Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

bàn tay mới




Truyện ngắn
Trần Mộng Tú
Tôi sinh ra trong một gia đình lao động ở một tỉnh nhỏ. Cha tôi là một thợ mộc rất khéo tay, ông được thuê mỗi khi thành phố cần một món đồ gỗ trưng bày ở các công viên, hay các cửa tiệm tư nhân cần làm đẹp cho mặt tiền. Ông đóng được cả giường tủ theo đơn đặt hàng riêng của khách hàng. Bất cứ việc gì liên quan đến gỗ, ông cũng làm tuyệt đẹp.
Năm tôi mười hai tuổi cha tôi muốn truyền nghề cho tôi, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn lớn lên thành một người thợ mộc. Ngay từ nhỏ, tôi đã muốn trở thành một người chơi dương cầm giỏi như bà Sơ ở nhà thờ. Cha tôi nói, nhà đông con, ông không có khả năng tài chánh để cho tôi học cái nghề phù phiếm đó. Chơi dương cầm không thể kiếm sống được, chưa kể là liệu tôi có khả năng xuất sắc hay không.

Mặc dù không vui, tôi cũng miễn cưỡng đứng học, khi cha tôi chạm trổ những con gấu, con hổ vào những thân cây to cho những công viên thành phố. Mới đầu tôi làm thợ phụ cho cha tôi sai vặt, rồi dần dần cha dạy tôi chạm những cái cành, cái lá nhỏ dưới chân con vật, dạy tôi đóng những góc giường, góc tủ. Tôi học khá nhanh, chăm chỉ và bắt đầu thấy yêu nghề. Cũng có người thuê tôi làm những món đồ chơi nho nhỏ bằng gỗ cho trẻ con. Nhưng thành thật nói, tôi không được khéo bằng cha tôi, dù bấy giờ thị giác của cha tôi kém nhiều. Nhưng những vết cắt của ông vẫn ngọt ngào, những cái đinh ông đóng xuống vẫn rất thẳng, và nhất là ông chọn gỗ cho từng vật dụng vẫn rất chính xác.
Nhưng thời gian thay đổi được mọi việc trong đời. Tôi lớn dần và cha tôi già đi. Tôi bắt đầu thay thế cha tôi. Cha tôi trong những năm cuối đời, ông chỉ đi nhận việc, định giá cho tôi.
Rồi một mùa đông cha tôi mất đi. Người trong tỉnh mỗi khi có việc mộc cần làm, họ gọi tôi là Little Joe, để thay cho (và nhớ đến) cha tôi là Big Joe. Họ nhận thấy, bây giờ tôi đã hoàn toàn thay thế được cha tôi.
Năm đó tôi ba mươi tuổi, bằng cái tuổi khi cha tôi nổi tiếng. Tôi đã vào được địa vị của cha tôi lúc đó: “Người thợ mộc khéo nhất tỉnh”, thì tai nạn xảy đến.
Trang nhất của tờ báo địa phương Helena-Montana vừa đăng một tin gây xúc động và sửng sốt trong cộng đồng:
Người thợ mộc xuất sắc của chúng ta: Little Joe, sau ba năm bị tai nạn cưa máy cắt đứt bàn tay phải đã được ráp tay mới ngày hôm qua.
Sau 14 tiếng giải phẫu của 20 bác sĩ, các bác sĩ đã phải ghép 2 xương, 23 dây chằng, 2 động mạch, 4 mạch máu và ít nhất 3 dây thần kinh. (*)
Sau sáu tháng được hướng dẫn bởi một chuyên viên vật lý trị liệu (Therapist), bàn tay được ráp của tôi đã làm việc bình thường. Những ngón tay đã không còn một trở ngại nào khi tôi nhặt, nắm, cầm lên, bỏ xuống một vật gì. Tôi bắt đầu trở lại công việc của người thợ mộc. Người ta lại gõ cửa nhà tôi đến đặt bàn, ghế. Nhiều nhất là chạm trổ súc vật trên những khúc cây để trưng bày, đồ chơi với những hình súc vật cho trẻ em, là sở trường của tôi.
Tôi mang những miếng gỗ ra, bắt đầu làm việc. Bàn tay mới của tôi cầm lên, bỏ xuống rất dễ dàng. Nhưng khi tôi bắt đầu uốn lượn khúc gỗ để làm một góc cạnh đẹp thì bàn tay bắt đầu có phản ứng, hình như những ngón tay, dao bào và khúc gỗ không cộng tác với nhau. Những ngón tay cưỡng lại khi tiếng búa chạm vào con dao, khi con dao chạm vào miếng gỗ vang lên. Tôi không thể chạm khắc tỉ mỉ hay làm những góc cạnh gì vào gỗ được. Tất cả, tôi chỉ có thể cầm gỗ lên, đưa vào cưa máy, cắt thành khúc.
Tôi hoàn toàn thất vọng, phải tạm ngưng nhận đặt hàng, báo cho các khách hàng biết là tôi chưa sẵn sàng.
Tôi đóng cửa, nhốt mình trong gian nhà kho, cả ngày tập chạm và đục lên gỗ như cách đây hơn hai mươi năm trước cha tôi bắt đầu dạy bảo tôi. Cái đầu và bàn tay phải của tôi luôn luôn không hợp tác với nhau. Những ngón tay của tôi khi chạm vào gỗ không có búa và đục nó rất mềm mại, tôi có thể lướt trên mặt gỗ như người ta chơi đàn. Nhưng khi tôi cầm búa, cầm đục chạm vào gỗ thì những ngón tay cứng đơ ra, làm rơi đồ nghề xuống đất.
Sự thất bại này kéo dài cả tuần, rồi cả tháng. Tôi mất hết kiên nhẫn. Có những đêm tôi thức dậy trong bóng tối, tay trái sờ soạng, cầm sang tay phải của mình. Chao ôi! Một bàn tay rất mềm mại, ấm áp. Tôi hỏi nho nhỏ: Sao không chịu hợp tác với tôi? Bàn tay rung nhẹ lên, rồi lại im lặng, mềm mại, ấm áp. Tôi thấy nước mắt mình rơi trên lưng bàn tay vừa thân thiện vừa xa lạ đó.
Tôi liên lạc với bênh viện, nơi tôi được ráp tay, liên lạc với cơ quan cung cấp nội tạng, ngoại tạng. Khó khăn lắm! Theo luật, người ta không cho tôi biết tiểu sử của người qua đời đã hiến tặng. Nhưng với tất cả cố gắng, cuối cùng tôi chỉ được biết một điều. Bàn tay tôi nhận được là của một Dương Cầm Thủ.
Chao ôi! Sao tôi nỡ bắt những ngón tay đặt trên phím ngà kia đi cầm búa, cầm đục. Sao tôi nỡ thay tiếng nhạc thánh thót bằng tiếng kim loại đập vào nhau của búa và đục.
Trước cửa nhà Little Joe, một tấm bảng được treo lên: “Kể từ hôm nay, tôi không nhận đặt hàng nữa.”
Nghe nói, Little Joe bắt đầu đi học dương cầm.
7/7/2015
(*) Sáng tác lấy ý từ chuyện thật của: Emily Fennell mất bàn tay phải trong tai nạn xe hơi năm 2006. Được ráp tay mới năm 2011, Emily bắt đầu đi tour thuyết trình về bàn tay mình vào tháng 6/2015.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bản chất khách quan của thế giới


1. Nếu ai hỏi Einstein “phòng thí nghiệm của ông ở đâu?” thì ông sẽ lấy ra cây bút và tờ giấy và trả lời “Đây”. Có nghĩa là các lý thuyết của ông đều do tư biện mà ra. Và nói chung, các “thuyết” như thuyết tương đối, thuyết nhật tâm… đầu tiên hình thành đều là do tư biện. Từ các thuyết này, chỉ những hiện tượng vật lý nào được tiến hành thí nghiệm làm sáng tỏ, chúng mới có thể trở thành những định luật. Có 2 câu hỏi được đặt ra:
Nhà bác học Albert Einstein.
- Như vậy, khi các “thuyết” chưa được thí nghiệm, thì ai có quyền cho rằng chúng đúng hay sai? - Với khoa học tự nhiên thì còn có thể làm thí nghiệm, chứ làm sao có thể thí nghiệm (trên con người) với các thuyết khoa học xã hội?

2. Đã có một thời gian dài, người ta đặt câu hỏi “ánh sáng là sóng hay là hạt?” Hai bên tranh luận cho tới khi Einstein tuyên bố “ánh sáng vừa là sóng vừa là hạt”. Tiếp theo, người ta phát hiện ra không chỉ photon, mà tất cả các hạt vi mô (dưới mức nguyên tử) đều có tính nhị nguyên. Ở trong thế giới lượng tử này, các hạt (thật ra phải dùng từ “các đối tượng lượng tử” - bởi vì chúng không hẳn là “hạt”) vừa là sóng, vừa là hạt; hoặc kỳ diệu hơn – có thể xem chúng chẳng là sóng cũng chẳng là hạt. Nếu chúng là hạt thuần túy, thì chủ nghĩa duy vật đúng; ngược lại thì chủ nghĩa duy tâm đúng. Với tính chất “vừa là cái này, vừa là cái kia” đó, hiện nay, người ta có thể nói cả “duy vật” và “duy tâm” đều sai ở chữ “duy”. Bản chất thế giới vốn – ít nhất là nhị nguyên: không có vật chất phi ý thức và cũng không có ý thức nằm ngoài vật chất.

3. Không chỉ nhị nguyên mà thế giới còn đa nguyên. Chúng ta trở lại cơ học lượng tử. Vật chất vốn vừa là sóng, vừa là hạt rồi; nhưng khi nào chúng là sóng và khi nào chúng là hạt? Tính đa nguyên của thế giới được chứng tỏ. Một đối tượng lượng tử trong một thời điểm là một sự chồng chập các trạnh thái; có thể là “3 phần sóng + 7 phần hạt”, hoặc “2 sóng + 8 hạt”, “65 sóng + 3.5 hạt” v.v.. Nói tóm lại, có thể có vô số trạng thái. Ở đây, lại tiếp tục một cuộc tranh cãi giữa hai thiên tài. Bohr thì cho rằng “thế giới bất định – ta không thể biết trước khi nào chúng là sóng và khi nào chúng là hạt!” Einstein không chấp nhận điều đó với lời châm biếm “tôi không thể hình dung được việc mặt trăng tồn tại vì ta nhìn thấy nó!” Cho tới nay Bohr có lý hơn (chỉ có lý thôi vì chưa có thí nghiệm nào chứng tỏ được). Điều quan trọng là Einstein và Bohr vẫn là đôi bạn thân. Không vì “khác biệt quan điểm” mà chửi nhau, xâu xé nhau.

4. Trở lại hai câu hỏi ở đoạn 1. Rõ ràng là khi còn ở dạng “thuyết”, thì không có “thuyết” nào sai hay đúng cả. Vấn đề là, nếu chưa có các thí nghiệm làm sáng tỏ thì mọi thuyết phải được tôn trọng. Có như thế mới tránh được những thảm họa dành cho Giordano Bruno (người bị thiêu chết vì thuyết nhật tâm). Điều này càng đúng trong khoa học xã hội, bởi vì không thể làm thí nghiệm trên con người được. Các xã hội nhất nguyên như phát-xít vv – để chứng tỏ tính ưu việt, đã tiến hành những cuộc thí nghiệm kinh hoàng: diệt chủng Do Thái, đại nhảy vọt và cách mạng văn hóa, cải cách ruộng đất và đánh tư sản, diệt chủng của Khmer đỏ v.vv.. Càng sai càng điên cuồng tiến hành các thí ngiệm tiếp theo. Và khi đã thất bại hoàn toàn thì tất yếu phải chuyển sang báo cáo láo, dối trá, chộp giật – cũng là chuyện dễ hiểu.

5. Như vậy, ta có thể nói đa nguyên là bản chất khách quan của thế giới. Nó là một quy luật – không phụ thuộc vào nhu cầu của bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào và thậm chí bất kỳ hành tinh nào. Chúng ta chỉ tuân thủ hay không tuân thủ mà thôi. Tuân thủ nó – tức là thuận theo quy luật khách quan thì mọi việc hanh thông, dễ dàng. Chống đối nó là trái quy luật thì quanh năm suốt tháng vật lộn với những “đổi mới”, “cởi trói”, “mở cửa”… Đừng đặt ra vấn đề “có nhu cầu đa nguyên hay không có nhu cầu đa nguyên”. Cách đặt vấn đề như thế - là sa vào tranh luận - là sai căn bản. Xin nhắc lại “đa nguyên” là quy luật khách quan, chấm hết.

Nguyễn Đại (tháng 7/2015)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mạng xã hội Việt Nam 'đại bại' vì quá tham lam?


Những khó khăn dù đã được đề cập nhiều lần nhưng suốt thời gian dài vẫn không được tháo gỡ, để rồi kết quả giờ đây ai cũng biết: Facebook đã thắng thế hoàn toàn.
Buổi đầu thành lập, nhiều chủ các trang mạng xã hội Việt đã hùng hồn tuyên bố sẽ vượt mặt facebook để trở thành trang mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế thì các trang mạng này đang “lấm lưng trắng bụng” ngay trên chính sân nhà. 

20 triệu người Việt dùng Facebook mỗi ngày


Theo bản khảo sát thống kê của Facebook tại thị trường Việt Nam cho thấy có tới 20 triệu người dùng Facebook mỗi ngày. Trong đó, 17 triệu người dùng hoạt động Facebook bằng điện thoại di động. Độ tuổi sử dụng Facebook tại Việt Nam chủ yếu từ 18 - 34 tuổi.Thời gian sử dụng Facebook mỗi ngày của người Việt gấp 2 lần thời gian để xem ti vi.

Cũng trong bản nghiên cứu thị trường của Facebook tại Việt Nam thì người Việt sử dụng Facebook chủ yếu để trò chuyện với bạn bè và truy cập trang Facebook của các thương hiệu.

Điều này cho thấy, Facebook thống lĩnh thị trường mạng xã hội tại Việt Nam và dần trở thành thiết yếu trong hoạt động thường nhật của đại bộ phận công chúng.

Điều gì đã giúp Facebook vươn lên vị trí thống lĩnh thị trường mạng xã hội ở Việt Nam? Chính Facebook cũng nhận rõ sứ mệnh của mình là giúp cho mọi người chia sẻ và làm cho thế giới trở nên cởi mở và kết nối.


Khảo sát của Facebook tại thị trường Việt Nam

Trả lời PetroTimes, đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết: Hiện tại, Facebook đã có cơ hội tạo ra một không gian mở cho 30 triệu người dùng ở Việt Nam, giúp họ quan sát thế giới và kết nối với bạn bè trên khắp toàn cầu.

Để đạt được những thành tựu này thì mỗi ngày, đội ngũ nhân viên Facebook đều làm việc dựa trên mục tiêu ban đầu của công ty: Kết nối thế giới nhiều hơn. Đây là một phần đặc trưng của Facebook và sẽ không bao giờ thay đổi. Facebook đã tập trung vào sự đơn giản và trực giác nhạy bén, để tạo ra một nền tảng vừa mạnh mẽ và vừa dễ sử dụng.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, Facebook đưa ra nhiệm vụ trọng điểm là dẫn đầu những thay đổi cần thiết trong thế giới để kết nối tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi.

"Facebook sẽ tiếp tục phát triển và phục vụ cộng đồng cùng các doanh nghiệp và giúp họ đạt được tiềm năng của họ. Để tiếp tục cung cấp giá trị cho các doanh nghiệp, Facebook làm việc không ngừng để nâng cao chất lượng nội dung trên nền tảng của chúng tôi, cùng lúc đó, tăng cường khả năng nhắm tới mục tiêu để cung cấp cho người sử dụng nội dung chi tiết kịp thời và phù hợp" - Một đại diện Facebook chia sẻ.

Mạng xã hội Việt quá tham lam?

Trong khi Facebook đang phát triển như vũ bão thì mạng xã hội Việt lại đang “chết yểu”. Theo chuyên gia về mạng xã hội Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion), nguyên nhân chính dẫn tới những cái “chết yểu” của mạng xã hội của Việt Nam là do quá tham lam.

Các trang mạng này ngay từ khi mới ra đời, đã mắc phải một sai lầm rất lớn khi thách đố với Facebook trong khi tiềm lực tài chính cùng khả năng công nghệ giới hạn, nên thất bại cũng là điều đương nhiên.


Chuyên gia Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion)

Mặc dù đã có rất nhiều các trang mạng xã hội thương hiệu Việt ra đời nhưng rà soát lại quá trình phát triển thì thấy rằng, các trang mạng này dường bị chi phối quá nhiều bởi "ông lớn" Facebook.

Ai cũng thấy, ngay trong chính giao diện hay các nút tích hợp của mạng xã hội Việt đều chịu sự ảnh hưởng của Facebook, ít thấy những thiết kế mang theo một bản sắc riêng.

Vậy phải làm sao để đưa ra được đáp án tốt nhất trong bài toán phát triển mạng xã hội phong cách Việt?

Câu hỏi dường như khó có lời giải đối với thực trang các trang mạng xã hội Việt hiện nay. Tuy nhiên, cứ thử nhìn hiện tượng mạng xã hội ở Trung Quốc. Trong khi Facebook đang làm mưa, làm gió trên thị trường Việt Nam thì lại bị "bật bãi" trước đất nước đông dân nhất thế giới này.

Và rõ ràng không riêng Facebook mà cả Twitter, Youtube… Tại đất nước có hơn một tỉ dân này thì các "ông lớn" mạng xã hội đã phải chịu thất bại cay đắng trước mạng xã hội Sina Weibo, thậm chí “gã khổng lồ” Google cũng cũng chịu lép vế trước Baidu?
Thế nên, các nhà phát triển mạng xã hội tại Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm của những Sina Weibo, Renren, Tecent QQ, Baidu…?

Ra đời tháng 10/2009, "tiểu" blog Sina Weibo đã nhanh chóng “thống trị” Trung Quốc với 61,4 triệu người sử hàng ngày. Cấu trúc của Weibo cũng tương tự như Twitter, nơi người dùng có thể tạo một hồ sơ cùng các thông tin cá nhân, bình luận các cập nhật và chia sẻ với những người theo dõi họ.

Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, các chuyên gia Weibo đã tích hợp thêm các tính năng khác của Facebook như trò chuyện, hay khả năng chia sẻ thông tin nhiều hơn 140 ký tự, đăng tải ảnh và video.

Sina Weibo ra đời trong hoàn cảnh Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt hoạt động của các "tiểu" blog và mạng xã hội gây nên tình trạng bất ổn ở nước này.

Dần dần, Weibo trở thành cầu nối giữa người dân với các quan chức của Chính phủ. Từ một vụ hỏa hoạn gây chết người ở Thượng Hải, tới vụ đâm xe và bỏ trốn của con trai một quan chức cảnh sát, hay chiến dịch tìm kiếm một đứa trẻ ăn xin bị bắt cóc, Weibo đã buộc các cơ quan chức năng ghi nhận, xem xét những ý kiến phổ biến của dân chúng theo cách chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc…

Như vậy, lối thoát cho mạng xã hội thương hiệu Việt không phải là không có. Tuy nhiên, để có được những thành công như những Sina Weibo, Renren… ngoài những yếu tố là môi trường chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, những doanh nghiệp phát triển mạng xã hội Việt trước mắt cần phải thay đổi tư duy.

Những Facebook, Twitter đều có tài sản cùng công nghệ cao gấp nhiều lần các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực. Nhưng các doanh nghiệp Việt lại có lợi thế về sự am hiểu bản sắc của dân tộc, nếu phát huy được tối đa lợi thế này, thì ngay tại Việt Nam sẽ có những mạng xã hội thành công như Sina Weibo, Renren hay Baidu…
Mạng xã hội của Việt Nam thua ngay trên “sân nhà”

Buổi đầu thành lập, nhiều chủ các trang mạng xã hội Việt đã hùng hồn tuyên bố sẽ vượt mặt facebook để trở thành trang mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế thì các trang mạng này đang “lấm lưng trắng bụng” ngay trên chính sân nhà.

Huyền Anh - Cẩm Tú
Phần nhận xét hiển thị trên trang

10 kiến thức căn bản về hiệp định TPP

Ezlaw A+ A-



Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và 9 quốc gia khác đang hy vọng sẽ hoàn thành ký kết TPP trong năm 2015. Theo Ezlaw, TPP sẽ là một sự kiện lớn nhất xảy ra với Việt Nam trong 20 năm nay (kể từ thời điểm Việt Nam và Mỹ bình thường quan hệ hóa vào năm 1995). Bạn có biết TPP là gì ? TPP là một hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam và Quốc tế. Bạn vẫn muốn biết rõ hơn về TPP ? Sau đây là những điều căn bản nhất mà bạn cần biết về hiệp định này





TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản


*Hàn Quốc, Colombia, Costa Rica, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, và nhiều nước khác đang có ý định tham gia vào TPP
*TPP bắt đầu từ một thỏa thuận giữa Singapore, Chile, New Zealand và Brunei vào năm 2009, trước khi Hòa Kỳ quyết định tham gia và dẫn đầu





Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên





Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…





Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu.





Mỹ muốn TPP sẽ là điểm chốt mới của họ tại Châu Á sau nhiều năm Mỹ đã lún quá sâu vào khu vực Trung Đông. Ngoài ra, nhiều học giả còn cho rằng Mỹ muốn sử dụng TPP để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực có thể đối trọng lại với sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc. Trung Quốc đã có lúc thể hiện ý định muốn tham gia TPP, nhưng nhiều điều khoản hiện tại của TPP dường như được thiết kế để cố tình không cho Trung Quốc có cơ hội tham gia vào thỏa thuận này.






WTO hiện có tới 161 thành viên, vì vậy một trong những nhược điểm của mô hình này là sự khó khăn và dài lâu để tiến đến một thỏa thuận chung liên quan đến bất kỳ vấn đề gì.


Hơn thế nữa, TPP sẽ đặt ra được các luật lệ quốc tế mà vượt qua phạm vi WTO như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động….





Hầu hết các thỏa thuận quốc tế là về xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, ví dụ như: Ta có thể nhập khẩu số lượng X hàng hóa với giá Y khi các mặt hàng này đã đủ tiêu chuẩn về chất lượng hoặc lao động. TPP khác vậy. Chính bản thân TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế có khả năng điểu chỉnh chính sách và hướng đi của luật pháp trong từng quốc gia thành viên. Nói một cách khác, các điều luật của các quốc gia thành viên sẽ phải tuân theo định hướng của TPP.


Nhiều điều luật trong TPP còn có ảnh hưởng thay đổi chế độ pháp lý của các quốc gia. Ví dụ như điều luật khuyến khích các thành viên của TPP mở một cơ quan chính phủ, có cơ chế và cách thức hoạt động giống tại Mỹ, thực hiện phân tích ưu-nhược điểm trước khi ban hành các điều luật mới trong nước.





Thỏa thuận TPP bao gồm 29 chương, trong đó chỉ có 5 chương là trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm và thuốc men…


*Chú ý rằng TPP sẽ bắt loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước (là một phần lớn của nền kinh tế Việt Nam), để tạo cơ hội cạnh tranh cho các công ty tư nhân.





Với hiệp định TPP, các công ty, tập đoàn nước ngoài và quốc tế sẽ có khả năng mang chính phủ của các quốc gia thành viên ra tòa án đặc biệt của TPP khi các quốc gia này đặt ra các luật lệ, chính sách đi ngược lại với chỉ tiêu của TPP. Tòa án đặc biệt này có toàn quyền bắt chính phủ đền bù không những cho các thiệt hại đã xảy ra, mà còn những mất mát về cơ hội trong tương lai của các tập đoàn, công ty quốc tế.





Các thành viên tham gia TPP đều đã phải ký một thỏa thuận giữ bí mật về tiến trình thương lượng chi tiết các điều luật của TPP. Các nước này chỉ được tiết lộ những thông tin trên đến các cơ quan chính phủ, tổ chức, và cá nhân có liên quan trực tiếp đến tư vấn chính sách giao dịch.


*Hiện tại, một số chương của TPP có thể tìm thấy tại wikileaks - kênh chuyên đăng các thông tin tuyệt mật.


Theo Ezlaw, mọi người dân Việt Nam, đặc biệt nhất là các nhà trí thức, luật sư, doanh nghiệp, khởi nghiệp... cần phải biết rõ và nhiều hơn về TPP - sự kiện lớn sắp xảy ra với Việt Nam và thế giới. Hãy đón xem các bài phân tích sâu hơn về TPP tại Ezlaw Blog.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

bong bóng chứng khoán vỡ..

 Giết người, tan cửa nát nhà vì bong bóng chứng khoán vỡ


CHINA-TRUNGQUOC-KINHTE

Chỉ trong 3 tuần, 90 triệu người Trung Quốc chơi chứng khoán mất đứt trên 3.500 tỷ USD, bình quân cứ mỗi phút qua đi có 1 triệu USD bốc hơi. Thị trường chứng khoán đổ vỡ bỗng chốc thay đổi số phận của rất nhiều người.
Sau một năm tăng trưởng chóng mặt và đạt đỉnh vào ngày 12/6/2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc bất ngờ chuyển sang lao dốc không phanh, chỉ số Shanghai Composite xuống dưới mức 3.500, đã xuất hiện hiện tượng vỡ sàn, những người chơi đua nhau bán tháo, đã có trên 50% số công ty ngừng giao dịch cổ phiếu, chiếm tỷ lệ hơn 51%.

Giết vợ vì quá ham chứng khoán

Theo báo chí Trung Quốc ngày 10/7, đã xảy ra vụ chồng giết vợ vì thua chứng khoán. Ông Lưu, người thành phố Nam Xương (tỉnh Giang Tây) hôm 8/7 đã dùng dao chém chết bà vợ vì bà ta vay nợ khắp nơi để chơi chứng khoán và đã bị mất tới 1,8 triệu tệ. Càng thua, bà càng cay cú, bắt chồng con phải đi vay tiền để bà chơi tiếp hòng gỡ lại. Ông chồng không chịu, thế là xảy ra cãi nhau, trong lúc nóng giận ông Lưu đã giết vợ.
Sau khi sát hại vợ, người chồng đau khổ này đã gọi cho con trai và người con đã điện báo cho công an. Tại đồn công an, ông khai, bà vợ đã đem cầm cố hết giấy tờ nhà để vay tiền chơi thị trường chứng khoán, rồi bắt ông và con trai đi vay những người quen để tiếp tục chơi. Khi ông không đi vay, bà ta chửi mắng, quá bức xúc ông đã chém chết vợ.

Các ngôi sao làng giải trí khốn đốn

 4 tỷ HKD." width="440" align="center" />
Triệu Vy bị mất 4 tỷ HKD.

Giới văn nghệ sĩ cũng là nạn nhân của “cơn lốc màu đỏ” trên thị trường chứng khoán. Theo Tân Hoa xã ngày 7/7, cô MC, diễn viên kiêm ca sĩ bốc lửa Liễu Nham mất 13 triệu Nhân dân tệ (trên 40 tỷ VNĐ) do cổ phiếu xuống còn 22,7 tệ sau 3 tuần. “Đường Thái Tôn Lý Thế Dân” Trương Phong Nghị mất 50 triệu tệ (khoảng 160 tỷ VNĐ) do cổ phiếu công ty Đường Đức Ảnh Thị lao dốc. Tài sản của Phạm Băng Băng và Trương Quốc Lập mỗi người bốc hơi mất 120 triệu tệ (khoảng 370 tỷ VNĐ). “Hoa đán” Chương Tử Di sơ bộ mất 470 triệu HKD (khoảng 1.500 tỷ VNĐ) do giá cổ phiếu hãng địa ốc Vạn Đạt mà cô sở hữu 0,46% tổng số vốn sụt từ 77,2 HKD xuống còn 50,9 HKD/cổ phiếu.
Đau nhất là “Tiểu Yến tử” Triệu Vy, người được coi là “Warren Buffett nữ trong làng giải trí Trung Quốc” bị mất tới 4 tỷ HKD (trên 12 ngàn tỷ VNĐ) do các cổ phiếu của các công ty Đường Đức và Ali mà cô sở hữu đều sụt giá thê thảm.

Những người giàu nhất Trung Quốc mất ngôi vị

 đứt 42,4 tỷ tệ." width="440" align="center" />
Chu Quần Phi mất đứt 42,4 tỷ tệ.

Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất là các tỷ phú. Tân Hoa xã ngày 10/7 cho biết, theo thống kê của Blomberg, chỉ trong tháng 6 tổng số tài sản của các đại gia hàng tỷ phú ở Đại Lục và Hongkong bị thiệt hại do thị trường chứng khoán đổ vỡ là 34 tỷ USD, tức hơn 211 tỷ tệ, riêng ngày 6/7 bị mất 7,6 tỷ USD (47,2 tỷ tệ).
Thiệt hại nặng nhất là Vương Kiện Lâm, người giàu nhất Trung Quốc hiện nay chỉ trong ngày 6/7 tài sản bị “bốc hơi” khoảng 10 tỷ tệ (35 ngàn tỷ VNĐ) và Chu Quần Phi, người từng được ca ngợi là tấm gương phấn đấu “từ một người làm thuê trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc”. Theo báo chí Trung Quốc ngày 10/7, bà chủ 45 tuổi của hãng Lens chuyên sản xuất mặt kính đồng hồ, mặt kính smartphone, laptop, PC… này đã mất đứt 42,4 tỷ tệ (trên 148 ngàn tỷ VNĐ) chỉ sau hơn 1 tháng.
Các tư liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy, người phụ nữ làm thuê từ năm 15 tuổi, sau trở thành Chủ tịch Tập đoàn Lam Tư (tên tiếng Anh là Lens) này nắm trong tay 592 triệu cổ phần, chiếm 87,96% tổng số cổ phiếu của Lens. Cổ phiếu của công ty này lúc mới lên sàn giá 22,99 tệ, sau đó liên tục tăng. Ngày 2/6, khi đóng cửa phiên giao dịch, giá cổ phiếu của họ ở đỉnh 151,59 tệ, tăng 559% so với ban đầu, sau đó bắt đầu lao dốc cùng với các loại cổ phiếu hạng A khác. Đến ngày 9/7, giá chỉ còn 74,3 tệ trước khi ngừng giao dịch, giảm 51%.
20 năm trước, cô gái quê Hồ Nam sinh năm 1970 cùng gia đình bỏ quê đến Quảng Đông sinh sống. Chu Quần Phi tới Thâm Quyến làm thuê cho một nhà máy gia công mặt kính đồng hồ, sau chuyển sang làm mặt kính cho các sản phẩm điện tử. Ngày đi làm, đêm đi học, là người thông minh, nhanh trí, Chu Quần Phi dần dần nắm được các bí quyết nghề nghiệp. Có thông tin để có được cơ nghiệp như ngày nay, Chu đã phải làm vợ ba, vợ hai, trước khi trở thành một bà chủ.
Năm 2003, Chu Quần Phi thuyết phục chồng lập Công ty KHKT Lam Tư (Lens), cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực sản xuất mặt kính cho các thiết bị di động, ít lâu sau, cô ly dị chồng rồi di dời nhà máy về quê Hồ Nam. (Về chuyện làm vợ lẽ trước khi kết hôn, Chu Quần Phi đã lên tiếng cải chính, nói người chồng ly dị vợ cũ trước khi quen biết và cưới cô). Hiện Lens cùng với Biel trở thành 1 trong 2 hãng cung ứng mặt kính smartphone lớn nhất Trung Quốc cho các hãng Sam Sung, Aple, LG….
Đầu năm nay, giấc mơ trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc đã thành hiện thực. Ngày 18/3/2015, sau khi lên sàn thành công với giá 22.99 tệ, giá cổ phiếu của Lens liên tục tăng, đến ngày 30/3 đã đạt 70,98 tệ, số tài sản của Chu Quần Phi vượt qua Dương Tuệ Nghiên để thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản 46,6 tỷ tệ (Dương Tuệ Nghiên 44 tỷ tệ, Trần Lệ Hoa đứng thứ 3 với 40 tỷ tệ).
Thiệt hại nặng nhất là Vương Kiện Lâm, người giàu nhất Trung Quốc hiện nay chỉ trong ngày 6/7 tài sản bị “bốc hơi” khoảng 10 tỷ tệ (35 ngàn tỷ VNĐ) và Chu Quần Phi, người từng được ca ngợi là tấm gương phấn đấu “từ một người làm thuê trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc”.
Theo Tiền Phong/Tân Hoa xã và các báo Trung Quốc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Từ chuyến đào thoát của Cựu hoàng Sihanouk đến việc đi chữa bệnh..

..Nhất là khi điều này đã từng xảy ra vào tháng 1/1979, không chỉ đối với trường hợp của ông Hoàng Văn Hoan - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Sau khi bị thất sủng vì quan điểm thân Trung Quốc, ông đã đào tẩu sang Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam đang có xung đột với nước này và sống ở đó đến cuối đời. Và cũng vào thời điểm đó, ông Hoàng Sihanouk - cựu Quốc vương Campuchia cũng đã viện cớ vì lý do sức khỏe để vào bệnh viện trước khi đào thoát để xin tỵ nạn chính trị.
Theo các tài liệu lịch sử về sự nghiệp chính trị của Cựu hoàng Sihanouk, cho biết diễn biến và lý do ông Hoàng Sihanouk vốn là đại diện của chính quyền Kh'mer Đỏ tại Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc ở New York và sau đó đã thoát khỏi sự khống chế của chính quyền Kh'mer Đỏ để sang tỵ nạn chính trị tại Trung quốc. Dưới đây xin trích dẫn và hiệu đính lại (cho rõ) như sau:
"Kể từ khi Sihanouk đến New York hôm 9 tháng Giêng năm 1979 đến hôm đó là bốn ngày, ông ta bận bịu vì họp hành, họp báo, phỏng vấn, và diễn văn nhưng ngủ thì rất ít. Giới truyền thông, với rất ít tin tức từ trong Campuchia chuyển ra, muốn biết thêm chi tiết về những “lò sát sinh”, đã chất vấn Sihanouk là người đại diện cho chế độ giết người. Mệt mỏi, xúc động gần như muốn khùng, Sihanouk bực bội vì Việt Nam xâm lược đất nước ông ta. Tuy nhiên, Sihanouk phải bảo vệ trước những lời lên án gay gắt chế độ. Ông ta nói với báo chí: “Pol Pot có thể là người yêu nước. Tuy nhiên, ông ta là anh hàng thịt. Ông ta đối xử với nhân dân trong nước như hàng lao động giống trâu bò và heo trong lò sát sinh.
Phát biểu trong một buổi họp đặc biệt của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, Sihanouk đưa ra lời kêu gọi gây xúc động cho cơ quan quốc tế nầy, ông tố cáo và đòi trục xuất quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia. Những lời phát biểu nôn nóng và cá nhân nổi bật của Sihanouk trong Thế giới Thứ Ba lôi kéo đưọc sự đồng lòng và ủng hộ, nhưng không thể tránh bị Liên Xô phủ quyết vì bênh vực Việt Nam. Vấn đề ông ta làm đại diện cho chế độ Pol Pot là cái bóng đen bao trùm lên lòng yêu nước, sự chân thật và can đảm của ông. Tại Liên Hợp Quốc, Sihanouk gặp nhiều bạn cũ và nhiều bạn mới và ông cũng đã tiếp đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Andrew Young.
Hôm Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc chấm dứt buổi họp bằng phiếu phủ quyết của Liên Xô, thì Sihanouk đã dấu không cho ai biết ngoài vợ ông là bà Monique, khi đã đưa ra một quyết định nghiêm trọng về việc làm “đaị diện cao cấp” cho nước Kampuchia Dân Chủ - Kh'mer Đỏ. Nói chuyện với các nhà ngoại giao, phóng viên báo chí, và những người Khmer yêu nước, ông hoàng Sihanouk đã không ngần ngại nói tới những điều to lớn xảy ra ở Campuchia kể cả chuyện ông đã mất con, mất bà chị dâu và chồng bà khi Khmer Đỏ đuổi dân ra khỏi thành phố. Với nỗi phiền muộn riêng và việc lên án chế độ Khmer Đỏ, mà ông là đại diện cho Pol Pot, làm gia tăng thêm sự mất mát cá nhân trầm trọng của ông trong bàn tay sắt máu Khmer Đỏ.
Norodom Sihanouk thời trung niên.
Mặc dù đại diện của Trung Hoa ở Liên Hợp Quốc trước đó đã tâng bốc và chú ý đến ông ta khi cho rằng “Xin vui lòng đừng nghĩ gì về sự tiêu pha”, ông đại sứ Trung Hoa nói với ông như vậy sau khi trao cho ông một phòng ở sang trọng - Mặc dù ông ta có tiếp xúc với báo chí, song dù sao Sihanouk vẫn là một người tù. Ba cán bộ Khmer Đỏ theo ông từ Phnom Pênh, không những như hình với bóng trong những lúc phải xuất hiện giữa đám đông mà còn chia xẽ đám tùy tùng cùng đi với Sihanouk và vợ ông ta. Nếu điều đó đủ để hạ nhục một bậc “thiên tử” và vị cựu nguyên thủ quốc gia thì ông ta cũng đã biết được rằng, chỉ vài tuần nữa, khi Ieng Sary tới New York, thì sẽ là lúc Sihanuok sẽ bị giáng chức xuống làm phó cho người đại diện nước Kampuchia Dân chủ ở Liên Hợp Quốc. Như sau nầy Sihanouk thuật lại, đó là cọng rơm cuối cùng. Ông ta quyết định đó là cơ hội đúng nhất để ông trốn tìm tự do.
Tất cả bắt đầu bằng một cái ngoặt tay bí mật với một nhân viên của cơ quan Mật Vụ Hoa Kỳ vào buổi tối ngày thứ Bảy, 13/1/1979. Tại cuối buổi họp chót của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông hoàng Sihanouk có các “đồng sự” Khmer Đỏ mặc đồ đen đi kèm và sự có mặt của các nhân viên mật vụ của Mỹ, trên đường trở về nơi cư ngụ của ông ta tại khách sạn Waldorf - Astoria ở New York. Người ta thấy đằng sau những nụ cười, những cái cúi đầu chào lễ phép và săn đón Sihanouk là một sự căng thẳng bao trùm. Trong cầu thang máy đông đúc ở khách sạn, Sihanouk lặng lẽ nắm lấy bàn tay của một nhân viên mật vụ Mỹ đứng bên cạnh ông ta. Người nầy hoảng hồn, nghĩ rằng ông hoàng muốn trao cho ông ta cái gì đó, giống như tiền, vào lòng bàn tay. Nhân viên nầy tính lên tiếng phản đối, nhưng khi nhìn vào đôi mắt khẩn cầu của Sihanouk và cái lắc đầu bí mật, nhân viên ấy bỏ số “tiền” vào túi. Những người Khmer Đỏ đi kèm Sihanouk tưởng rằng ông ta cho họ tiền thưởng. Sau nầy họ khám phá ra việc đó không phải như họ nghĩ.
Buổi tối thứ bảy hôm đó, Andrew Young - đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc đã choáng váng trước những lời Sihanouk viết và trao lén cho nhân viên mật vụ. Trong mảnh giấy nhỏ đó ông hoàng nghệch ngoạc mấy chữ: “Ông thanh tra mến, tôi yêu cầu nhóm ông giúp đỡ để tôi trốn khỏi sự kiểm soát của Khmer Đỏ, họ đang ở với tôi tại khách sạn Waldorft - Astoria. Tối nay, đúng hai giờ sáng, tôi sẽ lén rời khỏi phòng tôi, chỉ với cái cặp mà thôi. Xin vui lòng đem xe đón tôi tới văn phòng ông Andrew Young, đại sứ thường trực của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc. Cám ơn nhiều.” Tờ giấy có mang chữ ký của Sihanouk.
Young vội vàng báo cho ngoại trưởng Vance và Richard Holbrooke. Ông nầy triệu tập một buổi họp khẩn cấp với các nhân viên tình báo và an ninh. Theo Holbrooke kể lại: “Chúng tôi tổ chức ngay một cuộc hành quân như trong phim ciné vào lúc nửa đêm.” Nhân viên mật vụ chờ phía ngoài phòng của ông ta vào giờ thái tử đã chọn. Holbrooke lên phòng chỉ huy ở tầng lầu thứ bảy của bộ Ngoại giao để điều hành kế hoạch, trong khi đó thì Vance ở nhà chờ điện thoại. Sau nầy, Holbrooke giải thích: “Mọi người hết sức quan tâm vì việc này hết sức nguy hiểm. Chúng tôi sợ ông hoàng bị giết hoặc sau đó Khmer Đỏ hoàn toàn bỏ tù ông ta.
Trong phòng ở, Sihanouk nôn nóng chờ giờ đã định. Thông thường bọn Khmer Đỏ đi theo ông đi ngủ vào lúc nửa đêm, nhưng tối hôm đó hình như bọn chúng không buồn ngủ. 12 giờ rưỡi khuya ông ta còn nghe tiếng máy chữ kêu lách cách trong căn phòng sát bên. Tới hai giờ sáng thì mọi sự đều lặng im. Ông ta chào từ biệt Monique đang mặt mày xanh mét rồi lặng lẽ lẻn ra khỏi phòng, gặp bốn nhân viên an ninh Mỹ vạm vỡ trông có vẽ dữ dằn. Trước khi ra đi, ông ta nói với Monique báo cho Khmer Đỏ và người Trung Hoa quyết định của ông rời khỏi đoàn và trả lại cho Khmer Đỏ hai chục ngàn đôla tiền mặt mà họ đã trao cho ông trước ngày rời Phnom Pênh. Các nhân viên an ninh đứng bao quanh ông như cái tháp che. Ông ta bước lẹ tới cầu thang máy và đi qua những hành lang ngoằn ngoèo để ra tới đường, ở đó có sẵn xe đưa ông ta tới văn phòng của Young. Toàn bộ sự việc, theo Sihanouk kể lại, giống như trong phim gián điệp.
Sự việc bất ngờ nầy làm đảo lộn chương trình của Andrew Young - đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc, mà lẽ ra ông ta phải có mặt tại Atlanta ngày 14 tháng Giêng, trong buổi lễ kỷ niệm sinh nhật 50 của Martin Luther King. Tổng thống Carter giải thích với báo chí sự vắng mặt của Young là vì bộ Ngoại giao gọi ông ta lúc 2h30' sáng với một “nhiệm vụ đặc biệt”. Cuối cùng, buổi chiều ngày hôm đó, khi tới Atlanta, ông ta giải thích với báo chí ông ta phải nói chuyện với các đại biểu Trung Hoa “để giải quyết vài khó khăn của người Kampuchia.”
Tuy nhiên, Andrew Young đã không nói với báo chí là ông đã dùng thì giờ sáng sớm hôm đó để lo việc đào thoát của Sihanouk rồi sau đó thảo luận việc nầy với Trung Hoa. Đại sứ Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc được triệu tới văn phòng của Andrew Young để trực tiếp nghe Sihanouk bày tỏ ý muốn tìm nơi tạm trú chính trị tại Mỹ. Thái tử nói với đại diện Trung hoa: “Một ngày kia tôi sẽ trở lại Trung Hoa và sống ở đó, nhưng bây giờ thì tôi cảm thấy kiệt sức và bị thương tổn. Tôi muốn tới ngay một bệnh viện ở Nữu Ước để điều trị.
Sihanouk như củ khoai nóng ở trong tay bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Trong khi có rất nhiều người mến chuộng ông hoàng vì những nổi gian truân mà ông đã gánh chịu ở Campuchia, nhưng người ta lo rằng việc đào thoát của ông ta sẽ làm cho không khí chính trị Campuchia mất đi thần tượng lãnh đạo và đoàn kết. Một điều cần phải nói thêm là phía Mỹ quan tâm là hậu quả băng giá khi thuận cho Sihanouk tị nạn chính trị tại Mỹ, có ảnh hưởng tới quan hệ Hoa-Mỹ vừa mới gầy dựng xong. Chính do đề nghị của chính quyền Trung quốc mà họ đã phải gánh chịu mọi đài thọ để lôi ông hoàng ra khỏi Phnom Pênh trước khi quân Việt Nam vào thành phố nầy và đưa ông ta tới Nữu Ước để làm đại diện cho chế độ Pol Pot không được mấy ai tin tưởng. Rõ ràng Bắc Kinh muốn dùng cái dáng vóc quốc tế của ông hoàng để kêu gọi quốc tế chống Việt Nam. Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đi thăm Hoa Kỳ hai tuần lễ và việc Hoa Kỳ cho Sihanouk quyền tỵ nạn chính trị ngay trước lúc cuộc viếng thăm của Đặng bắt đầu thì điều đó được coi như là lăng nhục Trung Hoa. Roger Sullivan, Holbrooke, phụ tá ngoại trưởng về vấn đề Trung Hoa được đánh thức vào lúc nửa đêm để tới bộ Ngoaị giao theo dõi công việc trong Phòng Điều hành. Công việc của họ là báo cho phía Trung Hoa biết. Vào 4 giờ sáng, Holbrooke gọi Han Xu, trưởng văn phòng liên lạc của Trung Hoa ở Hoa Thạnh Đốn, báo cho ông nầy biết Sihanouk đã bị kiệt sức và được đưa vào bệnh viện. Sullivan thuật lại: “Hàn Xu kinh ngạc, nhưng ông ta lấy lại bình tĩnh, và trả lời một cách hãnh tiến: “Được rồi, nếu ông ta muốn thế thì chúng tôi đồng ý vậy.
Khi trời gần hửng sáng, ông hoàng Sihanouk được đưa vào bệnh viện Lenox Hill trên đại lộ Park. Sáng hôm sau, vợ ông ta, bà hoàng Monique cũng được đưa vào phòng ở tầng số 9 cùng với ông hoàng. Đây là hành động trì hoãn của bộ ngoại giao Mỹ. Họ kết luận nên để ông hoàng sống trong một khung cảnh cách biệt để ông có thì giờ suy nghĩ lại yêu cầu của ông hơn là vội vàng chấp thuận cho ông tỵ nạn chính trị. Ngay lập tức, một bản thông báo phát hành nói rằng “thái tử Sihanouk đã được đưa vào bệnh viện vì bị chấn động và kiệt sức”.
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao của Pháp, Frank Tatu, người nầy đã sống nhiều năm ở Kampuchia, được phái đi thăm ông hoàng. Tatu trấn an ông hoàng rằng không phải ông ta bị giam. Người ta bảo vệ an ninh cho ông và dành cho ông thì giờ để ông suy nghĩ. Sau đó, Young đến thăm ông hoàng. Cái ý chính của phía Mỹ là: “Nếu ông muốn đi thoát thì ông cứ làm, nhưng tại sao ông không dành chút thì giờ để suy nghĩ lại? Một khi người ta đã đào thoát thì người ta mất đi chính con người mình, mất đi sự hữu dụng của một nhà lãnh đạo chính trị.” Holbrooke thuật lại: “Chúng tôi cũng hỏi ông ta: Ai sẽ hỗ trợ ông? Ông đào thoát ra khỏi cái gì? Ông đào thoát ra khỏi Khmer Đỏ phải không? Ai cũng biết rằng họ đã loaị trừ ông. Ông đào thoát ra khỏi đất nước ông mà ông không có cách trở lại bây giờ được phải không?” Ngày 18/1/1979, Vance đích thân tới thăm ông ta tại bệnh viện và nói với ông hoàng rằng ông là “một vị khách của chính phủ Hoa Kỳ và ông ta có thể ở lại đây bao lâu cũng được, nhưng ông ta phải tránh nói tới việc tỵ nạn chính trị.
Ông hoàng cảm thấy phấn chấn khi ông thoát ra khỏi sự kềm tỏa của Khmer Đỏ và lại trở thành một người tự do, nhưng những khó khăn lớn nhất của ông là chẳng có tiền bạc gì gởi ở các ngân hàng ngoại quốc. Bệnh viện Lenox Hill thấy e ngại khi được Tatu báo cho biết bệnh nhân của họ chẳng có bảo hiểm sức khỏa nào hết, cả bên phía Khmer Đỏ cũng như Trung Hoa - có thể yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trả bệnh phí 15 ngàn đôla cho ông hoàng. Nhưng sau chuyến thăm Sihanouk của Vance, kết luận là Hoa Kỳ không thuận cho ông ta tỵ nạn chính trị. Sihanouk chán nãn vội vàng yêu cầu đại sứ Pháp ở Liên Hợp Quốc thuận cho ông ta và vợ chiếu khán qua Pháp sống trong một biệt thự nhỏ ở Mougins do mẹ ông ta làm sở hữu chủ. Do đó, Sihanouk viết một bức thư cho bộ Ngoaị giao Hoa Kỳ trấn an họ rằng ông ta sẽ qua sống ở Pháp. Tuy nhiên, về phía Pháp, thuận cho ông tỵ nạn chính trị với điều kiện Sihanouk không được hoạt đông chính trị, ngay cả những cuộc phỏng vấn. Monique, cha là người Pháp, có thể có chiếu khán nhưng ông hoàng thì không. Tình trạng ông hoàng bây giờ rất nan giải: không có một đồng xu dính túi, một người bị lưu đày ra khỏi đất nước hay sung sướng làm đại diện cho một chế độ giết người. Chẳng bao lâu, thêm một điều chọn lựa đến với ông hoàng, nhưng điều nầy kém hấp dẫn: Qua một đại sứ, Hà Nội gởi cho ông hoàng bức thư mời ông về lại Phnom Pênh để đứng đầu chế độ do họ dựng nên.
Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình thực hiện điều chọn lựa cho ông ta. Đặng hết sức quan ngại về những lời Sihanouk phát biểu chống lại Khmer Đỏ và dự tính của ông ta qua sống ở phương Tây. Với sự hợp tác của người Mỹ, Đặng thực hiện một cuộc họp với Sihanouk hôm 31 tháng Giêng. Có bốn nhân viên an ninh bộ ngoại giao đi kèm, Sihanouk và vợ được đưa từ Nữu Ước xuống Blair House, một nhà khách của Mỹ, nơi Đặng Tiểu Bình đang cư trú - để tham dự một bữa ăn tối bí mật, không được công bố.
Trong bữa ăn sang trọng nấu theo kiểu Tàu, Đặng khuyến khích ông hoàng: “Samdech Sihanouk, ông là nhà yêu nưóc vĩ đại. Ông không thể bỏ quê cha đất tổ, ông không thể bỏ nước Kampuchia Dân chủ.” Sihanouk đáp lại ngay: “Chỉ là Cambodia, không phải là Kampuchia Dân chủ. Tôi không phải chính là người dân chủ, tôi là một ông hoàng phong kiến.” Đặng Tiểu Bình đã phản ứng quyết liệt, nói rằng quả thật Sihanouk không phải là một ông hoàng dân chủ, và nói thêm: “Người Trung Hoa chúng tôi thú thật, chúng tôi không đồng ý về một vài vấn đề trong chính sách của Pol Pot. Anh ta là người hết sức bướng bỉnh.” Ông ta nói Trung Hoa đã cố làm cho Pol Pot mềm mỏng hơn. Ông hoàng ngờ vực hỏi lại với giọng cười nôn nóng: “Thật không? Ông nghĩ rằng có thể biến con cọp thành con mèo con?” Đồng thời ông Đặng đã xác nhận rằng Trung Hoa chẳng thể làm được điều đó nhưng cố đẩy Pol Pot ra khỏi Khmer Đỏ. Dùng lòng biết ơn của ông hoàng với Trung Hoa, Đặng nói rằng Trung Hoa là người bạn cũ và là quê hưong thứ hai của ông hoàng kể từ khi ông bị lật đổ hồi năm 1970. Nếu ông hoàng không trở về sinh sống ở Bắc Kinh, điều đó làm cho Bắc Kinh mất mặt. Ông ta bảo đảm Trung Hoa không buộc ông hoàng cộng tác với Kh'mer Đỏ và không gây áp lực buộc ông hoàng liên minh với Kh’mer Đỏ. Trung Hoa cũng không buộc ông ta phải đi tới nơi nào trái ý ông. Ngay lập tức ông Đặng cũng chỉ thị cho văn phòng của mình thúc đẩy Khmer Đỏ tìm kiếm các con cái, cháu chắt và thân nhân của ông hoàng bị mất tích. Và cuối cùng thì Đặng TTiểu Bình đã nồng nhiệt mời ông hoàng và hứa để ông ta hoàn toàn tự do.
Hai tuần lễ tấn thối lưỡng nan của ông hoàng coi như được giải quyết. Bắc Kinh lại trở thành nơi ông cư ngụ cho đến lúc có những cơ hội chính trị chỉ dấu cho ông ta hoạt động cho nền độc lập của Kampuchia."
Qua đó cho thấy, một chính trị gia cao cấp xin tỵ nạn chính trị ở nước ngoài dưới sự tiếp tay của một cường quốc là điều hoàn toàn có thể

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện nhỏ Ngô Minh:


Chuyện Đại hội Nhà văn 9:
ÂN HẬN VỀ MỘT CÁI BẮT TAY
Đêm 10/7/2015, ĐH NVVN trù bị xong rồi. Tôi ngủ đến gần 12 giờ khuya thỉ có điện thoại của các nhà thơ đồng hương Trần Quang Đạo, Hoàng Vũ Thuật gọi ra cổng Nhà khách La Thành uống. Tôi đau ốm, nên chỉ ăn bát cháo gà rồi ngồi nhìn bạn uống.
Bỗng bàn bên cạnh có anh bạn TTĐ, là BCH cũ vừa bầu cử không trúng, cũng ra uốngvới bạn bè. TTĐ là bạn cùng tuổi, tôi quen biết đã lâu rồi. Theo phong cách Huế, tôi đứng dậy sang bàn bên bắt tay TTĐ. Như ở Huế, nơi tôi sống 40 năm nay, Ai mà không trúng cử BCH mới coi như là thắng lợi. Họ mừng như thoát chết. Vì ai cũng từ chối ứng cử, đề cử, tìm mọi cách để không trúng BCH,để còn lo bao công việc khác của đời mình. Nghĩ như vậy, nên tôi đến bắt tay thật chặt tay nhà văn TTĐ. TTĐ cũng bắt tay tôi thật chặt. Nhưng tôi lại nói:” Chúc mừng ông đã thoát khỏi BCH, vì nói tốn bao nhiêu thời gian của ông dành cho trang viết”. Bắt tay xong tôi thoát về phòng ngủ kẻo đã gần 1 giờ sáng rồi.
Sáng hôm sau trên xe đến Trung tâm báo chí Quốc tế, nơi đại hội chính thức, tôi kể chuyện ấy với nhà văn Hoàng Đình Quang. Anh ghé tai tôi bảo:” Ông nên nhớ là ở Hà Nội này, không trúng cử BCH là một nỗi đau. Nên ông chức như thế khác gì mỉa mai người ta”. Thế là tôi ân hận vì không thấu hiểu cái sự thể Hà Nội ấy. Và tôi đã mang cái ân hận ấy đi tàu SE1 vào Huế…
Viết những dòng này, không phải để xin lỗi, vì tôi tôi tin rằng,chắc chắn TTĐ , một người lính trận xưa cũng nghĩ như tôi, như người Huế vậy: Cần gì cái BCH vớ vẩn ấy. Không thoát được mới phải làm thôi, đúng không bạn.
Anghr : BCH DDH9 ra mắt.
Ảnh Tô Nhuận Vỹ

Phần nhận xét hiển thị trên trang