Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

sanh nhựt của một thi sĩ cao bồi


photo: Nguyễn Man Nhiên
 
 
sanh nhựt của một thi sĩ cao bồi
 
sáng hoảnh, nhưng trong tủ kiếng tiệm thời trang đồ lót
những hình nộm chưa mặc quần
bên kia đường một ông già chống gậy
 
bộ xương và vỏ cồng kềnh
của một thân tàu bị chìm
ngồi làm thơ chờ nắng
 
 
một bóng tắt mở, hoang sơ và bụi
 
tháng chín mềm như tro
hôn tôi mở mắt
tách trà xanh mang đi
dưới hàng cây mũ lệch
 
bước lên sợi mỏng manh của con đường
dưới đám mây báo mưa màu xám
gót chân tôi giống các phím sứt mẻ của cây đàn
dấu in trên một hợp âm ngắn
 
từ mặt đất say mê
những cồn cát thổi ra hơi nước
những bãi biển dài xanh mắt mèo
bên gốc cây sục sạo
 
và các ngôi sao, những âm thanh cùng ý nghĩ
dày lên như gò đất bỏ hoang
những cỗ máy làm bằng lời nói
bơi trong dầu ô-liu hương thảo mộc huy hoàng
 
tôi đứng trên cây cầu mất bóng
tiếng còi xe rên rỉ như điên
những con đực căng thẳng và thất lạc
ép đùn trong khuôn số phận hao mòn
 
tôi mặc lễ phục cho bóng tối
tôi viết như đánh cắp lửa
ai đó đang mò mẫm trên đường
một bóng tắt mở, hoang sơ và bụi
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Obama nói gì về vụ Formosa ở Việt Nam?




Trong khuôn khổ chuyến công du tới Lào, chiều 7/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp gỡ và giao lưu với các thanh niên ASEAN trong chương trình YSEALI.
Theo kênh truyền hình của Nhà Trắng phát trên Youtube, trong buổi nói chuyện với các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, Tổng thống Obama đã nhắc đến thảm họa ở biển miền Trung của Việt Nam, do một công ty sản xuất thép thải trực tiếp các chất hóa học ra biển, và gây chết cá với số lượng lớn.
Tổng thống Mỹ, Barack Obama, Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á, YSEALI,
Tổng thống Mỹ, Barack Obama, Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á, YSEALI,
Tổng thống Barack Obama giao lưu với các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á tại Lào, hôm 7/9. Ảnh: AP
Tổng thống Obama nói: "Đó không phải là một mô hình phát triển tốt về mặt lâu dài".
Vụ việc công ty Formosa xả thải trực tiếp ra biển đã gây ra thảm hoạ nghiêm trọng và lâu dài đối với các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Ông Obama chia sẻ thêm với các thủ lĩnh trẻ về tầm quan trọng của môi trường và phát triển bền vững.
“Châu Á là nhà của hơn một nửa nhân loại, các quốc gia châu Á dù là nước phát triển hay đang phát triển, đều có vai trò quan trọng trong việc chống lại những thách thức như biến đổi khí hậu”.
“Do biến đổi khí hậu rất nghiêm trọng nên các nước cần vạch ra những kế hoạch sử dụng năng lượng bền vững, như quang điện hoặc phong điện. Nếu có kế hoạch tốt, các nước sẽ có thể vừa phát triển vừa bảo tồn. Các bạn là thế hệ trẻ, cần góp tiếng nói và xây dựng những ý tưởng để bảo đảm vẫn tăng trưởng nhưng theo cách bền vững" - ông Obama nói.
Hơn 180 thanh niên từ các quốc gia trong khu vực đã tham gia buổi đối thoại với Tổng thống Obama. 21 đại diện của Việt Nam cũng góp mặt trong sự kiện này. Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng thống Obama khởi xướng năm 2013, với mục đích kết nối cộng đồng thanh niên trong khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, trong chuyến công du tới Việt Nam hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ cũng có buổi đối thoại sinh động và đầy nhiệt huyết với các thủ lĩnh trẻ Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động của YSEALI.
Lê Thu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

MỘNG

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh mơ mộng hão huyền?

