Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Nguyễn Hữu Đang – Một nhân cách cao quý


Nguyễn Thượng Thành 

Hôm nay kỷ niệm đúng 100 năm ngày sinh cụ Nguyễn Hữu Đang (15/8/1913 -15/8/2013), một nhà báo có lương tâm, một trong những thành viên sáng lập Hội truyền Bá Quốc ngữ và là người chỉ huy dựng lễ đài độc lập cho ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. 



Nguyễn Hữu Đang là người không chịu dùng tài năng của mình để bẻ cong ngòi bút và không chịu uốn thấp nhân cách để làm những điều đingược lại với lương tâm. Nguyễn Hữu Đang tham gia Phong trào Nhân văn - Giai Phẩm và sau đó, mặc dù bị đe dọa khủng bố, nhưng với bản chất thẳng thắn cương nghị của mình, ông nhất quyết không chịu “đấm ngực nhận tội” và đặc biệt ông nhất định không bao giờ đứng ra tố cáo những anh em văn nghệ sĩ khác. Cái giá cho sự nghĩa khí này là ông phải chịu sự đàn áp và trả thù tàn bạo với mức án 15 năm giam cầm ở Hà Giang. Trước khi bị bắt, Nguyễn Hữu Đang cũng đã phải chịu những đòn đánh ác hiểm, cay nghiệt bằng nhiều bài báo .. hồi đó. Dưới đây là một đoạn trong bài “Con đường phản cách mạng của Nguyễn Hữu Đang” của tác giả Hồng Vân, đăng trên tạp chí Văn Nghệ số 12, tháng 5 năm 1958:

“Nguyễn Hữu Đang tên bất học vô thuật này, nhảy vào văn nghệ với thủ đoạn của một tên khiêu khích, cũng chẳng tài giỏi gì hơn là cóp nhặt một số luận điệu, một số danh từ của những phần tử cơ hội chủ nghĩa đã ném ra, xuyên tạc những chính sách văn nghệ đúng đắn của Lên-nin, của Đảng cộng sản Trung Quốc, để tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng ta trên văn nghệ…”

Nguyễn Hữu Đang được ra tù năm 1973 nhưng ông vẫn phải chịu sự ghẻ lạnh, xa lánh của xã hội. Tổng cộng thời gian ông bị cầm tù oan khuất và sống trong buồn tủi và cô đơn là gần 30 năm trời. Những năm cuối đời Nguyễn Hữu Đang sống trong cô độc, không vợ không con và nhờ vào nguồn thực phẩm chính là côn trùng, cóc nhái. Hãy nghe Phùng Quán, người bạn nghĩa tình đã giúp đỡ rất nhiều cho ông trong những năm đó viết về sinh hoạt của Nguyễn Hữu Đang:

“Cái chái bếp căn hộ độc thân của anh rộng khoảng 5 mét vuông, chật kín những tư trang, đồ đạc. Mấy cây sào ngọn tre gác dọc ngang sát mái, treo vắt cả chục cái khăn mặt rách xơ như giẻ lau bát, áo may-ô thủng nát, quần lao động vá víu. Cạp quần đeo lủng lẳng một chùm lục lạc làm bằng vỏ hộp dầu cao Sao vàng xuyên thủng, buộc dây thép, bên trong có hòn sỏi nhỏ. Động vào chùm lục lạc rung lên leng keng, nghe rất vui tai. Sau đó tôi được anh giải thích tác dụng của chùm lục lạc: Đi lại trong đường làng những đêm tối trời, anh thường bị cánh thanh thiếu niên đi xe đạp, xe máy phóng ẩu đâm sầm vào, làm anh ngã trẹo tay, sầy gối. Học tập sáng kiến của đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, treo mõ vào cổ trâu – trâu gõ mõ, chó leo thang– anh Đang chế chùm lục lạc đeo vào cạp quần, báo hiệu có người để họ tránh xe. Tác dụng thứ hai, quan trọng không kém... Mỗi lần đạp xe trên đường vắng, nghe tiếng lục lạc loong coong ngang thắt lưng, tự nhiên cảm thấy đỡ đơn độc…” (*) 


Một con người thừa tự trọng, có nhân cách khảng khái, người không bao giờ bán đứng bạn bè, cương trực và nhân hậu như Nguyễn Hữu Đang đã từng tâm sự với Phùng Quán về việc đã chọn sẵn chỗ nằm cho mình khi ra đi: “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng…, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người … Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai … Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay” (*)

Hôm nay cầm trên tay bức ảnh cụ Nguyễn Hữu Đang tặng vợ chồng Phùng Quán, thấy trong lòng dấy lên một nỗi xót xa cho thân phận những văn nghệ sĩ, trí thức có thừa tài năng và nhân cách nhưng vì bất phùng thời mà cả cuộc đời đã trở thành những nạn nhân đau khổ, oan khuất của một chế độ mà họ đã từng đem tâm huyết và trí tuệ của mình để tận tâm phục vụ.
___________ 
(*) Ngày cuối năm tìm thăm người dựng lễ đài Tuyên ngôn độc lập in trong cuốn Ba phút sự thật.

Ông Đang 
Phạm Xuân Nguyên

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử 
(E. Evtushenko)
1. Họp mặt cuối năm tạp chí Tia Sáng, vừa thấy tôi ló mặt vào hội trường Bộ Khoa học và Công Nghệ, ông Lê Đạt vẫy lại nói: “Anh Đang mất rồi, Nguyên”. 
“Mất lúc nào vậy anh?

Sáng nay (8/2/2007).

Trước anh Quán một ngày (nhà thơ Phùng Quán mất vào ngày âm là 22 tháng Chạp).

Ừ. Sáng ngày ông Công đưa ma.

Nơi nào đứng ra làm tang lễ, anh?

Tao bảo thằng Quốc (Dương Trung) đứng ra, nhân danh Hội truyền bá quốc ngữ. Cứ để anh em trong nhóm làm mãi. Mà mày viết một bài về anh Đang đi.

Anh viết mới phải chứ, cùng hội cùng thuyền. Em là lớp hậu sinh.

Hậu sinh càng phải viết. Mà mày cũng cùng hội chứ sao ! »
Tan họp, gọi điện thoại cho một anh bạn thân quen, tổng biên tập của một tờ báo có tiếng: «Ông Nguyễn Hữu Đang mất, tôi muốn viết một bài ». - «Không được ông ơi. Có chỉ thị rồi!». 
.
Về nhà mở email, có thư của anh Nguyễn Ngọc Giao ở nhóm Diễn Đàn từ Paris với chữ URGENT: «Choa thân mến, vừa nghe tin ông Nguyễn Hữu Đang từ trần hôm qua. Choa có thông tin gì (xác nhận, precision...) thì cho biết ngay nhé». 
.
2. Tôi biết gì về ông Đang?

Tôi không biết gì về ông Đang!

Tháng 11/1992, nhà thơ Phùng Quán đưa tôi một giấy mời:

«Mừng sống dai
Nguyễn Hữu Đang chiến sĩ kách mệnh. Trưởng ban tổ chức ngày đại lễ của đất nước Tuyên Ngôn Độc Lập mùng 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. 1992 (Nhâm Thân) 80 xuân ngồi trầm tư tại bản quán trong căn hộ độc thân - nguyên cái chái bếp của tập thể giáo viên trường phổ thông cơ sở thôn Trà Vy, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Chúng tôi Phùng Cung và Phùng Quán (em kết nghĩa) xin trân trọng kính mời : đúng 10 giờ 30 ngày 20 tháng 11 năm 1992 đến tại nhà riêng chúng tôi số 10 Thụy Khuê - khu tập thể giáo viên trường Chu Văn An, uống chung rượu khổ sâm mừng sự sống dai.
Phùng Cung và Phùng Quán.”

In cùng những dòng này là bức ảnh ông Đang ngồi trong xó nhà của mình ở Thái Bình sáng mồng một tết Nhâm Thân (1992) kèm dòng chữ “Nguyễn Hữu Đang. Tám mươi xuân - trai tân - độc thân”. Mặt sau giấy mời là bản chụp lại trang bìa tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số đặc biệt kỷ niệm 45 năm Cách Mạng Tháng Tám (1990) ghép với phần chụp bài viết trong tạp chí đó nói về vai trò của Nguyễn Hữu Đang, trưởng ban tổ chức ngày tuyên bố độc lập 2/9/1845. Phần chụp này là đoạn công bố hai bức thư do Nguyễn Hữu Đang viết gửi ông Thị trưởng Hà Nội.

