Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

VĂN CHƯƠNG VÀ ĐỈNH CAO


Cao Minh


Chúng ta vẫn thường than thở, tại sao không có tác phẩm văn chương đỉnh cao ( hay tác phẩm văn chương lớn, tầm cỡ ), trong khi dân tộc Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh với những chiến thắng tầm vóc thời đại, “ chấn động địa cầu”; cùng những biến cố, đổi thay vô cùng lớn lao trong tư tưởng, tâm hồn người Việt…
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, nền văn học hiện đại Việt Nam vẫn chưa thấy xuất hiện những tác phẩm văn chương đỉnh cao. Không riêng văn học, nhiều ngành nghệ thuật khác của chúng ta cũng vậy. Đi tìm căn nguyên là một việc không đơn giản. Trong Tạp chí Lý luận Phê bình số 17 ( tháng 1- 2014 ), nhà văn Sương Nguyệt Minh đã đề cập vấn đề này với bài viết: “ 8 lý do chưa có tác phẩm văn chương đỉnh cao”. Đó là: 1- Hiện nay chưa xuất hiện thiên tài văn chương. 2- Thiếu vắng nhà văn có tư tưởng lớn. 3- Chưa đam mê quyết liệt, không dấn thân tận cùng. 4- Nhà văn Việt Nam đang bị tán tài. 5- Nhà văn thiếu sự liên tài. 6- Nhà văn thiếu những bi kịch lớn. 7- Nhà văn bị biên tập dữ dội, rồi cuối cùng nhà văn sợ hãi tự biên tập mình. 8- Một nền phê bình yếu và thiếu cũng không kích thích sáng tạo văn chương.
8 điều nhà văn Sương Nguyệt Minh nêu ra đều đúng. Tuy nhiên, vẫn chưa đầy đủ và thiếu một điều căn bản.
Giải thích một trong nhiều nguyên nhân, Sương Nguyệt Minh cho rằng, nhà văn Việt Nam hiện nay hầu hết là công chức, làm việc ăn lương ở một cơ quan nhà nước và viết văn bằng tay trái. Một bộ phận không ít nhà văn đang cùng lúc làm nhiều phận sự; đảng viên, cấp ủy, thủ trưởng hay thủ phó cơ quan, cán bộ, công đoàn, ban chấp hành hội đoàn kiêm nhiệm…Và nhà văn có tư tưởng lớn còn phải là người đi nhiều, biết lắm… Vậy thì, giải thích thế nào nhiều trường hợp các nhà văn lớn với những tác phẩm lớn của thế giới, họ cũng là công chức, họ cũng làm cùng lúc nhiều công việc chẳng liên quan gì đến văn chương. Còn cứ phải đi nhiều, biết lắm mới có tư tưởng lớn; thế gian này biết bao người đi rất nhiều, biết rất lắm hơn gấp bội nhà văn sao họ không trở thành nhà văn. Và ngược lại nhiều nhà văn cũng đi nhiều biết lắm sao họ không có những tác phẩm lớn để đời. Trường hợp nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc ( giải Nobel văn học 2012 ) là một ví dụ. Mạc Ngôn không đi nhiều, ông chỉ quanh quẩn ở vùng quê ông là Cao Mật, và nhiều tác phẩm lừng danh của Mạc Ngôn đều lấy Cao Mật làm bối cảnh. Đời sống và hoạt động viết văn của Mạc Ngôn chúng ta đều biết cũng không khác cuộc sống của nhiều nhà văn Việt Nam. Vậy mà Hội đồng giải Nobel vẫn trao giải cho các tác phẩm của Mạc Ngôn, bởi tầm cao của tác phẩm. Mạc Ngôn cho ta biết một điều: “ Tôi mang cả thế giới về Cao Mật”.
Sương Nguyệt Minh đã truy nguyên đúng một vấn đề cơ bản là nhà văn Việt Nam thiếu tư tưởng lớn. Dân tộc chúng ta khởi phát từ nền văn minh lúa nước. Hàng ngàn năm nay văn hóa làng xã là âm hưởng chủ đạo của văn hóa Việt Nam. Văn hóa bác học thì nặng về tầm chương trích cú và phục vụ bộ máy chính quyền. Nước ta vốn là nước nhỏ lại thường bị nước lớn phương Bắc tìm cách thôn tính, xâm lấn. Vả lại, nền học cũng mô phỏng hoặc dập khuôn hoàn toàn của Trung Quốc. Tư tưởng Phật giáo thời Lý, đầu Trần đã bị tư tưởng Nho giáo loại bỏ và thống trị. Thế nên, tư tưởng Việt Nam, nếu có cũng rất mờ nhạt thảng hoặc lóe sáng đôi chút đâu đó. Việt Nam có cơ hội tiếp cận những tư tưởng lớn của nhân loại từ khi thực dân Pháp xâm lược cho đến nay. Thế nhưng, hình như các nhà văn Việt Nam, đặc biệt trong mấy chục năm nay không mấy mặn mà, quan tâm lắm đến những vấn đề thuộc về tư tưởng. Không có một học vấn uyên bác nhiều mặt thì không thể có những tư tưởng lớn là lẽ đương nhiên.
Vấn đề căn bản thứ hai để không có tác phẩm đỉnh cao đó là chúng ta đang thiếu những nhân cách lớn. Tư tưởng lớn sẽ vượt lên thời đại. Nhân cách lớn sẽ vượt lên hoàn cảnh sống, bối cảnh sống. Việt Nam có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An chính bởi các cụ là những nhân cách lớn mà người đời mãi mãi kính trọng, ngưỡng mộ. Thử hỏi nếu như các cụ cũng khuất thân ra luồn vào cúi, bon chen, hèn hạ… thì các cụ có là những danh nhân văn hóa và văn chương các cụ có giá trị, có tầm cao không! Nhân cách không phải là thứ gì cao siêu, đấy là những phẩm chất cao đẹp của con người được hấp thụ rồi thể hiện ra bằng những ứng xử trong đời.
Tất cả những lo toan mưu sinh hay công này việc kia là lẽ thường cuộc sống con người. Làm nhà văn phải tự biết cân đối mọi việc và phục vụ cho việc viết văn, đừng thở than, trách cứ hay đổ lỗi cho hoàn cảnh…Nếu vậy thì anh đi làm việc khác đi.
Nhân cách lớn chỉ có khi trong mỗi con người không có sự đố kỵ, ghen ghét, bon chen, trục lợi, háo danh, hư danh, hèn kém mọi mặt, không khuất thân vì bất cứ lý do nào… Và, cao hơn hết thảy là sự nhân ái, bao dung, đức độ.
Tài năng văn chương là trời phú, nhưng không lao động nghêm túc thì cái tài ấy cũng mai một. Có tài năng văn chương, có tư tưởng lớn, có nhân cách lớn, chắc chắn những giá trị văn chương lớn sẽ được sáng tạo.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc dám làm những điều loài người không dám!



Những hành động càn rỡ, ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc (TQ) trong mấy tháng gần đây ở Biển Đông – xây dựng trái phép những công trình kiên cố quy mô lớn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã và đang đe dọa, thách thức nghiêm trọng nền độc lập của dân tộc Việt Nam! Rất cần phải cảnh báo rằng kinh nghiệm lịch sử cho thấy nhà cầm quyền TQ có ‘truyền thống’ dám làm tất cả những gì người khác không dám. Không ý thức rõ vấn đề này, cứ để cho người TQ làm cái sự đã rồi thì tất cả đều đã muộn…
Để duy trì quyền lực, các hoàng đế TQ dám làm những điều mà không một người nào ở bất kỳ dân tộc nào, bất kể thời điểm nào có thể ‘nghĩ’ ra. Sử ký Tư Mã Thiên cho biết tướng Tần là Bạch Khởi, theo lệnh của Tần Doanh Chính (tức tần Thủy Hoàng sau này) chôn sống một lúc 40 vạn hàng binh nước Triệu năm 228 tr.CN! #danluan
Đàn áp những người chống đối thì từ cổ chí kim không hiếm, thế nhưng, dùng xe tăng để nghiến nát sinh viên - cháu con của chính họ, thì chỉ có TQ là độc nhất vô nhị trên trái đất này.
“Đầu tư” cả cái thai trong bụng để sau này làm vua như cách Lã Bất Vi đã làm là chuyện không thể tìm ra cái tương tự trong sử sách nhân loại...
Kiên nhẫn khác thường là một trong những đặc tính nổi bật của TQ. Họ dám bỏ ra gần 100 năm để đục núi đá, làm nên pho tượng Phật ngồi cao gần 100m trên núi Nga Mi; dám bỏ ra gần 500 năm để xây Vạn Lý Trường Thành…. Tại sao không nghĩ rằng họ có thể bỏ ra 50 năm hay 100 năm để dần dần, từng chút một, gặm mòn, lấn chiếm hết đảo này đến đảo khác ở Biển Đông?
Bất chấp tốn kém về người và của, miễn… xong việc, là đặc tính thứ hai. Các nhà sử học ước tính, để xây VLTT, không ít hơn vài triệu người đã bỏ mạng. Để xây Di Hòa Viên, Từ Hy Thái Hậu ‘cho qua’ toàn bộ kinh phí lẽ ra dành cho phát triển một hạm đội, miễn là bà ta được vui thú cuối đời. Không ít chuyên gia trên thế giới tính rằng chỉ riêng việc vận chuyển vật liệu để xây các công trình trên các đảo Gạc Ma, Huy Gơ (thuộc Trường Sa, Việt Nam) đã tốn nhiều tỷ USD. Hai đảo này nằm giữa Trường Sa: khỏi phải bàn về âm mưu dài lâu, nham hiểm của cách xây để cướp.
Dám làm mọi sự không tưởng nhưng vẫn làm được là đặc tính thứ ba. Từ thời cổ đại, Hán Vũ Đế (140-87 tr.CN) đã ‘mơ’ giấc mơ kiềm chế… người Việt bằng cách ra lệnh cấm bán gia súc, gia cầm giống cái cho người Giao Chỉ(?) Nói như thế để thấy ‘giấc mơ’ đè ép người Việt của chủ nghĩa Đại Hán đã có ít nhất từ 2.100 năm trước!
Gần đây nhất, chúng ta thấy TQ dám thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa”, trắng trợn gộp hai quần đảo của Việt Nam vào Đông Sa. Chưa có nước nào trên thế giới thành lập một thành phố mà nơi đầu đến chỗ cuối cách nhau cả ngàn cây số(!) Và, họ đang xây những tòa nhà cao đến 8 tầng để chứng minh rằng đó là thành phố?...
Không từ bất kỳ thủ đoạn nào, dẫu tàn ác, phi nhân, theo nguyên tắc ‘cứu cánh biện minh cho phương tiện’ là đặc tính thứ tư.
Trên thế giới, không hiếm những chính quyền đàn áp dã man người dân nhưng dùng xe tăng để nghiến nát sinh viên như TQ đã làm là điều không ai dám! Cũng tương tự như thế, việc các triều đại ‘hy sinh’ hàng triệu mạng sống để xây một công trình là điều chưa hề xảy ra trong lịch sử. VLTT là dẫn chứng điển hình.
Việc dẫu nhỏ, nhưng nếu cần để phô trương quyền lực thì TQ vẫn làm, là đặc tính thứ năm.
Ở Tử Cấm Thành có những tảng đá nguyên khối dài 11m, rộng 3,8 m (mà người viết bài này đã đo bằng thước dây), dày nghe đâu là 1m, nặng hơn 200 tấn(!) để làm “lối đi” của hoàng đế Trung Hoa, được khai thác cách Bắc Kinh hàng chục km. Vua chẳng bao giờ đi trên tảng đá đó vì nó chạm hình rồng, đi là tai nạn.
Thế nhưng, TQ sẵn sàng đào một con kênh dài hàng chục km, dẫn nước vào, chờ mùa đông đóng băng để “chở” những tảng đá đó về bằng cách kéo trượt trên băng. Nói như thế để thấy rằng đừng nghĩ việc nhỏ, phi thực tế nhưng có ý nghĩa chính trị, đối ngoại xâu sa thì TQ vẫn làm…
Những khái quát trên đây chỉ mới là phần nổi dễ thấy của một tảng băng. Còn rất nhiều những sự kiện, những bài học chua xót mà loài người phải luôn cảnh giác từ nguy cơ Đại Hán. Một trong những bài học điển hình nhất là bài học về Nhà Thanh – người Mãn. Lúc đầu, Mãn Thanh định Mãn hóa người Hán nhưng về sau, họ đã tự Hán hóa một cách thụ động vì không thể thoát được những thủ đoạn tinh vi của người Hán. Đến nay, trong số hàng triệu người gốc Mãn, chỉ còn vài trăm người nói tiếng Mãn là ‘tấm gương’ nhãn tiền về nguy cơ Hán hóa đối với bất kỳ dân tộc nào chịu ảnh hưởng trực tiếp và bị chi phối bởi TQ…
Chế Lan Viên đã có vần thơ rất hay: Hãy cảnh giác em ơi cảnh giác/ Nửa cái hôn phải tỉnh thức ngó quân thù… Thiết nghĩ, lời cảnh báo vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận bây giờ…
Huế, 21.5.2015
Hà văn Thịnh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vẻ đẹp của bức tranh nổi tiếng “Tháng 6 rực lửa” - khắc họa người đẹp say ngủ trong chiếc váy mỏng, trong suốt, màu cam nóng

Trong âm nhạc, khi tháng 9 về, người ta nghe “Wake Me Up When September Ends”, tháng 11 nghe “November Rain”… Trong hội họa, khi tháng 6 về, người ta sẽ ngắm bức “Flaming June” (Tháng 6 rực lửa) - bức họa nổi tiếng của danh họa người Anh Frederic Leighton (1830-1896).

“Tháng 6 rực lửa” khắc họa chân dung một người phụ nữ trẻ trong chiếc váy màu cam trong suốt, rực rỡ. Nàng cuộn mình nằm ngủ trên một bậc thềm đá hoa cương trải chăn nệm, phía xa là ánh nắng chói chang của mặt trời vùng Địa Trung Hải.
Lý<br />
do tại sao bức tranh lại được đặt tên là “Tháng 6 rực lửa”, không ai biết…

Lý do tại sao bức tranh lại được đặt tên là “Tháng 6 rực lửa”, không ai biết…
Nhiều người có thể sẽ nhớ đến nàng vì đôi chân gợi cảm nhưng vẽ sai tỉ lệ. Một vẻ đẹp được ẩn giấu hờ hững dưới lần vải mỏng, khoe ra sự gợi cảm. Họa sĩ Leighton đã lấy cảm hứng thực hiện bức vẽ này từ tác phẩm điêu khắc “Đêm” và bức họa “Leda” của Michelangelo.
Cả hai tác phẩm này của Michelangelo đều khắc họa những đôi chân “ngoại cỡ”, hơi gập lại, chứa đựng một vẻ đẹp đầy nhục cảm, phá vỡ những chuẩn mực về tỉ lệ kích thước cân đối khi khắc họa cơ thể người.
Người đẹp xuất hiện trong bức “Tháng 6 rực lửa” dù không bao giờ có thể vươn tới đẳng cấp như nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci hay “Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai” của Johannes Vermeer, nhưng nàng vẫn là một trong những người đẹp nổi tiếng nhất trong hội họa.
Thực tế, ở thời này, giới quý tộc phương Tây có một “thú chơi” đó là sử dụng thuốc phiện như một thức tiêu khiển, điều đó đã khiến một số nhà nghiên cứu tin rằng, sự xuất hiện trong trạng thái say ngủ của cô gái là một hình ảnh mang tính biểu tượng cho trạng thái “đê mê”.
Cũng có người cho rằng bức họa ám chỉ về cái chết bởi lúc này đã là những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời họa sĩ Leighton, thêm vào đó, những bông hoa xuất hiện ở góc trên bên phải bức tranh lại là những bông trúc đào chứa độc tính.
Nhưng người ta cũng có thể hiểu sự xuất hiện của những bông hoa độc ám chỉ cô gái này quá quyến rũ đến mức nguy hiểm, khiến những người đàn ông phải lòng cô sẽ gặp tai họa. Cô sẽ đưa họ từ chỗ không hề đề phòng trước cái Đẹp đến chỗ mất đi ý thức tự chủ.
Bức “Tháng 6 rực lửa” được hoàn thành vào năm 1895, ở thời điểm vài tháng trước khi Leighton qua đời. Đây là bức họa cuối cùng và cũng là bức họa nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông. Sinh ra trong một gia đình giàu có và được học vẽ ở những kinh đô nghệ thuật của Châu Âu, Leighton đã nhiều năm là Chủ tịch Viện hàn lâm Hoàng gia Anh.
Tuy vậy, cách nhìn nhận của giới hội họa thế kỷ 20 đã không công bằng với ông. Cho tới tận thập niên 1970, người ta vẫn coi những bức họa được thực hiện theo phong cách hàn lâm, quy chuẩn dưới thời Nữ hoàng Victoria là nhàm chán, khuôn sáo. Khi quan điểm này mờ nhạt dần, lúc đó, người ta mới nhìn nhận lại bức “Tháng 6 rực lửa”, lúc này, bức tranh bất ngờ được yêu thích trở lại.
Chân dung nàng Dorothy Dene - người mẫu của bức “Tháng 6 rực<br />
lửa”.

Chân dung nàng Dorothy Dene - người mẫu của bức “Tháng 6 rực lửa”.
Trước đây, người ta không hề biết danh tính cô gái xuất hiện trong tranh, mãi cho đến năm 2014, khi tìm thấy lại một bản vẽ bằng phấn màu và bút chì khắc họa dáng đầu người mẫu xuất hiện trong tranh, danh tính người đẹp mới được hé lộ.
Bản vẽ này là bức phác thảo nghiên cứu dáng đầu của người mẫu, được thực hiện trước khi Leighton vẽ bức “Tháng 6 rực lửa”. Bức phác thảo này đã bị thất lạc suốt 120 năm qua.
Từ bức phác họa này, người ta nhận ra người mẫu chính là Dorothy Dene, nhan sắc yêu thích nhất của họa sĩ Leighton. Tên thật của cô là Ada Alice Pullan. Khi muốn theo đuổi nghệ thuật, cô đã đổi tên.
Dorothy Dene là người mẫu thân thiết của họa sĩ Leighton, cô xuất hiện trong rất nhiều bức tranh của ông trong vòng 15 năm cuối cuộc đời người họa sĩ. Ngoài việc làm người mẫu cho Leighton, Dorothy còn là một diễn viên kịch.
Chân dung tự họa của nam tước Leighton - một họa sĩ quý tộc<br />
người Anh.

Chân dung tự họa của nam tước Leighton - một họa sĩ quý tộc người Anh.
Chính Leighton đã trả tiền học phí để Dorothy tham gia các lớp học diễn xuất, ông còn để lại cho cô một khoản tiền sau khi qua đời. Nhiều người tin rằng giữa họa sĩ và người mẫu đã có những tình cảm nảy sinh.
Sau khi Leighton qua đời, bức “Tháng 6 rực lửa” từng được treo tại Viện bảo tàng Ashmolean ở thành phố Oxford, Anh, đến năm 1930.
Sau đó, bức tranh đã được bán cho một nhà sưu tập tư nhân và từ đó mất tích. Đến năm 1962, nhà soạn nhạc người Anh Andrew Lloyd Webber, lúc đó mới 14 tuổi, đã nhìn thấy bức tranh được bán trong một cửa hàng đồ cổ ở London với giá chỉ 50 bảng (1,7 triệu đồng). Cậu bé Webber khi đó đã xin gia đình cho mua bức tranh nhưng người lớn không đồng ý.
Năm 1963, Luis Ferré - cựu Thống đốc quần đảo Puerto Rico - đã mua bức tranh này với giá 2.000 bảng (gần 70 triệu đồng) và đưa về trưng bày ở viện bảo tàng thành phố Ponce của Puerto Rico. Bức tranh đã lưu lại Ponce cho tới tận hôm nay, chấm dứt “phận chìm nổi”.
Vẻ đẹp nàng Dorothy Dene trong một tác phẩm khác của họa sĩ<br />
Leighton.

Vẻ đẹp nàng Dorothy Dene trong một tác phẩm khác của họa sĩ Leighton.
Điều thú vị là nàng Dorothy Dene - người đẹp trong tranh - đã từng đến New York từ hơn một thế kỷ trước với hy vọng trở thành một diễn viên nổi tiếng, nhưng diễn xuất của nàng không đủ để giúp nàng trở thành ngôi sao.
Giờ đây, sau hơn một thế kỷ, bức tranh khắc họa nàng được mượn về trưng bày triển lãm ở New York trong những ngày tháng 6. Lúc này, vẻ đẹp của nàng lại được các tờ báo Mỹ đồng loạt ca ngợi.
Những bức tranh cũng có số phận giống như những nghệ sĩ, với những thăng trầm bất ngờ, có lúc tưởng chìm xuống đáy nhưng rồi lại trở thành biểu tượng. Bức “Tháng 6 rực lửa” sau quãng thời gian bị ghẻ lạnh, bị đem bán giá rẻ, giờ đây, đã có được một kết thúc viên mãn ở cuối chặng hành trình.
Bích NgọcTheo New York Times/Vanity Fair

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bồi thường oan sai


Vừa rồi, quốc hội mất cả mấy buổi để bàn về án oan sai, còn dư luận thì cực kỳ hồ hởi với việc ông Nguyễn Thanh Chấn được nhà nước đền bù (thậm chí báo chí dư luận được đà, còn muốn đi đến tận cùng, đòi biết tiền đền bù do ai trả).

Ân đền oán trả, sai thì phải sửa, kẻ làm sai phải bồi thường, người bị oan được giải oan, đó là công lý.

Tôi mong có ngày quốc hội công khai bàn giữa hội trường Ba Đình mới và dõng dạc lên tiếng "bồi thường oan sai", giải oan cho những người như: bà Nguyễn Thị Năm, các ông Nguyễn Hữu Đang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Phan Khôi, Trương Tửu, Bùi Ngọc Tấn, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Vũ Thư Hiên, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Kiến Giang, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Bùi Minh Quốc... So với những con người này, oan sai của ông Chấn chưa là gì cả.

Hầu hết họ bị quy kết "tội" xét lại chống đảng, đi ngược lại đường lối chính sách của đảng, tuy nhiên, họ không hề phản bội tổ quốc, chống lại đất nước, dân tộc, nhân dân. Nếu chỉ chiêu tuyết, trao cho vài cái danh hiệu, huy chương... coi như xong thì cái gọi là chấm dứt oan sai ở xứ này không bao giờ kết thúc.

Chỉ chính thức giải oan, xin lỗi, bồi thường cho họ, cả về vật chất và tinh thần, một cách công khai, sòng phẳng, lúc ấy mới có ngày hội của dân tộc.

Nguyễn Thông
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nước cờ tấn công mạng trên bàn cờ Biển Đông của Trung Quốc



Một nhóm tin tặc được chính phủ Trung Quốc bảo trợ, chuyên tấn công các cơ quan chính phủ, tổ chức quân sự Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong suốt 3 năm. Theo báo cáo ngày 16/06/2015 của hãng bảo mật Palo Alto Networks mang tên “Chiến dịch tấn công mạng Lotus Blossom” (Operation Lotus Blossom).

Báo cáo của hãng Palo Alto cho biết, Lotus Blossom là nhóm tin tặc có kỹ thuật tấn công tinh vi, hoạt động bài bản dưới sự bảo trợ của chính phủ Trung Quốc, chuyên tấn công các cơ quan chính phủ, tổ chức quân sự tại Việt Nam, Philippines, Hong Kong, Đài Loan và Indonesia với hơn 50 chiến dịch tấn công mạng liên tục trong suốt 3 năm.

Lotus Blossom chủ yếu sử dụng kỹ thuật tấn công lừa đảo, gửi email đính kèm tài liệu mồi nhử độc hại về các chủ đề hấp dẫn được bản địa hóa để lừa nạn nhân nhấp vào liên kết.

Lotus Blossom được chính phủ Trung Quốc bảo trợ, chuyên tấn công các cơ quan chính phủ và tổ chức quân sự Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong suốt 3 nămTrong danh sách dài các quốc gia là nạn nhân của Lotus Blossom, Việt Nam là mục tiêu dai dẳng nhất với 11 đợt tấn công chủ yếu diễn ra vào tháng 11/2014. Trong các đợt tấn công này, nhóm tin tặc đã sử dụng tài liệu mồi nhử là những “chiến lợi phẩm” thu được từ các cuộc tấn công mạng trước đó để dẫn dụ nạn nhân nhấp vào liên kết độc hại. Các tài liệu này bao gồm danh sách liên lạc của các quan chức cấp cao Việt Nam; kế hoạch nâng cấp CNTT dành cho Chính phủ Việt Nam; tiến độ triển khai chuyển đổi mạng Internet diện rộng của Văn phòng Trung ương giai đoạn 2 trên một số tỉnh thành Việt Nam; chương trình hội thảo Vibrand của Bộ Thông tin và Truyền thông; lời mời tham dự lễ kỷ niệm hành trình Kon – Tiki do Đại sứ quán Na Uy tổ chức tại Việt Nam; hình ảnh của nữ diễn viên, ca sĩ Hoàng Thùy Linh…

Tuy vậy, dường như Philippines mới là nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề nhất, bởi nhóm Lotus Blossom đã thu được danh sách nhân viên Bộ Ngoại giao Philippines; danh sách quan chức Bộ Chỉ huy Hải quân Philippines; kế hoạch cứu trợ nhân đạo và thảm họa (HARD) cho Lực lượng Vũ trang Philippines đóng dấu “Mật”; tài liệu hướng dẫn đăng nhập hệ thống theo dõi máy bay theo thời gian thực của Không quân Philippines… và sử dụng chúng làm tài liệu mồi nhử cho các cuộc tấn công trong các chiến dịch này.

Đặc điểm chung của các cuộc tấn công của Lotus Blossom là đều sử dụng Trojan Elise, giúp tin tặc đoạt quyền truy cập trực tiếp vào hệ thống máy tính của nạn nhân, cài đặt công cụ bổ sung và trích xuất dữ liệu gửi về máy chủ C&C.

(Ảnh từ báo cáo) Hình ảnh và tài liệu mồi nhử được sử dụng để thu hút sự chú ý của các “con mồi”Palo Alto cho rằng, công cụ Elise đã được các tin tặc phát triển riêng để sử dụng trong các cuộc tấn công. Elise là cửa hậu (backdoor) được thiết kế cực kỳ tinh vi với khả năng tránh bị phát hiện trong môi trường ảo. Sau khi xâm nhập vào máy tính, mã độc Elise sẽ tự động kết nối với các máy chủ C&C để nhận chỉ dẫn và trích xuất dữ liệu. Ba biến thể của Elise đã được sử dụng từ năm 2012, mỗi biến thể sử dụng một cơ chế khác nhau để lây nhiễm hệ thống và duy trì giữa các lần tái khởi động.

Việc quy kết trách nhiệm các chính phủ đối với các cuộc tấn công là hết sức nhạy cảm, do đó chính phủ và các hãng bảo mật thường không đưa ra kết luận cụ thể. Tuy nhiên, dựa trên phương thức, công cụ tấn công và các nạn nhân của chiến dịch này, giới bảo mật suy đoán Lotus Blossom có khả năng là nhóm tin tặc được Chính phủ Trung Quốc bảo trợ, chuyên tìm kiếm các thông tin chính trị – quân sự tại các quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, như Việt Nam, Philippines và Indonesia, cũng như các quốc gia được Trung Quốc đặc biệt “quan tâm”, như Đài Loan, Hồng Kông.

Trước đó, nhóm 1937cn đã phát động chiến dịch tấn công Việt Nam để “đòi” chủ quyền phi lý trên Biển ĐôngRõ ràng, cùng với những “nước cờ” táo bạo làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, chính phủ Trung Quốc không ngừng ra lệnh cho đội ngũ tin tặc, điển hình như nhóm Goblin Panda, APT30, Putter Panda, NaikonAPT, nhóm 1937cn và mới đây là Lotus Blossom, “sục sạo” hệ thống mật của Việt Nam và các nước trong khu vực nhằm tìm kiếm thông tin về sức mạnh quân sự, cũng như các chiến lược và đối sách của các nước trước “thế cờ” bành trướng này. Dựa trên các thông tin có được, chính phủ Trung Quốc sẽ điều chỉnh “bước đi” sao cho phù hợp, nhằm đảm bảo kế hoạch chiếm Biển Đông sớm thành công.

Đã đến lúc Việt Nam chú trọng hơn cho công tác an ninh mạng, trang bị cho các hệ thống mật “tấm khiên cứng cáp” trước các cuộc tấn công mạng, không chỉ của tin tặc Trung Quốc mà còn các nước khác…

Lan Anh
Nguồn: Nguyentandung

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xã hội Trung Quốc đang lung lay tận gốc rễ


Nhàn Đàm 

MTG - Một sự kiện gây chấn động toàn bộ xã hội Trung Quốc (TQ) trong tuần qua là việc bốn trẻ em ở thị trấn Tất Tiết, tỉnh Quý Châu uống thuốc trừ sâu tự vẫn do bị cha mẹ bỏ ở nhà.
Sự kiện đau lòng này gây ra một cuộc tranh luận lớn ở TQ, khi đây không phải là một trường hợp cá biệt, mà là tình trạng chung ở rất nhiều gia đình nông thôn TQ.

Sau hơn ba mươi năm phát triển kinh tế cao độ, dẫn đến những xáo trộn lớn lao trong xã hội. Sự kiện thảm khốc ở thị trấn Tất Tiết gây tranh cãi lớn, vì được xem như mặt trái khủng khiếp mà sự phát triển kinh tế ở TQ gây nên. Đó là tình trạng ly tán đang phổ biến với các gia đình nghèo ở các thị trấn và vùng nông thôn, nơi những người trong độ tuổi lao động thường bỏ quê lên thành phố tìm việc làm, bỏ lại người già và con trẻ ở quê nhà.
Lý do bốn em nhỏ xấu số ở Quý Châu tự vẫn được cho là do sự sợ hãi và cô độc do không có sự chăm sóc của bố mẹ, khi người mẹ đã bỏ đi, người cha làm việc ở xa nhà và gửi tiền về để bốn đứa con tự chăm sóc lẫn nhau.
Năm 2012 cũng tại Quý Châu xảy ra vụ 5 em nhỏ bị ngộ độc khí carbon monoxide do đốt chất thải để sưởi ấm.
Sau sự việc gây bàng hoàng cho dư luận TQ, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi chấm dứt những thảm kịch tương tự, đồng thời xử lý những quan chức thiếu hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh trên.
Nhưng lời tuyên bố này có lẽ khó trở thành hiện thực, khi nó đang là tình trạng phổ biến ở rất nhiều thị trấn và vùng nông thôn TQ hiện nay.
Việc người trong độ tuổi lao động bỏ quên lên thành phố duyển hải phía đông TQ, bỏ lại người già và trẻ nhỏ ở quê, dẫn đến việc hình thành ngày càng có nhiều “thị trấn ma”, nơi đa phần là người già sống buồn tẻ.
Đây được xem là một trong những bi kịch trong xã hội TQ, nơi tốc độ đô thị hóa đang thuộc diện nhanh nhất thế giới, nhưng cũng dẫn đến việc gây ra một sự chia rẽ xã hội lớn lao.
Những trường hợp như gia đình bốn em nhỏ ở Quý Châu không phải là hiếm trong xã hội TQ.
Cuộc điều tra cuối năm 2014 cho thấy TQ còn 128.000 ngôi làng nghèo với số người nghèo khoảng 92 triệu người.
Nhiều người cho rằng con số người nghèo ở TQ còn lớn hơn nhiều, do chuẩn đánh giá của TQ khá thấp, và rất nhiều người lao động nghèo ở thành phố không nằm trong diện đánh giá.
Theo báo cáo của Liên hiệp phụ nữ TQ, năm 2013 có khoảng 60 triệu trẻ em có hoàn cảnh giống gia đình bốn em nhỏ ở Quý Châu, 3,4% trong số đó là phải tự nuôi thân. Thiếu đi sự chăm sóc và dạy dỗ của người lớn, đang dẫn đến việc số trường hợp bi kịch có thể xảy ra đang ngày càng gia tăng.
Hướng phát triển trong tương lai của nền kinh tế TQ sẽ không thể cải thiện, khi tình trạng người lớn bỏ quên lên tỉnh tìm việc làm vẫn tồn tại.
Cơ hội để gia đình đoàn tụ ở thành phố rất thấp, khi người lao động ở các vùng nông thôn chỉ có thể lao động phổ thông có thu nhập thấp, chỉ đủ gửi tiền về trang trải cuộc sống cho gia đình ở quê nhà, chứ không thể đưa cả gia đình lên thành phố.
Vấn đề ô nhiễm môi trường và hệ thống chăm sóc sức khỏe kém cỏi, khiến ngày càng nhiều người cao tuổi ở các vùng nông thôn TQ qua đời, số lượng trẻ em phải tự chăm sóc bản thân và đối mặt với những sức ép từ cuộc sống ngày càng tăng lên.
Đó là bi kịch lớn nhất và đang diễn ra ở quy mô sâu rộng nhất trong xã hội TQ. Nó đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải chú trọng vào việc phát triển toàn diện và đồng đều hơn ở các vùng miền, nơi người lao động địa phương có thể tìm việc làm và chăm sóc con cái và gia đình mà không cần xa nhà nữa
Vấn đề này vẫn đang chỉ dừng lại ở mức độ mục tiêu của Bắc Kinh, sẽ cần một khoảng thời gian dài nữa để nó trở thành sự thực.
Chiến lược phát triển kinh tế của TQ vẫn đang theo kiểu vệt dầu loang, và chính phủ TQ ước tính: cần ít nhất 10 năm nữa để có thể tiến hành chính sách phát triển kinh tế đồng đều hơn ở các địa phương.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trong khi người lao động Việt nam đang rất thiếu việc làm, bạn có vui không khi đọc tin này?

Hơn một “sư đoàn” lao động Trung Quốc sắp đến Hà Tĩnh?

Duy Tuấn

MTG - Hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án Formosa trong khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã xin phép được tuyển gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án. Trong đó đến 90% mang quốc tịch Trung Quốc.
Vietnamnet ngày 25.8 dẫn nguồn tin từ ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa và các nhà thầu đã trình hồ sơ, xin tỉnh chấp thuận số lượng hơn 10.000 lao động nước ngoài (khoảng 90% là Trung Quốc) đến làm việc tại Formosa.

Liên tiếp 2 tháng 6 - 7.2014, tại Khu kinh tế Vũng Áng, đã có hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án Formosa xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án.
Đại đa số các nhà thầu xin tuyển lao động nước ngoài đợt này đến từ Trung Quốc. Một nguồn tin cho biết, trên 90% trong tổng số gần 11.000 lao động tuyển dụng mới mang quốc tịch Trung Quốc.
Sau khi các nhà thầu trình văn bản, hồ sơ lao động, ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng lao động tại các gói thầu, về cơ bản UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý các gói thầu được tuyển người nước ngoài.
Đáng chú ý là văn bản số 1407114 ngày 29.7 của Công ty Formosa gửi UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận để các nhà thầu của FHS (hoặc nhà thầu phụ) tuyển dụng lao động nước ngoài, thực hiện các hạng mục công trình.
Tổng có 28 nhà thầu (25 Trung Quốc, 3 nhà thầu Việt Nam) tuyển dụng 8.426 lao động nước ngoài để thực hiện các hạng mục lò cao số 1, số 2 và các công trình dự án cảng Sơn Dương.
Sau khi xem xét báo cáo của BQL KKT, UBND tỉnh đã có văn bản số 3400 ngày 8.8, chấp thuận cho 11/28 nhà thầu, sử dụng 2.063 lao động nước ngoài. Đây là những nhà thầu đã đầy đủ hồ sơ, trình phương án sử dụng lao động.
Thông tin mới nhất có được, ban quản lý khu kinh tế cũng mới có văn bản tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho phép 9 gói thầu tiếp theo được tuyển dụng bổ sung 2.976 lao động nước ngoài để phục vụ các dự án. Hiện còn 8 gói thầu chưa bổ sung hồ sơ.
Một lãnh đạo ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, sở dĩ đợt này có số lượng lớn là vì các gói thầu đang trong giai đoạn gấp rút thi công, vả lại sau sự việc ngày 14.5, nhiều lao động về nước và một số gói thầu bị ảnh hưởng.
Trong số hơn 1 vạn lao động nước ngoài sắp tới, có khoảng 6.000-7.000 sẽ ở trong khu vực dự án Formosa, số còn lại sẽ ở tại các điểm tập trung bên ngoài dự án.
Tại cuộc họp giữa Formosa và các nhà chức trách Hà Tĩnh giữa tháng 7, các bên cũng đã nhận định, công tác quản lí lao động tại Dự án Formosa còn bộc lộ nhiều tồn tại, thể hiện rõ nhất là khi xảy ra vụ việc ngày 14.5.
“Lúc đó hầu như cả Cty Formosa cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đều không kiểm soát được tình hình lao động. Số liệu về lao động theo báo cáo và thực tế trên công trường hết sức bất cập, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp chưa hình thành, nhất là tổ chức công đoàn chưa thành lập để cùng phối hợp quản lí người lao động”, văn bản có đoạn.
Sau nhiều nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh, tình hình an ninh, trật tự đã được ổn định. Tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều giải pháp, buộc Formosa và các nhà quản lý cần chặt chẽ hơn trong việc quản lý, cấp phép lao động nước ngoài.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang