Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Đã nghèo lại gặp cái eo!

Liên tiếp trong ba ngày từ 11/08/2015, Trung Quốc đã mặc nhiên phá giá đồng yuan (nhân dân tệ) của họ, cho dù Ngân hàng trung ương Trung Quốc luôn phủ nhận điều đó. Hành động của Trung Quốc đã tác động mạnh đến tiền tệ các nước khác, đặc biệt là các quốc gia bị lệ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc. Việt Nam nằm trong diện các quốc gia này.
Chỉ một hôm sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lập tức tung ra một biện pháp chống đỡ : cho mở rộng biên độ tỷ giá đồng nội tệ Việt Nam so với đồng đô la Mỹ từ 1% lên thành 2%, một biện pháp tạm thời nhằm giảm áp lực đến từ Trung Quốc.
Ngày 14/08, Chính phủ Việt Nam cũng đã họp bàn về tác hại của sự kiện Trung Quốc phá giá đồng tiền của họ và kế sách đối phó.
Trong những ngày qua, giới chuyên gia kinh tế trong nước đã không ngớt phân tích về ảnh hưởng của việc đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm giá đối với kinh tế Việt Nam, và các ý kiến nói chung đều rất bi quan, cho rằng Việt Nam sẽ phải chịu tác hại rất lớn vì đã để cho mình bị lệ thuộc Trung Quốc quá nặng về mặt kinh tế.
Nhập siêu với Trung Quốc lớn thêm, cạnh tranh thêm khốc liệt
Lo ngại đầu tiên là khoảng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc vốn đã rất lớn, nay lại có khả năng tăng thêm, với nguy cơ hàng Trung Quốc, được giá rẻ hơn nâng đỡ, sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sẽ mất sức cạnh tranh so với hàng Trung Quốc trên các thị trường quốc tế. Báo chí Việt Nam trong những ngày qua đã trích dẫn Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích một cách tượng hình như sau :
« Nếu ngày xưa Trung Quốc bán cho ta 100 đồng thì nay, giá chỉ còn 95 đồng. Ngược lại, hàng Việt Nam bán vào Trung Quốc ngày xưa là 100 thì giờ giá là 105. Khi đó, đương nhiên hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó hơn, do bất lợi về giá ».
Tình trạng tương tự cũng sẽ diễn ra trên các thị trường quốc tế. Một ví dụ cụ thể, được Tiến Sĩ Thành nêu lên là trường hợp tôm hay hàng quần áo đang xuất khẩu vào Mỹ. Nếu trước đây, hàng Việt Nam và Trung Quốc đều như nhau ở mức 100 chẳng hạn, nhưng nay, hàng Trung Quốc sẽ chỉ là 95, còn hàng Việt Nam vẫn là 100.
Điều này sẽ rất bất lợi khi hàng Việt cạnh tranh trực tiếp hàng Trung Quốc giá rẻ hơn trên thị trường quốc tế, nhất là khi hàng Trung Quốc tương đồng với hàng Việt Nam.
Bắc Kinh phá giá đồng yuan : “Cơ hội cho Việt Nam tỉnh giấc”
Ngón đòn tiền tệ của Trung Quốc tai hại đến mức nào đối với Việt Nam, và Việt Nam có thể làm gì để ứng phó ? Trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ trước hết đã vạch trần thủ đoạn của Bắc Kinh, đã khởi động một cuộc chiến tranh tiền tệ bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ, nhưng luôn lớn tiếng cho rằng họ không hề phá giá, và sở dĩ đồng tiền Trung Quốc hạ giá, đó là do cơ chế thị trường !
Về phản ứng tức thời của Việt Nam trước động thái của Trung Quốc, mở rộng biên độ tỷ giá đồng nội tệ Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng đó là một biện pháp tích cực, nhưng chưa đủ, cần phải kèm theo một chiến lược lâu dài là dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế. Một trong những biện pháp là quyết tâm gia nhập khối kinh tế Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Đối với chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, việc Trung Quốc khơi mào một cuộc chiến tiền tệ, là một cơ hội giúp Việt Nam tỉnh giấc.
Sau đây mời quý vị nghe phân tích của chuyên gia Nguyên Xuân Nghĩa về tác hại của việc đồng nhân dân tệ Trung Quốc bị phá giá đối với Việt Nam :
Phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa17/08/2015Nghe
1- Ảo thuật Trung Quốc: Thế nào là phá giá?
Bắc Kinh vẫn duy trì chế độ kiểm soát hối đoái, là dân không được giữ ngoại tệ, có xuất cảng mà thu về ngoại tệ thì phải bán cho nhà nước theo hối suất do nhà nước quy định. Thứ hai, họ neo giá đồng Nguyên (Yuan) – mà họ gọi với cái tên xảo là “Nhân dân tệ” hay Renminbi – vào đồng đô la Mỹ và ấn định hối suất trao đổi. Họ thường ấn định thấp để thu đô la về mà trả ra ít tiền hơn cho nhà sản xuất.
Đấy là một khía cạnh của hiện tượng mà giới kinh tế gọi là “bóc lột tài chánh”, répression financière, vì người dân thắt lưng buộc bụng bán hàng cho rẻ khi thu về ngoại tệ thì nạp nhà nước và được trả với giá bèo. Hậu quả của chánh sách này là hàng rẻ của Trung Quốc tràn ngập khắp nơi và thực tế là cạnh tranh bất chính, nhưng nhà nước có một khối ngoại tệ khổng lồ, lên tới gần bốn ngàn tỷ đô la.
Bây giờ ta mới đi vào chuyện chuyên môn hơn, là nhìn ra nhiều ngoắt ngoéo khiến Bắc Kinh vẫn cãi là họ đang theo quy luật thị trường chứ không phá giá !
Vì bị thế giới than phiền, từ 2005, Bắc Kinh chậm rãi nâng hối suất qua hai đợt với kết quả là từ tám đồng hai lên sáu đồng hai đã ăn một Mỹ kim. Họ còn vẽ ra một con rắn, cũng là un serpent monétaire, là “biên độ giao dịch” mua vào hay bán ra đô la trong khoảng trên dưới 1% so với hối suất chính thức. Từ Tháng Ba thì họ mở rộng biên độ giao dịch từ 1% lên 2% như Hà Nội vừa làm vào ngày 12 vừa qua (nhưng quyết định ấy của Hà Nội chưa thật sự là phá giá như nhiều người lầm tưởng).
Từ đầu năm nay, thị trường chật hẹp (xê xích 2%) đã có hướng giao dịch với tâm lý là đồng Nguyên mất giá tới mức thấp nhất so với giá chính thức. Hôm Thứ Ba 11, Bắc Kinh đưa ra cách chấm một giá thấp trong biên độ 2% của hôm trước làm giá chính thức được loan báo vào 9:15 sáng hôm sau. Giá hôm 11 đó giảm 1,9% so với giá chính thức hôm trước, tức là họ mặc nhiên phá giá 1,9%.
Hôm sau, Thứ Tư 12 thì họ lại chọn giá thấp hơn 1,6% và tiếp tục như vậy. Tức là mỗi ngày có thể hạ 2%, trong biên độ hay con rắn ngoằn ngoèo của hôm trước. Tính đến Thứ Năm 13, trong ba ngày họ phá giá gần 4% rồi cho nhích lên chút đỉnh.
Không nói về những khó khăn chồng chất dẫn đến quyết định phá giá thì Bắc Kinh vẫn kiểm soát và thực tế can thiệp vào thị trường hối đoái chứ không thả nổi cho đồng bạc lên xuống theo quy luật cung cầu. Nhưng Bắc Kinh khéo lòe ở việc buông tay cho giá rớt vì chọn giá giao dịch ngày hôm trước làm giá hôm sau và nói rằng giá ấy là của thị trường. Họ mới chỉ nới dây neo một chút như vậy thì chưa thể gọi là giải tỏa được.
Chuyện thứ hai mới lòi ra tính chất gian trá. Vài ngày qua, vào 15 phút cuối ngày giao dịch thì các ngân hàng thương mại của nhà nước được lệnh kín đáo nhảy vào bán đô la khiến đồng Nguyên lên giá chút đỉnh. Mục đich là để làm cơ sở cho Ngân hàng Nhà nước của Bắc Kinh chấm giá chính thức vào hôm sau.
Đấy cũng là nhà nước can thiệp vào thị trường chưa có tự do. Nhìn cách khác thì người dân thấy chiều hôm trước chính quyền Bắc Kinh bật tín hiệu cho thị trường hôm sau, tức là nhà nước vẫn lũng đoạn theo cái hướng đẩy lên hay dìm xuống cho thần dân theo đó mà chơi và tin vào cái lưới đỡ của nhà nước!
2- Việt Nam đỡ đòn
Nói về Việt Nam thì Hà Nội mới chỉ mở rộng biên độ mua bán chứ chưa ấn định một hối suất hay tỷ giá chính thức thấp hơn, nên chưa thể gọi là phá giá. Nhưng quyết định cũng tạo ra hoàn cảnh cho doanh nghiệp lách sâu hơn xuống dưới để phần nào thoát được hiệu ứng phá giá của Bắc Kinh.
Tuy nhiên bi kịch của Việt Nam rộng lớn hơn vậy. Kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và bị nhập siêu nặng, mua nhiều hơn bán đến 40 tỷ, cả qua ngã chính thức lẫn ngoại ngạch, tiểu ngạch – hay nôm na là buôn lậu – với sự đồng lõa của các chính quyền địa phương trong hệ thống mậu biên. Vì vậy, việc Bắc Kinh phá giá là tai họa trước mắt. Trong việc buôn bán với Tầu, họ xuất cảng rẻ hơn và Việt Nam xuất cảng đắt hơn.
Đã thế, vế bên kia còn thê thảm hơn. Việt Nam cũng mắc nợ quá nhiều và khi Mỹ kim quá rẻ trong các năm Tổng suy trầm thì nhiều người vay bằng đô la với lãi suất hạ để kiếm lời ở nhà. Nay đô la lại lên giá và lãi suất cũng sẽ tăng thì gánh nợ trở thành đắt đỏ và khó trả hơn. Đâm ra, Việt Nam bị đồng Nguyên ghìm xuống đáy và bị đồng Mỹ kim kéo lên trời nên sẽ căng mỏng và rách nát !
Về lâu dài, Hà Nội phải quan niệm lại từ chiến lược đến tổ chức để thoát Tầu và việc gia nhập TPP là một cơ hội. Nhưng người ta không lạc quan về khả năng của lãnh đạo vì họ đã giàng buộc số phận của quốc gia vào các quyết định của Bắc Kinh.
3- Làm sao bây giờ?
Việc Bắc Kinh phá giá và mở ra trận chiến ngoại tệ với các bạn hàng của mình là một cơ hội tỉnh giấc cho Việt Nam. Sau biện pháp chống đỡ mau lẹ là cũng mở rộng biên độ giao dịch, chính quyền Hà Nội nên có những biện pháp và tuyên bố rõ ràng hơn để trấn an dư luận và nghiên cứu kế hoạch “Thoát Tầu” một cách cụ thể, ít ra về mặt kinh tế.
(1) Thứ nhất là nên bít lỗ hổng trong luồng giao dịch với Trung Quốc, như loại tiểu ngạch hay ngoại ngạch mậu biên, thực chất là buôn lậu.
(2) Thứ hai là thiết lập chiến lược kinh doanh hầu Việt Nam ra khỏi tình trạng làm gia công cho Tầu để xuất cảng nguyên nhiên vật liệu của Tầu dưới dạng “hàng chế biến tại Việt Nam”, và như vậy cũng phải tìm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu khác.
(3) Thứ ba, trong chiều hướng đó, cố gắng cải cách để có điều kiện gia nhập hiệp ước TPP trong năm tới. Khi đã gia nhập thì đừng tiếp tục là “con ngựa chiến thành Troie của Trung Quốc”, là mũi nhọn kinh tế để bán hàng của Trung Quốc cho 11 thành viên còn lại là TPP dưới cái nhãn “Made in Vietnam”.
Dù sao, việc Bắc Kinh phá giá và thực tế khai chiến với các bạn hàng Á Châu cũng khiến các nước nhìn lại những hứa hẹn hợp tác và thịnh vượng của Trung Quốc về Con Đường Tơ Lụa, Ngân hàng BRICS, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á Châu AIIB, v.v….
Nhìn sâu xa hơn thì khi đồng Nguyên mất giá như vậy, các ngoại tệ khác đều bị hiệu ứng nhưng nặng hay nhẹ thì còn tùy vào mối giao dịch thương mại với thị trường Hoa lục.
Người ta có cách đo mối giao dịch đó ở chỉ số TWI (Trade Weighted Index), hay là “chỉ số thương mại gia trọng”, tức là tỷ giá thực của nội tệ so với đồng Nguyên trên cơ sở của luồng trao đổi. Theo tiêu chuẩn đó thì Nhật Bản (với 30%) chứ không phải Hoa Kỳ (20%) hay Âu Châu (10%) mới bị ảnh hưởng nhất về vụ phá giá của Bắc Kinh. Mà đồng Yen Nhật thì đã sụt quá mạnh từ năm 2013 do biện pháp kích thích kinh tế của Chính quyền Shinzo Abe. Đâm ra chuyện đối đầu Hoa-Nhật cũng thể hiện trên trận tuyến kinh tế và hối đoái, là điều rất nên theo dõi.
Việt Nam nên nhìn qua các nước khác để thấy Trung Quốc sẽ gặp phản ứng và kinh tế Trung Quốc chẳng là phép lạ hay mẫu mực đáng noi theo.
RF
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Còn dám mơ gì hơn



Chúng ta thấy báo đài nhà nước thường đưa tin những chuyện thời sự nóng hổi như đánh bom liều chết ở các nước hồi giáo, chiến sự ở các nước đang xảy ra tranh chấp, biểu tình đòi công lý ở các nước phát triển, tử hình cấp dưới vô tội vạ ở Bắc Triều Tiên..vv… trong khi những tin tức về cuộc sống sung túc ở các nước tiên tiến, về môi trường sống lý tưởng, về thành tựu giáo dục- y tế- an sinh XH…vv..thì lại ít được đề cập tới. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi, họ làm vậy là vì mục đích gì?
Để kể cho mọi người nghe câu chuyện sau:
“Có 2 đứa trẻ đang chơi với nhau rất vui vẻ. Đột nhiên, một đứa được cho rất nhiều quà bánh, quần áo đẹp, còn đứa kia đứng trơ mắt ra nhìn mà không có gì cả. Bạn có thể hình dung đứa trẻ không có quà sẽ tủi thân, buồn bã như thế nào, mặc dù tình trạng của nó vẫn y như 5 phút trước đây, lúc còn đang vui. Phần lớn nỗi khổ của con người không phải vì họ khổ, mà vì so sánh thấy người khác sướng hơn mình. Giả sử cũng vẫn đứa trẻ không có quà ấy lại đứng giữa một đám trẻ lang thang, đói khát ngoài đường phố, có thể nó sẽ thấy mình đột nhiên trở thành công chúa hay hoàng tử nhỏ cũng nên.”
……..
Đó, mục đích duy nhất của truyền thông một chiều là như vậy. Thay vì đặt bạn vào vị trí đứa trẻ không được quà cùng với thắc mắc là vì sao mình tốt, mình giỏi vậy mà không được nhận quà như đứa trẻ kia thì người ta lại đưa bạn vào tình huống thứ 2, tức là cảm thấy mình đã là công chúa hay hoàng tử giữa đám trẻ lang thang cơ nhỡ kia rồi, còn dám mơ gì hơn.
Xã hội Việt Nam hiện tại giống y câu chuyện kể trên, họ cho bạn so sánh cuộc sống của mình với người khác, có điều là bạn chỉ được so sánh với những người khổ hơn, hoành cảnh thê thảm hơn để an phận với cuộc sống thực tại mà thôi. Bởi thế nên ta thấy, giới trẻ hiện nay toàn đem thời chiến tranh ra so sánh khi nói về sự phát triển của Việt Nam rồi lấy đó làm tự hào, ít thấy ai lấy các nước cùng có xuất phát điểm như Việt Nam để mà so sánh cả (chỉ trừ một số ít được tiếp cận với thông tin đa chiều).
Nói về sự thành công của việc nhồi sọ, đố tìm ai vượt qua được!
THEO FB HOANG THE NHAN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

..Khiến người ta nhớ thảm họa Trecno bưn, điềm báo trước một sự kiện?

Trung Quốc đóng cửa 50 website loan tin 'đồn' về vụ nổ Thiên Tân

Những cột khói bốc lên tại hiện trường vụ nổ ở Thiên Tân (Trung Quốc) hôm 14/8
Theo hãng tin thông tấn quốc gia Xinhua, có 112 người được xác nhận là đã chết, 95 người chưa tìm thấy sau vụ nổ tuần qua tại thành phố Thiên Tân.
Tuy nhiên, giới truyền thông Trung Quốc lại đưa ra nhiều thông tin khác nhau về sự kiện này. Những website đưa tin sai bị buộc tội tuyên truyền "tin đồn", "gây hoang mang dư luận". Theo đó có 32 trang bị đóng cửa trong vòng 1 tháng, 18 trang nữa bị rút giấy phép, 360 tài khoản mạng xã hội bị khoá.
Theo Cyberspace Administration of China (CAC), những tin đồn mà các website vi phạm đã tuyên truyền có thể kể như "vụ nổ đã giết chết ít nhất 1.000 người", "các trung tâm mua sắm tại Thiên Tân bị cướp bóc" và "bộ máy lãnh đạo chính quyền thành phố Thiên Tân sẽ có sự thay đổi".
Thông thường, khi các tin không đúng sự thật được đăng lên, chúng "ăn sâu" vào trí nhớ người đọc. Sau đó kể cả nếu có đính chính, thông tin đính chính cũng ít khi đến được với công chúng. Vì thế, "tin đồn" thường có ý nghĩa tiêu cực. Hiện nay, mọi thông tin chính thức về vụ nổ ở Thiên Tân chỉ có duy nhất Chủ tịch Tập Cận Bình là người phát ngôn. Điều này cho thấy sự nhiễu loạn thông tin tại Trung Quốc đang ngày càng gây hoang mang và bất ổn xã hội.
Trong đêm trước đó, lửa vẫn cháy ngùn ngụt
Hiện nay, những người sống trong vòng bán kính 3 km tại vụ nổ ở Thiên Tân, đang được di tản do lo sợ vụ nổ sẽ thải ra những chất độc hại như NaCN. Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Trung Quốc tại Thiên Tân nằm cách vụ nổ 2 km. Siêu máy tính Tianhe-1 của Trung Quốc đã bị tắt đi vào ngày xảy ra vụ nổ. Vẫn chưa rõ nó đã hoạt động trở lại hay chưa. Nhưng với việc nằm trong bán kính 3 km tính từ trung tâm vụ nổ, có vẻ nó sẽ được "trùm mềm" một thời gian nữa.
Hoàng Lan
Theo The Register, Xinhua


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mỹ cảnh báo Trung Quốc về hoạt động của các điệp viên chìm


Chính quyền Obama đã lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh về sự hiện diện và hoạt động của mạng lưới điệp viên bí mật của nước này trên đất Mỹ nhằm gây áp lực, "săn tìm" các đối tượng gian lận, tham ô bỏ trốn.

 Mỹ cảnh báo Trung Quốc về hoạt động của các điệp viên chìm - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ sang thăm Mỹ tháng 9 tới.

Tờ New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, sự hiện diện của các điệp viên ngầm của Bắc Kinh trên đất Mỹ là một phần của chiến dịch có phạm vi toàn cầu nhằm hồi hương các quan chức, công chức Trung Quốc bỏ trốn ra nước ngoài để chạy tội và thu hồi những khối tài sản bất chính.
Chương trình này có mật danh là Operation Fox Hunt (Chiến dịch săn cáo của Bắc Kinh). Theo  New York Times, các gián điệp chìm của Trung Quốc hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an Trung Quốc. Họ có thể nhập cảnh vào Mỹ bằng visa du lịch hoặc thương mại.
Chiến thuật của họ bao gồm việc đe dọa các thành viên gia đình, người thân, bạn bè đang sống tại Mỹ của những quan chức, công chức bỏ trốn để chạy tội. Theo New York Times, một số người đã bị hồi hương bằng các biện pháp bất hợp pháp.  
Do đó, Bộ ngoại giao Mỹ đã gửi cảnh báo tới các quan chức Trung Quốc về các hoạt động trên. Cảnh báo của Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng chiến dịch săn cáo, phản ánh sự tức giận đang ngày càng leo thang ở Washington về chiến thuật đe dọa mà các điệp viên chìm của Trung Quốc sử dụng.Kể từ năm ngoái, "chiến dịch săn cáo" đã giúp Bắc Kinh hồi hương hơn 930 nghi phạm, theo số liệu của Bộ Công an Trung Quốc.
Những người bị săn đuổi trong khuôn khổ "chiến dịch săn cáo" của Bắc Kinh là các nghi phạm tham nhũng, gian lận về kinh tế hoặc những đối tượng bị xem là tội phạm chính trị.
Một quan chức Mỹ tiết lộ, các điệp viên chìm của Trung Quốc đang theo dõi hoạt động của Ling Wancheng, một doanh nhân giàu sụ và có nhiều mối quan hệ chính trị đã đào tẩu sang Mỹ hồi năm ngoái. Hiện Ling đang sống tại biệt thự xa hoa ở Sacramento, California (Mỹ). 
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã công bố danh sách 100 nghi phạm bị nước này truy nã gắt gao nhất trên toàn thế giới. Những người trong danh sách bị truy nã từ một cựu phó thị trưởng, quan chức các cấp, lãnh đạo doanh nghiệp cho tới các công chức công ty nhà nước.
Trung Quốc và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ và các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ không tiết lộ liệu cảnh báo của Washington có kèm theo bất cứ đe dọa trừng phạt nào hay không.
Hiện cũng chưa rõ chính quyền Obama có ý định trục xuất các gián điệp chìm của Trung Quốc khỏi Mỹ hay không. Tuy nhiên, Cục điều tra liên bang (FBI) cũng như Bộ An ninh Nội địa Mỹ vẫn đang ra sức theo dõi hoạt động của các điệp viên Trung Quốc bí mật trên đất Mỹ.
Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận cảnh báo nói trên song nhấn mạnh rằng "nhìn chung, các nhân viên thực thi pháp luật nước ngoài không được phép hoạt động trên đất Mỹ mà không thông báo trước cho tổng chưởng lý".
Ông Mark cảnh báo, "một cá nhân, không phải là nhân viên ngoại giao chính thức hoặc tùy viên lãnh sự làm việc cho một nước thứ 3 trên đất Mỹ mà không báo trước cho tổng chưởng lý là hành vi phạm tội hình sự".
Marc Raimondi, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ bình luận, Mỹ không phải là "thiên đường an toàn" cho những người đào tẩu từ bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, Mỹ sẽ chỉ giúp Trung Quốc "săn cáo" nếu Bắc Kinh cung cấp đủ chứng cứ phạm tội của họ tới cơ quan Tư pháp.
Mỹ, Canada, Úc và New Zealand được xem là "thiên đường" mà nhiều quan tham Trung Quốc tìm đến lánh nạn sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi".
Tháng 12 năm ngoái, 2 cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành hoạt động bắt giữ trái phép tại Úc mà không thông báo, không nhận được sự cho phép của giới chức địa phương. Họ đã bay tới Melbourne từ tỉnh Sơn Đông, miền Đông Bắc Trung Quốc để "săn đuổi" một quan chức tham nhũng.
Giới chức trách Úc đã gửi giấy triệu tập tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra để bày tỏ sự không hài lòng của họ, theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.
Theo Phương Đăng (danviet.vn)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có thể lắm chứ !



Ở VIỆT NAM, NGHỀ NÀO HÓT NHẤT?

Sáng nay, ngồi uống cà phê ở 124 - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tôi nghe một nhóm bạn trẻ ngồi bàn kế bên bàn tán sôi nổi. Họ bàn luận đề tài “Ở VN, nghề nào là HOT nhất?”.
Có bạn nói nghề ngoại thương là nhất; có bạn lại cho là nghề tài chính là nhất. Rồi nghề ngân hàng; nghề làm thủ tục nhà, đất; nghề công chức trong bộ máy lãnh đạo...vân vân và vân vân.
Có một tên tuổi gần 40, chờ mọi người im ý kiến mới thủng thỉnh nói:
- Theo mình, ở Việt Nam hiện nay, nghề Tuyên giáo là Hót nhất. Tuyên giáo được quyền ăn, quyền nói, quyền chỉ huy cả một bộ máy tuyên truyền hùng hậu gồm hơn một ngàn tờ báo in, báo điện tử, trang wes, đài phát thanh và truyền hình cùng mấy chục ngàn phóng viên, cộng tác viên (không kể hàng trăm ngàn dư luận viên). Tuyên giáo là người định hướng tư tưởng cho toàn xã hội. Những gì dân không tin, tuyên giáo định hướng cho dân phải tin. Khi tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân Việt Nam, tuyên giáo nói đó là “tàu lạ” của “nước lạ” là báo chí đưa tin tàu lạ, nước lạ. Trung Quốc lấn chiếm biên giới đất liền, xâm phạm chủ quyền biển đảo, tuyên huấn nói tình hữu nghị Việt - Trung luôn tốt đẹp thì tất cả đều hiểu chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng giữa hai nước. Dù CNXH là mô hình trừu tượng, không rõ hình, rõ tiếng, tuyên giáo nói “chúng ta kiên trì lý tưởng cộng sản, kiên quyết đi theo con đường XHCN” là dân tin, tranh nhau đi theo Đảng. Tuyên giáo xây dựng hình tượng Bác Hồ như một vị thánh thì Bác Hồ trở thành vị Thánh với vô số tượng đài đồ sộ, chi phí hàng trăm, hàng ngàn tỷ VND. Hàng ngàn cuốn sách về Bác với hàng triệu trang được phát hành phục vụ cho việc học tập “Tấm gương đạo đức HCM” rầm rộ khắp cả nước. Cán bộ tuyên giáo đi giảng bài được trọng vọng khắp các cơ quan TW và địa phương. Hình tượng Lê Văn Tám được xây dựng từ nhân vật không có thật đã trở thành có thật trong suốt thế kỷ 20 và cả sang thế kỷ 21. Những đồng chí lãnh đạo ngành tuyên giáo, những cán bộ làm công tác tuyên giáo thường thành đạt, nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Theo ngành Tài chính, ngành tuyên giáo chi phí một năm rất nhiều tỷ đồng (gồm Ban tuyên giáo và báo Nhân Dân). Cũng đúng thôi, lèo lái tư tưởng của hơn 90 triệu dân, khó khăn, vất vả lắm, tốn phí có là gì. Nhờ có Tuyên giáo mà dân ta tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, nguyện suốt đời đi theo Đảng, tiến lên con đường xây dựng XHCN tươi đẹp. Bây giờ tuy chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường tức là học theo CNTB, nhưng Đảng ta chỉ ra rằng đó là “kinh tế thị trường có định hướng XHCN”. Thật là tuyệt vời.
Nghe anh bạn nói mà tôi sướng rơn trong bụng. Quả là ở Việt Nam, nghề Tuyên giáo là HOT nhất. Tôi trộm nghĩ, nếu mình trẻ lại hai chục tuổi, mình cố gắng phải xin vào làm việc ở ngành Tuyên giáo. Bạn bè bảo mình có khiếu về khoa nói. Có thể lắm chứ !
----
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Toàn dân yêu thơ, sơn hà nguy biến!


Thơ ơi là thơ!

 
Ảnh TL (minh họa)
Ảnh TL (minh họa)


Mới đây, câu chuyện chị Vương Thị Ngọc Thu (ngụ ở thôn Thái Thịnh Văn, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, Bình Định) khiếu nại lên Ban giám hiệu Trường mẫu giáo thị trấn Vân Canh, tỉnh Bình Định vì con mình là cháu Phan Vương Ngọc T. (4 tuổi, đang học lớp mầm tại trường trên) đã bị cô giáo nhốt vào nhà vệ sinh cùng với hai cháu bé khác, chỉ vì các cháu không… thuộc thơ đã làm nhiều người Việt, một dân tộc mà “ra ngõ gặp nhà thơ” dấy lên nhiều suy nghĩ.
Hành động phi giáo dục của cô giáo thật đáng trách, nhưng vì sao cô lại bắt những cháu bé 4 tuổi phải đọc thơ?
Ở đây liệu có hay không tâm lý thơ được xem như những bài học, dễ nhớ, dễ thuộc và cần thiết cho chương trình giáo dục tiếp theo bởi trong các chương trình học của học sinh bậc tiểu học và trung học, khối lượng thơ trong những bài học “Tiếng Việt” và “Ngữ Văn” là khá lớn?
Ngoài ra chúng ta còn nhìn nhận một điều, dù nhân loại đã bước sang kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật từ lâu, đến kỷ nguyên của máy tính thông minh nhưng rất nhiều người Việt vẫn cứ mơ màng với thơ và ao ước trở thành nhà thơ.
 Chuyện một quan chức cỡ bự khoe mình làm “thơ thần” từng bị dư luận cười cợt một thời, hay một “đại gia” siêu giàu tại Bình Dương, lập hẳn một khu du lịch lớn, trong đó đi đến bất kỳ đâu người ta cũng nhìn thấy thơ (mà toàn những câu thơ trời ơi đất hỡi) là một câu hỏi khó giải đáp vì sao người ta lại “yêu thơ” đến vậy.
Hay là chuyện một tay láu cá, tổ chức hẳn một Câu lạc bộ Sáng tác Văn học nghệ thuật Việt Nam (?), chuyên đi lừa tiền các cụ già hưu trí để dụ họ in thơ và “kết nạp hội viên” cho họ. 
Thực ra các loại câu lạc bộ này hằng hằng lớp lớp tại nước ta, từ phường xã đến quận huyện tỉnh thành, nhà văn hóa… đều có. 
Và hằng năm, có lẽ thơ là một trong những danh mục sách được in khá nhiều tại các nhà xuất bản, tất nhiên người ta in bằng tiền túi, rồi đem tặng nhau, “tự sướng” với nhau, cũng không nguy hại gì cho ai, âu cũng là một thú chơi… tao nhã!
 Ngay cả Hội nhà văn Việt Nam, mỗi năm đến rằm tháng giêng đều tổ chức Lễ Hội Thơ hoành tráng khắp cả nước, trong đó có đủ tiết mục ngâm, biểu diễn hình thể, hát thơ, thả thơ lên… thượng giới, v.v…
Cho nên thật chẳng ngạc nhiên khi một ông nhà thơ nổi tiếng từng hùng hồn phát biểu “Nước ta là một cường quốc thơ” còn công dân mạng lại tự trào “Toàn dân yêu thơ, sơn hà nguy biến”.
Ngẫm lại những phát biểu trên đều có lý. Cường quốc thơ thì hẳn rồi vì nếu tính số lượng  câu lạc bộ thơ, nhà thơ, tập thơ, bài thơ… thì chắc khó quốc gia nào địch nổi Việt Nam ta.
Còn trong thời buổi các quốc gia trên thế giới đang cạnh tranh nhau trở thành những cường quốc hùng hậu về khoa học kỹ thuật, nếu chỉ giành “chất xám” cho thơ, e là sơn hà nguy biến thật!
Nguyễn Đình Bổn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHÙNG QUÁN BUỒN






Đỗ Hoàng
 
         Phùng Quán thì buồn cả đời. Điều ấy không cần phải nói. Nhưng tôi gặp Phùng Quán buồn một lần mà nhớ mãi.
 Đó là hôm Phùng Quán mang bị cói từ trong Nam trở lại Hà Nội quảng đâu đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước.
  Nghe tin anh trở lại Hà nội, tôi vui ra mặt. Vừa có chỗ chơi, vừa có rượu uống, vừa hóng hớt nhiều chuyện mà sách báo không có in.
 Bước vào nhà anh (chính xác là cái chái của một phòng học Chu Văn An, vợ chồng anh đâ ở trên dưới ba bốn chục năm). Anh ngồi ủ rủ một tay vê thuốc, một tay cầm cái cần điếu bát đưa lên miệng hút thử hơi. Thái độ trầm cảm giông giống như anh Hải Bằng bỏ Sài Gòn ra Huế năm trước vì hai anh em ruột khích bác nhau.
Tôi bổ bả:
- Không phải vào Sài Gòn sống luôn?
- Sống cái đéo gì?  – Phùng Quán người Huế mà văng tục cũng rất giống dân Bắc – Rồi anh chỉ tay lên Chòi ngắm sóng ngồi. Chòi ngắm sóng là cái chòi anh làm thêm dựa vào tường của nhà trường. Chòi cao mét rưỡi, rộng độ 2m2, cửa mở nhìn ra Hồ Tây, đủ cho năm sau anh em ngồi.
  Phùng Quán mở hủ rượu ra, bảo tôi muốn uống bao nhiêu cũng được.
  - Em sống Nam Bộ từ thập kỷ 80 em biết trong ấy đỡ hơn ngoài mình cả đời sống lẩn tư tưởng. Dân Nam Bộ nghĩa hiệp, phóng khoáng hơn ngoài mình nhiều!
   - Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly – Phùng Quán vẫn ẩm ờ chưa nói rõ nguyên nhân vì sao bỏ Sài Gòn ra Bắc.
  - Cả đời anh thua rồi, thua keo này nữa có ăn nhằm gì – Tôi chế anh.
 - Ta thua ta không hề gì, ta thua địch mới cay -  Phùng Quán thấy tôi uống rượu khoái quá anh ta nghiêng hủ rót cho mình đầy chén.
 Khi rượu đã ngà ngà say anh mới kể thật chuyện anh bỏ Sài Gòn.
   Chuyện thế này.
 Trí thức văn nghệ sỹ miền Nam tạm chiến rất ngưỡng mộ Phùng Quán. Ở Huế có một nữ sỹ coi anh là là Soái đã tặng cho anh nửa năm “trăng mật” tại biệt thự của cô ta! Anh vừa hút thuốc lào vừa giã gạo đến hơn nửa năm trời.
   Tôi đã nhiều lần theo hầu anh chở tiểu thư bằng xe đạp lên lên về về Tràng Tiền.
    Vào Sài Gòn anh gặp Trịnh Công Sơn và nhiều trí thức miền Nam tạm chiếm khác. Đọc thơ hát hò thế nào đó mà anh em nói phía Bắc không có bài thơ nhạc nào viết hay về đồng đội như bài hát của Trịnh Công Sơn. Phùng Quán nổi đóa nhưng đành phải chấp nhận thua. Và khóc với lời hờn mát. Lời hờn mát này Phùng Quán kể lại với tôi hôm đó.
 Anh rơm rớm nước mắt nói: “ Tao nói ngay với họ, chúng tôi có lỗi với đồng đội của chúng tôi, chúng tôi chưa viết hay về đồng đội của chúng tôi như các anh viết hay về đồng đội của các anh.”
 Anh im lặng, lát sau ngước lên tiếp:
- Mần răng mà ở với người ta!
Thật ra thì không nên hờn mát và giận dỗi làm gì. Mình thắng người ta về súng đạn chứ không thắng về văn hóa thơ ca âm nhạc. Họ có một khoảng trời cho thơ ca nhạc họa phát triển. Riêng âm nhạc của họ thì ắt đứt của ta. Bốn mươi năm qua, ngay các nhạc sỹ được giải thưởng Hồ Chí Minh có ai có nhạc được truyền thông  đại chúng và dân chúng ngày nào cũng hát như nhạc Trịnh Công Sơn?
    Trịnh viết cho cõi người, cõi muôn đời! Và họ được muôn người ngưỡng vọng cà bên thắng và bên thua!
“Anh nằm xuống chưa một lần
Khoảng trời nào anh đã bay qua …”
Cuộc tình rôi quên…
Chuyện tinh rồi xa…”

Mình viết tốc hủ:
“ Giặc bắn em rồi 
Quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi!
Đau xót lòng anh chết nửa con người!"
         Bên ta viết cho bộ tộc, lại kém thi pháp nên mình thua là phải anh ạ! – Tôi nói với anh Phùng Quán buổi đó như vậy. Dân Viết văn Nguyên Du ngang tàng là thế.
    Phùng Quán im lặng, anh càng buồn thêm!

Hà Nội ngày 5-4-2015

Phần nhận xét hiển thị trên trang