Thư 1: “Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội 
Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời sẽ tổ chức ngày 2-9-1945 một “Ngày Độc Lập”. Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban Tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ phải cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc Lập.

Kính thư
Nguyễn Hữu Đang”.
Thư 2: “Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội 
Nhân “Ngày Độc Lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận. Còn về lễ chào quốc kỳ, chúng tôi nhờ ngài cho sửa soạn một chiếc cột cao 12 thước tây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu Tòa Thị chính.

Kính thư
Nguyễn Hữu Đang”.
Tôi đã bỏ lỡ dịp gặp ông Đang lần đầu này do “nhát sợ” trước một lời khuyên (chuyện đó tôi đã kể trong bài viết Nhớ ông Quán). Mãi sau tôi mới gặp ông khi ông Quán mất và những dịp giỗ ông Quán. Gặp nhưng vẫn không biết gì về ông. Ông Đang vẫn là một khối bí ẩn đối với tôi.

Trong một lần giỗ ông Quán, khi ấy vẫn ở tại nhà bên Hồ Tây, nhân nhắc lại chuyện mừng thọ ông Đang, có người đã chép lại cho tôi bài thơ làm ngay dịp đó tặng “người sống dai”:

Bốn mặt Tây Hồ bát ngát trông
Nơi đây bè bạn tới mừng ông
Sống dai tám chục còn dư sức
Chết ẻo trong tù có uổng công
Tuyệt thế nhân gian ờ cứ thế   
Bắc Hà “hào kẹt” có tên ông
Thân hữu xa gần nâng cốc rượu
Trăm năm duyên nợ biết bao xong!

                                    (Tùng Quân)

“Hào kẹt” là viết chại của “hào kiệt” để hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

3. Khi Đổi Mới xướng lên, nhiều vấn đề tồn đọng của lịch sử hiện đại Việt Nam được xới ra, lật lại, nhiều nhân vật bị khuất lấp được chiếu sáng. Ông Đang với tư cách một yếu nhân của Hội truyền bá quốc ngữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm tổ chức ngày lễ độc lập 2/9/1945 dần dần hiện hình trở lại trên dòng thời gian và lịch sử. Nhưng điều đó không thành được sự “bảo chứng” để nói về ông Đang với tư cách một nhân vật chủ chốt của phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, như nhiều người mong đợi. Cho đến hôm nay, khi ông nằm xuống, vụ việc này vẫn chưa được bạch hóa và con người ông trong đó vẫn bị che phủ, dẫu đã nửa thế ký trôi qua.

Trong một bản viết cho một nhà nghiên cứu nước ngoài về phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm vào cuối tháng 11/1998 tại Hà Nội, ông đã phân tích nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này như sau:
“1. Ý thức, tư tưởng chủ đạo của phong trào là chống lại sự biến chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ chế độ chuyến chính thông thường đã bắt đầu có xu hướng hướng cực quyền (còn gọi là toàn trị, tiếng Pháp là totalitarisme, tiếng Anh là totalitarian) trong đó con người bị cưỡng bức toàn diện, triệt để nhiều khi tàn nhẫn đến vô nhân đạo, phi nhân văn, biến con người bị trị thành nô lệ của một tập đoàn thống trị ít người và duy ý chí tuy nhân danh cách mạng mà hành động, nhưng hiệu quả khách quan của hành động lại phản tiến hóa.

Sự biến chất này do ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông, cả hai đều tự nhận là chủ nghĩa Mác-Lênin! Rất tiếc là lúc ấy Đảng c.s. Việt Nam tin là như thế.

Phong trào còn lo ngại đáng lẽ chế độ chuyên chính vốn chỉ là một biện pháp bất đắc dĩ cách mạng phải dùng đến, trong thời gian ngắn gọn tiếp theo liền Tổng khởi nghĩa, để củng cố chính quyền vừa mới giành được, nhưng khi nó đã trở thành chế độ cực quyền, toàn trị, nó sẽ kéo dài không thời hạn, nghiễm nhiên tự coi như hình thái “đích thực”, “chân chính” của chủ nghĩa xã hội khoa học mà loài người mong ước sau những mò mẫm vô hiệu quả của chủ nghĩa xã hội không tưởng.

2. Ý thức, tư tưởng chống đối này âm ỷ từ lâu trong lòng những người trí thức và văn nghệ sỹ Việt Nam, ngay trong các đợt chỉnh huấn và cải cách ruộng đất được tiến hành song song với kháng chiến đánh thực dân Pháp mấy năm cuối. Đến năm1956, gặp hoàn cảnh thuận lợi, nó nổ bùng ra thành động cơ sôi nổi của một cuộc đấu tranh mãnh liệt trong nội bộ dân tộc Việt Nam. Sự kiện đó sẽ tồn tại mãi trong lịch sử Việt Nam như một cái mốc đánh dấu bước chuyển tiếp từ giai đoạn đấu tranh giành độc lập sang giai đoạn đấu tranh giành dân chủ.

Việc chuyển hướng là cần thiết, nó phù hợp với một tất yếu lịch sử, đáp ứng nhu cầu đời sống và tiến hóa xã hội. Trước mắt, nó là nguyện vọng cao cả của nhân dân. Chính Cụ Hồ, trước khi vĩnh biệt cuộc đời cũng để lại một lời tuyên bố nổi tiếng - sau khi đã nêu ra khẩu hiệu cho toàn dân: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - vừa mạnh bạo nhận trách nhiệm, vừa thắm thiết ân tình: “Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”. Nếu chúng ta hiểu “tự do” đây là dân chủ thì câu nói chí tình của ông cụ không xa cách cái thiện chí của phong trào “Nhân văn-Giai phẩm” nhiều lắm”.
Ông Đang viết tay, những từ những đoạn gạch chân là của ông. 
4. Tôi đang đọc tiểu thuyết Sách cười và lãng quên của Milan Kundera. Đây là đoạn mở đầu của tác phẩm này:

"Tháng hai 1948, nhà lãnh đạo cộng sản Klement Gottwald đứng trên ban công một cung điện baroc ở Praha diễn thuyết trước đám đông hàng trăm nghìn công dân tụ tập trên quảng trường Thành Phố Cũ. Đây là một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử xứ Bohêm. Một thời khắc định mệnh mà nghìn năm chỉ xảy ra một hay hai lần.

Gottwald được vây giữa các đồng chí của mình, đứng sát ngay cạnh ông là Clementis. Tuyết rơi, trời lạnh, Gottwald để đầu trần. Clementis đầy ân cần cởi chiếc mũ lông không vành của mình ra và đặt nó lên đầu Gottwald.

Ban tuyên huấn của đảng đã cho in ra hàng trăm nghìn bản tấm ảnh chụp cái ban công nơi Gottwald đội chiếc mũ lông không vành đứng giữa các đồng chí đang nói chuyện với nhân dân. Chính trên cái ban công đó đã bắt đầu lịch sử của xứ Bohêm cộng sản. Tất cả trẻ em đều biết tấm ảnh này vì đã thấy chúng trên các áp phích, trong sách giáo khoa hay trong các bảo tàng.

Bốn năm sau, Clementis bị kết án phản bội và bị treo cổ. Ban tuyên huấn của đảng lập tức cho ông ta biến khỏi Lịch Sử, và dĩ nhiên cũng biến khỏi tất cả các tấm ảnh. Từ đây, Gottwald chỉ còn một mình trên cái ban công. Nơi trước đây Clementis đứng giờ chỉ còn lại bức tường trống của cung điện. Còn về Clementis thì chỉ còn lại chiếc mũ lông không vành trên đầu Gottwald.” (Theo bản tiếng Pháp Le livre du rire et de l’oubli, Gallimard, Paris, 1985).

