Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Đón năm mới với bộ máy liêm chính, trong sạch


Nói gì thì nói, dù còn những ý kiến, đánh giá khác nhau (bao giờ chẳng thế), sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chuyện biếu xén, chúc tết đã gây những chấn động, ấn tượng mạnh trong cộng đồng, dư luận. Hầu hết đều tán đồng với người đứng đầu chính phủ.

Điều đáng lưu ý, Thủ tướng Phúc phát ngôn vấn đề thời sự này không phải với tư cách cá nhân, không phải trong cuộc trò chuyện thường tình nào đó, mà là cương vị người đứng đầu bộ máy hành pháp của quốc gia, trong cuộc họp thường kỳ chính chức của Chính phủ (ngày 30.11) với sự tham gia đầy đủ các vị đứng đầu các bộ ban ngành trung ương. Vậy thì đó không phải là ý kiến chỉ đạo mang tính cá nhân nữa, mà là thông điệp, là mệnh lệnh của quốc gia.

Thủ tướng dứt khoát: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành. Yêu cầu lãnh đạo các tỉnh không về Hà Nội chúc tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Dư luận đánh giá “thông điệp” của Thủ tướng được đưa ra rất kịp thời, đúng lúc. Hầu như ai cũng biết tầm thời gian này cả bộ máy xã hội từ trên xuống dưới đang rốt ráo chuẩn bị tết. Và đương nhiên không thể quên chuyện lập danh sách sẽ chúc tết ai, biếu xén cái gì. Lâu nay tục lệ như thế rồi, cả công khai lẫn ngấm ngầm, đố dám coi thường.

Tết là thời khắc đặc biệt trong một năm, là dịp để con người thể hiện, bày tỏ tình cảm của mình với người khác, cháu chắt với ông bà, con cái với cha mẹ, trò với thầy, cấp dưới với cấp trên, làng xóm láng giềng với nhau… Chúc tết, tự bao đời mang ý nghĩa tình cảm, đạo đức, như một thứ giá trị tinh thần, truyền từ đời này qua đời khác. Nhưng trong những thay đổi dâu bể của cuộc sống, có những phong tục, tục lệ cao đẹp bị ai đó biến thành hủ tục, mang nội dung xấu, thực dụng, tầm thường, mất hết cả sự cao quý. Đáng buồn là điều ấy thường xảy ra trong đội ngũ lãnh đạo, có chức có quyền. Chức to thì muốn ban phát ơn huệ, thu lợi; chức vừa thì muốn to hơn; chức nhỏ thì muốn lên cao hơn… Không ít người đã biến chúc tết thành cơ hội lấy lòng cấp trên, để được để ý, được quan tâm thăng quan tiến chức. Bình thường phải chạy cửa sau, phải mưu mẹo, kín đáo, còn dịp tết cứ việc công khai, ngang nhiên, không cần giấu diếm. Những biếu xén, đút lót, mua quan bán chức, hối lộ, chia chác, dọn đường cho mình và con cháu, đệ tử đều có thể nhân cơ hội vàng trời cho này. Nếu người đứng đầu không nghiêm, không dứt khoát với tệ biếu xén, hối lộ dưới màu áo tết thì cấp dưới tha hồ làm bậy. “Tại trên ngồi chẳng chính ngôi/Để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn”. To hư kiểu to, bé hư kiểu bé, cả một dây chuyền cứ thế lấy lòng nhau để tham nhũng, tiêu cực. Không chấm dứt được tình trạng này, bộ máy sẽ ngày càng hư hỏng, đừng nói gì đến việc xây dựng một chính phủ liêm chính.

Có lẽ nhìn ra thực tế đáng lo ngại ấy cứ kéo dài và tràn lan lâu nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết phải nêu gương. Ông không nói chung chung, không né tránh này nọ, ông tuyên bố “Tôi yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, Chính phủ cần làm gương”. Lấy chính mình ra để thực hiện, để đột phá xóa bỏ hủ tục, cụ thể là việc chúc tết, Thủ tướng quyết đi đầu trong việc xây dựng lại bộ máy cho thật liêm chính.

Thực ra thì đây không phải lần đầu Đảng và Nhà nước có thái độ về “tình trạng tiêu cực dịp tết”. Nhớ hồi tháng 1.2014, Ban Bí thư đã có chỉ thị số 21-CT/TW nghiêm cấm cán bộ đảng viên các cấp tặng quà tết dưới mọi hình thức cho cấp trên, nhưng dường như những ban bố mệnh lệnh chung chung ấy người ta chỉ đọc qua rồi quên ngay, với tâm lý “chắc tổ chức chừa mình ra”. Lần này, chính Thủ tướng đã nêu gương, đã kêu gọi cộng đồng giám sát việc thực hiện, những ai lợi dụng Tết để mưu lợi cá nhân chắc chắn phải chờn.

Nhân chuyện Thủ tướng “nói không với chúc tết”, lại nhớ tích xưa về sự liêm chính của ông cha ta. Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 5, kỷ nhà Trần) có chép: Thái sư Trần Thủ Độ là người cầm quyền thời Trần, uy lực còn hơn cả vua Thái Tông. Linh Từ quốc mẫu (vợ ông) một hôm ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, người quân hiệu ngăn lại không cho đi. Về nhà, khóc bảo Trần Thủ Độ rằng mụ này làm vợ ông mà bọn quân hiệu khinh nhờn như thế. Thủ Độ giận sai người đi bắt. Người quân hiệu ấy chắc phen này mình phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt. Người quân hiệu đem sự thực trả lời. Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà biết giữ lễ phép như thế, ta còn trách gì nữa. Bèn lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về. Một lần khác, Thủ Độ từng duyệt định sổ hộ khẩu, Linh Từ quốc mẫu thấy vậy xin cho riêng một người làm chức câu đương (chức dịch nhỏ trong làng xã). Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên, quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi rằng tên đó đâu. Người có tên mừng chạy ra. Thủ Độ nói: Ngươi vì có quốc mẫu xin cho được làm câu đương, thì không thể ví như những người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác. Người đó kêu van xin thảm thiết, hồi lâu mới tha cho. Từ đấy trở đi không ai dám đến thăm nhà riêng nữa.

Cũng chuyện biếu xén, người xưa thường nhắc nhở con cháu chuyện ông Dương Chấn là Thái thú quận Đông Lai. Lúc ông đi nhậm chức qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước nhờ ông được đề bạt, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya quay lại đem vàng đến lễ. Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư?”. Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Lòng tôi thành, vả lại bây giờ đêm khuya, không ai biết”. Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra.

Nhân chuyện Thủ tướng làm gương, nhắc lại những chuyện xưa cũng để nói với “một bộ phận không nhỏ” rằng làm quan phải thanh liêm, trong sạch thì mới đúng là công bộc của dân. Phải luôn biết giữ cho lòng mình chữ “liêm”, đừng “yếu lòng” dịp tết hay bất cứ dịp nào khác (sinh nhật, lên chức, cưới xin…) mà vơ vét cho đầy. Cụ Hồ dạy “Cần kiệm liêm chính” là để cán bộ căn vào đó xây dựng phẩm chất cho mình. Chứ làm quan chỉ cốt vơ vét cho nhiều, chính mình chắc đâu đã giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Thói quen nhận biếu xén dịp tết thực ra là hành vi vô liêm sỉ. “Nhân bất khả vô sỉ”, người ta mà không biết xấu hổ thì không được, làm quan lại càng không được.

Ngày tết mà không có người đến chúc tết, biếu xén, đương nhiên sẽ buồn, cảm thấy thiệt thòi, mất mát này nọ. Nhưng các vị quan chức từ trên xuống dưới cứ làm đúng nghiêm lệnh của Thủ tướng đi, tôi tin là cái được lớn hơn nhiều, tốt hơn nhiều. Khi ấy niềm vui sẽ suốt năm chứ không phải chỉ mấy ngày tết.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Không hiểu nổi Donald Trump, Trung Quốc viện tới “người bạn cũ” Henry Kissinger


Ông Kissinger và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 2/12. Ảnh: Getty Images.

Giống như hàng chục năm qua, Henry Kissinger một lần nữa lại đóng vai trò như một “con thoi” giải tỏa căng thẳng và kết nối Mỹ với Trung Quốc. Lần này, vị cựu Ngoại trưởng nay đã 93 tuổi sẽ giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiểu hơn về Donald Trump.

Năm 1971, trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang dần ấm lên sau một thời gian dài căng thẳng, Kissinger khi đó là Ngoại trưởng Mỹ đã có một chuyến đi tiền trạm bí mật sang Bắc Kinh nhằm dọn đường cho chuyển thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon.
Và hôm thứ 6 vừa qua (2/12), nhà ngoại giao nổi tiếng này đã quay trở lại Bắc Kinh để gặp mặt các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau 2 tuần bàn bạc với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Với những cam kết của Trump về thái độ đối với Trung Quốc trong suốt chiến dịch tranh cử, chắc hẳn các nhà lãnh đạo của đất nước châu Á đang cố gắng đánh giá sắp tới động thái của Mỹ sẽ là gì.
“Chúng ta đang ở trong thời khắc lịch sử. Chúng tôi, bên phía Trung Quốc, đang theo dõi tình hình rất sát sao”, Bloomberg dẫn lại lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiếp đón ông Kissinger tại Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa. “Chúng tôi sẽ chăm chú lắng nghe ngài nói về tình hình thế giới hiện nay và về tương lai quan hệ Mỹ – Trung”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ đã đáp lại bằng lời cảm ơn Trung Quốc vì đã nói rõ những suy nghĩ và mục đích dài hạn của những chính sách mà Trung Quốc theo đuổi.
Những lời đe dọa về một cuộc chiến thương mại
Việc phải dùng đến một “người bạn cũ” nay đã ở tuổi 93 và rời chính trường từ hơn 40 năm nay cho thấy giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có một khoảng cách rất lớn bất chấp số phận của hai cường quốc này ngày càng bện chặt vào nhau.
Theo Gao Zhikai, thông dịch viên cho cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và là người từng thường xuyên làm việc với ông Kissinger, việc có một người đóng vai trò là “chiếc cầu nối” không chính thức có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với Trung Quốc và Mỹ để hai quốc gia này có thể phát triển lợi ích chung và tránh được những tính toán sai lầm đáng tiếc. Kissinger là một người mà chẳng ai có thể thay thế được.
Trong khi Trung Quốc hiểu quá rõ về cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, họ gần như không có bất cứ dữ liệu lịch sử nào để đánh giá Donald Trump. Tất cả những gì họ có là những cam kết khi tranh cử của Trump – những lời dọa nạt chưa chắc đã trở thành hiện thực. Trump từng buộc tội Trung Quốc cướp mất việc làm của người Mỹ, gắn cho nước này cái mác thao túng tiền tệ và dọa sẽ áp mức thuế cao chót vót đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Donald Trump không phải chịu bất kỳ nghĩa vụ nào”
Phía Trung Quốc kỳ vọng sau cuộc gặp với Kissinger, thái độ của Mỹ với một vài vấn đề chính sẽ dần sáng tỏ. Trong cuộc điện đàm hôm 14/11, ông Tập cũng đã nói với Trump rằng hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho mối quan hệ Mỹ Trung.
Theo các nguồn tin thân cận, ngày 18/11, ông Kissinger đã có cuộc gặp mặt với Donald Trump sau một vài cuộc điện thoại trước đó. Sau cuộc gặp, Kissinger nói với phóng viên CNN rằng mọi người “không nên cố đóng đinh ông ấy vào những vị trí mà Trump đã thể hiện trong suốt chiến dịch tranh cử”. “Donald Trump là vị Tổng thống đắc cử độc đáo nhất mà tôi đã từng tiếp xúc: ông ấy không có chút hành lý chính trị nào. Trump không có bất kỳ nghĩa vụ nào trước bất kỳ nhóm người cụ thể nào, bởi ông ấy trở thành Tổng thống dựa trên chiến lược của riêng mình. Đây thực sự là tình huống độc nhất vô nhị”.
Người bạn cũ của nhân dân Trung Hoa
Kissinger, tác giả của cuốn sách “On China” viết về Trung Quốc xuất bản năm 2011, đã tới thăm Trung Quốc tổng cộng hơn 80 lần kể từ chuyến công tác bí mật năm 1971. Mỗi chuyến thăm đều được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi, họ miêu tả ông là một “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”.
Kissinger cũng là một trong những chuyên gia Mỹ (bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson và Elaine Chao, người vừa được Trump đề cử làm Bộ trưởng Giao thông vận tải) gặp Tập Cận Bình năm 2012, trước khi ông lên làm Chủ tịch. Nhóm này đã cố vấn cho ông Tập rằng thường xuyên liên lạc với các lãnh đạo Mỹ sẽ là điều quan trọng hơn so với những chuyến thăm chính thức.
Tim Summers, chuyên gia đến từ tổ chức tư vấn độc lập Chatham House (Hồng Kông), nhận định trong thời gian tới Trung Quốc và Mỹ sẽ thiết lập được một số kênh ngoại giao nhưng cần phải có thời gian. Không giống như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Tập Cận Bình “sẽ không ghé thăm tòa tháp Trump” ngay lập tức, bởi vậy sẽ có một khoảng thời gian quan hệ Mỹ – Trung là một ẩn số lớn.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đến già mới chợt tỉnh


Hồi ký

Tống Văn Công

GẶP BA NHÀ VĂN BỊ VÙI DẬP.

