Kỳ 26
Bùi Ngọc Tấn
Tôi càng trở thành một tên phản động chính hiệu khi được giải thưởng của Hội Quan Sát Nhân Quyền Hellman – Hammett. Có biết bao tin đồn về giải thưởng ở nước ngoài người ta dành cho tôi. Nhưng chỉ có hai giải thưởng là đúng sự thật.
Mùa Xuân năm 2001, tôi nhận được một cú điện thoại từ Mỹ báo tin tôi được tặng giải thưởng cho tập tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000. Người bạn từ Mỹ nhấn mạnh đây là một giải thưởng thuần tuý văn chương. Tôi hỏi tổ chức nào trao giải. Người bạn tôi không biết mặt, cười: Điều ấy không quan trọng anh ơi. Đây là một giải văn chương sẽ được trao tháng sau tại Úc. Phần thưởng là một tháp pha lê ba mặt, khắc ba chữ Chân, Thiện, Mỹ, kèm theo ba nghìn đô la tiền mặt. Khi tôi nói tôi không thể nhận giải thưởng nếu không biết ai tặng giải, người đối thoại mới nói tổ chức đứng ra tặng giải là Việt Nam Phục quốc. Cẩn thận, tôi ghi cả số fax, số phôn bên Mỹ và hứa sẽ trả lời trong một ngày gần nhất. Tất nhiên một giải thưởng Chân Thiện Mỹcho bộ tiểu thuyết của tôi là đáng trân trọng. Ba ngàn đô là rất to đối với tôi, người có lương hưu mười sáu đô la một tháng. Nhưng lại là của tổ chức có tên gọi Việt Nam Phục quốc. Tôi không biết tôn chỉ mục đích của tổ chức này nhưng chỉ nghe tên cũng đã thấy quá hận thù. Có mùi đao kiếm, mùi súng đạn. Chẳng lẽ đất nước này vẫn còn phải nghe súng nổ, nhìn máu chảy? Không. Không thể nào như thế. Đó là đại bất hạnh cho toàn dân tộc. Hãy thử tưởng tượng nếu Bùi Ngọc Tấn nhận giải thưởng Chân Thiện Mỹ của Việt Nam Phục quốc. Tôi có còn là tôi nữa không.
Tôi viết mấy dòng fax sang Mỹ, lời lẽ lịch sự và chung chung: Vì những lý do tế nhị, tôi tuyên bố không nhận giải thưởng Chân Thiện Mỹ. Để người bạn bên kia có văn bản chính thức. Để các vị bên này đừng có mà xuyên tạc. Đem lên bưu điện Hồng Bàng. Cô bưu điện đã định fax, nhưng sau khi đọc, cô từ chối, trả lại tôi tờ giấy:
– Bác mang lên bưu điện chính đi.
Mới chỉ đọc dòng fax thôi, cô bưu điện đã cảm thấy chuyện không bình thường và không nên dây vào. Sống ở Việt Nam, ai cũng trở nên nhậy cảm với chính trị. Bưu điện thành phố cũng từ chối thì làm sao nhỉ. May. Cháu gái nhân viên chỗ bàn fax bưu điện chính đưa tờ giấy viết tay của tôi vào máy. Chỉ lát sau, máy báo văn bản đã được chuyển đi, bên kia đã nhận được. Tôi phải trả hơn tám mươi nghìn, đúng một nửa tháng lương hưu. Có lẽ chưa đến hai phút, những dòng chữ tôi viết đã tới Mỹ. Mới lắm các đồng chí ạ! Tôi kêu thầm trong lòng câu nói các thủ trưởng hay vung tay chém gió hét lên khai hoá cho chúng tôi ngồi trong hội trường lắng nghe im phăng phắc.
Thế rồi sau đó ít lâu, một cú điện thoại từ Paris báo tin tôi được tặng giải thưởng Nhân Quyền Hellman – Hammett. Người gọi điện chừng như hiểu hết sự tình của giải thưởng Chân Thiện Mỹ, nói như reo vui:
– Giải thưởng do hai đảng viên đảng Cộng sản Mỹ góp tài sản sáng lập. Anh yên tâm nhé. Giải thưởng kèm theo bẩy ngàn đô la Mỹ. Chúc mừng anh. Nhưng trước hết anh cho ý kiến về giải thưởng đã. Nhận hay không nhận.
Ngay lập tức tôi tuyên bố nhận giải thưởng.
Không biết bao nhiêu cuộc điện chúc mừng tôi.
Từ Hà Nội về. Từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Và từ nước ngoài. Trong dịp này tôi được tiếp chuyện nữ bác sĩ Lâm Thu Vân, một người đã hoạt động không mệt mỏi cho dân chủ. Đúng là chị đang ở Canada, đất nước vùng cực Bắc, chỉ nghe cũng thấy giọng chị hun hút xa lắm.
– Không ai tiến cử anh cả. Tập sách của anh được trích đoạn đưa lên tập san của Hội Văn Bút Quốc Tế và Internet bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Người ta đọc và người ta đưa anh vào danh sách. Chúc mừng anh. Anh khoẻ không? Tôi đã định scan về cho anh tấm bằng hội viên danh dự Hội Văn Bút Quốc Tế của anh nhưng sợ phiền cho anh. Với lại cũng là phù phiếm cả thôi. Cái chính là công việc mình làm anh nhỉ…
Rồi chị xuýt xoa như nói một mình:
– Hôm nay được nói chuyện với anh, nghe giọng nói của anh. Cảm động quá…
Tôi cũng cảm động không kém chị. Được nói chuyện với chị, nghe tiếng nói của chị, một việc chị chưa bao giờ làm vì không muốn tôi bị phiền hà.
Không biết đại tá Phạm Quế Dương, người cùng được giải thưởng Nhân Quyền với tôi gặp những khó khăn gì trong việc nhận giải, còn với tôi là cả một cuộc tổng tấn công.
Một chiều mưa ngập lụt đường phố, Đình Kính gọi điện cho tôi nói chiều tối nay Hữu Thỉnh sẽ có mặt ở Hải Phòng để gặp tôi về chuyện giải thưởng Nhân Quyền, xe đang trên đường 5. Kính khuyên tôi nên suy nghĩ kỹ trước khi nhận giải. Tôi hét lên trong máy:
– Nhưng mình tuyên bố nhận giải thưởng cách đây mấy tháng rồi.
Biết Kính đang trên xe với Thỉnh và đã được Thỉnh giao nhiệm vụ, ([1]) tôi nói tiếp với Kính:
– Kính đừng dính vào chuyện này. Cứ kệ mình.
Tôi vừa bất ngờ, vừa tức giận. Tôi không ghét gì Thỉnh. Những lần tiếp xúc trước đây, Thỉnh luôn tỏ ra biết điều, luôn tỏ ra biết mình đang đối thoại với ai. Là người ăn lương, hơn thế, một cán bộ đầu ngành, Thỉnh phải thực hiện những mệnh lệnh cho dù lố bịch đến đâu.
Trời mưa tầm tã cả ngày. Hữu Thỉnh, Đình Kính đến tôi vào lúc xâm xẩm tối. Thỉnh kéo tôi lên ô tô đi ngay. Đến một quán cà phê nào đó, anh em mình vừa ăn vừa chuyện. Bẩy giờ tối nay em đã hẹn gặp Tô Huy Rứa bí thư thành uỷ. Mỗi người một cái bánh mì, chúng tôi ngồi nhai trong một quán cà phê giải khát hẹp phố Trần Bình Trọng mà bên kia đường là trụ sở PA25. Thỉnh quay hẳn người lại nhìn thẳng vào tôi:
– Anh quyết tâm nhận giải thưởng Nhân Quyền à?
Tôi cười:
– Mình nhận rất thoải mái. Có gì đâu mà phải quyết tâm với không quyết tâm.
Rồi tôi nói quan niệm của tôi về tự do dân chủ, một mục tiêu phấn đấu của đảng, và chốt lại bằng một lý lẽ đầy thuyết phục:
– Hơn nữa, quỹ giải thưởng do hai đảng viên Đảng Cộng Sản Mỹ góp tài sản sáng lập.
Thỉnh nhăn mặt:
– Đảng viên Đảng Cộng Sản Mỹ cũng phức tạp lắm anh ơi.
Tôi bật cười vì sự gièm pha của Thỉnh:
– Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng phức tạp nữa là Đảng Cộng Sản Mỹ. Có đảng nào không phức tạp.
– Anh đã nhận được tiền chưa?
– Chưa.
Cặp mắt Thỉnh sáng lên:
– Thật không?
– Thật. Mình nói dối Thỉnh làm gì.
Niềm vui lộ rõ trên mặt ông bí thư đảng đoàn, phó tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam:
– Theo một nguồn tin chính thức, có trách nhiệm, tiền thưởng là của CIA, trong quỹ “Tìm kiếm người mất tích.”
Thỉnh nói đầy vẻ nghiêm trọng. Tôi cười:
– Người ta nói với tôi rằng quỹ thưởng là của hai đảng viên cộng sản Mỹ góp tài sản.
– Anh tin họ à?
– Tôi tin họ chứ. Họ phải nói chính xác. Bởi nếu họ nói dối, tôi từ chối nhận giải thì sẽ rất gay cho họ. Tôi có quyền từ chối giải bất kỳ lúc nào!
– Giải thưởng bao nhiêu tiền anh nhỉ?
– Bẩy ngàn đô la.
Thỉnh lẩm nhẩm: Hơn trăm triệu. Sẽ phải có cách bù cho anh. Hội đầu tư sáng tác hai suất là mười triệu. Giải quyết một chuyến anh đi Trung Quốc trị giá mười lăm triệu. Còn đâu hội, thành phố sẽ giúp anh khoảng dăm chục triệu. Thế là mình cũng có bẩy nhăm triệu. Cũng gần bằng của chúng nó rồi.
Tôi quá ngán cách tính toán đặt vấn đề của Thỉnh. Tiền kèm theo giải thưởng bẩy ngàn đô là hoàn toàn vô tư, không kèm theo một điều kiện nào. Một lời cám ơn cũng không, nếu anh không muốn nói. Đó là sự ghi công anh đối với Nhân Quyền, Dân Chủ. Còn món tiền Thỉnh tính toán đây là phải có điều kiện: Bán rẻ danh dự. Mà tôi có gì ngoài danh dự?
Thỉnh tiếp tục thuyết phục tôi:
– Anh in tập sách bao nhiêu người đồng cảm với anh, quý mến anh. Nếu anh nhận giải thưởng, em sợ là tình cảm ấy của mọi người sẽ mất đi, không còn nữa…
Tôi thừa biết sự việc sẽ ngược lại những điều Thỉnh nói. Chuyện kể năm 2000 ra đời, người ta yêu quý tác giả không chỉ vì hắn đã viết ra một quyển sách đọc được mà còn vì chính những điều hắn đã phải chịu đựng trong cuộc đời và thái độ của hắn đối với bạo lực, đối với cuộc sống. Đó là tài sản cực kỳ quý giá mà hắn đã có được. Hắn có gì đâu ngoài lòng yêu quý ấy của bạn đọc, của những người tâm huyết? Hắn tự biết hắn rất nghèo nhưng cũng rất giầu. Hơn nhiều người làm nghệ thuật khác cũng như hơn rất, rất nhiều chức sắc quyền cao chức trọng với không biết bao người vây quanh, không biết bao của nổi của chìm.
– Không phải thế đâu Thỉnh ơi.
Tôi chỉ mỉm cười bảo Thỉnh vì không thể tranh luận về những điều trừu tượng, tế nhị như vậy. Khuyên bảo tôi một lúc, Hữu Thỉnh đi gặp bí thư thành uỷ Tô Huy Rứa. Ông Rứa nghe nói cũng đang bị bao vây cô lập. Người ta nói rằng khi mới được ông Lê Khả Phiêu cử về Hải Phòng ít ngày, trong cái Tết đầu tiên ở Hải Phòng ông đã được mừng tuổi một tỷ tư — 1.400 triệu đồng — và ông đã đem nộp cho tài chính tất cả số tiền Chúc mừng năm mới đó. Vì vậy các đồng chí của ông chống lại ông, căm thù ông, cười mỉa ông, coi ông là thằng ngốc, cản trở việc làm ăn của họ. Ông phải ngủ trong doanh trại quân đội. Ông bị mất cắp. Không mất tiền bạc, đài đóm, đồng hồ nhẫn vàng, đô la mà mất cắp sổ tay, ghi những điều chỉ mình ông biết.
Trước khi đi gặp Rứa, Thỉnh dặn tôi:
– Anh nghe em. Việc này là trên yêu cầu nhưng cũng chính là quyền lợi của anh nữa. Sáng mai em đến đón anh đi ăn sáng rồi anh em mình trao đổi thêm.
Suốt buổi tôi và Thỉnh nói chuyện, Kính chỉ ngồi yên lặng. Sớm hôm sau, Thỉnh cùng Đình Kính lại nhà tôi. Thấy vợ tôi đang thắp hương trên gác lửng, Thỉnh rút ra một trăm nghìn:
– Chị cầm mua hoa quả thắp hương các cụ hộ em.
Không thể từ chối một khoản tiền như thế. Xe ô tô đưa chúng tôi đến Phở Cánh. Một hiệu phở ngon trên đường Trần Phú, nhìn ra vườn hoa Nhà Kèn. Tôi nói thêm với Thỉnh là tôi không thể từ chối giải được còn vì một lý do nữa: Tôi đã tuyên bố nhận giải cách đây đến mấy tháng. Mà điện thoại nhà tôi chắc chắn được theo dõi chặt chẽ. Trên chắc chắn biết. Nhưng không hề có ý kiến gì. Đến bây giờ mới đặt lại vấn đề thì đã muộn. Tôi là một trí thức. Tôi không thể tự phủ nhận mình. Có lẽ Hữu Thỉnh hiểu được rằng khó có thể làm tôi thay đổi quyết định, anh chuyển sang chuyện khác, chuyện nhà tôi luôn bị bao vây theo dõi:
– Chỉ cần anh không nhận giải thưởng, em đảm bảo với anh nhà anh sẽ không còn bất cứ sự theo dõi nào, kể cả điện thoại.
Tôi cười thầm. Hình như Thỉnh nói cho vui, cho xong chuyện thôi. Làm sao Thỉnh có thể bảo đảm được chuyện ấy? Họ còn theo dõi nhau nữa đấy, ngay cả trong nội bộ các đồng chí trung ương, bộ chính trị cùng sát cánh bên nhau vì lý tưởng, vì chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sau khi Thỉnh về Hà Nội, Kính mới có thời gian thuật lại cho tôi buổi tối hôm ấy, tối hôm Thỉnh gặp bí thư Tô Huy Rứa. Kính bảo: Em ngồi chờ hai người gặp nhau xong để đưa Thỉnh về nhà khách thành phố. Khuya Thỉnh mới bước ra. Cả Tô Huy Rứa. Hai người còn bàn với nhau một lúc — có cả em ở đấy — là thành phố sẽ trích quỹ để một hôm nào đó Tô Huy Rứa đến thăm anh thì đưa cho anh năm mươi triệu. Em bảo không nên làm như vậy mà đồng chí bí thư thành uỷ nên đến thăm cả bốn nhà văn cao tuổi nhất là Nguyễn Viết Lãm, Mai Vui, Nguyễn Dậu, Bùi Ngọc Tấn. Đến nhà văn nào thì tặng nhà văn ấy một cái phong bì. Người nào biết của người ấy. Phong bì của các nhà văn kia năm ba triệu gì đó thì tuỳ. Còn phong bì của anh Tấn nhiều hơn. Làm như vậy tế nhị mà không gây dư luận, chưa kể có thể sẽ còn bị xuyên tạc, không có lợi. Các ông ấy đều thấy đúng.
Kính rất thích thú sáng kiến của mình, một sáng kiến được cả người cho tiền lẫn người nhận tiền chấp nhận. Với anh, nhà văn nào cũng đói. Tôi lại càng đói. Kều được ít tiền công quỹ cho các nhà văn là điều rất nên làm. Đang vui, anh không để ý tới cái nhíu mày của tôi. Không. Phải bằng cách nào gạt bỏ ngay ý định tặng tôi năm mươi triệu của các vị đi. Trước tiên đây không phải là do lòng tốt. Giá không có chuyện giải thưởng kèm theo bẩy ngàn đô la mà họ đang ép tôi không nhận thì có chuyện cho tôi năm mươi triệu không? Mọi việc người ta làm cho tôi đâu phải vì tôi, vì người ta tốt với tôi. Tất cả đều vì một tình thế nào đó. Tôi lúc nào cũng là đối tượng. Đối xử với tôi thế nào cho có lợi nhất. Vậy thôi.
Tôi bảo Kính:
– Làm sao mình có thể nhận được năm mươi triệu ấy. Đấy là tiền thuế của dân.
Mấy ngày sau tôi thấy cần phải có sự trả lời bằng văn bản để chính thức hoá, tránh những sự xuyên tạc, mà xuyên tạc là đặc điểm nổi bật nhất của xã hội ta từ chính quyền tới các giới thượng hạ lưu. Tôi viết tay mấy dòng để kết thúc đề tài này. Cũng chẳng cần lý giải nhiều mà chủ yếu là tỏ thái độ:
Hải Phòng ngày 19 tháng 7 năm 2001
Kính gửi anh Hữu Thỉnh
– Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà Văn Việt Nam
– Tổng Thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam
Trước hết tôi xin chân thành cám ơn anh về những lời khuyên của anh đối với tôi trong chuyện tôi nhận giải thưởng của Hội Quan Sát Nhân Quyền (HRW) 2001.
Sau khi suy nghĩ, tôi xin nói lời cuối cùng của tôi như sau:
1–Tôi đã tuyên bố nhận giải thưởng của HRW cách đây khoảng hơn hai tháng, khi người ta từ nước ngoài báo tin cho tôi.
2– Như tôi đã trình bầy với anh, tôi nhận giải thưởng vì:
– a) Nhân quyền là vấn đề có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ, mãi mãi song hành cùng với nhân loại.
– b) Đó cũng là một muc tiêu mà Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ nước ta đang quan tâm lãnh đạo để thực hiện ngày một tốt hơn, hoàn thiện hơn.
– c) Giải thưởng là do những đảng viên Đảng Cộng Sản Mỹ sáng lập.
3– Tôi đã tuyên bố nhận giải thưởng. Giờ đây tôi không thể phủ nhận.
Một lần nữa xin chân thành cám ơn anh về những quan tâm của anh đối với tôi và gia đình tôi.
Kính
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Thư viết xong, tôi đưa sang cho Đình Kính, để Đình Kính trao tay cho chánh văn phòng Hội Nhà Văn Tô Đức Chiêu đang công tác ở Đồ Sơn lát nữa sẽ ghé qua Kính trước khi về Hà Nội.
Đưa thư cho Kính, tôi nói thêm:
– Còn chuyện tiền năm mươi triệu của thành phố chưa có gì chính thức nên mình không viết vào đây. Nhờ Kính nói hộ với Thỉnh là số tiền năm mươi triệu với tôi là rất to nhưng tôi không thể nhận. Vì nếu là tiền cứu trợ thì quá nhiều. Còn nếu là tiền đền bù sửa sai thì quá ít.