5. Đám tang ông Đang diễn ra sáng ngày ông Táo Bính Tuất về giời (10/2/2007) tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Một liên danh các cơ quan có dính dáng đến những ngành nghề ông Đang từng làm đứng ra chủ tang: Bộ Giáo dục và đào tạo, Ban liên lạc Hội truyền bá quốc ngữ, Ban liên lạc Hội diệt dốt, Báo Văn Nghệ... Trưởng ban tang lễ là ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quan chức cao nhất đến viếng là bà thứ trưởng Bộ này. Ông bộ trưởng Bộ này bận việc, gửi vòng hoa đến viếng. Bà Ngô Thị Kim Thoa (vợ ông Phùng Cung) và bà Vũ Bội Trâm (vợ ông Phùng Quán) chít khăn tang lên đầu, viếng xong, đứng cùng thân quyến ông Đang bên linh cữu chịu tang, thay chồng làm bổn phận người em.

Tôi cùng nhà văn Nguyên Ngọc viếng ông Đang một vòng hoa trắng. Khá nhiều vòng hoa trắng viếng ông Đang. Chị bán hoa tang bảo: cụ ấy không vợ không con thì hoa trắng là đúng rồi, nhưng thọ thế thì em sẽ viền thêm hoa cúc vàng xung quanh. Lại bảo: anh đứng đây chờ em làm hoa xong để theo anh mang vào, chứ đám này bọn em không được tự mình mang hoa vào trong cho khách như các đám khác. Tôi hỏi vì sao. Chị ta bảo là họ đặt biển báo kia rồi. Tôi đi tới cổng nhà tang lễ và thấy một tấm biển nền đỏ chữ vàng có chân đứng đặt ở lối ra vào: “Chú ý: Khách đến viếng vui lòng tự mang hoa vào. Xin cảm ơn.”. Biển làm sẵn thế này là dùng cho những lúc cần dùng như thế này. Vào viếng cùng lượt với chúng tôi là nhà thơ Dương Tường mang vòng hoa bị hàng hoa đề sai tên mình thành ra rất tếu với ông Đang “Thương tiếc Anh, Dương Cường”. Viếng xong lượt mình, chúng tôi lại đi cùng đoàn viếng của talawas do nhà thơ Hoàng Hưng dẫn đầu. Giới thiệu đoàn này vào viếng, người xướng danh chỉ nói là đoàn nhà văn, nhà báo, vờ như không thấy cái tên talawas trong phiếu đăng ký viếng và trên băng tang vắt ngang vòng hoa.

Ông Đang nằm vây phủ lụa vàng trong quan tài mở nắp. Chín mươi lăm tuổi (âm) một đời người, ông còn gì, để lại gì, sau khi thân thể tan thành tro bụi (hỏa thiêu). Cái quan định luận. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chép lại cho họ hàng ông Đang đôi câu đối ông làm khi ra tù về quê (1994) mà ông đã ghi vào sổ tay anh:

“Nào công, nào tội, nào nhục, nào vinh, thương số phận Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi
Vận nước, vận nhà, biết thời, biết thế, quý cuộc đời Phạm Lãi, Trương Lương”.

Từ Đà Lạt, nhà thơ Bùi Minh Quốc nhờ chị Vũ Bội Trâm đặt viết trên lụa đôi câu đối viếng ông Đang:

“Dâng Tổ Quốc kỳ đài Độc Lập vun gốc Nhân Văn một đời trong trắng
Hiến Nhân Dân diệu lý Tự Do đắp nền Pháp Trị muôn thuở sáng ngời”.

            Tôi ghi sổ tang:
.
            “Ông Nguyễn Hữu Đang là ai?
            Ông truyền bá quốc ngữ.
            Ông tổ chức ngày độc lập 2/9/1945.
            Ông làm Nhân Văn-Giai Phẩm.
            Ông đã sống và đã chết Một Con Người.
            «Mỗi số phận chứa một phần lịch sử»
            Nền dân chủ tự do của nước Việt sẽ có ghi tên Ông"

 Hà Nội 8 - 10/2/2007
Nguồn: Quê Choa


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tưởng nhớ nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang



Thưa chư vị,

Hôm nay 15.8.2013, tròn 100 năm ngày sinh củaNhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang (1913-2007). Ông là một nhà báo, một trong những người sáng lập nên Hội truyền Bá Quốc ngữ, là thứ trưởng Bộ Thanh Niên và là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân. Ông cũng bị kết án 15 năm tù trong vụ án Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.

Nguyễn Hữu Đang là một người cương trực, thẳng thắn, một nhà hoạt động chính trị, văn hoá nổi tiếng và là một nhân cách lớn. Mặc dù bị oan khuất gần 30 năm, nhưng trong những tác phẩm của ông, người ta không thấy sự oán giận mà chỉ thấy sự khoan dung, nhân hậu, lòng tin vào tương lai của đất nước, dân tộc. (Theo Wikipedia)

Nguyễn Hữu Đang là một ông tiên bị đày xuống trần gian đầy cực nhọc trong khoảng gần 100 năm mà một số người trong chúng ta may mắn hạnh ngộ. Tưởng nhớ Ông, xin thắp nén tâm hương bái vọng và trân trọng giới thiệu lại một bài viết của ông. Xin chân thành cảm ơn Nhà báo Kiều Mai Sơn đã gửi cho chúng tôi tư liệu này để chia sẻ cùng chư vị.  - Lâm Khang chủ nhân.

ĐỌC SÁCH GIÁO KHOA “VIỆT SỬ” CỦA TỪ NGỌC

(Viết cho lớp ba Tiểu học)
Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang
Lời dẫn của Kiều Mai Sơn: Trên số báo thứ 110 của tờ Sự thật ra ngày 25-4-1949, có đăng một bài viết với tiêu đề như trên của Nguyễn Hữu Đang. Bấy giờ ông đang công tác bên ngành Bình dân học vụ (đóng ở Thanh Hóa), và thường hay cộng tác với báo Sự thật,cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương mà thực chất là Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi rút vào bí mật.
Đây là một tư liệu đặc biệt quý giúp cho sự nhận diện rõ hơn chân dung của Nguyễn Hữu Đang với tư cách là một nhà văn hóa - giáo dục. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn coi đây là một sự tri ân đầy ý nghĩa đối với bậc tiền bối đáng kính nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh của ông. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Từ ngày kháng chiến toàn quốc đến nay, ông Từ Ngọc Nguyễn Lân là người soạn được nhiều sách giáo khoa nhất. Sự cố gắng của ông cần được giúp đỡ. Các cơ quan ngôn luận cơ bản nhận giới thiệu những sách ấy với công chúng và những người quan tâm đến việc học của thanh niên không nên bỏ cơ hội góp ý kiến với tác giả để việc soạn sách giáo khoa được ngày thêm hoàn hảo.

Viết cuốn Việt sử, ông Từ Ngọc chỉ nhằm một mục đích gần gũi, nho nhỏ, song cuốn sách tự nó nhắc đến hai vấn đề quan trọng: phương pháp viết sử và phương pháp dạy sử.
Vấn đề trên, từ sau Cách mạng tháng Tám tới nay, chỉ mới có ông Đào Duy Anh nói qua đến một lần trên tạp chí Tiên phong và ông Trần Văn Giáp đề ra trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc hồi tháng bảy năm ngoái, mà chưa hề có một cuộc thảo luận đến nơi đến chốn nào. Tôi thắc mắc về sự thiếu sót đó nhưng không bàn trong bài này, xin nhường lời cho những nhà sử học đủ thẩm quyền. Tôi chỉ có một vài nhận xét về cuốn sách giáo khoa của ông Từ Ngọc nói riêng và vấn đề dạy sử ở trường học nói chung.
Ông Từ Ngọc vừa là một người nghiên cứu đã từng viết sử, vừa là một giáo sư lão thành, vừa là một nhà văn. Nên chi cuốn sách của ông dễ đạt được những đặc sắc có thể là rất khó khăn đối với một tác giả khác. Bốn mươi hai bài gọi là “truyện danh nhân” với những đầu đề bóng bẩy, ý nhị như “Thù chồng nợ nước”, “Anh hùng Dạ Trạch”, “Sóng Bạch Đằng”, “Cờ lau tập trận”, “Châu chấu đá voi”... nối tiếp nhau theo thứ tự thời gian như những cái mốc rải rác trên quá trình đấu tranh của dân tộc Việt Nam suốt từ Hồng Bàng kỷ đến nền Dân chủ Cộng hòa. Truyện nào viết cũng giản dị mà linh động khiến người đọc ham thích. Nhiều đoạn sẽ gây cho trẻ em cái cảm giác như cùng sống với người xưa trong những giờ phút đau khổ, hồi hộp hay quyết liệt, anh dũng. Em nào đọc truyện An Tiêm mà chẳng say sưa với những câu tả sự gặp gỡ đầu tiên của con người thượng cổ với quả dưa hấu:
“Ngoài là vỏ xanh đen, trong là cùi trắng, rồi đến ruột đỏ như tiết, vân nổi lên bên cạnh những hột đen nhánh; cái màu tươi thắm, như xui chàng thử nếm xem sao; chàng cắt một khoanh, đặt lên lưỡi thì cảm thấy một vị ngọt ngào, êm dịu, một hương thơm nhẹ nhàng...”
Còn gì phô diễn lòng hâm mộ và sốt sắng ủng hộ của những phụ nữ thôn quê đối với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu bằng mấy lời ca dao:
                Ru con con ngủ cho lành 
                Để mẹ gánh nước rửa bành con voi 
                Muốn coi, lên núi mà coi 
                Coi bà quan tượng cưỡi voi bành vàng.
Rồi những cảnh Trần Nhật Duật thi gan với địch, một mình một ngựa thản nhiên đi vào giữa rừng gươm giáo đầy sát khí, Trần Bình Trọng khảng khái trước Ô Mã Nhi, Nguyễn Biểu bị trói ba ngày ở chân cầu Lam luôn miệng chửi mắng Trương Phụ cũng như những trận Bạch Đằng, Đống Đa đều có thể khiến trẻ em nhảy nhót lên được.
Những bài sử ký vui, kích thích tâm trí học trò được như vậy, nếu chỉ đứng về mặt cách thức giảng dạy mà xét thì thực là một sự thành công đáng kể. Tiếc rằng nhiều lúc tác giả đi hơi xa nên sự cố gắng làm vui đã trở thành con dao hai lưỡi mà dưới kia chúng tôi sẽ nói rõ.
Dạy sử vui cốt cho học trò ham biết sử, nhưng không phải biết để mà biết, mà là biết để có một thái độ nào, những hành động nào. Bởi vậy nhiều bài sử của ông Từ Ngọc thường kết thúc bằng một bài học thực tiễn rút trong kinh nghiệm của người xưa: An Dương Vương “quá tin người mà không đề phòng ngoại xâm, không rèn luyện binh mã, đến khi giặc đến tất phải thua”; Triệu Quang Phục “đã áp dụng một chiến thuật giống hệt chiến thuật du kích của bộ đội ta ngày nay. Họ Triệu đã thắng quân Lương thì nhất định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta cũng sẽ được thắng lợi”; và “dưới chế độ vua quan” thì “một người ái quốc có tài như Nguyễn Trường Tộ cũng phải bó tay” v.v...
Trong một vài trường hợp tuy kể chuyện danh nhân ông cũng không quên hẳn dân chúng. Ông cho trẻ em biết khi hai Bà Trưng nổi lên “dân gian rủ nhau xung vào đội nghĩa binh để theo hai Bà đi trừ giặc”; khi Bà Triệu khởi nghĩa “phụ nữ hồi ấy, dù là những kẻ quê mùa cục mịch cũng tham gia nhiệt liệt vào công cuộc kháng chiến”; “Những người đứng lên cầm quân đuổi giặc Đường phần nhiều chỉ là những kẻ thường dân, thấy giặc tham ác, không chịu được, nổi lên đánh phá”.
Chắc chắn những ưu điểm nói trên sẽ làm vừa lòng các nhà giáo mặc dầu nội dung cuốn sách còn thiếu nhiều phần thiết yếu mà vì điều kiện vật chất eo hẹp tác giả đã phải hy sinh, như những câu hỏi thử thông minh, giải nghĩa chữ khó, bản đồ, tranh ảnh.
Nói vậy không phải là cuốn sách không có những khuyết điểm lớn.
Trước hết chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với ông Từ Ngọc về mục đích việc dạy sử ở bậc tiểu học.
Trong “lời soạn giả”, ông nói: “khoa Việt sử ở bậc tiểu học chỉ có mục đích giáo dục chứ không có tính cách khoa học” dường như giáo dục có những trường hợp cần phải không khoa học! Thực ra, nếu ông Từ Ngọc đã ấn định nhiệm vụ giáo dục của khoa Việt sử ở trường tiểu học là dạy cho trẻ em biết gốc tích nước Việt Nam, biết yêu Tổ quốc và biết làm phận sự người công dân, mà ông không cho nó khoa học thì nó làm tròn nhiệm vụ kia thế nào?
Phân tách ý ông Từ Ngọc, ta thấy ba điều nhầm:
Một là cho rằng dạy sử cho trẻ em chỉ cốt rút ra những bài học xử thế thì không cần phải là sự thật, miễn có truyện để làm thí dụ, để làm gương là được rồi. Chỗ này, chúng tôi xin trả lời vắn tắt là truyện càng có nghĩa lý, càng khoa học, càng thật bao nhiêu thì càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn trẻ em bấy nhiêu, và do đó bài học xử thế càng có giá trị.
Hai là đem truyện hoang đường, quái đản vào sử ký với ý định mở mang, trau dồi trí tưởng tượng của trẻ em. Chỗ này có sự lẫn lộn. Cố nhiên, hầu hết các nhà giáo dục đều nhận cần phải hướng dẫn cho trí tưởng tượng của trẻ em được nẩy nở, vẫy vùng trong những truyện kỳ ảo, thần tiên. Song người ta chỉ dùng truyện cổ tích, truyện giải trí thế nào cho trẻ em vẫn cảm, vẫn sống với các nhân vật trong truyện, mà không bao giờ tin như đinh đóng cột rằng đó là những sự thật về tổ tiên mình. Cưỡng bức sử ký làm việc ấy là thừa mà lại nguy hiểm. Bao nhiêu những “tục truyền rằng” rất phong phú, rất nên thơ, rất có ý nghĩa mà ta thừa hưởng được của tiền nhân, đáng cho ta quí báu nâng niu thật đấy, nhưng ta phải biết dùng cho đúng chỗ. Ta xếp nó vào cái ô cổ tích, giải trí, chứ nhất định không nên đem làm một thứ sử giả hiệu như trước nữa.
Ba là tin rằng dạy sử cho trẻ em lúc đầu có thể bịa đặt cho vui, rồi về sau sẽ đính chính cũng không muộn. Kể dạy cho vui thì toán pháp, địa lý, cách trí đều cần dạy cho vui, có lẽ ta cũng phải bịa đặt cả sao? Hơn ai hết, ông Từ Ngọc thừa biết không thiếu gì cách dạy vui mà mà vẫn đúng. Nếu mà muốn dạy vui mà đến nỗi những điều trẻ học năm sau lại đính chính những điều chúng học năm trước, thì trong cái năm sau ấy trẻ em hoặc sẽ rối trí, hoặc sẽ hoài nghi: những điều ta đang học đây chưa lấy gì làm chắc, rất có thể sang năm sẽ lại bị đính chính nữa!
Những cái nhầm trên đã làm cho tác giả nhiều khi nghiêng hẳn về dã sử và sử ký tiểu thuyết hóa. Dưới ngòi bút ông, một vài vị anh hùng dân tộc vốn rất thật đã phảng phất bóng dáng những Nam hải dị nhân: Nguyễn Biểu cầm đũa khoét đôi mắt ở một chiếc đầu lâu chấm dấm mà nuốt ngon lành. Khi nào tác giả cho là dã sử chưa đủ gây hứng thú thì nhà tiểu thuyết ở tác giả giúp sức: trăm trứng mà Âu Cơ đẻ ra đều “tròn trĩnh xinh xắn, trứng ấy nở ra thành 100 người con trai mặt mũi sáng sủa, khôi ngô”, và khi một bọn lên miền thượng du, một bọn xuống miền châu thổ thì “vợ chồng con cái gạt nước mắt chia tay”; đời Hùng Vương, các hoàng tử dâng lên vua cha những món ăn Tàu bây giờ, “nào nem công, nào tổ yến, nào bóng cá, nào gân nai” và, trong một xã hội bộ lạc, họ ngự trong những “nhà vàng, gác tía”!
Sau hết, tác giả cũng như một ông thầy, phải có một phương pháp nhận thức cho đúng. Nếu không dù dụng ý tốt mấy cũng dễ đưa học sinh đi lạc đường.
Đọc Việt sử, chúng ta lấy làm vui mừng mà nhận thấy tác giả đang đi theo một hướng tiến bộ, nhưng ít nhiều quan điểm cũ quá dai dẳng vẫn còn lẩn quất quanh ông. Như những sợi dây vô hình nó làm vướng chân ông trong khi ông bước mạnh. Ông chưa nắm vững phương pháp nhận thức mới.
Ông có nhớ đến dân chúng, nhưng ông chưa đánh giá được đúng mực vai trò trọng yếu của dân chúng trong lịch sử. Trong cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, trẻ em không thấy sự thức dậy ào ạt của tinh thần dân tộc, sự nhân dân tự động nổi lên hưởng ứng khắp nơi trước khi quân của hai Bà kéo đến. Sau Mai Hắc Đế và Bố cái Đại vương, cho đến tận Hoàng Hoa Thám, Việt sử chỉ có toàn những vua, quan, tướng. Tài năng, chí khí của họ định đoạt hết thảy. Bao nhiêu triệu dân chìm đâu mất. Nguyễn Huệ ở đây được trình bày dưới hình ảnh một vị hoàng đế oai phong lẫm liệt mà gốc tích thế nào trẻ em không biết (chín mươi phần trăm học sinh tiểu học bây giờ là con nông dân, ta hãy tưởng tượng các em sẽ sung sướng thế nào khi biết rằng Nguyễn Huệ là một nông dân khởi nghĩa!). Cả đến những cuộc kháng chiến vĩ đại như chống Mông Cổ, đánh quân Minh, trẻ em cũng không được biết nhân dân tham gia, ủng hộ, chịu đựng, chiến đấu ra sao. Trong tình trạng ấy, không những trí phán đoán của trẻ em bị đánh lừa, mà trẻ em còn khó lòng có một ý niệm rõ ràng về nghĩa vụ và năng lực người dân mà phụng sự và tự tin.
Đành rằng theo chương trình đã định của Bộ Giáo dục, cuốn Việt sử chỉ kể chuyện danh nhân. Nhưng kể truyện danh nhân mà ta tách họ ra khỏi dân chúng, ra khỏi những điều kiện xã hội đã tạo ra họ và đã góp phần quyết định vào sự thành công, thì hình ảnh họ dù được tô điểm thế nào, trước con mắt của trẻ em, cũng chỉ đẹp như hình ảnh những nhân vật tượng trưng trơ trọi trên sân khấu.
Vì không nắm vững phương pháp nhận thức mới, tác giả vẫn còn bị những thiên kiến của nhà nho về “ngụy triều”, về “quân giặc” ảnh hưởng. Cuốn Việt sử không có chỗ cho Lê Hoàn và Hồ Quý Ly, nhưng có chỗ cho cái ông hoàng Lang Liêu nào đó đời Hùng vương vì tục truyền rằng ông ta đã phát minh ra bánh chưng, bánh dầy. Khi nói đến Hồ Quý Ly, ông dùng lời khinh bỉ: “Người Minh bắt được cha con Quý Ly giải về Tàu”, cũng như khi nói đến một cuộc võ trang tranh đấu chống triều đình phong kiến của dân vùng núi, ông viết: “năm 1280 ở đạo Đà Giangbọn Mường Trịnh Dác Mật làm loạn”.
Những khuyết điểm mà cuốn Việt sử đã phạm phải có ba nguyên nhân sâu xa:
1- Những sử cũ chưa được đem duyệt lại;
2- Phương pháp viết sử khoa học chưa được phổ biến;
3- Nguyên tắc dạy sử ở trường học chưa hợp lý.
Trong kỳ đại hội nghị giáo dục vừa rồi ông Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, trong một bài thuyết trình, nhân nói đến dân tộc hóa giáo dục, có đề ra việc lập ngay một cơ quan nghiên cứu sử và biên soạn sách sử ký. Chúng tôi rất hoan nghênh sáng kiến đó và mong nó sẽ được thực hiện nhanh chóng.
Nhưng ròi đây, khi đã có sách sử ký giá trị rồi ta sẽ đem dạy thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Giăng-ba-bi (Jean Baby), giáo sư thạc sĩ, trên tạp chí Tư duy (La Pensée) đã có lần hô hào đưa sử ký lên địa vị một môn học căn bản và ông mạnh bạo chủ trương “trẻ em trước hếtphải biết lịch sử cuộc tiến hóa kinh tế và chính trị của các thứ xã hội”.
Như vậy sử học là môn học căn bản soi sáng tất cả các môn học khác. Những kiến thức về văn nghệ và khoa học mà không có những kiến thức về sử học làm nền tảng thì chỉ tạo nên những trí thức cô độc, thiếu tinh thần nhân văn, mà cái biết chuyên môn càng cao lại càng làm cho lệch lạc. Rốt cuộc thường là nhiều năng lực không đem tiêu vào những hành động hoàn toàn ích lợi cho tiến bộ.
Môn học sử ở nhà trường quan niệm như thế tất phải được trình bày tổng quát, mạch lạc, từ nhân chủng, kinh tế, văn hóa rồi mới đến chính trị, quân sự. Chương trình bậc học nào cũng phải mở đầu bằng tiến hóa xã hội nói chung rồi mới đến tiến hóa riêng của dân tộc. Chỉ khác là ở bậc dưới sơ lược, ở bậc trên kỹ càng: một bức tranh thoạt tiên mới có vài nét chính dần dần được vẽ thêm chi tiết.
Tất sẽ có người lo như thế quá khó đối với học sinh tiểu học. Họ không ngờ rằng khó hay dễ hoàn toàn do chi tiết chương trình của mỗi lớp và cách thức giảng dạy của mỗi ông thầy. Còn đối với một học sinh bắt đầu học sử thì hiện tượng, sự việc xã hội cổ nào cũng mới lạ, trừu tượng, phức tạp ngang nhau. Không phải những vấn đề dân tộc (như nhà Hán đô hộ Giao Chỉ chẳng hạn) vì phạm vi hẹp hơn mà dễ nhớ, dễ hiểu hơn những vấn đề nhân loại (như đời sống bộ lạc chẳng hạn). Trái lại, khi đã có một ý niệm, một hình ảnh về tiến hóa nhân loại rồi thì nhìn vào tiến hóa dân tộc trẻ em sẽ thấy rõ ràng ngay.
Một mặt nữa, mỗi môn học khác phải được đặt nằm trong đường tiến hóa lịch sử mà trình bày. Giảng viên phải nhận rõ và cảm sâu sắc rằng sự phát triển của môn mình dạy có liên quan mật thiết với sự phát triển của kinh tế, chính trị.
Cả hai việc viết sử và dạy sử hiện thời có được chỉnh đốn lại, trường học mới thoát ra khỏi những cái nạn dã sử, sử hoang đường, sử biên niên, sử triều đại, sử danh nhân, sử một mặt (chính trị hay quân sự) rối ren, vụn vặt, rất ít hiệu quả trong việc rèn luyện thanh niên.
Ngày mà viện sử học đã có thành tích và việc dạy sử ở trường học đã xoay hướng hẳn lại thì một người có năng lực như ông Từ Ngọc sẽ cống hiến cho nền giáo dục những sách hay một cách dễ dàng.
NGUYỄN HỮU  ĐANG
Kiều Mai Sơn sưu tầm và giới thiệu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hậu quả của phát triển nóng, coi thường sinh mang người dân của TQ:

Ngày 13.8, Tân Hoa Xã xác nhận đã có 44 người chết – trong đó có ít nhất 12 lính cứu hỏa - và 520 người bị thương trong hai vụ nổ kinh hoàng được mô tả là “giống như nổ bom hạt nhân” xảy ra tại một khu công nghiệp ở thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc.
Vụ nổ bùng phát từ một kho chứa hàng của công ty Rui Hai International Logistics, một công ty chuyên cất trữ và vận chuyển các loại hóa chất nguy hiểm. Sau khi vụ nổ xảy ra, các lãnh đạo công ty này đã bị cảnh sát bắt giữ để điều tra.
 TQ: Vụ nổ “như bom hạt nhân” qua lời kể nhân chứng - 1
Vụ nổ kinh hoàng được mô tả "như bom hạt nhân"
Quả cầu lửa hình thành sau vụ nổ lớn đến mức thiêu rụi 1.000 chiếc xe ô tô mới tinh đậu gần đó. Sóng xung kích phát ra từ vụ nổ tương đương 21 tấn thuốc nổ TNT phá tan cửa kính, bể cá trong nhà dân cách đó nhiều cây số, khiến người dân Thiên Tân hoảng hốt bỏ chạy trong đêm tối.
Ngôi nhà của vợ chồng anh Qian Jiping bị hư hỏng nặng sau vụ nổ. Người công nhân sống gần khu công nghiệp cho biết: “Lúc nghe tiếng nổ đầu tiên, tôi nghĩ mình thế là xong đời rồi”.
 TQ: Vụ nổ “như bom hạt nhân” qua lời kể nhân chứng - 2
Người dân hoảng hốt tháo chạy trong đêm
Rất may hàng xóm đã có mặt kéo vợ chồng anh ra khỏi đống đổ nát, và họ cứ thế bỏ chạy bằng chân trần trong tuyệt vọng, bất chấp vô số những mảnh kính vỡ nằm la liệt ở khắp nơi.
Ở trong ngôi nhà cách khu công nghiệp khoảng 4 km, cô Liu Yue cho biết sóng xung kích phát ra từ vụ nổ đã phá tan cửa kính và đồ đạc trong nhà cô. Người phụ nữ sống ở tầng 16 của tòa nhà chung cư cho biết: “Lúc đầu tôi nghĩ đó là một trận động đất. Tôi đã vô cùng hoảng sợ và lo cho gia đình mình. Cả tòa nhà 16 tầng này không ngớt rung chuyển trong vụ nổ”.
 TQ: Vụ nổ “như bom hạt nhân” qua lời kể nhân chứng - 3
Khung cảnh tan hoang ở một tòa nhà gần khu công nghiệp
Nhiều giờ sau vụ nổ, khói lửa vẫn bốc lên dữ dội trong khu công nghiệp. Nhà chức trách Trung Quốc đã huy động 6 tiểu đoàn lính cứu hỏa tới để kiểm soát tình hình, tuy nhiên đến sáng nay, ít nhất 12 lính cứu hỏa đã thiệt mạng và nhiều người khác vẫn đang mất tích.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng phải tuyên bố ngừng hoạt động dập lửa vì họ chưa nhận được thông tin rõ ràng về các loại hàng hóa, hóa chất độc hại được chứa trong những nhà kho bên trong khu công nghiệp.
 TQ: Vụ nổ “như bom hạt nhân” qua lời kể nhân chứng - 4
Khoảng 1000 xe ô tô đã bị thiêu rụi sau vụ nổ
Ông Wang Kun, một người dân sống ở Thiên Tân cho biết: “Thành phố như vừa trải qua ngày tận thế vậy, mọi thứ trông giống như một bộ phim hành động của Hollywood. Tôi rất mừng vì vẫn còn sống, khi vừa trải qua một đêm đầy khủng khiếp như vậy”.
 TQ: Vụ nổ “như bom hạt nhân” qua lời kể nhân chứng - 5
Người dân lũ lượt sơ tán khỏi khu vực gần khu công nghiệp vì lo sợ hóa chất độc hại
Trong khi đó, các bệnh viện ở Thiên Tân đang trở nên quá tải vì phải tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân cùng một lúc. Phần lớn những người này đều bị bỏng nặng trong vụ nổ và ngộ độc do hít phải hóa chất. Một người đàn ông liên tục gào khóc bên ngoài bệnh viện: “Sao ông Trời lại cướp con gái tôi đi, tại sao?”
Theo Hồng Hà (Theo CNN, USAToday) (danviet.vn
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai làm chạch đẻ ngọn đa?


