Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Chiêm ngưỡng tranh siêu thực tuyệt đẹp của nữ họa sĩ trẻ gốc Việt


Dân trí - Chỉ bằng chì và màu acrylic, nữ họa sĩ xinh đẹp Trần Nguyễn phá vỡ mọi quy tắc thông thường, giải phóng trí tưởng tượng, khiến người xem lạc vào thế giới tranh siêu thực lãng mạn.
Trần Nguyễn là nữ họa sĩ tự do, sinh năm 1987 tại Việt Nam, lớn lên ở Augusta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Năm 2009, cô nhận học bổng theo học trường ĐH Nghệ thuật và Thiết kế Savannah (Savannah College of Art and Design), Mỹ.

Bằng trí tưởng tượng không giới hạn và đôi bàn tay tài hoa, Trần Nguyễn tạo ra các tác phẩm hội họa siêu thực vô cùng thú vị. Điều đặc biệt nhất, cô sử dụng chúng như một phương tiện hỗ trợ tâm lí trị liệu, khám phá thế giới tinh thần và tâm thức con người trong y học. Bởi với cô, “nghệ thuật vị nhân sinh” và cô muốn những tác phẩm của mình có thể giúp đỡ nhiều người đang gặp vấn đề tâm lí.

Nữ họa sĩ xinh đẹp gốc Việt sinh ra ở Việt Nam.

Các bức tranh của nữ họa sĩ tài hoa được hoàn thiện bằng một phần mềm xử lí hình ảnh, sau khi sử dụng màu chì và màu acrylic để vẽ trên giấy. Đường nét hài hòa, mềm mại, cách sắp xếp các chi tiết quen thuộc lại với nhau theo một cách sáng tạo, không ai ngờ tới đã làm nên những bức tranh hút hồn, khiến người xem ngả mũ thán phục.

Các tác phẩm hội họa của cô lấy nguồn cảm hứng từ trường phái Art Nouveau (một phong cách nghệ thuật, kiến trúc được ứng dụng phổ biến vào cuối XIX đầu XX).

Phía sau mỗi tác phẩm đó là công sức sáng tạo miệt mài, sự tập trung cao độ và cả phong cách nghệ thuật tinh tế, mềm mại không lẫn vào đâu của Trần Nguyễn.

Nữ họa sĩ gốc Việt xinh đẹp cho hay, cô thường mất từ 2-3 tuần để tạo ra một bức tranh (1 tuần để vẽ phác sơ bộ và khoảng 1-2 tuần sau đó cho việc chọn và phối màu sắc).


Một tác phẩm của nữ họa sĩ Trần Nguyễn.

Cô chia sẻ: “Kỹ thuật vẽ của tôi có thể khá… nhàm chán đấy. Tôi tập trung nhiều công sức vào việc pha màu acrylic, có khi một bức tranh đòi hỏi tới hơn 60 màu. Không thể nóng vội, đây là một công việc đòi hòi rất nhiều sự kiên nhẫn”.

Tranh siêu thực - trị liệu tâm lý của cô được cộng đồng mỹ thuật thế giới đánh giá cao. Trần Nguyễn từng thiết kế, vẽ minh họa cho nhiều hãng nổi tiếng thế giới như: Playboy, Tor, McDonald, Chateau St. Michelle Winery… và nhiều tạp chí thời trang, kiến trúc. Cô đã có 6 triển lãm tranh của riêng mình ở California, New York (Mỹ), Tây Ban Nha và Ý; cũng như nhiều triển lãm cộng đồng cùng nhóm nghệ sĩ.

Cô lọt Top 10 nhà thiết kế xuất sắc nhất - Tạp chí Paste, 2015; đạt Huy chương vàng - Giải “Spectrum Fantastic Art”, 2014; Huy chương Bạc – Giải Hội họa Los Angeles – Mỹ, 2015; Giải nghệ sĩ thị giác triển vọng nhất - Tạp chí Print, 2014; Giải thưởng của Học viện Minh họa, 2011…

Quá trình sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết.

“Tôi muốn cống hiến 5 năm trong cuộc đời làm nghệ thuật tạo nên tác phẩm có thể giúp ích cho các bệnh nhân và các y bác sĩ. Tôi muốn dành ít nhất hoàn toàn thời gian 1 năm để nghiên cứu thường xuyên bệnh nhân, tìm ra phương thức tốt nhất trong điều trị trực quan tâm lý bằng tranh siêu thực.

Nếu tranh của tôi thành công trong việc giúp đỡ bệnh nhân bằng cách tác động nuôi dưỡng tinh thần, hoặc chỉ đơn giản giải tỏa cảm xúc để họ quên đi những đớn đau thể xác… chắc chắn tôi sẽ tiếp tục nhân rộng dự án tại nhiều bệnh viện hơn nữa”, Trần Nguyễn chia sẻ.

Trong loạt tranh mới ra mắt, họa sĩ 8X mang tới người xem tập hợp các tác phẩm đầy chiều sâu về thiếu nữ xinh đẹp nhưng đượm nét u buồn. Cô giải thích, chúng xuất phát từ ý tưởng “khám phá thành phố ước mơ trong tâm trí” mình: “Những cô gái của tôi lang thang đi qua những khu phố cũ để níu kéo, tìm kiếm kỷ niệm từ những khoảng trống rỗng trong hồi ức”.

Cùng chiêm ngưỡng loạt tranh siêu thực vẽ các thiếu nữ mới ra mắt, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Honolulu, Mỹ của Trần Nguyễn:


Cô nhận nhiều huy chương, giải thưởng quốc tế danh giá nhờ tài vẽ tranh siêu thực tuyệt đẹp.


Các bức tranh là sự kết hợp của hình khối, đường nét và trí tưởng tượng.

Cảm hứng về người phụ nữ đẹp nhưng buồn là mạch 
nguồn trong loạt tranh siêu thực mới của Trần Nguyễn.

Mang nhiều giằng xé nội tâm dữ dội…



Tác phẩm sau khi hoàn chỉnh.



Lệ Thu
(Theo Mymodernmet/ Sourharvest)

http://dantri.com.vn/xa-hoi/chiem-nguong-tranh-sieu-thuc-tuyet-dep-cua-nu-hoa-si-tre-goc-viet-1428310763.htm
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mổ xẻ chính trường Campuchia qua bầu cử năm 2013

nghiencuuquocte.net


4834828-3x2-940x627
Nguồn: Stéphanie Giry, “Autopsy of a Cambodian Election”, Foreign Affairs, September/October 2015 Issue.
Biên dịch: Trần Anh Đức | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ăn Tết Khmer, một kỳ nghỉ lễ tương tự như Tết Năm mới của người Do Thái (cùng diễn ra vào tháng 4) theo một cách rất riêng. Trong một buổi lễ tổ chức tại khu đền cổ Angkor, Hun Sen và đối thủ chính trị chính của mình, Sam Rainsy, cùng ăn một chiếc bánh gạo nếp khổng lồ đạt kỷ lục Guiness, nặng hơn bốn tấn. Quả lả một sự kiện lạ lùng,  bởi lẽ lần cuối cùng Sam Rainsy xuất hiện tại đây là tháng 9 năm 2013, khi cáo buộc Hun Sen là một kẻ dối trá và tráo trở.

