Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Thí nghiệm: Cho chuột sống ở ‘thiên đường’, kết quả lại là sự tuyệt diệt


Đủ lương thực, đủ nước uống, và không có kẻ thù – môi trường tựa như thiên đường của loài chuột đã biến thành địa ngục chỉ sau 600 ngày. Tại sao lại như vậy?
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhà sinh vật học John B. Calhoun đã thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm nghiên cứu hành vi của chuột. Đặc biệt nhất phải kể đến một thí nghiệm nổi tiếng khi ông cung cấp điều kiện sống lý tưởng cho 4 cặp chuột trong một không gian giới hạn, và quan sát quá trình phát triển của quần thể chuột này.
Nhà nghiên cứu John B. Calhoun cùng các thí nghiệm liên quan đến chuột (Ảnh: Yoichi R Okamoto, Wikimedia)
Nhà nghiên cứu John B. Calhoun cùng các thí nghiệm liên quan đến chuột (Ảnh: Yoichi R Okamoto, Wikimedia)

Từ nảy nở tới diệt vong

Với khả năng sinh sản nhanh chóng, số lượng chuột đã tăng gấp đôi mỗi 55 ngày. Con số này tiếp tục tăng mạnh và đạt mốc 620 con chuột vào ngày thứ 315, sau đó tốc độ tăng bắt đầu chậm lại.
Điều đáng chú ý là trong khoảng thời gian từ ngày thứ 315, nhóm nghiên cứu ghi nhận một hiện tượng được gọi là “tha hóa hành vi” (behavior sink) – những con chuột không còn có thể giữ được cấu trúc xã hội và trạng thái hành vi bình thường.
(Ảnh: Sipa, Pixabay)
(Ảnh: Sipa, Pixabay)
Trong tự nhiên, khi có nhiều con trưởng thành mà cấu trúc xã hội trong quần thể không đủ để đáp ứng, các con này sẽ di cư. Nhưng trong không gian của thí nghiệm, chúng không thể di cư và phải đấu đá với nhau để tranh giành số vị trí có hạn. Những con lép vế phải chịu sự khiêu khích và tấn công của các con khác, và một số nạn nhân này lại trở thành kẻ khiêu khích, đẩy nhanh vòng xoáy bạo lực trong cộng đồng chuột.
Trong những nhóm chuột biểu hiện bất bình thường nhất, tỉ lệ chết của con non lên tới 96%. Trong môi trường bất ổn, rất nhiều chuột cái không thể có thai, hoặc chết trong khi sinh. Số còn lại không hoàn thành chức năng của chuột mẹ và ruồng bỏ chuột con. Chúng trở thành những kẻ khiêu khích chính, và thường thay thế vị trí của con đực đầu đàn.
Biểu đồ số lượng chuột trong thời gian thí nghiệm
Biểu đồ số lượng chuột trong thời gian thí nghiệm
Một thế hệ chuột con bị mẹ ruồng bỏ, sẽ lớn lên mà không thể kết nối với xã hội, chúng sống tách mình, Calhoun gọi chúng là “những kẻ xinh đẹp”. Chúng không sinh nở, đấu đá mà chỉ quan tâm tới ăn uống, ngủ và chăm sóc cho bản thân. Khi số lượng chuột trong quần thể suy giảm, “những kẻ xinh đẹp” không bị ảnh hưởng bởi bạo lực và tử vong, nhưng chúng không đi tìm bạn tình và cũng không chăm sóc con non.
Toàn bộ cấu trúc xã hội của bầy chuột sụp đổ. Lần sinh nở thành công cuối cùng của quần thể này là vào ngày thứ 600, đó cũng là khi số lượng quần thể chuột đạt mức tối đa: hơn 2000 con, sau đó quay đầu giảm đều cho tới khi cả quần thể bị tuyệt diệt.
“Những kẻ xinh đẹp” là những con cuối cùng còn sống sót, nhưng vì chúng không giao phối, số lượng quần thể không thể hồi phục.
Video toàn bộ quá trình thí nghiệm:

Một lời cảnh báo?

Sau khi kết quả thí nghiệm được công bố, John B. Calhoun cho rằng biểu hiện của bầy chuột có thể là một ẩn dụ cho tương lai của nhân loại, khi con người không còn có thể giữ vững được nhân tính. 50 năm về trước, thí nghiệm này đã làm người ta phải rùng mình ghê sợ.
Ngày nay, chẳng phải chúng ta cũng đang chứng kiến sự “tha hóa hành vi” ở nhân loại? Các con nghiện nhiều thể loại thực hiện các hành vi loạn tính, ăn ngủ bất thường. Trong xã hội có những người sẵn sàng chạy theo trào lưu nọ, mốt kia mà không cần suy nghĩ. Nhiều người vẫn đang mặc sức đấu đá, chém giết… Ô nhiễm và chất độc tràn lan, không chỉ gây ra ung thư mà còn khiến nhiều đứa trẻ sơ sinh dị dạng, chết yểu.
Nếu nhân loại không thể sửa đổi chính mình thì phải chăng chúng ta sẽ đến ngày tuyệt diệt?
Quang Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LÀM THẦY THIÊN HẠ



VIET CHI

        
         Phải đến hai năm có lẻ, tôi mới có dịp về quê. Vừa về đến đầu làng, tôi đã ngạc nhiên khi thấy trong sân, ngoài ngõ một ngôi nhà, không phải gọi là toà nhà mới đúng, đông nghịt người và xe máy, lại có cả mấy chiếc xe hơi bóng lộn đậu ở cạnh đường làng. Quái lạ, rõ ràng là toà nhà được xây theo kiểu điện thờ là của thằng Hùng bạn học hồi cấp hai với tôi, lần trước tôi về quê, ngôi nhà còn là nhà tranh vách đất; nhà Hùng rất nghèo vì  có những bốn đứa con, hai trai hai gái nên Hùng phải đi phu hồ, thế mà bây giờ Hùng giàu lên nhanh thế? Tôi dò hỏi mọi người mới hay là Hùng đã không còn là anh phu hồ nghèo rớt mồng tơi nữa mà đã trở thành ông thầy Thiên Lôi giàu có, có tài đoán được tiền vận, hậu vận của chúng sinh thế gian cho nên khách thập phương kìn kìn kéo về xem rất đông.
          Chưa kịp về nhà thăm bố mẹ đẻ, tôi đeo cặp kính đen, kéo sụp cái mũ vải xuống che mặt rồi theo chân  ông bụng phệ vừa bước từ một chiếc xe hơi màu sữa xuống đi vào nhà thầy Hùng. Vừa bước vào cổng, một gã thanh niên đep cặp kính đen chặn lại, thì ra là nhân viên bảo vệ. Hình như đã quá hiểu lẽ đời, ông bụng phệ rút ra tờ bạc mệnh giá một trăm ngàn dúi vào tay anh bảo vệ, liền được anh hướng dẫn đi vào trong nhà, qua bàn để ghi số thứ tự. Có hàng trăm người đang chờ đến lượt được ghi danh, họ là khách thập phương, trong Nam, ngoài Bắc, nghe danh thầy Hùng kéo về đây để được thầy phán quyết tiền vận, hậu vận của mình và đặc biệt xem con đường công danh, con đường làm giàu của mình làm thế nào để được hanh thông. Họ đã chờ đợi mấy ngày mấy đêm nên ông bụng phệ vừa đến không thể chen ngang nhưng chờ đợi đến lượt ông cũng phải mấy ngày, ông nào có thời gian. Lại phải có giấy thông hành thôi, ông lấy ra một tờ năm trăm ngàn gọi là chút quà bồi dưỡng công ghi số. Người ghi số là chị gái của Hùng nhìn tờ năm trăm ngàn với vẻ mặt lạnh như tiền, lập tức một tờ năm trăm nữa được ông bụng phệ rút ra nhưng cũng chỉ nhận được cái mảnh giấy con con ghi con số 135. Như vậy muốn được tiếp cận với thầy Thiên Lôi phải qua 134 người nữa. Ông bụng phệ biết đã vào đến vòng này thì không thể lấy tiền mà làm giấy thông hành được nữa nên ngồi thuỗn mặt nghĩ suy. Tôi đi đến bên rỉ vào tai ông, rằng ông có muốn vào xem ngay không? Ông gật đầu, hỏi tôi là người nhà à, tôi bảo không nhưng tôi sẽ hiến cho ông một kế mà ông có thể vào xem ngay  với một điều kiện ông phải giả cho tôi làm chân thư ký riêng của ông để tôi được tiếp cận với thầy Thiên Lôi. Ông bụng phệ hỏi tôi là nhà báo à? Tôi bảo không và giơ cho ông xem cái thẻ công chức. Ông ngắm nghía ảnh trong thẻ rồi ngắm nghía tôi, rất giống nên ông đồng ý. Tôi trao đổi với ông, ông đã dùng tiền làm giấy thông hành nhưng chỉ đến đây là bị dừng vì không thể qua nổi đám đông kia, ông gật đầu. Tôi nói ông  làm quan to nên còn một giấy thông hành quan trọng nữa mà ông quên chưa sử dụng. Ông à lên một tiếng và hết lời ca ngợi tôi thông minh. Ông đi ra ngoài rút điện thoại di động gọi về cho một người đang làm việc trên tỉnh. Người làm trên tỉnh vâng vâng, dạ dạ rồi bấm máy cho một người đang làm ở huyện. Người làm ở huyện vâng vâng, dạ dạ rồi bấm máy cho một người làm ở xã. Người làm ở xã vâng vâng, dạ dạ rồi bấm máy cho một người nữa. Người này vâng vâng, dạ dạ rồi phi xe máy đến nhà thầy Thiên Lôi gặp ông bụng phệ. Người này đi lên đàn cúng lễ trên tầng ba, nói nhỏ vào tai thầy Thiên Lôi vài câu. Lát sau người này quay ra dẫn ông bụng phệ đi lên tầng ba, tôi đi theo ông.
          Tôi cứ tưởng Hùng sẽ không nhận ra tôi nhưng tôi nhầm, Hùng nhận ra tôi ngay, hỏi về quê lâu chưa, đến chơi hay có việc gì ? Tôi bảo về quê thăm ông già vừa bị ngã gãy chân, rồi ghé sát tai Hùng mời Hùng đi uống rượu với tiết canh, lòng lợn, sau đó đi hát karaôkê. Nói đến hai thứ mà Hùng thích, rượu nhắm với lòng lợn và gái đẹp, Hùng gật gù ngay, bảo để đến gần trưa. Ông bụng phệ thấy tôi và thầy Hùng thân thiết thì nhìn tôi dò hỏi, tôi bảo thấy tướng ông sang bắt quàng làm họ chứ thật ra tôi và thầy Hùng là bạn thân cùng quê cùng học cấp hai với nhau.
          Sau khi đặt vào cái đĩa sành một xấp tiền năm trăm ngàn đồng tuỳ tâm, ông bụng phệ được Hùng đưa cho một nén hương đang cháy, bảo muốn cầu gì cứ khấn thầm trong miệng. Ông lầm rầm khấn hồi lâu. Khấn xong đưa nén hương lại cho thầy Hùng, thầy lại lầm rầm khấn, lúc sau phán:
- Không khéo phen này ngươi bị mất chức, rũ tù vì tham nhũng.
- Dạ con lạy thầy cứu giúp!
 Ông bụng phệ bị phủ đầu một câu chính xác nên tái mặt, cầu xin thầy Hùng hãy ra tay cứu giúp. Bây giờ thì tôi tin Hùng có sức mạnh tâm linh ghê gớm, ông bụng phệ trông oai phong lẫm liệt là thế mà chỉ nghe Hùng phán một câu đã sợ run lên cầm cập. Và đám đông kia cứ ùn ùn kéo đến nhà thầy Hùng hẳn cũng do một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn.
- Không những thế mà còn bị cái con nhân tình xinh đẹp đá đít, tặng cho cặp"sừng" nữa.
          Thầy Hùng bồi tiếp một câu nữa, giọng thầy lạnh lùng cứ như thẩm phán tuyên án tử hình cho một kẻ giết người man rợ. Ông bụng phệ cuống quýt van lạy:
- Dạ con lạy thầy cứu giúp!
          Thầy Hùng bảo trong làn khói hương, thầy đang nhìn thấy đám âm binh đeo gươm vây quanh ngôi biệt thự của ông bụng phệ để chờ lệnh bắt giam; đó là điềm báo ông bụng phệ sẽ bị công an đến bắt giữ. Mồ hôi túa ra trên trán, ông bụng phệ cầu xin thầy Hùng hãy ra tay cứu giúp cho ông tai qua nạn khỏi, ơn này ông sẽ tạ ơn hậu hĩnh.
- Phải cúng giải hạn, mất năm mươi triệu.
Ông bụng phệ rối rít cảm ơn và hẹn  đúng ngày thầy dặn sẽ đưa xe hơi về rước thầy Hùng lên nhà ở tận Hà Nội để cúng giải hạn.
          Ông bụng phệ vừa đứng lên thì một người đàn ông khác được gọi vào. Quái, sao trông quen thế? Tôi lục tìm trí nhớ và nhận ra ông Họa- Tổng giám đốc của một cơ quan mà tôi hay đến liên hệ công tác. Tôi nhận ra ông nhưng ông không nhận ra tôi, khi đến cơ quan ông tôi chỉ làm việc với bộ phận chuyên môn mà không làm việc trực tiếp với ông; hơn nữa tôi sụp mũ, đeo kính đen dù có quen ông cũng khó mà nhận ra. Cũng giống như ông bụng phệ, sau khi làm thủ tục tuỳ tâm bằng đôla vào cái đĩa sành xong, ông Họa được thầy Hùng đưa cho một thẻ hương, ông Hoạ lầm rầm cầu khấn, xong trả lại nén hương cho thầy Hùng, thầy cầu khấn thần linh, đập tay xuống chiếu:
- Sát nhân, giết người!
Ông Họa ngơ ngác, hỏi lại thầy Hùng ai sát nhân, ai giết người? Thầy chỉ vào mặt ông bảo chính ngươi là kẻ sát nhân chứ ai vào đây. Ông Họa thề thốt với thầy Hùng rằng dòng tộc, gia đình ông là kẻ sĩ làm sao có gan sát nhân, ông đến đây chỉ nhờ thầy coi quẻ và chỉ đường xem ông năm nay ông có lên thứ trưởng được không?
Thầy Hùng quát:
- Cãi thầy à? Vong hồn hiện ra trước mắt đang khóc lóc kể tội ngươi đây. Ngươi là người trần mắt thịt, sao có thể nhìn thấy được.
Ông Hoạ sợ sệt hỏi thầy vong hồn ấy là ai? Liệu vong hồn có sự nhẫn lẫn nào chăng. Thầy trừng mắt:
- Người trần có thể nhầm chứ người âm không bao giờ nhầm.
- Dạ nhưng thưa thầy…
- Ngươi ngủ với rất nhiều gái đẹp làm cho nhiều cô có chửa phải đi phá thai, đó chẳng phải là sự sát nhân ư! Tai hoạ sắp giáng xuống đầu ngươi rồi.
Nghe đến đây, ông Họa dập đầu cầu xin:
- Con lạy thầy, quả con đã làm nhiều cô phải đi phá thai. Con lạy thầy ra tay cứu giúp con.
Thêm một xấp đôla nữa được ông Họa đặt vào cái đĩa sành, thầy Hùng  phán một câu tương tự như đã phán với ông bụng phệ rằng phải cúng cầu siêu để cho các linh hồn kia không về đòi mạng nữa nếu không sẽ bị chết bất đắc kỳ tử. Ông Họa van xin được thầy Hùng trực tiếp làm lễ hết bao nhiêu ông sẵn sàng móc hầu bao, ngoài ra sẽ bồi dưỡng cho thầy xứng đáng. Thầy Hùng bảo phải lập đàn tế lễ bảy ngày bảy đêm. Ông Họa tỏ ra lo lắng, phải ngồi bảy ngày bảy đêm, ông sao có thời gian và đủ sức khoẻ để ngồi. Thầy Hùng giảng giải, tế bảy ngày bảy đêm nhưng không phải ngồi liên tục, thầy chỉ làm lễ độ hơn một tiếng, thời gian này nhất thiết phải có ông Họa hầu bên cạnh, sau đó thầy sẽ cho cái hình nộm mà thầy làm sẵn ngồi thay thế giúp; mỗi ngày ông Hoạ chỉ việc thay lễ mới, thắp  hương và cầu khấn theo lời thầy chỉ dẫn là xong. Ông Họa thở phào nhẹ nhõm, vâng dạ lấy giấy bút ghi lại ngày giờ mà thầy Hùng hẹn.
      Tôi nhìn đồng hồ, thấy đã hơn mười một giờ trưa nên bảo Hùng tạm nghỉ đi lên phố huyện uống rượu, karaoke thôi. Hùng thay bộ quàn áo của ông thầy vẽ toàn sấm sét bao quanh một ông Thiên Lôi có bộ mặt dữ dằn bằng bộ quần áo khá bảnh bao; quần kaki màu sữa, áo kẻ nền vàng sọc xanh. Khi tôi và Hùng đi xuống, Hùng đi đến đâu là đám đông lại cất tiếng chào thành kính: “Kính thầy! Con lạy thầy!”. Thật khó mà tưởng tượng ra cái cảnh mà Hùng còn nghèo khổ, toàn phải nghe lời khinh bỉ thế mà bây giờ được thiên hạ khúm núm, kính trọng. Trộm vía, ngay cả đến thầy tôi, một giáo sư nổi tiếng đã từng đi khắp thế giới cũng không thể được người đời tôn kính như thầy Hùng- bạn tôi- người mới chỉ học hết lớp năm trường làng. Phải chăng vật đổi sao dời, số vận của Hùng đã đến lúc được đổi thay, được Ngọc Hoàng cho làm thầy dưới thiên hạ?
     Lúc đầu tôi dự định chở Hùng lên phố huyện nhưng sợ giờ Hùng đã nổi tiếng nhiều người biết mặt, phố huyện ít người, vào quán nhậu không sao nhưng đến khi vào quán hát Karaoke họ trông thấy sẽ giảm vị thế của thầy nên tôi phi xe lên thị xã có nhiều quán xá, người đông đúc, khả năng phát hiện ra thầy ít hơn. Tôi và Hùng vào một quán cháo lòng tiết canh, tôi hỏi Hùng ăn tiết canh có sợ bị lây bệnh liên cầu khuẩn từ lợn không? Hùng phảy tay bảo số chết là do số chứ mình sao quyết định được. Thì chén, chúng tôi gọi hai bát tiết canh, một đĩa lòng lợn và một chai rượu nếp. Hùng bảo lâu lắm rồi mới được ăn tiết canh, lòng lợn, thèm quá nên ăn hai bát tiết canh liền lúc. Tôi hỏi Hùng bây giờ giàu có rồi, tiết canh, lòng lợn có đáng là bao mà phải nhịn. Hùng phân bua, vấn đề không phải là tiền mà là không có thời gian, hơn nữa đã rượu, lòng lợn tiết canh rồi mà không có cái khoản em út thì cũng phí rượu. Vả lại vào chốn ăn chơi cũng phải có bạn. Tôi gật đầu, phải phải, chè tam, rượu tứ, gái cũng phải có bạn bè, nhậu xong tôi sẽ đưa Hùng vào một quán Karaoke có nhiều em trẻ đẹp sẵn sàng phục vụ từ A đến Z. Nhìn thấy vẻ hào hứng của Hùng khi nói đến chuyện em út, tôi đâm hoài nghi. Tưởng Hùng đã được trời ban cho cái lộc làm thầy thiên hạ thì thầy cũng phải ra thầy chứ sao thầy lại cũng mê ruợu mê gái? Hay là Hùng chỉ thật sự là thầy khi ngồi trong điện thờ khói hương nghi ngút, còn khi đã ra khỏi chốn hương khói thì thầy lại trở lại làm thường dân? Mà đã là thường dân thì ai trông thấy gái trẻ đẹp lại chả mê chứ đâu như đám hoạn quan thời xưa? Lý giải được việc thầy Hùng vẫn ham mê tửu sắc thì trong tôi lại nảy ra sự tò mò, rằng Hùng được trời ban cho lộc làm thầy thiên hạ khi nào và trong trường hợp nào? Trên đời này, mọi cái mọi việc đều có nguyên do và hệ quả của nó. Nếu mà học được và được Hùng truyền cho cái nghề này, tôi sẽ vứt quách hai chữ “công chức” đang khoác trên người để trở thầy ông thầy như Hùng. Những tờ bạc có mệnh giá năm trăm ngàn mới tinh, những tờ đôla mệnh giá một trăm xếp lên cái đĩa sành của Hùng đã làm tôi hoa mắt. Không hoa mắt sao được khi mà một tháng làm việc cúc cu, tận tuỵ, lại còn  bị ông trưởng phòng suốt ngày quát mắng mà tôi cũng chỉ nhận được hai triệu tư tiền lương, giao cho vợ một triệu tư tiền gom góp nuôi con còn tôi giữ lại một triệu để ăn trưa, xăng xe, điện thoại. Tất nhiên cái khoản nhậu nhẹt, bù khú với bạn bè tôi đã cai như đứa trẻ cai sữa từ lâu. Không phải tôi không muốn cùng bạn bè lai rai đâu, nhưng  họ mời mình hai, ba lần mà mình không mời lại họ được một lần cũng vô cùng e ngại. Thế nên hễ có thằng bạn nào gọi điện mời đi nhậu là tôi lại thoái thác, khi thì dạ dày đang đau, lúc thì con ốm, vợ sảy thai! Có lúc nhầm lẫn, tôi nói với cùng một thằng bạn vợ sảy thai hai lần trong tuần, nó bảo mắn để như bọn gà cũng không có chuyện tuần nạo thai hai lần huống chi người! Đành cười chữa ngượng, à vợ một lần, bồ một lần! Thôi đi bố, không tiền nên ngại chứ gì, chỗ bạn thân, tao bao. ừ thì đi uống bia nhưng bia uống vào họng đến đâu thì cái đắng chảy vào đến đấy!
Biết đâu đấy, tôi và Hùng vốn là bạn học đồng niên, thân nhau con chấy cắn đôi, thấy tôi sống ở thành phố túng bấn lại chả thương tình truyền cho tôi vài chiêu trong nghề để tôi đổi đời. Chả cứ gì ở nông thôn mà bây giờ ở thành phố người ta sùng bái, cúng lễ, hầu đồng nhiều lắm; càng nhà giàu, càng làm to người ta càng sùng tín. Tôi đã từng chứng kiến, có ông làm lễ giải hạn hết tám trăm triệu, có bà hầu đồng một giá hết một tỷ. Nghề làm thầy- thầy cúng, thày bói, thầy địa lý, thầy tử vi tướng số đang hưng phát. Nghĩ được như thế nhưng mỗi khi muốn cất lời nói với Hùng cho mình làm đệ tử học nghề của Hùng thì lại không thể mở mồm. Mình học hành đến đại học, lại là công chức, lại sống ở thành phố, trong mắt của Hùng và mọi người ở làng làm gì có chuyện xo dúi đến thế? Không thể nói thật được. à, phải rồi, người ta nói rượu vào thì lời ra, Hùng thì uống rượu tì tì, mình sẽ chuốc cho Hùng say mèm rồi dò hỏi để ăn mót kinh nghiệm, sau đó lên thành phố mua sách bói toán bán đầy rẫy ở các hiệu sách về nghiền ngẫm, pha chế thành cách riêng của mình.
      Uống đi, uống đi cho đời thêm hưng phấn. Uống đi cho bụi trần không còn vương vấn. Tôi liên tục rót rượu vào ly của Hùng. Khi Hùng đã chếnh choáng, tôi hỏi Hùng điều gì đã giúp Hùng trở thành ông thầy bói nổi tiếng, Hùng xua tay bảo bí mật bí mật. Vậy là rượu vào nhưng lời vẫn không ra, tôi buồn lắm. Thôi thì gái vào xem lời có ra không, tôi nhanh chóng kết thúc kết thúc bữa nhậu và chở Hùng đến một quán Karaoke ở ven sông.
       Chúng tôi được đưa vào một phòng kín, tôi đi ra nói với chủ quán vài điều. Trở lại phòng hát, tôi nói với Hùng có một em chân dài, trẻ đẹp lắm, có O.K không, Hùng sốt sắng giục đưa vào ngay. Tôi ra đòn quyết định để moi thông tin tuyệt mật từ Hùng:
- Nhưng ông phải cho tôi biết làm sao mà ông trở thành thầy Thiên Lôi được đi đã, tôi sẽ chiêu đãi ông từ A đến Z.
- à, à…       
       Hùng ậm à vài câu rồi giao hẹn với tôi, nghe xong không được nói cho ai biết. Tôi thề với Hùng rằng nếu tôi nói cho người thứ ba biết bí mật của Hùng thì tôi ra đường sẽ bị xe cán chết không kịp trăng trối. Hùng tâm sự, Hùng trở thành thầy Thiên Lôi từ khi cây mít nhà Hùng bị sét đánh, nhân đấy Hùng dùng thủ thuật đốt cháy mái tóc của mình, nằm thẳng cẳng dưới gốc cây mít  rồi sai vợ phao ầm lên rằng mình bị Thiên Lôi đánh không chết và có khả năng đoán được số phận của mọi người! Vì thời buổi bây giờ ai cũng thích được khen, được nịnh nên  Hùng phán hậu vận của ai cũng tươi đẹp, mà tương lai thì xa vời vợi, ai biết đâu mà lần! Tôi vặn hỏi Hùng thế tại sao sáng nay lại phán tương lai của quan tham bụng phệ xám xịt thế? Hùng cười ha hả:
- Quan tham nào mà chả tham nhũng, gái gú, phải dọa thế mới moi được tiền chứ!
- Thế nhỡ ngộ đoán bừa, cúng giải hạn không được, các quan đến đòi lại tiền thì sao?
- Hà, hà, ông tẩm quá, giải được hạn thì các quan quì gối bái phục mình là thánh sống mà thưởng thêm, mà giới thiệu thêm khách cho mình; nếu không giải được hạn thì các quan vào tù, còn đâu thời gian mà đi đòi tiền thầy!
          Thế thì số tôi là số ruồi bâu rồi, bởi làm được thầy Thiên Lôi như Hùng ngoài việc phải biết lừa lọc lại còn phải biết liều mạng, mà cái thân tôi, mỗi lần đưa triệu tư cho vợ bị vợ liếc xéo một cái đã  thấy lạnh gáy thì sao có gan làm thầy thiên hạ như  Hùng.
                  
VŨ ĐẢM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THÁNG 9 VÀ THƠ ĐA MI


DOI KHI LAM UBER-DAMI-BW
Đôi khi làm Uber - ảnh Đa Mi


H Ế T T H Á N G T Á M M Ư Ờ I B A

Không còn mùa xuân nữa phải không em?
anh đã chán đồng loại mình vô cớ
chiều không cho màu lá vàng lá đỏ
thiên đàng anh rụng xuống dưới thung sâu

kem cốm chi một nhiệm màu
người Chu Va về suối Chu Va mất
đêm đổ đốn trong cái buồn rất thật
cái hồn nhiên giết mất cái tự nhiên!

Không còn mùa xuân nữa
mình có đưa tay chào
hay nắm níu cái ngàn năm về trước
hiển nhiên xuân thì xanh
hiển nhiên em và anh
buồn đến khóc mùa Chu Va đã mất!

Những đồng loại vẫy nhau thành đồng lõa
nên hiển nhiên lời đồng thoại lên trời!

Không còn mùa xuân nữa phải không em
anh đi trốn
trong muôn trùng đồng loại!



NGAY TH. BỎ PHỐ

Không tiễn nhe
chuyến xe về 
miền bán sơn địa
đón thêm một tiếng cười
Phố anh sẽ vắng
đi đi
cái bìm tóc ngúng nguẩy
bữa tựa vai anh
buồn ướt một vạt người
Anh đã muốn say
không bằng lời thách đố
tán đổ em đi bằng ngập ngụa men anh
chỉ muốn thôi buồn
Không tiễn nhe
nhắn một cái tin lên trời
mà hát bánh ngọt mình mời ăn nhớ chăng củ khoai ngon...
về thôi
đừng bệu hình hài đem bán
Anh sẽ tìm em
mỗi khi ôm cây đàn thổ tả
hát như điên
cho nhân loại lên đồng
Về đi nhe
không tiễn
sẽ không buồn
 


"thôi em đừng bối rối, trong ta chiều đã tàn" - (tcs)
V I Ế T L Ạ I T A N T H E O Y Ê U D Ấ U
(dĩ nhiên là của Tím)



à em, chiều tàn lâu rồi
chúng ta đi đứng nằm ngồi khác nhau
ồ em, trưa cũng lợt màu
không ai đói, vẫn thèm câu nhớ nhiều
ừ em, đất rỗng trời treo
chân đi hẫng. ngựa qua đèo cũng thương
ôi em, phố ống con đường
đất anh chật. hẹp. thôi. nhường hình nhân
đôi khi nhớ nụ thanh tân
vỡ ra lớp lớp tầng tầng chiếm bao
cười thanh xuân. khóc thanh cao
khóc cười đo được lòng nao hở người?
tóc em bay ngọn gió trời
da anh triệu vết khắc ngời ngời đau


B À I C Ủ A R I Ê N G
(cho Tím)

chiều ni trời anh không cơn mưa
sợi tóc nào cheo neo thiếu thừa
vuốt mặt. ngó mây trời đễnh đoãng
anh hỏi mình cần chi ơn mưa
cái bóng buồn thôi trên biển cũ
dấu chân trũng xuống một phiến sầu
khi bàn tay héo rồi hoa nụ
cuộc tình rồi đi đâu về đâu
cuộc tình rồi đi xa ta không
chiều ni nắng trũng nặng trong lòng
anh cũng cần cơn mưa giải hạn
dẫu biết mưa là buồn mênh mông
ngồi đây nhớ con đường trên núi
mình đi tìm thần tiên chốn người
mỗi bước chân là một lầm lỗi
chơi vơi. ừ. chơi vơi. chơi vơi
nhớ thương thì về. thì muôn thuở
như người yêu tìm kiếm người yêu
chiều ni lặng lẽ nghe nước mắt
thay mưa mà ướt trọn cơn chiều
(nghe nhé. bài kinh thương rất cũ
vẫn anh chuông mõ tụng cho người!)

BUỒN THƠM MÀU CHI

Thơm màu chi hở nỗi buồn ơi? 
Màu lặng lặng 
Chiều ngưng trên tấm gió?
Màu huyễn dụ trong bốn ngăn nho nhỏ? 
Hay màu anh chết lặng buổi kinh trầm?
Thơm màu chi 
Lòng còn đoái ngày Dâng 
Thức cỏ dại đi hoang 
lòng mộ cũ
Dáng ẩn lan? Dáng đồng bằng? Dáng núi? 
Trăm câu hỏi khi không cũng chạy về
Trời lạnh lạnh 
Lòng rưng cả u mê 
Thơm rất lâu 
Nỗi buồn Kinh cúng Ngọ
Hình như anh cũng phai màu từ đó 
Thèm luồn tay 
tóc cũ 
một hương người!
_________________
11.08
ĐAMI

Phần nhận xét hiển thị trên trang

WWF: Trái đất đang đối diện với cuộc đại tuyệt chủng

Ngọc Hùng


(TBKTSG Online) – Đến năm 2020, số lượng quần thể các loài cá, chim, động vật có vú, lưỡng cư và bò sát có thể suy giảm tới 2/3 so với 5 thập niên trước và trái đất đang đối diện với một cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.

Đây là thông tin được đưa ra trong thông cáo báo chí của Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) vào ngày 31-10 nhân sự kiện tổ chức này đưa ra  Báo cáo Hành tinh sống của WWF năm 2016.

Theo ông Stuart Chapman, Trưởng đại diện WWF khu vực sông Mê-kông (WWF-Greater Mekong), trên toàn cầu, các loài hoang dã đang biến mất ở mức báo động, và tại tiểu vùng sông Mê kông mở rộng, cho thấy xu hướng này ngày một tăng...

Một trong những nguyên nhân là do nạn săn bắt động vật hoang dã và buôn lậu gỗ trái phép…

Tại khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng hai loài động vật mang tính biểu tượng như cá heo Irrawaddy và hổ đang đứng trước nguy cơ biến mất ngoài tự nhiên. Còn tại Việt Nam, tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã tuyệt chủng; hổ, sao la đang ở bên bờ tuyệt chủng. Khu vực tiểu vùng sông Mê kông mở rộng gồm các nước như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.

Báo cáo Hành tinh sống 2016 với tên gọi "Rủi ro và khả năng phục hồi trong kỷ nguyên mới" là ấn phẩm thứ 11 trong bộ những ấn phẩm tiêu biểu của WWF phát hành 2 năm một lần. Báo cáo đã nghiên cứu hơn 14.000 quần thể của hơn 3.700 loài động vật có xương sống từ năm 1970 đến năm 2012.

Nhóm tác giả của báo cáo, dựa trên các số liệu có sẵn trong những năm gần đây, chỉ ra rằng các loài hoang dã đã suy giảm 58% trong giai đoạn 1970 - 2012 . Một số loài cụ thể như voi đã giảm 38% về số lượng, ếch giảm 81%, cá đã giảm 36% trong giai đoạn 1970-2012.

WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai, trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Formosa: Đã xây thành nhà máy rồi, còn trồng lúa gì nữa?


Bùi Lan Anh
(Ngày Nay) - Sau 5 tháng nhìn lại sự kiện diễn ra tại Formosa, chúng ta vẫn thấy những bài học không bao giờ cũ. Đó là bài học mà vị giám đốc đối ngoại Chu Xuân Phàm của công ty này đã đúc rút giúp người Việt Nam: Được cái này thì phải mất cái kia. Có những lựa chọn một mất một còn trong kinh tế.

Formosa ngày trở lại

Tôi vừa trở về từ Formosa. Gần 5 tháng, kể từ ngày bước chân  vào cổng của doanh nghiệp gây nhiều bức xúc cho người dân về môi trường, những cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn. Từ con đường, vào phía trong khu hành chính, khu sản xuất, 5 tháng sau thảm họa cá chết ven biển miền Trung, đã có nhiều thay đổi. Cổng doanh nghiệp này quang đãng, sạch sẽ hơn. Khác với 5 tháng trước đây, phía trước cổng vào, nhộm nhoạm và lộn xộn. Những xe bồn, xe tải thi công đẩy bụi ra phía con đường thành một lớp trắng xóa, mờ ảo. Chắc hẳn, sự kiểm tra, ra vào liên tục của các cơ quan chức năng vài tháng gần đây khiến doanh nghiệp này phải sửa sang, nhìn cho có vẻ sạch sẽ, dễ nhìn hơn trước.

Lần này, tôi theo đoàn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vào kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường mà doanh nghiệp do Formosa gây ra. Nhiều tháng sau ngày cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam, Formosa bắt đầu có những động thái khắc phục hậu quả môi trường. Lần này, chắc vì đi với đoàn công tác, nên việc vào doanh nghiệp khá dễ dàng. Bảo vệ đứng dạt hai bên, giơ tay chào rất nghiêm chỉnh. Khác với lần trước, để bước vào bên trong liên hệ công tác, tôi phải bước qua cánh cổng bảo vệ dày đặc, mỗi anh, một máy quay Gopro đeo trước ngực, sẵn sàng ghi hình, kiểm soát toàn bộ người ra vào! Toàn bộ khu công nghiệp rộng hơn 4.400 ha được bao quanh bởi tường rào kín mít. Khách muốn vào tham quan, công tác theo thường lệ là phải đăng ký, rồi bảo vệ xin phép phía bên trong, được phép mới được vào.

Trở lại Formosa trong một tâm thế khác, tâm thế chứng kiến một doanh nghiệp từng cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, và cũng từng cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam vì gây ra thảm họa cá chết trên biển Miền Trung. Tôi nhớ như in ngày đi công tác ở Kỳ Anh khi biển miền Trung còn sặc mùi hôi thối vì cá chết la liệt. Nhìn những người dân miền Trung đi dọc bờ biển, tay vớt cá, những cá mú, cá song, cá vẩu, cá bớp… những khuôn mặt thất thần, đau khổ, tôi khóc. Những con cá là nguồn sống của họ, nay phải tự tay nhặt mang đi chôn. Nặng trĩu những bao tải cá, là nặng trĩu những nỗi lòng ngư dân miền biển. Nhiều người trong số họ, vừa nhặt cá, vừa khóc. Những nỗi hoang mang, bất định đến với họ, và cho đến nay, vẫn chưa thể có câu trả lời.

Mang những tâm tư nặng trĩu của người dân vùng biển, tôi tìm đến cửa Formosa. Thời điểm đó, khu công nghiệp sản xuất gang thép lớn nhất Việt Nam, nằm ngay cạnh biển Vũng Áng, nơi đầu tiên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Cũng là nơi tập trung những mối nghi ngờ của người dân về việc xử lý môi trường. Trên con tàu ra biển lặn tìm ống xả thải ngầm dưới đáy đại dương của Formosa, ngư dân kể, họ chứng kiến cảnh ống xả thải này từ khi nó được đặt xuống, cho đến khi từ miệng ống liên tục xả ra những thứ nước đục màu xanh vàng phì phì ra biển. Cũng đã có người tìm gặp lực lượng chức năng, báo cáo về ống xả thải ngầm, thậm chí còn vẽ cả sơ đồ cho cơ quan quản lý, thế nhưng, như đá ném ao bèo, mọi chuyện gần như không ai chịu để ý. Chỉ có người dân ở đây cảm nhận sự thay đổi của biển từng ngày. Những tôm cá, những sinh vật ở vùng biển ngày một ít dần, cuộc sống của họ cũng ngày một khó khăn hơn.

Ký ức Chu Xuân Phàm

Tôi gặp ông Chu Xuân Phàm vào khoảng 8h sáng ngày 25/4. Ấn tượng ban đầu, Chu Xuân Phàm nói tiếng Việt rất sõi. Ông thậm chí còn biết nhiều tiếng lóng của người Việt. Trao đổi với chúng tôi, ông Phàm bằng một phong thái rất tự tin, chia sẻ: Formosa sẵn sàng cung cấp mọi thông tin cho báo chí, nhưng để anh phải xin phép sếp của anh đã. Tất cả từ trên xuống dưới đều làm theo quy định của Việt Nam, quy chuẩn của Việt Nam. Nếu chúng tôi làm sai quy định, thì Ok, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Nhưng để cung cấp thông tin thì phải xin phép lãnh đạo, em phải chờ!

Ông Phàm liên tục nhấn mạnh ý, Formosa đã đầu tư cả chục tỷ đô la Mỹ để xây dựng khu công nghiệp này, đầu tư 45 triệu đô la Mỹ để xây dựng hệ thống xử lý chất thải thì dại gì không vận hành, để xảy ra sự cố như vậy! Nghi ngờ cho Formosa, quả thật là oan cho doanh nghiệp này.

Tôi đề cập đến thắc mắc của ngư dân địa phương là tại sao mà trước khi các anh xây dựng hệ thống xử lý thì, họ là những người lặn biển, thì họ lặn bắt được rất nhiều các loài sinh vật tôm cá, thế nhưng mà hiện tại khi họ lặn xuống thì xung quanh khu vực các anh xả thải không hề có sinh vật nào sống?