Kinh khủng quá, đọc bài hành trình kêu oan của ông Trương Bá Nhàn, một người đàn ông cực cùng khổ, đi tù oan về gia đình tan nát, con không nhận ra mặt cha, vợ thờ ơ... 4 năm tù oan, ra tù liên tục 9 năm gửi đơn kêu oan không có hồi âm cho đến khi đơn đến được tay đoàn giám sát của quốc hội. Không nhà cửa, không vợ con, lang thang làm thuê trong rẫy mì kiên trì kêu oan với sự trợ giúp của văn phòng luật sư người nghèo... sự vô cảm của các cơ quan nhận đơn đã lên đến cùng cực, cả khi viên chánh văn phòng viện KS xin lỗi ông chóng vánh có mấy phút với số tiền đền bù cho 4 năm tù oan và hàng ngàn ngày đằng đẵng kêu oan là 295 triệu đồng.
Đọc bài báo này, và chả cần đọc, những người đã từng xử ông, bắt ông, hành hạ ông... có mảy may chút nào tự vấn không nhỉ?
Nghe con ông nói về ông ngày ông được xin lỗi mà đau: "Trong suốt buổi xin lỗi và ngay cả sau khi đoàn xin lỗi đã ra về, T. không một lần nào sang nói chuyện với cha. Trả lời một phóng viên, em nói không còn nhớ mặt cha mình nữa. Chỉ đến khi mẹ chỉ cho T. biết cha là người đàn ông tóc hơi xoăn, làn da đen đúa đang ngồi ở dãy bàn bên kia, T. mới ngó sang và gật đầu". Thông cảm cho cháu, vì bao nhiêu năm qua cháu phải mang thân phận là con của một kẻ giết người.
Ai làm cho sự vô cảm trong xã hội tăng lên? Từ sự việc này ta hiểu phần nào?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cảm ơn bác Thy Đường gửi cho bài này, nhà em sẽ đọc và suy nghĩ tiếp:


TRUNG QUỐC ĐỘC HẠI
Từ lâu, Trung quốc nổi tiếng với sản phẩm độc hại - vốn hiện diện ở mọi ngành nghề sản xuất từ đồ chơi trẻ em, sp điện máy, điện tử, điện lạnh, quần áo, thực phẩm. Hàng của TQ xuất khẩu đến nhiều quốc gia với giá rẻ bèo nên được giới "dân nghèo thanh thị" ở các nước ưa chuộng và sử dụng. TQ còn là vua hàng nhái, vua ăn cắp. Mọi giá trị truyền thống đạo đức của người TQ đã bị phá tan tành bởi CM Đại Văn hóa thời "Mao - ít" và Giang Thanh, được phát huy tối đa trong thời kỳ đại tham nhũng của Giang Trạch Dân.
Đáng chú ý là chữ giản thể của TQ (viết ít nét đi so với chữ Hán cũ, gọi là phụng thể) đã làm mất đi sạch sẽ cái cốt lõi tinh túy trong từng bộ chữ của TQ ( sĩ, ái, thân, đạo...) nhưng đặc biệt các chữ ''QUỶ, MA, THAM, ĐỘC , LỪA GẠT (phiến), CỜ BẠC (đổ), DÂM ..." vẫn được giữ y nguyên, không thay đổi , xấu xa thì giữ lại, nhân ái, lạc đạo, liêm sĩ, sĩ khí... thì bị đẩy lùi và biến mất, hoàn toàn đúng với thực trạng hiện nay của Trung quốc cộng sản. Phần NGƯỜI đã mất, chỉ còn lại phần CON, mà đều là CON QUỶ, CON MA mới chết chứ. Những loại CON này đều có đủ TÀN BẠO và NHẪN TÂM để cai trị đất nước họ.
Việt Nam chúng ta sống cạnh những loại CON này, quả là điếu bất hạnh. Chúng hại ta bằng quân sự không xong thì hại ta bằng vũ khí thực phẩm, hàng hóa độc hại khác và vũ khí TIỀN, đánh thẳng vào lòng THAM BẢN NĂNG của con người bằng những CHÍNH SÁCH NGẦM phá hoại kinh tế của Việt Nam (như chuyên sản xuất hàng độc hại chỉ tiêu thụ ở VN, cho người làm thương lái tung gí trên trời để mua sản vật, nông sản - lá điều, khoai lang, sầu riêng non... nhiều lắm quý vị ơi) rồi "chạy làng" để lại quả đắng cho chúng ta, nhất là những nông dân nghèo, những thương lái NGU vì chính lòng tham của họ
Tuy cùng thể chế Cộng sản như TQ nhưng người VN chưa đủ tàn bạo và nhẫn tâm để trấn áp kiểu chuyên chính vô sản. Nên mọi người vẫn được hưởng yên bình và tự do trong đất nước. Tuy đó đây vẫn có hiện tượng suy đồi đạo đức, thoái hóa bản chất nhưng chung quy giới chức lãnh đạo VN không ác độc, xấu xa tàn nhẫn như lãnh đạo Trung quốc. Lãnh đạo VN vẫn có Phật, có Chúa trong lòng nên nhiều vị tuy có tham nhưng chưa đủ ác để thực thi những chính sách bạo tàn như CS TQ và cả CS Bắc Triều tiên nữa, cũng hung bạo không kém gì mấy chú tàu chệnh cộng sản TQ.
Không biết dùng từ gì hay hơn để nói về TQ : TRUNG QUỐC ĐỘC HẠI, không chỉ với chính nhân dân của họ mà cả với VN và thế giới. Chỉ riêng vụ biển Đông không cũng đủ thấy mức độ dã tâm và độc hại của TQ đến đâu rồi. Nếu Thế chiến xảy ra thì dứt khoán TQ thuộc phe Trục (biểu trưng cho phái TÀ ÁC")
CS TQ và BTT không tin vào nhân quả nghiệp báo, nhưng CS VN thì có tin vào, chả thế mà không thiếu gì thành phần lãnh đạo quan chức tham nhũng nhiều tiền quá bèn phát tâm đi cúng dường tam bảo để giảm bớt phần tội lỗi (dù rằng thực chất kiểu cúng dường này của họ gián tiếp gây thêm tội - tội làm tha hóa các sư thầy, kích động lòng tham bản năng của con người khiến nhiều Sư Thầy quên mất phần tu mà chạy theo lợi dưỡng của Phật tử,)
Bằng những chính sách tại hại, ĐCSTQ đã tạo ra tiền đề sinh sản cho hoạt động thương mại trái với đạo đức và thiết lập các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm lỏng...
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự kiện lịch sử 30.4: Nhìn từ nhiều phía


Kỳ 34: Diễn văn từ chức của tổng thống Thiệu qua hồ sơ số 3791-FONT PTT

dien van tu chuc cua tong thong Thieu
Kissinger và tổng thống Thiệu

Thiệu nói như hét vào mặt Kissinger và Bunker tại dinh Độc Lập: “Chúng tôi sẽ không ký vào hiệp định Paris !” - Vì sao?

Trước khi đọc lời giải thích của tổng thống Thiệu, chúng ta hãy thử tham khảo nguyên văn đoạn trích dưới đây trong công bố của Bộ Ngoại giao CHXHCN VN - Hà Nội 10.1979 (tài liệu đã dẫn Kỳ 33) liên quan đến sự việc:
“Khi Nixon kết thúc cuộc đi thăm Trung Quốc hai bên đã ký thông cáo Thượng Hải ghi nhận kết quả hội đàm giữa hai bên, trong đó có một đoạn như sau:
“Mỹ khẳng định mục tiêu cuối cùng là  rút hết các lực lượng và cơ sở quân sự ra khỏi Đài Loan. Trong khi chờ đợi, tùy theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi (hàm ý nói đến cuộc chiến sôi động ở Đông Dương – chủ yếu ở Việt Nam thời đó - GH), Mỹ sẽ dần dần giảm lực lượng và cơ sở quân sự của Mỹ ở Đài Loan (Mỹ nêu điều kiện để đánh đổi – GH).
“Đầu tháng 3.1972, khi thông báo cho phía Việt Nam về cuộc hội đàm với Nixon, đại diện những người lãnh đạo Trung Quốc đã giải thích về đoạn thông cáo trên như sau:
“Muốn bình thường hóa quan hệ Trung Mỹ, muốn làm dịu tình hình ở Viễn Đông, thì trước hết phải giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương (…)”.
Thâm tâm của Bắc Kinh là lợi dụng vấn đề Việt Nam để giải quyết trước vấn đề Đài Loan. Nhưng Việt Nam (Hà Nội - GH) kiên quyết giữ vững đường lối độc lập tự chủ của mình. Do đó những người lãnh đạo Trung Quốc và tổng thống Nixon mới thỏa thuận (rằng):

“Trong khi chờ đợi, tùy theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi…”
“Điều đó có nghĩa là nếu Bắc Kinh muốn thúc đẩy việc rút lực lượng và các cơ sở quân sự của Mỹ ra khỏi Đài Loan thì họ cần ép Hà Nội đi vào một giải pháp thỏa hiệp với Mỹ”.
Từ Sài Gòn, tổng thống Thiệu đinh ninh “giải pháp thỏa hiệp” đã được Kissinger (phía Mỹ) và Lê Đức Thọ (phía VNDCCH) âm thầm thể hiện trước (qua bản dự thảo hiệp định Paris 10.1972), rồi mới thông báo với ông sau. Nên lúc đầu ông phản ứng dữ dội, quyết liệt, không đồng ý ký vào hiệp định và Hồi ký Richard Nixon (sđd Kỳ 32) cũng nhắc đến phản ứng đó của Thiệu. Nixon gởi “tối hậu thư” đến dinh Độc Lập dọa nếu VNCH không ký thì chính phủ Mỹ vẫn ký và hàm ý thông báo trong trường hợp “đáng tiếc” đó hậu quả sẽ không mấy tốt đẹp sẽ đến với Sài Gòn và cá nhân Thiệu. Vào giờ cuối, Thiệu đã nhượng bộ để “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết bởi đại diện của 4 bên, gồm: 1Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 2Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 3. William P. Rogers - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. 4. Trần Văn Lắm – Tổng trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Lúc ấy (1.1973), dầu phải “gật đầu” ký hiệp định nhưng tâm tư Thiệu “không chấp thuận”. Đến khoảng hơn một tuần trước ngày 30.4.1975, Thiệu bộc lộ tất cả uất ức qua phiên họp với đại diện các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp của VNCH đêm 21.4.1975 tại phòng Khánh tiết dinh Độc Lập, nói rõ:
“Cái bản văn hiệp định đó là bản văn hiệp định Hoa Kỳ bán miền Nam Việt Nam cho cộng sản. Và tôi đã có đủ can đảm nói với ông ngoại trưởng Kissinger lúc đó (rằng) nếu như ông chấp nhận bản hiệp định này, nghĩa là ông chấp nhận bán cái miền Nam này cho cộng sản. Còn tôi mà chấp nhận cái bản văn hiệp định này thì tôi cũng chấp nhận phản quốc, bán cái dân tộc và đất nước miền Nam cho cộng sản. Ông (Kissinger) có chấp nhận thì chấp nhận vì quyền lợi của Hoa Kỳ, vì lý do riêng tư  tôi không biết, nể nang nhau, đổi chác nhau, đem quyền lợi sinh mạng của dân tộc miền Nam này ra bán – chớ tôi là người Việt Nam, tôi không chấp nhận.
Bản văn hiệp định đó là một bản văn mà tôi đã từ chối, tôi đã phản đối trong 3 tháng trời (từ 10.1972 đến 1.1973 - GH). Và trong 3 tháng trời ấy chỉ có 3 điểm chánh mà tôi tranh đấu sống chết. Và sự tranh đấu của tôi được chứng minh một cách rõ ràng bởi mỗi một lần tôi mời họp có ông chủ tịch Thượng viện Nguyễn Văn Huyền cũ, ông chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Cẩn, ông Tổng trưởng ngoại giao, ông chủ tịch Tối cao pháp viện, có Phó tổng thống, đại tướng Tổng tham mưu trưởng và Thủ tướng, thỉnh thoảng có một vài nhân vật chính trị khác. Ba cái điểm mà tôi cho là mất nước:
1. Một chính phủ ba thành phần ở trên chốp-bu đã chỉ huy hai chính phủ là chính phủ VNCH và chính phủ của Mặt trận giải phóng, và cái chính phủ liên hiệp ba thành phần đó được đặt để cho tới tỉnh, quận, xã, ấp. Tôi cho đó là một cái chính phủ liên hiệp, dù dưới hình thức nào, dù ở cấp bậc nào, tôi cũng không chấp nhận và tôi không chấp nhận cái chuyện đó là từ 5, 7 năm trước.
Cho nên, đừng có nói gì tới ấp cho tới xã, mà ngay cả trung ương tôi đã không chấp nhận 3 thành phần, 4 thành phần và 2 thành phần tôi cũng không chấp nhận, cho nên tôi đã nói không chấp nhận !.
2. Là họ chỉ nói ở Đông Dương, chỉ có 3 quốc gia là Cao Miên, Ai Lao và Việt Nam. Tôi nói ngoại trưởng Kissinger, Việt Nam nào? Việt Nam của Sài Gòn hay Việt Nam của Hà Nội? Nếu mà ông chấp nhận bản văn này là ông chấp nhận cái Việt Nam của Hà Nội (…) Tôi không chấp nhận. Tôi muốn trở về nguyên thủy hiệp định Genève là có hai quốc gia Việt Nam, hai chính quyền Hà Nội và Sài Gòntôi kêu họ là Việt Nam Dân chủ Cộng hòahọ phải kêu tôi là Việt Nam Cộng hòa không xâm phạm lẫn nhau, lấy vĩ tuyến 17 và lấy hiệp định Genève làm căn bản, chờ đợi ngày thống nhất bằng phương tiện hòa bình và dân chủ, dù cho ngày đó không biết là ngày nào. Tôi bác cái chuyện đó. Tôi nói trở về hai miền Nam Bắc, hai quốc gia riêng biệt có thể vô Liên Hiệp Quốc, giữ cái vĩ tuyến 17, giữ vùng phi quân sự chờ ngày thống nhất.
3. (Về) quân đội Bắc Việt, thì ông ngoại trưởng Kissinger chấp nhận là quân đội Bắc được quyền ở trong miền Nam một cách hợp pháp, đương nhiên. Tôi nói điểm này là điểm quan trọng nhất (…) Tôi nói điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là quân đội Bắc Việt phải rút lui về Bắc. Ông Kissinger trả lời với tôi rằng: “Cái chuyện này thương thuyết với Nga Sô, Trung Cộng đã 3 năm nay không được, Mỹ chịu thua”.
Trên là đoạn trích từ bài nói chuyện cuối cùng của tổng thống Thiệu tại Sài Gòn sau 9 năm cầm quyền (1966 – 1975) được lưu giữ nguyên văn tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II - TP. HCM (theo số hồ sơ và Font đã nêu) dưới đề mục “Diễn văn từ chức của Nguyễn Văn Thiệu ngày 21.4.1975”.
Đoạn cuối, ông Thiệu nhắc đến quyết định của Mỹ cắt giảm viện trợ VNCH từ 1,4 tỷ USD xuống 700 triệu, rồi cắt nữa chỉ còn 300 triệu. Con số hẩm hiu đó vẫn bị Mỹ “treo lắc lư, lắc lư cả năm trời không nói tới. Trong khoảng thời gian đó quân đội VNCH đã mất hết 60% tiềm năng chiến đấu. Một ông võ sĩ mất hết  60% sức lực, và cái vấn đề đánh nhau là hễ mạnh là mạnh luôn, mà yếu là yếu luôn, nó cũng như con bệnh, hễ mạnh là vượt qua, hễ yếu là bị kiệt sức luôn. Quý vị có thể tưởng tượng trong thời gian Hoa Kỳ cắt viện trợ của chúng ta, mà chúng ta mất hết 60% tiềm lực chiến đấu thì cái gì sẽ xảy ra ? Số thương vong gấp bội, bởi vì không có phương tiện không quân yểm trợ, mà pháo của ta lại thua pháo của họ, nội thương vong vì pháo của ta lên rất cao, rồi chết lại lên cao vì thiếu trực thăng để tải thương. Thậm chí, vô nhà thương mà một cái băng phải băng đi băng lại tới hai lần, thật vô nhân đạo đối với một chiến sĩ bị thương !”.
Tướng Murray cùng các cộng sự trong ban tham mưu của Murray đã soạn thảo để gởi đến tổng thống Thiệu một tài liệu đặc biệt, nội dung phân tích về tương tác của viện trợ Mỹ đối với sức sống còn của VNCH, cô đọng qua 5 chữ “nếu” đáng sợ sau:
1.    Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả 4 vùng chiến thuật;
2.    Nếu là 1,1 tỷ thì Quân khu 1 phải bỏ; 
3.    Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt;
4.    Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc và khó điều đình được với Bắc Việt;
5.    Nếu quân viện dưới 600 triệu thì chính phủ VNCH chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long;
Đó là 5 tuyến phòng thủ tương đương với 5 mức độ quân viện. Tướng Murray kết luận: “Ta có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như mất đất vậy” (Khi đồng minh tháo chạy, sđd Kỳ 2, tr. 234-235).
Vậy, với mức quân viện quá thấp (300 triệu USD thời điểm 1974-1975), hẳn nhiên nhịp thở của nền đệ nhị Cộng hòa bị đứt quãng, lâm nguy, dẫn đến sụp đổ trước cuộc tấn công của đối phương. Các nhà nghiên cứu và quan sát quốc tế nhận định thêm:
Ngoài “yếu tố Mỹ” (bỏ rơi), cần phải xét đến “yếu tố nội tại” (tự phân hóa) khiến VNCH suy yếu. Lỗi dễ thấy nhất là: những bất hòa dai dẳng trong hàng ngũ lãnh đạo của quân đội VNCH (xem rõ thêm: Đọc hồi ký các tướng tá Sài Gòn xuất bản ở nước ngoài- Báo điện tử  Một thế giới tháng 11 & 12.2014) đã gây chia rẽ và bất ổn nội bộ triền miên. Nên sau 30.4.1975, vị phụ tá đặc biệt của tổng thống Thiệu đã kêu lên:
-                “Trước những thất bại, ta phải tự trách mình “mea culpa” (lỗi tại tôi)!”. (còn nữa)
Giao Hưởng
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Trung Quốc quên lời hứa, phá giá nội tệ ngày thứ 3 liên tiếp


nhan dan te
Nhân dân tệ bị phá giá ngày thứ 3

Thế giới tiếp tục bàng hoàng Trung Quốc tiếp phá giá sâu đồng nội tệ trong ngày thứ 3 liên tiếp. Tỷ giá tham chiếu ngày 13.8 được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố ở mức 6,4010 nhân dân tệ đổi một USD, theo Bloomberg. Con số này thấp hơn 1,1% so với mức 6,3306 được công bố hôm qua.

Như báo điện tử Một Thế Giới đưa tin về việc Trung Quốc đang thực hiện phá giá đồng nội tệ. Sau 2 ngày liền Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), với tỷ giá tham chiếu của đồng tiền này so với đồng USD giảm tổng cộng 3,5%, PBOC vẫn chưa thỏa mãn.
Thế giới tiếp tục bàng hoàng Trung Quốc tiếp phá giá sâu đồng nội tệ trong ngày thứ 3 liên tiếp. Tỷ giá tham chiếu ngày 13.8 được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố ở mức 6,4010 NDT đổi một USD, theo Bloomberg. Con số này thấp hơn 1,1% so với mức 6,3306 được công bố hôm qua.
Theo VNE, tính đến 9h35 sáng nay (giờ Thượng Hải), một USD đã đổi được 6,42 nhân dân tệ (NDT). Như vậy, tỷ giá NDT trên thị trường đã giảm thêm 0,5%, sau khi đã mất tổng cộng 2,8% trong 48h trước đó.
Biên độ dao động giữa tỷ giá tham chiếu và giá giao dịch thực tế hiện được cơ quan quản lý Trung Quốc giữ ở mức 2%. Do vậy, với mức tham chiếu nêu trên, tỷ giá giao dịch trên thị trường nước này có thể dao động trong khoảng 6,2730 - 6,5290 đổi một NDT.
Vậy mà để trấn an các thị trường, thì hôm 12.8 PBOC khẳng định sẽ duy trì tỷ giá hối đoái ổn định về cơ bản, đồng thời tuyên bố không có cơ sở kinh tế nào để đồng nhân dân tệ giảm giá thêm nữa.
Động thái này cho thấy sự quan ngại của các nền tài chính khác xung quanh Trung Quốc là có cơ sở.  Vào hôm qua, giá trị đồng won của Hàn Quốc giảm 0,8%, đồng đô la Đài Loan giảm 0,3%, đồng rupiah của Indonesia giảm 1,9%, peso của Philippines giảm 0,5%. Đặc biệt, ringgit của Malaysia giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, còn đô la Singapore giảm nhiều nhất trong vòng 5 năm. Và không ai chắc các đồng tiền trên sẽ có giữ được mức ổn định không khi Trung Quốc phá giá thêm 1,1% giá trị đồng nhân dân tệ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang