Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Câu chuyện Thiên Tân..


Nỗ lực phá giá tiền tệ để tăng sức mạnh cạnh tranh đang là trung tâm của các hoạt động chính sách vĩ mô chiến lược của Trung Quốc trong năm 2015. 3 lần phá giá liên tiếp (2% ngày 11/08; 1,6% ngày 12/08; 1,1% ngày 13/08) và một lần điều chỉnh tăng nhẹ giá NDT (0,05% ngày 14/08) cho thấy Trung Quốc rất chủ động và mạnh tay trong chính sách tiền tệ. Với 3 đợt phá giá liên tiếp trong 3 ngày và một lần điều chỉnh tăng nhẹ nhằm hạn chế bớt các cú sốc thị trường, đây là những giải pháp đã được tính toán kỹ có tính chủ động chứ không bị động. Phần lớn các kinh tế gia trên thế giới đều cho rằng hành động của Trung Quốc là phù hợp lẽ tự nhiên. Những tín đồ sùng bái thị trường tự do từ lâu cho rằng sự can thiệp của Trung Quốc vào thị trường tiền tệ và tỷ giá diễn ra trong một thời gian dài và làm méo mó thị trường. Phần lớn các nhà kinh tế học nửa mùa vốn coi thị trường tự do là thánh kinh tối cao hồ hởi cho rằng kỷ nguyên suy tàn đã đến với Trung Quốc. Loài người vốn chóng quên, trí nhớ của các kinh tế gia lại càng tệ hại. Hơn 30 năm qua, đã nhiều lần Trung Quốc chứng minh mô hình kinh tế của nó phát triển theo những quy luật hoàn toàn khác với chuẩn mực kinh tế của thế giới phương tây. Dù là cảm quan (perception) hay lượng hóa (quantitative - prediction), cần có nhìn nhận rất khác để đưa ra một cái nhìn viễn kiến về Trung Quốc trong thập kỷ đầy sóng gió này.
Khá buồn cười vì các chuyên gia kinh tế bán chuyên (Khái niệm chung cho những người có "bằng cấp" nhưng thiếu kiến thức) ở Việt Nam hăm hở kết luận rằng Việt Nam cần phá giá ngay và luôn, càng cao càng tốt, thậm chí gấp đôi mức phá giá NDT để cạnh tranh lợi thế trong xuất khẩu và khắc phục dòng thương mại nhập siêu nặng nề từ Trung Quốc. Đây là lối tư duy thiển cận nếu không muốn nói là ngu dốt. Nó làm người ta nhớ lại khái niệm nhà kinh tế học một tay "The one-handed economist" mà Harry Truman từng mỏi mắt tìm kiếm vào thập niên 1950. Trong các vấn đề kinh tế vĩ mô, luôn có sự liên kết phức tạp và tác động qua lại giữa các nhân tố, các chính sách và các diễn biến thực tế của thị trường. Mọi quyết sách quốc gia, không thể là bãi thử của những thứ tư tưởng có vẻ ngoài thông thái nhưng nội hàm rỗng tuếch, đặc biệt là những thứ tư tưởng mang vẻ hào nhoáng của giá trị thị trường tự do.
Việc tranh luận về khiếm khuyết của các quy luật thị trường đến giờ không còn cần bàn cãi. Điều mà hầu hết các nhà nước trên thế giới tìm kiếm, không phải là việc có can thiệp hay không mà là mức độ nào của sự can thiệp nhà nước vào thị trường được cho là phù hợp. Mỗi quốc gia có lời giải riêng, có thể đúng hoặc sai. Riêng với Trung Quốc, nó gần như đúng liên tục tính từ năm 1976 đến 2015, nghĩa là đã gần 40 năm chẵn. Cho đến khi cú sốc đầu tiên diễn ra trên thị trường chứng khoán, khi hơn 141 tỷ USD được TQ ném vào vẫn không vãn hồi nổi sự suy giảm của thị trường. Câu chuyện nghiêm trọng hơn đến với Trung Quốc khi xuất khẩu nước này liên tục suy giảm. Mức xuất khẩu tháng 07/2015 thậm chí đã giảm tới 8,3% so với cùng kỳ. Đây là một cú sốc nặng nề, bởi sự thần kỳ trong 40 năm qua của Trung Quốc chính là xuất khẩu.
Kỷ nguyên của Tập Cận Bình bắt đầu từ ngày 15/11/2012. Là thành phần con ông cháu cha, thuộc thế hệ "Phú Nhị Đại" (Con cháu đời thứ hai) của lớp công thần khai quốc, Tập được coi là thế hệ lãnh đạo sẽ quyết tâm gìn giữ di sản của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hà hơi cho chính thể độc tài có hạng này và giúp nó tồn tại dài lâu hơn trong thế kỷ 21. Châm ngôn của Tập Cận Bình, là tìm cách xây đắp giấc mộng Trung Hoa. Tập nhấn mạnh vào viễn cảnh Trung Quốc hùng cường thống trị thế giới để kích động tinh thần của người Trung Quốc và lờ tịt đi việc liệu Đảng Cộng Sản Trung Quốc có làm gì để xóa bỏ bất công và nới lỏng dân chủ cho người dân của nó hay không. Sự lập lờ này của Tập có lẽ sẽ thành công nếu Trung Quốc cứ tiếp tục tăng tốc như nó đã từng trong suốt 40 năm qua. Tuy nhiên thực tế cho thấy điều đó là không thể. Sự khó khăn ngày hôm nay của Trung Quốc đến từ 3 nguyên nhân chính, phần lớn đều là những tác nhân không thể khắc phục một sớm một chiều, thậm chí nằm ngoài tầm với của các chiến lược gia Trung Quốc:
1. Nhân tố thứ nhất: Sự bùng phát bong bóng quá mức của thị trường chứng khoán. Liên tục được bơm phồng trong suốt thời gian Tập bắt đầu nắm quyền, nhằm hai mục đích: Tạo sự gia tăng ảo của giá trị tài sản của công dân TQ khi giá chứng khoán liên tục tăng; Và tạo cơ hội cho việc bán tống các tài sản nhà nước với mức giá cao nhằm đẩy nhanh việc tích lũy tài sản nhà nước. Chính sách này là một hợp phần của chính sách lớn, theo đó Tập muốn thúc đẩy kinh tế TQ đến năm 2030 bằng việc kích cầu tiêu dùng của thị trường 1,5 tỷ người nội địa, thay thế cho thị trường xuất khẩu vốn ngày một khó khăn. Biện pháp này của Tập lặp lại sai lầm của Việt Nam năm 2007 (dù cơn điên loạn chứng khoán của Việt Nam diễn ra một cách tự phát chứ chính phủ và giới lập chính sách Việt Nam trên thực tế chẳng có chính sách nào có thể coi là dài hạn). Tuy nhiên, có thể khẳng định sự suy sụp của thị trường chứng khoán Trung Quốc là không thể chặn lại được. Nó sẽ dẫn đến một kịch bản giống hệt những gì diễn ra ở Việt Nam, tài sản của các nhà đầu tư nhỏ lẻ bốc hơi trong lúc nhiều tay chơi lớn đã đóng tài khoản và dông ra ngoại quốc. Điều nguy hại hơn, là sức mua của thị trường nội địa sẽ suy giảm nhanh chóng, nền kinh tế đi vào giai đoạn trì trệ do tâm lý u ám của người dân. Điều này khiến chính sách tăng trưởng dựa vào kích cầu nội địa của Tập Cận Bình phá sản.
Sự thay đổi số lượng các tài khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tháng 7 so với tháng 6

2. Nhân tố thứ hai: Sự đổ vỡ của thị trường Bất động sản Trung Quốc. Giống như Việt Nam nhưng ở một quy mô lớn và có tính tàn sát cao hơn, giới đầu cơ giàu có đến mức kinh khủng của Trung Quốc vốn được hình thành từ quá trình phân phối bất công trong 40 năm qua đã làm nên một thị trường bất động sản tăng trưởng nóng và định giá vượt tầm với của hơn 90% dân số Trung Quốc. Giá nhà tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân ... và đại bộ phận các đô thị lớn của Trung Quốc từ lâu là một dạng tài sản chỉ phù hợp với khả năng của 10% dân số Trung Hoa, những thành phần thân hữu của bộ máy cầm quyền, tích tụ tài sản dựa trên quan hệ và các cơ hội kinh doanh bất bình đẳng. Thị trường bất động sản kỳ quái ấy tồn tại trong nhiều thập niên và liên tục gia tăng mức độ kỳ quái của nó khi liên tục tăng giá vượt ngưỡng của đại bộ phận những người tiêu dùng đầu cuối (những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng chi trả). Cơn sốt chứng khoán tạo ra một sự gia tăng tài sản ảo khiến thị trường bất động sản tăng trưởng nóng tồn tại thêm được một thời gian. Cùng với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc là một diễn biến tất yếu. Trong ngắn hạn, dòng tiền rút ra từ chứng khoán sẽ đổ vào bất động sản và có thể tạo một cơn sốt ngắn và duy trì thị trường này thêm một vài tháng, nhưng sự suy sụp tài sản sẽ nhanh chóng quét sạch các nhà đầu cơ và diễn biến của nó là đổ vỡ. Hệ lụy kéo liền theo đó là nợ xấu ngân hàng nhanh chóng gia tăng, khi các khoản vay dính dáng đến chứng khoán và bất động sản gặp vấn đề. Ngoài ra, giá bất động sản giảm còn dẫn tới tài sản thế chấp ròng của các khoản vay suy giảm, tạo thêm cơn khủng hoảng kép đối với nợ vay ngân hàng. Điều may mắn là Trung Quốc có thể nhìn sang Việt Nam để tham khảo diễn biến 2007 - 2015 làm bức tranh tham khảo. Điều bất hạnh là quy mô tàn phá ở Trung Quốc sẽ lớn hơn những gì ở Việt Nam gấp rất nhiều lần.
3. Và nhân tố chính đe dọa giấc mộng Trung Hoa trong thế kỷ 21: Cuộc chiến thương mại khốc liệt mà Mỹ, Nhật và các đồng minh phương tây đang tiến hành nhằm ngăn chặn sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc thông qua hàng hóa xuất khẩu. Diễn biến thực tế của xu hướng này đã liên tục định hình kể từ 2013, khi chiến lược xoay trục sang phía Đông của Mỹ ngày một rõ nét và cuộc khủng hoảng Hy Lạp khiến châu Âu ngày một khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu China. Không may, trong cùng thời kỳ, Tập Cận Bình ngày một hung hăng tại Hoa Đông và Biển Đông, khiến Mỹ, Nhật và các đồng minh phương tây ngày một quyết đoán hơn trong việc kiềm chế sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Không thể đắp đê cô lập như thời kỳ chiến tranh lạnh với Liên Xô, Mỹ chuyển sang việc xây dựng các khối liên minh kinh tế mà Trung Quốc buộc phải đứng ngoài, và dựng ra các hàng rào kỹ thuật ngày một khắt khe để chặn hàng Tàu. Kết quả là xuất khẩu của Trung Quốc vào Nhật Bản giảm tới 13%, vào EU giảm tới 12 % và vào Mỹ giảm xấp xỉ 2%. Cả Mỹ và Trung Quốc đều thừa hiểu rõ, sau khi TPP thành hình, đà suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường lớn nhất và quan trọng nhất thế giới là nước Mỹ sẽ giảm không dưới 10%. Lỗ hổng sẽ được lấp đầy nhanh chóng bởi các nền kinh tế mới nổi đến từ châu Á có tham gia TPP như Việt Nam, Malaysia .... Đây sẽ thực sự là một thập kỷ ác mộng với nền kinh tế Trung Quốc.
 
Cần lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc trong 40 năm qua đã rất thành công trong việc can thiệp thị trường, khiến Trung Quốc vươn lên thành một siêu cường có quy mô ngang với nền kinh tế khổng lồ của Mỹ nếu tính theo sức mua tương đương PPP. Đã nhiều lần các chiến lược gia Trung Quốc khiến đám học giả phương tây vốn sính chữ nghĩa hơn là năng lực thực tế (Phần lớn đám giáo sư, học giả kinh tế thực ra lại là những người rất kém hiểu biết về kinh tế, minh chứng là hầu hết đám này không có khả năng kinh doanh) phải muối mặt vì những dự báo sai lầm. Tuy nhiên, lần này có vẻ đám học giả đã gặp may, vì quả thực sự thần kỳ 40 năm của Trung Quốc đã đến hồi kết với các diễn biến trên thực tế của thị trường và các quyết sách mang nặng tính địa chính trị của Mỹ, Nhật cũng như các đồng minh phương Tây. Những cú bồi liên tiếp này khiến Trung Quốc khó bề gượng lại trong thời gian tới.
Trung Quốc không ngồi yên. Cú phá giá nhân dân tệ cường độ thấp vừa rồi là biện pháp "xuất khẩu khủng hoảng" ra thế giới đầu tiên. Mục đích trực tiếp của động thái này, là nhằm vãn hồi năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Maded in China. Sâu xa hơn, là một cuộc chiến tiền tệ đánh trực tiếp vào hai nền kinh tế cạnh tranh chính yếu của Mỹ và Nhật Bản. Ở một mức độ thấp hơn, đây cũng là đòn đánh trực diện vào nền kinh tế Việt nam, nhằm tăng thêm mức độ nhập siêu và biến đất nước được cai trị bởi một đám ăn hại trong nhiều năm lệ thuộc mạnh hơn nữa vào Trung Quốc. Ý nghĩa địa chính trị của động thái này không hề nhỏ, khi đặt trong bài toán tổng thể về kế hoạch vươn xa ra các đại dương của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ phá giá đến mức độ nào?
Tác động phá giá tiền tệ, là hai mặt của một vấn đề. Nó giúp gia tăng xuất khẩu nếu các nhân tố thị trường là không đổi (Anh Lãng nhấn mạnh là không đổi), mặt khác, nó có tác động tiêu cực tới sức mua nội địa khi giảm thu nhập thực tế của người dân. Phá giá tiền gây lạm phát, nhưng lại bị triệt tiêu khi sức cầu nội địa suy giảm, thậm chí có thể dẫn tới giảm phát. Tác động tiêu cực lớn nhất của nó, là ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ nước ngoài. Quốc gia có nợ công càng lớn, dư địa cho chính sách phá giá tiền càng nhỏ. Thực tế của Trung Quốc thì sao?

Thống kê nợ nước ngoài của TQ tính đến tháng 2/2014 trên GDP

Nghiên cứu năm 2014 của Cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đưa ra con số nợ nước ngoài vào khoảng 823 tỷ USD vào cuối 2013, đầu 2014, nghĩa là nợ nước ngoài của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 9% GDP. Tuy nhiên, theo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), Stephen Green - giám đốc Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, tổng khoản nợ quốc tế của Trung Quốc thậm chí lên tới 3,8 nghìn tỷ USD vào tháng 9/2013, chiếm 43% tổng GDP. Đây là một con số lớn hơn gấp nhiều lần con số do SAFE đưa ra. Sự chênh lệch này được giải thích bởi hai lý do chính: thứ nhất, cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc chỉ tính số nợ bằng ngoại tệ mà chưa cộng số nợ bằng tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc; thứ hai, SAFE đưa ra con số không bao gồm FDI.
Trong trường hợp này, thống kê của SAFE có ý nghĩa hơn bởi các khoản nợ nước ngoài chỉ gây khó khăn cho Trung Quốc khi nó là nợ quốc tế và được yết giá bằng ngoại tệ. Việc cộng dồn nợ vay tín dụng quốc tế tính bằng nhân dân tệ chẳng khác là mấy trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ được lưu hành toàn cầu với châm ngôn "Nợ là của chúng tôi, nhưng vấn đề là của các bạn" khi nó có thể được tất toán bằng đồng tiền của nước đi vay.
Tỷ lệ 9% GDP nợ nước ngoài bằng ngoại tệ khiến Trung Quốc có dư địa rất lớn trong chính sách phá giá tiền, vì tác động của việc phá giá NDT đến sự an toàn của dòng tiền trả nợ nước ngoài hoàn toàn có thể được kiểm soát tốt. Hơn nữa, việc phá giá dưới 5% không mang lại sức bật vượt trội nào cho dòng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Chắc chắn rằng các chiến lược gia của Tập Cận Bình sẽ chờ đợi sự phản hồi của thị trường trong một vài tháng tới để đưa ra thêm các phản ứng mạnh hơn. Gần như có thể tin chắc rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ giá NDT để tìm cách thúc đẩy nền kinh tế ì ạch khi hy vọng tăng trưởng cầu nội địa đã mất hút với sự đổ vở của thị trường chứng khoán và bất động sản. 10% là một con số được chờ đón về mức phá giá NDT tính đến đầu năm 2016.
Tác động tới Việt Nam
Là một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, kết quả của gần một thập niên cai trị yếu kém (....), Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tính trong 7 tháng đầu năm 2015 đã lên tới 19,4 tỷ USD, tăng thêm tới 4,5 tỷ USD về giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ. Dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng đà lệ thuộc vào mối đe dọa chủ quyền của nó một cách chắc chắn và bền vững. Đây là sự thật cay đắng mà người Việt đang phải đối mặt, do tài năng cai trị của đám (....) trong hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, nếu nghe theo những gì mà đám kinh tế gia của Việt Nam xúi dại, ồ ạt phá giá VND, thậm chí có ý kiến nên phá giá VND tới 10 - 12% để đón đầu cạnh tranh xuất khẩu trong cuộc chiến tiền tệ Trung Quốc đang tiến hành, một ý kiến vô cùng tai hại khi nó nhìn nhận vấn đề quá mức một chiều, cái sẽ khiến kinh tế Việt nam rơi vào một vực thẳm không thấy lối ra.
Thứ nhất, cần xem xét rất kỹ cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Thống kê chính thức, có tới 80% hàng nhập từ Trung Quốc thuộc nhóm hóa chất, sản phẩm trung gian (bán thành phẩm) và máy móc thiết bị. Chỉ 20% là hàng tiêu dùng. Nếu hiểu theo ý nghĩa này, thì việc phá giá NDT sẽ không gây làn sóng ồ ạt tràn ngập mới của hàng Trung Quốc tại Việt Nam ngay lập tức (nhưng về lâu dài sẽ tiếp tục trói chặt Việt Nam). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giữa số liệu của Tổng cục thống kê TQ và Tổng cục thống kê VN có một khoản chênh tới 20 tỷ giá trị hàng hóa TQ xuất vào Việt Nam. Dù Tổng cục thống kê Việt Nam biện bạch rằng con số chênh lệch này có thể xuất phát từ cách tính khác nhau về xuất xứ hàng hóa, tuy nhiên nói trắng ra thì ai cũng hiểu chênh lệch này chính là hàng TQ nhập lậu tràn ngập qua biên giới trong sự tiếp tay của lực lượng hải quan, quản lý thị trường và nhiều cấp chính quyền Việt Nam, vốn từ lâu ăn chia chặt chẽ với nguồn lợi nhuận từ buôn lậu và sống chết mặc bay với quyền lợi quốc gia. Nếu ghi nhận dù chỉ một nửa con số thống kê chênh lệch này, thì tác động của chính sách phá giá NDT đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ nguy hại hơn con số thống kê chính thức gấp nhiều lần. Phá giá mạnh VND xem ra là một giải pháp cần phải tiến hành một cách quyết đoán và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nợ công của Việt Nam hiện đã đến gần sát ngưỡng trần 65% GDP. Mọi biện pháp phá giá VND sẽ tác động ngay và tức thời tới dòng tiền trả nợ nước ngoài của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đang thâm hụt nặng nề và chính phủ Việt Nam vừa mới viện dẫn tới gói vay tới 30.000 tỷ từ Ngân hàng nhà nước nhằm bù đắp cho cái rỏ đốt tiền thủng lỗ chỗ của ngân sách quốc gia. Phá giá VND với một tỷ lệ cao, có thể dẫn tới tình trạng vỡ nợ nếu nguồn trả nợ nước ngoài không cân đối kịp. Tỷ lệ nợ công quá cao khi sức khỏe của nền kinh tế yếu kém khiến dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhiều.

Thống kê nợ công Việt Nam 2004 - 2014

Tuy nhiên, nếu có điều gì đó được cho là đáng mừng thì đó chính là cơ cấu chủ nợ của Việt Nam:


Biểu đồ trên cho thấy chủ nợ lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Nhật Bản, chiếm tới 34,5% tại thời điểm 2012. Nếu số nợ này được tính bằng đồng Yên thay vì USD thì vấn đề của Việt Nam không nặng nề như ta tưởng. Nhật Bản, trong gói kích thích kinh tế Abenomics, liên tục điều chỉnh hạ giá đồng Yên để kích thích xuất khẩu. Việc Trung Quốc phá giá mạnh NDT chắc chắn sẽ khiến Nhật Bản mạnh tay hơn trong phá giá đồng Yên. Do đó, dư địa phá giá VND sẽ lớn hơn khi một phần quan trọng nơ nước ngoài là Yên Nhật thay vì USD.
Do đó có thể nói việc Việt Nam nới rộng biên độ ngoại tệ thêm 2% (1% ngày 12/08 và thêm 1% vào ngày 19/08), đồng nghĩa với phá giá VND 2% là một biện pháp đúng và phù hợp.
Với những phân tích về cơ cấu nợ nước ngoài, dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam và mức độ phá giá dự kiến của Trung Quốc tính đến đầu năm 2016, nhiều khả năng, VND sẽ được phá giá tối đa 5% vào cuối năm nay.
Câu chuyện bi kịch của Việt Nam chỉ thực sự có lối thoát khi cánh cửa TPP mở ra, mà theo như cam kết của ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry, thì chắc chắn sẽ thành hình trước năm 2016. Cá nhân anh cũng tin rằng điều này có khả năng cao, vì nó phù hợp với lợi ích chiến lược của nước Mỹ trong thế kỷ 21.
Chúng ta đành phải hy vọng rằng đám (....), lần này sẽ không làm lỡ chuyến tàu lịch sử của dân tộc. Nếu bỏ lỡ TPP, chúng ta đành ngậm ngùi nhìn viễn cảnh ngày một chìm sâu vào vòng xoáy lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc.
Và Câu chuyện Thiên Tân - Một thập kỷ suy tàn???
Trong một bức tranh không lấy gì sáng sủa, vụ nổ kinh khủng tại Thiên Tân dường như là điểm sáng le lói hiếm hoi. Có nhiều đồn đoán khác nhau về nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của vụ cháy nổ kinh khủng vừa rồi tại Thiên Tân, nơi được dự kiến là thủ phủ mới của Trung Quốc thay thế đô thị đã quá tải và ô nhiễm đến mức khó tồn tại là Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc công bố con số chết chóc là 104 người, nhưng dân Trung Quốc đưa ra con số đồn đoán vượt gấp 14 lần, lên tới 1400 người chết. Và số chịu ảnh hưởng lên tới vài chục nghìn người. Hậu quả sẽ còn kéo dài và dai dẳng bởi hóa chất độc dò rỉ từ vụ nổ hiện ngày một khó kiểm soát và ngày một lan rộng vào đất, nguồn nước và không khí. Nguyên nhân của vụ nổ cũng có nhiều đồn đoán. Ý kiến đơn giản nhất thì cho rằng đó thuần túy là một tai nạn và do sự bất cẩn của lực lượng cứu hóa đã khiến vụ nổ trầm trọng hơn. Một lý thuyết âm mưu thì cho rằng đó là kết quả của các hoạt động khủng bố xuất phát từ Cáp Nhĩ Tân. Lý thuyết âm mưu trừu tượng hơn nữa thì cho rằng đó là hoạt động phá hoại của phe nhóm Giang Trạch Dân, nhằm gây bất ổn và khó khăn cho Tập Cận Bình trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang khó khăn trầm trọng.
Bất kể câu chuyện diễn ra theo kịch bản nào, thì vụ nổ Thiên Tân, mà mức độ hủy diệt của nó được so với một đơn vị vũ khí hạt nhân loại nhỏ dường như đang báo hiệu một thập kỷ suy tàn của Trung Quốc: Suy thoái kinh tế đi kèm với bạo lực và bắn giết.
Những quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc như Việt Nam, lại càng phải cảnh giác hơn vì truyền thống xuất khẩu khủng hoảng của Trung Quốc. Chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không dừng ở việc xuất khẩu các khó khăn kinh tế sang các nền kinh tế xung quanh, khi bạo lực lan tràn trong nội địa, Trung Quốc sẽ xuất khẩu thêm cả bạo lực như một giải pháp cai trị vốn đã thâm căn cố đế trong mọi triều đại của cái đế quốc hung hăng ấy.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lại thêm một ông "không dám" đăng bài:

BÀ VÕ THỊ THẮNG "ĐỘT NGỘT" ĐƯỢC PHONG ANH HÙNG

Bà Võ Thị Thắng được truy tặng danh hiệu 
Anh hùng

TT - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho bà Võ Thị Thắng.
Bà Võ Thị Thắng - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Bà Võ Thị Thắng - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Bà được truy tặng danh hiệu này vì những thành tích đặc biệt xuất sắc của bà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bà Võ Thị Thắng (1945 - 2014) tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam năm 16 tuổi, 
Năm 1968, bà bị bắt và bị kết án 20 năm khổ sai. Ngay trước tòa, sau khi nghe tuyên án, cô nữ sinh Gia Long Võ Thị Thắng đã nở nụ cười rạng rỡ và được mang danh “nụ cười chiến thắng” từ đó.
Sau hòa bình, bà từng giữ các chức vụ: phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Bà cũng nhiều năm là đại biểu Quốc hội.s tích trong sổ tang bà Võ Thị
Theo Tuổi trẻ
___________________________
Những bút tích trong sổ tang bà Võ Thị Thắng ngày 23/8/2014
"Trong mọi hoàn cảnh chiến tranh cũng như hòa bình, chị luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách, thể hiện phẩm chất trung kiên, bộc trực, mạnh dạn thẳng thắn trong đấu tranh, có chính kiến rõ ràng…” - trích Điếu Văn
 
Chủ Tịch Trương Tấn Sang tại lễ tang 

 
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi sổ tang 

Còn lời ghi trong sổ tang của Chủ Tịch Nước và Thủ Tướng Chính Phủ cũng có nhiều điểm đáng lưu ý

Bút tích Chủ Tịch Trương Tấn Sang trong sổ lưu niệm

Bút tích của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong sổ lưu niệm

Nhận xét: 

Lời ghi của Chủ Tịch nước dài hơn (137 chử), tình cảm hơn, xưng hô thân mật (anh, chị, các cháu), nêu ra những chi tiết quan trọng và cả uẩn khuất của cuộc đời, sự nghiệp chị Thắng.

 Khi nước nhà tao loạn, Võ Thị Thắng phận gái mà vẫn hiên ngang đứng lên cầm súng: “Sống vĩ đại, chết vinh quang”!
Khi đất nước thanh bình, lý ra Võ Thị Thắng phải được cống hiến công sức mình cho đất nước trong môi trường thuận lợi, nhưng không hẳn như vậy!
Thời nào cũng có kẻ hiểm ác, giấu mặt đối xử bất nhẫn, nhưng Võ Thị Thắng vẫn lại hiên ngang ngẩng cao đầu:”Sống vĩ đại, chết vinh quang”!"

Không nhắc đến Võ Thị Thắng là đảng viên nhưng khi ký tên đã ghi đầy đủ là
Trương Tấn Sang Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tich nước CHXHCN Việt Nam.

Lời ghi của Thủ Tướng ngắn hơn, (55 chữ) nội dung cô đọng theo môtíp truyền thống thường gặp, đề cao chị Võ Thị Thắng là đảng viên kiên trung bất khuất. Hai lần nhắc tới chữ đồng chí Võ Thị Thắng nhưng khi ký tên chỉ viết là Thủ Tướng CP nước CHXHCN Việt Nam.

Chỉ nhận xét thế thôi, không dám bình luận gì.

Tổng hợp của Trần Hùng


Phần nhận xét hiển thị trên trang

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000 (Thời biến đổi gien) Kỳ 29 ( Tiếp theo kỳ 29)

 
 

 


 Bùi Ngọc Tấn

Tám mươi tuổi, đường đời đã đến điểm cuối rồi.
Nhiều bạn hỏi tôi sao không làm tuyển tập.
Tôi có in nhiều đâu mà làm tuyển tập?
Năm quyển tiểu thuyết thì ba quyển bị tịch thu khi còn là bản thảo, một quyển bị cấm, chỉ có một quyển được in và phát hành bình thường.
Hai tập hồi ký đã gộp lại thành một rồi.
Mấy chục cái truyện ngắn đã tinh tuyển thành một tập Người Chăn Kiến chỉ 200 trang in thưa chữ, thưa dòng.
Ít ỏi, mỏng manh. Chẳng đáng kể gì.
Hơn thế, khối tuyển tập chẳng có ai mua. Nên sợ.
Với lại lấy đâu ra tiền?
Nhưng tuyển tập là sự tổng kết một đời văn cũng không thể bỏ qua. Thôi thì lấy mấy câu đánh giá của bạn đọc làm tổng kết.
● Bùi Ngọc Tấn là một trong những gương mặt quan trọng nhất của văn xuôi hiện đại Việt Nam.
— Nguyễn Vĩnh Nguyên – Báo Sài Gòn Tiếp Thị
● Ở thành phố Hồ Chí Minh người ta nói Hải Phòng có hai đặc sản là ếch và Bùi Ngọc Tấn.
— Thúy Nga – Báo Tuổi Trẻ
● Văn chương Bùi Ngọc Tấn rất đẹp, theo lối khiêm nhường, và hẳn ông dùng sức mạnh của cái ngôn từ đặc sắc đó cho tính chân thực (một phẩm chất đòi hỏi hầu hết năng lực ngôn ngữ của mỗi nhà văn) để viết cho được điều ông tự yêu cầu chính mình ở đây khi viết về bè bạn: “Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang viết của tôi…”
— Nguyễn Chí Hoan
Một nhà văn của nhiều nhà văn
 - Thể Thao Văn Hóa
● Tôi tìm được chữ để định tính ông bạn của cô rồi:
Ông ta sáng ngời! Ông ấy biết nhập thân lột tả không chỉ một người tù (điều đó đối với ông ta không khó) mà cả một người gác tù, một gái điếm, một con chó.
Tôi có cảm giác ông ấy luôn tìm kiếm phần tốt đẹp nhất trong mỗi chúng ta…
— Thư Jean Claude Renoux, một bạn đọc Pháp
gửi họa sĩ Vũ Thị Quỳnh Hương
về tập truyện ngắn Une Vie De Chien, nxb Aube
● Với lời văn đẹp đầy chất thơ, Bùi Ngọc Tấn đưa ta đến nơi mà chúng ta chưa bao giờ đến. Sau khi gấp lại tập sách, chúng ta đã thay đổi. Và cũng trở nên tốt hơn.
— Lời giới thiệu
Biển và Chim Bói Cá
bản tiếng Pháp – Nxb. Aube
● Chuyện kể năm 2000 là một cuốn truyện mà người đọc không thể kể lại được, không tóm tắt được, thậm chí không trích dẫn được bởi vì nói về tự do thì có trăm nghìn cảnh sống đều làm người ta phải đau đớn về sự mất tự do như một bộ quần áo, một đôi guốc, một cái điếu cày, một nhánh rau thơm, một lời chửi rủa, mắng mỏ đều có thể mang ý vị của tự do hoặc nỗi uất nghẹn của mất tự do. Cho nên muốn thuật lại, thì chỉ có cách chép lại toàn bộ cuốn sách… Nhiều nơi, nhiều người có ý kiến là phải đem cuốn tiểu thuyết này đi ứng cử giải Nobel văn học. Tôi thấy không phải là không có lý…
— Trần Độ
● Vợ em bảo em mua một bộ Chuyện kể năm 2000 gói kỹ cất trong tủ để sau này con em lớn lên đọc.
— Trần Đình Nam
trưởng phòng Văn Nghệ
nhà xuất bản Kim Đồng
● Em cứ đọc (Chuyện kể năm 2000) là khóc. Cả nhà em phục nhất anh viết về nỗi đau nhưng vẫn tràn đầy một tấm lòng.
— Phạm Kim Dung
phóng viên báo Nhân Dân
● Em có nhu cầu đọc hàng ngày. Lâu lâu không có quyển sách nào hay mới xuất bản, em lại lấy Chuyện kể năm 2000 ra đọc. Quyển tiểu thuyết của anh có cái thích là giở bất kỳ đoạn nào ra đọc cũng được.
— Trường Giang, phóng viên
báo Sài Gòn Giải Phóng
● Đọc anh, em thay đổi nhận thức.
— Kỹ sư Quang, Vietnam Game
● “Tôi cô đơn như một ngọn cờ. Trên đỉnh núi hoang vu đời tôi. Tôi vinh quang như một ngọn cờ. Trên đỉnh dốc gian nan đời tôi. Ngọn cờ khát khao. Ngọn cờ bão giông…”
— Lời một bài ca của Trần Tiến
do Trần Tiến hát tặng tôi
● Bây giờ người ta nói “bị bắt” là “chăn kiến” đấy chú ạ. Dân ngồi hàng nước toàn nói thế thôi. Thằng ấy thằng nọ chăn kiến rồi!
— Trần Đức Trí, nguyên tổng giám đốc
công ty Baikal
● Tấn là người được chọn
— Đạo diễn Đào Trọng Khánh
Vân vân và vân vân….
Càng về già, thời gian càng trôi nhanh hơn.
Cô phóng viên Vũ Thị Hải vẫn sẵn sàng đưa tôi đến Vĩnh Quang, giúp tôi thực hiện ước mơ. Nhưng tôi biết tôi sẽ không bao giờ đến được Vĩnh Quang nữa. Trở lại Đồng Vải là đã đủ. Cũng đến thế mà thôi. Cũng là nhìn lại nơi đẫm tim óc, đẫm thần kinh máu huyết mình đã thành xa lạ. Bao nhiêu năm tháng rồi, hẳn không còn chiếc lán ở bìa rừng thời gian B52 rải thảm, nơi chúng tôi đã nghe Đỗ Lương chơi clarinette bằng mồm. Cũng không còn khu rừng có cây cổ thụ bốc cháy đỏ hồng, gió mùa đông bắc bóc đi từng mảng than tung lên cuộn xuống. Không còn Kiều Duy Vĩnh ngồi thiền, không còn Cân ngồi lần tràng hạt đối thoại trước Chúa. Và nhất là không còn Nguyễn Văn Phổ băm băm xới xới trong nắng hè oi bức, trên đường về trại chiếc gáo tôn hoa đầy nước luôn thõng một bên tay.
Tám mươi tuổi, nhiều điều không còn quan trọng nữa: Như chứng mất ngủ. Như sự mong đọc một tác phẩm ngang tầm thời đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Đã delete ao ước một lần thấy công lý thực thi. Và cũng xóa luôn nỗi thèm muốn được nói thật, sống thật giữa những người nói thật, sống thật.
Còn câu của dân do dân vì dân từng ức chế thần kinh thì đã biến được thành một câu hài dù cố mấy cũng không nặn ra được nửa nụ cười.
— Ngã Sáu Hải Phòng, 12-2013
Năm có 13 cơn bão.
Năm kỷ niệm 45 năm bị bắt.
40 năm ra tù.
Xem lại lần cuối 9-2014
khi trong người có một khối u.
  (Hết)


 B.N.T.

