Ngô Minh
Dịp ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 6 tháng 4 năm 2000 tôi quyết tâm lùng mua cho được bộ tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Trong Tết, nhà thơ- nhà vẽ bìa sách Nguyễn Trọng Tạo vô ăn Tết Huế đã khoe với tôi cái bìa sách Chuyện kể năm 2000 do anh vẽ. Tạo bảo:” Đây là cái bìa sách mình thích nhất trong tất cả bìa sách mình vẽ cho bạn bè!”. Tôi hỏi cuốn tiểu thuyết ấy có hay không?.Tạo khẳng định:” Hay lắm. Lạ lắm.Thật lắm. Thật là tiêu chuẩn đàu tiên của cái sự hay…”.
Nhưng ra Tết thì nghe nói sách bị cấm, bị thu hồi, xay bột. Tôi là người rất thích văn chương viết về cái thật. Nên tôi quyết kiếm cho được Chuyện kể năm 2000 cho biết chuyện tù “thời ta” như thế nào. Ở Đại hội, anh Bùi Ngọc Tấn cugnx đi dự, nhưng không gặp được vì anh là nhân vật trung tâm lúc đó. Giấy phút nào cũng có người ríu rít bên cạnh. Mà hỏi anh chắc không có sách đâu. Vì anhg là tác giả, lại nghèo, được biếu 10 cuốn sách, tiền đâu mà mua tặng người khác,Vậy kiếm ở đâu ?
Đã hơn hai tháng tiểu thuyết này bị cấm, bịt thu hồi rồi. Tôi nhớ ngay đến Đoàn Thị Lam Luyến. Không phải tôi nghĩ đến Luyến vì Luyến là người biên tập sách rất nhiệt tình với anh Tấn và tác phẩm của anh, như nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể trong Hậu chuyện kể năm 2000 sau này. Tôi quen Đoàn Thị Lam Luyến hồi Đại hội Nhà văn Khu vực miền Trung và Tây Nguyên ở thành phố Nha Trang trước khi Đaị hội đại biểu ở Hà Nội. Không biết tại sao Đại hội ấy lại có cả Nguyễn Trọng Tạo, Đoàn Thị Lam Luyến cũng vào, có mặt ở Nha Trang lúc ấy. Có lẽ Hội Nhà văn mời nhà thơ nữ này đi để làm gì đó. Đại hội khu vực 2 ngày, tôi thích ngao du biển trời, không thích không khí họp hành căng thẳng , nên chọn ngày không bầu cử, bảo anh Võ Ngọc Thu, “Chúa đảo Hòn Tằm”, giám đốc Công ty Tàu biển và du lịch Khánh Hòa cho các nhà văn ra đảo Hòn Tằm chơi. ( Bây giờ anh Thu đã về hưu, làm chủ tịch Hiệp hội du lịch Khánh Hòa đã hơn chục năm nay). Anh Thu đồng ý, tôi bèn rủ thêm mấy nhà văn cùng đi, trong đó có Đoàn Thị Lam Luyến đi Hòn Tằm bằng tàu của Công ty. Chuyến ra Hòn Tắm ấy, có anh Võ Ngọc Thu, anh Châu Sơn, cánh tay phải của anh Thu đi cùng. Ra Hòn Tằm bữa ấy, chúng tôi được anh Thu đãi bữa tiệc biển toàn những đặc sản quý hiếm như cầu gai nướng, ốc vú nàng, sò huyết…