Có thằng bạn khuyên hắn :" Nên bỏ , đừng blốc, bơ leo gì nữa, mất thì giờ lắm, tập trung thời gian vào viết lấy một vài cái nên hồn. Đừng có quá quá tin vào mấy cái khen chê trên mạng, ảo cả không có gì là thật, nó không phải văn chương, vừa mất thời gian lại tốn tiền" Lúc ấy hắn nghe, cảm động lắm! Lời nói chân thành và thiết thực làm sao!
 Nhưng rồi hắn không bỏ được.
Hình như hắn nghiện mất rồi, hắn vẫn viết, có ngày hai ba bài, phần nhiều là những bài vớ vẩn như bạn hắn nói.
Không biết do bài hắn viết " Chưa tới" hay điều hắn đề cập đến không mấy người quan tâm, mà khách đọc rất ít, có ngày chẳng có ma nào bình cho hắn lấy một câu.
Hôm nào viết được bài thơ tình, số người đọc có cả trăm, những bài đả động chuyện khác chỉ dăm ba người. Hình như thời buổi bây giờ, no cơm ấm cật, thiên hạ dửng mỡ vì thừa hoóc môn sinh sản nên chuyện yêu đương chăn gối là mối quan tâm hàng đầu. Chả ai cần quan tâm đến nhân tình thế thái, thời sự thời xiếc chi cho mệt người. Sự biến biển Đông hay biển Tây cũng không cần biết - Đó là chuyện của người khác, của "người nhớn" - chứ hạng thường dân, ý thức chưa trưởng thành, "còn là trẻ nít về tâm tưởng", để ý đến làm giề?
Chả cứ bọn trẻ, già khú đế lão lai cũng mê mẩn tình yêu. Yêu là lẽ sống, là niềm hy vọng, mục tiêu và đích phải đến của cuộc đời!
Có ông lão ngoài bảy mươi còn cưới vợ, làm đám cưới linh đình. Hỏi ra mới biết cụ là quan chức về hưu, lại có ông con làm cảnh sát trưởng, cỗ cưới làm gần hai trăm mâm ( Cốt nhận phong bao là chính, vì con cụ có chức có quyền lại rất ma quái )! Mà mốt người già say yêu lại đang thịnh hành. Chỉ có các cụ mới có tiền tích luỹ cả đời, mới đủ tình phí chi phóng tay. Hầu hết các anh trẻ bây giờ còn lo học hành, lo công việc vào thời điểm suy giảm kinh tế rất dễ thất nghiệp này, còn hơi sức đâu lo chuyện tình ái? Các cô nàng kêu ca, thất vọng, oán thán trên mạng quá đông là phải thôi . Có lẽ đó là lý do để thơ tình được nhiều người chuộng, vì nó bù đắp vào lỗ hổng, chỗ khiếm khuyết thời đại!  
Hắn cũng không ngoài đám chúng sinh hớn hở đó. Thậm chí trước kia hắn còn là kẻ si tình, đa tình đến lũ lẫn, dám đổi cả mạng sống của mình cho người mình yêu. Chỉ sau cuộc hôn nhân khốn nạn hắn mới suy nghĩ lại. Hắn mới thấm thía " Tham sân si " là có ý nghĩa như thế nào.. Đấy là lý do vì sao mà hắn ít viết thơ tình. Lại nữa, còn nhiều điều cần phải để tâm đến, không chỉ tình tang, ướt váy ướt quần, yêu đương là tất cả .
Nhưng mà viết cái gì? Chủ nghĩa hiện thực chưa phải đã cáo chung như bác nhà văn họ Nguyễn kêu gào, nhưng xem ra người đọc không mấy mặn mà, hiện sinh thì bị cho là tự nhiên chủ nghĩa, dễ dãi, tầm thường. Hiện thực huyền ảo còn khá mới mẻ ở xứ này . Một thời kỳ văn học bị đóng băng trong các khuôn khổ và ướp xác quá lâu tạo nên mỹ cảm đọc khô cứng.
Một số chạy theo lối viết hoang đường, chuyện ma quái, kỳ bí theo kiểu kiếm hiệp “Chết rồi lại sống”. Chuyện tôn giáo “con thuyền Nô ê”, chuyện “mật tu xứ Tây Tạng” mịt mờ. lấy chữ nghĩa lòe thiên hạ. Thời buổi CNTT phát triển, chả cần phải đi thực tế trải nghiệm tới đâu, cứ ngồi nhà gõ vào Google là thám hiểm chẳng sót chỗ nào, nói xoen xoét, cứ y như thật! Không cần mất công mất của, mất thời giờ mà vẫn như người trong cuộc. Có một tí tưởng tượng, tưởng bở thêm thắt vào lại càng hay. Chưa thời nào người ta dễ lòe người và bị người lòe dễ như thế kỷ 21 này!
Viết theo lối truyền thống, đọc theo lối truyền thống, cứ phải theo một cái mốt của ai đó có bề thế phán rằng .. Mà thực ra tính chân thực được bao nhiêu phần trăm, hay cũng đều hư cấu cả? Đấy là nói cho có phần văn vẻ, chứ nôm na thì gọi là láo khoét cả !
Sáng tác văn học bây giờ tính chân thực, vui buồn của cuộc đời chia sẻ với đồng loại được bao nhiêu? Có lẽ không cần nói mọi người cũng đã rõ.
Một dạo, tháng nào hắn cũng có dăm ba bài, không đăng báo cũng in tạp chí. Nhưng gần đây hắn nản, không muốn viết nữa. Cái lý do làm cho hắn nản là cách thẩm định, đánh giá của người biên tập. Hình như người ta làm những công việc này vì những mục đích ngoài văn học. Cùng một truyện ngắn, kẻ này chê hết lời, người khác lại bảo hay, định đưa vào giải thưởng!
Đấy là văn xuôi. Thơ có dạo hắn định bỏ hẳn không ngó ngàng đến. Người đời coi bọn làm thơ như kẻ dở người, hâm hâm chập chập, nhập vào đám ấy nào vinh hạnh gì?
Giống đời làm thơ phải hơi điên điên lên thì thơ mới hay.Tâm trạng ấy đối phó với cuộc sống thực hàng ngày chả khác nào say rượu đi trên dây thép! Tỉnh táo quá, ranh ma quá như thằng bạn hắn, thơ viết như văn cúng ruồi, tế chúng sinh thì ai đọc?
Nói tóm lại đang có tình trạng loạn chuẩn, mà văn chương đã loạn thì không biết đâu mà nói!
Đó là vài lý do mà lời góp ý của bạn hắn không thành hiện thực.
 Khốn nạn cho hắn là có thói quen phải đọc hoặc viết một cái gì, không có không chịu được. Giống như sản phụ sợ thai chết lưu trong bụng. Vậy là hắn cứ viết blog mặc dù bạn hắn có vẻ không bằng lòng, có thể còn tuyệt giao không chơi với hắn nữa.
Kệ, hắn cứ làm những gì hắn thích!!
Nhưng giờ hắn cũng bắt đầu chán, lúc nào hắn bỏ hắn cũng chưa biết chừng. Còn lúc này  hắn viết như chưa viết gì cả.
Ở gần nhà hắn có mụ nạ dòng, xưa là ca sĩ phòng trà, giờ về hưu 
( Gọi cho sang, chứ thực ra là thất nghiệp ). Mụ về mở phòng karaôkê , khách vắng lắm . Đêm nào mụ cũng hát ống ống một mình. Mụ hát vì không ngủ được, vì nhớ thời phấn son của mình . Xung quanh bực lắm, hắn cũng bực vì ồn ĩ cả đêm, không viết cũng không  ngủ được. Những muốn tặng cho mụ cục đá vào nhà để mụ thôi cái loa rè đi ..Nhưng lại nghĩ mụ hát cũng vì nghiện, cũng như mình, nếu thằng bỏ mẹ nào nó không ưa những gì mình viết tương đá vào nhà mình thì sao?
Thôi cứ để mụ tự do ca hát, cũng như mình viết vớ, viết vẩn!
Tự do luôn là ước vọng của loài người, sao lại ngăn cản mụ ?

Nhưng rồi thấy bạn nói cũng có lý. Trí lực con người cũng là tài sản, có khi còn quý hơn vàng, không nên phung phí. Tào lao thiên "cuốc" liệu rồi mang lại cái gì? 
Cuộc đời đã quá dư thừa ảo mộng liệu có nên thêm giấc mộng vẩn vơ, phù phiếm này?
Giấc mộng gặp hồng nhan tri kỷ, bạn tâm giao, hay gì gì.. nữa liệu có xảy ra trong đời?
Hay chỉ mình huyễn hoặc, tự ru mình theo kiểu AQ?
Tốt nhất là hãy tư duy tỉnh táo 
và nhớ là đừng có.....MỘNG!

TV- HG





Phần nhận xét hiển thị trên trang

CISDI Trung Quốc, Formosa Đài Loan và Tôn Hoa Sen Việt Nam




FB Bạch Hoàn

5-9-2016

CISDI Group là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tổng thầu các dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép… có trụ sở ở Trùng Khánh, Trung Quốc.

Ngày 15-11-2012, Văn phòng đại diện của CISDI Group tại Việt Nam được cấp phép, trụ sở đặt tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Thực tế ra sao?

Khi tuyên bố bỏ 10,6 tỉ USD làm siêu dự án thép Cà Ná, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch hội đồng quản trị Hoa Sen Group khẳng định sẽ không để một giọt nước ô nhiễm nào xuống biển. Dự án thép Cà Ná sẽ sử dụng công nghệ hiện đại Tây Âu.

Ngày 30-6-2015, Hoa Sen Group cử một đoàn cán bộ đến Ninh Thuận khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựnv tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná. Đoàn này do ông Nguyễn Văn Quý, khi ấy là phó tổng giám đốc Hoa Sen Group phụ trách. Thành phần có 6 người quốc tịch Trung Quốc, đến từ CISDI Group. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen cho biết CISDI là đơn vị tư vấn thiết kế. Danh sách những người này có trong văn bản post kèm phía dưới.

Ngày 24-7-2015, Hoa Sen tiếp tục cử ông Nguyễn Văn Quý dẫn đầu đoàn công tác sang làm việc với lãnh đạo Tập đoàn CISDI tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

CISDI là tập đoàn công nghệ luyện thép của Trung Quốc. Vậy công nghệ của họ ra sao?

Tại Việt Nam, CISDI đã tư vấn thiết kế và là nhà thầu xây dựng lò cao số 1, lò cao số 2 – những hạng mục quan trọng nhất trong dự án luyện thép – của Formosa Hà Tĩnh. Máy móc thiết bị, công nghệ của dự án này đều đến từ Trung Quốc. Hậu quả là vùng biển 4 tỉnh miền Trung nhiễm độc, dù Formosa mới chỉ chạy thử.

(Còn tiếp…).


_____

Mời xem lại: Siêu dự án thép Cà Ná: Sự thật về công nghệ xử lý nước biển
(Bạch Hoàn/ BS).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tâm tình với Vũ thương gia

Nguyễn An Dân


Hôm nay bận suốt một ngày đến giờ mới rảnh, thấy Vũ thương gia chém gió quá nên kéo lại tâm sự đôi điều

Anh Vũ này, anh thì giàu em thì nghèo, nên em nói thì anh lại trách em ghen ăn tức ở, muốn im mà cứ nghe anh chém gió quá phải nói


Bữa kia em nghe gió thổi vù vù, vội chạy ra chợ Facebook thì thấy anh nói sẽ sản xuất ra thép với quy trình xả thải siêu sạch,

Nên em nghĩ anh phải dùng công nghệ Mỹ , hóa ra hôm nay anh lại nói nếu không dùng công nghệ Trung Quốc thì sao có lời

Tộ sư anh, anh cứ làm đầu em xoay chong chóng theo mấy luồng gió anh chém ra, hết "sạch" theo tiêu chuẩn Mỹ rồi công nghệ Châu Âu rồi...quay về TQ

Anh nói anh làm dự án sẽ không cần vay tiền, em trích nguyên văn nhé

"Còn về nguồn vốn đầu tư, ông Vũ trấn an "đừng lo, tôi đã lo hết rồi. Bảm đảm không vay đồng nào", nhiều tờ báo dẫn lời"

Thế mà trong bản thuyết minh dự .án, lại như này anh ah

"Theo báo cáo đầu tư được trình bày trong đại hội, Phân kỳ I.1 của dự án có vốn đầu tư khoảng 14.000 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng khoảng 11.150 tỉ đồng và 2.700 tỉ đồng vốn lưu động.

Trong đó dự kiến, vốn tự có của Hoa Sen sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỉ đồng; còn lại là vốn vay ngắn hạn và trung hạn."

Tiên sư nhà anh, nói câu sau đá câu trước, tiền hậu bất nhất. Làm doanh nhân chứ có phải cave đứng đường đâu mà lên giá xuống giá hoài rứa anh ?

Thôi em huỵch toẹt mẹ nó ra anh nhỉ, nghĩa là anh chơi trò đầu tư BT với đối tác Trung Quốc, anh bỏ tý tiền lập dự án, xin đất, lấy pháp nhân,

Xong anh cho Trung Quốc xây dựng và chuyển giao ( B-T), rồi anh dùng cái BT này anh vay vốn ngân hàng trong nước trả lại tiền BT cho đối tác TQ

Làm thành công anh có một mớ, còn thất bại ( mà em thấy rõ dự án đếch có lời anh ạ) thì anh giao đống sắt vụn cho ngân hàng trong nước tự chia nhau

Đó là về phía anh, còn về phía đối tác Trung Quốc làm BT cho dự án của anh thì nó bỏ ra tý tiền nhưng thu lời bằng chính trị, là cắm thêm 1 cái sinh tử phù thứ hai ở miền Trung Việt Nam, bên cạnh cái Formosa Hà Tĩnh, anh ạ

DCM anh , đừng nghĩ Bá Tánh ngu nhé !

Trước giờ phản biện em không chửi ai, chỉ muốn phản biện theo tinh thần xây dựng nghiêm túc vì tiến bộ chung, nhưng nghe anh chém gió ác quá, kiểu coi thiên hạ quần hùng ngu hết, em phải chửi anh ạ




Service Unavailable
BAODATVIET.VN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

G20 hay Cuộc tình Một đêm

Nguyễn Quang Dy
G20 Summit (Hàng Châu, 4-5/9/2016) là điểm hẹn của các cường quốc. Nhưng mỗi nước đến với lợi ích quốc gia của mình và tâm trạng riêng, như “đồng sàng dị mộng”. Tổng thống Mỹ Obama sắp hết nhiệm kỳ, muốn để lại dấu ấn lịch sử, trước cuộc bầu cử tổng thống tai tiếng chưa từng có. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đang ở đỉnh cao quyền lực, muốn tăng cường uy thế để kéo dài thêm một nhiệm kỳ, nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Tổng thống Nga Putin đang đau đầu tìm giải pháp cho khó khăn kinh tế trong nước và phiêu lưu quân sự tại Syria và Ukraine. Thủ tướng Nhât Abe có cơ hội lịch sử để thay đổi vai trò của Nhật tại Đông Á với sửa đổi hiến pháp. Thủ tướng Anh Theresa May vừa “gặp may” làm thủ tướng sau sự kiện Brexit, đang lo cho tương lai đất nước và vai trò của mình…
Có thể nói G20 còn quan trọng hơn cả G8, vì thế giới đại loạn (“Eurasia’s Coming Arnarchy”, Robert Kaplan, Foreign Affairs, February16, 2016) và quyền lực đang chuyển dịch từ Tây sang Đông. Đặc biệt là Trung Quốc đang có những vấn đề nội bộ nan giải phải đối phó, cũng như tham vọng tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, để bá chủ Đông Á. Có lẽ thể diện quốc gia và vị thế siêu cường là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Bắc Kinh. Suốt mấy tháng qua, họ đã đầu tư lớn (hàng tỷ USD) và nhiều công sức (không thể tính được) để chuẩn bị cho G20 Hàng Châu 2016, không thua kém so với Olympic Bắc Kinh 2008.
Nhưng các sự kiện đó chỉ như “cuộc tình một đêm” (one night stand), không thể đưa Trung Quốc “lên đỉnh” như một siêu cường, ngang ngửa với Mỹ. Tập Cận Bình khó đạt được “Giấc mộng Trung Hoa” và “Ngoại giao Nước lớn” (Great power Diplomacy) chỉ sau một đêm. Bắc Kinh tuy có ý thức về “sức mạnh mềm”, nên đã chi hàng tỷ USD cho chiến dịch tuyên truyền “Charm Offensive”, nhưng họ không hiểu “sức mạnh mềm” không thể mua bằng tiền và vật chất, như dự án làm đường sắt cao tốc (David Shambaugh)
Cái giá của G20 Hàng Châu
Theo tin báo chí, để chuẩn bị cho G20 Hàng Châu, 225 nhà máy đã bị đóng cửa (vì sợ làm ô nhiễm); Một nửa phương tiện giao thông thành phố bị cấm sử dụng từ 28/9 (sợ tắc đường); Tất cả các cửa hàng bách hóa và quán ăn trên đường phố cách trung tâm trong vòng 30 km cũng bị đóng cửa; Hàng ngàn cư dân tại các chung cư cao tầng gần trung tâm hội nghị phải “sơ tán” và niêm phong căn hộ của họ (sợ khủng bố đột nhập có thể bắn tỉa từ các ô cửa sổ trên cao); Mọi khách sạn ở Hàng Châu được yêu cầu phải khai báo với cảnh sát nếu có người Uyghur (Tân Cương) đăng ký thuê phòng (đề phòng khủng bố); Nhiều nhà dân chưa có hố xí tự hoại trong nhà được nhà nước lắp đặt hố xí miễn phí (để tránh tè bậy ngoài đường); Và toàn dân phải tiêu diệt sạch bốn kẻ thù là ruồi, muỗi, gián, chuột (để giữ vệ sinh)…
Dường như Bắc Kinh sẵn sàng làm mọi thứ, bằng mọi giá, chấp nhận tốn kém và bất tiện để đánh đổi lấy thể diện quốc gia, với tinh thần dân tộc “nước lớn”. Tất cả các cơ quan truyền thông được lệnh kiểm soát chặt chẽ thông tin báo chí và có biện pháp xử lý nếu có bất kỳ “tin xấu” nào liên quan đến G20 trên các trang mang xã hội. Một bầu không khí ngột ngạt như “thiết quân luật”, để phục vụ cho một sự kiện đối ngoại như “triển lãm chính trị”, mà không đếm xỉa đến cuộc sống bình thường của người dân. Nó chỉ nhằm khẳng định bộ mặt “nước lớn” (nhưng chưa trưởng thành) và giàu có (nhưng đầy giả tạo).
Như hệ quả không định trước, G20 đã bộc lộ khiếm khuyết của mô hình phát triển Trung Quốc, với một xã hội mà không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, một nền chính trị không được lòng dân, và một nền kinh tế chụp giật đầy bất ổn. Nó cũng bộc lộ bộ mặt thật của văn hóa ứng xử kiểu Trung Hoa, với bề ngoài cao ngạo, nhưng bên trong lại nhỏ nhen, thủ đoạn (không “quân tử”). Nhà nước đầu tư lớn và chỉ đạo chặt chẽ đến thế, nhưng tại sao lại thiếu thảm đỏ và xe thang để phục vụ chuyên cơ “Air Force One” của Tổng thống Mỹ?
Tại sao lại xẩy ra xích mích, cãi nhau ngay trên đường băng sân bay? Tại sao một quan chức Trung Quốc lại to tiếng quát “Đây Là đất nước chúng tôi, đây là sân bay của chúng tôi!” Nếu không phải là một người bị tâm thần, thì đó là một cách ứng xử thiếu văn hóa. Nếu Bắc Kinh muốn chứng tỏ Trung quốc có một nền văn minh lớn, thì cách ứng xử của họ đã phản tác dụng, bộc lộ văn hóa thấp .Theo cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc “đó không phải là một thiếu sót, mà là một hành động coi thường…Những thứ này không xảy ra một cách vô tình. Không phải với người Trung Quốc”. Cách ứng xử của họ không theo quy tắc lễ tân thông thường (khi đón nguyên thủ quốc gia), mà bộc lộ sự ngạo mạn của một nước lớn mới trỗi dậy, đầy hằn học với Mỹ, như muốn kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Hệ quả không mong muốn
Sau khi Tòa Trọng tài (PCA) phán quyết về Biển Đông (12/7), Trung Quốc bị cô lập và mất thể diện quốc tế. Họ tuy phản ứng mạnh (bằng tuyên bố), nhưng chưa dám hành động liều lĩnh tại Biển Đông, như bồi đắp để quân sự hóa bãi cạn Scarborough, và/hoặc tuyên bố khu vực nhận diện phòng không (ADIZ). Một trong những lý do Trung Quốc phải kiềm chế và nhịn nhục vì không muốn làm ảnh hưởng đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 Hàng Châu, là một sự kiện quốc tế rất quan trọng để Trung Quốc lấy lại thể diện quốc gia.
Theo AFP (1/9/2016), Bắc Kinh rất cần tô điểm lại hình ảnh quốc tế của mình, đã bị sứt mẻ trong thời gian qua vì nhiều vấn đề, đặc biệt là tại Biển Đông. Tập Cận Bình “muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc có vị trí trung tâm trong hệ thống điều hành toàn cầu”. Tập muốn Trung Quốc được Mỹ đối xử bằng “Ngoại giao Nước lớn” giữa hai siêu cường (hay “G2”) để chia sẻ lợi ích toàn cầu theo “trật tự mới”. Vì vậy Bắc Kinh không tiếc tiền bạc và công sức để tô điểm cho Hàng Châu như một biểu tượng “nước lớn”.
Tuy thách thức Mỹ về chủ quyền Biển Đông như một vấn đề cốt lõi, Tập Cận Bình vẫn ưu tiên quan hệ với Mỹ, và muốn thỏa thuận với Obama về một số vấn đề “không cốt lõi”. Tập biết rõ Obama là “tổng thống vịt què” sắp rời Nhà Trắng sau bầu cử tháng 11, nên tại G20 Hàng Châu, Tập  muốn “bám chặt chủ đề kinh tế toàn cầu”, tránh các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông. Tập muốn sử dụng diễn đàn G20 này để phô diễn một “mặt trận đoàn kết” chống lại trật tự quốc tế mà họ cho là do Mỹ và Phương Tây định đoạt. Nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng sau G20, tương lai Biển Đông đầy rủi ro và bấp bênh.
Tổng thống Nga Putin đồng ý với quan điểm của Tập Cận Bình về Biển Đông, cho rằng “không thích hợp cho một bên thứ ba can thiệp vào vấn đề giữa hai quốc gia khác” (tức song phương). Tuy nhiên, triển vọng liên minh chiến lược Trung-Nga để đối trọng với Mỹ trong bàn cờ quốc tế có lẽ dựa trên tính toán thực dụng nhất thời (pragmatic calculus) chứ không trên khuôn khổ lòng tin chiến lược lâu dài (long-term strategic confidence). Đơn giản vì người Nga không tin người Trung Quốc, qua kinh nghiệm lịch sử. Ngay việc Nga tập trận với Trung Quốc tại Biển Đông cũng là miễn cưỡng vì tình thế, chứ Nga không muốn đánh mất quan hệ với Việt Nam, một đồng minh chiến lược và một khách hàng lớn mua vũ khí.
Vấn đề Biển Đông là một trong ba chủ đề chính mà Mỹ đề cập tại Hàng Châu, nhưng Obama cố tình “giảm nhẹ áp lực trên vấn đề Biển Đông”. Có lẽ Obama không muốn gây rắc rối cho nước chủ nhà (đang muốn giữ thể diện), nên Mỹ và Trung Quốc đã (ngầm) giảm bớt lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông. Phải chăng Mỹ chọn đối đầu với Trung Quốc về Biển Đông tại diễn đàn ASEAN Summit ở Lào (Vientiane, 6-8/9/2016). Đây là chuyến thăm chính thức cuối cùng của Obama đến Châu Á, với tư cách Tổng thống Mỹ.
Ngay cả vụ xích mích tại sân bay, Obama cũng cố tình làm giảm nhẹ tính chất vấn đề , “Tôi không quan trọng hóa vấn đề này…” Tuy nhấn mạnh sự khác biệt về văn hóa, nhưng Obama cũng lưu ý là Chính quyền Mỹ luôn giữ vững những giá trị và tiêu chuẩn của mình (về truyền thông) trong các chuyến công du nước ngoài. Như để giữ thể diện cho nước chủ nhà, Mỹ đã thỏa thuận với Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, như một màn diễn thành công để che đậy những bất đồng lớn giữa hai nước.
Trong khi đó, thủ tướng Nhật Abe tuy không bỏ lỡ cơ hội chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ở Biển Hoa Đông, nhưng ông cũng tránh không muốn làm to chuyện về chủ đề Biển Đông, vì Nhật hy vọng có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật vào thời gian sắp tới. Các nước G20 khác cũng tránh đụng chạm căng thẳng với Bắc Kinh, để tranh thủ hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề khác…
Thay lời kết
Khác với G8 (7 nước phương Tây + Nga), G20 là câu lạc bộ “đồng sàng dị mộng”, tại đó Trung Quốc muốn lôi kéo Nga và một số nước khác cần vốn và thị trường Trung Quốc, để tạo ra một mặt trận đối trọng với Mỹ. Nếu ai muốn đạt được một thỏa thuận bền vững tại G20 thì sẽ là ảo tưởng, vì G20 Hàng Châu chỉ là “cuộc tình một đêm”.
Sau G20 lần này, Biển Đông có thể lại dậy sóng. Nếu Mỹ và đồng minh không chuẩn bị đối phó, thì tình thế của họ có thể trở thành “quá muộn” (too little too late). Tuy Trung Quốc có thể sẽ suy tàn như “end game” (David Shambaugh) nhưng họ vẫn có thể làm thế giới đảo điên. Thời điểm cuối năm nay khi Washington bận chuyển giao chính quyền và ASEAN càng bị phân hóa, là lúc Trung Quốc có thể manh động. Liệu Washington có sẵn sàng chiến đấu để ngăn chặn Trung Quốc vượt “lằn ranh đỏ” (red line) tại Biển Đông? và bằng cách nào? Làm thế nào để tàu sân bay Mỹ đấu được với “hạm đội dân quân” Trung Quốc?
Xung đột Biển Đông có thể trải nghiệm một khái niệm chiến tranh mới “không theo quy ước” (unconventional warfare). Không phải “chiến tranh lạnh”, cũng không phải “chiến tranh nóng”. Không có tuyên chiến, cũng không có chiến tuyến vì không rõ đâu là ranh giới địch hay ta. Đó là một kiểu “trận đồ bát quái”, tuy hư mà thực, tuy thực mà hư. Liệu có quá muộn để người Mỹ tìm hiểu “Binh pháp Tôn tử”, và học cách đánh “cờ vây”?
NQD. 6/9/2016

Việt Nam đừng mừng nếu làm công xưởng cho thế giới


Trong khi cả thế giới đang hướng tới nền kinh tế tri thức và công nghệ, thì Việt Nam lại đang hài lòng với một nền kinh tế có mức độ gia công ngày càng lớn hơn.
Khoảng thời gian ngắn ngủi vài tháng vừa qua kể từ khi Chính phủ mới bắt đầu hoạt động là một trong những giai đoạn mà kinh tế Việt Nam có những bước chuyển quan trọng nhất trong vòng vài năm trở lại đây, trên hầu khắp các lĩnh vực quan trọng. Nó vừa là điều đáng mừng nhưng cũng vừa là điều đáng lo. Đáng mừng ở chỗ nền kinh tế vốn cồng kềnh, nặng nề và thiếu hiệu quả của Việt Nam cuối cùng cũng đã chịu nhúc nhích; nhưng đáng lo ở chỗ thời gian cho chúng ta còn lại không nhiều, khi mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã tới hạn và ngưỡng chịu đựng chỉ còn rất mong manh. Đây là thời điểm mà kinh tế Việt Nam phải lựa chọn hướng đi đúng đắn.
Những vấn đề được các chuyên gia kinh tế đặt ra tại hội thảo “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” do Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, đang khiến chúng ta không khỏi lo ngại về tương lai của nền kinh tế cũng như tương lai đất nước. Trong đó, vấn đề chính yếu được nhiều chuyên gia cùng đặt ra là nền kinh tế Việt Nam hiện đang ở ngưỡng giới hạn chịu đựng khi mô hình tăng trưởng cũ gần như đã cạn kiệt. Tác động tổng hợp này đang đẩy nền kinh tế Việt Nam đến chân tường, và nhất là phía sau chúng ta đã gần như không còn đường lùi.
Về khía cạnh tài chính, nền kinh tế của Việt Nam là một nền kinh tế không hiệu quả. Mức độ hiệu quả trong đầu tư là rất thấp, đặc biệt là ở khu vực kinh tế quốc doanh, tình trạng thất thoát lãng phí ngày càng trầm trọng, bội chi ngân sách tăng cao buộc chính phủ phải tăng cường vay nợ. Trong vòng 5 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng nợ công của Việt Nam đã tăng rất nhanh, và hiện đã sát ngưỡng giới hạn cho phép là 65% GDP. Ở thời điểm hiện tại Việt Nam không những không được phép vay nợ thêm nếu như không muốn vượt ngưỡng 65% GDP, đồng thời phải giảm bội chi ngân sách nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Đó là một nhiệm vụ gần như bất khả, khi một nền kinh tế có thói quen tiêu xài hoang phí và ưa thích vay mượn để chi dùng thì khó có chuyện vừa chấm dứt được sự hoang phí mà vẫn có đủ tiền để đầu tư để ổn định tăng trưởng.
Về khía cạnh cơ cấu nền kinh tế, thì Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn vào khu vực FDI trong khi hai bộ phận quan trọng khác là khu vực quốc doanh và khu vực tư nhân đang có dấu hiệu sụt giảm về quy mô. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI hiện đang chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng hiệu quả và mức đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế lại đang có chiều hướng suy giảm. Tỷ trọng giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất công nghiệp mà khu vực FDI chiếm vị trí chủ đạo đang giảm mạnh từ mức 34,7% (năm 2000) xuống còn 21,7% (năm 2013) (theo The Saigon Times).
Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam càng mở cửa chào đón các doanh nghiệp FDI, ngành sản xuất càng tăng trưởng mạnh, xuất khẩu hàng hóa càng nhiều, nhưng lợi ích thực mà Việt Nam nhận được lại đang ngày càng ít, trong khi các rủi ro về môi trường và ổn định thì lại đang ngày càng tăng lên. Một nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi lợi ích nhận được thì ngày càng ít ỏi hơn, là một nền kinh tế sớm muộn cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng bị vắt kiệt và bị vứt bỏ bất cứ lúc nào.
Về khía cạnh mô hình tăng trưởng, Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng phát triển của thế giới khi đang tiếp tục bám víu vào mô hình tăng trưởng cũ kỹ và không hiệu quả. Trong những năm qua, khi mà thế giới đang theo đuổi sự gia tăng về trình độ và công nghệ, thì Việt Nam vẫn đang chọn cách tăng trưởng theo chiều rộng bằng cách sử dụng vốn, tận dụng lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên.
Nền kinh tế Việt Nam kiếm cơm bằng cách dễ dàng nhất nhưng cũng lạc hậu nhất và nhiều nguy cơ nhất. Trong khi cả thế giới đang hướng tới nền kinh tế tri thức và công nghệ, thì Việt Nam lại đang hài lòng với một nền kinh tế có mức độ gia công ngày càng lớn hơn. Thế giới tự hào với vai trò những chuyên gia công nghệ và nhà khoa học, thì Việt Nam tự hào với vai trò người làm thuê. Tình trạng gia công hóa nền kinh tế này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai gần, khi các hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam đã ký kết sẽ chỉ khiến cho ngày càng nhiều các doanh nghiệp gia công nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến mà thôi.
Nói cách khác, một tương lai vô cùng bấp bênh và đầy bất trắc đang chờ đợi nền kinh tế Việt Nam. Nếu ví von kinh tế Việt Nam với một cá nhân, thì đó là một con người vừa lười nhác, không có một công việc ổn định và có thu nhập trung bình thấp, nhưng lại có thói quen tiêu xài hoang phí và nhất là đang nợ ngập đầu. Và đây có thể chính là thời khắc sẽ quyết định tương lai của nền kinh tế và đất nước, khi mà chúng ta đã đứng ở sát chân tường và phía sau đã không còn đường lùi. Một vài cải cách mang tính đơn lẻ trong thời gian qua sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu như xét trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang cần những thay đổi triệt để về căn bản. Đây là thời điểm mà những cải cách nửa vời cũng không khác gì một sự thất bại.
Nhàn Đàm
Phần nhận xét hiển thị trên trang