân dân, như lâu nay bác từng canh cánh trong lòng. Người hiền từ trong ảnh đặt đầu áo quan chắc nghe được cả, mắt cứ nheo nheo quan sát mọi người đang đến tiễn biệt mình.

Thầy chùa đến cúng, để rộng chỗ, tôi đỡ tay giáo sư Hưng cùng xuống nơi tiếp đón đặt tại công viên dưới nhà. Hương trầm ngào ngạt. Vòng hoa xếp đầy xung quanh. Một nhà văn ra đi trong sự chia biệt ngậm ngùi của giới văn nghệ sĩ, trí thức và người đọc, về độ đậm tiếc thương có lẽ còn hơn rất nhiều nhà chính trị mà tôi từng chứng kiến, dù nơi đây chỉ là khoảng đất trống dựng tạm mái che, ghế nhựa đơn giản bày giữa hai lô nhà chứ không phải như tòa nhà tang lễ trang trọng trên đường Lê Quý Đôn.

Ngồi trò chuyện với giáo sư Hưng, tôi thủng ra nhiều điều. Năm nay đã ngoài 75 nhưng ông còn khỏe, tiếng nói vẫn sang sảng. Người có thanh như vậy tức là khí và thần tốt lắm. Hồi nãy tôi nắm cánh tay ông thấy chắc nình nịch. Ông có nét giống cụ giáo sư nhạc Trần Văn Khê, tuy mỗi người mỗi sở trường. Đó là những kho tri thức, hiểu sâu biết rộng. Tài và tâm đi liền. Ông kể mỗi năm cứ ở Bỉ 6 tháng, 6 tháng còn lại ở quê nhà. Không xa nước được. 

Quay lại chuyện bác Thân, ông nói chỉ có điều, ở tuổi này mà không có bà xã bên cạnh thì rất nguy hiểm. Tôi hỏi nguy hiểm sao, ông bảo trường hợp ông Thân là ví dụ. Ông Thân đang rất khỏe, đi bơi (hồ bơi Yết Kiêu) bị đột quỵ ngay tại chỗ. Điều không may cho ông Thân là không có ai bên cạnh, nhất là lại không có bà xã bởi bà Dạ Ngân khi ấy về quê ngoại có việc. Nếu có người thân hiểu biết cách sơ cứu, mà là bà xã thì càng tốt (điều này huyền bí lắm, rất khó cắt nghĩa) lập tức lấy kim sạch châm ngay 5 đầu ngón tay cho máu chảy ra, có thể cứu được, qua tai nạn khỏi. Tại sao? Giáo sư giải thích bởi khi đột quỵ tức là có mạch máu não bị đứt, máu tràn ra. Nếu ngay lập tức châm đầu ngón tay thì máu sẽ có lối thoát khác, giảm áp suất không tràn lên não nữa. Mà phải để nạn nhân nằm yên, đừng cuống quít vật qua vật lại càng khiến máu trên não chảy mạnh. Não mà bị đầy ứ máu thì vô phương cứu chữa. Phải sơ cứu vậy rồi mới có thể đưa đi cấp cứu. Điều không may cho ông Thân là không được sơ cứu, nhưng có lẽ con người ta có cái số rồi. Trời đã định thì phải chấp hành thôi. (còn tiếp)

Lại nói chuyện hôm đến thắp hương tiễn biệt bác Thân về nơi cực lạc. Mặc cho mấy cậu “dân phòng” lúc đầu còn bắc ghế ngồi xa xa, sau có lẽ thấy phía trong này chuyện gì rôm rả quá nên tò mò nhích lại gần, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cứ thoải mái kể chuyện cũ. Ông già 76 tuổi tiếng vẫn rổn rảng như chuông khánh nhắc lại chuyện ông bị “anh em mình” giám sát như thế nào, đi cà phê với tướng Hưởng ra sao; chuyện ông từng đề ra chương trình đào tạo 300 tiến sĩ có chất lượng cao cho Việt Nam với sự giúp đỡ của nhiều trường đại học hàng đầu châu Âu; chuyện ông từng bị một ông trí thức Việt kiều Nhật vu cáo vớ vẩn; chuyện bỏ thuốc lá rất kỳ công; chuyện tự tập luyện bền bỉ để chữa những bệnh của người già… Ở ông lão U80 này, người đã từng là giáo sư, sau khi về hưu là giáo sư danh dự của Đại học Liège (Bỉ) cứ hiện rõ mồn một trong bộ trí nhớ ngồn ngộn dữ liệu có vẻ chả lão chút nào. Tôi thầm nghĩ, thứ chất xám này, cũng như của khá nhiều vị trí thức già và sồn sồn người Việt đang “lang thang” ở xứ người, nhà nước này mà không biết cách khai thác, sử dụng thì quả thật uổng biết bao nhiêu.

Đang ngồi chăm chú ngắm bác giáo sư, tôi nghe tiếng chào nhẹ bên cạnh, ngước lên thấy cặp kính cận dày cộm, con mắt cực sáng, khuôn mặt quen như đã gặp ở đâu rồi. Chợt nhớ ra ngay, bộ râu quai nón phớt xanh kia, cặp kính kia gặp hoài trên Phây búc, ừ, Nguyễn Quang Thạch. Tôi ôm lấy Thạch, chào Thạch, may quá, được gặp nhau ở đây. Thạch bảo em đây, Thạch đây, em hằng ngày cũng vẫn “gặp” anh, hôm nay mới “người thực việc thực”.

Tôi quý Thạch, bắt đầu không phải từ người mà từ… sách. Tôi là kẻ mê sách, như đám hủ nho mê sách. Sách theo tôi từ bé đến giờ. Nấu cám lợn cũng đọc sách. Đi coi dưa cũng lôi sách ra lều chong đèn đọc suốt đêm, kệ bọn trộm. Tối 29 tết được giao ngồi trông nồi luộc bánh chưng (lần đầu tiên nhà tôi gói bánh chưng tết trước khi vào HTX, chứ sau bị vào rồi thì chả mấy khi gói nữa) cũng lôi sách ra đọc trong ánh lửa bếp bập bùng. Mải quá, cứ thúc củi vào mà quên châm thêm nước, cháy mất đáy cái nồi đồng to, sau thày tôi phải đem sang làng Du Lễ nhờ chú Giả hàn lại. Thày bu tôi chả đánh đòn bởi tết nhất đến nơi rồi, nhưng cả nhà tiếc nồi và bánh, ăn tết năm ấy mất ngon.

Mê sách thế nên quý trọng Thạch, bởi bây giờ khá nhiều người biết Thạch gắn liền với chương trình tự Thạch khởi xướng, tự mình thực hiện: Xây dựng tủ sách cho những vùng nghèo, với tên gọi “Sách hóa nông thôn”. Thạch từng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ tiếng Anh, cử nhân Anh văn, làm cho những công ty lớn, đời sống ổn định, thu nhập cao, vậy mà bỏ tất, theo đuổi ham mê đem sách đến cho trẻ em nông thôn. Một mình một ngựa sắt, có lúc đi bộ, chàng trai Hà Tĩnh Nguyễn Quang Thạch rong ruổi khắp nơi, vừa tuyên truyền, vận động, quyên góp sách và tiền mua sách, lập ra hàng chục nghìn tủ sách, như một thứ thư viện nho nhỏ khắp vùng thôn quê, ở rất nhiều trường học, từ Bắc chí Nam. Thạch đi đến đâu cũng được cộng đồng ủng hộ. Nắng mưa, bão gió, đường gần đường xa, ngày khỏe ngày yếu, cứ đi. Trên Phây búc của Thạch, tôi từng đọc những thông tin anh chàng đã lần mò đến đâu, xuyên Việt tới chỗ nào, lập xong tủ sách của trường này trường nọ, xã ấy xã kia, chị A tặng mấy trăm cuốn sách, anh B giúp tiền mua vài trăm cuốn, có em bé đập lợn đất đủ tiền mua vài chục cuốn để giúp các bạn nghèo, tất cả đều tự nguyện, vui vẻ, thân tình. Những dòng thông tin ấy, trong cái niềm vui thầm lặng của chàng trai cận thị gần chục đi ốp kia, chả khác gì những dòng ánh sáng cực mạnh góp phần khai mở trí óc con người. Lẽ dĩ nhiên công sức không phải chỉ có mình Thạch mà đến nay đã hàng trăm nghìn người tham gia, nhưng tôi nghĩ, Thạch luôn là tướng quân, là thủ lĩnh, là người cầm cờ đi đầu trong công cuộc khai hóa trí óc này. Chả thế mà Tổ chức Văn hóa - Giáo dục- Khoa học (UNESCO) của Liên Hợp Quốc cuối năm 2016 đã từng trao giải cho chương trình “Sách hóa nông thôn”, và vinh danh chàng trai trẻ đầy nghị lực, đầy quyết tâm này.

Nắm chặt bàn tay Thạch, bất giác tôi nhớ ngay đến một người, người cách nay gần một thế kỷ đã làm cái điều mà Thạch đang theo đuổi, cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh. Đó là nhà khai sáng vĩ đại nhất ở Việt Nam thế kỷ 20, không ai so sánh được. Tư tưởng, đường lối, quan điểm, sách lược… của cụ Tây Hồ dù suốt bao nhiêu năm, cả thời Pháp lẫn thời ta, bị vùi dập, cố tình làm cho trở thành hời hợt, lãng quên nhưng vẫn không thể nào phủ nhận được. Rồi những lớp người Việt có đầu óc, trí tuệ, tỉnh táo, khôn ngoan sau này sẽ thực sự tôn vinh cụ, trả cụ Phan về ngôi vị xứng đáng nhất. Chúng ta, nhất là nhà cầm quyền, trong cả lịch sử và xã hội, hơn nửa thế kỷ nay đã nhớ đến cụ rất hời hợt, chỉ nhấn mạnh đó là nhà yêu nước chứ không chịu công nhận đó là nhà tư tưởng số 1 của xứ này, nếu thoáng lắm, kỹ lắm thì cũng thỉnh thoảng nhắc đến tiên đề cụ nêu ra “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. 

Thật may mắn, vừa rồi, ở Hà Nội ngày 10.3 có cuộc hội thảo về cụ Phan Chu Trinh. Giáo sư Chu Hảo trong lời đề dẫn đã khẳng định “Khuôn mặt vĩ đại của cụ Phan Chu Trinh, theo tôi là khuôn mặt quan trọng nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị của Việt Nam ở thế kỷ 20, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch và sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài cho các thế hệ người Việt Nam phải và còn mãi mãi phải đảm nhận. Đó chính là: một dân tộc phải giành được độc lập bằng trí tuệ chứ không phải bằng bạo động”.

Điều ông Hảo nói dĩ nhiên sẽ có sự đụng chạm đến những “nhất thành bất biến” mà chính quyền đang tôn vinh trong xã hội bây giờ. Thôi thì để người đời phán xét, riêng tôi nghĩ, giá như dân tộc này ngay từ đầu đi theo đường lối của cụ Phan Chu Trinh thì không đến nỗi phải chịu cảnh núi xương sông máu, mất đi mấy triệu con người, trong đó chủ yếu là thanh niên, những sức lực có thể xây dựng đất nước tốt nhất, nhanh nhất bằng bàn tay khỏe mạnh, trí tuệ sáng suốt ở thời điểm thăng hoa nhất của đời người. Cứ lẩn thẩn nghĩ xa nghĩ gần, nếu VN đi bằng con đường cụ Phan đã định hướng (cái cách mà hầu hết xứ thuộc địa không theo cộng sản khác đã đi và thành công) thì chúng ta bây giờ không phải ngậm ngùi khi so sánh với Nhật Bản, Thái Lan, Indo, Malaysia… chẳng hạn.

Nguyễn Quang Thạch là kẻ hậu sinh xứng đáng của cụ Phan. Công việc đầu tiên, và quan trọng nhất, “khai dân trí”, đang được Thạch tiếp nối. Điều ấy càng có ý nghĩa khi ai đó ngấm ngầm chủ trương chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Tôi lại nghĩ, Thạch cận (đã hỏng một mắt, chỉ còn một mắt cận nặng) không chỉ đem sách đến cho trẻ nhỏ khắp nơi, khai mở dân trí cho những vùng u tối, mà còn là sự thách thức, xô đổ chính sách ngu dân đã lỗi thời.

Nhà văn Nguyễn Hiếu ngồi bên kể thêm cho tôi, hôm qua có cả bác Nguyên Ngọc, anh Thái Kế Toại, nhiều anh chị văn nghệ sĩ đến chia biệt bác Thân. Tôi tiếc mình bận bịu đến trễ không được gặp những con người đáng kính ấy. Tôi có biết anh Thái Kế Toại, anh học văn Tổng hợp HN trước tôi vài khóa (khóa 14), lâu rồi tôi không được gặp anh, nhưng những “công tích” của anh thì chúng tôi đều khâm phục, nhất là chuyện anh đã dày công làm cái việc chiêu tuyết cho những vị của phong trào Nhân văn giai phẩm, để cuối cùng chính quyền đã phải gián tiếp xóa bỏ án tích từng ép đối với họ.

Còn bác Nguyên Ngọc, tôi kể chuyện này. Tối 3.3, một anh bạn quý bên ngành tivi mời tôi gặp nhau làm ly bia. Cũng đã hẹn nhau năm tao bảy tuyết, bận bịu bấn bíu mãi, nay mới thu xếp ngồi với nhau được. Chỗ gặp là nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn. Tới nơi, đang loay hoay tìm chỗ, nhác thấy ở chiếc bàn góc vườn chỉ có một người nhỏ thó, khuôn mặt không lẫn vào đâu được. Bác Nguyên Ngọc. Bác ngồi ăn một mình, chỉ một đĩa đồ nhắm, một ly rượu nhỏ. Khuôn mặt trầm ngâm, tư lự, buồn buồn. Tôi định đến chào, nhưng dợm bước. Cái phút giây riêng tư cá nhân đáng quý ấy của lão đại thụ mà thế hệ chúng tôi hằng kính trọng, mình không thể tự tiện phá vỡ được. Tôi rón rén đi qua, không chào mà như chào. Vị trưởng lão đang ngắm gì trong ly rượu, đang nghĩ gì, mình nào có biết, nhưng trông như bức tượng La hán mà tôi từng chiêm ngưỡng ở chùa Tây Phương dạo nào.

Lúc tôi ra về thì bác Nguyên Ngọc cũng về rồi. Hôm sau thì giải mã được sự tư lự ấy. Chiều hôm đó, bác đã khá bận rộn cho việc trao giải của Văn đoàn độc lập, cho các nhà văn nhà thơ xuất sắc. Đây là giải thường niên được văn đoàn (mà bác Ngọc là thủ lĩnh) lựa chọn, bình xét, nằm ngoài hệ thống giải của chế độ. Và có lẽ bác cũng lờ mờ hình dung được sự ra đi của người bạn văn Nguyễn Quang Thân bởi bác Thân đang cấp cứu ngay trong chiều trao giải.

Viết xong bài này, đang những chữ cuối cùng, chợt giật mình, cái tít cứ như vô thức bắt chước từ ai đó, bài nào đó. Và nhớ ra, đó là bài cực hay của cụ Nguyễn Tuân, "Một cuộc họp đưa ma Phụng" trong đó cụ Nguyễn tả cái đoạn cả đám văn sĩ kéo nhau qua cầu sông Cái (cầu Long Biên qua sông Hồng) để đi đám ma nhà văn Vũ Trọng Phụng. Còn khác thì khác ở chỗ, một trăm người như mình cũng không bằng ngón chân út của cụ Nguyễn Tuân.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

NHẬN DIỆN DANH TÍNH và BẢN THỂ MẸ TỔ ÂU CƠ.


(phần 3)
Nguyễn Xuân Quang
So Sánh Với Các Đại Tộc Liên Hệ Với Bách Việt.
-Người Ao Naga
Tộc Ao-Naga ở Assam có Ao là Âu. Naga là rắn, nước và là một thứ rồng trong Ấn giáo và ở các tộc bị ảnh hưởng Ấn giáo. Ao-Naga là Âu-Long tức một thứ Âu Lạc.
Vắn tắt xin đề cử một vài chứng tích là phụ nữ Ao-Naga cũng có chiếc nón thúng hình đĩa tròn mặt trời nòng âm giống như chiếc nón thúng quai thao cổ truyền của phụ nữ Việt Nam. Như đã nói ở trên, Jean Cuisinier trong Les Mường gọi chiếc nón này là ‘le châpeau de soleil’. Chiếc nón mặt trời này là biểu tượng của Thái Dương Thần Nữ Âu Cơ.
Phái nam người Ao-Naga ứng với Rồng Naga tức Lạc Long Quân nên phái nam có chiến phục hình trâu, thú biểu của Lạc Long Quân (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).
clip_image002
-Nhật Bản
Thái Dương thần nữ của Nhật Bản là hình bóng của Mẹ Mặt Trời Âu Cơ.
Nhật Bản có một rễ liên hệ với Bách Việt.
Cũng như Việt Nam truyền thuyết sáng thế cũng khởi đầu từ một quả trứng tạo hóa. Theo Cổ Thư Nhật thoạt khởi thủy thế giới là một khối hỗn mang trời đất chưa tách biệt, hình dạng giống như một quả trứng nhưng không có giới hạn. Sau đó, phần tinh khiết hơn, trong sáng hơn biến thành trời (heaven). Phần nặng hơn, thô kệch hơn lắng xuống biến thành đất. Lúc này đất như cá trôi nổi trên mặt đại dương nguyên thủy (primeval ocean). Từ đó sinh ra các thần tổ.
TIA SANG V
Thái Dương Thần Nữ Amaterasu.
Lưu ý ở đây diễn tả các tia sáng hình chữ V mang nghĩa âm thái dương  của mặt trời nữ thái dương ngược với nọc tia sáng nọc mũi tên (mũi mác, răng cưa, răng sói)  ^ có nghĩa là dương thái  dương  sinh động của mặt trời nọc, nam thái dương thường thấy trên trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn.
Thái Dương Thần nữ của Nhật là đời thứ sáu giống hệt Âu Cơ. Sáu đời này là:
Về phía ngành nòng, âm, Hư Vô, Vô Cực nguyên thủy mang tính trung tính (neutral), sau đó nòng nọc, âm dương hóa chuyển qua âm, nước trước gọi là Biển Vũ Trụ. Lúc này tự xuất hiện ra Nữ Thần Nguyên Khởi là đời thứ nhất. Ví dụ tiêu biểu về Mẹ Nguyên Khởi là nữ thần MUT của Ai Cập cổ. MUT viết là MU-T. MU chính là Việt ngữ MỤ, có một nghĩa là Mẹ, phái nữ. T là linh tự dùng chỉ phái nữ. T biến âm với Việt ngữ Thị là từ dùng chỉ phái nữ trong tên Việt ngữ. MUT là Mẹ Nguyên Khởi của loài người và tự nhiên xuất hiện, tự sinh ra từ biển vũ trụ không do giao hòa nòng nọc, âm dương (Mut was a title of the primordial waters of the cosmos) (xem dưới).
Ở tầng Thái Cực, tức đời thứ 2, ta có Thần Nông-Viêm Đế nhất thể. Về phía nòng âm ta có Mẹ Tổ Thần Nông-Viêm Đế nhất thể có chim biểu là chim nông (đường nga) đẻ ra trứng vũ trụ.
Ở tầng Lưỡng Nghi, tức đời thứ ba, ta có hai cực, hai thần tổ nam nữ là Phục Hy và Nữ Oa. Theo một truyền thuyết Việt Nam nữa, như đã nói ở trên, là thần nữ Nữ Oa và thần nam Tứ Tượng (ông này sinh ra các vị thần tổ ở cõi tứ tượng nên mới đặt tên là ông Tứ Tượng. Thần Nam Tứ Tượng có khuôn mặt tương đương với Phục Hy). Nữ Oa có chim biểu là vịt uyên ương Tinh Vệ.
Ở tầng Tứ Tượng tức đời thứ tư, ta có thần nữ chim Le Le, Vụ Tiên, vợ Đế Minh.
Ở cõi đất thế gian tức đời thứ năm, ta có Thần Long, vợ vua thế gian Kì Dương Vương.
Ở cõi nhân gian tức đời thứ sáu, ta có Mẹ Tổ Âu Cơ.
Rõ ràng Mẹ Tổ Âu Cơ và nữ thần mặt trời thái dương Amaterasu Nhật Bản đều là đời thứ sáu.
Người Nhật cũng cho mình là con dân Mặt Trời Mọc, như đã nói ở trên, Âu Cơ là Nữ Thần Mặt Trời Mọc Tinh Mơ Nhật Tảo. Hùng Vương là Vua Mặt Trời Hừng Rạng (Nhận Diện Danh Tính và Bản Thể Hùng Vương). Người Việt là Người Mặt Trời Thái Dương Hừng Rạng (Việt Là Gì?). Đây là lý do tôi đặt tên tác phẩm viết về cổ sử Việt là Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt.
Ở trên ta đã thấy Việt Nam và Nhật Bản đều có cùng một biểu tượng mặt trời thái dương nữ là hình hoa thị, hoa cúc.
Người Hà Di (Ainu) thổ dân Nhật gọi người Nhật là người Wa. Theo w=uu, Wa = UA, Oa, Âu. Người Nhật có thể có một nhánh liên hệ dây mơ rễ mái với Âu-Việt.
Di truyền học và ngôn ngữ học cũng cho thấy có sự liên hệ giữa Nhật và Bách Việt.
Ngoài ra ở Hải đảo chắc chắn họ cũng có một rễ Giao Việt, Lạc Việt giỏi về sông nước, biển khơi hay bị ảnh hưởng văn hóa Giao Việt, Lạc Việt.
Nhật liên hệ với Âu-Lạc. Thái dương thần nữ Amaterasu và thái dương thần nữ Âu Cơ là hình bóng của nhau.
-Đại Hàn
Các tộc phía nam bán đảo Triều Tiên cũng có truyền thuyết là các vị vua tổ của họ sinh ra từ bọc trứng. Họ cũng nhận nguồn gốc của mình phát xuất từ hồ Động Đình (Hồ Động Đình).
Ta cũng đã biết Đại Hàn có một gốc Lạc bộ trãi, có Kì Dương vương Kija… như chúng ta.
Văn hóa Đại Hàn cồ có nhiều điểm tương đồng với cổ Việt.
Đại Hàn có một cái rễ Bách Việt, một thứ Lạc Việt (Tương Đồng Giữa Cổ Sử Đại Hàn và Cổ Việt).
Họ cũng thờ mặt trời và mặt trời cũng là một khuôn mặt nữ tên là Hae-soon. Có khảo cứu cho rằng chính mặt trời nữ Đại Hàn sinh ra nữ thần mặt trời thái dương thần nữ Amaterasu Nhật Bản.
-Lào
Về cổ học, khuôn mặt nổi tiếng nhất về khảo cổ học của Lào là các chum vò bằng đá dùng trong mai táng. Di chỉ nổi tiếng nhất là Cánh Đồng Chum (Lào: Vén Màn Bí Mật Cánh Đồng Chum). Như đã biết, chum vò là hình ảnh túi, bọc, dạ con vũ trụ. Người chết được chôn trong chum vò, thạp là chôn trong dạ con vũ trụ để trở về hư vô, vũ trụ hầu được tái sinh hay sống hằng cửu.
IMG_3307
Bản Ang, Cánh Đồng Chum, Lào (ảnh của tác giả).
(Lưu ý Ang biến âm với Việt ngữ Ảng là chum, vại như ảng nước).
Chum vò, thạp biểu tượng cho bao, túi, dạ con hư vô, vũ trụ, diễn tả bằng chữ viết nòng nọc vòng tròn-que là chữ nòng vòng tròn O. Anh ngữ chum vò, thạp là jar chính là Việt ngữ dạ (túi, bao như dạ dầy, túi đựng thức ăn; dạ con, túi đựng con). Mường ngữ Dạ có một nghĩa là Mẹ như Dạ Dần là Mẹ Nguyên Khởi sinh ra Mường Việt (Dần chính là Dân, biến âm với Hán Việt Nhân là người, với Pháp ngữ gens là người), Dạ Dần là Mẹ Người. Như thế chum vò thạp liên hệ với Nữ Oa, Âu Cơ.
Chum, vò, thạp có nắp cò hình mặt trời có một khuôn mặt là vật biểu của Nữ Thần Mặt Trời Thái Dương Nữ Oa và Âu Cơ.
Như thế các tộc người chủ nhân ông các chum vò, thạp mai táng ở Lào nói riêng và ở khắp nơi là con dân hay liên hệ với Nữ Oa, Âu Cơ.
Văn hóa chum vò là văn hóa ngành Nòng, âm (chum biến âm với chùm, trùm có một nghĩa là bao, bọc, túi thấy qua từ đôi bao trùm), là ngành Vũ của Vũ Trụ giáo. Còn văn hóa trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là văn hóa ngành Nọc, dương (trống là đực, dương), là ngành Trụ của Vũ Trụ giáo.
Điểm này cũng thấy rõ qua truyền thuyết Lào là dân Lào sinh ra từ một quả bầu giống hệt truyền thuyết Việt. Các tộc Việt cũng sinh ra từ một quả bầu. Người Việt chui ra trước có nước da sáng hơn, các tộc khác chui ra sau có nước da đen hơn. Bầu đây là biểu tượng cho bầu vũ trụ, bầu tạo hóa, bọc trứng vũ trụ, bọc trứng thế gian.
Hình ảnh Mẹ Tổ, Mẹ Đời, Nữ Thần Sinh Tạo, Mắn Sinh, Tái Sinh mang một khuôn mặt của Mẹ Tổ Âu Cơ thấy khắc trên một chiếc chum đá ở Cánh Đồng Chum (Hình Bóng Âu Cơ ở Cánh Đồng Chum).
-Vương Quốc Bangli ở Bali, Nam Dương.
Tại Bali, Nam Dương có một vương quốc tên là Bangli.
Bangli có nghĩa là Nàng Đỏ. Bangli có gốc là Bang giri với Bang là Đỏ. Bang ruột thịt với Việt ngữ bàng có nghĩa là đỏ như cây bàng là cây có lá đỏ (cây bàng lá đỏ, Trịnh Công Sơn). Giri là con gái, nàng, nường. Giri ruột thịt với Việt ngữ gái. Bangli có nghĩa là Nàng ĐỏDân Bangli hiện nay hiểu theo nghĩa Bangli là Núi.
Bangli là Nàng Đỏ. Đỏ liên hệ với Lửa (lửa đỏ). Bangli là Nàng Lửa. Đỏ biến âm với Tỏ là sáng là mặt trời. Bangli là Nàng Lửa, Nàng Mặt Trời ruột thịt với Mẹ Tổ Âu Cơ là Nàng Lửa, Nữ Thần Mặt Trời Thái Dương. Ngày nay dân Bangli hiểu Bangli theo nghĩa Núi. Núi cũng chính là khuôn mặt thế gian Cấn của Mẹ Tổ Âu Cơ.
Rõ như dưới ánh sáng mặt trời vương Quốc Bangli là một thứ Âu Việt ở hải đảo.
Chứng tích sự liên hệ với cổ Việt thấy rõ nhất qua kiến trúc của ngôi đền Kehen.
IMG_6103
Đền Kehen. Bali (ảnh của tác giả).
Đền Kehen được xây vào thế kỷ 11 là ngôi đền lớn nhất và tinh xảo nhất ở phía đông Bali. Đền ở phía bắc Bangli và là đền quốc gia, quốc tổ (state temple) của vương quốc Bangli. Tên Kehen phát gốc từ Keren có nghĩa là ngọn lửa (Keren làm liên tưởng tới dầu kerosen đốt lửa) vì thế ngày xưa gọi là đền Thần Lửa Hyang Api (God of Fire). Từ Ke- ruột thịt với Việt ngữ Kẻ, Kì có một nghĩa là cọc, lửa, Núi Trụ Thế Gian. Kì Dương Vương là vua Núi Trụ Thế Gian, lửa đất thế gian Li có một khuôn mặt tương đương với núi Meru của Ấn giáo và Phật giáo. Con dân của Kì Dương Vương là Xích Quỉ tức Kẻ Đỏ. Kì Dương Vương có mạng lửa thế gian Li. Đền Thần Lửa Kehen ruột thịt với Thần Lửa Đất thế gian Kì Dương Vương. Như đã biết Kì Dương Vương có một khuôn mặt là cha của Mẹ Tổ Âu Cơ.
Rõ ràng vương quốc Nàng Đỏ, Nàng Núi Bangli, một hình bóng của Mẹ Tổ Âu Cơ có đền quốc tổ Kelen thờ Thần Lửa liên hệ với Thần Lửa Đất thế gian Kì Dương Vương, cha của Mẹ Tổ Âu Cơ, con cháu của thần mặt trời Viêm Đế.
Đền quốc tổ Kehen Bangli này có cấu trúc giống đền quốc tổ Hùng, con cháu của vua tổ thế gian Kì Dương Vương dòng thần mặt trời Viêm Đế của Việt Nam như hình với bóng (Sự Tương Đồng Giữa Bali, Nam Dương và Cổ Việt).
Bangli, Nàng Lửa, Nàng Núi chính là hình bóng của Nàng Lửa, Nàng Núi Mẹ Tổ Âu Cơ.
-Maya
Qua bài viết Sự Tương Đồng Giữa Maya và Cổ Việt ta đã biết có sự tương đồng ruột thịt giữa Maya và Cổ Việt. Chỉ xin nhắc lại vài điểm chính.
Cốt lõi văn hóa Maya giống cốt lõi văn hóa Việt Nam dựa trên nòng nọc, âm dương Chim-Rắn, nguyên lý căn bản của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, Dịch. Maya cũng có Dịch.
clip_image004
Trong bát quái này Chấn hôn phối với Tốn theo Tiên Thiên bát quái Phục Hy.
Thoạt đầu Maya có vật tổ là con Chim Cõi Trời Thiên Điểu Itzam Yeh dưới dạng chim-rắn nhất thể.
Itzam yeh
Chim Cõi Trời Thiên Điểu Itzam Yeh dưới dạng chim-rắn nhất thể.
Về sau khi nhóm Nahua tới vùng của người Maya (967-997 Sau Tây Lịch) sự thờ phượng Rắn Lông Chim (feathered serpent) Quetzalcoatl của Mexico được thu nhập vào thành Rắn-Lông Chim gọi là Kukulcan. Hiện nay các nhà Maya học gọi là Rắn-Lông Chim với lông chim là tính từ thì Kukulcan chỉ con rắn bay được tức con rắn, con trăn gió biểu tượng cho Thần Gió. Thật sự phải nhìn Kukulcan theo Vũ Trụ giáo, theo Dịch. Ở dạng Thái Cực là dạng Rắn-Chim nhất thể. Ở lưỡng nghi là Rắn và Chim riêng rẽ. Khuôn mặt Rắn mang tính chủ vì Rắn được diễn tả cả con rắn nguyên vẹn. Điểm này cho thấy rõ Maya có rễ cái thuộc nhánh Rắn, nòng, âm, nữ. Chim mang tính phụ vì chỉ được diễn tả bằng bờm lông chim biểu tượng cho gió. Kukulcan có Kukul- chính là Việt ngữ Cúc Cu, một giống chim tu hú có một khuôn mặt biểu tượng cho thiếu âm khí gió (Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt). -Can chính là Việt ngữ Chăn, Trăn (rắn lớn).
clip_image005
Kukulcan
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, chim tu hú biểu tượng cho thiếu âm khí gió ứng với khuôn mặt khí gió dương thiếu âm Đoài Phục Hy, còn trăn rắn có một khuôn mặt biểu tượng cho thái âm nước ứng với Nữ Oa. Maya tộc thuộc ngành nòng âm Phục Hy Nữ Oa (vì vậy mà Maya có Dịch theo Tiên Thiên bát quái Phục Hy). Khuôn mặt Rắn mang tính trội nên Nữ Oa mang tính chủ.
Khuôn mặt Nữ Oa trong văn hóa Maya thấy rõ qua hình ảnh con số 0 của Maya.
clip_image006
Con số không zero 0 của Maya được gọi là con sò. Họ lấy theo hình trai sò hư không nghiêng về ngành nòng, âm, nước, nữ. Như đã biết Oa có một nghĩa là nàng, con gái, con ốc, con sò. Như thế số không 0 Maya là Cô, O, Nàng Ốc, Sò, Oa. Đặc biệt con sò số không của Maya có hai cái răng nhọn là hai nọc nhọn, hai dương có nghĩa là lửa, thái dương. Số 0 Maya là Nàng Oa Thái Dương, Nữ Oa Thái Dương.
Hình số 0 Maya Nàng Oa thái dương chính là con sò Nữ Oa có hai cái “ngà” đúng như tác giả Kim Định trong Việt Lý Tố Nguyên đã viết “Nữ Oa là một thứ ốc có hai ngà” (tr.274).
Cũng cần nói thêm là Maya ngữ Ou có một nghĩa là con ếch ruột thịt với Oa có một nghĩa là con ếch.
Lưu ý
Nữ Oa có mặt trong văn hóa và văn minh Maya cho thấy rõ Nữ Oa không thể là của Trung Hoa (xem Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).
Ta đã biết Mẹ Tổ Âu Cơ ở cõi sinh tạo thế gian đội lốt Nữ Oa ở cõi sinh tạo tạo hóa.
Như thế số không 0 Maya là nàng ốc có hai cái răng là Nàng Lửa, Nàng Thái Dương. Ở cõi trời thế gian, số 0 con ốc có hai cái răng là biểu tượng của Mẹ Tổ Âu Cơ.
Số không con ốc 0 có vỏ tròn O mang hình ảnh bọc, túi không gian Khôn, hai cái răng nhọn là thái dương, mặt trời Càn Khôn tức vũ trụ mang tính sinh tạo, tạo hóa. Với di thể này Mẹ Tổ Âu Cơ mới sinh ra bọc trứng trăm Lang Hùng. Vỏ ốc số không ứng với cái bao, bọc Trứng không gian còn hai cái răng là lửa, mặt trời mang tính dương, đực ứng với Lang Hùng.
Maya nghĩa là gì? Theo các nhà nghiên cứu Maya Tây phương ngày nay, Maya có nghĩa là‘not many’(Irene Nicholson, Mexican and Central American Mythology, tr.123). Cách giải ‘không nhiều’ này đã đi lệch ra ngoài. Bây giờ ta phải dùng Việt ngữ. Việt ngữ Maya (không nhiều) quả thật có nghĩa là Mấy (mấycũng có nghĩa là không nhiều như sức mấymấy hơimấy kẻ…). Mấy liên hệ với mỡmậumụ có nghĩa là không có gì.
Thật vậy ta cũng còn trong ngôn ngữ Maya, nếu Ma đứng đầu từ với chức vụ là một tiền tố thì Ma– có khi mang nghĩa phủ định (negation) có nghĩa là khôngkhông cóchớ có (James Churchward, Land of Mu).
Do đó Maya có May- ở một diện chính là MấyKhông. Theo toán học Không là số Không (0). Trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que Không được diễn tả bằng chữ nòng vòng tròn O, về toán học tương đương với số 0. Rõ như ban ngày, Maya là Mấy, Không mang ý nghĩa Vòng, Nòng O. Maya là một tộc thuộc ngành Nòng, Khôn, Không Gian, Vũ (trong vũ trụ), Nước trong vũ trụ tạo sinh. Vì thế hình hai vòng tròn đồng tâm mang ý nghĩa hai nòng O là hai âm, thái âm, nước là biểu tượng chính của Maya như thấy ở các hình rắn cuộn tròn như đã thấy ở trên. Và thấy rất nhiều ở các kiến trúc khác.
Picture 146
Hình vành tròn hai vòng tròn đông tâm có lỗ dùng làm “gôn” trong trò chơi bóng người, biểu tượng vũ trụ âm của Maya (hình của tác giả chụp tại Chichen Itzá, Cancun, Mexico).
 Dĩ nhiên Maya có nghĩa là Không, ăn khớp trăm phần trăm với con số 0 hình ốc sò và ruột thịt với Nữ Oa và Mẹ Tổ Âu Cơ.
Maya cũng có hình ngữ Kin có nghĩa là mặt trờingày hình cánh hoa bốn cánh.
clip_image007
Hình ngữ Maya kin (mặt trời, ngày).
Mặt trời Kin hình hoa bốn cánh là mặt trời âm, nữ mang tính sinh tạo ở tầng tứ tượng.
Lưu ý chấm vòng tròn biểu tượng cho mặt trời ở đây là một chấm hình vòng tròn tí hon rỗng diễn tả mặt trời nòng, âm (trong khi chấm đặc diễn tả mặt trời ngành nọc dương).
Ngoài ra trong Maya ngữ, Maya có Ma– còn có nghĩa là Mẹchính là Việt ngữ Má, Mạ, Me, Mẹ, Mợ, Mụ.
Gộp hai nghĩa Không, 0 và Mẹ lại, Maya có một nghĩa là Mạ Không (0).
Cuối cùng bằng chứng vững chắc và đáng tin cậy nhất là nghiên cứu di truyền học dựa trên DNA. Gần đây nghiên cứu về mitochondrial DNA của dân Maya cho thấy người Maya có những đi thể giống người cổ Việt. Người cổ Việt và Maya đều có Haplogroups: A, B, C và D và sự thất thoát cặp căn bản số 9 giữa 2 di thể  (gene) COII/tRNALYS(“9bp deletion between COII/tRNALYS genes”, bp = base pair).
Trong văn hóa Maya có hai vị thần tổ mang hình bóng Lạc Long Quân và Mẹ Tổ Âu Cơ là Itzamna và IxcheI.
Izamna, con của Hunab ku là vị thần tối thượng của Cõi Trời thế gian, tạo sinh ra nhân loại.
clip_image008
Thần Cõi Trời thế gian Itzamna ngồi ở đỉnh Cây Vũ Trụ.
Itzamna cũng được coi là có một bộ mặt thế gian, là một tu sĩ đầu tiên, một anh hùng văn hóa. Trong Codices, vị thần này được diễn tả là một người già mũi khoằm (liên hệ với chữ móc câu có một nghĩa là nước dương, sấm mưa giống như thần Chac), mắt rắn, miệng móm không có răng hay chỉ có một cái răng và má hóp. Trong một vài tượng điêu khắc được diễn đạt bằng một con con cá sấu hay thằn lằn. Itzamna có nghĩa là Gia Tộc Thằn Lằn hay Cá Sấu (House of Iguana or Alligator). Itzam trong ngôn ngữ Yukatec có nghĩa là thằn lằn hay cá sấu và na là nhà (Maya ngữ na ruột thịt với Việt ngữ nhà). Sự thờ phượng Itzamna thịnh hành ở Itzamál tại phía bắc bán đảo Yucatán. Trong huyền thoại, Itzamna được diễn tả giống như là Rồng Trời (Heavenly Dragon). Itzamna biểu tượng cho sự hài hòa hôn phối nòng nọc, âm dương đối nghịch kiểu vợ chồng (harmony of opposite).
Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, ta thấy Itzamna mang hình bóng của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân cũng được diễn tả là một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc quần áo trắng. Lạc Long Quân cũng có cốt là rắn, rồng, sấm mưa. Lạc Long Quân hôn phối với Âu Cơ đẻ ra bọc trứng hài hòa nòng nọc, âm dương Hùng Vương. Người Việt cũng coi Lạc Long Quân là một vị thần huyền thoại và một thần tổ, tổ phụ thế gian.
Maya có hai vị nữ thần chính, một trẻ, một già đều gọi là Ixchel. Nữ thần IxcheI già là Ixchabel yax (yax biến âm với già). Các nhà Maya học hiện nay chưa hiểu rõ tại sao lại có hai vị nữ thần Ixchabel già và trẻ. Ta có thể dùng Dịch để hiểu rõ. Theo Dịch già là thái (lớn, già) và trẻ là thiếu (nhỏ, trẻ) như thái dương là old yang và thiếu dương là young yang. Vì thế theo duy dương, Ixchabel già là Ixchabel thái dương và Ixchabel trẻ là Ixchabel thiếu dương. Theo duy âm, Ixchabel già là Ixchabel thái âm và Ixchabel trẻ là Ixchabel thiếu âm.
Theo bản thể, nếu là ở hai người riêng rẽ thì Ixchabel già và trẻ là hai chị em hay song sinh, còn ở cùng một người thì là hai khuôn mặt theo di thể thái (già) và thiếu (trẻ). Ở đây hai vị thần cùng tên nên có thể cùng là một cá thể.
Nữ thần già Ixchabel yax, bạn đời của thần Itzamna có một khuôn mặt đối ứng với Lạc Long Quân, thái âm ngành nọc. Vậy Ixchabel già mang tính chủ là thái dương tương ứng với Mẹ Tổ Âu Cơ. Nhìn theo diện một người, thì Ixchabel già là khuôn mặt thái dương tức Nàng Lửa, Ixchabel thái dương, nữ thần mặt trời, Nàng Lửa. Đây là khuôn mặt thái dương ứng với Tốn của Mẹ Tổ Âu Cơ. Còn Ixchabel trẻ là Ixchabel thiếu dương ứng với khuôn mặt thiếu dương đất tức Cấn của Mẹ Tổ Âu Cơ. Ixchabel già và trẻ nhìn dưới diện một người chính là hình bóng của Mẹ Tổ Âu Cơ Lửa thái dương Tốn và thiếu dương Cấn ngành lửa.
Ixchabel già là thần mẫu của tất cả các vị thần khác. Nữ thần này tương ứng với một khuôn mặt sinh tạo của Âu Cơ, thần mẫu của tất cả các vua Hùng. Ixchabel già có da trắng. Mầu trắng là mầu khí gió ứng với khuôn mặt sinh tạo, tạo hóa khí gió Tốn của Âu Cơ. Khuôn mặt này hôn phối với khuôn mặt Chấn tạo hóa đẻ ra bọc trứng thế gian. Đây là lý do tại sao Maya cổ nói rắng Ixchabel già là vợ của Itzamna.
Khuôn mặt hôn phối nòng nọc, âm dương đối nghịch dạng vợ chồng của Ixchabel với Itzamna ngành nòng, âm tương tự như Âu Cơ và Lạc Long Quân ở cõi tạo hóa.                          
………….
Tóm lại, hiển nhiên Maya Trung Mỹ liên hệ ruột thịt với cổ Việt. Maya ruột thịt với Âu-Lạc, con cháu của Mẹ Nòng O, Mẹ Thái Dương Thần Nữ Âu Cơ ở cõi trời thế gian đội lốt Nữ Oa ở cõi tạo hóa thuộc ngành nòng, âm Thần Nông. Con số không của Maya có hình con sò có hai răng chính là con ốc hai ngà Nữ Oa.
-Các Tộc Hải Đảo Khác.
Nhiều tộc hải đảo khác ở Thái Bình Dương, nhất là các tộc có văn hóa chim-rắn, thờ mặt trời nữ thuộc Bách Việt hay liên hệ với Bách Việt. Tấ cả đều có mang hình bóng Mẹ Tổ Âu Cơ thấy qua hình ảnh Mẹ Tổ, Mẹ Đời, Nữ Thần Sinh Tạo, Mắn Sinh, Tái Sinh ngồi ở tư thế sinh con (Hình Bóng Mẹ Tổ Âu Cơ…).
Hãy lấy Hawaii làm ví dụ.
‘Giáo sư Christian Pelzes chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á ở đại học Hawaii đã nhận định rằng trong các tiểu bang và các nền văn hóa của xã hội đa văn hóa Hoa Kỳ thì quần đảo Hawaii có quan hệ thân thuộc nhất với Việt Nam. Nhà nghiên cứu Bob Krauss đã so sánh Hawaii với Việt Nam trên các phương diện địa lý và dân tộc đã tìm ra rất nhiều điểm tương đồng và các chứng liệu cổ sử học, nhân chủng học, ngôn ngữ tỷ hiệu và nhất là Mitochondrial DNA Haloptype B cũng như sự thất thoát của các cặp cơ bản số 9 giữa hai thể di truyền CO II tRNA LYS chứng minh dân Đa Đảo (Polynesian) là hậu duệ của dân Bách Việt’ (Phạm Trần Nam Hàn, Kết quả mới nhất thuyết phục nhất về cội nguồn phát tích của việt tộc).
Tôi sẽ có một bài viết chi tiết riêng về sự tương đồng giữa Hawaii và Việt Nam. Ở đây chỉ xin nói tới vài điểm liên hệ với Mẹ Tổ Âu Cơ.
Các hình khắc trên đá (petroglyphs) ở Hawaii cũng có hình Mẹ Tổ, hình bóng của Mẹ Tổ Âu Cơ, ngồi ở vị thế sinh con. Ngoài ra còn có những hình người cung nghinh mặt trời giơ hai tay hay vũ khí lên trời giống như hình ở bãi đá cổ Sapa và của người Lạc Việt Tráng Zhuang ở vách núi Hoa Sơn, Quảng Tây, Trung Quốc.
Về ngôn ngữ học, Hawaii có từ wahine, Tahiti có từ vahine, Marquesa có hina chỉ đàn bà, phái nữ ruột thịt với Việt ngữ hĩm chỉ con gái, bộ phận sinh dục nữ.
clip_image010
Bảng hiệu phòng vệ sinh phái nữ của Hawaii (ảnh của tác giả).
Nhật Bản có Thái Dương thần Nữ Amaterasu, hình bóng của Mẹ Tổ Âu Cơ có từ hime chỉ con gái, công chúa.
Giống như Việt Nam, cốt lõi văn hóa Hawaii cũng dựa trên Nòng Nọc, Âm Dương. Họ có hai vị thần tổ thế gian là thần đực Ku và thần cái Hina. Ku chính là Việt ngữ Cu, bộ phận sinh dục nam và như đã nói ở trên Hina chính là Hĩm có một nghĩa là bộ phận sinh dục nữ. Thần Cu Thần Hĩm cùng gốc thằng cu cái hĩm, Việt Nam quá đi thôi!
Đặc biệt Hawaii có chim biểu cùng chung chim biểu của Mẹ Tổ Âu Cơ là loài ngỗng trời. Loài ngỗng trời tên là Ne Ne hiện được dùng làm chim biểu cho tiểu bang Hawaii. Ne Ne ruột thịt với Việt ngữ Le Le, vịt trời (teal). Trong Việt ngữ ne, le có gốc Na là nước. Ngỗng Ne Ne, vịt trời le le đều là loài chim nước. Ngỗng trời Ne Ne ruột thịt với vịt trời Le Le, chim biểu của Vụ Tiên. Mẹ Tổ Âu Cơ có chim biểu là con ngỗng hồng. Ngỗng Âu Cơ là cháu của Le Le Vụ Tiên. Ngỗng Âu Cơ có thể là mẹ con với ngỗng Ne Ne Hawaii.
Hawaii có cùng chim biểu với Mẹ Tổ Âu Cơ là con ngỗng trời.
(còn nữa)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cơm chay tản mạn

