Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Khu hầm trú tận thế dành cho giới siêu giàu ở Mỹ


Công ty Vivos Group đang xây khu hầm trú ẩn rộng 23 km2 với sức chứa 5.000 người ở Dakota, Mỹ để giúp giới siêu giàu tránh khỏi thảm họa tận thế.
Vivos Group, công ty chuyên xây hầm trú ẩn tận thế cho giới siêu giàu, đang xây dựng cụm hầm cá nhân rộng nhất thế giới mang tên Vivos xPoint ở nam Dakota, Mỹ, Sun hôm 4/1 đưa tin.
Vivos xPoint gồm 575 căn hầm với tổng diện tích 23 km2, đủ sức chứa 5.000 người và đủ vững chắc để chịu sức ép từ 250 tấn thuốc nổ.
Mỗi căn hầm được xây dựng từ thép và bê tông có chiều rộng khoảng 8 m, chiều dài hơn 24 m. Chúng có thể tích trữ nhu yếu phẩm đủ dùng trong 12 tháng.
Sau khi đặt cọc 25.000 USD, người thuê được sử dụng hầm trong 99 năm nhưng mỗi năm phải trả thêm 1.000 USD.
Căn hầm không có lối thoát, đường điện, ống nước hay bộ lọc không khí. Người thuê phải trả 12.000 USD nếu muốn bổ sung các công trình phụ trợ này.
Họ cũng có thể lựa chọn vật dụng trang trí cho căn hầm, chẳng hạn màn hình LED tạo cảm giác giống ô cửa sổ trên vách hầm.
Ngoài ra, đội ngũ nhân viên làm việc toàn thời gian trong hầm luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.
Công ty cũng dự định xây dựng trường học, nhà thờ, trường bắn và sân vườn trong khu vực. Họ cho biết căn hầm đầu tiên sẽ sẵn sàng cho thuê vào mùa hè tới.
Hiền Anh (Ảnh: Terravivos
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vĩnh biệt phương Tây?

Nguồn: Joschka Fischer, “Goodbye to the West,” Project Syndicate, 05/12/2016.
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Giờ đây khi Donald Trump đã được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ, sự kết thúc của những gì mà trước đây được gọi là “phương Tây” đã trở nên gần như chắc chắn. Thuật ngữ đó miêu tả một thế giới xuyên Đại Tây Dương nổi lên từ sau hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20, xác định lại trật tự quốc tế trong suốt bốn thập niên Chiến tranh Lạnh, và thống trị toàn cầu – cho đến bây giờ.
Không nên nhầm lẫn “phương Tây” (“the West”) với “bán cầu Tây” (“Occident”). Trong khi văn hóa, tập quán, và tôn giáo chủ đạo của phương Tây nói chung có nguồn gốc bán cầu Tây, nó đã phát triển thành một thứ khác biệt theo thời gian. Đặc điểm cơ bản của bán cầu Tây hình thành qua nhiều thế kỷ ở vùng Địa Trung Hải (dù các vùng châu Âu về phía Bắc dãy Alps có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nó). Ngược lại, phương Tây thì xuyên Đại Tây Dương, và nó là một đứa con của thế kỷ 20.
Khi mới bắt đầu, Thế chiến I là một cuộc xung đột giữa phe Liên minh Trung tâm (ban đầu gồm Đế quốc Đức, Đế quốc Áo-Hung, và Ý) và phe Hiệp ước gồm Anh, Pháp, và Nga. Mãi tới năm 1917 nó mới trở thành một cuộc thế chiến thực sự, khi Hoa Kỳ bước vào cuộc chiến. Đây là thời điểm mà cái mà chúng ta gọi là phương Tây ngày nay bắt đầu hình thành.
Có thể nói phương Tây đã nhận được giấy khai sinh của mình trong Thế chiến II. Tháng 8 năm 1941, sau khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã gặp nhau trên một chiến hạm ngoài khơi Newfoundland và ký Hiến chương Đại Tây Dương. Thỏa thuận này sau đó phát triển thành NATO, tổ chức trong bốn thập niên đã kích hoạt một liên minh gồm các nền dân chủ độc lập với các giá trị chung và các nền kinh tế thị trường để chống lại mối đe dọa từ Liên Xô – và bảo vệ châu Âu cho đến ngày nay.
Nói một cách cơ bản hơn, phương Tây được thành lập dựa trên một cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh của mình. Trật tự phương Tây không thể tồn tại nếu Mỹ không đóng vai trò rất quan trọng này, điều mà giờ đây Mỹ có thể sẽ từ bỏ dưới thời của Trump. Kết quả là tương lai của bản thân phương Tây giờ đang bị đe dọa.
Không ai có thể chắc chắn về ý nghĩa của việc Trump đắc cử đối với nền dân chủ Mỹ, hoặc những việc ông sẽ làm khi nhậm chức. Nhưng chúng ta có thể đưa ra hai giả định hợp lý. Thứ nhất, nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ gây nhiều rối loạn cho chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ. Trump thắng cử bằng cách coi thường gần như mọi quy tắc bất thành văn của nền chính trị Mỹ. Ông đánh bại không chỉ Hillary Clinton, mà còn cả giới chính thống của Đảng Cộng hòa. Có rất ít lý do để cho rằng ông sẽ đột nhiên từ bỏ chiến lược giành chiến thắng này vào ngày 20 tháng 1 tới.
Chúng ta cũng có thể giả định một cách an toàn rằng Trump sẽ bám sát các cam kết “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của mình; điều này sẽ là nền tảng cho nhiệm kỳ tổng thống của ông dù có chuyện gì xảy ra. Cựu Tổng thống Ronald Reagan cũng hứa hẹn điều này, nhưng đó là trong khi Mỹ do vẫn tham gia vào cuộc Chiến tranh Lạnh nên có thể có một cách tiếp cận kiểu đế quốc. Do vậy, Reagan đã theo đuổi tái vũ trang trên quy mô lớn đến mức nó cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô; và ông đã mở đường cho nền kinh tế Mỹ bùng nổ với sự gia tăng lớn về nợ quốc gia.
Trump không có sự xa xỉ của một cách tiếp cận đế quốc. Ngược lại, trong thời gian tranh cử, ông đã chất đầy chỉ trích về cuộc chiến tranh vô nghĩa của Mỹ ở Trung Đông; và những người ủng hộ ông không muốn gì hơn việc Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình và rút lui khỏi thế giới. Một nước Mỹ hướng về phía chủ nghĩa dân tộc biệt lập sẽ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới với một khoảng cách lớn so với các nước đứng sau; nhưng nó sẽ không còn đảm bảo an ninh của các quốc gia phương Tây hoặc bảo vệ một trật tự quốc tế dựa trên thương mại tự do và toàn cầu hóa.
Câu hỏi duy nhất còn lại liên quan tới việc chính sách của Mỹ sẽ thay đổi nhanh và triệt để như thế nào. Trump đã cam kết sẽ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 12 nước – một quyết định có ý nghĩa như một món quà cho Trung Quốc, cho dù ông có nhận ra điều đó hay không. Ông cũng có thể ban cho Trung Quốc một món quà nữa: giảm bớt sự can dự của Mỹ ở Biển Đông. Trung Quốc có thể sẽ sớm nhận ra mình là người bảo lãnh mới của thương mại tự do toàn cầu – và có lẽ còn là nhà lãnh đạo toàn cầu mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Về cuộc chiến ở Syria, ông Trump có thể chỉ đơn giản là trao đất nước bị tàn phá ấy cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Iran. Thực tế mà nói, điều này sẽ đảo ngược cán cân quyền lực ở Trung Đông, với những hệ quả nghiêm trọng vượt ra ngoài khu vực; về mặt đạo đức, nó sẽ là sự phản bội độc ác đối với phe đối lập Syria và là mối lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Và nếu Trump hòa hoãn với Putin ở Trung Đông, người ta tự hỏi ông sẽ làm gì với Ukraine, Đông Âu, và Caucasus. Chúng ta có nên mong đợi một Hội nghị Yalta 2.0 để công nhận khu vực ảnh hưởng mới trên thực tế của Putin?
Con đường mới mà Trump sẽ vạch ra cho nước Mỹ đã có thể nhận thấy rõ; chúng ta chỉ không biết con tàu này sẽ chạy nhanh như thế nào. Có rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào phe đối lập (trong đảng Dân chủ cũng như trong đảng Cộng hòa) mà Trump gặp phải trong Quốc hội Mỹ, và dựa vào sự phản đối của đa số người Mỹ, những người đã không bỏ phiếu cho ông.
Nhưng chúng ta không nên nuôi dưỡng bất cứ ảo tưởng nào: châu Âu quá yếu đuối và chia rẽ để có thể gánh vác thay cho Mỹ về mặt chiến lược; và nếu không có sự lãnh đạo của Mỹ thì phương Tây sẽ không thể tồn tại. Do vậy, thế giới phương Tây như hầu hết mọi người sống đến ngày nay biết đến gần như chắc chắn sẽ lụi tàn trước mắt chúng ta.
Vậy điều gì xảy ra tiếp theo? Chúng ta có thể chắc chắn Trung Quốc đang chuẩn bị xỏ chân vào chiếc giày của Mỹ. Và ở châu Âu, những hầm mộ của chủ nghĩa dân tộc đã được mở ra; chẳng mấy chốc nữa chúng sẽ một lần nữa giải phóng những con quỷ của mình ra khắp lục địa – và thế giới.
Joschka Fischer là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến năm 2005, một nhiệm kỳ được đánh dấu bởi việc Đức ủng hộ mạnh mẽ sự can thiệp của NATO vào Kosovo năm 1999, theo sau là phản đối cuộc chiến ở Iraq. Fischer bước vào nền chính trị dân cử sau khi tham gia các cuộc biểu tình kháng chính thống trong những năm 1960 và những năm 1970, và đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập Đảng Xanh của Đức mà ông dẫn dắt trong gần hai thập niên.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Goodbye to the West
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/01/06/vinh-biet-phuong-tay/#sthash.fO0xeydu.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỨC, BA LAN, TIỆP KHẮC… ĐÃ ĐỐI XỬ VỚI CÁC CÁN BỘ CỘNG SẢN NHƯ THẾ NÀO SAU KHI HỌ GIÀNH ĐƯỢC CHÍNH QUYỀN?


tho-01
Xuân Thọ
Việc chính phủ cánh hữu Ba-Lan hạ lương hưu của các cán bộ công an chế độ cũ từ mức cao xuống mức trung bình đươc ai đó coi là chơi xấu. Thực ra cam kết “không trả thù” được phe đối lập Ba-Lan đảm bảo suốt 28 năm qua đã chứng tỏ họ không tiểu nhân.
Nhưng trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ phải xem xét quá trình cống hiến để cân bằng quỹ lương hưu là điều bắt buộc.
Tôi đăng lại câu chuyện “Sổ Hưu” đã viết từ tháng 12.2012 để bà con ngẫm nghĩ. Các nhân vật trong này có thật 100%. Nhiều bạn FB ở đây đều biết họ:
tho-02SỔ HƯU
Bài thuyết trình của đại tá PGS-TS Trần Đăng Thanh đang là đề tài nóng trên mạng khiến tôi phải vào Ba Sàm để đọc, chứ lâu nay tôi chẳng bao giờ màng đến các bài nói chuyện, các buổi phổ biến nghị quyết kiểu đó. Về tất cả những điều bỉ ổi kiểu: “Tầu xâm lược nước ta, nhưng ta phải nhớ ơn Tầu”, hay “Ta phải học tập Triều Tiên, tuy để dân chết đói, nhưng đủ sức làm cho các cường quốc mất ăn mất ngủ” thì tôi không cần phải bàn vì chúng không đáng để nói.
Nhưng việc ông Đăng Thanh lấy chuyện sổ hưu của cán bộ ra để hô hào họ phải “chiến đấu” để bảo vệ nó, rồi ông lại lôi chuyện Đông Âu ra để dọa họ thì tôi buộc phải nêu vài ví dụ chính tôi chứng kiến để chứng minh là ông đại tá này cố tình bịa đặt, xuyên tạc lịch sử.
Tôi có rất nhiều thầy cô giáo cũ ở CHDC Đức (đều từ 70 đến 80 tuổi), đã về hưu từ ngày nước Đức thống nhất, nhưng vẫn có cuộc sống yên lành. Bà Inge L., hồi đầu là giáo viên tiếng Đức của chúng tôi. Sau năm 1971, chúng tôi về Việt Nam làm việc thì được biết bà đã chuyển sang làm công tác đảng SED (như đảng CSVN bây giờ) ở huyện Königs Wusterhausen, gần Berlin. Tuy không phải viên chức nhà nước, nhưng sau ngày thống nhất, chính quyền mới vẫn cho bà lĩnh lương hưu và bà có một cuộc sống thanh đạm, nhưng không thiếu thốn. Hiện nay bà sống cô đơn nên được xếp vào ở nhà xã hội, được bảo hiểm sức khỏe đàng hoàng. Chúng tôi thường xuyên điện thoại thăm hỏi nhau.
tho-03
Năm 2006 và năm 2011 tôi có mời một số anh chị em bạn học cũ từ Việt Nam sang Đức chơi, (có thể có người đang đọc bài này). Cả hai lần chúng tôi đều kéo nhau về trường cũ, bỏ tiền ra làm một bữa liên hoan, có cả âm nhạc Việt Nam, mời toàn bộ các thầy cô đến dự. Họ rất mừng và nói: “Các học sinh Đức cũ không ai nhớ đến chúng tôi, nhưng người Việt các anh chị quả là rất ơn nghĩa, 40 năm rồi vẫn nhớ đến chúng tôi”.
Nhờ chúng tôi tổ chức họp mặt họ mới có dịp gặp nhau, vì trường cũ đã giải tán và nội bộ của họ có nhiều vấn đề: mất đoàn kết, thù hận nhau, do chính quá khứ của đảng SED để lại, nên họ không bao giờ chủ động gặp nhau.
Trong số phận của các thầy cô, tôi chỉ xin kể 2 sự việc:
1- Bà Magdalena M. vốn là một bà giáo rất đẹp gái, tóc bạch kim, cao ráo, dáng rất sang, dạy kỹ thuật truyền tin. Sau 40 năm gặp lại bà vẫn như vậy và lái xe BMW mui trần đến dự liên hoan. Trước kia tôi không quan tâm đến cuộc sống của bà, nay thấy bà nổi bật lên giữa các vị giáo già nua thanh đạm. Bà bảo: Lương hưu giáo viên của bà thì tạm đủ, nhưng ông chồng bà là đại tá không quân Quân đội Nhân dân Quốc Gia CHDC Đức. Sau khi thống nhất ông được lương hưu tương đương như ông quan năm Tây Đức nên khá lắm! Bà buồn là ông mới mất và nay bà chỉ còn sống bằng lương hưu của bà và 1 phần lương hưu bà góa của ông (Witwenrente).
Bà M. than phiền với tôi là: So với ông đại tá ở phía Tây Đức thì cái tỷ lệ lương hưu để lại cho bà góa có ít hơn.
Tôi không biết điều bà M. nói đúng hay sai, nhưng tôi an ủi bà: Ngày trước ông nhà chỉ lo mỗi việc là tiêu diệt người ta, sau này người ta trả lương hưu hậu như vậy, lúc ổng qua đời, bà còn được lương bà góa của ông nhà thì chắc là sự bất công không bằng đồng bào tôi ở Sài Gòn đã chịu, họ không những không có lương hưu mà còn phải đi cải tạo, có người chết mất cả xác.
Bà M. không phản đối điều tôi nói và trầm ngâm hẳn. Từ đó đến nay, bà vẫn hay gửi email trao đổi chuyện chính trị với tôi.
tho-042- Ông bà Joseph và Gundela GL. là hai người tôi coi như bố mẹ nuôi. Bọn con trai, mấy thằng Erwin, Peter, Michael vẫn chơi bóng đá với đám thanh niên Việt Nam chúng tôi, con bé Martina suốt ngày quấn quít với các bạn gái Việt. Suốt mấy chục năm xa cách tôi vẫn thư từ cho bà. Đùng một cái, từ năm 1990, sau thống nhất đất nước Đức, tôi mất liên lạc với bà. Tôi dò hỏi các thầy cô cũ thì biết cả hai ông bà từng là mật vụ chìm cho STASI (An Ninh CHDC Đức) nên khi chế độ sụp đổ, mọi việc vỡ lở, ông bà xấu hổ quá, đưa cả gia đình đi xa.
Từ khi sang Đức, tôi đã cất công tìm tung tích của ông bà, vì tôi vẫn nhớ đến tình cảm của họ đối với đám thanh niên Việt chúng tôi khi xưa. Là người Việt Nam, tôi thừa hiểu cái bi kịch “cá chìm” mà hàng triệu người Đông Đức hồi đó phải gánh chịu, dù là nạn nhân hay là thủ phạm. Đối với tôi tình cảm con người là trên hết.
Nhờ có Internet và hệ thống sổ điện thoại điện tử, tôi đã tìm được gia đình ông bà GL. Ông bà có một căn nhà nhỏ trên đảo Usedom, nằm trên biển Baltic, gần Ba-lan. Ông bà rút vào cuộc sống ẩn dật để tránh mọi quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp cũ. Câu con cả Erwin làm giám đốc trung tâm điều dưỡng trên đảo và vẫn chăm nom ông bà. Ông bà cảm động lắm và nói là họ đã mất hết bạn bè người Đức, nhưng may mà tôi đã đến với họ.
Điều làm ông bà ân hận nhất là cái “sổ hưu”. Vì là nhân viên mật vụ STASI nên ông bà có quyền cao chức trọng hơn các đồng nghiệp khác trong trường, mặc dù họ có trình độ hơn ông bà. Nhờ vậy ngày nay ông bà lĩnh lương hưu cao hơn họ, những nạn nhân của ông bà.
Đó là ở nước Đức, nơi mà một nhà nước pháp quyền phương tây tiếp quản chính quyền từ tay những người cộng sản. Nhưng ở nuớc Tiệp, nơi người dân tự chuyển đổi xã hội của mình từ độc tài sang dân chủ, vấn đề “sổ hưu” cũng không khác gì.
tho-05
Cô tôi là một kiều nữ Hà Nội đầu những năm 60, lại nói tiếng Pháp giỏi nên đuợc tuyển đi làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia địa chất Tiệp Khắc. Ông Tây Tiệp Vladimir phải lòng cô tôi và họ yêu nhau, như ở mọi nơi trên đời này. Nhưng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa không cho phép một phụ nữ Việt Nam yêu một đồng chí Tiệp. Cuối năm 1961, Tổng cục Địa chất buộc chú tôi phải chấm dứt công tác, quay về Tiệp, để lại cô tôi bụng mang dạ chửa.
Chú Vladimir về Praha, nhờ bạn bè trong trung ương đảng CS Tiệp Khắc, nhờ cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp, để rồi năm 1963 cô tôi được ôm con gái xuất ngoại. Chỉ riêng những đau khổ quanh câu chuyện tình này cũng có đủ chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết.
Khi sang Tiệp, cô chú tôi đều đi làm cho nhà nuớc Tiệp, chú là kỹ sư địa chất, cô là kế toán. Sau cuộc cách mạng nhung, cô chú tôi đều đuợc chính quyền mới trả lương hưu trí đầy đủ, nghe đâu hơn 20.000 Kcs/tháng.
Mùa hè vừa qua, sang thăm cô chú tôi tại Praha, tôi đem chuyện các thầy cô Đông Đức ra kể. Chú Vladimir bảo, các nhân viên STB cũ (Mật vụ An ninh Tiệp Khắc) nếu không vướng tội hình sự (tra tấn, giết người v.v) thì cũng được lãnh lương hưu. Rồi ông kết luận một câu hiền khô:
– Phải thế chứ, không thì họ sống bằng gì!
Một suy nghĩ cực kỳ nhân bản của một con người bình thường.
Xuân Thọ
20.12.2012 Cologne
Nguồn: FB Tho Nguyen

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì Trump, Trung Quốc gọi Mỹ là ‘ngôi sao băng’ trên bầu trời lịch sử



trump
Một cuốn tạp chí Global People của Trung Quốc có in hình Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump (Ảnh: Getty)
Truyền thông Trung Quốc nhanh chóng đáp trả quyết định của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi ông cử thêm một nhân vật chỉ trích Trung Quốc vào chính quyền mới.
Luật sư Robert Lighthizer, một nhà phê bình khắc nghiệt về hoạt động thương mại của Trung Quốc, đã được ông Trump cử làm người đứng đầu phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ. Động thái này nhấn mạnh thêm một triển vọng rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ cứng rắn hơn với đất nước mà ông gọi là ‘kẻ thao túng tiền tệ’.
Phản ứng lại quyết định của tổng thống đắc cử, truyền thông Trung Quốc hôm nay (4/1) tuyên bố rằng “ông Trump lúc nào cũng chỉ lưu luyến thương mại”, và cảnh cáo ông “đừng cố ra lệnh cho Trung Quốc” về các vấn đề kinh tế và an ninh, theo Guardian.
“Liệu những người Mỹ kiêu ngạo có nhận ra rằng Hoa Kỳ có lẽ chỉ là một ngôi sao băng trên bầu trời phong phú của lịch sử”, một bài xã luận trên tờ Global Times thuộc kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố.
Tháng trước, ông Trump cũng khiến truyền thông Trung Quốc sôi sục khi lựa chọn ôngPeter Navarro, một người có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc làm lãnh đạo một cơ quan tư vấn về thương mại và chính sách công nghiệp mới được thành lập. Theo Guardian, ông Navarro từng mô tả chính quyền Trung Quốc bằng nhiều từ ngữ mạnh bạo, chẳng hạn như ‘tàn bạo, thô bỉ, nhẫn tâm, độc tài’.

Ông Peter Navarro là tác giả cuốn sách nổi tiếng ‘Chết bởi Trung Quốc’ (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Ông Lighthizer thì không dùng những từ ngữ gay gắt như trên, nhưng lập trường của ông cũng rất rõ ràng.
“Nhiều năm thụ động và trôi dạt giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã khiến thâm hụt thương mại Mỹ-Trung Quốc phát triển đến mức độ nó được công nhận rộng rãi là một mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế của chúng ta”, ông Lighthizer viết.
Ông nhận định: “Trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên nhìn nhận những vấn đề này một cách nghiêm túc hơn, và cần có cách tiếp cận quyết liệt hơn nhiều trong việc đối phó với Trung Quốc.”
trung quốc
Luật sư Robert Lighthizer được chọn làm lãnh đạo phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ (Ảnh: FT)
Ông Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại tổ chức tư vấn Oxford Economics và là một cựu chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Ngân hàng Thế giới, nhận định rằng: “Hầu như không có đoán, chính sách kinh tế dưới thời [Tổng thống] Trump sẽ trở nên mang tính dân tộc nhiều hơn và can thiệp nhiều hơn. Một điều rất rõ ràng là chính sách của họ sẽ đặc biệt cứng rắn với Trung Quốc.”
Trong khi đó, một học giả Trung Quốc nhận định rằng các bên cần bình tĩnh và tuân theo quy tắc thương mại thế giới.
“Mọi người cần bình tĩnh, an hòa, và cho phép các tổ chức quốc tế như WTO giải quyết vấn đề.”, ông Shen Dingli, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải.
“Một khi Trung Quốc không vi phạm các quy tắc này, Trung Quốc sẽ không có gì phải lo sợ về đường lối cứng rắn của Mỹ.”, ông nhấn mạnh.
Mai Lan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

cấu trúc của một rừng cỏ gianh


VTN

Bài viết dưới đây (mới đưa trên FB của tôi ngày 2-1) chủ yếu đề cập tới một cách hiểu về sự bình đẳng đã tồn tại ở miền Bắc sau 1954, ngày nay đang mở ra trong cả nước và có những diễn biến tinh vi. Sự bình đẳng vốn được coi như một quan niệm hiển nhiên về con người. Nhưng đến thời ta nó lại được giải thích sai lầm, biến thành chỗ dựa để con người sống hành động  tùy tiện vụ lợi dẫn tới tình trạng hỗn loạn.  Cách hiểu về  bình quân thô thiển này đang là  lực cản kéo cả  xã hội chúng ta lại.

Có hai hoàn cảnh khiến những suy nghĩ trên nảy  sinh trong  tôi.
 Một là khi đi học , nhiều cán bộ công nông và con em họ lười và dốt  lại được cộng điểm và sau khi ra trường được ưu tiên lựa chọn vào những cơ quan đầu não . 
Hai là trong mọi công việc, nhất là những công việc đòi hỏi lao động chất lượng cao,  có cả một xu hướng cào bằng tốt xâu hay dở chi phối. 
Ví dụ như trong văn chương. 
Để viết nên một tác phẩm tạm gọi là có chất lượng, người ta phải  bỏ ra một công sức gấp trăm lần việc ngoáy vội làm ra những trang văn những dòng thơ xoàng xĩnh. Vậy mà trong khi tính toán tiền nong trả cho công việc, giữa cái hay và cái dở chỉ có sự phân biệt nhỏ, cách đánh giá như thế dẫn những người láu lỉnh chạy theo số lượng hơn là  để công chăm lo từng trang viết một cách kỹ lưỡng. 
 Còn trong thời kinh tế thị trường như hiện nay, lại đang có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, với muôn ngàn biểu hiện khác nhau, mà  khi cần biện hộ, người ta lấy quyền sống, sự bình đẳng trong tồn tại  làm cái mộc cái lý do cuối cùng che chở.  
Trong giao thông chúng ta đang chứng kiến tình trạng hỗn loạn, phần do đường xá đã quá tải, phần do mọi người luồn lách cản trở nhau. Riêng tôi muốn nói thêm một khía cạnh tâm lý thấy rõ nhất ở các trung tâm còn nhiều chất đô thị trung cổ như Hà Nội. Đó là tình trạng người sử dụng xe thô sơ (và nay là xe máy) lấy cớ bình đẳng xâm phạm vào phần đường của xe ô tô, rồi lấy chuyện ngăn trở được những phương tiện hiện đại hơn làm niềm vui. 
Nhìn rộng ra cả xã hội càng thấy rõ tình trạng đám đông được chiều chuộng, các phần tử ưu tú bị đánh phá khiến họ không còn chức năng lôi cuốn cả đám đông quần chúng đi tới. 
Chủ nghĩa bình quân chưa bao giờ có nhiều bộ mặt như hiện nay, nhưng về bản chất nó là một phương diện của tư tưởng tiểu nông  theo mãi chúng ta trên con đường hiện đại hóa tự phát.


AI CŨNG NHƯ AI, CHEN CẠNH MÀ SỐNG 
Đầu những năm 2000, một người bạn tôi kể lên Tây Nguyên, thấy có chuyện lạ, những người làm công canh gác cho một trang trại hồn nhiên cho người ngoài vào thoải mái hái trộm cà phê. Họ bảo nhau, chủ cũng là người như mình, tội gì để chủ vượt lên sung sướng hơn mình.
Có thể cái lối cư xử trắng trợn nói trên chắc là hiếm hoi, nhưng cái triết lý “ai cũng như ai” “cá đối bằng đầu“ “cá mè một lứa“ thì có vẻ mọi người Việt sẵn sàng chia sẻ.
Hà Nội bây giờ khá nhiều nhà, nhất là nhà buôn bán, có người giúp việc, tức các ô - sin.
Nhưng không ít trường hợp phục vụ quán xá được ít ngày, các ô - sin là những con người nông thôn không hề có kinh nghiệm buôn bán kia đã lăm le nhảy ra làm cái việc cạnh tranh ngay với chủ cũ.
Bởi người ta nghĩ mình chẳng kém gì đời.
Buôn bán hay cai quản sai phái người khác, ai chẳng biết làm.
”Cờ đến tay ai người ấy phất”.
Cả học hành nữa, thằng này mà được học thì kém chi đời!
Sở dĩ ông nọ ông kia có vai vế chẳng qua giỏi bịp bợm luồn lọt hoặc kéo bè kéo cánh mà leo lên đầu lên cổ người khác,...chứ chẳng tài cán gì cả --
cái lập luận ấy được nhiều người ưa thích.
Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân thời trung đại trên danh nghĩa bảo là tái lập sự công bằng, nhiều khi chỉ là một cách để người ta khẳng định rằng không có một trật tự nào cả, không làm liều chỉ thiệt.
ĐỘNG CƠ THÚC ĐẨY HÀNH ĐỘNG
LẠI CŨNG LÀ NGUYÊN CỚ DẪN ĐẾN HỖN LOẠN
Trong các, xã hội bình thường, cả cộng đồng giống như một khu rừng nguyên sinh có cây cao bóng cả, có cả những dây leo. Cỏ mọc lan trên mặt đất cùng với dây leo ủ đất, giữ nước, làm cho cả cánh rừng thành một tổng thể có cấu trúc chặt chẽ và do đó dây leo cũng có ích.
Còn ở ta suốt trường kỳ lịch sử, một xã hội phân tầng như vậy cũng có, nhưng còn ở trong tình trạng rất yếu ớt. Ngấm ngầm trong dân gian vẫn tồn tại một quan niệm bình đẳng tuyệt đối. Các thành viên quần thể làng xã, chỉ biết đến sự phát triển của chính mình. Một hệ thống giá trị thích hợp không được hình thành, hoặc có hình thành cũng không được mọi người công nhận.
Ai cũng như ai, giữa các cá thể chỉ có sự cạnh tranh, nhiều khi là tàn bạo và trắng trợn. Kẻ nào giỏi kẻ đó thắng và kẻ thắng sẽ có lẽ phải, có chính nghĩa. “Được làm vua thua làm giặc”.
Xã hội không trưởng thành và phát triển lên được ư? Không sao, miễn tôi không kém ai là được, nhiều người nghĩ vậy!
Hồ Xuân Hương không phải chỉ nổi tiếng với những câu thơ ỡm ờ nửa thanh nửa tục mà còn ở lại trong lịch sử với lời giả định
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu
Câu thơ không chỉ thổ lộ cái uất ức của người phụ nữ mà cái chính là nói lên ý chí của lớp người cùng cực tự an ủi rằng thả ra chắc mình chẳng thua kém ai.
Nhà văn Kim Lân từng kể một trong những ý nghĩ thúc đẩy ông sáng tác khi mới vào nghề là cái cảm giác “ Ta cũng chẳng kém gì các người !“
Cái cảm giác đó có thể có ý nghĩa tích cực với nghĩa thúc đẩy một cá nhân lập nên sự nghiệp.
Nhưng một xã hội mà gồm toàn những người không chấp nhận một trật tự nào, không công nhận vai trò của học vấn bản lĩnh truyền thống gia tộc … mà chỉ thấy ai cũng như ai chen cạnh mà sống, thì chưa chắc đã tạo được sự tiến hóa cần thiết.
Khi đã chẳng còn có sự phân tầng thì, theo các nhà sinh học, một quần thể chỉ còn có cấu trúc của một rừng cỏ gianh.
Cấu trúc được đơn giản hóa tới mức tối thiểu.
Mà một trong những quy luật của thiên nhiên là ” Bất cứ sự đơn giản hóa hệ thống nào đều dẫn tới sự thắng lợi của những hình thức thấp của đời sống và điều đó làm xấu đi một cách tệ hại cuộc sống của con người”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Anh vẫn chờ em ở cuối cuộc đời

 

Xuân Thao
Có hay không cái trăm năm mà đợi ?
Có hay không cái trăm năm mà chờ ?
Dẫu biết vậy , mà anh vẫn đứng
Đợi chờ em , dù một phút phù du ...

Phố đông người mà anh chậm bước
Giữa dòng người , anh vẫn nhận ra em
Em thơ thẩn đi, mà anh bắt hụt
Anh tự trách mình sao bối rối , lần khân ?

Tìm ở phố không xong , anh quay về quê kiểng
Nhà em đâu , để anh về cùng ăn mít chín ?
Ở chợ Phú Bông hay Hà Mật , Thi Lai ?
Anh chạy một vòng qua Kỳ Lam ,Gò Nổi *


Chiều Chúa nhật em thường ra hóng biển ?
Ngắm sóng xanh và bầu bạn với lũ còng ?
Tìm em đâu giữa đàn người lố nhố ?
Gió Nồm lên làm đôi mắt cay sè !

Hay buồn tình em bỏ đi lên suối ?
Ngâm chân mình trên gộp đá xanh rêu
Thấy đời người trôi đi như dòng chảy
Ngủ ngoan em , một giấc quên đời !

Tôi chờ em , chờ em mòn mỏi
Khi biết đời đã khói lấp , sương che
Không mong chi , thuyền về bến đợi
Khi biết tình phong vũ thê thê!...* *


  2012

*Những địa danh làng , xã thuộc huyện Điện Bàn ,Quảng Nam
* * Ý thơ Phạm ngọc Lư


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kinh nghiệm Trung Quốc:

Ứng dụng đọc báo NYT bị Apple gỡ khỏi App Store TQ


NYT-ChinaImage copyrightGETTY IMAGES
Image captionỨng dụng đọc báo NYT bị Apple gỡ bỏ khỏi App Store tại Trung Quốc
Apple vừa gỡ bỏ ứng dụng đọc báo New York Times (NYT) khỏi App Store ở thị trường Trung Quốc theo yêu cầu của giới chức nước này.
Tờ báo nói mục đích của việc này là nhằm ngăn chặn độc giả ở Trung Quốc 'có thể tiếp cận tin tức độc lập'.
Apple cho biết đã được thông báo rằng ứng dụng vi phạm luật định của Trung Quốc nhưng không được nói cụ thể là đã vi phạm qui định nào.
Truyền thông phương Tây trước nay vẫn gặp khó khăn trong việc truyền tải thông tin tại Trung Quốc do rất nhiều hãng bị ngăn chặn thường xuyên hoặc vĩnh viễn.
Theo tờ NYT, Apple đã gỡ cả hai ứng dụng bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc khỏi App Store tại Trung Quốc từ hôm 23/12.
Tờ báo trích lời phát ngôn nhân của Apple cho biết công ty được thông báo 'ứng dụng đã vi phạm qui định của nước sở tại' và do đó phải bị gỡ xuống.
"Nếu tình hình có thay đổi, ứng dụng đọc báo NYT sẽ lại được người sử dụng ở Trung Quốc tải về," phát ngôn nhân của Apple nói.
Tờ NYT đã yêu cầu Apple xem xét lại quyết định gỡ bỏ ứng dụng.
Website của tờ NYT đã bị chặn tại Trung Quốc từ 2012 do đăng tải thông tin về tài sản của một số thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc và thân nhân.
NYT-ChinaImage copyrightAFP
Tờ NYT cho rằng yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng nằm trong những qui định mới được làm ra để ngăn chặn những hoạt động 'nguy hại đến an ninh quốc gia, làm mất trật tự xã hội và xâm phạm quyền lợi của người khác'.
"Yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng của chúng tôi nằm trong ý đồ của nhà chức trách Trung Quốc nhằm ngăn chặn độc giả tại đây tiếp cận những thông tin độc lập của NYT về quốc gia này, dù những thông tin này không khác gì những bài báo mà chúng tôi đưa về tất cả các quốc gia khác trên thế giới," phát ngôn nhân của NYT là Eileen Murphy nói.
Những người sử dụng có tài khoản trên App Store mà không phải là người Trung Quốc thì vẫn có thể tải ứng dụng.
Trong khi đó, độc giả vẫn có thể sử dụng ứng dụng từ một số hãng thông tấn quốc tế khác như Washington Post, Wall Street Journal, BBC News, Financial Times, ABC News, CNN, và Reuters.
Đối với trường hợp của BBC, trang tiếng Trung bị chặn trong khi trang tiếng Anh đôi khi bị chặn cả trên website lẫn ứng dụng do đưa các tin về nhân quyền hoặc chính trị.
Một số website khác của phương Tây như Google, YouTube và Facebook đều bị chặn ở Trung Quốc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang