Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Tín hiệu từ Thiên Tân


 Nhân Dụng 
-Vụ nổ ở thành phố cảng Thiên Tân (Tianjin, 天津) ngày 12 Tháng Tám 2015 xảy ra trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc đang đi qua một cuộc khủng hoảng do các mâu thuẫn nội tại căng thẳng làm rung chuyển cả hệ thống chính trị Đặng Tiểu Bình dựng lên từ hơn 30 năm nay.

Đặng Tiểu Bình chứng kiến cảnh kinh tế thất bại, xã hội hỗn độn trong thời Mao Trạch Đông, cho nên đã đặt nền tảng cho một chế độ ổn định. Thứ nhất, về kinh tế cho phép tư nhân được làm ăn để gia tăng sản xuất. Thứ hai, về chính trị quyền lực thuộc một tập thể thay đổi mỗi 10 năm, trong đó không một cá nhân nào được nắm vai trò khống chế. Thứ ba, về ngoại giao theo chủ trương thao quang dưỡng hối (韜光養晦) không khoe khoang sức mạnh quân sự.

Bất cứ mô hình nào cũng có giới hạn; nhất là khi xã hội thay đổi nhanh chóng. Khi mô hình chính trị, kinh tế không thích ứng được với những thay đổi lớn trong xã hội, sẽ không tránh được khủng hoảng. Hiện nay Trung Quốc đang bước vào giai đoạn đó; cơn khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng nếu giới lãnh đạo đảng Cộng sản không khéo giải quyết.


Nhược điểm lớn nhất trong mô hình Đặng Tiểu Bình là tính chất khép kín, trong khi sự tiến bộ của loài người (cũng như tất cả cuộc tiến hóa trong thiên nhiên) chỉ có thể đạt được trong những hệ thống mở. Đặng Tiểu Bình vẫn không thoát khỏi những di sản tinh thần của những chế độ khép kín từ thế kỷ 15, khi Nhà Minh, nhà Thanh cai trị nước Trung Hoa; di sản đó lại được Mao Trạch Đông đẩy tới cực điểm với chiêu bài mới là chủ nghĩa cộng sản. Đảng Cộng sản cai trị nước Trung Hoa không khác gì các hoàng đế trong Tử Cấm Thành. Họ còn khép kín hơn các vua quan đời trước; với khẩu hiệu vô sản chuyên chính kiểm soát từ miếng ăn, quần áo mặc cho tới lời nói, ý nghĩ trong đời sống hàng ngày của mọi người dân. Chế độ đó có thể hữu hiệu khi mọi người đều nghèo, đều đói, ai cũng chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu hạ đẳng, sơ khai nhất. Nhưng khi người ta thấy đủ ăn, đủ mặc, tương quan kinh tế và xã hội phức tạp hơn, thì một hệ thống khép kín sẽ bị rạn nứt vì sức đẩy từ bên trong do các mâu thuẫn mới tạo nên. Nếu không thay đổi để thích ứng, cơn khủng hoảng sẽ làm chế độ lung lay.

Đặng Tiểu Bình chưa thoát ra khỏi cái mô hình hệ thống khép kín, đã trùm trên cả nước Trung Hoa từ 600 năm nay. Công tác lãnh đạo tập thể diễn ra trong vòng bí mật, tiêu biểu là những cuộc nghỉ hè tập thể của các thủ lãnh tại Bắc Đới Hà (Beidaihe, 北戴河) vào tháng Tám mỗi năm. Trong thời gian gần một tháng, Bắc Đới Hà biến thành khối óc của cả nước, các cán bộ cao cấp tới đó giải trí và thảo luận “việc đảng, việc nước.” Nhưng tất cả được giấu kín, không một người dân hay một nhà báo nào được phép biết ai có mặt, ai không, ngày nào tới, ngày nào đi. Tất nhiên, dân chúng không thể biết họ gặp nhau ở đó nói những chuyện gì, họ quyết định số phận của dân chúng ra sao. Một hệ thống khép kín như vậy tất nhiên đẻ ra nạn lạm quyền, tham nhũng, và những cuộc tranh chấp quyền hành nội bộ với những đòn ngầm chí tử.

Năm nay là lần đầu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông, cuộc nghỉ hè tập thể ở Bắc Đới Hà chính thức được bãi bỏ. Tập Cận Bình còn cho báo nhà nước loan tin rằng kể từ nay những cuộc thảo luận về chính sách của đảng và nhà nước sẽ diễn ra ngay tại Bắc Kinh và sẽ được công khai hóa.

Có phải Tập Cận Bình muốn thay đổi mô hình khép kín của Đặng Tiểu Bình hay không? Khó đoán được, vì các người lãnh đạo nước Tàu xưa nay mưu mô rất thâm hiểm. Ông ta có thể đã bãi bỏ cuộc nghỉ hè tập thể năm nay vì không muốn phải gặp mặt những Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, vân vân. Nhất là không muốn cho những người đó cơ hội lên tiếng chỉ trích mình trước mặt bá quan văn võ; trong khi người Trung Hoa vẫn còn giữ đầu óc “kính lão đắc thọ!” Các lãnh tụ cũ có thể lợi dụng cuộc nghỉ hè tập thể ở Bắc Đới Hà để xuất hiện và ra tay hạ uy tín của Tập Cận Bình, phục hận cho các tay chân thủ túc như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn San, Lệnh Kế Hoạch, vân vân, đã bị Tập Cận Bình làm nhục qua các vụ án tham nhũng.

Tháng trước Tập Cận Bình đã cho các tờ báo của đảng cộng sản đăng một loạt bài chỉ trích các nhà lãnh đạo về hưu vẫn can thiệp vào chính sách của chính quyền đương thời, tiếp tục bảo vệ mạng lưới tay chân lũng đoạn cả chính quyền các địa phương. Chưa bao giờ Nhân Dân nhật báo đưa ra những ý kiến nhắm thẳng vào các cựu thủ lãnh như vậy. Hiện tượng này cho thấy địa vị của Tập Cận Bình vẫn chưa hoàn toàn vững chắc, còn phải lo đối đầu với nhiều địch thủ đáng sợ.

Cảnh đấu đá lẫn nhau luôn luôn diễn ra trong một hệ thống chính trị khép kín, nhưng chỉ trong vòng bí mật giữa các nhóm lãnh tụ với nhau. Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã hạ thủ Bạc Hy Lai, một người của phe Giang Trạch Dân. Tập Cận Bình liên kết với Hồ và Ôn trong trận đấu này, nhưng sau đó đã thanh toán các đàn em của Hồ Cẩm Đào như Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch. Trận đấu đang tới hồi quyết liệt để chuẩn bị cho đại hội đảng năm 2017. Khi đó, năm người trong Thường vụ Bộ Chính Trị sẽ nghỉ chỉ còn Tập Cận Bình và Lý Khắc Trường.

Chúng ta cũng đang chứng kiến cảnh các nhà chính trị ở Mỹ đang giành nhau làm ứng cử viên tổng thống năm 2016. Cảnh tượng náo động đó diễn ra trước mắt công chúng, phơi bầy trước báo chí cả thế giới. Ở Trung Quốc cảnh giành giật quyền hành diễn ra trong bóng tối, người dân không được phép ghé mắt nhìn. Không khác gì ở Việt Nam.

Đó là đặc điểm của hệ thống chính trị khép kín do Mao Trạch Đông dựng lên và Đặng Tiểu Bình duy trì, cho tới nay bản chất không thay đổi.

Nhưng một hệ thống khép kín như vậy không thích hợp với đời sống kinh tế hiện đại. Cho nên Trung Quốc đã trải qua một cơn khủng hoảng thị trường chứng khoán và khủng hoảng hối đoái, cả hai tới nay vẫn chưa thấy ngõ thoát. Kinh tế hiện đại dựa trên thị trường đòi hỏi một cái khung hệ thống mở. Mọi nền kinh tế bình thường đều trải qua các chu kỳ lên xuống, đó là một luật tự nhiên. Kinh tế lên đến một mức nào đó thì phải công, cũng như sau mùa Hạ, mùa Thu, sẽ tới mùa Đông. Phải có những cây cỏ chết đi để làm phân bón cho các loài thảo mộc khác sống và phát triển mạnh hơn. Trong nền kinh tế phải có các công ty phá sản, có khi cả một ngành hoạt động kinh tế được xóa bỏ vì lỗi thời. Hệ thống khép kín không cho phép quá trình tự nhiên đó được tuần tự triển khai; các bế tắc cứ tích tụ, chồng chất lên nhau. Hệ thống chính trị khép kín khiến cho các quyết định thay đổi kinh tế không thể thực hiện được nhanh chóng vì thế lực nào cũng muốn bảo vệ các quyền lợi đang được hưởng. Đó là mối họa của mô hình Đặng Tiểu Bình mà Trung Cộng đang phải đối phó.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức công bố chủ trương “thị trường hóa” nền kinh tế. Tập Cận Bình muốn thị trường đóng “vai trò quyết định” thay vì guồng máy thư lại nhà nước. Nhưng trong khi kinh tế muốn được cởi mở và tự do hơn, thì chính trị vẫn cưỡng lại, muốn duy trì quyền kiểm soát toàn diện của đảng cộng sản. Đó là mối mâu tuẫn khó giải quyết. Tập Cận Bình chỉ có thể thoát khỏi cảnh bế tắc này nếu nhận được thêm sức đẩy từ dưới lên, khi chính người dân Trung Hoa đứng lên đòi thay đổi.

Vì vậy, vụ tai nạn ở Thiên Tân có thể là một cơ hội. Các kho hàng của Công ty Tiếp liệu Quốc tế Thụy Hải (Rui Hai International Logistics, 瑞海国际物流公司, người Trung Hoa dịch Logistics là Vật Lưu) nổ và bốc cháy làm hơn 100 người chết đã làm lộ rõ tình trạng hủ lậu của cả hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị của Cộng sản Trung Quốc.

Điều gây ra bất mãn nhất là các tai nạn trong cơ xưởng đã xẩy ra bao nhiêu năm nay nhưng guồng máy cai trị của đảng Cộng sản vẫn hoàn toàn bất lực. Người dân đã nhìn thấy cả hệ thống chính trị hoàn toàn “vô cảm” trước đời sống của người dân bình thường! Bao nhiêu nhà máy hóa học được dựng lên ở ngay nơi dân cư đông đúc. Từ Tháng Tư đến giờ, đã có năm vụ nổ ở các cơ xưởng hóa học tại các thành phố, tổng cộng 12 vụ kể từ đầu năm. Năm 2014, một nhà máy làm phụ tùng xe hơi phát nổ giết chết 75 người. Tháng Sáu năm 2013, một cơ xưởng làm thịt gà ở Đức Huệ (Dehui, 德惠), tỉnh Cát Lâm bốc cháy; trong số 350 công nhân đang làm việc có 119 người chết vì các cửa ra vào bị khóa chặt! Tháng Tư vừa qua, nhà máy sản xuất chất paraxylene (PX) ở Chương Châu (Zhangzhou 漳州), tỉnh Phúc Kiến (Fujian, 福建) bị nổ lần thứ hai trong vòng 20 tháng! Chất paraxylene có thể gây độc cũng được chứa trong kho hàng nổ cháy ở Thiên Tân, cũng như nhiều hóa chất nguy hiểm khác.

Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm mắt trước các tai họa lao động và công nghiệp, dù biết rằng nguy hiểm cho công chúng. Vì họ chỉ nghĩ đến nhu cầu sản xuất, lúc nào cũng lo “vượt chỉ tiêu,” bất chấp sức khỏe và mạng sống con người. Trong năm 2014, có 68,061 công nhân Trung Quốc chết vì tai nạn tại sở làm; theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Tính ra mỗi ngày 186 người chết vì tai nạn lao động, trong dân số 1.3 tỷ người. Ở nước Mỹ, mỗi ngày chỉ có 12 công nhân chết vì tai nạn lao động, trong dân số 320 triệu.

Hơn 400 người dân ở Thiên Tân đã tự động biểu tình phản đối nhà nước; nhưng đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2009, dân Phúc Kiến đã biểu tình chống một nhà máy gây nhiễm độc chất chì trong nước dùng. Năm 2011, những cuộc biểu tình ở Đại Liên(Dalian, 大連), tỉnh Liêu Ninh đã bắt buộc nhà cầm quyền phải đóng cửa một nhà máy hóa học. Mỗi ngày trung bình có 500 cuộc biểu tình lớn nhỏ trong lục địa Trung Hoa, phần lớn với lý do chống tham nhũng.

Nhưng tham nhũng, lộng quyền, và tai nạn lao động, vân vân, chỉ là hậu quả của một chế độ khép kín, với một đảng độc tài nắm toàn quyền cai trị. Khi nào người dân Trung Quốc ý thức được các quyền công dân của họ, đứng lên đòi tự do dân chủ để tự bảo vệ quyền sống an toàn, lúc đó nước Trung Hoa mới thay đổi được. Tai họa của người dân Thiên Tân có thể gửi một tín hiệu đi khắp nơi cho những người đang sống dưới chế độ độc tài toàn trị biết họ phải làm gì nếu muốn được sống xứng đáng như những con người.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tập Cận Bình thăng 10 Thượng tướng, 4 người tham gia Chiến tranh Biên giới




(GDVN) - Triệu Tông Kỳ thường hóa trang giả dạng người Việt để do thám tình hình còn Lý Tác Thành được phong "anh hùng" sau khi tham gia chiến tranh xâm lược.
10 viên Thượng tướng mới được lên quân hàm chụp ảnh lưu niệm cùng ông Tập Cận Bình và dàn lãnh đạo Quân ủy trung ương.
South China Morning Post ngày 31/7 đưa tin, ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc hôm Thứ Sáu đã công bố quyết định thăng quân hàm Thượng tướng cho 10 sĩ quan chỉ huy cấp cao nước này ngay đêm trước ngày kỷ niệm thành lập quân đội 1/8, một ngày sau khi Tân Hoa Xã thông báo Quách Bá Hùng - cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương bị khai trừ khỏi đảng và chuyển cho cơ quan điều tra.
Các chuyên gia nói với Souht China Morning Post, Tập Cận Bình đã sử dụng cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" để cảnh báo tất cả các tướng lĩnh cấp cao còn lại phải giữ sự trong sạch và trung thành. Việc lên lon Thượng tướng là để thưởng cho các lãnh đạo quân sự trung thành với Tập Cận Bình và gửi thông điệp cho các sĩ quan chỉ huy cấp cơ sở niềm tin xây dựng một quân đội hiện đại.
Tất cả 10 viên sĩ quan được thăng lon Thượng tướng đều trẻ hơn Tập Cận Bình, người đàn ông 63 tuổi quyền lực nhất Trung Quốc. Điều này có nghĩa là họ còn có cơ hội được thăng tiến hơn nữa. Các ngôi sao đang lên trên bầy trời chính trị Bắc Kinh được thăng lon Thượng tướng lần này có Miêu Hoa - Chính ủy Hải quân 60 tuổi, Triệu Tông Kỳ - Tư lệnh quân khu Tế Nam - 60 tuổi và Tống Phổ Tuyển - Tư lệnh quân khu Bắc Kinh 60 tuổi.
"Già" nhất trong số các tướng 3 sao vừa lên lon đợt này là Trương Sĩ Ba, 63 tuổi, Giám đốc Học viện Quốc phòng.  Ngoải ra các tân Thượng tướng khác bao gồm Vương Quán Trung - Phó Tổng tham mưu trưởng, Ân Phương Long - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chinh trị, Lưu Việt Quân - Tư lệnh quân khu Lan Châu, Trịnh Vệ Bình - Chính ủy quân khu Nam Kinh, Lý Tác Thành - Tư lệnh quân khu Thành Đô, Vương Ninh - Tư lệnh Cảnh sát vũ trang.
Theo Đa Chiều ngày 31/7, đáng chú ý trong 10 viên tân Thượng tướng Trung Quốc có 4 người từng tham gia chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam từ năm 1979 đến những năm 1980 bao gồm Lưu Việt Quân, Triệu Tông Kỳ, Lý Tác Thành, Vương Ninh. Trong số này, Triệu Tông Kỳ thường hóa trang giả dạng người Việt để do thám tình hình còn Lý Tác Thành được phong "anh hùng" sau khi tham gia chiến tranh xâm lược.
Một Đại tá quân đội Trung Quốc nghỉ hưu xin giấu tên nói với South China Morning Post, chương trình thăng quân hàm và sự trừng phạt nhằm vào giới tướng lĩnh quân sự nhằm chứng minh với công chúng rằng, hình ảnh quân đội Trung Quốc không nên bị mờ nhạt bởi 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương bị bắt vì tham nhũng.
Thời Giang Trạch Dân, đã có gần 80 sĩ quan được đeo lon Thượng tướng để giành sự ủng hộ chính trị của họ trong 13 năm ông cầm quyền. Lương Quốc Lượng, một nhà phân tích quân sự từ Hồng Kông nói rằng thăng lon Thượng tướng cho 10 sĩ quan các lực lượng vũ trang là điều rất quan trọng để đảm bảo sự trung thành của họ đối với Tập Cận Bình mặc dù chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang tiếp tục.

Phần nhận xét hiển thị
trên trang

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

SỰ ĐÁNG SỢ CỦA NƯỚC MỸ



(Đây là phần lược dịch bài diễn văn của Đại tướng Lưu Á Châu, hiện đang là Chủ nhiệm chính trị lực lượng Không quân của Quân khu Bắc Kinh.)
********

Trong quá khứ, vì để giúp Trung Hoa thoát khỏi ách thống trị thực dân mà Mỹ đánh bại Nhật, họ có cống hiến lớn đối với tiến bộ văn minh của xã hội Trung Hoa.
Hai nước Trung Hoa - Mỹ không có xung đột vì lợi ích căn bản. Ngày nay, do lợi ích của Mỹ rải khắp toàn cầu nên 2 nước có xung đột. Nhưng chúng ta vẫn phải dùng tấm lòng đạo đức để bình xét sự vật chứ không thể kích động.
Tôi từng nói rằng đối với Nhật, một nước từng tàn sát mấy chục triệu đồng bào ta, mà chúng ta thường xuyên nói 2 nước "phải đời đời kiếp kiếp hữu hảo với nhau".
Thế thì chúng ta có lý do nào để căm ghét nhân dân Mỹ từng giúp ta đánh bại Nhật?

ĐÂU LÀ CHỖ THỰC SỰ ĐÁNG SỢ CỦA NƯỚC MỸ?

Tuy rằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới, khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới, nhưng tôi cho rằng những cái đó không đáng sợ.
Nghe nói máy bay tàng hình của Mỹ thường xuyên ra vào bầu trời Trung Quốc rất thoải mái, nhưng điều ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Cái đáng sợ của họ không phải là những thứ ấy.
Năm 1972, tôi học ở Đại học Vũ Hán, lên lớp giờ chính trị. Một thầy giáo khoa chính trị nói:
- "Nước Mỹ là đại diện của các nước tư bản mục nát, suy tàn, đã sắp xuống mồ, hết hơi rồi."
Tôi, một sinh viên công nông binh mặc bộ quân phục, đứng ngay lên phản bác:
- "Thưa thầy, em cảm thấy thầy nói không đúng ạ! Tuy rằng nước Mỹ không giống Trung Quốc là mặt trời nhô lên lúc 8- 9 giờ sáng, nhưng nước Mỹ cũng chẳng phải là mặt trời đang lặn gì gì đó, mà là mặt trời đứng sừng sững lúc giữa trưa ạ!"
Thầy giáo bực mình, tái mét mặt ấp úng nói:
- "Cái cậu học sinh này, sao dám nói thế hả?"
Ông ấy không hỏi tôi tại sao lại nói thế, mà dùng một chữ "dám". Lúc đó tôi thấy hết tâm trạng của ông.
Chính là cái nước tư bản mục ruỗng suy tàn ấy vào thập niên 90 thế kỷ trước đã lãnh đạo cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Tôi tốt nghiệp đại học đúng vào lúc bắt đầu cải cách mở cửa.
Tôi lại có một quan điểm:
- "Nước Mỹ là quốc gia do hàng chục triệu con người đều rất yêu nước Mỹ. Hồi ấy rất nhiều người lãnh đạo TQ vừa chửi Mỹ vừa gửi con cái mình sang Mỹ. Một sự tương phản lớn!"
Vậy thì cái đáng sợ của Mỹ là ở đâu?
Tôi cảm thấy có ba điểm:

- ĐIỂM THỨ I:

Không thể coi thường cơ chế tinh anh của nước Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ.
Bi kịch của Trung Quốc chúng ta : phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có chức vụ, có chức vụ thì không có đầu óc.
Nước Mỹ ngược hẳn lại, cơ chế hình tháp của họ đưa được những người tinh anh lên.
Nhờ thế:
1 - Họ không mắc sai lầm.
2 - Họ ít mắc sai lầm.
3 - Họ mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng sửa sai. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, mắc sai lầm rồi thì rất khó sửa sai!
Mỹ dùng một hòn đảo Đài Loan nhỏ xíu để kiềm chế Trung Quốc chẵn nửa thế kỷ.
Nước cờ này họ đi thật linh hoạt, thật thần kỳ. Một Đài Loan làm thay đổi hẳn sinh thái chính trị quốc tế.
Điều tôi lo ngại nhất là bộ khung chiến lược phát triển Trung Quốc trong thế kỷ mới sẽ vì vấn đề Đài Loan mà biến dạng. Ngày nay, đối với các dân tộc có thế mạnh thì tính quan trọng của lãnh thổ đã giảm nhiều, đã chuyển từ tìm kiếm lãnh thổ sang tìm kiếm thế mạnh của quốc gia.
Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế.

TẠO THẾ LÀ GÌ?

Ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng dân thì khẳng định đất đai sở hữu sẽ bị mất.
Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược.
Tôi nhiều lần nói là trung tâm chiến lược của Mỹ sẽ không chuyển sang châu Á đâu, song điều đó không có nghĩa là Mỹ không bao vây Trung Quốc.
Rất nhiều bạn chỉ thấy Mỹ bao vây Trung Quốc về quân sự, cũng như rất nhiều người chỉ thấy khoảng cách chênh lệch về Khoa Học Kỹ Thuật (KHKT) và trang bị vũ khí giữa 2 nước mà chưa nhìn thấy sự mất cân đối nghiêm trọng hơn sự lạc hậu về trang bị trên mặt chiến lược lớn, nhất là trên tầng nấc ngoại giao.
Sau vụ 11/9, Mỹ nhanh chóng chiếm Afghanistan trong vòng 2 tháng, từ phía Tây bao vây Trung Quốc.
Sức ép quân sự của Nhật, Đài Loan, Ấn Độ cũng chẳng bớt đi. Xem ra chúng ta giành được từ vụ 11/9 một số lợi ích trước mắt, song các lợi ích đó không quá 1- 2 năm có thể biến mất. Tôi cho rằng bao vây chiến lược đối với Trung Quốc là một kiểu khác, không phải là quân sự mà là siêu việt quân sự.
Bạn xem đấy! mấy năm gần đây các nước xung quanh Trung Quốc tới tấp thay đổi chế độ xã hội, biến thành cái gọi là quốc gia "dân chủ".
Nga, Mông Cổ thay đổi rồi, Kazakhstan thay đổi rồi.
Cộng thêm các nước trước đây như Nam Hàn, Phi Luật Tân, Nam Dương, lại cộng thêm vùng Đài Loan.
Đối với Trung Quốc, sự đe doạ này còn ghê gớm hơn đe dọa quân sự. Đe dọa quân sự có thể là hiệu ứng ngắn hạn, còn việc bị cái gọi là các quốc gia “dân chủ” bao vây là hiệu ứng dài hạn.

- ĐIỂM THỨ II:

Sự độ lượng và khoan dung của nước Mỹ.
Bạn nên sang châu Âu, sau đó sang Mỹ, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn:
Sáng sớm, các đường phố lớn ở châu Âu chẳng có người nào cả, còn tại Mỹ sáng sớm các phố lớn ngõ nhỏ đều có rất nhiều người tập thể dục, thậm chí cả ngày như thế. Tôi có một câu nói:
- "Tập thể dục là một phẩm chất, tập thể dục đại diện cho một kiểu văn hoá khí thế hừng hực đi lên".
Một quốc gia có sức sống hay không, chỉ cần xem có bao nhiêu người tập thể dục là biết.
Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần lót để mặc. Hồi ở Mỹ tôi có mua một chiếc quần cộc cờ hoa, sao, vạch. Tôi thường xuyên mặc chiếc quần ấy. Tôi mặc nó là để khinh miệt nó, là để trút giận, là một dạng trút sự bực bội và thỏa mãn về tâm lý.
Người Mỹ mặc nó là sự trêu chọc bỡn cợt, bản chất khác. Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ nước mình ngoài phố.
Đới Húc nói:
- Nếu một quốc gia có thể đốt cả quốc kỳ của mình thì anh còn có lý do nào đi đốt quốc gia ấy nữa?

- ĐIỂM THỨ III:

Sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức:
Đây là điều đáng sợ nhất. Vụ 11/9 là một tai nạn. Khi tai hoạ ập đến, thể xác ngã xuống trước tiên, nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp tai nạn thể xác chưa ngã mà linh hồn đã đầu hàng.
Trong vụ 11/9 có xảy ra 3 sự việc đều có thể để chúng ta qua đó nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ.
- Việc thứ nhất, sau khi phần trên toà nhà Thương mại thế giới bị máy bay đâm vào, lửa cháy đùng đùng, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Khi mọi người ở tầng trên qua cửa thoát hiểm chạy xuống phía dưới, tình hình không rối loạn lắm.
Người ta đi xuống, lính cứu hoả xông lên trên. Họ nhường lối đi cho nhau mà không đâm vào nhau. Khi thấy có đàn bà, trẻ con hoặc người mù tới, mọi người tự động nhường lối đi để họ đi trước. Thậm chí còn nhường đường cho cả một chú chó cảnh.
Một dân tộc tinh thần không cứng cáp tới mức nhất định thì dứt khoát không thể có hành vi như vậy. Đứng trước cái chết vẫn bình tĩnh như không, e rằng không phải là thánh nhân thì cũng gần với thánh nhân.
- Việc thứ hai, hôm sau ngày 11/9, cả thế giới biết vụ này do bọn khủng bố người A Rập gây ra. Rất nhiều cửa hàng, tiệm ăn của người A Rập bị những người Mỹ tức giận đập phá. Một số thương nhân người A Rập cũng bị tấn công.
Vào lúc đó có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, tiệm ăn của người A Rập hoặc đến các khu người A Rập ở để tuần tra nhằm ngăn chặn xảy ra bi kịch tiếp theo.
Đó là một tinh thần thế nào nhỉ? Chúng ta thì từ xưa đã có truyền thống trả thù.
Thành Đô nơi tôi ở, ngày xưa Đặng Ngải sau khi chiếm được Thành Đô, con trai của Bàng Đức giết sạch gìa, trẻ, gái, trai của gia đình Quan Vũ. Trả thù đẫm máu, lịch sử loang lỗ vết máu không bao giờ hết.
- Việc thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767 bị rơi ở Pennsylvania vốn dĩ bị không tặc dùng để đâm vào Tòa Bạch Ốc. Sau đấy hành khách trên máy bay vật lộn với bọn khủng bố nên mới làm máy bay rơi ở Tiểu bang Pennsylvania.
Vì lúc ấy họ đã biết tin toà nhà Thương mại thế giới và Ngũ Giác Đài bị máy bay đâm vào nên họ quyết định không thể không hành động, phải đấu tranh sống chết với bọn khủng bố. Cho dù trong tình hình ấy họ còn làm một chuyện thế này:
- Quyết định biểu quyết thông qua có nên chiến đấu với bọn khủng bố hay không?
Trong giờ phút quan hệ tới sự sống chết ấy, họ cũng không cưỡng chế ý chí của mình lên người khác.
Sau khi toàn thể mọi người đồng ý, họ mới đánh bọn không tặc.
Dân chủ là gì? đấy tức là dân chủ.
Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt.
Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh.
Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới./-

ĐẠI TƯỚNG LƯU Á CHÂU.

Lưu Á Châu sinh ngày 19 tháng 10 năm 1952 tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây; quê quán ở Túc huyện, nay là quận Dũng Kiều, địa cấp thị Túc Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Thượng tướng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nguyên Phó Chính ủy Không quân Trung Quốc; hiện nay là Chính ủy của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, từng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Stanford Mỹ.
Ông đồng thời là một nhà văn có tiếng, chủ nhân một số giải thưởng văn học. Các bài viết của ông ngôn từ mạnh dạn, quan điểm mới mẻ (nhất là quan điểm đối với Mỹ), lập luận sắc bén của ông được dư luận rất quan tâm.
Ông cũng là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm.

Sau vụ 11/9, Mỹ nhanh chóng chiếm Afghanistan trong vòng 2 tháng, từ phía Tây bao vây Trung Quốc. 
Hiển thị bớt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xây nhà cho mẹ người lính hy sinh trận hải chiến Hoàng Sa


Căn nhà cũ của bà Thê - mẹ trung sĩ Phạm Ngọc Đa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 - được Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa hỗ trợ xây mới.
Sáng 15/8, Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa tổ chức lễ mừng nhà mới của gia đình tử sĩ Hoàng Sa Phạm Ngọc Đa tại khóm Đông Thịnh 3, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ngôi nhà một trệt, một lầu thay thế căn nhà mái tôn, vách ván từ thời trung sĩ Đa còn sống.
hai-chien-hoang-sa-4957-1439635418.jpg
Anh Nguyễn Hoàng Sa - con trai đồng đội của ông Đa, cùng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa - tặng quà tân gia. Ảnh: NCHS
Trung sĩ Phạm Ngọc Đa bị thương ngày 19/1/1974 trong trận hải chiếnHoàng Sa chống lại quân Trung Quốc xâm lược. Ông được đưa xuống bè cứu sinh nhưng trút hơi thở cuối cùng ít phút trước khi bè gặp được tàu Hà Lan. Cùng hy sinh với ông trong trận này còn có 73 người lính khác.
Trung sĩ Đa ra đi để lại người mẹ Phan Thị Thê, hiện 87 tuổi. Hơn 40 năm qua bà lão vẫn sống trong ngôi nhà này với em trai của trung sĩ Đa.
Ra đời đầu năm 2014 từ sáng kiến của một số nhà báo, nhân sĩ, kiều bào... Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa mong muốn kết nối các nghĩa cử, chia sẻ với thân nhân những người lính đã ngã xuống trong các cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ hải đảo, biên cương.
Ngoài 400 triệu đồng góp xây nhà, Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa tặng cụ Thê sổ tiết kiệm trị giá 150 triệu đồng và chi trả hơn 110 triệu khi bà lão chữa bệnh.
Trước đó, chương trình đã tặng căn hộ chung cư ở quận 10, TP HCM, cho bà Huỳnh Thị Sinh, quả phụ của trung tá hải quân Ngụy Văn Thà -hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo (HQ - 10) hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa. Hỗ trợ 400 triệu đồng giúp cựu binh trận Gạc Ma năm 1988 Lê Hữu Thảo mua nhà ở Hà Tĩnh. Giúp mẹ liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương sửa nhà ở Quảng Binh...
Bình Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Lý giải thế nào về những kẻ tàn độc?”


  … nguyên nhân là bởi “yếu tố non kém, khập khiễng trong giáo dục, sự tha hoá của một số quan chức tham nhũng là tấm gương gần gũi và thực tế nhất mà bọn trẻ sẽ thấy mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Cùng với đó là tình trạng thiếu việc làm, kinh tế bị hụt hẩng, đói nghèo…”
Bùi Hoàng Tám

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Dân trí) – Một loạt các vụ tàn sát dã man nhiều người một lúc đã khiến cả xã hội đều phải thốt lên: Điều gì đang xảy ra trên đất nước này? Và câu trả lời có lẽ cũng là của hầu hết mọi người: Không thể nào hiểu nổi!
Cách đây mấy năm, vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, một gã sinh viên đang tâm sát hại người yêu rồi cắt ra từng mảnh đem vứt ở nhiều nơi đã khiến dư luận lúc đó bàng hoàng. Người ta không thể giải thích nổi tại sao một kẻ có học, tức là có hiểu biết lại có thể hành động tàn độc, phi nhân tính như vậy thì chỉ một thời gian sau, xuất hiện một kẻ sát nhân có lẽ còn tàn độc hơn cả Nguyễn Đức Nghĩa, đó là sát nhân Lê Văn Luyện.
Gã vị thành niên này đã đang tâm giết hại cả một gia đình. Sự tàn độc của gã “nổi tiếng” đến mức ở thời điểm này (7g ngày 17/8) chỉ cần đánh ba chữ “lê văn luyện” trên google đã thấy xuất hiện 881.000 kết quả trong vòng 0,44 giây.
Ngỡ rằng sự tàn độc của những kẻ “khát máu” như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện đã đến đỉnh điểm thì chỉ trong vòng hơn một tháng (2/7- 12/8), cả nước đã xảy ra 3 vụ án mà những kẻ sát nhân tàn độc nhiều khi còn hơn cả lũ Nghĩa, Luyện. Chúng đều đã đang tâm giết hại gần hết (trừ một cháu bé trong vụ Bình Phước) tất cả mọi người trong một gia đình.
Khởi đầu là vụ tàn sát gia đình anh Lô Văn Thọ ở bản Phồng, xã Tam Hợp, Tương Dương (Nghệ An) vào ngày 2/7 khiến 4 người tử vong trong đó có cả một em bé trai mới vừa 1 tuổi.
Dư luận chưa kịp nguôi ngoai thì 5 ngày sau (ngày 7/7) lại xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước. Những kẻ sát nhân tàn độc đã lạnh lùng giết tất cả 6 người gồm cả trẻ em trong một gia đình cùng một hình thức: đâm chết và cắt cổ.
Thế nhưng chưa dừng lại ở đó, hơn một tháng sau, ngày 12/8, lại một vụ sát hại cả gia đình 4 người ở vùng núi cao heo hút thôn 16, xã Lâm Giang, Văn Yên, Yên Bái khiến dư luận lại một lần nữa sững sờ. Lần này cũng có một em trai 2 tuổi mà theo lời khai của nghi can, là để “phòng sau này không bị trả thù”.
Điều đáng nói là nếu vụ Lê Văn Luyện động cơ là cướp của giết người, vụ án ở Bình Phước vì tình thì với hai vụ án gần đây, những vụ tàn sát lại bắt nguồn từ những lý do “lãng xẹt”. Đó là chỉ vì hái mấy quả chanh mà không xin phép hay cãi cọ nhau về cái bờ nương nước.
Như vậy không kể hai vụ án Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện trước đây, chỉ trong vòng 40 ngày (2/7-12/8), ở cả ba miền của đất nước đã xảy ra 3 vụ án mạng nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng 14 người của 3 gia đình trong đó có cả các em thơ từ 1 – 2 tuổi đến 15 tuổi.
Những hành động tàn độc này đang gây sự lo ngại trong dư luận. Tại sao lại có những kẻ tàn độc đến thế? Đã có nhiều lý giải khác nhau.
Trên Dân trí, PGS.TS Dương Tuyết Miên “đổ lỗi” cho “gia đình buông lỏng, không được giáo dục đến nơi đến chốn, dẫn đến thích chơi bời lêu lổng, thích sống bầy đàn, chạy theo các giá trị ảo, lười biếng và du nhập nhiều loại văn hoá phẩm độc hại”.
Song, bạn đọc Hoàng Tường cho rằng ý kiến của bà Miên quá xưa cũ, không thực tế mà cho rằng nguyên nhân là bởi “yếu tố non kém, khập khiễng trong giáo dục, sự tha hoá của một số quan chức tham nhũng là tấm gương gần gũi và thực tế nhất mà bọn trẻ sẽ thấy mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Cùng với đó là tình trạng thiếu việc làm, kinh tế bị hụt hẩng, đói nghèo. . .
Yếu tố gia đình rất quan trọng để hình thành một nhân cách. Vậy thì những cô chiêu, cậu ấm, con cái các quan chức từng nổi đình đám trong vô vàn phi vụ ăn chơi, quậy phá, phung phí, trác táng, vi phạp pháp luật… xuất thân từ đâu? Có cần thẩm tra tư cách bố mẹ của họ không vậy? Chừng ấy lý do và sự đổ lỗi theo cách suy diễn tối giản của bà thì điều nào nguy cơ cao hơn. Căn nguyên, bản chất sự việc ở đâu vậy?”.
Về cơ bản, mình đồng tình với ý kiến bạn Hoàng Tường và không hiểu nổi điều gì đang xảy ra trên đất nước này?
(Nguồn: Dân TRí)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những tác động nguy hiểm của El Nino tới Việt Nam



(GDVN) - Một trong những tác động nghiêm trọng nhất của El Nino là gây ra tình trạng khan hiếm nước.
Một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường đã xảy ra ở khu vực châu Á từ đầu năm tới nay như nắng nóng kỷ lục kéo dài giết chết hàng trăm người ở Ấn Độ và Pakistan; hạn hán trên diện rộng tại Campuchia, Indonesia và Việt Nam; tình trạng thiếu nước tại Thái Lan.
Năm 2015 được ghi nhận là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong vài thập kỷ qua. 
Theo CNN, các nhà nghiên cứu khí hậu tin rằng những hiện tượng trên là kết quả của đợt tăng cường mới của El Nino, một hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra bởi tình trạng nóng lên của đại dương.

Năm 2015 được ghi nhận là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong vài thập kỷ qua. Các nhà khoa học cũng dự báo rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài tới năm 2016.

Một khi tác động của El Nino tăng cường, các nước châu Á (gồm cả Việt Nam) sẽ là những quốc gia phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất. Một khi hạn hán lan rộng hơn nữa, tình trạng thiếu năng lượng, lương thực cũng sẽ gia tăng và cuối cùng có thể dẫn tới những bất ổn về an ninh chính trị.
Theo CNN, để đối phó với tình trạng này các nước châu Á cần phải hành động ngay để giảm thiểu tác động của nó - đặc biệt là các nước nghèo.

Khô hạn nguồn cung cấp nước
Sản lượng thủy điện của các nước châu Á nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của El Nino. 
Một trong những tác động nghiêm trọng nhất của El Nino là gây ra tình trạng khan hiếm nước. Thủy điện chiếm tới 30% sản lượng điện của Việt Nam và 70% sản lượng điện của Myanmar, trong khi Nepal dựa 100% vào thủy điện.

Sản lượng điện sẽ sụt giảm khi hạn hán làm giảm lượng nước. Điều đó khiến các nước phụ thuộc vào thủy điện như Thái Lan, Việt Nam và Philippines bị sụt giảm nguồn cung cấp điện, các nhà máy thủy điện phải giảm hoạt động hoặc tạm đóng cửa trong những tuần gần đây.

Nguồn cung cấp thủy điện bị sụt giảm sẽ buộc các nước này phải tăng sản lượng nhiệt điện, tăng nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch. Hệ quả của tình trạng này là làm tăng giá nhập khẩu nhiên liệu, thúc đẩy lạm phát, tăng ô nhiễm môi trường.

Hơn nữa, hạn hán còn gây ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất lương thực. Khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thời gian thu hoạch bị trì hoãn. Tình trạng này đã được quan sát thấy ở tiểu lục địa Ấn Độ và Philippines gần đây.

Vành đai lúa quan trọng của Thái Lan đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử đe dọa đẩy nông dân vào xuống hố sâu của nghèo đói và nợ nần. Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và Indonesia, Philippines có thể sẽ là các nước tiếp theo đưa ra động thái như vậy.

Ngành nuôi trồng, khai thác thủy hải sản
Khi nhiệt độ đại dương tăng, cá sẽ chuyển đến vùng nước sâu hơn sinh sống, khiến cộng đồng ngư dân có truyền thống khai thác ven bờ có thể mất kế sinh nhai. 
El Nino cũng có thể gây ra những tác động mạnh mẽ đối với đối với nghề cá. Khi nhiệt độ đại dương tăng, cá sẽ chuyển đến vùng nước sâu hơn sinh sống, khiến cộng đồng ngư dân có truyền thống khai thác ven bờ có thể mất kế sinh nhai.

Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng này là các nước ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Kiribati và Quần đảo Marshall, nơi thủy sản đem lại 55% GDP. Campuchia, Myanmar và Việt Nam dự kiến ​​cũng sẽ phải chịu những tác động không nhỏ do khai thác thủy sản chiếm 8-10% GDP và thu hút rất nhiều lao động.

Khi sản xuất lương thực bị ảnh hưởng, sự khan hiếm thực phẩm và xu hướng dự trữ lương thực sẽ tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát gia tăng. Khi đợt El Nino gần nhất diễn ra vào năm 2010, giá các loại lương thực như gạo đã tăng tới gần 45%.

Bên cạnh đó, khi lương thực và nhiên liệu khan hiếm, nhu cầu nhập khẩu cũng gia tăng. Điều này có thể khiến một số quốc gia buộc phải cắt giảm các các chương trình công cộng để cân đối ngân sách.

Trong trường hợp cực đoan nhất, nó có thể dẫn tới bất ổn xã hội và chính trị. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia đã phát hiện ra rằng nguy cơ xung đột dân sự tăng gấp đôi trong thời kỳ El Nino diễn ra.

Khắc phục
Các khu vực chịu tác động của El Nino. 
Nhận thức được những tác động tiêu cực và đáng lo ngại của hiện tượng El Nino, theo CNN một trong những bước đầu tiên mà các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng cần phải làm là quản lý tốt hơn kho lương thực của mình.

CNN gợi ý một sáng kiến mà theo họ các chính phủ cần phải xem xét là làm sống lại hệ thống dự trữ lương thực trong từng khu vực. Hệ thống dự trữ lương thực đã được đề xuất tại  Đông Nam Á sau cuộc khủng hoảng lương thực gần nhất vào cuối những năm 1990. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng trôi qua, một số quốc gia đã không còn quan tâm tới vấn đề này.

Thứ hai, các nước trong khu vực cũng nên xem xét lại các thỏa thuận về dòng chảy và giảm tích trữ, bảo vệ và quản lý tốt hơn các lưu vực sông. Cải thiện và bảo tồn nguồn nước là một biện pháp rất quan trọng để giảm thiểu tác động của El Nino.

Thứ ba, cần khuyến khích nông dân trồng các giống cây trồng chịu được hạn hán thay vì các loài cần nhiều nước.

El Nino cũng chỉ ra sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng. Các hiệp định thương mại về điện trong khu vực nên được khuyến khích như thỏa thuận mua bán điện giữa Ấn Độ và Bhutan.

El Nino rõ ràng là một hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhưng nó là sự phản ánh mối quan hệ giữa khí hậu trái đất với kinh tế. Trong lần xuất hiện năm 1997-1998, El Nino đã gây ra thiệt hại lên tới 45 tỉ USD. Trong lần trở lại này, mức thiệt hại được sự đoán sẽ còn tăng gấp 3 lần.

Các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương cần phải phối hợp với nhau để chuẩn bị đối phó và hành động chung nhằm giảm thiểu tác động của El Nino.
El Nino là một sự ấm lên bất thường của đông Thái Bình Dương, chủ yếu dọc theo đường xích đạo.
Những vùng nước ấm hơn thường giới hạn ở phía tây Thái Bình Dương bởi những cơn gió thổi từ phía đông đến phía tây.

Nhưng khi El Niño xảy ra, những cơn gió này sẽ yếu đi và thậm chí có thể thổi theo hướng ngược lại, khiến các dòng nước ấm lan đến phía đông.

El Nino xảy ra theo chu kỳ 2-7 năm một lần với các cường độ khác nhau. Các vùng biển ở đông Thái Bình Dương có thể tăng lên đến 4 độ C (7 độ F) so với bình thường.
 
Nguyễn Hường

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhân Dân nhật báo: Việt Nam ngày càng bất an về Trung Quốc




(GDVN) - Do những ân oán trong lịch sử và tranh chấp thời hiện tại, cảm giác bất an của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày một gia tăng. Trung Quốc càng đẩy...
Ông Viên Chinh, Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Mục Bình luận của phiên bản hải ngoại tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 14/8 đăng bài viết của Viên Chinh, thành viên Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc về quan hệ Việt - Mỹ và yếu tố Trung Quốc.
Ông Chinh cho rằng, việc hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ từ chỗ kỳ phùng địch thủ không đội trời chung trở thành đối tác toàn diện và ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau là minh chứng hùng hồn cho nhận định kinh điển về quan hệ quốc tế, không có bạn bè hay kẻ thù mãi mãi, chỉ có lợi ích quốc gia là mãi mãi. 
Nói cách khác, Việt Nam và Hoa Kỳ đã "nở một nụ cười xóa thù xưa". Viên Chinh bình luận:
"Về mặt địa chính trị, Việt Nam và Hoa Kỳ lợi dụng lẫn nhau để tìm kiếm những gì mình cần ở đối phương. Việt Nam nằm cạnh một Trung Quốc đang trỗi dậy, do những ân oán trong lịch sử và tranh chấp thời hiện tại, cảm giác bất an của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày một gia tăng. Trung Quốc càng đẩy mạnh theo đuổi (bành trướng) chủ quyền, tranh chấp Biển Đông (Bắc Kinh nhảy vào) với Việt Nam càng trở nên nhức nhối".
Vẫn luận điệu tuyên truyền xuyên tạc quen thuộc, viên học giả này nói:
"Chiếm cứ 29 điểm đảo, bãi đá ở Biển Đông (29 điểm Việt Nam đóng quân canh giữ trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của mình - PV), Việt Nam mưu đồ lợi dụng Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, để 2 nước lớn nhảy vào cạnh tranh nhau còn mình mưu lợi, bảo vệ lợi ích của mình.
Còn Hoa Kỳ trong lúc co lại chiến lược toàn cầu đã đặt trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương và ra sức thúc đẩy chiến lược tái cân bằng. Một mục tiêu trọng yếu của Mỹ là kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, duy trì địa vị lãnh đạo của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Biển Đông trở thành một lựa chọn của Mỹ. Người ta có thể nhìn thấy kết quả là hợp tác an ninh, quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được tăng cường. Khi thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho thấy Biển Đông là vấn đề Mỹ - Việt nên lợi dụng để ly gián Trung Quốc với ASEAN, đồng thời mở đường cho chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á", Viên Chinh xuyên tạc trắng trợn.
Trung Quốc mới là kẻ xâm lược và bành trướng ở Biển Đông, lại đang tìm mọi cách chia rẽ phân hóa nội bộ ASEAN hòng tìm cách đạt mục đích xưng hùng, xưng bá trong khu vực - PV.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi sang thăm Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Trên phương diện kinh tế Viên Chinh cho rằng: "Việt Nam cần vốn đầu tư, khoa học công nghệ và thị trường của Mỹ, ngược lại Hoa Kỳ hy vọng mở rộng xuất khẩu và đầu tư sang thị trường Việt Nam, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua Malaysia, Thái Lan trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Một khi hiệp định TPP được ký kết, không gian hợp tác kinh tế thương mại Việt - Mỹ trong tương lai càng rộng mở".
Ông Chinh bình luận: "Đương nhiên đằng sau hợp tác kinh tế thương mại là những tính toán chiến lược. Mỹ không muốn các nước Đông Nam Á quá lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, từ đó khiến cho ảnh hưởng của Trung Quốc không ngừng gia tăng. Đối với Việt Nam, gần 10 năm nay Trung Quốc là đối tác kinh tế thương mại lớn nhất.
Trong các hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung chiếm 20%. Mặc dù 'được hưởng lợi' từ quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhưng Việt Nam lo ngại quá lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ dẫn đến thế bị động trong vấn đề Biển Đông, bởi vậy Việt Nam mới mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ để có thêm nhiều vốn đầu tư, thị trường cũng như khoa học công nghệ".
Sau những bình luận có vẻ như "khách quan" về quan hệ hợp tác hữu nghị  Việt Nam - Hoa Kỳ, Viên Chinh và Nhân Dân nhật báo bắt đầu lặp lại luận điệu tuyên truyền ly gián, chia rẽ quan hệ Việt - Mỹ bằng chiêu bài, giọng điệu cũ mèm, lạc hậu hoàn toàn với những diễn biến sinh động của thực tế quan hệ Việt - Mỹ:
"Về mặt chính trị, sự khác biệt về ý thức hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất khó có thể giải quyết trong một thời gian. Hệ giá trị mà Việt Nam và Hoa Kỳ theo đuổi khác xa nhau, tranh cãi về dân chủ nhân quyền giữa hai bên sẽ còn tiếp tục"?!
Việt Nam và Hoa Kỳ cùng gác lại quá khứ, tính kế lâu dài hợp tác hữu nghị mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước, đồng thời góp phần bảo vệ hòa bình, công lý, luật pháp quốc tế trong khu vực và ở Biển Đông, những sự khác biệt về chính trị đã không còn là rào cản khi hai bên thừa nhận tôn trọng sự khác biệt trong thể chế chính trị của nhau để hợp tác được lâu dài.
Khi Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vì lợi ích nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, đã ngồi lại hội đàm với nhau ở Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng mà vẫn còn có kẻ muốn dùng chiêu bài ý thức hệ để chống phá quan hệ Việt - Mỹ thì quá lạc hậu - PV.
Viên Chinh càng sai lầm khi cho rằng: "Trên thực tế tầng lớp tinh anh trong xã hội Việt Nam vẫn nghi ngờ, không tin tưởng nước Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai cải thiện quan hệ Việt - Mỹ. Nói cách khác Việt Nam và Hoa Kỳ muốn xây dựng niềm tin chiến lược thì vẫn còn một đoạn đường dài".
Người Việt chỉ nghi ngờ, không tin tưởng những ai rắp tâm bành trướng lãnh thổ, lèo lái láng giềng, sống bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế, thích xưng hùng xưng bá với thiên hạ mà thôi - PV.


Hồng Thủy
Phần nhận xét hiển thị trên trang