Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Cuộc tấn công của đồng đôla Mỹ - Kỳ 1

Trang mạng của Báo Độc lập đăng bài viết với nhan đề trên cho rằng Mỹ đang sử dụng đồng tiền của mình - đồng USD - như một vũ khí toàn cầu.

Chiến tranh thế giới thứ nhất, mà lễ kỷ niệm 100 năm ngày nó bùng phát diễn ra chưa lâu, đã dẫn tới sự sụp đổ của 4 đế chế. Giới truyền thông không đưa thông tin nhiều rằng chính trong giai đoạn đó đã hình thành nền tảng cho một đế chế mới - đế chế đồng USD, mà trong một thời gian ngắn đã chứng tỏ tham vọng cai trị toàn thế giới.
 
Tổng thống Woodrow Wilson ngày 23/12/1913 đã phê chuẩn luật Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), thông qua đó để phát hành và lưu thông đồng USD. Luật này được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua theo hình thức bỏ phiếu ghi danh. 100 năm kể từ ngày ra đời, FED không quảng bá, không kỷ niệm, dù kẻ chiến thắng có thể cho phép mình làm nhiều điều. Bởi một lượng lớn tiền không yêu sự ầm ĩ, và giấu mình trước con mắt các nhà hoạt động.
 
Từ con nợ thành chủ nợ
 
Từ con nợ thành chủ nợ
FED là ngân hàng tư nhân, thực thi chức năng Ngân hàng trung ương của Mỹ, sở hữu 12 ngân hàng khu vực. Cơ quan đầu não của FED, định hình chính sách, là Hội đồng thống đốc, do Tổng thống Mỹ lập ra và được Thượng viện phê chuẩn. Quốc hội trao cho FED quyền kiểm soát tiền tệ là số lượng USD cần thiết do chính FED in. Hiệu quả hoạt động của FED đối với Mỹ có thể thấy qua thực tế sau.
Vào tháng 8/1914, nợ nước ngoài của Mỹ vượt ngưỡng 3 tỷ USD, khi đó tương đương với 4.500 tấn vàng ròng (lưu ý dự trữ vàng hiện nay của Nga là khoảng 1.150 tấn).
Đến tháng 11/1918, Mỹ đã cung cấp (in) 10 tỷ USD cho các nước tham chiến vay và từ con nợ lớn nhất biến thành chủ nợ lớn nhất, đồng USD bắt đầu thay thế đồng bảng Anh làm phương tiện thanh toán quốc tế. Đồng USD khi đó vẫn được bảo lãnh bằng vàng. Khoản nợ của nước Nga Sa hoàng, vay tại London và Paris, là hơn 4,2 tỷ USD, dù tỷ giá của đồng ruble khá cao, do dự trữ vàng của Nga lớn hơn dự trữ vàng của Anh và Pháp gộp lại. Tuy nhiên sự phụ thuộc lớn của Nga vào các chủ nợ nước ngoài là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới các sự kiện thảm họa trong lịch sử nước Nga những năm tiếp theo.
Trên thực tế, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, việc đổi tiền giấy thành vàng đã chấm dứt ở tất cả các nước. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã cấm người dân Mỹ sở hữu cá nhân vàng và mua vàng với giá 20 USD/troy ounce (khoảng 31,1 g), điều được giải thích là cần thiết để vượt qua khủng hoảng (Đại suy thoái giai đoạn 1929-1933).
Tổng thống Mỹ Roosevelt
Tổng thống Mỹ Roosevelt
Năm 1944, tại hội nghị tài chính quốc tế ở Bretton Woods, 44 nước thành viên tham gia đã cam kết ủng hộ chế độ bản vị vàng và Mỹ cam kết với cơ quan quản lý tiền tệ các nước khác sẽ đổi đồng USD lấy vàng dự trữ trong Ngân khố Mỹ. Như vậy, đồng USD, ban đầu là phương tiện thanh toán của một quốc gia, đã có chức năng như đồng tiền của thế giới.
Liên Xô không ủng hộ một cơ chế như vậy trong hệ thống tài chính thế giới. Ngay cả đại diện của Anh tại hội nghị cũng chỉ ra những rủi ro đối với sự ổn định của họ, vì Mỹ có đặc quyền phủ quyết bất cứ quyết định nào của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên việc gắn ngoại tệ với vàng là điều kiện quan trọng để ổn định lưu thông tiền tệ. Đồng USD được khẳng định là không tồi hơn vàng.
 
Tại Fort Knox năm 1949 có 21.800 tấn vàng thuộc sở hữu của Mỹ. Tại đó còn lưu giữ vàng của ngân hàng trung ương các nước châu Âu, trong đó có Đức (9300 tấn), nước hiện đang nỗ lực thu hồi số vàng này. Hơn nữa Đức khi đó rõ ràng đứng về phía Mỹ trong việc tiến hành chính sách trừng phạt chống Nga. Đức ở tuyến đầu với các đối tác Đông Âu, Ba Lan và các nước Baltic, vốn muốn “chơi” Nga một cú và điều này làm các nước láng giềng phương Tây có ảnh hưởng thích thú.
 
Sau đó Mỹ đương nhiên tìm cách thoát khỏi trách nhiệm hoán đổi USD thành vàng, vì không muốn mất dự trữ kim loại quý này của mình. Đồng USD trên thế giới ngày càng nhiều hơn, còn Mỹ trên thực tế đã bắt đầu sống bằng nợ.
Bắt đầu hình thành một mô hình phát triển kinh tế, mà ở đó sự thịnh vượng của Mỹ ở mức độ đáng kể dựa vào máy in tiền, chứ không dựa trên vàng hay nền sản xuất quốc gia, trong khi các nước khác phải đảm bảo sự thịnh vượng của mình bằng lao động căng thẳng, làm việc không chỉ cho mình mà cho cả Chú Sam thông qua việc trao đổi các nguồn lực thực sự lấy đồng USD, mà giá thành chế tạo chỉ vài chục cent.
(Còn tiếp)
Theo TTK/baotintuc.vn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cảm tác Bùi Giáng



Phần nhận xét hiển thị trên trang

TPP tưởng gần hóa xa

12 quốc gia tham gia TPP đồng ý xem xét tiến hành thêm một hội nghị cấp bộ trưởng nữa vào cuối tháng 8
Bất đồng xung quanh một loạt vấn đề như thương mại ô tô giữa Nhật Bản và Bắc Mỹ, mở cửa thị trường sữa, thời gian bảo vệ dữ liệu dùng để bào chế thuốc sinh học, quyền sở hữu trí tuệ… khiến vòng đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở đảo Maui, bang Hawaii - Mỹ chưa thể hoàn tất hôm 31-7 như kỳ vọng.
“Lằn ranh đỏ”
Theo Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb, điều đáng buồn là 98% công việc đã hoàn tất và trở ngại chính hiện tại nằm ở “bộ tứ” nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết chỉ còn 1-2 vấn đề thực sự khó giải quyết và một trong số này là ngành sữa. New Zealand tuyên bố sẽ không ủng hộ một thỏa thuận không mở cửa đáng kể các thị trường sữa, nhất là tại Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico.
Thời gian bảo vệ dữ liệu dùng để bào chế thuốc sinh học cũng là vướng mắc lớn tại hội nghị bộ trưởng 12 nước tham gia TPP. Các hãng dược Mỹ muốn 12 năm, trong khi Úc muốn 5 năm, còn Chile lại nói không với vấn đề này. “Mỹ đứng ở một bên, những nước khác ở bên còn lại... Không bên nào muốn nhượng bộ và các bên đều coi vấn đề này là lằn ranh đỏ” - đại diện của một trong các quốc gia tham gia đàm phán tiết lộ.
Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí hầu hết quy định về xuất xứ của ô tô - dùng để xác định sản phẩm nào xuất xứ từ bên trong TPP và không phải chịu thuế. Tuy nhiên, thỏa thuận này lại không nhận được cái gật đầu của Canada và Mexico, 2 nước có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo ngày 31-7 ở Hawaii - MỹẢnh: REUTERS
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo ngày 31-7 ở Hawaii - Mỹ. Ảnh: REUTERS