Chu Xuân Phàm, nhìn tôi, rồi ngừng lại giây lát, ông đảo mắt tìm bút. Rồi đi thẳng đến bảng trắng ở ngay phía sau lưng. Với phong thái mạnh mẽ của một người nắm rõ khu vực mình quản lý, ông Phàm vẽ lên bảng sơ đồ khu công nghiệp Formosa, rồi vẽ vùng biển Vũng Áng bao quanh. Ông chỉ vào đó, trả lời: "Nhiều khi á, được cái nọ thì mất cái kia. Anh nói rất thật lòng. Tôi không thể nào xây dựng được một cái nhà máy thép ở đây mà biển ở xung quanh vẫn còn nhiều cá, nhiều tôm, em có đồng ý hay không?  Đương nhiên ấy, là mình cố gắng trên một phương pháp làm theo quy định hiện hành, đạt được tiêu chuẩn, quy định của nhà nước. Cố gắng! Nhưng mình có khi phải lấy cái gì để mà đổi cái dự án này. Anh nói thật lòng là thế. Tại sao em không hỏi anh hồi xưa chỗ này ngày xưa một năm trồng được một vụ lúa tại sao bây giờ không trồng được vụ nào nữa? Đúng không? Đã xây thành nhà máy rồi mà, còn trồng lúa gì nữa? Em có đồng ý anh không. Nhiều khi, mình không được cả hai, mình phải lựa chọn, tôi bắt cá bắt tôm, hay có tôi muốn xây một nhà máy thép hiện đại."

Liên tục gõ bút vào bảng, Chu Xuân Phàm như muốn khẳng định lại một lần nữa, ở đây, là khu công nghiệp Formosa, chúng tôi đã xây dựng khu công nghiệp ở đây rồi thì việc đòi hỏi có cá tôm, là điều không tưởng! Đến Thủ tướng còn không giải quyết được cơ mà.

Sự chia sẻ được cho là thật lòng của ông Phàm, khiến những người có mặt ở trong phòng họp, đưa mắt nhìn nhau. Tôi cảm thấy mặt mình rần rật nóng. Cho đến lúc này, hình ảnh của người đàn ông cao to, liên tục gõ bút mạnh mẽ, rồi lắc đầu, nhún vai tỏ ra ngao ngán khi tôi lựa chọn cả hai thứ cá và thép vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi. Và có lẽ, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được thứ cảm xúc ngày hôm đó. Có chút gì đó bẽ bàng, chút gì đó, cảm thấy ngao ngán, chạnh lòng trước câu trả lời thẳng tưng của doanh nghiệp.

Mệnh đề “chọn cá hay chọn thép” sau này trở nên nổi tiếng. Ông Chu đã xin lỗi; Formosa cũng đã xin lỗi. Nhưng có những thứ không thể cứu chuộc được.

Lựa chọn một mất một còn

Vụ việc của Formosa chưa hết nóng, thì gần đây dư luận lại sục sôi, khi ông Lê Phước Vũ của Tôn Hoa Sen mong muốn làm thép ở Cà Ná. Ông Vũ, với câu nói cũng gây tranh cãi không ít "ngu gì mà không làm thép" cũng khiến không ít người cảm thấy bức xúc, và lo ngại cho môi trường biển nếu như khu liên hợp thép ở Cà Ná đi vào hiện thực.

Formosa có thể “khắc phục” 58 hạng mục được điểm danh là vi phạm. Thái độ của họ có thể đã thay đổi với cánh cổng thân thiện hơn. Nhưng nỗi đau của ngư dân thì chưa, hay là sẽ không thể “khắc phục” được.

Trở lại Formosa sau 5 tháng, tôi nhận ra một thực tế mà ông Chu Xuân Phàm đã nhắc đến: Đó là cái lựa chọn “cá và thép” là thứ lựa chọn “bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Ông Phàm đã dùng một hình ảnh mạnh hơn, chính xác hơn, rộng hơn để nói về những lựa chọn trong quy hoạch kinh tế vĩ mô: “Đã xây thành nhà máy rồi mà, còn trồng lúa gì nữa?”.

Ông Chu Xuân Phàm trong một đoạn nói với tôi đã dùng đến 2 chữ “thật lòng”. Có lẽ đúng là ông thật lòng. Và cái sự thật lòng ấy của một nhà đầu tư, không chỉ nói riêng về dự án Formosa.

Bạn có thể thay thế “nhà máy” bằng sân golf, thuỷ điện, thay cá và lúa bằng đời sống của nhiều cộng đồng bị di dời, bằng những đánh đổi về môi sinh khác. Bất kỳ quyết định nào cũng “phải có cái gì mà đổi” chứ, theo lời ông Phàm. Và những lựa chọn ấy, nhiều khi không thể vãn hồi.

Lỗ hổng về mặt luật pháp về môi trường, đã tồn tại nhiều năm, qua nhiều đời Bộ trưởng. Cộng với tư duy quản lý môi trường trước đây, khiến cho nhiều doanh nghiệp khi lập dự án, đã mang tâm thế lấy phí môi trường, lao động giá rẻ để tạo lợi nhuận lớn. Và nếu như chúng ta tiếp tục đối soát như hiện tại, thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc như những tuyên bố điển hình của Chu Xuân Phàm, hay ông Lê Phước Vũ. Chúng ta sẽ phải đánh đổi trước các quyết định, chứ không thể “vừa có cá, vừa có thép”.

Tiếc rằng vẫn có nhiều lựa chọn đánh đổi đã được đưa ra một cách khó hiểu và đến khi cái giá phải trả quá đắt người ta lại không thể chỉ được đích danh ai đã đưa ra cái lựa chọn “một mất một còn” ấy.

Tôi còn nhớ trước khi dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, Chu Xuân Phàm còn nhắc lại khẩu hiệu phía bên trong công ty, bao gồm 16 chữ, đại ý của ông dịch: Chúng mày cứ chăm làm đi, đừng có khoe khoang sĩ diện! Nhưng ông Phàm, khi dẫn chúng tôi đi quanh khu công nghiệp Vũng Áng, đến cảng Sơn Dương, ra khu quan trắc xử lý chất thải tự động đã nói rất nhiều về việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải cả chục triệu Mỹ kim, đến việc làm những nhà mái vòm cao và rộng giữa khuôn viên để chứa than và chứa nguyên liệu! Tóm lại, đại ý ông nói với chúng tôi, Formosa là doanh nghiệp chuẩn chỉnh trong vấn đề chấp pháp về môi trường. Nếu lực lượng chức năng mà phát hiện ra sai phạm, họ sẵn sàng chấp hành! Và để tìm ra đầy đủ sai phạm, cho đến tận bây giờ theo tôi là không hề dễ dàng. Bởi hệ thống quan trắc, xử lý môi trường của Formosa, trong giai đoạn vận hành thử nhưng mỗi ngày, đã xả ra hàng chục nghìn mét khối nước thải.

Chưa kể chất thải rắn, khí thải công nghiệp, ở thời điểm đó, không một lực lượng chức năng nào của Việt Nam kiểm soát, giám sát, ngoài việc Formosa tự quan trắc rồi gửi số liệu lên cơ quan chức năng để báo cáo. Với cơ chế đối soát như vậy, thật khó lòng phát hiện ra vi phạm của doanh nghiệp này nếu như họ cố tình xả trộm ra môi trường.

Chúng ta đang đứng trước nhiều lựa chọn khác. Những đại dự án đang được chờ phê duyệt. Và tôi, như một người dân, chỉ biết hy vọng, rằng sẽ đến lúc không phải ngơ ngác hỏi nhau: Đã xây thành nhà máy rồi, còn trồng lúa gì nữa?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hội thảo hôm qua, về "tôn giáo" và "tín ngưỡng"


Đại khái có một hội thảo như ở dưới.

Mình tham dự nên có ảnh đại diện sau:




Từ đây trở xuống là bản tin của Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Chép nguyên về.

Post xong, nhìn lại, mới thấy là "hôm kia" (1/11). Còn bản tin của Hv KHXH VN thì mới là "hôm qua" (2/11).




---

Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu văn hóa và tôn giáo từ các góc nhìn văn hóa học”(Mới)


02/11/2016
Ngày 01 tháng 11 năm 2016, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Khoa Văn hóa và Tôn giáo học, Học viện Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo liên khoa Nghiên cứu văn hóa và tôn giáo từ các góc nhìn văn hóa học. PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh - Phó Giám đốc Học viện dự và phát biểu khai mạc; Đồng chủ trì Hội thảo GS.TS. Lê Hồng Lý - Trưởng khoa Khoa Văn hóa học và TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng khoa Khoa Tôn giáo học. tham dự Hội thảo có các giảng viên của hai Khoa, các nhà nghiên cứu khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Tôn giáo, Viện Xã hội học cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Học viện Khoa học xã hội và các NCS tham dự. 

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, GS.TS. Lê Hồng Lý nhấn mạnh: văn hóa và tôn giáo là hai vấn đề luôn bổ sung cho nhau; hơn nữa, là một lĩnh vực hoạt động nổi trội, tôn giáo vừa mang tính đặc thù, vừa là một mảng hoạt động của văn hóa. Việc kết hợp Hội thảo về hai vấn đề nghiên cứu tôn giáo và văn hóa lần này nhằm góp tiếng nói từ các góc nhìn khác nhau của văn hóa, mở ra các hướng nghiên cứu mới đối với nghiên cứu sinh và học viên của hai Khoa; Đồng thời, Hội thảo cũng đặt ra mục tiêu áp dụng những phương pháp nghiên cứu mới vào thực tiễn vấn đề văn hóa, tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo lần lượt nghe các nhà khoa học trình bày các báo cáo, bao gồm:

          1. Đóng góp một cách nhìn về phương pháp nghiên cứu các tôn giáo mới ở Việt Nam từ sau năm 1986 - TS. Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
          2. Về nguồn gốc và nội hàm thuật ngữ “tín ngưỡng dân gian” (khảo cứu trong mối liên hệ với “tín ngưỡng”) - ThS. Trần Anh Đào, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
          3. Về nhóm thuật ngữ tôn giáo tín ngưỡng trong chuyên ngành văn hóa dân gian ở Nhật Bản - TS. Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa.
          4. Thực hành tín ngưỡng trong bối cảnh hiện đại hóa ở Việt Nam - TS. Đỗ Lan Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa.
          5. Nghiên cứu tín ngưỡng và lễ hội trong đời sống xã hội đương đại - PGS.TS. Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa.

GS.TS. Lê Hồng Lý và TS. Nguyễn Quốc Tuấn đồng chủ trì Hội thảo

Hội thảo đã dành phần lớn thời gian để lắng nghe các ý kiến phản biện và thảo luận từ các nhà khoa học; trong đó, 02 nội dung được đặc biệt quan tâm đó là: “thuật ngữ” và “phương pháp”. Trên phương diện học thuật, đặt trong bối cảnh quốc tế, thuật ngữ tôn giáo Việt Nam còn có nhiều vấn đề; bởi lẽ, nó không bao hàm mọi phương diện về đời sống tâm linh trong xã hội. Vậy, cần phải tìm một thuật ngữ để thay thế cho “tín ngưỡng”, “tín ngưỡng dân gian”, “niềm tin tôn giáo”, “tôn giáo dân tộc”… hoặc dùng một thuật ngữ tiếng Anh để thay thế?... đây là vấn đề vẫn đang cần tiếp tục được bàn thảo trong giới nghiên cứu khoa học. Về phương pháp nghiên cứu tôn giáo, nhiều nhà khoa học đều nhất trí với nhận định: Vận dụng nghiên cứu liên ngành trong phương pháp nghiên cứu về tôn giáo ở Việt Nam là hướng đi phù hợp, bởi các tôn giáo dù mới phát sinh, phát triển hay tàn lụi đều phụ thuộc rất nhiều vào môi trường pháp luật, văn hóa - xã hội và kinh tế. Theo đó, một số phương pháp tiến cận nghiên cứu tôn giáo được chú ý hiện nay, đó là: tiếp cận Xã hội học; tiếp cận Nhân học văn hóa; tiếp cận từ quan hệ Nhà nước - tôn giáo… Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học từ nghiên cứu nước ngoài; nghiên cứu tín ngưỡng, lễ hội và những biến đổi trong thực hành tín ngưỡng ở Việt Nam.

Lãnh đạo và giảng viên hai Khoa chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp và thống nhất thông qua một số nội dung quan trọng, đó là:

          - Khẳng định Hội thảo đã bàn luận về một vấn đề hết sức nghiêm túc của khoa học, là tiền đề hướng tới việc hình thành một bộ công cụ, trong đó có khái niệm, có phương pháp và cách tiếp cận trong nghiên cứu văn hóa và tôn giáo.

          - Các vấn đề bàn luận trong Hội thảo đang đặt ra những thách thức lớn cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là vấn đề “thuật ngữ” và “phương pháp”; chỉ ra sự lúng túng của các nhà nghiên cứu về: Cách tiếp cận thực tiễn như thế nào? Về những quan điểm và cách nhìn khác nhau trong nghiên cứu; Về đóng góp thực tiễn với chức năng tư vấn chính sách, định hướng chính sách và hàm ý chính sách.

          - Các vấn đề bàn luận trong Hội thảo cũng làm bộc lộ những cách hiểu đa dạng trong nghiên cứu, đặt ra những câu hỏi về tính khách quan và trung thực trong nghiên cứu đối với các nhà khoa học và những định hướng tiếp tục khắc phục những hạn chế đó trong nghiên cứu.

          - Tiếp nối thành công từ Hội thảo và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đồng chủ trì Hội thảo - GS.TS. Lê Hồng Lý và TS. nguyễn Quốc Tuấn khẳng định: sẽ tiếp tục mở các diễn đàn khoa học ở các cấp độ khác nhau bàn về vấn đề văn hóa và tôn giáo trong thời gian tới. Trước mắt, các báo cáo khoa học sẽ được chỉnh sửa và đăng tải trên tạp chí Tôn giáo nhằm công bố kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và lan tỏa thành công Hội thảo.
Tin: Mai Hoa
Ảnh: Mai Hoa
http://www.gass.edu.vn/Detail.aspx?ArticleID=4208&CatdID=308&CatdIDParent=308

Phần nhận xét hiển thị trên trang