Vương Trí Nhàn
Trong hai năm qua, tôi đã trình ra với bạn đọc những trang ghi chép về đời sống văn nghệ 1987 - 1989. các bạn có thể tìm lạitrên blog này
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/09/buoc-re-ngoat-cua-oi-moi-van-nghe-hai_22.html
Dưới đây tôi chỉ mạn phép giới thiệu lại những trang ghi chép 1989, có liên quan đến Đại hội nhà văn VN lần thứ tư.
Đời sống văn nghệ thì phức tạp bản thân tôi chỉ nghe được một ít chuyện, từ nghe đến ghi còn nhiều rơi vãi.
Mặc dù vậy, tôi cứ trình ra ở đây với hy vọng là thúc đẩy một tinh thần hồi cố thật tỉ mỉ thật rộng rãi. Xét ở góc độ lịch sử, những người cầm bút thế hệ tôi trở về trước còn nợ các bạn trẻ hôm nay rất nhiều, chúng ta cần phải trở đi trở lại với quá khứ thì mới giúp nhau có được cái nhìn sáng rõ về các sự kiện trước mắt.
20/1
Ph, một nghiên cứu sinh ở “Đôm 5” bảo báo Văn nghệ sở dĩ bây giờ vẫn còn đọc được, đó là do sự mở ra của Nguyên Ngọc. Nên việc cách chức ông ta vẫn đánh mạnh vào xu thế dân chủ.
Ph. vẫn không thích những người hăng hái hôm qua, bây giờ lập tức cộng tác với báo Văn nghệ .
Ví dụ ngay lúc này Nguyễn Đăng Mạnh đã cho in ngay bài về Xuân Diệu là không nên.
Cố nhiên, vẫn Ph. nói, báo Văn nghệ cũng còn đọc được. Có ông Duật làm báo, thì nó mềm mại hơn ông Phạm Đình Ân hồi trước. Nhưng đúng là phần phê bình đang trở lại tình hình vớ vẩn, cũ kỹ, bài ông Trần Bạch Đằng, ông Mai Liên chẳng hạn.
Báo Văn nghệ chán đi nhiều. Nhất là phần phê bình. Nhưng bài báo của Lê Đình Kỵ Trần Thanh Đạm không ra sao. Phạm Tiến Duật khống chế hậu trường.
Vậy mà Ban phụ trách mới vẫn có bài tự khen, tuyên bố báo vẫn chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc.
Nghe nói một tờ báo Sài Gòn điểm lại tình hình năm vừa qua, kể rằng đây là năm một số người sống, một số người chết; và có một người dở sống dở chết, đó là Nguyên Ngọc.
Nguyễn Khải, hai năm qua (từ Cái thời lãng mạn), không viết được gì. Lại chưa bao giờ bị chửi bới như lúc này.
Cuộc sống ở trong dạng cũ. Người nọ trị người kia. Cánh bảo thủ thắng cánh muốn thay đổi.
Nhiều người ra sức bảo vệ ngày hôm qua, vì cho rằng văn học là chuyện riêng của họ, không ai được ngó tới.
Nguyễn Duy kêu lên: ối nước Nga ơi!
Nhân đây nghĩ về đổi mới ở Việt Nam và ở Liên xô. Bên kia còn có những trí thức nổi lên, và người ta nghĩ đến các tầng lớp trí thức như một chỗ dựa chắc chắn. Còn ở Việt Nam, chưa có báo chí, và cũng chưa có trí thức.
22/2
Có những nỗi buồn cao đẹp, và những niềm vui đê tiện -- Ph. nhắc lại một câu của Nguyễn Đình Thi. Những người như Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên, Anh Đức và Đào Vũ, Phan Cự Đệ và Hà Xuân Trường, Bằng Việt và Trần Ninh Hồ, Phạm Tiến Duật và Đỗ Chu… đang có những niềm vui của họ. Loại niềm vui nào? Biết trông đợi vào cái gì bây giờ? Trông đợi có thể hóa giải ở họ chăng, không được.
11/3
Ông Linh răn đe báo chí, nói là đang có việc lợi dụng báo chí để chống lại chủ nghĩa xã hội.
3/4
Bằng Việt ném ra một câu khinh bạc, ỡm ờ “Bây giờ chỉ ông Ngọc muốn đại hội thôi chứ chả ai thiết cả”.
Nguyễn Đình Thi khinh người lắm, mới lấy Bùi Bình Thi làm thư ký toà soạn cho tờ Tác phẩm văn học.
15/4
Đọc một bài của Bùi Hiển thấy ông già lẩm cẩm quá. Ngay đến bài của Đỗ Văn Khang cũng khen. Trong bài, nhiều câu sai ngữ pháp, nhiều chữ vốn là dành riêng cho chính trị, và khi cần định nghĩa về nghịch lý, thì định nghĩa cũng sai. Khi người ta phải viết những điều người ta không tin thì sinh ra thế chăng.
1/5
Trong Giấc mộng đêm xuân của Mai Ngữ một khao khát chân thành như khao khát đổi mới bị mang ra xỉ vả, bôi nhọ. Tôi nghĩ đến tâm lý của Mai Ngữ. Có lẽ là vì lão tiếc đời. Đời lão cũng khôn ngoan thế, mà vẫn chẳng nên cơm nên cháo gì, vẫn bị xã hội này cầm tù và làm hỏng, cho nên bây giờ lão tiếc, lão cay cú, lão muốn cho thối mãi đi, thối nữa đi, không ai ngóc đầu lên được.
Có thể có một lý do nữa là sau mấy chục năm đi với cách mạng, ở Mai Ngữ cũng lây lan cái cách nhìn của cách mạng hiện nay, vẫn có một chút tuyên huấn trong người cho nên, khi thấy cái đó là có lợi cho mình, thì con người cán bộ ấy lại xuất hiện.