([1]) Những tác phẩm của Makarenko, Liên Xô cũ, viết về công cuộc cải tạo thanh thiếu niên hư hỏng.
(2)Thời tôi còn ở xà lim Trần Phú, chỉ có Độ và những tù tử hình mới có quần áo sọc. Ngày xử án, Độ phải cho mượn bộ cánh ấy, “trong xà lim Độ đánh độc một cái quần đùi, ngồi như một con cóc cụ.
(3) Nhà văn Liên Xô cũ.
(4) Thơ Tố Hữu.
( Nguồn: VV)
(5) Phần lớn là những người đi lính và làm việc cho Pháp.
(Xem tiếp kỳ sau)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000 (Thời biến đổi gien) Kỳ 29

 

 Bùi Ngọc Tấn
Hồi tưởng không bao giờ hết. Mong ước không bao giờ ngừng. Cho nên thật bất ngờ làm sao khi nhận được điện thoại của Đoàn Duy Trọng:
– Anh có muốn vào thăm lại Trần Phú không?
Tôi như không tin ở tai mình:
– Em nói gì?
Tôi chưa một lần thổ lộ khao khát ấy của tôi với Trọng. Nên chưa hiểu ngay điều Trọng nói.
– Vào thăm lại trại giam Trần Phú ấy.
 Tôi reo lên:
– Bao giờ?
– Bây giờ, anh chuẩn bị đi ngay với em.
Niềm vui quá lớn. Tất cả sắp trở thành hiện thực. Khao khát bấy lâu nay!
Trọng là con trai ông Đoàn Duy Thành, nguyên bí thư thành ủy Hải Phòng, phó thủ tướng chính phủ. Cả hai đều là bạn đọc của tôi. Tôi và Trọng nói với nhau nhiều chuyện nhưng chưa bao giờ tôi thổ lộ cùng anh nguyện vọng thăm lại các nhà tù. Tuy nhiên anh vẫn hiểu.
Tôi vội thay quần áo, xuống nhà, bước ra hè phố với bao niềm vui và hồi hộp. Trọng đã ngồi trong ô tô đậu ngay trước ngõ. Đang dở nói điện thoại, anh chỉ gật đầu chào tôi. Khi tôi lên xe, anh bảo:
– Em vừa nói chuyện với tay giám thị. Nó không ở Trần Phú nữa mà đã sang bên Gốc Thị rồi. Ta sang Gốc Thị anh nhé.
Tôi hơi hẫng. Đã tưởng mình được vào Trần Phú, gặp lại cái lối đi nhỏ từ khu 175 sang khu 176, gặp lại Bê Dê — Buồng D —, gặp lại những bể nước khổng lồ cho tù sáng ra làm vệ sinh, giặt giũ, và cái sân rợp bóng lá bàng. Cái sân hồi còn bị giam ở xà lim 175 tôi đã đu người lên dóng song sắt bẻ một nan chớp cửa thông hơi, nhìn xuống sân thấy anh tù động kinh mà tôi đã viết trong Chuyện kể năm 2000. Ở sân này còn một chuyện nữa tôi chưa viết nhưng nó đã làm tôi buồn không biết bao nhiêu. Cái sân hôm ấy khác hẳn những hôm khác: Gỗ, cầu bào, phoi bào, mùn cưa đã được dọn sạch. Sân trại vắng vẻ im lặng. Không có tiếng cưa đục, tiếng tù vừa làm việc vừa nói chuyện. Một biểu hiện khác thường. Rồi nguyên nhân của sự bất thường ấy đã xuất hiện: Một tốp gần chục ông công an mặc sắc phục đang từ sân xê rom bước ra. Đi đầu là ông đại uý chánh giám thị và một người mặc thường phục. Tôi không tin ở mắt mình: Nhà văn G, vị khách được đón tiếp long trọng đang đi chậm bước ở hàng đầu song song với ông đại uý, nhìn bên nọ, ngó bên kia, trong khi ông chánh giám thị đang nói và giơ tay chỉ trỏ như một hướng dẫn viên du lịch, theo sau là những ông quản giáo. Tôi hiểu nỗi xúc động của nhà văn G. Anh đang bước vào một địa hạt bí mật, một địa hạt thiêng liêng: Giam giữ và cải tạo con người. Nơi đây những người xấu xa, nguy hại cho sự nghiệp cách mạng đang trở thành những người tốt. Tôi cũng đã từng tin như vậy: Tôi đã viết trong một bản tự khai khi mới bị bắt vào Trần Phú về tính ưu việt, nhân đạo của chế độ: Đến con cái bọn bóc lột, chúng ta cũng giúp đỡ, cải tạo họ để họ trở thành những người tốt như chúng ta (!!!)
Cánh tay đu vào dóng sắt mỏi rời, nhưng không thể tụt xuống. Tôi muốn nhìn nét mặt trang trọng cao cả của đoàn người đi ngoài sân kia, nhất là vẻ xúc động của anh G. Xem cho kỹ, nghe cho kỹ rồi về viết nhé. Một Bài Ca Sư Phạm, một Những Ngọn Cờ Trên Tháp ([1]) đang đợi anh viết ra, Makarenko của Việt Nam ạ. G. là người tôi quen khi tôi còn làm ở Hà Nội. Anh có một tập tiểu thuyết mỏng in từ cuối những năm 50, được nhiều người đọc, trở thành nổi tiếng, và càng nổi tiếng hơn khi có người kiện anh, nói rằng chính anh ta mới là tác giả. Chẳng biết ai đúng ai sai, nhưng sau đó anh chuyển về Hải Phòng. Từ ấy không thấy anh viết lách gì nữa. Mà chuyên đi nói chuyện, giới thiệu các “sáng tác” người thực việc thực. Anh đã đi nhiều nơi tại Hải Phòng đăng đàn diễn thuyết về tập Người Gác Đèn Biển viết về anh hùng lao động Phùng Văn Bằng của tôi. Với tác phong cẩn thận chu đáo, anh đến báo Hải Phòng gặp tôi, đưa tập đề cương cho tôi xem, cả một thếp giấy với những dàn ý, những bối cảnh, những chủ đề từng đoạn, những phát triển bài viết của tôi, để tôi góp ý, còn tôi thì xấu hổ đỏ mặt lên vì thứ văn chương tổ độicủa mình lại được một người bạn hơn tuổi coi trọng và làm việc với mình cẩn thận đến thế:
– Bác ơi. Tôi hoàn toàn tín nhiệm bác. Bác cứ theo ý bác mà làm…
Những bước chân chậm rãi, nét mặt trang nghiêm như đang bước trên một hành tinh khác của G. tiến gần tới xà lim của tôi. Tôi vội buông tay, tụt xuống. Từ dưới nhìn lên, họ có thể thấy tôi qua nan chớp bị bẻ.
Tôi nằm xuống ván lim. Rã rời. Thế đấy. Người sống chết với văn chương thì bị nhốt xà lim. Người không viết được, người làm chỉ điểm thì được đón tiếp long trọng như những vị khách quý. Ngay lúc ấy tôi đã nghĩ anh bạn G. làm chỉ điểm mà cách gọi nhẹ hơn là “đặc tình.” Khi bắt tôi, không khí khủng bố ở Hà Nội, Hải Phòng đã lên tới cao điểm. Văn nghệ sĩ là một lũ đáng ngờ. Phải đặc biệt cảnh giác và theo dõi chặt chẽ.
Thế nhưng G. lại được đón tiếp rất trọng thị. Được đến những nơi không ai có thể đến. Sự quản chế những tù nhân chưa thành án là rất ngặt nghèo, không thể vượt quá qui định, vượt qua nguyên tắc nếu không có một sự đối xử đặc biệt nào đó. Khi đi Gốc Thị với Đoàn Duy Trọng, tôi càng tin việc anh G. được tới Trần Phú không thể là chuyện bình thường của một nhà văn đi thực tế.
Trọng lái xe đưa tôi sang trại Gốc Thị, Kiến An. Đại tá chánh giám thị trại tạm giam Hải Phòng đang ngồi với một người khách Việt kiều chờ chúng tôi ở “nhà thuỷ tạ” ngay cổng trại. Ông còn rất trẻ, trạc tuổi con lớn tôi nhưng đã mang hàm đại tá. Trên xe, Trọng đã nói với tôi cái cách anh giới thiệu tôi và anh đã thực hiện đúng như vậy:
– Giới thiệu với bác: Đây là anh T. chánh giám thị trại giam Hải Phòng. Giới thiệu với anh T. Đây là ông bác tôi mới ở quê ra.
Chúng tôi ngồi trên sàn nhà làm ngay trên mặt hồ. Trên đầu tôi, chung quanh tôi toàn phong lan là phong lan. Hàng trăm bông phong lan từ chỗ chúng tôi ngồi chạy ra phía đầu hồ nước. Những chùm hoa phong lan như những đàn bướm nối nhau nằm im lặng ngủ trong tán lá. Và những cây lộc vừng cổ thụ quý hiếm, mốt ăn chơi thời thượng, được đưa thẳng từ rừng già về đã bén rễ, đâm chồi, tỏa tán lá xanh non. Bên cạnh chúng tôi là ao cá mênh mông. Cá đớp ngay bên cạnh, cá đớp dưới sàn. Cá nổi trên mặt nước uốn lượn. Tôi khen cơ ngơi đẹp như tranh của ông giám thị mà bụng nghĩ: Không biết bao nhiêu mồ hôi của cánh phạm đã đổ để có được cảnh tiên này. Ông giám thị tươi cười:
– Tất cả những thứ này là mới có mấy năm nay thôi bác ạ, từ khi cháu về làm giám thị.
Ông kể lai lịch từng cây cổ thụ, lai lịch từng khu phong lan một cách đầy hào hứng. Ông gọi tên một người. Một anh tù bước tới đem bia đến. Nhìn dáng vẻ sợ sệt, đôi mắt luôn cụp xuống, không dám nhìn ai của anh, tôi không thể không nghĩ đến thân phận mình ngày trước và cảm thấy ngượng trước sự khúm núm của anh. Nhưng sau đó lại nghĩ ngay: Anh bạn này trúng số độc đắc. Phải là con nhà. Hoặc phải rất nhiều đạn mới được làm công việcthơm như thế này. Được là tù tự giác. Được bán tự do. Không phải đi lao động theo toán. Không phải làm công việc nặng nhọc.Và chắc chắn no!
Trọng giúp tôi, đề nghị với ông giám thị cho phép “ông bác” anh được vào trong trại tham quan. Anh làm ra bộ ngây thơ: Ông bác tôi từ lúc bước chân lên xe tới đây chỉ ao ước được vào tham quan trong trại một tí…
Ông T. ôn tồn giải thích cho tôi và Trọng nghe nguyên tắc tuyệt đối không cho người không có trách nhiệm vào khu giam giữ phạm nhân. Và nói với chúng tôi về những gì bên trong bốn bức tường quây kín cả một khu mênh mông kia mà lâu ngày tôi chỉ còn nhớ là phòng giam nào cũng có tivi…
Tôi nói:
– Trại Gốc Thị, trước đây cứ nghe nói trại Gốc Thị Kiến An, hôm nay tôi mới được thấy.
Ông giám thị chỉ ra một gốc cây ở giữa sân được xây quây chung quanh vuông vắn, có đặt nhiều bát hương:
– Gọi là trại Gốc Thị vì ngoài cổng trại có cây thị bác ạ. Gốc nó còn đấy.
Câu chuyện đang dở dang thì có mấy phụ nữ đến, trong đó có một người đã tới nhà tôi.
– Cháu chào bác ạ.
Chị N. người có công việc giao dịch với Hải Yến con gái tôi cách nay hai chục năm khi Hải Yến còn công tác ở Hải Phòng, con dâu một người bạn của vợ tôi. Cứ nghe cung cách N. nói chuyện với ông giám thị thì biết rằng họ rất thân nhau. Thật lạ. Sao N. lại quen biết cả những người trong cơ quan chuyên chính, không dính dáng gì đến việc làm kinh tế của mình như ông T. nhỉ. Mà lại thân mật thế. Có cái gì chung giữa họ đâu? Hay có cái chung mà mình không biết? Có vẻ như N. thuộc loại có thể quen và thân với bất kỳ ai cần thân quen. Có một số người như vậy. Quen được với tất cả.
Tôi xin phép chủ nhân đứng dậy đi tham quan phía ngoài trại giam và được ông vui vẻ đồng ý. Vẫn chỉ là những bức tường cao vút, và những bốt gác nhô lên ở những góc trại, vẫn là cánh cổng sắt khép chặt mà tôi cố nhìn vào bên trong nhưng chỉ thấy những bức tường im lặng. Tôi tần ngần nhìn ngắm gốc cây thị được xây gạch quây tròn xung quanh, bên trên xếp kín bát hương, những chứng nhân của biết bao đau khổ chia lìa, chết chóc.
Bỗng một hồi kẻng vang lên. Tiếng kẻng trong vắt ngân nga quen thuộc. Tôi hiểu ngay đó là kẻng gì. Đã tan tầm. Buổi lao động khổ sai đã chấm dứt. Tiếng kẻng đã bao lần giữa rừng sâu rã rời cả phần xác lẫn phần hồn, tôi chờ đợi nó cất lên. Để tự động viên đã vượt qua được một ngày. Và chuẩn bị đón một đêm, chuẩn bị vượt qua một đêm. Cho dù một ngày đêm qua đi chẳng có ý nghĩa gì với bọn tù tập trung cải tạo không án chúng tôi. Cũng giống khi viết văn trước đây, mong viết kín một tờ pơ-luya dù nó mỏng dính chẳng có mấy ý nghĩa đối với một quyển tiểu thuyết, nhưng nhiều tờ pơ-luya xếp lên nhau sẽ có một chiều dầy, chiều dầy ấy động viên tôi; trong tù, bọn án cao su chúng tôi cũng tự động viên: nhiều ngày đêm sẽ thành một chục ngày, nhiều chục ngày sẽ thành một trăm ngày, nhiều trăm ngày sẽ thành một nghìn ngày, nhiều nghìn ngày có thể sẽ thành một điều để các ông ấy bỗng nhiên nghĩ tới mình: Ờ cái thằng ấy tù cũng lâu rồi nhỉ…
Hôm nay tôi không chờ nữa, đã quên rồi tiếng kẻng bám vào cuộc đời ấy. Nhưng nghe tiếng kẻng tôi nhớ lại và chờ đợi. Nhìn về phía cổng trại giam chờ đợi. Và tôi đã thấy. Từ lối đi phía bên phải cổng trại, khuất sau một hàng cây, một toán người xuất hiện. Tất cả mặc quần áo kẻ sọc. Nền kinh tế của ta đã khá lên rồi! Không như chúng tôi ngày xưa nữa. Tù được mặc quần áo sọc, loại pyjama cổ điển([2]). Một đám tôi ngày trước hết giờ lao động được về trại. Không biết họ làm gì. Đi lao động ngoài trại chắc là chăn nuôi trồng trọt gì đấy thôi. Thì ra dáng đi của người tù thời nào, ở đâu cũng giống nhau. Họ đi hệt chúng tôi đi non nửa thế kỷ trước. Kéo lê từng bước như kéo lê cuộc sống. Lẽ ra họ phải phấn khởi mới đúng chứ. Tù Gốc Thị, tù Trần Phú là trúng số rồi! Gạo trắng nước trong. Không phải đến những nơi khỉ ho cò gáy, rừng thiêng nước độc. Nhà thường xuyên tiếp tế. Hẳn phải mất khá đạn mới được tù ở đây.
Tôi trở về “nhà thuỷ tạ” và nhận ở ông giám thị một thái độ khác hẳn. Không còn vẻ lịch sự tôn trọng của một người tiếp đón ông bác của bạn mình, anh của phó thủ tướng nữa. Vẫn ngồi nguyên một chỗ, ông khinh khỉnh nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân. Một cái nhìn giễu cợt kéo dài không che giấu, đắc thắng vì đã lật tẩy được chân tướng một kẻ bịp bợm. Cái nhìn của người thợ săn nhìn con mồi thoát khỏi tay mình, nhởn nhơ ngoài tầm súng. Rồi nhếch mép cười với một vẻ rất bề trên, nụ cười của ông chánh giám thị nhìn một kẻ từng phạm pháp, từng bị đi tù, khoảng cách giữa hai người là vời vợi nghìn trùng:
– Bùi Ngọc Tấn…
Và gật gù:
– Chuyện kể năm 2000.
Rồi:
– Từng trải đấy.
Ngừng một lát, lại tiếp:
– Nhưng phải thay đổi tư duy đi.
Tôi hiểu rằng mình đã bị lộ chân tướng. “Lộ Miêu và Duy Liên” như chúng tôi vẫn nói với nhau khi còn ở báo Tiền Phong, một cách gọi phim Romeo và Juliet thời mới tiếp quản. Tôi đã trở về với vị trí của tôi, trong cái nấc thang cuối cùng của xã hội. Một phó người. Hơn thế, một phó người man trá. Biết đã đặt Trọng vào một tình thế khó xử, tôi không dám nhìn sang anh nữa. Ông đại tá giám thị trẻ nhắc đi nhắc lại một cách rất bề trên câu: Thay đổi tư duy đi. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm nhưng cố giữ im lặng. Đây không phải là lúc dành cho một cuộc đối thoại giữa tôi và chính quyền, giữa một kẻ bị bắt oan bị đày ải suốt đời với một người chuyên nghề chuyên chính, nhốt giam người. Thay đổi tư duy nghĩa là thay đổi cái gì? Nếu nội dung tư duy tôi phải thay đổi là nơi ban giám thị nhà giam làm việc và tiếp khách giờ đây đầy hoa phong lan và phạm nhân được mặc quần áo kẻ sọc thì đúng nhưng đấy chỉ là sự thay đổi bề ngoài. Còn bên trong nó? Rộng hơn nữa là việc thực thi luật pháp, việc thi hành án. Gần nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày tôi bị bắt, sinh hoạt nhà tù nhất định khác trước hiểu theo cả hai nghĩa xấu hơn và tốt hơn, nhưng tôi tin chắc rằng nhà tù hôm nay vẫn là nơi giam cầm đầy đoạ làm cho con người khiếp sợ với bao điều khủng khiếp mà ai bước vào đó vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Vẫn còn đó nguyên vẹn nỗi đau khổ của người bị mất tự do một cách oan ức. Vẫn còn đó và còn nhiều hơn trước sự bất bình đẳng trước pháp luật, sức mạnh của đồng tiền trong xét xử, giam cầm, vẫn còn đó sự bất công tàn bạo trong việc quất lên đời người những ngọn rồi sắt chuyên chính của chế độ độc trị… Nhưng điều làm tôi thấy bị xúc phạm không hẳn là nội dung câu nói của ông — Ai mà chẳng phải đổi mới trong suy nghĩ để bắt kịp cuộc sống. Mà nằm trong cách nói đầy tự tin rằng mình đã thay đổi tận gốc chế độ nhà tù, nhất là giọng nói rất mệnh lệnh, rất quản giáo, rất giám thị của ông ta. Nhưng thôi, không cãi nhau ở đây. Mình là khách, lại còn Trọng nữa. Hẳn là cái chị N. có đến nhà tôi vài lần đang bia bọt cười nói trước mặt tôi đã nói với ông giám thị về tôi.
Ngay lúc ấy tôi chỉ muốn lên xe ra về nhưng còn Trọng. Và kìa thức ăn đã được đưa lên. Những anh tù phục vụ cúi đầu thu cái nhìn không quá phạm vi bàn chân mình. Rượu, bia đã được rót. Chúng tôi chạm cốc. Những người quanh bàn tiệc nhìn tôi như nhìn một kẻ lừa đảo đã bị vạch mặt. Tôi có cảm giác mình đã ngồi nhầm chỗ mà vì lý do nào đấy, ông chánh giám thị rộng lượng bao dung. Còn cái cô N. cùng đám phụ nữ bạn của ông giám thị thì vẫn chuốc bia nhau rất sành điệu. Một lần nữa tôi ngạc nhiên và bất ngờ trước sự giao tiếp rộng của họ. Bởi con gái tôi không có đứa nào như vậy.
Khi lên xe ra về, rõ ràng chúng tôi đã thoát được một tình thế lố bịch. Trọng bảo:
– Lúc bác đi quanh sân Gốc Thị thì cái cô quen bác cùng với tay T. đi về phía đầu ao cá, rồi lại trở lại. Chứ khi em ngồi ở đấy không thấy ai nói gì về bác cả.
Cuộc đi thăm Trần Phú thất bại, hay nói cho đúng hơn, chỉ đạt số phần trăm kết quả rất ít.
Nhưng chuyến đi thăm trại Q. thì vượt mong đợi. Tất cả là nhờ cô Vũ Thị Hải, người đại uý công an đã đến thăm tôi lần đầu tiên khi Chuyện kể năm 2000vừa bị thu hồi tiêu huỷ cùng với hai quả dứa, một túi cam và cứ ân hận mãi là bà bán hàng hết dứa nên không mua được mười quả dứa cho tôi — để đúng với số lượng dứa tôi đã tạt trong tiểu thuyết.
Sau khi thăm tôi lần ấy, cô đại uý công an thường lui tới nhà tôi, vợ chồng tôi coi cô như một người em gái. Hải sinh năm 1969, bằng tuổi cậu con trai út của tôi, sinh khi tôi đã vào tù. Hải thân với tôi, gọi vợ chồng tôi bằng anh chị và khi thấy mọi người ngạc nhiên, Hải cười: “Anh Tấn hỏi mình mẹ em bao nhiêu tuổi, mình trả lời mẹ em kém anh ba tuổi.” Rồi cười vang.
Tôi rất quý Hải. Cô đã ra khỏi ngành công an, về làm phóng viên báo Văn Nghệ Trẻ rồi phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay và là sát thủ của các quan tham, những chuyên gia “ăn đất.” Vụ tham ô đất Đồ Sơn bị phanh phui từng làm xôn xao dư luận của cả nước có đóng góp rất lớn của Vũ Thị Hải. Không chỉ vụ đất Đồ Sơn, còn vụ đất Kiến An, rồi vụ đất Quán Nam… Đất — cũng như chữ — vốn dĩ không biết nói. Đất chỉ ngậm máu, ngậm mồ hôi, đón nhận xương thịt tổ tiên cha ông chúng ta đã mở mang, khai phá. Đất thấm máu và nhận thịt xương các liệt sĩ đã giữ từng tấc đất của cha ông. Đất đời đời im lặng, và đã có biết bao quan tham mọi nơi mọi chỗ, mọi cấp mọi ngành luôn mồm ăn đất và luôn mồm rao giảng về sự thiêng liêng của Đất, về truyền thống, về mồ hôi xương máu thấm đẫm từng xăng-ti-mét đất đai Tổ Quốc. Năm 2005 Vũ Thị Hải là nhà báo nổi tiếng nhất trong năm và được chương trình Người Đương Thời của truyền hình Việt Nam mời lên ghi và phát hình. Hàng triệu khán giả, những người chỉ đọc chị, nghe nói đến chị đã được trực tiếp nhìn chị và nghe chị trên màn ảnh nhỏ.
Tôi đã nhiều lần “khai báo” với Hải:
– Làm sao về được những nơi anh đã lang thang nhỉ? Trước khi chết thế nào anh cũng phải tìm cách trở lại những nơi ấy.
Hải hứa sẽ giúp tôi và đã thực hiện lời hứa đó.
Cuối năm 2006, một người bạn đã cho Hải mượn một chiếc xe bốn chỗ kể cả lái xe và ba chúng tôi, nghĩa là tôi, Hải và nhà thơ Vũ Thị Huyền lên đường đến trại Hoành Bồ — trại QN trong tiểu thuyết. Chúng tôi thẳng tiến về hướng Đông Bắc và dừng xe dọc đường, ăn sáng, uống cà phê đá Huyền mang theo. Tôi chỉ nhớ được một địa danh để hỏi thăm đường: Trại Đồng Vải. Vì trại đặt tại xã Đồng Vải nên còn có tên gọi như vậy.
Trên đường tới Đồng Vải có một cái tên quan trọng khác: Trới. Hình như đây là huyện lỵ của Hoành Bồ. Tôi đã nghe vợ tôi nhiều lần nhắc tới địa danh này trong những lần “hồi ký cách mạng” về những chuyến lên thăm tôi. Và tôi cũng đã một lần từ Đồng Vải đến Trới, khi chúng tôi đi gánh than trong rừng đổ lên ô tô để chở về trại. Vậy là xe chúng tôi cứ bon bon tới Trới, một địa danh khá phổ cập.
Chẳng biết cái thị trấn Trới thời tôi đi tù như thế nào nhưng bây giờ nó đã được ngói hoá, bê tông hoá, có nhà nghỉ, có khách sạn, có quán ka ra ô kê, có nhiều biển quảng cáo và nhiều xe máy, xe ô tô đi lại trên đường nhựa. Một chiếc cầu bê tông bắc ngang qua sông Trới, một dòng sông nhỏ trôi xuôi.
Nơi đây xưa kia là bến đò vợ tôi phải vượt qua mỗi lần lên trại thăm tôi. Vác chiếc xe đạp poóc-ba-ga nặng trĩu đồ tiếp tế, lội qua bãi phù sa vì nước ròng, con thuyền đỗ ghếch lên mép nước mãi xa, vợ tôi dưới bãi, ông lái đò trên thuyền cúi đỡ chiếc xe đạp lệch một bên vai nàng khi ấy mới ba mươi tuổi, đặt nằm trong lòng thuyền, rồi sau đó nắm chặt tay vợ tôi để vợ tôi đu lên, bàn chân bết phù sa trơn loạng choạng trượt trên ván thuyền. Sang bờ bên kia. Lại lội lại vác.
Mặt trời chiều đã khuất sau rừng. Trời tối dần.
Ông lái đò biết vợ tôi đang đến chốn nào, động viên: “Đạp nhanh không tối đấy.
Tôi chưa đi đò Trới. Chưa vượt qua sông Trới. Cái hôm đi gánh than ấy, chúng tôi được ra bờ sông Trới rửa mặt mũi chân tay. Dòng sông vẫn như hôm nay nhưng ngày ấy với chúng tôi là bao la, là mênh mông, là vô tận. Trời. Chiều. Mây. Gió. Nước. Suốt một ngày cuốc, xúc, gánh trong rừng âm u không một gợn gió, làm việc thở ra mang tai, gánh than kéo mình xuống dốc phăng phăng, thấy gốc cây bị chém vát nhọn, vẫn cứ quăng chân vào, không tránh được. Mồ hôi. Muỗi đói. Ruồi vàng… Thế rồi là dòng sông mênh mông. Khoảng không cao rộng trời xanh choáng váng. Nhìn xuôi dòng típ tắp chân trời. Lội trên phù sa xoai xoải. Cho nước ngập đến gối, cho sóng ôm lấy bắp chân, cho sóng vỗ quanh đùi. Cho ngón chân bấm xuống, tận hưởng cảm giác mình ngâm trong nước mát, mình mọc lên từ bùn đất phù sa.
Chưa hết. Trên đường về trại, một đồi sim ương ương bất ngờ hiện ra. Tất cả lao vào. Vặt. Nhai. Nuốt. Vừa vặt vừa kêu: “Vàng bò!” Khắp đồi vang lên những tiếng hò reo phấn khởi “vàng bò!” Đúng là sim chưa chín, mới vàng bò.
… Xe qua cầu và dừng lại. Để tôi đứng trên cầu chụp ảnh. Chụp ảnh nơi xa nhất tôi đã đi tới trong những ngày lao lý, nơi vợ tôi đã vượt qua trong những chuyến tiếp tế cho tôi. Hải, Huyền cùng chụp ảnh với tôi. Kỷ niệm của tôi cũng là kỷ niệm của hai em.
Xe lại đi. Đường nhựa mới làm rộng và phẳng.
Thỉnh thoảng lại dừng hỏi những quán bên đường.
Tất cả đều trả lời: Trại Đồng Vải vẫn còn. Thật mừng. Tôi chỉ lo người ta đã chuyển trại để xây dựng khu kinh tế.
Cách đây ba năm đã một lần tôi tưởng được gặp lại trại Đồng Vải. Một người bạn đã lái xe ô tô định đưa tôi về đó. Tôi đã đứng bên này cầu nhìn sang bên kia cầu Trới.
Đang là mùa mưa.
Bên kia cầu là bùn lầy, một con lạc đà sa xuống đó cũng biến mất tăm theo cách nói của Chingiz Ajmatov([3]). Hôm nay một con đường nhựa mới mở với bốn làn đường xe chạy. Tôi đã trông thấy rừng. Rừng “nhấp nhô uyển chuyển giăng hàng” gói trong lòng nó biết bao nỗi niềm, bao tâm sự. Rừng vĩ đại im lặng không đe doạ tôi nữa mà đang chờ gặp lại tôi để chuyện cùng tôi. Rừng che bộ đội rừng vây quân thù([4]).
Rừng đã che tôi suốt tuổi thiếu niên, tuổi trưởng thành thời chín năm chống Pháp và rừng đã vây tôi sau đó, khi tôi mới ngoài ba mươi tuổi, thời gian sung sức nhất, thời gian đam mê sống, mỗi giọt máu trong người đều căng tràn tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống và lòng quyết tâm thực hiện mơ ước của đời mình.
Nhưng tôi vẫn chưa nhận ra rừng của tôi.
Rừng để sống và rừng để chết của tôi!
Gần bốn mươi năm trước, lần đầu tiên từ Trần Phú về đây trên một thùng xe vải bạt che kín, nào nhìn thấy gì đâu bốn chung quanh. Chỉ có bụi đất đỏ cuộn lên phía sau xe, bám vào quần áo đầu tóc, mặt mũi. Và khi tới trại, nhận buồng, đặt nội vụ xong tôi được quẩy đôi thùng làm bằng gỗ thông ngược ra ngoài trại, xuống suối gánh nước về cho anh em rửa mặt. Thật là một đặc ân. Sau một chuyến đi dài, được ngâm chân dưới suối, rửa sạch chân tay, vốc nước suối mát lạnh lên cổ lên mặt đầy bụi mới dễ chịu làm sao. Nhưng khi gánh trên vai hai thùng nước leo ngược dốc trại, loạng choạng run bắn, nhiều lúc muốn khuỵu xuống. Ngơ ngác tự hỏi vì sao, hai thùng nước này mình vẫn gánh chạy băng băng mà không biết một năm rưỡi xà lim đã làm cơ bắp gân cốt nhão ra rồi.
Ngồi trên thùng xe phủ vải bạt không nhìn thấy chung quanh nhưng chắc chắn có một con đường đất đỏ, hai bên là cỏ may ngay dưới bánh xe lăn. Hôm gánh than gần Trới tôi đã đi và về trên con đường ấy. Khi được di lý về Trần Phú, tưởng sẽ được tha, ngồi ở thùng xe com măng ca Romania đít vuông, lại nhìn thấy những hàng cỏ may ven đường. Giờ đây tất cả là đường nhựa. Con đường nhựa này chạy đến đâu? Không thể nào từ trại tới Trới lại xa như thế. Hỏi. Dừng xe lại hỏi. Hỏi những người phá đá, xây đá ven đường. Hỏi ô tô công an biển số Hà Nội đi ngược chiều. Cuối cùng tìm thấy lối rẽ. Một lối rẽ nhỏ, bình thường ít ai để ý. Lộ ra con đường rất hẹp. Rải đá. Có hai vệt nhẵn dành cho người đi và xe lăn bánh. Hai bên là cỏ may. Đúng con đường mình vẫn nghĩ về nó. Nhưng sao không thấy núi đá bên trái, nơi toán lò vôi vẫn làm việc. Dòng suối sâu bên phải có lẽ là đây. Sao suối nhỏ thế, lòng suối sâu và cạn thế? Đúng rồi! Đúng là mình đang trở lại chốn xưa rồi! Dưới lòng con suối cạn vắng vẻ và bẩn thỉu bỗng hiện ra hơn chục người đàn ông đang trần truồng tắm. Chỉ có thể là một toán hết thời gian lao động, tắm rửa trước khi về trại. Chỉ “chúng tôi” mới tắm ở con suối cạn tới đáy này, mới trần truồng chen chúc ở một nơi hoang vắng như vậy.
Tôi reo lên, chỉ tay xuống suối:
– Ta đây rồi!!
Và bảo hai cô bạn:
– Chính hắn đấy. Các em đừng ló mặt ra. Bọn hắn trông thấy, lên đuổi là không thoát được đâu.
Nói vậy. Để tự trấn tĩnh mình. Mong ước của tôi đang thành sự thật. Bao nhiêu kỷ niệm ập đến đè lên tôi. Tôi vừa nhận ra vừa không nhận ra mảnh đất đã đầy đoạ tôi. Tất cả như một nơi hoang dại. Không có dấu vết của sự sống. Không còn ngọn núi đá bên này suối, nơi toán lò vôi vẫn xô thùng búa làm việc. Tôi bỗng nhớ đến Nguyên còn rất trẻ, tập trung hình sự, toán lò vôi, bị tai nạn khi nổ mìn phá đá hỏng một bên mắt, con mắt bị lép khiến khuôn mặt anh trông mới kỳ dị làm sao. Rồi nghĩ đến Lỷ Xìn Cắm, khi trên xe đưa mắt tìm cái nghĩa địa tù bên suối. Không còn. Nói chung chẳng còn gì cả. Cả nhà gặp mặt, nhà hạnh phúc, nơi tôi đã được gặp vợ 24 tiếng. Dòng suối cũng sâu thế này. Hai vợ chồng tôi kẻ trước người sau, lần từng bậc xuống suối, rửa rau vo gạo. Được nhìn người vợ nhỏ bé, hiền thục và đau khổ của mình chuẩn bị bữa cơm, rồi nhặt nhạnh củi nhóm lửa trong bếp, giữa rừng già, ngồi sát bên nhau, ôm nhau nghe lửa reo, chờ cơm chín, rau sôi…
Hạnh phúc đơn sơ làm sao, mong manh làm sao và đau đớn biết bao!
Xe đỗ ở cuối “con đường cỏ may Cạnh đó là chiếc cầu bê tông gẫy. Nối với “con đường cỏ may” là con đường mòn ven suối quanh co khuất sau rừng.
Tôi đã nhận ra! Tôi đã nhận ra tất cả! Dù đổi thay, dù đã gần bốn mươi năm, tôi đã nhận ra tất cả. Đúng. Đất này là đất của tôi. Trên đất này tôi đã từng chết trong khi sống. Chúng tôi xuống xe. Tôi bảo Hải, Huyền:
– Chính xác đây rồi các em ạ.
Tôi đứng nhìn bao quát bốn chung quanh và khẳng định lại một lần nữa điều mình đã khẳng định. Nhưng tất cả đều như nhỏ lại. Núi thấp hơn, rừng bớt thâm u hơn. Suối không còn là suối mà chỉ là rãnh nước đầy rêu. Chúng tôi đi làm qua cái cầu xi măng này, một cái cầu xi măng cốt thép mà đổ gục xuống suối, thế đấy. Chẳng cái gì chịu được thời gian. Sáng sáng chúng tôi vẫn qua chiếc cầu này để đi làm. Vậy là vườn rau nơi toán tăng gia chúng tôi suốt ngày lê la nhổ cỏ, gánh nước tưới ngay bên tay trái tôi. Tôi quay ngoắt lại tìm những luống rau đã thấm bao mồ hôi của tôi. Và hoàn toàn thất vọng, Những nơi trước đây là những luống rau muống được tưới ướt đẫm chạy sóng hàng hay mênh mông rau cải chớm trổ hoa chỉ còn là một khu đất hoang cỏ mọc rậm rịt cằn cỗi.
Ngược theo dòng suối này lên sẽ có một chỗ ngoặt. Ở đó có những tảng đá cuội lớn bắc ngang suối dẫn tới vườn trong, nơi tôi được làm chân coi vườn khi di lí về Trần Phú để được tha, nhưng rồi lại từ Trần Phú trở lại trại để rồi sống tới đáy tuyệt vọng của một kiếp người. Và con đường mòn từ một hẻm rừng xiên chênh chếch vào con đường xe chúng tôi vừa đi qua đã có một đàn bướm vàng bay, im lặng bay mất hút trong tán lá…
Tôi giảng cho hai cô bạn gái về “lý lịch” những mảnh đất chung quanh tôi, về con suối dưới chân cầu, nơi chúng tôi vẫn tắm giặt trước khi về trại. Thật không ngờ nước cạn chưa đến mắt cá chân thế này mà chúng tôi vẫn tắm được.
Bên kia cầu là sân cơ quan. Nhà mới xây to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Chúng tôi đi qua chiếc cầu gỗ mới bắc. Hải với vẻ tháo vát của một phóng viên xông xáo năng động, bước tới một buồng làm việc cửa mở rồi quay ra vẫy tôi và Vũ Thị Huyền. Đó là phòng làm việc của ông thượng tá phó giám thị. Lời đề nghị được thăm và làm việc của Vũ Thị Hải vấp ngay phải những nguyên tắc không thể đảo ngược mà ông thượng tá đưa ra. Nhưng Hải vẫn không hề tỏ ra bối rối:
– Em biết rồi. Tức là phải được sự đồng ý trực tiếp của anh…cục trưởng C26 chứ gì. Chúng em cũng không có ý định làm việc ngay hôm nay. Chẳng qua là chúng em đi qua đây và vào liên hệ với anh trước thôi.
Hải giải thích về sự thông thạo của mình: “Em ở báo An Ninh Hải Phòng mãi mà. Anh cho em xin số điện thoại để chuyến sau em ra thì gọi điện báo trước…”
Trong khi Hải ghi số điện thoại của ông giám thị, tôi nói vui:
– Cố lên Hải ạ. Đừng để sểnh mất mẻ này nhé. Con cá này to đấy.
Ông thượng tá hiểu rằng tôi đang nói đến chuyện tình duyên của Hải. Tất cả cùng cười. Không khí đã có vẻ thân mật, chan hoà. Khi Hải ngỏ ý được đi tham quan bên ngoài trại, ông giám thị ngần ngừ một thoáng rồi thân dẫn chúng tôi đi. Thế là tôi được bước những bước trên khu tử địa của tôi.
Cái sân khu cơ quan vẫn như trước và tôi nhận ngay ra nó khi nhìn thấy dẫy nhà làm việc cũ ở phía sau sát sườn núi. Vậy là “trại giam của tôi” ở phía bên kia, trên lưng chừng ngọn núi trước mặt kia. Nhưng sao không thấy nó? Tôi rất muốn đi về phía ấy, nhưng ông giám thị dẫn chúng tôi đi ngược dòng suối mà bên kia suối là con đường vào trại chúng tôi vừa đi qua. Tôi biết những gì đã tồn tại ở phía bên ấy, chỗ nào đã từng là nhà gặp mặt, nhà hạnh phúc, chỗ nào đặt máy phát điện. Và mãi tôi mới hiểu ra nơi ngổn ngang nguyên vật liệu xây dựng, đá hộc, sắt thép chúng tôi đang đặt chân lên đây là khu làm việc của các toán quản chế: mộc, rèn, may ngày trước. Giăng, Giả Phỉ, Dũng cốc, Dũng chầy, Minh ba đen, Tuất ba tai… ngày ngày tới đúng mảnh đất này.
Một cổng trại to lớn và một nhà tù với tường đá cao vút hiện ra trước mắt chúng tôi. Chúng tôi đi theo ông giám thị vào khu vực sẽ là trại giam. Một công trình đang xây dựng dở dang. Đã hoàn thành một khu buồng giam, có hàng rào sắt vây quanh và trên mảnh sân nhỏ phía trong hàng rào sắt tôi thấy một đám tù nhân đang ngồi gục đầu phơi nắng.
Chúng tôi xin phép chụp bức ảnh kỷ niệm ở cửa tam quan và được ông đồng ý. Rồi chúng tôi mời ông chụp ảnh với chúng tôi. Hải nói với ông:
– Anh đã ở đây hai mươi năm rồi cơ à? Em chia buồn với anh phải chịu “án chung thân”.
Tất cả cười. Đó là một sự chia xẻ với ông, với việc đã hai mươi năm ông sống tại chốn rừng sâu heo hút này và không biết còn ở đến bao giờ. Nhiều “ông quản giáo” trẻ cũng đã nhận ra Vũ Thị Hải. Họ bảo Hải:
– Em nhận ra chị rồi. Trên tivi. Trong chương trình Người Đương Thời.
Điều đó tạo thêm thuận lợi cho chúng tôi. Với lại chỉ có nơi chúng tôi vừa đến — một trại giam đang trong giai đoạn xây dựng và đã có một số ít tù nhân — là quan trọng. Còn tất cả là một con suối cạn, những cánh rừng vây quanh, và con đường độc đạo, không một bóng người, cả quản giáo lẫn tù nhân, chẳng có gì phải giữ gìn, cảnh giác. Chúng tôi đi chậm hay đi nhanh, ông giám thị cũng chỉ đứng một chỗ nhìn theo. — Tôi xin được nói ngay ở đây rằng ông thượng tá phó giám thị không có một lỗi nhỏ nào trong việc để chúng tôi đi men theo bờ suối và những khu đất hoang trong trại. Hơn nữa chúng tôi có đủ giấy tờ. Không có chuyện mất cảnh giác ở ông thượng tá.
Đã tới chỗ ngoẹo suối, nơi lòng suối rộng ra, sâu hơn, cầu rửa của nhà bếp, nơi mỗi năm một lần buộc lũ trâu già chờ giết thịt đón Tết. Suối cạn, rêu xanh, chiếc cầu gỗ bắc ngang suối để chúng tôi đi về không còn nữa, thay vào đó là một con đường đá vắt ngang như một cái đập nhỏ. Đúng là trại giam chúng tôi ở lưng chừng ngọn núi trước mặt rồi. Nhưng chỉ còn một chòi gác nhô lên rất cao vượt trên tán lá rừng là cái mốc để tôi định vị. Mà rừng ở đây cũng như tất cả rừng vây quanh không còn là rừng đại ngàn nguyên sinh uy nghiêm tuổi tác rêu phong ẩm ướt chằng chịt dây leo gai góc hăm doạ nữa. Rừng trồng. Một mầu xanh dịu của những cây keo đã trưởng thành đều tăm tăm. Đã biến mất hoàn toàn những tán rừng xanh thẫm của cành lá cổ thụ vươn lên, nhoai ra chen nhau nhấp nhô trên nền trời. Mấy chục năm qua người ta đã đủ thời gian để triệt hạ cả một dải rừng Đông Bắc. Nhưng tôi vẫn nhận ra cái dốc cao sau trại, cái dốc cao nhất, cái dốc cuối cùng trên đường gánh phân từ nhà bò trở về, một bên là vực sâu, một bên là hàng rào trại giam cao vút, tiếng chân lên dốc chạy gằn từ gót dội lên mang tai, mồ hôi dính áo, Lê Bá Di đã hào phóng tặng tôi một bãi phân trâu ở lưng chừng dốc bên kia.
Cái hàng rào vĩ đại quanh trại cũng không để lại dấu vết, cái hàng rào làm bằng những thân cây trồng ken sít nhau. Cũng phải thôi.
Gần nửa thế kỷ rồi còn gì. Bao nhiêu thời gian. Bao nhiêu mưa nắng… Lớp tù ngày ấy đến bây giờ còn sống những ai. Minh Ba đen. Hỉn Sán. Cắm Xìn. Voòng Kỷ Mình, Chí Lồng Sếnh, Tằng Sình Quay, Voòng Sình Hắm… Cái nhà kho. Mảnh sân vôi trước cửa kho nung nóng không kém chảo rang, chiều tháng Sáu hầm hập, mồ hôi từ cằm từ lông mày rỏ xuống sân, khô ngay. Tôi và Voòng Kỷ Mình ngồi xổm nhặt những hột lạc rơi vãi cho vào lọ. Kỷ Mình bảo tôi:
– Đi tập trung cải tạo khó lắm a Tấn à…
Có lẽ cái đám ấy chết gần hết rồi. Trừ Giả Phỉ, Minh Ba Đen là kém tuổi, bọn tập trung chính trị ([5]) đều hơn tuổi mình, chắc chẳng còn sống bao nhiêu. Ngay cả đám trẻ nữa. Như Đỗ Lương, như Giăng. Cũng đã chết rồi. Người chết trên biển khi vượt biên. Người chết khi ngồi ô tô đi chơi Đà Lạt… Chả biết đâu mà lường. Mình còn sống đến bây giờ là lãi rồi.
Đến được đây một lần. Toại nguyện.
Hải bảo tôi:
– Anh cúi xuống như là rửa tay ở chỗ nhà bếp làm thịt trâu đi. Để em chụp ảnh.
– Anh nhìn về phía vườn – trong để em chụp.
Tôi làm theo mọi “mệnh lệnh” của Hải rồi đứng lặng nhìn trời nhìn đất, nhìn rừng, nhìn suối. Bốn mươi năm. Cảnh xưa không còn, người xưa không còn. Một nỗi buồn dâng lên trong tôi. Những gì tôi ghi xương khắc cốt và quan trọng đến thế đối với cuộc đời tôi chỉ còn trong suy nghĩ. Thời gian đã xoá đi tất cả. Không như mình vẫn đến với nó đêm đêm.
Có lẽ tôi là người duy nhất trong số cả ngàn anh em tù ngày ấy hôm nay trở lại chốn này. Ngoài tôi, có ai biết cái nơi đã từng ngấm đắng cay đau đớn vào máu thịt mình, vào từng tích tắc đời mình thay đổi thế này không. Biến mất rồi rừng của tôi, buồng giam của tôi, trại tù của tôi, những bạn tù, những ông quản giáo, những ông giám thị của tôi. Biến mất rồi nơi xẩy ra cuộc chết của tôi và cuộc chết của biết bao người. Không một dấu vết còn lại để những người sống hôm nay biết và nhớ lấy. Gió vẫn thổi. Trời vẫn mây. Rừng vẫn xanh. Nhưng trời, mây, gió, rừng đều đã đổi thay, hơn nữa rừng gió trời mây đều không ký ức. Thời gian sẽ nuốt chửng tất cả. Những tốt đẹp và những thối nát. Những chân thành và giả dối lừa mị. Những tiếng cười đắng cay. Những hy vọng và tuyệt vọng. Thời gian đã nuốt nhiều người trong số chúng tôi và sẽ nuốt tất cả vào cái dạ dầy không đáy của nó. Mà cuộc sống của chúng tôi đáng được mọi người biết đến. Nó cần được lưu giữ trong ký ức cộng đồng như bao điều cần được lưu giữ trong ký ức dân tộc!
Thật may. Tôi cũng còn vớt vát được chút ít. Rất ít. Trong Chuyện kể năm 2000. Và mấy cái truyện ngắn. Nếu không có những trang giấy mỏng manh ấy, tất cả sẽ mất tăm. Hy vọng nó sẽ là một cái bong bóng nhỏ cùng với nhiều bong bóng khác nổi lên trên mặt hồ tĩnh lặng của ký ức dân tộc về một thời mọi người đều có thể bị biến đổi gien. Đứng bên cạnh tôi, Vũ Thị Hải khe khẽ.
– Em sẽ đưa anh lên Vĩnh Quang. Nhưng phải đợi đến mùa xuân…
Tôi nắm tay Hải thay lời cảm ơn.
Vĩnh Quang, một trại nữa đang chờ tôi trở lại.
 ( còn tiếp kỳ 29- nguồn VV))

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đọc lại bài của pác hay nói đúng, nói thẳng:

Luận về nước



 hoạ sĩ Đỗ Đức



Một bạn bảo tôi: chỉ có người Việt Nam mới tự gọi quốc gia mình là Nước. Ờ, đúng chúng ta thường gọi nước Việt Nam, nước Lào, nước Đức nước Nga…Toàn là nước nọ nước kia, trong khi các châu lục khác người ta gọi quốc gia của họ là đất. Con người sinh sống trên đất bám đất để sống, đất là tài sản vô giá của quốc gia. Đất là tất cả cuộc sống, Vậy ta gọi nước là sao?.

Nhớ ngày xưa, những người theo giặc thường bị gọi là Việt gian bán nước. Bán nước, chứ chưa từng có ai bảo Việt gian bán đất bao giờ.
Thủy thổ là hai vị trí luân chuyển trong ngũ hành, trong đó đất khó dịch chuyển. Nước thì không cố định, và dịch chuyến theo chỗ trũng. Dân mình lại dùng cái không cố định dễ dịch chuyển để nói cái định vị là quốc gia. Nghe chữ đất thì cảm nhận nó không mênh mang như nước, nó hẹp và bó cứng vì đất có bờ có cõi rạch ròi. Còn nước thì không. Nhưng với vị trí địa lí, nước ta đều nằm ở cuối nguồn sông, có vẻ như đất ta là quà tặng từ nước. Nước cuốn phù sa đọng lại ở cửa sông, phải chăng đất của ta có sự cống nạp từ nước do trời ban tặng?. Hồi bé học địa lí nói về đất mũi Cà Mau, mỗi năm nhoai ra biển hàng trăm mét do phù sa bồi đắp. Phía đông – nam đường biên giới nước mình vùng cửa sông phần lớn tiếp giáp biển nở nang theo thời gian, lớn lên theo thời gian.

Người Nam ta nói ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, đấy là nói tính năng của nước. Nhưng xa hơn là nói về tính cách sống của người Việt, giống như nước, thế nào cũng thích ứng đuợc. Chẳng lẽ người Việt ta dùng tính năng của nước để chỉ quốc gia mình sống là nước, vì luôn có sự biến đổi? Thế thì bao nhiêu năm lại phải vẽ lại bản đồ vùng các cửa sông?

Thực ra gịọt nước bao giờ cũng ở thế thu tròn. Đất ta đâu có thế mà dân ta lại gọi đất là nước.
Sinh thời, giáo sư sử gia Trần Quốc Vượng nói: Dân ta là dân lúa nước. Ông cười nhấn mạnh: Dân lúa nước là chữ của tớ đấy nhá. Xin cảm ơn câu nói của ông làm tôi chợt nhớ ra rằng dân Việt chúng ta sống bám trên mặt nước cấy lúa mà ăn, bắt cá để sống. Dân ta hiểu nước và biết ơn nước. Nên hàng năm dù nắng hạn hay thuận hòa, vào ngày đầu năm đều có lễ hạ điền cầu mưa. Nên nhớ là chỉ cầu mưa thôi chứ không cầu nắng. Khoa học hiện đại chứng minh rằng ở đâu có nước thì ở đó có sự sống. Cha ông ta có lẽ chưa từng có những nghiên cứu tinh vi như thế, nhưng cũng đã nhìn nhận ra vai trò của nước quí nhường nào. Có câu tục ngữ rất hay: cơm ở ruộng, cá ở sông thì chỉ dân lúa nước mới có thể có tổng kết này. Hẳn nào mà trên trống đồng, hoa văn thuyền bè nhiều, sóng nước nhiều mà các hình cách điệu cũng đẹp hơn tất cả các nhóm hoa văn khác. Cùng với con người con cò con vạc con nông, giống chim kiếm ăn trên mặt nước quấn quýt trên mặt trống cùng các loài loài thủy sinh và muông thú. Con cóc trên mặt trống mặt thạp, con con cóc gác ở cửa chùa Bút Tháp, con nào cũng rướn lưng ghếch mặt như đang muốn cất tiếng kẹc kẹc đòi mưa: “Lạy trời mưa xuống, cho Nước tôi uống, cho ruộng tôi cày, cho đầy bát cơm”. Lúc này tôi mới đọc ra mặt trống đồng tròn là hình giọt nước. Đó là một mặt nước mênh mông, có cuộc sống sôi động trên đó. Ngắm mặt trống, ta nghe thấy tiếng lách cách thuyền bè chuyển động cùng tiếng hô chèo thuyền, tiếng bì bõm của con trâu cày, tiếng quẫy của cá, những ngư phủ đang phóng lao…Cho nên dân ta gọi quốc gia mình là nước thì đâu có sai.

Lại ngẫm, nước thể lỏng tuy yếu mà mạnh. Khi nước bị chặn, dồn tích, nước phá ra thì sức công phá kinh hoàng nhất. Chẳng thế mà có tổng kết là “thủy hỏa đạo tặc”. Giặc giã chỉ đứng hàng thứ tư, nước là mạnh nhất. Lịch sử tồn tại của nước ta nói lên tất cả: Giặc vào cướp nước dồn nén dân ta nhưng giặc dù hung hãn đến mấy, sớm muộn rồi cũng bị quét sạch. Chỉ có sức mạnh của nước mới làm được thế. Chúng ta gọi tổ quốc bằng một từ đơn giản là nước chẳng đúng lắm sao, chẳng thâm thúy lắm sao?

Một bạn lại bảo tôi; thời trước nước ta không có cầu, đi bộ gặp nước là xuống thuyền, đi trên nước cũng như trên bộ, dân ta sống hòa với thiên nhiên cũng là đặc biệt. Và đặc biệt nữa, trong chiến tranh giữ nước, từ Ngô Quyền chống quân Nam Hán đến Lê Hoàn phá Tống bình Chiêm, và Nhà Trần ba lần đại phá quân Nguyên chôn vùi kẻ địch trên sông Bạch Đằng…Đều xuất phát từ sức mạnh của nước. Mặt nước luôn là một đồng minh lớn. Lại một lần nữa cho thấy chữ nước chỉ quốc gia của ta là chính xác.

Ngày thiên đô của Đức Thái tổ vào tháng Bảy cũng là vào những ngày con nước. Từ cố đô Hoa Lư theo dòng chảy, Ngài chọn đúng mùa nước đầy! Tháng Bảy là tháng cuối cùng của mùa mưa, nước có đầy thì đoàn thuyền mới thông đồng bén giọt. Từ ngày ấy, Ngài cũng đã biết lo chuyên tắc đường.
Nước là quí, gọi Tổ quốc là nước bây giờ mới thấy dân ta thật kì tài, một từ nước thôi mà ý hàm ý đủ tôn vinh đất trời và thành kính tổ tiên. Là con dân lúa nước đúng nghĩa, tôi mạn phép viết bài suy ngẫm về nước và tổ quốc này kính dâng lên Đức Thái tổ và Đại lễ nghìn năm Thăng Long để tỏ lòng biết ơn đất trời và các tiền liệt đã cho chúng ta mặt nước, có cây lúa nước để dựng nên tổ quốc.
Tổ quốc chúng ta bắt nguồn từ nước. Hôm nay chúng ta phải biết xiết chặt tay nhau cùng bảo vệ lấy non sông đất nước.
* * *
Vĩ thanh
Nước có từ những dòng sông và những cơn mưa. Trời cho nước, rừng giữ nước. Chúng ta nói yêu nước thì chúng ta phải biết giữ lấy rừng để giữ nước. Chúng ta cư xử với nước thuận hòa thì chúng ta tồn tại. Ví như thủy điện dồn ép nước quá thì chúng ta sẽ sớm bị nước nghiệm thu. Chúng ta phá rừng là chúng ta chối bỏ nước.. Hãy hiểu điều ấy thì cuộc sống có hậu. Nếu không nước sẽ từ bỏ chúng ta.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Soi đâu trúng đấy - Chỗ nào bỏ qua thì thui!

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm tại TP.HCM

(Xây dựng) - Ngày 17/8, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 2365/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TP.HCM trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2011 đến tháng 6/2014.
Theo Thanh tra Chính phủ có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai tại TP.HCM.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng của thành phố thanh tra toàn diện các đơn vị sau vì có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý điều hành, gây thiệt hại lớn đến tài sản, ngân sách nhà nước và có dấu hiệu tham nhũng, đồng thời, qua thanh tra kiên quyết xử lý các vi phạm theo đúng pháp luật.
Mang đất nhà nước liên danh bất hợp pháp
Theo TTCP, thành phố phải tiến hành thanh tra và xử lý đối với TCty TNHH MTV Bến Thành (TCty Bến Thành) về công tác quản lý nhà, đất. Cụ thể, TCty Bến Thành đã cho tư nhân thuê, hợp tác để thực hiện nhiều dự án, trong đó có dự án trái với quy định của UBND thành phố như: Dự án cao ốc tại 104 Nguyễn Văn Cừ 2.750m2 đất mà TCty đã hợp tác 30 năm với Công ty Bất động sản Phát Đạt trái với Quyết định số 5757/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND thành phố (trong đó Điều 2 quy định, TCty Bến Thành không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, thế chấp góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất).
Ngoài ra, cần chỉ đạo thanh tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án thiếu năng lực, chậm triển khai còn khá phổ biến trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án 400ha của Công ty Bitexco; tập trung xử lý tiền thuê đất chưa nộp 1.838 tỷ đồng; tiền sử dụng đất là 1.552 tỷ đồng.
Thanh tra việc quản lý sử dụng đất công viên cho tư nhân và các tổ chức thuê, việc quản lý và sử dụng các nguồn thu từ việc cho thuê đất tại các công viên do UBND quận 6 quản lý, để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các vi phạm. Theo đó, các cơ quan được giao quản lý công viên đã ký hợp đồng cho 08 cá nhân và tổ chức thuê với tổng diện tích trên 15.000m2 đất công viên để làm nhà hàng và bãi giữ xe… Số tiền thu được từ việc cho thuê này không được nộp vào ngân sách nhà nước mà tự ý chi lương và chi hoạt động thường xuyên.
Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người liên quan đến công tác bồi thường thu hồi đất và quản lý sử dụng 90ha đất tái định cư tại khu Nam Rạch Chiếc - quận 2.
Tiếp tục chỉ đạo thanh tra diện rộng về công tác trợ giá xe bus tại Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm về trợ giá cho loại hình dịch vụ này.
Tiếp dân ít
Trong thông báo kết luận thanh tra, TTCP nêu rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.HCM và Chủ tịch các quận, huyện chưa thực hiện việc tiếp dân thường xuyên. Điển hình: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch thành phố tiếp 15/42 ngày theo quy định (đạt 35%); qua thanh tra 8 sở, ngành của thành phố cho thấy, lãnh đạo các sở này đã tiếp 415/287 ngày theo quy định, trong đó các Giám đốc sở chỉ tiếp 88 ngày (30%); kiểm tra 11 quận, huyện, lãnh đạo đã tiếp 1.238/902 ngày.
Trong đó, Chủ tịch tiếp 226 ngày (25%), điển hình một số quận huyện như: lãnh đạo UBND quận Tân Bình chỉ tiếp 48/72 ngày (67%), Chủ tịch quận chỉ tiếp 2 ngày (đạt 3%); lãnh đạo quận 7 tiếp 25/72 ngày (35%), trong đó, Chủ tịch chỉ tiếp 4 ngày (6%); lãnh đạo quận Tân Phú tiếp 30/72 ngày (42%), Chủ tịch tiếp 5 ngày (7%).
Theo TTCP, việc này là vi phạm việc tiếp công dân đối với người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại còn chậm triển khai thực hiện dẫn đến người dân bức xúc khiếu kiện kéo dài.
Qua đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với UBND TP.HCM và cá nhân các chức danh liên quan.
Mạnh Cường
Phần nhận xét hiển thị trên trang