Kính cười:
– Kể cũng hơi tiếc, nhưng thôi, không phải cứ thấy tiền là nhận.
Để bảo đảm “vụ năm mươi triệu” không xẩy ra, bên cạnh việc nói với Đình Kính, tôi còn gọi điện thoại lên Hà Nội cho Lê Bầu, Mạc Lân, Dương Tường biết, mà tôi luôn tin rằng câu chuyện giữa chúng tôi được ghi âm cẩn thận và chắc chắn sẽ đến tai những người cần thiết.
Tưởng chuyện như thế là minh bạch rõ ràng là không còn gì để nói cho cả đôi bên, ấy thế mà sau đó không biết bao người tới nhà tôi vận động tôi không nhận giải. Đầu tiên là nhà thơ Nguyễn Viết Lãm. Chưa bao giờ ông đến nhà tôi. Kể từ khi tôi từ báo Tiền Phong về đây cuối năm 1959. Kể cả những ngày tôi còn là một trong những cây bút chủ lực của báo Hải Phòng, còn là chuyên gia trong “văn chương tổ đội” toàn quốc. Kể cả những ngày tôi bị bắt và năm năm sau được tha, cũng như những ngày tôi lại được đi làm và viết văn trở lại. Giữa hai chúng tôi là một sự lạnh nhạt vong niên và kinh niên.
Thế nhưng trong “dịp giải thưởng” ấy, ông đến tôi, phân tích cho tôi điều hơn lẽ thiệt. Với tất cả nhiệt tình. Vì tôi. Vì uy tín của tôi, sự mến mộ của bạn đọc mà tôi đã có được. Ông nói ông không biết tôi được giải thưởng Nhân Quyền, ông không biết Hữu Thỉnh đã về gặp tôi khuyên tôi đừng nhận. Không ai giao nhiệm vụ cho ông tới gặp tôi cả. Một hôm ông ngồi ở Hội Văn Nghệ, nghe anh Mai Vui nói chuyện ông mới biết. Ông thấy cần phải gặp tôi. Vì tình bạn giữa chúng tôi. Vì chúng tôi quen nhau từ giữa thế kỷ trước, lúc nào ông cũng quý tôi. Vì giải thưởng này lúc đầu là tốt nhưng bây giờ đã bị CIA lũng đoạn, thao túng và thực chất là một tổ chức chiến tranh tâm lý…
Sao những lời khuyên giống nhau thế nhỉ? Tôi nghe. Cố gắng giữ bình tĩnh và đã giữ được bình tĩnh:
– Cám ơn anh có lời khuyên tôi. Nhưng giải thưởng không như anh nói đâu. Khác đấy. Với lại tôi đã nhận rồi. Không thể nói lại. Tuy kém tuổi anh nhưng tôi cũng già rồi. Điều tôi lo là giữ gìn cái tiếng của mình cho đến lúc chết. Nói thật với anh như thế. Anh hãy tin tôi biết xử sự.
Một buổi sớm chúng tôi vừa ăn sáng xong, hai người khách đã hiện ra ở khung cửa. Từ Hà Nội xuống. Nguyễn Trí Huân, phó tổng thư ký Hội Nhà Văn và Đỗ Kim Cuông, vụ phó vụ Văn Nghệ Ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương. Nhấp chén nước trà tôi pha, Nguyễn Trí Huân, Đỗ Kim Cuông vào chuyện ngay. Vẫn là chuyện giải thưởng của tôi. Đó là hai thuyết khách tuyệt vời. Các anh nói và các anh nghe tôi nói. Nghe và không nói lại, không tranh luận, không áp đặt. Có lẽ các anh cũng biết đây là một việc không nên làm, nhưng vẫn phải thực hiện lệnh trên. Lúc đó hình ảnh Nguyễn Khoa Điềm hiện lên không mấy đẹp đẽ trong tôi. Ngồi trên ghế quyền lực người ta có thể làm những việc kỳ khu đến thế. Và để bào chữa cho Điềm, tôi nghĩ tới một ông kẹ nào đó trong đội ngũ cố vấn tối cao rụng răng cũng thể kễnh,đông đảo và rách việc đang dùng quyền uy Thái Thượng hoàng và chút lực tàn của mình “bảo vệ cách mạng”.
Hai anh đến tôi chỉ để báo cáo với Nguyễn Khoa Điềm, cấp trên trực tiếp rằng các anh đã gặp tôi, đã thuyết phục tôi nhưng không kết quả. Chuyện vui vẻ một lúc, sau khi trao quà một ki lô chè móc câu cho tôi, các anh ra đi. Tôi tiễn các anh đến ô tô — ngày ấy chân chưa bị đau, còn đi lại tốt — một chiếc ô tô quân sự biển đỏ. Chắc là xe của đại tá Nguyễn Trí Huân.
Những thuyết khách sau các anh lại khác hẳn. Thật là muôn hình vạn trạng. Đó là Vũ Loan và Hồ Anh Tuấn, chủ tịch và phó chủ tịch Hội Văn Nghệ Hải Phòng. Vũ Loan là một nhạc công, lên đến chức giám đốc sở văn hoá thì về hưu sau khi đã đi nhiều nước Á Âu ([2]). Khi về hưu, ông Vũ Loan vẫn có một công việc oách: Chủ tịch Hội Văn Nghệ Hải Phòng. Ông rất ngại khi phải họp hành giao tiếp với cánh viết văn dù ông là chủ tịch hội. Ông chê trung tướng Trần Độ là ngu những khi chuyện trò thế sự. Sung sướng lại không biết đường hưởng. Chưa ai thuyết phục tôi một cách chân thành, nôm na và thẳng thắn như ông. Ông vạch ra cái sức ép tôi sẽ phải chịu, con cái tôi chắc chắn sẽ phải chịu nếu tôi kiên quyết nhận giải, mà bây giờ ai cũng sống vì con cái… Ông khẳng định tổ chức Quan Sát Nhân Quyền là do bọn phản động lập ra để chống phá cách mạng. Tiền của nó là của CIA. Toàn những điều ông tin chắc như đinh đóng cột. Ông tượng trưng cho sự thẳng thắn của cách mạng báo trước cho tôi những điều tôi sẽ gánh chịu nếu cứ ngoan cố nhận giải. Mà có thể như thế thật. Những điều ông nói đâu phải ông nghĩ ra. Nhất là những biện pháp xử lý đối với tôi. Cấp trên nói với ông đấy chứ. Thần kinh tôi quá căng thẳng vì những cuộc viếng thăm thế này. Tôi bị bắt tù oan ức cả đời sao không ai để ý, không ai có một ý kiến gì. Lương hưu tôi thấp đến như vậy, bất công vô lý đến như vậy, không ai có ý kiến gì. Sao bỗng nhiên người ta quan tâm đến tôi, người ta vì tôi đến thế. Vợ tôi ngồi im lặng nghe ông nói, mặt tái đi trước những lời khủng bố. Đây là ngón đòn hiểm. Đe dọa tôi không được, họ đe dọa vợ con tôi. Tôi cố nén tức giận, giữ một thái độ hòa nhã để nói những lời thẳng thắn nhất. Giơ tay khẳng định một cách không cho bàn cãi, tôi chậm rãi:
– Tôi yêu nước không kém bất kỳ một người Việt Nam nào, kể cả tổng bí thư! Còn ai định dùng chính sách sức ép đối với tôi là sai đấy! Không có một chút tác dụng nào đâu. Tôi còn gì nữa để ép? Tôi không còn gì cả. Tôi thành bã từ lâu rồi. Tôi cũng không ngồi bệt dưới đất như người ta vẫn nói mà là ngã sóng xoài dưới đất cả đời rồi.
Hình như hôm ấy Vũ Loan có mang ghi âm. Tôi thấy ông ta để cái túi vải nhỏ bên trong có một vật gì tròn nặng như chiếc micro lên nóc tủ ly chỗ chúng tôi ngồi nói chuyện. Chà! Cứ ghi âm đi. Xem có ai tra khảo tôi về tội yêu nước không kém tổng bí thư không. Không kém là cái chắc. Nếu không nói là hơn. Bởi vì ngoài gia đình vợ con mà ai cũng có, tổng bí thư còn có đảng của ông, cái ghế của ông, vương triều của ông, bổng lộc của ông để ông yêu, để ông trìu mến. Còn tôi ngoài gia đình vợ con, chỉ có đất nước, nhân dân để mà xót thương, để mà yêu dấu. Cứ ghi âm đi. Tôi không sợ đâu.
Cũng may hai ông khách thì chỉ có ông Vũ Loan là diễn giả chính thôi. Có lẽ Vũ Loan là người trực tiếp nhận nhiệm vụ. Hồ Anh Tuấn là người đi cùng cho có đoàn nên chỉ ngồi nghe. Thỉnh thoảng Tuấn mới nói mà lại là những câu đại loại như: Tập sách của anh, thằng em tôi — ý nói Hồ Anh Thái — mua hàng chục bộ để tặng… Tôi rất cám ơn Hồ Anh Tuấn về sự tế nhị đó. Có lẽ anh xuất thân từ một nền văn hóa ứng xử khác, không bao giờ quá tự tin khi đối thoại, để nói như một cấp trên ra lệnh, hoặc như khẳng định chân lý. Tuấn biết có những giá trị khác, những giá trị hiện nay còn chưa được công nhận nhưng rất đáng kính trọng.
Cuộc vận động tôi không nhận giải Nhân Quyền hẳn là được chỉ đạo rất chặt chẽ. Từ Hà Nội, Nguyễn Trọng Tạo gọi điện về cho tôi thuật lại công an A25 trên Bộ nói với anh rằng tôi nhận sẽ có đối sách, tôi không nhận sẽ cóchính sách. “Tạo cười Tạo bảo anh Tấn rất nghèo rất cần tiền nhưng lúc này tiền cũng không cần. Tiền không quan trọng bằng danh dự.” Đúng như Tạo nói. Ghi âm câu nói của tôi người ta sẽ thấy Tạo nói đúng như tôi nghĩ. Chính sách gì? Đối sách gì? Cái gậy và củ cà rốt! Nhưng tôi đâu phải là con thỏ. Tôi đã chịu đựng những đòn roi khủng khiếp. Và đã lì đòn.
Suốt thời gian những nhà thuyết khách, những nhà hăm doạ đến nhà, vợ tôi im lặng nghe, dành cho tôi toàn quyền phát ngôn. Tôi rất thương vợ tôi. Đã vì tôi mà vợ tôi phải chịu đựng căng thẳng như thế này và hơn thế này cả nửa thế kỷ rồi. “Lục trong đáy cuộc đời đâu chỉ có mấy ngày sung sướng mà thôi” như Maiakovski viết.
Hai chúng tôi đều không coi tiền tài là quan trọng hơn tất cả dù cực kỳ túng thiếu và bằng lòng với sự tối thiểu nhất trong cuộc sống. Chúng tôi chỉ mong được là người bình thường. Chúng tôi chỉ mong sự bình yên. Bình yên cho mỗi ngày. Đất nước hoà bình đã hơn 25 năm nhưng chúng tôi vẫn không có sự bình yên.
Khi Vũ Thư Hiên từ nước ngoài gọi điện báo cho tôi là người ta đã gửi tiền cho tôi lần thứ hai nhưng không được và đã lại rút tiền về bên ấy rồi, tôi đón nhận tin ấy như một sự tất yếu, không thế mới lạ.
Còn nghe cả tiếng Hiên chuyện với mấy người chắc là ngồi gần đó về nguyên tắc ngân hàng, người kia nói: Ngân hàng làm dịch vụ chuyển tiền, phải chuyển chứ, làm gì có chuyện không chuyển, và tiếng Hiên: Đây này. Gửi về cho ông Tấn mà ông ấy không nhận được, lại chuyển trả lại đây này.
Tôi bảo Hiên: “Hãy tạm hoãn việc chuyển tiền, Hiên ạ.” Trong điện thoại tôi chỉ nói được như vậy.
Thế rồi bỗng nhiên tôi nhận được một phong bì do Hội Văn Nghệ Hải Phòng chuyển, bên trong có ba công văn của Hội Nhà Văn. Công văn thứ nhất, gửi lãnh đạo thành phố Hải Phòng thông báo: Thực hiện kế hoạch hợp tác đã ký giữa Việt Nam và Trung Quốc, một đoàn đại biểu Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ sang thăm và làm việc tại Trung Quốc, thời gian 10 ngày trong tháng 9 năm 2001, đề nghị Thành Uỷ, Uỷ Ban Nhân Dân và Hội Văn Nghệ thành phố Hải Phòng cho phép, tạo mọi điều kiện thuận lợi làm mọi thủ tục xuất cảnh cho nhà văn Bùi Ngọc Tấn đi Trung Quốc.
Công văn thứ hai là quyết định cử đoàn đại biểu cấp cao 5 người đi thăm và làm việc tại Trung Quốc, trong đó có tôi. Và cuối cùng, một công văn gửi cho tôi: Xin anh vui lòng và gấp rút chuẩn bị các thủ tục sau:
1–Quyết định nhân sự của cấp có thẩm quyền. (Hội Văn Nghệ làm tờ trình, Uỷ Ban thành phố ra quyết định.)
2– Tờ khai xin cấp hộ chiếu phổ thông (xin tại Sở Công An) xác nhận của Hội Văn Nghệ và 4 ảnh cỡ 4×6 để làm hộ chiếu.
Mong anh nhiệt tình tham gia để đoàn lên đường đúng dự định (ngày 10-9-2001)
Tổng thư ký Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh
Giá như tự nhiên tôi được mời tham gia chuyến đi này. Một điều tuyệt vời không chỉ đối với cá nhân tôi mà còn đối với cái chung nữa, bởi như vậy chính sách đã có những thay đổi. Nhưng đây là một kế hoạch đối phó với tôi, ứng trước sự đền bù để tôi không nhận giải thưởng Nhân Quyền. Chắc chắn việc tôi đi đã được thông qua Bộ Chính trị, thông qua Nguyễn Khoa Điềm. Những người ấy không thể tốt với tôi. Cái bẫy gì đây? Nước cờ dụ tốt sang sông, tiếp theo là những bước gì? Không ai có thể buộc tôi từ chối nhận giải thưởng Nhân Quyền. Điều chắc chắn là sẽ có rất nhiều tin đồn, sự xuyên tạc được tung ra. Đó vốn dĩ là ngón nghề của họ.
Phải nói rằng tôi không muốn đi chút nào nhưng tình thế là khó thoái thác. Hơn nữa tôi rất muốn có cái hộ chiếu, điều bình thường không thể có được. Để dùng vào những việc sau này. Cuộc đời rồi sẽ cần có nó.
Nhưng tôi không khởi động gì về việc nhiều người thèm muốn ấy. Thúc giục Hội Văn Nghệ Hải Phòng làm đề nghị lên Uỷ Ban, Thành Ủy cũng không. Làm thủ tục lấy hộ chiếu cũng không. Trường hợp tôi là vậy. Không phải xin hộ chiếu. Mà là lấy hộ chiếu. Bởi vì họ cần tôi đi nước ngoài chứ không phải tôi. Chẳng bao giờ người ta lại cho không tôi một món hời như thế. Cân nhắc mọi nhẽ vẫn là cái việc họ sẽ tung tin, xuyên tạc, bôi nhọ tôi. Điều này không ngại. Chỉ cần lòng dạ mình trong sáng. Với lại mình không đi họ vẫn xuyên tạc cơ mà!
Hữu Thỉnh không trực tiếp nói với tôi một câu nào trong suốt quá trình chuẩn bị đi. Anh nắm tình hình qua Đình Kính. Cũng là đúng nguyên tắc. Vì Kính là chi hội trưởng chi hội nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng. Hơn nữa nhà Kính lại gần nhà tôi, ngay bên kia đường.
Chính Kính giục tôi lên ngoại vụ làm thủ tục nhận hộ chiếu. Nhưng Kính cũng không nắm vững chuyện này. Khi tôi đã nộp thủ tục ở Hải Phòng([3]), Kính bảo không phải nộp ở Hải Phòng mà đem lên Hà Nội. Lại rút hồ sơ đã được xác nhận ra làm lại để chuyển lên Hà Nội. Ngoại vụ Hải Phòng huỷ hồ sơ, phát tờ khai, khai lại. Nhưng phòng ngoại vụ không xác nhận mà phải đem về phường. Phường nói phường chưa bao giờ xác nhận như vậy mà là ngoại vụ. Lại lên ngoại vụ. Ngoại vụ kiên quyết không xác nhận vào hồ sơ. Tôi không lo mà lại mừng. Thế là có cơ không phải đi. Khỏi phải điên lên vì những lời xuyên tạc bẩn thỉu. Còn một việc nữa: Uỷ Ban, Thành Uỷ chưa có quyết định để tôi đi, dù tôi chẳng ở biên chế nào của nhà nước và cũng chẳng phải đảng viên. Ngày 20-8-2001 Hội Văn Nghệ Hải Phòng làm văn bản đề nghị thành phố, và mãi tới ngày 5-9-2001 phó chủ tịch Uỷ Ban Bùi Thị Sinh mới ra quyết định. Có sự chậm trễ này hình như do mấy ông bà thư ký uỷ ban muốn kéo dằng dai để kiếm chút mồi như thông lệ. Mãi sau các ông bà mới biết cái tên Bùi Ngọc Tấn chẳng thèm đến chạy chọt, cái tên Bùi Ngọc Tấn ấy là một trường hợp đặc biệt, rất khó nhằn, nó nằm trong một thế cờ, “ngâm cứu” lâu là bể mánh. Tôi đoán thế — Cầu mong tôi đoán sai và được các vị lượng thứ.
Cái sự làm hộ chiếu cuối cùng có chỉ thị từ Hà Nội xuống là ngoại vụ cứ làm hồ sơ, sở công an Hải Phòng cứ ký rồi đưa lên cho Hội Nhà Văn làm ở Hà Nội. Đình Kính nắm tình hình rất chắc. Anh biết chiều hôm ấy người trực ngoại vụ là ai, và sáng hôm sau Bão Vũ lên Hà Nội tôi sẽ gửi Bão Vũ cầm lên. Công việc đúng như Kính nói. Những người có trách nhiệm sở công an đã ở lại quá giờ để làm cho tôi. Trong việc làm hộ chiếu, Kính rất nhiệt tình, tôi cảm ơn anh, hơn thế còn nhiều lúc cảm thấy mình là người có lỗi.
Thế là thủ tục đi Trung Quốc của tôi đã được hoàn tất mà không phải mất một giọt mồ hôi, một câu “báo cáo anh, nhờ anh giúp đỡ.”
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, đúng ngày Bill Laden đánh tháp đôi New York, tôi bay đi Trung Quốc.
B.N.T
([1]) Kính là trưởng chi hội nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng.
(2) Người ta nói thời gian ông Trần Hoàn làm bộ trưởng Bộ Văn Hoá, nhiều nhạc công, ca sĩ được cất nhắc lắm.
(3) Lần đầu tiên trong khi khai lý lịch tôi viết điều bị bắt tù 5 năm mà thấy bình chân như vại, không chút lo lắng hồi hộp sợ hỏng việc.
(Xem tiếp kỳ sau)