Hôm đó, Sam Rainsy và 55 thành viên đắc cử của Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập đã tẩy chay phiên khai mạc Quốc hội khoá mới để phản đối những gian lận tại cuộc tổng tuyển cử trước đó, khi đảng CNRP thua cuộc một cách sít sao. Với khu đền cổ linh thiêng đằng sau là nơi chứng giám, đảng CNRP kêu gọi một cuộc điều tra, cam kết “không phản bội lại ý chí của nhân dân.”
Chính trị Campuchia đang đứng trước một bước chuyển mới, sau nhiều năm nội chiến, đàn áp quân sự, chế độ toàn trị, quân đội nước ngoài chiếm đóng, ủy thác quốc tế, và giờ trên thực tế là độc đảng chuyên chế. Sau kiểm phiếu, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Hun Sen mất khoảng một phần tư số ghế trong Quốc hội. Trong nhiều tháng sau đó, hàng chục ngàn người Campuchia, dẫn đầu bởi đảng CNRP, đã xuống đường tố cáo Hun Sen và yêu cầu ông phải từ chức. Tuy vậy, ngày nay thật khó để phe đối lập đạt được một thỏa hiệp, phần nào do “văn hóa đối thoại”, cụm từ được dùng đi dùng lại như thần chú, nhưng tới nay cho thấy rất ít hiệu quả.
Liệu có phải Hun Sen gian lận? Ông là Thủ tướng Campuchia trong 30 năm qua, bất chấp nguồn gốc chính trị rất khó coi. Sau khi lật đổ Pol Pot với sự giúp đỡ của Việt Nam, Hun Sen, người từng là một chỉ huy Khmer Đỏ đào ngũ, được đưa vào chính quyền tại Campuchia vào năm 1979. Hun Sen tại vị kể cả sau cuộc bầu cử năm 1993, mặc dù đảng của ông đã chưa bao giờ giành được đa số phiếu phổ thông, ngoại trừ năm 2008. Mọi cuộc bầu cử thắng lợi của đảng CPP đều bị đặt dấu hỏi. Trong nhiều năm, Hun Sen đã dụ dỗ và đe dọa, mua chuộc lẫn thu phục, vô hiệu và trung lập hóa một lượng lớn đối thủ ở cả xa và gần.
Hun Sen đã hoàn thiện nghệ thuật của chủ nghĩa chuyên chế thông qua tuyển cử khi một mặt không xa lánh các nhà tài trợ phương Tây, những người bề ngoài luôn tỏ ra tôn trọng pháp quyền, nhưng cân bằng ảnh hưởng của họ bằng cách chào đón nhiều hơn những nhà đầu tư Trung Quốc. Bộc trực nhưng cũng rất khéo léo, thực dụng nhưng không kém tài diễn thuyết, Hun Sen là một nhà chính trị xuất sắc. Việc Hun Sen cầm quyền lâu năm như vậy cũng phản ánh một nền văn hóa chính trị Campuchia vốn được truyền cảm hứng từ những câu chuyện dân gian về những vị vua hùng mạnh và mưu trí, những con thỏ đồng nhanh nhẹn, tinh quái hơn cả những loài vật lớn hơn mình, những câu chuyện vinh danh và tưởng thưởng những kẻ tham vọng, gian xảo, nhẫn tâm, và dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh.
Phân tích cuộc bầu cử năm 2013 và ảnh hưởng của nó cho thấy ngay cả các đối thủ của Hun Sen cũng không thoát khỏi quan niệm quyền lực này. Mặc dù kêu gọi nền dân chủ đa đảng, tự do và nhân quyền, Sam Rainsy và đảng CNRP dường như đang vô tình áp dụng một số phương cách Hun Sen đang làm. Phe đối lập nói rằng họ đại diện cho ý chí và lợi ích của nhân dân, nhưng đôi lúc họ đối xử với những người ủng hộ như một công cụ, mang tính chất thao túng nhiều hơn là giải phóng. Đảng CNRP thực hiện đấu tranh bất bạo động nửa vời: Họ chỉ trích chính phủ độc quyền sử dụng vũ lực, nhưng lại đang cố gắng có được điều này. Đi theo chủ nghĩa dân tộc và mua chuộc dân chúng với con bài chống Việt Nam là một nước cờ của CNRP nhằm thách thức tính hợp pháp của chính quyền Hun Sen, nhưng bên cạnh các mối nguy thực sự, họ đang gián tiếp khẳng định một vài yếu tố thần thoại hóa Hun Sen.
Có lẽ thật khó để không dính vào những điều này, đặc biệt trong bối cảnh đảng CPP có sự trợ giúp từ các nguồn lực nhà nước. Cũng có thể CNRP đã quá chậm trong việc ủng hộ một số cải cách. Mặc dù vậy, chiến thuật của họ dường như cũng đã xác nhận rằng cạnh tranh dân chủ tại Campuchia gốc rễ vẫn là một cuộc đấu tranh quyền lực mà trong đó Hun Sen luôn biết cách chiến thắng.
Thủ tướng như vua 
Hứa hẹn về nền dân chủ đa đảng sẽ trở lại Campuchia sau cuộc bầu cử năm 1993, với sự rút lui của quân đội Việt Nam và một hiệp ước hòa bình do Liên Hợp Quốc làm trung gian hòa giải kết thúc cuộc nội chiến dai dẳng, dường như ngay lập tức bị dập tắt. Bất chấp việc đảng CPP thất cử trước đảng FUNCINPEC, một đảng bảo hoàng, Hun Sen vẫn đường hoàng ngồi vào ghế thủ tướng thứ hai, để rồi tới năm 1997, tổ chức một cuộc đảo chính.
Khi ấy, Khmer Đỏ vẫn đang tiến hành chiến tranh du kích, nhưng dần tan rã trong vai trò một phong trào. Hun Sen đẩy nhanh sự tan rã Khmer Đỏ bằng các đòn quân sự và lời hứa bảo vệ các nhà lãnh đạo nào đào tẩu. Cách làm này không chỉ loại bỏ đối thủ mà còn giúp tạo nên hình ảnh của một Hun Sen mang lại hòa bình và một người đi đầu ủng hộ chủ trương hòa giải dân tộc.
Trong thập niên tiếp theo, quyền lực của Hun Sen ngày một được củng cố. Ông vô hiệu hóa các phe phái đối thủ trong CPP. Ông đưa những người bảo hoàng vào liên minh và khiến họ thay đổi. Ông thao túng hoàng gia Campuchia, đặc biệt là sau năm 2004 khi vua Norodom Sihanouk, người lúc ấy đã già và đau yếu liên miên, thoái vị nhường ngôi cho người con trai Norodom Sihamoni.
Hun Sen đánh bại phe dân chủ đối lập bằng đe dọa và các vụ kiện tụng. Mục tiêu chính của Hun Sen là Sam Rainsy, một chuyên gia tài chính được đào tạo ở Pháp, và là Bộ trưởng Tài chính thuộc đảng FUNCINPEC trong năm 1993-1994 và rồi sau đó tự lập ra đảng riêng của mình. Sam Rainsy kêu gọi một chính phủ trong sạch, bảo đảm quyền lợi người lao động, và củng cố hệ thống pháp quyền. Sam Rainsy sống sót sau một cuộc tấn công bằng lựu đạn năm 1997 mà trong đó hơn một chục người bị chết. Hun Sen coi Rainsy như cái gai trong mắt.
Năm 2009 đánh dấu đỉnh cao quyền lực của Hun Sen. Cuộc bầu cử năm 2008 giúp đảng CPP chiếm đa số trong Quốc hội. Một tòa án Liên Hiệp Quốc bắt đầu xét xử các cựu thành viên Khmer Đỏ, ngoại trừ những người đang phục vụ trong chính phủ Hun Sen. Sam Rainsy cũng mắc sai lầm lớn trong chuyến thăm tới biên giới Việt Nam-Campuchia cùng năm, khi nhổ một cột mốc mà ông ta cho rằng vi phạm biên giới chính thức giữa 2 nước. Điều này khiến Rainsy bị kết tội “kích động phân biệt chủng tộc” và phải lựa chọn sống lưu vong hay vào tù. Năm 2010, Rainsy còn phải chịu một án tù dài hơn do tội làm giả bản đồ và truyền bá thông tin sai lệch, điều càng đảm bảo ông ta phải rời xa Campuchia một thời gian nữa.
Những năm tiếp theo, Hun Sen càng củng cố quyền lực, phần nào nhờ kinh tế Campuchia tăng trưởng mạnh mẽ. Từ năm 1993 đến năm 2013, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Campuchia là 7,7%, đứng thứ 6 trên thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm. Nhưng tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc 1 nhóm ít người trở nên giàu có và cơ hội để các doanh nghiệp thao túng. Nguồn tin của một số tổ chức phi chính phủ (NGO) cho hay khoảng 700.000 người Campuchia đã bị ảnh hưởng do di dời và mất đất vì chính phủ nhượng quyền sử dụng đất cho các công ty lớn.
Hun Sen đã xây dựng được một chế độ chính trị hỗn hợp, một loại hình chính trị kết hợp nhiều đặc điểm khác nhau. Các nhóm nhân quyền chỉ trích chính phủ Hun Sen vì điều này và các cáo buộc lạm dụng khác, đôi lúc hơi quá đáng khi so với cách họ chỉ trích chính phủ các nước Lào, Thái Lan, và Việt Nam. Nguyên nhân có thể là do Campuchia cởi mở hơn các nước trên: Sự hiện diện của Liên Hợp Quốc trong những năm 1990 đã cho ra đời và cho phép một loạt các tổ chức phi chính phủ và các kênh truyền thông tiếng nước ngoài tự do hoạt động.
Hun Sen đã xây dựng một chế độ chính trị hỗn hợp, một loại hình chính trị không tưởng, pha lẫn tàn tích của chế độ cộng sản, một phần chủ nghĩa tư bản bè phái, một phần chủ nghĩa gia trưởng phong kiến kiểu mới, và một phần bảo hoàng cực hữu. Đảng CPP, giống như các đảng tàn dư cộng sản khác sót lại sau thời Chiến tranh Lạnh, gắn chặt hệ thống đảng với nhà nước. Đảng CPP giám sát toàn hệ thống nhà nước từ trên xuống dưới bằng bộ máy quan liêu, hệ thống tư pháp, an ninh, và phương tiện truyền thông truyền thống. Một hệ thống với bí mật, góc khuất, và sự hoang tưởng. Đảng CPP điều hành nền kinh tế dựa trên một cơ chế vừa bóc lột vừa phục vụ, vừa cướp bóc vừa ban ơn. Nhà nước cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế, và giao thông cho người dân như ban ân huệ, chứ không phải như đây là các sản phẩm công cộng tất yếu.
Cùng lúc đó, Hun Sen đề cao nền quân chủ Campuchia nhằm gắn mình vào sự thần bí của hoàng gia và chiếm lĩnh tính biểu tượng của nó. Hun Sen rất thích được so sánh với người anh hùng Campuchia thế kỷ XVI là Sdech Kan, một thường dân đã trở thành vua sau khi giết chết vua vì vua muốn giết ông; Hun Sen đã xây dựng một số bức tượng của Sdech Kan trên khắp đất nước, một số bức mang nét mặt của Hun Sen. Trong lễ hỏa táng Sihanouk vào tháng Hai năm 2013, vua Sihamoni, hoàng thái hậu, và các đại lão hòa thượng lần lượt cố gắng thắp lên ngọn lửa giàn thiêu, nhưng đều bất thành. Khi Hun Sen thử thắp lửa, dàn hỏa thiêu bùng lên ngay lập tức. Phát biểu sau đó, Hun Sen nói đó như một phép lạ và là một dấu hiệu cho thấy ông là người “kế thừa nhiệm vụ bảo vệ nền quân chủ.”
Từ thứ dân tới công dân
Hun Sen bước vào mùa bầu cử 2013 với phong độ cao nhất. “Nếu bạn yêu thích Hun Sen, nếu bạn thương mến Hun Sen, nếu bạn hài lòng với Hun Sen, nếu bạn tin tưởng Hun Sen,” ông nói như đinh đóng cột, hãy “bỏ phiếu cho CPP.” Trong các cuộc bầu cử trong quá khứ, chiến dịch vận động tranh cử của Hun Sen nhắm tới những điều mang tính tổng quát, về ổn định và tiến bộ, cũng như khơi gợi về cái gọi là bóng ma Khmer Đỏ. Hun Sen sử dụng một số biện pháp dân túy: mức lương tối thiểu hàng tháng của công nhân may đã được tăng lên; một con đường mới đã được thông xe, một cây cầu mới xuất hiện. Ông cũng đã tiến hành các biện pháp đe dọa. Một chiến dịch cải tạo đất sẽ kết thúc nếu CPP không tái đắc cử. Nội chiến có thể xảy ra. “Thay đổi không phải là một trò đùa,” Hun Sen phát biểu một tháng trước bầu cử.
Trong số 7 đảng phái khác trong cuộc đua, đảng CNRP có vai trò quan trọng nhất. Dù vậy, CNRP vẫn là một đảng non trẻ và lãnh tụ của họ, Sam Rainsy, vẫn đang phải sống lưu vong. Đảng CNRP được thành lập vào năm 2012, chỉ một năm trước bầu cử, sau khi đảng Sam Rainsy và Đảng Nhân quyền, vốn là đối thủ của nhau, nhận ra rằng họ có thể đã thắng đảng CPP tại một số khu vực nếu họ hợp nhất.
Đảng CNRP đưa ra một đề cương trông giống như một danh sách các ước mơ hơn là một chương trình tranh cử, ở đó công nhân và công chức sẽ nhận lương cao hơn, giá xăng giảm, và chăm sóc y tế miễn phí cho người nghèo. Tất cả điều này bằng cách nào đó sẽ được tài trợ bằng tiền thu hồi được sau khi chấm dứt chính phủ tham nhũng – một lời hứa khác nhằm khiến đám đông ủng hộ hài lòng. Khi Sam Rainsy vắng mặt thì Kem Sokha, một nhà vận động nhân quyền kỳ cựu, trở thành người đứng đằng sau hầu hết các chiến dịch của đảng CNRP cũng như chống lại các vụ kiện tụng nhằm phá hỏng chiến dịch tranh cử của đảng.
Xét đến các thách thức của đảng CNRP, Hun Sen có lý do để cảm thấy an toàn, điều giải thích lý do tại sao một vài tuần trước cuộc bầu cử, ông cho phép Sam Rainsy trở về nước, chiều ý một số chính phủ phương Tây, với một lệnh ân xá của hoàng gia. Sau bốn năm sống lưu vong, Sam Rainsy, lãnh đạo phe đối lập, với đôi kính gọng đen và dáng vẻ của một vị giáo sư, đã có thể trở về Campuchia mà không sợ bị bắt, mặc dù lúc đấy đã quá muộn để tham gia chạy đua tranh cử, hoặc thậm chí quá muộn để đăng ký bỏ phiếu.
Sam Rainsy về nước ngày 19 tháng 7, và bất chấp việc truyền thông nhà nước không đưa tin, ông đã được đám đông chào đón nhiệt liệt. Hàng chục ngàn người xếp hàng từ sân bay đến trung tâm của Phnom Penh, hô vang khẩu hiệu “B’do!”(Thay đổi!). Đêm cuối cùng của chiến dịch tranh cử, các đảng đều tổ chức các chương trình ca nhạc nhằm thu hút thêm nhiều cử tri: Đảng CPP mời các ngôi sao nổi tiếng, sân khấu hoành tráng, nhà vệ sinh di động, thức ăn đóng hộp; trong khi đảng CNRP chỉ có một sân khấu tồi tàn với 1 chiếc đèn chiếu, và mỗi người tới được nửa cái bánh mỳ. Cuộc bầu cử lần này hẳn là một cuộc chiến giữa quyền lợi và lòng nhiệt tình.
Kết quả bỏ phiếu rất sát sao. Vào tối ngày 28 tháng 7 năm 2013, sau một ngày bầu cử ít bạo lực một cách bất thường, đảng CPP nhanh chóng thông báo giành được 68 ghế trong Quốc hội và đảng CNRP chiếm 55 ghế. (Các đảng khác không giành được ghế nào). Gần như ngay lập tức, đảng CNRP tuyên bố đã giành được 63 ghế, tức là coi như chiến thắng trong cuộc bầu cử. Bất chấp việc chính phủ điều hành cuộc bầu cử, đây vẫn là một kết quả không hề dễ dàng với Hun Sen: Đảng CPP đã mất 22 ghế tại Quốc hội.
Có nhiều lý do giải thích cho sự thất bại này. Khoảng 1,5 triệu cử tri Campuchia là những người bỏ phiếu lần đầu tiên. Họ đều trẻ tuổi và không mấy nhớ về các bất ổn của đất nước. Cam kết của Hun Sen nhằm duy trì ổn định tác động rất ít tới họ. Mặc dù Campuchia đã trở nên giàu có hơn trước, đối với nhiều cử tri, xã hội vẫn còn nhiều bất công. Đô thị hóa, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội, đã nâng cao nhận thức về sự bất bình đẳng và việc những người giàu có đứng trên pháp luật.
Sam Rainsy cũng khéo léo khai thác tâm lý chống Việt Nam rộng rãi ở Campuchia. Trong khi đảng CPP coi Việt Nam như vị cứu tinh giúp Campuchia thoát nạn Khmer Đỏ thì đa số người dân Campuchia lại cho rằng tại thời điểm đó, Việt Nam đã xâm lược Campuchia. Sam Rainsy đã kích động tâm lý chống Việt Nam khi tuyên bố các vụ lạm dụng đất đai là do chính phủ ưu tiên các công ty Việt Nam. Điều này đúng, nhưng không đầy đủ, bởi lẽ các công ty Trung Quốc còn hưởng lợi nhiều hơn, nhưng một nửa sự thật cũng đã đủ để khiến một định kiến trở nên đúng đắn.
Cái chết của cựu hoàng Sihanouk tháng 10 năm 2012 có thể cũng góp phần thúc đẩy các cuộc bỏ phiếu chống CPP. Trong thời gian để tang kéo dài sau đó, hàng nghìn người dân Campuchia thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, từ mọi vùng đất nước tụ tập phía trước cung điện hoàng gia để tỏ lòng tôn kính với nhà vua. Một phóng viên người Pháp ở Campuchia từ năm 1999 nói với tôi đây là lần đầu tiên cô thấy nhiều người tỏ vẻ bất mãn và công khai than thở rằng Sihanouk, đối trọng duy nhất với Hun Sen, cũng đã ra đi. Đoạn phim phát sóng kỷ niệm thời kỳ hoàng kim của Sihanouk trong những năm 1960 với hình ảnh các nhà máy lớn, trường học thân thiện, và các ban nhạc rock nữ gây một ấn tượng rằng: cuộc sống dưới thời CPP có tốt hơn so với thời Khmer Đỏ, nhưng nó vẫn còn có thể tốt hơn nữa.
Nhà phân tích chính trị Lao Mong Hay, người đã bước vào độ tuổi 70, nghẹn ngào nói với tôi sau cuộc bầu cử rằng ông chưa từng bao giờ thấy người dân Campuchia can đảm và tự do đến vậy. Cuối cùng, ông cho biết, người dân Campuchia đã chuyển mình từ “thứ dân” thành các “công dân.”
Tự do nhất, bất công nhất 
Tuyên bố của đảng CNRP về việc có gian lận bầu cử là vì 2 lý do: Số lượng cử tri Campuchia bỏ phiếu cho CNRP đã tăng kỷ lục, nhưng sau đó họ bị gian lận về kết quả. Trên toàn quốc, sự khác biệt giữa CPP và CNRP chỉ khoảng 290.000 phiếu trong số 6,6 triệu cử tri, và trước cuộc bầu cử, các tổ chức NGO đã cảnh báo về nhừng vấn đề lớn trong hệ thống sẽ ảnh hưởng tới nhiều người hơn thế. Tên của hơn 1 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu dường như đã bị loại khỏi danh sách cử tri chính thức, nhưng danh sách lại chứa tới 250.000 cử tri bị trùng thông tin. Chính quyền địa phương, phần lớn là đảng viên CPP, đã phân phát khoảng 290.000 phiếu bầu tạm thời sau thời gian đăng ký. Viện Dân chủ Quốc gia sau đó báo cáo rằng một số lượng lớn phiếu bầu cho CPP là từ cử tri sử dụng phiếu bầu tạm thời. Koul Panha, người đứng đầu Ủy ban vì Bầu cử Tự do và Công bằng Campuchia, một nhóm giám sát đã triển khai 11.000 quan sát viên trong ngày bầu cử, nói với tôi rằng nếu cuộc bầu cử năm 2013 là cuộc bầu cử “tự do nhất” trong lịch sử của Campuchia, thì nó cũng là cuộc bầu cử “không công bằng nhất”.
Hun Sen thường được coi là “lãnh đạo chuyên quyền (strongman) của Campuchia”, nhưng danh hiệu đó vẫn còn chưa nói hết khả năng của Hun Sen trong việc thao túng vũ lực. Nhưng gian lận lại là một thứ rất khó để chứng minh và xác định. Tên của một trong số các con gái của Kem Sokha xuất hiện trên danh sách cử tri của 2 quận, và nếu CPP đã có một kế hoạch tổng thể, hẳn họ sẽ không dám tính phiếu của cô ấy hai lần. Loại mực dùng để xác định cử tri, vốn được cho là không thể tẩy xóa lại có thể bị tẩy sạch trong vòng 5 phút. Và loại mực Kem Sokha sử dụng tại điểm bỏ phiếu cũng vậy. Vì vậy, nếu có một nơi nào trên toàn bộ đất nước Campuchia mà những kẻ gian lận muốn sử dụng mực không thể xóa được thì hẳn là chỗ này (để chứng minh với Kem Sokha là họ không gian lận – NBT).
Những khó khăn của việc chứng minh gian lận dường như là một rào cản lớn khác đối với các nhà lãnh đạo đảng CNRP, và nếu bạn không thể ước lượng được nó, bạn có thể phóng đại nó lên. Cuối cùng, CNRP thấy rằng kích động tâm lý tức giận về gian lận chung chung sẽ giúp họ tập hợp thêm những người ủng hộ, cũng như việc không nhấn mạnh vào các chi tiết cũng sẽ giúp CNRP có không gian để đàm phán với CPP. Khoảng một tháng sau cuộc bầu cử, Sam Rainsy nói với tôi rằng ban đầu, các nhà lãnh đạo của CNRP tuyên bố đã giành chiến thắng vì họ “đang ở trên than nóng.”
Bây giờ điều ông thích nói hơn là “Tinh thần đó thực sự phản ánh tình hình là cả 2 đảng đều giành chiến thắng ngang ngửa nhau.” Đảng CNRP vẫn kêu gọi một cuộc điều tra, nhưng chỉ nhằm vào những bất thường trong ngày bầu cử và trong quá trình kiểm phiếu. Điều này sẽ phân phối lại một vài ghế trong Quốc hội và cho phép đảng CPP duy trì quyền lực cũng như cho phép đảng CNRP một tư thế đàng hoàng khi bước vào Quốc hội.
Có người gọi đây là một chiến thắng của chủ nghĩa thực dụng trước sự nguyên tắc và tán dương sự thực tế của các nhà lãnh đạo đảng CNRP, khi họ đã nhìn về phía trước hơn là tốn thời gian để rồi thua cuộc. Mặc dù vậy, thành công này của CNRP có được là nhờ những chiêu trò chính trị vặt vãnh. CNRP đã không công khai giải thích chiến lược của mình với những người mà nhờ có số phiếu của họ CNRP mới có thành công ngày hôm nay, những người mà đảng CNRP tuyên bố họ là người đại diện.


 
89d6c1663e967105e2003a216ef343ff
Nguồn: Stéphanie Giry, “Autopsy of a Cambodian Election”, Foreign Affairs, September/October 2015 Issue.
Biên dịch: Trần Anh Đức | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Quyền lực nhân dân?
Bên cạnh một vài bài phát biểu, Thủ tướng Hun Sen phần lớn giữ yên lặng trong những tuần sau bầu cử. Có những tin đồn về sự sửng sốt trong giới lãnh đạo của CPP (với câu hỏi sao cử tri có thể vô ơn với họ như vây?)  và cả về  những rạn nứt ngày càng tăng trong nội bộ Đảng. Tuy vậy, đảng CPP vẫn triển khai nhiệm vụ mới của mình với đầy đủ nghi thức, nhấn mạnh rằng bất kỳ khiếu nại nào về cuộc bầu cử phải được gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan, nhưng trong số này không có một cái tên nào được cho là độc lập. Đảng CNRP phản đối bằng cách tuyên bố họ sẽ tẩy chay Quốc hội cho đến khi một cuộc điều tra được tiến hành. Và trong tháng 9, CNRP bắt dẫu dẫn đầu các cuộc biểu tình trong Công viên Tự do, một khu vực bê tông lát gạch thô ở giữa Phnom Penh, vốn do chính phủ xây dựng như là một địa điểm cho tự do ngôn luận.
Các buổi tụ họp đôi khi giống như các cuộc họp nghiêm túc, đôi lúc lại giống như những phiên chợ vùng quê. Trong khi các chính trị gia phát biểu trên sân khấu và những người dân chia sẻ bất bình của họ, những người bán hàng đi qua đám đông rao bán ngao và mía hấp. Khi các cuộc biểu tình ban ngày kéo dài tới buổi đêm, người dân vùng nông thôn xuất hiện tràn ngập trong thành phố. Sinh viên và nhân viên văn phòng trẻ tuổi, những người tham gia biểu tình trước bầu cử, giờ đây nhường chỗ cho những nông dân chân lấm tay bùn.
Các cuộc biểu tình ở Phnom Penh có quy mô nhỏ hơn và mang tính dân sự so với những cuộc biểu tình đã lật đổ chính phủ Ai Cập và Ukraine trong những năm gần đây, nhưng đối với Campuchia, đây là những cuộc biểu tình có quy mô lớn và tính chất táo bạo chưa từng có. Liệu Hun Sen sẽ mất bao lâu để đối phó với thách thức này? Đảng CNRP đã rất cẩn thận nêu rõ cam kết của mình với đấu tranh bất bạo động, đồng thời dung dưỡng, đôi khi khơi gợi, tâm lý chống Việt Nam ở Campuchia. Các tiết mục hài kịch đắt sô tại các sân khấu ở Công viên Tự do. Với việc các vụ ẩu đả nghiêm trọng nhất được báo cáo trong ngày bầu cử, một số là đánh hội đồng nhắm vào những người bị nghi ngờ là người Việt Nam, cam kết của đảng CNRP đang vỗ về chủ nghĩa dân túy và có vẻ như thật vô trách nhiệm.
Cách làm này của đảng CNRP có vẻ như ngầm thừa nhận điểm yếu của chính mình. Đảng CNRP được thành lập nhằm chống lại cả bộ máy đồ sộ của đảng CPP, trong khi họ có rất ít phương tiện để đối đầu lại. Tài sản chủ yếu của CNRP là sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, nhưng nó có một hạn chế: CNRP đang cố gắng tiến hành một cuộc bỏ phiếu thông qua biểu tình, nhưng bước đi này được nhận định là sẽ không tác động nhiều tới Hun Sen. Và trong nỗ lực để giành được một cái gì đó vốn không hoàn toàn của mình, đã có thời điểm CNRP đi ngược lại dư luận khi quan điểm của họ không những trịch thượng mà còn đậm chất phong kiến về mối quan hệ giữa người dân và quyền lực.
Một ngày cuối tháng 9, phe đối lập thúc giục những người ủng hộ họ yêu cầu nhà vua rút lại lá thư triệu tập Quốc hội mới. Khoảng chục người phụ nữ ngồi bên rào chắn cách một quãng với đồn gác cung điện hoàng gia, tay ôm hộp kiến nghị với dấu vân tay của 265.788 người. Họ đang chờ đợi một đại diện của hoàng gia tới nhận. Mây đen kéo đến, một cơn mưa phùn đe dọa đổ xuống, rồi họ phủ một tấm bạt màu xanh lên trên các hộp. Cuối cùng, một người đại diện ra thông báo rằng nhà vua sẽ nghe lời thỉnh cầu của họ. Một chiếc xe kéo với người lái xe gầy gò được đưa tới để đưa mấy chiếc hộp xếp chồng lên nhau đi về phía cổng hoàng gia.
Một vài ngày sau, Quốc hội Campuchia họp như dự kiến, dù không có sự có mặt của phe đối lập. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10, đảng CNRP một lần nữa kích động những người ủng hộ mang kiến nghị thư tới một nơi có thẩm quyền cao hơn cả nhà vua. Hàng trăm người biểu tình tuần hành đến văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc với hàng xe tải giấy tờ, yêu cầu điều tra cuộc bầu cử tháng Bảy với hai triệu dấu vân tay đồng ý, chiếm gần 13 phần trăm dân số cả nước. Các hộp thỉnh nguyện thư được đặt tại phòng lưu trữ trong nhiều tuần để chờ được gửi tới trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Lao Mong Hay khấp khởi hy vọng rằng những người Campuchia cuối cùng đã được coi là những công dân. Trước đây người dân thường ở vị trí đi cầu xin và tiếng nói của họ không có sức ảnh hưởng. Ngày càng có nhiều hơn các quốc gia chính thức công nhận chính phủ mới của ông Hun Sen. Các nhà ngoại giao ở Phnom Penh đã chán nản với những trò lố của đảng CNRP, và nói họ mong đảng này sẽ nhận ghế tại quốc hội cũng như tiếp tục công việc khó khăn của một đảng đối lập. Đám đông trong Công viên Tự do đã bắt đầu trở nên thưa thớt.
Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù 
Đảng CPP đang tái tập hợp lực lượng. Một vài đảng viên có kinh nghiệm và năng động đã được đưa vào chính phủ. Bộ Thương mại Campuchia công bố một chiến dịch cắt giảm các khoản thanh toán không chính thức bằng cách tự động hóa các hồ sơ mà doanh nghiệp phải thực hiện. Ngân sách giáo dục được tăng lên. Một thành viên nội các nói với tôi rằng kết quả bầu cử là một hồi chuông cảnh tỉnh: Sự sống còn của đảng phụ thuộc vào việc đẩy mạnh cải cách.
Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, vấn đề quan tâm nhất đối với người dân Campuchia là Việt Nam. Nhưng vẫn còn đó nhiều trở ngại. Chống tham nhũng trên quy mô lớn sẽ khiến mạng lưới bảo trợ giới tinh hoa của Đảng không hài lòng. Xử lý một vài vụ nhỏ lẻ thì không thể làm hài lòng người dân Campuchia, những người đã quá quen với cách trấn an này, mặc dù nó có thể dọa được một số quan chức, những người cần tham nhũng do họ bị trả lương rất thấp. Cũng có nhiều kỳ vọng mới: Công nhân may yêu cầu tăng lương lên hơn 150 đô la mỗi tháng, giáo viên đòi 250 đô, và công chức đòi 500 đô. Vài tuần trước, tôi đã hỏi Sam Rainsy liệu ông có lo rằng CPP có thể làm suy yếu đảng CNRP bằng cách thúc đẩy các chương trình ưu việt hơn hay không. Ông trả lời: “Vấn đề này phức tạp hơn nhiều. Hun Sen không chỉ là người đứng đầu, mà còn là tù nhân của chính hệ thống CPP.”
Đến cuối mùa thu, có vẻ như Sam Rainsy cũng là tù nhân của hệ thống đó. Đảng CNRP đạt được rất ít tiến bộ trong việc đàm phán với CPP, ngay cả sau khi hạ thấp điều kiện để họ nhận ghế tham gia Quốc hội. Tới lúc này, về cơ bản, CNRP chỉ đòi được cấp giấy phép thành lập một đài truyền hình và ghế chủ tịch một số ủy ban Quốc hội. Nếu đảng CNRP có thể lên nắm quyền, thì với rất ít kinh nghiệm quản lý chính phủ, họ sẽ phải dựa vào các quan chức trung thành với CPP. Ngay cả chính sách đấu tranh bất bạo động của đảng này cũng là con tin của một giả định rằng bất cứ lúc nào, chính phủ vẫn có thể sử dụng vũ lực đối với phe đối lập.
Như đã nói, Hun Sen thường được gọi là “lãnh đạo chuyên quyền của Campuchia”, nhưng danh hiệu này chưa nói được hết khả năng của Hun Sen trong việc thao túng vũ lực. Ban đầu chính phủ chỉ sử dụng quân đội, vòi rồng, và rào chắn dây thép gai để đối phó với các cuộc biểu tình sau bầu cử, sau đó lực lượng an ninh quốc gia vào cuộc. Đã xuất hiện một vài cuộc trấn áp các vụ biểu tình nhỏ và ở xa Công viên Tự do. Hun Sen thỉnh thoảng cảnh báo về thế lực thứ ba, ám chỉ những kẻ côn đồ, du thủ du thực, và các thế lực thù địch kích động, những người có thể gây ra rắc rối cho những người biểu tình.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 12, đảng CNRP gia tăng áp lực, khi thông báo sẽ tổ chức các cuộc tuần hành thường xuyên cho đến khi Thủ tướng Hun Sen từ chức và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Phong trào công nhân may cũng lên cao. Một nhóm các nghiệp đoàn độc lập đã công bố các cuộc đình công hàng loạt khi công nhân yêu cầu chỉ quay trở lại làm việc khi nào mức lương tối thiểu tăng từ 80 lên 160 đô la mỗi tháng, mức mà chính phủ ước tính là một mức lương đủ sống. Do dệt may chiếm khoảng 80 phần trăm doanh thu xuất khẩu của Campuchia, việc này có thể dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn. Sam Rainsy đã đến một nhà máy gần biên giới Việt Nam và kêu gọi công nhân đình công: “Chúng ta phải kề vai sát cánh cùng nhau. Tôi ủng hộ các bạn cho đến khi các bạn thành công. Tôi sẽ ở bên và bảo vệ tất cả các bạn.”
Buổi diễu hành của đảng CNRP ngày 29 tháng 12 qua trung tâm của Phnom Penh là cuộc biểu tình lớn chưa từng có, với sự tham gia của khoảng 100.000 người và cũng là lần đầu tiên công nhân may tham gia với số lượng lớn như vậy. Bộ Lao động Campuchia trước đó mới công bố tăng lương tối thiểu của người lao động lên 95 đô la mỗi tháng, bây giờ đồng ý tăng lên 100 đô, đồng thời yêu cầu các công nhân đình công phải trở lại nhà máy trước ngày 2 tháng 1. Cùng ngày, biểu tình tại một nhà máy ở ngoại ô Phnom Penh đã bị trấn áp bởi một đơn vị bán quân sự tinh nhuệ. Một cuộc biểu tình khác tại một nhà máy gần đó cũng bị giải tán và ngày hôm sau, lực lượng an ninh trấn áp bằng cách bắn vào đám đông, giết chết 5 người.
Ngày hôm sau, vỏ đạn được cho là của vụ bắn súng tại nhà máy đã được đưa vào trưng bày tại trụ sở của đảng CNRP. Sam Rainsy lên án các vụ giết người và khẳng định cam kết của đảng với đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một phép toán dài, lạnh lùng chứng minh rằng mức lương tối thiểu có thể được nâng lên đến 160 đô la mỗi tháng mà không làm giảm khả năng cạnh tranh của Campuchia. Sam Rainsy nói đảng CNRP ủng hộ các công nhân may mặc bằng cách cung cấp cho họ “lý luận” và “hỗ trợ tri thức.” Với các vụ việc chết người của ngày hôm trước, đây là một kiểu hỗ trợ có vẻ rất không thiết thực.
Nếu thông điệp của Sam Rainsy được coi như là một cử chỉ hòa giải với Hun Sen, nó thật hời hợt hoặc đã quá muộn. Chỉ vài giờ sau khi Sam Rainsy phát biểu, lực lượng an ninh nhà nước và côn đồ bịt mặt đã dùng dùi cui và ống kim loại đổ vào Công viên Tự do đàn áp những người ủng hộ phe đối lập. Các nhà chức trách cũng ban hành một lệnh cấm bất cứ cuộc hội họp nào quá 10 người.
Vụ tấn công vào Công viên Tự do tước đi vũ khí lớn nhất của phe đối lập. Nhưng nó cũng bộc lộ sự phòng thủ đầy tàn nhẫn của chính phủ Campuchia. Kết quả là một trận hòa. Nhân dân ủng hộ Sam Rainsy, còn Hun Sen được các lực lượng nhà nước bảo vệ, nhưng chẳng ai có được nhân tố quyết định.
Cái giá của thỏa hiệp
Mùa xuân năm 2014 đã yên bình như nhiều người dự đoán. Một số nhà hoạt động đã bị bắt giữ. Lực lượng an ninh đã được tán dương. Trong khi Sam Rainsy viếng thăm một loạt thủ đô nước ngoài, Mu Sochua, cựu Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Cựu chiến binh và là thành viên CNRP trong Quốc hội, một mình bắt đầu chiến dịch để đòi lại Công viên Tự do, tự tiến hành các buổi biểu tình phản đối tại nơi này. Ngày 15 tháng 7, Mu có thêm những người ủng hộ. Đụng độ và bắt giữ đã xảy ra. Sam Rainsy bay về nước và thương lượng với Hun Sen: Chính phủ sẽ thả các thành viên CNRP đã bị bắt, và tất cả mọi người sẽ đồng ý nhận ghế của mình trong Quốc hội. “Văn hóa đối thoại” ra đời.
Đối với đảng CPP, những lợi ích này rất rõ ràng: chấm dứt cuộc khủng hoảng, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, và cơ hội để thu nạp các thành viên CNRP. Đối với CNRP, kết quả lẫn lộn hơn. Kem Sokha sẽ trở thành phó chủ tịch Quốc hội. Đảng CNRP sẽ đứng đầu năm ủy ban quốc hội, trong đó có một ủy ban mới về chống tham nhũng. Một ủy ban bầu cử mới, với trách nhiệm lập danh sách cử tri, sẽ được thiết lập. Nhưng rất nhiều trong số các mặt lợi trên đều mang tính hình thức, và những yếu tố quan trọng hơn phụ thuộc vào chi tiết thực hiện vốn sẽ được xác định sau.
Thỏa thuận cũng bộc lộ những yếu kém của CNRP. Các thành viên cao cấp và cố vấn đảng này phàn nàn rằng Sam Rainsy thỏa thuận với Hun Sen mà không tham vấn họ một cách đầy đủ. Ủy ban bầu cử mới sẽ không bao gồm các thành viên từ bất kỳ đảng phái chính trị nào khác ngoài CPP và CNRP. Mu Sochua sau đó biện minh điều này với tôi khi nói rằng đó là vì không có đảng nào khác giành được ghế tại cuộc bầu cử năm 2013, cho thấy 2 đảng này không quan tâm tới việc để các đảng nhỏ hơn có tiếng nói trong việc định hình hệ thống. Mục tiêu của đảng CNRP không phải là đa nguyên, cũng chẳng phải tạo ra sân chơi công bằng hơn, mà chỉ tập trung đảm bảo quyền lực.
Một năm sau, đảng CNRP đã có giấy phép để hoạt động truyền hình, nhưng sẽ phải gia hạn hàng năm. Mặc dù tất cả các nhà hoạt động CNRP từng bị bỏ tù đã được thả, các vụ án chống lại họ giờ được cho là đã “đóng băng”, như cách Sam Rainsy nói, đồng nghĩa với việc chúng có thể được kích hoạt trở lại bất cứ khi nào. Ủy ban bầu cử mới phải đăng ký lại khoảng mười triệu cử tri đủ điều kiện để kịp cho các cuộc bầu cử địa phương vào đầu năm 2017. Tính đến tháng 7, tổng thư ký sắp tới của ủy ban này, người được chính quyền ủy thác giám sát việc cử tri đăng ký, vẫn chưa được chọn. Trong thời gian đó, vị tổng thư ký của ủy ban cũ và đáng ngờ vẫn tại nhiệm.
Quốc hội Campuchia đã thông qua một loạt điều luật mà nhiều tổ chức NGO đã công khai chỉ trích, do sự kiểm soát của chúng đối với xã hội dân sự và công đoàn. Đảng CNRP phản đối các dự luật này, đôi lúc khá dữ dội. Nhưng những cam kết của CNRP về “văn hóa đối thoại” đóng vai trò như giới hạn của các chỉ trích trên. Sau khi một nhà lập pháp CNRP đặt câu hỏi về sự quản lý của Hội Chữ thập đỏ, một tổ chức do vợ Hun Sen đứng đầu, Hun Sen đã thách Sam Rainsy phải thề tại một ngôi đền nổi tiếng rằng sẽ “chết bởi đạn bắn, sấm sét và bất cứ thứ gì” nếu tố cáo đó hay những cáo buộc gian lận bầu cử năm 2013 là sai sự thật.
Lãnh đạo CNRP dường như đã tự trói tay mình, và điều này đang khiến một lượng người ủng hộ đảng này xa lánh họ, điều có thể thấy rõ nhất trên phương tiện truyền thông xã hội và cộng đồng người Campuchia ở Hoa Kỳ, một nguồn tài trợ quan trọng. Khi tôi nói chuyện với Kem Sokha vào cuối tháng Sáu, ông ước tính việc xích lại gần với Hun Sen có thể khiến CNRP mất đi 10% lượng người ủng hộ  và thêm 50% khác đang hoài nghi, chờ đợi để xem kết quả cụ thể.
Tuy vậy, Mu Sochua đã khen ngợi “văn hóa đối thoại” là đã tạo điều kiện cho CNRP “xâm nhập vào cơ sở” và bắt đầu xây dựng lực lượng ủng hộ tại các địa phương cho cuộc bầu cử năm 2017 và cuộc tổng tuyển cử năm 2018.  Mu giải thích, với việc cải thiện quan hệ giữa 2 đảng giờ là một chính sách chính thức của chính phủ, mật vụ CPP cũng không còn đe dọa những người ủng hộ phe đối lập nữa.
Đối với Sam Rainsy, thời gian đứng về phía đảng CNRP: dân số Campuchia đang ngày càng trẻ hơn. Sam Rainsy tin rằng sự thay đổi về mặt nhân khẩu học này sẽ chỉ có lợi cho CNRP. Nhưng câu chuyện vui vẻ này của Rainsy cũng gợi ý về một dạng từ nhiệm khác. Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng Sáu, ông ta nhắc tới việc chấm dứt chế độ Apartheid ở Nam Phi, các lệnh ân xá, và các ủy ban sự thật và hòa giải để lập luận rằng Hun Sen cần đảm bảo không bị truy tố sau khi rời nhiệm sở. Việc Sam Rainsy nói càng nhiều về cách khuyến khích Hun Sen từ bỏ quyền lực càng cho thấy dường như ông ta dựa dẫm vào lòng thương xót của Hun Sen.
Hội chứng Việt Nam
Hun Sen cho thấy rất ít dấu hiệu muốn ra đi. Tại đại hội đảng CPP vào tháng Sáu, việc ông làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử năm 2018 đã được công bố và ông được bầu làm chủ tịch đảng, thay thế vị trí của đối thủ lâu năm của mình là Chea Sim, người qua đời gần đây. Bộ trưởng Nội vụ, em rể của Chea Sim, được thăng chức phó chủ tịch đảng do là một đảng viên CPP lâu năm với kiến thức tuyệt vời về bộ máy tổ chức đảng. CPP đang dần hoàn thiện đội ngũ lãnh đạo. CPP cũng đã thăng chức một loạt con em lãnh đạo và mở rộng Ủy ban Trung ương Đảng với nhiều cán bộ, viên chức chỉ huy lực lượng an ninh.
CPP cũng tiếp tục cải cách, đặc biệt là ở các lĩnh vực những người dân thường có thể dễ dàng nhìn thấy như giáo dục. Mức lương tối thiểu cho công nhân may được tăng lên 128 đô la mỗi tháng, và David Welsh, một nhà hoạt động về quyền lao động, dự báo về các mức tăng khác, dù có thể không đáng kể cho đến trước cuộc bầu cử. Theo chuyên gia khoa học chính trị Kheang Un, đảng CPP đã đưa các nhóm làm việc về cơ sở sau cuộc bầu cử năm 2013 để điều tra ý kiến cử tri ở các khu vực bầu cử, không phân biệt việc họ ủng hộ đảng nào. CPP cuối cùng hiểu rằng họ phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều người, không chỉ những người ủng hộ họ.
Chưa rõ liệu những biện pháp này có thể giành lại phiếu bầu của những cử tri Campuchia đã bầu cho CNRP vào năm 2013 hay không, nhưng chúng vẫn là lời nhắc nhở về sự chênh lệch rõ rệt các nguồn lực giữa hai bên, điều có thể giải thích tại sao đảng CNRP thường khó chịu khi phải phải chơi theo luật của Hun Sen, dẫn tới việc không thể tránh khỏi những quan điểm bối rối và chiến thuật kém. Ví dụ như khi Sam Rainsy nói rằng CNRP cam kết đấu tranh bất bạo động, ông không chỉ ám chỉ rằng đảng của ông sẽ không dùng đến vũ lực, mà còn muốn nói rằng đảng CNRP không muốn những người ủng hộ họ bị trấn áp bằng bạo lực. Nhưng liệu một phong trào bất bạo động sẽ có thể phát triển mạnh tới mức nào nếu họ không thể chịu đòn? Và như vậy khi Sam Rainsy nhiều lần kêu gọi bình tình, ông dường như đang rụt rè chơi với lửa. Sam Rainsy ủng hộ phong trào công nhân và kêu gọi tinh thần chống Việt Nam như thể ông không ngại làm bùng nổ một cuộc cách mạng, nhưng chỉ khi ông có thể phủ nhận sự liên quan của mình./.
Stéphanie Giry là Biên tập viên mục Ý kiến của  tờ New York Times phiên bản quốc tế.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mục đích thật sự của Nga không kích tại Syria?


Thế giới / Tin tức 24h
Nga không kích tại Syria: Bắn vu vơ tạo thanh thế? 
(Tin tức 24h) - Theo CNN, việc Nga chọn thành phố Homs làm mục tiêu không kích đầu tiên tại Syria thực chất mang nhiều ẩn ý hơn vẻ bề ngoài là nhắm vào IS.
Theo phóng viên chuyên trách Lầu Năm Góc của CNN Barbara Starr, quân số Nhà nước Hồi giáo (IS) đóng tại đây thực chất không đáng kể, nhưng đáng nói là các lực lượng chống lại chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad tập trung khá đông tại thành phố phía tây Syria này.
"Tại sao quân đội Nga lại không kích thành phố này, phải chăng họ muốn thể hiện ý đồ bảo trợ Bashar al-Assad? Đó là điều Lầu Năm Góc đang muốn làm rõ" - bà Starr phát biểu trên CNN chỉ vài phút sau khi có thông tin Nga mở màn cuộc không kích.
"Thật khó hiểu, quân Nga lại không đánh vào IS. Tôi sẽ để các bạn tự rút ra kết luận cho riêng mình" - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu khi được hỏi ông nhận định ra sao về việc Nga chọn thành phố Homs làm mục tiêu.
Trước những quan ngại của phương Tây về mục tiêu của chiến dịch không kích mà Moskva vừa triển khai tại Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ không phản đối chiến dịch không kích của Nga nhằm vào các mục tiêu IS hay Al Qaeda, tuy nhiên Washington lo ngại rằng các cuộc không kích này là nhằm bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad tại Syria.
Nga khong kich tai Syria: Ban vu vo tao thanh the?
Khói bốc lên từ một mục tiêu tại Homs bị Nga không kích. Ảnh: Twitter
Đại diện chính quyền của Tổng thống Obama cũng yêu cầu các cuộc tấn công của Nga không được ảnh hưởng tới chiến dịch chống IS mà Mỹ và liên quân đang tiến hành tại Syria. Ông khẳng định, liên quân cũng sẽ đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm vào IS hiện nay tại Syria và Iraq.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết liên quân do Mỹ đứng đầu sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ không kích vào các mục tiêu của IS tại Iraq và Syria theo kế hoạch, hỗ trợ sứ mệnh quốc tế nhằm làm suy yếu, tiêu diệt IS.
Theo ông Kirby thì phía Nga đã thông tin cho Mỹ kế hoạch không kích các mục tiêu IS và yêu cầu máy bay Mỹ nên tránh khỏi không phận của Syria.
Về phía Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết cuộc không kích đầu tiên của Nga tại Syria nhắm vào các trung tâm thông tin liên lạc, các kho vũ khí và lưu trữ thiết bị quân sự của IS.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng bác bỏ việc Nga nhắm vào lực lượng chống lại Assad chứ không phải IS trong chiến dịch không kích đầu tiên của mình.
"Chúng tôi đang hợp tác với quân đội chính phủ Syria và chỉ nhắm tới các căn cứ của IS" - ông Lavrov trả lời phỏng vấn báo chí bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ đang diễn ra tại New York.
Liên quan đến cuộc chiến chống IS, ngày 30/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố chiến dịch không kích chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của Nga tại Syria sẽ không được mở rộng sang Iraq và các máy bay Nga hiện không sử dụng không phận Iraq để tiến hành không kích bên trong lãnh thổ Syria.
Theo ông Peskov, Baghdad đã không yêu cầu Moskva tiến hành không kích IS trên lãnh thổ Iraq.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã tiến hành khoảng 20 chuyến bay trên vùng trời Syria và bắn trúng 8 mục tiêu IS. Theo bộ trên, các máy bay Nga đã phá hủy một sở chỉ huy của IS và các trung tâm chiến dịch trên vùng núi.
Các đợt không kích được tiến hành căn cứ vào các thông tin tình báo do quân đội Syria cung cấp. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các máy bay chiến đấu của nước này không ném bom xuống các khu dân cư và các vùng lân cận như phe đối lập Syria cáo buộc. Moskva cũng cho biết đã thông báo trước với NATO về kế hoạch này.

_______________
 Gia Hân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quốc khánh tang tóc với hàng loạt vụ nổ mới, báo chí Trung Quốc bị bịt..


Cảnh hoang tàn sau các vụ nổ tại Liễu Thành, 30/09/2015.
(Le Monde 01/10/2015) Một loạt vụ nổ từ các bưu kiện bị gài bom đã làm ít nhất 7 người chết tại khu tự trị Quảng Tây, gần biên giới Việt Nam hôm qua, thứ Tư 30/09/2015, một ngày trước Quốc khánh Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, có 51 người bị thương. Mười bảy vụ nổ được ghi nhận, bắt đầu từ chiều hôm qua, lại tiếp diễn với 18 vụ nổ khác vào 8 giờ sáng nay (giờ địa phương).

Các mục tiêu bị tấn công rất đa dạng : bệnh viện, nhà tù, nhà ga, ký túc xá của một trung tâm chăn nuôi, siêu thị, chợ, trụ sở chính quyền địa phương, trung tâm phòng chống bệnh truyền nhiễm…khiến người ta nghĩ rằng đây là do may rủi cùng với việc giao bưu kiện. Một số vụ đã gây ra thiệt hại nặng nề, như hình ảnh một tòa nhà bị sụp đổ một phần, được báo chí và mạng xã hội Trung Quốc đăng tải.


Người dân nhanh chóng được chỉ thị không nên mở các bưu kiện được gởi đến, dù đề tên mình. Sáu mươi gói hàng khả nghi đã bị công an địa phương tịch thu, và sẽ được các chuyên gia xem xét. Đa số các vụ nổ xảy ra tại trấn Đại Phố (Dapu), thủ phủ huyện Liễu Thành (Liucheng) gần thành phố Liễu Châu (Liuzhou) lớn thứ nhì của tỉnh Quảng Tây.

Bên trong một căn hộ bị chấn động vì vụ nổ.
Báo chí nhà nước hôm qua loan báo một nghi can tên « Wei », 33 tuổi đã bị « nhận diện ». Theo trang mạng Boxun đặt tại Hoa Kỳ, người này là nạn nhân của một vụ cưỡng chế đất trước đây, từng bị đưa đi cải tạo lao động.

Đặt chất nổ để trả thù ?

Cho đến thời điểm này, chưa có gì có thể khẳng định đây là hành động của một dân oan khiếu kiện, hay tấn công không mục đích. Theo văn phòng châu Á của Ủy ban bảo vệ các nhà báo, truyền thông Trung Quốc được lệnh « chỉ đăng các tấm ảnh chụp từ xa », « chỉ đưa tin từ các nguồn chính thống như Tân Hoa Xã », « không thực hiện các phóng sự », « không thu thập các thông tin từ mạng xã hội », « không làm các chương trình đặc biệt hay tường thuật trực tiếp ».

Trang Sina đã đóng mục thông tin trực tiếp dành riêng cho các vụ nổ ở Liễu Châu. Các chỉ thị mật cho báo chí - thường bị rò rỉ trên internet, là đặc thù tại Trung Quốc - càng nghiêm khắc hơn khi các vụ tấn công này lại xảy ra ngay trước ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 1 tháng 10.

Trên một đường phố Liễu Thành.
Trung Quốc vốn đã quen với các vụ tấn công trả thù, tiến hành bởi những con người đã kiệt sức và tuyệt vọng sau vô số đơn thư và bao nhiêu lần đi lại chầu chực trước các cơ quan công quyền. Dân oan khiếu kiện với những chồng đơn từ, tài liệu không có giá trị pháp lý, tiếp tục bị chính quyền địa phương trấn áp, dù những lạm dụng này bị báo chí Trung Quốc tố cáo. Một số tự tử, số khác có các hành động trả đũa nhắm vào những địa điểm mang tính biểu tượng của chính quyền, và một số người lao vào các vụ tấn công đẫm máu.

Cách đây hai năm, vào tháng 11/2013, một người đàn ông đã đặt chất nổ hàng loạt trước trụ sở đảng cộng sản ở Thái Nguyên (Taiyuan), thủ phủ tỉnh Sơn Tây (Shanxi) làm một người chết. Trước đó vào tháng 6/2013, có 47 người thiệt mạng sau khi một người đàn ông tự thiêu trên xe buýt bằng một bình xăng. Ông ta bất bình với công an địa phương do giấy chứng minh nhân dân có sai sót, dẫn đến việc không được lãnh trợ cấp.


Hơn 100 người đã chết năm 2001 tại Thạch Gia Trang (Shijiazhuang) trong một loạt vụ nổ mà thủ phạm bị cho là một người muốn trả thù vợ cũ. Thông tin chính thức này bị nghi ngờ. Cách đây vài năm, đã diễn ra một loạt vụ sát hại trẻ em tại các trường học, cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi về bệnh nhân tâm thần tại Trung Quốc.

Mời đọc lại:

Trung Quốc : Bom nổ trước Tỉnh ủy Sơn Tây làm một người chết

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vùng đất lạnh


Câu chuyện về Võ Phiến sẽ còn dài.

Đọc một vòng, tôi càng thấy rõ hơn, văn chương thực chất là một cái bẫy. Phải tự đặt câu hỏi chứ: tại sao cả Tô Hoài lẫn Võ Phiến đều gắn vào với Nguyễn Tuân? Trả lời được thì sẽ hiểu được rất nhiều điều.

Ở Tô Hoài, sự gắn vào Nguyễn Tuân là cố ý, còn với Võ Phiến, dường như "câu chuyện Võ Phiến-Nguyễn Tuân" xuất phát từ một nhận xét của Nguyễn Hiến Lê.

Nhưng Nguyễn Hiến Lê, mặc cho những đóng góp vô biên, đã bao giờ là một người thẩm văn tốt đâu.

Các nhà nghiên cứu miền Bắc đã dựa quá nhiều vào Nguyễn Hiến Lê trong nhiều lĩnh vực. Lịch sử sẽ lặp lại một lần nữa, khi tìm hiểu về văn chương miền Nam, người ta đã dựa quá nhiều vào Võ Phiến. Cả hai lần đều là sai lầm, đều là mắc bẫy. Võ Phiến là một nhà văn tài năng, từng viết được những truyện ngắn tuyệt vời, nhưng những khía cạnh khác thì phải nhìn nhận cho kỹ.

Đã có người nói đến chuyện Võ Phiến hạ thấp Mặc Đỗ vì thiên kiến. Nhưng đâu chỉ có vậy. Tuy nhiên, câu chuyện này sẽ còn dài, không thể nói một lúc mà xong được, vả lại cái quan định luận, vẫn chưa đến lúc.

Tôi vẫn muốn trước hết nói kỹ hơn về trường hợp Hoài Thanh. Không chỉ là chuyện Hoài Thanh bỏ sót nhiều nhà thơ lớn, lại đưa vào Thi nhân Việt Nam rất nhiều nhân vật tầm thường. Nếu chỉ có vậy, Hoài Thanh vẫn cứ xứng đáng là nhà phê bình lớn. Vấn đề của Hoài Thanh nằm ở những "ca" lớn và khó, mà điển hình hơn cả là Huy Cận. Cách nhìn của Hoài Thanh về Huy Cận đã kéo nguyên một vệt lịch sử phê bình thơ Việt Nam đi vào một ngõ cụt sai lầm. Điều này tôi sẽ sớm trở lại.

Còn bây giờ, sang tháng mới rồi, nhìn vào những gì tươi sáng thì tốt hơn. Một cuốn sách sắp xuất hiện (trở lại):


Thật quái đản, chúng ta sẽ chỉ thực sự hiểu được chúng ta thông qua những nhà văn như thể không có gì liên quan đến chúng ta.

John Le Carré, rồi Graham Greene, những cuốn tiểu thuyết trinh thám: toàn những thứ như thể ất ơ đâu đó. Thế mà nếu không có chúng, ta sẽ chẳng thể hiểu được gì.

"Vùng đất nóng" của chúng ta và "vùng đất lạnh" ấy thật ra rất nhiều liên quan: quyển sách được sử dụng cho lần này nằm ở đây.

Xem thêm về Le Carré ở đây và ở đây.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện của nghìn năm trước..

Sau rặng cây biển thì thào mùa mưa đến muộn
ông trở về căn phòng chật
đống sách thiếu chữ lẽ ra phải ném đi
nhưng ông mang vác nó hệt những báu vật trên vai
cuộc đời sinh ra thế
cái gì cũng có hình người lùn
không thể lùn thêm nữa
 
hôm qua Lãm nói với ông bao chuyện nhảm vỉa hè
Lãm bảo cái gì đáng nhớ ông hãy nhớ
cái gì ông quên nhớ để làm gì
nhớ kẻ đứng đái bên đường hơn người ngồi trong lâu đài mờ ảo
nước từ nơi đó có mùi thơm
nhớ bà cụ nằm đối diện liệt nửa người và cô con gái út tên Uyên
tóc bà sáng đêm mất điện
hôm qua không mưa trời oi bức
ông bơi trong chiếc bình trà nóng
bóng nàng rất cổ xưa mà lộng lẫy
ngôi sao cuối trời đánh rơi hạt giống xuống đất
ông nhẩm tính mười năm quả sẽ treo lủng lẳng chín vàng
lũ chim côi làm nơi trú bão
 
giờ ngoài kia biển vẫn cứ thì thào
sóng cô quạnh viết lên bờ bãi
muôn dòng chữ lăn tăn như nếp nhăn trên vầng trán ông
trải rộng và buồn thảm
những ngày sau
những ngày sau nữa
lũ còng bò ngang triền cát mặn ngơ ngác chong mắt nhìn
đấy là câu chuyện của nghìn năm trước.
 
19/9/2015
 HVT

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Việt cố giàu lên, để làm gì?


H1Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của “Việt cộng”.
Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình. 
Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng. Anh bạn tôi, một người làm real estate – môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ – kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”.
Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng gọi là “một Việt Nam bên ngoài Việt Nam”.
Có lẽ vì vậy, mà ở các khu người Việt như vậy, biển quảng cáo của các luật sư di trú ngày càng nhiều. Trên đài phát thanh hay truyền hình cũng ra rả các lời mời tư vấn tìm hiểu cách lấy thẻ xanh để được ở lại nước Mỹ.
Sẽ là một điều chua chát, nếu nhìn lại lịch sử. Dù nước Mỹ vẫn bị gọi là thua trận và bị “đuổi” khỏi Việt Nam theo các văn bản tuyên truyền, nhưng đích đến giờ đây của nhiều quan chức Việt Nam vẫn là nước Mỹ chứ không là đồng minh số một Trung Quốc. Thậm chí các quan chức, giới tư bản đỏ hiện tại của Việt Nam còn bỏ ra rất nhiều tiền để được trụ lại quốc gia thù địch đó, cho mình là cho con cái của mình.
Nhiều người Việt Nam sống bằng đồng tiền lương thiện ít ỏi của mình tại Mỹ đã ngạc nhiên hỏi rằng “họ là ai, sao giàu vậy”. Thật không dễ trả lời. Trong những người đến Mỹ hay bất kỳ quốc gia phương Tây thù địch nào khác, có những người làm mọi cách như một cuộc tỵ nạn về an sinh, giáo dục… nhưng cũng có những người chạy đi, để âm thầm đào thoát khỏi lý tưởng của mình.
Anh Mến, một người sống ở Kansas chỉ hơn 10 năm, trong một cuộc gặp ngẫu nhiên đã thảng thốt kể rằng anh chứng kiến những người Việt đến Mỹ mua một lúc 2,3 căn nhà. Thậm chí họ còn luôn đón mua hàng chục chiếc Iphone đời mới nhất để gửi về, so với anh đến nay vẫn còn mắng con khi thấy chúng xài viết chì được phân nửa đã vứt đi. “Việt Nam bây giờ dễ kiếm tiền lắm hả anh?”, anh Mến ngơ ngác hỏi.
Thật khó mà giải thích với anh Mến, dù cùng là người nói tiếng Việt với nhau. Vì ngay ở quê hương lúc này, hàng triệu người đang nuốt các bữa ăn công nhân hàng ngày tệ bạc đến mức như công khai bào mòn tuổi xuân của họ. Những vùng quê đói nghèo phải xin gạo trợ cấp mỗi năm, nhưng đầy dẫy các quan lớn vẫn lên nhà cao, tậu xe to và viết các dự án xây tượng đài hàng ngàn tỉ.
Trường St Polycarp ở thành phố Staton, Quận Cam, là một trong những trường tư thục Công giáo mà nhiều gia đình người Việt dù tốn tiền nhưng vẫn hay gửi con vào vì mong chúng học kiến thức, và học được cả đức tin. Thỉnh thoảng, cũng có những gia đình đem con đến và cho con cái làm quen với Jesus thay cho học tin vào một lãnh tụ. Năm ngoái, chiếc xe đỗ trước cửa trường đưa đứa trẻ vào học, có cả ông bà theo để xem nơi học thế nào. Đó là những người vẫn còn mang đậm phong thái cán bộ với quần áo, giày dép vả cả giọng nói.
Khi gia đình này bước qua sân trước, vòi nước tự động tưới cây bất ngờ bị hư, nên làm tràn ra một vũng nước. Người phụ nữ lớn tuổi bước qua, càu nhàu “Thế này là không được. Phải nói nhà trường xem lại coi chứ thế này thì đi hư hết cả giày”. Thấy tôi là người Việt, đang đứng gần ở nơi bán hàng gây quỹ cho trường, nên bà nói luôn “Anh có làm ở đây không, anh nên nói với ban giám hiệu”.
Tôi nhớ đến Sài Gòn, Hà Nội… nhớ những ngày nước ngập lụt lội đến tận giường. Nhớ đến những mùa nhập học hàng ngàn phụ huynh vật vã, lê lết khắp nơi chạy trường cho con mình, dù phải gửi lót tay. Có lẽ người Việt đã quen sống vất vả và chịu đựng nên mọi thứ quen dần, đến khi tiếp cận với một đời sống tự do và dân chủ, ai cũng hăng hái tìm và thể hiện quyền của mình. Dĩ nhiên vòi nước được sửa ngay sau ấy không lâu, mà ban giám hiệu không đổ thừa cho biến đổi khí hậu hay thiếu tiền ngân sách. Gia đình đó khi quay lại hôm sau, chắc sẽ hài lòng và nghĩ mình được tôn trọng, khác với những ngày tháng mà bao nhiêu người dân ở quê hương giận dữ với hiện trạng nhưng thấy mình luôn bị biến thành trò hề. Bài học của cuộc sống đơn giản hiện rõ trên gương mặt của gia đình đó, mà tôi thấy, là sự tự tin và quyền của con người, có thể rất khác khi họ ở Việt Nam, bị cảnh sát giao thông ngoắc xe vào vô cớ, đã vội móc túi tìm vài trăm ngàn để lướt qua nan đề thật nhanh.
Một trong những câu nói nổi tiếng của nhà văn, diễn thuyết gia John Mason, cũng là tựa đề một quyển sách nổi tiếng của ông, có tựa đề “Bạn được sinh ra như một nguyên bản, vậy đừng chết như một phiên bản” (You were born an original. Don’t die a copy) có lẽ là một trong những động lực thúc đẩy âm thầm nhưng mãnh liệt trong lòng người Việt từ nhiều đời nay. Đã có rất nhiều người ra đi, để được thấy mình và con cái của mình được sống như là chính mình, như một nguyên bản. Nhiều năm sau 1975, vẫn có những dòng người ra đi rất xa khỏi quê hương để tìm lại phần nguyên bản của mình.
Nghèo khó, họ có thể thành người rơm ở Anh hay bị xua đuổi ở Campuchia. Giàu có, họ trở thành những kẻ lưu vong hoặc nhấp nhổm với cuộc sống mới mà mắt vẫn đau đáu về quê nhà. Lịch sử thế giới chắc sẽ lại phải ghi thêm một chương kỳ lạ. Con người và muông thú lên thuyền ông Noah để gột sạch mình cho một thế giới mới, nhưng người Việt hôm nay lại lặng lẽ lên chiếc thuyền mong cứu chuộc nguyên bản của đời mình, cứu chuộc một cuộc sống đơn giản, thật thà và tự do.
Nhưng tại sao chúng ta không thể là nguyên bản ở quê hương mình? Vì sao chúng ta phải sống không là mình nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Tôi đang hình dung người đàn ông có xe hơi đắt tiền không bỏ xe giữa con đường ngập nước ở Sài Gòn mà ông ta cùng nhiều con người nữa đang ướt sủng sẽ đi thẳng đến cơ quan nhà nước để hỏi rằng vì sao? Tôi hình dung gia đình Việt Nam di cư đến Mỹ đó sẽ không chất vấn một ban giám hiệu ngoại quốc về của công, mà sẽ cất tiếng nói như vậy trên chính đất nước mình? Một cuộc sống thật và đơn giản – nguyên bản vì sao đang phải bị đánh tráo bằng những phiên bản vô hồn và nhạt nhẽo?
Chúng ta được dặn dò hãy chỉ nên lo làm ăn, và đừng quan tâm đến chuyện gì khác. Và nhiều người Việt đã rất mất rất nhiều thời gian để làm được điều đó rồi giật mình nhìn thấy thế giới này không chỉ no đủ là tất cả. Không ít người giàu có, thậm chí quan chức đã dồn tất cả để ra đi và đổi một cuộc sống khác. Thậm chí đó là cuộc sống mà trước đây họ bảo vệ và coi những kẻ từ bỏ, ra đi là thù nghịch.
Cuộc sống đang như vậy. Rất hiện thực. Khi viết một bài trước đây, một bạn trẻ, có khuynh hướng dư luận viên, đã nhắn cho tôi “vậy cứ nghèo đi, nghèo hoài đi”. Dĩ nhiên, đó lại là một khái niệm khác, mà nếu hiểu những gì tôi viết ắt bạn trẻ ấy sẽ không nói như vậy. Vì câu hỏi của tôi rất rõ rằng chúng ta – người Việt, đang cố giàu lên và sau đó là gì?
Phần nhận xét hiển thị trên trang