Vì quen biết nên hôm Đại hội ở Hội trường Ba Đình (cũ), cuối buổi chiều tôi bắt tay Đoàn Thị Lam Luyến bảo:” Luyến kiếm cho anh bộ Chuyện kể năm 2000 được không?. Anh gửi tiền…”. Luyến nói nhỏ giọng lại:” Để em xem đã. Mai trả lời”. Sáng mai vô Đại hội, Đoàn Thị Lam Luyến vẫy tôi ra hành lang bảo:” Anh cầm tờ giấy này đến địa chỉ em ghi đây gặp chi… họ bán cho. Giá bìa thôi”. Tôi mừng quýnh. Tôi cầm mảnh giấy bằng nửa bàn tay, liếc mắt thấy Luyến ghi trong đó:” Bán cho anh cầm giấy này một bộ Dại Yêu”. Sao lại Dại Yêu?. Dại yêu là một tập thơ của Đoàn thị Lam Luyến vừa xuất bản. Chắc đây là ký hiệu để “bảo mật”! Rồi ký rất phăng ti di. Luyến không ghi chữ Chuyện kể…, chi ghi cuốn sách Dại yêu thôi. Đọc giấy tôi nghĩ ngay đến anh Vĩnh Nguyên. Nhà văn Vĩnh Nguyễn vì mới được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam nên đợt đó “Đại hội gạch tên nhau” khu vực miền Trung Tây Nguyên, anh không trúng đại biểu. Nhưng anh cứ tự đi để cho biết Đại hội Nhà văn là gì. Trưởng đoàn Thừa Thiên Huế ghé tai tôi phàn nàn. Nhưng tôi bảo:” Để tôi nói với anh Hữu Thỉnh. Tiền ăn ở Hội Nhà văn lo. Mất gì của đoàn Thừa Thiên Huế. Để anh ở cùng phòng với tôi”. Vì ở cùng phòng, tối về nếu anh thấy tôi có Chuyện kể năm 2000 mà anh không có anh sẽ trách. Nên, lúc Luyến vừa quay đi , tôi gọi giật lại:” Luyến ghi thêm cho anh mua 2 bộ, vì có nhà thơ Vĩnh Nguyên ở cùng phòng”. Thế là Luyến rút mảnh giấy khác, ghi “Bán cho người này 2 bộ Dại yêu”, rồi cẩn thận mở ngoặc đơn ghi bằng chữ hai.
Được “lá bùa” mua sách rồi, tôi đến ngồi gần anh Vĩnh Nguyên, bảo anh:” Anh mượn chiếc xe đạp của mấy đứa Hà Nội, hay thuê xe ôm đi mua Chuyện kể năm 2000 mang về đây cho anh và tôi. Ngô Minh mệt quá”. Nghe nói đến sách Chuyện kể năm 2000. mắt Vĩnh Nguyên sáng lên, hấp háy. Anh cười cười,đứng dậy:” Xong ngay. Xong ngay”. Thế là anh lách nhẹ qua hàng ghế, rời hội trường, biến đi. Tôi ngồi họp mà đầu óc cứ nghĩ về Chuyện kể năm 2000. Tôi sung sướng rằng tối nay sẽ dược đọc Chuyện kể năm 2000.Sẽ thức đến sáng…
Anh Vĩnh Nguyên đi mua sách về muộn. Gần hai giờ đồng hồ anh mới về lại chỗ họp.Anh thì thầm:” Mình mua được sách rồi. Nhưng để giữ bí mật, mình đã đưa về cất ở khách sạn rồi. Cẩn thẩn không thì họ tích thu!”. Rồi anh thì thầm kể tôi nghe chuyện thuê xe đạp ôm trên phố Hà Nội đi mua Chuyện kể năm 2000. Anh tới chỗ Đoàn Thị Lam Luyên ghi trong giấy là phố Thợ Nhuộm. Không có khó khăn gì cả. Vĩnh Nguyên đưa mảnh giấy và hai trăm ngàn đồng cho chị bán sách. Chị bán sách đọc giấy, nhìn mặt rồi kéo anh Vĩnh Nguyên vào phòng trong lấy hai bộ Chuyện kể năm 2000 ra, gói từng bộ với mấy lớp giấy báo cẩn thận, rồi cho vào cái túi bóng xách, đưa cho Vĩnh Nguyên. Anh mừng rỡ, cầm sách đi ngay. Chị bán sách gọi lại để thối tiền, nhưng không quay lại. Dọc đường, qua ngã ba Trần Phú, anh xe ôm đi thế nào đó sai đường, cảnh sát giao thông thổi còi cái toét. Vĩnh Nguyễn toàn mồ hôi. Tay cầm cái “túi sách 2000” run run, mặt cúi gằm. Như tên ăn trộm sắp bị phát hiện. Nhưng, cảnh sát thổi còi vị người xe ôm đi đường trái quy định, không phải thổi người mua sách lậu là Vĩnh Nguyên. Vĩnh Nguyễn phải rút thẻ nhà văn, năn nỉ:” Tôi là nhà văn, tôi đang đại hội ở Hội trường Ba Đình, đau bụng quá nên phải về nhà bạn uống thuốc. Vì vội, nên anh lái xe đi trái đường, mong đồng chí thông cảm”. Nghe nói đến Đaị hội nhà văn, lại dịu dàng hai tiếng “đồng chí”, nên anh công an nhìn vào tài xế xe ôm, nghiêm mặt:” Anh chở ông nhà văn tới Hội trường Ba Đình rồi quay lại đây!”.Thế là thoát. Đến nhà khách Chu Văn An, Vĩnh Nguyên đưa cho anh xe ôm 50 ngàn đồng tiền thuê xe và cho thêm 50 nàng để về nộp tiền phạt cho công an . Vì Chuyện kể năm 2000 mà con người trở nên hào phóng thế đây.Thế là tay xe ôm kiếm bẫm vì nó sẽ chẳng bao giwof trở lại chỗ công an dặn.
Kiếm được Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, tôi không còn chú ý gì đến Đại hội nhà văn VI nữa. Ở Nhà khách 8-Chu Văn An, tôi đọc suốt đêm. Về Huế, tôi lại đọc. Tôi đã đọc chuyện tù của đế quốc như Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận, sách của Lê Quang Vịnh kể chuyện bị giam ở Chuồng bò, chuồng cọp Côn Đảo, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đọc chuyện tù của người tù thời cách mạng, thời mình, nơi mình đang sống. Tiểu thuyết viết hấp dẫn, chi tiết, có ngôn ngữ riêng hẳn hoi. Sách dày gần ngàn trang mà đọc quá cuốn hút. Anh Tấn viết văn rất hay nên phải đọc từng chữ. Câu chuyện cảm động đến gai người. Tôi nhớ rất nhiều những tiếng lóng của người tù thành một hệ thống như tạt ( ăn cắp), bành (no), sột sệt (đun nấu trộm), chác (đổi); yểm ( giấu); khợp ( ăn); bồng (đem đi), nhà mét (nhà xí);quả tắc (đồ tiếp tế cho tù nhân); cá nhân tác chiến cá nhân bành ( một mình ăn cắp một mình no).v.v..Tôi thuộc tên một loạt nhân vật tù như Già Đô, Triều Phỉ, Giang, Lượng, Cân,Vòng Kỷ Minh, Sáng, A Phềnh.v.v..Tôi rất xúc động khi tác giả tả vợ mình tắm bằng những trang viết rất đẹp :”… Lần đầu tiên hắn thấy trăng vàng chảy trên người, trăng vàng chảy trên da thịt vợ hắn. Trăng chiếu lên người nàng, Trên đầu nàng là bầu trời thu không một gợnn mây. Chỉ một vừng trăng to tròn, gần như trong suốt im lặng… Hắn nhìn tấm thân trần của vợ hắn lồ lộ giữa trời như lần đầu tiên hắn được thấy…Rồi hắn bước tới bể, múc một gáo nước gội cho nàng. Nàng đứng in, ngoan ngoãn. Những búp tóc đen ướt nước sau gáy càng làm nổi nước da nàng trắng ngần…”.Đây là lần đầu tiên tôi đọc những trang nhà văn tả vợ mình khỏa thân…Câu chuyện viết khi Bùi Ngọc Tấn đã ra tù nên đan xen chuyện thực đang sống hiện tại với chuyện tù, liền mạch, đáo để. Có đoạn suy nghĩ về việc mình làm đơn kêu oan khi đã ra tù, tác giả nghĩ:…” Âu cũng là để các ông ấy tự đánh giá mình trước lương tâm. Thế thôi. Mong rằng lương tâm của các ông ấy chưa bị móm. Nó vẫn còn răng, nó vẫn còn cắn rứt…”. Một đoạn khác:” Chuyện kể năm 2000 là bản cáo tgrangj đanh thép về tệ nạn bắt người giam tù không án, bệnh quy chụp, suy diễn dẫn đến bắt bớ tù đày các trí thức, vi phạm nhân quyền. Như Bùi Ngọc Tấn viết:”Phải đóng đinh lên trang giấy những kẻ sát nhân.”Bắt chúng đứng ngàn năm trên giá nhục hình. Mỗi lời thơ sôi sục lòng anh là một sợi dây treo cổ …”( thơ BNT). Và với Chuyện kể năm 2000 và Hậu chuyện kể năm 2000, Bùi Ngọc Tấn đã làm được điều đó!
Tôi có ông anh trai tên Ngô Tấn Ninh ở làng biển Ngư Thủy.Là ngư dân nhưng anh là con mọt sách. Đi biển về là đọc sách. Nghe tôi bảo tôi cóChuyện kể năm 2000 viết về chuyện tù cộng sản, anh Ninh nằng nặc :” Chú gửi ra cho anh đọc với”. Thế là ở làng tôi họ chuyền nhau Chuyện kể năm 2000, mãi tới mấy tháng sau tôi mới thu hồi về được. Đúng như trong Hậu chuyện kể năm 2000, anh Tấn kể, chuyện anh gặp anh Bùi Văn Ngợi, giám đốc NXB Thanh Niên, người ký quyết định in Chuyện kể năm 2000. Anh Ngợi nói với Bùi Ngọc Tấn:”– Anh đừng ái ngại cho tôi. Không in cho anh tập này tôi cũng in cho người khác những tập tương tự, vì cái máu của tôi nó thế….– Thế là thắng rồi. Anh thu sách về đi. Lọt được một quyển cũng là thắng rồi.”
Đúng là NXB Thanh Niên đã thắng lớn, Bùi Ngọc Tấn đã thắng lớn trong phi vụ xuất bản Chuyện kể năm 2000. Không thắng về kinh tế, mà thắng về tinh thần. Tiếng tăm, uy tín nhà xuất bản càng được nâng cao trong vụ in sách Bùi Ngọc Tấn. Nhà nước thu hồi càng làm cho Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn không cánh mà bay xa, bay cao. Mọi người chuyền tay nhau đọc. Sách cấm mà trẻ em bán sách rong ở Hà Nội mang đi bán khắp nơi. Cứ hỏi là có. Giá gấp ba gấp bốn lần. Đọc Bùi Ngọc Tấn, tôi nghĩ không chính quyền nào tù được nhà văn. Nhà văn bi tù về thể xác thôi, con trí tuệ, nhân sinh quan của họ thì không thể tù được., không thể nhốt vào xà lim được. Bắt tù nhà văn là dại. Là tự tố cáo mình, vì ra tù họ sẽ viết…
Nhân QUÀ TẶNG XỨ MƯA in lại nhiều kỳ HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000, tôi nhớ lại chuyện tôi và anh Vĩnh Nguyên mua sách Chuyện kể năm 2000 ở Hà Nội để mọi người cùng chia sẻ. Cấm bán sách nhưng không cấm được lòng người đọc. Bỏ tù Bùi Ngọc Tấn, nhưng không bỏ tù được văn chương của anh, không bỏ tù được tư tưởng tự do dân chủ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang