Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Không đánh đổi môi trường vì kinh tế: Một góc nhìn khác



Nhàn Đàm






















MTG - Nếu lấy mức độ ô nhiễm môi trường do tác động tổng hợp của các hoạt động phát triển kinh tế gây ra, thì một sự thật là Việt Nam đã thực sự đánh đổi môi trường vì kinh tế từ nhiều năm trở lại đây mà không hề hay biết.

Một sự ngẫu nhiên mang nhiều ý nghĩa vừa diễn ra là việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên thế giới (trong đó có Việt Nam), và Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam cũng công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 trong hai ngày sát nhau là 28.9 và 29.9. Hai bản báo cáo về tình trạng môi trường Việt Nam được đưa ra liền sát nhau sẽ cho chúng ta thấy được ở một mức độ nhất định toàn cảnh của vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm.

Nguyên tắc “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” đã được Thủ tướng tuyên bố và được xem như phương châm không thể xâm phạm trong quá trình phát triển kinh tế kể từ sau sự kiện Formosa, trong đó đặt ưu tiên bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Nhưng rất tiếc, nó mới chỉ dừng lại ở việc xem xét các dự án kinh tế có nguy cơ tác động đến môi trường một cách trực tiếp và gây ra hậu quả ngay lập tức mà thôi. Nếu lấy mức độ ô nhiễm môi trường do tác động tổng hợp của các hoạt động phát triển kinh tế gây ra, thì một sự thật là Việt Nam đã đánh đổi môi trường vì kinh tế từ nhiều năm trở lại đây.

Điểm chung giữa bản báo cáo tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên thế giới của WHO với báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, là việc chất lượng môi trường (đặc biệt là môi trường khí) của Việt Nam đang có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Báo cáo của WHO cho thấy, ở khu vực Đông Nam Á – Tây Thái Bình Dương, thì Việt Nam là một trong ba quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nặng nề nhất bên cạnh Trung Quốc và Malaysia (theo CafeF).

Trong khi đó, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động, đặc biệt là tại các đô thị lớn, trong khi mức độ ô nhiễm tại các khu vực nông thôn cũng đang gia tăng chóng mặt. Cụ thể, nồng độ khí độc NO2 trong không khí tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hạ Long đã vượt ngưỡng cho phép (NO2 là loại khí rất độc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, có thể gây tử vong hoặc ung thư) (theo The Saigon Times).

Trên thực tế, những số liệu trên không phải là một điều gì quá bất ngờ, đặc biệt là với người dân đang sinh sống và làm việc tại các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay. Theo số liệu của trung tâm quan trắc môi trường, thì ngay từ thời điểm năm 2013, Hà Nội đã có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và 1 ngày chất lượng không khí ở mức nguy hại. Ở những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi và một số chất độc hại khác có thời điểm cao hơn mức cho phép gấp 7 lần (theo Songkhoe). Thực trạng này đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến 72% hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí liên quan đến hô hấp, trong đó quận cao nhất tỷ lệ này lên đến 91,4% (quận Hoàng Mai) và thấp nhất là 55% (quận Tây Hồ).

Ở các đô thị lớn tình hình môi trường đã tồi tệ như vậy, ở các vùng nông thôn cũng không khá hơn là bao. Báo cáo của WHO đưa ra cảnh báo rằng ô nhiễm không khí tại các khu vực nông thôn đang nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ thông thường rất nhiều lần. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Việt Nam cũng đang xác nhận lời cảnh báo này, khi khá nhiều vùng nông thôn đang rơi vào tình trạng ô nhiễm cục bộ do các hoạt động làng nghề hay khu công nghiệp xen kẽ với khu dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí tại các khu vực nông thôn chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn…

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cũng chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam phần lớn là do các hoạt động phát triển kinh tế tích tụ lại gây ra. Chủ yếu là các khu công nghiệp lớn có vị trí lân cận các đô thị, phần lớn thuộc các lĩnh vực có nguy cơ gây tác động xấu với môi trường như các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch, các ngành sản xuất sử dụng nhiều hóa chất độc hại… Ngoài ra cũng xuất phát từ quá trình xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và giao thông đô thị làm tăng lượng bụi, các khí thải do các phương tiện giao thông gây ra. Điều tương tự cũng diễn ra đối với môi trường nước với điển hình là các sự việc của Formosa Hà Tĩnh và nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang.

Có thể thấy, điều quan trọng nhất rút ra từ báo cáo môi trường của WHO và báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường lần này, là việc Việt Nam đã không chú ý và coi trọng đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường trong suốt nhiều năm tập trung vào phát triển kinh tế vừa qua. Phải đến khi thảm họa môi trường hủy diệt biển của bốn tỉnh miền Trung do Formosa gây ra vừa qua thì yếu tố môi trường mới thực sự được nhìn nhận trong quá trình phát triển.

Thông điệp “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” đã được Chính phủ đưa ra như một nguyên tắc thép và một lằn ranh không thể vượt qua trong tương lai; nhưng thực tế phạm vi áp dụng của nguyên tắc “không đánh đổi” này mới chỉ được áp dụng đối với các dự án xét duyệt mới, hoặc các dự án đã đi vào hoạt động nhưng có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường ở mức độ tương tự như Formosa đã gây ra (mà trường hợp nhà máy giấy Lee & Man là một điển hình).

Nguyên tắc đó trên thực tế chưa được áp dụng đối với trước hết là các dự án đầu tư mới không có nguy cơ môi trường trước mắt và nghiêm trọng (nhưng có nguy cơ tích tụ về lâu dài), và đặc biệt là với các ngành sản xuất truyền thống thuộc diện có nguy cơ môi trường cao trong nền kinh tế nhiều năm qua. Đó là các nhà máy nhiệt điện, xi măng, luyện kim, hóa chất… các ngành sản xuất này không gây ra những tác động lớn ngay lập tức với môi trường như thảm họa của Formosa, nhưng về lâu dài hệ quả tích tụ lại sẽ dẫn đến nguy cơ môi trường rất lớn mà thực tế đã phát tác ở thời điểm hiện tại.

Nếu cứ tiếp tục duy trì cách thức phát triển kinh tế như những năm qua và hiện nay, thì môi trường sẽ bị hủy hoại nặng nề dù không xảy ra một thảm họa môi trường nào tương tự Formosa. Nguyên tắc “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” vì thế cần được hiểu theo một hàm nghĩa rộng hơn, không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn các thảm họa môi trường như Formosa, mà còn là quản lý phát triển kinh tế theo một mô hình mới với hướng lành mạnh và bền vững hơn. Vì một thực tế là chúng ta đã đánh đổi môi trường vì kinh tế từ hàng chục năm qua rồi, và giờ là lúc sửa chữa điều đó.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khái quát các học thuyết kinh tế quan trọng của thế giới



Bài viết dưới đây sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về lịch sử của các luận thuyết kinh tế, những biến đổi qua thời gian, và những đối tượng tham gia chủ đạo trong quá trình phát triển của các luận thuyết.
Cha đẻ của kinh tế học
Adam Smith được ghi nhận rộng rãi là người sáng tạo ra lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên ông lại bị ảnh hưởng bởi những tác giả người Pháp, những người có cùng quan điểm chống lại Chủ nghĩa trọng thương. Nghiên cứu phương pháp luận đầu tiên về phương thức hoạt động của các nền kinh tế được đảm nhận bởi những người theo trường phái Trọng nông ở Pháp. Smith đã sử dụng rất nhiều quan điểm của họ và mở rộng thành một luận điểm nói về phương thức hoạt động mà các nền kinh tế nên áp dụng.

Smith tin rằng cạnh tranh là cơ chế tự điều hòa và rằng chính phủ không nên can thiệp vào kinh doanh bằng biện pháp thuế quan, hay bất cứ công cụ nào khác, trừ khi nó được sử dụng để bảo vệ thị trường tự do cạnh tranh. Rất nhiều các học thuyết kinh tế ngày nay (hoặc ít nhất là 1 phần) được phát triển từ các nghiên cứu chủ chốt của Smith.
Khoa học của Marx và Malthus
Karl Marx và Thomas Malthus đã có những phản ứng lại đối với học thuyết của Smith. Malthus dự đoán rằng dân số tăng lên sẽ khiến nguồn cung lương thực trở nên thiếu thốn. Mặc dù giả thuyết của Malthus đã bị chứng minh là sai bởi vì ông không tiên đoán được sự phát triển khoa học công nghệ đã cho phép năng suất sản phẩm luôn cao hơn nhu cầu của dân số, nghiên cứu của ông đã chuyển trọng tâm của kinh tế sang nghiên cứu sự khan hiếm và nhu cầu đối với các sản phẩm khan hiếm ấy.
Trọng tâm nghiên cứu sự khan hiếm đã khiến Karl Marx tuyên bố rằng phương thức sản xuất là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của bất kì nền kinh tế nào. Marx đã đi nghiên cứu sâu hơn và bị thuyết phục rằng đấu tranh giữa các tầng lớp xã hội sẽ nổ ra bởi những bất ổn vốn có trong chủ nghĩa tư bản. Marx đã đánh giá thấp sự linh hoạt và năng động của chủ nghĩa tư bản. Thay vì tạo ra ranh giới rõ ràng giữa người chủ sở hữu và tầng lớp lao động, đầu tư đã tạo ra một tầng lớp pha trộn, khi đó cả người chủ sở hữu và người lao động đều có lợi ích. Mặc dù đưa ra một học thuyết hơi bi quan, Marx đã dự đoán chính xác xu hướng khi tầng lớp doanh nhân phát triển rộng khắp và quyền lực hơn phù hợp với mức độ tư bản thị trường tự do được cho phép.
Bàn về con số
Leon Walras, nhà kinh tế học người Pháp, đã tạo cho kinh tế học một ngôn ngữ mới trong cuốn sách của ông "Những nguyên tố của kinh tế học thuần túy" (Elements of Pure Economics - 1874). Walras đã lần theo gốc rễ của học thuyết kinh tế và tạo ra các mô hình và học thuyết phản ánh những gì ông tìm thấy được. Học thuyết trạng thái cân bằng tổng quát đã ra đời từ nghiên cứu của ông cũng như xu hướng nhằm biểu diễn các khái niệm kinh tế theo phương pháp thống kê và toán học thay vì chỉ dùng từ ngữ đơn giản.
Alfred Marshall đã sửa dụng mô phỏng toán học để đưa các nền kinh tế lên một nấc thang mới, đưa ra rất nhiều khái niệm mà cho đến ngày nay vẫn chưa được hiểu thật đầy đủ, như tính kinh tế theo quy mô, thỏa dụng cận biên, và mô hình chi phí thực tế. Kinh tế học khác với các khoa học khác ở chỗ, gần như không thể mang cả một nền kinh tế ra để thử nghiệm. Tuy nhiên, bằng mô hình toán học, một số học thuyết kinh tế vẫn có thể được thử nghiệm.
Kinh tế học trường phái Keynes
Kinh tế học đan xen của John Maynard Keynes đối lập với kinh tế của Marx thời kỳ trước đó cho rằng xã hội tư bản không thể tự điều hòa. Marx cho rằng đây là điểm "chết người" còn Keynes cho rằng đây là một cơ hội để chính phủ chứng minh cho vai trò của mình. Kinh tế học của Keynes là mật mã hành động để Cục dự trữ Liên bang điều hành nền kinh tế phát triển ổn định.
Quay trở lại thời kỳ đầu: Milton Friedman
Các chính sách kinh tế của hai thập kỷ vừa qua đều mang dấu ấn của các công trình nghiên cứu của Milton Friedman. Khi nền kinh tế Mỹ phát triển chín muồi, Friedman đã thúc giục chính phủ phải loại bỏ những kiểm soát thừa lên thị trường, như pháp luật chống độc quyền antitrust. Thay vì phát triển bằng cách tăng trưởng GDP, Friedman cho rằng chính phủ phải tập trung vào việc chi tiêu tiết kiệm tiền của quốc gia để tiết kiệm được nhiều ngân sách cho hệ thống. Với nhiều ngân sách trong hệ thống, việc nền kinh tế có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của chính phủ là có thể thực hiện được.
Kết luận
 

Xem thêm:

>> Đôi nét về trường phái kinh tế học cổ điển

Các quan điểm kinh tế chia ra làm 2 nhánh: lý thuyết và thực hành. Kinh tế học lý thuyết sử dụng ngôn ngữ của toán học, thống kế và mô phỏng điện toán để thử nghiệm các khái niệm thuần túy, và sử dụng kết quả để giúp các nhà kinh tế hiểu kinh tế học thực hành và xây dựng thành chính sách của chính phủ. Chu kỳ kinh doanh, vòng quay "boom" và "bust" và các biện pháp chống lại lạm phát là những sản phẩm của kinh tế học và việc hiểu chúng giúp thị trường và chính phủ đưa ra được cách điều chỉnh có lợi. Việc này giúp nền kinh tế phát triển ổn định hơn và đem lại lợi ích cho dân chúng.
Theo SAGA.VN / INVESTOPEDIA
http://www.reds.vn/index.php/tri-thuc/kinh-te-hoc/4330-khai-quat-cac-hoc-thuyet-kinh-te-quan-trong-cua-the-gioi2
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội: VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT BỊ ĐÂM KHI ĐANG LÀM VIỆC


Ảnh minh họa của Thân Hoàng. Nguồn: Soha.
Viện trưởng Viện Kiểm sát bị đâm trong phòng làm việc 

VNE
Thứ hai, 3/10/2016 | 16:55 GMT+7 
.
Chiều hôm nay, ông Tô Ngọc Chuẩn, Viện trưởng VKSND huyện Quốc Oai, Hà Nội được phát hiện trong phòng với 3 vết đâm.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Canh, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Quốc Oai xác nhận, 15h chiều nay khi nhân viên vào phòng trình ký, phát hiện ông Chuẩn đang vịn tay vào cửa trên người có 3 vết đâm. Ông Chuẩn được đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu, sau đó chuyển tới Bệnh viện 103 quận Hà Đông. "Hiện chưa có thông tin về tình trạng sức khỏe. Phòng làm việc của anh Chuẩn đã được niêm phong để khám nghiệm", ông Canh cho hay.

Theo nguồn tin của VnExpress, thời điểm vụ việc được phát hiện, trong phòng làm việc của ông Chuẩn có con dao gọt hoa quả trên giường cá nhân. Dưới đất có chiếc kéo cắt giấy.


Ông Tô Ngọc Chuẩn, sinh năm 1957. Hai năm trước khi về Quốc Oai làm Viện trưởng, ông Chuẩn là người đứng đầu ngành kiểm sát huyện Thạch Thất. 

Phương Sơn

-------------

Hà Nội: Viện trưởng VKSND huyện bị đâm trọng thương khi đang làm việc

Hoàng Hải
Soha
03/10/2016 16:22 
 
Ông Tô Ngọc Chuẩn
Trong lúc đang làm việc, Viện trưởng VKS nhân dân huyện Quốc Oai bị một đối tượng đâm trọng thương.

Trao đổi với PV vào chiều ngày 3/10, Chánh văn phòng UBND huyện Quốc Oai cho biết, vào đầu giờ chiều nay 3/10, UBND huyện Quốc Oai nhận được tin báo đồng chí Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện Quốc Oai bị một đối tượng đâm trọng thương.

Vị Chánh văn phòng huyện Quốc Oai cũng cho biết, hiện đồng chí Viện trưởng VKSND huyện Quốc Oai đang được đưa đi viện 103 để điều trị, cấp cứu.

Trong buổi sáng ngày hôm nay, trong lúc đang làm việc, ông Tô Ngọc Chuẩn – Viện trưởng VKSND huyện Quốc Oai (ảnh bên) bất ngờ bị một đối tượng đâm trọng thương.

Ngay sau đó, ông Chuẩn được mọi người đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng.

Sau khi tiến hành sơ cấp cứu ban đầu, ông Chuẩn được chuyển lên Bệnh viện 103 để tiếp tục điều trị. Hiện nguyên nhân của vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Mỹ cam kết tiếp tục hiện diện ở châu Á sau nhiệm kỳ của Tổng thống Obama


Dân trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 30/9 đã có cuộc gặp với những người đồng cấp từ 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hawaii (Mỹ) để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực, đồng thời khẳng định chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á sẽ vẫn tiếp tục được duy trì sau nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.
 >> Mỹ cam kết tăng cường sức mạnh quân sự ở Châu Á


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (Ảnh: ABC News)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (Ảnh: ABC News)
Theo AFP, phát biểu tại hội nghị không chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ở Hawaii hôm qua, người đứng đầu Lầu Năm Góc Ashton Carter tái khẳng định cam kết của Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong việc ứng phó với các thách thức an ninh chung, bao gồm việc hồi hương của hàng trăm phiến quân khủng bố từ chiến trường Iraq và Syria về khu vực sau khi lực lượng này bị thất thủ ở mặt trận Trung Đông.
“Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để thúc đẩy vai trò xúc tác của Mỹ trong mạng lưới an ninh tổng thể và có nguyên tắc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Carter khẳng định.
Chia sẻ với báo giới trong cuộc gặp ngày hôm qua, Bộ trưởng Carter nhiều lần nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẽ không màng đến những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, thay vào đó, Washington vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện ở các vùng nước và vùng trời xung quanh các đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
“Mỹ mong muốn giúp đỡ các nước (Đông Nam Á) nhận thức rõ hơn, chia sẻ tốt hơn và hành động nhiều hơn để giữ cho tuyến hàng hải quan trọng ở khu vực Đông Nam Á luôn rộng mở và an toàn”, ông Carter cho biết.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết ông tin tưởng rằng Mỹ sẽ vẫn duy trì chính sách đặt trọng tâm ở khu vực châu Á dù cho ai là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đi chăng nữa.
“Sẽ còn rất nhiều cơ hội hợp tác (ở châu Á - Thái Bình Dương). Chúng tôi bảo đảm rằng sự hiện diện của chúng tôi ở khu vực vẫn vững chãi trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo”, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Chính sách “tái cân bằng” hay còn gọi là “xoay trục” là nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama, trong đó Mỹ chuyển hướng trọng tâm từ Trung Đông trước kia sang châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường hiện diện ở khu vực này.
Trước đó, phát biểu trên tàu sân bay USS Carl Vinson tại cảng San Diego (Mỹ) ngày 29/9, Bộ trưởng Ash Carter đã mô tả cái mà ông gọi là giai đoạn tiếp theo trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự để tiếp tục duy trì vị thế cường quốc quân sự hùng mạnh nhất khu vực và là đối tác an ninh cho các nước chọn lựa.
Thành Đạt
Tổng hợp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có phải kỷ luật là hết người tài?


Nguyễn Đăng Tấn 

VNN - Cái thời kỷ luật lấy đâu ra người làm việc còn không, khi một chính phủ liêm chính?

Có lẽ 5-10 năm vừa qua trong nền kinh tế để xẩy ra nhiều vụ việc làm thất thoát số tiền lớn, phải  tính bằng ngàn tỷ. Có thể nói đó là điểm dừng rất đáng lo ngại của nền kinh tế.

Những mối quan hệ chằng chịt  

Nhiều bộ ngành không hoàn thành nhiệm vụ vì đã để xẩy ra những vụ việc chấn động.

Cả nước bức xúc. Nghị trường nóng lên. Có đại biểu so sánh vụ Lã Thị Kim Oanh đã có một bộ trưởng phải từ chức và 02 thứ trưởng đã ra tòa. Nay Vinashin là một kiểu “Lã Thị Kim Oanh” nhưng được phóng đại lên khoảng 1.000 lần. thì không ai phải từ chức.

Không chỉ có vụ Vinashin, Vinaline mà còn rất nhiều vụ nữa làm thất thoát hàng ngàn tỷ…thế mà cũng chẳng thấy quan chức nào xin từ chức hay kiểm điểm trách nhiệm. Ngay cả khi Quốc hội yêu cầu thành lập ủy ban lâm thời điều tra hay tạm dừng một vài chức vụ, cũng chỉ là lời nói ở nghị trường.

Sòng phẳng sai phạm thì phải kiểm điểm, phải qui trách nhiệm, phải từ chức đó là lẽ thông thường. Ở các nước phát triển, chính phủ rất nghiêm khắc đối với các thành viên của mình. Bộ nào để xẩy ra vụ việc nghiêm trọng phải cách chức người đứng đầu. Nếu không bị cách chức thì họ cũng xin từ nhiệm. Phải nghiêm từ người đứng đầu thì mới có kỷ cương phép nước.

Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp Bỉ vừa qua đệ đơn xin từ chức sau khi thừa nhận đã không có những hành động thích hợp để ngăn chặn vụ khủng bố đã được báo trước. Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari đã chính thức xin từ chức để chịu trách nhiệm về một vụ bê bối tài chính. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tri thức Choi Joong-kyung, người phụ trách vấn đề năng lượng của Hàn Quốc đã đệ đơn xin từ chức sau khi để cho tình trạng mất điện gần đây gây ra sự hỗn loạn trên khắp đất nước. ..

Văn hóa từ chức của ta có thể nói là chưa có. Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng coi trọng chức tước. Có chức tước là quyền mà có quyền là có bổng lộc. “Mua quan bán tước” cũng vì lẽ đó.

Không những cá nhân đầu tư cho chức tước mà còn có chuyện nhóm người đầu tư đưa người lên. Đã có người “đàng mình” rồi thì sau kéo nhau lên. Ở ta chuyện một người làm quan cả họ được nhờ là thế. Và đó cũng là nguyên nhân sinh ra lợi ích nhóm. Cái bí ẩn của lợi ích nhóm, cái nguy hiểm của lợi ích nhóm là ở chỗ chẳng họ hàng, không đồng hương đồng khói thân quen nhưng hết lòng vì nhau, bảo vệ nhau “anh còn là tôi còn” cho nên kỷ luật một người trong đường dây là rất khó…

Họ tồn tại bằng cách dựa vào nhau. Bố trí cho nhau những dự án công trình, đưa con em của nhau lên. Bên ngoài tưởng như trong sáng nhưng bên trong là mớ dây nhợ chằng chịt con bạn con ta con các đồng chí mình…Vụ Trịnh Xuân Thanh chính là mớ dây chằng chịt đó mà Đảng ta đang gỡ.

Kỷ luật cũng là để phát triển

Chuyện thưởng phạt không phải là chuyện phong trào, chuyện đoàn thể thi đua… Thưởng phạt không đúng hoặc đúng, có tác động kéo lùi hoặc thúc đẩy sự phát triển.

Cách chức những người đang kéo lùi sự phát triển tức là để phát triển.

Cách chức những người chỉ đạo sai qui luật là để đi đúng qui luật

Xử lý đúng những sai phạm sẽ có tác dụng răn đe cảnh tỉnh. Trong những vụ án vừa qua, và đặc biệt là những sai phạm của các quan chức nhân dân đều nhìn vào. Họ nói có lấy lại được uy tín hay không cứ đợi Trung ương xử lý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ khi nhậm chức đã quyết tâm phải xây dựng một chính phủ kiến tạo, một chính phủ liêm chính. Đó vừa là quyết tâm đồng thời cũng là mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, mạnh mẽ của đất nước.

Muốn đất nước phát triển trước hết phải bắt đầu từ các bộ ngành, các bộ ngành phải là đầu tầu cho sự phát triển. Các bộ ngành liêm chính sẽ là tấm gương liên chính và kéo sự phát triển.

Một chính phủ hoàn thành nhiệm vụ, một chính phủ liêm chính, kiến tạo thì các bộ phải liêm chính, phải là nơi tiên phong cho kiến tạo. Không có cán bộ tham nhũng, nói một đường làm một nẻo, là biết xử phạt nghiêm minh hay khen thưởng bổ nhiệm đúng người đúng việc. Kỷ luật cũng là thúc đẩy cho sự phát triển.

Cái thời kỷ luật lấy đâu ra người làm việc còn không, khi một chính phủ liêm chính?

Quần chúng nhân dân rất giỏi, đừng sợ không có người thay thế.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thăm thẳm đường về ( 10 ) TT


Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh người đi xa về?

10.
 
 

T
ừ lâu gã không để ý đến gò cỏ tranh có cái tên là gò Đất đen. Khuất sau gò có một ngôi nhà kỳ quái không giống bất cứ ngôi nhà nào trong vùng. Mái nhà lợp cỏ, vách che cỏ đến cả lối đi cũng ngập cỏ lùng nhùng. Đó là ngôi nhà không mấy người trong làng qua lại vì tính quái đản của chủ nhà. Một người cao to, tay dài quá gối, lưng vượn. Gã có cái miệng lôi công, tiếng ngân nga như chuông đồng nhưng khi gã quát lác vợ con tiếng vang như lênh vỡ. Một thằng đánh giặc miệng mà hù hoạ được số đông đàn ông trai tráng trong làng. Không ai biết gã tên thực là gì, quê quán nơi đâu? Chỉ nghe gã bảo gã là một trong hàng ngàn thanh niên thủ đô đi tình nguyện khu kinh tế mới. Gã vất vưởng ở một nông trường trồng chè một thời gian. Ngày ngày xua đàn bò mấy trăm con lên đồi, tối đến lại lùa về. Gã chán nản. Gã không thể theo đòi Tô Vũ chăn dê, gã đã thịt một con bò của nông trường lấy tiền về xuôi. ở thành phố gã không còn ai thân thích, không giấy tờ hộ khẩu, nên gã không thể sống yên ổn lâu dài. Gã theo một người tài xế lái xe làm lơ xe. Cuộc sống lang bạt nay đây mai đó cho đến khi gã gặp cô Là xuôi mảng về bán củi ở chợ tỉnh. Hàng bún ốc là nơi hai người gặp nhau. Cuộc tình tốn kém không đáng kể vì gã chỉ mời nàng ăn được đến bát thứ hai thì không sao ăn thêm được nữa. Cô Là nói mẹ cô sinh con một bề. Ruộng nương nhà cô làm không xuể nếu có người đàn ông chèo chống chả mấy nỗi trở lên giàu có. Vậy là gã từ bỏ cuộc sống nay đây mai đó, theo cô Là về xóm này.
Đúng là mẹ cô Là sinh con một bề, nhưng bà là vợ lẽ một ông người dưới xuôi lên. Tầm gửi lấn cành, bà vợ cả lần hồi thâu tóm hết ruộng nương, nhà cửa của bà hai. Khi con gái dẫn “trai” về nhà, đại gia đình ấy kịch liệt phản đối. Cuối cùng, chấp nhận cho cô Là cái nhà bếp muốn dỡ đi đâu dựng thì dỡ. Gò mả “Cờ đen” là nơi vô thừa nhận từ bao năm nay, gã dỡ cái nhà bếp ấy về đấy dựng nhà. Quanh gò cỏ gianh là một con suối sâu cách biệt với xóm làng. Lối đi lại duy nhất là cây sung già đổ gẫy gập làm thành cái cầu tự nhiên.
Đêm đêm, người ta bảo trên cây sung già có người đàn bà mặc quần áo trắng, tóc dài để xoã chấm gót, khi khóc khi cười rấm rứt trên ngọn cây. Thường thì đom đóm có mùa từ cuối xuân sang hè mới bay ra khi hết ngày sập tối. Nhưng chỗ gốc sung gần như nó lượn lờ quanh năm. Chỉ giảm hơn một chút vào mùa khô lạnh.
Không ai từ xưa tới giờ được nhìn thấy cảnh chôn người ở đây dù vẫn gọi là gò mả cờ đèn. Quân Lưu Vĩnh Phúc một thời đóng đồn trên gềnh "Ông tướng" cách chỗ này nửa dặm. Người ta lưu truyền vì không hợp thổ nhưỡng cánh quân ấy trải qua một trận dịch tả kinh hoàng. Viên võ quan chỉ huy đã sai người mai táng quân số chết dịch trên gò. Khi đó gò đất mọc dày cây ba bét và cây dướng. Từ khi xuất hiện những nấm mộ, cây cối tự nhiên vàng úa chết khô. Giữa trưa nắng chang chang một trận mưa có những hòn sét đỏ như sắt nung rơi xuống quả gò. Cây cối trên gò cháy trụi... Rồi từ đó mọc dày cỏ tranh. Không biết những mộ huyệt sau đó có được chuyển đi hay không? Nhưng cho đến giờ vẫn còn nhiều nấm đất to như ụ mối. Có thể vẫn là mộ bên dưới có bộ xương người. Cũng có thể nó đơn giản chỉ là một tổ mối lâu năm.
Chỉ riêng việc gã dựng nhà trên quả gò này, gã đã khác người rồi. Gã thường tự nhận mình là một tên vô chính phủ. Không có họ, không có tín ngưỡng, không có râu, chỉ có mỗi cái tên là Quảng hoặc là Quảng vô mao.
Cô Là thường rời nhà từ lúc chưa rõ mặt người, cô đi đâu làm gì không ai rõ. Có ai hỏi cô bảo cô đi lấy củi, nhưng rất ít khi gặp cô xuôi mảng về chợ bán củi. Người ta kháo nhau cô thường rình mò các lán người ta dựng trên nương để nghỉ trưa vào lúc người ta lúi húi làm. Có thóc gạo, mắm muối gì cô vơ bằng kỹ. Hôm nào không kiếm được cô lần xuống khe suối. Cô không kiếm cá. Cô tìm những cối gạo giã bằng sức nước. Ở đấy thường không ai trông coi. Sáng người ta đổ lúa vào, đến chiều hôm sau mới ra lấy gạo. Chỉ bằng những việc đại loại như thế, có nuôi được lão Quảng vô mao với một lũ con nhút nhít. Có ai hỏi đã nghèo sao lại đẻ đông con thế cô cười rúc rích: " Cứ đẻ hết trứng mới thôi. Trời sinh voi trời khác phải sinh cỏ". Lũ con cô Là đã biết đánh bẫy gà hàng xóm hoặc bới trộm khoai ngoài đồng.
Người ta rất ít khi bắt gặp lão Quảng ra đường. Ban ngày lão ngủ, chừng mười giờ đêm lão kéo nhị, hết hát chèo lại ca cải lương. Lão tự biên tự diễn phục vụ nội bộ vợ con lão nên lời ca tiếng hát của lão chẳng ai thèm quan tâm vì nó vô cùng quái gở. Không phải thứ ca nhạc của thiên thần, cũng không của ác quỷ, một thứ âm thanh u ám, hỗn độn, đểu cáng, dâm đãng hết chỗ nói.
Nhưng đột nhiên mấy ngày nay lão hay ra đường. Đầu chải mượt tay cầm một tờ báo cũ, miệng hút thuốc phì phèo. Giờ thì lão Quảng đang ngồi bên bờ sông ngay kế bến lâm sản. Dưới sông tốp người đang cởi trần đóng bè. Người ta kể như không có cái rét đang vờn lên da thịt đang tím tái của mình. Lão lơ đãng nhìn tốp người đóng bè, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn theo dòng sông chảy tít tắp về xuôi. Những đám mây xám đục trên đầu lão cũng không bận tâm. Đám người làm cho nhà Sinh béo nhìn lão dò xét. Không biết cái thằng cha kỳ quái này ra đây để làm gì? Chắc chắn lão ra đây ngồi không phải để ngắn cảnh. Lão cũng không có ai để chờ đợi ở bến sông này. Trong vùng người ta ghê lão như một con hủi, có ai chơi với lão để mà đợi chờ? Trong đám người làm có người chạy về báo với lão Sinh. Lão đang bận giở ván tổ tôm vội đứng ra đầu nhà nghe người kia thì thầm. Lão cũng chỉ nói nhỏ mấy câu đủ cho người kia nghe rồi lại ngồi vào đám tổ tôm.
Luôn mấy buổi như thế mà không xảy ra chuỵên gì. Người ta cho rằng lão Quảng vô mao tự nhiên dở tính. Ngủ ngày mãi cũng chán mắt. Lão ra sông hóng gió. Việc ai người ấy làm, chẳng ai để ý đến lão nữa.
Chỉ có gã ở gần nhà lão Chỉ là biết hành tung của lão Quảng vô mao. Buổi trưa, buổi tối đều thấy lão từ nhà lão Chỉ ra về, mặt mũi đỏ gay vì men rượu. Hai lão già kình địch nhau như lửa với nước mà giờ thân thiện quả là sự lạ!
Gã ngờ lão Chỉ đang có âm mưu gì đó mà lão Quảng là con bài. Biến một kẻ đối đầu với mình trở thành đồng đảng, lão Chỉ thực cao tay. Tuy bất cần đời, hành tung khó hiểu, nhưng Quảng vô mao lại có điểm yếu thích được người ta tâng bốc và ưa được mời uống rượu. Cứ có rượu vào tốt có thể thành xấu, thù thành bạn bất kể mọi sự ở đời.
Lão Chỉ là con người tính toán, lão không cho không ai gì, và cũng không đãi không ai cái gì. Nhưng mục đích của sự lợi dụng này là gì thì gã không hiểu? Tâm trạng đang buồn, gã cũng không muốn quan tâm đến những việc xung quanh. Những việc không liên quan vướng mắc với mình. Nhất là từ hôm con bé theo mẹ nó về xuôi, căn nhà gã ngày thường đã vắng vẻ, giờ càng hiu quạnh.
Thằng con lão Đởm ở dưới quê lên gợi ý gã nên đào cái giếng. Nếu gã muốn nó sẽ cùng thằng bạn đi cùng. Chỉ đào năm buổi là có nước ăn đỡ phải ra sông gánh vất vả. Nó nói chỉ cần gã mua cho nó cuộn dây thừng, cái xẻng và cái xà beng là đủ dụng cụ. Nó có mang theo một cái thùng cuốn bằng lốp xe ôtô. Thứ đó dùng để kéo đất dưới giếng đưa lên không cần tới giành sọt gì cả. Nhưng gã nhìn thấy nó trắng bợt bạt, chân cẳng như cò hương, không tin lắm ở lời nó nói. Tạng người như nó sinh ra để đánh phấn, tô son trên sân khấu chứ không phải để làm công việc thổ mộc nặng nhọc. Thằng đi với nó trông vẻ có nghề hơn, thân đậm, ngón tay quả chuối, bắp chân bắp tay cuộn cứng như bắp chuối. Hai đứa gọi nhau một là Thành cò, một là Tú lùn. Cũng có lúc Tú lùn gọi con lão  Đởm là " Thành sếu ". Cò hay sếu đều là giống yếu lả chân cao, đều thích hợp với ngoại hình và tính cách của con lão Đởm. Không biết nó bất mãn thế nào với bố mà bỏ lên đây? Nó thề không bao giờ về ngôi nhà của bố nó nữa.
Giếng thì gã rất muốn đào. Gã định nhờ người làm từ lâu mà chưa được. Nhìn hai thợ đào giếng này thì gã ngại. Thường chẳng có công việc nào kết thúc hay ho ở những con người như thế. Lão Chỉ lại không thế. Lão tính mét đào sâu trả tiền. Ngày cơm ba bữa lão nuôi không tính. Đang khi có chuyện buồn bực trong làm ăn, lão quay sang đào cái giếng gần nhà cho vợ con đỡ cực. Vậy là ngày hai bữa rượu không kể bữa sáng chỉ ăn dẹm. Lão nhớ ra còn có lão Quảng đang tồn tại ở đất này. Lão thân chinh đến tận nhà mời mọc ân cần và từ hôm đó bữa rượu nào cũng không thiếu lão Quảng. Hai thằng thợ đào giếng đã gần chục ngày mà vẫn chưa đến nước. Chúng kêu đất rắn pha nhiều đá quá, khó đào. Kỳ thực hai thằng đang rong công. Lão Chỉ biết nhưng không nói. Đầu óc lão còn đang bận rộn việc khác to tát hơn.
Từ khi lão Sinh béo đứng ra lập trạm thu mua lâm sản, nguồn thu nhà lão Chỉ sa sút hẳn. Lão mất chân độc quyền mua bán tre nứa, gỗ lạt ở quãng sông này. Mấy anh kiểm lâm cũng thưa dần rồi không đến nhà lão. Buôn bán lâm sản mà thiếu sự quan tâm trợ giúp của họ thì coi như đứt hẳn mối làm ăn. Mấy chuyến liền lão xuôi bè bị bắt, bị tịch thu, bị phạt mất cả gốc lẫn lãi. Nếu cứ tiếp tục, lão sẽ trắng tay, sẽ phải bán nhà trả nợ tiền vay vốn, lãi rất cao.
Nguồn cơn cũng bởi từ cái trạm thu mua của lão Sinh mà ra. Sinh béo không ra tay, lộ mặt nhưng mọi đòn phép đều do lão bày đặt mà nên.
Lão Chỉ uất không chịu được. Cơ hồ lão phải trở lại chỗ đứng ban đầu ngày mới lên đây. Bao nhiêu cố gắng bấy nay trở thành công cốc. Lão lại như ngày nào không đồng xu trong túi, khó nhọc kiếm từng xu. Bao nhiêu năm là mối giao hảo, cùng làm cùng ăn không ngờ lão Sinh trở mặt như thế. Thế lực của Sinh béo rất gớm. Nếu lão cố tranh giành với Sinh béo, lão đo ván là cái chắc. Không khéo có ngày lão Sính úp sọt, mượn tay chính quyền đẩy lão vào " Bẫu " cũng nên. Ai chứ lão Sinh hoàn toàn có thể làm được việc này. Với quan hệ hiện nay thì Sinh béo lo việc ấy nhẹ nhàng như thò tay vào túi.
Vậy phải làm cách khác. Lão phải nuốt nhục để đi tìm lão Quảng. Một thằng trắng trợn vồ con gái lão trên đồi lúc nó đi tìm trâu. Cũng chính nó đánh bẫy, ăn thịt con chó đực to như con bê của nhà lão. Lão biết hết, nhưng không đủ tang chứng để kiện nó ra chính quyền. Giờ đành phải coi những chuyện ấy chưa từng xảy ra. Nếu thằng Quảng nghe theo, lão sẽ đạt được hai mục đích. Giống như bắn một mũi tên mà được cả hai con chim. Vừa diệt được mối làm ăn của lão Sinh, vừa trừ được một thằng bất đẳng ở kế cận với mình. Nhưng lão phải làm thế nào để khi sự việc xảy ra, mình vẫn vô can. Lão rất khoái khi nghe Quảng vô mao nói rằng: " Đấu tranh kinh tế không có gì bằng diệt kinh tế. Làm cho nó lụi bại không ngóc đầu lên được. Chớ có dại mà ra mặt kình chống với nó. Cứ " Văn bẩn " mà nện thế nào nó cũng đổ". Phải tham khảo ý kiến của một thằng lưu manh là một chuyện bần cùng. Nhưng khi nó nói lão thấy nó có cái khôn của nó. ở đời không ai là hỏng cả. Nếu biết dùng một kẻ chẳng ra gì có khi còn được việc hơn là một người tử tế. Mà người tử tế ở trên đời phỏng có được bao nhiêu? Những chuyện đen tối như thế này, người ta nhất quyết không làm. Nghe Quảng nói thế lão rút trong bọc đưa cho Quảng ít tiền mua rượu uống chơi. Khi nào công việc xong xuôi lão hứa cho y hẳn con trâu đực sừng vừa bằng tai. Nếu làm sớm hơn thêm cả đôi lợn giống mua dưới xuôi lên. Giống lợn Đức khi xuất chuồng bằng con trâu be chứ không phải giống lợn ta nuôi hằng năm mới được ba bốn mươi cân. Quảng vô mao sướng, y đưa tay bắt rồi cầm dao chém một nhát sâu vào cột:
- Chơi quân tử đấy nhé. Đây không bao giờ nói mà không làm. Bên nào sai hợp đồng bên ấy chịu.
Nói thì nói mạnh mồm như thế. Nhưng làm không đơn giản. Y đã từng thuốn, đóng qua lỗ đít trâu để nó chảy máu trong, chương bụng ra mà chết mà chủ nhà không biết trâu chết vì bệnh gì. Rồi giã lá thàn mát lọc lấy nước cô đặc lại thả xuống ao cá. Cá phơi bụng chết hàng loạt mà chủ ao cá tìm mãi không ra dấu vết, mùi thuốc sâu. Nhưng đấy chỉ là những trò lặt vặt để trả thù cá nhân những đối thủ tầm thường. Một ai đó chửi bóng chửi gió nghi con gã ôm mất con gà đang ấp trứng. Hoặc một nhà nào đó có công việc mâm cao cỗ đầy mà không mời y tới dự. Ai cũng biết những việc ấy y làm nhưng không bao giờ tóm được y tận tay. Chửi lắm y còn giở nhiều trò khốn nạn hơn. Ném cứt vào nhà, quăng cóc chết, chuột chết vào bể nước ăn.
Không phải ngẫu nhiên mà lão Chỉ nhớ đến y. Trong việc chống trọi với lão Sinh béo này, Không nhờ đến Quảng vô mao không xong. Chỉ có y mới dám và mới biết cách làm.
Lão chỉ tin tưởng như thế, nhưng Quảng thì lo vô cùng. Đối tượng không dễ chơi chút nào. Sinh béo ở đất này không phải tay vừa. Bố con nó quyền cước, văn võ đủ cả. Tình huống như lão Chỉ còn phải e dè. Không cẩn thận, nó cho uống no nước sông, không cũng sặc cứt ra miệng chứ chẳng chơi. Một thân một mình là không thể làm gì được. Một tay vỗ chẳng kêu, phải có đồng minh. Vậy thì tìm ai ở đất này bây giờ? Kẻ thật thà ngây ngô thì không được việc. Người sắc sảo khôn ngoan không ai chịu làm việc mờ ám - Có bần cùng phải dúng tay vào cũng đòi công cao ngất ngưởng. Vậy tìm đâu ra kẻ biết việc, dám làm không đòi hỏi quá cao? Quảng vô mao nghĩ đến gã. Một thằng mới ra tù, vô sản tuyệt đối, không tiền, hắn là một kẻ chán đời. Một kẻ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền. Y nghĩ như thế và đi tìm gã. Gã nghĩ " Thiên hạ nhân, thiên hạ tài " và thiên hạ có những hạng người chẳng ra gì. Đó là mâu thuẫn nội tại của xã hội con người. Dù người ta có cố gắng thế nào cũng khó lòng thay đổi. Mong mỏi một thế giới toàn những con người tử tế, thiện tâm là điều không tưởng. Hàng ngàn năm trước đã như thế, ngàn năm sau cũng là như vậy. ác thiện, tốt xấu như âm dương, như ngày đêm, như được mất luôn là như vậy. Dù con người có mong mỏi thế nào nó cũng chỉ có ý nghĩa hướng thiện, vươn tới cái đẹp mà thôi. Tận diệt cái ác, cái xấu xa chẳng khác nào tận diệt cái nguồn gốc tiềm ẩn của nhân loại. Cái đó thực không khác tìm đường lên trời vậy. Gã không lấy làm lạ khi trong làng có một người như lão Quảng. " ở đâu mà không có anh hùng? ở đâu không có những thằng khùng điên " Nhưng khi Quảng gợi ý, rủ gã tham gia kế hoạch triệt phá kinh tế nhà Sinh béo gã không khỏi ngạc nhiên trước lòng dạ con người. Con thú dùng nanh vuốt, cặp sừng, kể cả nọc độc để tàn hại nhau. Nhưng đó là cuộc cạnh tranh sinh tồn. Còn con người dùng thủ đoạn thì vì cái gì? Để làm gì. Cả Quảng vô mao và gã đều không cần thiết phải làm việc đó. Thực ra việc Sinh béo kinh doanh lâm sản chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Vì một chút lợi nhỏ để làm hại người khác là điều gã không bao giờ làm. Có khi hại người không xong lại thiệt chính mình. Mà mình có oán thù gì với lão? Gã đã trả lời thẳng thừng, điều đó làm Quảng không hài lòng. Nhưng y không biểu hiện thái độ ra mặt. Quảng chỉ nói xa xôi:
- Hạnh phúc trên đời là cái chăn hẹp không chỉ trong chuyện ngụ ngôn. Nó có thật giữa đời. Kẻ này đủ ấm thì kẻ khác phải chịu giá lạnh. Anh chỉ muốn giúp chú có cơ hội kiếm được tiền. Chú không muốn cũng giữ kín cho. Đây là chuyện chết người chứ không phải đùa.
Y nói với giọng đe nẹt xa xôi. Gã cũng chẳng hơi đâu xía vào mớ bùng nhùng đó. Không phải gã sợ Quảng tìm cách hại mình mà cái chính là không thích dây dưa, “chơi với kẻ ác không khác nào vào hang cá thối”.
Cũng có thể Quảng nói ra câu chuỵên như thế để thử lòng mình, hoặc gã muốn tỏ ra vẻ nguy hiểm của bản thân nhằm hù doạ người khác.
Thế nào mặc lòng, gã nói:
- Anh thông cảm, em giờ chỉ muốn yên thân không thích chuyện rắc rối. Người khác có khi không sao, mình cái sảy nảy cái ung, em rất ngại.
Quảng không nói gì, ngồi chơi một lúc rồi về ngay.
Gã cứ tưởng Quảng sẽ bỏ cuộc vì không có người trợ thủ. Không ngờ đêm ấy y làm thật. Mũi bè vừa đóng xong chưa kịp rời bến bị đứt dây neo vào lúc nửa đêm. Đám thợ bè chiều hôm đó rượu khướt liên hoan, để ngày hôm sau khởi hành, ngủ say như chết. Bè cứ thế trôi trong đêm. Về đến Vật Bà bị nước xoáy xé ra từng mảnh. Bấy giờ đám người trên bè mới hoảng hồn thức dậy. Tiếng la hét, quát mắng, chửi bới nhau vang động một khúc sông vào lúc canh khuya. Đến hết ngày hôm sau người ta mới gom được những mảng tre nứa kết lại bè. Nhưng toàn bộ số gỗ nặng giấu dưới gầm bè bị cuốn chìm xuống lòng vực. Toàn đinh thối, vảy ốc và lát là thứ đắt tiền. Các loại gỗ này nặng như sắt, vĩnh viễn nằm dưới lòng sông. Sinh béo rũ ra như tàu lá héo. Lão chỉ nghĩ đám thợ làm bè bất cẩn, không có ý nghi ngờ bị phá hoại ngầm. Lão tổ chức đi chuyến khác. Lần này lão cho chuẩn bị kỹ càng hơn. Bè được neo bằng sợi cáp thép buộc hẳn vào gốc cây to. Lại thêm mấy sợi neo phụ. Cho dù có bão cũng không sợ tuột neo nữa. Đêm nào lão cũng cho người soi đèn kiểm tra.
Bè đóng xong trước ngày nhổ cày lão cho người xem xét rất cẩn thận. Đêm đến đám thợ bè phải thay nhau thức canh chừng. Lần này bè không tuột neo nhưng gặp sự cố khác. Nửa đêm có một mảng nứa nhỏ trên chất đầy rơm rạ tẩm dầu trôi đến sát bè. Đám thợ chỉ chú ý soi đèn trên bờ chỗ thả cày, không chú ý dưới sông. Bất ngờ phía đầu bè có tiếng nổ dữ dội. Rơm rạ trên mảng cháy ngút trời. Quả mìn không gây chết người, nhưng cả bọn bị một phen hú vía. Họ gọi nhau dùng sào chống đẩy đám cháy ra khỏi bè. Đòn khủng bố này chỉ làm trôi vài nẹp nứa không đáng kể, nhưng lão Sinh thực sự hoang mang. Lão biết đang có một âm mưu chống lại lão. Có kẻ nào đó không được ăn, tính đạp đổ công việc làm ăn của lão? Nhưng kẻ đó là ai thì lão chưa nắm rõ. Lão giỏng tai lên nghe ngóng.
Lão Chỉ Đen bắn tin cho Sinh béo hiểu rằng: Thủ phạm phải là đứa cao tay, có học mới biết làm việc này. Phải là đứa vào tù ra tội mới dày dạn kinh nghiệm, mới có gan làm. Sinh béo nghe có lý. Thủ phạm rất tinh vi, chuẩn bị chu đáo để làm việc này. Nó lợi dụng sức nước chảy, thả mảng gắn mìn có dây cháy chậm từ phía thượng nguồn. Đến khi cây nhang cháy đến quả mìn vừa cập tới bè.
Gã là người Sinh béo nghi ngờ đầu tiên. Gã có thể làm được công việc đen tối ấy. Nhưng vì động cơ gì thì Sinh béo không hiểu. Không lẽ chỉ để chơi? Điều đó không phải. Con người từng trải như gã chắc không làm việc ấy. Hay có ai xúi bẩy xúi dục gã làm? Sinh béo phân vân, nhưng vẫn cho người theo dõi kín đáo. Điều này thì gã hoàn toàn không biết. Đêm đêm có tiếng động sau nhà gã lại nghĩ chắc bọn trẻ rình mò ăn trộm gói kẹo, bao thuốc của bà cụ. Thế nên gã xếp sắp gọn gàng hơn. Đêm dậy chỉ soi đèn chỗ để hàng. Gã không ngờ mình bị bí mật theo dõi. Tệ hơn Sinh béo báo cáo ngầm với công an xã. Một lần nữa, gã nằm trong vòng ngắm của chính quyền.

ó
ó   ó

Ma quỷ thường có những trò dụ khị, cài đặt rất tinh vi khéo léo. Những sự việc rời rạc bề ngoài xem ra chẳng có ý nghĩa gì mà thực ra lại là có một kết cấu tinh xảo, khiến nhiều số phận không sao tránh khỏi một kết cục cay đắng.
Được hơn nửa năm gã sống yên ổn, không xảy ra chuyện gì. Hoặc chỉ là những chuyện vớ vẩn không đáng kể. Gã sống thu mình ít tiếp xúc với xung quanh. Coi đấy là cách giữ mình tốt nhất để khỏi bị lôi kéo vào những chuyện phiền phức, rắc rối. Phải cố gắng đến mức căng thẳng mới duy trì được cách sống ấy, vì con người là một sinh thể vừa yếu ớt lại vừa có nhiều yêu cầu sống phức tạp. Mà gã thì trẻ chưa qua, già chưa tới, sống như vậy không đơn giản chút nào. Gã cần tình yêu, một người đàn bà, hoặc ít ra là một vài người bạn để sẻ chia, an ủi. Cho cuộc sống thăng bằng giữa vật chất và tinh thần. Nhưng một người như thế ở đất này thật khó biết bao. Gã không sinh ra ở nơi này, không có bạn thủa chăn trâu cắt cỏ và cắp sách tới trường. Gã xuất hiện ở nơi đây với một hoàn cảnh thật oái oăm. Những con mắt xung quanh nhiều lúc sắc lạnh như cật nứa cứa vào gan ruột gã. Cần phải có thời gian mới thay đổi được cách nhìn cách nghĩ của nhiều người. Gã sống trong mối mâu thuẫn nội tâm giữa ý muốn mở rộng quan hệ để tìm sự cảm thông với cách thu mình gìn gữi để tránh tổn thương. Điều này luôn làm gã day dứt.
Cuối cùng gã đi đến chọn lựa cách sống tự nhiên. Cuộc sống không thể lúc nào cũng lên gân, lấy đà vượt dốc. ý nghĩ cầu an tự ty lúc đầu mất dần ý nghĩa. Gã nghĩ cuộc sống chỉ cốt yên thân thì cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì. Con người không thể tách ra khỏi sinh hoạt cộng đồng. Tồn tại tốt nhất là hoà nhập và chinh phục nó. Nhưng cũng lại chính lúc này mầm mống tai ương nảy nở mà gã hoàn toàn vô tâm không chú ý tới.
Sau mấy vụ xúi giục Quảng vô mao triệt phá công việc của Sinh béo, lão Chỉ thấy không ăn thua gì. Tuy nó có làm cho lão ta thiệt hại về tiền của nhưng cũng chỉ là vết sầy da chốc vảy. Sinh béo vẫn còn những nguồn tài chính tiềm tàng, không dễ gì đánh qụy hắn được. Lão thấy cần phải có một đòn quyết định. Muốn làm được việc đó phải là kẻ có gan, có máu mặt. Một tay miệng hùm gan sứa như Quảng vô mao thì không kham nổi việc này.
Thời gian này trên bãi vàng có một nhân vật nổi tiếng cùng quê với lão. Hắn nổi tiếng cướp bóc, trấn lột không gớm tay, coi mạng người như rơm rạ. Mọi người nhìn thấy hắn đều lánh mặt, nhưng hắn lại rất nể trọng gã từ những ngày ở trại. Một thằng vốn lành hiền, nhút nhát chỉ sau mấy năm tù thành anh chị, đầu gấu, nanh beo như một kiểu đột biến gen. Mấy lần hắn đến nhà rủ gã lên bãi vàng, gã nhất quyết không chịu đi. Hắn thôi không lôi kéo nữa, nhưng thỉnh thoảng vẫn đến chơi nhà.
Hôm nay hắn cùng Nhân đến vào lúc chập tối. Nhân nói đến để tạ lỗi, việc đem cắm cái xe đạp của gã mấy tháng trước. Hắn đưa cho gã chiếc áo Natô, thứ mà nhiều kẻ ao ước có được. Nhân còn xách theo một can ba lít rượu và bọc thịt gà đã chặt sẵn. từ ngày nổi bãi vàng, hàng quán trong vùng mọc như nấm. bán không thiếu thứ gì. Vậy là có khách mà gã gần như không phải sắm thứ gì. Cả bọn uống rượu chuyện trò mãi tới khuya. Nhân bảo ngoài việc đến chơi thăm nhà, còn nhờ gã một việc.
Công việc đào lò trên bộ xem ra vất vả mà hiệu quả không cao. Phải đào sâu xuống lòng đất. Đến khi đến lớp xỉ thì xúc đất đổ vào bao cho người chuyển lên bờ. Sau đó, dùng máy bơm đưa nước từ dưới sông lên, dẫn vào máng lọc. Qua rất nhiều công đoạn mới tới được máng lọc ra vàng. Công việc vừa nặng nhọc lại vừa nguy hiểm. Đã có những hầm bị sập chết người. Nhân là người đầu tiên nghĩ ra cách đào vàng dưới lòng sông. Vừa tiện nước, vừa đỡ nguy hiểm. Muốn thế phải làm một cái bè thật chắc chắn. Kết cấu thế nào để đặt tới đưa xẻng xúc xuống lòng sông. ở độ sâu ấy tương đương với độ sâu các lò đang đào trên bờ sông. Mở rộng tầng vỉa cũng đơn giản, lại không nguy hiểm. Công việc này phải tìm thợ đi bè nhiều kinh nghiệm, rồi tìm tre gỗ đóng bè...
Nghe Nhân nói xong gã bảo:
- Tưởng việc gì chứ việc ấy đơn giản. Tối nay hai ông cứ ở đây sớm mai tôi sẽ dẫn đi gặp một người. Người này đóng bè hết ý. Tre gỗ là nguồn ông ta thông thạo mà hiện thời đang bí đầu ra.
Nhân sốt sắng muốn đi ngay, nhưng Du kẻ cùng đi với Nhân bảo:
- Thôi cứ để sớm mai, ban ngày ban mặt. Việc làm ăn cứ phải đàng hoàng không đi đâu mà vội. Hơn nữa anh em lâu ngày mới gặp tao muốn ở đây một tối. Sáng mai thong thả sẽ bàn.
Gã cũng nói:
- Giờ cũng khuya rồi, sang nhà chắc lão đã đi ngủ. Nhanh chậm cũng không bao nhiêu, mai tôi đưa sang sớm.
Du nhắc lại lần gã đưa cho y mấy viên cờlôsít. Nếu không có mấy viên thuốc ấy có lẽ y mãi mãi ở lại bên kìa đèo Lũng Lô rồi. Chiếc xe cá đông lạnh do chết máy giữa đường bị lỡ hành trình. Cá chuyển lên đến trại đã có mùi. Mấy trăm con người bị tháo tỏng, chuyển sang kiết lỵ. Phạm chết ở trại chưa bao giờ đông đến thế. Ngày nào cũng bốn năm chuyến xe cải tiến chở quan tài ra nghĩa địa cây thị. Xưởng đóng quan tài hoạt động cả ngày lẫn đêm mới đủ số áo quan. Đó là mùa đông ảm đạm nhất trong đời mà Du và gã không bao giờ quên.
Bố Du là liệt sĩ thời chống Pháp, nếu không xảy ra vụ án mạng oan nghiệt ấy, Du đã đi học nước ngoài. Hồ sơ giấy tờ đã làm xong chỉ chờ ngày gọi nhập học thì có lệnh đình chỉ vì người ta nghi ngờ Du liên quan đến vụ án. Một anh chàng không dám cầm dao cắt tiết gà lại bị tình nghi là hung thủ.
ở tù ra Du thành con người khác hẳn. Y không về quê mình mà theo một người bạn được tha cùng ngày lang thang ngoài thành phố. Có lúc Du chịu đi làm lơ xe. Thất nghiệp, theo một bọn xuôi ngược trên tàu sống bằng nghề trộm cướp. Con người y chai sạn, trơ lỳ tự khi nào y cũng không biết nữa. Y đã quá quen với cảnh bị bắt bớ, giam cầm. Quá quen với việc đánh người và bị người đánh. Máu người rốt cuộc cũng chỉ là thứ chất lỏng có mùi tanh. Y không sợ máu mình đổ và làm đổ máu người khác. Tình người với y chỉ còn là thứ tình nghĩa quân tử theo lối luật rừng.
Nghe nói có bãi làm vàng rất có cơ hội đổi đời y bỏ Hà Nội tìm lên. Nhân đã gặp y và y trở thành thành viên của đội làm vàng của Nhân gồm hai chục con người. Nơi tứ chiếng giang hồ gặp nhau, Du trở thành chỗ dựa tin cậy của Nhân.
Nghe chuyện của Du gã thấy buồn. Cuộc đời Du thế là đã chuyển rất xa điểm xuất phát ban đầu. Hướng ấy đi về đâu, chỉ nghĩ đến gã đã thấy rùng mình. Không cần phải tưởng tượng, quá khứ những năm sống trong môi trường ấy đã có nhiều minh chứng. Một lời khuyên can lúc này chưa chắc đã có tác dụng gì. Nhưng sớm muộn gì mình cũng phải tác động để Du nhận ra, dừng lại khi chưa quá muộn. Gã nghĩ như vậy tuy chưa nói ra vào lúc này.
Nhân có ý thăm dò quan hệ của gã với em gái mình. Gã cũng thành thực nói quan hệ ấy cũng không có gì ngoài tình cảm anh em quen biết. Nhân bảo: "Bà cụ nhà tôi đi xem, thầy bảo con này cao số. Nó sinh vào ngày cuối năm nên số vất vả. Muốn nhân duyên bền vững phải làm lẽ người ta hoặc người chết vợ. Nó có vẻ quan tâm đến cậu, nhưng cậu vô tình đấy thôi... "
Gã cười như mếu:
- Ông bảo hoàn cảnh tôi lúc này làm gì dám nghĩ đến chuyện ấy. Nhất là lại đặt vấn đề với Thịnh.
Du cũng thêm vào:
- Ông cứ uống thuốc liều thử một phen xem nào. Có gì bọn này hỗ trợ.
Câu chuyện cứ lan man như thế cho đến lúc chợt có tiếng gà gáy sớm. Bên ngoài sương vẫn mù mịt, trời vẫn còn tối. Gã bảo cả bọn đi ngủ. Nhưng rồi lại rì rầm cho đến khi sáng bạch.
Nhà lão Chỉ đào đến cái giếng thứ hai vẫn chưa có nước. Cái thứ nhất gặp đá bàn. Viên đá dầy, lấy choòng đục xuống hai chục phân vẫn không thấu. Gõ thử vẫn nghe binh binh. Đá quá dày, đành phải bỏ. Đến cái thứ hai gặp chỗ đất xổng, bọn Thành cò đào lại hay lệch tâm, có chỗ thành lõm vào nên cứ lở ầm ầm. Được gần chục mét phải dừng lại không dám đào tiếp. Đất xô mạnh có khi vùi lấp người không kịp bới lên.
Lão ngao ngán không muốn tiếp tục công việc. Thành cò vì cần tiền vẫn năn nỉ lão cho đào chỗ khác. Lão Chỉ còn lưỡng lự.
Đúng lúc ấy thì cánh Du, Nhân đến nhờ lão giúp cho cái bè. Đang lúc bị Sinh béo chèn ép, lão Chỉ cũng đang bí chưa nghĩ ra việc gì. Cuộc trao đổi hai bên diễn ra nhanh chóng. Lão Chỉ nhận sẽ lên bãi vào ngày hôm sau. Tre, gỗ lão sẽ đặt cho bọn trong làng dùng trâu kéo đến tận nơi. Cánh đào vàng chỉ việc nhận bè rồi thanh toán tiền cho lão. Lão Chỉ đề nghị thêm một việc là bọn Nhân Du nhận cho thằng Thành cò và thằng chột con trai lão vào làm một chân.
Nhân nhận lời ngay vì y cũng đang thiếu người. Đang cho người đi đón thêm mà vẫn chưa được.
Du bảo không được, hắn chỉ nhận thằng con lão Chỉ. Còn Thành cò nếu muốn lên bãi vàng vào tổ khác, y không muốn " lằng nhằng ". Nhân gọi riêng Du ra hỏi. Du nói: " Nó là con lão Đởm, kẻ đã gieo tai họa cho tao, không đời nào tao quên để làm ăn với nó. Nhìn nó tao đã ngứa mắt lắm rồi. Nói gì đến việc ăn làm cùng nó... "
Nhân nhớ ra câu chuyện Du đã kể với mình, hắn nói:
- Mày thế mà ngu. Phải tao tao sẽ xử cách khác. Thôi cứ cho nó theo.
Có một điều, ngay lúc đó lão Chỉ chưa nói. Lão nhận giúp làm việc này còn vì một kế hoạch riêng của lão. Sinh béo đang là tảng đá cản đường trước mũi bè của lão. Trước sau gì lão cũng phải tìm cách đẩy đi. Phải nhờ bọn đầu gấu này mới được việc.
Đứa con lão Chỉ sau hôm đó, ngày nào cũng lên bãi vàng bán rượu bán thịt, ả quá quen với việc lôi kéo đàn ông. Có hôm ả ngủ lại lều của đám thợ đào vàng. Thằng Du say như điếu đổ. Lão Chỉ biết hết nhưng lờ đi như không có việc gì.


ó
ó   ó

Gã tưởng mọi việc như vậy là xong. Lão Chỉ có mối làm ăn mới sẽ quên chuyện kèn cựa với Sinh béo. Theo gã thế cũng là phải lẽ. Sinh béo vừa có tiền vừa có thế lực, lại là người đa mưu túc trí. Y dựa vào thế lực nhà nước, danh nghĩa là mua hàng cho công ty lâm sản, khép kín từ đầu vào đến đầu ra, làm sao lão Chỉ cạnh tranh được? Thời làm ăn tự phát, mưu mẹo vặt của lão đã hết. Giờ là lúc làm ăn mức độ quy mô, thủ tục phức tạp hơn, lão làm sao lo được? Người ta không cấp giấy tờ, không cho xuất bến thì lão phải bó tay. Nguồn lợi lớn từ rừng sẽ thôi không chảy vào nhà lão nữa. Nhưng biết đâu công việc đào vàng lại kiếm được? Chả thế mà mấy bố con lão rủ nhau lên ở hẳn trên bãi.
Gã không ngờ một tuần sau xảy ra một việc chưa từng có ở vùng này. Việc đó làm tình hình an ninh nóng bỏng khiến cả vùng xôn xao. Công an tỉnh, công an huyện tới tấp đi về. Người ta đồn rằng đây là một âm mưu phá hoại. Sẽ có nhiều người bị bắt sau đợt điều tra này.
Ấy là hôm vào lúc gần sáng, đột ngột nghe tiếng nổ ran như pháo dội. Khu trung tâm xã lửa sáng rực trời. Tiếng hô hoán dậy đất. Người chạy rầm rập ngoài đường. Người  ta bảo cháy cửa hàng bách hoá của xã do lão Sinh phụ trách. Năm gian nhà gỗ lợp lá có xếp đầy hàng hoá cháy rụi. Đám cháy bùng lên từ gian chứa dầu hoả. Hàng trăm con người đổ vào cứu hoả chỉ kịp khiêng được hai cái tủ và mấy chục bao muối. Vải vóc chăn màn gần như bị cháy hầu hết. Thứ nào lôi ra được cũng bị cháy lem nhem. Bây giờ thành phế phẩm không thể bán được nữa. Lão Sinh béo lúc đầu la hét đến khản cổ, sau lả đi. Người ta phải cáng lão vào trạm xá. Người ta thì thào với nhau không biết số phận lão sẽ ra sao? Lão sơ ý để hoả hoạn hay có kẻ nào phá hoại? Trận hoả hoạn này có thể làm lão trắng tay, có khi còn phải ngồi tù vì trách nhiệm. Tuy là đặt ở xã này nhưng nó cũng là trung tâm bách hoá của cả cụm mấy xã Thượng huyện. Giá trị kinh tế không nhỏ. Sáng hẳn đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Cũng may là người ta đã kịp cách ly, chặn lửa bằng cách dỡ mái mấy ngôi nhà gần đấy. Nếu không cả khu trạm xá miền và mấy ngôi nhà dân cũng bị lửa thiêu. Trên khu nền nhà cửa hàng bách hoá còn trơ ra đám cột cháy nham nhở. Những mảnh bát vỡ, mảnh thuỷ tinh vẫn đang nổ lách tách trong đám than tro còn nóng. Những người đến cứu hoả áo ướt đẫm, mặt đen nhẻm chỉ lộ hai con mắt. Người cháy áo, người trụi râu. Có cả người bị bỏng đang bước khập khễnh. Tất cả đã mệt nhoài, không ai nói gì vào lúc này. Lẳng lặng ai về nhà nấy.
Gã nhìn thấy Quảng vô mao đang đứng trên một gò mối. Lạ thay, lão vẫn quần áo tinh tươm, đầu chải mượt như chuẩn bị sắp đi đâu. Chân tay lão sạch sẽ như chả có liên quan gì đến vụ cháy vừa rồi.
Gã thấy Quảng nhìn mình với ánh mắt rất lạ. Hình như có ý nghi hoặc. Gã ném cho lão cái nhìn khinh bỉ. Không lẽ lão già quái đản này lại nghi ngờ mình có dính líu vào vụ cháy này? Những vụ việc trước Quảng làm gã đều biết cả. Gã không nói gì là vì không có tang chứng cụ thể. Còn việc Quảng rủ rê và bàn bạc với gã chỉ là khẩu thiệt vô bằng. Nhưng lúc này ánh mắt Quảng nhìn gã bực không chịu được. Gã có lợi ích gì để làm một việc động trời này? Lão Chỉ thù hận thế nào mặc lão gã không hơi đâu dây vào những việc đen tối, rắc rối này.
Khi gã quay trở về, lão Quảng liền đi theo, lão bảo:
- Anh tưởng chú mày khôn ngoan hoá ra không phải. Người ta bảo có ăn tìm đến, có việc tìm đi. Dại gì mà đâm đầu vào chỗ như thế này? Không khéo bị nghi oan mình là thủ phạm!
Rồi lão đưa hai bàn tay xoè ngửa ra trước mặt:
- Đây này. Anh lúc nào cũng hai bàn tay sạch. Chả dại gì nhúng vào than củi. Tội rơm vạ đá, có khỏi vạ má cũng sưng.
Đi ngang qua gò cỏ tranh lão cứ lôi kéo gã vào nhà mình. Gã kêu mệt muốn về nghỉ, lão nói rỗi:
- Hay mày khinh anh mày nghèo không thèm đến? Tao quý tao mới mời.
Gã đành phải vào. Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ gã chưa bao giờ thấy một ngôi nhà kỳ quặc đến thế. Trên mái có rất nhiều miếng ni lông xanh đỏ cài lẫn vào đám gianh có lẽ để chống mưa giột. Nền nhà xẻ rãnh như bàn cờ. Một con lợn chừng hai chét tay phóng ra từ đám chăn.
Quảng rót rượu ra hai cái bát sành sứt miệng. Gã chỉ nhấp lấp lệ không uống. Quảng đặt bát nhìn thẳng vào mặt gã:
- Có phải lão Chỉ thuê chú mày làm vụ này không?
 gã trừng mắt:
- Ai bảo ông thế.
Quảng đấu dịu:
- Là anh hỏi vậy. Không phải thì thôi. Thế thì lạ nhỉ, thằng nào làm?
Gã bực mình không nói gì, đứng dậy ra khỏi nhà. Một con rắn đen trùi suýt nữa gã dẫm phải. Nó phóng vội vào gò mối hay ngôi mộ gần đó. Gò cỏ gianh tự nhiên gió rờn rợn.






Phần nhận xét hiển thị trên trang