Tôi gặp nhà văn Hà Minh Tuân ngay sau khi ông bị lâm nạn năm 1962. Bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến nguyên là cảm tử quân Hà Nội năm 1946, phụ trách công tác Tuyên truyền – Thi đua của Nhà máy gỗ Hà Nội ở Bến Chương Dương, gần bãi sông Hồng. Tôi đến nhà máy gặp anh Tiến tìm tài liệu viết báo và nhân đó xin mua gỗ vụn làm củi đun bếp. Anh Tiến cho biết, ông Hà Minh Tuân vừa bị cách chức giám đốc Nhà xuất bản Văn học, đang lao động cải tạo ở đây. Công việc của ông là khuân gỗ dưới bến sông Hồng xếp lên xe hai bánh, kéo xe về, xếp gỗ vào kho nhà máy. Lúc giải lao giữa ca, anh Tiến mời ông vào văn phòng uống nước, trò chuyện với chúng tôi. Ông hơn tôi một giáp, hoạt động cách mạng từ năm 1943, tham gia khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội, rồi vào bộ đội lên đến chính ủy trung đoàn, sau tiếp quản Hà Nội được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Văn học. Nếu ông cứ chuyên tâm vào việc “gác cổng chính trị” như các vị giám đốc khác thì hẳn đã leo lên cấp Vụ, cấp Bộ rồi, hoặc ít nhất cũng được yên vị tới lúc hưởng lương hưu. Nhưng do có máu mê văn chương, năm 1957 ông viết quyển “Trong lòng Hà Nội”, năm 1960 ông viết “Giữa hai trận tuyến”. Cả hai tác phẩm đều được đánh giá đã “đóng góp xuất sắc cho nền văn học xã hội chủ nghĩa”. Ông hăm hở viết một tác phẩm không né tránh, không bóp méo hiện thực, từng trang nóng bỏng hơi thở cuộc sống, có tựa đề “Vào đời”, một bài học cho lớp trẻ trong giai đoạn mới. Quyển sách vừa xuất bản thì lập tức bị “ăn đòn hội chợ” của các nhà phê bình nhân danh “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Số bài phê bình tốn giấy mực hàng chục lần quyển sách 200 trang của ông. Ông phải làm bản tự kiểm điểm sai lầm vì đã viết quyển sách bôi nhọ xã hội tốt đẹp dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và ngồi nghe cấp trên và cả cấp dưới của mình xỉ vả, rồi nhận quyết định cách chức, đi lao động cải tạo vô thời hạn. Nhà thơ Xuân Sách có bốn câu thơ đúc kết cho ông về sự kiện này:
“ Bốn mươi tuổi mới Vào đời,
Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ.
Giữa hai trận tuyến ngu ngơ,
Trong lòng Hà Nội, bây giờ là đâu”?
Cho đến nay có nhiều bài viết về chuyện ông bị kỷ luật cách chức, đều bảo là không rõ sau đó ông làm gì ở đâu. Về tuổi tác, cấp bậc ở bộ đội, ở cơ quan và học vấn tôi thấy mình ở dưới ông rất xa. Từ khi bắt đầu cầm bút tôi chỉ chuyên tô hồng, cho nên tôi nghĩ là ông sai, nhất là Đảng đã cho rằng ông sai. Do đó, anh Trần Dũng Tiến và tôi khuyên ông nên cố gắng lao động cải tạo cho tốt để được phục hồi công tác. Nhưng ông vác gỗ mãi cho tới ngày Mỹ ném bom Hà Nội mà cấp trên cũng chẳng đoái hoài tới. Ông bỏ việc, biến mất, không ai biết “Trong lòng Hà Nội, bây giờ là đâu”? Lúc ấy bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến chê trách Hà Minh Tuân vô Đảng sớm mà sao quá thiếu “đảng tính”! Không ngờ tới cuối đời, bạn tôi, anh Trần Dũng Tiến cùng các cựu chiến binh Hà Văn Quận, Trần Anh Kim tích cực góp ý “Đảng phải đổi mới chính trị”, đã bị đòn đau hơn Hà Minh Tuân: Ngồi tù!
Nhiều bài viết về nhà văn Hồ Dzếnh đều nói ông chỉ làm thợ hợp đồng ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Có người nói ông chỉ làm ở Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Năm 1968 tôi đến Nhà máy cơ khí Quang Trung Hà Nội (gần Bệnh viện Bạch Mai) để viết về phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”. Thư ký công đoàn nhà máy là ông Lâm Thành Keng (người Việt gốc Hoa Chợ Lớn, sau 30–4–1975 làm Chủ tịch công đoàn quận 5) giới thiệu với tôi có hai tổ đạt danh hiệu Tổ lao động xã hội chủ nghĩa: Tổ đúc và tổ hàn. Ông nói thêm, đặc biệt tổ đúc có một nhà văn nổi tiếng trước cách mạng là Hồ Dzếnh nay là thợ làm khuôn đúc rất giỏi. Tôi chọn viết về tổ hàn vì từng thích bài “Thợ hàn lò cao” nổi tiếng của Chính Yên miêu tả những thợ hàn tài hoa như nghệ sĩ. Tuy vậy, tôi cũng gặp tổ trưởng tổ đúc và ông Hồ Dzếnh để tìm hiểu về những người thợ làm công việc nặng nhọc nhất. Nghe tôi nói tiếng Sài Gòn ông Hồ Dzếnh vui vẻ bảo ông từng sống trong ấy và hiện nay có nhiều người ruột thịt của ông ở trong ấy. Tôi thắc mắc hỏi ông vì sao một nhà thơ, một nhà văn nổi tiếng như ông đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” lại chọn cho mình cái công việc quá nặng nhọc này. Tôi có quen biết một vài nhà văn nhà thơ thời tiền chiến ở các cơ quan văn hóa văn nghệ và nghĩ nếu ông ở đó thì thích hợp và có ích cho đất nước hơn. Ban đầu ông nói úp úp mở mở, có lẽ vì e dè trước một nhà báo của chế độ. Dần dần thấy sự chân thành ngô nghê của tôi, ông cởi mở kể cho nghe những éo le oan khuất của mình không dễ gì được thông cảm. Sau khi Hà Nội nổ súng chống Pháp, số đông văn nghệ sĩ tản cư đã chuyển dần theo hướng lên Việt Bắc. Ông lại chạy ngược về Thanh Hóa quê ông, rồi xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Huyền Nhân, sinh con được bốn tháng thì bà bị thổ tả qua đời. Cuộc sống quá khó khăn, con không có sữa, ông buộc phải mang con vào Sài Gòn sống nhờ người anh ruột có cửa hàng xe đạp ở đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu). Năm 1954, Hiệp định Geneve quy định đất nước tạm thời chia làm hai miền. Đang có cuộc sống yên ổn ở Sài Gòn, nhưng ông lại nhất quyết phải mang đứa con bốn tuổi ra miền Bắc, bởi ngoài đó mới là chế độ mà ông đã góp phần xây dựng. Ra Bắc, ông “đi bước nữa” với bà Hồng Nhật ở 26B Phố Huế. Vợ chồng ông ở cả tầng trệt có thể buôn bán kiếm sống. Sau giải phóng Hà Nội, cán bộ quản lý nhà đất cho rằng gia đình ông ít người mà chiếm khu nhà quá rộng, họ quyết định lấy tầng trệt phân phối cho cán bộ từ chiến khu về. Ông đến các cơ quan văn hóa tìm bạn cũ. Lãnh đạo văn nghệ từ Việt Bắc về coi ông là kẻ đã rời bỏ kháng chiến “dinh tê” về thành, nhìn ông “đầy cảnh giác”! Ông Trần Đĩnh kể trong cuốn Đèn Cù: “Đại hội văn nghệ năm 1961, giờ nghỉ, Tố Hữu tìm tôi lắc đầu chán ngán nói 'chuẩn bị để Hồng Linh nhận hoa của Bác thì lại thành Hồ Dzếnh'! Tôi nói, có ai bảo Hồng Linh đâu, với lại, tôi đùa, cũng là người Hoa cả mà anh. Tố Hữu nghiêm mặt: 'Hồng Linh kháng chiến, Hồ Dzếnh trong thành, sao lại 'cũng' được? Bác mà biết thì ra làm sao”? (Đèn Cù, trang 172). Để kiếm sống, ông xin ký hợp đồng với Nhà máy Xe lửa Gia Lâm làm những công việc nặng nhọc không đòi hỏi tay nghề cao và ít ai muốn làm. Sau khi tiếp quản nhà máy, cán bộ quan tâm đến lý lịch, họ xếp ông vào diện không đưa vào biên chế để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đến khi Mỹ ném bom miền Bắc, ông xin làm ở Nhà máy cơ khí Quang Trung để được gần nhà, tiện việc đi lại và chăm sóc vợ con.
Dù có thấy tiếc cho sự không may của ông, nhưng tôi không nhận thức được sự “bất cận nhân tình” của chế độ mà ông là nạn nhân. Đứng bên ngoài hệ thống chính trị, Hồ Dzếnh quan sát miền Bắc xã hội chủ nghĩa một cách tỉnh táo trong hồi ký “Quyển sách không tên” (Nhà xuất bản Thanh Văn, Hoa Kỳ). Ông nhận ra cái sai cốt lõi tác hại lâu dài của nền giáo dục: “Bây giờ quy tất cả các môn học về chính trị”. Ông cũng là người sớm nhận ra “văn học nô lệ cho chính trị”, do đó “nhà văn không khác gái điếm. Cô gái chiều khách hàng, nhà văn chiều thời đại”. Và “Tác phẩm của một cá nhân tuy được mang tên mình, nhưng phải xen vào công trình của tập thể”. Ông quan sát tình trạng của đất nước: “Lẽ sống dệt bằng khói lửa, người ta không biết gì hơn là thủ tiêu nhau để hòng thoát ngõ bí. Trong cuộc xáo trộn Bắc – Nam, có cái gì còn nguyên giá trị cố hữu đâu. Cái quý nhất là con người không còn quý nữa nếu nó không là thứ xuất phẩm được rèn đúc theo khuôn khổ của thời đại”.
Ngày 20 tháng 8 năm 1970 báo Nhân Dân đăng 5 bài thơ của Lý Phương Liên: “Ca bình minh”, “Em mơ có một phiên tòa”, “Lời ru với anh”, “Về người cha đã khuất”, “Thư gửi người bạn gái Mỹ”. Tác giả là công nhân trẻ ở nhà máy cơ khí. Báo của Đảng ca ngợi: “Một bông hoa vừa nở đã ngát hương”. Tất cả các báo đua nhau tìm xin thơ Lý Phương Liên coi như đó là giành đẳng cấp về cho tờ báo. Báo Lao Động bị chậm chân vì người phụ trách việc này là nhà thơ Thái Giang đang nghỉ phép. Do đó, tôi được giao nhiệm vụ khó khăn này: Phải xin cho được ít nhất một bài thơ của Lý Phương Liên cho số báo sắp ra. Tôi đến nhà Lý Phương Liên gặp lúc chị đang tiếp hai người khách, nhà thơ Minh Giang phụ trách phòng văn hóa văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và nhà thơ Phạm Tiến Duật mới từ chiến trường miền Nam ra. Tôi thuộc bài thơ “Gửi anh bạn Triều Tiên” của Minh Giang từ năm 1950 đến nay mới được gặp nhà thơ cho nên rất vui. Với tư cách một đàn anh từng trải, hiểu biết, nhà thơ Minh Giang nhận xét, hiện nay chúng ta có hai nhiệm vụ chiến lược, giải phóng miền Nam và xây dựng miền Bắc. Phạm Tiến Duật là nhà thơ tiêu biểu ở chiến trường giải phóng miền Nam. Lý Phương Liên là nhà thơ tiêu biểu của hậu phương lớn miền Bắc. Lựa lúc thích hợp, tôi ngỏ ý xin thơ đăng báo thì Lý Phương Liên cho biết, tập thơ chép tay của chị do bác Huyền Kiêu và bác Hải Như giữ. Các báo muốn đăng thơ của chị đều phải qua hai bác ấy. Mừng quá, nhà thơ Hải Như là bạn vong niên của tôi (anh hơn tôi chín tuổi). Tôi vội vã cáo từ mọi người để đi xin thơ đăng báo. Báo Lao Động đăng ba bài thơ của Lý Phương Liên có bài bình luận do tôi chấp bút. Ít lâu sau, báo Văn Nghệ đăng một trang thơ Lý Phương Liên có bài “Nghĩ về Thúy Kiều”. Dư luận sôi lên cho rằng cho tới lúc ấy, “Nghĩ về Thúy Kiều” là bài thơ hay nhất của Lý Phương Liên. Nhiều anh em báo Lao Động chê trách tôi không biết chọn thơ hay đã để sổng mất bài “Nghĩ về Thúy Kiều”. Nhưng ngay hôm sau có tin “một đồng chí lãnh đạo (nghe nói là Trường Chinh) cho rằng “Nghĩ về Thúy Kiều” ẩn chứa tư tưởng phản động! Một cây đa cây đề của làng thơ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ông Hoàng Trung Thông phê phán “Nghĩ về Thúy Kiều” là: “Rắc rối cầu kỳ trong diễn tả, yếu đuối sướt mướt trong tình cảm, bi quan tăm tối trong tư tưởng ”. Các nhà tuyên huấn Đảng cho rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa không thể tồn tại một thân phận Thúy Kiều:
“... Trái đất chúng mình cho đến hôm nay,
Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi.
Thời gian còn nửa ngày là đêm tối.
Còn đồng tiền đổi trắng thay đen.
Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen.
Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến.
Còn những đất đai triền miên chinh chiến...”
Trong giới văn chương, nhiều người không đồng ý với những nhận xét áp đặt của tuyên huấn, nhưng như giáo sư Trần văn Giàu viết trên báo Văn Nghệ ngày 19– 9– 1987 về tình trạng phê bình trong chế độ xã hội chủ nghĩa: “Lắm khi để nhận xét độc đoán không cho phép cãi lại”.
Hơn 40 năm sau, nhiều bạn đọc vẫn nhớ và có lời khuyến khích, Lý Phương Liên đưa in tập thơ của thời tuổi trẻ, mang tên “Ca Bình Minh”, tên của một trong năm bài thơ in trên báo Nhân Dân lần đầu tiên. Chị thổ lộ: “Tôi nín lặng suốt 40 năm nay vì lời nguyền bỏ thơ của chính tôi. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn, cơ cực, không liên quan đến ai. Tôi không thán oán. Người chịu nhiều cay đắng vì thơ tôi là chồng tôi.” Bạn đọc dễ dàng cảm nhận vị đắng cay trong những lời “tôi không thán oán” của chị.

NHÀ VĂN SƠN NAM,
CỘNG TÁC VIÊN ĐẦU TIÊN.

Báo Lao Động Mới chuẩn bị xuất bản số đầu tiên đúng dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám. Anh Sơn Tùng (nguyên Tổng thư ký báo Đại Dân tộc của anh Võ Long Triều), thư ký tòa soạn' mời nhà văn Sơn Nam viết bài về ngày lịch sử này. Nghe giới thiệu tôi là tổng biên tập, anh ôm chầm lấy khen, “trẻ quá, giỏi lắm”. Tôi nói, trẻ gì nữa anh, bốn mươi ba tuổi rồi! Tôi khoe, đã biết anh từ khi anh là Phạm Anh Tài. Anh ngạc nhiên hỏi tôi thời chống Pháp ở đâu, làm gì. Khi biết tôi công tác ở Trạm 23, anh nói mình có qua trạm đó. Tôi lại khoe, đã viết cho báo Nhân Dân Miền Nam và đã dự buổi lễ công bố giải nhất cho cuốn “Bên rừng Cù lao Dung” của anh. Anh nói, họ có mời nhưng mình không đi, gần một tuần sau mới biết truyện được giải.
Anh không mang theo tài liệu, cây bút cũng không có. Anh hỏi tôi cho anh một chỗ ngồi, cây bút bi và vài tờ giấy trắng. Đến 11 giờ 30 tôi mời anh nghỉ, ăn bữa “cơm tập thể” với anh em ký giả, rồi viết tiếp. Anh nói, cho mình chậm năm phút cho xong bài.
Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì bài viết của anh ghi rõ nhiều tên người, nhiều đơn vị, những ngày tháng nối tiếp cho đến khi khởi nghĩa. Một trí nhớ phi thường! Sau bài kỷ niệm “Cách mạng Tháng Tám”, chúng tôi còn đặt anh viết những dịp kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến, Nam kỳ khởi nghĩa, Toàn quốc kháng chiến... Anh cũng đến tòa báo với tay không như thế. Anh nổi tiếng với “Hương rừng Cà Mau”, “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Văn minh miệt vườn”, “Cá tính miền Nam”... Anh được xem là một nhà Nam Bộ học.
Có lần tôi hỏi anh đánh giá thế nào về tiểu thuyết “Hòn Đất” của Bùi Đức Ái (Anh Đức). Nhà văn Anh Đức thời chống Pháp chưa có tên tuổi gì. Anh nói, nó thuộc loại truyện minh họa cho chánh trị thôi, bố cục không chặt, nhiều chi tiết khó tin. Tôi kể với anh, quyển này được Tố Hữu gọi là “Hòn Ngọc” của văn học Việt Nam. Anh cười, nếu Tống Văn Công bảo một nhà phê bình văn nghệ nào đó nhận xét như vậy thì mình ngạc nhiên, chớ còn ý kiến của một ông chính trị thì khỏi bình luận.
Ngẫm nghĩ một chút, anh lại hỏi, Công nè, ngoài Bắc sao không thấy các nhà phê bình văn nghệ nhận xét tác phẩm mà chỉ thấy mấy ông chính trị chê thế này, phán thế kia. Quyển sách, bài thơ bị Tố Hữu, Trường Chinh chê thì tác giả của nó cũng coi như bị nghỉ chơi. Cả xã hội phải im re, không ai dám bào chữa. Tôi bảo anh, tình trạng đó đã có từ thời bưng biền Nam Bộ kháng chiến, do anh không bao giờ đi họp cho nên không nghe đó thôi. Tôi nhắc lại chuyện các ông Hà Huy Giáp, Lưu Quý Kỳ chê bài nhạc “Tiểu đoàn 307” lai Tây không cho giải mà chọn bài Tự túc cho giải nhất. Họ chê truyện Kén rể của Ngũ Yến không có lập trường giai cấp và họ khen truyện thơ “Chú Hai Neo” của Nguyễn Hải Trừng theo thể lục bát, nôm na, chất văn học còn kém xa “Lục Vân Tiên”.
Hồi đó, anh ở Gò Vấp quá xa trung tâm thành phố. Tôi luôn bận nhiều việc rồi sau đó ngồi ở Hà Nội nhiều hơn Sài Gòn, nên không tới thăm anh.
Một lần tại cơ quan miền Nam báo Lao Động, hai anh em gặp nhau sau nhiều năm, cùng ngồi uống trà, bù khú chuyện đời. Anh bảo, mình nói điều này Tống Văn Công đừng đưa lên báo nha, có hứa vậy không để mình nói? Tôi cười, anh Sơn Nam mà cũng biết sợ à? Anh đáp, sao không sợ? Lớn cỡ Nguyễn Tuân còn sợ thì Sơn Nam nhằm nhò gì! Tôi xin hứa, rồi im lặng chờ đợi. Anh hạ giọng gần như thì thầm: “Bao giờ văn nghệ còn chịu sự lãnh đạo của Đảng thì chẳng có tác phẩm nào ra hồn đâu”! Tôi cười lớn bảo, lẽ ra anh không nên dặn tôi đừng đưa lên báo mà dõng dạc yêu cầu: “Tớ có ý kiến này, Tống Văn Công ghi cho chính xác rồi đăng ngay lên báo cho mọi người đọc”! Anh ngẩn người một chút, rồi cười hăng hắc, vậy ra Tống Văn Công cũng nhát như Sơn Nam à?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐÃ ĐI VỚI NHÂN DÂN THÌ THƠ KHÔNG THỂ KHÁC

   

 (Tham luận chưa đọc của Ngô Minh tại Đại hội Hội Nhà văn VIII, 2010)
ngo-minhNgôMinh
Đỗ Phủ là nhà thơ đời Đường, cùng với Lý Bạch được coi hai nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc. Bản thân ông 15 năm cuối đời là người bần hàn, khốn khó, đói ráchMột lần Đỗ Phủ chạy giặc trên chiếc đò nhỏ trên sông Tương, nhịn đói đã 10 ngày. Sau đó chức sắc trong vùng biết tin, đem rượu thịt mời. Ông ăn uống no say rồi bị “thương thực”, lăn ra chết. Gọi là chết no, nhưng thực chất là chết đói. Vì thế thơ ông thấm đẫm nỗi đau của người dân cùng khổ. Nói về Đỗ Phủ, trong bài thơ “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe” của Phùng Quán có khúc thơ rất thống thiết: Đã đi với nhân dân / Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng / Thơ chết áo đắp mặt… Tôi muốn nhân chuyện thơ Phùng Quán  viết về Đỗ Phủ để nói vài ý kiến ngắn về lối đi của nhà văn trên con đường văn chương thăm thẳm để có tác phẩm đích thực mà người đọc luôn mong đợi. Gần mực thì đen/Gần đèn thì sáng. Nhà văn đi với ai thì sẽ viết ra thứ văn chương đó.
Có thể khẳng định rằng, lịch sử các tác phẩm nổi tiếng của văn chương Việt Nam trước năm 1945 đều là lịch sử của sự đồng hành của nhà văn với người dân cùng khổ. Cổ điển có Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Công Trứ, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm dịch), thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu v.v… Hiện đại trước cách mạng có Chí Phèo, Sống mòn của Nam Cao, Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Giông tốSố đỏLàm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, truyện ngắn Thạch Lam, Kim Lân, thơ của Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Hồ Zếnh, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên v.v. Nhiều người làm quan to cỡ Tổng thống, Thủ tướng, về hưu là không còn ai nhớ, hoặc chỉ còn cái tên ghi trong lịch sử. Nhưng những cái tên như Kiều, Lục Vân Tiên, Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Chị Dậu, Tám Bính, Xuân Tóc Đỏ, Vợ Nhặt, Thị Mầu v.v. dù họ là nhân vật do nhà văn hư cấu, lại ở tầng lớp tận cùng đáy xã hội vẫn sống mãi trong lòng hàng tiệu triệu người đọc qua nhiều thế hệ, vì họ là CON NGƯỜI ĐÍCH THỰC. Đó là tầm cỡ tài năng của nhà văn, đồng thời đó cũng là sản phẩm của cuộc hành trình “đi với nhân dân” của các nhà văn muốn phá tung xã hội ngột ngạt, đồng thời nói lên khao khát một lẽ sống lớn. Những nhà văn lớn đó không ăn lương chính quyền để viết. Đó chính là văn chương mang tầm thời đại, vượt qua nhiều thời đại mà chúng ta đang khát khao, mong ước.
Trong hai cuộc kháng chiến, những nhà văn Việt Nam đã ra trận với bộ đội và nhân dân để làm nên chiến thắng đánh đuổi hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Sự đồng hành đó đã làm nên những tên tuổi nhà văn [chống Mỹ] tạc vào lòng người như Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Ngô Kha, Trần Quang Long, Phùng Quán, Nguyễn Minh Châu, Lê Anh Xuân, Thanh Hải, Trang Thế Hy, Hữu Thỉnh, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo v.v. Rồi trong 35 năm hòa bình, cũng có không ít nhà văn nhờ “đi với nhân dân” đã có những tác phẩm “xé rào” trong văn học làm xúc động người đọc như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Lập, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Huy Quang, Hoàng Minh Tường, Tạ Duy Anh, thơ của Thi Hoàng Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Vũ Thuật.v.v.
Nhưng, 20 năm Miền Bắc “xã hội chủ nghĩa” và 35 năm cả nước “xã hội chủ nghĩa” từ sau Đại thắng Xuân 1975 đến nay, các nhà văn “đi cùng nhân dân” là bộ phận nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Còn đa số các nhà văn đều đi với quyền lực. Nhà thơ Đỗ Hoàng, bạn tôi có câu thơ thật chính xác: Anh là nhà thơ nhà nước. Nhà văn nhà nước là nhà văn công chức, nhà nước trả lương cho để viết văn. Họ có lương, có chức quyền, bổng lộc, được cấp đất cấp nhà, lên một chức thì được đổi nhà mới, cuộc sống ổn định. Nên phải viết thế nào đó để làm vừa lòng cấp trên mới mong bảo vệ được cái ghế và bổng lộc dài dài ấy. Nhà văn nhà nước chỉ viết về cái tốt của chính thể, không khai thác sâu cái xấu xa, đểu giả, tàn bạo của bọn quan tham, không đi sâu vào số kiếp, thân phận, nỗi khổ của nhân dân, vì viết như thế sẽ bị coi là “nói xấu chế độ”. Mặc dù trong cuộc sống muôn đời, cái xấu, cái đau khổ bao giờ cũng nhiều hơn cái tốt. Cái đau khổ là bản chất cuộc sống con người. Trong chiến tranh, thứ văn chương tuyên truyền “ta thắng địch thua”, “địch xấu ta tốt” có tác dụng kịp thời động viên người lính ra trận, có khi trở thành lừa phỉnh. Lâu ngày, thứ văn chương ăn xổi ấy đối với một số nhà văn lại trở thành “mực thước”, “bất khả thay đổi”. Vì thế khi xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư… họ liền la lối, quy chụp, kết án. Một bộ phận “nhà văn nhà nước” khác thì biết tỏng tòng tong thứ văn tuyên truyền ấy không phải là văn chương đích thực, nó chỉ có tác dụng nhất thời, nhưng vẫn cứ viết như thế, vì sợ bị phê phán, sợ bị mất chức quyền. Thế là thành một thế hệ nhà văn biết mà không nói, không viết, sợ thành ra hèn. Kể cả các nhà văn tiền chiến tham gia cách mạng, biết rất rõ thế nào là sáng tạo văn chương, vẫn sẵn sàng làm các “đại nhân hèn” để được chức quyền bổng lộc. Nhiều tác phẩm văn chương cách mạng của họ không vượt qua được tác phẩm “thời tiền chiến” khi họ còn rất trẻ. Với họ, luôn thu mình lại, thậm chí khúm núm, tự răn mình “ăn cây nào rào cây đó”, chỉ viết ra những tác phẩm phục vụ các chủ trương làng nhàng. Ngay từ năm 1958, nhà văn Nguyễn Tuân – một người nổi tiếng tài hoa và sống ngay thật đã từng nói với bạn bè “Mình tồn tại tới giờ là do biết sợ“. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký ngày 18-3-1958: “Bây giờ đã đến cảnh không ai dám nói thật với ai, sợ rồi một ngày kia người ta đem ra liên hệ”. Ngày 10-7-1959 ông viết: “Thấy không khí vẫn có cái gì nằng nặng. Không ai nói một ý gì khác. Ít ai suy nghĩ. Trên bảo thế nào cứ y thế. Ít ai ra khỏi cái khuôn sáo của công thức”.
Tệ hơn, có nhà văn còn đánh đu với bọn quan chức tham nhũng để được bữa nhậu, kiếm cái phong bì, lô đất làm nhà. Có nhà văn còn viết và đăng bài ca ngợi tán dương những người bán đất Tây Nguyên cho bọ Trung Quốc, đưa người Tàu vào đóng chốt ở Tây Nguyên, đe dọa sự tồn vong của quốc gia. Tây Nguyên là tử huyệt của đất nước. Đòn điểm huyệt Tây Nguyên tháng 3-1975 của Quân đội ta đã làm cho cả hệ thống quân đội Sài Gòn sụp đổ là một minh chứng. Thế mà có nhà văn vẫn nhắm mắt ca ngợi cái Tổng Công ty đưa bọn Tàu vào Tây Nguyên ấy. Có lẽ cũng vì thế mà trong 3.000 chữ ký của trí thức trong bản Kiến nghị gửi lên Đảng, Nhà nước đề nghị dừng ngay việc cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên do nhà văn – Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và hai người khác phát động, tôi đếm chỉ có vài ba chục nhà văn Việt Nam ký tên. Các nhà văn nhà nước của ta đang trở nên vô cảm với vận mệnh Tổ quốc, hay là vì bảo vệ niêu cơm của mình mà im lặng? Thật là hoàn cảnh. Thật là xa xót!
Trong lúc các nhà văn nhà nước com-lê cà vạt, xe con đi họp, hội thảo, nghe Tuyên giáo xác định chủ đề tuyên truyền quý này, quý khác, thì “nhà thơ nhân dân” Trần Vàng Sao – người có bài thơ nổi tiếng “Bài thơ của người người yêu nước mình” – nghèo đói ở góc thôn Vỹ Dạ Huế vẫn ngồi lắc lư với chén rượu suống và những câu thơ: mả cha cuộc đời quá vô hậu / cơm không có mà ăn / ngó lui ngó tới không biết thù ai / những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất… / một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa…”, “…muốn được say rượu / họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng”… Năm 2009, nhà văn Nguyễn Hoa, Hoàng Minh Tường vô Huế mời anh vào Hội Nhà văn: “Ban Chấp hành sẽ đặc cách hai suất cho hai người vào Hội năm nay là anh Việt Phương và Trần Vàng Sao. Anh Việt Phương đã viết đơn rồi…”. Nhưng khi tôi đánh máy sẵn cái đơn để anh ký vào thì Trần Vàng Sao chắp tay xá xá: “Mi cho tao lạy. Tao sợ vô Hội Nhà văn nhà nước lắm!”. Lực lượng nhà văn nhà nước ngày càng đông đảo thì Hội Nhà văn cũng như các Hội Văn nghệ địa phương bị hành chính hóa nặng nề. Suốt ngày họp hành, tập huấn chủ trương, quan điểm. Đó là cản trở lớn nhất đối với việc tự do sáng tác. Hành chính hóa đến độ mục tiêu của nhà văn không còn là phấn đấu có tác phẩm để đời nữa, mà phấn đấu để được là Chủ tịch, Phó chủ tịch, làm Trưởng ban, Trưởng phòng này nọ… để chẳng viết gì cũng là nhà văn lãnh đạo!
Từ những hoàn cảnh như vậy, 50 năm qua đã sinh ra loại văn chương minh họa chủ trương chính sách. Sinh ra văn học công nhân, văn học công an, văn học Giao thông vận tải, văn học ngành này ngành khác. Những loại văn học đó không vì cuộc sống, thân phận con người lao động mà chỉ tán dương ngành nghề, tán dương doanh nghiệp vớ vẩn. Năm 1987, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã có bài đăng trên báo Văn nghệ “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” làm xôn xao dư luận. Người ta ngạc nhiên rồi giãy nảy lên, rồi phản ứng gay gắt vì người ta tưởng văn chương lâu nay là thứ văn chương thật. Rồi Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến với những phát kiến trong phê bình lý luận làm thay đổi tư duy độc tôn lạc hậu trong văn học chính thống một thời với những khái niệm như “văn học phải đạo”, “văn học bước qua lời nguyền”… Lúc đó các nhà văn nhà nước bị sốc, la toáng lên là “Phủ nhận thành tựu văn học cách mạng”. Nhưng đến hôm nay ngẫm lại những điều Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu nói hơn 20 năm trước mới chính xác làm sao, tâm huyết và trách nhiệm với văn chương Việt làm sao! Nguyễn Minh Châu bảo “Phải đổi mới gấp thôi, nếu không nhà văn sẽ xa rời nhân dân, văn chương chúng ta sẽ không có độc giả”. Đó là quá trình vận động đổi mới trong tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn cuối đời. Không có những suy ngẫm gan ruột đó, thể hiện tư tưởng đi với nhân dân đó, không thể có Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, hay Khách ở quê ra gây chấn động dư luận lúc bấy giờ… Ngay cả những “nhà văn làm lãnh đạo gạo cội” một thời như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, cuối đời cũng đã sám hối quyết liệt. Với thơ Di cảo, Chế Lan Viên đã vô cùng dằn vặt trước sự vô nghĩa của những giá trị trong ý thức hệ văn chương một thời mình từng say mê, hăm hở: Sau này / Anh đọc thơ tôi nên nhớ / Có phải tôi viết đâu! Một nửa / Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi / Giết một tiếng đau – giết một tiếng cười / Giết một kỷ niệm – giết một ước mơ – tôi giết ... Hay: Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ / Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn (Thơ Di cảo). Nhà thơ cách mạng Nguyễn Đình Thi, người hai lần giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn (Đại hội 2 và 3) đã thổ lộ lúc cuối đời: Người tôi còn nhiều bùn tanh / Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ / Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ / Nhiều dây nhợ tự buộc mình. Nhà văn Nguyễn Khải trong bút ký cuối đời Đi tìm cái tôi đã mất đã chua xót nhận ra một đời viết văn của mình “đã giả dối một cách thành thực” (chữ của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn). Nhà văn coi cái Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật của mình như… “cái bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc”. Mà cái đời văn ấy lại chính là “cái tài sản tinh thần thâu góp một đời” mà “về già nhìn lại” “chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì”. Một lời tự sự quá ngậm ngùi, mặn đắng. Nhà văn đau xót viết: “Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi…. Tại sao các nhà văn cách mạng rất chí cốt, đến cuối đời lại ngộ ra như thế? Đó là không kể nhiều nhà văn đảng viên hẳn hoi đã ly khai Đảng trong mấy năm gần đây. Đây là vấn đề đặt ra vô cùng nghiêm túc đối với Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề rất hệ trọng là quản lý nhà văn và văn chương như thế nào để phát huy tự do sáng tạo. Các nhà văn hôm nay hãy suy nghĩ về những sự sám hối muộn màng của các nhà văn lớn nói trên để mà thức tỉnh, để mà biết mình nên đi với ai.
Đúng như Nguyễn Khải nói, hiện nay ở cơ sở, Đảng – nhân dân không còn như trước nữa. Việc Đảng đảng làm. Việc dân dân làm. Tệ nạn dối trá, tham nhũng đã đến lúc ung thư di căn trầm trọng đến mức trong con mắt của người dân ông đảng viên cán bộ cấp nào cũng là “thằng tham nhũng”. Báo cáo láo là căn bệnh kinh niên. Tăng trưởng GDP của thành phố, tỉnh nào cũng từ 12 đến 15%/năm. GDP cả nước là con số cộng của sự tăng trưởng của các địa phương, các Tổng Công ty, thế mà GDP cả nước năm 2009 chỉ 6,2%. Tại sao vô lý vậy? Chỉ con số đó thôi đủ thấy là các địa phương báo cáo láo như thế nào. Ôi, sự dối trá tuyệt vời! ÔI, sự man trá được bảo kê!
Rồi người dân khốn khổ vì bị mất đất, mất ruộng do quy hoạch treo, do đền bù không minh bạch, thậm chí do các chức sắc bày ra dự án ma để ăn cướp đất dân để chia nhau. Nếu dân không chịu, họ dùng lực lượng công an, dân phòng để “cưỡng chế” cho bằng được. Cả anh hùng Ngọc Sương của Nông trường Sông Hậu lừng danh một thời cũng bị kết án tù vì không chịu giao đất cho bọn “ăn đất”. Dân mất đất kéo lên cơ quan Quốc hội, Chính phủ ở Hà Nội, TP HCM khiếu kiện thì bị bắt tống lên xe trả về địa phương rồi vu lên là do “gây rối trật tự công cộng”, “kẻ xấu xúi giục”,” lực lượng diễn biến hòa bình”… Tổng Công ty Điện lực (EVN) sau khi được Chính phủ cho tăng giá điện là lập tức cắt điện luân phiên . Nông dân cả nước điêu đứng vì không có điện bơm nước để cấy lúa. Nhìn cảnh tượng bà cụ già toát mồ hôi hột ngồi quạt cho cháu ngủ suốt đêm trời nóng đến 40 độ mà ứa nước mắt. Sau một tháng đày đọa nhân dân trong tối tăm nóng nực, họ lại đòi tăng giá điện! Thật là lũng đoạn hết chỗ nói.
Bức xúc nhất là tình trạng sa sút về văn hóa. Đây là cái gốc đẻ ra mọi tha hóa trong xã hội, bởi vì nó làm đảo lộn hoặc vô hiệu hóa nhiều giá trị, luật pháp, thước đo và chuẩn mực. Vụ mua dâm nữ sinh ở Hà Giang là biểu hiện tột cùng của sự đồi bại: một thầy Hiệu trưởng cưỡng dâm nữ sinh vị thành niên. Một Bí thư Đoàn dắt gái cho cấp trên. Một Chủ tịch tỉnh nhiều năm trác táng sa đọa, giao cấu với trẻ con vẫn ngang nhiên điều hành chính quyền. Một công an ép cung, dựng án giả. Một tòa án phán những bản án oan! Thật là tồi bại. Còn bao nhiêu ông Tỉnh trưởng, Bộ trưởng đồi bại chưa bị lộ?
Vì không còn niềm tin vào chính thể, nên người dân khắp nước phải kêu cứu trời phật, thần linh. Nhiều quan tham từ trung ương tới địa phương do lo sợ bị lộ đã đổ xô đi lễ Bà Chúa Kho sì sụp, cúng tiền tỷ để nâng cấp chùa này chùa khác. Lầm  đến Huế để cúng tiền cho các chùa lớn…  Thế là cúng bái, bói toán, cầu đồng, đốt vàng mã ngút trời. Sự sa sút về văn hóa đang gây ra nhiều tác động tàn phá, để lại hệ quả lâu dài. Có thể thấy rõ sự tàn phá này trong lĩnh vực giáo dục: Học giả bằng thật, Tiến sĩ dỏm, mua điểm, mua bằng… đã thành lẽ sống, phương cách làm tiền của cả thầy và trò. Trong thực thi pháp luật thì án xử theo lệnh trên, trong bộ máy tổ chức cán bộ thì ăn tiền hối lộ, chạy chức chạy quyền, chạy việc. Tôi có đứa cháu ruột học Đại học Lâm nghiệp ra trường, muốn xin vào cảnh sát môi trường công an tỉnh để được bảo vệ rừng. Người ta đòi 250 triệu đồng mới vô được! Bán cả gia tài bố mẹ cũng không có số tiền ấy. Theo học giả Nguyễn Trung thì “Nhiều hiện tượng tiêu cực phổ biến gần như trở thành một loại văn hóa sống của không ít người trong hàng ngũ chức sắc đã tới mức gây nhức nhối trầm trọng trong xã hội, có thể khái quát như sau:
  • Cơ hội tranh thủ vơ vét
  • Tài nguyên tranh thủ khai thác
  • Đất đai tranh thủ chia chác
  • Thi nhau phô trương địa vị, bằng cấp (chất lượng thấp, giả và rởm)
  • Việc khó đùn cho tương lai hoặc cho người khác”.
Có thể nói tham nhũng và dối trá đã tạo ra một “giai cấp” gọi là “giai cấp lãnh đạo”. Đã là lãnh đạo từ trung ương đến tỉnh huyện, ông nào cũng giàu sụ. Có một tay Chủ tịch tỉnh, khi chưa được cơ cấu Chủ tịch tỉnh thì đi xe đạp “chân co chân duỗi”. Sau một nhiệm kỳ Chủ tịch tỉnh, có xe hơi xịn, nhà lầu ba bốn tầng cho mình, nhà lầu cho con trai, con gái, khách sạn 3 sao để kinh doanh, còn có cả 15.000 mét vuông đất thành phố cho thuê làm nhà hàng và đang xây một trường đại học để “kinh doanh giáo dục”… Con gái của một vị lãnh đạo có cái nhà nghỉ mát ở Nha Trang sang hơn chục lần Biệt thự vua Bảo Đại. Đảng ta hô hào cán bộ nhân dân “Học tập đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng lãnh đạo cao cấp của Đảng dù đã có nhà cao cửa rộng ở tỉnh, ở Hà Nội, vẫn được cấp hàng ba bốn trăm mét vuông đất ở trung tâm Hà Nội, giá trị một lô đất lên tới 90 tỷ đồng. Số tiền đó có thể làm được 1.800 cái nhà tình nghĩa ( thời giá năm 2010). Cụ Hồ không có nhà, không có đất, thế thì lãnh đạo đất nước có học tập làm theo cụ Hồ không? Dù biện hộ như thế nào thì đây cũng là việc làm không thể gọi tên gì khác ngoài “chia chác đất đai tài sản quốc gia”, ”tham nhũng”. Trung ương làm sẽ tạo tiền lệ để Bộ, ngành cấp đất cho nhau, Tỉnh ủy, Huyện ủy, Xã ủy làm văn bản cấp đất cho nhau, tạo thành một chiến dịch “ăn đất” được bảo hộ. Từng việc một, những kiểu vơ vét như thế càng làm cho khoảng cách giữa dân và Đảng, Nhà nước càng doãng ra thêm. Thậm chí có nơi dẫn đến đối địch.
Tình hình xã hội phân chia giàu nghèo như vậy, đạo đức cán bộ sa đọa như vậy, nhà văn phải làm gì? Phải cùng Đảng và Nhà nước đưa những tên lãnh đạo sa đọa đạo đức, ăn cướp, ăn cắp của dân, của Nhà nước ra pháp trường công luận. Làm sao để có những tác phẩm ngang tầm thời đại? Ở nhiều Đại hội nhà văn vấn đề này đã được đặt ra nghiêm túc, nhưng không tìm được lối thoát. Văn chương vẫn cứ làng nhàng. Rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh xuất bản liên tục hàng năm, nhưng chưa có tác phẩm nào vượt qua được Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh viết cách đây hơn 20 năm. Trộm nghĩ, nếu được viết về tất cả các đề tài, viết về bộ mặt ghê tởm gớm ghiếc của bọn tham nhũng và dối trá ở mọi cấp để nhân dân phán xét; đồng thời phải có những tác phẩm mô tả chân thực cuộc sống của người dân bị đè nén, cướp bóc khốn khổ hiện nay để cho nhà nước thấy được bộ mặt thật của đời sống mà lâu nay bị bọn dối trá tung hỏa mù, chắc chắn văn chương ta sẽ đồng hành với nhân dân từ trong nguồn cội. Để có những tác phẩm để đời như Truyện Kiều, Tắt đèn, Chí Phèo, Dông tố, Cánh đồng bất tận… đòi hỏi phải có sự đổi mới, cởi mở của cơ quan quản lý văn nghệ. Chỉ cần một môi trường sáng tác bình thường như các nước Châu Á thôi, văn chương Việt Nam sẽ nở hoa trái bốn mùa. Bây giờ thì môi trường đó chưa có. Con đường có hai lề. Chỉ đi “lề phải” thôi thì không thể thành đường. Nhà văn vi phạm luật pháp, phạm vào các điều cấm kỵ của đạo lý như tuyên truyền chiến tranh, cổ động mại dâm, phỉ báng dân tộc… sẽ bị phán xét. Còn các tác phẩm phản ánh thực trạng xã hội, viết về cuộc sống chân thực của người lao động không vi phạm pháp luật đều phải được tôn trọng. Không có ai có quyền đứng trên pháp luật để ngăn chặn nhà văn viết về đất nước mình, nhân dân mình. Tại sao vụ  Cải cách ruộng đất ( 1952- 1956) giết oan hàng trăm ngàn trí thức nông dân, Đảng đã sửa sai, xin lỗi vẫn cấm kỵ văn chương nói tới? Tại sao vụ án Nhân văn-Giai phẩm “giết chết” mộng đổi mới văn chương, đưa văn chương thoát khỏi “vòng kim cô” ý thức hệ, sau này có nhiều nhà văn dính án thoeif đó đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, có nhà văn như Phùng Quán đã được đặt tên đường ở Thừa Thiên Huế, vật mà văn chương viết về  Nhân văn –Gia phẩm vẫn bị cấm kỵ nghiệt ngã? Không thể hiểu được?
Nhưng nói gì thì nói, muốn có tác phẩm hay nhà văn phải có tài, có tâm với nhân dân, có chính kiến mạnh và có bản lĩnh vững vàng, không run sợ trước bất cứ thế lực nào, mới đủ tâm lực để có những tác phẩm văn chương đích thực. Tình hình đất nước, xã hội bức xúc hiện nay là thời cơ vàng để các nhà văn viết được những tác phẩm để đời. Tiểu thuyết Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường là một ví dụ. Chúng ta không làm văn chương cho một thế hệ, cho một nhóm người. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Hàn Mặc Tử… làm văn chương vì Con người Việt Nam muôn đời. Cứ lặng lẽ viết, lặng lẽ bày tỏ chính kiến của mình, không in lúc này thì sẽ in lúc khác. Bây giờ là thời đại Internet, điều kiện để công bố tác phẩm rất rộng mở. Chúc các nhà văn mãi đi với nhân dân dù con đường cam go, nguy hiểm.
Ôi,
Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác
Huế, đầu tháng 8/2010
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Thái Đen Đón Tết Xíp Sí - [Lễ Hội Du Lịch Văn Hóa Việt Nam]

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đã phát minh ra xe hơi chạy bằng 'nước lã'?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cả thế giới đang sống trong những giây phút như mơ khi nhà khoa học Alaeddin Quassemi người Iran đã phát minh động cơ chạy bằng nước lã có thể di chuyển 900km.

Từ lâu nay, con người đã quá quen với việc động cơ chạy bằng nhiên liệu xăng hay động cơ điện. Điều đó dẫn đến sự phụ thuộc quá vào những tài nguyên thiên nhiên đắt đỏ này và chúng đang dần cạn kiệt. Chính vì vậy, được sử dụng động cơ chạy bằng nước lã luôn là niềm khao khát tột đỉnh của mỗi con người.
Một nhà khoa học người Iran đã biến ước mơ của nhân loại thành sự thật khi đã phát minh ra động cơ chạy bằng nước lã. Đây là một “cơn chấn động” trong lịch sử thế giới mới.
Phát minh vĩ đại của nhà khoa học Alaeddin Quassemi.
Cụ thể, phát minh vĩ đại này được nhà khoa học Alaeddin Quassemi tạo ra hoạt động dựa trên nguyên lý: Động cơ sẽ tách nước thành khí Hydro và Oxy để tạo năng lượng. Khí Hydro và Oxy sẽ phản ứng với nhau để sinh ra động năng giúp xe có thể di chuyển. Chiếc xe của nhà khoa học Alaeddin Quassemi thử nghiệm được trang bị bình nhiên liệu 60 lít hoàn toàn bằng nước lã giúp xe đi được 900km trong 10 giờ đồng hồ.
Đặc biệt, với động cơ bằng nước thì khí thải cũng là hơi nước, hoàn toàn không ngay ô nhiễm nào với môi trường. Trước khi công bố phát minh này, Alaeddin Quassemi đã đăng ký bản quyền quốc tế cho phát minh của mình.
Nếu phát minh này được nhân rộng thì lịch sử loài người sẽ bước sang trang mới, ngành công nghiệp ô tô sẽ có cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử với loại nhiên liệu nước lã gần như “cho không” này.
Xuân Khải

Chuyện về ông Fidel, ông Honecker và người anh họ của tôi…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện về ông Fidel, ông Honecker và người anh họ của tôi…


 Hà Hiển
Chủ tịch Erich Honecker và Chủ tịch Fidel Castro với lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Hable (Đức) năm 1971
Ông Erich Honecker và ông Fidel Castro với lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Hable (Đức) năm 1971 (Ảnh: Internet)
Cái chết của ông Fidel Castro, người mà lúc còn là thiếu niên tôi rất ngưỡng mộ, khiến tôi lại nhớ đến một nhân vật khác là ông Erich Honecker vì nhiều điểm rất tương đồng giữa hai ông, đặc biệt là tương đồng trong cả mối quan hệ của họ đối với Việt Nam. Nhưng cuộc đời của hai ông lại kết thúc rất khác nhau.
Tương đồng:
Nếu ông Fidel, là lãnh tụ của  Cuba suốt gần 50 năm trước khi truyền ngôi cho người em ruột Raul Castro thì ông Honecker là lãnh tụ của Đông Đức trong một thời gian cũng khá dài là gần 20 năm. Cả hai ông đều đã từng nắm trọn các chức vụ cao nhất cả về đảng và nhà nước ở hai nước ấy. Nếu không có sự kiện bức tường Berlin bị phá đổ vào năm 1989 thì có lẽ thời gian cầm quyền của ông Honecker cũng sẽ chẳng kém nhiều so với ông Fidel.
Nếu Cuba một thời được coi là tiền đồn của phe XHCN ở châu Mỹ Latin thì Đông Đức dưới thời ông Honecker, nước ở phía tây nhất trong số các nước XHCN Đông Âu, cũng được coi là tiền đồn phía tây của phe này ở châu Âu.
Việt Nam thời đó cũng được gọi là “tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á”.
Có lẽ vì đều là “tiền đồn” cả nên quan hệ giữa các vị lãnh đạo ở những “tiền đồn” này cũng thắm thiết hơn mức bình thường so với các đồng chí khác trong cùng phe.
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, cả hai ông đã giành cho các đồng chí của họ ở Việt Nam sự ủng hộ rất nhiệt tình cả về vật chất lẫn tinh thần. Một trong các biểu hiện đó là khi các kỹ sư xây dựng Đông Đức của ông Honecker đang giúp Việt Nam xây dựng lại thành phố Vinh thì các công nhân xây dựng tình nguyện Cuba của ông Phidel cũng đang giúp Việt Nam xây dựng bệnh viện ở Đồng Hới.
Tôi cũng được xem nhều bức hình của các nhà lãnh đạo Việt Nam có mặt hai ông. Nhớ nhất là hình ông Phidel khoác tay thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Quảng Trị năm 1973 hay bức hình ông Nguyển Văn Linh chụp đứng cùng với ông Honecker và các nhà lãnh đạo của các nước XHCN khác trên lễ đài kỷ niệm 40 năm ngày thành lập “nước Cộng hòa Dân chủ Đức” vào năm 1989 trước khi “nước” này thống nhất trở lại với Tây Đức vào năm sau đó. Nghe nói Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh của chúng ta lúc ấy đã đặt rất nhiều hy vọng vào số ít những nhà lãnh đạo kiên định nhất còn lại của Đông Âu không chịu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như ông Honecker của Đông Đức, ông Ceaușescu của Romania… để cùng Việt Nam xây dựng một liên minh mới nhằm “bảo vệ CNXH”.
Nếu ông Fidel có câu nói nổi tiếng “Vì Việt Nam chúng ta có thể hiến dâng cả máu của mình!” thì ông Honecker cũng đã từng huy động được hàng chục vạn quần chúng ở Đông Đức xuống đường hô vang khẩu hiệu “Đoàn kết với Việt Nam lúc này càng cần thiết hơn bao giờ hết!” – “Lúc này” trong câu trên là giai đoạn thật là oái oăm khi “tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á” là Việt Nam đang phải chống chọi với cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo từ nước XHCN láng giềng vĩ đại là Trung Quốc. [*]
Vì thế, nếu Fidel được các nhà lãnh đạo Việt Nam coi là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo lỗi lạc của nhân dân Cuba, người bạn lớn của Việt Nam thì ông Honecker một thời cũng được báo chí nhà nước hết lòng ca ngợi là người chiến sĩ cộng sản xuất sắc, người bạn thủy chung của Việt Nam. Cả hai ông đều được trao tặng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam là Huân chương Sao Vàng.
Một sự tương đồng nữa giữa hai ông là sự kiên định với các “nguyên tắc cách mạng”, kiên quyết không “tự diễn biến”,không  “tự chuyển hóa” bất chấp làn sóng cải cách mạnh mẽ diễn ra ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu khác vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Khác biệt
Nhưng nếu sự “kiên định” này đã giúp cho Fidel duy trì được quyền lực tối cao cho đến cuối đời thì lại không giúp được điều tương tự cho ông Honecker.
Ông Fidel chỉ nhường lại quyền cho người em trai khi sức khỏe đã suy kém nhưng ông Honecker thì bị các đồng chí đã “tự chuyển hóa” của ông hạ bệ trước khi bị nhà nước Đức thống nhất buộc tội và đe dọa đem ra truy tố.
Nếu ông Fidel khi không còn nắm quyền tối cao nữa vẫn được coi là nhà lãnh đạo tinh thần, được gọi là “lãnh tụ cách mạng của nhân dân Cuba”, được sống trong biệt thự có lính canh tại thủ đô La Habana thì ông Honecker sau khi mất quyền đã phải sống tị nạn tại nơi đất khách quê người là Chile cho đến lúc chết để tránh nguy cơ bị truy tố.
Khi nghe tin ông Honecker chạy trốn khỏi Đức, người viết bài này khi ấy vẫn còn là một đoàn viên thanh niên cộng sản tràn đầy một bầu máu nóng cách mạng ở trong tim cứ thắc mắc vì sao đồng chí Honecker không tìm đến xin tị nạn tại Việt Nam, nơi ông có những người đồng chí cùng ý thức hệ khá thân thiết mà lại tìm đến cư ngụ ở một nước không thuộc “phe ta”.
Tôi cũng không rõ các nhà lãnh đạo của ta lúc ấy có ngỏ ý mời “người bạn thủy chung” ấy của mình sang Việt Nam định cư để thường xuyên được đàm đạo cùng nhau về CNXH hay không.
Nhưng tôi vẫn còn nhớ hồi đó có người anh họ rất hay đọc báo nghe đài nên rất có cảm tình với ông Honecker. Anh cũng có thắc mắc như tôi. Và rồi một hôm anh cho tôi xem một bức thư trong đó anh trình bày nguyện vọng muốn mời ông Honecker đến sống cùng gia đình anh ở Việt Nam.
Tôi biết vợ chồng anh cùng một mẹ già với 3 đứa con lúc ấy chỉ sống trong một căn nhà khoảng 30 mét vuông ở một góc phố chợ. Nhưng anh bảo miễn là có tấm lòng thì mọi khó khăn đều có thể khắc phục, anh sẽ giành một chỗ thuận tiện nhất trong hoàn cảnh có thể  để ông Honecker có thể ở được.
Sau đó, khi gặp lại, người anh họ ấy báo cho tôi biết là anh đã gửi bức thư ấy “lên trên”, hình như là gửi cho chủ tịch nước hay thủ tướng mà tôi không nhớ rõ, nhưng không thấy hồi âm.
Bây giờ thì ông Fidel và ông Honecker đều đã sang thế giới bên kia cả rồi.
Nhà nước Việt Nam vừa mới thông báo tổ chức quốc tang cho ông Fidel. Bà Kim Ngân, chủ tịch quốc hội cũng đã bay sang tận La Habana để dự lễ viếng ông. Còn hôm nay, tìm hiểu qua trang Wikipedia thì tôi mới biết ông Honecker đã chết vào ngày 29/5/1994 tại Chile và tất nhiên là đã không có quốc tang cho ông ở đâu cả, dù khi còn sống những tấm huân chương mà hai ông đã nhận đều chẳng khác gì nhau.
Suốt tuần qua, báo chí truyền thông trong nước nhắc đi nhắc lại câu nói nổi tiếng của Fidel: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”
Nhưng từ lâu hầu như không  ai ở Việt Nam còn nhớ đến câu nói nổi tiếng của ông Honecker: “Đoàn kết với Việt Nam lúc này càng cần thiết hơn bao giờ hết!” vào cái thời mà “tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á” đang bị nước Trung Hoa XHCN tấn công, và bị Mỹ và Phương Tây cấm vận ngặt nghèo nhất.
Có lẽ chỉ có người lẩm cẩm như tôi mới hay nhớ lâu những thứ mà lúc này người ta có thể cho là không còn cần thiết nữa.
Và khi viết những dòng này, tôi lại chạnh nhớ đến người anh họ cũng lẩm cẩm mà khá tốt bụng trong câu chuyện này. Anh ấy cũng đã sang thế giới bên kia được mấy năm rồi…
HH
————————————————————————-
[*] Thời Việt Nam có chiến tranh với Mỹ, ông Honecker có những lời kêu gọi như “Đoàn kết với Việt Nam là sự nghiệp của trái tim”, “Đoàn kết với Việt Nam là nhu cầu của trái tim”, “Ủng hộ Việt Nam là quốc sách”… Sau ngày Việt Nam thống nhất ông lại kêu gọi: “Đoàn kết với Việt Nam – lúc này càng cần thiết!”. Đến thời Trung Quốc tấn công Việt Nam, ông phát triển câu trên  thành câu mới là “Đoàn kết với Việt Nam lúc này càng cần thiết hơn bao giờ hết!” (HH)