Sau hết, chắc chắn, ở Mai Ngữ, con người cơ hội vẫn còn, nên được dịp xổ ra. Đây đúng là một dịp tái sinh, một dịp cựa quậy cuối cùng, và sự thật là con người ta bản chất như thế nào thì cái lần cháy lên cuối cùng này hiện ra thành người như vậy.
Trong một bài chân dung văn học đăng ở VNQĐ, tôi đã từng nói tới khuôn mặt không hề thay đổi của Mai Ngữ. Thời gian không làm cho khuôn mặt ấy già đi nhưng quả thật, nó đã già đã hỏng từ đầu, không thể hỏng hơn.
18/5
Định xin phép sứ quán về Hà Nội dự Đại Hội nhà văn, rồi lại không xin nữa. Lúc đau quá, tôi nghĩ cái Hội nhà văn ấy, bây giờ gợi ra hình ảnh một đống đổ nát, ở đó, có những thứ người ta đáng còn dùng được mà đã vứt đi, và toàn bộ thì không ra hình thù gì nữa.
Đọc thư Nguyễn Khải gửi Ban chấp hành Hội nhà văn càng thấy như vậy. Khải nhìn mọi vấn đề chung từ góc độ quyền lợi riêng. Cái chất quan chức nó thấm vào tận xương tủy. Nũng nịu, điệu bộ đòi người khác phải đặc cách kính trọng mình, khỏi để mình bị tai vạ.
Khải không phải người sáng suốt, đến nay nhận định của Khải về Nhân văn Giai phẩm vẫn là hàm hồ. Và nhiều sự kiện lịch sử từ trước tới nay vẫn được Khải nhìn nhận dưới con mắt giai cấp. Có lẽ không bao giờ Nguyễn Khải trở nên một nhà văn có con mắt nhân bản chăng?
... Hình như xã hội đã làm hỏng các nhà văn, không chừa ai cả, và không một nhà văn nào hiểu cái cơ chế này đã nhào nặn họ như thế nào.
Có một số cây bút mới được kết nạp vào Hội. Người được kết nạp cố nhiên là ủng hộ, cái sự ngăn chặn đổi mới mà họ vu cho là đổ máu rồi. Khái niệm nhà văn trở nên rẻ rúng. Không bao giờ lại hình dung những người như mấy ông như X. Y .Z. cũng là nhà văn.
Dương Thu Hương đưa ra một nhận định khái quát (trong một lá thư gửi một cậu Đặng Việt Bảo nào đó):
- Đa số anh em ở nhà đều hoang mang
- Mong rằng thế hệ sau sẽ khá hơn thế hệ này.
Nghe tin Đại hội mỹ thuật mất một ngày bầu chủ tịch đoàn. Chỉ bầu được có 4 ủy viên chấp hành. Quân mất chức đâu chỉ vì cái câu chó cứ sủa đoàn người cứ tiến (ý muốn nói giữ nguyên cách điều khiển Hội như cũ ). Sau khi họp xong, Quân đi viện.
1/7
Thanh Quế kể (Trần Đình Nam thuật lại):
-- Ở Hà Nội bây giờ đến Hội Nhà văn, thằng nào cũng sẵn sàng mời mình chén trà, chén cà phê, để nói xấu những thằng khác.
-- Làm báo như Hoàng Minh Châu thực khổ. Cái gì thằng Thỉnh nó cũng có ý kiến. Nó là Phái viên của Ban chấp hành cơ mà. Ông Thi đã khéo chọn được người của mình. Ấy, nó chỉ đạo mọi thứ thế, nhưng ký thì Hoàng Minh Châu phải ký, tức phải chịu trách nhiệm.
Cả ông Thi, ông Chính Hữu phải lo làm báo. Chỉ có tờ báo là chỗ tranh luận. Duật, Hồ đang là 2 con ngựa khỏe. Đâu NgĐThi định đưa Duật lên làm Phó tổng biên tập, nhưng Hồ phản đối. Bên Tác phẩm văn học, Bùi Bình Thi cũng có thể lên phó tổng biên tập nữa.
Cảm tưởng của tôi về xã hội, về văn học: một cái gì yếu ớt, nhạt nhẽo, mà bên ngoài dơ dáy, nhếch nhác.
Người nói lên tiếng nói cộng đồng trong lúc này là ai? Là Nguyễn Huy Thiệp, một thứ con hoang, dị dạng. Nhưng còn là chính lão Đỗ Văn Khang, bạ cái gì cũng dở giọng bàn góp lý sự cùn, nói lấy được. Văn học là ông Khải muốn thay đổi mà lại muốn giữ nguyên các giá trị như ngày hôm qua. Là ông Lê Lựu viết những quyển sách rất hay, bằng thứ văn rất dở, như cho người ta ăn thứ cơm tám thơm đầy sạn, mà bát đũa thì nhơ nhớp.
12/8
Tôi đọc một vài bài tiểu luận về tình hình văn học gần đây, và thử hình dung ra khuôn mặt một số người.
- Vũ Tú Nam, một thứ chủ nghĩa bảo thủ dịu dàng, chừng mực, nhưng bảo thủ tận trong xương tủy. Ta đã XHCN sẵn rồi, chỉ cần thêm XHCN chút nữa mà thôi. Ta kết hợp cả hôm qua và hôm nay. Ta có nhân dân, có đất nước. Làm như ông, chỉ đẻ ra một nền văn chương nhạt nhẽo.
- Ngô Văn Phú với bài Sự nghiệp văn chương trên báo Nhân Dân rõ ra vẻ một ông nông dân, luôn luôn tự hào, ta chẳng đổi thay gì, xưa nay, ta vẫn là ta, chớ có suy nghĩ gì, làm là được. Chúng tôi là những người lao động, tôi nắm chân lý. Một thứ hãnh tiến của một đầu óc cấp huyện!
- Nguyễn Kiên, có vẻ nhìn xa hơn một chút và hiểu rằng , có những cái mới, nhưng cũng không đủ sức thay đổi.
- Ma Văn Kháng, trải đời rồi, hết hy vọng rồi, chỉ còn tin vào chính mình. Và một câu thầm reo trong lòng rồi hoàn cảnh nào, ta cũng sống được.
Hà Nội cuối 1989
16/10
Chuẩn bị đại hội. Còn có việc gì quan trọng hơn thế nữa , lúc này?
LN Ân không biết lấy ở đâu ra một danh sách.
Những người không nên đưa vào ban thư ký (Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm);
những người không nên đưa vào ban chấp hành mới (Nguyễn Kiên, Giang Nam....);
những người nên đưa vào, họ lại đều là Ban chấp hành cũ ( PCĐệ, Xuân Trường.,..)
Trần Đăng Khoa, từ lúc ở Moskva, đã kể với tôi về 3 loại người không được đưa vào Ban chấp hành: loại phủ nhận, loại công nhận có 2 thứ bá quyền, loại gây mất đoàn kết.
Ai đã đưa ra những tin đồn này? Có khi là cấp trên không biết chừng.
17/10
Thay đổi lớn nhất ở Hà Nội mà ở Moskva tôi không biết — đã có một Nghị quyết mới về Văn nghệ lật ngược tình thế. Gọi là Nghị quyết 7.
Chiến tuyến tập trung cả ở báo Văn Nghệ.
Báo đăng bài tường thuật cuộc họp mặt ở Sài Gòn trước đây ít ngày, nhằm tuyên truyền cho Đại Hội theo hướng BCH hiện nay. Bàì viết đơn giản hơn nhiều so với thực tế. Nghe nói Triều Dương được giao sứ mệnh vào tổ chức.
Nguyễn Duy là chi nhánh trưởng của báo ở Sài Gòn, nhưng không được biết gì cả. Bọn Nguyễn Quang Sáng, Lý Văn Sâm, Vũ Hạnh, Sơn Nam không dự (được giới thiệu là bận công tác không đến được).
Nghe Trần Hữu Tá viết thư ra cho Ng Đ Mạnh nói rằng người ta, -- những người đứng đắn ở trong đó, dân Sài Gòn cũ, - cũng thấy kinh hãi về các trí thức xã hội chủ nghĩa, M Liên, Tr Th Đạm v.v..
Lê Trí Viễn gọi đó là văn chương chỉ điểm. “ Đội hành quyết” thì gồm có Anh Đức, Phạm Tường Hạnh v.v..
Lúc đó Nguyễn Khải đang ở Sài Gòn. Trong buổi họp đó, Khải dự nửa chừng rồi bỏ về.
Nhưng báo Văn nghệ số 40, đăng một bài phát biểu của Nguyễn Khải, có mấy ý quan trọng:
--mọi tội là của lãnh đạo (Nh: ý nói ông Trần Độ).
--Văn học không thể làm mất lòng tin của con người. Đổi mới phải từ từ.
-- Nhà văn không ai bị thiệt trong đổi mới, nên có ai bảo thủ đâu... Không nên chê các bậc đàn anh. Các anh ấy đã rất vất vả trong việc xây dựng Hội. Có ai được hưởng quyền lợi gì lắm. Cho nên đừng có tấn công họ.
Ai có thể tưởng tượng đến lúc này, Nguyễn Khải còn nói như vậy.
Hôm nay thấy Nguyễn Khải đang đi xe đạp trên đường Lý Nam Đế, dáng béo phị, khệnh khạng, tôi cúi mặt không dám chào ông nữa. Có cảm tưởng là mất thật rồi, cái con người mà mình xưa nay kính trọng, yêu mến, đôi khi thần tượng hóa nữa. Nay thì tình yêu đó đã hết, tôi chẳng còn gì để nói với Nguyễn Khải nữa, ngoài sự chán ngán mà tôi phải giấu kín không thể hiện.
Võ Văn Trực sang nhà tôi chơi, kể chuyện. Chán báo Văn Nghệ lắm. Bọn Duật thao túng tờ báo, số nào Duật cũng có bài. Vì Duật lại phụ trách phần lý luận và thời sự, tức là điểm mũi nhọn của báo (ở Moskva, Nguyễn Kiên kể rằng bây giờ, bị người ta ghét nhất, có lẽ là Phạm Tiến Duật).
Một lần Duật làm một trò rất nhọ. Họp công tác viên, để “quán triệt Nghị quyết 7”. Mời đâu 30, mà chỉ có 13 người đi; toà soạn phải huy động ngồi vào đấy cho đủ chỗ. Lần sau, mời 20, đi có 4, rồi xuống nhà thấy có 2 người nữa là 6.
Chả mấy ai nói chuyện gì tử tế cả.
Nhưng cũng có người như Phong Lê, rất căng. Các anh đừng có áp đặt chúng tôi về người nọ người kia...
Nguyễn Đăng Mạnh bảo vào tai tôi, Phong Lê còn đang múa máy đấy thôi. Nhưng trên cho người của nó đến, nó bảo mấy câu là lại co vòi ngay.
Có một bài viết giọng chỉ đạo ký Tr P Lộc .Tôi hỏi Võ Văn Trực, Tr PLộc là ai ? Trực bảo không biết. Cả báo Văn nghệ chỉ có ba người biết là Hữu Thỉnh, Hoàng Minh Châu và Duật. Và 3 người đó giữ được bí mật.
Trực kêu không hiểu sao ông Thi ông ấy lại đi dùng những Duật, Bùi Bình Thi.
Ân nói về bài Khải (Văn nghệ số 41), không hiểu sao, Khải bây giờ còn cần gì nữa, mà vẫn muốn lấy lòng bọn Nguyễn Đình Thi. Tôi nghĩ Khải là vậy, phù thịnh, ai lên thì theo. Vì biết rằng phe của Thi sẽ toàn thắng, nên chịu thua ngay từ bây giờ là xong.
Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét về Thi.
-- Về học vấn, kiến thức, có thể chê điều nọ điều kia. Chứ về ứng xử trong chính trị thì tuyệt. Với văn nghệ, đó là một đao phủ thủ có bàn tay nhung.
Đại hội nhà báo, bầu ra một ban thư ký mới, trong đó có Kim Hạnh. Cô Hà thư viện bảo, Hội nhà văn nghe tin này chẳng thú vị gì. Đến cả ông Phạm Hổ cũng khó chịu.
22/10
Hình như thực chất của Đại hội là cấp trên thì muốn xiết văn nghệ lại và ở dưới thì bên cạnh một bọn hoan hô việc riết lại đó để kiếm chác, một bọn muốn tiếp tục giẫy ra như năm ngoái năm kia.
Nhưng cấp trên là ai ?
Nghe dân Văn nghệ quân đội kể, trong cuộc họp về Nghị quyết 7, ông Nguyễn Nam Khánh chửi bới Nguyễn Khắc Viện ghê gớm. Đó là con một viên thượng thư từng đàn áp Xô viết Nghệ Tĩnh đã sang học bên Pháp, nay lại trở về, dạy không chúng ta về Xã hội chủ nghĩa.
(Nói chung, các nhà lãnh đạo cỡ này, giọng lưỡi có khác nhau mấy tý).
Nhưng ông Nam Khánh chẳng qua nói lại lời ông Linh.
Lại nhớ cái lần ông Khải bảo chúng ta có một ông Tổng bí thư tuyệt với, một Tổng bí thư không nói chuyện cao siêu mà toàn bàn chuyện cụ thể.
Lại nhớ cái lần Ân viết ngay trong thư riêng (tức là những ý nghĩ tự nguyện của Ân) Văn nghệ đang đi ngược lại tinh thần Nghị quyết Đại hội VI...
Chúng ta chưa hiểu cấp trên, cái đó một phần. Nhưng đáng sợ là cấp trên hay thay đổi.
Nguyễn Đăng Mạnh diễn tả khá hay về chuyện này:
- Lúc đầu mình tưởng bản chất của chủ nghĩa xã hội là dân chủ, và làm như vừa rồi là sai, nên mới đề nghị thay đổi. Còn nay, thì đã hiểu. Bản chất của chủ nghĩa xã hội là mất dân chủ rồi, còn gì phải nói nữa.
Nhưng bên chính trị cũng có những chuyện phức tạp của nó. Có một nhân vật mới nổi là Trần Xuân Bách. Trước kia chửi NVL (Đổi mới là gì, là NVL cộng với mười nhà báo), nay lại cười giễu việc Việt Nam lo lắng về Ba Lan. Và cho rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có 2 khả năng, một là mở rộng dân chủ như Đông Âu, hai là đàn áp như Trung Quốc. Nghe nói bên trên có một cánh muốn đi với Mỹ, một cánh muốn kiên trì kiểu cũ, hai bên xung đột với nhau.
Thế thì còn biết đằng mù nào mà lần!
Trở lại chuyện Đại hội. Phe Nguyễn Đình Thi làm việc ráo riết. Mai Liên ở Sài Gòn ra bảo đã chuẩn bị rồi, loại như Ngô Thảo mà lên diễn đàn, thì sẽ có ai đáp lại.
Ân đưa tin là không biết chừng, Xuân Trường lại muốn làm Tổng thư ký hội, và trên lại sẵn sàng giới thiệu (cũng như Hồng Chương cuối đời về làm báo. H X Trường đã 66 rồi, còn việc gì sang trọng hơn về nắm Hội nữa).
Rồi Ân kể rằng nghe tin này, Ma Văn Kháng bảo không thể thế được, phải xáp vô.
28/10
Chuẩn bị Đại hội Nhà văn, ngày 23 và 24 học Nghị quyết.
Ngày 25 và nửa ngày 26 nghe ông Hai Tân nói chuyện. Thấy mừng vì Trưởng ban mới không ra mặt áp đặt lắm. Ông kể là ta không muốn mà phải rút quân Campuchia. Vậy Đảng ta sẽ chấp nhận mọi diễn biến thực tế.
Bắt đầu có những ý kiến đề xuất việc này việc nọ. Cao Tiến Lê đề nghị Ban chấp hành có kiểm điểm. Trần Mạnh Hảo than thở, thân phận văn nghệ bị nghi ngờ quá. Thùy Mai đọc thư đề nghị xét lại trường hợp Bùi Minh Quốc.
Ngày 26, thảo luận quy chế đại hội, bầu chủ tịch đoàn. Tô Hoài lai rai, đòi ở chủ tịch đoàn bị Phan Hồng Giang tố cáo là sắp đi Le Caire, đừng có đòi chủ tịch đoàn nữa.
Gạt được Tô Hoài, Phan Tứ đưa được Lê Minh, Ý Nhi, Cao Tiến Lê vào (một chỗ của Lê Giang).
Bắt đầu những chất vấn ở đại hội. Phạm Tường Hạnh chất vấn Sông Hương, Tô Nhuận Vỹ trả lời v.v..
Thái Bá Lợi chất vấn báo Văn Nghệ Trần Phú Lộc là ai, là Trần Trọng Tân hay sao v.v..
Ngày 27, bắt đầu đề cử người vào chấp hành. Sau đó cãi nhau tiếp. Nhiều người bênh Bùi Minh Quốc.
Sự kiện quan trọng buổi chiều 27: đọc thư của Trần Độ, đánh giá công tác của ban Văn hoá văn nghệ tham gia vừa qua.
Đại ý sau Đại hội 6, tôi (Trần Độ ) đã mang suy nghĩ nhiều về Văn hoá, thấy văn hoá là quan trọng đã suy nghĩ về trí thức, chắc rõ ta có trí thức tốt, phải giúp họ phát huy sức mạnh giúp Đảng đưa xã hội tiến lên.Thấy rõ ngoài phần chung của Đảng, của nhà nước, có phần riêng của mỗi người. Lãnh đạo chỉ nên định hướng rộng, và để nhân dân tự do chọn món ăn.
Trần Độ tự nhận mình là nông dân là tiểu trí thức nông thôn, phải học hỏi thêm. Trong thái độ với trí thức, mình có lúc có thô bạo, nhưng tấm lòng thì vẫn là kính trọng.
... Lá thư 21 trang của Trần Độ được Nguyễn Văn Hạnh đọc rất đĩnh đạc. Nhiều đoạn vỗ tay. Và sau cùng, vỗ tay kéo dài. Tôi nói với Nguyễn Đăng Mạnh, ông Độ có tư tưởng độc lập, tuy vẫn là người cộng sản chân thành.
(Trần Độ có nói “những ý tưởng của tôi còn đang là thiểu số nhưng ta sẽ chiến thắng”).
Mạnh bảo ông Độ chịu đọc lắm nên đáng trọng lắm.
Sau khi đọc lá thư, Nguyễn Văn Hạnh bốc lên, nói rằng mình chia sẻ với mọi tư tưởng của Trần Độ. Rằng những ý tưởng của Trần Độ cần được suy nghĩ. Nguyễn Văn Hạnh tỏ ý tin tưởng ở đổi mới, ở đại hội nhà văn lần này. Ông còn nói qua mấy ngày chuẩn bị đại hội, thấy rất đáng mừng. Đây là sự thức tỉnh của lương tri dân tộc.
Gặp nhau sáng 26, 27, nhiều người đã rất mừng, rõ ràng đại hội kỳ này dân chủ phe cấp tiến thăng phe bảo thủ.Thanh Thảo bảo quân ta đã đến Phan Rang rồi. Phải cẩn thận, nhưng nghe đâu, phe địch đã được lệnh tuỳ nghi di tản.
Tối 26, có buổi nói chuyện về Nguyễn Huy Thiệp ở Thư viện Hà Nội. Phe cấp tiến nhiều nhà văn tới dự. Ý Nhi loan báo đại hội rất đáng mừng, rằng chúng tôi sẽ tính lại chuyện anh Nguyên Ngọc, chuyện Bùi Minh Quốc v.v..
...Nhưng đến sáng 28/10, đúng ngày Đại Hội khai mạc thì tình hình lại ra chiều ngược lại.
Đầu tiên là nghe nói đêm hôm trước có buổi hợp Ban bí thư với các đảng viên trong chủ tịch đoàn + các đảng viên trong Ban chấp hành khoá cũ.
Đến trưa thì nghe Hữu Thỉnh nói là sẽ có Hội nghị Đảng viên vào ngày
29/10.
[4/11]
Thì ra tình hình thế này:
Từ mấy hôm trước, bọn Duật, Đỗ Chu, Đào Vũ... đã lên trên kêu là Đại hội hỏng rồi.
Ban bí thư gặp Ban chấp hành và Chủ tịch Đoàn (chỉ ai là Đảng viên), ở đó mẹ Tú và mẹ Thường kêu la đủ chuyện.
Thậm chí ông Tân (đúng không?) phê phán Nguyễn Khoa Điềm. Tại sao ở Hội nghị Ban chấp hành đã đồng ý theo thể thức Đại hội bầu ban chấp hành, rồi chấp hành bầu Tổng thư ký, đến Đại hội này lại theo ý kiến anh em,bầu Tổng thư ký trực tiếp.
Nguyễn Văn Bổng, Nguyên Ngọc phải bênh, không, ra hội nghị thấy anh em nói có lý, nên mới làm như vậy.
Nhưng điều quan trọng nhất, là lá thư ông Độ đã truyền bá một quan niệm khác quan niệm của Nghị quyết 7, cho nên các ông rất không bằng lòng.
Trong số những người đến dự khai mạc, có ông Sáu Thọ. Nghe nói ông quát hỏi Nguyễn Văn Hạnh.
“Tại sao anh đọc thư Trần Độ”
“ Có nhiều người đề nghị......”
“Tại sao lại bầu Tổng thư ký trực tiếp”
“ Anh nên tin ở anh em”.
Hội nghị đảng viên sáng 29/10 là để đối phó lại với lá thư ông Trần Độ là chính. Ông ĐDTùng phân tích là lá thư đó đã hình thành ra sao, ông Độ chỗ nào được, chỗ nào chưa được v.v..
Giá kể hồi trước, có cáo già Tố Hữu thì tình hình đã quay ngoắt lại ngay. Nhưng nay là các ông chính trị chay, nên họ cũng e dè hơn. Họ chỉ sợ giới nhà văn nghe ông Độ hơn nghe các đại diện chính thức của Đảng.
Trên nói ra miệng là không áp đặt gì. Những người thuộc giới văn nghệ phát biểu cũng không muốn trên áp đặt.
Huy Phương nói rằng mất đoàn kết là ở Ban chấp hành cũ. Là do bộ máy lãnh đạo cũ tha hoá, trở thành trung gian không đáng tin cậy.
Phong Lê – người xưa nay vốn rất cứng -- lại lên tiếng tố cáo bài viết của Anh Đức trên báo Nhân Dân và một số bài của những người khác, trên báo Văn Nghệ, là có ác ý, báo động giả.
Nông Quốc Chấn thì cho là...không bình thường và hình như Đại hội được tiến hành để tấn công Ban Chấp hành cũ.
Nguyễn Đình Thi muốn đẩy quả bóng lên trên, xin Ban Bí thư có gợi ý. Ông bảo nói như anh Hạnh là không được, phải nói toàn diện, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thức tỉnh.
Ông Bổng xin lên phát biểu cuối cùng. Ông bảo Đảng có thể yên tâm vì đây là anh em chiến đấu về cả. Đảng hay nói anh em là tốt, nhưng đừng bao giờ để anh em lại hiểu rằng nói vậy thôi, còn bên trong, Đảng vẫn nghĩ khác.
Không, anh em tốt thật, nếu anh em có chút băn khoăn về Chủ nghĩa xã hội băn khoăn về Đảng, thì đấy cũng là chuyện bình thường.
Hình như các đồng chí quá lo về chuyện bầu Tổng thư ký. Nhưng Tổng thư ký bầu ra có sai nữa, thì còn có chi bộ Hội nhà văn, còn có Đảng bộ, còn có khối Tư Tưởng Văn hóa, còn có Thành uỷ, còn có Ban chấp hành TW… Có gì mà các đồng chí phải ngại.
Ông Bổng nói rất hay và anh em hoan nghênh.
Sau đó, Đại hội lại diễn ra bình thường.
Kể từ ngày trù bị, cho tới ngày Đại hội, có thể chia làm 2 phái. Phái diều hâu, mà hàng đầu là Anh Đức, Phạm Tường Hạnh, MQLiên, và số đông anh em VNQĐ, được Nguyễn Đình Thi ủng hộ. Lập luận của họ là vừa rồi ta đã sai, đã làm bậy nhiều. Phải trở về với Nghị quyết 7 ngay lập tức. “Đấy là cái đang cần cho chúng ta”.
Phạm Tường Hạnh chửi Trần Độ, tố cáo Sông Hương (bảo là Sông Hương không có bài về Sinh nhật HCT, về Chế Lan Viên...)
Một chi tiết bất ngờ. Người ta nói rằng nhờ có Phạm Tường Hạnh khiêu khích thế mà bức thư ông Độ mới được công bố.
Mai Ngữ hiện ra thật kinh khủng. Ông ta vào chuyện: Người ta nói tới chuyện vụ án. Tôi biết có những vụ án kinh khủng hơn.
Năm 76, Hội đang hoạt động bình thường tự nhiên lập ra Đảng Đoàn, với ông bí thư hách dịch chỉ thích đi nước ngoài. Từ đó, Tổng thư ký cũ chỉ còn là cái bóng thui thủi...
Rồi đến vụ báo Văn Nghệ, vẫn con ngựa ấy với người đánh xe ấy. (Trần Độ và Nguyên Ngọc).
Rồi những ngày vừa rồi. Ban Văn hóa văn nghệ tập hợp tuy - ô của mình, đi gặp đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ban văn hoá văn nghệ đưa ra Ban trù bị, định vô hiệu hoá Ban chấp hành cũ.
Nhưng tất cả lại đầy tội lỗi, lại tan nát.
Nghe anh em nói, lúc Mai Ngữ đọc, đã có nhiều tiếng ở dưới hội trường vọng lên: Đồ chỉ điểm...Đồ chống Đảng. Đọc xong ông ta đờ đẫn đứng bên cạnh mi - crô, không biết đi về đâu. Nghe tiếng hét của mọi người, mặt mũi ông ta xám ngoét đi. Ai đó nói rằng bấy giờ ông ta giống như một tên chiêu hồi, sau khi khai báo xong, tự nhiên sinh ra sợ hãi thất thần.
Nguyễn Văn Bổng bình luận: Ai nói những điều xấu xa thì tự người đó xấu thôi.
Sự phản công lại của phái nghịch cũng không lấy gì làm đẹp lắm. Thu Bồn, Nguyễn Duy nói dông dài không vào vấn đề. Dương Thu Hương quá cảm động (hay bản chất Hương là vậy), nên nói không hay. Và chẳng những vậy, vấn đề Hương bàn cũng quá rộng không thích hợp với không khí đang giằng co nhau.
Có nhiều sự ngẫu nhiên. Hoàng Quốc Hải nói gãy gọn về một số yêu cầu pháp luật. Mã A Lềnh đề nghị biểu quyết về quyết nghị của Ban chấp hành cũ.
Có lúc tôi nghĩ thật tự hào về anh em mình.
Nhưng đấy là những khi nghe phát biểu.
Đến lúc đi vào công tác tổ chức thì các lực lượng cấp tiến rời rã thất bại.
Nghị quyết cũ về Báo Văn nghệ không bị bác, người ta đã mệt không ai muốn tranh cãi nữa.
Bầu cử.
Ngay từ đầu, Hữu Thỉnh đã trúng số phiếu cao (dù rất nhiều ý kiến phê phán báo Văn nghệ và Thỉnh ngậm miệng ăn tiền, nhất định không thò ra nhận lỗi).
Ông Chính Hữu bảo rút không rút.
Nhất là Nguyễn Khải lì lợm, đợi đến vòng 2 cũng đợi, không chịu rút. Ai đó bảo mồm Nguyễn Khải bây giờ như đít vịt ấy mà...
Sở dĩ vậy, vì Nguyễn Khải mấy lần nói với chung quanh là nhất định phen này lão sẽ rút.
Cuộc đời có gì phiền muộn hơn mình nghĩ. Cuộc đời có gì thật vớ vẩn. Mà cũng đúng thôi! Lúc đổi mới là như vậy.
Rút cục, ai muốn cái gì được cái ấy.
Phe cũ được quyền lực.
Phe mới được nói.
Sau đại hội, nhiều người vẫn có thể ngẩng mặt lên mà chửi bọn cơ hội, thế là được lắm rồi. Họ đâu biết rằng ngày mai sẽ khác.
