Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Sapa sương mù và viễn mộng


Hỷ Long - Nhà nước đã xây dựng các trạm quan sát tốn cả chục tỉ đồng để khách du lịch có thể đứng ngắm xuống những ngôi nhà đang tỏa khói, nghèo xác xơ, dưới bản Tả Van. Doanh thu từ việc bán vé cho du khách cũng không nhỏ. Và hình như đời sống bà con trong bản càng nghèo, càng mông muội, thì ngành du lịch càng có cớ để mở tour, cho du khách được “mục kích sở thị” đời sống nguyên thủy thì phải?! Gió và sương lạnh, con đèo từ bản về lại thị trấn dài thăm thẳm. Dường như một trận gió huyễn hoặc vừa thổi qua!

Chiều qua phố Cầu Mây, Sapa
Sapa không còn dấu ngựa trong sương mù, không còn âm vọng đại ngàn một thuở, có chăng chỉ còn lại trong ký ức của người H.Mong, người Dao Đỏ, người Thái Trắng. Nhưng Sapa còn nhà thờ đá, còn những con dốc chao nghiêng qua thị trấn và bản làng hiu hắt.

Tôi trò chuyện với một người cùng ngồi uống chè xanh trong quán cóc ở bên hông chợ.

“Anh sống ở đây lâu chưa?”.

“Nếu tính cả đời các cụ tổ thì chắc cả gần ngàn năm”.

“Anh thấy Sapa thế nào?”

“Ồ, càng ngày càng giàu và đẹp. Nhưng chỉ với người Kinh, người có chức có quyền và có tiền, chứ với một thằng H.Mong như tôi thì không. Mất hết rồi, giờ mình cũng như vật nuôi làm kiểng của họ í mà!”


Sapa lúc 7 giò sáng.



Thị trấn sương mù…

Từ Hà Nội, mua một vé tàu lửa cao tốc với giá 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng, có khi lên đến một triệu đồng (tùy vào thị trường chợ đen), sau đó lên tàu, ngủ một đêm, sáng mai nghe tiếng còi tàu hụ lúc 6h sáng; mặc thêm áo ấm, phụ nữ choàng khăn len, còn đàn ông thì bước ra ga và rít một điếu thuốc. Cái lạnh se sắt, không giống như Hà Nội. Nếu đi nhằm mùa Thu thì vừa bước ra khỏi toa tàu đã bắt gặp những cây bàng lá đỏ đang vặn mình trút lá.

Nếu mệt thì vào một phòng trọ hay khách sạn nào đó ở Lào Cai để nghỉ ngơi, nếu đi một mình thì phóng ngay lên chuyến xe buýt chật chội chạy thẳng Sapa. Lòng vòng qua mấy con phố, qua cầu Cốc Lếu bắc qua sông Nậm Thi; song song với cầu Cốc Lếu là cầu cửa khẩu Việt – Trung và cầu tàu lửa Việt – Trung. Sau đó xe rẽ hướng đèo Hoàng Liên Sơn, con đèo dài nhất Việt Nam, hình như cũng là dài nhất Ðông Nam Á, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, với độ dài gần 50km.

Chợ Sapa




Xe sẽ đi vòng qua một cái hồ tựa như hồ Xuân Hương ở thành phố Ðà Lạt, sau đó đi vào khu trung tâm. Xe dừng ở đầu phố Cầu Mây và du khách tự đi tìm phòng. 

Một đời sống khác hiện ra trước mắt. Những quán nướng, những người H.Mong bán hàng đêm, những cặp khách du lịch đi trong sương lạnh, những tiệm tắm thuốc của người Dao Ðỏ, những vườn cải ngồng và những luống hoa hồng…

Khách sạn ở Sapa dường như phòng nào cũng có lò sưởi và một bó củi để bên cạnh, cùng với một hộp quẹt diêm. Giá mỗi bó củi 30,000 đồng (tương đương $1.5). Sáng sớm ra đứng trước balcon chụp hình thị trấn sương mù; những ống khói từ các mái nhà bên cạnh giống như những chàng thủy thủ cổ tích đang căng mắt cùng với biển mù sương.

Chừng 7h sáng, bước xuống phố thì bạn sẽ hiểu rằng có một Sapa khác đang oằn mình giữa cái Sapa hiện đại, đầy tiện nghi.

Người Dao Đỏ bán hàng thổ cẩm về khuya ở SapaHàng nhái thổ cẩm do Trung Quốc sản xuất cũng được bày bán rất nhiều




Sự hiện đại, tiện nghi, và xa hoa, ở Sapa chỉ tập trung ở những con phố trung tâm. Ở đây, ngoại trừ bó củi trong lò sưởi có giá 30,000 đồng thì đụng vào đâu cũng xanh mặt nếu chưa có sự chuẩn bị trước. Một bữa ăn cho hai người, nếu gọi chừng ba món như cá suối, thịt nai xào sả (thực ra là thịt nghé, tức trâu con) và sườn lợn (heo) nướng tẩm mè, thêm canh và cơm thì giá thấp nhất cũng 500 ngàn đồng. Khá ngon, và sang trọng, ngược hẳn với một Sapa thực.

Nói đến Sapa thực, phải nói đến hai quán cơm có giá 10 ngàn đồng một dĩa, nằm cách 2 cây số, ngoại vi thị trấn. Sapa không rộng mấy, đứng đầu phố gọi to thì cuối phố nghe giống như Hội An. Trong những con hẻm, trong chợ Sapa, cũng như ngoài lề đường phố Cầu Mây, một đời sống vất vả của người H.Mong, Thái Trắng, Dao Ðỏ hiện ra rất rõ nét.

Một Sapa khác…

Gần như các mặt hàng hái lượm từ rừng già như: mật ong rừng, lan rừng, lõi cây pơ mu, lũa cây la hán tùng, các loài chim lạ, gà rừng, khoai tây, sắn, măng rừng… và đậu xanh của người Thái, nếp, xôi bảy màu, cơm lam, quả kiwi… đều có mặt ở đây.

Hỏi thăm một người Dao Ðỏ rằng làm sao chị có quả kiwi để bán, thì chị trả lời: “Quả kiwi ở đây trồng nhiều lắm, nó ngọt lắm. Anh ăn thử đi rồi biết”.



Rau củ quả ở Sapa do người Dao Đỏ bánCơm lam và mật ong rừng

“Thế mật ong rừng và các loại kia cũng là hàng mình tự kiếm để bán hay là mua đi bán lại vậy chị?”.

“Ồ, những thứ này mình đi kiếm chứ. Trong nhà có ba người thì chia nhau, hai cha con nhà nó đi kiếm trong rừng, tôi ở nhà đi bán. Có như vậy mới đủ sống chứ. Mua cái gì cũng nhờ vào mấy chỗ này chứ ở đây có gì để sống đâu!”.

“Ðể có chừng này thứ, anh và cháu tốn bao lâu thời gian, và chị kiếm được bao nhiêu?”.

“Ồ, tốn thời gian lắm, cả tuần hai cha con mang cơm lam vào rừng để tìm, mình bán thì kiếm được vài trăm, may lắm thì triệu đồng. Nhưng chừng đó là quá quý rồi chứ đi bán đồ lưu niệm thì mình không có khiếu ăn nói nên bán không được, còn làm rẫy thì cả năm dư chừng một trăm ngàn đồng, làm sao mà sống nổi!”.

“Mỗi tuần kiếm được gần triệu đồng là số tiền lớn hay nhỏ so với gia đình chị?”.

Những con dốc chằng chịt dây điện ở Sapa

“Nó quá nhỏ mà cũng quá lớn. Quá nhỏ bởi nếu ra chợ mua đồ thì đi cái vèo liền mà chẳng có thứ gì cho ra hồn. Còn quá lớn vì đâu phải tuần nào cũng kiếm được gần một triệu vậy. Một năm chỉ có hai mùa là sáu tháng để đi rừng, mà trong hai mùa đó, mình đi chừng mười chuyến thôi. Ði một tuần phải nghỉ một tuần mới lại sức chứ!”.

“Chị mới nói cơm lam, có phải là cơm trong ống tre bán ở các nhà hàng?”.

“Ðúng rồi, nhưng cơm lam ở nhà hàng thì người ta nấu sai rồi, tôi thấy người ta nấu cơm trước, sau đó nhét vào ống tre để nướng cho cháy sém giống như cơm niêu ở các tiệm cũng làm vậy. Còn cơm lam gốc thì phải bỏ gạo thơm vo thật sạch, đổ cùng với nước vào ống nứa và đốt lửa nấu, phải xoay đều ống nứa để tránh cháy khét một bên và sống một bên, lửa cũng vừa thôi. Cơm lam gốc thì mang đi cả tuần nếu không mở ra thì không bị thiu. Còn cơm lam nhà hàng thì để hai ngày nó thối hoắc rồi!”.

Những em bé H.Mong đi thu hoạch cây ngô trên đường về bản Tả Van



Tạm biệt chị bán mật ong rừng, chúng tôi vào thăm bản Tả Van. Sắp vào bản thì gặp một trạm bán vé, mỗi người 20 ngàn đồng, để vào thăm bản. Không có hướng dẫn viên. Chẳng có gì ngoài một bản làng nghèo khổ, heo hút, với đời sống trồng trọt, hái lượm, không hái lượm thì đi bán hàng lưu niệm hoặc bồng con đi xin, người nào có chút chữ thì đi làm khách sạn, hay phiên dịch.

Gặp mấy đứa nhỏ chạy theo nài nỉ mua hàng lưu niệm, tôi mua mấy món, gọi là mua ủng hộ chứ cũng chẳng biết để làm gì vì chắc chắn khi về khách sạn tôi sẽ vứt nó đi. Bởi chúng là hàng Trung Quốc làm nhái hàng truyền thống của đồng bào thiểu số và bỏ mối cho những đứa bé đi bán. Khi nghe tôi hỏi về ước mơ lớn lên sẽ làm gì, các bé gái đều trả lời là ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch. Còn các bé trai thì lắc đầu, không biết sẽ làm gì, chúng chỉ ước mơ lớn có được cô vợ người trong bản. Nghĩa là cha mẹ của chúng đang lo lắng cho chúng vì sợ lớn lên chúng cũng ế vợ như nhiều chàng trai H.Mong hiện tại, các cô gái H.Mong không chịu lấy trai làng, tìm ra phố và có cô còn kiếm được cả chồng Tây nhờ làm hướng dẫn viên du lịch.

Bản Tả Van nhìn từ trên cao

Trên đường về, tình cờ tôi ghé lại một trạm quan sát trên lưng đèo. Nhà nước đã xây dựng các trạm quan sát tốn cả chục tỉ đồng để khách du lịch có thể đứng ngắm xuống những ngôi nhà đang tỏa khói, nghèo xác xơ, dưới bản Tả Van. Doanh thu từ việc bán vé cho du khách cũng không nhỏ. Và hình như đời sống bà con trong bản càng nghèo, càng mông muội, thì ngành du lịch càng có cớ để mở tour, cho du khách được “mục kích sở thị” đời sống nguyên thủy thì phải?!

Gió và sương lạnh, con đèo từ bản về lại thị trấn dài thăm thẳm. Dường như một trận gió huyễn hoặc vừa thổi qua!

http://baotreonline.com/sapa-suong-mu-va-vien-mong/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Họa vô đơn chí, kiều hối giảm


Giá dầu thô giảm, các khoản thu từ thuế gồm cả xuất-nhập cảng lẫn nội địa giảm khiến ngân sách thất thu trầm trọng và giờ, kiều hối – một nguồn thu quan trọng nữa cũng giảm! Giờ thì giống như những hy vọng đã được ký thác vào nhiều yếu tố khác. Hy vọng về kiều hối bắt đầu lung lay.

Nhận ngoại tệ từ ngoại quốc gửi về. Nguồn thu
 quan trọng này đang giảm. (Hình: Người Lao Ðộng)
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc chi nhánh Sài Gòn của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, năm nay, lượng kiều hối từ ngoại quốc gửi về Sài Gòn giảm khoảng 500 triệu Mỹ kim so với 2015. Ðây là điều chưa từng có từ đầu thập niên 2010 đến nay.

Trước kia, mỗi năm, lượng kiều hối từ các quốc gia khác gửi về Sài Gòn tăng khoảng 10%. Năm ngoái, lượng kiều hối gửi về Sài Gòn khoảng 5.5 tỉ Mỹ kim. Năm nay, lượng kiều hối gửi về Sài Gòn không những không tăng mà còn giảm khoảng 500 triệu Mỹ kim. Ông Minh cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng vừa kể là vì tác động của những diễn biến về chính trị cũng như kinh tế trên thế giới.

Lượng kiều hối từ các quốc gia khác gửi về Sài Gòn vào quý 4 hàng năm, thường chiếm từ 40% đến 42% lượng kiều hối của cả năm, trong đó có từ 60% đến 62% được gửi từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong vài tháng gần đây, lượng kiều hối từ Hoa Kỳ gửi về Sài Gòn sụt giảm đáng kể sau khi ông Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi TPP (Hiệp Ðịnh Thương Mại Tự Do Xuyên Thái Bình Dương) và có tin Cục Dự Trữ Liên Bang của Hoa Kỳ sẽ nâng lãi suất trong tháng này. Theo ông Minh, kiều hồi từ Hoa Kỳ gửi về Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng là để đầu tư, do vậy, có thể các yếu tố vừa kể khiến dòng kiều hối chững lại.

Việt Nam từng là một trong mười quốc gia dẫn đầu thế giới về lượng kiều hối nhận được hàng năm. Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho biết, năm ngoái, Việt Nam nhận được lượng kiều hối khoảng 12.25 tỉ Mỹ kim. Năm nay, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ước đoán, con số này có thể giảm khoảng 4 tỉ Mỹ kim, chỉ còn chừng 9 tỉ.

Có lẽ cần nhắc lại rằng, năm 1991 Việt Nam chỉ nhận được khoảng 35 triệu Mỹ kim kiều hối nhưng đến năm 2015, Việt Nam đã nhận được 12.25 tỉ Mỹ kim. Tính ra, mức độ gia tăng của kiều hồi xấp xỉ 40%/năm.

Từ 2013 đến năm vừa qua, lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm tương đương 7% GDP, xấp xỉ mức đầu tư của các tập đoàn, công ty ngoại quốc vào Việt Nam (FDI) và cao gấp đôi mức giải ngân viện trợ phát triển không hoàn lại (ODA).

Theo các chuyên gia thì 80% kiều hồi mà Việt Nam nhận được là do những người Việt định cư ở ngoại quốc sau Tháng Tư năm 1975 gửi về.

Có tới 7 tỉ trong 12.25 tỉ Mỹ kim kiều hối mà Việt Nam nhận năm ngoái được gửi về từ Hoa Kỳ. Sài Gòn luôn là nơi nhận được lượng kiều hối lớn nhất (từ 45% đến 55% tổng lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm). Dẫu chính quyền Việt Nam cố gắng nâng số lượng người Việt đi làm thuê ở ngoại quốc lên mức hàng trăm ngàn mỗi năm để đẩy tổng lượng kiều hồi hàng năm lên cao hơn nhưng lượng kiều hối nhận từ nhóm người Việt này vẫn chỉ xấp xỉ 7% tổng lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được hàng năm.

Dẫu lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm rất đáng kể nhưng cả WB lẫn các chuyên gia kinh tế của Việt Nam đều cảm thấy tiếc khi chính quyền Việt Nam vẫn chưa có chính sách thích hợp để kiều hối trở thành một nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Hồi Tháng Ba vừa qua, Ðại Học Kinh Tế Quốc Dân ở Hà Nội từng phối hợp với Hiệp Hội Nhà Ðầu Tư Nước Ngoài (VAFIE) tổ chức thảo luận về “quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam.” Những người tham dự hội thảo này cùng cho rằng, chính quyền Việt Nam đang phung phí một nguồn lực rất quan trọng.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên Cứu và Quản Lý Kinh Tế Việt Nam (CIEM) thực hiện thì dù tổng lượng kiều hồi chỉ tăng chứ không giảm nhưng lượng kiều hối được dùng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trồi sụt rất thất thường. Giai đoạn từ 2012 đến 2013, tỉ lệ kiều hối được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 30% tổng lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm nhưng đến năm 2014, tỉ lệ này sụt xuống chỉ còn 16%. Ðến năm 2015, tỉ lệ này vọt lên 70%.

Ông Nguyễn Kim Chung, viện phó CIEM, nhận định, sở dĩ lượng kiều hối được dùng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trồi sụt rất thất thường vì mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không ổn định. Ðây là lý do lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm không được dùng để đầu tư vào sản xuất-kinh doanh mà chảy vào bất động sản, gửi ngân hàng lấy lãi hay chi tiêu.

Ông Nguyễn Mại, chủ tịch VAFIE, cho rằng, trong bối cảnh FDI khó tăng trưởng mạnh, mức độ ưu đãi của ODA giảm thành ra Việt Nam buộc phải giảm vay để nợ nần không quá lớn, chính quyền Việt Nam cần phải có chính sách rõ ràng và hợp lý để “nắn” dòng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm chảy vào sản xuất-kinh doanh.

Tính đến hết năm ngoái, có 52/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam tiếp nhận 2,000 dự án đầu tư, quy mô chung khoảng 8.6 tỉ Mỹ kim từ kiều hối. 


Nhiều chuyên gia kinh tế hy vọng, khi kiều hối hướng vào sản xuất, kinh doanh, nó sẽ trở thành một nguồn lực lớn giúp kinh tế, xã hội Việt Nam phát triển tốt hơn. Theo họ, muốn được như thế, chính quyền Việt Nam phải tạo điều kiện thuận lợi cho dân chúng ra ngoại quốc làm việc, cư trú, gia tăng thông tin để người Việt cư trú ở ngoại quốc nhìn ra “cơ hội đầu tư” ở Việt Nam, mở rộng quyền mua, bán nhà tại Việt Nam của người Việt cư trú ở ngoại quốc để phát triển thị trường địa ốc…

Giờ thì giống như những hy vọng đã được ký thác vào nhiều yếu tố khác. Hy vọng về kiều hối bắt đầu lung lay.

(Người Việt)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có tới 5 triệu người Việt sống ở Hải Ngoại, trong đó 1 triệu là bất hợp pháp


Theo con số ước tính của bộ ngoại giao có tới 4 triệu người Việt chính thức ở nước ngoài trong đó có khoảng 2 triệu người sống tại Hoa Kỳ, tuy nhiên số người sống bất hợp pháp không có giấy tờ lên tới 1 triệu người đẩy con số người Việt sống ở nước ngoài lên tới xấp xỉ 5 triệu người đang ở Hải Ngoại. Phải kể đến số động người Việt ở nước ngoài làm chui hay buôn lậu nên khó thống kê được hết và con số chính xác.

1. Có khoảng ba trăm ngàn người Việt đang trồng cần sa tại Anh và thế giới. Những người bất hợp pháp mang dòng máu Việt này đang hoành hành thế giới bằng hàng vạn tấn cần sa mỗi năm. Hãng Reuters hôm 25/2/2015 đăng tải bài phóng sự về tình trạng các thanh thiếu niên Việt Nam bị những kẻ buôn lậu đưa sang Anh để làm việc trong các trại trồng cần sa. Những người này bị ngược đãi và phải sống trong điều kiện tồi tệ, gần như bị nhốt trong các ngôi nhà kín với đèn có cường độ chiếu sáng cao. Họ phải làm việc cật lực để trả số nợ là chi phí sang Anh lên đến 46.000 USD.


Tại Anh có khoảng 90 phần trăm những người có hoạt động trồng cần sa là người Việt Nam, và hầu hết họ là những người dân mới nhập cư gần đây. Tình huống này đã xấu đến mức giờ đây những cán bộ nhập cảnh đã cùng với cảnh sát hành quân trong các cuộc truy tìm.

Rất nhiều công nhân chăm sóc cây dược liệu này là trẻ em, đó là những người bị mang đến Anh quốc bởi những băng nhóm buôn thuốc phiện, đặc biệt là để làm việc trong việc trồng cây cần sa. Trẻ em là đối tượng dễ dàng để quản trị và có thể trả công rẻ mạt. Thêm vào đó, chúng không thể bị xét xử với các tội danh hình sự, và sau khi việc trồng cây dược liệu này bị bể vỡ, những đứa trẻ có thể bị nhà nước bỏ quên và lại quay trở lại những ngôi nhà để trồng cây cần sa.

2. Có khoảng năm trăm ngàn người Việt đang làm công nhân chui hoặc bị cưỡng bức làm nô lệ tại các nhà máy khắp nơi trên thế giới, trong đó 50 ngàn tại Đài Loan, 50 ngàn tại Hàn Quốc. Năm 2001, tại đảo Samoa, thuộc địa của Hoa Kỳ, dưới sự kêu gọi của số tổ chức cộng đồng người Việt hải ngoại, chính quyền Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra một công ty Hàn Quốc và tuyên án chủ tịch công ty 40 năm tù về tội buôn người. Số lao động xuất khẩu Việt Nam làm việc cho công ty này thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi, bỏ đói và không được trả lương vào khoảng 250 người, đồng thời những công nhân ở lại được giúp đỡ định cư vĩnh viễn tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những trường hợp khan hiếm khi bị phát giác, còn cả trăm ngàn người Việt đang làm nô lệ chui cho các công sở trên thế giới.

Đối với việc xuất khẩu lao động sang Nga, người lao động rất dễ bị lừa và không thể kiếm được chỗ làm hợp pháp nếu không qua doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã được cấp phép. Có hàng chục nghìn người Việt Nam bị rơi vào cảnh "nô lệ lao động" tại thị trường này. Họ bị nhốt dưới khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài và lao động vất vả tại những xí nghiệp may phi pháp, bị bóc lột thậm tệ, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân và cũng không có khả năng tài chính trở về Việt Nam.

Tại Qatar, số lao động Việt Nam có tỷ lệ vi phạm hợp đồng cao do các yếu tố như 95% tham gia công việc xây dựng nặng nhọc, thời tiết khắc nghiệt, thu nhập 200 USD/tháng, khác biệt lớn về văn hoá, các vấn đề về pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp cùng một số yếu tố kinh doanh, cờ bạc, trộm cắp phát sinh từ phía lao động Việt Nam.

3. Có khoảng hai trăm ngàn người Việt phi chính thức đang làm ăn tại Đông Nam Á, Châu Á và các vùng trên thế giới. Đầu thập niên 1970 có khoảng 100.000 người Việt sống ngoài Việt Nam, chủ yếu tập trung tại các nước láng giềng (Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, v.v.). Tuy nhiên khi Việt Nam gia nhập Asean cho tới nay đã có khoảng hai trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi sinh sống phi chính thức ở Đông Nam Á.

Nguồn: http://vietbf.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hồ sơ nguyên CEO DongABank vừa bị bắt


Trước khi bị đình chỉ chức danh Tổng giám đốc, ông Trần Phương Bình từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DongABank.
Mới đây, ông Trần Phương Bình – nguyên Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân – nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á cùng với 3 nhân viên của ngân hàng này đã bị bắt giữ và khởi tố do vi phạm pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình sinh năm 1959, là cử nhân Kinh tế. Ông là một trong số những nhân vật gắn bó với DongABank từ những ngày đầu ngân hàng thành lập. Trước khi trở thành Tổng giám đốc vào năm 1998, ông chưa từng có kinh nghiệm hay chuyên môn về lĩnh vực ngân hàng. Công việc trước đó của ông là giảng dạy lĩnh vực kinh tế.
Trong quá trình công tác tại DongABank, ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng. Tính đến ngày 30/6/2014, ông Trần Phương Bình nắm giữ 15 triệu cổ phiếu tại DongABank, tương đương tỷ lệ sở hữu 3% vốn ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình. Ảnh: Đ.A.
Ông cũng chính là cầu nối quan trọng giữa DongABank với các cổ đông của ngân hàng. Hầu hết những người thân của ông đều là cổ đông lớn của DongABank.
Theo thống kê, vợ chồng ông Bình và các con nắm giữ tới 16,24% cổ phần tại PNJ (nơi bà Cao Thj Ngọc Dung, vợ ông Trần Phương Bình làm Chủ tịch HĐQT) và 9,62% tại DongABank. Trong đó, PNJ nắm giữ 7,7% vốn điều lệ tại DongABank tại năm 2015.
Sau khi bị miễn nhiệm không lâu, ông Bình đã có tâm thư gửi tới toàn thể khách hàng và cán bộ nhân viên DongABank. Nội dung tâm thư cho biết ông nhận lỗi vì có những quyết sách, hành động trong điều hành dẫn đến kết quả xấu ảnh hưởng tới ngân hàng. Ông cũng đồng tình với việc bị đình chỉ chức danh quản trị, điều hành và sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân của mình trước pháp luật.
Ngoài ông Trần Phương Bình, một nhân vật khác cũng bị cơ quan điều tra bắt tạm giam là bà Nguyễn Thị Ngọc Vân. Bà Vân sinh năm 1970, là cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế TP.HCM.
Trước khi bị đình chỉ công tác cùng thời điểm với ông Bình, bà Vân là Phó tổng giám đốc thường trực tại DongABank. Bà từng nhận được bằng khen của Thống đốc NHNN cùng nhiều giải thưởng khác trong quá trình công tác tại Ngân hàng Đông Á.
Xét về quan hệ, bà Vân chính là em dâu của vợ ông Bình. Tính đến 30/6/2014, bà nắm giữ hơn 712.000 cổ phiếu tại DongABank tương đương tỷ lệ 0,14%.
Những năm 2010-2012, DongABank rơi vào tình trạng khó khăn, khủng hoảng, lợi nhuận xuống thấp, tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao… Khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải vào cuộc thanh tra toàn diện về hoạt động của Đông Á từ năm 2012 trở về trước.
Theo kết luận thanh tra, DongABank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động.
NHNN đã quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này từ ngày 13/8/2015 và miễn nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của DongABank, trong đó có ông Trần Phương Bình.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÀNG ĐƠN GIẢN CÀNG HẠNH PHÚC


Càng lớn tuổi dần, con người ta càng tiến dần về sự đơn giản và càng đơn giản thì càng hạnh phúc.
– Sự đơn giản đó là khi người ta không còn thích đến những nhà hàng sang trọng, lộng lẫy để check-in, họ thích ở nhà tự nấu nướng.
– Đó là khi người ta không còn thích đến rạp xem phim để xếp hàng coi cho bằng được một bộ phim đang hot, dư luận đang ồn ào, họ nằm nhà, chọn một bộ phim sau khi xem kỹ nội dung, họ nghiền ngẫm trọn vẹn bộ phim bằng cảm xúc chân thật nhất.
– Đó là khi người ta không còn thích đến những nơi đông đúc để thấy mình lạc lõng, không thích nhiều người mà tẻ nhạt, họ thích trở về nhà, một mình mà không cô độc, một mình mà yên vui. Với họ, sự đơn giản là sự thanh thản.
– Đó là khi người ta không còn quá bận tâm đến xu hướng, đến sự nổi bật. Thay vì chọn một phong cách lòe loẹt, rườm rà, họ yêu thích sự giản tiện. Không cần cầu kỳ vòng vèo, với những bộ áo quần hàng hiệu, họ chọn sự tối giản bằng mái tóc xõa, bằng bộ cánh nhã nhặn hợp vóc dáng, với khuôn mặt tươi tắn nhẹ nhàng, với mùi hương tự nhiên, sự quyến rũ mà họ có toát ra từ thần thái và trí tuệ.
– Đó là khi người ta thay vì nói về bản thân trong đám đông, cố chấp gạt bỏ những cái tôi khác, họ chọn cách lắng nghe, quan sát và ngồi lặng lẽ một mình. Họ dành nhiều nụ cười hơn sự cáu kỉnh, bực tức, họ chọn tha thứ hơn thù hận và cảm thông hơn hờn trách. Họ vui vì họ đã chạm tới sự đơn giản không phải vì sự kỳ vọng cho bản thân mình trở thành một phần đặc biệt của cuộc sống. Trong ánh sáng rực rỡ ngoài kia vẫn luôn có người chọn nép mình khuất sau bóng tối. Vì sự thật thì không sợ ánh sáng không thể chạm đến, vì giản đơn thì trong bóng tối vẫn có thể tỏa sáng để chiếu rọi hạnh phúc của chính mình.
Có bao nhiêu người đã chọn lựa một cuộc sống lặng lẽ, thu mình, không ồn ào, đủ chênh vênh nhưng không cô độc? Có rất nhiều.
Đó là khi con người nhận ra, họ đã đủ trưởng thành để đứng một mình, bình lặng và an nhiên.
Tâm Nhiên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghề nào đang có lương “khủng” nhất Việt Nam?


Đã có một khảo sát về tình hình lương của các CEO ngân hàng, trong đó “khủng” nhất là lương của một CEO ngân hàng thương mại cổ phần nằm trong top 10 tới 1 triệu USD/năm, tức hơn 20 tỷ đồng. Một số CEO ở các ngân hàng lớn hưởng lương từ 4,8 – 7 tỷ đồng/năm, còn các CEO khác cũng thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng mỗi năm.
Phi công, tiếp viên hàng không và quản lý nhân sự… vẫn luôn là những ngành nghề cho mức thu nhập “khủng” nhất Việt Nam năm 2014.
Có Tổng giám đốc ngân hàng lương 6-7 tỷ đồng/năm.
1. Phi công:
Theo bảng lương 5 năm từ 2008 đến 2013 được Vietnam Airlines (VNA) công bố gần đây nhất, mức lương năm 2013 của phi công bình quân đạt 74,8 triệu đồng/tháng. Mức này đã giảm 4,5 triệu đồng so với năm 2012, và 6,7 triệu đồng so với năm 2011.
Lương tháng của phi công và tiếp viên Vietnam Airlines.
Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, mức lương nói trên của nghề phi công cho VNA vẫn là con số đáng mơ ước với nhiều người. Nhưng theo ý kiến của nhiều người, mức lương “khủng” nói trên tương xứng với áp lực, khối lượng và tính chất của công việc điều khiển máy bay. Không những phải đối mặt với áp lực của người “nắm giữ” tính mạng của hàng trăm hành khách, phi công còn là nghề đầy rủi ro, yêu cầu độ tập trung, trình độ cao. Trước đó, họ phải trải qua một quá trình khá dài và khắc nghiệt để rèn luyện nghề.
2. Tiếp viên hàng không:
Thu nhập bình quân của tiếp viên hàng không luôn gây sự tò mò của mọi người. Trong thông tin công bố gần đây của VNA, mức lương dành cho tiếp viên hàng không từ năm 2008 đến 2013 đã tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2008, lương tháng của những tiếp viên là 9,8 triệu đồng, thì đến 2013 đã tăng lên 18,7 triệu đồng/người/tháng. Con số kỷ lục đạt được là 19,2 triệu đồng vào năm 2012.
Tiếp viên hàng không tại Việt Nam luôn có mức lương cao nhất.
Cũng như phi công, tiếp viên hàng không là nghề “đi quanh năm” trên máy bay. Tuy nhiên, áp lực của nghề này có phần thấp hơn so với những người làm nghề phi công. Cùng với lương tháng cố định, tiếp viên hàng không cũng có cơ hội có thêm thu nhập từ việc buôn bán hợp pháp các loại hàng hoá xách tay. Tuy nhiên, nghề tiếp viên không hào nhoáng như nhiều người vẫn tưởng, mà khá vất vả và phải làm việc xa nhà, không cố định giờ giấc. Bù lại, cơ hội thăng tiến của nghề này tương đối nhanh. Do vậy, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài mức lương tương đối hấp dẫn, tương xứng với đặc thù nghề nghiệp thì những cơ hội trong nghề cũng là một trong các yếu tố khiến không ít bạn trẻ đam mê trở thành tiếp viên hàng không.
3. Nhân viên cao cấp tại khách sạn:
CEO người nước ngoài tại khách sạn cao cấp có mức lương 210 – 320 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện trong nước có khoảng 5.000 khách sạn 3-5 sao nhưng hầu hết các khách sạn đình đám nhất, nằm ở vị trí đẹp nhất đều phải thuê công ty nước ngoài quản lý. Với 10.000-15.000 USD/tháng (tương đương 210-320 triệu đồng/tháng) là mức lương trung bình của CEO người nước ngoài của một khách sạn cao cấp tại Việt Nam.
4. Sếp ngân hàng:
Có Tổng giám đốc ngân hàng lương 6-7 tỷ đồng/năm.
Và có Tổng giám đốc ngân hàng lương 6 – 7 tỷ đồng/năm là chia sẻ của một sếp ngân hàng ở TP HCM khi cổ đông chất vấn về mức thù lao của Hội đồng quản trị tại ĐHCĐ thường niên 2014 của ngân hàng này tổ chức mới đây.
5. Quản lý nhân sự , dịch vụ tài chính kỹ thuật
Mức lương được trả cao nhất hiện nay thuộc về doanh nghiệp hoạt động tại TP HCM, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cho vị trí giám đốc kinh doanh với mức lương 161 triệu đồng/tháng. Còn tại Hà Nội, mức lương cao nhất được dành cho vị trí giám đốc nhân sự của một tập đoàn sản xuất, với mức 147 triệu đồng/tháng. 3 lĩnh vực được trả lương cao nhất trong quý II/2013 bao gồm: dịch vụ tài chính – kỹ thuật, bán hàng và tiếp thị. Riêng tại TP HCM, lĩnh vực bán hàng và tiếp thị được trả lương cao nhất. Ngoài ra, dựa theo Bảng thống kê mức lương/tháng tại từng vị trí trong ngành nhân sự dựa theo Salary Guide 2014 (Cẩm nang lương bổng 2014) của tập đoàn Adecco cho thấy nhân sự đang là một những nghề có tiềm năng lương “khủng” ở Việt Nam.
Bảng thống kê mức lương/tháng tại từng vị trí trong ngành nhân sự dựa theo Salary Guide 2014 (Cẩm nang lương bổng 2014) của Tập đoàn Adecco.
Hiện nay, một sinh viên mới ra trường làm ngành nhân sự có thể tìm được việc làm với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, cấp trưởng phòng được trả hơn 1.000 USD/tháng và các vị trí giám đốc nhân sự có thể có thu nhập từ 2.500 đến 3.000 USD/tháng. Thậm chí những tập đoàn lớn của nước ngoài đang trả lương 4.000 USD/tháng cho vị trí này tại Việt Nam. Điều này cho thấy, nghề nhân sự đã xác lập được vị trí quan trọng không thể thiếu cho sự phát triển của doanh nghiệp.
6. Nhân viên dầu khí:
Nhân viên dầu khí có mức thu nhập 16,2 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2011, thu nhập bình quân của nhân viên PetroVietnam là 16,2 triệu đồng mỗi tháng, cao nhất trong số 17 tổng công ty và tập đoàn của Nhà nước. Và cho đến nay mức thu nhập này vẫn luôn cao và dầu khí luôn là một nghề “hot”.
Theo Kiến Thức
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xuân Quỳnh, phác thảo một tiểu sử (II)


II.Từ nông thôn lên Hà Nội

Bởi làng La Khê chỉ cách thị xã Hà Đông độ hai cây số, cho nên sau khi học xong sơ học ở trường làng đến khi đi học tiểu học, Quỳnh lại học ngay ở thị xã Hà Đông. Môi trường tiếp xúc chủ yếu của Quỳnh hồi thơ ấu vẫn là vùng ngoại ô ven thị xã.
Tuy nhiên, bên cạnh nền văn hoá tự nhiên của nông thôn thì đời sống thành thị – mà tiêu biểu là Hà Nội -- cũng sớm bắt đầu len vào tuổi thơ của con người nhạy cảm ấy.

Thỉnh thoảng, theo bà và chị, Quỳnh lên Hà Nội thăm bố đang sống với người mẹ kế và mấy đứa em
 (Theo X.Q. kể với tác giả, thì đó là phố Tô Hiến Thành ).Những cuộc đi hơn chục cây số không nhẹ nhàng gì với cô bé. Song ở tuổi ấy, từ xóm làng quê mùa tăm tối tới thành phố tràn đầy ánh điện, mỗi chuyến đi vẫn để lại những ấn tượng lớn lao trong đầu người thi sĩ tương lai.
Thuở ấy, chưa có xe đạp, sau quãng đi bộ ra Hà Đông là lên tàu điện. Có những lần, lên Hà Nội, cả Đông Mai lẫn Xuân Quỳnh đều không có tiền. Hai chị em cứ phải lấy nón che đi, tránh chường mặt ra với ông bán vé. May mà mấy lần đều gặp những ông bán vé dễ tính, không phạt.
Nhưng giá như một hôm nào đó, chị Mai có rủ lên Hà Nội thăm bố, thì có mệt đến đâu, Xuân Quỳnh cũng sẵn sàng đi.
 Một lần, Xuân Quỳnh được mang lên bệnh viện Phủ Doãn chữa răng. Từ tầng hai ngôi nhà rợp bóng sấu bên đường Quán Sứ, Quỳnh có dịp nhìn kỹ những căn nhà Tây đồ sộ, không những là đẹp đẽ sang trọng so với ngôi nhà ngói cổ mấy bà cháu vẫn ở đằng quê, mà còn là sạch sẽ thoáng đãng hơn nhiều, so với căn buồng chật hẹp mà bố và mẹ kế đang ở.
Và kỳ thú là những người đàn bà Hà Nội xinh đẹp, lịch sự đi lại trên vỉa hè!
 Càng nhìn lòng Quỳnh càng dội lên niềm ước ao là lớn lên, cũng xinh đẹp và lịch sự như họ.
Trong tình yêu Hà Nội của Xuân Quỳnh, còn có bóng dáng tình yêu Hà Nội của người cha, một trí thức nghèo sống lay lắt trong cái thời buổi đầy khốn khó.
Những lần dẫn các cô con gái đi chơi phố, không những các con sung sướng mà bố cũng thích thú. Luôn luôn, ông kêu lên, như vừa được gặp Hà Nội lần đầu. Khi máy ảnh bắt đầu phổ biến, ông tha đâu về được một chiếc loại tòng tọc, và rất thích chụp ảnh những căn nhà, những góc phố Hà Nội, dù đôi khi vợ con có eo xèo rằng tốn kém về tiền phim, tiền in tráng, thì nhăn nhó đấy rồi vẫn chứng nào tật ấy. Ông vẫn mê chụp ảnh như ngày xưa người ta mê tổ tôm, cô đầu.
Nhưng tình yêu Hà Nội của ông Lục, oái oăm thay, cũng là một tình yêu khốn khổ.
Trước và sau 1945, ông vẫn chơi vơi, nửa ở La Khê, nửa trên thành phố.
Về sau, khi làm bạn với bà vợ kế, ông có đưa cả gia đình lên Hà Nội ít năm. Nhưng chả bao lâu, qua 1950, ông lại một lần nữa làm cuộc thiên di, đưa cả nhà vào Sài Gòn.
Đối với con người đã viết hẳn một thiên khảo cứu về Hà Nội , việc tạm xa với Hà Nội thật là điều đau xót khôn tả. Lên chia tay ông, Xuân Quỳnh mới 7-8 tuổi thấy ông cho xem những bức ảnh trong đó thoạt nhìn chỉ có màn đêm đen kịt và vài chấm sáng yếu ớt, thì không hiểu gì cả, ông Lục phải giảng: đó là hình ảnh ánh đèn trên hồ Thiền Quang những đêm đầu xuân. Quỳnh nhìn lại ảnh một lần nữa, lần này, cái nhìn nhoà trong nước mắt thương cha (mà chị Mai và Quỳnh hay gọi là cậu).
Cũng may, ít lâu sau khi ông Lục chuyển đi Sài Gòn chị Đông Mai lại lên trọ ở Hà Nội để theo học ở trường Trưng Vương, và Quỳnh cũng lại thỉnh thoảng lên thăm chị, đôi khi còn nghỉ lại ở đấy ít ngày.
Nhà thơ Vân Long, một nhà thơ bắt đầu có thơ đăng ở báo chí Hà Nội từ trước 1954) đến nay còn nhớ, là hồi đó, Đông Mai cũng có làm thơ, và Vân Long với Đông Mai là cùng một nhóm thơ.
 Trong những lần đến nhà Đông Mai sinh hoạt nhóm, Vân Long đôi khi thấy một cô bé 12-13 nhảy dây ngoài sân, trông khá xinh đẹp, mọi người bảo là em Đông Mai đấy.
Cố nhiên, Vân Long và các bạn không thể ngờ là cô bé chỉ mải nhảy dây đó, về sau lại có một tương lai văn chương xa rộng hơn bất cứ người nào trong nhóm.
Cứ thế, Hà Nội thấm dần vào cuộc đời cô bé nông thôn hôm qua một cách từ tốn, êm đẹp.
Nét đặc biệt của Hà Nội xưa nay: đó không phải là một đô thị lớn lao, đồ sộ. Có thể nói Hà Nội không hoàn toàn là đô thị nữa, mà suốt từ thời phong kiến, qua những năm đầu của thế kỷ XX, dù qua bao thăng trầm thay đổi Hà Nội vẫn cái vẻ riêng của nó: một thành phố sống giữa một vùng quê và còn nặng chất “nhà quê”.
Có thể về sau, cái chất nông thôn ấy bị tố lên đẩy lên tô đậm lên quá mức cho phép khiến thành phố ngổn ngang bừa bộn, mà lại lai tạp, và nói chung là quê mùa cũ kỹ đi. Nhưng vào thời điểm Xuân Quỳnh mới lớn lên, Hà Nội vẫn chưa bị biến dạng, thành phố vẫn thuần nhất trong sự hài hoà có phần cổ điển riêng của nó.
Một điều cũng nên lưu ý, là vào những năm từ 1953 trở đi, khi Xuân Quỳnh có dịp nhận xét, quan sát về Hà Nội bằng con mắt của một thiếu nữ mới lớn - chứ không phải chỉ theo bố hoặc chị đi chơi phố như ngày trước - thì Hà Nội vào “thời điểm bản lề”.
Trước 10-54, Hà Nội là trung tâm của chính quyền tạm chiếm ở châu thổ Bắc bộ, sau 1954, Hà Nội được giải phóng.
Những chiến sĩ từ kháng chiến trở về, trong đó, có nhiều con em của chính thành phố thân yêu, họ trở lại Hà Nội với tâm lý hào hứng và tình cảm trong sáng.
Ngay cả trong mắt những anh em cán bộ vốn từ nông thôn lên, mới lần đầu đặt chân lên đường nhựa Hà Nội, thành phố này vẫn là một cái gì thiêng liêng cao cả. Cái thành phố mà họ đổ xuơng máu mới giành lại được, như vẫn có một khoảng cách với họ. Họ không khỏi nhớ lại những ao ước nắc nỏm lúc nhỏ về một thứ kinh đô hoa lệ, mà chỉ những người có máu mặt trong làng trong xóm mới được đặt chân tới.
Về làm dân thành phố rồi, có khi mang cả vợ con lên sống giữa Hà Nội mà họ vẫn không tin ở cái hạnh phúc mình được hưởng. Họ chỉ sợ trong cử chỉ hành động của mình có gì thô lậu không hợp với đất ngàn năm văn vật! Họ không lấy cách sống giản dị dễ dãi giữa rừng Việt Bắc đem áp đặt cho Hà Nội, mà ngược lại, với niềm rung động chân thành, họ muốn sống theo kiểu thành phố, và hiểu rằng phải nỗ lực học hỏi nhiều, rồi mình mới có được cái thanh lịch dịu dàng của người Hà Nội.
Cái tâm lý biết điều và rất văn hoá của những người chủ mới của thành phố, khiến cho đời sống Hà Nội từ 1965 trở về trước phảng phất một không khí thanh bình hoà hợp, mà từ khi chống Mỹ trở đi, không thể nào có được.
May mắn của một người mới lớn lên và yêu Hà Nội một cách đắm đuối như Xuân Quỳnh lúc này là cách cảm cách nghĩ của nhà thơ tương lai cũng gần với cách cảm cách nghĩ của người đương thời.


VTN

Phần nhận xét hiển thị trên trang