Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Không nhẽ bọn khủng bố nhầm địa chỉ?

Hải quan Tân Sơn Nhất: 'Khó có chuyện chuyển nhầm 100 súng về Việt Nam'

Theo Hải quan Tân Sơn Nhất, gần 100 khẩu súng quân dụng phát hiện trên chuyến bay về Việt Nam không thể chuyển nhầm do không có tờ khai hải quan; phía Singapore cũng chưa nhận là chủ lô hàng.

Ngày 5/8, trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất cho biết toàn bộ hồ sơ vụ bắt giữ 94 khẩu súng và 472 băng đạn đã được bàn giao cho Bộ Công an điều tra, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Lô hàng này được đựng trong hai thùng carton, trên chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến sân bay Tân Sơn Nhất, và được chuyển bằng đường hàng hóa thuộc diện bình thường. Khi Hải quan phát hiện sự việc, hai thùng hàng đã được chuyển vào trong kho chứ không phải tìm thấy chúng trên máy bay như có thông tin trước đó. Tuy nhiên, trong tờ khai hàng hoá nhập vào Việt Nam (thủ tục bắt buộc đối với mỗi chuyến bay) không có hai thùng carton này. 
Về thông tin đây có thể là lô vũ khí được Singapore nhập về từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng quá trình vận chuyển đã "đi nhầm" sang Việt Nam, lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất cho rằng điều này là cực kỳ khó. Theo ông, ở Việt Nam hay ở bất cứ quốc gia nào vũ khí là một loại hàng hoá đặc biệt, chuyện mua bán phải qua những thủ tục và quy trình rất chặt.

"Nếu cho rằng lô hàng chuyển nhầm, thì địa chỉ đến của nó phải là Việt Nam. Nghĩa là trong tờ khai hàng hóa vẫn phải đề cập đến nó, có thông tin về nó. Nhưng đằng này chúng tôi không nhận được bất kỳ giấy tờ, thông tin nào. Mặt khác, Singapore là chủ lô hàng thì chắc chắn họ đã có động thái với Việt Nam, song đến nay chúng tôi chưa nhận được đề nghị gì từ phía họ", lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất nói.
tangvat-1687-1438684964.jpg
Số vũ khí quân dụng Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất bắt giữ. Ảnh: H.Q
Trước đó, ngày 31/7 nhà chức trách phát hiện 94 súng ngắn quân dụng thuộc dòng CZ P-07 và 472 băng đạn chưa qua sử dụng. Đây là lượng vũ khí nhập lậu vào Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, mang tính chất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
CZ P-07 thuộc dòng súng lục nổi tiếng CZ 75 của Cộng hòa Czech, là phiên bản dành cho quân đội và lực lượng hành pháp. Súng dài 185 mm, chiều dài nòng 85 mm, trọng lượng rỗng 770 g, tầm bắn hiệu quả 50 m và sử dụng băng đạn 16 viên. Đây là loại vũ khí sử dụng trong các nhiệm vụ của cảnh sát và hoạt động nằm vùng.
So với CZ 75, mẫu P-07 được thiết kế lại cơ chế bóp cò, giảm số lượng các bộ phận và dễ bắn hơn. Vỏ súng làm từ polymer để giảm trọng lượng. Súng hoạt động theo nguyên lý giật ngắn, có khóa an toàn để hạn chế tối đa khả năng vô tình khai hỏa.
Liên quan đến vụ việc, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã nhận được thư khen của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Phó Thủ tướng ghi nhận thành tích và cho rằng kết quả này đã góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Quốc Thắng 
Nguồn: Vnexpress

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Video 3/3: PHỎNG VẤN CHIÊM TINH GIA HUYỀN LINH TỬ NHÂN SINH NHẬT 04-8-20...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Video 2/3: PHỎNG VẤN CHIÊM TINH GIA HUYỀN LINH TỬ NHÂN SINH NHẬT 04-8-20...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Video 1/3: PHỎNG VẤN CHIÊM TINH GIA HUYỀN LINH TỬ NHÂN SINH NHẬT 04-8-20...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI NÓI THẲNG NÓI THẬT VỚI NHAU


Chúng ta luôn hô hào nói thẳng, nói thật, thường xuyên phê và tự phê... nhưng đã có ai nói thẳng những gì mình nghĩ trong đầu, mình hiểu, mình biết, mình thấy...

Có rất nhiều nguyên nhân, ngại cũng có, sợ cũng có, khinh bỉ cũng có...

Nhưng có một thứ làm mọi người gần như tụt hết nhuệ khí, im lặng không có ý kiến, hoặc có là chỉ xì xào đâu đó, ấy là khi người ta lợi dụng sự cao cả, những điều thiêng liêng... để thực hiện lợi ích của mình.

Cho đến khi cái tin Sơn La quyết định xây tượng đài ông cụ với 1.400 tỉ đồng thì tất cả những gì âm ỉ lâu nay, của dân, của cán bộ... mới bùng ra, phẫn nộ có, mỉa mai có, thương xót có...

Hầu như tất cả các báo chí chính thống, và tất nhiên tràn ngập các trang mạng xã hội, người ta nói về việc này. Mỗi  người một ý, nhưng tựu chung là người ta phản đối, quyết liệt phản đối việc này.

Hôm qua tôi quăng lên facebook một stt ngắn: " TÔI kiến nghị Bộ chính trị phải hết sức cân nhắc trước khi quyết định cho tỉnh thành nào đó tiếp tục xây tượng đài ông cụ. Chừng ấy (đã có) đã là quá nhiều. Yêu nhau không phải là cứ tượng đài ngàn tỉ. Nhà thơ Cách mạng ròng Tố Hữu từng mỉa mai: Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn. Thực ra, tôi biết, những người tỏ ra yêu quý ông cụ phần lớn là lợi dụng ông cụ đấy. Ngàn tỉ vào cái tượng đài trong khi dân còn đói, lụt bão liên miên, nợ công ngút ngát...

Đã đến lúc cần phải nói thật. Lâu nay chúng ta cứ húy kỵ, đụng đến húy kỵ là tránh xa, nên một số người cứ gắn mác rồi bày ra hết việc này đến việc kia mà không ai dám phản đối. Khi còn sống cụ giản dị bao nhiêu thì giờ con cháu bày ra bắt cụ xa hoa lộng lẫy bấy nhiêu...
Đây là phát biểu chân thành, có trách nhiệm, đề nghị không comment xúc phạm hoặc chửi bới bậy bạ, chủ phây sẽ del...". Chỉ trong vòng 8 tiếng đồng hồ đã có  "2,5 nghìn lượt thích279 bình luận111 lượt chia sẻ". Và không chỉ fb của tôi, hầu như số like, comment tăng vọt trên tất cả các trang mạng, chứng tỏ sự quan tâm của nhân dân đến vấn đề này.

Lâu nay chúng ta hay dùng từ "thể theo nguyện vọng của nhân dân...". Nhưng thực ra nhân dân có được hỏi bao giờ đâu. Có chăng hỏi qua HĐND, nhưng phần lớn là việc đã rồi, bởi trước khi đưa ra hội đồng thì thường trực đã quyết, hội đồng chỉ... giơ tay.

Nhưng có một lần một hội đồng đã phủ quyết 1 việc lớn.

Ấy là tỉnh GL, sau khi làm xong cái tượng đài ông cụ hết mấy trăm tỉ, "thừa thắng xông lên" xây thêm một khu liên cơ thứ 2. Mọi việc đã chuẩn bị xong, mấy cơ quan đã được chỉ địa điểm "di tản", đã đóng gói đồ đạc tài liệu, thuê xe vận chuyển... thì kỳ họp HĐND tỉnh khai mạc. Mọi việc tiến triển như mọi cuộc họp khác, cho đến khi có một ý kiến chất vấn về việc có cần thiết xây thêm khu hành chính liên cơ không, trong khi các trụ sở cũ còn mới, đất đai cũng không phải thiếu vân vân và vân vân. Cuối cuộc họp thì chủ tịch đoàn tổ chức biểu quyết, và, chuyện bất ngờ và lạ nhưng vô cùng đúng đắn đã xảy ra: HĐND tỉnh GL phủ quyết việc xây khu liên cơ thứ 2. Khỏi nói CBCNV mấy cơ quan phải chuyển mừng thế nào, họ lại mở tài liệu đồ đạc đã đóng gói ra, tiếp tục làm việc...

Khi nhân dân được hỏi thật sự thì họ mới thể hiện được nguyện vọng. Cái chuyện HĐND tỉnh GL phủ quyết việc xây liên cơ khi việc hầu như "đã rồi", bởi một mặt nó là nguyện vọng của dân, mặt khác, nó lộ liễu và phi lý quá.

Tình cảm là không thể đong đếm, nói như đồng chí cán bộ nào đó của tỉnh Sơn La, nhưng là tình cảm của ai, của một số đồng chí cán bộ hay toàn thể nhân dân. Thôi chả cần nhắc cái việc tỉnh Sơn La đang còn bao nhiêu hộ đói nghèo, bao nhiêu huyện đói nghèo, ngay ở tỉnh GL có cái tượng hoành tráng kia dân nào cũng đã khá giả hơn đâu, nhưng rồi tượng vẫn được dựng, kéo theo những hệ lụy...

Lâu nay cứ cần đến một việc gì đấy, người ta lại vin vào một cái cớ thiêng liêng nào đấy, trong khi thiêng liêng nhất, là đời sống của dân, tâm tư nguyện vọng của dân, thì người ta lại lơ là.

Học tập ông cụ, hãy học tập từ những điều nhỏ nhất mà cụ làm, cụ thích, cụ ao ước, và hãy làm đúng tâm nguyện của cụ. Chúng ta hiện đang học tập cụ rất rầm rộ, nhưng có vẻ như lại toàn đi ngược những điều cụ nói...

Thực ra, gõ một hồi, tôi thấy cái tít của entry này lớn quá, bởi trong bài này tôi cũng đã nói thẳng nói thật gì được đâu?





Phần nhận xét hiển thị trên trang

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

 

   HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)
  Kỳ 13
    Bùi Ngọc Tấn
*
Trước bữa ăn rồng đất mấy tháng, tôi, một kẻ không buôn bán, không làm chính trị, lại cứ ngong ngóng tin ký kết hiệp định thương mại Việt – Mỹ. Chưa bao giờ tôi quan tâm tới thời sự như vậy. Tôi nghe đài. Tôi xem ti vi. Tôi hỏi những người bạn đã về hưu mà cái thú vui duy nhất của họ là ôm lấy cái đài, và thuộc lòng các giờ phát tin của các đài RFI, BBC, Á Châu Tự Do, Tiếng Nói Hoa Kỳ. Những người quen tôi không hiểu tại sao tự nhiên tôi lại quan tâm tới thời sự, những diễn biến chính trị trong nước và trên thế giới, một việc từ trước tới nay tôi luôn thờ ơ. Tôi biết nước ta đã cử một đoàn đại biểu sang Mỹ thảo luận về hiệp định thương mại. Tôi biết bà ngoại trưởng Mỹ sắp sang Việt Nam vì hiệp định thương mại ấy. Tôi tính từng ngày. Bà Albright đang thăm nước nào và sẽ đến Việt Nam ngày nào. Tôi nghe ngóng từng lời phát biểu của ông Bill Clinton. Có lẽ cả nước Việt Nam chưa có người nào quan tâm và mong mỏi ký kết hiệp định thương mại Việt Mỹ như tôi, mặc dù tôi không hiểu rõ lắm cái hiệp định ấy sẽ mang lại cho nước ta những mối lợi gì. Nhưng chắc chắn là có lợi, như anh Bùi Văn Ngợi đã nói phải chờ ký xong hiệp định thương mại với Mỹ rồi mới in được tiểu thuyết của tôi. Tôi phải tuân theo lời anh. Nhưng tôi nhớ khi chỉ còn ba chúng tôi — Lam Luyến, tôi và Tốn — Lam Luyến rất bực, bảo tôi:
    – Các ông ấy sợ Mỹ nêu vấn đề nhân quyền. Nhưng đây là sáng tác văn học, là tiểu thuyết. Có phải một bản báo cáo đâu. Với lại chuyện đã xẩy ra cách nay mấy chục năm rồi.
Cuối cùng bà ngoại trưởng Mỹ Albright đã tới Hà Nội. Đã hội đàm. Đã đi. Các ông nghị Hoa Kỳ đã tới Việt Nam và đã đi. Chẳng thấy hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ đâu. Và những người bạn hưu trí bám đài bám làn sóng điện bảo tôi: Không ký rồi. Chính phía ta không ký. Và tiếp theo là biết bao tin đồn mà tôi nghĩ đều chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông kẹ nọ ông kẹ kia đọc xong dự thảo hiệp định nói: Thế này đổ xương đổ máu đánh Mỹ làm gì? Ký hiệp định này là mất nước. Lại có vị ủng hộ việc ký hiệp định bằng một câu kết luận không cho bàn cãi: Không ký là ngu! Tất cả chỉ là những tin tức vỉa hè. Tôi hiểu cái mốc thời gian ký hiệp định mà tôi mong đợi đã qua rồi. Quả bóng không ở phía Mỹ. Lê Bầu còn hài hước: In tiểu thuyết của ông bây giờ là rất tốt. Đúng thời cơ. Mấy ông không muốn ký sẽ đổ lỗi cho tập tiểu thuyết của ông, vì nó mà Mỹ nêu cái cớ nhân quyền, không ký. Chứ không phải vì các ông ấy bảo thủ.
Từ Hải Phòng, tôi điện thoại lên Bùi Văn Ngợi:
– Hiệp định thương mại không ký được là do ta chứ không phải Mỹ. Đề nghị anh cho in sách thôi anh ạ.
Rất điềm nhiên, Ngợi trả lời như vấn đề đã được giải quyết xong từ lâu rồi:
– Thế thì in.
Chúng tôi cùng cười. Ngợi thêm:
– Nhưng hình như anh Cao Giang nói còn một số điểm phải sửa thêm nữa đấy. Cũng ít thôi. Anh tranh thủ lên nhé.
Đó là một ngày đầu năm 2000, tôi đi dự đại hội nhà văn các tỉnh Bắc Bộ ở Việt Trì. Khi đoàn nhà văn Hải Phòng đến Hà Nội và nghỉ lại để anh chị em đi chơi và chờ ăn trưa, tôi nhẩy xe ôm đến nhà xuất bản Thanh Niên. Đã gọi điện hẹn trước, Cao Giang chờ sẵn. Chúng tôi làm việc ngay. Nói cho đúng, chỉ là những chi tiết anh Cao Giang đã chữa rồi, nhưng tôn trọng tôi, anh muốn tôi biết và đồng ý. Tôi không nhớ là những chi tiết gì, trừ cái việc anh đổi tên chức danh của một đơn vị tổ chức công an: Những cụm từ phòng bảo vệ văn hoá, trưởng phòng bảo vệ văn hoá rải rác trong tập sách đều được chữa là phòng đặc trách văn hoá, trưởng phòng đặc trách văn hoá. Cứ như là đơn vị này được lập ra một thời gian rồi giải tán. Cao Giang giải thích:
– Cánh bảo vệ văn hoá đến đây luôn. Nghe thấy nói có bản thảo nào căng căng là đến. Chữa thế cho họ khỏi tự ái.
Tôi không để ý đến chức danh Cao Giang mới sáng tác ra. Mà nghĩ đến một việc khác nhưng không dám hỏi: Công an đã biết có một quyển tiểu thuyết viết về nhà tù đang sắp được các anh xuất bản chưa? Tôi cảm thấy các anh hơi hồn nhiên. Hồn nhiên quá. Tôi càng lo. Khi bản thảo đã được sửa lần cuối cùng để đưa in tôi càng lo. Bởi vì như chính Cao Giang đã nói: Cánh bảo vệ văn hoá đến đây luôn. Nghe thấy nói có bản thảo nào căng căng là đến. Rồi tự nhủ: Thôi hãy quên đi. Nghĩ ngợi có ích gì. Tự nhủ mình như vậy nhưng không lúc nào không nghĩ đến cái khúc thời gian ngắn cuối cùng mà tập sách tôi đã ủ 10 năm dằng dặc, một thập niên của một đời người, tập sách tôi nghĩ sẽ làm thay đổi đời tôi, một tập sách về những ngày tươi đẹp nhất và những ngày khốn nạn nhất, viết bằng máu của mình và của những bạn tù, viết bằng lòng biết ơn bố mẹ, tình yêu, nỗi thương xót vợ con và lòng tin của bạn bè, món nợ bất công phải trả, tập sách tôi nghĩ hoặc lần này hoặc không bao giờ nữa, cho đến khi mình qua đời, mình chết.
Ngày nghĩ đến một dây chuyền ở nhà in đang vận hành thì công an sục đến, hay một cú điện thoại từ Cục Xuất Bản, từ Ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương. Đêm mừng vì đã qua được một ngày an toàn, không có sự cố nào từ Hà Nội báo về. Sáng sớm nhìn vợ thắp hương khấn vái cầu mong những điều tốt lành mà lo cho một ngày nữa đang tới, không biết điều gì sẽ xẩy ra…
Sợi chỉ căng giữa thành công và thất bại của cả một đời mong manh quá. Gần như không chịu đựng được nữa, tôi cầu cứu Nietzsche.
Nietzsche với tôi luôn là một mê cung để tôi lạc vào trong đó, để tôi quên đi. Nietzsche với tôi là một khối mâu thuẫn khổng lồ khiến thỉnh thoảng tôi cười một mình. Nietzsche với tôi còn là một kết thúc mở để tôi công nhận hay phản bác với câu Zarathustra đã nói như thế cuối mỗi chương. Và quan trọng hơn cả, Nietzsche với tôi là một nhà thơ, một nhà thơ lớn:
…làm thế nào tinh thần trở thành lạc đà, làm thế nào lạc đà trở thành sư tử và làm thế nào sư tử trở thành trẻ thơ.
Đừng bao giờ bị đè bẹp bởi một pho tượng.
Luôn luôn có vô số những đức hạnh lạc đường bay.
Và chính tinh thần cũng bốc mùi hôi thối.
Mọi người đàn ông xứng với tên gọi đều có ẩn giấu trong hắn một đứa bé muốn chơi đùa. Nào các bà, hãy cố gắng khám phá ra đứa trẻ nơi người đàn ông.
Đây là lời khuyên ta dành cho các ông vua, các giáo hội và tất cả những gì bị suy yếu vì tuổi già và đức hạnh: các ngươi hãy để cho bị lật đổ, cốt để các ngươi trở lại với đời sống và đức hạnh trở về với các ngươi…
Ta biết quá rõ những kẻ giống với Thượng Đế, chúng muốn rằng thiên hạ tin nơi chúng và hoài nghi là một tội trọng. Nhưng ta biết quá rõ chúng tin vào điều gì hơn cả.
(……)
Khi đã nhức đầu vì Nietzsche, tôi chuyển sang viết. Tôi luôn phải động não, không cho mình được nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là sinh ra nghĩ ngợi. Hãy làm việc. Làm việc, mày sẽ yên tâm hơn, quên đi mối lo thường trực.
Tôi kiên trì ngồi trước máy chữ, mổ cò mấy cái chân dung bạn bè mà tôi đang viết dở dang, cố gắng hoàn thành khoảng trên dưới mươi cái, để có thể in thành một tập, dưới một nhan đề chung là Viết Về Bè Bạn. Một thời tuổi trẻ hiện về. Những khuôn mặt còn chưa ngấm đòn đau. Những tiếng cười vang nghịch ngợm. Những mơ mộng sang trang văn học. Đói khát.“Nhịn điếu thuốc nhịn từng vuông vải.” Những người bạn hợp lại thành cuộc đời tôi. Không có họ thì không có tôi hiện nay. Mạc Lân. Lê Bầu. Nguyên Bình… Có một người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất mà tôi không viết được: Tất Vinh, anh ruột Nguyễn Thị Trinh, vợ Dương Tường. Tôi nhớ dáng người cao gầy của anh. Tôi nhớ những vần thơ không dấu như “tiếng Tây” của anh:
Hôm qua Tô An đi lang thang
Tô An lang thang đi nơi đâu
Tô An lang thang ôm tim đau.
Tôi nhớ Nguyễn Trí Tình, một người bạn nghị lực hiếm có, đêm đêm ngồi cầu thang học tiếng Pháp và đã đọc được Jean Christophe từ nguyên bản. Anh quê Nghệ An và nói giọng Nghệ An, tất nhiên. Nhưng mỗi khi có một nữ cộng tác viên, thông tín viên Hà Nội đến tòa soạn, anh lại nói giọng Bắc để tiếp họ. Và cái cách phát âm khó nhọc, cố gắng tách bạch từng tiếng của anh mới buồn cười làm sao. Lúc ấy Phan Mai và tôi hay vào xin tiền anh mua thuốc lá. Lúc ấy anh rút ra “một nắm bạc vụn” không buồn đếm và đưa cho chúng tôi như một người coi tiền như rác. Rồi Vũ Tín với tiếng cười hề hề, ông thông gia chó đéo của bà bán thịt chợ Sắt. Đinh Chương, người tổ trưởng chịu vận hạn cùng tôi, bị bắt giam một thời gian, chẳng có tội gì, tuy không bị tù như tôi nhưng ngày ngày phải đạp xe từ Hải Phòng sang Kiến An lao động khổ sai quai búa chặt sắt quần quật tại một xí nghiệp cá khô hàng chục năm cho tới lúc về hưu, một hình thức đầy ải ghê sợ không kém tù đày. Và Nguyên Bình. Nguyên Bình với tôi mỗi người một bao tải cám sau xe đạp, rất thích ghép các từ lại với nhau như phải chống tư tưởng bi chủ mãn, kiểu bây giờ người ta gọi Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch là Bộ Văn Thể Du…Văng vẳng bên tai tôi tiếng thầm thì buồn buồn cam chịu của anh khi nói về tương lai: “Mày ạ. Chúng ta đang ở giai đoạn quá độ, từ dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa. Không phải rồi tất cả đều tiến lên chủ nghĩa xã hội cả đâu. “Bác” nói muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Cho nên đến lúc ấy phải bình xét từng người một. Tao với mày chắc chắn không được lên chủ nghĩa xã hội. Phải ở lại dân chủ nhân dân rồi…” Tiếp theo là tiếng thở dài sầu não tuyệt vọng của anh. Nguyên Bình với những câu thơ viết cho hai đứa con trai:
Chào con hai giọt đời nức nở của cha
Cha ngôi sao nghìn năm ánh sáng trái đất
Ngôi sao băng giá mắt con người
Con hãy đi tàu không gian Nga
Và sẽ thấy sao cha đốt bỏng một khoảng trời…
Ngày ấy chúng tôi còn có nước Nga, có Liên Xô để mà tin tưởng. Trong xà lim tôi đã nhẩm một bài thơ dài về cuộc giải phẫu trái tim tôi, trong đó có những câu về Liên Xô:
Hôm nay tôi tạm xa trái tim đang mổ
Bay theo dòng thời sự
Liên Xô phóng thành công hai con tàu vũ trụ
Liên Hợp Bốn, Liên Hợp Năm
Tay con người đã chạm tới mặt trăng.
Vũ trụ từ nay căn buồng để mở
Sắp đến ngày chồng giận vợ
Bỏ lên ngồi bờ sông sao Hỏa thở dài…
Thật là lãng mạn có cánh bay. Lúc đó Amstrong chưa đặt chân lên mặt trăng. Về sau này khi sự kiện ấy xẩy ra thì cái loa trong trại cũng không cho tôi biết. Đúng là thời trai trẻ đó qua như đầu đề bài tôi viết về Vũ Tín. Những ngày bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu tiếng cười. Những ngày cuộc sống còn bao hứa hẹn. Rồi đến quãng thời gian đầy hiểm nguy tiếp liền sau đó, công an theo dõi ngày đêm. Ngọn roi đen quất ngang lưng lũ chúng tôi thổ huyết. Cơn lũ cuốn chúng tôi trôi giạt mỗi đứa một phương, nay đã dần dần hồi tụ lại. Dù đã nhiều năm tháng, đã bạc hết ánh mắt bạc hết mái đầu. Dù xương cốt lỏng rời. Nhưng vẫn còn nguyên đó trái tim thuở trẻ…
Tôi viết. Những người bạn cũ và cả những người bạn mới.— Đầu năm 2003 tập sách được in ra với tên Rừng Xưa Xanh Lá, một cái tên vô thưởng vô phạt mà tôi chủ ý tìm đặt để có thể dễ được xuất bản.
Thỉnh thoảng điện thoại cho Luyến. Cũng là kín kín hở hở thôi: Thế nào, công việc đến đâu rồi? Nhưng chẳng giấu được ai, vì Luyến trả lời rất rành rọt: Đang làm vi tính. Nghe mà giật mình. Sao vẫn còn làm vi tính? Tưởng in từ bao giờ rồi chứ? Cái đĩa mềm tập hai của anh dùng được. Còn đĩa tập một không dùng được vì không giải được mã phông chữ. Phải làm lại từ đầu.
Ít ngày sau lại hỏi. Lại vẫn còn đang làm vi tính. Vẫn làm? Sao không thuê ngoài cho nhanh. Anh chịu hết khoản thanh toán. Không. Để các cháu trong nhà xuất bản làm, cho các cháu có thu nhập. Có thể hỏng hết mọi việc vì chuyện cỏn con này. Thời gian bây giờ còn hơn vàng bạc. Thời gian là thắng lợi. Là thành công. Phải bảo đảm yếu tố bất ngờ. Ôi, nàng Mec-xê-đet của tôi. Cháu đã xin được thị thực nhập cảnh vào Mỹ chưa. Cháu cài đặt thế nào mà ngay khi còn ở Hải Phòng, đưa vào máy của Bão Vũ cũng không đọc được. Kéo dài ngày nào tôi lo ngày ấy. Điều gì cũng có thể xẩy ra. Làm mới vi tính thế này còn lỗi mo-rát nữa chứ. Bản tôi gửi lên đã chữa đi chữa lại nhiều lần cũng vẫn còn lỗi tuy rất ít và không nghiêm trọng. Bản vi tính mới chắc chắn nhiều lỗi, có khi cả những lỗi ít ngờ nhất, đến mức ngớ ngẩn. Nỗi lo của tôi quả nhiên thành sự thật. Khi sách in ra, có rất nhiều lỗi, tôi không nhớ hết, nhưng có những lỗi ngớ ngẩn như thế này: Trang 489, nói về nhân vật đao phủ, so sánh những Bát Lê ([1]) ngày trước và Bát Lê ngày nay, tôi viết: Bát Lê (ngày nay) không hoa quất, Bát Lê chỉ cứu người. Sách in làBát Lê không hoa mắt, Bát Lê chỉ cứu người. Đọc đến đoạn này tôi sững người. Quất là loại kiếm Bát Lê dùng để chém đầu tử tù. Có lẽ các cháu làm vi tính chưa biết đến từ này. Nhiều bạn đọc chưa biết đến từ này. Và tôi cứ lẩm bẩm một mình theo trí nhớ bài hát của đao phủ trong Chém Treo Ngành:
Ta hoa thanh quất
Sống không thù nhau
Chết không oán nhau
Hỡi hồn quỷ không đầu
Còn một lỗi nữa kể ra đây chỉ để bạn đọc hiểu tôi quan tâm đến vị trí của từng từ: Sau khi Tuấn – Ngọc yêu nhau lần đầu tiên, họ đạp xe để nói với trời đất rằng họ đã (…) “đi tới chốn ấy tận cùng của thế giới này” được sửa là “đi tới chốn tận cùng ấy của thế giới này.” Chốn ấy tận cùng khác với chốn tận cùng ấy, chưa kể âm hưởng của nó còn gợi một chút Hồ Xuân Hương.
Lỗi cuối cùng tôi muốn nói là các cháu đánh máy đã thêm vào nhiều dấu chấm than (!). Tôi kể chuyện bằng một giọng trầm tĩnh, rủ rỉ, có sao nói vậy. Tôi muốn bằng ngôn từ diễn tả được lòng đắm đuối cuộc sống, tình yêu đắm say, nỗi thất vọng tột cùng, lòng căm giận, sự hoảng loạn… nghĩa là những cung bậc của tình cảm mà không phải cầu viện tới các dấu chấm than để gia tăng cường độ. Có những dấu chấm than các cháu thêm vào tôi đọc mà đỏ mặt. Tuy vậy cái đau rất nhỏ. Niềm vui rất lớn, nhưng đó là chuyện về sau.
Đã gần đến tết Canh Thìn. Năm 2000 Dương qua được một tháng rồi. Cái năm 2000 để chỉ một cột mốc thời gian xa lắc xa lơ như không bao giờ đến, đã đến. Năm 2000 mà tôi đã dùng để đặt tên cho quyển tiểu thuyết của đời tôi, năm 2000 mà tôi cùng bao người và cả nhân loại nữa đặt biết bao hy vọng… Chúng tôi, nghĩa là tôi và Phạm Đức đã thống nhất với nhau: Sách sẽ in xong trước Tết Âm Lịch, và khi người ta tưng bừng vui vẻ đón xuân thì chúng tôi đón sách. Khi người ta nâng cốc thì chúng tôi lặng lẽ phát hành sách… Bản thảo như vậy là xong. Còn bìa. Tôi đã nói về bìa sách với Lam Luyến:
– Ai vẽ bìa cũng được, nhưng không phải là Văn Sáng.
Văn Sáng là một người làm bìa sách đẹp thời đó. Anh đã làm cho tôi bìa tập truyện ngắn Những Người Rách Việc. Một cái bìa thật đẹp và tôi rất cảm ơn anh. Nhưng giờ đây tôi không thể nhờ anh làm bìa cho tôi được nữa. Thiết tưởng cũng cần lạc đề một chút về chuyện này. Bởi nó xứng đáng được nói đến. Nó xứng đáng được nhiều người biết như một chuyện trung thực, không thêm bớt, không xuyên tạc, không vu cáo.
Đầu năm 1998, tôi nhận được giấy mời của Nghị Viện Châu Âu dưới danh nghĩa Parlement International des Ecrivains, mời tôi sang một năm để nghỉ ngơi và sáng tác. Tôi được lựa chọn một trong 40 thành phố thuộc châu Âu và châu Mỹ. Chỉ nhìn danh sách 40 thành phố cũng đủ mê ly. Xin kể ra đây mấy cái tên: Amsterdam, Barcelona, Paris, Berlin, Nuremberg, Goteborg, Helsinki, Vienne, Venise, Rio de Janeiro, Mexico, Madrid, Oslo…
Lời mời cực kỳ hấp dẫn. Nhưng tôi hiểu mình chẳng thể được đi. Làm sao một thằng tù như mình lại có thể được nhà nước cho đi đến những nơi như vậy([2]). Giá trị của lời mời thực chất ở chỗ tôi được nước ngoài biết đến, và đó là một yếu tố phải tính khi người ta lại muốn bắt tôi lần nữa. Tôi chưa gặp một ai ở những cấp có thẩm quyền để giải quyết thì đã có một kịch bản được tung ra để bôi nhọ tôi. Có hai người chửi tôi thậm tệ, một là bạn thân của tôi, một quen biết tôi. Cả hai người này — đều ở Hà Nội, xin được giấu tên vì đây là một câu chuyện chẳng vui gì nếu không muốn nói là một chuyện đau lòng — tin theo một kịch bản nào đó khẳng định rằng tôi đã gặp lãnh đạo Hội Nhà Văn chính thức tuyên bố từ chối lời mời, mặc dù cho đến lúc ấy tôi chưa gặp ai có trách nhiệm ở Hội Nhà Văn, và cả hai đều biết rằng sáng hôm sau tôi mới gặp và làm việc với anh Hữu Thỉnh, khi ấy là phó tổng thư ký và anh Nguyễn Hoa, phó ban tổ chức hội viên Hội Nhà Văn. Hơn thế một trong hai người trên cũng được mời, anh ta nói đã làm việc với Hội Nhà Văn và không được đi, còn phổ biến kinh nghiệm cho tôi: “Ngày mai nó đón tiếp lịch sự đấy. Có cả bia, bánh kẹo, thuốc lá. Mai gặp, có gì về kể lại cho bọn này nghe với nhé.” Cuộc gặp tất nhiên như dự đoán. Tôi không được đi cũng như tất cả những người có tên trong danh sách mời đều không được đi.— Chỉ riêng một chuyện người ta không làm hộ chiếu cho mình cũng đủ để mình đo ván rồi.
Thế nhưng tin theo một kịch bản xuyên tạc bẩn thỉu nào đó, hai người vẫn nói xấu tôi khắp nơi, rằng tôi không chỉ gặp Hội Nhà Văn, mà còn làm đơn lên Ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương tình nguyện ở lại! Vẫn chưa hết. Một anh còn gọi điện về Hải Phòng cho một người bạn tôi, nhờ nói lại với tôi rằng tôi lo người vẽ bìa đi. Tôi nhầy nhụa quá, anh em người ta không muốn gần. Điều ấy có nghĩa là anh ta nói xấu tôi với họa sĩ Văn Sáng để Văn Sáng không vẽ bìa tập truyện ngắn thứ hai của tôi, tập Một Ngày Dài Đằng Đẵng.
Không ngờ sự việc xẩy ra như vậy, tôi đã nhờ một anh lái xe làm cho tôi cái bìa để kịp với tập truyện đang được in ở nhà in. Vâng. Một anh lái xe vẽ bìa. Truyện hay đâu cần phải có bìa đẹp. Tôi tức điên lên và nghĩ như vậy. Bởi thế nên tôi nói với Luyến: Ai vẽ bìa đều được. Xấu đẹp đều được, miễn là không phải Văn Sáng, dù tôi tin chắc Văn Sáng không ác cảm gì với tôi.
Hẳn Lam Luyến không muốn có một cái bìa xấu. Luyến điện thoại cho tôi biết diễn biến của việc vẽ bìa. Em đã nhờ mấy người. Người ta đưa bìa đến nhưng em không ưng. Rồi: Em nhờ anh Lương Xuân Đoàn nhưng không được. Anh Đoàn đang ở Na Uy. Tôi bảo: Vậy Luyến vẽ bìa luôn đi, khỏi nhờ. Nhưng Luyến chỉ cười. Luyến vốn là hoạ sĩ. Cái bìa tập thơ Châm Khói của Luyến do Luyến tự trình bầy tôi rất thích. Thế rồi một hôm tôi nhận được phôn của Đoàn Thị Lam Luyến:
– Bìa sách của anh, em đã trao đổi với anh Bùi Minh Quốc. Anh Quốc mới ở Đà Lạt ra Hà Nội. Anh Quốc bảo sao không nhờ anh Nguyễn Trọng Tạo vẽ.
Tôi reo lên. Thật là một phát hiện. Vì sao tôi lại không nghĩ ra nhỉ? Tạo làm bìa rất đẹp. Anh là người tài hoa. Tôi cũng chỉ mới quen anh thôi. Tôi thích thơ anh, thích Đồng Dao Cho Người Lớn của anh, thích Văn Chương Cảm Và Luận của anh, thích Làng Quan Họ Quê Tôi, và tất nhiên thích cả những cái bìa anh vẽ.
Tưởng việc thế là xong. Ít ngày sau, lại có điện thoại. Của Nguyễn Trọng Tạo.
– Anh Quốc với Lam Luyến bảo em vẽ bìa cho anh, nhưng em phải hỏi ý kiến anh xem anh có đồng ý không đã chứ.
Tôi hét lên trong máy:
– Không phải hỏi nữa. Vẽ đi Tạo ơi. Càng nhanh càng tốt.
Bây giờ nghĩ lại chuyện vẽ bìa, nhờ hết người này đến người khác “cái bìa cho một tập tiểu thuyết hai tập viết về nhà tù của Bùi Ngọc Tấn” rất cởi mở hồn nhiên như vậy mà không đến tai công an văn hoá thì cũng là rất lạ. — Trong khi ấy Đá Vàng của Dũng Hà khá êm ả thì lại bị ngừng in. Trong chuyện này như có bàn tay sắp đặt của số phận. Càng ngày tôi càng tin như vậy.
Một ngày tháng chạp năm Kỷ Mão, nghĩa là sắp bước sang năm Canh Thìn, tôi lên Hà Nội. Đến nhà Thanh Niên. Để xem công việc tới đâu. Bước vào phòng Lam Luyến. Chỉ có thạc sĩ Hằng Thanh. Chưa pha nước mời khách, Hằng Thanh kéo tôi đến bàn làm việc của cô, cười rất tươi, chia xẻ niềm vui với tôi:
– Bìa của anh đây. Anh Tạo làm đây.
Tôi không ngờ. Cái bìa đẹp quá sức mong đợi của tôi. Đẹp và trí tuệ. Đây là bìa tập một. Đây là bìa tập hai. Cái bìa như chúng ta đã biết, trình bầy như nhau, chỉ mầu nền sẫm nhạt khác nhau. Tôi bảo Hằng Thanh:
– Quá đẹp. Nhưng cất đi em ạ. Để thế này gay lắm.
Vừa lúc ấy Luyến vào phòng. Chúng tôi cùng ngắm tác phẩm của Tạo. Luyến bảo: Bìa đã đưa duyệt. Phải sửa lại. Phải đưa tên anh ra khỏi mái đình.
Lại một người nữa bước vào. Tóc bạc, cái râu bạc. Khoác tòn ten bên vai một chiếc túi thổ cẩm nhỏ. Chúng tôi ngồi xuống xa lông. Người khách mới tới giở túi, lấy ra một chai rượu bèn bẹt con con và hai cái chén, rót rượu mời tôi. Hai cô chủ chắc nghĩ rằng chúng tôi biết nhau, nên không giới thiệu.
Tôi buộc phải hỏi:
– Xin lỗi, anh cho biết tên.
– Tôi là Bùi Minh Quốc.
Bùi Minh Quốc. Lần đầu tiên gặp anh. Tôi vụt nhớ đến Dương Thị Xuân Quý vợ anh hồi còn đi học, tóc xoã ngang vai hay đến 133 Bà Triệu, cơ quan báo Tiền Phong chúng tôi thời đó… Tôi nhớ bài thơ Lên Miền Tây nổi tiếng của anh khi anh còn rất trẻ. Tôi nhớ đến những lận đận gian lao của anh. Tôi cám ơn anh đã nẩy ra ý tưởng để Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa.
Chén rượu chưa cạn, lại hai người nữa tới: Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha. Tất cả chúng tôi một lần nữa đứng vây quanh cái bìa của Tạo. Tạo bảo:
– Em làm trên máy —vi tính— của Văn Sáng. Nó bảo đây là một trong những cái bìa đẹp nhất từ trước tới nay. Anh có thấy cần phải sửa gì không?
– Bìa tập một thì được. Nhưng bìa tập hai nền sáng quá.
– Em nghe nói tập hai là tập đã được ra tù.
– Đúng. Nhưng rất gay go. Còn khốn nạn hơn. Hậu tù mà.
– Thế thì em sẽ cho mầu sẫm hơn. Đơn giản thôi.
Hoá ra Tạo chưa đọc dù chỉ một trang tập tiểu thuyết của tôi. Anh chỉ nghe nói đó là một truyện tù. Tuy nhiên Nguyễn Trọng Tạo đã đọc hai tập Một Thời Để Mất và Những Người Rách Việc của tôi in trước đó. Anh hiểu tôi. Tôi rất vui vì cái bìa Tạo vẽ. Tôi cũng đã chuẩn bị kỹ về phần mình cho cái bìa này: Tìm được tấm ảnh chụp với anh Thành tôi khi vào tiếp quản Hà Nội, tách nó ra để dùng cho bìa tập một và ảnh chân dung do Minh Nhật mới chụp năm 1997 dùng cho tập hai. Cùng hai câu trích in dưới ảnh. Câu trích cho bìa tập một là một câu về tình yêu, tôi không ngại, nhưng câu trích để in ở bìa tập hai tôi hơi “chờn chợn” không phải vì sợ lôi thôi mà sợ không được duyệt. Bởi nó tổng kết chính xác một hiện trạng tồn tại trong xã hội, gọi đúng tên căn bệnh trầm kha trong cuộc sống, chỉ rõ căn bệnh gốc gác đẻ ra những căn bệnh khác, nguyên nhân của mọi nguyên nhân mà người ta không chịu thừa nhận, không những thế còn luôn nói ngược lại: Triệu lần dân chủ hơn. Nghĩ rằng sẽ khó được duyệt nhưng vẫn cứ trích, cũng là một câu trong Chuyện Kể Năm 2000 thôi: Ai cũng có một người vô hình để mà sợ sệt, để thầm cãi lại sau lưng. Người vô hình có mặt khắp nơi, cả trong giấc ngủ. Nhưng ít người dám vùng lên chống lại vì cái giá phải trả thường là cuộc đời, là sinh mạng. Nằm trong một tổng thể đã thấy khó nhá rồi, tách riêng ra, lại in ngay ngoài bìa, càng frappant hơn. Nhưng chính đó là vấn đề cần được đúc rút tổng kết, đó chính là điều cần nhấn mạnh. Có một người vô hình không ai biết mặt ngang mũi dọc ra sao hiện diện khắp nơi. Phải đánh đổ người đó. Phải tiêu diệt bóng ma đó …Tôi sẽ phải thuyết phục Bùi Văn Ngợi về câu trích này nếu anh ngần ngại. Luyến cất cho tôi mối lo ấy:
– Ảnh và chú thích bìa bốn cả hai tập của anh được duyệt hết rồi. Em bắt anh Ngợi ký cả vào đấy. Sau này khỏi lôi thôi.
Lại thêm một điều để tôi nghĩ đến Ngợi với một tấm lòng kính trọng và yêu quý. Anh cũng đồng ý với tổng kết, với cảnh báo của tôi và sẵn sàng chịu trách nhiệm khi cho công bố nó như anh đã đồng ý với nhận xét của tôi:Cuộc chiến tranh Bắc Nam là một cuộc chiến tranh ý thức hệ, một cuộc nội chiến ([3]).
Trưa hôm ấy chúng tôi lại tụ họp ở cửa hàng cơm phố Ngô Văn Sở. Phố Ngô Văn Sở — mà những ngày còn làm ở Tiền Phong chúng tôi gọi chệch là Ngô Văn Khổ — giờ đây lại có cùng tôi bao nhiêu kỷ niệm. Và sẽ còn nhiều kỷ niệm nữa khi bộ sách bị đình chỉ phát hành rồi thu hồi tiêu huỷ.
Cùng ăn bữa ấy có tôi, Lam Luyến, Hằng Thanh, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Bùi Minh Quốc. Tạo ký tặng tôi cái bìa mẫu anh mang theo ngay trên bàn ăn. Tôi ngắm lại cái bìa. Càng nhìn càng thấy đẹp và chiều sâu ý tưởng ẩn trong hình tượng. Nhưng băn khoăn: Không biết nhấc ba chữ tên tôi ra khỏi mái đình — cũng có thể hiểu là hai lưỡi đao chụm chuôi vào nhau, xoè đầu đao sang hai bên, giống một cái máy chém — thì đặt vào đâu. Phía trên đã là hai chữ Tiểu Thuyết rồi. Mãi sau này khi sách đã in, bìa đã được sửa, tôi thấy Nguyễn Trọng Tạo xử lý thật đơn giản. Anh chỉ hoán vị hai dòng chữ ấy mà thôi. Tên tác giả được đưa lên trên cùng. Còn trong mái đình đỏ ấy là hai chữ Tiểu Thuyết.
Chúng tôi uống uýt-xki Nhật, chai rượu tôi mang từ Hải Phòng lên và trêu Bùi Minh Quốc. Quốc đã hết hạn quản thúc, vừa làm chuyến thăm lại miền Tây về.
Xe chạy nghiêng nghiêng trèo vách núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng
Bài thơ ấy của Quốc từ thuở xa xưa đã kéo bao nhiêu thanh niên nam nữ lên miền Tây xây dựng Tổ Quốc. Lần này hết hạn quản thúc, từ Đà Lạt ra, anh lên thăm lại miền Tây. Anh rủ rê bè bạn cùng đi. Đi máy bay. Nhưng ai cũng lắc đầu. Một mình anh lên miền Tây vời vợi nghìn trùng. Chẳng ai đi cùng anh dù không phải chịu cảnh xe chạy nghiêng nghiêng trèo vách núi.
Hết uýt-xki, hết cả bầu rượu thuốc bèn bẹt trong cái túi thổ cẩm của Quốc. Thụy Kha gọi Heineken. Các cháu gái phục vụ đem bia tới và đứng lại nghe Tạo giới thiệu ông già tóc râu bạc sù sì như con gấu đang ngồi ăn với chúng tôi:
– Đây là chú Bùi Minh Quốc.
Các cháu gái nở nụ cười rất phân vân.
– Thế các cháu có nhớ bài này không?
Và Tạo hát — phải nói rằng Tạo hát khá hay: Mẹ đào hầm. Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh. Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc. Thơ của ông này đấy.
Các cháu cười thích thú và nhìn cả vào Quốc. Bốc, Tạo cất giọng nam trầm chuyển sang một giai điệu khác: Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào… Cũng của ông này đấy.
Đến bây giờ tôi mới biết những bài hát rất quen thuộc luôn oang oang trên cái loa nón Ngã Sáu đó là phổ thơ Bùi Minh Quốc. Đơn giản vì cái thời chúng được sáng tác và lan toả trên sóng phát thanh cũng như trong công chúng thì tôi còn đang ở thế giới bên kia và lạc thế kỷ khi ra tù, hơi đâu mà học bài hát mới khi mình đã tuổi 40, nhất là những bài thuộc loại “cuộc đời vẫn đẹp sao.” Không biết bây giờ Quốc còn thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao” nữa không khi anh đang bị quăng lên quật xuống, theo dõi và cả quản thúc?
B.N.T.
  ([1]) Nhân vật đao phủ của Nguyễn Tuân
(2) Mãi sau này mới biết một người cũng từng là phạm, hơn thế, còn là một phạm nguy hiểm, đi Mỹ như đi chợ. Đó là ngài Năm Cam.
(3) Xem Chuyện Kể Năm 2000, chương Nguyễn Văn Tuấn gặp ông Khuổng, thiếu tá công an — Cuối tập 2.
(Xem tiếp kỳ sau)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chân dung nhà văn thời kỹ thuật số


Một tác phẩm được xét có tính văn học hình thành trên mạng, thế giới ảo là gì? Phải chăng, tác phẩm đó phải kết cấu mới, nội dung hấp dẫn, ngắn dài không áp đặt và “phi tuyến tính”, “cộng hưởng” các thể loại? Có những thành tố này do tính chất “blog-web” đặc trưng của nó: viết xuất phát và theo cảm hứng chứ không phải từ đơn đặt hàng? Viết để bày tỏ, bộc lộ chính mình. Ít kiểm soát cảm xúc, các ngần ngại, tương phản trước các “barie” rào chắn ngôn ngữ?
Điều thú vị nhất của văn chương trên blog là có thể bạn sẽ phát hiện ra những gương mặt “mới toe”, chưa từng xuất hiện nhưng những gì họ viết ra đã là những tác phẩm thật sự. Một tác phẩm tự định danh theo kiểu “cái anh có” (cảm xúc, hứng khởi trong hồn) mà chưa bao giờ đòi hỏi cách phải tiếp nhận “cần có anh” (dư luận phải dọn đường quan tâm, báo chí điểm sách, không bị áp tải trước sức ép người đọc). Nhà văn đầu tiên hình thành được tên tuổi mình trong giới trẻ Việt Nam trên blog-web phải nói đến Trần Thu Trang với tác phẩm Phải lấy người như anh. Cô nổi tiếng trong giới “giang hồ vắng chủ” này khi những trang web văn chương cá nhân chỉ mới bắt đầu được quan tâm xuất hiện lác đác cá nhân, và blog mới là khái niệm ảo, ít người biết. Tôi đùa cõi “giang hồ vắng chủ” là thế. Người viết lúc bấy giờ cô đơn thật chứ chưa phải “độc cô cầu bại”. Trần Thu Trang đã viết những trang đầu tiên thuộc thế hệ 8x và chỉ có thế hệ 8x đọc. Nhưng giới trẻ vốn tinh nhạy. Họ là những con “sâu mạng” ăn lá “web”. Cái tên Trần Thu Trang được chuyền đi rất nhanh. Phải lấy người như anh và một tác phẩm khác của Trang sau đó đã được nhà xuất bản X. xuất bản chính thức thì giới phê bình mới biết. Tôi không thích cuốn này lắm nhưng cần phải nhắc đến nó vì thành tích đầu tiên của người viết trẻ VN “cắm cột mốc” lên “biên giới ảo”! Bởi lẽ sau Trang, “giang hồ” dậy sóng với nhiều tác giả tài năng hơn.
Nhà văn trang Hạ với blog của mình bắt đầu “chinh chiến” giới “võ lâm” với tác phẩm dịch Xin lỗi, em chỉ là con đĩ! Ngay lập tức total page view của blog này tăng lên theo cấp số nhân mỗi lần post lên những chương mới của bản dịch. Cũng công bố thêm một chi tiết thú vị khi Trang Hạ dịch cuốn sách này cô đang là phóng viên thường trú báo Tiền Phong tại Đài Bắc. Blog đã kết nối “xuyên biên giới” khiến cho những blogger đọc cô cứ ngỡ đang ở Hà Nội vậy! Phải ghi nhận thêm vai trò nhà báo của cô khá nhanh nhạy. Nhiều phóng sự, những thân phận, mảnh đời xa xứ được cô đề cập trên blog này nóng hổi làm rơi lệ người đọc. Vì những lý do đó blog này đã trở thành một trong những blog có số lượng page view khá lớn (nếu không muốn nói là nhất Việt Nam trong hàng Văn chương) là hơn hai triệu lượt truy cập. Nhưng vào tháng 8.2007 một sự cố diễn ra, các hắc-cơ đã đánh thủng hàng rào page-view của cô: Từ hai triệu lượt trở thành con số âm! Thế mới biết giang hồ “dậy sóng” cỡ nào!
Nhiều blog khác với những thể nghiệm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ được giang hồ blogger biết như các blogger lấy thẳng tên các nhà văn, nhà thơ trẻ như: Nguyễn Vĩnh Tiến, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân – BooBooTM (hai nhà thơ của nhóm Ngựa Trời), Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trương Quế Chi, Lê Thiếu Nhơn (Ký giả hè phố), Phan An, Đỗ Trí Dũng (Bulldog), Từ Nữ Triệu Vương (Mari Sến), Lê Nguyệt Minh, Cấn Vân Khánh, Ngô Thị Hạnh, Lê Anh Hoài (Búpbê bằng bột), Trần Nguyên Anh, Trần Tuấn (Cửu Vạn), Hoa Ngõ Hạnh (Hổ Phụ Tử), Hà Kin, Bùi Thanh Tuấn, Đinh Lê Vũ, Cao Hải Hà, Ngô Thị Thanh Vân… Những thể nghiệm thơ, truyện có phần táo bạo, dứt bỏ những khuôn mẫu, cách viết truyền thống. Một cái khác, cái mới chờ nhận định của các nhà phê bình bởi chưa hề “nháng nhác thấy”, “nhang nhác giống” với tất cả những gì là quan niệm tác phẩm mà bạn đã được đọc từ trước đến nay. Bởi như tôi đã viết ở trên, những yếu tố cấu thành tác phẩm đã tự “vuột ra”, “phóng ra” đầu tiên trong một nhận thức, viết cho mình, viết chơi, không phải để chăm chăm công bố và in ấn. Tâm thế viết và trạng thái sáng tạo độc lập ấy đã cho ra đời một tác phẩm thực thụ đúng nghĩa của nó.
Thể nghiệm thơ hấp dẫn các blogger không kém. Với BlogVăn (POET) của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh mới đây khi anh đưa ra khuynh hướng thể nghiệm thơ “Bề Mặt” và “Lộn Trái” với những tác phẩm tiêu biểu lập tức đã được blog Cô Gái Đồ Long dẫn nguồn lại gây “luận chiến” và “tranh cãi” về thơ thể nghiệm không ít. Hàng trăm comments của hàng trăm blogger đổ về cho biết quan niệm của họ về những nhánh, những dòng thơ thể nghiệm hiện đại. Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết: “Hiện nay hầu hết các độc giả đang quay lưng lại với thơ. Không thể trách bạn dọc mà các nhà thơ nên tự trách mình. Bởi lẽ thế giới viết của họ quá nghèo nàn. Phần lớn vẫn “èo oặt”, “à ơi”, “ví dầu”… bỏ quên hay đang “tuột dốc” nhiều vấn đề “nóng bỏng” của nhịp sống hiện đại. Thơ cần những cuộc giải phóng ngôn từ, cấu trúc hình thức, và diễn giải nội tâm. Là những “bề mặt” trần trụi, hỗn mang vô cảm cần được “lộn trái” đúng nghĩa để đem lại những hơi thở mới, cảm xúc mới “giải hóa” tâm hồn đang xơ cứng, cằn cỗi của chúng ta…”.
Di Li cũng là một minh chứng cho quan niệm trên. Cô tên thật là Diệu Linh và đã từng đoạt giải nhiều cuộc thi truyện ngắn. Blog Di Li ghép tên của bút hiệu cô. Di Li chọn hướng viết thể nghiệm truyện ma, truyện kinh dị gây cảm giác mạnh, “sốc lớn” cho người đọc và bước đầu cô cũng đã gặt hái được nhiều thành công. Với cách viết truyện hơi hướm “đường rừng”, “một bóng trắng đột ngột xuất hiện”, “cô gái rú lên”, “hồi sau sẽ rõ” này các nhà văn Phạm Cao Củng, Thế Lữ đã thể nghiệm từ những năm 1930 nhưng từ lâu không còn thấy xuất hiện trong văn cảnh văn học Việt Nam hiện đại nữa. Trở lại cùng Di Li nên là những bước khích lệ.
Đặng Thiều Quang là một gương mặt “sáng giá” khác. Blog của Quang có một lượng truy cập khá lớn. Mỗi ngày hơn 500 lượt vào. Hiện nay chỉ số lượng truy cập đã gần 50 ngàn lượt. Trên blog anh đã viết được nhiều truyện ngắn và hai tiểu thuyết nổi tiếng làĐảo Cát Trắng, Chờ Tuyết Rơi. -“Tôi viết tới đâu post lên blog tới đó. Sự mong đợi của người đọc là cảm hứng để tôi viết tiếp” – Quang cho biết. Tuy nhiên, phải thấy chính sự đáng ứng cho bạn đọc cũng trở thành một áp lực. Nhiều đêm đến tận 2-3 giờ sáng nếu tinh ý bạn vẫn biết nhà văn trẻ vẫn đang lọ mọ viết, lướt phím. Thái độ trân trọng bạn đọc đã giúp anh vượt qua những thử thách để hoàn thành vai trò một nhà văn với những tác phẩm mới. Được biết, những cuốn sách của Đặng Thiều Quang đã được công ty sách Bách Việt đặt vấn đề mua bản quyền xuất bản. Hiện thủ tục, giấy phép, trình bày, vẽ bìa sách đã xong, chỉ chờ ngày ra mắt tác phẩm với báo chí. Từ những trang viết “ảo” trên giấy khởi vọng cho miền vui “thực” với những trang giấy còn thơm mùi mực in là đều không hẳn Quang mà rất nhiều nhà văn trẻ mơ ước. Gần đây những truyện ngắn của một blog “bí ẩn” có cái tên Mai Crimson, một giọng văn nữ trẻ 25 tuổi, viết những trang viết sâu xoáy vào nội tâm người đọc, gây những cảm xúc “bùng nổ” đột ngột làm người yêu văn chương hy vọng.
Ở góc độ dịch thuật và phê bình, bạn trẻ văn chương quan tâm đến blog Nhị Linh của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học trẻ Cao Việt Dũng, Cao Đăng của nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và blog Trần Ngọc Hiếu, nhà phê bình trẻ ĐH Sư Phạm Hà Nội. Trên những blog của thường xuyên đăng tải những bài dịch, bài viết, bình luận, khảo cứu “nóng bỏng” hơi thở tâm huyết với nghệ thuật – đời sống văn chương. Trần Tiễn Cao Đăng sau những tác phẩm dịch thành công, anh đang khởi động viết một tiểu thuyết Hậu Hiện đại và cho biết sẽ thao tác từng phần “mở” trên blog cho các bạn đọc tiện theo dõi.
Kết thúc bài viết này, tôi muốn nói đến một nhà văn nữ trẻ khác, xuất hiện và hình thành phong cách văn chương của mình từ blog là Hà Kin với tiểu thuyết Chuyện tình NewYork vừa xuất bản. Khác với Trần Thu Trang, người vẫn được xem là thế hệ đầu tiên của văn chương blog – web, theo tôi Hà Kin viết thú vị và kết cấu tác phẩm của có phần mới hơn, đặc biệt là “ít sạn” và hấp lực được người đọc trẻ hơn. Vấn đề không phải so sánh tài năng của Trần Thu Trang và Hà Kin mà tôi muốn nói thực sự chính dòng văn học mạng đang có một “tiến trình hóa” cơ bản để hoàn thiện dần những ưu thế “nhanh, cập nhật, giải phóng vùng biên và liên kết mạnh” của nó. Và như thế là rất thú vị…
.
Trích từ Blog Nguyễn Hữu Hồng Minh
Theo tonvinhvanhoadoc

Phần nhận xét hiển thị trên trang