11/11
Đến cơ quan, nghe được một vài mẩu chuyện người ta nói chung quanh Đại Hội mà mình không biết.
Vũ Bảo nhớ lại Đại hội 1983 thật là mất dân chủ. Chúng tôi muốn họp đại hội toàn thể. Anh Hoàng Tùng mắng chúng tôi nhà văn không thể nói ngược. Tôi đáp lại không, chúng tôi nói xuôi, viết xuôi. Chúng tôi không phải là người ca Liên Xô rồi chửi Liên Xô, ca Trung Quốc rồi lại chửi Trung Quốc...May mà Đại hội này đã khác.
Cuộc đổi mới, bắt đầu từ lúc bầu Chủ tịch Đoàn. Cao Tiến Lê bảo nếu có thời gian có thể viết được quyển sách 200 trang về Chủ tịch Đoàn. Mụ Lê Minh và mụ Ý Nhi cái gì cũng có ý kiến, cái gì không thích thì bỏ ra, nghe được thằng nào xui mấy câu, lại vào lại đòi. Lê Minh dám gọi mấy ông Trung Ương là thằng, còn sợ ai nữa.
Ý Nhi kể, lúc bàn để thông qua Nghị quyết về việc mỗi ứng viên ban chấp hành chỉ được 2 khoá, Nguyễn Đình Thi bảo:
-- Nhỡ có những nhà văn làm vinh dự cho uy tín dân tộc
Ý Nhi :
-- Không, hãy ra cái đã. Bây giờ chưa có nhà văn loại đó đâu, mà chỉ có những nhà văn làm ô nhục cho uy tín dân tộc thôi.
Ông Thi im.
Lại như khi bàn về bản tuyên bố cuối cùng của Đại hội, trong đó có việc đánh giá Bản báo cáo của Ban chấp hành. Lê Minh nói rằng bản báo cáo là không chính xác, và Ý Nhi bảo là không trung thực. Nguyễn Đình Thi đỏ mặt lên vì làm vậy là xúc phạm đến ông ta, xúc phạm tài năng của một người có tiếng là viết báo cáo giỏi từ xưa tới nay.
Ông Trần Bạch Đằng có lần ra mặt đàn anh. Anh Thi phải bình tĩnh mới được. Anh có thể ra ngoài 5 phút để nghĩ. Mỗi người trong chủ tịch đoàn có thể đề nghị một phương án của mình nên có một tuyên bố như thế nào.
Rõ ra Trần Bạch Đằng tỏ ý xoa đầu Nguyễn Đình Thi.
Đỗ Chu đi khắp nơi xin phiếu. Anh cho em một phiếu. Này, nhớ thêm cho thằng này một phiếu nhé. Chu lại còn đi viết hộ các cụ và cứ thế, để lại tên mình, tất nhiên.
Đỗ Chu lúc nào cũng tất bật xông ra với mọi người, muốn hô hoán một điều gì đó với mọi người.
Năm ngoái, Chu từ Bắc Ninh ra ở ngay trong cơ quan Văn nghệ quân đội, đi tham gia vào vụ đánh dẹp Nguyên Ngọc, nói Nguyên Ngọc không ra gì.
Năm nay, sau khi Đại hội bầu ra Ban chấp hành mới, cùng với việc Triều Dương đến chúc mừng Nguyên Ngọc, lại thấy Đỗ Chu mời Nguyên Ngọc uống bia.
Nghe người ta kể trước lúc ra họp, Anh Đức đã chuẩn bị làm Tổng thư ký. Đã có diễn văn nhậm chức. Trong khi Trần Mạnh Hảo chuẩn bị quần áo để đi tù (vì quyển Ly thân), thì Anh Đức chuẩn bị quần áo để nhậm chức Tổng thư ký và sẽ ở lại Hà Nội sắp xếp công việc.
Trước khi ra Bắc họp Anh Đức mở tiệc khao quân ở nhà mình. Trên máy bay, Anh Đức còn hỏi Nguyễn Khải:
-- Ông thấy tôi nên chọn ai làm phó, Vũ Tú Nam hay Bằng Việt?
Xuân Tùng cung cấp một chi tiết: Trong thời gian họp, Anh Đức viết cho Ngọc Tú (trong Ban Tổ chức Đại hội) mảnh giấy, chị sắp xếp cho tôi, anh Bảo Định Giang, anh Phạm Tường Hạnh, Mai Liên chúng tôi phải ngồi cạnh nhau để tiện sắp xếp công việc.
Rồi Anh Đức thực hiện đúng như vậy. Cánh Anh Đức luôn tách ra, ngay khi cả vào nhà ăn. Nhưng anh em họ cũng cho đám thầy trò này những vố khá đau. Có trưa, thấy mâm Anh Đức còn thiếu người, anh em họ vẫn lảng, họ không đến gần. Nhà ăn khá đông, vậy mà thày trò cứ ngồi trơ ra đấy, chờ người cho đủ mâm. Mấy bữa sau, một người trong bọn phải báo cháo.
Ai đó kể, Anh Đức với mấy người cùng đám lên gặp ông Linh. Ông Linh (hay bọn giúp việc) không cho gặp. Anh Đức cằn nhằn rằng ở Sài Gòn tôi muốn gặp ai, muốn lúc nào cũng được.
Lại lên gặp ông Phạm Văn Đồng. Nhưng đang đi bộ trong trong vườn, thấy bọn Anh Đức từ xa, ông Đồng đã xua,ý bảo về mà giải quyết việc với nhau.
Có bao giờ những điều trong hậu trường này được viết ra?
Dạo này anh em hay kể về nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Ở một Đại hội nào đó, ông Tưởng đã ghi “Cụ Hồ đến, Công an nhan nhản” “ Cụ Hồ lại đọc một bài thơ nhạt thếch! “
Trong Đại hội lần này, anh em kể dưới gầm bàn chủ tịch đoàn có đặt máy thu. Phòng họp chủ tịch đoàn cũng có máy thu, Chủ tịch Đoàn nói gì thu vào đấy hết.
Vậy mà có nhiều chuyện rất liều. Cao Tiến Lê kể Ý Nhi dám cãi nhau tay đôi với Lê Đức Thọ. Ông kia bảo ”Tại sao lại bầu Tổng Thư ký. Như thế là không được ?“.”Nhưng anh em thấy được bác ạ!” Ông Thọ chịu.
Ngô Thế Oanh kể, văn phòng ông Thọ gửi thư đến, bảo Đại hội nên mời Lê Đức Thọ nói chuyện. Chủ tịch đoàn có bàn chuyện này. Nguyễn Đình Thi không có mặt hay sao đó. Và Trần Bạch Đằng gợi ý trả lời:
1/ Có nói thì cũng không làm đảo lộn chương trình nghị sự, vì chương trình đã bố trí chặt.
2/ Chỉ nói trong 10 phút.
Ông Đằng cay vì chuyện chính trị nên chơi ngang vậy (với Nguyễn Đình Thì, Trần Bạch Đằng căm từ hồi lâu, năm 1974 Nguyễn Đình Thì vào R, Trần Bạch Đằng không tiếp mà đẩy đi mặt trận ngay).
Sau việc này, không thấy văn phòng Lê Đức Thọ nói gì nữa.
2/12
Đại hội nhà văn qua đi. Được cái gì ? Hình như không được cái gì. Tôi thấy hụt hẫng.
Tại sao những Hữu Thỉnh Ngọc Tú Hữu Mai lại được bầu vào Ban Chấp hành. Tại vì họ đã được ông Thi chọn. Nghĩa là được bộ máy chọn. Bộ máy ấy đã làm việc để nâng cao uy tín của chính những người đứng máy. Chỉ có tiêu chuẩn cánh vế chính trị chứ không có tiêu chuẩn chuyên môn chất lượng sáng tác.
Một lý do sâu sắc nữa - ấy là sự ngớ ngẩn của đám đông - cái đám đông mà tôi đã miêu tả - họ chẳng khác những con cừu.
Những điều này có liên quan đến sự định hướng hoạt động của tôi thời gian tới.
Nói chung, cách đi ẩn giữa đời vẫn là sự lựa chọn tốt nhất.
Dương Thu Hương lên tiếng bảo những Trần Đại Nghĩa, Kim Ngọc từng kêu gọi Đảng phải biết ơn nhân dân chứ không phải chỉ có nhân dân biết ơn đảng. Đọc vào tôi đã thầm nghĩ, thật ngây thơ quá, nói những sự đơn giản ấy làm gì. Nhưng cùng lúc tôi lại nghĩ, dẫu sao Dương Thu Hương cũng tốt hơn mình, dũng cảm hơn mình, không có những run rẩy sợ hãi, khi nói về chuyện đó. Lúc nghe cũng vừa sướng vừa sợ. Tôi ấy!
Lại như khi thấy bọn Lý luận phê bình bây giờ tranh luận. Trần Hữu Tá lấy nghị quyết 5 ra chống lại Nghị quyết trung ương 7, Phạm Tường Hạnh lấy cớ nghị quyết 7 ra sau để cãi lại v.v.
Tôi muốn nói một câu đơn giản trước tiên không được chơi trò này nữa.
21/12
Trên Bản tin tham khảo có một bài phân tích Các hội chứng của Chủ nghĩa xã hội hành chính ở Đức:
- Tập trung quyền lực trong một nhà độc tài kiêu ngạo. Điều khiển kinh tế thông qua một trung tâm chỉ huy thiếu hiểu biết.
- Quy chế hoá và tập trung hoá quan liêu nền văn hoá. Khoa học và giáo dục đều đã xua đuổi nhiều bộ óc có tính chất phê phán ra khỏi đất nước.
- Áp chế chính trị với công dân, buộc tội người khác chính kiến.
- Biến cảnh quan thông tin đại chúng thành một sa mạc thông tin ảm đạm, thành một hệ thống đưa tin cung đình ghê sợ.
- Gạt bỏ cơ sở Đảng ra khỏi mọi quá trình bàn bạc...
Phải thừa nhận học thuyết của ông có sức lan toả rất sâu rộng . Mãi đến đời nhà Lý ( 1070 ) mới du nhập vào nước Việt . Như vậy đã gần 1000 nãm tồn tại ở Việt Nam
Khi một nền văn hoá này , xâm nhập vào một nền văn hoá khác với một thời gian dài như vậy , thì muốn chối bỏ hay thoát ra là một đièu cực kỳ khó , không muốn nói đó là điều không tưởng
Tháng 11/2014 hai trường đại học ở Mỹ : Đại học chicago và Đại học Pennsylvania đã tuyên bố đóng cửa viện ngyên cứu Khổng Tử tại đây . Ban điều hành hệ thống trường học ở thành phố Toronto cũng ra một quyết định tương tự . Điều đáng nói ở đây là : Họ có một nền văn hoá mạnh như vậy , khoa học kỹ thuật siêu như vây , mà họ còn lo sợ " Quyền lực mềm " của văn hoá Tàu , Salam cũng như bao người Việt khác lo sợ bộ phim " Đạo mộ bút ký " sẽ làm lớp trẻ có một góc nhìn lệch lạc với lịch sử nước nhà
Với một nền văn hoá mong manh như chúng ta , việc phá bỏ hay thay đổi Văn hiến từ chưa nói nói lên được điều gì một khi người Việt còn mang tư tưởng " Sùng Trung " . Hãy tư xây dựng một nền văn hoá đủ mạnh trước đã . Thế hệ trẻ sẽ miễn nhiễm dần dần , đó mới là điều đáng bàn ở đây !