Vẫn còn hy vọng
Diễn biến trên chắc chắn khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama không khỏi thất vọng bởi vòng đàm phán trên được xem là cơ hội cuối cùng để kịp đạt một thỏa thuận về TPP mà Quốc hội Mỹ có thể xem xét và thông qua ngay trong năm nay, trước khi nước này bước vào năm bầu cử 2016. Ông chủ Nhà Trắng xem TPP đóng vai trò quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ, đồng thời là cơ hội để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.
Luật sư Tim Brightbill, chuyên về những vụ tranh tụng thương mại, cho biết một thỏa thuận tốt sẽ là “điều tích cực to lớn” đối với tất cả các nước tham gia TPP. Tuy nhiên, ông cảnh báo một thỏa thuận chẳng giúp ích gì mấy cho ngành sản xuất và công ăn việc làm ở Mỹ sẽ không được quốc hội nước này phê chuẩn. Những nước khác có những mục tiêu chính khác cũng như quá trình phê chuẩn của riêng họ. “Đây là một bước lùi đáng kể khi các nước không thể nhất trí với nhau. Tuy nhiên, cơ hội không hẳn đã kết thúc” - chuyên gia Gary Hufbauer, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), nhận định.
Trong thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngay sau vòng đàm phán ở Hawaii kết thúc cho thấy Washington tự tin hơn bao giờ hết rằng TPP hiện trong tầm tay và sẽ thúc đẩy việc làm và kinh tế. Không lạc quan như thế, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed tuyên bố: “Còn một số vấn đề tồn đọng, báo hiệu con đường về đích vẫn lắm chông gai”.
Các nhà đàm phán sẽ về nước để tìm kiếm sự phê chuẩn từ cấp cao hơn đối với những bất đồng còn tồn tại. Các cuộc đàm phán song phương sẽ sớm được khởi động trở lại. Theo hãng tin Kyodo ngày 1-8, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách tài chính Nhật Bản Akira Amari nói với báo giới rằng các vấn đề nổi cộm có thể được giải quyết trong “một cuộc họp nữa”. Ông cũng cho biết tất cả 12 quốc gia tham gia TPP đồng ý xem xét tiến hành thêm một hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối tháng 8 này.
HUỆ BÌNH
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Nhật: “Tại sao Trung Quốc nhất định sẽ thua Việt Nam?”

Báo Đa Chiều (NhậtBản)ngày 27/7 đăng lại bài bình luận “Tại sao Trung Quốc nhất định sẽ thua Việt Nam?” trên tạp chí Toyo Keizai của Nhật Bản cho rằng, mặc dù quan hệ Trung – Nhật về mặt quân sự đang trong tình trạng căng thẳng có thể bùng phát thành xung đột bất cứ lúc nào, nhưng quan hệ giữa 2 nước vẫn có khả năng được cải thiện. Có những điều người Nhật Bản có thể và nên học hỏi người Việt trong quan hệ với láng giềng Trung Quốc.

Toyo Keizai cho rằng, quan hệ Nhật – Trung không thể so sánh được với quan hệ Việt – Trung về mức độ phức tạp. Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc đã cất quân xâm lược Việt Nam ít nhất cũng hơn 15 lần. Người Việt một mặt chiến đấu ngoan cường bảo vệ nền độc lập tự chủ, một mặt vẫn chấp nhận “triều cống ngoại giao” để bảo vệ hòa bình. Tuy nhiên, dã tâm bành trướng lãnh thổ của phương Bắc xuống phương Nam vẫn chưa có lúc nào ngừng nghỉ.
Trong vấn đề Biển Đông gần đây, Việt Nam đã cho thấy lập trường kiên quyết không lùi bước, một mặt tranh thủ dư luận ủng hộ của khu vực và cộng đồng quốc tế, mặt khác cũng tránh để đổ vỡ hoàn toàn quan hệ với Bắc Kinh. Kết quả là Trung Quốc đã phải có sự nhượng bộ nhất định, trong khi Việt Nam tranh thủ thành công sự ủng hộ của ASEAN. Có thể nói Việt Nam đã “bỏ danh, cầu thực (thật)”. Dù là một nước nhỏ nhưng trong quan hệ với Trung Quốc lớn hơn mình rất nhiều, Việt Nam không hề “dưới cơ”.
Quan hệ với láng giềng, người Việt đã “dốc” những gì có thể làm, đóng góp những gì có thể đóng góp nên vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế ngày càng tăng. Toyo Keizai nhận định, sở dĩ người Việt có được thành công này mấu chốt nằm ở 2 điểm:
Thứ nhất, Việt Nam rất biết cách quan hệ với các cường quốc như thế nào. Người Việt nam không bao giờ cúi đầu quá thấp. Ngược lại, người Việt thường khiến các cường quốc cúi đầu xuống, “ngoại giao xin xỏ” không có chỗ đứng ở Việt Nam. Người Việt không bao giờ nói toạc móng heo, nhưng cũng chẳng cam tâm lép vế, dù trong lòng đã sẵn sàng thỏa hiệp nhưng ngoài mặt vẫn cứ lạnh tanh, lúc bị đối phương dồn vào thế bí thì người Việt lại đưa ra một phương án trung dung. Nhật Bản có thể học được điều này từ người Việt hay không, Toyo Kaizei đặt câu hỏi.
Thứ hai, người Việt thường biết sử dụng các chiến thuật tình báo để có thể lấy được thông tin của đối phương phục vụ cho mục đích của mình. Có thể một số người cho rằng chiến thuật này không “quang minh chính đại”, nhưng khi cuộc chiến ngoại giao là cuộc chiến của lợi ích nếu chỉ biết đi đường thẳng chưa chắc đã giành được thắng lợi. Tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản cố nhiên đáng quý, nhưng người Nhật dường như đang thiếu một trí tuệ ứng biến linh hoạt? Người ngoài thường có một nhận xét chung về người Nhật là mang nặng chủ nghĩa giáo điều. Đã đến lúc Nhật Bản cần thay đổi điều này.
Toyo Keizai cho rằng, cần phải nhấn mạnh rằng thủ pháp ngoại giao của Việt Nam không thể gọi là “chủ nghĩa đơn phương” bởi người Việt luôn kề vài sát cánh với các thành viên khác của ASEAN. Từ góc độ này có thể thấy Trung Quốc không thể khuất phục được người Việt, Nhật Bản nên học tập người Việt điểm này trong xử lý mối quan hệ với Bắc Kinh. Hiện tại Việt Nam vẫn đang hành động, người Việt vẫn đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc của Trung Quốc, đặc biệt là về mặt kinh tế, Toyo Keizai lưu ý.
(Theo Giáo Dục Việt Nam)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000



(Thời biến đổi gien)
  Kỳ 10
    Bùi Ngọc Tấn
Trở lại với bản thảo Chuyện kể năm 2000.
Tôi đã bị công an Hải Phòng tịch thu khoảng 1500 trang bản thảo — hoàn toàn viết theo trường phái tụng ca — nên lần này tôi rất cảnh giác. Ngoài bản phô-tô của nhà xuất bản Hà Nội mà Lê Bầu thực hiện và đưa cả cho tôi, tôi còn hai bản đánh máy. Tôi gửi bản phô-tô ở nhà Nguyên Bình trên Hà Nội. Một bản đánh máy tôi cho vào một túi giả da có khoá kéo để chống dán và con dài đuôi, đem gửi anh Thành, anh thứ hai tôi.
Sự cẩn thận ấy không thừa. Chị Hoàng Ngọc Hà cho tôi hay: Công an đã biết có một bản thảo viết về nhà tù gửi đến chị. PA25 đến gặp chị, hỏi về tập bản thảo. Chị bảo có. Và lấy ngay từ tủ sách của nhà xuất bản tập tiểu thuyết viết về nhà tù của… Mỹ đã in. Họ bảo không, quyển Mộng Du cơ. Chị lại lấy ra quyển Mộng Du nào đó của nước ngoài cũng đã được dịch in.
Trong nhà tôi chỉ có một bản. Tôi “đánh bóng mạ kền” bản ấy mỗi khi rỗi rãi. Với cái máy chữ của Hoàng Hưng gửi từ thành phố Hồ Chí Minh ra cho, tôi mổ cò những đoạn sửa, cất đi một bản để ghép vào bản gửi anh Thành tôi. ([1]) Tập tiểu thuyết của tôi sau này khi in ra, được các nhà phê bình nhận xét viết theo phương pháp đồng hiện. Thú thật khi viết nó, tôi không nghĩ đến phương pháp nào hết. Mở đầu truyện là một anh tù được tha, được về với gia đình, về với xã hội. Nhưng nhà tù, trại giam, xà lim cứ theo anh ta từng bước, ám ảnh không rời. Những ngày ở tù, những người bạn tù, những chuyện tù cứ trở về bám lấy anh, ăn ngủ cùng anh. Cả những ngày anh còn là một người bình thường trước khi bị bắt, trước khi đi tù cũng về cùng anh. Lối viết ba kiếp sống cùng một lúc, dích dắc thời gian, dích dắc không gian này bắt tôi phải thật nhuyễn trong lúc chuyển ý, những đoạn chuyển phải thật tự nhiên để dắt bạn đọc theo mình mà bạn đọc không biết đã rẽ vào kiếp khác của nhân vật từ lúc nào. Những đoạn chuyển ý và cả những khúc ráp mối khi quay trở lại cũng vậy. Một công việc khó khăn nhưng cũng thật hấp dẫn. Nó bắt tôi cố gắng tối đa, phải “đồng hiện” suốt non nghìn trang tiểu thuyết và không được lặp lại cách làm. Hình như tôi đã đạt kết quả. Một bạn viết văn bảo tôi:
– Những mối hàn lắp ghép của anh không một vết gợn. Nó cứ phẳng lì.
Năm 1998 tôi quyết định làm vi tính bản thảo. Bởi tôi thấy nó có vẻ đã hoàn chỉnh. Bởi những trang pơ-luya đã cũ, đã vàng, đã dòn, đã quăn cả mép. Tôi ủ nó gần mười năm rồi còn gì. Tôi nói đùa: Bản thảo của mình sắp thành rượu XO rồi.
Cái khó trong việc làm vi tính là không thể mang ra cửa hàng cửa hiệu, mặc dù nhan nhản khắp nơi. Làm ở đấy chẳng khác nào công khai hoá nó, trình nó ra cho mọi người, chẳng thà đem nộp công an còn hơn.
Vũ Huy Cương nhận giúp tôi, mang nó lên Hà Nội, đến bệnh viện Mắt, nơi có cả một phòng vi tính mà trưởng phòng là người bạn gái tuyệt đối tin cậy. Cô Hạnh. Tôi quen Hạnh. Quen cả Thực, chồng Hạnh. Những người bạn, những đứa em không thể làm điều gì xấu với bất kỳ ai. Nhưng vừa mang lên, công an đã ập đến khám. Sau này, Thực bảo tôi:
– Họ reo lên: A! Mộng Du! Của Bùi Ngọc Tấn nhà văn Hải Phòng mới được giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm đây mà!
Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm là giải thưởng văn nghệ của thành phố Hải Phòng, năm ấy tôi được trao, thế mà họ cũng biết. Tôi giật mình và ân hận vì đã làm phiền vợ chồng Thực, có thể còn ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của gia đình Thực – Hạnh nữa. Và tôi cũng tin rằng bản thảo Mộng Du của tôi đã được công an phô-tô cop-py rồi.
Lại án binh bất động. Lại nghe ngóng. Cho tới cuối năm 1998 mới vi tính hoá bản thảomột lần nữa. Hai nơi làm. Cháu Giang Lương Hà, phóng viên đài phát thanh truyền hình Hải Phòng nhận tập hai, đưa cho một người bạn tin cậy làm hộ.([2]) Giang Lương Hà còn rất trẻ. Tôi và Hà đã cộng tác làm bộ phim truyền hình về nhà thơ Lê Đại Thanh. Qua việc làm phim, thu hoạch lớn nhất của tôi là nhận thức về lớp trẻ: Các cháu còn ít tuổi nhưng hoàn toàn hiểu chúng tôi, hiểu được nỗi đau của chúng tôi, lớp cha chú đi trước. Tôi rất tin Hà khi trao bản thảo. Còn tập một, Bão Vũ nói giọng giang hồ:
– Anh để em xử.
Xử có nghĩa là Bão Vũ lo từ A đên Z, thuê người tin cậy làm và trả cả tiền cho tôi.
Việc làm vi tính kéo dài vì cô Mec-xe-đet, cô gái làm vi tính mà Bão Vũ thuê. Cô là nhân viên hợp đồng một cơ quan ngay cạnh cơ quan Bão Vũ, vẫn được anh thuê làm vi tính bản thảo của anh. Nhưng đến lượt tôi thì trục trặc vì cô có người yêu Việt kiều từ Mỹ về. Lúc cô nghỉ phép. Lúc chuẩn bị đám cưới. Mà đám cưới của cô không như đám cưới người khác. Cô phải lo thuê được hai cái Mercedes. Một đen cho chú rể. Một trắng cho cô dâu. Cứ phải xe thiếp trắng xe chàng đen. Rối tinh rối mù lên vì Mercedes — Chúng tôi gọi cô là nàng Mec-xe-đet cũng vì vậy.
Đám cưới xong lại đến tuần trăng mật. Rồi một tin sét đánh: Cô dâu về Mỹ cùng chú rể. Tôi bã người. Thuê các cháu ở cơ quan xí nghiệp làm thêm tuy chậm, nhưng bí mật được bảo đảm. Với cả hai nơi làm vi tính tôi đều đặt tiêu chuẩn an toàn lên hàng đầu. Nhưng rồi lại có tin vui. Một hôm giữa lúc rất bi quan về số phận của mình trâu trắng mất mùa, Bão Vũ nói:
– Nàng Mec-xê-đet phải ở lại Việt Nam, không được về Mỹ với chồng.
– …?
– Sứ quán Mỹ không cấp visa. Họ bắt phải xuất trình tất cả thư từ yêu đương qua lại giữa Việt Nam – Mỹ với phong bì đóng dấu bưu điện hàng năm trước. Nếu không, phải chờ hai năm sau lễ cưới mới được cấp thị thực.
Tôi cám cảnh cho cái nấc thang giá trị của người Việt mình nhưng lại vui, vì thế là quyển tiểu thuyết của tôi sẽ được làm vi tính xong trong một ngày gần đây.
Khi nhận lại bản thảo dưới dạng vi tính, nhìn những xếp giấy được in bằng mực in trắng trẻo, phẳng phiu, tôi không muốn rời. Lại kèm theo cả đĩa, hai cái đĩa vuông. Nguyễn Quang Thân nói đúng: Bản thảo viết tay đọc khác, bản đánh máy đọc cảm giác khác, bản vi tính đọc cảm giác khác. Đọc bản vi tính như được đọc trước bản in trong tương lai, trang trọng lên rất nhiều. Xem đi xem lại tôi thấy vẫn còn lỗi, mặc dù tôi là người sửa mo-rát. Nhưng thôi, hãy gác lại tất cả những chuyện ấy.
Hãy lo chuyện phô-tô cóp-pi. Tôi không dám đem đi sao chụp. Phải nhờ Đỗ An Bình. Bình vui vẻ nhận lời. Tôi suy nghĩ nhiều về tên quyển tiểu thuyết. Mộng Du hẳn đã là cái tên quen thuộc. Không chỉ quen thuộc với bạn bè tôi mà còn quen thuộc với công an. Hơn nữa báo Lao Động đã đăng một bài viết về tôi, trong đó nữ phóng viên Lâm Tuyền nói rõ rằng tôi đã viết xong “một quyển tiểu thuyết như là tự sự” có tên Mộng Du. Gửi Mộng Du đi chắc không được.  đã nằm trong sổ đen rồi.
Biết bao nhiêu tên truyện đã đến, nhưng chẳng tên nào tôi vừa ý. Thế rồi trong một đêm nghĩ ngợi lần man, tôi ao ước quyển truyện được in vào năm 2000. Sớm nhất là như vậy. Dạo ấy ai cũng nói đến năm 2000, năm kết thúc thế kỷ 20 và thiên niên kỷ thứ 2, để bước sang năm đầu tiên của thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới và phải 1000 năm nữa mới lại có một năm tròn ba con số 0 như vậy. Năm 2000 là cái mốc mà mỗi cá nhân, mỗi dân tộc đều phải làm một bản tổng kết. Tổng kết về bản thân mình, về dân tộc mình. Và tổng kết cả về nhân loại. Năm 2000 là một năm nhậy cảm, một năm gợi cảm, một năm của hy vọng. Thế là cái tên Chuyện kể năm 2000 vụt đến. Tôi bảo Đỗ An Bình khi anh đem bản thảo đi phô-tô:
– Phô-tô mười bản. Làm hai bìa khác nhau. Chín bản tên Mộng Du. Một bản tênChuyện kể năm 2000.
Tám trăm nghìn tiền phô-tô tất cả. Sở dĩ tôi sao chép đến mười bản, bởi vì tôi chẳng tin truyện sẽ được in. Sao ra nhiều bản để một số bạn bè đọc. Rồi họ có muốn nhân bản thì nhân bản. Đành phổ biến theo cách ấy. Thơ văn các cụ ngày xưa chỉ truyền miệng mà còn tới bây giờ. Trong điều kiện sao chép như hiện nay, mười bản đã là quá đủ. Bình xách bản thảo về nhà tôi bằng làn, bằng túi khá kín đáo.
Mùa xuân năm 1999 phô-tô xong thì mùa hè tôi gặp Đoàn Thị Lam Luyến tại Hải Phòng. Tôi quen Luyến trong buổi lễ tặng thưởng sách hay của nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 1996. Chúng tôi cùng được tặng thưởng. Luyến với tập thơ Châm Khói. Còn tôi với quyển Một Thời Để Mất. Trong buổi lễ tặng giải ấy, tất cả mọi người đều quen biết nhau, trò chuyện ríu rít, trừ tôi. Tôi ngồi một mình một chỗ, không ai để ý, không ai trò chuyện, như một tảng đá. Chỉ một lần anh Xuân Tùng, phó giám đốc nhà xuất bản đi đến chỗ tôi ngồi, ghé xuống giục tôi phát biểu ý kiến:
– Sao anh khiêm tốn thế.
Tôi chỉ cười, lắc đầu.
Tôi vốn nhút nhát. Thiếu tự tin thì đúng hơn. Tôi không quen phát biểu, không quen xuất hiện trước đám đông. Lại càng rụt rè trước những nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu, những vị công tác ở Hội Nhà Văn, ở Viện Văn Học thường xuyên sống trong văn chương, dõi theo từng bước đi của nhau từ đời nảo đời nào tay bắt mặt mừng đầy hớn hở tự tin, những phóng viên báo chí gặp người này, chuyện với người khác, hò hẹn hỏi han ghi ghi chép chép….
Anh chàng thi đua xí nghiệp đánh cá hoàn toàn xa lạ với môi trường nghệ thuật, không hiểu gì về văn chương đương đại([3]), ngồi im thin thít giữa những người xa lạ, nghe người ta trao đổi những nhận xét về thành công của người này, dự định của người khác mà vốn dĩ hắn hoàn toàn mù tịt và cũng chẳng quan tâm.
Gần 30 năm bị giám sát theo dõi, tù đầy, thất nghiệp, bốc vác, kéo xe bò, thợ sắt, đi buôn chuyến, làm miến, quấn thuốc lá… rồi phúc cả mả dầy, được ông Hoàng Hữu Nhân tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Sản và ông Tưởng trưởng phòng lao động khu phố Ngô Quyền cứu, lọ mọ ở một xí nghiệp đánh cá với chức danh nhân viên phụ thi đua cho một anh thi đua chính là đảng viên lười biếng nát rượu đi đâu cũng khoe cái áo len xanh dài tay đang mặc là do một bà cỡ giám đốc sở đan cho, chuyên la cà phòng nọ ban kia, nghe ngóng chuyện trên Bộ, chuyện đề bạt tăng lương xét nét soi mói mình từng li từng tí chỉ vì mình có năng lực hơn, tích cực hơn; sợ hãi lạc lõng với tất cả, nín nhịn, cam chịu thân phận một tên tù được tha lĩnh lương hợp đồng khởi điểm 36 đồng một tháng — mức lương không thể thấp hơn của một người tập sự nấu nước, tập sự dọn vệ sinh — đứng ngoài nhìn vào hội nghị cán bộ chủ chốt gồm bộ tứ xí nghiệp và các trưởng phó phòng ban đã thấy cao vòi vọi, thường xuyên bị ngành an ninh ý kiến này khác với lãnh đạo, trông thấy bóng một ông công an xuống xí nghiệp không cần phải là ông Quang Diệm ông An Mặt Ngựa chụm đầu nhỏ to với giám đốc, với đảng ủy, với công đoàn có khi chuyện chẳng liên can gì đến mình là cứ giật thót lo sợ nghĩ ngợi mất ăn mất ngủ, hơn thế, còn bị đặt điều vu cho là lập nhóm thơ này nhóm văn nọ, bị coi là thường xuyên bất mãn Đào Công Ty đì công tao viết một cái tin ngắn cũng không được in nếu may mắn lọt được cái tin nào thì mừng như đã công bố tác phẩm lớn, chịu đựng tất cả điều nọ tiếng kia chỉ có một khát khao là được vào biên chế, không xích mích với một ai, nở nụ cười thường trực với tất cả, sống thu mình lại, ngồi cũng thu mình lại, lì đòn làm ra hèn kém ngu muội rồi thành hèn kém ngu muội thật, không mấy dằn vặt về kiếp sống của mình hoàn toàn quen với cái thân phận tôm tép nhỏ bé, không biết mình đã cùn mằn han gỉ về những chuyện rị mọ xuống tầu xin cá, về nỗi lo kiếm sống, về mong được chuyển từ hợp đồng ngắn hạn sang hợp đồng dài hạn, hơn thế còn mừng thấy hơn người vì được làm ở một xí nghiệp thực phẩm không chỉ có miếng ăn, nhiều khi còn đem cá xin được đi bán đỡ lo một phần chuyện nuôi con, nhưng vẫn còn mối lo con có được kết nạp đoàn không, rồi kiểm tra hộ khẩu lúc nửa đêm, rồi công an đến nhà theo định kỳ rồi bố con kéo nhau ra đồn khai lại lý lịch vừa ngồi khai trên đồn vừa nghĩ ngày mai tới xí nghiệp làm sao thó được chiếc bóng điện mang về nhà để con ngồi học, chiếc bóng ở nhà cháy rồi…
Với tất cả những điều ấy tôi hoàn toàn là một động vật sơ đẳng, một hạt bụi cáu ghét vật vã lăn lóc quăng lên quật xuống trên đường đời dù đã thoát qua bão lớn nhưng vẫn ù ù gió quất cấp 9 cấp 10. Họa hoằn có một đoàn văn nghệ sĩ xuống xí nghiệp, chẳng hạn Thọ Vân đưa các họa sĩ đến ký họa ngoài Cảng tự túc hoàn toàn về ăn uống, Nguyễn Viết Lãm đưa các nghệ sĩ tận trên Hà Nội như Hồ Bắc và nhiều người nữa xuống xí nghiệp rồi xuống tầu ăn trưa, do tôi chuẩn bị.
Có gì đâu, chỉ phải làm hóa đơn mua từ phòng đời sống một két bia đặt lên poóc-ba-ga xe đạp chở xuống tầu, còn tầu lấy trong kho ra một khay tôm 12 kí lô, vài con cá song cho vào lò điện là đủ làm hoa mắt các văn nghệ sĩ lúc nào cũng thiếu đạm, thèm đạm, ăn không biết no, ăn nhồi ăn nhét để có thể ăn rau suốt cả tháng, nhường vợ nhường con mút mát tí đạm, tí mỡ qua con đường tem phiếu. Rồi những phóng viên báo Hải Phòng, Đài truyền hình, nhóm làm phim Đào Trọng Khánh, Bùi Viên đã như người nhà xí nghiệp, chưa kể một vài nhà thơ cấp phường, những nhà nhiếp ảnh chụp đám ma đám cưới đều có giấy giới thiệu cẩn thận — riêng nhóm nghệ sĩ lởm cởm lôm côm này tôi nhất định không cho ăn…
