Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Khảo sát về chủ nghĩa xã hội kiểu Thụy Điển (P1)

swedish-flag

Tác giả: Ngô Giang (Trung Quốc) | Biên dịch và chú thích: Nguyễn Hải Hoành
Lời giới thiệu của dịch giả: Từ lâu nhiều người chúng ta đã quan tâm tới vấn đề Việt Nam nên theo mô hình CNXH nào? Năm 1981 cụ Phạm Văn Đồng từng nói: “Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi thấy ta không theo được Mô hình Xô Viết” (xem “Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm”, tr. 923, Trần Quốc Vượng). Lại nghe nói ông Vũ Oanh (nguyên UV BCT) có đề nghị nghiên cứu về mô hình CNXH Thụy Điển. Người Trung Quốc đã nghiên cứu nhiều, từ năm 2002 họ bắt đầu cho công khai đăng một loạt bài về mô hình này. Đảng CSTQ từ những năm 1980 đã cử các đoàn cán bộ sang Thụy Điển khảo sát và do đó có bài giới thiệu sau đây. Sau đó năm 2008 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức thăm Thụy Điển. Hồi đó có dư luận Trung Quốc sẽ theo mô hình CNXH Thụy Điển. Nhưng cuối cùng thì phe phản đối đã thắng với lý do chủ yếu là làm như thế thì ĐCSTQ sẽ mất quyền lãnh đạo đất nước – đây là quyền lợi sống chết không thể để mất. Tuy nhiên, dù mô hình CNXH Thụy Điển vì thế vẫn là vấn đề “nhạy cảm”, nhưng là một thực tế cần được bàn đến vì lợi ích của dân tộc.
Vương quốc Thụy Điển nằm ở đông nam bán đảo Scandinavia thuộc Bắc Âu. Vào năm 1889, khi thành lập Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển,[1] vương quốc này còn là một trong những nước lạc hậu nhất châu Âu, người ta gọi là nước của cướp biển, phần lớn dân vốn là cướp biển và tội phạm bị các nước Tây Âu đày đến đây cùng các hậu duệ của họ. Kinh tế Thụy Điển ngày ấy còn lạc hậu rất nhiều so với nước Nga hồi Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Từ năm 1920, khi Đảng Xã hội Dân chủ (XHDC) Thụy Điển bắt đầu nắm chính quyền cho tới nay, tuy có một số thời kỳ gián đoạn, nhưng Đảng này vẫn nắm quyền lãnh đạo đất nước lâu hơn cả. Trong thời gian đó (từ thập kỷ 20 đến thập kỷ 80, là thời gian được tác giả khảo sát), Đảng XHDC đã xây dựng Thụy Điển từ một nước lạc hậu trở thành một nước kinh tế phát triển,[2] đứng thứ hai trên thế giới về GDP đầu người (sau Thụy Sĩ); và thứ nhất thế giới về phúc lợi xã hội, chứng tỏ sự xã hội hoá phân phối đã đạt trình độ rất cao.
Trên đây là tóm tắt nội dung chính của bài “Một số điểm chính trong bản Báo cáo khảo sát đến muộn” (sau đây viết tắt là Báo cáo Khảo sát). Tác giả báo cáo này là đồng chí Dương Khải Tiên, năm 1985 và 1988 từng hai lần đến Thụy Điển tiến hành khảo sát. Thu hoạch tổng quát của tác giả là: “Đối với chủ nghĩa xã hội (CNXH) kiểu Thụy Điển, nhiều năm qua, chúng ta chẳng những luôn luôn cho là đối lập với quan điểm chính thống, giữ thái độ phê phán nghiêm khắc, mà thậm chí cho tới ngày nay, trong suy nghĩ của mọi người nói chung vẫn khẳng định thì ít mà phủ định thì nhiều. Thực ra, như vậy là không công bằng. Nếu phân tích một cách thực sự cầu thị, ta sẽ không khó phát hiện thấy: ngoài những vấn đề chính trị còn tranh cãi, tạm thời chưa thể đưa ra một kết luận đa số chúng ta có thể đồng ý, thì thành tích của Thụy Điển về kinh tế là rất lớn, xét về những gì mà CNXH của Mác [Karl Marx] yêu cầu phải có, dù là về mặt thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân, hoặc là về mặt thực hiện công bằng xã hội, phân phối công bằng, bảo đảm quyền lợi nên có của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.”
Bài Báo cáo Khảo sát này được đăng tải trên một tạp chí có số lượng phát hành nhỏ, và đầu đề ghi rõ là “đến muộn” (khảo sát vào thập kỷ 80 thế kỷ XX mà đến tháng 3/2002 mới được sửa chữa cho đăng). Điều đó nói lên, cho tới nay, vấn đề tiến lên mô hình CNXH kiểu Thụy Điển vẫn là một đề tài nhạy cảm. Theo tôi, Báo cáo Khảo sát đã đăng báo rồi, hơn nữa ngày nay xem ra vấn đề này thực sự không cần phải né tránh; thế thì ta hoàn toàn có thể thảo luận và bình phẩm bài báo đó một cách công bằng ngay thẳng, thực sự cầu thị, nhất là về mặt lý luận.
Bối cảnh lịch sử và phác thảo lý luận về hai mô hình tiến lên chủ nghĩa xã hội
Về lý luận, trước hết hãy nên bắt đầu nói về tình hình từ cách mạng Pháp 1848 – 1850 cho tới sau Công xã Paris. Như vậy, chúng ta sẽ phải ra ngoài đề một chút, sau đó mới trở lại vấn đề mô hình CNXH Thụy Điển.
Trong một thời gian rất dài sau Cách mạng Tháng Mười Nga, các nhà lý luận Liên Xô bao giờ cũng đề cao quá mức Công xã Paris, coi nó là hình mẫu cách mạng XHCN của giai cấp vô sản. Thực ra không phải là như vậy. Trong một thời gian sau năm 1848, đúng là Mác và Ăng-ghen [Friedrich Engels] từng cho rằng đã xuất hiện tình thế cách mạng trong các nước phương Tây chủ yếu, do đó hai vị đã tích cực hoạt động vì sự nghiệp cách mạng này. Nhưng qua thất bại của cách mạng Pháp 1848-1850 và sau thực tế là các nước tư bản mấy lần bình yên vượt qua khủng hoảng kinh tế, sức sản xuất vẫn được phát triển khá, Mác và Ăng-ghen bắt đầu cảm thấy sự việc không như những gì hai vị đã dự kiến ban đầu, thời cơ cách mạng vẫn còn chưa chín muồi.
Năm 1850, khi tổng kết kinh nghiệm cách mạng Pháp, Mác đã chỉ rõ: “Khi sức sản xuất xã hội của giai cấp tư sản đang phát triển mạnh với tốc độ có thể đạt được trong toàn bộ phạm vi quan hệ của giai cấp tư sản, thì chưa thể nói gì đến một cuộc cách mạng thực sự.” Trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1871, giai cấp công nhân Paris nhân cơ hội đánh trả bọn xâm lược và chống hành vi đầu hàng của giai cấp tư sản, đã vùng lên khởi nghĩa và áp dụng các biện pháp có tính chất XHCN (hai phái lãnh đạo chính cuộc khởi nghĩa này là phái Lat-xan và phái Pơ-ru-đông).[3] Khi đó Mác không tán thành cuộc khởi nghĩa này, cho rằng thời cơ chưa chín muồi. Nhưng sau khi công nhân Paris phát động khởi nghĩa rồi thì Mác không dội gáo nước lạnh lên họ, mà nhiệt tình ủng hộ và ca ngợi tinh thần dũng cảm của thợ thuyền Pháp, cho rằng Công xã Paris của giai cấp công nhân Pháp là người tiên phong vẻ vang của xã hội mới, sẽ mãi mãi được kính trọng. Đồng thời, Mác còn tổng kết sâu sắc các bài học kinh nghiệm của cuộc cách mạng công nhân đầu tiên này, đề ra không ít ý kiến chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng.
Cần vạch rõ là, khi tổng kết kinh nghiệm Công xã Paris, Mác từng nói một câu: “Không phải là giai cấp công nhân muốn thực hiện một lý tưởng gì, mà chỉ muốn giải phóng những nhân tố xã hội mới được ươm trồng trong chính cái xã hội của giai cấp tư sản đang sụp đổ.” Điều này cũng có nghĩa là thời cơ cách mạng của giai cấp công nhân đã chín muồi chưa, hoặc có thể thực hiện được xã hội XHCN hay không, vấn đề này hoàn toàn được quyết định bởi các nhân tố xã hội mới được uơm trồng trong xã hội tư sản (chủ yếu là sự phát triển cao của sức sản xuất, dân chủ hoá nền chính trị xã hội và toàn bộ nền văn minh đạt tới trình độ cần thiết).
Sau Công xã Paris, Mác tập trung sức lực chủ yếu vào việc hoàn thành bộ “Tư bản” và tiếp tục nghiên cứu lịch sử phát triển xã hội loài người. Phần lớn nhiệm vụ chỉ đạo thực tế phong trào cách mạng là do Ăng-ghen đảm nhiệm. Năm 1883, Mác từ trần. Trách nhiệm của Ăng-ghen càng nặng hơn. Không nghi ngờ gì nữa, “Chủ nghĩa Mác”, mà cho tới nay ta vẫn nói, là do Mác và Ăng-ghen cùng sáng lập nên. Sau Cách mạng Tháng Muời và sau khi Lê-nin qua đời, chúng ta lại tiếp thu từ Liên Xô cách nói “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin”. Cách nói này thực tế làm mờ nhạt vai trò của Ăng-ghen (tuy không phủ định Ăng-ghen). Tôi cho rằng, nếu Lê-nin còn sống cũng không thể tiếp thu cách nói ấy. Tác giả Báo cáo Khảo sát cho chúng ta biết, tác giả đã nghe thấy cách nói “Chủ nghĩa Mác Ăng-ghen” từ chính miệng những người của Đảng XHDC Thụy Điển. Tôi cho rằng cách nói đó là phù hợp với sự thật lịch sử. Không bao giờ được tách rời Mác và Ăng-ghen kia mà! “Chủ nghĩa Lê-nin” là một chuyện khác, vấn đề này ta sẽ bàn sau. Điều cần nói ở đây là, sau khi Mác qua đời, Ăng-ghen đã quán triệt chủ trương cách mạng của hai người vào phong trào công nhân quốc tế như thế nào. Đây là trang sử rực rỡ nhất trong cuộc đời Ăng-ghen. Trong những năm cuối đời, Ăng-ghen luôn gắn mình với số phận của phong trào xã hội dân chủ quốc tế.
Như bạn tôi là ông Từ Lâm viết trong cuốn sách ông chủ biên Ăng-ghen và thời đại hiện nay, sau khi Công xã Paris 1871 thất bại, phong trào công nhân quốc tế từng có thời gian rơi vào thoái trào, tới cuối thập kỷ 1870, đầu thập kỷ 1880 phong trào này mới bắt đầu hoạt động hăng hái, chủ nghĩa Mác được truyền bá rộng rãi. Trên cơ sở đó, nhiều nước Âu Mỹ như Đan-mạch, Bỉ, Tây-ban-nha, Hà-lan, Ý, Na-uy, Áo, Thụy Điển, Hung-ga-ri, Đức, Pháp, Anh, Mỹ v.v… lần lượt thành lập các chính đảng công nhân. Lúc đó, các đảng này phần lớn lấy tên là đảng Xã hội dân chủ, đảng Xã hội hoặc đảng Công nhân (Công đảng), mà không lấy tên là đảng Cộng sản. Điều này có liên quan với quan điểm của Ăng-ghen. Trong một bức thư gửi cho bạn vào tháng 2.1894, Ăng-ghen viết: “Tôi cho rằng từ Chủ nghĩa Cộng sản hiện nay không thích hợp sử dụng phổ biến. Tốt nhất là lưu nó lại cho tới khi nào cần phải có sự biểu đạt một cách chính xác hơn hãy dùng. Cho dù tới lúc đó cũng cần phải chú thích thêm, vì trên thực tế, đã 30 năm nay không dùng từ này.”
Vấn đề trên có một chút lai lịch, nay nhắc lại là không thừa. Tháng 7/1898, dưới sự đề xướng của Ăng-ghen, đảng XHDC Đức và đảng Công nhân Pháp đã triệu tập các đảng công nhân của 22 nước tham gia đại hội đại biểu những người XHCN quốc tế. Đó chính là tổ chức về sau được người ta gọi là “Quốc tế thứ II“. Thật ra tổ chức này rất lỏng lẻo, không lập ra bất cứ cơ quan lãnh đạo nào (trước đó, Hiệp hội Công nhân quốc tế về sau được gọi là “Quốc tế thứ I” có lập một Uỷ ban chung), ngay cả quy chế họp định kỳ cũng không có. Các đảng dự đại hội xác nhận lấy học thuyết Mác Ăng-ghen làm cơ sở tư tưởng, nhưng tiến hành hoạt động một cách độc lập tự chủ.
Nói đến tư tưởng chỉ đạo ngày ấy, không thể không nhắc tới bài viết năm 1894 của Ăng-ghen (một năm trước ngày qua đời) “Lời nói đầu cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ năm 1848 đến năm 1850 của Các Mác”. Khi đề cập tới các sai lầm của Mác và Ăng-ghen trong dự kiến tình hình cách mạng từ 1848 trở đi, bài này viết: “Lịch sử cho thấy chúng tôi cũng từng sai lầm, để lộ ra cách nhìn của chúng tôi lúc đó chỉ là ảo tưởng.” “Lịch sử thể hiện rõ là tình trạng phát triển kinh tế ở đại lục châu Âu ngày ấy còn xa mới chín muồi tới trình độ có thể quét sạch nền sản xuất tư bản”, chủ nghĩa tư bản “còn có khả năng phát triển rất lớn”. Căn cứ vào điều kiện lúc đó, đặc biệt là kinh nghiệm mới nhất của đảng XHDC Đức, Ăng-ghen đã suy xét lại sách lược đấu tranh của giai cấp công nhân, nhấn mạnh đề ra chủ trương giai cấp công nhân nên lấy việc sử dụng quyền bỏ phiếu bầu cử làm “vũ khí mới – một trong những thứ vũ khí sắc bén nhất”, và nói rõ: “Từ lâu, Tuyên ngôn của đảng Cộng sản từng tuyên bố, giành lấy quyền bỏ phiếu, giành dân chủ, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giai cấp vô sản chiến đấu.” Đồng thời tuyên bố các đồng chí chúng ta tuyệt đối không vì thế mà “vứt bỏ quyền làm cách mạng (Ang-ghen nói rõ: dĩ nhiên, điều đó bao gồm quyền làm cách mạng bạo lực — chú thích của Ngô Giang). Cần biết rằng, quyền làm cách mạng bao giờ cũng là “quyền lợi lịch sử” chân chính duy nhất.”
Sau khi Ăng-ghen qua đời, Lip-nếch,[4] một nhà lãnh đạo đảng XHDC Đức đánh giá Ăng-ghen như sau: “Người vừa là người chỉ đường, lại là người dẫn đường, vừa là lãnh tụ, vừa là chiến sĩ. Ở Người thể hiện sự kết hợp lý luận với thực tiễn.” Lịch sử chứng minh sự đánh giá này là hoàn toàn công bằng.
Mấy chục năm trước và sau ngày Ăng-ghen qua đời, thế giới tư bản ở vào thời kỳ phát triển bình ổn. Phần lớn các đảng công nhân Âu Mỹ đều hoạt động công khai, có thể ra sức lợi dụng vũ khí bỏ phiếu bầu cử. Bước sang thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản lại rơi vào cuộc khủng hoảng mới, dẫn đến Thế chiến I. Cuộc chiến tranh này làm cho Quốc tế II bị chia rẽ mạnh – xuất hiện sự đối lập của hai phái, gọi là phái “bảo vệ tổ quốc” và phái “biến chiến tranh đế quốc thành chiến tranh cách mạng”. Lê-nin đề xuất chủ trương của phái thứ hai. Khi đó, ngoài nước Nga dưới sự lãnh đạo của Lê-nin đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười ra, các nước (hoặc vùng) Phần-lan, Đức, Áo, Hung, Italy cũng lần lượt bùng nổ cách mạng và giành được thắng lợi tạm thời, cục bộ, nhưng cuối cùng đều thất bại. Duy nhất chỉ có cách mạng XHCN Nga thành công. Do đó sinh ra tên gọi “chủ nghĩa Lê-nin” (việc này xảy ra sau khi Lê-nin qua đời), và có sự đối  lập giữa “Quốc tế II” và Quốc tế III”. Từ đó có hai phái là  phái “chủ nghĩa Lê-nin” và phái “chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Kèm theo, xuất hiện hai loại mô hình tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ở đây, ta không bàn về sự đấu tranh giữa hai phái trên (trong đó, chống chủ nghĩa xét lại là một nội dung chính), cũng không bàn về thành tích hoặc thất bại và các bài học kinh nghiêm của CNXH ở Liên xô và các nước XHCN khác cùng mô hình. Chúng tôi chỉ muốn nói khái quát về phong trào xã hội dân chủ ở Tây Âu, và cũng chỉ nói rất vắn tắt (vì ở đây cũng không bàn riêng vấn đề này, vấn đề đó cần một bài viết khác). Sau Thế chiến I, năm 1919, thành lập “Quốc tế III” (tức Quốc tế Cộng sản); năm 1923, “Quốc tế II” khôi phục hoạt động, và đổi tên là “Quốc tế đảng Xã hội”.[5] Từ đó trở đi, trong phong trào công nhân Tây Âu hình thành sự đối lập giữa hai thế lực nói trên (tức giữa một bên là các đảng Cộng sản với một bên là các đảng XHDC và các đảng Xã hội), nhưng ưu thế và ảnh hưởng chủ yếu là ở phía các đảng XHDC và đảng Xã hội, vì các đảng này không những chỉ lôi kéo được tuyệt đại đa số công nhân, mà lý luận và hoạt động của họ tương đối hợp với tâm lý của quảng đại các tầng lớp trung gian và trí thức ở các nước tư bản; giai cấp tư sản cũng tương đối có thể tiếp thu.
Ở đây, ta chưa nói về tình hình phức tạp vừa đấu tranh vừa hợp tác giữa hai thế lực nói trên (trong thời gian chiến tranh chống phát-xít, hợp tác là chủ yếu), mà chính bản thân các đảng tham gia phong trào xã hội dân chủ trong phạm vi của Quốc tế Xã hội (các đảng XHDC và các đảng Xã hội) cũng rất phức tạp. Chủ trương của các đảng này không hoàn toàn nhất trí với nhau, ngoại trừ việc tất cả đều phủ định cách mạng bạo lực và nói chung đều tiếp thu CNXH dân chủ. Lúc đầu, nhìn chung còn tuân theo cương lĩnh của đảng XHDC Đức được soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Ăng-ghen năm 1889, khi thành lập Quốc tế II. Về sau thì mỗi đảng đi một đường: có đảng tương đối cấp tiến; có đảng tương đối ôn hoà; có đảng tiếp tục giương ngọn cờ chủ nghĩa Mác; có đảng lại vứt bỏ ngọn cờ này mà chủ trương đa nguyên hoá tư tưởng chỉ đạo (trong đó có cả chủ nghĩa Mác), và chủ trương tư tưởng XHCN bắt nguồn từ nhiều con đường; có đảng vẫn coi mình là chính đảng của giai cấp công nhân, có đảng lại nói mình là đảng của nhân dân hoặc đảng của dân tộc; có đảng chủ trương hợp tác với đảng cộng sản trong nước mình; có đảng lại phản đối sự hợp tác đó, v.v… Một số đảng đã không dưới một lần cải tổ hoặc xây dựng lại, về khuynh hướng, cũng trước sau khác nhau. Nhưng nói tổng quát, bản tuyên ngôn công bố năm 1951, khi Quốc tế Xã hội[6] tổ chức lại, về đại thể có thể coi là một khuynh hướng có tính tiêu biểu.
Tuyên ngôn này viết: “Dù là người của đảng Xã hội xây dựng niềm tin của mình theo phương pháp phân tích xã hội của chủ nghĩa Mác, hoặc theo các phương pháp khác, dù là họ tiếp nhận sự gợi ý của nguyên tắc tôn giáo hoặc của nguyên tắc nhân đạo, tất cả họ đều phấn đấu vì mục tiêu chung. Mục tiêu đó là một chế độ phân phối xã hội công bằng, đời sống tốt đẹp, tự do và thế giới hoà bình.” Ở đây chưa viết rõ mục tiêu phấn đấu là chủ nghĩa xã hội, thế nhưng “Tuyên ngôn thành lập Quốc tế xã hội” hồi thập kỷ 20 thế kỷ XX từng khẳng định mục tiêu này, và nói rõ: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là giải phóng mọi người ra khỏi sự lệ thuộc vào một thiểu số người chiếm hữu hoặc kiểm soát tư liệu sản xuất. Mục đích của nó là giao quyền kinh tế cho toàn thể nhân dân, tiến tới xây dựng một xã hội khiến cho mọi con người tự do đều có thể, với địa vị bình đẳng, cùng làm việc với nhau trong xã hội.
Cho nên, nhìn chung, phải chăng có thể nói là: phong trào CNXH dân chủ Tây Âu (hoặc gọi là “phong trào xã hội dân chủ”, đều như nhau) hiện đang tìm kiếm một con đường khác để tiến lên CNXH (khác với con đường của Cách mạng Tháng Mười)? Hoặc nói là, phong trào này từng bước ươm trồng các nhân tố XHCN trong cái bào thai tư bản chủ nghĩa, để bằng cách tiệm tiến (từ tích luỹ thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất từng phần, rồi đến thay đổi về chất cuối cùng) sáng tạo nên một hình thái mới của xã hội XHCN? Theo tôi, có thể nói như vậy được. Dĩ nhiên, sự sáng tạo này thường có tính thử nghiệm, không thể bước đều nhau hoặc có xu thế tiến lên theo đường thẳng, mà tuỳ theo sự thay đổi tình hình hoặc biến đổi so sánh lực lượng có thể có lặp đi lặp lại, có lúc tiến lên, có lúc lại tụt lùi. Nhưng có một đặc điểm: khi đã tiến lên rồi thì dù cho lại tụt lùi, nhưng trận địa đã chiếm được thì thường là không bị mất toàn bộ (thí dụ: về thực hiện chính sách phúc lợi và chế độ bảo đảm đời sống). Ở đây, tôi xin nêu hai thí dụ có thể giúp nói rõ vấn đề: một là cuộc cải cách do Công đảng Anh tiến hành năm 1945, và hai là mô hình Thụy Điển.
Trong bài này chỉ xin nói vài câu về cuộc cải cách (được đảng XHDC gọi là cải cách dân chủ xã hội chủ nghĩa) bắt đầu tiến hành tại Anh từ 1945. Đây là cuộc cải cách cơ cấu xã hội do Công đảng Anh lãnh đạo thực hiện trong tình hình tư bản Tây Âu bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến II. Biện pháp cải cách chủ yếu là:
  • Thực hành quốc hữu hoá các ngành khai thác mỏ, ngân hàng phát hành, giao thông vận tải, các doanh nghiệp cung ứng địa phương và sản xuất thép, tức đưa các ngành kinh tế này vào sở hữu nhà nước tư bản, làm cho thành phần quốc doanh trong lĩnh vực kinh tế lên tới 20%;
  • Cải tiến thuế thu nhập theo một quy chế luỹ tiến khác biệt rõ ràng giữa các cấp bực, làm cho 2/5 tổng thu nhập quốc dân thông qua hình thức thu thuế được nhà nước thực hành tái phân phối;
  • Áp dụng phương pháp gọi là “phúc lợi toàn dân” nhằm thực hành chế độ bảo hiểm rộng rãi ốm đau, tai nạn, tuổi già, thương tật, thất nghiệp, sinh đẻ và chết đối với tất cả mọi người và thực hiện chữa bệnh không mất tiền cho toàn dân. Năm 1948, lãnh tụ Công đảng Anh là At-li [Clement Attlee, 1883-1967] tuyên bố: nước Anh đã trở thành “nhà nước phúc lợi”. Từ đó, cái tên “nhà nước phúc lợi” bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Theo các tài liệu xác thực, ngày ấy, Stalin có nói chuyện với nhân vật phái tả của Công đảng Anh Rat-xki, thậm chí Stalin còn thừa nhận cuộc cải cách này có thể là một trong những con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (do đó mà năm 1951, đảng Cộng sản Liên xô từng giúp đỡ đảng Cộng sản Anh soạn thảo cương lĩnh quá độ hoà bình). Nhưng trên mặt khác, hoặc nói trên một mặt quan trọng hơn, cuộc cải cách này đồng thời lại làm ổn định trật tự tư bản chủ nghĩa từng bị phá tan (ghi chú: cuộc cải cách này hồi ấy được Mỹ kín đáo cho phép và tài trợ).
Bây giờ ta có thể trở lại bàn về mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ Thụy Điển được Báo cáo Khảo sát nói tới.
(Còn tiếp Phần II).
——————
Nguồn: Khảo sát về chủ nghĩa xã hội kiểu Thụy Điển: Nhân đọc “Một bản báo cáo khảo sát đến muộn”, Chủ nghĩa Mác và Hiện thực số tháng 3/2002, Tạp chí hai tháng một kỳ, tiếng Trung Quốc. Cơ quan chủ trì tạp chí: Cục Biên dịch thuộc Trung ương Đảng CSTQ.
Tác giả Ngô Giang là giáo sư, nguyên Viện trưởng Học viện Chủ nghĩa xã hội Trung ương, thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Báo cáo mà tác giả đề cập là của Dương Khải Tiên, được viết sau chuyến khảo sát Thụy Điển hồi những năm 1980, khi Liên Xô còn đang vững mạnh.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch và làm toàn bộ các chú thích ở cuối trang và trong ngoặc.
———————–
1 Đúng ra phải gọi là đảng Dân chủ xã hội (tiếng Anh: Social Democratic Party), nhưng VN ta quen gọi là Xã hội dân chủ (theo nguyên văn âm Hán-Việt theo cách dịch của TQ). Từ điển Chủ nghĩa cộng sản khoa học (NXB Tiến bộ Matxcơva và NXB Sự thật Hà Nội, 1986) dùng “chủ nghĩa dân chủ xã hội”, nhưng có chỗ dùng “đảng Xã hội dân chủ”, có chỗ dùng “đảng Dân chủ xã hội”. Đảng XHDC Thuỵ Điển chiếm 36,5% số đại biểu Quốc hội khoá bầu 9.1998; hiện Chủ tịch Đảng là ông Goran Persson đồng thời làm Thủ tướng chính phủ. (Trong bài này, toàn bộ các chú thích ở cuối trang và chú thích trong dấu [ ] đều là của người dịch).
2 Số liệu năm 2001 về Thụy-điển : 449.964 km2; 8,875 triệu dân. Kinh tế năm 2000 tăng trưởng 4,3%. Năm 2000, GDP tính theo sức mua : 197 tỷ USD; GDP đầu người : 22.200 USD (so với 4000 USD của Nga năm 1998). Nông nghiệp chiếm 2,2% GDP, công nghiệp 27,9%, dịch vụ 69,9%. Xuất khẩu 95,5 tỷ, nhập khẩu 80 tỷ USD. Tỷ lệ lạm phát 1,2%, tỷ lệ thất nghiệp 6%. Ngân sách : thu 133 tỷ, chi 125,2 tỷ USD. Viện trợ ODA cho nước ngoài 1,7 tỷ USD (1999). Tuổi thọ trung bình 79,71 năm. Năm 1998 có 6 triệu điện thoại và 3,8 triệu điện thoại di động; 8,25 triệu radio và 4,6 triệu tivi, Năm 2000 có 4,5 triệu người dùng Internet. CIA Mỹ nhận định: Thuỵ Điển là nước “đạt được mức sống cao dưới chế độ chính trị kết hợp chủ nghĩa tư bản công nghệ cao với chế độ phúc lợi cao” (theo The World Fact Book 2001 của Cục Tình báo TƯ Mỹ CIA). Ở đây người dịch dùng số liệu năm 2001 cho sát với thời điểm tác giả Ngô Giang viết bài này.
[3] Ferdinand Lassalle: xem chú thích 7.  Pierre-Joseph Proudhon (1809-1865): “nhà chính luận Pháp, nhà xã hội học và kinh tế; nhà tư tưởng của giai cấp tiểu tư sản, một trong những người sáng lập về mặt lý luận chủ nghĩa vô chính phủ” (trích dẫn theo Tuyển tập Mác Ang-ghen, NXB Sự thật, Hà Nội 1981)
[4] V. Liebknecht (1826-1900), nhà sáng lập đảng XHDC Đức, bạn của Mác và Ang-ghen
[5] Bách khoa thư Xô viết (1987) gọi là Quốc tế 2 rưỡi (2 1/2).
[6] Sđd1 gọi là Quốc tế XHCN, và nhận định là “tổ chức liên hiệp quốc tế của các đảng dân chủ-xã hội, thi hành đường lối cải lương.” Đại hội I của Quốc tế này họp ở Đức tháng 7.1951, ra tuyên ngôn “Về những mục tiêu và nhiệm vụ của chủ nghĩa XHDC” Tính đến 11.1977, Quốc tế XHCN có 38 đảng (và 16 đảng dự thính), hai tổ chức Phụ nữ và Thanh niên, 9 tổ chức có tính liên hiệp.
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/06/03/chu-nghia-xa-hoi-thuy-dien-p1/#sthash.aYZ8IJV3.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự quá độ sau đảo chính gian nan của Thái Lan

140523152934-thai-coup-1-horizontal-gallery
Nguồn: Thitinan Pongsudhirak, “Thailand’s Stunted Transition“, Project Syndicate, 21/05/2015.
Biên dịch: Đinh Nguyễn Lan Hương | Hiệu đính: Phạm Thị Thoa
Tròn một năm sau cuộc đảo chính quân sự lần thứ 12 trong vòng 83 năm Thái Lan theo chính thể quân chủ lập hiến, trong khi phiên tòa gây tranh cãi về tội lơ là trách nhiệm của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang diễn ra, tương lai của đất nước này đang đứng trước nguy cơ bất ổn nghiêm trọng. Trong những tháng tới, tồn tại song song với tình trạng yên tĩnh do quân đội áp đặt sẽ là nỗi lo lắng đang gia tăng trên khắp đất nước về điều gì sẽ xảy ra sau khi thời kỳ trị vì kéo dài gần 7 thập niên của Quốc vương Bhumibol Adulyadej chấm dứt. Liệu sự thỏa hiệp và dàn xếp giữa các bên – điều rất hiếm xảy ra trong những năm gần đây – có cho phép Thái Lan định hình lại trật tự  chính trị đầy tranh cãi, hiện được tạo dựng trên nền tảng là chế độ quân chủ tập trung và với sự lãnh đạo của tầng lớp tinh hoa, nhằm phản ánh rõ nét hơn các nguyên tắc của nền dân chủ dựa trên bầu cử?
Có ba nhân tố quan trọng định hình chính trị Thái Lan trong năm qua. Thứ nhất, khác với những sự dàn xếp sau đảo chính đã được chứng minh là hiệu quả trong quá khứ, Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), chính quyền quân sự tiếm quyền vào tháng 5 năm ngoái, đã chọn cách nắm quyền trực tiếp, đưa lãnh đạo của cuộc đảo chính là Đại tướng Prayut Chan-ocha lên làm Thủ tướng tạm quyền, thay vì chỉ định một nhân vật được thừa nhận và có năng lực cho vị trí này.
Các vị tướng bốn sao nắm giữ những vị trí Bộ trưởng, từ Bộ Thương mại, Bộ Giao thông đến Bộ Lao động, Bộ Giáo dục. Ngay cả vị trí Ngoại trưởng cũng do một vị tướng nắm giữ chứ không phải một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Chỉ một vài quan chức kỹ trị (technocrats) của chính phủ đảo chính giai đoạn 2006-2007, trong đó có Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính, được giữ lại, và những quan chức này phàn nàn rằng họ không có nhiều quyền hạn.
Cách tiếp cận này đã sản sinh ra một chiến lược kinh tế thiếu nhất quán cùng những mục tiêu chính sách mơ hồ và được thực hiện một cách chậm chạp. Tuy nhiên, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ thay đổi. Các nhà lãnh đạo quân sự mới của Thái Lan tự xem mình như một đội quân “dọn dẹp” với nhiệm vụ tiêu diệt tham nhũng, đưa các chính trị gia vào khuôn khổ, và khôi phục lại trật tự cũ, nơi mà giới quân đội cộng sinh cùng nền quân chủ, còn bộ máy quan liêu sẽ đảm nhận các công việc thường ngày.
Chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo quân đội Thái Lan vẫn sẽ không từ chối các yêu cầu của người dân hay phủ nhận sự cấp bách của việc thích nghi với toàn cầu hóa. Ngược lại, họ hy vọng sẽ xây dựng một dạng quy chế bầu cử có thể hoạt động trong khuôn khổ của trật tự chính trị dựa trên thể chế và phong tục truyền thống của Thái Lan. Mục tiêu của họ là đưa đất nước lùi lại một vài bước và chuyển ngang, để tiến lên phía trước theo một định hướng hoàn toàn khác.
Trong thời điểm hiện tại, mục tiêu này hướng đến việc thúc đẩy các giá trị bảo thủ truyền thống như kỷ luật, sự tuân thủ, bổn phận và sự hy sinh. Công chức được yêu cầu mặc đồng phục kaki theo phong tục, và phụ nữ được khuyến khích mặc trang phục truyền thống. Ngay cả những khu chợ nổi mang đầy sắc thái cổ tích trên các con kênh của Bangkok cũng đã quay trở lại, theo lệnh của Thủ tướng Prayut.
Đồng thời, chương trình nghị sự của Hội đồng cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát định hướng chính trị Thái Lan – đặc biệt là bằng cách gạt ra lề các thành phần đối lập, nhất là những chính trị gia có liên quan tới gia đình có tầm ảnh hưởng sâu rộng Shinawatra. Thực tế, nhân tố quan trọng thứ hai định hình nên giai đoạn chuyển tiếp sau đảo chính là việc kết tội Yingluck Shinawatra, em gái của Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng từng bị quân đội lật đổ vào năm 2006 và vẫn đang sống lưu vong ở nước ngoài. Bà Yingluck đã bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Thế lưỡng nan đặt ra cho chính quyền quân sự là những người ủng hộ ông Thaksin – lực lượng đông đảo tới mức có thể giúp đảng của Thaksin giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001 – cũng đã bị gạt ra lề, và có rất ít tiếng nói trong bối cảnh chế độ thiết quân luật cũng như sự chuyên quyền tuyệt đối của Prayut. Mặc dù từ sau cuộc đảo chính đến nay, những người này vẫn yên lặng, nhưng chắc chắn họ sẽ tìm cách để quay trở lại cuộc đối đầu khi các cơ hội chính trị mới xuất hiện. Dù sao đi nữa, trong tương lai, vẫn cần phải tính đến những người này nếu muốn dàn xếp một trật tự mới.
Tất nhiên, chính quyền quân sự hy vọng sẽ đặt nền tảng cho một trật tự chính trị trong tương lai từ bây giờ, theo những điều kiện của riêng mình, thông qua soạn thảo một hiến pháp mới. Nỗ lực này thể hiện qua việc thành lập Ban soạn thảo Hiến pháp (CDC) gồm 36 thành viên và Hội đồng Cải cách Quốc gia gồm 250 thành viên để hỗ trợ soạn thảo hiến pháp mới. Đây cũng chính là nhân tố thứ ba có ảnh hưởng lớn đến chính trị Thái Lan trong một năm qua.
Dự thảo hiến pháp được hoàn thành vào tháng trước đã làm dấy lên những mối lo ngại, vì nó đặt ra quá nhiều giới hạn đối với các đảng phái chính trị và các chính trị gia, trong khi đó lại trao cho các quan chức được bổ nhiệm (không qua bầu cử) và các thẩm phán quyền bác bỏ các quyết định chính sách của các quan chức dân cử. Những cuộc bầu cử được tiến hành dựa trên hiến pháp như vậy sẽ không đưa ra được kết quả hợp pháp. Tuy nhiên, rất may là Hội đồng đã đồng ý đưa dự thảo ra trưng cầu dân ý vào đầu năm tới, mặc dù điều đó dường như có nghĩa là cuộc bầu cử như đã hứa chỉ có thể được tổ chức sớm nhất là vào tháng 8/2016.
Chính quyền quân sự đã giải tán các đường phố, khóa chặt hệ thống chính trị, và mở ra một quá trình chuyển đổi dài hơi sang một sự dàn xếp mới vẫn chưa được xác định. Trong khi các lực lượng chống đảo chính muốn quay lại nền dân chủ bầu cử, liên minh ủng hộ cuộc đảo chính do Đảng Dân chủ lãnh đạo lại đang dần tìm cách chuyển hướng sang phía đối lập với giới quân đội, với hy vọng có thể giành được quyền lực trong bất cứ trật tự hậu đảo chính nào có thể hình thành trong tương lai.
Hiện tại, Thái Lan đang bị mắc kẹt giữa chế độ chuyên chế và dân chủ, giữa quá khứ và tương lai – và có thể vẫn kẹt ở đó, cho đến khi buổi xế chiều của hoàng gia Thái Lan tắt hẳn. Khi đó, người dân Thái Lan, vốn đang phải chống chọi với sự phân cực trong nước và các thách thức khu vực, sẽ phải huy động các kỹ năng đàm phán từng nổi tiếng của mình để có thể đạt được một sự thỏa hiệp khả thi dựa trên lợi ích chung.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak là Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Chulalongkorn, Bangkok.
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/06/05/qua-do-sau-dao-chinh-thai-lan/#sthash.wSj5TuQh.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cách thức phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân của người xưa


Điển tích Hàn Tín chịu nhục chui háng (Ảnh: internet)
Điển tích Hàn Tín chịu nhục chui háng (Ảnh: internet)
Ngụy Hi – người được xưng là “Thanh sơ tam đại gia” (một trong ba nhà văn lớn hàng đầu của triều đại nhà Thanh) đã từng nói:

“Ta không hiểu biết như thế nào là người quân tử, nhưng nhìn vào khả năng “chịu nhận phần thiệt” trong mỗi sự việc của người ấy là sẽ biết. Ta không biết được như thế nào là kẻ tiểu nhân, nhưng nhìn vào việc “tranh giành phần lợi” của người ấy là sẽ biết.”

Suy ngẫm kỹ càng, thật đúng nó là quanh co như vậy. Có thể chịu thiệt quả là không phải một việc dễ dàng. Cần phải có tấm lòng khoan dung, độ lượng lớn mới có thể chịu thiệt thòi một cách cam tâm tình nguyện. Tiêu biểu là phải khoan dung độ lượng, chịu nhẫn nhục, co được giãn được (tức là biết ứng phó thích hợp với tình hình cụ thể) thì chính là một quân tử. Chẳng trách mà người xưa dùng tiêu chuẩn “có hay không có khả năng chịu thiệt” là yếu tố đầu tiên để nhận biết người quân tử và kẻ tiểu nhân.
Ngày xưa, có một vị thượng thư tên Lâm Thoái Trai, ông ta phúc đức rất nhiều, con cháu đầy đàn. Lúc ông ta sắp lâm chung, con cháu quỳ gối trước mặt ông xin thỉnh cầu lời giáo huấn. Lâm Thoái Trai nói: “Ta không có lời nào khác, chỉ khuyên bảo các con học “chịu thiệt” là được rồi”.
Những người già Trung Quốc cũng thường hay nói “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra, mà chịu thiệt lại có thể tích đức. Xưa nay, rất nhiều anh hùng, cũng đều do có thể chịu nhịn nhục, chịu thiệt mà làm lên đại sự. Nổi danh nhất chính là Hàn Tín có thể chịu nhục chui háng, có thể nói đó là “chịu thiệt” đến cực điểm, bởi vậy sau này Hàn Tín đăng đàn bái tướng, được Lưu Bang phong làm Tam Tề Vương.
Trái lại, nếu như luôn luôn khiến cho người khác phải chịu hại chịu thiệt, như thế thì người này chẳng phải là mất đức rồi sao? Làm nhiều việc xấu còn bị trời trừng phạt, thật sự là cái được không bù nổi cái mất.
Biên dịch: Mai Trà
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện quả vải Việt trong phòng bà Chủ tịch ở Australia


Quốc Phong
VNN - Nếu như từng rất vui khi thấy trái vải thiều Việt Nam kết trái trên đất nước Australia, thì giờ đây tôi lại có niềm vui khác.

Gặp quả vải trên đất người 

Câu chuyện dưa ế không xuất khẩu và cũng không tiêu thụ được trong nước thời gian gần đây, buộc phải trông chờ ở lòng nhân ái của cộng đồng trong nước" giải cứu" đã làm nhiều người phải suy nghĩ. Bởi những hành động đó dẫu thế nào cũng chỉ là giải pháp tức thời, không đủ làm dịu bớt nỗi lo cho người nông dân sau mỗi mùa vụ đổ bao công sức, tiền bạc.  

Nay, mùa vải thiều cũng đã đến. Trái vải thiều sau 5 năm chúng ta thực hiện cam kết về canh tác và kiểm dịch để có thể đủ tiêu chuẩn nhập vào 2 thị trường khắt khe, khó tính bậc nhất thế giới là Mỹ và Australia cũng đã tới lúc đợi chờ một kết quả tốt đẹp. Nó khiến chúng ta phần nào thở phào nhẹ nhõm, hy vọng sau nhiều năm kiên trì thực hiện.

Khi nhắc đến “sự kiện” sẽ có những tấn vải thiều đầu tiên được xuất sang Mỹ và Australia tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 1/6, thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá đây là bước đi rất có ý nghĩa. Ý nghĩa bởi sản phẩm này được trồng theo một chu trình canh tác đặc biệt, được kiểm dịch qua một cửa ải quá khắt khe của 2 nước bạn với nhiều quy định bắt buộc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tuy chưa kỳ vọng xuất sang 2 nước được nhiều ngay trong mùa vụ này, thậm chí cả mùa sau, nhưng chắc chắn đây sẽ là bước khởi đầu đầy hy vọng cho ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Sự kiện này làm tôi nhớ lại, năm 2001, tôi được tháp tùng anh Hoàng Bình Quân, khi đó là Bí thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nay là Trưởng ban Đối ngoại Trương ương Đảng Cộng sản Việt Nam) sang thăm Australia theo lời mời của Hội đồng Giao lưu chính trị gia trẻ Australia. Trong một hôm được bạn đưa tới thăm và làm việc tại toà nhà Quốc hội ở Thủ đô Canberra, Đoàn chúng tôi đã tới chào xã giao bà Chủ tịch Hạ viện.  

Bữa đó, tôi không thể nào quên một thứ trái cây trông rất giống trái vải của Việt Nam trên chiếc khay đựng nhiều loại trái cây rất hấp dẫn, đặt trong phòng bà Chủ tịch, nhưng hơi xa chỗ tôi đứng. Trong đầu tôi lúc đó đoán già đoán non đủ thứ chuyện. Đại thể, sao bạn đón tiếp đoàn mình lại tinh tế đến vậy nhỉ, họ lại mang cả trái vải từ Việt Nam mình ra thết khách Việt sao? Và bỗng nhiên, trong tôi trào dâng một niềm vui và tự hào đến lạ lùng.  

Khi có điều kiện "mục sở thị" gần hơn, tôi thấy quả thật, đó quả là trái cây y xì trái vải, chỉ có điều, nó rất to và hơi quá đỏ, gần như vải Lục Ngạn (Bắc Giang) của ta. Đến lúc được mời dùng trái cây, tôi vội hỏi ngay thì được bà Chủ tịch giải thích rằng loại này mới có từ năm nay. Và nghe nói đây là giống cây được cộng đồng người Việt khi về nước mang giống sang trồng thử, hiện còn rất ít và chưa mấy người được thưởng thức. Khi ăn, tôi cảm nhận được rằng, nó cũng rất khác, không ngon bằng trái vải thiều trồng ở trong nước.

Cơ hội vàng để nhìn lại hướng đi 

Quay trở lại câu chuyện trái vải thiều của ta đã gây giống và kiểm dịch từ 5 năm trước ở Việt Nam theo đơn đặt hàng của Mỹ và Australia, tôi tự hỏi: Không lẽ, cái giống cây ăn quả có xuất xứ Việt Nam đã 14 năm hiện hữu ở Australia như tôi mục kích năm xưa, vẫn chưa được thị trường Australia chấp nhận hay sao?

Phải chăng, giống vải mà kiều bào ta từng mang giống sang năm nào vẫn không đạt chất lượng. Có thể bị lại giống do không hợp thổ nhưỡng, dù chúng ta đều biết, đất đai, khí hậu bên nước bạn rất tốt cho phát triển cây ăn trái cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm... Thế nên 5 năm trước, họ mới đặt chúng ta trồng tại Việt Nam theo quy chuẩn của họ?

Như vậy, nếu như từng rất vui khi thấy trái vải thiều Việt Nam kết trái trên đất nước Australia, thì giờ đây tôi lại có niềm vui khác. Bởi nếu trái vải trồng được trên nước bạn, thì sản vật đặc trưng Việt Nam này đâu còn gì đặc biệt nữa và làm sao có thể xuất sang Australia như sắp tới!

Mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong lúc thảo luận ở Tổ của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 13 đã tỏ ra rất băn khoăn trước hiện tượng ế thừa nông sản, khó xuất khẩu, mà một nguyên do là vì không đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước. Tôi có nêu chuyện này ra hỏi Tiến sĩ Đặng Kim Sơn,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

TS Đặng Kim Sơn đã nói một điều khiến tôi rất tâm đắc. "Theo tôi, đã đến lúc chấm dứt sản xuất nông nghiệp nhiều và rẻ, xuất khẩu hàng thô, không lo xúc tiến thương mại, tiến sang những thị trường mới có giá trị cao hơn. Để thoát khỏi thị trường hạn hẹp hiện có, từng ngành hàng phải nghiên cứu thị trường mới có tiềm năng”.  

“Từng địa phương phải nâng cao giá trị trong toàn chuỗi nông sản ở địa bàn thích hợp nhất, từ sản xuất – chế biến – kinh doanh đảm bảo chất lượng, vệ sinh, được chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Ngành thương mại và các doanh nghiệp phải tập trung mở cửa và phát triển thị trường. Các lĩnh vực giao thông vận tải, điện, khoa học công nghệ… cần chung tay tạo nên bước đổi mới quan trọng này."- ông bày tỏ.

Việc Việt Nam đặt mục tiêu mùa thu hoạch vải thiều này sẽ đưa khoảng 100-200 tấn vào các thị trường mới, quả thật, cũng chỉ bằng một lượng quá nhỏ trong tổng sản lượng 200.000 tấn hiện giờ. Trong khi đó, như nhận định của lãnh đạo Bộ Công Thương thì đối với mỗi nông phẩm là trái cây khi ra thị trường nước ngoài, nhất là những anh nào khó tính, sẽ phải mất 8-10 năm để họ thích nghi dần. Nghe mà thấy sốt ruột nhưng rõ ràng, tiềm năng lớn đang rộng mở phía trước.

Và, cái mà tôi vừa gọi là "sự kiện" như ở đầu bài viết này, khi vải thiều Việt Nam đủ tiêu chuẩn quốc tế, sắp có những tấn hàng đầu tiên nhập vào 2 thị trường khó tính bậc nhất kia, quả là một tin vui. Nó đang là cơ hội vàng mà chúng ta phải nắm bắt, từ đó nhìn lại hướng đi, cách thoát hiểm cho nông sản Việt Nam.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Anh hùng?


Huy Đức
Tôi không có đủ hồ sơ để đánh giá "những sai phạm" của ông Kim Quốc Hoa nhưng với những gì nêu trong bài >>>này thì thấy rằng ông Hoa có khá nhiều sơ hở. Ông Hoa có thể rất khó chứng minh tất cả những người chống tham nhũng là "bọn biến chất"; có thể không có bằng chứng khi nói về "thị trường sao vạch"... Nhưng vấn đề là, buộc tội ông rồi dân có tin ở VN "không có thị trường sao vạch" không? Có tin những người chống tham nhũng là trong sạch không?

Về những bài báo "không phù hợp với quan điểm của Đảng", "ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, của cá nhân Tổng bí thư"... thì theo tôi không thể đặt nó trong phạm vi điều chỉnh của luật hình sự được. Mặt khác, trong một đất nước mà báo chí và dân không được quyền chỉ trích, quyền nói khác quan điểm của đảng cầm quyền (ngay cả những chỉ trích đó không chính xác) thì làm sao có thể coi đất nước đó có dân chủ". Làm sao có thể "lợi dụng quyền tự do dân chủ" khi quyền đó không tồn tại.

Nếu thực sự ông Kim Quốc Hoa đã cho đăng những bài báo sai sự thật thì hãy để những người có liên quan yêu cầu tờ báo trả lời, đính chính theo Luật Báo chí. Nếu tờ báo hoặc ông Kim Quốc Hoa không tuân thủ Luật Báo chí hoặc có những bài báo vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm các tổ chức, cá nhân thì hãy để các tổ chức, cá nhân đó khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu khởi tố theo Bộ Luật Hình sự.

Ông Hoa bị khởi tố vào ngày mà 7 năm trước đó hai nhà báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt trong vụ PMU 18. Nếu như trong vụ PMU 18, các báo thay vì bị bắt mà bị các ông Nguyễn Việt Tiến, Cao Ngọc Oánh kiện ra tòa vì đã đăng những thông tin bịa đặt vu khống, bôi nhọ họ. Thì, cho dù các nhà báo có chứng minh, họ vì quá ngây thơ nên đã bị những kẻ lưu manh như Tướng Quắc biến thành công cụ đâm thuê chém mướn trước đại hội của một số người, thì các nhà báo cũng phải nhìn ra lỗi lầm của mình.

Đành rằng báo chí Nhà nước đã từng nhiều khi rất lộng quyền (mà nạn nhân thường chỉ là người ngay), cách xử lý của chính quyền vẫn thường biến họ trở thành anh hùng thay vì, đôi khi, đáng lẽ họ phải ra đi xấu hổ.

FB Trương Huy San
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

CHÁY NHÀ MÀ HỔNG RA...MẶT CHUỘT.




Dạo này cháy nhiều quá, quất lại bài của cố Nguyễn Đăng Ninh, thân phụ của " dáo xư" Óc - phọt Nguyễn Quảng aka lãnh tụ Bín bần nông mặt l... trâu kính mến. Tôi chêm pha và ê- đít tí ti.

CHÁY.

Từ dờ dở đi tớ sẽ xưng Cố. Thực sự là đéo thích lắm nhưng những đại từ hay ho chúng nó chiếm con mẹ nó hết rồi. Thằng xưng bác, thằng xưng dì, thằng xưng dượng thậm chí còn có thằng xưng trẫm. May quá sót lại từ Cố chưa thấy thằng nào đăng ký. Ha ha.

Mấy ngài nay Cố ong hết cả thủ với cái loa phường. Sáng đá bát phở, nó eo éo chuyện phòng cháy, chiều tợp cốc bia cũng lại phẩy nghe nó èo ẹo chuyện phòng cháy. Thông tin bổ ích thì đi một nhẽ, đàng này ra rả toàn chuyện cũ rích thằng đéo nào cũng biết. Thế mới cay.

Để cạnh tranh với cái loa phường, Cố quyết định biên một tham luận nhỏ về cháy aka Hỏa hoạn. Tham luận này cũng bâu gồm nguyên nhân và cách phòng tránh.

Nguyên nhân chính gây hỏa hoạn:

Điện aka ê - nếc - chích (Cố đếch biết viết tiếng tây).

Cháy do chập Điện chiếm hơn 80% đéo nói nhiều. 20% còn lại là do đun nấu thắp hương, hóa vàng xăng ga bất cẩn. Tóm lại, giải quyết được thằng điện là hạn chế được 80% hỏa hoạn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào và tại sao? Ờ, cái này Cố nghe mấy ngày nay mà đéo thấy loa phường đề cập đến.

Ở nước ngoài ví dụ như quê vợ thằng Bín đéo bao giờ thấy cháy do chập điện. Ở Việt nam thì cứ nghe báo chí đưa tin hỏa hoạn là y như rằng nguyên nhân do chập điện. Nhiều lúc Cố tự hỏi phải chăng điện bên Anh quốc khác điện Việt nam? Nếu có khác thì khác thế lào?

Cố có thằng cháu họ dưới quê tên Sìn Sít. Thằng Sít văn hóa hết lớp 5, 14 tuổi theo bố đi làm phụ hồ. Được vài năm thì nó biến thành thợ điện, chả qua trường lớp đéo nào. Thế mới tài.

Ở VN có cái lạ là ai cũng có thể làm thợ điện. Cứ có cái túi bạt chứa cà lê tô vít với cuộn băng dính, thêm cái bút thử điện, dán quảng cáo tùm lum gốc cây cột đèn là toách phát thành thợ điện. Bố con thàng Sít xây nhà cho người ta là gạ người ta cho làm nốt điện nước. Chủ nhà thấy tiện gật cái bốp. Nhà xây xong bật đèn thấy sáng, bật quạt thấy quay là nghiệm thu trả tiền. Chúng nó làm thế nào biết đéo đâu đấy vì chôn cả trong tường chả nhẽ cậy ra kiểm tra. Một lần chính mắt Cố nhìn thấy thằng Sít đấu điện cho người ta. Nó xoắn hai đầu dây vào nhau, tút cái ni lông mỏng dính ở vỏ bao thuốc bọc lại, lôi cái bật lửa ga ra hơ qua hơ lại rồi vả vữa lên. Cố vãi cả đái với kiểu nó nối dây. Bố con thằng Sít vẫn kiếm ăn được vì các con bò chủ nhà đéo bao giờ đòi thằng thợ điện cho xem bằng cấp.

Các bạn thân mến, nếu các bạn từng xây nhà, Cố cược là các bạn cũng chưa từng hỏi điều tương tự.

Điện đóm là nó lằng nhằng lắm. Thiết kế có chuẩn đến đâu mà vớ phải mấy ông thợ vườn là hỏng con mẹ nó hết. Nhưng sao vẫn có người thuê? À, vì rẻ. Cái sự tham rẻ của chủ đầu tư dẫn đến vô số hệ lụy đáng tiếc. Nếu ấp dụng đúng tiêu chuẩn thì giá đội lên gấp 10 thì ông đéo nào chả xoắn dái vào vì tiếc của.

Thăng Bín nó bảo Cố rằng: Ở Anh quốc làm điện mà đéo có lai - sần là tù. Có lai - sần mà làm đéo đúng theo tiêu chuẩn này cũng tù.


Chỗ nào hay cháy? Tại sao? Cố phải biên nốt phần này để các bạn phòng ngừa.

Quán bar, sàn nhảy, karaoke, nhà hàng rất hay cháy.

Nó hay cháy là do hệ thống chiếu sáng bị chập vì hệ thống này luôn không đúng tiêu chuẩn cả về thiết kế lẫn thi công. Một mạch đèn tiêu chuẩn chỉ 8 điểm chiếu sáng mà các bố thợ vườn toàn tương lên 80 điểm thì làm gì mà không quá tải. Áp - tô - mát nhảy vài lần thì alo cho thằng thợ điện đểu đến lắp cái to hơn cho hết nhảy. Áp - tô - mát không nhảy thì dây điện phải cháy là lẽ đương nhiên. Trần xốp cách âm bắt lửa vèo vèo, thế là hôm sau báo chí đưa tin như này:

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/198782/nguyen-nhan-ban-dau-vu-chay-quan-bar-luxury.html

Nhà xưởng, kho hàng, chợ búa cũng là mồi ngon cho bà hỏa. Hệ thống điện đóm cho những nơi này thường bị chuột xơi lớp vỏ cách điện gây chập cháy. Tại sao chuột lại xơi được lớp vỏ cách điện? Là bởi vì dây điện có được đi trong ống ghen đúng tiêu chuẩn đéo đâu. Các kho hàng mà chứa vải vóc, hộp giấy, hóa chất thì càng dễ cháy. Dây điện quá tải nóng đỏ bắt vào hộp các - tông rồi xông sang thùng hóa chất....rồi thì là cháy trụi thùi lụi:

http://vnexpress.net/photo/thoi-su/pha-cua-kho-tap-hoa-boc-chay-de-cuu-hang-3075321.html

Biển quảng cấu ne-on đặc biệt dễ cháy. Sở dĩ nó dễ cháy vì mấy thằng thợ làm biển chả biết đéo gì về điện. Một cái biển cỡ trung chứa tầm 20 bóng đèn tuýp, ballat đèn nóng hừng hực, dây điện đểu chạy như mì tôm bên trong. Biển này thường để ngoài trời phơi mưa nắng dây nó ải cmn ra. Đến tối bật lên nó chập toách phát, là cháy.

Hôm qua Cố vào chợ Hôm Đức Viên mua ít vải. Ngắm hệ thống điện của chợ mà Cố vãi cả đái. Không tiến hành sửa ngai và luôn thì cháy chợ chỉ là vấn đề thời gian.

Tạm thế nhé. Bàn sâu vào thì lắm chuyện lắm. Bây giờ Cố bàn về cách phòng ngừa.

Nếu bạn xây nhà, nhà hàng, nhà kho....đừng tham rẻ khi thuê thợ điện và mua vật tư. Hãy tham khảo kỹ các tiêu chuẩn về điện. Nhất thiết phải lắp áp - tô - mát chống rò (RCD) chống quá tải (MCB). Nếu đi nhà hàng nên chọn cái nào có ít đèn đóm và đừng ngồi gần bếp. Nếu đi hát, chọn quán nào có thang thoát hiểm. Còn nếu giao cấu thì hãy chọn buồng có cửa sổ và ban công.

Nhớ nhé. Thôi Cố thăng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thế khó của Mỹ với Trung Quốc tại Biển Đông


Trung Quốc khăng khăng không chịu dừng các hoạt động xây dựng phi pháp tại Biển Đông, khiến Mỹ rơi vào thế lưỡng nan, không thể không kiềm chế Bắc Kinh, nhưng lo ngại một phản ứng sai có thể dẫn tới xung đột quân sự hoặc chiến tranh lạnh.
24-8114-1433393912.jpg
Đô đốc Tôn Kiến Quốc (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) tại Đối thoại Shangri-La cuối tuần qua. Ảnh: WSJ
Tại Hội nghị Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công khai chỉ trích hành động xây đắp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời khẳng định rằng, Mỹ sẽ điều máy bay và tàu hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép. Trong khi đó Trung Quốc tuyên bố việc tiếp cận quá gần các bãi đá mà Bắc Kinh đang chiếm đóng là hành động khiêu khích.
Ông Carter cũng điểm các hệ thống vũ khí mới mà Washington dự định sẽ điều tới châu Á, trong đó có tàu khu trục tàng hình Zumwalt. Đây được cho là nhằm tạo cơ sở để Mỹ triển khai lực lượng tới khu vực trong tương lai.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc dường như không e ngại các tuyên bố của ông Carter. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc, tiếp tục bao biện cho hành động xây đắp đảo trái phép của nước này tại Biển Đông. Thậm chí một đại diện của Trung Quốc, đại tá Triệu Hiểu Trác, còn cho rằng "lời lẽ của ông Carter không cứng rắn" như dự đoán.
Theo Wall Street Journal, sự ngoan cố này của Trung Quốc đặt chính quyền Tổng thống Barack Obama vào thế tiến thoái lưỡng nan trong xử lý quan hệ hai nước. Hiện nay đang có một cuộc tranh luận trong giới chức Mỹ giữa những người tin rằng các hoạt động của Trung Quốc phải được kiểm soát và kiềm chế; với những người lo ngại rằng một phản ứng sai của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự, thậm chí là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.  
Chính sách tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là nhằm tái bảo đảm cho các đồng minh vốn lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể sẽ tạo ra nguy cơ gây đối đầu với Trung Quốc và có thể phân cực khu vực, tạo ra một thế khó cho các quốc gia châu Á, những nước không muốn phải chọn đứng hẳn về một bên nào.
Các quốc gia như Hàn Quốc là đồng minh quan trọng, nhận sự bảo vệ quân sự từ Mỹ, nhưng lại có mối quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Seoul và Bắc Kinh hôm 1/6 vừa ký kết thỏa thuận thương mại tự do song phương, được lãnh đạo hai nước đánh giá là "cột mốc lịch sử". "Thông qua thỏa thuận này, Trung Quốc có thể đã tìm cách nắm lấy Hàn Quốc trong khi cạnh tranh để giành sự lãnh đạo kinh tế và chính trị ở Đông Bắc Á", New York Times dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết.
Một số nhà phân tích Mỹ lập luận về một sự thoả hiệp, theo đó Mỹ sẽ nhượng bộ để Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực, và Washington sẽ rút bớt lực lượng để tạo ra một vùng đệm chiến lược giữa hai nước. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt trật tự hậu Thế chiến II mà Mỹ đóng vai trò là cường quốc dẫn đầu.
Một số khác, trong đó có cả các nghị sĩ quốc hội, tin rằng Mỹ cuối cùng sẽ phải thể hiện sức mạnh quân sự, bất chấp nguy cơ có thể xảy ra những toan tính sai lầm từ cả hai phía. Một trong những tiếng nói mạnh mẽ từ Quốc hội Mỹ là Thượng nghị sĩ John McCain với quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động gây bất ổn chừng nào nước này còn chưa thấy rằng cái giá phải trả sẽ lớn hơn lợi ích đạt được.
Ngay cả giới quân sự Mỹ hiện cũng không có một sự đồng thuận về cách tiếp cận tình hình. WSJ dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, một số quan chức trong Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nhận thấy sự cần thiết phải có phản ứng đối với sự hung hăng của Trung Quốc, trong khi một số khác tại Lầu Năm Góc lại lo ngại rằng phản ứng quá nghiêng về sức mạnh sẽ mang đến hệ quả ngoài ý muốn.
"Hiện không có một quan điểm thống nhất trong Bộ Quốc phòng. Tất cả đều nhất trí rằng những gì họ (Trung Quốc) đang làm là sai, nhưng vấn đề hành động như thế nào để thay đổi cách hành xử đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ", quan chức này nói.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện để ngỏ khả năng thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Phát biểu tại hội nghị cuối tuần qua, Đô đốc Tôn Kiến Quốc cho biết nếu như Bắc Kinh cảm thấy uy hiếp tại Biển Đông đủ lớn, thì sẽ có thể thiết lập ADIZ. Trước đó, ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng có phát biểu tương tự.  
Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng có thể là những quân bài trong một cuộc chơi quy mô lớn hơn sẽ diễn ra trong vài thập kỷ tới, khi Trung Quốc nỗ lực phá vỡ vành đai hệ thống liên minh của Mỹ trải dài từ Hàn Quốc tới Australia mà Bắc Kinh tin rằng nó đang trấn áp sự trỗi dậy của nước này.
Chính vì vậy, chính quyền Tổng thống Obama đang tìm kiếm một "sự cân bằng hợp lý" để vừa có thể gia tăng sức ép nhưng vừa tránh làm tình hình căng thẳng vượt mức cần thiết mà vẫn đạt được mục tiêu. Theo ông David Shear, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là Trợ lý phụ trách các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, "không có giải pháp nhanh chóng và dễ dàng cho vấn đề này".
Đức Long
Phần nhận xét hiển thị trên trang