Cá chết ở biển Vũng Áng (Hà Tĩnh)Ảnh: Nguyên Dũng
Formosa gây ra thảm họa cá chết:
Người dân bắt bồi thường thế nào?
Thanh Niên Online
07:47 PM - 30/06/2016
Hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung làm hàng chục ngàn ngư dân bám biển bị ảnh hưởng, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng. Formosa tuyên bố bồi thường 500 triệu USD vì những gì mình gây ra. Làm thế nào để bà con bắt Formosa bồi thường cho mình?
Hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung rúng động dư luận trong nước và quốc tế để lại con số thiệt hại rất lớn.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, chỉ riêng đối với Quảng Trị, tính đến cuối tháng 5 đã vượt con số 141 tỉ đồng, ảnh hưởng 11.000 “nồi cơm” của chừng ấy gia đình. Chiều nay, Chính phủ đã chủ trì họp báo công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung là do đường ống xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) gây ra.
Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu xin lỗi nhân dân, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam, cam kết thực hiện bồi thường 500 triệu USD vì đã gây ra sự cố môi trường thời gian qua.
Người dân có quyền khởi kiện Formosa
Hiện tượng cá chết trên biển miền Trung đã gây ra hàng loạt các hệ lụy xã hội, người làm nghề cá thì không thể đánh cá, người làm nghề buôn bán, du lịch cũng lâm vào cảnh khó khăn.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Mức bồi thường 500 triệu là rất nhỏ, vì mới tính được thiệt hại sơ bộ kinh tế của người dân, thiệt hại sinh thái biển, tồn lưu. Còn thiệt hại về tâm lí… chưa tính được".
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã chiếu đoạn video clip ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam. Theo đó, Formosa cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung với số tiền 11.500 tỉ đồng.
Theo LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) đây mới chỉ là lời cam kết của Formosa với nhà nước nên nếu phía Formosa không thực hiện cũng rất khó cưỡng chế vì không có bản án.
“Thiết nghĩ nhà nước phải đôn đốc nhắc nhở Formosa bồi thường gấp rút cho ngư dân và những người bị thiệt hại. Nếu không thực hiện nhanh chóng mà rề rà thì phải rút giấy phép”, LS Quynh nhấn mạnh.
Ngoài ra, LS Quynh cũng cho rằng nếu người dân thấy không vừa lòng với mức bồi thường nhận được thì vẫn có thể khởi kiện để đòi bồi thường thỏa đáng, hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì ngư dân và những người bị thiệt hại chỉ có thể khởi kiện trong 2 năm kể từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết bất thường.
Chưa biết phương án bồi thường cho ngư dân thế nào nhưng theo luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) hiện tại những ngư dân chịu ảnh hưởng do hiện tượng cá chết bất thường có thể khởi kiện phía Formosa để yêu cầu bồi thường. Thậm chí, những người buôn bán cá hay ngành du lịch biển cũng có thể khởi kiện Formosa để yêu cầu quyền lợi.
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) bổ sung theo Nghị quyết số 03.2006 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ngày 8.7.2006 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi phải có thiệt hại xảy ra, và có hành vi trái pháp luật, phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Trong trường hợp này, đã xác định được nguyên nhân cá chết bất thường dọc biển miền Trung là do Formosa nên ngư dân và các doanh nghiệp làm du lịch biển bị ảnh hưởng có thể làm đơn khởi kiện Formosa.
Chứng minh thiệt hại bằng cách nào?
Có thể thấy, hiện tượng cá chết bất thường ven biển miền Trung ảnh hưởng đến rất nhiều ngư dân và các doanh nhiệp hoạt động du lịch biển. Để yêu cầu được Formosa bồi thường thì bên khởi kiện phải chứng minh được cá chết hàng loạt ảnh hưởng đến mình như thế nào.
Ngư dân có quyền yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại Ảnh: Nguyên Dũng
Theo LS Huỳnh Công Thư, pháp luật quy đinh mọi hành vi xả thải ra môi trường gây thiệt hại đều phải có trách nhiệm bồi thường. Do vậy, ngư dân có thể chứng minh thiệt hại bằng các chứng từ như: giấy vay ngân hàng đóng tàu, thuyền; lương cho thuyền viên; con số chênh lệch về thu nhập trước và sau khi xảy ra hiện tượng cá chết.
Bên cạnh đó, với những tàu, thuyền phải nằm chờ trong bờ vì hải sản đánh về không tiêu thụ được có thể thống kê các hư hỏng của tàu, thuyền; cùng với đó là các chi phí chuyển đổi nghề nghiệp.
Ngoài ra, những người ăn phải cá chết ở ven biển miền Trung ảnh hưởng tới sức khỏe cũng có thể khởi kiện Formosa bằng cách cung cấp đầy đủ giấy tờ nằm viện, chi phí điều trị, toa thuốc,…
“Về phía các doanh nghiệp du lịch thì có thể khởi kiện Formosa về thiệt hại của mình như lượng khách giảm, nguồn thu giảm nhưng chi phí phải trả cho nhân viên và các dịch vụ vẫn không đổi”, LS Thư nhận định.
Cá nuôi chết hàng loạt tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) Ảnh: Nguyên Dũng
Ở khía cạnh khác, LS Nguyễn Văn Quynh giải thích: "Nói đơn giản hơn, nếu trước khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt một ngày bán được 100kg cá, nhưng hiện tại không bán được thì đó chính là những thiệt hại. Việc chứng minh thiệt hại bằng giấy tờ rất khó khăn vì việc bán cá nhỏ lẻ không làm hóa đơn. Vì vậy, trong những trường hợp như thế này, ngư dân có thể nhờ người làm chứng để chứng minh thu nhập thực tế bị mất, về phía pháp luật cũng cần nhân đạo hơn vì thiệt hại đã rõ ràng, không thể yêu cầu chứng từ đầy đủ được".
Còn với những doanh nghiệp hoạt động du lịch biển như nhà hàng, khách sạn bị ảnh hưởng, LS Quynh cho biết việc chứng minh sẽ dễ dàng hơn vì đã có giấy tờ, biên lai, biên nhận và thống kê hàng tháng, hàng năm.
Ngoài ra, theo LS Quynh nếu những chất độc vẫn còn trong nước biển, hải sản của tương lai, thiệt hại của ngư dân kéo dài trong mười năm tới hoặc hơn thế thì ai sẽ chịu trách nhiệm vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp.
“Formosa có phải chịu trách nhiệm về việc biển bị ô nhiễm kéo dài tới tương lai hay không còn phải phụ thuộc vào kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền”, LS Quynh nhấn mạnh.
LS Huỳnh Công Thư thì nói, theo luật bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ có trách nhiệm cùng với UBND địa phương buộc Formosa khắc phục và xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường.
“Còn việc biển tương lai vẫn còn ô nhiễm, người dân có kiện tiếp được không thì rất khó, vì tương lai là cái chưa xảy ra, chưa chứng minh được thiệt hại nên khả năng bị bác đơn là rất cao”, LS Thư nêu.
Vũ Phượng