Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Đồng chí B nói về âm mưu chống VN của bè lũ phản động TQ Posted on 17/04/2016 by Hiep Le


ctvt
Biên dịch: Bùi Xuân Bách
Lời giới thiệu: Tài liệu dưới đây được dịch từ cuốn Đằng sau tấm màn tre – Trung Quốc, Việt Nam và Thế giới ngoài châu Á (Behind the Bamboo Curtain – China, Vietnam, and the World beyond Asia), do Priscilla Roberts biên tập, Trung tâm Woodrow Wilson và Đại học Stanford xuất bản, 2006. Phần III chương 14 của cuốn sách có tiêu đề “Lê Duẩn và sự đoạn tuyệt với Trung Quốc”. Phần này gồm bài giới thiệu khá dài (14 trang, từ trang 453 đến 467) của Tiến sĩ Stein Tønnesson và bản dịch tài liệu này ra tiếng Anh của Christopher E. Goscha (20 trang, 467-486). Tiến sĩ Stein Tønnesson là học giả nghiên cứu về thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong đó có mối quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc trong giai đoạn này. Ông hiện đang  là Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế, Oslo, Na uy và cũng là tác giả cuốnViệt Nam 1946: Chiến tranh đã bắt đầu ra sao, mà anh Vũ Tường đã giới thiệu trong bài điểm sách đăng trên talawas blog.
Christopher E. Goscha hiện đang giảng dạy môn Lịch sử tại American University và Trường Quốc tế ở Paris. Ông là đồng Giám đốc Nhóm nghiên cứu Việt Nam đương đại, Trường Khoa học Chính trị, Paris. Gần đây ông có tác phẩm đã in “Mậu dịch vùng biên giới Việt Nam với Hoa Nam thời đầu chiến tranh” (Asian Survey, 2000) và đã trình luận án về đề tài Bối cảnh châu Á của cuộc chiến Pháp-Việt tại Trường Cao đẳng thực hành, thuộc Viện Đại học Sorbonne.
Bài giới thiệu của Stein Tønnesson có khá nhiều nhận định sắc sảo và chính xác. Rất tiếc là không đủ thời gian để dịch ra giới thiệu với các bạn, nhưng các bạn có thể tham khảo bản tiếng Anh tại ĐÂY (trang 273-288).
Lẽ ra tài liệu từ tiếng Việt, đã được dịch sang tiếng Anh, thế thì còn dịch lại ra tiếng Việt làm gì. Vấn đề là ở chỗ, như Stein Tønnesson đã nhận xét: “Cho đến giờ, rất ít tài liệu thuộc loại này được phía Việt Nam cho phép các học giả tiếp cận.” Vậy thì trong khi chờ đợi tài liệu được bạch hóa, ta dịch ra để cùng đọc, tuy không thể chính xác bằng bản gốc, nhưng cũng có thể cung cấp cho ta một số thông tin nhất định. Cũng có bạn đã viết rằng: “Vì bạn dịch tác phẩm từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, bạn không bao giờ dịch ngược một tác phẩm trở về ngôn ngữ nguồn. Không ai làm việc vớ vẩn ấy.” Nhìn chung thì đúng, tưởng như tiên đề, nhưng thực ra cũng có những lệ ngoại như trong trường hợp này. Việc “tam sao” này ắt là “thất bổn”, chẳng hạn như bản tiếng Anh dùng chữ “we” thì trong bản gốc có thể là “chúng ta”, “chúng tôi” mà hai từ này nội hàm cũng đã khác nhau (không hay có bao gồm người đối thoại hoặc người nghe), lại cũng có thể là phe ta, quân ta, dân ta v.v… nên chỉ có thể dựa vào ngôn cảnh mà phỏng đoán. Stein Tønnesson cũng đã chỉ ra: “Chúng ta được biết, Lê Duẩn rất ít khi tự mình chấp bút và tài liệu mang phong cách khẩu ngữ (khiến cho việc dịch cực kỳ khó khăn). Rất có thể đây là bản thảo Lê Duẩn đọc cho thư ký ghi, hoặc những đoạn chi tiết do một cán bộ cấp cao dự buổi nói chuyện này ghi lại.”
Christopher E. Goscha đã phát hiện tài liệu này trong Thư viện Quân đội ở Hà Nội, chép tay lại và dịch ra tiếng Anh. Cũng theo Stein Tønnesson: “Văn bản không đề ngày tháng, và tên tác giả chỉ cho biết là “đồng chí B”. Dù sao, nội dung tài liệu cho ta thấy, nó được viết năm 1979, có lẽ vào quãng thời gian giữa cuộc tấn công của Trung Quốc vào Bắc Việt Nam tháng 2-1979 và thời điểm phát hành cuốn Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về mối quan hệ Việt – Trung ngày mồng 4 tháng 10 cùng năm. Dường như văn bản được soạn chỉ ít lâu sau quyết định ngày 15 tháng 3-1979 của Đặng Tiểu Bình ngừng cuộc tấn công trừng phạt Việt Nam và rút quân về nước, nhưng trước khi Hoàng Văn Hoan đào thoát sang Trung Quốc tháng 7-1979.”
Nếu tên tác giả chỉ ghi là “đồng chí B” thì sao lại dám khẳng định là Lê Duẩn? Bài nói chuyện của “đồng chí B” có cho ta biết rằng, trong những cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, ông ta được gọi là anh Ba, một bí danh mà mọi người đều biết là của Lê Duẩn. Tài liệu cũng nói nhiều đến những cuộc họp cấp cao với phía Trung Quốc trong đó có cả Mao, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, khi đó nhân vật B này thường xưng tôi và đại diện cho phía Việt Nam một cách đầy quyền uy như thế, hẳn chỉ có rất ít người.
Một nhận xét khác của Stein Tønnesson là “những điều Lê Duẩn nói ra (trong năm 1979) rõ ràng mang sắc thái tức giận”, nhưng về thái độ của Lê Duẩn thì “một nét ấn tượng của tài liệu này là sự thẳng thắn, bộc trực và cách tác giả đưa vấn đề ra như là một cá nhân.” Ta đều biết vai trò và vị trí của ông trong Đảng cũng như trong các sự kiện từ khi được cử làm Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam rồi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Stein Tønnesson cũng cho rằng khi Lê Duẩn xưng tôi với Hồ Chí Minh thì đó là thái độ có phần xấc xược, nhưng người dịch không nghĩ như vậy. Nếu bạn đã đi nhiều vùng trên đất nước ta, hoặc được tiếp xúc với nhiều người từ những địa phương khác nhau tới, bạn sẽ thấy đó chỉ là một tập quán ngữ dụng của một số nơi chứ không phải là hỗn hào hay xấc xược. Hoặc cũng có đoạn, khi nói chuyện với Mao, Lê Duẩn cũng dám “ăn miếng trả miếng”, nhưng người dịch hoài nghi chuyện này, chúng ta cần phối kiểm với những tài liệu khác nữa.
So với cuốn Sách trắng của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, công bố ngày mồng 4 tháng 10-1979, tài liệu này cũng không có nhiều điểm khác biệt, trừ một số tình tiết về cách suy nghĩ và ứng phó của phía Việt Nam. Dẫu sao, theo thiển ý của tôi, thì đây cũng là một tài liệu quý. Nó cho ta thấy việc ra đời của cuốn Sách trắng đã được chỉ đạo từ cấp cao nhất.
Vì thời gian có hạn, lại dịch ngược lại từ tiếng Anh ra Việt trong khi ngôn ngữ nguồn đã là tiếng Việt, chắc chắn bản dịch còn nhiều thiếu sót. Người dịch cũng chỉ mong muốn một chữ “tín”, mà chưa dám nghĩ đến “đạt, nhã”. Mong các bạn thông cảm và đóng góp ý kiến cho. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ.
Xin lưu ý:
– Dấu ngoặc vuông [ ] là của Christopher E. Goscha.
– Chúng tôi vẫn giữ nguyên những con số của ghi chú cho phù hợp với trong sách.
***
Đồng chí B nói về âm mưu chống Việt Nam của bè lũ phản động Trung Quốc
Nói chung, sau khi ta đã thắng Mỹ thì không còn tên đế quốc nào dám đánh ta nữa. Chỉ có những kẻ nghĩ rằng, họ có thể đánh và dám đánh chúng ta, là bọn phản động Trung Quốc. Nhưng nhân dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn như vậy. Tôi không rõ bọn phản động Trung Quốc này còn tồn tại bao lâu nữa. Dẫu sao, chừng nào bọn chúng còn đó thì chúng sẽ tấn công ta như chúng vừa làm gần đây [vào đầu năm 1979]. Nếu chiến tranh đến từ phương Bắc thì các tỉnh [Bắc Trung bộ] Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa sẽ trở thành căn cứ cho cả nước. Đó là những căn cứ vững chắc nhất, tốt nhất và mạnh nhất không gì so sánh được. Vì nếu như vùng đồng bằng [Bắc bộ] vẫn liên tục căng thẳng như vậy thì tình hình sẽ hết sức phức tạp. Hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Nếu không có nhân dân Việt Nam thì sẽ chẳng có ai dám đánh Mỹ, bởi vì lúc Việt Nam đang đánh Mỹ thì cả thế giới còn lại sợ Mỹ…(25) Mặc dầu Trung Quốc đã giúp [Bắc] Triều Tiên, nhưng đó chỉ vì mục đích bảo vệ sườn phía Bắc của họ mà thôi. Sau khi chiến tranh chấm dứt [ở Triều Tiên] và áp lực chuyển sang Việt Nam, ông ta [có lẽ ám chỉ Chu Ân Lai như những đoạn tiếp theo sẽ gợi ý] nói rằng, nếu như Việt Nam tiếp tục chiến đấu thì họ sẽ phải tự lo liệu lấy. Ông ta sẽ không giúp nữa và đã gây sức ép buộc chúng ta phải ngừng đấu tranh.
Khi ta ký Hiệp định Giơ ne vơ, chính Chu Ân Lai là người đã chia cắt nước ta ra làm hai [phần]. Sau khi nước ta bị chia thành hai miền Bắc và Nam như vậy, cũng chính ông ấy lại ép chúng ta không được đụng chạm gì đến miền Nam. Họ cấm ta vùng lên [chống lại Việt Nam Cộng hòa được Mỹ ủng hộ]. [Nhưng] họ đã không làm chúng ta sờn lòng. Khi tôi vẫn còn đang ở trong Nam và đã chuẩn bị phát động chiến tranh du kích ngay sau khi ký Hiệp định Giơ ne vơ, Mao Trạch Đông đã nói với Đảng ta rằng, chúng ta cần ép các đồng chí Lào chuyển giao ngay hai tỉnh đã giải phóng cho chính phủ Viên Chăn (26). Nếu không Mỹ sẽ tiêu diệt họ, một tình huống hết sức nguy hiểm [theo quan điểm Trung Quốc]. Việt Nam lại phải làm việc ngay lập tức với phía Mỹ [về vấn đề này]. Mao đã bắt ta phải làm như vậy và chúng ta cũng đành phải làm như vậy (27).
Rồi sau khi hai tỉnh giải phóng của Lào đã được bàn giao cho Viên Chăn, bọn phản động Lào ngay lập tức bắt Hoàng thân Su-pha-nu-vông. Phía các đồng chí Lào có hai tiểu đoàn lúc ấy đang bị bao vây. Hơn nữa họ chưa sẵn sàng chiến đấu. Sau đó một tiểu đoàn đã vượt thoát [khỏi vòng vây]. Khi đó tôi đưa ra ý kiến là phải chấp nhận cho các bạn Lào phát động chiến tranh du kích. Tôi mời phía Trung Quốc đến để thảo luận việc này với ta. Tôi nói: “Các đồng chí, nếu các anh tiếp tục gây sức ép với Lào như thế thì lực lượng của họ sẽ tan rã hoàn toàn. Bây giờ họ phải được phép tiến hành đánh du kích”.
Trương Văn Thiên (28), người trước kia đã từng là Tổng Bí thư [Đảng Cộng sản Trung Quốc] và có bí danh là Lạc Phủ, đã trả lời: “Vâng, thưa các đồng chí, điều các đồng chí nói là đúng. Chúng ta hãy cho phép Tiểu đoàn Lào ấy được đánh du kích”.
Tôi hỏi Trương Văn Thiên ngay lập tức: “Các đồng chí, nếu các đồng chí đã cho phép Lào tiến hành chiến tranh du kích, thì đâu có gì đáng sợ nếu phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. Điều gì đã làm cho các đồng chí phải sợ hãi đến nỗi các đồng chí lại ngăn cản chúng tôi?”
Ông ấy [Trương Văn Thiên] trả lời: “Không có gì phải sợ cả!”
Đó là điều Trương Văn Thiên đã nói. Tuy nhiên Hà Vĩ, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam khi ấy, [và] có mặt lúc đó cũng nghe thấy những điều vừa nói.
Ông ta đã đánh điện về Trung Quốc [báo cáo những gì đã trao đổi giữa Lê Duẩn và Trương Văn Thiên]. Mao trả lời ngay lập tức: “Việt Nam không thể làm như vậy được [phát động chiến tranh du kích ở miền Nam]. Việt Nam nhất định phải trường kỳ mai phục!” Chúng ta quá nghèo. Làm sao ta có thể đánh Mỹ nếu như chúng ta không có Trung Quốc là hậu phương vững chắc? [Do đó], chúng ta đành nghe theo họ, có phải không? (29)
Dẫu sao thì chúng ta vẫn không nhất trí. Ta bí mật tiến hành phát triển lực lượng của ta. Khi [Ngô Đình] Diệm kéo lê máy chém đi khắp các tỉnh miền Nam, ta đã ra lệnh tổ chức lực lượng quần chúng để chống chế độ này và giành lại chính quyền [từ tay chính phủ Diệm]. Chúng ta không cần để ý đến họ [Trung Quốc]. Khi cuộc đồng khởi giành chính quyền đã bắt đầu, chúng tôi sang Trung Quốc gặp Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình nói với tôi: “Các đồng chí, bây giờ sai lầm của các anh thành việc đã rồi, các anh chỉ nên đánh ở mức độ trung đội trở xuống.” Đấy là một kiểu ràng buộc mà họ muốn áp đặt lên ta.
Tôi nói [với Trung Quốc]: “Vâng, vâng! Tôi sẽ thực hiện như vậy. Tôi sẽ chỉ đánh ở mức trung đội trở xuống”. Sau khi chúng ta đánh và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta đã chiến đấu có hiệu quả, Mao đột ngột có đường lối mới. Ông ta nói rằng trong khi Mỹ đánh nhau với ta, ông ấy sẽ mang quân đội [Trung Quốc] vào giúp ta làm đường. Mục đích chính của ông ấy là tìm hiểu tình hình Việt Nam để sau này có thể đánh ta và từ đó bành trướng xuống Đông Nam Á. Không còn lý do nào khác. Chúng ta biết vậy nhưng phải chấp nhận [việc đưa quân Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam]. Chuyện này thì cũng được. Họ quyết định đưa quân vào. Tôi chỉ yêu cầu là họ đưa người không thôi, nhưng quân đội họ vào mang cả súng ống, đạn dược. Tôi lại đành phải đồng ý.
Sau đó ông ấy [Mao Trạch Đông] bắt ta tiếp nhận hai vạn quân, đến để làm đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam. Tôi từ chối. Họ vẫn liên tục yêu cầu nhưng tôi không thay đổi ý kiến. Họ bắt tôi phải cho họ vào nhưng tôi không chấp nhận. Họ tiếp tục gây áp lực nhưng tôi vẫn không đồng ý. Các đồng chí, tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy được âm mưu lâu dài của họ là muốn cướp nước ta, và âm mưu của họ xấu xa tới chừng nào.
Sau khi Mỹ đưa vài trăm ngàn quân vào miền Nam, chúng ta đã tiến hành Tổng tiến công Mậu Thân 1968, buộc chúng phải xuống thang. Để đánh bại đế quốc Mỹ ta phải biết cách kéo địch xuống thang dần dần. Đó là chiến lược của ta. Chúng ta chiến đấu chống lại một kẻ địch lớn, có dân số hơn hai trăm triệu người và họ từng thống trị thế giới. Nếu ta không thể bắt họ xuống thang dần từng bước, thì ta sẽ lúng túng và không thể tiêu diệt kẻ thù được. Ta phải đánh cho chúng tê liệt ý chí để buộc chúng đến bàn đàm phán và không cho phép chúng đưa thêm quân vào.
Khi đã đến lúc họ muốn đàm phán với chúng ta, Hà Vĩ viết thư cho ta nói: “Các anh không thể ngồi xuống đàm phán với Mỹ được. Các anh phải kéo quân Mỹ vào miền Bắc mà đánh chúng”. Ông ta đã gây sức ép bằng cách đó, khiến chúng ta hết sức bối rối. Đó hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Thật là mệt mỏi mỗi khi những tình huống tương tự [với Trung Quốc] lại xảy ra.
Chúng ta đã quyết định rằng không thể làm theo cách đó được [về ý kiến của Hà Vĩ không nên đàm phán với Mỹ]. Ta đã ngồi xuống ở Paris. Ta đã kéo Mỹ xuống thang để đánh bại chúng. Trong khi đó Trung Quốc lại tuyên bố [với Mỹ]: “Nếu người không đụng đến ta thì ta cũng không đụng đến người. Muốn mang bao nhiêu quân vào Việt Nam, điều đó tùy theo các anh”. Trung Quốc, theo ý của họ, đã làm như vậy và ép ta làm theo.
Họ đã tích cực đổi chác với Mỹ và dùng ta làm con bài để mặc cả như thế đấy. Khi người Mỹ nhận ra rằng họ đã thua, ngay lập tức họ sử dụng Trung Quốc để xúc tiến việc rút quân ở miền Nam sao cho thuận lợi. Nixon và Kissinger đã đến Trung Quốc để thảo luận việc này.
Trước khi Nixon đến Trung Quốc, [mục tiêu chuyến đi này của ông ta] nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam theo chiều hướng có lợi cho Mỹ và giảm thiểu đến tối đa sự thất bại của họ, đồng thời cho phép ông ta lôi kéo Trung Quốc gần hơn về phía Mỹ, Chu Ân Lai đã đến gặp tôi. Châu nói với tôi: “Vào lúc này, Nixon sắp đến gặp tôi, chủ yếu là để thảo luận vấn đề Việt Nam, do đó tôi nhất định phải đến gặp đồng chí để bàn bạc.”
Tôi trả lời: “Thưa đồng chí, đồng chí có thể nói bất kỳ điều gì đồng chí muốn, nhưng tôi vẫn không hiểu. Đồng chí là người Trung Quốc; tôi là người Việt Nam. Việt Nam là đất nước của [chúng] tôi, hoàn toàn không phải là của các đồng chí. Đồng chí không có quyền phát biểu [về công việc của Việt Nam], và đồng chí không có quyền thảo luận [những chuyện đó với Mỹ] (30). Hôm nay, thưa đồng chí, tôi nói riêng với đồng chí một điều, mà thậm chí tôi chưa từng nói với Bộ Chính trị của chúng tôi, rằng các đồng chí đã đặt ra một vấn đề nghiêm trọng và vì vậy tôi cần phải nói:
Năm 1954, khi Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ, tôi đang ở Hậu Nghĩa. Bác Hồ đánh điện cho tôi, nói rằng tôi cần phải đi Nam để tổ chức lại [các lực lượng ở đó] và nói chuyện với đồng bào miền Nam [về việc này] (31). Tôi đi xe thổ mộ xuôi Nam. Dọc đường đồng bào đổ ra chào đón tôi vì họ nghĩ chúng tôi đã chiến thắng. Thật đau lòng xiết bao! Nhìn đồng bào miền Nam tôi đã khóc. Bởi vì sau đó Mỹ sẽ nhảy vào miền Nam và tàn sát đồng bào tôi một cách dã man.
Vào tới nơi, tôi lập tức đánh điện cho bác Hồ yêu cầu được ở lại và không tập kết ra Bắc, để có thể tiếp tục chiến đấu mười năm nữa hoặc lâu hơn. [Tôi nói với Chu Ân Lai]: “Thưa đồng chí, đồng chí đã gây ra những khó khăn cho chúng tôi như vậy đấy [muốn nói đến vai trò của ông ta trong việc chia cắt Việt Nam tại hội nghị Giơ ne vơ năm 1954]. Đồng chí có biết thế không?”
Chu Ân Lai đáp: “Tôi xin lỗi các đồng chí. Tôi đã sai. Tôi đã sai trong chuyện này [ám chỉ việc chia cắt Việt Nam tại Giơ ne vơ] (32). Sau khi Nixon đã đi thăm Trung Quốc, ông ta [Châu] lại sang Việt Nam một lần nữa để hỏi tôi về một số vấn đề liên quan đến cuộc chiến đấu trong Nam.
Tuy nhiên tôi cũng nói ngay với Chu Ân Lai: “Nixon đã gặp các đồng chí. Chẳng bao lâu nữa họ [Mỹ] sẽ tấn công chúng tôi mạnh hơn”. Tôi hoàn toàn không sợ. Cả hai bên [Mỹ và Trung Quốc] đã thỏa thuận với nhau nhằm đánh ta mạnh hơn. Ông ấy [Châu] đã không phản đối quan điểm này là không có cơ sở, và chỉ nói rằng: “Tôi sẽ gửi thêm súng ống đạn dược cho các đồng chí”. Rồi ông ta nói [về sự e ngại một âm mưu bí mật giữa Mỹ và Trung Quốc]: “Không có chuyện đó đâu”. Dẫu sao họ cũng đã thảo luận đánh ta mạnh hơn như thế nào, kể cả ném bom bằng B-52 và phong tỏa cảng Hải Phòng. Vấn đề rõ ràng là như vậy.
Nếu Liên Xô và Trung Quốc không bất đồng với nhau thì Mỹ không thể đánh chúng ta một cách tàn bạo như chúng đã làm. Chừng nào hai nước [Trung Quốc và Liên Xô] còn xung đột thì người Mỹ sẽ không bị ngăn trở [vì sự phản đối của khối Xã hội chủ nghĩa thống nhất]. Mặc dầu Việt Nam đã có thể đoàn kết với cả hai nước Trung Quốc và Liên Xô, nhưng để làm việc này là hết sức khó khăn vì lúc đó chúng ta phải dựa vào Trung Quốc rất nhiều. Thời gian đó Trung Quốc hàng năm viện trợ cho ta nửa triệu tấn lương thực, cũng như súng ống, đạn dược, tiền bạc, chưa nói đến cả đô la nữa. Liên Xô cũng giúp ta tương tự như vậy. Nếu chúng ta không làm được điều đó [giữ gìn sự thống nhất và đoàn kết với họ] thì mọi chuyện có thể hết sức nguy hiểm. Hàng năm tôi phải sang Trung Quốc hai lần để trình bày với họ [ban lãnh đạo Trung Quốc] về các diễn biến ở trong Nam. Còn với Liên Xô, tôi không cần phải nói gì cả [về tình hình miền Nam]. Tôi chỉ nói chung chung. Khi làm việc với phía Trung Quốc, tôi phải nói rằng cả hai chúng ta đang cùng đánh Mỹ. Tôi đã đi (sang đấy) một mình. Tôi phải tham dự vào những chuyện đó. Tôi phải sang Trung Quốc và bàn bạc với họ nhiều lần như vậy với mục đích chính là thắt chặt quan hệ song phương [Trung Quốc và Việt Nam]. Chính vào lúc đó Trung Quốc ép chúng ta phải tách xa khỏi Liên Xô, cấm ta không được đi cùng với Liên Xô nữa (33).
Họ làm rất căng thẳng chuyện này. Đặng Tiểu Bình, cùng với Khang Sinh (34), đến nói với tôi: “Đồng chí, chúng tôi sẽ giúp các anh vài tỷ (Nhân dân tệ) một năm. Các anh không được nhận gì từ Liên Xô nữa.”
Tôi không chấp nhận như vậy. Tôi nói: “Không, chúng tôi nhất định phải đoàn kết và thống nhất với toàn phe Xã hội chủ nghĩa.” (35)
Năm 1963, khi Nikita Khơrútxốp có sai lầm, Trung Quốc lập tức ra Cương lĩnh 25 điểm và mời Đảng ta đến và góp ý kiến. Anh Trường Chinh và tôi cùng đi với một số anh em khác. Trong khi bàn bạc, họ [Trung Quốc] lắng nghe ta chừng mười điểm gì đó, nhưng khi tới ý kiến “không xa rời phe Xã hội chủ nghĩa” (37) thì họ không nghe nữa… Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm về văn bản của chính tôi. Tôi xin ý kiến các đồng chí nhưng tôi không chấp nhận điểm này của các đồng chí.”
Trước khi đoàn ta về nước, Mao có tiếp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi trò chuyện cùng chúng tôi và đến cuối câu chuyện ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn các đồng chí biết việc này. Tôi sẽ là Chủ tịch của 500 triệu bần nông và tôi sẽ mang một đạo quân đánh xuống Đông Nam Á.” (38) Đặng Tiểu Bình cũng ngồi đó và nói thêm: “Đó chủ yếu là vì bần nông của chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn!”
Khi chúng tôi đã ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Anh thấy đấy, một âm mưu cướp nước ta và cả Đông Nam Á. Bây giờ chuyện đã minh bạch.” Họ dám ngang nhiên tuyên bố như vậy. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Rõ ràng là không một phút nào họ không nghĩ tới việc đánh Việt Nam!
Tôi sẽ nói thêm để các đồng chí có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng quân sự của việc này. Mao hỏi tôi:
– Lào có bao nhiêu cây số vuông?
Tôi trả lời:
– Khoảng 200 nghìn [cây số vuông].
– Dân số của họ là bao nhiêu? [Mao hỏi]
– [Tôi đáp:] Gần ba triệu.
– [Mao nói:] Thế thì cũng không nhiều lắm! Tôi sẽ mang người của chúng tôi xuống đấy!
– [Mao hỏi:] Thái Lan thì có bao nhiêu cây số vuông?
– [Tôi trả lời:] Khoảng 500 nghìn.
– Và có bao nhiêu người? [Mao hỏi]
– Gần 40 triệu! [Tôi đáp]
– Trời ơi! [Mao nói], tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500 nghìn cây số vuông mà có tới 90 triệu dân. Tôi sẽ lấy thêm một ít người của chúng tôi đi xuống đấy nữa [Thái Lan]!
Đối với Việt Nam, họ không dám nói thẳng về việc di dân như vậy. Tuy nhiên, ông ta [Mao] nói với tôi: “Các đồng chí, có thật người Việt Nam đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên không?” Tôi nói: “Đúng.” “Thế có thật là các anh cũng đánh bại cả quân Thanh nữa phải không?” Tôi đáp: “Đúng.” Ông ta lại hỏi: “Và cả quân Minh nữa, đúng không?” Tôi trả lời: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi sẽ đánh bại cả các ông. (39) Ông có biết thế không?” Tôi đã nói với Mao như vậy đó. Ông ấy nói: “Đúng! Đúng!” Mao muốn chiếm Lào, cả nước Thái Lan… cũng như muốn chiếm toàn vùng Đông Nam Á. Mang người đến ở đó. Thật là phức tạp.
Trong những năm trước [về các vấn đề có thể nảy sinh từ mối đe dọa của Trung Quốc trong những thời kỳ đó], chúng ta đã có sự chuẩn bị tích cực chứ không phải chúng ta không chuẩn bị gì. Nếu chúng ta không chuẩn bị thì tình hình vừa qua đã có thể rất nguy. Đó không phải là chuyện đơn giản. Mười năm trước tôi đã có mời anh em bên quân đội đến gặp tôi. Tôi nói với họ rằng Liên Xô và Mỹ đang có mâu thuẫn với nhau. Còn Trung Quốc, họ lại bắt tay với đế quốc Mỹ. Trong tình hình căng thẳng như vậy các anh phải lập tức nghiên cứu vấn đề này. Tôi sợ bên quân đội anh em chưa hiểu nên tôi nói thêm rằng không có cách nào khác để hiểu vấn đề này. Nhưng họ phát biểu rằng chuyện này rất khó hiểu. Đúng là không dễ dàng chút nào. Nhưng tôi không thể nói cách khác được. Và tôi cũng không cho phép ai căn vặn mình. (40)
Khi tôi đi Liên Xô, họ cũng rất cứng rắn với tôi về Trung Quốc. Liên Xô đã triệu tập một hội nghị 80 đảng [Cộng sản] để ủng hộ Việt Nam, nhưng Việt Nam không tham dự hội nghị này, vì [hội nghị] không chỉ nhằm giúp đỡ Việt Nam mà còn dự định lên án Trung Quốc. Do đó Việt Nam đã không đi. Phía Liên Xô hỏi: “Các anh đã từ bỏ chủ nghĩa quốc tế rồi hay sao? Tại sao các anh lại làm như vậy?” Tôi đáp: “Tôi hoàn toàn không từ bỏ chủ nghĩa quốc tế. Tôi chưa hề làm như vậy. Tuy nhiên, muốn là người theo chủ nghĩa quốc tế thì trước hết phải đánh bại đế quốc Mỹ. Và nếu người ta muốn đánh Mỹ thì phải thống nhất và đoàn kết với Trung Quốc. Nếu tôi đi dự hội nghị này thì Trung Quốc sẽ gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho chúng tôi. Xin các đồng chí hiểu cho.”
Ở Trung Quốc có rất nhiều ý kiến khác nhau và đang tranh cãi. Chu Ân Lai đồng ý xây dựng cùng Liên Xô một mặt trận chống Mỹ. Một lần tôi đến Liên Xô dự lễ Quốc khánh, tôi có được đọc một bức điện của Trung Quốc gửi Liên Xô nói rằng “nếu Liên Xô bị tấn công thì Trung Quốc sẽ kề vai sát cánh cùng Liên bang Xô viết.”(41) Đó là nhờ Hiệp ước hữu nghị Xô – Trung được ký kết trước đây [tháng 2-1950]. Ngồi cạnh Chu Ân Lai tôi hỏi ông ấy: “Trong bức điện mới đây gửi Liên Xô, các đồng chí đã đồng ý cùng với Liên Xô thành lập một mặt trận, nhưng tại sao các đồng chí lại không thành lập một mặt trận chống Mỹ?” Chu Ân Lai đáp: “Chúng tôi có thể. Tôi đồng tình với quan điểm của đồng chí. Tôi sẽ thành lập một mặt trận với các đồng chí [về Việt Nam]. Bành Chân (42) cũng đang ngồi đó, nói thêm: “Ý kiến này cực kỳ đúng đắn!” Nhưng khi vấn đề được đưa ra thảo luận ở Thượng Hải, Mao nói rằng không thể được và gạt bỏ ý kiến này. Các đồng chí đã thấy vấn đề phức tạp ra sao.
Mặc dầu Chu Ân Lai có bảo lưu một số ý kiến, dẫu sao ông cũng đã đồng ý thành lập một mặt trận và đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều. Chính nhờ ông mà tôi hiểu [nhiều chuyện đang diễn ra ở Trung Quốc]. Nếu không thì có thể rất nguy hiểm. Có lần ông ấy nói với tôi: “Tôi phải làm hết sức mình để sống sót ở đây, dùng Lý Cường (43) để tích lũy và cung cấp viện trợ cho các đồng chí.” Và thế đấy [ám chỉ Châu đã có thể dùng Lý Cường vào việc giúp đỡ Việt Nam]. Tôi hiểu rằng nếu không có Chu Ân Lai thì không thể có được sự viện trợ như vậy. Tôi thật biết ơn ông ta.
Tuy nhiên cũng không đúng, nếu nói rằng những người khác trong ban lãnh đạo Trung Quốc có cùng quan điểm với Chu Ân Lai. Họ khác nhau trên nhiều phương diện. Nhưng có thể nói rằng người kiên trì nhất, người có đầu óc đại Hán và người muốn chiếm cả vùng Đông Nam Á, chính là Mao. Tất cả mọi chính sách [của Trung Quốc] đều nằm trong tay Mao.
Cũng có thể nói như vậy về các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc. Chúng ta không biết trong tương lai mọi chuyện sẽ ra sao, nhưng dẫu sao [sự thực là] họ đã tấn công ta. Trước đây Đặng Tiểu Bình đã từng làm hai việc mà giờ đây lại lật ngược hẳn lại. Đó là, khi ta thắng lợi ở miền Nam, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên Đặng Tiểu Bình cũng vẫn cứ chúc mừng ta. Kết quả là ông ta lập tức bị những người khác coi là phần tử xét lại.
Khi tôi đi Trung Quốc lần cuối cùng (44), tôi là trưởng đoàn, và tôi đã gặp đoàn đại biểu Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình dẫn đầu. Khi nói tới vấn đề lãnh thổ, gồm cả thảo luận về một số hòn đảo, tôi có nói: “Hai nước chúng ta nằm cạnh nhau. Có một số khu vực trên lãnh thổ chúng tôi chưa được phân định rõ ràng. Cả hai phía chúng ta cần phải thành lập một ủy ban để xem xét vấn đề này. Thưa các đồng chí, xin hãy nhất trí với tôi [về chuyện này]. Ông ấy [Đặng] đã đồng ý, nhưng vì vậy mà sau đó ông ta lại bị các nhóm lãnh đạo khác chụp mũ xét lại tức thời.
Nhưng bây giờ thì ông ấy [Đặng] điên thật rồi. Bởi vì ông ta muốn tỏ ra mình không phải là xét lại nên ông ta đã đánh Việt Nam mạnh hơn. Ông ta đã bật đèn xanh cho họ tấn công Việt Nam.
Sau khi đánh bại đế quốc Mỹ, chúng ta vẫn giữ một đạo quân hơn một triệu người. Một số lãnh đạo Liên Xô đã hỏi ta: “Các đồng chí còn định đánh nhau với ai nữa mà lại vẫn duy trì một đội quân [thường trực] lớn như vậy?” Tôi đáp: “Sau này các đồng chí sẽ hiểu.” Lý do duy nhất khiến chúng ta giữ một đạo quân thường trực như vậy chính là vì Trung Quốc [mối đe dọa của họ đối với Việt Nam]. Nếu như không có [sự đe dọa đó] thì đội quân [thường trực lớn] này sẽ không còn cần thiết nữa. Đã bị tấn công gần đây trên cả hai mặt trận, [chúng ta có thể thấy rõ rằng] sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta không duy trì một đội quân lớn.
(B) [Ý nghĩa của chữ B này trong bản gốc không được rõ] – Từ cuối Đại chiến thế giới thứ hai, tất cả đều cho rằng đế quốc Mỹ chính là tên sen đầm quốc tế. Chúng có thể xâm chiếm và đe dọa các nước khác trên thế giới. Mọi người, kể cả các cường quốc, đều sợ Mỹ. Duy chỉ có Việt Nam là không sợ Mỹ mà thôi.
Tôi hiểu được điều này nhờ cuộc đời hoạt động của mình đã dạy tôi như vậy. Người đầu tiên sợ [Mỹ] chính là Mao Trạch Đông. Ông ta nói với tôi, cả Việt Nam và Lào, rằng: “Các anh phải lập tức chuyển giao ngay hai tỉnh giải phóng của Lào cho chính quyền Viên Chăn. Nếu không thì Mỹ sẽ lấy cớ để tấn công. Thế thì hết sức nguy hiểm.” Về phía Việt Nam, chúng ta nói: “Chúng tôi sẽ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam.” Ông ta [Mao] nói: “Các anh không được làm như vậy. Miền Nam Việt Nam cần phải trường kỳ mai phục, có thể một đời người, năm đến mười đời, thậm chí hai mươi đời nữa. Các anh không thể đánh Mỹ. Đánh nhau với Mỹ là một việc nguy hiểm.” Mao Trạch Đông đã sợ Mỹ đến như vậy…
Nhưng Việt Nam không sợ. Việt Nam đã tiến lên và chiến đấu. Nếu Việt Nam không đánh Mỹ thì miền Nam sẽ không được giải phóng. Một nước chưa được giải phóng thì vẫn cứ là một nước phụ thuộc. Không có nước nào được độc lập nếu chỉ có một nửa nước được tự do. Đó là tình hình cho đến năm 1975, khi đất nước ta cuối cùng đã giành được hoàn toàn độc lập. Có độc lập thì sẽ có tự do. Tự do phải là thứ tự do cho cả nước Việt Nam…
Ăng ghen đã từng nói về chiến tranh nhân dân. Sau đó Liên Xô, rồi Trung Quốc và cả ta nữa cũng nói [về vấn đề này]. Tuy nhiên, ba nước khác nhau rất nhiều về nội dung [của chiến tranh nhân dân]. Sẽ là không đúng nếu chỉ vì anh có hàng triệu người mà anh muốn làm gì thì làm. Trung Quốc cũng nói về chiến tranh nhân dân nhưng [họ chủ trương] “địch tiến ta lùi”. Nói cách khác, phòng ngự là chủ yếu, và chiến tranh chia làm ba giai đoạn, lấy nông thôn bao vây thành thị, trong khi [chủ lực] vẫn lẩn trốn trong vùng rừng núi… Trung Quốc đã thiên về phòng ngự và rất yếu [trong Đại chiến Thế giới thứ hai]. Thậm chí, với 400 triệu dân chống lại quân đội Nhật chỉ có khoảng 300 đến 400 ngàn người, Trung Quốc vẫn không thể đánh bại Nhật. (45)
Tôi phải nhắc lại như vậy vì trước kia Trung Quốc đã gửi cố vấn sang ta nên một số anh em [ta] không hiểu. Họ nghĩ rằng Trung Quốc rất là tài giỏi. Nhưng họ cũng không tài giỏi lắm đâu, và vì thế ta cũng không làm theo [sự cố vấn của Trung Quốc]. (46)
Năm 1952 tôi rời miền Bắc sang Trung Quốc chữa bệnh. Đấy là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài. (47) Tôi đã đánh dấu hỏi về họ [Trung Quốc] và thấy rất nhiều chuyện lạ. Những vùng [đã từng] bị quân Nhật chiếm đóng có dân cư là 50 triệu người, nhưng không có thậm chí một người du kích…
Khi tôi từ Trung Quốc về, tôi gặp bác [Hồ]. Bác hỏi:
– Đây là lần đầu tiên chú đi ra nước ngoài có phải không?
– Vâng, tôi ra nước ngoài lần đầu tiên.
– Chú thấy những gì?
– Tôi thấy hai chuyện: Việt Nam rất dũng cảm và họ [Trung Quốc] hoàn toàn không.
Tôi hiểu điều đó từ bấy giờ. Chúng ta [người Việt Nam] khác hẳn họ. Lòng dũng cảm là đặc tính cố hữu trong từng con người Việt Nam, và do vậy chúng ta chưa từng có chiến lược thiên về phòng ngự. Mỗi người dân là một chiến sĩ.
Gần đây, họ [Trung Quốc] đem vài trăm ngàn quân xâm lấn nước ta. Trên phần lớn mặt trận, ta mới sử dụng dân quân du kích và bộ đội địa phương để đánh trả. Chúng ta không thiên về phòng ngự, và do vậy họ đã thất bại. Họ không thể tiêu diệt gọn một trung đội nào của Việt Nam, còn ta diệt gọn vài trung đoàn và vài chục tiểu đoàn của họ. Đạt được điều đó vì ta có chiến lược nghiêng về tấn công.
Đế quốc Mỹ đã đánh nhau với ta trong một cuộc chiến dài lâu. Họ hết sức mạnh mà vẫn thua. Nhưng ở đây có một yếu tố đặc biệt, đó là sự mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô. [Vì thế], họ đã đánh ta ác liệt như vậy.
Việt Nam chống Mỹ và đánh chúng quyết liệt, nhưng chúng ta cũng biết rằng Mỹ là một nước rất lớn, có khả năng huy động một đội quân mười triệu người và dùng tất cả những vũ khí tối tân nhất để đánh ta. Vì vậy chúng ta phải chiến đấu một thời gian dài để kéo chúng xuống thang. Chúng ta là người có thể làm được như vậy; Trung Quốc thì không. Khi quân Mỹ tấn công Quảng Trị, Bộ Chính trị đã ra lệnh đưa bộ đội vào ứng chiến ngay lập tức. Chúng ta không sợ. Sau đó tôi có sang Trung Quốc để gặp Chu Ân Lai. Ông ta nói với tôi: “Nó [cuộc chiến đấu ở Quảng Trị] có lẽ là độc nhất vô nhị, chưa từng có. Đời người chỉ có một [cơ hội], không hai. Không ai dám làm việc mà các đồng chí đã làm”.
… Chu Ân Lai đã từng là Tổng Tham mưu trưởng. Ông dám nói và ông cũng thẳng thắn hơn. Ông nói với tôi: “Nếu tôi được biết trước cách đánh mà các đồng chí đã sử dụng thì có lẽ chúng tôi không cần đến cuộc Trường chinh.” Vạn lý Trường chinh để làm gì? Vào lúc bắt đầu cuộc Trường chinh họ có một đội quân 300 nghìn người; và khi kết thúc họ chỉ còn lại có 30 nghìn. 270 nghìn đã bị tiêu hao. Đó quả thật là ngu ngốc nếu làm theo cách ấy… [Tôi] nói như vậy để các đồng chí hiểu, chúng ta đã tiến xa hơn bao nhiêu. Sắp tới, nếu ta lại phải chiến đấu chống Trung Quốc, chúng ta nhất định thắng lợi… Dẫu sao, một sự thực là nếu như một nước khác [không phải Việt Nam] phải đánh nhau với Trung Quốc, thì chưa chắc họ có thể thắng như vậy [giống Việt Nam] được.
… Nếu Trung Quốc và Liên Xô nhất trí với nhau, thì cũng chưa chắc là Mỹ sẽ dám đánh ta. Nếu như hai nước đoàn kết và cùng giúp ta, thì cũng chưa chắc rằng Mỹ sẽ dám đánh ta theo cách như chúng đã làm. Họ có thể chùn bước ngay từ đầu. Họ có thể bỏ cuộc như trong thời Tổng thống Kennedy. Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô tất cả cùng giúp Lào và Mỹ tức thời ký hiệp ước với Lào. Họ không dám gửi quân sang Lào, họ chấp nhận cho Đảng [Nhân dân Cách mạng] Lào tham gia vào chính phủ ngay lập tức. Họ không dám tấn công Lào nữa.
Sau đó, khi hai nước [Liên Xô và Trung Quốc] có mâu thuẫn với nhau, phía Mỹ lại được [Trung Quốc] thông báo rằng họ có thể tiếp tục đánh Việt Nam mà không sợ gì cả. Đừng sợ [Trung Quốc trả đũa]. Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông nói với Mỹ: “Nếu người không đụng đến ta thì ta sẽ không đụng đến người. Các anh có thể đưa bao nhiêu quân vào miền Nam Việt Nam cũng được. Điều đó tùy theo các anh.” (48)
… Chúng ta [hiện nay] tiếp giáp với một quốc gia lớn, một nước có những ý đồ bành trướng, mà nếu được thực hiện thì sẽ bắt đầu với cuộc xâm lăng Việt Nam. Như vậy, ta phải gánh vác một vai trò lịch sử nữa, khác trước. Dẫu sao, chúng ta không bao giờ thoái thác nhiệm vụ lịch sử của mình. Trước đây, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình và lần này Việt Nam quyết tâm không cho chúng bành trướng. Việt Nam bảo vệ nền độc lập của chính mình và đồng thời cũng là bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam Á. Việt Nam quyết không để cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ bành trướng của họ. Cuộc chiến gần đây [với Trung Quốc] mới chỉ là một hiệp. Hiện nay họ vẫn đang ráo riết chuẩn bị trên nhiều chiến trường. Dù sao đi nữa, mặc họ chuẩn bị đến mức nào, Việt Nam cũng vẫn sẽ thắng…
Tiến hành chiến tranh không phải là một cuộc dạo chơi trong rừng. Dùng một triệu quân để tiến hành chiến tranh chống nước khác kéo theo vô vàn khó khăn. Chỉ mới đây thôi, họ đem 500 đến 600 ngàn quân đánh chúng ta, mà họ không có đủ phương tiện vận tải để chuyên chở lương thực cho quân đội họ. Trung Quốc hiện nay có một đội quân ba triệu rưỡi người, nhưng họ phải để lại một nửa trên biên giới [Trung-Xô] nhằm phòng ngừa Liên Xô. Vì lý do đó, nếu họ có mang một hoặc hai triệu quân sang đánh ta, chúng ta cũng không hề sợ hãi gì cả. Chúng ta chỉ có 600 ngàn quân ứng chiến và nếu sắp tới chúng ta phải đánh với hai triệu quân, thì cũng không có vấn đề gì cả. Chúng ta không sợ.
Chúng ta không sợ vì chúng ta đã biết cách chiến đấu. Nếu họ mang vào một triệu quân thì họ cũng chỉ đặt được chân ở phía Bắc. Càng đi xuống vùng trung du, vùng đồng bằng châu thổ, và vào Hà Nội hoặc thậm chí vào sâu hơn nữa thì sẽ càng khó khăn. Các đồng chí, các đồng chí đã biết, bè lũ Hitler đã tấn công ác liệt như thế nào, mà khi tiến đến Leningrad chúng cũng không thể nào vào nổi. (Phải đối mặt) với những (làng mạc,) thành phố, nhân dân và công tác phòng ngự, không ai có thể thực hiện một cuộc tấn công hiệu quả chống lại từng người cư dân. Thậm chí có đánh nhau hai, ba hoặc bốn năm chúng cũng không thể nào tiến vào được. Mỗi làng xóm của chúng ta [trên biên giới phía Bắc] là như vậy. Chủ trương của ta là: Mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một chiến trường. Chúng ta sẽ chiến đấu và chúng sẽ không thể nào xâm nhập được.
Tuy nhiên, sẽ không đầy đủ nếu chỉ nói đến đánh giặc ngoài tiền tuyến. Ngưới ta cũng cần phải có một đội quân hậu tập trực tiếp, hùng mạnh. Sau khi cuộc chiến vừa qua chấm dứt, chúng ta đã nhận định rằng, sắp tới, ta cần đưa thêm vài triệu người lên (các tỉnh) mặt trận phía Bắc. Nếu giặc đến từ phương Bắc, hậu phương trực tiếp của cả nước sẽ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Hậu phương trực tiếp để bảo vệ Thủ đô phải là Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh. Chúng ta có đủ người. Ta sẽ đánh bằng nhiều cách… Ta có thể dùng hai hoặc ba quân đoàn giáng cho địch một đòn quyết liệt khiến chúng choáng váng, trong khi tiếp tục bảo vệ lãnh thổ của ta. Để làm được như vậy, mỗi người lính phải là một người lính thực sự, mỗi tiểu đội phải là một tiểu đội thực sự.
Vừa trải qua một trận chiến, chúng ta không được chủ quan. Chủ quan khinh địch là không đúng, nhưng thiếu tự tin thì cũng sai. Ta không chủ quan khinh địch nhưng ta cũng đồng thời tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của chúng ta. Ta cần phải có cả hai yếu tố đó.
Trung Quốc hiện đang có âm mưu tấn công ta nhằm bành trướng xuống phía Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay người ta không thể làm gì mà che đậy giấu giếm được. Trung Quốc vừa mới gây hấn với Việt Nam có vài ngày, cả thế giới đã đồng thanh hô lớn: “Không được đụng đến Việt Nam!” Thời nay không còn giống như thời xưa nữa. Ngày xưa chỉ có ta (đối mặt) với họ [Trung Quốc]. Ngày nay cả thế giới sát cánh chặt chẽ bên nhau. Nhân loại hoàn toàn chưa bước vào giai đoạn Xã hội chủ nghĩa; thay vì thế bây giờ lại là thời mà mọi người đều mong muốn độc lập và tự do. [Thậm chí] trên những hòn đảo nhỏ, nhân dân ở đó cũng mong muốn độc lập tự do. Cả loài người hiện nay là như vậy. Điều đó rất khác với thời xưa. Khi ấy mọi người còn chưa biết rõ về những khái niệm này. Lời bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” là tư tưởng của thời đại ngày nay. Đụng đến Việt Nam là đụng đến nhân loại và xâm phạm đến độc lập tự do… Việt Nam là quốc gia tượng trưng cho độc lập và tự do.
Khi bàn đánh Mỹ, anh em ta trong Bộ Chính trị đã cùng thảo luận chuyện này để cân nhắc xem ta có dám đánh Mỹ hay không. Tất cả đều đồng ý đánh. Bộ Chính trị đã biểu thị quyết tâm của mình: Để đánh Mỹ chúng ta nhất định phải không sợ Mỹ. Tất cả đã đồng lòng. Trong khi tất cả đều nhất trí đánh Mỹ, để không sợ Mỹ chúng ta cũng phải không sợ Liên Xô. Mọi người đều đồng ý. Chúng ta cũng cần không sợ Trung Quốc. Mọi người đều tán thành. Nếu chúng ta không sợ ba cái (nước lớn) đó, ta có thể đánh Mỹ. Đấy là chúng tôi đã làm việc như thế nào ở Bộ Chính trị trong thời gian đó.
Mặc dầu Bộ Chính trị đã họp và thảo luận như vậy và mọi người đều nhất trí đồng lòng, sau đó lại có người đã nói lại với một đồng chí những điều tôi nói. Người đồng chí đó lại chất vấn Bộ Chính trị, hỏi rằng tại sao anh Ba (49) lại nói rằng nếu chúng ta muốn đánh Mỹ thì chúng ta phải không sợ cả Trung Quốc? Tại sao anh ấy lại đặt vấn đề như vậy? (50)
Lúc đó anh Nguyễn Chí Thanh, một người thường được cho rằng là có cảm tình với Trung Quốc, đứng dậy nói: “Thưa các đồng chí trong Bộ Chính trị và bác Hồ kính mến, lời phát biểu của anh Ba là đúng. Cần phải nói như vậy [về việc cần phải không sợ Trung Quốc], bởi vì họ [Trung Quốc] đã gây khó khăn cho chúng ta trong nhiều vấn đề. Họ ngăn cản chúng ta ở đây, rồi trói tay ta ở kia. Họ không cho ta đánh…” (51)
Trong khi ta đang chiến đấu trong Nam, Đặng Tiểu Bình đã quy định rằng tôi chỉ nên đánh từ mức trung đội trở xuống, và không được đánh ở mức độ lớn hơn. Ông ta [Đặng] nói: “Ở miền Nam, do các anh đã phạm sai lầm là đã phát động cuộc chiến, các anh chỉ được đánh từ cấp trung đội trở xuống, chứ không được đánh lớn hơn”. Đó là họ đã ép ta như thế nào.
Chúng ta không sợ ai cả. Ta không sợ bởi vì ta có chính nghĩa. Chúng ta không sợ thậm chí các nước đàn anh. Ta cũng không sợ bạn bè ta. (52) Tất nhiên, chúng ta không sợ quân thù. Ta đã đánh chúng. Chúng ta là những con người; chúng ta không phải sợ bất kỳ ai. Chúng ta độc lập. Cả thế giới biết rằng ta độc lập.
Chúng ta phải có một quân đội mạnh, bởi vì nước ta đang bị đe dọa và bị bắt nạt… Không thể nào khác được. Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm vì ta là một nước nghèo.
Ta có một đội quân mạnh, nhưng việc đó không làm chúng ta yếu đi chút nào. Đối với ta Trung Quốc có một số chủ trương: Xâm lược và chiếm đóng nước ta; làm ta suy yếu về kinh tế và làm cho đời sống của nhân dân ta khó khăn hơn. Vì những lý do đó, để chống Trung Quốc chúng ta phải, trước hết, không chỉ chiến đấu, mà còn phải tự làm cho mình mạnh lên. Để đạt được điều đó, theo quan điểm của tôi, quân đội ta không thể là một đội quân chỉ dựa vào nguồn cung cấp của nhà nước, mà còn phải là một đội quân sản xuất giỏi. Khi giặc đến họ sẽ cầm chắc tay súng. Khi không có giặc họ sẽ sản xuất mạnh mẽ. Họ sẽ là biểu tượng cao nhất và tốt nhất trong sản xuất, sẽ làm ra nhiều (của cải vật chất) hơn bất cứ ai. Tất nhiên, đấy không phải là chuyện mới lạ. (53)
Hiện nay, quân đội ta đang gánh vác một sứ mệnh lịch sử: bảo vệ độc lập và tự do của đất nước, đồng thời bảo vệ hòa bình và độc lập trên toàn thế giới. Nếu chính sách bành trướng của bè lũ phản cách mạng Trung Quốc không thể thực hiện được thì đó chính là lợi ích của cả thế giới. Việt Nam có thể làm được. Việt Nam đã có năm chục triệu người. Việt Nam có Lào và Căm bốt là bạn và có địa thế hiểm trở. Việt Nam có cả phe (Xã hội chủ nghĩa) ta và cả nhân loại đứng về phiá mình. Rõ ràng là chúng ta có thể làm được việc đó.
… Các đồng chí có thấy ai ở trong Đảng ta, trong nhân dân ta mà hoài nghi rằng ta sẽ thua Trung Quốc không? Không có ai, tất nhiên rồi. Nhưng chúng ta phải duy trì những quan hệ thân hữu của mình. Chúng ta không muốn sự hằn thù dân tộc. Tôi nhắc lại: Tôi nói như vậy vì không bao giờ tôi mang lòng hận thù đối với Trung Quốc. Tôi không có thứ tình cảm như vậy, dù chính họ là người đã đánh ta. Hôm nay tôi muốn các đồng chí biết rằng trên đời này người đã từng bảo vệ Trung Quốc lại chính là tôi! Đúng như vậy đó. Tại sao thế? Bởi vì trong hội nghị ở Bucharest tháng 6 năm 1960, sáu mươi đảng đã phản đối Trung Quốc nhưng chỉ có mình tôi là người đã bênh vực Trung Quốc. (54) Nhân dân Việt Nam ta là như vậy. Tôi sẽ tiếp tục nhắc lại rằng: Dù họ có đối xử tồi tệ đến đâu chăng nữa, chúng ta biết rằng nhân dân Trung Quốc là bạn ta. Về phía chúng ta, ta không mang những mặc cảm xấu xa đối với Trung Quốc. Còn về ý đồ của một số lãnh đạo [Trung Quốc] thì là chuyện khác. Chúng ta nhắc tới họ chỉ như một bè lũ mà thôi. Chúng ta không ám chỉ cả nước họ. Ta không nói nhân dân Trung Quốc xấu với ta. Ta nói rằng chỉ có bè lũ phản cách mạng Bắc Kinh là như thế. Tôi nhắc lại lần nữa ta phải tuân thủ nghiêm nhặt như vậy.
Tóm lại, hãy giữ cho tình hình trong vòng kiểm soát chặt chẽ, sẵn sàng chiến đấu và không bao giờ lơi là cảnh giác. Đối với Trung Quốc ta cũng làm như vậy. Tôi tin chắc rằng trong vòng năm mươi năm nữa, hoặc thậm chí có thể một trăm năm, chủ nghĩa xã hội sẽ thành công; và khi đó thì ta sẽ không còn vấn đề gì nữa. Nhưng nó đòi hỏi thời gian. Bởi vậy chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng trên mọi phương diện.
Bây giờ không ai còn hoài nghi gì nữa. Nhưng 5 năm trước tôi biết chắc rằng không có đồng chí nào lại nghĩ là Trung Quốc có thể đánh ta. Vậy mà có đấy. Đó là trường hợp vì các đồng chí ấy không có hiểu biết đầy đủ về vấn đề này. (55) Nhưng đó không phải là trường hợp xảy ra với chúng ta [Lê Duẩn và ban lãnh đạo]. (56) Chúng ta biết rằng họ sẽ đánh ta trong khoảng mười năm hoặc hơn. Do đó chúng ta không bị bất ngờ [vì cuộc tấn công tháng giêng 1979 của Trung Quốc].
——————–
Ghi chú của Christopher E. Goscha: 24-56
24. Tài liệu này được dịch từ bản sao một số trích đoạn trong bản gốc. Nó được chép lại từ bản gốc lưu trữ trong Thư viện Quân đội, Hà Nội. Christopher E. Goscha, người dịch tài liệu này (ra tiếng Anh) đã được phép hoàn toàn đầy đủ để làm việc đó. Văn bản là bài nói chuyện được cho là của “đồng chí B”. Nó có thể do chính đồng chí B viết, nhưng có nhiều khả năng hơn nó là bản đánh máy của một người nào đó dự buổi nói chuyện của “đồng chí B” (một cán bộ cao cấp hoặc một thư ký đánh máy). Trong văn bản, đồng chí B có đề cập rằng, trong những cuộc họp của Bộ Chính trị ông ta được gọi là anh Ba. Đó là bí danh mà chúng ta được biết là của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đã dùng trong Đảng Lao động Việt Nam (từ 1976 là “Đảng Cộng sản Việt Nam”). Mặc dầu tài liệu không đề ngày tháng, nhưng rõ ràng văn bản được viết trong năm 1979, sau cuộc tấn công Việt Nam của Trung Quốc. Nó được củng cố thêm bằng một tài liệu khác mang tính cáo buộc mạnh mẽ, xuất bản năm 1979 theo chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đã liệt kê tuần tự sự phản bội của Trung Quốc và, không hoàn toàn bất ngờ, cùng đề cập đến nhiều sự kiện mà Lê Duẩn đã kể lại trong tài liệu này. Xem: Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Sự Thật, 1979). Trong phần Ghi chú này có cho thêm số trang trong bản tiếng Pháp của cùng văn kiện: Ministère des Affaires Étrangères, La vérité sur les relations vietnamo- chinoises durant les trente dernière années. Dịch giả xin cám ơn Thomas Engelbert, Stein Tønnesson, Nguyen Hong Thach, và hơn cả là một độc giả Việt Nam ẩn danh, đã sửa chữa và đóng góp cho nhiều ý kiến quý báu. Dịch giả xin chịu trách nhiệm về những sai sót trong bản dịch này.
25. Những dấu tỉnh lược (…) như vậy là nguyên văn trong bản gốc; những dấu tỉnh lược và nhận xét của dịch giả được đặt trong dấu ngoặc vuông: […].
26. Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 đã cho Pathet Lao, đồng minh gần gũi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một khu vực tập kết tạm thời ở hai tỉnh (Bắc Lào) Phong xa lỳ và Sầm Nưa. Không có một nhượng địa tương tự cho Khơ me It xa la, đồng minh của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
27. Cuốn sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm quacho biết cuộc hội đàm cấp cao về Lào diễn ra vào tháng 8 – 1961 (La vérité sur les relations vietnamo- chinoises durant les trente dernière années, trang 34).
28. Trương Văn Thiên là một trong những thành viên của Đoàn đại biểu Trung Quốc, người đã có mặt khi Lê Duẩn phát biểu những nhận xét này. Ông còn là Thứ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là Ủy viên lâu năm trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong những năm 1950 ông ta là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị giữ trách nhiệm về liên lạc đối ngoại với các nước Xã hội chủ nghĩa.
29. Sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua đã miêu tả cuộc gặp gỡ như sau: “Trong một cuộc trao đổi ý kiến với những người lãnh đạo Việt Nam, Ủy viên trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trương Văn Thiên cho rằng ở miền Nam Việt Nam có thể tiến hành đánh du kích. Nhưng sau đó Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, theo chỉ thị của Bắc Kinh, đã thông báo với phía Việt Nam rằng đó không phải là ý kiến của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mà chỉ là ý kiến cá nhân. The Truth…, trang 40. (La vérité…, trang 31.)
30. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, trang 60. (La vérité…, trang 47.)
31. Lê Duẩn muốn nói đến nhiệm vụ giải thích việc tập kết cán bộ miền Nam ra Bắc. Lê Duẩn cũng cố tình lảng tránh không đề cập đến việc Trung Quốc đã giúp Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ năm 1954.
32. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua trang 60, đoạn phía Việt Nam đã nói với Trung Quốc tháng 11-1972: “Việt Nam là của chúng tôi; các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam. Các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954 rồi, bây giờ không nên sai lầm một lần nữa”. (La vérité…, trang 47.)
33. Một trong những thư ký của Lê Duẩn, Trần Quỳnh, gần đây đã cho lưu hành ở Việt Nam cuốn Hồi ức của ông ta, trong đó có nhiều chi tiết lý thú về đường lối của Lê Duẩn đối với sự phân liệt Trung Xô và sự chia rẽ trong (hàng ngũ cán bộ cao cấp của) Đảng Lao động Việt Nam về vấn đề này trong những năm 1960. Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn, không in ngày tháng, tự xuất bản, dịch giả hiện có một bản.
34. Khang Sinh (1903-1975), một trong những chuyên viên hàng đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về an ninh quốc gia. Ông ta được Bộ Nội vụ (NKVD) Liên Xô đào tạo trong những năm 1930, và trở thành cố vấn thân cận nhất cho Mao trong việc cắt nghĩa những chính sách của Liên Xô. Khang Sinh cũng từng là Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1962, và Ủy viên Bộ Chính trị từ 1969; giữa 1973 và 1975 ông ta là Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị.
35. Xem Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua trang 43, trong đó Việt Nam tuyên bố là Đặng Tiểu Bình đã hứa sẽ coi Việt Nam là ưu tiên số một trong vấn đề viện trợ cho nước ngoài để đổi lấy việc Việt Nam sẽ khước từ mọi viện trợ của Liên Xô. (La vérité…, trang 33.)
36. Xem “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” trang 43. (La vérité…, trang 33) và cả Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.
37. Tháng 11-1966, Liên Xô lên án Trung Quốc đã từ bỏ đường lối Cộng sản thế giới đã được thông qua tại các Hội nghị Mascơva 1957 và 1960. Xem thêm Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.
38. Bộ Ngoại giao, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua cho biết Mao đã phát biểu như vậy với đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963. Trong sách đã trích dẫn lời Mao nói: “Tôi sẽ làm Chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á.” (La vérité…, trang 9).
39. Đoạn này có thể dịch (sang tiếng Anh) là “và tôi sẽ đánh bại cả các anh nữa” hoặc “tôi có thể đánh bại cả các anh”.
40. Đối với dịch giả (Christopher E. Goscha), chỗ này không được rõ là Lê Duẩn muốn nói tới ai khi dùng chữ “quân sự”. (Ngược lại, đối với người dịch ra tiếng Việt thì rõ ràng trong ngôn cảnh này ông nói là tôi mời một số anh em bên quân đội…, một cách nói thân mật, thường dùng thời đó nhưng tất nhiên hàm chỉ một số tướng tá cao cấp).
41. Đây có lẽ dựa vào lời Đại sứ Trung Quốc tại Máscơva chuyển cho phía Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị, Đồng minh và Tương trợ Trung-Xô. Đại sứ Trung Quốc Phan Tự lực đã nói với Liên Xô: “Nếu bọn đế quốc dám tấn công Liên Xô, nhân dân Trung Quốc không hề ngần ngại, sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước và cùng với nhân dân Liên Xô vĩ đại… sẽ kề vai sát cánh chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.” Trích từ Donald S. Zagoria, Mạc tư khoa, Bắc Kinh, Hà nội (New York: Pegasus, 1967), trang 139-140.
42. Bành Chân là Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc từ 1951 đến 1969.
43. Lý Cường là Phó Chủ tịch Ủy ban liên lạc kinh tế đối ngoại của Quốc vụ viện từ 1965 đến 1967. Giữa 1968 và 1973, ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, và từ 1973 là Bộ trưởng Ngoại thương Trung Quốc.
44. Đây muốn nói tới chuyến đi của Lê Duẩn vào tháng 11-1977.
45. Lê Duẩn quên rằng cho đến tháng 3-1945, thậm chí chỉ với số người ít hơn, Pháp đã có thể cai trị Việt Nam mà không gặp quá nhiều khó khăn.
46. Về cố vấn Trung Quốc, xin xem Qiang Zhai, Trung Quốc và chiến tranh Việt Nam, 1950-1975 (Chapel Hill: Nhà xuất bản Viện đại học North Carolina, 2000), và Christopher E. Goscha, “Bối cảnh châu Á của cuộc chiến Pháp-Việt” luận án trình bày tại Trường Cao đẳng thực hành, thuộc Viện Đại học Sorbonne, Paris, 2000, phần Trung Quốc.
47. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp Lê Duẩn thường xuyên ra miền Bắc, nhưng ông thường được cho là vẫn ở lại miền Nam thời kỳ này trong cương vị Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, mà sau này đổi thành Trung ương cục miền Nam vào đầu năm 1950. Dịch giả cũng hoài nghi việc Lê Duẩn đi Trung Quốc năm 1952. Hồ Chí Minh thì có, nhưng Lê Duẩn thì không.
48. Về chi tiết này, xin xem chương 6 của cuốn sách này.
49. Điều này khẳng định Đồng chí B cũng chính là “Anh Ba”. Ta biết rằng Anh Ba là bí danh của Lê Duẩn, từ đó suy ra Đồng chí B cũng là Lê Duẩn. Từ những sự kiện được nói đến trong văn bản thì điều này là chắc chắn, và cuốn Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn, cũng khẳng định điều này.
50. Ở đây có thể ám chỉ Hoàng Văn Hoan. (Để có cái nhìn toàn cảnh hơn) về một quan điểm cần tranh luận, xin tham khảo thêm cuốn Giọt nước trong biển cả (Hồi ức về một cuộc cách mạng) (Bắc Kinh: Nhà xuất bản Tin Việt Nam, 1986).
51. Xem thêm Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.
52. Đây có lẽ muốn nói bóng gió tới Liên Xô (và khối Đông Âu).
53. Hình thức chiến tranh này đã từng có ở Trung Quốc và những nơi khác trong hoàn cảnh chiến tranh du kích.
54. Điều này đã diễn ra vào tháng 6-1960. Để biết thêm về lập trường của Lê Duẩn trong vấn đề này xin xem Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn. Sau đại hội Đảng Cộng sản Ru ma ni tháng 6-1960, Liên Xô đã tổ chức một cuộc họp tại chỗ các trưởng đoàn đại biểu những nước có mặt. Trong buổi họp đó Khơ rút xốp đã phê phán Trung Quốc nặng nề, đặc biệt là Mao, người mà ông ta cho là “giáo điều” vì những quan điểm của Mao về vấn đề chung sống hòa bình. Xem Adam B. Ulam, The Communists: The Story of Power and Lost Illusions 1948-1991 (New York: Macmillan, 1992), trang 211.
55. Dường như đây là một cái tát vào mặt Hoàng Văn Hoan mà không phải ai khác.
56. Đây có lẽ muốn nói tới những nhà lãnh đạo khác đang có mặt nghe Lê Duẩn nói chuyện, và có thể là một chỉ hiệu rằng người đồng chí thân Trung Quốc đã nói ở trên không có mặt trong buổi nói chuyện này. Xem thêm Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn.
Nguồn: Thư viện Quân đội, Hà Nội. Tài liệu do Christopher E. Goscha phát hiện và dịch sang tiếng Anh, Nhóm nghiên cứu Việt Nam đương đại, Trường Khoa học Chính trị, Paris.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/04/17/dong-chi-b-am-muu-chong-vn-phan-dong-tq/#sthash.BxCRtFso.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Mối lo tư liệu gốc”???

Nguyễn Quang Thân và 3 người khác đã chia sẻ bài viết của Đỗ Khánh.
Đỗ Khánh
Mối lo tư liệu gốc
Cụ Lê Trung Ngọc - Tuần phủ Phú Thọ, người xin vua Khải Định lập đền thờ vua Hùng, và cũng là người định ra ngày giỗ Tổ 10/3, trước đền Hùng vốn chỉ là cái am thờ thần núi thôi. Cụ cũng từng công khai chuyện này trong tọa đàm khoa học tại Phú Thọ, rằng đền Hùng/ tục “quốc giỗ” mới chỉ có từ năm 1917. Dữ liệu hiện nay cho thấy nó mang tính dã sử nhiều hơn, cái niên biểu (hình chụp) là thời gian trị vì hay thời gian các vua sống (có thể là trị vì, bởi niên biểu có tính tiếp nối nhau) nhưng các vị khó có thể trị vì trong thời gian dài như thế. Ví như Hùng Chiêu Vương, từ năm 1631 đến 1432 TCN, ông trị vì những 200 năm liền, điều này khó thuyết phục. Thực tế, chưa có bằng chứng gì về gia phả, phả hệ, tộc người để làm rõ chuyện ông là thủy tổ của dân tộc mình. Một người trong chúng ta, chưa chắc đã biết cụ tổ dòng họ từ 5 đời về trước nhà ta là ai, giỗ ngày nào.
Xét tích cụ thể, câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh cho thấy vua Hùng là cha đẻ của thói chiếu lệ, hình thức giả tạo ngày nay. Nếu đã “chấm” chàng Sơn Tinh thì nói huỵch toẹt móng ra, tội quái gì phải diễn vở kịch kén rể để đến nỗi chàng Thủy Tinh vốn tính giang hồ, không chịu được cái thiếu minh bạch mà đã đùng đùng nổi giận, oánh nhau với Sơn Tinh. Cứ ngẫm những yêu sách để kén rể của ông Hùng thì thấy sự thiên vị, thiếu khách quan và kinh điển như thế nào: “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Đây toàn là những đồ có sẵn trong nhà Sơn Tinh, là đặc sản của Núi. Chẳng hạn, nếu đồ thách cưới mà là tôm hùm, ba ba, ngọc trai v.v... thì chắc gì chàng Sơn Tinh đã thắng Thủy Tinh. Hóa ra, việc kén rể này cũng là “định hướng” của ông Hùng mà thôi. Truyện dân gian, có nhiều cái hay, nhưng cũng để lộ ra nhiều cái hạn chế của người Việt. Nay, dưới ánh sáng của văn minh thế giới, ta càng nhìn rõ hơn hạn chế đó.
Trong chính sử (Đại Việt sử ký) cũng viết trước thời An Dương Vương, lịch sử chỉ mang tính huyền sử. Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên xếp ở phần ngoại kỷ - tức dạng hỗn mang hoang đường, giờ được nâng phát thành Quốc Tổ. Chuyện Lạc Long Quân là chú họ của Âu Cơ, hôn nhân cận huyết nên không đẻ ra người mà đẻ ra trứng. Cụ Ngô Sĩ Liên viết, thời đó chưa có lễ giáo nên mới loạn luân như vậy. Giờ thì cả nước thi nhau rập đầu khấn bái “Quốc Tổ” hoang đường. Người ta làm hồ sơ tín ngưỡng Hùng Vương còn bịa ra tư liệu để chứng minh “Tục thờ quốc tổ” có từ đời Lê. Chuyện này đã được TS Trần Trọng Dương ở Viện Hán Nôm vạch trần trên 1 chuyên luận có nhan đề “Mối lo tư liệu gốc”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lỡ nói: Thơ mày như con cặc!



Truyện ngắn

Bảy giờ sáng, hắn đẩy chiếc xe ra cổng, nói với con gái: “Ba đến cơ quan, trưa chắc không về”. Mụ vợ ngồi bên trong ngứa miệng, cái giọng Bắc phaNam the thé: “Cơ quan cơ à, ông có cơ quan thế tiền lương ông đâu?”.
Nghe giọng kiếm chuyện của vợ hắn nín thinh. Tiếng đứa con gái “Mẹ, đừng nói mà mẹ”!
Hắn nổ máy xe, nghe tiếng nói thầm trong người cất lên: “Vợ mày nói đúng, hehehe, vợ mày nói đúng”.
Hắn rồ ga, cố nén tiếng nói thầm xuống khi chạy vào dòng người. Và hắn chạy đến trước cổng Hội văn nghệ mà hắn gọi là “cơ quan”. Thì đúng là cơ quan, vì hắn là hội viên trong cả ngàn hội viên, nhưng như mụ vợ nói “Cơ quan, thế tiền lương ông đâu?”.
Hắn nhìn thấy tại quán cà phê trước cơ quan, đã có nhiều nhà văn, thi sĩ như hắn. Tiếng nói thầm lại cất lên: “Mẹ, bọn làm biếng chớ nhà cửa gì”
Hắn vào, kêu ly cà phê đen. Có tiếng gọi tên hắn. Giọng nữ. Hắn nhìn vào bàn bên trong. À, nữ nhà văn H., cô vừa in cuốn tiểu thuyết. Nhà văn H. bước qua chỗ hắn, tay cầm cuốn sách, miệng nói:”Tăng anh cuốn tiểu thuyết mới nhất của H., nó là tâm huyết đời em đó”. Hắn nhìn H., cô đã gần năm mươi, phấn son hơi quá, áo rộng cổ phơi bộ ngực đồ sộ. Hắn liếc bộ ngực. Tiếng nói thầm vang lên “Vú bơm á”, hắn cố nén, cám ơn nữ nhà văn. Cô này nghe nói kinh doanh nhà hàng, đại loại vậy. Nhà văn H. nói “Anh đọc và viết cho em vài lời nghen” “Ồ, tất nhiên, sách ai tặng anh cũng đọc kỹ” – Tiếng nói thầm “Dóc quá mày, mày có coi con mẹ này là nhà văn đâu”. Hắn cố tập trung vào ly cà phê khi nữ nhà văn rời đi.

Ở bàn trong góc quán, tay phó nháy kiêm phó sếp đang thì thầm với một em mới toanh, mặt mũi xinh xắn, có vẻ còn là sinh viên. “Nó là thằng chó dái đó cháu ơi, coi chừng nó đưa qua khách sạn của thằng P.”. Hắn nghe tiếng nói thầm chọc vào tai mình.

Vài chục phút sau, Hội quán bắt đầu đông nghẹt văn nhân thi sĩ. Hắn đốt thuốc, nghe tiếng nói thầm “Bọn làm biếng, bọn hư đốn”…
Gần trưa thì cả bọn rủ nhau góp tiền đi nhậu. Điểm hẹn là một quán bình dân. Tiếng nói thầm vang trong tai khi hắn chạy xe đến quán “Mày là đồ vô dụng, mày về giúp vợ chở hàng đi”. Nhưng hắn phớt lờ, chạy đến quán nhậu.

***


Hắn tỉnh lại và biết ngay đang ở trong bệnh viện. Hình như trong một phòng dịch vụ. Chất cồn trong người đã tan hết. Hắn thấy tỉnh táo lạ thường, thậm chí thấy khỏe. Hắn chống tay ngồi dậy. Trong ánh đèn sáng hắn nhìn thấy mình nằm chung trong một phòng có 6 giường, khá sạch sẽ. Cô con gái nằm ngủ ngon lành trên cái sô pha giành cho người nuôi bệnh. Hắn đưa tay sờ đầu vì thấy cồm cộm. Đầu hắn đang quấn băng. Rồi hắn nhớ lại rõ mồn một…
Hắn nhớ khi cả bọn kéo vào quán nhậu đang vừa uống vừa nói xàm thì tay P. bước vào. Tay này xưa kia là một người kinh doanh bất động sản và khá giàu có, nhưng lại thích làm nhà thơ. Giờ thì P. kinh doanh khách sạn và càng giàu hơn lại vừa đoạt giải thơ cấp thành phố nên sướng lắm. Bất kỳ lúc nào cũng P. có thể đãi văn nghệ sĩ thành phố như hắn nhậu.
Vừa bước vào, tay P. đã la lên: “Tui đãi hết chầu này, sẵn tặng thơ cho mấy ông luôn”. Ngay sau đó, một đệ tử của P. khệ nệ mang vào một thùng các tông lớn. P. ngồi vào cái ghế anh tiếp viên vừa mang đến, mở bút ra và cứ theo thứ tự từ trái sang, ký tặng tất cả, ngay cả người không quen. Tập thơ dày cộp, nghe nói in hết 50 triệu. Ký xong, P. bảo anh tiếp viên: “Đem chú 2 thùng Ken, cứ hết mang thêm, đem cái menu ra đây luôn”. P. ngồi đối diện hắn, giờ đứng lên nâng ly bia sủi bọt: “Dô đi các bạn hiền, chúc mừng nhà thơ P. đoạt giải”.
Bia chảy ào ào, ly cụng côm cốp. Văn nhân thi sĩ nốc bia như bò uống nước. P cụng ly hắn, la to “Trăm phần trăm”, “Dô, dô, chúc mừng!”. Tửu lượng hắn đã bão hòa. Hắn cảm thấy không vui. Ngay lúc đó P. kề sát mặt hắn, trong tiếng ồn ào của bàn nhậu hỏi to: “Ông thấy thơ tui hay không?”
Tiếng nói thầm trong người hắn vang lên, nhưng hắn cố kìm nén, lảm nhảm: “Được lắm, có mấy bài đặc sắc”.
P. đang phấn khích, lôi cổ áo hắn: “Được lắm là sao? Đoạt giải thành phố mà. Ông thấy thơ tui hay không?”.
Men bia đã đánh gục con người hắn, hắn mặc kệ cho tiếng nói thầm, và hắn gào lên, ngay mặt P.: “Thơ ông như cái tự do!”
“Đ.M. Cái gì? Ông nói thơ tui như cái gì?”
“Tao nói nè: Thơ mày như con cặc!”
Như trong một đoạn phim quay chậm, hắn nhìn thấy nhà thơ kiêm kinh doanh khách sạn theo giờ chụp cổ chai bia, vung lên, nhằm thẳng vào trán hắn!


2. 2016
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sóng ngầm ngân sách


Nguyễn Quang Đồng (*)

(TBKTSG) - Bài toán ngân sách không phải là câu chuyện riêng của Chính phủ hay Bộ Tài chính. Bài toán ngân sách cũng chính là bài toán thể chế.

Từ chi thường xuyên tăng vọt

Tuần trước, trong chuyến đi công tác tại một xã miền núi phía Bắc miền Trung, chúng tôi có dịp ngồi ăn trưa chung với một nhóm cán bộ xã. Cao hứng, anh công an viên “khoe” tháng rồi anh phải dành gần một tháng tiền lương, để góp phần vào việc trả tiền tiếp khách của xã cho quán ăn này. Tranh thủ hỏi thêm, bà chủ quán cho biết, đây là “quán quen” của xã, và xã còn nợ bà đến gần trăm triệu đồng.

Câu chuyện nợ nần của các địa phương giờ đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Năm ngoái, Thành ủy thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu lùm xùm chuyện tài khoản rỗng không giữa lúc bàn giao nhiệm kỳ, trong khi đơn vị này còn nhiều khoản nợ chưa trả hết. Ở Cà Mau, một chủ quán nhậu khác đòi đốt trụ sở UBND xã, cũng vì cán bộ nợ tiền tiếp khách đến gần 50 triệu đồng.

Những khoản nợ tiền tiếp khách như vừa nêu mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm ngân sách địa phương. Kỷ luật tài khóa ở trung ương vốn đã không chặt chẽ gì, ở địa phương chắc chắn còn lỏng lẻo hơn. Chưa có những tính toán chi tiết hoặc những báo cáo tài chính đáng tin cậy, tuy nhiên, từ quan sát cũng có thể thấy, những cuộc họp hành liên miên, những buổi lễ lạt, tiếp khách... tăng tỷ lệ thuận với “sổ nợ” của các ủy ban, cơ quan đoàn thể tại các quán ăn, nhà hàng ở địa phương. Tiền ấy đương nhiên không phải là tiền túi của công chức, mà là từ nguồn chi thường xuyên trong ngân sách trích ra. Hiệu quả của những khoản chi ngốn một phần không nhỏ trong ngân sách nhà nước này thật khó có thể đo lường.

Đến hiệu quả đầu tư công

Cũng trong thời gian ngắn gần đây, một loạt dự án do các doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp có Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, nghĩa là bằng cách này hay cách khác sử dụng gián tiếp tiền từ ngân sách, bị điểm mặt chỉ tên là thiếu hiệu quả. Đó là bảy nhà máy sản xuất xăng ethanol, trong đó có ba nhà máy của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nằm đắp chiếu. Là đại dự án nhà máy thép 8.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang hoang tàn. Danh sách những nhà máy thua lỗ, những con đường chưa đi đã hỏng, những khu chợ, trung tâm thương mại thưa thớt người buôn bán, kinh doanh, những tượng đài cỏ mọc còn dài và chắc chắn còn đang tiếp tục dài lên thêm nữa. Tất cả cùng góp phần cho một “thành tích” - tăng nợ công quốc gia và làm xói mòn tiềm năng phát triển của đất nước.

Và ngân sách quốc gia

Chi ngân sách hợp thành từ hai cấu phần: chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Chưa nói đến chuyện chi thường xuyên nuôi bộ máy nhà nước tăng vọt, ngốn gần hết chi cho đầu tư; nhìn sâu vào từng mảng đều thấy ngổn ngang các vấn đề. Chính phủ mới được dự báo đang đứng trước những khó khăn gay gắt nhất trong nhiều năm gần đây khi đối mặt với bài toán tài chính như thế. Nhưng lời giải bài toán không nên là tăng thu để bù đắp chi. Giải pháp “tăng thu”, thậm chí nhiều ý kiến cho là “tận thu” như hiện nay, thông qua tăng thuế và phí, và tăng giá các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, không phải là giải pháp căn cơ, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ cả về kinh tế và xã hội. Không thể đòi hỏi người dân và doanh nghiệp oằn mình ra để gánh ngân sách, trong khi bộ máy nhà nước vẫn “vung tay quá trán” với kỷ luật tài khóa lỏng lẻo như thế này.

Về mặt ngắn hạn, những giải pháp kỹ thuật đã được đề xuất, với việc thông qua Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công năm ngoái. Vẫn còn phải chờ nghị định hướng dẫn chi tiết để xem quy trình quản lý ngân sách sửa đổi có bịt được những lỗ hổng như hiện nay hay không. Tuy nhiên, như nhiều ý kiến đã chỉ ra, những giải pháp kỹ thuật, thông qua siết chặt quy trình, chỉ có thể xử lý được những vi phạm, nhưng tính hiệu quả của chi tiêu ngân sách là thứ mà quy trình kỹ thuật không “xử” được. Tâm lý xài của công hoang phí như xài “tiền chùa” của công chức, những hành vi trục lợi từ ngân sách có thể dễ dàng qua mặt các quy trình(1).

Do đó, lời giải tối hậu cho trách nhiệm quản lý ngân sách trước hết phải là trách nhiệm chính trị. Chỉ khi những người, trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát và sử dụng tiền thuế của dân một cách thiếu trách nhiệm phải trả giá bằng chính số phận chính trị của họ từ lá phiếu cử tri hoặc thông qua những người đại diện thực chất của cử tri, lúc đó tính hiệu quả về mặt lâu dài của những quyết định chi tiêu mới có thể được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, giám sát từ báo chí và các tổ chức xã hội là cơ chế bổ trợ hiệu quả từ bên ngoài cho cơ chế giám sát ngân sách từ trong hệ thống. Tuy nhiên, các công cụ giám sát này, suốt thời gian dài vừa qua chưa có được môi trường phù hợp để thực thi các chức năng quan trọng của nó.

(*) Vietnamese Policy Online - vpo.org.vn

(1) Xem thêm: http://www.thesaigontimes.vn/137333/Khi-co-quan-nha-nuoc-gianh-nhau.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Cao Hành Kiện, gặp ở Pháp


(Cao Hành Kiện tại nhà riêng ở Paris)

1. 

Cao Hành Kiện rời Trung Quốc sang Pháp năm 1989, từ đó là không về. Không được về. Trong cuộc trò chuyện với ông tại nhà riêng ở Paris, tôi có hỏi chuyện này, ông nói vậy. Hội thảo quốc tế “Tác phẩm tiểu thuyết và sân khấu của Cao Hành Kiện, giải Nobel văn học 2000” do Đại học Provence tổ chức có đông người Hoa. Các nhà nghiên cứu văn học gốc Hoa đến từ Anh, Mỹ, Australia, Đài Loan, Hồng Kông cùng với các đồng nghiệp của họ đến từ Thụy Điển, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Ông vui với họ, vui với tất cả. Thân tình, gần gũi. Nhưng ông là nhà văn sống độc lập và tự do. Lâu rồi ông không đọc văn chương Trung Quốc, trong cũng như ngoài. Sang Pháp sống, ông chẳng để mình bị lôi kéo vào một cộng đồng Hoa kiều nào. Ông là ông, một công dân Pháp gốc Hoa, nhưng là một nhà văn. Một nhà văn viết tiếng Trung và tiếng Pháp, chứ không phải một nhà văn Trung Quốc. Tính từ “chinois” ở đây để chỉ ngôn ngữ, không phải để chỉ quốc tính. 

Khi giải Nobel văn chương 2000 được trao cho ông, chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng phản đối. Rằng là làm vậy Ủy ban Nobel đã lấy tiêu chí chính trị để đo văn học. Rằng là Trung Quốc có nhiều nhà văn và tác phẩm nổi tiếng thế giới mà chắc Ủy ban Nobel ít biết. Rằng là như thế giải Nobel bị mất uy tín. Rằng là... Trong báo cáo đọc tại hội thảo tôi đã kể lại việc Cao Hành Kiện bị “vạ lây” ở Việt Nam như thế nào vì chuyện này. Ông nghe, và hiểu. Cho nên, ông đã vui vẻ nhận từ tay tôi hai bản dịchLinh sơn (của Trần Đĩnh dịch từ tiếng Pháp và của Hồ Quang Du dịch từ tiếng Trung) và tập truyện ngắn của ông sang tiếng Việt mà không hề căn vặn chuyện bản quyền. Tôi vui vì trao được chúng cho ông. Tôi chỉ nghĩ đơn giản làm thế để ông biết tác phẩm của ông đã đến được Việt Nam, đã được dịch, in và đọc ở nước tôi. Nhưng trước ông, trước các đồng nghiệp và cử tọa dự hội thảo hôm đó, trao sách cho ông rồi, vui rồi, tôi lại cảm thấy một nỗi buồn. 


2. 

Cao Hành Kiện xuất hiện đầu tiên, với tôi, là tại nhà hát Opera Marseille. Đêm đó vở opera “Tuyết tháng tám” của ông lần đầu tiên ra mắt công chúng châu Âu tại đây. Chúng tôi, các đại biểu dự hội thảo, được vé mời xem. Nội dung vở là kể về hành trạng của Huệ Năng, tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Cao vốn là người không tin vào những chủ thuyết đại ngôn tuyên bố cứu thế cứu đời nên cái cách mà vị Lục tổ Thiền hành xử khi được trao y bát để truyền đạo khiến ông thích thú. Huệ Năng dạy rằng ai cũng có thể giác ngộ thành Phật nếu biết phá chấp và sống hòa đồng với thế giới. Vở opera gồm 2 hồi 9 cảnh, kịch bản Cao Hành Kiện, âm nhạc Xu Shuya, diễn trong 2h15’. Hai cảnh kết: Huệ Năng báo cho các môn đệ biết mình sẽ mất vào tháng 8 và đốt chiếc áo cà sa vì ai cũng có thể giác ngộ thành Phật thì chẳng còn cần phải chọn người kế nghiệp tổ. Khi ông mất, tuyết phủ núi: tháng tám mà có tuyết ư? Thời gian trôi qua, tư tưởng của Huệ Năng bị hiểu sai lạc, nhà chùa thành ra như một thế giới hỗn loạn, và cuối cùng bị thiêu cháy. Đấy có phải là ngọn lửa tẩy rửa? Vở diễn khép lại ở ngọn lửa bốc lên thiêu cháy ngôi chùa, sau đó là bầu không khí tĩnh lặng êm đềm bao phủ tất cả. Đó là nghĩa “vô thường” của Thiền tông mà vở diễn muốn truyền đến cho người xem.
(Áp phích vở “Tuyết tháng tám” ở Nhà hát Opera Marseille)

Một vở diễn độc đáo do sự phối hợp của Nhà hát Opera Marseille và Trường cao đẳng nghệ thuật biểu diễn quốc gia Đài Loan, với gần hai trăm diễn viên hát tiếng Trung và tiếng Pháp, dàn nhạc Marseille và dàn nhạc Đài Loan. Kịch bản âm nhạc (livret) được phóng chiếu lên cho người xem theo dõi nội dung. Dựng cảnh và trang trí là do tự tay Cao, những bức phông lớn ông vẽ bằng mực tàu. Cả phòng xem rộng lớn chật kín người im phắc, nghe và xem. Kết thúc, từng nhóm diễn viên lần lượt ra chào. Tiếng vỗ tay kéo dài. Và khi cuối cùng Cao xuất hiện cùng với nhạc sĩ và diễn viên chính thì mọi người vỗ tay dồn dập, hồi lâu. Mãi khi khán giả đã về hết, nhân viên nhà hát đã ra hiệu đóng cửa, ông vẫn còn bị vây bọc giữa các đại biểu hỏi han trò chuyện. Bên ông là Goran Malmqvist thành viên Hàn lâm viện Thụy Điển, Tchen Yu-Chiou bộ trưởng cố vấn cho tổng thống Đài Loan, Mabel Lee giáo sư Đại học Sydney, Noel Dutrait giáo sư Đại học Provence, những người thân quen cũ. Tiếng Trung tiếng Pháp đan nhau trong cuộc chuyện trò. Tôi bực mình tiếng Pháp nói ú ớ, tiếng Trung không biết, để bắt chuyện cùng ông. Đành là lặng lẽ đứng ngắm ông, chụp ảnh ông, và thầm vui lần đầu tiên trong đời được gặp mặt một nhà văn giải thưởng Nobel. Ấn tượng ban đầu của tôi về ông là thấy ông hiền lành, dễ gần. 

Mà đúng là như thế. Hôm sau, hội thảo khai mạc tại Maison Méditerranéenne des Sciences de l’Homme (Aix-en-Provence), chiếc xe chở các đại biểu vừa đến nơi, chúng tôi bước xuống đi vào đã thấy ông đứng bên cổng bắt tay từng người. Một mình ông, không có người nào trong ban tổ chức, cạnh ông là một phóng viên truyền hình đang quay. Ông không biết là tôi kính trọng ông vì điều đó. Có thể ông đã quen với cung cách phương Tây, hội thảo khoa học thì các nhà khoa học là nhân vật chính. Có thể ông muốn tỏ bày sự cám ơn đối với các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước dự một hội thảo bàn về sáng tác của mình. Nhưng sự giản dị, gần gũi của ông làm tôi quý trọng và ngạc nhiên. Vào hội thảo, đầu tiên là việc trao tặng ông bằng Tiến Sĩ Danh Dự của Đại học Đài Loan (ông đã được nhận danh hiệu này của Đại học Provence từ trước). Ông mặc áo thụng nhận bằng từ tay vị chủ tịch đại học, nói vài lời cám ơn, xong rồi đi ra thay quần áo, trở lại ngồi nghe các báo cáo. Không kiểu cách long trọng. Không khách khí xã giao. Kết thúc hội thảo là phần ông nói chuyện và trả lời câu hỏi của mọi người. 

(Poster hội thảo)

3. 

Tôi hỏi ông một câu về tên tác phẩm Linh sơn. Trong nguyên bản tiếng Trung “linh” có nghĩa là linh thiêng. Sao bản bản tiếng Anh, tiếng Pháp đều dịch “linh” là “hồn”, Linh sơn là núi hồn (Soul Mountain, La Montagne de l’Âme), mà không dịch là núi thiêng (Spiritual Mountain)? Ông đáp, đấy là do cảm nhận của người dịch. Bà Lillian Dutrait, một trong hai dịch giả dịch Linh sơn ra tiếng Pháp, giải thích, dịch không có nghĩa là “mot à mot”, trong linh sơn có một hồn núi ẩn giấu, con người đi tìm cái hồn ấy nhưng cả cuộc hành trình chưa thấy được. Vả lại, đọc trong tiếng Pháp, La Montagne de l’Âme có một nhạc điệu âm vang, khơi gợi. Nhân tiện bà Lillian cũng nói luôn về việc dịch một tiểu thuyết khác của Cao Hành Kiện, “Nhất cá nhân đích thánh kinh” (Thánh kinh của một người), bản tiếng Pháp là Le Livre d’un homme seul. Thánh kinh ở đây không nghĩa là Bible của Thiên chúa giáo, từ Livre viết hoa tiếng Pháp không nghĩa là sách thông thường. Tác phẩm này bản tiếng Anh thì dùng Bible,One Man’s Bible. Tôi nghe và nhớ có lần Cao Hành Kiện đã trả lời về nó. Được hỏi, vì sao cuốn tiểu thuyết có tên gọi là Kinh thánh của một người và vì sao trong cuốn truyện này về những đau khổ, buồn bã và bạo tàn xuyên suốt ba thập niên đầu của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ông lại dùng phụ nữ, nhất là những chuyện tình dục với phụ nữ, làm cách lấy lại ký ức đã mất, thu góp lại những kinh nghiệm đã mất, ông cho biết: “Tôi phải nói rằng đó tất nhiên là kinh thánh của con người. Nhưng mặt khác, nó không giới hạn ở kinh thánh của con người. Đó còn là về một cá nhân, một dân tộc nói chung, về cách nhân dân đã vượt qua những khủng hoảng và vượt qua những tai họa và bạo tàn. Tôi cũng mô tả những điều mê tín của nhân dân, hay là những sự không tưởng mà chúng ta cố tìm cách tạo ra. Con người có xu hướng nghĩ rằng hắn là một tạo hóa, rằng hắn giống Ông Trời. Điều này đặc biệt đúng cho giới trí thức, và trong thế kỷ vừa qua, giới trí thức có vẻ quên mất là họ cũng như mọi người khác thôi. Viết cuốn sách này là sự mô tả con người rời khỏi trạng thái Ông Trời về lại trạng thái con người, về lại làm một người bình thường”. 

4. 
(Cao Hành Kiện nhận bằng Tiến Sĩ Danh Dự của Đại học Đài Loan)
Trung Hoa đại lục từ chối ông, nhưng Trung Hoa hải đảo chào đón ông. Tại hội thảo, bà Tchen Tu-Chiou, nguyên bộ trưởng văn hóa Đài Loan, hiện là cố vấn chính sách quốc gia cho tổng thống Đài Loan, người được thưởng huân chương công huân của Pháp (Médaille de Chevalier dans l’Ordre National du Mérite de France), đã đọc bản báo cáo “Số phận may mắn của vở Tuyết tháng tám”. Theo đó, Cao Hành Kiện viết Tuyết tháng tám từ những năm 1990 trên nguyên tắc “bốn không”: nó không hoàn toàn là một vở opera Trung Quốc, không hoàn toàn là một vở opera theo nghĩa phương Tây, không hoàn toàn là một vở kịch sân khấu, không hoàn toàn là một vở ballet. Nó là sự trộn lẫn và hợp tác của tất cả các hình thức thể hiện khác nhau đó. Nhưng do thiếu kinh phí nên một thời gian dài vở kịch không được dàn dựng. Năm 2000 Cao Hành Kiện được giải Nobel văn học, đây cũng là năm Trần Thủy Biển giữ chức tổng thống Đài Loan. Đầu năm 2001 Cao được mời sang Đài Bắc, và với sự quan tâm cổ vũ của vị tổng thống mới,Tuyết tháng tám được khởi công dàn dựng tại đây. Để giữ được nguyên tắc “bốn không”, những người làm vở đã phải vượt qua nhiều thách thức khó khăn. Bà Tchen kể ra một thí dụ: “Vì ông [CHK] đã quyết định chọn các diễn viên opera Trung Quốc thể hiện vở này nên ông phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó vấn đề cơ bản nhất là: cách hát của các diễn viên opera Bắc Kinh hoàn toàn riêng biệt và đặc trưng cho lối thể hiện này. Vậy nhưng phần hát trong Tuyết tháng tám lại là một trong những cách tân lớn mà Cao Hành Kiện hy vọng tạo ra. Các diễn viên này đã được đào tạo để cả đời hát theo một lối, rất khó đòi hỏi họ đổi sang một lối hát hoàn toàn khác. Chẳng hạn, trong opera Trung Quốc người ta hát đối thoại theo lối đồng âm. Bây giờ diễn viên buộc phải hát đa âm, ứng với phần nhạc của dàn nhạc và phần ca của dàn đồng ca”. Nhưng mọi khó khăn thách thức rồi cũng được vượt qua. Ngày 20/12/2002 tại Nhà hát quốc gia Đài Bắc, vở Tuyết tháng tám lần đầu được công diễn. Và như tôi đã kể ở trên, tối 27/1/2005, vở này đã lần đầu tiên được ra mắt ở châu Âu tại Nhà hát opera Marseille với hai trăm diễn viên trong đó các diễn viên là người Đài Loan theo phong cách opera Trung Quốc, còn dàn nhạc và dàn đồng ca là của Pháp. Một sự hợp tác liên văn hóa để thực hiện một tác phẩm phương Đông viết bằng tiếng Hán - bà Tchen nhận xét. 

Trở lại sự kiện Tuyết tháng tám ở Đài Loan, bà Tchen Yu-Chiou đánh giá: “Nếu tổng kết những gì diễn ra ở châu Á năm 2002 trong lĩnh vực opera, người ta phải đặc biệt kể đến hai vở diễn. Một mặt, đó là vở operaTrà do Tan Dun dựng ở Nhật Bản với sự hỗ trợ kinh phí dồi dào của NHK, mặt khác là vở Bà Butterflydựng ở nhà hát opera Bắc Kinh với cảnh trí hoành tráng của kinh đô Tràng An do nhạc trưởng nổi tiếng Seiji Ozawa chỉ huy để kỷ niệm quan hệ hữu nghị Trung - Nhật. Tuy nhiên, sự kiện đánh dấu mùa diễn vừa qua chắc chắn vẫn là Tuyết tháng tám, bởi vì tác phẩm này độc đáo hơn, sâu sắc hơn, khêu gợi suy nghĩ xác thực hơn về ý nghĩa văn hóa là gì, do đó nó có sức sống và tương lai lâu dài hơn bất cứ tác phẩm nào khác”. 

Đài Loan là chốn đi về Trung Quốc hiện nay của Cao Hành Kiện ở nghĩa tinh thần, tình cảm. Khi gặp ông tại nhà riêng ở Paris, tôi hỏi xin ông bản quyền dịch tác phẩm, ông vui vẻ đồng ý cho dịch từ tiếng Trung, vì như lời ông nói, các bản tiếng Trung của ông đều in ở Đài Loan, ở đó ông có mối quan hệ thân tình với nhà xuất bản nên có thể nói với họ cho bản quyền được. Và ông đã lấy ra tặng tôi hơn chục tác phẩm in bằng tiếng Trung, trong đó có chục cuốn là kịch, đánh số in từ 1 đến 10. 

5. 

Trong báo cáo của tôi đọc tại hội thảo có một điểm liên hệ giữa kinh nghiệm lưu vong của Cao Hành Kiện với văn học lưu vong Việt Nam. Trong câu chuyện riêng với ông, tôi cũng hỏi chuyện này. Kết hợp với những điều ông nói trong các cuộc phỏng vấn khác nhau mà tôi đã đọc, tôi thấy Cao đã xác lập một quan niệm và vị thế nhà văn lưu vong của/cho riêng ông. Ông rời Trung Quốc sang Pháp khi đã bước sang tuổi năm mươi, khi đã có danh trên văn đàn, khi ông đã có cái vốn tiếng Pháp đủ dùng, và nhất là khi ông đã chủ trương một quan niệm coi văn chương là chuyện cá nhân, nên ông đứng tách biệt với mọi hội đoàn phe nhóm văn chương, không để mình dính vào một liên hệ nào với người Hoa hải ngoại. Ông tồn tại bằng viết, bằng chữ nghĩa. 

Có người hỏi ông trở thành nhà văn trong cảnh lưu vong (exile) hay lưu tán (diaspora) nghĩa là gì. Ông đáp: “Ở cấp độ thứ nhất, tôi nghĩ rằng trong thế kỷ XX vấn đề lưu vong hay tha hương là đặc biệt thấy rõ đối với văn nghệ sĩ. Ở cấp độ thứ hai mang tính tinh thần hơn thì lưu vong cũng có nghĩa là sự vượt qua ý thức hệ, vượt qua các thái độ và vượt qua các khuynh hướng, thế tức là lưu vong cũng là một cách theo đuổi cái vô chủ nghĩa hay là vượt qua ý thức hệ. Ở cấp độ thứ ba, nó có nghĩa là nhà nghệ sĩ muốn đứng ra bên lề xã hội. Nhìn từ góc độ này, lưu vong là một kiểu tâm trạng thích hợp, ít nhất là đối với văn nghệ sĩ. Đây là một điều tốt. Nếu anh đứng ở trung tâm xã hội, anh sẽ phải bị tiếp nhận đầu vào và sức ép từ quá nhiều lĩnh vực khác nhau, và đó không phải là thứ môi trường cần cho nghệ sĩ để vun xới khả năng sáng tạo và tư duy riêng của họ”. Trong cảnh lưu vong ông vẫn viết tiếng Trung, mặc dù giờ đây ông có thể viết bằng tiếng Pháp. Cũng đã có lần ông nêu quan niệm tính dân tộc của văn học là ở ngôn ngữ mẹ đẻ nhà văn dùng, còn như các kỹ thuật viết thì nhà văn tha hồ lựa chọn sử dụng. Một số báo cáo viên người gốc Trung Quốc tại hội thảo đã gọi Cao Hành Kiện là “nhà văn Trung Quốc” theo nghĩa nhà văn viết tiếng Trung Quốc (l’écrivain de langue chinoise) chứ không phải quốc tịch Trung Quốc. Và lời tuyên dương của Hàn Lâm viện Thụy Điển coi ông là người “mở ra nhiều nẻo đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và sân khấu Trung Quốc” thì “Trung Quốc” đây không chỉ là khoanh lại địa lý quốc gia. Có lẽ, một kinh nghiệm viết văn trong cảnh lưu vong như vậy cũng nên để các nhà văn Việt Nam lưu vong ngẫm ngợi. 

6. 

Ông đề tặng sách cho tôi bằng chữ Hán, viết lối chữ thảo, vốn ông cũng là nhà thư pháp có hạng. Tôi dắt lưng Hán tự chỉ dăm ba khối vuông, dòng đề tặng có bảy chữ, tôi đọc được năm chữ đầu “Phạm Xuân Nguyên tiên sinh” là đúng, đến hai chữ cuối thì đọc đại là “sở hữu” rồi suy luận ý người tặng muốn nói đây là cuốn sách thuộc quyền sở hữu của Phạm Xuân Nguyên, kiểu như ta tặng sách nhau thường đề “Bản của XYZ” vậy. Nhưng đọc thế rồi mà cứ băn khoăn. Về Hà Nội khoe bạn bè sách Cao Hành Kiện tặng mình, tôi mới được đọc đúng và hiểu đúng hai chữ cuối ấy, từ đó hiểu cả câu đề tặng. Hai chữ ấy là “huệ tồn”. Cả câu “Phạm Xuân Nguyên tiên sinh huệ tồn” nghĩa là anh giữ cho tôi cuốn sách này là làm ơn cho tôi, là cho tôi một ơn huệ. Đấy là một lễ phép khiêm nhường khi đề tặng sách. Tôi được giảng nghĩa như thế thì bất ngờ quá, sung sướng quá, trong lòng rất cám ơn Cao Hành Kiện đã cho tôi niềm vinh dự này. 

7. 
(Với Cao Hành Kiện tại hội thảo. Hai người từ trái sang là Nguyễn Phương Ngọc và Phạm Xuân Thạch)
Tôi sẽ không sang Pháp dự hội thảo về Cao Hành Kiện và gặp ông trò chuyện được nếu thiếu sự giúp đỡ của ba người. Trước hết là Nguyễn Phương Ngọc, tiến sĩ xã hội học ở đại học Provence. Chính cô đã giới thiệu tôi với giáo sư Noel Dutrait, trưởng nhóm nghiên cứu “Văn học Trung Quốc và dịch thuật” và là người tổ chức hội thảo, mời tôi. Cũng chính cô đã dịch bản báo cáo của tôi “Cao Hành Kiện ở Việt Nam” ra tiếng Pháp và luyện đọc cho tôi để trình bày ở hội thảo. Tôi học ngoại ngữ là tự học, lấy việc đọc hiểu và dịch văn bản làm chính, chứ nói thì ngô nghê ngọng nghịu, chưa lần nào nói nổi dăm ba câu ngoại ngữ cho ra hồn. Vậy mà tại hội thảo này lần đầu tiên tôi đã đọc tiếng Pháp trước một cử tọa khoa học đến 15 phút (thế vẫn còn thừa 15 phút, vì mỗi báo cáo viên được đọc nửa giờ), nghĩ mình cũng liều khiếp vía. May mà đã có bản dịch sẵn phát cho từng người. Tôi cũng đã chuyển cho Cao Hành Kiện một bản dịch đó ngay hôm đầu tiên hội thảo. Hôm sau gặp lại ông cám ơn và nói thích. Đến phần thảo luận, Ngọc đã giúp tôi dịch các câu hỏi và trả lời. Ý kiến hỏi dồn về việc kiểm duyệt xuất bản ở Việt Nam vì điểm thứ nhất trong báo cáo của tôi là nói về sự tiếp nhận Cao Hành Kiện có khó khăn lúc đầu do sự tế nhị của quan hệ ngoại giao Việt - Trung trước việc Cao được giải Nobel văn học năm 2000. Có một câu hỏi: làm nhà văn ở Việt Nam là một sự nguy hiểm. Tôi đáp: theo tôi, làm một nhà văn trung thực, dũng cảm thì có lẽ ở đâu cũng nguy hiểm, nhưng trong hoàn cảnh như ở Việt Nam thì có phần nguy hiểm hơn. Tôi trả lời mấy câu hỏi liền qua lời dịch của Ngọc thì ông Noel Dutrait, chủ trì ngày hội thảo hôm đó, đề nghị cử tọa hỏi sang nội dung chính. Người thứ hai giúp tôi ở Aix-en-Provence trong những ngày hội thảo là Phạm Xuân Thạch, thạc sĩ, giảng viên khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, đang sang đây làm thực tập sinh. Thạch đã đi cùng tôi trong các sinh hoạt ngoài hội thảo, đã dịch cho tôi những cuộc trò chuyện với Cao bên hành lang, trong bữa ăn. Thạch đã mua ngay một cuốn La Montagne de l’Âme để xin Cao đề tặng, sau rồi Thạch bảo: ông ấy không đề chữ “tiên sinh” cho cháu, chỉ cho chú thôi. Và người thứ ba là Cao Việt Dũng đang học École Normale Supérieuse ở Paris đã cùng tôi đến nhà riêng Cao Hành Kiện dịch cả một cuộc trò chuyện dài. Nhờ Ngọc, Thạch, Dũng, tôi đã có một cuộc hội thảo bổ ích và một lần gặp gỡ Cao Hành Kiện trên đất Pháp, ở Aix-en-Provence trời xanh nắng vàng gió mistral thổi ào ạt và ở Paris tuyết trắng phủ đầy phố phường, thật ấn tượng và thú vị. 

Aix-en-Provence 1/2005 

Paris 2-3/2005 

Hà Nội 4/2005
Phạm Xuân Nguyên
Phần nhận xét hiển thị trên trang