Được hầu hạ họ, lăng xăng bên họ, được tất bật lo lắng vì họ, được làm guide đưa họ đi tham quan rồng rắn trên cầu cảng chỉ chỉ trỏ trỏ, được cùng họ ngồi trên boong mũi ghé xem họ ký hoạ người, ký hoạ tầu, ký hoạ lưới rồi ngồi với họ trong phòng khách quạt cần Sanyo mới đập hộp êm ru cánh vàng lóa mắt, uống nước trà từ cô cháu gái làm công việc lễ tân rót nóng bỏng, lịch sự đưa thuốc lá Vina mời khách, được ngồi trong câu lạc bộ tầu Việt – Xô 1000 mã lực điều hòa mát lạnh, bóc tôm he bỏ lò cho vào đẫy mồm đẫy miệng cùng các văn nghệ sĩ luôn được xí nghiệp kính trọng, tôi thấy đời vui lên một chút đáng sống thêm một chút mặc dầu các vị chỉ thuộc loại làng nhàng hoặc dưới trung bình rủ nhau xuống xí nghiệp chỉ để làm một cuộc du ngoạn thay đổi không khí lại được đón tiếp, được ăn uống một bữa thẳng căng.
Có những vị không biết tôi, có những vị biết nhưng làm ra không biết chỉ hạ cố một câu chào lúc gặp ban đầu thế nhưng tôi chẳng lấy làm tự ái. Tôi hưởng cái hào quang tỏa ra từ họ. Mọi người trong xí nghiệp bỗng nhớ ra gốc gác của tôi vốn là nhà văn nhà báo. Đón tiếp họ, im lặng nghe chuyện của họ và không bao giờ dám phạm thượng xen vào câu chuyện, tôi cũng nhớ ra mình đã là nhà văn nhà báo.
Một lần lên Hà Nội, gặp một bạn cũ ở báo Tiền Phong có người nhà làm ở bộ Công An. Đang rì rầm với bộ mặt đau khổ về một việc quan trọng nhất đời là nhờ cậy nộp đơn kêu oan, tôi bỗng im bặt, lặng đi như thấy một ngôi sao rơi trước mặt: Một nữ ca sĩ, vẫn xuất hiện trên ti vi đang mặc đồ bộ đi trong sân, ngay trước mặt tôi bằng xương bằng thịt. Người bạn ngạc nhiên về sự im lặng đó. Nhìn theo ánh mắt tôi, anh hiểu và cười:
– Ồ, cái C.V. Trong đoàn đại biểu thanh niên mới đi Triều Tiên về ấy mà.
Kể lại những chuyện trên để các bạn thấy tôi lúc ấy là như thế nào. Gần ba mươi năm đầy đọa là thời gian quá đủ để làm biến đổi gien một con người.
Trong không khí ríu rít thăm hỏi gặp gỡ chúc mừng của buổi trao tặng thưởng sách hay ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn, không ai biết tôi, không ai hỏi tên tôi cũng như hạ cố hỏi tôi viết ra cái gì, được tặng thưởng vì cái gì. Vẻ mặt tỉnh lẻ khó đăm đăm lạc lõng, ngồi thu người lại, không nói một câu, tôi giống một anh viết văn cấp thôn cấp xóm, không hiểu sao lại lạc vào nơi sang trọng, tụ họp toàn viện sĩ này.
Chỉ hai người biết tôi như đã nói: Nguyễn Kiên và Xuân Tùng. Các anh còn có công việc của người chủ nhà trước bao nhiêu khách. Tôi cũng không bắt chuyện cùng ai, đúng hơn không ai bắt chuyện cùng tôi. Nhưng qua những lời chúc, những nụ cười rạng rỡ, những thăm hỏi về công việc của những người trong buổi trao giải, tôi cũng hiểu đôi chút về nội dung những tập sách được tặng thưởng khác. Nó không giống với Một Thời Để Mất của tôi, một tập sách viết về “một thời mà nhà văn luôn phải đối diện với nỗi lo sợ tù đầy bởi những quy chụp chính trị, còn thiếu thốn, cái đói thì ám ảnh sau mỗi trang viết. Ngòi bút nhà văn phải lách qua mọi kìm tỏa, bão giông của thời cuộc để đi đến tận cùng sự thật tâm hồn, để giữ gìn một thứ thiên chức nhà văn mà Bùi Ngọc Tấn gọi là nghiệp chướng.” ([4])
Tôi hiểu đây không phải thế giới của tôi, không dành cho tôi. Tôi tự thấy là một loài khác. Chỗ của tôi là chỗ khác. Một thế hệ thanh niên đầy lòng yêu nước, hăm hở quyết tâm nhưng luôn thất bại. Những trại tù, những cánh rừng, những đôi mắt tuyệt vọng, những người kéo lê cuộc sống ao ước có lại lòng tin để thêm sức vượt qua năm tháng nhọc nhằn…, tất cả làm thành một hàng rào vô hình ngăn cách tôi với mọi người.
Một nhân vật quan trọng xuất hiện: Nguyễn Khoa Điềm, tổng thư ký Hội Nhà Văn, thứ trưởng Bộ Văn Hóa. Lần đầu tiên tôi gặp ông ta. Một khuôn mặt của những công việc quan trọng, của người mang trong đầu những đại sự quốc gia nhưng không biểu hiện ra bên ngoài, kín mít, ngoài việc ông có mặt ở đây để trao giải chứng tỏ ông quan tâm đến nghệ thuật.
Tôi nhận chứng chỉ tặng thưởng và phong bì từ tay ông, và bắt tay. Hẳn ông không biết tôi là ai và cũng chưa đọc một dòng nào của tôi.
Nhưng lúc đó tôi đặt lòng tin vào ông.
Đơn giản chỉ vì bài thơ khóc Phùng Quán của ông, tôi cho là hay nhất trong những bài viết về Quán khi Quán mất. Nó chân thành và cảm động. Dù có nhiều tin đồn ông sẽ lên bộ trưởng Bộ Văn Hóa và còn lên cao nữa. Chính những tin đồn này làm niềm tin của tôi suy giảm bởi những người được đảng tín nhiệm như thế khó mà tốt được.
Khi Nguyễn Khoa Điềm lên Bộ Chính Trị, anh Hồng Sỹ, hàng xóm liền tường của tôi, một người tù, một chế phẩm của Lê Đức Thọ, bảo tôi:
– Các ông văn nghệ kỳ này được nhờ nhá. Một nhà thơ làm ủy viên Bộ Chính Trị.
Tôi đã cười bảo anh:
– Càng nguy hiểm hơn, anh ơi. Nó biết hết ngón nghề của anh em văn nghệ. Không cái gì qua được mắt nó.
Chuyện Nguyễn Khoa Điềm vào Bộ Chính Trị và ra khỏi Bộ Chính Trị sau này như thế nào, hạ hồi phân giải. Sau lễ phát tặng thưởng, một bạn phóng viên báo Thiếu Niên Tiền Phong ([5]) còn rất trẻ mời tôi và Lam Luyến sang cửa hàng ăn uống giải khát bên kia đường để phỏng vấn. Luyến ký tặng tôi Châm Khói ngay tại bàn giải khát. Còn tôi cứ đi là đi thôi, chẳng mang theo cuốn Một Thời Để Mất nào để tặng đáp lễ dù ở nhà vẫn còn gần chục cuốn mua hạ giá. Chúng tôi quen biết nhau từ đấy. Trong lần gặp lại Luyến ở Hải Phòng, tôi vẫn giữ vai một người viết văn tỉnh lẻ, ít nói, rụt rè. Hình như đó đã là bản chất của tôi.
Luyến kéo tôi đi viết chân dung các nhà giáo ưu tú tại Hải Phòng, bộ sách nhiều tập còn kéo dài nhiều năm sau đó. Một buổi trưa, Lam Luyến mời tôi và Đình Kính đi ăn tạiVườn Hải Quân nơi trông ra Vườn Hoa Chéo. Luyến hào hứng nói về tập sách chị biên tập đang gây dư luận, tập Chân Dung Và Đối Thoại của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Chị nói tử vi của Trần Đăng Khoa, mệnh của Trần Đăng Khoa hợp với mệnh của chị. Nên làm được.
Tôi ngập ngừng:
– Mình có một tập tiểu thuyết hơi căng, viết về tù. Không biết chỗ Luyến có in được không?
Khi mới quen, tôi xưng với Luyến là mình, sau này tôi anh em ngọt xớt. Luyến hỏi lại:
– Bao nhiêu trang, anh?
– Non nghìn trang.
– Non nghìn trang thì tốt. Chúng em đang thích làm những tập sách dầy.
Và hỏi tiếp:
– Anh tuổi gì?
– Mình sinh năm 1934. Giáp Tuất.
Luyến nói ngay ra mệnh của tôi và tuyên bố: “Mệnh của anh hợp với mệnh của em. Làm được. Lúc nào anh đưa em.” Luyến lại hỏi tên truyện. Tôi đáp:
– Chuyện kể năm 2000.
– Được! Được!
Cả Đình Kính và Đoàn Thị Lam Luyến cùng reo lên. Kính nói thêm:
– Như một cách nói: Đến năm 2000 nhìn lại. Một câu chuyện cổ tích chưa xa.
Tôi đưa bản thảo cho Luyến vào khoảng tháng 6 năm 1999. Không chỉ gửi bản thảo. Còn nhiều phụ tùng đi theo nó. Tôi nghĩ với bản thảo của một người đi tù về, việc làm rõ nhân thân tác giả rất cần thiết. Nhất là làm rõ mình là người trong sạch. Trước tiên phải gửi kèm bản sao xác nhận của công an Hải Phòng đã bỏ tù tôi. Có được xác nhận này là do anh cán bộ phòng tổ chức Halong Fiscom, tên giao dịch của xí nghiệp Liên Hợp Thủy Sản Hải Phòng, nơi tôi làm việc. Khi tôi làm thủ tục nghỉ hưu, anh ta yêu cầu phải có xác nhận của công an về 5 năm tù và 2 năm thất nghiệp của tôi, có như vậy hồ sơ của tôi mới hoàn chỉnh.
Tôi đã làm đơn lên Sở Công An Hải Phòng. Những tưởng công việc dễ dàng, bởi vì việc đó là đương nhiên: Tôi đi tù tất cả bàn dân thiên hạ đều biết. Cơ quan công an chẳng giấu nhẹm quá khứ xấu xa, quét hắc ín đen thui ấy của tôi mà còn làm ngược lại. Các con tôi nếu có việc phải xác nhận lý lịch để đi học, đi làm, bao giờ cũng có câu: Bố đi tập trung cải tạo — hoặc đi tù — 5 năm. Nhận lại tờ khai có lời phê chữ ký và đóng dấu, tôi ý thức rõ mình là người bố tội lỗi, để lại tài sản khủng khiếp cho các con mà chúng thoải mái chi dùng suốt cuộc đời không hết. Thật không ngờ đơn xin xác nhận tôi đã đi tù lại phải chờ cả tháng vẫn không được giải quyết.
Bạn bè tôi bảo: Mày có xin xác nhận anh hùng chiến sĩ thi đua gì đâu. Xin xác nhận đã đi tù, mà mày đi tù thật cơ mà. Sao lại không được? Vô lý!
Tôi hiểu lý do sự dùng dằng cả tháng trời ấy. Xác nhận để hại tôi, bôi nhọ tôi, họ làm ngay. Còn xác nhận mà nghi ngại tôi có thể làm một điều gì đó có lợi cho tôi, họ không muốn. Cái khó trong việc xác nhận là phải nói tội của tôi. Mà tôi thì chẳng có tội gì. Sau năm lần bẩy lượt lên Sở Công An, với vẻ mặt nhăn nhó cầu xin, tôi cũng được tờ xác nhận mong muốn ấy, không phải của Sở mà của Phòng Bảo Vệ Văn Hoá Sở Công An, bắt tôi bỏ tù 5 năm vì tôi có quan điểm sai lầm về mặt tư tưởng. Cầm tờ xác nhận, tiến sĩ Hồ Thọ, tổng giám đốc xí nghiệp tôi, một người không bênh vực gì tôi, không ghét bỏ ngành công an đã cười, nói với tôi:
– Ông nghĩ gì mà công an cũng biết thì tài thật.
Đúng là tư tưởng vẫn còn nằm trong đầu, còn là ý nghĩ chứ chưa được phát ngôn hoặcviết ra. Nếu đã được phát ngôn hay đã được viết ra thì tội của tôi sẽ là tuyên truyền phản cách mạng như đã ghi trong lệnh bắt tôi dạo cuối năm tổng tiến công Mậu Thân 1968. Tôi cám ơn đại tá Nguyễn Văn Hàm, trưởng phòng PA 25, người đã ký giấy xác nhận cho tôi. Nếu ông không ký, tôi cũng đành chịu chứ biết làm gì. Ông Hàm không gây ra vụ án của tôi. Ông chỉ là người đứng ra giải quyết hậu quả, một hậu quả chẳng có gì ghê gớm là ký xác nhận đã bỏ tù tôi 5 năm. Đây là một việc tất nhiên, một việc hiển nhiên phải làm, nhưng ở nước ta lại là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm trước dân, trước sự thật của một nhà nước của dân do dân vì dân. Tờ xác nhận của ông đã kéo tôi ra khỏi cõi vô minh. Tội của tôi là đã nghĩ sai nên đã phải đi tù 5 năm. Nó đồng nghĩa với việc tôi không có tội.([6])
Cùng với bản xác nhận của đại tá Hàm, tôi gửi kèm theo bản sao hai bằng khen của Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng khen tôi trong thời gian tôi làm tại xí nghiệp. Ý thức được tầm quan trọng của những “phụ kiện” kèm theo bản thảo, Luyến cho vào túi, kéo khoá rất cẩn thận. Tôi bông đùa:
– Khéo mất của anh. Anh phấn đấu sầy vẩy ra đấy.
Đưa bản thảo cho Luyến được khoảng một tuần tôi đã ngong ngóng tiếng chuông điện thoại của Luyến. Tôi nghĩ ai cầm tập bản thảo của tôi chỉ nhìn hình thức thôi cũng đã có cảm tình. Nó rõ ràng dễ đọc thế, mới thế, phẳng phiu thế, đẹp đẽ, dầy dặn thế.
Tôi không hồi hộp gì lắm. Bởi trong thâm tâm tôi không tin nó được duyệt in. Người ta cứ ồn ào về Chân Dung Và Đối Thoại. Sách của tôi khác sách của Trần Đăng Khoa về chất. Chẳng thể có một ông giám đốc nhà xuất bản nào đủ dũng cảm in nó. Thế rồi một hôm tôi nhận được điện thoại của Luyến gọi từ Yên Bái.
Chị đang công tác ở trên ấy. Giọng Luyến trong trẻo bên kia đầu dây nói:
– Em mới đọc được 60 trang. Nhà xuất bản của chúng em là nhà xuất bản đoàn thể mà. Cho nên hơi khó đấy anh ạ.
Tôi lặng im. Biết nói gì với Luyến. Điều ấy tôi đã lường trước. Có bao giờ tôi nghĩ quyển tiểu thuyết của tôi được in đâu. Gửi cầu may thôi. Tôi ngồi thừ người. Luyến mới đọc 60 trang vi tính, nghĩa là tới chỗ nào nhỉ. 60 trang vi tính là khoảng 100 trang in. Mới là phần đầu của truyện. Hãy cứ đọc hết đi đã, cô em ạ. Tôi nghĩ mơ hồ rằng nếu đọc hết cả hai tập, Đoàn Thị Lam Luyến cũng như những biên tập viên khác sẽ bị thuyết phục. Tôi tin ở món ăn tôi đưa ra. Tôi tin ở chất liệu của nó, ở cách xào nấu chế biến của tôi. Tôi biết tôi làm ra cái gì. Tôi tin ở văn chương của tôi. Ai đọc cũng sẽ thấy tôi đã dốc cả cuộc đời vào đó. Mà cuộc đời tôi thật ba chìm bẩy nổi. Cũng đã biết thế nào là hạnh phúc để cả đời nuôi sống mình bằng cay đắng. Đã từng trọn một niềm tin để tận cùng thất vọng. Cuộc đời tôi đâu phải là cá biệt. Nó cũng là số phận của nhân dân này, đất nước này…
B.N.T.
  ([1]) Cái máy chữ Vũ Huy Cương cho, tôi đã tặng lại Mạc Lân rồi.
(2) Tất nhiên tôi có trả tiền, 4000 đồng một trang.
(3) Có đọc đâu mà hiểu, mà với cái đầu óc đầy ắp những oan khuất bất công tù tội, hắn chẳng thể đọc được những chuyện người ta viết ra hồi đó
(4) Nguyễn Vĩnh Nguyên
(5) Khi Nguyễn Xuân Khánh còn làm ở đó, chúng tôi hay gọi là báo Trẻ Con Đi Đầu.
(6) Đấy là tôi nghĩ thế, về lý là như thế. Chính quyền bao giờ cũng coi tôi là người có tội. Năm 2005, một đứa cháu, con anh Bùi Ngọc Chương sống ở thành phố HCM tôt nghiệp đại học Luật, xin vào ngành công an nhưng CA Hải Phòng đã có ý kiến với CA.HCM không tiếp nhận cháu vì có chú ruột là Bùi Ngọc Tấn.
  (Xem tiếp kỳ sau)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chả để làm gì!

Bài học về tình bạn


Đây là truyện trên Internet, mình cóp bên nhà lão HM. Có đoạn kết mình thấy có thể viết “hay” hơn nên thêm vào cho nó “thực tế”.
Ở ngôi làng kia có một chú bé thông minh, tốt bụng, có những suy nghĩ khá sâu sắc so với lứa tuổi của chú. Thế nhưng, chú lại thiếu lòng tin và hay buồn rầu, chú luôn cảm thấy mình thiếu bạn.
Một ngày kia, như thường lệ, chú lại cảm thấy buồn chán và không có chuyện gì làm, chú lang thang một mình dọc theo bờ biển, lẩm bẩm tự than với mình:
– Chán quá đi. Ta buồn chẳng hiểu vì sao ta buồn? Chẳng có ai hiểu ta! Chẳng có ai làm bạn với ta và thật sự coi ta là bạn.
Vô tình chú giẫm phải vật gì đó dưới chân. Cuối xuống xem, chú thấy đó là một con sò nhỏ có lớp vỏ rất đẹp với nhiều màu sắc. Chú thờ ơ bỏ nó vào túi dự định đem về nhà chơi và định đi tiếp. Thình lình, con sò bỗng cất tiếng nói:
– Bạn ơi. Hãy thả tôi về với biển. Hãy giúp tôi trở về với nơi sinh ra mình. Có thể tôi không có gì để tặng lại bạn, nhưng tôi sẽ cho bạn một lời khuyên.
Cậu bé vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi, lại vừa thích thú. Nhìn con sò, cậu nói:
– Được thôi, ta sẽ thả bạn về với biển, nhưng…Hãy cho ta một lời khuyện trước đi…Ta đang buồn chán vì không có bạn bè đây!
Con sò cất tiếng trả lời bằng một giọng nói chậm rãi, nhẹ nhàng:
– Bạn hãy nhìn những hạt cát dưới chân bạn và nắm một nắm cát đầy đi. Bạn biết không, nắm cát trong lòng bàn tay của bạn cũng giống như bạn bè của bạn vậy. Những hạt cát quá xa lòng bàn tay bạn sẽ theo kẻ hở giữa những ngón tay bạn mà rơi ra ngoài. Nếu bạn càng siết chặt bàn tay thì chúng càng rơi ra nhiều hơn. Chỉ có những hạt cát nằm giữa lòng bàn tay bạn, được giữ chặt trong đó mới còn lại mà thôi. Đó chính là những người bạn thân thiết mà chúng ta thật sự cần, những người bạn này sẽ ở lại với ta dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Nhưng, bạn thấy đó, những hạt cát này rất ít và dễ dàng rơi ra nếu ta không biết giữ gìn.
Hãy đem chúng về và ngâm trong những vỉ màu đẹp nhất. Hãy giữ gìn và nâng niu chúng bằng tình cảm của mình. Chúng sẽ ở bên cạnh bạn và không rời xa đâu. Tôi chỉ có thể khuyên bạn như vậy thôi.
Chú bé im lặng, thả con sò về lại với lòng biển xanh bao la mà không nói lời nào.
Chú còn mải suy nghĩ về những điều con sò nhỏ nói.
(truyện trên Internet thì dừng ở đây còn phía dưới là đoạn kết của XT, feel free to add yours :) )

1.Phần kết thứ nhất
Nghe lời dặn của con sò, cậu bé cúi xuống vốc cát đầy bàn tay, nắm chặt lại và đi về nhà. Khi cậu bước vào nhà, mẹ cậu nhìn thấy tay cậu dính cát nên đè cậu ra lấy xà-bông Lifebuoy rửa sạch. (có khảo dị là bạn gái cậu chứ không phải mẹ cậu).
Bài học ở đây là: những người phụ nữ yêu quí nhất của ta thường khiến những người bạn thân thiết nhất cũng xa lánh ta
2.Phần kết thứ 2
Lùi lại vài phút. Cậu bé ngạc nhiên vì con sò lại biết nói. Cậu nhìn kỹ và nhận ra nó là một con trai. Một tia sáng dường như thoáng qua. Cậu nghiến răng, bẻ đôi vỏ trai, lấy viên ngọc bỏ vào túi và huýt sáo đi về nhà. Cuối tuần này là sinh nhật cô bạn gái. Ai có thể từ chối được món quà như thế này chứ?
Bài học ở đây là: trong mồm có đồ quí thì chớ nên mở miệng ra nói gì với người lạ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Gặp Trần Đĩnh “Đèn cù” ở Sài Gòn


Trần Đĩnh. Ảnh: HM
Trần Đĩnh. Ảnh: HM
Năm ngoái (6-2014) thăm DC, Huy Đức tặng cuốn “Đèn Cù” (tập 1) có chữ ký của Osin hẳn hoi, mình đọc lê thê, ngày này qua ngày khác, mỗi ngày vài trang. Ở vảo cái tuổi lẩn thẩn, có chỗ đọc đi rồi đọc lại cứ như đèn cù, mãi không hết cuốn sách. Về VN chơi dài dài, “Đèn cù” tập 1 vẫn chưa đọc đến trang cuối.

Nhớ chương 30 có một câu mà ông Lê Đức Thọ nói với Trần Đĩnh một năm trước khi bị bắt: Cậu không làm sao cả, tớ nói cậu có ghi đây, nếu cậu làm sao thì cứ viết thư chất vấn tớ tại sao người cộng sản lại nói năng bất nhất?
Nhưng rồi cụ vẫn bị “kiểm điểm”. Như đã viết trong Đèn Cù, người hỏi cung là Lê Công Tuấn “có một cái cười đầy gia công” làm mình rất phục khoản chữ nghĩa của nhà báo dạn dày.
Hồi đi học phổ thông và sau này lớn lên, tôi từng tin rằng người cộng sản không thể nói năng bất nhất. Và cũng nghĩ người cộng sản chân thành không thể gia công nụ cười như các nàng chiêu đãi viên Singapore.
Đọc “Đèn cù” và nghĩ, giá hôm nào được gặp tác giả. Hôm vừa rồi vào Sài Gòn, được anh Xang Hứng chuyên viết còm dính đến sex rủ đi ăn trưa với cụ Trần Đĩnh. “Đèn cù” cũng có đôi dòng tình dục dù không phải để câu views.

Quán ăn được chọn là ngôi nhà cũ của họa sỹ Lưu Công Nhân nổi tiếng về tranh nude. Nghe nói ngôi nhà này nằm trên góc đường XXX, do bà vợ của họa sỹ do kinh doanh buôn bán mà mua được, chẳng liên quan nhiều đến tranh vẽ của người chồng.
Ngôi nhà của Lưu Công Nhân nay được cho thuê thành quán ăn, có món lạ như u bò (bò VN kéo cày nên có u), lẩu bò, khá ngon.
Tới phòng ăn nhỏ cho 6 người ở tầng 1, thấy một bác cỡ tuổi ngoài 80 nhưng vẫn khỏe mạnh và cười rất hiền. Xang Hứng nói nhỏ, đây là nha sỹ Phan Thế Vấn, từng trồng cho anh ấy hai cái răng hồi sơ tán vẫn tốt đến bây giờ. Đây cũng là kho sử của Việt Nam thế kỷ 20.
Thấy Xang Hứng giới thiệu, bác rất vui và bảo, ngày nào tớ cũng đọc HM blog, bài mới nhất là bài về Công đoàn cầm cu. Bác thích blog ở sự ôn hòa, các còm sỹ vui vẻ, comment có chất lượng, không quá khích.
Bác sỹ Phan Thế Vấn. Ảnh: HM
Bác sỹ Phan Thế Vấn. Ảnh: HM
Một lúc sau cụ Trần Đĩnh đến, dáng đi vẫn nhanh nhẹn, tóc bạc phơ, mắt kính râm như vẫn thấy trên mạng. Vừa chào hỏi, cụ chỉ ngay cái góc phòng ăn, đây là chỗ từng là nhà vệ sinh của họa sỹ Lưu Công Nhân. Cụ còn bảo, chỗ này còn có giá sách để họa sỹ vừa thực hiện một trong “tứ khoái” vừa xem sách.
Hồi họa sỹ ở Khâm Thiên (Hà Nội), nhà vệ sinh tập thể, phải xếp hàng dài với nắm giấy báo trên tay đợi đến lượt để vào một nơi mà chỉ có thể nôn ọe. Khi vào Sài Gòn, cố họa sỹ thấy cái WC sạch bóng, thơm lừng, rất lạ. Ai tới cụ cũng khoe, và cụ Trần Đĩnh thăm, thay vì tiếp khách, họa sỹ lôi tuột vào toilet, của tớ đó, thích không, thơm không.
Ở tuổi 85, cụ Trần Đĩnh vẫn nhớ khá chi tiết mọi chuyện, tên người, địa danh, giọng đều đều với sự minh mẫn và hóm hỉnh lạ thường. Gặp người rồi có thể tin hơn những gì chính họ viết thành sách.
Nghe giới thiệu mới biết hai cụ Trần Đĩnh và bác sỹ Phan Thế Vấn là bạn đồng niên, chơi với nhau xuyên thế kỷ, cùng số phận long đong vì dám nói những gì họ nghĩ.
Cả nhóm ngồi rất vui, các cụ thi nhau kể chuyện ngày xưa, từ làm báo tới nghề nha sỹ. Cánh trẻ U60 chỉ ngồi há mồm nghe. Các cụ kể nhiều nhưng mình chẳng…nhớ hết, với lại entry này chỉ cho phép 1500 chữ.
Bác Phan Thế Vấn bảo, chữa răng thì ít tiền, nhổ răng nhiều tiền hơn nên có nha sỹ vô lương tâm thích khuyên bệnh nhân nhổ răng. Nhổ xong rồi sẽ làm răng giả, răng bên cạnh lung lay lại nhổ tiếp cho tới khi hết cả hàm răng. Nghe quen quen như nền chính trị “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, chỗ nào cũng thấy “thế lực thù địch”.
Hỏi sao bác Trần Đĩnh lại đặt tên sách là Đèn cù. Đơn giản thôi, nước mình như cái đèn cù, tít mù nó lại vòng quanh, vòng quanh nó lại tít mù. Đang là bạn lại thành thù, đang là thù nay thành bạn, sáng đúng chiều sai mai lại đúng, chả là đèn cù chứ là cái gì. Cứ xem Việt-Trung-Mỹ chơi với nhau là đủ hiểu triết lý đèn cù của người Trung Quốc cách đây hàng ngàn năm.
Nghe mình kể mỗi lần qua Hàng Trống đều dừng lại chụp ảnh gốc cây đa trong tòa soạn báo Nhân Dân, cụ Trần Đĩnh cười cười cũng nhiều kỷ niệm dưới gốc cây. Người ta dắt tay đi dạo và làm thơ lãng mạng. Còn cụ, hồi mới đi “kiểm điểm” về, ngồi chơi vui đùa với con dưới gốc cây đa, ông Lê Điền TBT Báo ND đi qua bảo, Trần Đĩnh thế này là không được, đi giáo dục về mà vẫn cười chứng tỏ không biết ăn năn hối lỗi. Lẽ ra phải buồn và đau khổ, phải hòa đồng quần chúng để họ giúp cho tiến bộ.
Thật thú vị, ngồi cạnh cụ Trần Đĩnh là nhà sưu tập tranh Đỗ Huy Bắc, con trai của cụ Lê Điền.  Anh Bắc sở hữu bộ tranh nude của Lưu Công Nhân từng mang đi triển lãm. Giá như Lê Điền tỉnh dậy và thấy đứa con mình mua tranh cởi truồng về treo thì hẳn phát điên, một thứ văn hóa đồi trụy đưa biết bao nghệ sỹ vào vòng lao lý hay tài năng bị ruồng bỏ.
Đỗ Huy Bắc. Ảnh: HM
Đỗ Huy Bắc. Ảnh: HM
Nghe nói dạo này anh Bắc chuyển sang kinh doanh rượu. Trước khi về anh còn tặng cụ Trần Đĩnh hai chai vang. Anh kể, lúc sắp mất, cụ có vẻ hối hận về những việc đã qua, chẳng hiểu là anh chuyển thông điệp tới cụ Trần Đĩnh hay cả bác sỹ Vấn.
Gần xong bữa một dị nhân tuổi anh Cua xuất hiện, tóc dài gần vai, đen, chả hiểu nhuộm hay tự nhiên. Anh Xang Hứng giới thiệu đó là công tử Lưu Quốc Bình, con trai họa sỹ Lưu Công Nhân.
Anh Bình có khiếu kể chuyện hài hước rất vui, thỉnh thoảng văng lung tung, lôi cả chuyện làm “chim bồ câu đưa thư” tới các người tình cho cha. Họa sỹ mất đi để lại cho các con ít “lương khô”. Hóa ra, cố họa sỹ “tặng” các con một sưu tập tranh rất lớn mà sau khi mất càng có giá. Khi thiếu tiền, anh Bình lại gọi anh Bắc đến xem có rước cái nào về làm bộ sưu tập cho đủ.
Hai bậc cao niên đều nhận xét, anh Bình giống hệt Lưu Công Nhân, từ vóc dáng đến ăn nói, kể cả văng lung tung. Cụ Đĩnh còn kề, họa sỹ chớm bệnh Parkinson, khi thăm thấy hai tay của người họa sỹ tài hoa cứ rung liên tục, nói lắp bắp, rồi bảo gặp Đĩnh xúc động quá, không nói được.
Anh Bình kể, khi họa sỹ sắp mất, anh có lo cho một chỗ trong nghĩa trang Tp Đà Lạt, nhưng cụ gạt phắt, hãy để tao nằm riêng một chỗ, thèm gì nằm với cái bọn…khác. Thế là phải lo một nơi mà họa sỹ có thể yên tĩnh một mình như khi còn sống từng biệt tích cả năm với Hội An.
Bữa trưa kéo dài gần 3 tiếng mà không dứt chuyện. Đến lúc phải về, mình xin phép chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm, cả nhóm rất vui đứng ở cái góc từng có cái lavabo của cố họa sỹ Lưu Công Nhân.
Rồi hẹn lần sau ngồi lâu hơn, kể nhiều chuyện hơn. Hai cụ nắm tay chặt và dặn, Hiệu Minh cố viết nhiều cho cánh già đọc, niềm vui nho nhỏ mỗi ngày. Vâng ạ, Tổng Cua sẽ viết.
Chợt nhớ lời Lê Đức Thọ nói với Trần Đĩnh, người cộng sản không thể tiền hậu bất nhất. Tuy không phải là người cộng sản nhưng Cua Times sẽ không để mang tiếng dối trá. Vì thế bạn đọc có entry này, như trên giá sách nhà HM, có rượu đủ loại, có sách, có tượng đài lung linh, có chính trị và báo chí, từ họa sỹ đến còm sỹ hang Cua chuyên sex, có chuyện kéo từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. Cũng là lời cảm ơn hai cụ Trần Đĩnh và Phan Thế Vấn, hai anh em Xang Hứng, các anh Đỗ Huy Bắc và Lưu Quốc Bình đã có cuộc gặp thú vị tại góc đường XXX. Cảm ơn còm sỹ Xang Hứng đã chiêu đãi bữa ăn rât ngon với những người thật đặc biệt và những câu chuyện phía sau lúc trà dư tửu hậu.
HM. 31-7-2015
Đèn cù trên giá sách nhà HM. Ảnh; HM
Đèn cù trên giá sách nhà HM. Ảnh; HM
Góc từng là nhà vs của hs. Lưu Công Nhân. Ảnh: Lương Cường - iPhone.
Góc từng là nhà vs của hs. Lưu Công Nhân. Ảnh: Lương Cường – iPhone.
Hai cụ Thế Vấn và Trần Đĩnh - bạn đồng niên. Ảnh: HM
Hai cụ Thế Vấn và Trần Đĩnh – bạn đồng niên. Ảnh: HM
Group Pics. Ảnh: HM
Group Pics. Ảnh: HM
Xem thêm.
Vài cảm nhận về đọc Đèn cù (Xôi Thịt)
Đèn Cù trên mạng

Phần nhận xét hiển thị trên trang