Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Trung Quốc : Tứ Xuyên tịch thu chân dung Đạt Lai Lạt Ma



Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay 03/02/2016 cho biết, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, nơi đa số cư dân là người Tây Tạng, đã tung ra chiến dịch tịch thu các hình ảnh của Đạt Lai Lạt Ma. Thậm chí một chuyên gia Trung Quốc còn so sánh lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng với Saddam Hussein. 
Global Times dẫn lời trưởng ban tuyên giáo tỉnh Tứ Xuyên tuyên bố : « Đây là một chiến dịch diễn ra liên tục nhằm chống lại các hình ảnh khiêu dâm và các xuất bản phẩm bất hợp pháp trước Tết âm lịch ».

Tất cả các thương nhân tại Tứ Xuyên, tỉnh giáp ranh Tây Tạng, được yêu cầu từ nay cho đến thứ Ba tuần tới phải giao nộp cho chính quyền các hình ảnh của Đạt Lai Lạt Ma, mà họ thường bán một cách lén lút dù bị cấm đoán.
Bị chính quyền cộng sản Trung Quốc coi là kẻ thù, bị kết tội đòi độc lập, nhưng Đạt Lai Lạt Ma luôn được người Tây Tạng tôn sùng, rất nhiều người có chân dung của ngài. Trong những năm gần đây, các nhà buôn ở Tứ Xuyên vẫn bày bán các bức chân dung của lãnh đạo tinh thần Tây Tạng.
Nay thì một « đội quy tắc » đã được thành lập, gồm công an và các viên chức khác, phụ trách đi tịch thu các hình ảnh bị cấm.
Một chuyên gia được tờ Global Times trích dẫn đã không ngần ngại so sánh Đạt Lai Lạt Ma, người từng đoạt giải Nobel hòa bình, với Saddam Hussein, nhà cựu độc tài Irak đã bị hành quyết năm 2006 vì tội ác chống nhân loại.
Theo ông Liêm Tương Dân (Lian Xiangmin), thuộc Trung tâm nghiên cứu về Tây Tạng của Trung Quốc đặt tại Bắc Kinh : « Treo ảnh của Đạt Lai Lạt Ma trước mắt người Trung Quốc, cũng như treo ảnh của Saddam Hussein trước người Mỹ ».
Còn trưởng ban tuyên giáo tỉnh Tứ Xuyên nói : « Nhân dân được khuyến khích treo ảnh các lãnh đạo đất nước trước đây và hiện nay », ý nói Mao Trạch Đông và những người kế nhiệm.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

XÔN XAO BÀN TÁN VỀ TÁO QUÂN NĂM NAY TRÊN VTV

TÁO của Luân Lê: Xem Táo quân chỉ thấy buồn và đau, cũng đôi lúc bật cười, nhưng chua chát và cảm thấy không thể nói lên lời. Đúng là dân mình ngây thơ và chẳng cần gì hết thật. Nhưng khi xô bồ vào cuộc sống thì sẵn sàng giành giật và đầu độc nhau để kiếm lợi.
Tôi ấn tượng nhất là đoạn đầu nói về niềm tự hào để khoe với thế giới, chỉ có chiếc nón lá. Và đoạn cuối cùng, không tìm được tham nhũng. Vở kịch cứ lặp lại mãi mà dân thì vẫn háo hức chờ đợi để xem.

Họ cười chính cuộc đời đang diễn ra mà họ là một thành phần sống trong đó. Vậy mà cứ cười cho được. Không còn biết nhục và xấu hổ nữa. Không có một đất nước nào mà nhà nước dựng bi kịch đời thực cho dân chúng xem mà dân chúng lại thích thú cười trên những bi kịch ấy. Đau đớn cho não trạng của một dân tộc.

Lát nữa bắn pháo hoa. Tha hồ xem. Và hết tết lại cắm đầu mà đi làm thuê và trả nợ cho thiên hạ. Và tiếp tục tụt hậu so với bạn bè, với thế giới xung quanh.

Tôi nói cho hết một năm. Một năm cũng chỉ có vậy.

Và xin chúc tất cả an lành.
___________

TÁO QUÂN: PHẾ HOÀNG
Chương trình Gặp Nhau Cuối Năm có vẻ càng lúc càng đi xuống, hoặc ít nhất là sự đón nhận của khán giả đang ngày một ít nồng nhiệt hơn. Vì sao vậy? Có lẽ vì giờ đây người dân không còn tin hoặc dễ dàng chấp nhận các vấn nạn xã hội liên quan tới đời sống thiết thân của họ được xí xoá bởi cái cười tất niên giản đơn như vậy nữa.

Thêm nữa, nếu các vấn nạn xã hội được Táo báo cáo lên Ngọc Hoàng cứ mãi không có chuyển biến, năm này qua tháng nọ vẫn thế thì có thể phải nghĩ vấn đề nằm ở chỗ... Ngọc Hoàng.

Không phải chỉ là phê phán, doạ cách chức Táo này Táo nọ nữa. Không hiệu quả đâu..

Đã đến lúc tính đến giải pháp đưa ra một cơ chế bầu chọn chính... Ngọc Hoàng. Hoặc phế luôn Ngọc Hoàng. Sẽ chuyển biến ngay.
____________

Chẳng phải quá tệ đâu!
Mấy lời nhỏ nhẹ, dịu dàng theo phong cách lung tung lang tang của Trưởng thôn Khoai lang sáng mồng 1 tết Bính Thân:

Gần đây, bà con càng xa Táo Quân chả phải vì chương trình táo quá tệ đâu, như năm nay là khá đấy, là vì, hàng ngày, hàng tháng, cả năm, bà con chứng kiến nhiều quả táo quá, nhiều thì cảm xúc nhờn, cái thật còn hay hơn, hài hơn, phê hơn cái diễn.

Ví dụ, tôi thách 108 nghệ sĩ nhân dân nước nhà diễn thế nào, nói thế nào, lúng búng thế nào, lắp bắp thế nào, xút xít thế nào cho ra thần thái, cho ra vẻ ngơ ngơ không hề nhẹ của ông Bộ trưởng Văn hoá TT&DL nói trước Quốc hội về cái nón lá, cái nón, nón lá, đúng là cái nón, vâng, cái nón lá, vâng, nón bài thơ?

Tôi thách 108 nhà văn viết kịch hài cũng không thể nghĩ ra câu thoại như câu nói gan ruột khiến cả nước cười lộn ruột của ông Bộ trưởng giáo dục: Trước, một lớp 40 em trên một giáo viên, bây giờ đổi mới rồi, cải cách rồi, một giáo viên dạy 40 em.

Tôi thách 108 nhà lý luận chụm đầu vào cũng chả nghĩ ra được kết luận: Tham nhũng năm nay ổn định như ông Tổng Thanh tra Nhà nước.

Tôi thách 108 luật sư cũng chả bảo vệ nổi thân chủ của mình khi ông Cuông đại biểu quốc hội tuyên bố về việc Bộ công an quy định CSGT trưng dụng tài sản công dân dậy sóng phản đối: Đúng hay sai người dân phải thực hiện đã...

Thống kê ra hết những phát ngôn hài hước, ấu trĩ, ngớ ngẩn của quan chức Việt có mà hết năm Bính Thân.

Kết luận, không biết tạo hoá nước Nam xoay vần nhầm vào điều gì mà quan chức lại dành đất diễn hài của nghệ sĩ hài, khiến nghệ sĩ hài diễn mãi vẫn ra bi.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI.

Lạy các quan năm mới sửa hàm, sửa lợi, sửa óc, sửa não để đừng có xoen xoét, toen toét, đừng có khôi hài, thà không nói người dân vẫn nhầm lẫn "đáng yêu" đó là quan, phọt ra câu ngu ngơ, bi hài quan dễ thành... quàn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vui buồn chuyện Tết năm nay ở VN


Ngày Tết Nguyên Đán ở VN bao giờ cũng là ngày quan trọng nhất đối với các “đại gia” cũng như với người dân nghèo khó, dù “rách quanh năm” cũng phải có một tí gì đó gọi là Tết cho gia đình, con cháu đầm ấm vui vẻ. Dân gian có câu: “Đói ngày giỗ cha, phải lo ba ngày Tết”.
Vào dịp này một số lớn gia đình người Việt ở hải ngoại hẳn là nhớ đến cái Tết ở quê nhà. Nhiều vị bận đi làm không có nhiều thì giờ ôn lại những cái Tết ở VN. Tôi điểm lại một số phong tục của ngày Tết ở VN để bạn đọc có dịp nhớ lại và vài chuyện vui buồn gần đây nhất để bạn đọc cùng vui xuân.

Chuẩn bị Tết

Tết của người Việt vào ngày mồng 1 tháng 1 âm lịch hằng năm. Năm nay có tháng chạp thiếu nên mới ngày 29 đã là 30 Tết và là ngày chủ nhật 07-2-2016. Dân gian quan niệm rằng trước khi đến ngày Tết chính thức, tất cả mọi thứ đều phải chuẩn bị thật đầy đủ, mong khởi đầu một năm mới may mắn và thành công. Do vậy, sau ngày 23 tháng chạp là ngày đưa “Ông Táo về trời”, bước vào bất cứ nhà nào của người Việt cũng sẽ thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, tất bật. Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết người người đều trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới. Trên tường treo những bức tranh Tết hoặc câu đối, trong nhà thì đặt những lọ hoa đầy màu sắc, đặc biệt nhắc đến Tết thì không thể không nhắc đến hoa Đào (Miền Bắc) – Hoa Mai (miền Nam). Đôi nơi vẫn còn tục lệ múa lân nhất là ở vài Thành Phố lớn.

Ở Sài Gòn năm nào cũng tổ chức “đường hoa”. Nhưng 2 năm nay tôi không bước chân tới vì cứ nghĩ năm nào cũng vậy thôi, xem mãi chán rồi. Có khác chăng năm nay là năm con khỉ nên chắc là nhiều khỉ lắm. Vả lại mỗi lần đến đây lại nhắc nhớ tới những kỷ niệm cũ với người tình, với bạn bè xưa kia, càng buồn thêm.

Nét đặc trưng của Tết Việt là mâm cỗ trên bàn thờ vào tối giao thừa, ngoài các loại bánh mứt còn có mâm ngũ quả với các loại trái cây đặc trưng của người Việt như Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm được bày lên trang trọng và đẹp mắt thể hiện mong muốn của gia chủ cho một năm mới với những điều may mắn, tốt lành. Vào ngày Tết còn có tục thờ cúng tổ tiên, hái lộc đầu xuân, xông đất đầu năm, chúc Tết, lì xì mừng tuổi.

Năm 2016 là năm Bình Thân (năm con khỉ), nên các đồng tiền có in hình con vật này cũng có giá hơn. Năm nay đồng xu in hình con khỉ của Australia và tiền khỉ may mắn của Indonesia cũng được “nhập cảng” vào VN và đã bán được khá nhiều.

Bên cạnh đó người Việt rất xem trọng lễ nghĩa, nên trước Tết mọi người thường dành tặng nhau những món quà Tết thể hiện sự quan tâm, lòng biết ơn, tôn kính với gia đình và bạn bè. Các nhà chuyên làm quà Tết tha hồ hốt bạc.

Quà Tết có nhiều loại, nhiều “kiểu”

Các đại gia đua nhau kiếm món quà Tết độc đáo tặng những nơi thường giao thiệp nhất là với các cơ quan và các quan chức họ thường phải nhờ vả. Họ không ngần ngại mua quả phật thủ đẹp nhất với giá trên dưới 10 triệu đồng, nhưng những quả có giá cao như thế thường rất hiếm, hàng chục ha mới tìm được 1 quả. Hoặc có những đại gia hay đại quan chơi ngông mua chậu địa lan Trần Mộng 100 cành nở cùng lúc vào đúng dịp Tết đã được một đại gia mua với giá 70 triệu đồng. Có đại gia bỏ trăm triệu mua cây bạch đào chơi Tết. Nhiều tay chơi quan niệm, có được một gốc đào cổ thụ với dáng độc là năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, phát lộc trong làm ăn. Vì thế, dù bị “hét giá” lên tới cả trăm triệu nhưng rất nhiều người vẫn sẵn sàng móc hầu bao. Một con gà Đông Tảo cũng được trả giá tới 70 triệu đồng. Thế mới là của “hiếm quý” mua được sự hài lòng của các “đối tác”.

Các đại quan cũng bận rộn không kém, chuẩn bị nhận quà Tết và tất nhiên phải chu đáo với các quan trên mình. Các công ty dù là vốn nhà nước hay của tư nhân cũng phải chuẩn bị một món quà Tết cho các nhân viên của mình.

Tất cả như đã thành một thứ luật bất thành văn nhưng mọi nơi đều rộn ràng chuẩn bị cho tục lệ bất thành văn này. Dù cho công ty có thua lỗ cũng phải tìm cách “thưởng” cho nhân viên kẻo mang tiếng với các công ty bạn, như thế chẳng khác nào “tự vạch áo cho người xem lưng” công ty của mình… sắp phá sản.

Năm nay kiểu thưởng Tết ở VN cũng có nhiều chuyện lạ. Sau một năm làm việc, cống hiến, hẳn người lao động nào cũng hào hứng chờ đợi thưởng Tết từ doanh nghiệp. Nhưng không ít người phải “ngậm ngùi” khi trông thấy phần thưởng ấy. Mời bạn đọc hãy xem mấy kiểu thưởng Tết khá vui này.

Nhận quà Tết mà muốn dở khóc, dở cười!

Báo Giao thông ngày 02/1 cho biết, thay vì sử dụng tiền mặt như thông thường, nhiều doanh nghiệp sử dụng tương ớt, quần đùi… để thưởng cho nhân viên sau một năm làm việc.

Một công ty vật liệu xây dựng ở Thái Nguyên thưởng Tết cho mỗi nhân viên 200 viên gạch. Một cơ sở sản xuất hương (nhang thắp) ở Đan Phương- Hà Nội thưởng Tết bằng 100 ngàn đồng và… các loại nhang.

Độc đáo không kém là một công ty dệt may quận Hoàng Mai- HN thưởng Tết mỗi nhân viên tới 70 chiếc quần đùi. Và thế là Tết này, với thời tiết giá rét đặc trưng của mùa đông Hà Nội, 70 chiếc quần đùi. Có lẽ họ… sử dụng luân phiên tận hơn hai tháng sau Tết mà không phải giặt giũ! Một độc giả đã viết: Thế là “anh mặc, em mặc, con chúng ta mặc, và biết đâu… hàng xóm cũng mặc quần đùi đi chúc Tết luôn”.

Nhưng hài hước nhất, là công ty truyền thông T.V thưởng tới 30 bịch giấy vệ sinh cho nhân viên ăn Tết. Còn một công ty ở TP. Sài Gòn lại thưởng Tết cho mỗi nhân viên một thùng tương ớt. Riêng lãnh đạo thưởng lớn hơn, mỗi người hai thùng. Đúng là ăn Tết… cay hơn ớt! Không biết nên mếu hay nên cười!

Quần đùi, giấy vệ sinh, gạch men tuy “kỳ cục” thật đấy nhưng xem ra còn dùng được hoặc đem cho thoải mái được, chứ công ty chuyên sản xuất… dung dịch vệ sinh phụ nữ, bao cao su mà thưởng Tết bằng sản phẩm thì người nhận chỉ có nước đem bán hoặc vứt xó (nếu bán chạy thì công ty đã không “đổ” cho nhân viên).

Vẫn có những công ty thưởng Tết ai cũng phải thèm

Tuy nhiên, bên cạnh các công ty thưởng gạch, nhang thắp, tương ớt, quần đùi, giấy vệ sinh…, thì cũng có những công ty thưởng Tết rất lớn, trong dịp Tết Âm lịch. Tỷ như có công ty tại Q. Bình Tân (Saigon) công bố mức thưởng Tết cao nhất đến 320 triệu đồng/ người (Theo báo Người Lao Động). Nhưng chưa ăn thua gì, so với mức thưởng 600 triệu đồng, thuộc về một DN tư nhân. Quả là mức thưởng Tết “khủng” ai cũng phải thèm. Nhưng thật ra số thưởng tết “khủng” này chĩ dành cho các sếp.

Các ông chủ ngoài việc tôn trọng công sức mồ hôi nước mắt của người lao động còn là một sự khôn ngoan khiến người làm công, làm giàu cho mình càng phải cố sức làm việc hơn nữa.

Mười năm không phát hiện tham nhũng

Mới bước sang đầu năm dương lịch 2016, nghe cái tin “mười năm không phát hiện tham nhũng”, mấy anh dân đen mừng húm, thế là nước VN chúng tôi tham nhũng chết ráo cả rồi. Nhưng thật ra vừa đọc xong bản tin này, người dân lại thở dài bởi họ biết chắc rằng tham nhũng ở cái thời đại này không bao giờ hết. Nó chỉ đi trốn là tài nhất. Trốn ngay trong cơ quan nhà nước, trốn ra nước ngoài, trốn trong xó nhà bà con họ hàng nội ngoại, trốn về quê đuổi gà nhưng vẫn có hàng ngàn tỉ trong ngân hàng.

Vậy mà người dân đọc số báo đầu tiên của năm mới, nhiều bạn đọc ngớ người khi “vấp” phải thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa về việc 10 năm qua tỉnh này không phát hiện cán bộ nào nhận quà. (Theo Báo Người Lao động ngày 1-1-2016)

Nghe cứ như chuyện đùa chứ ai nghĩ rằng thông tin này được long trọng đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 31-12 vừa qua.

Không phải chỉ có tỉnh Khánh Hòa mà cả UBND Hà Nội cũng có báo cáo: ‘Không có cán bộ nào nhận quà sai quy định”.

Báo cáo việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng, chính quyền Hà Nội thông tin: “Năm 2015, các đơn vị báo cáo không có trường hợp nào vi phạm trong nhận, tặng quà theo quyết định 64 của Thủ tướng”.

Và “Trong nhiều năm, Hà Nội không phát hiện trường hợp nào vi phạm việc tặng và nhận quà. Tương tự, không có trường hợp nào phải xác minh, kết luận về việc kê khai tài sản thu nhập không trung thực”.

Nghe muốn phát sốt vì những cái báo cáo quá “sạch sẽ” ấy, người dân bèn phản ứng ngay trên các báo. Họ tức giận và thẳng thừng đưa ra nhận xét của mình.

Tham nhũng đầy ra đấy, chỉ có người mù mới không nhìn thấy

- Bạn đọc Nguyễn Thế Tòng, một người dân của Khánh Hòa, thốt lên: “Khó tin!”. Chẳng biết bằng “phương pháp, nghiệp vụ” gì mà tỉnh này có thể theo dõi được từng cán bộ của mình để đưa ra một kết luận chủ quan như thế. Còn nếu để cán bộ tự khai thì điều này còn dị hợm hơn và một hội nghị như thế chẳng cần phải tổ chức để khỏi tốn tiền của, thời gian… Và quan trọng hơn để người dân khỏi thấy mình bị xem thường”.

Nhiều bạn đọc phản hồi qua Báo Người Lao Động rằng, xây một căn nhà cấp 4 thôi, vừa đổ đống đất là có các “anh” xuống hỏi thăm ngay. Không có quà thì chẳng yên thân. Xin giấy phép xây dựng cũng phải đủ kiểu “tình thương mến thương”, rồi kiểm tra các kiểu, môi trường, điện nước… “Chỉ có người mù mới không thấy những chuyện như thế. Mà người mù không thấy thì cũng nghe người dân ta thán hằng ngày”.

Ngay những số liệu đưa ra từ hội nghị cũng đã mâu thuẫn với những gì lãnh đạo tỉnh này công bố. 10 năm qua, tỉnh thực hiện gần 1.000 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm liên quan đến tham nhũng hơn 269 tỉ đồng và gần 670 ha đất các loại. 71 bị can, bị cáo tham nhũng bị xử lý… Gần đây nhất chuyện một ông cán bộ Hải Quan TP Sài Gòn mới đi vắng vài ngày thế mà số phong bì hơn 60 cái (chưa mở) được ông gom bỏ vào một túi ny-lông xách mang ra để về nhà thì bị các trinh sát của Cục A84 ập vào bắt giữ. Số tiền này tổng cộng gần 1 tỷ đồng được các doanh nghiệp buộc phải chung chi trong 5 ngày, tương đương khoảng thời gian ông du hí bên Trung Quốc. (Tôi đã tường thuật chi tiết và phân tích việc này trong bài tuần trước).

Tham nhũng đầy ra đó chứ phải ít đâu mà đưa ra số liệu “trong sạch” thế! Ai tin được. Đầu năm đã phải nghe những “báo cáo báo cầy giả” như thế thì sui cả năm. Và một nguy cơ khác là kẻ tham nhũng sẽ xử người chống tham nhũng như ông Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Sài Gòn) đưa ra cảnh báo: “Người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại …”,

Rõ ràng nguy cơ nằm ở tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước. Bọn tham nhũng rất xảo quyệt, chúng kéo bè kết cánh bảo vệ lẫn nhau, bóp chết người dân lương thiện chống tham nhũng. Vậy ai còn dại gì chống tham nhũng nữa, bỗng dưng chui đầu vào hang hùm miệng sói. Im lặng và chịu đựng, chịu đựng cho đến bao giờ?!

Vậy người VN nhìn thấy gì trong năm Con Khỉ này? Nhìn thấy khỉ nhiều hơn người chăng?

Văn Quang – Ngày giáp Tết Bính Thân (2016)

Hình:



01- Mâm cơm cúng Giao Thừa



02- Tục lệ Múa lân vẫn còn tại nhiều Thành Phố hiện nay



03- Năm nay đường hoa khỉ nhiều lắm

04- Bức tranh dân gian thú vị tranh “Hứng Dừa”



05- Tiền xu Autralia và tiền in hình khỉ Indonesia được bán tại VN


05- Con gà Đông Tảo được định giá vào khoảng 60-70 triệu đồng được bày bán tràn lan trên thị trường ở Hà Nội


07- Chậu địa lan trước khi xuất bán, có chậu trị giá 70 triệu đồng


08- Phần thưởng tết kỳ quái quần đùi, tương ớt, gạch, giấy vệ sinh và đủ thứ linh tinh

http://www.tredeponline.com/post/?p=91902
Phần nhận xét hiển thị trên trang

5 nhân vật sẽ quyết định diện mạo Việt Nam vài năm tới?







1. Người đầu tiên trong Bộ chính trị Đảng Cộng sản VN khoá 12 tôi đã giới thiệu trên FB của tôi là kỹ sư xây dựng, trung tướng công an Phạm Minh Chính, sinh năm 1958 hiện là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ông Chính đã tỏ ra là nhà tổ chức cán bộ có hạng, khi tham mưu cho Bộ Chính trị khoá 12 để 2 ông kỹ sư, từng lãnh đạo đại doanh nghiệp, không chuyên công tác Đảng làm Bí thư hai thành phố lớn nhất nước. Nếu tới đây, ông Chính đề xuất bổ nhiệm vài vị không xuất thân công an vào lãnh đạo ngành công an (như các ông Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh trước đây), tôi sẽ tin vào bản lĩnh của ông có khả năng thay đổi mang tính đột phá về tổ chức cán bộ.


2 và 3. Các ông Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải sẽ thay đổi diện mạo hai thành phố, cũng sẽ góp phần thay đổi Việt nam. 

4. Ông Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1961, tiến sỹ toán, đương kim thống đốc ngân hàng nhà nước, đi lên từ trong ngành ngân hàng, hiểu rõ mọi ngóc ngách của ngân hàng và khách hàng của ngân hàng. Ông Bình là một người thông minh, sắc sảo, bản lĩnh, quyết đoán. Hệ thống ngân hàng Việt nam suy sụp là hậu quả từ các đời thống đốc khác, ông đã chèo chống để hệ thống này không đổ vỡ và hoạt động bình thường trở lại. Nếu ông Bình làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế, thủ tướng sẽ nhàn và yên tâm, nhiệm vụ chính của thủ tướng là để ông Bình thay mặt mình quyết mọi chuyện về kinh tế. 

5. Ông Võ Văn Thưởng sinh năm 1970, cựu bí thư thứ nhất đoàn thanh niên, Trưởng Ban Tuyên giáo.

Ông Thưởng còn trẻ, có cơ may đọc diễn văn kỷ niệm Đảng CSVN 100 tuổi. Ông từng gây ấn tượng khi gặp và đối thoại với hàng ngàn dân biểu tình trên quốc lộ 1 ở tỉnh Quảng ngãi vào tháng 10/2013, khi ông là bí thư ở đây. Ông sẽ có dấu ấn lớn cho nền dân chủ, báo chí, mạng xã hội ở Việt nam, nếu ông có tư tưởng phóng khoáng của người miền Nam, không can thiệp thô bạo vào báo chí, chấp nhận sự đa dạng ý kiến. Ông có kinh nghiệm này khi là Bí thư Đoàn tại TPHCM, lúc đó báo Tuổi trẻ thuộc chủ quản của ông đang phát triển trên đỉnh cao, bán chạy nhất nước.


______________

Hiến pháp phải được tuân thủ!

Các ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Giao thông vận tải ĐInh La Thăng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ NGuyễn Văn Nên được Bộ chính trị Đảng CSVN khoá 12 phân công nhiệm vụ bên Đảng, nhiều vị trong đó có cả chính Thủ tướng và các vị đó cho rằng với quyết định của BCT, các vị không còn chức vụ, quyền hạn trong Chính phủ. Đây là cách hiểu sai vì :

1/ Theo khoản 3 điều 4 Hiến pháp 2013 các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Như vậy quyết định của BCT không thể đứng trên Hiến pháp.

2/ Theo khoản 7 điều 70 Hiến pháp 2013 Quốc hội có quyền "phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ". Theo khoản 3 Điều 98 HP, Thủ tướng có quyền hạn và nhiệm vụ "Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;"

Thủ tướng Chính phủ chưa trình đề nghị miễn nhiệm, Quốc hội chưa họp đề phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, các vị trên vẫn là thành viên Chính phủ.

Trước đây, ông Nguyễn Phú Trọng từng có thời gian đảm nhận chức Tổng Bí Thư lẫn Chủ tịch Quốc hội (từ 19/1/2011 đến 23/7/2011), hay ông Nguyễn Quốc Triệu đảm nhận cả Bộ trưởng Bộ y tế lẫn chủ tịch UBND TP Hà nội trong 1 tháng (8/2006).

Sau Tết, các vị nhớ đến Hiến pháp nhé. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

nguy cơ chưa giàu đã già


‘Cú sốc thời gian’ và nguy cơ cho Việt Nam

Lãnh đạo của Việt Nam trong giai đoạn tới cần ý thức sâu sắc cú sốc của thời gian liên quan đến vị trí của đất nước trên vũ đài thế giới và về nguy cơ chưa giàu đã già. Thời gian không còn nhiều.
Trong tiếng Việt, tiếng Nhật, và cả tiếng Anh đều có câu “Thời gian không chờ đợi chúng ta”. Câu này có xuất xứ từ câu “tuế nguyệt bất đãi nhân” trong một bài thơ của Đào Uyên Minh, tức Đào Tiềm, một thi nhân đời Đông Tấn bên Trung Quốc, mặc dù nguyên ý trong bài thơ đó thì khác với ý nghĩa thường dùng thời nay. Thời nay người ta thường cảnh giác nhau hoặc khuyên giới trẻ là thời gian rất quý, đã đi qua thì không bao giờ trở lại nên phải nỗ lực tận dụng thời gian để học tập, làm việc, để không bỏ lỡ cơ hội và đạt mục đích như mong muốn.Nhưng đó là ý nghĩa trong đời thường. Ở cấp quốc gia, yếu tố thời gian còn quan trọng hơn nữa. Lãnh đạo đất nước nếu quyết tâm tiến hành cải cách nhanh chóng để phá bỏ rào cản phát triển, tận dụng cơ hội của thời đại thì trong một thời gian ngắn có thể đưa đất nước lên hàng một quốc gia tầm cỡ, được thế giới nể trọng.
Ngược lại, nếu lãnh đạo bị giáo điều ràng buộc, bị lợi ích nhóm thao túng hoặc thiếu khát vọng nhìn thấy tương lai huy hoàng của dân tộc và bỏ lỡ thời cơ thì đất nước tụt hậu trên vũ đài quốc tế. Trong rất nhiều trường hợp, người lãnh đạo khi đang cầm quyền ít khi ý thức được sự nghiệt ngã của thời gian, họ chỉ lo giải quyết những vấn đề trước mắt, kể cả việc dồn nỗ lực vào việc duy trì địa vị hiện tại. Người dân dĩ nhiên cũng chỉ lo cuộc sống hàng ngày và cho tương lai của riêng gia đình mình. Nhưng với những quốc gia ấy, sau vài mươi năm nhìn lại sẽ thấy choáng váng với cú sốc của thời gian.
Chỉ nhìn lịch sử ở châu Á cũng thấy nhiều trường hợp tương phản mà yếu tố thời gian biểu hiện rõ nét. Vào năm 1952, Nhật là nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng chỉ 15 năm sau tiến lên nước thu nhập trung bình cao và thêm 13 năm nữa trở thành cường quốc kinh tế. Dĩ nhiên Nhật đã có tích lũy về vốn thể chế, về nguồn nhân lực từ thời Minh Trị nên khi có điều kiện thì phát huy rất nhanh. Nhưng cái điều kiện để các nguồn lực đó phát huy nhanh là nhờ năng lực và khát vọng của lãnh đạo trong giai đoạn mới. Không thiếu trường hợp nhiều nước đã phát triển đến giai đoạn thu nhập trung bình nhưng sau đó trì trệ lâu dài (và do đó đã xuất hiện khái niệm “bẫy thu nhập trung bình”). Không phải chỉ có Nhật mà Hàn Quốc và Đài Loan cũng thắng lợi trong cuộc chạy đua với thời gian. Hàn Quốc chỉ mất 16 năm (từ 1971-1987) để chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao và chỉ mất thêm 10 năm nữa để tiến lên hàng các nước tiên tiến. Đài Loan trở thành nền kinh tế tiên tiến vào năm 1995, chỉ tốn 12 năm kể từ giai đoạn thu nhập trung bình cao.
Ngược lại, người Philippines chắc chắn phải choáng váng với cú sốc thời gian. Giữa thập niên 1950 thu nhập đầu người của họ cao hơn cả Hàn Quốc nhưng đến năm 1976 mới trở thành nước thu nhập trung bình thấp và từ đó đến nay đã gần 40 năm vẫn ở vị trí đó! Năm 1960 thu nhập đầu người của Philippines cao gấp đôi Thái Lan nhưng 15 năm sau đó Thái Lan theo kịp Philippines và bây giờ thì Philippines chỉ bằng nửa của Thái Lan.
Đối với các nước đi sau, cơ hội để đốt giai đoạn, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước đi trước thường có nhiều. Công nghệ, tri thức kinh doanh, vốn đầu tư, kinh nghiệm phát triển, thị trường... đã có sẵn. Nhưng thành công hay thất bại trong việc sử dụng ngoại lực tùy thuộc chất lượng thể chế và bản lĩnh, tố chất của lãnh đạo. Chuyển từ thể chế cũ sang thể chế mới thường mất nhiều thời gian nhưng những nước phát triển đã thành công trong việc tiến hành cải cách thể chế trong thời gian ngắn. Những nước thất bại trong cuộc cải cách thể chế sẽ tụt hậu và sẽ chịu một cú sốc thời gian rất mạnh.
Trên đây là trường hợp cú sốc thời gian trước hiện tượng tụt hậu so với các nước chung quanh. Một cú sốc khác ít được nhận diện, vì tiến hành âm thầm, chậm rãi nhưng khắc nghiệt vì khi đã thành hiện thực thì hầu như không thể đối phó được nữa. Đó là cú sốc trước hiện tượng chưa giàu đã già do không nỗ lực tận dụng giai đoạn thuận lợi của cơ cấu dân số để phát triển nhanh và do đó không chủ động đối phó trước sự thay đổi của cơ cấu dân số theo hướng lão hóa. Nước nào cũng trải qua giai đoạn dân số vàng (tỷ lệ của người thuộc độ tuổi lao động trong tổng dân số tiếp tục tăng) trước khi chuyển sang giai đoạn lão hóa. Nếu bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn dân số vàng để đất nước giàu lên trước khi cơ cấu dân số thay đổi thì chắc chắn sẽ trực diện với bi kịch chưa giàu đã già, và cú sốc thời gian ở phương diện này sẽ rất nghiệt ngã.
Bây giờ chuyển qua vấn đề của Việt Nam.
Theo tư liệu của ECAFE, tiền thân của ESCAP (Ủy ban Liên hiệp quốc về kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương) thì vào năm 1954, thu nhập đầu người của miền Nam Việt Nam là 117 đô la Mỹ, xấp xỉ Thái Lan và cao hơn Indonesia (Thái Lan là 108 đô la Mỹ và Indonesia là 88 đô la Mỹ vào hai năm trước đó). Hiện nay (năm 2014) Việt Nam chỉ bằng một phần ba Thái Lan và một nửa Indonesia, mặc dù hai nước này không phải là những quốc gia phát triển nhanh như Nhật hay Hàn Quốc. Không kể giai đoạn chiến tranh trước 1975, thời gian 40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt hoặc 30 năm từ khi đổi mới cũng đủ dài để chuyển Việt Nam thành một quốc gia tầm cỡ trên thế giới.
Đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Nhưng so với tiềm năng, kể cả những thời cơ thuận lợi bị bỏ lỡ và so với kinh nghiệm của các nước Đông Á thì tốc độ phát triển của Việt Nam vừa không cao vừa kém hiệu suất. Ngoài ra nền kinh tế hiện nay có những yếu kém như sức cạnh tranh của nền công nghiệp yếu, mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa còn rất xa, ngày càng dựa vào FDI và phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc.
Việt Nam hiện nay đang ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới? Về dân số Việt Nam xếp thứ 14. Vào năm 2013, thu nhập (GDP) đầu người của Việt Nam là 1.911 đô la Mỹ, xếp thứ 131 trong gần 200 nước lớn nhỏ trên thế giới. Vì dân số tương đối đông nên vị trí của GDP (năm 2013 là 171 tỉ đô la Mỹ) cao hơn nhưng cũng chỉ ở hạng 57. Quy mô của GDP như vậy không thể có một ảnh hưởng nhất định đến kinh tế thế giới. Tại vùng Đông Á hiện nay, GDP đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar.
Từ năm 1993 Việt Nam hội đủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi. Nếu quyết tâm cải cách thể chế để củng cố nội lực và tận dụng ngoại lực thì có thể phát triển trung bình mỗi năm 10% suốt 20 năm sau đó. Trong thời gian đó, Trung Quốc phát triển trung bình 10% nhưng riêng vùng duyên hải thì hội đủ các điều kiện thuận lợi nên phát triển rất mạnh mẽ, trên dưới 15% mỗi năm. Việt Nam có bờ biển dài, bề ngang lại hẹp nên hầu như cả nước gần giống vùng duyên hải của Trung Quốc. Dĩ nhiên không phải phát triển với bất cứ giá nào mà phải chú trọng chất lượng phát triển như bảo vệ môi trường, bảo đảm tạo cơ hội bình đẳng cho mọi tầng lớp, nhưng dù chú trọng chất lượng, khả năng phát triển trên dưới 10% không phải là phi hiện thực. Nhật Bản trong giai đoạn 1955-1973 cũng vừa phát triển cao (trung bình 10%) vừa ít ảnh hưởng đến chất lượng phát triển.
Từ đầu thập niên 1990 đến nay nếu Việt Nam tăng trưởng 10%/năm thì bây giờ đã là nước có thu nhập trung bình cao, chuẩn bị cho giai đoạn trở thành nước công nghiệp phát triển trong tương lai không xa. Thêm vào đó, nếu phát triển với tốc độ đó thì Việt Nam đã sớm chấm dứt được tình trạng phải xuất khẩu lao động, một hiện tượng đang làm xấu hình ảnh của đất nước trên vũ đài thế giới.
Về cơ cấu dân số hiện nay của Việt Nam, cú sốc thời gian cũng sẽ rất mạnh. Giai đoạn dân số vàng sắp qua đi, giai đoạn lão hóa dân số sẽ đến gần kề mà thu nhập đầu người còn rất thấp. Việt Nam đang đứng trước thách thức chưa giàu đã già. Theo nhiều phân tích về cơ cấu dân số, giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài từ năm 1970-2020 (hoặc 2025). Nhìn vị trí của giai đoạn dân số vàng trong tiến trình thay đổi của dân số, ta không thể không giật mình với sự tiếc nuối. Nhìn lại lịch sử Việt Nam trong giai đoạn dân số vàng (1970-2020), ta thấy Việt Nam đã đánh mất phần lớn thời cơ phát triển: Giai đoạn còn chiến tranh (1970-1975) và thời trước đổi mới (1975-1985) xem như ta đã mất hầu như tất cả trong ý nghĩa không tận dụng cơ cấu dân số vàng để phát triển. Mười năm đầu đổi mới (1986-1995), ngoài việc phục hồi sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng các tiền đề về thể chế kinh tế thị trường, về hội nhập với thế giới. Những năm sau đó, như đã phân tích ở trên, kinh tế tương đối phát triển nhưng chưa mạnh mẽ (trung bình mỗi năm cũng chỉ độ 7%, so với 9-10% của nhiều nước châu Á trong giai đoạn dân số vàng).
Khi chấm dứt cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Nhật Bản (năm 1992) là 30.000 đô la Mỹ (tính theo giá năm 2005), của Hàn Quốc (năm 2010) là 20.000 đô la Mỹ. Còn thu nhập đầu người của Việt Nam vào năm 2025 là bao nhiêu? GDP đầu người hiện nay của Việt Nam độ 2.000 đô la Mỹ, nếu tính theo giá năm 2005 thì khoảng 1.000 đô la Mỹ. Nếu từ nay đến năm 2025 dù mỗi năm kinh tế phát triển 8% thì năm 2025 thu nhập đầu người (theo giá năm 2005) chỉ độ 2.000 hoặc 3.000 đô la Mỹ (tùy theo tỷ giá), chỉ bằng 1/10 của Hàn Quốc hay Nhật Bản ở thời điểm tương ứng.
Lãnh đạo của Việt Nam trong giai đoạn tới cần ý thức sâu sắc cú sốc của thời gian liên quan đến vị trí của đất nước trên vũ đài thế giới và về nguy cơ chưa giàu đã già. Thời gian không còn nhiều.
TRẦN VĂN THỌ (THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

2016 - BÍNH THÂN RẬP RÌNH ẨN HỌA

Đinh Hoàng Thắng


BÍNH THÂN RẬP RÌNH HIỂM HỌA 

Đinh Hoàng Thắng

Bính Thân về, trong tâm tưởng ai chẳng mong đợi các dự báo có nhiều gam màu sáng cùng tân xuân. Nhưng qua thông điệp đầu năm từ các nguyên thủ quốc gia, đặc biệt lướt nhanh bản quyết toán thường niên của kinh tế-chính trị thế giới, chẳng mấy nhà bình luận thời cuộc nào cảm thấy lạc quan khi Xuân sang.

“Liệu chúng ta sẽ đối mặt với những lựa chọn của thời đại này với nỗi sợ hãi, để rồi cả nước lại tụt hậu và quay sang đấu đá lẫn nhau? Hay chúng ta sẽ hướng tới tương lai với tất cả sự tin tưởng vào chính mình, tự tin vào những giá trị mà chúng ta đấu tranh để gìn giữ và tự tin vào những điều phi thường mà chúng ta có thể làm được cùng nhau?”[1] Với những lời gan ruột từ thông điệp liên bang cuối cùng trong tư cách là người đứng đầu hành pháp của nước Mỹ, ở đây, Tổng thống Barack Obama dường như không chỉ đơn thuần nói với công dân Mỹ. 
 
 
Còn Tổng thống Nga V. Putin, bằng chất giọng ai oán, như một người tình bị phụ bạc khi ông ca thán về mối quan hệ Nga-Thổ, cũng trong thông điệp liên bang: “Có lẽ chỉ có thánh Allah mới biết Thổ hành động như vậy để làm gì. Và có lẽ thánh Allah đã quyết định trừng phạt những người cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách làm cho họ mất hết trí khôn và sự tỉnh táo.”[2] Lời đe dọa này, hơn cả một biểu tượng, khiến mọi quốc gia, không kể lớn hay nhỏ, đều phải tính đến các hiểm họa địa-chính trị trong năm tới đối với các mối bang giao quốc tế.

Thời đại cuốn màn sương

Nhưng có lẽ cú sốc lớn nhất lại đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải đối mặt với sự khởi đầu tồi tệ chưa từng có ngay trong những ngày đầu năm 2016, khi toàn thị trường bốc hơi hơn 7% giá trị và buộc phải đóng cửa[3]. Thị trường chứng khoán với số lượng vốn hóa lên tới 7,1 nghìn tỉ USD của Trung Quốc có sự khởi đầu đầy u ám như thế trong những ngày mở cửa, sau khi số liệu thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Theo Tổng Cục thống kê Trung Quốc, tăng trưởng của kinh tế nước này năm 2015 chỉ đạt 6,9%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Như thế kinh tế Trung Quốc có nguy cơ “hạ cánh cứng”, được hiểu là nền kinh tế của một nước chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó sẽ suy thoái. Đấy là chưa kể đến những lây lan khác có thể xảy như giai đoạn khủng hoảng châu Á những năm 1997-1998. Để đối phó với khủng hoảng trong nước, Trung Quốc có thể thổi phồng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và leo thang tranh chấp trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Nếu điều này xảy ra thì chuyện sụp đổ thị trường chứng khoán chỉ là chuyện nhỏ. 


Những năm qua, Trung Quốc luôn tự cho rằng, với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có những ưu điểm vượt trội thiên hạ. Đó là lý do để Trung Quốc đòi mình phải “trỗi dậy” ngang tầm Âu-Mỹ và đưa ra luật chơi khác cho thế giới để thay thế trật tự hiện nay, từ vùng Đông Á trở đi. Trong khi đó, cũng chính tại thông điệp liên bang, khi nói về tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Tổng thống Obama đã tuyên bố thẳng thừng: với Hiệp định TPP, từ nay Hoa Kỳ vẫn là người đề ra luật chơi, chứ không phải Trung Quốc. Có thể có hai điểm trong tuyến bố của ông Obama khiến không chỉ một mình Trung Quốc phải suy nghĩ. Thứ nhất, “Hoa Kỳ hiện là nước mạnh nhất trái đất. Chấm hết! Nói thế vẫn chưa sát. Chúng ta chi tiền cho quân đội nhiều hơn 8 nước tiếp theo cộng lại”. Thứ hai, các khảo sát đều cho thấy, “vị thế của nước Mỹ trên thế giới cao hơn so với thời điểm tôi được bầu vào chức vụ này và khi nói đến các vấn đề quốc tế quan trọng, mọi người trên thế giới không trông chờ Bắc Kinh hay Mátxcơva lãnh đạo. Họ mời gọi chúng ta!”[4] Ông Obama khẳng định không úp mở.

So sánh như vậy để chúng ta hình dung ra các đợt sóng ngầm địa-chính trị trong khu vực cũng như trên thế giới vào năm tới. Cuộc chiến tranh lạnh hay nền hòa bình nóng sẽ đến với bang giao Mỹ-Trung? Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đề xướng mô hình “quan hệ cường quốc kiểu mới”, vừa nhằm thuyết phục Mỹ đừng “ngăn chặn” Trung Quốc trỗi dậy, vừa muốn đạt được vị thế ngang ngửa với Mỹ, qua đó phân chia khu vực ảnh hưởng với Washington. Chính các nước Đông Nam Á đang hết sức lo lắng trước viễn tượng này. Điều ASEAN quan ngại nhất trong những năm tới là, hai nước Mỹ và Trung Quốc liệu có trượt sang cách tiếp cận vấn đề theo kiểu: hoặc anh theo tôi hoặc anh chống lại tôi như chính Ngoại trưởng Singapore Shanmugam từng cảnh báo[5]. Bởi vì các nước ASEAN nhận thấy rằng, Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng và cứng rắn hơn trong các tranh chấp biển và lãnh thổ với láng giềng, mà ví dụ tiêu biểu là hàng loạt các vụ tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, Việt Nam và các thành viên ASEAN khác. Điều này làm lộ diện xu thế chung trong chính sách đối ngoại của tập đoàn Tập Cận Bình, trong đó, nhà lãnh đạo đầy quyền uy này muốn giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc Đại Hán để tìm kiếm sự ủng hộ của người dân trong bối cảnh tính chính danh trong nước của ĐCSTQ ngày càng bị thách thức. 


Việc năm tới Mỹ có thể quyết đoán hơn ở Biển Đông hay không tùy thuộc vào hai yếu tố: 1) Thái độ và chính sách của Trung Quốc; 2) Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á trong ASEAN. Một mặt, nếu không có gì đặc biệt xẩy ra, tới đây Mỹ sẽ tiếp tục củng cố thế và lực của mình trên dãy đảo thứ nhất, từ Guam đến eo biển Malacca, tức là vòng ngoài của Biển Đông. Mặt khác, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng với các đối tác khác, đồng thời vừa cạnh tranh, vừa cộng tác với Trung Quốc, với mục đích là cố gắng tối đa để Trung Quốc không hoàn toàn độc chiếm Biển Đông, gây cản trở lưu thông và an toàn trên biển. Năm bầu cử dĩ nhiên có ảnh hưởng tới các quyết tâm của Mỹ, bởi vì buộc các chính khách phải dồn tất cả cố gắng của mình vào cuộc chạy đua và bớt đi sự chú ý trên những vấn đề khác, trừ những vấn đề thật nóng cần phải giải quyết. Nhưng nếu nhìn vào dàn lãnh đạo mới, dù ai lên làm Tổng thống, thì chính sách đối với Trung Quốc đều sẽ mạnh mẽ hơn chính quyền hiện nay.

Theo nhiều dự báo, rồi đây “ngọn lửa Prômêtê” huyền thoại sẽ tiếp tục chiếu sáng qua các thung lũng, từ vùng núi Mỹ-La tinh hẻo lánh và xa xôi đến tận vành đai Thái Bình Dương đông đúc và gần gũi. Cu Ba, Venezuela, cả Myanmar, Đài Loan lẫn Hong Kong nữa… Phải chăng không một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào bị dân chủ bỏ rơi nếu nó thực sự có ý thức vun trồng và chờ ngày đơm hoa kết trái. Lần đầu tiên, một phụ nữ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đã đưa đất nước tiến lên con đường chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Cũng lần đầu tiên, một phụ nữ Đài Loan, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), biểu tượng cho sức mạnh bền bỉ qua nhiều năm tháng đã được người dân chọn vào vị trí quyền lực cao nhất xứ sở thông qua phổ thông đầu phiếu. Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Đài Loan, theo học tiếp tại Đại học Cornell Hoa Kỳ, rồi sang Anh làm luận án Tiến sĩ tại London School of Economics năm 1984, bà Thái đã tiến lên đỉnh cao không dựa vào lý lịch gia đình, mà bằng chính năng lực của bản thân. Tuy nhiên, dân chủ dù thành tựu ở góc trời nào thì cũng không phải là bữa trưa miễn phí! Như các cuộc chiến chồng lấn hiện nay ở Trung Đông cho thấy, dân chủ nhiều khi đùa bỡn chúng ta với sự đối lập giữa lý tưởng và hiện thực của nó, giữa các khả năng huy hoàng và những thành tựu thảm bại[6]. Dù sao mặc lòng, thời đại đã cuốn màn sương!

Trong nguy có cơ…

Với Việt Nam, bước sang Bính Thân này, câu hỏi đặt ra là địa - chính trị thế giới liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào, liệu đà củng cố và tăng cường quan hệ Mỹ-Việt trong năm 2015 vừa qua có được duy trì tiếp tục hay không. Ngay vào những ngày đầu năm, một số tín hiệu theo chiều hướng tích cực đã được phát ra, cho thấy là khả năng bang giao giữa Mỹ với Việt Nam nói riêng, với khối ASEAN nói chung, sẽ được tăng cường và củng cố thêm. Đối với Việt Nam, theo nhật báo Mỹ New York Times ngày 2/1, một chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng Năm tới là điều có thể diễn ra. Còn đối với Đông Nam Á, thì vào ngày 15 và16 tháng Hai sắp đến, một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ mở ra tại California, Hoa Kỳ. Cho dù vậy, cũng có phân tích cho rằng đà thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt có thể sẽ gặp một số lực cản do việc Tổng thống Obama, một người rất quan tâm đến việc khôi phục vai trò của Mỹ tại Châu Á sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, theo thông lệ, sẽ có tác động trì hoãn các hoạt động đối ngoại của nước Mỹ.

Từ Đại hội XII đến bầu cử Quốc hội sắp tới, Việt Nam lần lượt có cả một ban lãnh đạo mới, từ đảng, chính quyền đến cơ quan lập pháp và chắc chắn tới đây vẫn phải tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập - đa phương đã được kiểm nghiệm. Theo GS. Nguyễn Mạnh Hùng[7], trong bối cảnh thay đổi nhân sự ấy, có 5 nội dung liên quan đến các chuyển động trong quan hệ Việt-Mỹ đầy duyên nợ sẽ được thế giới quan sát kỹ: 1) Vấn đề được quan tâm nhất là chính sách của Việt Nam như thế nào trong tam giác chiến lược Mỹ-Hoa-Việt. 2) Mức độ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ sẽ đi đến đâu? Việt Nam sẽ làm gì để gia tăng hợp tác đó và Mỹ giúp Việt Nam tăng cường năng lực phòng thủ đến mức độ nào? Liệu Mỹ có bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí hay không? 3) Việc ký kết và thi hành Hiệp định TPP sẽ mang lại kết quả nào? Mỹ giúp Việt Nam đến đâu? và Việt Nam sẽ đổi mới đến đâu? TPP có giúp Việt Nam bớt lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc hay không? 4) Thái độ của Việt Nam nhân kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands (California-Hoa Kỳ) vào tháng 2/2016 sẽ ra sao? và 5) Chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam liệu có diễn ra hay không (Việt Nam và Lào là hai nước Đông Nam Á duy nhất ông Obama chưa tới thăm)? Và nếu diễn ra thì kết quả chuyến thăm đạt đến mức độ nào?

Vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngõ cho quan hệ Việt - Mỹ trong năm tới. Tuy nhiên, trên cấp độ khu vực, trang mạng Diplomat ngày 17/1 đã đăng tải các khuyến nghị cho rằng, Mỹ nên thực hiện các nhóm giải pháp để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông[8]. Các nhóm giải pháp này được đưa ra trên cả ba bình diện: ngoại giao, kinh tế và quân sự. Các khuyến nghị nhấn mạnh các biện pháp tổng hợp nhằm nâng cấp quan hệ ngoại giao với một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, lên cấp đối tác chiến lược. Một khi quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập thì “lòng tin chiến lược” sẽ được nâng cao và đồng thời mở ra cơ hội cho việc hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Về kinh tế, Mỹ cần hỗ trợ cho các công ty sản xuất dầu mỏ trong việc lập ra các liên doanh để khai thác tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền. Bằng cách làm như vậy, Mỹ không chỉ tăng cường cam kết cao với các nước trong khu vực mà còn làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đối với quan hệ kinh tế Việt - Trung, việc Bắc Kinh phá giá và mở ra trận chiến ngoại tệ với các bạn hàng của mình trong năm ngoái là một cơ hội cảnh tỉnh đối với Việt Nam. Sau biện pháp chống đỡ mau lẹ là cũng mở rộng biên độ giao dịch, nhà nước Việt Nam nên có những biện pháp và kế hoạch giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế Trung Quốc một cách bài bản. Thứ nhất là nên bít lỗ hổng trong luồng giao dịch với Trung Quốc, như loại tiểu ngạch hay ngoại ngạch mậu biên, mà thực chất là buôn lậu. Thứ hai là thiết lập chiến lược kinh doanh nhằm kéo Việt Nam ra khỏi tình trạng làm gia công cho Trung Quốc để xuất cảng nguyên nhiên vật liệu của Trung Quốc dưới dạng “hàng chế biến tại Việt Nam”, và như vậy là phải tìm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu khác để thay thế. Thứ ba, trong chiều hướng đó, cố gắng đẩy mạnh cải cách, sau khi ký kết gia nhập Hiệp định TPP trong năm tới. Khi đã gia nhập thì đừng làm “con ngựa thành Tơ-roa cho Trung Quốc”, tức là tiếp tục làm gia công để bán hàng của Trung Quốc cho 11 thành viên còn lại trong TPP dưới cái nhãn “Made in Vietnam”[9].

*
Một nội dung trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XII là “chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hoá dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hoá”[10]. Xem vậy có thể thấy trong nguy có cơ và ngược lại. Việc thị trường chứng khoán Việt Nam “hoảng loạn, rơi thẳng đứng” sau 11 phiên giao dịch đầu năm với thiệt hại ước hàng tỷ USD, trái với dự đoán của các báo cáo 5 năm từ VnIndex, cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực trong và ngoài nước đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Cũng dịp này, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ) đang bàn những vấn đề mang tầm toàn cầu, trong đó chủ đề chính là “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”[11]. Đây sẽ là sự kết hợp của nhiều loại công nghệ, từ thông minh nhân tạo, quá trình số hóa đến cách mạng sinh học… Vấn đề đại bức xúc giờ đây là phải đưa Việt Nam chuyển sang thời kỳ phát triển mới, với chất lượng phải hoàn toàn khác trước trong một thế giới thách thức và thời cơ đan xen quyết liệt. Sau 30 năm Đổi Mới, đất nước cần thoát khỏi tình trạng tụt hậu để vươn lên trở thành một quốc gia phát triển.

Từng đóng vai trò như một “bộ cảm biến” trong tiến trình xác định thế cân bằng tại khu vực, Việt Nam giờ đây phải tìm cách thoát khỏi thế lưỡng nan - “trên đe dưới búa” trước khi “cuộc chơi địa-chính trị” của các cường quốc trong khu vực có thể có chuyển làn. Vì vậy, cải cách để phát triển trở thành mệnh lệnh sống còn. Vì an ninh và phát triển của chính mình, con tàu Việt Nam, một lần nữa cần những tay lái vững để vươn khơi. Và chúng ta lại tiếp tục hy vọng… Bởi vì, không thể sống mà không có niềm tin và hy vọng, dù trong những tháng ngày khó khăn nhất./.

____________________
[5] http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/adroit-diplomacy-needed-to-tackle-pressure-from-big-powers Foreign Minister K. Shanmugam said: While Singapore enjoys good relations with China as well as Japan and the US, I'm not sure if we have the luxury of space as we had in the past of being friends with everyone. In the next few years, because of their competition, they, as major powers are wont to do, will soon be talking to us in terms of either you're “with us” or “against us”.

[6] Democracy forever teases us with the contrast between its ideals and its realities, between its heroic possibilities and its sorry achievements (Agnes Repplier, 1855-1950, nhà văn Mỹ)

[7] http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160111-qh-2016-my-viet-trung-tc

[8]http://dantri.com.vn/the-gioi/6-giai-phap-de-my-ngan-trung-quoc-banh-truong-tren-bien-dong-20160119105932695.htm 

[9]http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150817-don-tien-te-cua-trung-quoc-co-nguy-co-tac-hai-manh-den-viet-nam 

[10]...http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/du-thao-bao-cao-chinh-tri-dai-hoi-dang-xii-20150918101306634.htm 

[11] Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất bắt đầu tại Anh vào cuối thế kỷ 18, với sự ra đời ngành công nghiệp dệt. CMCN lần thứ hai bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, khi Henry Ford phát minh ra những “cỗ máy biết đi” với động cơ đốt trong, mởđường cho sản xuất hàng loạt. CMCN lần thứ ba là quá trình số hóa sản xuất, nó thay đổi không những hoạt động kinh doanh, mà còn nhiều vấn đề chính trị-xã hội khác nữa (WIKI).
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chúc mừng năm mới!


Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh vui xuân?

Phần nhận xét hiển thị trên trang