Văn Công Hùng




Báo Sức khỏe & Đời sống Chủ Nhật







THỨ SÁU, 17 THÁNG 3, 2017

CƠM CHAY TẢN MẠN…


Hầu như bây giờ không ngày nào ta không nghe tin có người chết hoặc sắp chết vì ung thư. Đang yên đang lành, phát hiện, mấy tháng sau là đi. Lặng lẽ hay ồn ào cũng là đi. Nhiều người chết vì ung thư lắm, đến mức có người sáng dậy cứ bàng hoàng: Bao giờ đến lượt mình? Và con người đành phải tự bảo vệ mình, bằng nhiều cách. Một trong những cách ấy là… ăn sạch. Bằng mọi cách để ăn sạch, hoặc được coi như là sạch.

Có rất nhiều kiểu nhiều cách để ăn sạch, nhưng có vẻ như chưa có cách nào an toàn 100%. Thịt sạch thì được nuôi bằng cám tổng hợp có chất tăng trọng. Rau sạch thì chia làm 2 loại, loại rau sạch để ăn và loại rau sạch để… bán. Đến không khí cũng ô nhiễm. Chưa đến mức phải mua không khí sạch để thở như một vài đô thị lớn trên thế giới, nhưng giờ không chỉ các bà các cô trùm kín mặt ra đường, mà các ông cũng đeo khẩu trang hùm hụp ra đường rồi, rất nhiều. Và nói thật, trông rất chán, nhưng chán còn hơn là… chết, nên vẫn rất nhiều người chấp nhận chán. Cũng mở ngoặc đơn phát, là ơn giời, cho đến giờ này, chưa thấy ông nào quấn cái váy bà đẻ chạy xe máy dù các ông mặc quần soóc. Nhưng cũng chả biết chừng. Hồi đầu thấy các bà đeo khẩu trang đã buồn cười rồi, giờ mà tự nhiên thấy bà nào mặt mộc chạy ngoài đường có khi lại ngỡ vừa ở hành tinh nào xuống?

Một trong những cách ăn sạch để bảo vệ mình, là… ăn chay.

Hồi còn bé sống ngoài Bắc, tôi cũng có nghe nói ăn chay. Là ăn cơm không, hoặc ăn muối vừng, xì dầu… đơn giản lắm. Nên nghe nói ăn chay là lè lưỡi. Và quả là thời ấy rất ít người ăn chay. Chùa chiền ít, và còn bị phân biệt đối xử, trong lý lịch vẫn có mục theo đạo gì, ai theo thiên chúa hoặc phật giáo là thuộc loại… chậm tiến, cần được theo dõi, bồi dưỡng, rất khó vào Đoàn… nên hầu như chả thấy bạn bè cùng lứa có đứa nào ăn chay, chỉ thấy cứ phơi phới ăn mặn và dè bỉu đồ chay, coi ăn chay là tậm tịt, khổ hạnh.

Đến khi về quê ở Huế thì mới biết té ra chay không phải như mình nghĩ. Chủ nhật lũ sinh viên chúng tôi hay lên chùa ăn chay… chùa. Thứ nhất là cả tuần đói, đây là dịp để cái dạ dày được căng đúng kích cỡ của nó. Thứ hai là lên xem đời sống ở chùa thế nào, chứ đã biết nó mặt ngang mũi dọc ra sao đâu. Và quả là được mở mắt thật, bởi cỗ chay nó khác hoàn toàn những gì tôi từng nghĩ, từng hình dung.

Chả biết từ đâu xuất phát cái từ ăn chùa, tức là ăn không trả tiền, ăn theo, ăn không chính thống, chứ quả là, lên chùa ăn phần lớn là… không mất tiền, trừ phi đặt cho khách kiểu kinh doanh du lịch, nhưng nếu khéo ngoại giao thì vẫn có những bữa tiệc chay được đãi cho cả hàng trăm người, như có lần báo Thừa Thiên Huế đãi khách trong chùa nhân hội thảo báo Đảng khu vực, gọi là báo Thừa Thiên Huế đãi nhưng thực tế là nhà chùa đãi, cỗ bảy tám món, nhiều nhà báo lần đầu tiên được “thời” cơm chay nên đã… quên cả ăn, chỉ chú trọng chụp ảnh. Có những món đẹp đến mức chả ai nỡ gắp, cứ để ngắm suốt buổi.

Cũng đang có nhiều người thắc mắc là, sao nhà chùa đã ăn chay rồi nhưng khi làm cỗ lại vẫn cố gắng làm giống các món mặn. Giống đến mức, nếu không giới thiệu trước, không ai biết đấy là cỗ chay. Cũng cơm gà cá gỏi, cũng giò nem chả, cũng tất cả các món cao lương mỹ vị, chỉ khác chút… xíu xiu, ấy là tất cả các món chay đều làm từ đậu phụ và rau củ quả. Cái thắc mắc này có nhiều cách giải thích, và cách nào thấy cũng thuận tai và cũng đều tiếp tục thắc mắc khi ra về.

Ăn chay bây giờ không còn là tín ngưỡng nữa, mà là nhu cầu, và càng ngày càng có nhiều người không thuộc giới tu hành có nhu cầu ăn chay. Rất nhiều quý ông, sau cuộc nhậu ở đâu đó thì rủ nhau về quán chay ăn tối. Như một cách cân bằng, cả tâm thế và nội tạng.

Và, có cầu thì có cung, các quán chay mở ra.

Ban đầu là các quán lụp xụp, khiêm tốn nép sau hoặc bên trùng trùng các quán mặn, quán nhậu. Thường chỉ vài ba món, đậu phụ, tất nhiên, nó là thực phẩm hàng đầu của chay mà. Rồi lạc rang, muối mè, rồi ít canh rau với nấm. Xì dầu thì… vô tư. Tiến lên là… nhà hàng chay. Không phải thường mà rất đẹp, rất sang.

Ông nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch ở Huế ăn chay trường đến cả hơn chục năm nay. Từ ăn chay trường ông tiến lên… đi bộ trường. Đi đâu, ông cũng chỉ đi bộ (tất nhiên là loanh quanh thành phố, chứ từ Huế ra Hà Nội thì tất nhiên ông phải đi tàu. Nếu tính ra, ông là người thực hiện nghiêm nhất chủ trương giảm các phương tiện cá nhân, trả vỉa hè (có cả đường) cho người đi bộ đang rầm rộ hiện nay). Trong cái túi ông đeo kè kè bên người, luôn có một cái lon thức ăn riêng của người ăn chay. Nó rất đơn giản, chỉ là muối mè. Đến đâu mọi người gọi món thì ông lôi cái lon thức ăn ra, chỉ dùng cơm của quán. Còn ở nhà thì ông cũng ăn gạo riêng, gạo lức. Cái Tạp chí Sông Hương thời ông làm Tổng Biên tập có đến hai phần ba quân số ăn chay giống ông. Có lần tôi ghé, cả tòa soạn mời tôi đi nhậu vỉa hè. Và, chỉ mình tôi một đĩa mồi mặn, còn các ông uống bia với đậu phụ rán và lạc rang. Trừ ông Thạch đã luống tuổi, các bạn kia đều rất trẻ, văn hay chữ tốt người xinh. Và họ đều hồng hào khỏe mạnh, minh mẫn. Có thông minh mới làm nhà văn được, chắc thế. Khi nghe tôi nói thế họ đồng thanh nói: Nhờ ăn chay.

Tôi chơi với một kiến trúc sư trẻ ở Pleiku. Một ngày tự nhiên cu này tuyên bố: Chiều mai cháu mời chú khai trương nhà hàng chay của cháu. Tưởng nó nói chơi, hoặc cái quán lụp xụp nào đó. Té ra một nhà hàng rất sang, rất “quy chuẩn kiến trúc sư” với đề co rất đẹp. Và món thì… thượng thặng.  Tôi phải thốt lên: Vào đây thì thực khách biến thành thượng đế thứ thiệt, vào ngồi đã như vua, món ngon như ngự thiện mà giá rẻ như bình dân, thực sự bình dân. Và điều này mới thú vị, có thể uống bia với món chay, uống miết không ngán.

Trở thành nhà hàng chay thì chay nó không chỉ là… chay nữa rồi. Nó là cái gì đấy vượt lên chay, nhưng vẫn là chay, lại có vẻ như không thuần chay, nhưng nó hoàn toàn chay, chay từ ngọn đến gốc. Tại nhà hàng nấm của kiến trúc sư kia, tôi thấy rất nhiều đối tượng đến đấy, đặt trước cả phòng riêng. Thú vị nữa là có một khu chơi riêng cho trẻ con, nó như một cái hoa viên trong trường mẫu giáo, các con cứ chơi, bố mẹ và người lớn cứ chén. Thế tức nó là một đời sống bình thường với tất cả mọi cung bậc sống tràn vào đấy chứ không phải là nơi ép xác khổ hạnh, ăn cho có, ăn kham ăn khổ như chúng ta hay quan niệm về ăn chay, ăn như tu, ở như tù, ăn để tồn tại chứ không phải ăn để sống.

Hỏi thêm thì nhà hàng đặt rau sạch từ Đà Lạt chuyển thẳng về trong ngày, vừa tươi vừa bảo đảm vệ sinh, thứ mà các bà nội trợ ngán nhất hiện nay, dù Pleiku cũng là xứ của rau. Ngay cái cảm giác ăn mà không biết có đúng rau sạch không nó đã làm người ăn mất ngon rồi. Nó cũng như lúc rượu ngoại giả tràn lan, uống chai rượu ngon nhưng vẫn cứ ngờ ngợ vì cái cảm giác rượu giả nó đánh lừa, đến lúc khẳng định rượu xách tay đấy, thì cũng chai ấy, cảm giác ngon tăng gấp nhiều lần.

Trở lại với món chay. Quả là bàn tay của các nghệ nhân ẩm thực đã đạt đến độ thặng thừa khi biến những thứ rau củ quả tầm thường hàng ngày thành những món nhìn đã mê, ăn vào còn mê nữa. Nhớ hồi tôi học tiếng Anh với một ông thầy người Anh là ông Ben. Ông này trẻ, cao to đẹp trai và… ăn chay trường. Món duy nhất hằng ngày của ông là bánh mì và trứng (tưởng trứng là thịt nhưng té ra nó lại là đồ chay nhé) và khoai tây hoặc đậu cô ve. Ngày nào cũng thế, đến mức tôi hình dung ông là một kẻ khổ hạnh lạc lõng giữa đời này. Nhưng ông chơi thể thao rất giỏi, ghi ta rất tuyệt, nhảy thì hết chê, và kết thúc đợt dạy ở Việt Nam thì ông… mang theo một cô gái rất xinh làm ở công ty du lịch Gia Lai về xứ Ăng Lê làm vợ. Bao nhiêu chàng trai Pleiku thời ấy đã ngẩn ngơ nuối tiếc trước sự kiện này.

Thử lướt qua các món gọi là chay nhé: Bún riêu chay, bún thịt nướng chay, thịt heo quay chay, bún mọc chay, xôi vò hạt sen, gà hấp lá chanh, giò lụa, thịt quay, cá xốt ngũ liễu, tôm chiên, sườn xào chua ngọt, khoai lệ phố, nem hoa quả, rau xào ngũ sắc, canh nấm... vân vân các kiểu chay. Còn về Huế thì món chay thực sự đã là… đỉnh. Nhìn tô bún chay thấy rõ ràng con tôm bóc vỏ đỏ chót khoanh tròn, khoanh giò heo hôi hổi, lát giò lụa mỡ màng… nhưng nó lại… không phải nó. Đây là một đoạn tả cách chế biến món chay Huế: “Nào chả lụa bằng quả chuối mật nấu chín, bóc vỏ, giã nhỏ với gia vị, bột thính, xong trộn đều với bí đao thái hột lựu, gói lá chuối đem hấp. Nào thịt gà xé phay là bột mì đã loại bỏ tinh bột, bóp tiêu muối, rau răm. Miếng chả quế cắn ra mới biết là khuôn đậu, trên mặt phết phẩm màu đem hấp. Sườn rán là khoai lang, vỏ đậu xanh bọc ngoài, chiên vàng. Con cá tràu da khía trông như thật được làm từ quả chuối xanh tẩm gia vị. Đĩa chả ram chỉ là nấm, miến tàu, gói bánh đa nem. Vào tay người nấu chay giỏi, quả mít non cũng thành thịt gà bóp tiêu muối, rau răm y như thật…”.

Nhưng cũng phải thấy điều này, làm một mâm cỗ chay đắt ít nhất là gấp đôi cỗ mặn. Cũng chưa hiểu lý do, nhưng chắc là ở công cầu kỳ chế tạo món cho nó giống cỗ… không chay. Nhưng đấy là với những mâm cỗ đặc biệt, còn bình thường, với rau củ quả có sẵn ngoài chợ, các bà nội trợ có thể chế biến các món chay vừa ngon vừa rẻ, vừa hợp vệ sinh vừa bảo đảm sức khỏe. Như người viết bài này, hôm nào mà phải nhậu về, người lừ đừ, bụng ậm ạch, thì luộc một bó rau muống, nước thả sấu vào, rau luộc sơ rồi xào tỏi, thun thút một mình hết cả bó rau. 

Ơ thì chay đấy chứ đâu? Tẩy độc đấy chứ đâu, lành mạnh đấy chứ đâu???

Và thế là, giờ tôi mới biết, ngoài những người ăn chay trường, ăn chay vào các ngày rằm mùng một như một cách tu tâm, thì chay trở thành một món để… đổi món, và là cách để con người tự bảo vệ mình trước sự tấn công ồ ạt của thực phẩm bẩn, của những thức ăn không hợp vệ sinh, trước những căn bệnh thời đại như gan nhiễm mỡ, Cholesterol cao, tiểu đường, tim mạch vân vân. Lại nhớ ngày xưa học lớp một có bài cu Tí ngồi chống cằm phụng phịu thắc mắc tại sao nhà mình không được ăn thịt, mẹ bảo ăn thịt nhiều không có lợi, phải ăn rau xanh nhiều, rồi mẹ chỉ ra mảnh vườn nói chiều mẹ với con ra đấy trồng rau nhé, cu Tí hớn hở vâng ạ. Từ cái thời đói khổ triền miên ấy, miếng tóp mỡ thôi đã là ước mơ của bao thế hệ trẻ con mà mẹ đã sáng suốt đến thế, thì bây giờ, người ta bỏ ăn mặn đi ăn chay cũng phải…

http://www.vanconghung.com/2017/03/com-chay-tan-man.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang