Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Thiên lý, nhân lý, và cái lý của Mafia:

Triết lý trong “The Godfather”

Có thể nói, Bố Già (Godfather) là một cuốn tiểu thuyết có đến 80% hư cấu, nhưng phần còn lại dựa trên những “người thật, việc thật” trong thế giới ngầm Mafia tại Mỹ.   

Tôi đã viết một bài về cuốn tiểu thuyết “The Godfather” của nhà văn người Ý gốc Mỹ, Mario Puzo, được xuất bản năm 1969  (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/oc-truyen-va-xem-phim-bo-gia-1.html). Cuốn sách đã trở thành best-seller với 11 triệu bản (bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác), được bán hết sạch trong chỉ một năm đầu xuất hiện. 
Tiếp đó là một bài viết về cuốn phim cùng tên do đạo diễn Francis Ford Coppola với 3 giải thưởng Oscar năm 1973 dành cho tài tử Marlon Brando “Diễn viên chính xuất sắc nhất”, Mario Puzo và Francis Ford Coppola “Kịch bản phỏng theo tiểu thuyết hay nhất” và Albert S. Ruddy “Hình ảnh đẹp nhất”. (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/oc-truyen-va-xem-phim-bo-gia-2.html).

Hình như hai bài viết vẫn chưa lột hết ý nghĩa của truyện và phim. Điều chưa được nói đến là phần tư tưởng của thế giới ngầm trong “The Godfather”. Nhiều người có lẽ sẽ không đồng tình với việc phân tích triết lý thuộc loại “giang hồ” nhưng, thiết nghĩ, dù trong giới nào cũng có triết lý rất “đời thường” mà có khi lại thâm thúy hơn những triết lý cao siêu. 

Chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh chính là Mafia, một tổ chức tội ác với dẫy đầy bạo lực, những cuộc thanh toán đẫm máu, bằng tiểu liên chứ không phải là súng lục, những cuộc dàn xếp trong bóng tối giữa “Ngũ Đại Gia”… nhưng cũng không thiếu những câu chuyện “nhân nghĩa” đặc thù của giới Mafia. Đó chính là chủ đề của bài viết thứ ba này. 

Ông Trùm Don Vito Corleone là một trong những “thủ lĩnh tối cao” của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông và tìm đủ mọi cách để “triệt hạ” ông… Ông Trùm như con rắn hổ mang nguy hiểm, có đôi mắt chứa đựng một “uy lực tối thượng”. Ông “nhìn thấy hết” dẫu chỉ ở trong “bóng tối”, “biết hết” dẫu chẳng bao giờ thực sự xuất hiện trong giới giang hồ và “làm được hết”, kể cả những điều mà luật pháp của nước Mỹ cũng bị “bó tay”. 

Đối với bạn bè, thân quyến, Bố Già lại gần như là một “đấng toàn năng” có thể cứu họ thoát khỏi những “thế kẹt” và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là Mafia theo cái nghĩa nguyên thủy của nó từ thuở ban đầu hình thành. Đó chính là “nơi ẩn náu”, chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất mỗi khi họ lâm nguy.

Vito Corleone thuộc típ “mạnh thường quân” trong đời thường. Đối với những người nhân danh “tình bạn”, ai có chuyện “nhờ vả” ông sẽ không để họ thất vọng. Ông không hứa hão, không từ chối mà cũng chẳng mong đền đáp. Được gọi là “bạn”, tất cả đều bình đẳng, bất kể giàu nghèo và cũng không phân biệt sang hèn. Cũng vì thế ông có nhiều bạn và được bạn bè tôn vinh là “Ông Trùm”.

Bố Già ẩn dấu hai bộ mặt hoàn toàn tương phản. Với cái tên “Ông Trùm”, Corleone có trong tay những “sát thủ”, sẵn sàng đổ máu… “không gớm tay”. Trái lại, cái tên “Bố Già” mang một thứ tình cảm thiêng liêng, thân mật trong một đại gia đình, “có trước có sau, có trên có dưới” và nhất là “luôn biết chuyện phải trái”. 

Trong ngày cưới của con gái đã có rất nhiều “đồng hương” trước đến chia vui và sau là để “cầu cạnh” Bố Già. Ông đã thỏa mãn mọi yêu cầu vì theo tục lệ Sicily, “… không ai có quyền từ chối lời cầu xin trong ngày vui của con gái”. Ông quyết định rất nhanh, “có tình – có lý”, khiến người thọ ân phải “tâm phục, khẩu phục”. 

Tại Ý, Sicily là vùng đất của Mafia cũng như tại Mỹ vào thời đào vàng có “Miền Tây Hoang Dã” (The Wild West). Cà hai đều là những “vùng-đất-dữ” của những cư dân sống ngoài vòng cương tỏa của pháp luật. Điểm khác biệt giữ Ý và Mỹ là tính cách của dân “giang hồ tứ chiến”.

Trong khi dân Miền Tây có những “cowboys” rong ruổi trên lưng ngựa với khẩu súng bên hông để hành hiệp giang hồ như những “người hùng cá nhân” thì tại Sicily lại là từng gia đình, dòng họ Mafia. Họ sẵn sàng nồ súng dù chỉ đối với chuyện nhỏ nhặt để bảo vệ “danh dự gia đình”. 

Mỗi gia đình hay mỗi Ông Trùm Mafia thường thống trị một vùng. Họ thẳng tay sát phạt lẫn nhau, làm giàu nhờ những hoạt động phi pháp như buôn lậu ma tuý, bắt cóc những nhân vật giàu có để đòi tiền chuộc... Nhưng không phải chỉ có vậy!

Trong tiếng Ý, Mafia nghĩa đen chỉ là nơi trú ẩn. Sau này đổi thành tên một “hội kín” kêu gọi cư dân Sicily đứng lên chống lại bọn thống trị, chúng đè đầu cưỡi cổ dân Sicily. Suốt trong lịch sử loài người có vùng đất nào bị đô hộ tàn bạo bằng hòn đảo này? “Khố rách áo ôm” cũng khổ mà có tiền của đất đai cũng khổ không kém!

Sau này dân Sicily bị hết bọn đại điền chủ quý tộc bóc lột đến cấp lãnh đạo nhân danh tôn giáo đè đầu. Để nắm đầu bọn nông dân, giới thống trị phải có cả một bộ máy Cảnh sát sẵn sàng thẳng tay đàn áp, khủng bố. Dân Sicily căm thù lính đến độ dùng chữ “cảnh sát” để gán cho bất cứ ai mà họ không ưa: “Mày là cớm!”. 

Tổ chức Mafia củng cố uy quyền bằng luật “Omerta” có nghĩa là làm thinh, câm nín. Dân quê Sicily kín miệng đến nỗi người lạ hỏi đường cũng làm thinh! Đối với Mafia, tội đáng chết là “báo Cảnh sát”, dù đó chỉ là đi “thưa lính” để tố cáo người vừa giết hụt mình hay vừa đánh đập mình có thương tích. 

Sau cùng, luật “Omerta” trở thành một đạo sống, “kỹ năng sống” của mọi giới. Chồng con bị giết, con gái bị hãm hiếp, người đàn bà chính gốc Sicily chẳng bao giờ đi “thưa lính”, nhờ nhà nước giải quyết. 

Người Ý nói chung rất “đa tình”, trong đó phụ nữ có một địa vị luôn được đề cao. Nhưng ở Sicily có phần hơi khác. Qua Mario Puzo, người đọc khám phá thêm về quan niệm của dân Sicily đối với phụ nữ. Tác giả viết: “Ở Sicily, phụ nữ còn nguy hiểm hơn súng đạn”. 


Trong Chương 23, Michael Corleone đã từ Mỹ trở về quê hương Sicily sau khi thanh toán địch thủ và một Đại úy người Mỹ, Cảnh sát Mark Mc Closkey, một tên “cớm bẩn” chuyên ăn hối lộ. Giang hồ bao giờ cũng có luật riêng, có thể bắn bất cứ người nào trong phe địch, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ “đụng” đến cảnh sát.

Michael là con út của Bố Già, đứa con đi ngược lại với truyền thống gia đình Corleone. Anh là Đại úy Thủy quân lục chiến trong quân đội Mỹ nên dứt khoát không dính líu đến chuyện “làm ăn” của gia đình trong thế giới ngầm. 

Cho đến khi những biến cố dồn dập xảy đến cho gia đình: cha bị ám sát nhưng không chết, anh cả Sony bị “ăn” hàng loạt tiểu liên và chính bản thân mình bị viên “cớm bẩn” hạ nhục… Đang từ một con cừu “thánh thiện” Michael trở thành một con sói “tàn ác”. Người ta nói, “thời thế tạo anh hùng” là vậy! 

Sau 5 tháng lánh nạn ở Sicily, Michael đã mở mắt. Anh đã hiểu quá khứ của bố và cả nghiệp dĩ của ông. Nếu họ không phải là những người dám cưỡng lại số phận thì ngày giờ này họ đâu được sống tại Mỹ. Michael cũng đã hiểu tại sao bố hay nói “Mỗi người mỗi phần số” cũng như tại sao người dân Sicily không đi với luật lệ nhà nước, không tuân theo bộ máy cai trị nhưng lại không dám vi phạm luật “Omerta”. 

Cái khéo của “The Godfather” là tác giả xây dựng một bố cục chặt chẽ, lớp lang. Lồng vào đó là những triết lý “giang hồ” nhưng không kém phần tình nghĩa. Quan niệm về “bạn bè” trong thế giới ngầm cũng được Mario Puzo phân tích tỷ mỷ. 

Đã là bạn, người ta không thể nào giận Bố Già mà lại mang ơn ông. Suốt đời những người bạn đó chỉ chờ đợi được trả ơn và khi có dịp, người ta hoan hỉ trả lại một món nợ tinh thần lúc nào cũng canh cánh cưu mang. Đó là lối xử thế, một “kỹ năng sống” còn tuyệt vời hơn cả những gì Dale Carnegie viết trong loại sách học làm người, điển hình là cuốn “Đắc nhân tâm”.

Bố Già còn có tính nhẫn nhục, “nhũn như con chi chi”, nhẫn đến độ người ta tưởng ông hèn. Đám cưới cô gái rượu rùm beng đến độ FBI cử nhân viên đến theo dõi, ghi số xe khách đến dự. Trong khi cậu con cả Sony tính nóng như Trương Phi, đòi “làm cho ra lẽ” thì ông chỉ điềm tĩnh phán: “Đó là việc của họ… Ta đâu có mua được cả nước Mỹ!”.

Cách xử thế của Bố Già rất đơn giản nhưng lại hiệu nghiệm. Tất cả hình như chỉ tóm gọn trong câu: “Ta sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể nào khước từ”. Lời nói thật dịu dàng, đằm thắm và chứa chan tình người! Nhưng đề nghị đó cũng khốc liệt và tanh mùi máu.

Chặt đầu con ngựa Khatoum của lão chủ hãng phim với đề nghị cho đứa con đỡ đầu Johnny Fontane được đóng phim. Jack Woltz rất quý con ngựa này, nó trị giá 600.000 đô. Ấy thế mà Woltz vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” ký hợp đồng với Johnny. Trong thâm tâm lão vẫn “ghét cay ghét đắng” Johnny vì cái tật “trăng hoa”, dám cả gan “phỗng tay trên” cô đào “văm” của lão! 

Đó là cách xử thế rất “ganster” của Bố Già. Đó là cách ông “xử lý công việc” qua Bàn Tay Đen “khát máu”. Và đó cũng là “chân dung trần trụi” của Ông Trùm. 


Cậu con nuôi, kép hát Johnny, từ Hollywood về dự đám cưới mà lòng buồn rười rượi. Johnny gặp khủng hoảng khi có cô vợ cũng là tài tử xinê lăng loàn, trắc nết, trong khi sự nghiệp ca hát, đóng phim của anh ngày càng xuống dốc không phanh. Bố Già sau khi nghe Johnny kể khổ, ông nhận xét:

“Mày đập cho con vợ tồi bại một trận mà còn chừa cái mặt vì nó đẹp quá, vì nó đang đóng phim… nên nó cười vào mặt mày, thế mà lại còn ấm ức vì bị nó “chọc quê”… Mày còn nghĩ đến mấy đứa nhỏ là tốt lắm. Có con mà không làm cha thì làm người đâu được. Đàn ông mà không ngó ngàng đến gia đình sẽ chẳng bao giờ là một người đàn ông thật sự!”. 

Tôi thấy triết lý của một Ông Trùm “giang-hồ-ít-học” xem ra còn thâm thúy hơn hẳn những triết gia khoa bảng mà ta thường đọc!


Ở một đoạn khác, Ông Trùm khiến người đọc cảm động vì những câu nói chân tình:

“Quả thực tôi muốn bình an. Bên Tattaglia mất một đứa con, phía tôi mất một. Kể như huề. Thử hỏi nếu ai nấy cũng nhắm mắt đòi ăn miếng trả miếng nhau mãi... thì thế giới này sẽ ra sao? Dám tái diễn cái thảm cảnh quê nhà mình ngày nào: Cứ hùng hục tranh chấp bắn giết nhau hoài, quên cả vợ con chết đói. Đúng là cả một sự điên khùng! Vậy tôi đề nghị trước sao bây giờ cứ thế. Tôi bỏ, tôi không tra xét, truy cứu kẻ giết con tôi. Hoà là bỏ hết. Tôi có thằng con hiện còn phải bỏ đi xa. Tôi phải thu xếp để đưa nó về, với điều kiện chắc chắn không ai bới móc làm khó. Xong vụ đó ta mới có thể bàn nhiều chuyện làm ăn với nhau để tất cả cùng có miếng ăn. Thực sự tôi chỉ muốn có vậy, có bấy nhiêu đó thôi”.


Don Corleon luôn có những quyết định nhanh nhậy trong chuyện “làm ăn”. Một khi đã quyết ông sẽ theo đuổi cho đến cùng. Quan trọng nhất là quyết định không bao giờ nhúng tay vào chuyện ma túy. Ông chỉ nói gọn lỏn: “Chuyện đó bẩn, không thể dính vô!”.

Câu nói ngắn gọn đó đã dẫn đến việc bản thân Ông Trùm bị các phe cánh khác thanh toán nhưng ông không chết, con trai trưởng cũng bị ăn đạn và đó là cơ hội xuất hiện Bố Già “con”: cậu út Michael lên nối nghiệp cha trong tình thế được coi là “bất khả kháng”. 

Sau khi các biến cố dồn dập xẩy ra, Ông Trùm còn nói với thủ lãnh của những gia đình Mafia về quyết định không dính dáng đến ma túy trong việc làm ăn:

“Xin nói là tôi cảm thấy rất hãnh diện về vụ được coi như là có thế lực đối với các ông lớn. Phải chi được vậy thì hay quá! Tôi có quen biết nhiều thật... nhưng quen là một chuyện, dính vô ma tuý là hết quen. Chắc chắn vậy: Vì họ sợ dính vô, họ tối kỵ ma tuý.
Mấy thầy chú xưa nay từng ăn chịu thì cái gì họ chẳng giúp được mình? Ma-tuý họ không dám. Tôi biết rõ như vậy thì giúp dùm anh em thế nào được? Nhờ vả tôi như vậy khác nào hại tôi?”

“The Godfather” là cả một bức tranh đầy góc tối của Mafia tại Mỹ. Ở Chương 11, Mario Puzo đưa vào nhân vật “phản diện”, Đại Úy Mark Mc Closkey, một “cớm bẩn” của cảnh sát Huê Kỳ. Ngọc Thứ Lang đã chuyển ngữ sang tiếng Việt như sau: 

“Ngồi ngay buya-rô trong bót, Đại Uý Cảnh sát Mark Mc Closkey mân mê ba chiếc phong bì dầy cộm, bên trong toàn cuống giấy biên đề. Lão nhăn nhó, phải chi biết được ám hiệu của mấy
thằng bao đề này thì đỡ khổ biết mấy! Hồi hôm đi hành quân tảo thanh, lão đã ghé ngang một ổ chơi đề của cánh Corleone và chớp được bao nhiêu cuống “tang vật” là nhét hết cả vô đây.

Thằng chủ đề chắc chắn sẽ phải lạy để chuộc bằng được ba cái phong bì quý giá này. Không có cuống để so… thằng nào cũng chìa giấy biên ẩu ra đòi chung thì tiền đâu ra mà chung cho đủ? Vậy là toàn quyền ra giá… nhưng nó ghi lằng nhằng điệu này thì biết tổng số tiền có biên cỡ bao nhiêu mà đòi? Nếu tiền quyện năm chục ngàn đô-la thì cho chuộc năm ngàn là điệu rồi. Nhưng biết đâu ngần này cuống dám một trăm ngàn… vài trăm ngàn? Đòi năm giấy lớn để mà “hố” với nó sao?”

Ở đâu cũng thế. “Cớm bẩn” xuất hiện trong mọi chế độ, dù đó là độc tài hay dân chủ. Có nơi “cớm” xuất hiện trong vai trò “bảo kê” cho các hoạt động của thế giới ngầm. Đã có không ít “cớm bẩn” trong xã hội Việt Nam ngày nay. Họ chính là “bản sao” của các đồng nghiệp tại xứ Cờ Hoa. 

Đọc “The Godfather” còn mang lại một cái thú: đối chiếu Mafia Mỹ với Mafia Việt… Cả hai đều là Mafia với cái nghĩa nguyên thủy của nó.

***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng: Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đánh bóng mạ kền cũng tốt thui mừ, chết con chuột nào đâu?

Con gái cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển viết về bố mình

Tác giả: FB Linh Linh
KD: Đang bận quá nên mình định không cập nhật bài vở, vả lại mấy hôm nay toàn bài TPP, thì lại nhận được bài viết này do bạn bè gửi đến. Hi….hi… Hết chuyện “con hát bố khen hay” ở Quảng Nam mới đây, giờ lại chuyện “bố hát con khen hay”. Dù là VN đã hoàn tất việc đàm phán chuẩn bị ký kết TPP, thì công lao chắc chắn cũng là của cả một tập thể, không thể chỉ là cá nhân, dù cá nhân có vai trò rường cột cũng rất có yếu tố quyết định.
Việc đánh giá một bước ngoặt mới của một quốc gia, hãy nên để các nhà chuyên môn, các chuyên gia từng trải hiểu biết, chứng kiến trực tiếp nhìn nhận, hơn là của một cô con gái rượu đối với cha mình còn đang sống. Dù dư luận XH từng có thời đánh giá rất cao BT Trương Đình Tuyển.
Nhưng cứ đưa lên để bạn đọc chia sẻ. Đây chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả bài viết.
—————-
H1Tôi không thích nói thông tin cá nhân, những bạn học hay đồng nghiệp của tôi đều hiểu điều này. Nhưng hôm nay phá lệ, trong thông tin tràn ngập về TPP, muốn viết một chút gì về bố, nhà đàm phán thương mại xuất sắc của Việt Nam.
Bố bảo: một nhà đàm phán giỏi là nhà đàm phán ngoài khả năng hiểu biết còn có khả năng tạo sức ép. Tôi nghĩ cái sự tạo sức ép này nó dựa trên sự hiểu biết, sự tự tin, bản lĩnh cao và biết cương nhu đúng lúc. Chính vì thế tuy ở vị thế một nước bé hơn Mỹ và EU gấp nhiều lần nhưng bố luôn hành xử như một đối tác ngang bằng chứ không phải vị thế một nước bé nhún nhường trước một nước lớn.
Đã có một thời, nhiều người nghĩ rằng làm đối ngoại là phải bóng bẩy, biết ăn nói “ngoại giao”. Ờ, điều này luôn đúng với một cuộc xã giao ngoại giao thông thường. Nhưng lại không bao giờ đúng đối với những cuộc đàm phán ngoại giao quan trọng “năng cân”.
Tôi nhớ trước kia đọc quyển Napoleon Bonapart của Etacle (?), trong cuộc gặp lịch sử giữa Napoleon và Sa hoàng Alexandre, một nhà chính trị của Nga (phía đối địch) đã viết về Napoleon như sau: “trước mặt tôi là vị tướng vĩ đại, nhà làm luật vĩ đại, nhà chính trị vĩ đại và nhà ngoại giao vĩ đại”. Napoleon luôn được coi là nhà ngoại giao vĩ đại vì Ông luôn biết ép đối phương ký kết những hiệp ước có lợi cho Paris.
Và cho dù ông đã giật vương miện từ tay giáo hoàng để tự tay đội lên đầu thì cũng ko ai có thể nói rằng ông là một nhà ngoại giao kém. Napoleon chưa, và không bao giờ là người ăn nói bóng bẩy và ngoại hình đẹp mắt như nhiều ng VN nghĩ chính khách là phải thế, ông là nhà ngoại giao giỏi vì ông luôn biết vị thế và tận dụng triệt để nó! Và Napoleon luôn đạt được điều mình muốn vì ông có cả trăm trận thắng trong tay.
Hiệp định Paris 1973 không bao giờ được ký kết nếu không có chiến thắng Điện biên phủ trên không 1972.
Bố là người khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo BTA (hiệp định thương mại song phương theo chuẩn wto đầu tiên với Mỹ). Được nghe kể rằng, VN cần BTA với Mỹ hơn là Mỹ cần ở VN vì điều quan trọng nhất là quy chế tối huệ quốc (MFN) thì Bộ NG đã nhanh nhẩu đoảng trình BCT hay CP gì đó cấp cho Mỹ trước khi đàm phán BTA mất rồi (bố là ng cương trực và thẳng tính nên sau này nghe kể lại bố đã rất cáu với BNG và có nói MFN việc của BTM sao lại nhảy vào làm gì) Tuy nhiên, dù đã mất cái con bài MFN trước đó nhưng với sự tự tin, quyết đoán, bản lĩnh và khả năng thuyệt phục, bố vẫn tạo được nhiều sức ép đàm phán với Mỹ để ký kết BTA.
Nếu ai được tham gia đàm phán song phương với Mỹ về WTO thì sẽ hiểu, phiên cuối rất khó khăn vì các vấn đề về dệt may đã gây cản trở cho VN đến thế nào. Trong buổi đàm phán tay đôi thông đêm với Bartia, phó đại diện thương mại Mỹ, Bố đã dám “đập bàn đập ghế” và bỏ ra ngoài 2 lần mà cuối cùng Bartia vẫn phải nhượng bộ. Anh Thái (giờ là phó đoàn TPP, hồi đó là 1 trong 3 người đc tháp tùng bố trong cuộc đàm phán tay đôi với Bahtia, phiên dịch thay cho phiên dịch “độc quyền” Le Thanh Lam vì lý do hạn chế số người nên Lâm ko vào đc) có nói: tưởng là vấn đề BT (tức là bố) đưa ra là húc đầu vào tường, ai dè tường đổ.
Bartia sau hôm họp báo có nói: ông T là một nhà đàm phán cứng rắn nhưng là một nhà đàm phán tuyệt vời. Sau đó Bartia còn đưa cho bố một tấm bưu thiếp nhờ bố ký làm kỷ niệm.
Bạc Hy Lai, lúc đó là BT Thương mại và đang lên như diều gặp gió cũng dành cho bố sự kính trọng đặc biệt. Ông có nói với mẹ trong tiệc chiêu đãi tại hội nghị APEC: Chồng bà là người có công lớn đối với VN đấy.
Tôi nghĩ, một cuộc đời thú vị thì nên ghi lại để trước hết cho mình, rồi cho gia đình. Cuộc đời làm việc của bố đầy những thú vị vì trước hết là do bố tạo nên, sau nữa là nó nằm trong những bước ngoặt của lịch sử đất nước về mặt kinh tế, mà bố cũng là nhân tố quan trong góp phần. Rất tiếc Bố không bao giờ chịu viết, cũng ít kể về bản thân, cho dù với con gái. Thế nên, trong không khi báo chí viết về TPP, tôi muốn viết vài dòng về bố, người đã đóng góp, khởi xướng, chỉ đạo và kiến trúc nhiều cuộc đàm phán thương mại thành công của VN.
——–
Nguồn: TTXVH

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

GIAN KẾ TẦM LẮC


Minh Diện
Truyện ngắn

     
  Lão tên Trần  Tầm, nhưng có cái tật cổ hay lắc, nên  người đời gọi hắn là Tầm Lắc. Tướng lão ngũ đoản khó coi, lại mặt dơi tai chuột, mắt lồi, mỏ nhọn, càng  khó coi hơn. Theo nhân tướng học, cái tướng ấy vừa bần tiện vừa gian  ác.
                Ở cơ  quan tôi, cứ thoáng thấy bóng lão là mọi  người lỉnh đi chỗ khác. Một nhóm đang ngồi uống café tán phét với nhau, nhác thấy lão vào, tức thì nháy nhau đứng dậy, cúi đầu, chắp tay xoa xuýt, cất  tiếng như hát đồng ca:
              - Dạ thưa, chúng em mời bác ạ!   Chúng em xin phép đi có việc ạ!  
              Cả bọn kéo nhau đi, bỏ lại ba bốn  li café uồng dở.
             Mấy   người đang ngồi quây quanh cái bàn tròn ăn phở sáng,  thấy cái mỏ nhọn hoắt của lão, là vội  vã buông đũa chuồn đi nơi khác.  
               Cả cơ quan ít người muốn gần Tầm Lắc, không phải vì lão bẩn tướng  , mà vì gần lão có ngày mang vạ.
               Trần Tầm quê gốc Quảng Trị, đẻ ở Hà Nội, nhỏ  theo bố mẹ đi khắp nơi, nên người ta gọi lão là dân “tứ chiếng”.
               Lão sinh năm Kỷ Hợi (1959). Người ta nói kỷ vi nhàn, có lẽ  đúng ! Nhờ bố mẹ làm quan to, Tầm được  cơ cấu từ trong trứng, chẳng gian lao vất vả gì mà cứ lên như diều gặp gió.  
              Năm 1983 vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, Tầm được giữ lại làm bí thư đoàn trường. Cái hạt cơ cấu đã gieo  đúng chỗ, vì không có mảnh đất nào mầm mống lãnh đạo phát triển nhanh bằng mảnh  đất đoàn thanh niên cộng sản. Đó là nơi ít cần sự đầu tư trí tuệ nhất, lên nhanh  nhất, ít phải chịu trách nhiệm nhất. Nó rèn luyện cho con người ta cái bản lĩnh  khuấy động phong trào, nặng về hò hét cổ  vũ và những tài vặt. Tầm Lắc làm bí thư đoàn trường hơn một năm, dấy lên phong  trào đấu tranh chống mua bán tem phiếu, và nhờ thành tích đó Tầm vào ban chấp hành thành đoàn, năm sau vào ban chấp hành trung ương đoàn, rồi   được cử đi làm bí thư ban cán sự  đảng  đoàn ở nước ngoài và cứ thế leo   từng nấc thang danh vọng .
              Năm kia Tầm  đang làm bí thư đảng ủy một cơ quan ở Hà Nội,dính tham nhũng, thay vì bị kỷ luật, lại được chuyền vào Sài  Gòn, làm bí thư đảng ủy cơ quan tôi,   to hơn cơ quan trước.
  
         Chuyện dính tham nhũng  ngoài Hà Nội, Tầm dấu như mèo dấu cứt.  Trong buổi ra mắt, Tầm khoe công lao thành tích, uy tín của mình ở công ty cũ như trời bể . Lão nói phải vào đây vì “ Nhiện vụ đảng giao không thể  tử chối?!, phải “ Gác tình cảm một bên lo việc nước!”.
               Tầm bỏ hằn một tuần, xuống từng đơn vị, gặp gỡ cán bộ  công nhân viên, nghe kể tội bí thư tiền  nhiệm ,vừa bị chuyển đi nơi khác như lão. Cùng hội cùng thuyền, mèo mả gà đồng như nhau, mà Tầm lên mặt chửi kẻ tiền nhiệm như hát hay.  Rồi  lão hứa hẹn sẽ  làm cho cơ quan trong sạch vững mạnh, chống  tham nhũng , nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên. Lão nói  có bài bản, hứa chắc như đinh đóng cột,   cả cơ quan mừng, vì lãnh đạo   mới có tâm, có tầm .
               Nhưng chỉ vài tháng sau, những lời hứa chỉ là bánh vẽ,  Tầm Lắc hiện nguyên hình quỷ dữ. Rõ là cháy  nhà mới ra mà chuột!
               Tầm từ Hà Nội vào Sài Gòn nhận công tác,  cơ quan phải bố trí nơi ăn ở đàng hoàng,việc đó khỏi phải bàn.  Vũ Qùy, là một Trưởng phòng hành chính cả  đời  nịnh hót, đầu gối đã thành  chai.  Với hắn, nếu sếp bảo mỗi ngày   liếm gót sếp ba lần, thì dù bố hắn chết,   hắn cũng đắp mền để đó, chạy tới liếm gót sếp đủ ba lần mới thôi.
              Để lấy lòng bí thư mới, Qùy bố  trí cho Tầm ở ngôi biệt thự đường Nguyễn Đình Chiểu, vẫn dùng làm nhà khách cơ  quan.
              Ngôi biệt thự này kín cồng cao  tường, diện tích khuôn viên mấy trăm mét vuông. Vũ Qùy đưa Tầm tới xem, chăm chú  theo dõi phản ứng của bí thư. Qùy thấy cái cần cổ Tầm lúc lắc, vội kêu  lên:
             - Ối thủ trưởng ơi! Ngôi biệt thự  này là số một đấy ạ!
              Tầm Lắc vội lấy tay bẻ lại cổ mình, không cho nó lúc lắc theo thói quen,  mà chủ động gật:
               - Được!
         Tầm trao đổi với lãnh  đạo cơ quan , xin chuyển toàn bộ gia đình từ Hà Nội vào Sài Gòn. Việc hợp lý hóa  như vậy ai cũng đồng tình? Đi đôi với sự  đồng tình  là quyết định cấp ngôi biệt  thự đường Nguyễn Đình Chiểu cho bí thư đảng ủy Tầm. Vì biết ở Hà Nội Tầm đã được  cấp một ngôi biệt thự ở đường Hồ Xuân Hương, nên trong quyết định này có thòng một câu trong dấu  ngoặc kép “ Sau khi đã ổn định chỗ ở mới  tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Tầm sẽ trả lại ngôi nhà ở Hà Nội cho  Nhà Nươc”. Những quyết định của cơ quan  Nhà nước ta đều rất chặt chẽ minh bạch , nắn nót từng câu chữ như vậy  cả.
             Nguồn gốc ngôi biệt Nguyễn Đình Chiểu là của  ông bà Bảy Bún. Hai vợ chồng nhà này quê Nam Định, di cư vào Nam 1954. Không   bằng cấp, không nghề nghiệp chuyên môn,   hai vợ chồng nấu bún ốc kiềm ăn. Lúc đầu đi bán rong. Chông gánh một bên nồi  nước dùng, một bên nhân, bún, vợ theo  sau vừa gõ lách cách vừa rao “ Bún ốc đ.â.y! Bún ốc đ.â.y!”
              Bát bún ốc nóng hổi, thơm ngon  theo chân đôi vợ chồng lam lũ vào từng ngõ hẻm khắp đô thành. Năm tháng qua đi,  cái tên Bảy Bún nổi tiếng dần. Và sau  khi Bảy Bún mở quán, thì khách khứa khắp nơi đến ăn ào ào. Bún ốc Bẩy Bún nổi tiếng đến mức, có lần vợ Tổng  thống Nguyễn Văn Thiệu đã dùng làm một món trong thực đơn đãi khách quốc  tế.
             Nhờ bán bún ốc, vợ chồng ông Bảy  Bún giàu có, mua biệt thự sắm xe hơi nuôi con ăn học tử tế.
              Năm 1979, Bảy Bún bị quy là tư  sản, nhà cửa bị tịch thu, bị đuổi đi kinh tế mới . Họ như nhiều người khác, gặp  tai họa như từ trên trời giáng xuống, một phút trắng tay, không chống đỡ nổi.  Một cơ nghiệp gây dựng từ gánh bún ốc, đổ mồ hôi sôi nước mắt, bỗng dưng mất  sạch sành sanh. Biết bấu bứu vào đâu, làm gì để kiếm miếng ăn giữa rừng xanh nùi  đỏ? Vợ chồng Bảy Bún buồn , tiếc của , sinh bệnh chết.    Ba đứa con liều mình vượt biên,  tàu đắm , hai thằng anh chết ,đứa em gái út  tên Hương sống sót, bơ vơ về Sài  Gòn.
              May mắn gặp lúc có  chủ trương xét lại chính sách cải tạo công  thương nghiệp, chính quyền chiếu cố cho  nhỏ Hương ở tạm căn bếp ngôi biệt thự. Năm ấy Hương 15 tuổi, côi cút  một mình, xin phụ bán than cho cửa hàng chất đốt . Mấy năm sau Hương lấy chồng,   tập tành gây dựng lại nghề bún ốc của  cha mẹ. Hai vợ chồng có duyên buôn bán,  lại giặp thời đổ mới, quán bún ốc “Hậu-  Bảy –Bún” nổi tiếng. Vợ chồng Hương  bỏ tiền sửa sang căn nhà bếp khang trang,  nhìn bắt mắt hơn ngôi biệt thự  gần hai chục năm dùng làm nhà khách cơ quan ,  đã xưống cấp.
                Từ  trước đến giờ, cơ quan coi việc vợ chồng Hương ở căn nhà bếp ngôi biệt thự là chuyện đã  rồi, không ai hạch sách, bới móc, gây khó dễ. Thượng đội hạ đạp như  Trưởng phòng hành chính Vũ Qùy, còn ký xác  nhận cho vợ chồng cô Hương làm thủ tục nhập hộ khẩu .
               Bây  giờ ông Tầm cứ lắc đầu quầy quậy, không  chấp nhận sự “ vô nguyên tắc ấy”.
                Phòng hành chính đề nghị xây tường ngăn cái bếp ra, ôngTầm lắc đầu.  Phòng hành chánh xin cưa đôi cái bếp, cho cô Hương một nửa, Tầm vẫn lắc. Cuối  cùng chỉ xin cho vợ chống  nhà nó cái chái bếp thôi? Tầm vẫn lắc quầy  quậy.
               Lão dứt khoát đuổi thẳng con cái, cháu chắt bọn tư sản ra khỏ khuôn viên biệt thự, người  cộng sản chân chính như lão không thể chung đụng với tư sản.
               Trong buổi họp cơ quan, Tầm trợn đôi mắt lồi  trắng dã, nhu cái mỏ nhọn hoắt , dằn từng tiếng:
               -  Quan điểm thế nào?Lập trường giai cấp ra  sao? Ý thức cảnh giác cách mạng để đâu? Mà lấy nhà Nhà nước cấp cho con tư sản,  hử? Đồng chí Qùy tại sao ký giấy cho nó nhập hộ khẩu vô đó, hử ?
                 Trưởng phòng hành chính Qùy mặt xám ngoét, sợ vãi đài ra quần. Hắn đứng lên run như cầy sấy hưa:
                - Dạ, vâng,  tôi xin hứa sẽ thực hiện nghiêm chình ý kiền  chỉ đạo của đồng chí bí thư , giải quyết ngôi biệt thự.
               Đầu tiên Vũ Qùy làm công văn gừi chính quyền  địa phương đề nghị có biện pháp bảo vệ đồng chí Trần Tầm, cán bộ cao cấp của  đảng. Kế đến hắn làm công văn đề nghị Sở nhà đất  thu hồi phần diện tích  vợ chồng cô Hương đang ở vì không đúng đối  tượng.
                Không  hiểu hắn đi cửa nào, ngay tuần sau đã có  quyết định . Vợ chồng cô Hương làm đơn khiếu nại gửi các nơi. Xem chừng Tầm Lắc  khó nuốt trôi được hết ngôi biệt thự , vì cái tình cái lý đều thuộc về người con  gái của chủ ngôi biệt thự đã xấu số.
               Bỗng một hôm công an ập đến khám xét, thu được bịch   ma túy giấu ngay dưới góc bếp nhà Hương. Thì ra có thư tố cáo vợ chồng  nhà này cho ma túy vào bún ốc , để người ta nghiện, đến ăn bún thường xuyên, làm  giàu bất chính. Thật bất ngờ, vì từ  trước đến nay, ai cũng khen vợ chồng  Hương đàng hoàng, tử tế. Bao nhiêu người trong cơ quan đã từng ăn bún ốc của   Hương có nghiện ngập gì đâu? Cô Hương  đập đầu vào bếp tóe máu, thề sống thề chết kêu oan. Nhưng gói ma túy chình ình ra đó, không chối được, chồng  cô bị còng tay đưa đi ngay tắp  lự.
                 Tối hôm đó, cô Hương hai tay kéo  rê hai đứa con, bò lết từ sân lên lầu,  quỳ lạy Tầm Lắc:
              - Ông ơi, con cắn cỏ cắt cứt con  lạy ông! Nhà con làm ăn lương thiện   không biết ma tà ma túy là gì ?  Xin ông tha cho chúng con!
               Cái mặt choắt vô cảm của Tầm Lắc đen xì,  cái cổ lão lúc lắc:
              - Oan thì mần đơn khiếu nại , xin  xỏ mần chi hè?
              - Thưa ông con không giám khiếu  nại nữa ạ, xin ông thương chúng con!
               Tầm Lắc buông lửng:
              - Vậy rứa hè, tự giác mà mần đi hầy!
                Sáng hôm sau, cô Hương dọn đi.  Cô bỏ lại căn nhà bếp vốn của cha mẹ cô, mà vợ chồng cô đã đổ  mồ hôi nước mắt đắp điếm sủa sang, bỏ lại tất  cả những kỷ niệm của tuổi thơ yêu dấu và bất hạnh, cắn chặt hai hàm răng để nuốt  sự uất ức và bất công,  đôi mắt cô đẫm  lệ, cô ra đi, như cha mẹ cô ngày nào, một phút bỗng trắng tay! Những người hàng  xóm nhìn mẹ con Hương dắt díu nhau ra khỏi ngôi nhà, không cầm được nước mắt. Họ  không ngờ giữa thanh thiên bạch nhật, ở  một nơi được cho là dân chủ vạn lần hơn thế giới tư bản, lại có kẻ gieo tai ách  cho người khác như Tầm Lắc.
             Giữa lúc đó chiếc xe hơi bóng nhoáng trờ tới ,  đón bí thư Tầm lên cơ quan. Lão nghênh nghênh cái cổ nhìn lại, ra lệnh cho người  bảo vệ đóng cửa ngôi biệt thự từ giờ thuộc hết về lão.
               Chiếm xong ngôi biệt thự, Tầm  lắc gọi thằng út vào ở với mình. Ngôi biệt thư ở Hà Nội vợ lão và người con trai  lớn ở. Lão cứ duy trì cái cảnh  môt chốn  hai quê thế cà năm trời.  Rồi bỗng Tầm  Lắc bay ra Hả Nội, ra Tòa ly hôn vợ.  Phiên tòa xử chóng vánh, bởi cả hai đều  thuận ly hôn, việc phân chia tài sản  cũng không phức tạp, vì giá trị nhất là ngôi nhà  Tấm Lắc gật đầu cho vợ
                Thế là, cái dấu ngoặc kép trong  quyết định cấp ngôi biệt thự đường Nguyễn Đình Chiểu cho Tầm Lắc trở thành vô  nghĩa. Bằng cú ly hôn giả, vợ chồng Tầm  Lắc ôm gọn hai ngôi biệt thự vài nghìn cây vàng.
               Thằng con út Tầm Lắc tên là Tùng  , biệt danh “ Tùng đớp”, từng làm bên công an hình sự nhưng bị sa thải. Nó cũng  ngũ đoản, mặt dơi,tai chuột, miệng thổi lửa giống bố như tạc.
                Cơ quan tôi chức Trưởng phòng đối ngoại ngon ăn nhất, lúc nào cũng quần là áo lượt, xe đưa xe đón, khách khứa  sang trọng, cặp rủng rỉnh tiền, chi trước báo   sau, thả sức ăn nhậu. Ba năm trước, tay Tuấn phải mua cái chức ây năm  chục ngàn đô la, nhiều kẻ vồ hụt , tiếc đổ máu mắt.
               Khi Tùng đớp ở Hà Nội vào, Tầm  Lắc bố trí con làm phó cho  Tuấn. Tuấn  muốn lấy lòng bí thư, đưa Tùng đi ăn  nhậu, chơi gái, bày cả cách ăn chặn tiền “ đối ngoại”. Tùng đớp theo Tuấn ăn chơi, gái gúng sả láng, và dùng nghiêp vụ công an ghi âm, ghi hình  hết, về đưa cho bố. Tầm Lắc đưa ra hội  đồng kỷ luật, với bằng chứng rõ ràng, Tuấn mất chức,trường phòng , đau hơn hoạn.  Tùng đớp lên thay Tuấn , giũ cái chức béo bở ấy, chẳng mất xu nào.
              Hôm bàn giao, Tuấn mượn bia, chỉ  tay vào mặt Tùng:
             -Địt mẹ cái giống dơi, giống chuột  nhà mày! Bố bỏ ma túy cướp nhà, con ghi hình lén cướp chức! Thế nào bố con mày  cũng bị quả báo!
               Tuấn đến nhà Tổng giám đốc than  thở. Tổng giám đốc nói:
              - Mày cơm không ăn ăn cứt, thì mặc xác mày!
              Tổng  giám đốc cũng chẳng tử tế gì, tham nhũng  , hối lộ ,bốc hốt, bè cánh như giặc. Bí thư trước không ăn cánh, đấm đá nhau tơi  bời, đường ai nấy đi. Khi bí thư Tầm mới  về, Tổng giám đốc định ma cũ bắt nạt ma mới, nhưng bị Tầm Lắc chơi cho một vố  đâm hoảng.
               Chả là lúc đầu nhìn cái tướng   mặt dơi tai chuột không ra hồn người của  Tầm, Tổng giám đốc tưởng lão đần độn, nên coi thường, trong các cuộc họp giao ban, không  thèm nghe ý kiến của lão.Một hôm Tổng   giám đốc trình bày kế hoạnh mua một dây chuyền sản xuất mới,   trị giá 100 triệu đô la Mỹ, rồi quyết  định sẽ cùng Trưởng phòng công nghệ và thuê hai chuyên gia chuyên ngành đi theo,  sangNhật, Mỹ, Trung Quốc thăm dò giá, tìm hiểu chuyển giao công nghệ. Nói là làm ,  không thèm hỏi ý kiến bí thư. Tầm Lắc chẳng thèm nói gì.
          Nhưng khi bọn này vừa về, thì Tấm Lắc  gặp riêng hai chuyên viên  đi cùng , bắt  khai ra hết. Mấy hôm sau, Tổng giám đốc  họp công bố quyết định mua dây chuyền sản xuất của Trung Quốc, Tầm Lắc vẫn không  nói gì. Hôm sau, Tầm Lắc triệu Tổng giám đốc lên phòng mình, đóng cửa lại, tự  pha trà mời, rồi nói:
               - Đồng chí có thể cho tôi biết  quá trình đàm phán mua dây chuyền sản xuất được không?
              Tổng giám đốc vênh mặt  lên:
              - Tôi báo cáo cả buổi hôm qua,  anh không nghe à?
              - Nghe chứ!
              -  Sao hôm nay anh còn bắt báo  cáo?
              - Vì tôi muốn biết sự thật  !
               Tổng giám đốc bực  bội:
              - Sự thật  nào? Tôi báo cáo đúng sự thật?
               Tầm lắc nhếch miệng cười  :
               - Sao cái dây chuyền của Nhật  mới, hiện đại hơn, rẻ hơn không mua, lại mua của thằng Tàu đã xài nát ra rồi,  giá mắc hơn  vậy hè?
               -Ai bảo xài rồi? Ai bào ông như  vậy?
               Tầm Lắc lúc lắc cài cổ :
                - Nó sơn phết lại cho mới, chứ  sài chục năm rồi! Anh muốn biết ai nói cho tôi nghe thì rất dễ. Nhưng như vậy e  anh mất chức Tổng giám đốc, ...hè?
                Tổng giám đốc phân  bua:
               - Tôi và trường phòng công nghệ  mù, nhưng hai chuyên viên độc lập cũng mù hay sao?
               Tầm Lắc lúc lắc cái cổ. mạnh  hơn. Bao giờ lão cũng làm như vậy khi chuẩn bị hạ đo ván đối phương. Đấy là cách lão   đùa cợt con mồi như  mèo vờn chuột . Lão tự tay rót cho Tổng giám  đốc một ly trà nữa, rồi mở băng ghi âm cho Tổng giám đốc nghe lời hai tay chuyên  viện. Tổng giám đốc nghe đến đâu mặt tái đi tới đó, buột miệng chửi :
                  - Đụ má hai thằng nó bán đứng  tôi!
                  Tầm Lắc cười:
                  - Nó không nói thật tôi giết  nó !
                   Tổng giám đốc  hỏi:
                   - Vậy bây giờ anh tính sao?
                 - Anh tính sao tùy anh thôi,  hè?
                 Tổng giám đốc toét miệng cười hềnh  hệch:
                  - Dạ, vâng ! Vậy là anh em  mình hiểu nhau rồi.!
           Tầm Lắc cười, bắt tay Tổng giàm đốc,  gật gật.
           Mấy tuần sau dây chuyền máy của  Trung Quộc được nhập về. Và từ đó Bí thư và Tổng giám đốc như môi với răng. Những kế hoạch kinh doanh, những dự án  đầu tư, những liên doanh liên kết,Tổng  giám đốc đề ra cái gì Bí thư đều hợp thức hóa bằng văn bản nghị quyết cái đó.  Hàng trăm tỷ đồng thất thoát, tham nhũng,  bè phái, bê bối, mờ ám, mất dân chủ… như những ung nhọt trong một cơ thể bệnh hoạn,  được băng dán kín bằng sự kết dính giữa Bí thư và Tổng giám đốc.
             Tôi xin nghỉ việc vì cảm thấy nhức nhối trong  lòng. Hôm rời cơ quan tôi gặp Tầm đang đứng một mình ở góc sân, tôi  nói:
             - Ông nên nói thật với công an để  họ thả chồng cô Hương ra!
             Tầm dương mắt nhìn tôi, lúc lắc  cái cổ. Tôi muốn tống vào giữa yết hầu lão một quả đấm cho bõ ghét, nhưng sợ bẩn  tay nên nhổ bãi nước bọt rồi bỏ đi.
M.D


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vong bướm và Sự tích chúa Chổm : Hai tác phẩm mới nhất của Nguyễn Huy Thiệp

  
Bìa một tuyển tập truyện của Nguyễn Huy Thiệp, xuất bản tại Việt Nam. DR
Bìa một tuyển tập truyện của Nguyễn Huy Thiệp, xuất bản tại Việt Nam. DR

Thụy Khuê
Sự im lặng của Nguyễn Huy Thiệp trong tám năm qua là sự nhập thiền để ngộ mình trong một tình huống khác. Tình huống đó là chèo. Tại sao lại chèo? Bởi chèo tự thân đã mang khả năng cách mạng thường trực nghĩa là tác giả và diễn viên đều có quyền phản ứng lại hay quyền phản biện đối diện với hoàn cảnh hiện sinh và trực diện với khán giả trước mắt mình: Chèo là nghệ thuật có tính cách mạng cao.

Chừng tám năm nay, từ sau khi tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu bị cấm in trong nước[1], cùng với dư luận "tẩy chay, ruồng bỏ" của một số người "có thẩm quyền" xác định tác phẩm này là một "thất bại hoàn toàn", Nguyễn Huy Thiệp bèn viết vài cuốn tiểu thuyết ba xu để tặng bọn -chẳng ai hiểu cóc khô gì như lời thằng Khuê trong Tuổi hai mươi yêu dấu- mà theo ông, chỉ đáng đọc tiểu thuyết ba xu.
Sau lẫy hờn đó là im lặng.
Điều kiện sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình góp phần trách nhiệm vào sự im lặng này, nhưng lý do chính vẫn là sự chán nản toàn bộ danh vọng, chữ nghĩa và tình đời: Khi đã đạt tới "đỉnh cao", nhà văn phải trực diện với vực sâu trước mắt, bởi đỉnh nào không nằm bên vực?
Vậy, sự im lặng của Nguyễn Huy Thiệp trong tám năm qua là tất yếu và cũng là sự nhập thiền để ngộ mình trong một tình huống khác.
Tình huống đó là chèo.
Tại sao lại chèo?
Bởi chèo là hình thức văn nghệ cổ dân gian, tự do nhất vàmang nhiều nghi nghiã nhất trong kịch bản, cách nói, hát và diễn tả:
- Về cốt truyện, tác giả chèo thường dựa trên những truyền thuyết cổ, rồi tự do vẽ rết thêm chân đểtạo nên nhân vật của mình: Một danh nhân được coi là anh hùng vĩ đại kiệt xuất qua tay nhà trò, có thể trở thành một bù nhìn hình nộm nhất; một triều đại mở nước, liệt oanh, qua tay chèo, có thể trở thành một triều đại ma só, ma bùn...
- Về lời nói, cách hát, diễn viên cũng có thể tự do sáng tác ra những câu những lời (không có trong kịch bản) để đáp ứng với hoàn cảnh sống hiện tại và phản ứng khán giả. Sự tự do này có tự thời xưa, bởi kịch bản
[2] chèo chỉ truyền khẩu chứ không được lưu giữ bằng văn tự.
Vậy chèo tự thân đã mang khả năng cách mạng thường trực nghiã là tác giả và diễn viên đều có quyền phản ứng lại, nói cách khác là quyền phản biện đối diện với hoàn cảnh hiện sinh và trực diện với khán giả trước mắt mình: Chèo là nghệ thuật có tính cách mạng cao.
Nguyễn Huy Thiệp cho biết những vai chính diện có tác dụng giáo hoá, lại thường do những diễn viên nghiệp dư, tức là "bọn tử tế" đảm trách, và "đất diễn" của họ không nhiều. Ngược lại, đám nghệ nhân chuyên nghiệp, tức những quan viên phường chèo, tức là "bọn xướng ca vô loài" thường giữ địa vị "quấy đảo để làm tăng vị chèo".
Tác giả muốn nói bọn dạy đời, bọn giáo dục quần chúng (tức bọn chính thống, bọn quyền thế) xuất hiện rất ít, chỉ giữ vai phụ, do những người tập tành học việc diễn.
Trong khi bọn bị khinh rẻ, chỉ được đóng vai phụ, lại là bọn nghệ sĩ đích thực "xướng ca vô loài", có tay nghề, có có khả năng khuynh đảo xã hội, có thể "nổi loạn" bằng cách sáng tác những lời văn, thơ không có trong nguyên bản, để tạo không khí và gây hậu quả, làm cách mạng thường trực.
Nhờ tính nghi nghiã và đa nghiã, chèolà một nghệ thuật mở, dù diễn tích xưa, nhưng luôn luôn tái tạo để phù hợp với đời sống hiện sinh, hiện hành, trong bất cứ môi trường nào, xã hội nào, thời đại nào.
*
Chèo Vong bướm, kể chuyện Điệp Lang, một chàng trai quê ra tỉnh tìm công danh, trót ký với Ma vương "giao kèo" bí mật: bán linh hồn mình để thoả mãn tất cả dục vọng trên đời... Sùng ông, cha chàng, đi tìm con, chỉ gặp được vong con.
Vong bướm kết hợp huyền thoại Trang Tử hoá bướm và bác sĩ Faust bán mình cho Quỷ, cùng tinh thần Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, để tạo ra một mô hình mới trong chèo: Vong.
Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du mở đầu bằng những dòng trác tuyệt:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Lọt hơi sương lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu
Ngàn lau khảm bạc, giếng khô rụng vàng
Từ thềm nhân ái, Nguyễn Du tạo một hoàn vũ cô hồn đến Quỷ cũng đáng thương: "Quỷ không đầu van khóc đêm mưa". Tố Như là hồn của chữ nhân sau khi thoát xác.
Hồn Nguyễn Du, ba trăm năm sau, vẫn còn vấn vương trần thế, ám vào đám vong người.
Từ ảnh hưởng Nguyễn Du, Nguyễn Huy Thiệp tạo thế giới vong thế kỷ XX, mà quỷ và người cùng sống chung trong ý thức.
Goethe giải thích cuộc quyết đấu cơ bản: "Có hai linh hồn sống trong ngực tôi. Cái nọ muốn muốn lìa cái kia. Một, với những bộ phận lành mạnh, bấu víu vào cuộc đời, trong niềm vui xác thịt; một hăng hái đứng lên và thoát ra từ cát bụi trong lòng đất để về với những cánh đồng của tổ tiên". Đó là cuộc tranh đấu tay đôi thường trực trong nội tâm con người, giữa sống và chết, tốt và xấu. Faust và Méphistophélès là hai mặt của một mề đai.
Ma vương là hiện thân của Méphistophélès trong thế giới phương đông.
Nguyễn Huy Thiệp, từ thời Quỷ ở với người, đã chịu ảnh hưởng Goethe, qua kỹ thuật dàn dựng và cuộc chiến nội tâm.
Điệp Lang trong Vong bướm, là hiện thân của những người mải mê đi tìm danh vọng, bán linh hồn cho quỷ.
Mà vong lại là hồn và hồn bướm là hình tượng được Khái Hưng và Nguyễn Bính tái tạo trong Hồn bướm mơ tiên và Cô hàng xóm. Vậy Vong bướm của Nguyễn Huy Thiệp là tái tạo thứ ba, sau Khái Hưng và Nguyễn Bính:
"Vong là ngọn gió đa tình bay qua,
Vong ngoài sân, vong trong nhà,
Vong từ cung cấm, vong ra sân đình.
Vong này đích thực vong tình,
Xem ra vong Bướm ở mình, ở ta".
Sau thời kỳ "tham thiền" gần mười năm, Nguyễn Huy Thiệp nhìn lại đời mình, đời người, luận lại mọi lẽ, và ông đã tìm ra một triết lý mới của đạo Phật: Tất cả đều là vong (Xem ra vong Bướm ở mình, ở ta) hoặc sẽ trở thành vong. Bởi vong ở mình. Bởi tất cả rồi sẽ chết. Bởi ta mang cái chết trong mình.
Nhưng vong còn là sự suy vong, tận diệt, tự huỷ. Vong có trong ta, trong cuộc sống, là sự tranh đấu giữa hai thế lực tốt xấu trong ta.
Điệp Lang (Chàng Bướm) mang hình ảnh những kẻ đam mê danh vọng cung đình, bán mình cho Quỷ:
Lại những vong công hầu khanh tướng,
Nơi thâm nghiêm thì thụt vào ra.
Lăm le gánh vác sơn hà,
Bạn bè toàn những mãng xà diều hâu
Trường danh lợi biết đâu là đủ,
Danh càng cao thù oán càng cao,
Thác đi vênh váo được nào,
Văn thơ để lại vận vào tiếng nhơ!
Cũng nhiều vong bơ phờ hốc hác,
Tưởng như mình thiên chức tài cao.
Trường văn trận bút áo ào,
Viết hàng đống sách vứt vào lãng quên.
Điệp Lang là chàng trai quê lên tỉnh, giống như cô gái quê của Nguyễn Bính sau khi đi tỉnh về: Hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Điệp Lang dấn cả cuộc đời trong gió bụi kinh thành, chàng thì thụt vào ra những nơi thâm nghiêm kín cổng, bạn bè toàn những mãng xà diều hâu. Đối diện với Điệp Lang là Ma vương:
"Ta là cô hồn, ta là tận thế, 
Ta là bài ca tuyệt vọng cõi nhân sinh!
Ta là cơn lốc bất thình lình,
Ta ập đến trong sát-na, trong thời khắc!
Ta ký những giao kèo bí mật,
Ta ký trong thoả thuận tâm linh.
Ta ký giao kèo với các sinh linh..."
Khi mê, Điệp Lang không phân biệt được, đâu là ánh sáng, đâu bóng tối, nhưng khi tỉnh lại, chàng đã thành vong, mới có cơ hội bay lên nhìn lại toàn cảnh đời mình, từ không gian vũ trụ:
Danh càng cao thù oán càng cao,
Thác đi vênh váo được nào,
Văn thơ để lại vận vào tiếng nhơ!
Để xây dựng nhân vật của mình, Nguyễn Huy Thiệp trích dẫn khá nhiều thơ Nguyễn Bính, nhưng ông tạo ra những cá tính, những tinh thần, những tình huống huyền hoặc của xã hội ngày nay, khác hẳn tinh thần lãng mạng xưa, trong cuộc tranh đấu một mất một còn giữa đô thị và thôn quê, giữa quyền lực và dân đen, giữa thối nát và trong sạch, trong bối cảnh nửa hiện đại, nửa cổ phong.
*
Truyền thuyết tìm Vua (hay là Sự tích chúa Chổm) thoạt nhìn là huyền thoại Chúa Chổm thế kỷ XVI, nhưng khảo sát kỹ hơn, vở chèo bao trùm nhiều thời điểm khác, nhiều giai đoạn lịch sử khác. Phầngiáo trò, mở bằng những câu:
"Chuyện xảy ra thế kỷ mười sáu,
Nhà Lê suy vong, nhà Mạc truất ngôi
Mặc Đăng Dung khởi chuyện động trời
Giết Cung Hoàng, tiếm ngôi Hoàng đế
Công thần nhà Lê thảy đều phẫn chí
Theo Nguyễn Kim dựng ngọn cờ đào
Một phen nước lửa binh đao,
Một phen vận hội anh hào ra tay
Nam-Bắc triều cuộc chiến này,
Nồi da nấu thịt xương thây trắng đồng!
- Có câu rằng:
Nam Bắc Tây Đông,
Rối tinh canh hẹ, Nam Bắc Tây Đông!... (Chương 1)

Phần giáo trò (giáo đầu hay mở đầu) tóm tắt bối cảnh vở chèo: Chuyện xẩy ra khi Mặc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Nguyễn Kim, công thần nhà Lê lập bản doanh tại châu Sầm Nứa (Ai Lao) cùng con rể là Trịnh Kiểm đi tìm con út vua Lê Chiêu Tông, tên Duy Ninh, tức chúa Chổm, tôn làm vua, năm 1533, tức Lê Trang Tông. Đó là huyền thoại dân gian, chính sử không nói gì đến chúa Chổm
[3]. Nhà Lê trung hưng lên từ đấy, nhưng đồng thời đất nước bắt đầu "rối tinh canh hẹ" trong những cuộc nội chiến tương tàn.
Vào chèo, đại thần Nguyễn Kim dấy cờ khởi nghiã, có Hề và ba quân (tiếng đế) phò tá. Nguyễn Kim là chủ soái nhưng Hề "giật dây", Hề mới là kẻ có thực quyền.
Nguyễn Kim và con rể Trịnh Kiểm, "tổ phụ" của hai "triều" Nam Bắc, đi tìm dòng dõi vua Lê để phò, tức là tìm Đạo, hay tìm Ngài Được Chọn (Kinh thánh gọi là Élu, tức là vị Chúa con được Chúa Trời tiền giao sứ mệnh thiêng liêng). Chữ Đạo này, ứng vào lịch sử Nam Bắc triều là Chính nghiã. Người ta đánh nhau vì chính nghiã, mà chính nghiã đối với hai bên tham chiến, thu gọn lại là chính quyền. Tất cả những sự "rối tinh canh hẹ" trong cuộc nội chiến trải dài ba thế kỷ (từ đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX) giữa các họ Mạc, Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn, núp dưới chính nghĩa phò Lê, để dành quyền chấp chính, tức là cướp chính quyền.
Còn vấn đề Ngài Được Chọn, ứng vào thế kỷ XVI, là tìm Chúa Chổm, người nối dõi tông đường của nhà Lê, đưa lên làm vua bù nhìn và biểu hiệu chính nghiã.
Có vua, họ Trịnh xưng chúa phía Bắc để hiếp vua; họ Nguyễn xưng chúa phía Nam, lấy cớ phò vua đánh Trịnh. Trịnh Nguyễn tranh chấp bá quyền trong 148 năm vì "chính nghiã" vua Lê; sau đó Tây Sơn tiếp nối đánh Nguyễn trong 24 năm nữa.
Ứng vào lịch sử cận đại, thời tiền khởi nghiã, thì Ngài Được Chọn là vị Chúa Nhất, được tôn vinh "cha già của dân tộc"Sau khi Chúa Nhất băng hà, người ta đi tìm con rơi của Người, để dựng chúa Chổm hiện đại. Các chúa con này được các thiền sư hồng giáo dục theo đúng nguyên tắc huấn Chổm: "Tửu, sắc, yên, đổ"
[4]Và nhà nước hồng triền miên dưới sự trị vì của các chúa Chổm thời danh từ giai đoạn tiền khởi nghiã đến ngày nay.
Vở chèo mở cửa cho chúng ta vào lịch sử thành lập triều đại hồng này.
Trống thúc, chạy cờ, Nguyễn Kim ra (có Hề theo sau) vạch đường chính nghiã:
"Hãy mau mau theo ta tìm vua tìm Đạo! Hãy theo ta tìm ra nòi giống vua Lê dựng nghiệp". Rồi truyền lệnh: "Hãy mời các tướng lĩnh ra đây bàn việc!".
4 tướng: 2 văn, 2 võ ra, chắp tay:" Trình lạy tướng công, Vô Dụng, Vô Đức, Vô Sản, Vô Nhân, có mặt!" (...)
Hề hỏi:
"Thế các ông theo tướng công ta bởi lẽ gì nào?
Vô Dụng: Vui thì theo thôi!
Vô Đức: Thấy người ta đi thì ta cũng đi!
Vô Sản: Đi thì may ra có cái ăn, còn ở nhà thì lấy gì mà ăn?
Vô Nhân: Cứ chỗ nào đông người thì đến đục nước béo cò!
Hề:" Thế thì xéo! Xéo ngay! Thời thế ngày nay đã khác xưa rồi, muốn vào doanh tướng công ta nay phải có vàng mười đặt cọc!" (Xua đuổi, đánh, các tướng ôm đầu chạy).
Nguyễn Kim: (ngăn lại) Cũng phải giữ lại một người để bàn việc chứ?
Hề: Thôi thì ta giữ lão già này lại! (giữ Vô Dụng lại, 3 tướng chạy đi).
Vô Dụng: (Chắp tay) Trình lạy tướng công! Vô Dụng trình lạy tướng công.
Hề: Lão là Vô Dụng hay Ngô Dụng?
Vô Dụng: Lão là Vô Dụng, chứ nếu là Ngô Dụng như trong truyện Thủy Hử thì chết lâu rồi!
Hề: Sao Vô Dụng còn mà hữu dụng chết?
Vô Dụng: (bảo Hề) Cậu ơi, thế cậu có nhìn thấy cái cây to lớn bên đường kia không?
Hề: Có! Có phải cái cây cao bóng cả, cái cây lắm cành nhiều cội, cái cây lắm họ hàng hang hốc đấy không?
Vô Dụng: Đúng rồi, cái cây vô dụng!
(vỉa) Gỗ của nó đóng quan tài thì quan tài mục,
Mang đóng thuyền thì thuyền chìm nghỉm mất toi!
Làm củi đun thì khói um giời!
Chim không làm tổ mà hoa quả thì cây này không có!
(nói) Chính vì vô dụng mà cái cây ấy sống trăm tuổi thành cổ thụ đấy cậu ạ! Chứ hữu dụng thì người ta chặt nó lâu rồi!
Nguyễn Kim: Hay! Nay ngươi nói ra ta mới hiểu cái nghiã của sự vô dụng ở đời!
(hát cách) Này vô dụng! Hỡi vô dụng!
Nào ai hay vô dụng đắc thời!
Giở hay cũng bởi chữ thời,
Thị phi hai mặt ai người chớ quên!
Nhân tài do bởi chữ Duyên!"
Trích đoạn trên đây mở màn vào không gian và "triết lý" chính của vở kịch: vô dụng thì sống, hữu dụng tất chết. Chỉ với mấy dòng đối thoại, Nguyễn Huy Thiệp đưa ra tám chủ đề:
1- Tìm Vua tức là tìm Đạo.
2- Ý nghiã họ tên của bốn tướng: Vô Dụng, Vô Đức, Vô Sản, Vô Nhân.
3- Động lực dựng cờ "Hưng quốc" của bốn tướng họ Vô.
4- Cửa quyền: muốn vào dinh thì phải đút cửa Hề vàng mười.
5- Các họ Vô khác đều bị sa thải, chỉ giữ lại Vô Dụng.
6- Nguyễn Kim là chủ soái nhưng Hề nắm thực quyền.
7- Nguyên tắc cai trị: vô dụng thì còn, hữu dụng bị diệt.
8- Nguyễn Kim "ngộ" ra "nguyên tắc" tìm vua tức là tìm "Người Được Chọn" (dùng chữ Élu trong Kinh thánh) nói khác đi là tìm "kẻ vô dụng" để dựng "vua bù nhìn".
Tám chủ đề này bao trùm lên nhiều thời điểm lịch sử : thời Tiền khởi nghiã (tìm Chúa), thời Nam Bắc triều (Vô Sản lãnh đạo thành công: dãi thây trăm họ nên công một người), thời Thống nhất (Vô Dụng tồn tại, các họ Vô khác bị tiêu diệt như trong Thủy Hử, có danh ắt hại ba đời) và thời Hiện đại (vào dinh phải có vàng mười).
Chủ đề một: nhà nước chuyên chế nào cũng đồng hoá chính quyền (vua, đảng) với Đạo.
Chủ đề hai: Chỉ vì cái tên mà bốn tướng cột trụ Dụng, Đức, Sản, Nhân, bị Vô (hiệu) hoá dưới triều đại hồng.
Chủ đề ba: Lý do theo "kháng chiến": Vô Dụng:Vui thì theo thôi! Vô Đức: Thấy người ta đi thì ta cũng đi! Vô Sản: Đi thì may ra có cái ăn, còn ở nhà thì lấy gì mà ăn? Vô Nhân: Cứ chỗ nào đông người thì đến đục nước béo cò!
Lời Dụng và Đức chả khác gì lời Phạm Duy, Tạ Tỵ, Hoàng Cầm... thốt lên về việc theo kháng chiến, nghiã là họ chẳng biết mô tê mù tịt gì về chủ nghiã nọ kia, thấy vui thì đi; bọn theo Nguyễn Kim ngày trước cũng thế.
Chủ đề bốn: Sự đút lót có từ thời dựng cờ Hưng quốc.
Chủ đề năm: "Hưng quốc" (cách mạng thành công) rồi, áp dụng quy luật "tiền nhân": các tướng có công bị loại, chỉ giữ lại Vô dụng.
Chủ đề sáu: Chủ soái chưa chắc đã có thực quyền, thực quyền nằm trong tay bọn hề.
Chủ đề bẩy: Nguyên tắc thống trị của triều đại hồng: tiêu diệt những gì hữu dụng, chỉ để lại bọn vô dụng.
Chủ đề tám: Vị nguyên thủ "ngộ" ra chân lý: phải bù nhìn hoá các giá trị (ví dụ tự do, dân chủ), tức là viết thành chữ trong hiến pháp nhưng không thi hành.
Nguyễn Huy Thiệp vẫn kiệm lời, kiệm nhân vật, kiệm cử chỉ và kiệm cả hành động, nhưng mỗi nhân vật, mỗi cử chỉ, mỗi hành động đều ẩn nhiều ý nghiã, nhiều chủ tâm khác nhau, ví dụ, bốn tướng quan trọng nhất đều họ Vô, tên: Dụng, Đức, Sản, Nhân. Ba chữ Dụng, Đức, Nhân, biểu dương những đức tính tốt của con người, thường được cha mẹ Việt chọn làm tên cho con với kỳ vọng người con sẽ thực hiện được những gì mà cha mẹ hoài bão, nhưng ở đây, lại bị chữ Vô triệt hết, biến chúng trở thành: Vô Dụng, Vô Đức, Vô Nhân.
Yếu tố "ngoại lai" duy nhất lọt vào trong đám tướng này là Sản (tài sản, tiền bạc), nhập cảng từ bên ngoài, không có ý nghiã gì trong đạo đức truyền thống của người Việt, khiến cha mẹ dùng để đặt tên cho con. Chính cái Sản này, là thứ vi trùng ngoại lai, sẽ giữ vai trò chủ chốt trong việc tiêu diệt các đức tính: Nhân, Đức, của con người mà cha mẹ Việt ước muốn cho con. Sản (tiền tài, của cải) sẽ tiêu diệt Nhân, Đức, hoặc chuyển hoá Nhân và Đức sang cùng họ Vô với mình, để trở thành: Vô Nhân, Vô Đức, Vô Sản. Sự chuyển biến này trong thời kỳ tiền khởi nghiã (tìm Chúa) có ý nghiã sau xa: Vô Sản tiêu diệt Nhân Đức, để nắm toàn quyền lãnh đạo, tạo nên cuộc Cách mạng Vô sản.
Trong bọn tướng theo Nguyễn Kim có bốn cột trụ: Vô Dụng, Vô Nhân, Vô Đức, Vô sản.
Vô Dụng được Hề giữ lại. Nhưng việc Hề so sánh Vô Dụng với Ngô Dụng có ý nghiã thâm thúy: Ngô Dụng, quân sư trong Thủy Hử (được ví như Gia Cát Lượng), phải tự vận chết, bởi khi hết loạn, nhà Tống tiêu diệt gần như toàn bộ nhóm anh hùng Lương Sơn Bạc về giúp triều đình. Ngoài ra, họ Ngô, trong thời điểm Nam Bắc phân tranh, còn gợi nhớ đến một họ cầm quyền ở phương Nam. Nghĩa gì chăng nữa thì họ Ngô tên Dụng ở đây, vẫn là một thứ "hữu dụng" và như cái cây, nếu nó hữu dụng thì bị người ta chặt ngay! Chỉ bọn vô dụng là đắc thời, đắc thế!
Cuối cùng, Hề núp sau, giật dây quyền lực. Hề ra lệnh "giết phăng lịch sử". Nhà nước hồng đã răm rắp thi hành bản án tử hình lịch sử này.
Chổm hiện ra trong màn 2. Mẹ Chổm ngày trước "bán rượu" ở kinh thành, một đêm, phận hèn may (hay rủi) gặp vua, xong "việc", vua trao cho nàng ấn tín xác nhận hành vi. Chẳng ngờ chuyện một đêm thành chuyện một đời: "Ai hay sinh hạ được nên giọt Rồng!". Nàng bèn: "Gửi con lên chốn núi Hồng", cho các vị thiền sư Hồng dạy Đạo. Chổm là đệ tử của sư Thạch Toàn. Chổm học gì? Chàng học được những trò "sớm đào tối mận", bởi "sư dạy toàn những thú ăn chơi đế vương thôi!". Sau 10 năm "tu luyện", Chổm quyết định "hạ sơn" đúng lúc đại thần Nguyễn Kim đang truyền lệnh tìm Đạo, tìm Người Được Chọn. Chổm lên ngôi vua. Mẹ Chổm mừng rỡ: "Ơn giời Long lại hoàn Long! Trứng Rồng lại nở ra Rồng. Liu điu lại nở ra dòng liu điu!". Rồi thoắt nhiên nàng hoá dại: "Chổm ơi là Chổm" "Mẹ hại con rồi!", mẹ Chổm ca:"Rồ rồ dại dại điên điên, vào trong cung cấm không điên mới tài".
Sự hoá dại của mẹ Chổm khi biết con mình sẽ thành vua, là điều bi đát nhất trong lịch sử, lịch sử hồng và lịch sử nhân quyền của một nước.
Paris Tết Nhâm Thìn, 2012


[1] Viết xong năm 2004. Bản dịch Pháp văn A nos vingt ans của Sean James Rose, do nhà Aube in ở Pháp 2005.
[2] Nguyễn Huy Thiệp sưu tầm và cho biết kịch bản tức thân trò hay tích trò chỉ truyền khẩu.[3] Theo Long điền Nguyễn Văn Minh, trong bài nghiên cứu "Chúa Chổm là ai? Cấm Chỉ là gì?" thì huyền thoại Chúa Chổm và phố Cấm Chỉ ở Hà Nội không liên lạc gì với nhau. Về Chúa Chổm, ông viết: "Xét nhà Lê trung hưng từ năm Quý Tỵ (1533) đóng hành điện ở châu Sầm Gia (Ai Lao), sau Trịnh Kiểm thiên ra Vạn lại (Thanh hoá), mãi đến năm quý tỵ (1593) mới về được Thăng long, tức là cách 60 năm tròn. Trong 60 năm, trải bốn đời vua: Trang tông, Trung tông, Anh tông và Thế tông. Tháng 4 năm ấy, xa giá vua Thế tông mới tới Thăng Long: như vậy mà bảo Lê Trang tông là Chúa Chổm, thực không đúng. Vua Trang tông mất ở Vạn lại từ năm 1548, mà đến năm 1593 triều đình mới về được Thăng Long, cách nhau 45 năm trường". Về phố Cấm Chỉ, ông viết: "Lại xét địa đồ xưa, thành Thăng Long, ba phía đông, tây, bắc, mỗi phía có một cửa, duy phía nam có hai cửa: một cửa ở ngay vườn hoa Bách Việt bây giờ có con đường đi thẳng lên Cột cờ; một cửa nữa có lẽ vào phố hàng Đẫy (đại lộ Nguyễn Thái Học bây giờ) khoảng nhà thương Saint Paul. (Theo bản đồ phác hoạ (schéma) Hà Nội năm 1876, trong quyển "Hanoi pendant la période héroique (1873-1888) của André Masson, in 1929, do nhà Librairie orientaliste Paul Geuthne). Vậy có lẽ xưa lúc thiết đại triều ở Kính thiên, tất phải cấm dân chúng đi lại gần cửa Nam để tiện giữ trật tự, vì thế mà có lệnh cấm từ con đường ngang cách Cửa Nam một quãng, do đó thành tên là con đường ngang Cấm Chỉ. Như thế, Cấm Chỉ có từ xưa, đời nhà Lý, chứ không phải có từ đời Lê trung hưng.". Còn về cái tên Chúa Chổm, ông lập luận: "Chúa Chổm, dẫu là thực danh hay xước danh của một nhân vật nào, tất cũng phải từ sau năm quý tỵ (1593) tức là sau thời kỳ Trịnh Tùng xưng chúa". (Tập san Nhân Loại số 16 và 17, ra ngày 9 và 30/11/1953, Sài Gòn).
[4] Rượu chè, trai gái, ma tuý, cờ bạc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đời sống của công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động


Ở bên đây thì làm một ngày mười mấy tiếng, 20 tiếng cũng có. Dọn dẹp trong một ngày đầu thì vẫn phải làm hết, dọn dẹp 2 nhà to, dọn dẹp xong thì sang bên bế em bé, một đứa liệt 6 tuổi nằm giường, một thằng 7 tháng, ... Còn chồng thi lại sàm sỡ mình - Chị Vũ Thị Khương

Đối với các công nhân đi xuất khẩu lao động, việc phải ra nước ngoài để kiếm sống đã là một hy sinh vì phải xa gia đình. Trong khi đó điều kiện làm việc và sinh sống ở những nơi đó cũng không phải hoàn toàn dễ chịu như họ tưởng. Thực tế đó ra sao?
Thu nhập

Các lao động đi xuất khẩu lao động với mong muốn tạo thêm thu nhập để nuôi sống gia đình và mong sao gia đình của họ bớt khó khăn, tuy nhiên với chi phí ra đi của họ khá đắt đỏ nên tính ra thu nhập của họ cũng không mấy sáng sủa, nhất là đối với những thị trường lao động nghèo.


Anh Nguyễn Quang Nhật làm ở Malaysia cho biết:

“Cũng tùy theo công ty, như ở bên này tiền lương cơ bản 900 Ringgit = 4.500.000Tr VND và tùy theo công việc và tỷ lệ làm thêm nữa, ở công ty em là công ty cơ khí nên nó tính giá cao hơn, 1 tháng ít nhất của em là 1.500 Rinhgit và tháng cao nhất là 2.300 Ringgit = 11.500Tr VND. Bây giờ Ringgit nó hạ nên cũng được ít nữa”

Anh Lâm Khánh Xình một lao động chui cho biết, dù lao động chui khó khăn khổ cực nhưng thu nhập còn gấp mấy lần Việt Nam:

“Anh sang Nga du lịch 3 tháng sau 3 tháng anh phải về nước nhưng anh ở lại lao động chui mỗi tháng anh làm được 500$. Cũng khổ cực lắm nhưng còn hơn ở Việt Nam. Ở Việt Nam mà làm được 500$ thì rất khó khăn thì có đi ăn cướp mới được 10 Tr VND”

Đối với những nữ giúp việc nhà thường được gọi là ‘ô sin’ hiện đang làm việc ở Ảrậpxêút thì chi phí họ đi không mất tiền; thế nhưng lại bị các công ty môi giới bán theo dạng nô lệ mới, nên họ làm việc vất vả, công việc nhiều mà thu nhập một tháng lại rất thấp. Ngoài ra thu nhập của họ còn tùy theo gia đình đó tốt hay xấu, nếu gia đình đó tốt họ sẽ trả thêm còn gia đình không tốt thì tiền lương họ trả không hết.

Chị Ngọc Hoàng Diễm Thủy cho biết thêm:

“1 tháng được 1,300 tiền tính theo Viát = 7.700Tr VND”

May mắn hơn chị Thủy thì chị Khương 1 tháng nhận được số tiền có cao hơn, dù công việc làm giống nhau:

“1 tháng lương em nhận được 1.500 Viát =8.900Tr VND tính theo bản hợp đồng thì em được nhận như vậy”

Khó khăn trong cuộc sống

Những công nhân đi xuất khẩu lao động thì họ phải xa gia đình, thiếu thốn tình cảm.


Chị Hồng làm ở Đài Loan cho biết, khi sang làm mới thấy những khó khăn:

“Khi sang đây mình mới thấy rõ cuộc sống vô cùng thiếu thốn trong sinh hoạt và trong cuộc sống hằng ngày".

Anh Nhật làm ở Malaysia thì có gặp may mắn hơn vì được công ty có đối đãi tốt với công nhân, nên những khó khăn trong cuộc sống cũng ít:

“Làm ở bên này cũng ổn định, công ty nó cũng dễ với công nhân và công việc cũng nhiều”

Đối với các công nhân lao động chui thì khó khăn nhất là không có giấy tờ, nếu bị bắt thì bị phạt, anh Lâm Khánh Xình cho biết khó khăn:

“Khó khăn nhất là không có giấy tờ, làm chui bên này thì sợ công an, côn đồ”

Từ khi đi xuất khẩu lao động sang Saudi Arabia trở về nước, gia đình chị Tô Thị Dung lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. (laodong.com)
Các anh các chị trong dòng họ Vũ Võ hãy giúp em gái của các anh các chị với, em đi đơn hàng này không đúng như những gì hôm lên Hà Nội gặp mặt, em đến nhà chủ này một mình em phải dọn 2 nhà và trông 2 đứa trẻ con một đứa nằm liệt 7 tuổi và một 7 tháng giờ mỗi ngày em bế thằng bé 7 tuổi, lưng em rất đau không chịu được nữa rồi và một ngày em phải làm từ 6 giờ sáng đến 10 giờ 30 đêm. Các anh các chị hãy đến công ty Dầu Khí làm mạnh giúp em để em nhanh được về Việt Nam vì lưng em đau lắm, em xin mọi người giúp em với, em xin chân thành cảm ơn các anh các chị.

Có trường hợp vì lao động quá cực nhọc phải lên tiếng kêu cứu trên Facebook. Chị Vũ Thị Khương cho biết:

“Ở bên đây thì làm một ngày mười mấy tiếng, 20 tiếng cũng có, dọn dẹp Trong một ngày đầu thì vẫn phải làm hết, dọn dẹp 2 nhà to, dọn dẹp xong thì sang bên bế em bé, một đứa liệt 6 tuổi nằm giường, một thằng 7 tháng, bế lên thì đứng không được bế lên khóc thì ngồi xuống trẻ con không đứng được thì sao mà ngồi được. Còn chồng thi lại sàm sỡ mình”

Chị Hoàng Ngọc Diễm Thủy cũng cho biết:

“Cũng có khi khó khi dễ, toàn những việc không tên, thấy việc gì là làm. Nhà nào có con nít thì coi con nít, lau chùi, dọn dẹp, rửa chén bát, giặt đồ. Con người ta thức dậy thì mình cũng dậy pha sữa. Không có giờ ổn định, người ta cho gì thì mình ăn cái đó. Người ta nói gì thì mình phải tuân theo, không được cãi lại. Bên đây không có giờ giấc ổn định, làm đến 2 giờ 3 giờ, có lúc 4, 5 giờ sáng mới ngủ”

Không những là làm việc vất vả, thời gian nhiều mà các cô còn bị chủ nhà bỏ đói chị Khương cho biết thêm.

“Ăn uống của hội em thì trong hợp đồng nói là gia đình nhà chủ phải cung cấp ăn uống đầy đủ cho hội em. Nhưng sang bên này ăn uống của hội em 1 ngày chỉ được 1 bữa cơm thôi.”

Bế tắc và ước vọng

Đối với các Ô sin làm việc ở Ảrậpxêút với công việc khó khăn và lương không cao nên mong muốn của họ là được về nước sum họp với gia đình nhưng nếu về trước thời hạn thì họ phải bồi thường hợp đồng cho công ty môi giới có thể lên tới 50 Tr VND.

  Mình thật sự hy vọng quê hương mình có thể thay đổi và phát triển thật là mạnh mẽ, để thể hệ sau không còn cảnh xuất khẩu lao động bôn ba vất vả nơi xứ người như mình hiện tại

Chị Hồng làm việc ở Đài Loan
Chị Hoàng Ngọc Diễm Thủy cho biết:

“Nhiều lần muốn về rồi nhưng mình nghĩ giờ về thì phải đền bù hợp đồng cho người ta. Mới làm một năm nên đền bù không được. Nên phải chịu cực chịu khổ vì không làm thì phải đền bù cho người ta, dù sao cũng phải làm. Nếu mình về trước hạn thì phải đền bù cho người ta tùy theo thỏa thuận với nhau. Nếu ai làm không được thì về nhưng tiền vé thì mình phải bỏ ra chứ nó không chịu. Hợp đồng hai năm nhưng giờ mới được một năm thôi.”

Chị Hồng làm việc ở Đài Loan cho biết nguyện vọng của mình:

“Mình thật sự hy vọng quê hương mình có thể thay đổi và phát triển thật là mạnh mẽ, để thể hệ sau không còn cảnh xuất khẩu lao động bôn ba vất vả nơi xứ người như mình hiện tại”
Tương tự chị Hồng thì anh Nhật cũng có nguyện vọng tương tự:

“Em mong sao ở nhà đất nước nó phát triển để đỡ sang đây làm việc và có việc làm ổn định ở Việt Nam”

Anh Lâm Khánh cho biết lý do mà anh phải chấp nhận chịu khổ cực để ở lại Nga làm lao động chui.

“Thật sự anh làm thế này cũng mong muốn có tiền gửi về quê cho vợ con để trang trải cuộc sống, nhà cửa cho đàng hoàng”

Có thể nhận thấy nhiều người lao động Việt Nam đi xuất khẩu đang ở trong thế ‘tiến thoái lưỡng nan’. Trong khi đó ở trong nước vẫn có những người vì bế tắc không tìm được việc làm lại mong muốn ra đi. Nhiều cơ quan môi giới vẫn hoạt động nhộn nhịp như không có gì bất ổn xảy ra đối với những người mà qua họ đã đến tại nước ngoài và đang phải lao động cực nhọc chứ không như được hứa hẹn.

Thanh Trúc

Phần nhận xét hiển thị trên trang