QUỐC PHONG (nhà báo, cựu Phó tổng biên tập báo Thanh Niên)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chủ trì phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hôm 28.12 và chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ Hà Văn Thắm cùng giai đoạn 2 của các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo... Đây không phải là tín hiệu mới nhưng xem như là một động thái hối thúc các cơ quan pháp luật phải khẩn trương hơn trong công cuộc chống tham nhũng.
Nó phần nào thể hiện thái độ kiên quyết của Đảng, sẽ không dung tha các hành vi tham nhũng của những người có chức có quyền trong xã hội ta.
Trong số các vụ nổi cộm đó, đáng lưu ý có vụ Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Oceanbank hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bằng cách góp vốn rồi cùng nhau (cá nhân) hưởng chênh lệch lãi suất cũng như cho vay trái nguyên tắc khiến nhiều chục người "dính đòn".
Từ câu chuyện bị vỡ lở này cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN, do việc đi xe biển xanh trái quy định mà từ đó bung bét ra quá nhiều những tệ hại không mấy ai hình dung nổi trong ngành dầu khí suốt nhiều năm qua, tôi bất giác nhớ lại một nhân vật mà tôi đã từng nhiều lần tiếp xúc. Nay nghĩ đến chuyện cũ mà có phần xấu hổ và thầm cảm phục anh. Đó là kỹ sư xây dựng Đỗ Văn Hải, người suốt nhiều năm đi kiện PVN để rồi có lúc bị mất việc làm, thậm chí còn bị bắt tạm giam...
Chính bản thân tôi cũng thấy ngượng với kỹ sư Đỗ Văn Hải nếu nay mà có dịp gặp lại anh, bởi tôi cũng đã từng là một trong những người rất quý anh, giúp đỡ anh nhưng đến lúc cần lại né tránh, xa lánh anh, thậm chí xem anh như một anh chàng "lẩn thẩn" vì quanh năm suốt tháng cứ đeo đẳng gửi đơn đi kiện khắp nơi để rồi gặp biết bao điều cay đắng, ngang trái, khổ ải cũng vì nó.
Vào năm 2002, kỹ sư Đỗ Văn Hải đã nhiều lần gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng trung ương về những tiêu cực xảy ra tại một số dự án lớn của ngành dầu khí. Năm 2004, sau một thời gian tìm hiểu sự việc, báo Thanh Niên có bài viết Một kỹ sư thiết kế không ký hồ sơ nghiệm thu cấp cơ sở. Tác giả, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã cho biết: Một vấn đề khá nghiêm trọng xảy ra trong quá trình thi công Dự án 2 triệu mét khối khí/ngày đêm, là việc kỹ sư Đỗ Văn Hải (một trong những chủ nhiệm đồ án) đồng thời cũng là một trong những kỹ sư trực tiếp lập hồ sơ thiết kế lắp đặt tuyến ống dẫn khí LPG Thị Vải, Bà Rịa-Phú Mỹ. Khi phát hiện việc thi công sai thiết kế, anh đã cương quyết không chịu ký nghiệm thu vào hồ sơ nghiệm thu cấp cơ sở. Thế nhưng không hiểu sao, lại có người ký thay anh rất tùy tiện dù sau đó công trình gặp sự cố và phải chi cả tỉ đồng khắc phục mà cũng không sử dụng được, thậm chí còn gây nguy cơ mất an toàn về cháy nổ nếu khí bị rò rỉ.
Để chống chế trước những sai phạm trên, lãnh đạo PVN ngày đó đã cố ý nói dối cấp trên, rằng đã khắc phục tốt. Kỹ sư Hải lại tiếp tục lên tiếng phản bác, cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu công trình đi vào vận hành. Cuối cùng, để vận hành được đường ống trên, PVN đã chi đến 4,24 triệu đô la Mỹ và 50,2 tỉ đồng để khắc phục và đó cũng đồng thời là việc chi sai nguyên tắc, gây thất thoát ...
Từ đó, cuộc sống của người kỹ sư có trách nhiệm ấy gặp muôn vàn sóng gió với 2 lần bị mất việc. Anh Hải kiện ra Tòa Hành chính nhiều lần mà họ vẫn không bố trí công việc cho anh. Thế rồi sau đó, lãnh đạo Công ty Thiết kế và xây dựng dầu khí (PVEC) cùng thuộc cấp bị bắt tù vì sự cố lún sụt này, gây tốn kém cho nhà nước về mọi phương diện, cả kinh tế lẫn thời gian do chậm trễ...
Những tưởng sự tố cáo đúng của anh Hải sẽ được Nhà nước khen thưởng, nào ngờ anh không hề được gì ngoài cái quyết định cho thôi việc.
Số phận cay đắng của anh Hải là ở chỗ, anh đã bị đơn vị nọ trả thù và không bố trí cho anh việc làm... để rồi anh lại phải tiếp tục tố cáo lên nhiều cấp. Từ đây, họ mới có cớ đề nghị pháp luật vào cuộc. Tóm lại, phần thua vẫn lại là... người có công với đất nước, người đã ngăn chặn tai họa cháy nổ đường dẫn khí nếu vận hành. Một lần nữa, họ lại biến anh thành người "có tội" và anh bị đơn vị sa thải... "Phần thắng", thật trớ trêu, lại thuộc về những người có quyền, có thế, có tiền. Đó là ban lãnh đạo PVC, PVN và các chủ thể liên quan khác...
Hồi đó, tôi cũng tò mò hỏi chuyện gia đình anh giờ sống thế nào khi anh bị sa thải và vẫn đi "kiện củ khoai" mãi vậy? Cũng nhờ thế, tôi hiểu thêm về con người anh: Cha của Đỗ Văn Hải, ông Đỗ Khiêm, là một trong những thầy/cán bộ đầu tiên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (thời kỳ trên Việt Bắc), Phó giáo sư về kinh tế chính trị và chủ nghĩa Mác-Lênin, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Ông Khiêm cũng là thầy dạy của biết bao nhà lãnh đạo đất nước (trong đó có Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông Kiệt đang là Phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu…). Anh trai của anh, một GS-TS rất nổi tiếng trong giới lý luận trung ương và khoa học xã hội, là ông Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 8, 9, 10, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Thảo nảo, khi đọc kỹ những lá đơn của anh gửi đi các nơi, dù là tố cáo hay kêu cứu thì tôi hay thấy có những dòng chữ đầu tiên: "Việc tôi (Đỗ Văn Hải, kỹ sư) viết để báo cáo (.......) xuất phát từ:
- Trách nhiệm của công dân theo quy định của pháp luật;
- Mong muốn bảo vệ chế độ, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Kế tục truyền thống cách mạng của gia đình.
Nay tôi xin báo cáo những nội dung sau đây:...".
Nhiều lúc, tôi thấy thương cho anh Hải và mình thì cũng bất lực vì không giúp gì được cho anh như xưa nữa. Nếu trước đây, chúng tôi có thể đeo bám sự việc nếu thấy cần làm thì dù có thể phải viết cả chục bài cũng là chuyện thường. Nay, việc làm báo đã khác xưa, viết đến bài thứ 3 là rất khó vì "mất đất" của phóng viên mà báo cũng đâu có bán thêm được và có khi người viết còn bị nghi ngờ.
Có lần anh tìm tôi, do có cảm giác anh đã có phần tuyệt vọng và hơi" lẩn thẩn" thì phải, tôi "bàn lùi" với anh: Tôi không thể giúp anh được nữa đâu, đừng ngồi đây cả giờ đồng hồ như thế, tốn công anh ra! Anh cứ nghiệm như thằng tôi đây (Nguyễn Quốc Phong, từng bị cách chức Phó tổng biên tập báo Thanh Niên vì duyệt đăng bài vụ PMU18) và anh Nguyễn Việt Chiến, người đã viết bài vì anh ngày đó thì rõ. Hồi chúng tôi lâm nạn vì viết bài đấu tranh chống tiêu cực về vụ PMU18 năm 2006 và 2008 là do có phản ứng thái quá bởi tự tin trước những chứng cứ mình có trong tay như anh biết. Vậy thì hỏi anh, chúng tôi đúng - sai ra sao, có đến mức bị xử lý kỷ luật (tôi) hay phải vướng lao tù (Nguyễn Việt Chiến) như thế chưa? Thôi, Hải ơi! Chúng mình đều là dân thấp cổ bé họng mà "chân lý lại thuộc kẻ mạnh". Cho nên hãy tìm việc khác mà làm để nuôi vợ con. "Thành đổ đã có Chúa xây/ Việc gì gái góa lo ngày lo đêm?"...
Hồi đó, anh Hải gặp tôi như muốn thuyết phục tôi nghĩ cách giúp anh đi tìm chân lý. Nhiều khi anh đến tìm tôi, tôi biết nếu tiếp anh, có khi mất vài tiếng là chuyện thường nên cũng đành né gặp anh.
Một chút hy vọng đã đến với anh khi Trưởng ban Nội chính Trung ương là ông Nguyễn Bá Thanh đã chịu nghe anh trình bày và có những chỉ đạo một số cơ quan vào cuộc. Tiếc thay, một chút hy vọng le lói vừa hé ra thì lại vụt tắt khi ông Bá Thanh ra đi đột ngột...
Anh Đỗ Văn Hải lại kiên trì gõ cửa các cơ quan pháp luật và thượng cấp, tố cáo những hành vi tiêu cực của PVC và một lần nữa lại bị quy tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" và bị bắt tạm giam. Sau gần 3 tháng nằm trong trại T16, anh được họ tha vì đã “ăn năn hối cải”. Có những lần, vì "ngồi lì" ở chốn kín cổng cao tường lâu quá, người ta dọa anh, nếu không ra ngoài sẽ cho bảo vệ vào bắt anh (trong đó có cả người nguyên là lãnh đạo cấp cao, là học trò của cha anh). Nghe mà thật não lòng...
Tai nạn nghề nghiệp trong cuộc đời làm báo của tôi đã khiến tôi có phần mệt mỏi và ít nhiều giảm sút lòng tin và nhiệt huyết trong đấu tranh chống tiêu cực trên mặt báo. Và đó là điều làm tôi thấy xấu hổ trước anh. Gần đây tôi cũng muốn gặp lại anh để hỏi han thêm tình hình bây giờ mà cũng không dám vì biết đâu, anh biết tôi đã nghỉ hưu rồi thì còn làm gì nữa mà đến. Ấy là chưa kể, anh sẽ mỉm cười nhìn tôi bằng con mắt khác rồi thầm nói: "Các nhà báo như anh hèn lắm! Từ chuyện của tôi, các anh đã sáng mắt ra chưa?".
Tôi thấy trân trọng anh, nể phục anh và quý anh hơn cũng chính là sau cái vụ Trịnh Xuân Thanh "phát lộ" khiến hầu như cả ban lãnh đạo PVC bị triệu tập lấy lời khai hoặc đã bị bắt tạm giam. Tôi thầm nghĩ, giá như từ lâu rồi mà các vị lãnh đạo cấp cao, các cơ quan pháp luật hồi ấy chịu tin anh, nghe anh trình bày thì đâu đến nỗi thế này.
Chỉ an ủi rằng, trong xã hội chúng ta hôm nay, vẫn luôn còn những con người tâm huyết với đất nước, nhân dân như anh.
Quốc Phong